Những ngày cận Tết Đinh Dậu, người chăn nuôi cả nước đang khốn đốn khi giá heo giảm kỷ lục, xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Thịt heo hơi hiện chỉ còn 24.000-27.000 đồng/kg.
Thịt lợn giá thấp khủng hoảng, người nuôi thả rông, dân
đua nhau đánh đụng
Chưa bao giờ giá lợn hơi xuống thấp khủng hoảng 15.000 đồng/kg
nhưng vẫn khó bán, người dân đua nhau đánh đụng. Có gia đình nuôi lợn mắc kẹt
vì không bán được, phải thả rông lợn dọc bờ sông để chúng tự ăn bèo sống qua
ngày.
Hiện giá thịt lợn hơi rơi vào mức thấp khủng hoảng, chỉ từ
15.000 – 16.000 đồng/kg, khiến nhiều người dân thi nhau “đụng thịt”.
Từ ngày giá lợn hơi xuống thấp thê thảm, khi vào các
thôn, xóm không khó để bắt gặp cảnh hàng chục người dân đứng ngồi mổ thịt lợn
như những ngày giáp Tết.
Gia đình ông Khải cùng 3 hộ khác rủ nhau đụng lợn vì rẻ
như rau.
Cùng mấy người hàng xóm thoăn thoắt vừa cạo lông, vừa làm
lòng, ông Trần Văn Khải, thôn Cầu Nhân, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, Nam Định,
cho biết, gia đình ông cùng 3 nhà nữa mới chung nhau “đánh đụng” một con lợn nặng
hơn 70kg nhưng giá chỉ có 15.000 đồng/kg. Cách đó không xa, bà Trần Thị Đang
cùng với 3 hộ khác cũng đang mổ một con lợn, nặng 92kg.
“Lợn trong thôn họ thịt hết rồi nên chúng tôi phải nhờ
người bắt hộ ở nơi khác về đánh đụng, với giá 16.000 đồng/kg. Cả con lợn nặng gần
1 tạ, trả thêm công mổ 130.000 đồng nữa mới hết có 1,6 triệu đồng.
Trong khi, tôi đi chợ, mua 1kg cải thảo giá cũng 29.000 đồng/kg,
1 quả mướp bé bằng 2 đầu ngón tay, dài chừng hơn 1 gang cũng đã 5.000 đồng/ quả.
Hay 1kg quả đỗ cũng có giá 25.000 đồng/kg. Mà lợn rẻ thế, tội gì không đụng về
ăn cho đã”, bà Đang nói.
Riêng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thấy giá lợn tụt dốc cũng
không “đành lòng” bán cho thương lái mà rủ thêm 2 – 3 nhà hàng xóm “đụng”
chung.
“Thấy người ngườ,i nhà nhà đụng lợn như ngày Tết. Có nhà
nuôi lợn lỗ quá, tự thịt lấy gửi lên Hà Nội cho con cái đang trọ học trên đó ăn
dần. Có nhà thấy rẻ hơn ở chợ gấp đôi, ba lần nên chung nhau làm thịt. Tôi cũng
đã bàn với 4 nhà nữa sẽ đánh đụng một con khoảng 1 tạ vào dịp 30/4 tới đây”, bà
Trần Thị Ngót, thôn Đại Thắng cho hay.
Trong khi đó, các chủ nuôi khóc ròng.
Trang trại của anh Trần Văn Linh, thôn Đại Thắng, hơn 1
tuần trở lại đây, có rất nhiều người dân đến hỏi mua lợn về đụng. “Chỉ riêng
ngày hôm qua đã có 4 con lợn được hàng chục người trong thôn bắt về thịt. Bình
quân mỗi con nặng khoảng 1,5 tạ nhưng tôi chỉ bán vo với giá 2 triệu đồng”, anh
Linh cho hay.
Trang trại hàng trăm con không bán được, người nuôi gạt
nước mắt bán cho dân mua về tự đụng, giá chỉ 15.-16.000 đồng/kg, một cân lợn
hơi có giá tương đương mớ rau muống trong siêu thị.
Theo anh Linh, giá lợn hạ quá thấp nên nhiều người rủ
nhau đụng lợn. Bởi thông thường, chỉ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc những dịp nghỉ
lễ dài ngày, người dân mới có thói quen “đụng” lợn. Theo đó, một con lợn cỡ vài
chục cân đến hàng tạ được 4 – 5 nhà chung nhau mổ. Lợn đánh đụng thường là những
chú lợn còi từ đàn lợn, bị thương lái chê không mua hoặc trả giá rẻ, hay những
con lợn nái khả năng sinh sản kém mới được người dân rủ nhau “đánh đụng”.
