Có rất nhiều chuyện kể về Saigon xưa, trong đó có câu chuyện Xe Ôm.
Người Sài Gòn ai cũng một lần cần gọi đến loại xe này.
Ngày hôm nay người ta ghi lại thành câu chuyện cho người đời sau biết và cũng là một ngành nghề như bao ngành nghề khác.
Kính gửi đến các anh chị bài viết của Phạm Công Luận.
Caroline Thanh Hương
Sài Gòn chuyện đời của phố: Xe ôm Sài Gòn.
Xe ôm ở Sài Gòn có từ khi nào? Lục tìm qua sách báo, trước 1954 hầu như không thấy nhắc đến chiếc xe ôm. Lúc đó, các phương tiện công cộng chở người trong thành phố là xe kéo, xích lô và taxi.
Xe gắn máy lưu hành nhưng không dùng làm dịch vụ chở người.
Năm 1969, một nhà văn đoạt giải nhất phóng sự ở Sài Gòn là ông Lê Hương với cuốn sách Chợ trời biên giới Việt Nam - Cao Miên.
Khi viết về chợ trời Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh, ông cho biết ngoài xe lam và
mô tô lôi chở đông người mỗi chuyến thì năm 1967: “xuất hiện bốn loại
xe mới: Honda ôm, Suzuki ôm, Mobilette ôm, Yamaha ôm”. Ông đánh giá:
“Thật là một nghề chóng phát tài hơn hẳn các anh em chở Mỹ ở Sài Gòn”.
Như vậy, phải chăng xe ôm ở Sài Gòn bắt nguồn từ dịch vụ chở người sau sự kiện người Mỹ đến miền Nam năm 1965?
Từ câu chuyện kể dưới đây của một dược sĩ gốc gác ở Q.4 cho tác giả
cuốn sách này bổ sung cho nhận định trên. Năm 1965, khi người Mỹ bắt
đầu tham chiến ở VN thì xuất hiện một lớp người làm việc trong các công
sở của người Mỹ. Họ làm nhân viên đánh máy hay sửa chữa bảo trì xe cộ,
lái xe. Đồng lương của họ khá khẩm, giúp sống thoải mái và dễ dàng mua
xe máy.
Chiến cuộc lúc lên lúc xuống, công sở Mỹ có lúc mở ra và có chỗ
đóng cửa tùy theo nhiệm vụ. Phút huy hoàng nào cũng có lúc trở thành
điêu tàn và những người quen lãnh lương bằng đô la ở Sài Gòn bắt đầu lo
lắng.
Tại một cơ quan của người Mỹ ở trung tâm Sài Gòn có một ông nhân
viên tên là X. tuổi vào lứa 50, con đông nheo nhóc. Ông mua được một
chiếc xe Lambretta dùng để đến sở làm mỗi ngày. Xe Lambretta hai thì,
khỏe, yên thon dài nên ngồi rất thoải mái, thích hợp với vóc dáng cao
ráo của ông.
Đùng một cái, sở làm của ông thu hẹp số nhân viên và ông X. phải
nghỉ làm. Sau một thời gian chới với vì “bể nồi cơm”, ông trấn tĩnh lại
rồi ráo riết nghĩ đến việc kiếm sống nuôi con. Trong thời gian nghe
ngóng, ông X. vẫn thỉnh thoảng lui tới thăm chỗ làm cũ, gặp bạn bè người
Mỹ đã cùng làm ở đó.
Một buổi chiều, ông X. được anh nhân viên Mỹ hỏi thăm về một
snack-bar trên khu Kho 18 thuộc Q.4, gần cầu Tân Thuận. Hôm đó là cuối
tuần và anh Mỹ này định nhờ ông cho quá giang xe đến đó để giải trí. Ông
X. vui vẻ nhận lời.
Trên xe, anh chàng người Mỹ cho biết cảm thấy thoải mái cho đôi
chân khi được chở trên chiếc xe có thân dài này hơn là ngồi trên những
chiếc xe máy yên nhỏ của người Pháp hay Đức chế tạo đang có ở Sài Gòn.
Khi dừng xe, ông X. giơ tay từ biệt thì anh chàng Mỹ rút túi tặng ông
một ít tiền và ngỏ ý vào cuối tuần nhờ ông chở đi vòng vòng Sài Gòn
chơi. Ông X. nhận lời và từ đó, ý thức rằng có thể kiếm tiền bằng những
lần chở người ở yên sau, ông tìm cách tăng lượng khách. Ông chở thêm
những người Mỹ khác và nhận ra rằng tiền kiếm được còn nhiều hơn trước
kia đi làm nữa.