Hiện trang trại của anh Linh còn hơn 100 con, trong đó có
90 con đang đến lứa xuất chuồng. Bao nhiêu vốn liếng, anh Linh dồn cả vào đàn lợn
với hy vọng bán vào dịp lễ, tết 30/4 sắp tới giá sẽ cao. Song, chẳng ngờ được
khi giá càng ngày càng xuống dốc không phanh.
“Cách đây hơn tháng, thương lái vào trả với giá 30.000 đồng/kg
lợn hơi xuất chuồng. Thấy xót nên tôi cố gắng giữ lại chờ giá cao hơn để gỡ gạc
vốn liếng nhưng càng chờ thì giá càng lao dốc. Mà không bán giữ lợn lại thì
càng lỗ nhiều hơn”, anh Linh ngán ngẩm nói.
Theo nhẩm tính của anh Linh, bán vo mỗi con bình quân 1 tạ
rưỡi với giá 2 triệu đồng, anh lỗ hơn một nửa số vốn ban đầu.
Cũng chung thảm cảnh, anh Trần Xuân Quyền, chủ trang trại
chăn nuôi cùng thôn giãi bày, chưa bao giờ giá lợn ở mức thảm hại như vậy. Nếu
như bằng giờ này năm trước, giá bán hơi ít nhất cũng trên 30.000 đồng/kg, giá
bán tại các chợ cũng ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg. Giá mỗi con lợn giống từ 8
– 10kg ở mức 1,5 triệu/con thì nay chỉ còn 150.000 đồng/con nhưng cũng không chủ
trang trại nào dám đầu tư vào.
Chính vì vậy, dù lợn sắp đến ngày xuất nhưng nhiều người
chăn nuôi vẫn không buồn vỗ béo cho đàn lợn của mình vì đã kiệt quệ.
Thậm chí, nhiều ngày nay đàn lợn của gia đình chị Hòa ở
Lý Nhân – Hà Nam không được ăn cám mà phải thả rông dọc bờ sông để tự ăn bèo.
Sáng sáng, chồng chị lùa đàn lợn của mình ra sông cho ăn bèo sống qua ngày. Bởi
theo lời chị, các đại lý bán cám trên địa bàn hiện cũng lâm vào cảnh vỡ nợ nên
cắt đứt nguồn cung cấp cám cho các hộ chăn nuôi.
Trước tình hình giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu, Bộ trưởng
Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhóm
giải pháp để “cứu” ngành chăn nuôi lợn.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao
cho Bộ phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh
nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết
kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn
nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đạt trong nhóm các nước có giá
thấp nhất trong khu vực. Đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho
các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các
ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn
nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến
thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp
Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt
gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Thúy Ngà
Văn Quang viết từ Sài Gòn - 01.5.2017
Sống chung với xác lợn thối
Trong bài trước tôi đã tường thuật cùng bạn đọc cảnh tiêu điều của tình trạng
khai thác cát quá mức, gây ra nhiều nỗi khổ cho người dân. Biển đã bị đầu độc,
rừng cũng bị tàn sát không thương tiếc. Từ tỉnh đến trung ương hứa “sẽ giải quyết
nhanh chóng ở khắp mọi miền đất nước.” Nhưng đến nay đã làm được gì? Nỗi khổ của
dân vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong những ngày gần đây nhiều người dân ở các tỉnh như Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng…
người dân vẫn phải sống chung với đủ thứ chất độc hại từ môi trường thải ra từ
xác lợn thối ngập đầy đồng đến tình trạng cá chết trên đồng ruộng Bắc Hưng Hải
hàng nghìn hecta lúa có nguy cơ mất trắng. Ô nhiễm vẫn tràn ngập khắp nơi. Các
nhà máy, các bệnh viện cũng thi nhau xả rác độc hại cho dân hưởng cái chết trắng,
các quan chỉ ngồi họp, ngồi bàn rồi thảnh thơi ra về mặc kệ thằng dân. Một thí
dụ điển hình như ở Hà Nam xác lợn ngập tràn ngõ xóm dân tha hồ sống chung với
xác chết lợn thối.
Điêu đứng vì ô nhiễm môi trường
Người dân thôn Điền, xã An Nội (huyện Bình Lục, tỉnh
Hà Nam) nhiều năm nay điêu đứng vì ô nhiễm môi trường khi sống chung với xác lợn
chết ngập tràn mương nước.
Khoảng 2 năm nay, tại mương tiêu Điện Biên chảy qua thôn Điền, xã An Nội xuất
hiện hàng loạt xác lợn chết trôi nổi đã mục rữa giữa dòng nước.
Ông Trịnh Văn Úy, người dân thôn Điền cho biết: Tình trạng trên xảy ra thường
xuyên khoảng 2 năm nay, cứ mỗi lần nước từ xã An Ninh, huyện Bình Lục chảy về
là khu vực thôn Điền lại ngập ngụa xác lợn. Số lợn chết dạt về có ngày lên đến
50 - 60 con.
Cụ thể ngày 13-4 vừa qua, cả nhánh kênh dài chảy qua địa phận thôn Điền nhuốm
màu đen kịt, bốc mùi hôi nghẹt thở. Những xác lợn chết dạt vào hai bờ kênh, ruồi
bọ bu kín.
Nhiều xác lợn được chặt thành từng khúc, nhét vào bao tải, buộc chặt trôi nổi
giữa dòng nước.
Người dân sống cạnh bờ kênh chỉ biết chuẩn bị sẵn cây sào tre để mỗi lần có xác
lợn dạt về là dùng sào đẩy đi chỗ khác. Cứ tuần tự, nhà này đẩy sang nhà khác,
rồi đẩy ra sông.
Xác lợn chết đang phân hủy trên mương nước chảy qua thôn Điền
Các quan xã đá việc lên cấp trên
Trong khi Xác lợn trôi về như bão thì Ông Đinh Văn
Toàn, Phó chủ tịch xã An Nội xác nhận tình trạng xác lợn trôi nổi gây ô nhiễm.
Nếu ngày thường không bơm nước thì không sao, nhưng khi nước ào xuống, xác lợn
tràn về "nhiều như bão.” Số lợn chết này hầu hết không phải của người dân
xã An Nội vứt ra sông mà từ xã như An Ninh, Bồ Đề... trôi về.
Lò đốt rác của BVĐK Ninh Bình xả khói đen ngòm kèm bụi bẩn, mùi nồng nặc ra
môi trường.
Ngoài ra, ông Toàn cho biết, trong các cuộc họp ở huyện,
vấn đề này cũng được đưa ra để bàn bạc, phương án là tuyên truyền cho nhân dân
các xã “tự xử lý,” vớt xác lợn đem đi chôn lấp. Tuy nhiên tình trạng xác lợn ngập
tràn trên mương nước chảy qua thôn Điền vẫn không được cải thiện.
Nhà nhà bịt kín cửa để tránh mùi hôi thối
Thì ra các quan dạy thằng dân “tự xử lý” với nhau,
quan không biết đâu.
Ông Phan Văn Hương, bí thư chi bộ thôn Điền: "Người dân sống cạnh mương rất
bức xúc, trong các cuộc họp đều đưa vấn đề này ra bàn bạc và kiến nghị lên cơ
quan cấp trên nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để.”
Các quan xã lại đổ cho các quan trên nên “vẫn chưa giải quyết triệt để,” thế là
xong việc của ông. Lại theo ông, kế hoạch xây hố rác cho các thôn ở xã An Nội
đã được một đơn vị môi trường ở Hà Nam đặt ra từ năm 2015. Thế nhưng đến nay,
việc này vẫn còn nằm trên giấy.
“Công văn bỏ túi quần, chỉ thị bỏ túi áo, kế hoạch còn nằm trên giấy” là những
thói quen của các quan ở VN.
Ngoài tỉnh Hà Nam còn tỉnh Hải Dương cũng có hàng nghìn hecta lúa nguy cơ mất
trắng.
Các công ty tha hồ xả độc vào sông, dân không dám dùng để nấu cơm
Nhiều cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tân Hồng (tỉnh Hải Dương) ồ ạt xả thải
khiến sông Bắc Hưng Hải có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối và cá chết hàng loạt.