Lúc đó, khu Kho 18 có hai snack-bar là Rạng Đông và Thúy Phương.
Thấy ông X. làm ăn được, mấy ông từng làm sở Mỹ đang thất nghiệp bắt
chước theo và thấy có ăn. Họ mua toàn là xe Lambretta vì xe khác người
Mỹ lắc đầu. Từ đó hình thành đội ngũ xe ôm đầu tiên ở Sài Gòn đậu dài
dài ở hai bar rượu này, đi cùng một loại xe và chủ yếu phục vụ cho các
nhân viên dân sự Mỹ. Họ không chỉ đi uống rượu mà bằng xe ôm, có thể vô
các khu hẻm nhỏ tìm người quen, tìm bạn gái, tìm bạch phiến. Còn người
dân Sài Gòn bình thường không ai quan tâm đến loại xe này. Ai không có
xe máy thì đi taxi, xe buýt hay xích lô máy, xích lô đạp, xe Lambro...
Căn cứ vào câu chuyện trên, có thể coi xe ôm có từ giai đoạn đầu
khi người Mỹ mới vào miền Nam VN. Nhưng có thể nó trở nên phổ biến hơn
sau khi nhập cảng xe Nhật, năm 1967. Một tác giả ở hải ngoại là Lưu Nhơn
Nghĩa trong bài Lải nhải đời tôi 1959 - 1969 có viết: “Dân công chức
lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm... Lần
đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm
vì quyền lợi.
Lúc đó tương đối còn sống được, sau này đời sống chật vật, cả đến
quân nhân, cảnh sát ngạch thấp, công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ ràng là
chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á châu, chỗ gác chân
thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn này. Xe Nhựt lại hết sức
bền bỉ, ít hao xăng, chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm đường.
Xe Pháp như Mobilette, Sachs (thật ra xe này của Đức - TG), Puch chạy
không nổi, yên xe nhỏ, chông chênh”. Ông còn kể thêm: “Hình như giới xe
ôm cũng có luật riêng giúp đỡ lẫn nhau khi có trường hợp bị khách giựt
xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một
hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín
đáo bảo vệ nhau, tiền chia chác sau đó”.
Sau năm 1973, người Mỹ rút hẳn về nước, kinh tế miền Nam đi xuống,
giới chạy xe ôm lại một phen gặp khó khăn. Sau 1975, nhất là khi kinh tế
khá dần lên sau đổi mới, nhiên liệu xăng nhớt thoải mái hơn thì xe ôm
hồi sinh. Lúc này người Việt thích đi xe ôm nhờ tính tiện lợi có thể len
lỏi vô các hang cùng ngõ hẻm, chợ nhỏ của Sài Gòn - Gia Định. Xe ôm lúc
đó tiếp tục dùng các loại xe như Honda Dame, Suzuki nam, Yamaha...
Câu chuyện lịch sử xe ôm này do ông X. kể lại cho anh dược sĩ hồi
sau 1975, trong lúc trà dư tửu hậu. Khi xưa, nhà anh dược sĩ ở khu Kho
18, Q.4 và có chứng kiến nhóm xe ôm kỳ lạ thuở ban đầu, toàn là những
người đi Lambretta, đúng như lời kể của ông X.
Phạm Công Luận
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
Sài Gòn chuyện đời của phố: Hoài vọng Tân Định - Đa Kao
Từ Phú Nhuận đi qua cầu Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn.
Con đường Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng cả sang trọng như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ.
Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đường Trần Quý Khoách vẫn
nhắc tới Giáo sư - nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên
chiếc xích lô đạp, đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan,
nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có hơn 90 học sinh,
ngồi chen chúc như cá mòi hộp.