Sông Bắc Hưng Hải là nguồn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt
hàng ngày cho nhiều xã của huyện Bình Giang (Hải Dương). Thời gian gần đây, nước
sông ô nhiễm nặng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng nghìn ha lúa đang thời kỳ làm đòng, rất cần nước nhưng chính quyền đóng
các trạm bơm rồi khuyến cáo người dân “không được lấy nước từ sông vào đồng ruộng
cũng như sử dụng để sinh hoạt.” Có nghĩa là không được nấu cơm, không được tắm
rửa, không được nấu nước uống.
Người dân bất lực nhìn cảnh dòng kênh ô nhiễm
Trước việc hàng nghìn ha lúa lâm vào tình trạng khô hạn,
chính quyền địa phương đã bơm nước từ nơi khác vào sông Bắc Hưng Hải để dồn, đẩy
toàn bộ nước ô nhiễm về hạ nguồn nhưng không thành công.
Bây giờ người dân chỉ trông chờ vào thời tiết. Nếu mưa lớn sẽ giải cứu được
dòng sông và diện tích lúa chiêm xuân của huyện khỏi nguy cơ mất mùa,
Ngày 18/4, bà Nguyễn Thị Hải Hòa, chuyên viên của Sở Tài nguyên cho hay, ba
tháng trước, Sở đã phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra chống tội phạm về môi
trường tỉnh Hải Dương kiểm tra, phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến việc
xả nước thải không đạt chuẩn, nước thải độc hại ra sông Bắc Hưng Hải của các
công ty Lục Nam; Quốc Pháp; Công ty cổ phần Tiến Long và nhà kinh doanh Nguyễn
Văn Tuấn tại cụm công nghiệp Tân Hồng.
Đoạn kênh dài ngập ngụa rác thải và xác lợn đang thối rữa.
Tuy nhiên, các công ty và ông Tuấn không chấp hành, tiếp
tục xả thải.
Tại sao các công ty này coi cơ quan chống tội phạm về môi trường không ra gì có
phải đã có quan trên “chống lưng” rồi không?
Một người dân là bà Hòa than thở: “Bây giờ chỉ trông
chờ vào thời tiết. Nếu mưa lớn sẽ giải cứu được dòng sông và một phần diện tích
lúa chiêm xuân của huyện khỏi nguy cơ mất mùa.”
Người dân đành phải chờ ông Trời cứu mình thôi, đừng trông mong gì vào các quan
từ làng đến tỉnh. Ráng chịu đi bà con ơi !!!
Trong khi người dân sống dở chết dở thì có tỉnh lại có tỉnh mang tiền tỉ mua ấm
chén tặng lung tung.
Chào mừng đủ thứ lễ
Cách đây nhiều năm, từng có số liệu thống kê cho thấy
tổng số ngày kỷ niệm trong nước và quốc tế tại Việt Nam là 428 ngày, trong đó
có 120 ngày kỷ niệm trong nước (sự kiện quốc gia; ngày thành lập ngành, ngày
thành lập, tái lập tỉnh, thành), 308 ngày lễ kỷ niệm quốc tế (sự kiện quốc tế;
ngày quốc khánh các nước). Số liệu này còn chưa bao gồm các ngày kỷ niệm các tổ
chức chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… Thôi thì đủ thứ lễ lạc liên miên. Mỗi
dịp như thế tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng tiền của dân.
Riêng tỉnh Vĩnh Phú làm lễ “chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh,” UBND tỉnh
Vĩnh Phúc đã tặng một bộ ấm chén đại các vị đại biểu đến dự lễ kỷ niệm và cho mỗi
gia đình có hộ khẩu thường trú tại tỉnh. Bộ ấm chén tặng quan khách và đại biểu
có giá trị cao hơn bộ ấm chén tặng người dân.
Bộ ấm chén làm quà tặng được tỉnh Vĩnh Phúc mua
biếu tặng quan khách
Tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh Vĩnh Phúc lên tới gần 65 tỉ đồng.
Một tỉnh nhỏ như Vĩnh Phúc dám bỏ ra gần 3 triệu USD để mua bộ ấm chén làm quà
tặng nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh khiến dư luận giật mình!
Tôi chỉ nêu ý kiến của người dân:
- Bạn đọc Thành An viết: "Tết Nguyên đán Thủ tướng
cấm đốt pháo hoa để cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, vậy mà tỉnh Vĩnh
Phúc lấy tiền ngân sách nhà nước cũng là tiền của dân chi mua ấm chén để làm
quà biếu... Thật không hiểu....”
- Trong khi đó, bạn đọc Đặng Phương la làng: "Trời ơi, các vị có biết
trong tỉnh các vị còn bao gia đình nghèo đói, bao nhiêu học sinh - sinh viên học
giỏi mà hoàn cảnh nghèo khó, bao nhiêu trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bao nhiêu
cầu đường, trường trạm hư hỏng cần sửa chữa... Biết bao nhiêu công trình ý
nghĩa để chào mừng sự kiện tái thành lập tỉnh cho dân được nhờ. Mang ngần ấy tiền
mua quà tặng thì chỉ có các vị nảy ra tối kiến này được "ấm bụng" mà
thôi"!
- Một bạn đọc ký tên “Tôi là nông dân” viết:
"Nông dân bán: 1kg gà 15.000-19.000đ, 1kg heo hơi 22.000-24.000đ, 1 ký ớt
4.000-5.000 đồng, 1 ký dưa 1.500 đồng, 1 ký bắp cải 800 đồng... Vậy mà người ta
chi 64 tỉ mua bộ ấm chén làm quà tặng... Chỉ còn biết kêu trời thôi.”
Những bao tải chứa xác lợn được tập trung trên mương nước
- Cùng bất bình với việc này, bạn đọc tên Bình bổ
sung: "Đọc xong mà tội nghiệp học sinh tui. Bớt quà sáng, nhịn ăn sáng để
tham gia các phong trào Đội ủng hộ thiên tai, lũ lụt; ủng hộ đồng bào phía Bắc.
Vậy mà họ chi 65 tỉ mua đồ chơi.”
- Bạn có tên Nam viết:
“Tôi chưa thấy nước nào tặng quà lưu niệm cho cả tỉnh bao giờ. Chắc sắp tới nhà
nước tiếp tục tặng quà cho nhân dân cả nước...?. Nếu tất cả phải qui ra tiền.
Chỉ có cán bộ Việt Nam mới "thông minh" cỡ này. Tôi chưa thấy nước
nào tặng quà lưu niệm cho cả tỉnh bao giờ. Chắc sắp tới nhà nước tiếp tục tặng
quà cho nhân dân cả nước nhân dịp ... nào đó?. Nếu có, tất cả phải qui ra tiền.
Chỉ có cán bộ Việt Nam mới "thông minh" cỡ này!
Vâng, thưa bạn đọc!
Những ông cán VN bây giờ thông minh nhất thế giới nên
ông nào cũng giàu, cũng đi xe hơi đẹp, nhà cửa toàn là nhà lầu giữa phố. Còn thằng
dân sống ra sao mặc xác tụi bay. Mày sống với xác lợn thối hay ăn nước thối chứ
ông ở nhà lầu ông có thấy gì đâu.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Khủng hoảng
lợn hơi: Sổ đỏ cắm ngân hàng, lợn thả rông ai bắt thì bắt
Giá lợn
xuống thê thảm khiến bà con phải cắm sổ đỏ để duy trì. Lợn bán không ai mua,
cho không ai lấy nên nhiều chủ trang trại đành thả rông ai bắt thì bắt, chỉ cần
có người mua là các bán hết, không cần biết giá nào.
Theo báo
cáo của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), với giá
lợn hơi trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây trung bình là 25.000 đ/kg
trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000- 39.000 đồng/kg. Do vậy, người chăn
nuôi bị thiệt hại khoảng 1- 1,6 triệu đồng/con. Với số lượng khoảng 1,5 triệu
con lợn thịt (bán ra từ tháng 10/2016 đến nay), các hộ chăn nuôi trên toàn
Thành phố Hà Nội ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tại Hội
nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội ngày 27/4,
ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, giá
lợn xuống thấp quá nhiều khiến các trang trại thay vì đưa lợn ra lò mổ để giết
thịt đã tự giết mổ ngay tại trang trại để giảm chi phí.
Người dân
thay vì ra chợ đã mua lợn hơi về giết mổ tại nhà vì giá quá rẻ. Ảnh: Thúy Ngà
“Người
nuôi giờ không quan tâm đến lợn nữa, lợn con chạy lung tung ra ngoài đường cũng
mặc kệ, ai lấy thì lấy. Hôm qua tôi đi thăm các trạng trại nuôi lợn, nhiều
trang trại nuôi đã phải cắm hết sổ đỏ để duy trì nuôi lợn mà lợn vẫn chưa bán
được, tình hình đang rất khó khăn cho người nuôi”, ông Tường nói.