Ông Dương Hữu Đạt hồi nhỏ sống trên con đường Albert Premier, nay
là Đinh Tiên Hoàng, đoạn Q.1. Ông cho rằng người Sài Gòn thời đó sống
chân chất, hiền lành hơn, mâu thuẫn giữa người Việt và Pháp cũng không
gay gắt. Những người dân nghèo từ lục tỉnh lên sống lang thang trên
đường phố khu Đa Kao, đánh giày hay bán sách dạo in bằng tiếng Pháp cho
những bà đầm, anh lính hay viên công chức người Pháp. Họ kiếm sống từng
bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn tiện và không tham lam. Nhiều lần ông thấy
những người lính Tây say rượu nằm lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp
bên lề đường. Mấy người đánh giày hay bán sách dạo dựng xe của họ lên,
đạp mấy vòng phố xá chơi cho biết rồi đem đặt trở lại chỗ cũ. Những
người đạp xích lô đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường này chờ
khách. Họ thích uống cà phê bít tất, đổ ra dĩa cho mau nguội, uống nhanh
để còn lo chạy mối. Trong khi chờ khách, họ nằm khểnh đọc báo Sài Gòn
Mới của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu Lăng Quân, Phi
Long… Ông Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên
khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc
sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên
Pháp.
Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ
tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm - tên thường gọi phụ nữ người
Hoa. Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin
cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây. Bù lại, họ trung
thành với chủ, sạch sẽ, nấu ăn ngon, dạy dỗ và thương yêu đám con nít.
Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này không có gì sai sót trong mắt
ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon Vert). Tuy
nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà xẩm bị
nghi ngờ. Không biện minh được, bà xẩm thắt cổ tự tử để chứng minh sự
trong sạch.
Người dân ở đây sống lâu với người Pháp nên hiểu họ khá rõ. Với tâm
trạng tha hương, những anh lính hay giới công chức Pháp thích hưởng thụ
xả láng cuộc sống vui chơi ở thuộc địa, nhiều người chìm đắm trong men
rượu hòng quên đi nỗi nhớ quê hương và những nỗi căng thẳng khác. Đồng
lương của họ được xài phung phí, chỉ sau vài ngày lãnh lương là gần cạn.
Thỉnh thoảng lại có những trận đánh nhau giữa phu xích lô, thợ đánh
giày với những người Pháp say rượu trước mấy cái nhà hàng khúc đường
trước rạp hát Casino.
Sau khi tin tức về trận Điện Biên Phủ lan về Sài Gòn, người Pháp khu Đa Kao buồn và thu mình lại.
Có dạo tôi thường ghé nhà một anh chuyên rửa ảnh đen trắng thủ công
trên con đường này. Trong lúc chờ đợi in ảnh, tôi đi bộ quanh khu Tân
Định, hỏi dò vài người sống quanh đó về một quán cà phê mở sau 1975 của
đôi vợ chồng nghệ sĩ Từ Dung - Từ Công Phụng mang tên “Từ Dung”, có
chiếc piano trắng nhưng không ai biết quán đã từng đặt ở đâu. Tôi đi ngó
đồ bán “xôn” trên lề đường, đi tràn sang phía bên khu xóm Vạn Chài và
dọc đường thơ thẩn, tôi phát hiện có quá nhiều cái đình chỉ trong một
khoảnh đất không lớn. Đình Nam Chơn, rồi đình Phú Hòa từng là nơi có
quán cà phê của nghệ sĩ nổi tiếng Bảy Nhiêu, thân phụ của các nghệ sĩ
Kim Cúc, Kim Lan. Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh. Trên đường
Nguyễn Bỉnh Khiêm là đình Tân An. Đình Nghĩa Hòa cũng trên đường Trần
Quang Khải.
Sau này đọc sách mới biết xóm Vạn Chài ở vùng Đa Kao này là xóm của
những người dân chài từ miền Nam Trung bộ di dân vào. Khi đã ổn định,
họ lập ra tới bảy ngôi đình để tiếp tục thờ Thành hoàng của làng đánh cá
ở quê cũ, mà họ gọi là vạn.
Bác Hai, chủ tiệm rửa ảnh kể tôi nghe về những hàng quán ngon lành
mà giới công chức cao cấp thời trước 1975 thích ghé như nhà hàng Casino
Đa Kao, có món độc đáo nhất là món tôm hùm đút lò. Nhà hàng cơm Tây La
Cigale (Con ve sầu) trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng
(Nguyễn Đình Chiểu) có món tôm cua ốc.
Ở đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao - Tân Định có thể nói tập trung
nhiều tinh hoa của thành phố này nhất. Đó là vùng đất tụ hội những người
tài hoa, cá tính, sành điệu... thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn cũ.
Phạm Công Luận
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
Bạn đọc phản hồi (8 nhận xét)
long tran van
trang trường hận
Tuan
Lê Phong
Tuan
Võ Thanh Liêm
Công Thành
chúc