Đáng nói,
tại nhiều nơi, giá thịt lợn còn rớt thê thảm. “Sáng nay tôi đi khảo sát một loạt
chợ tại Hà Nội và giật mình, một số trang trại bán lợn với giá 10.000 đồng/kg.
Với giá này, thịt lợn của chúng ta còn rẻ hơn giá lợn thải loại của thế giới”,
ông Tường cho hay.
Tại hội
nghị, ông nguyễn Hưng Thỉnh, chủ trại nuôi lợn xã Thọ Lộc, Phúc Thọ (Hà Nội)
cho biết, hiện nay bà con đã chán nuôi lợn, không có tiền mua thức ăn cho lợn,
lợn con chạy đầy đường.
Còn ông
Nguyễn Văn Lưu, chủ trang trại chăn nuôi lợn huyện Gia Lâm (Hà Nội) chua
xót:“Giá lợn giống còn 200.000 đồng/con thì ai thiết tha bỏ tiền mua vắc xin
tiêm cho lợn nữa. Lợn bán bây giờ không ai mua, cho cũng không ai lấy, giờ người
dân chỉ có nước đập chết lợn để chôn. Giá lợn giờ không ai bàn, chỉ cần có người
mua là các hộ dân bán hết, không cần biết giá nào”.
Các hộ
chăn nuôi trên toàn Thành phố Hà Nội ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Đinh
Xuân Thủy, chủ hộ nuôi lợn xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng cho
hay:“Từ tháng 1 đến nay gần như các trại đóng băng không bán được con. Các hố
chôn lợn giờ nhiều như nghĩa trang vì lợn con không nuôi được, cũng không bán
được”.
Dự báo,
thời gian rớt giá còn kéo dài chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhất là trong những
tháng mùa hè sắp tới khi người tiêu dùng chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác
như: tôm, cá,… thì sức tiêu thụ thịt lợn lại càng thấp.
Còn về sản
xuất, do đàn lợn nái tại Hà Nội chưa giảm lên đàn lợn thương phẩm vẫn tăng trưởng
về số lượng, sản lượng thịt lợn hơi sản xuất tại Hà Nội vượt cầu từ 200 - 250 tấn/ngày.
Theo
Trung tâm phát triển chăn nuôiHà Nội,nguyên nhân giá lợn xuống thấp là do chăn
nuôi tự phát không theo kế hoạch, cung dư thừa quá lớn trong thời gian ngắn.
Giai đoạn
2015-2016, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nhu cầu xuất sang Trung Quốc
tăng đã khiến nhiều người dân đổ xô tăng đàn, nhất là ở các tỉnh Đồng Nai, Thái
Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định… Tổng đàn lợn của cả nước trong những
tháng đầu năm 2017 đã lên đến gần 30 triệu con. Riêng tại Hà Nội, năm 2014 đàn
lợn là 1,4 triệu con thì cuối năm 2016 đã tăng lên 1,8 triệu con (tăng 28,6 %).
Nguồn cung đã dư thừa khoảng 250 tấn thịt lợn hơi/ngày chưa tính các nguồn thịt
lợn từ các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Vĩnh Phúc,...) tiêu thụ tại Hà Nội.
Bên cạnh
đó, khâu chế biến trong nước còn rất yếu, chủ yếu bán thịt nóng, chưa có nhiều
nhà máy chế biến sâu các sản phẩm thịt lợn; Khâu tổ chức thị trường kém. Thị
trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể (chủ yếu xuất sang
Trung Quốc, Campuchia qua đường tiểu ngạch); việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ
trong dân nhiều.
Để ổn định
tình hình, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, trước mắt cấc
hộ nuôi cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại
ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp. Hà Nội cần giảm đàn lợn
nái xuống còn 180.000-200.000 con. Các doanh nghiệp giết mổ, chế biến cần hợp
tác với trại chăn nuôi để thực hiện hợp đồng giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm
chăn nuôi. Tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức
tiêu thụ của thị trường trong nước.
Bên cạnh
đó, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng từ sử dụng thịt "nóng" giết
mổ không đảm bảo ATTP, không đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sang sử dụng các
sản phẩm được giết mổ đảm bảo an toàn, được cấp mát, cấp đông đúng quy trình, sản
phẩm có nhãn mác, truy suất được nguồn gốc...
Diệu Thùy