caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 9 octobre 2016

Chuyện đi tìm tấm bia mộ ở trại tù Ba Sao.



Có những câu chuyện ghi lại một thời cùng cực của những người sau cuộc chiến tranh mà không do họ muốn.

Người lính thua hay thắng trong đội quân nào cũng có những mất mát như nhau.

Đó là những mất mát của người anh em.

Có những mất mát trên chiến trường thì đó là vì chiến tranh.

Nhưng khi người lính đó đã ngã xuống rồi, thì không còn có lý do nào để ngăn chận người thân của người đó đi tìm xác người đã bỏ mạng xa quê hương mình.

Những giúp đỡ giữa người và người, cứ là chuyện phải làm, cần giúp đỡ và sau cùng là cho người nằm xuống còn nắm xương tàn để lại cho gia đình họ được đưa tiễn, chôn cất họ cho đàng hoàng.

Câu chuyện dưới đây, tôi đọc thấy trên net, tôi lưu lại đây để những đồng bào nào ở đâu đó, có biết tin gì thì hãy một lần giúp thân nhân những người đã ra đi này.

Caroline Thanh Hương
 photo tambiathotunhanchinhtrichetotraibasao.jpg
Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương trước tấm bia không mộ của 626 người tù chính trị đã chết trong nhà tù Ba Sao, Nam Hà giai đoạn 1975-1988.


Và rất nhiều những người tù chính trị khác đã chết oan khiên trong ngục tù cộng sản.


Lời đầu.


Lẽ ra, câu chuyện này phải được chúng ta kể cho nhau nghe một cách trọn vẹn. Tiếc rằng, vì một số lý do ngoài ý muốn, “người trong cuộc” (1) đã ngừng sự giúp đỡ tôi nên việc thu thập, tìm hiểu thông tin đã bị gián đoạn.


Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu an toàn cá nhân của nhân chứng, nỗi lo về sự can thiệp hầu phá vỡ sự bình yên, tôn nghiêm của ngôi Chùa - nơi đặt tấm bia thờ 626 người tù chính trị nên người viết đã phải rất cân nhắc khi chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Nhưng tôi tin, câu chuyện dù không được kể trọn vẹn như mong muốn cũng sẽ khiến chúng ta thấy xót xa cho Thân phận quê hương. Một Thân phận quê hương được phản chiếu từ Thân phận của những người con Việt bị bức tử bằng cách này hay cách khác trong một giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của lịch sử.


 photo tambiathotunhanchinhtrichetotraibasao.jpg
Tấm bia thờ tù nhân chính trị chết ở trại Ba Sao do người Giám thị lập, hiện đang được đặt tại một ngôi Chùa ở miền Bắc.


Phần 1: Chuyến tàu vét
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, một trong những hành động đầu tiên mà chế độ cộng sản thực hiện là trả thù những người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Hầu hết những cựu quân nhân cán chính, những viên chức từng làm việc trong chính quyền VNCH, hoặc bị nghi ngờ thuộc thành phần này đều bị đưa đi “cải tạo”, nhưng thực chất là chịu lưu đày tại các nhà tù trên khắp cả nước. Một trong những nơi khét tiếng tàn bạo ở miền Bắc, từng giam cầm hàng ngàn cựu quân nhân cán chính VNCH là nhà tù Ba Sao, Nam Hà.


Con tàu cuối cùng chở tù chính trị từ Nam ra Bắc có cái tên rất thơ mộng: Sông Hương. Rời Sài Gòn ngày 18/4/1977, sau 2 ngày 3 đêm (2), tàu cập bến Hải Phòng, tiếp tục hành trình lưu đày tù ngục của 1200 con người thuộc “bên thua cuộc”.


Chúng tôi, cứ hai người bị chung một chiếc còng. Vừa lên đất liền, hai bên đường đã có người dân Miền Bắc đợi sẵn. Họ ném gạch đá vào chúng tôi. Vừa ném, vừa chửi rủa, mạ lỵ rất thậm tệ. Nhiều người trong số chúng tôi bị ném trúng, vỡ đầu, chảy máu và thương tích”.


Đấy là lời kể của ông Nam, một trong những người tù bị đẩy ra Bắc trong chuyến tàu Sông Hương. Khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, ông Nam đang là thiếu úy quân đội VNCH. Chi tiết này cũng được Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật lại trong cuốn hồi ký “Tôi phải sống”.


Từ Hải Phòng, số tù nhân này bị tách ra để chia rải rác cho các trại giam khác. Bài viết này xin chỉ đề cập tới những người tù ở Ba Sao, Nam Hà.


Không riêng gì những người tù Ba Sao, hầu như tất cả những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH đều bị bắt sau biến cố 30/4/1975. Một số bị đưa ra Bắc ngay thời kỳ đầu. Nhiều người khác bị giam cầm ở miền Nam sau vài năm mới bị chuyển ra Bắc, rồi lại trở ngược vào Nam để tiếp tục cuộc đời lao tù cho đến ngày chết, hoặc trở về khi sức cùng lực cạn.


Nhà tù Ba Sao lại “rộng cửa” đón thêm vài trăm người từ chuyến tàu vét Sông Hương, nơi đang đọa đày hơn 600 tù VNCH đã bị chuyển đến từ những chuyến tàu trước đó.


Tôi có dịp hỏi chuyện linh mục Nguyễn Hữu Lễ (ngài hiện đang sống tại New Zealand) và một nhân chứng khác (sống tại Sài Gòn), thì nhà tù Ba Sao thời bấy giờ chia làm 4 khu giam giữ.


Khu A: Giam cầm các thành phần thuộc viên chức chính phủ, dân biểu, nghị sĩ, sĩ quan cao cấp như thượng nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, bộ trưởng Đàm Sỹ Hiến, Bộ trưởng Trần Ngọc Oành, tướng Lê Minh Đảo, ông Văn Thành Cao, tướng Nhu, tướng Trần Văn Chơn, ông Nguyễn Văn Lộc…, hay lãnh tụ Quốc dân đảng là ông Vũ Hồng Khanh.


Khu B: Giam những quân nhân cán chính, những người bị buộc tội “phản động” như linh mục Nguyễn Hữu Lễ, linh mục Nguyễn Bình Tỉnh...


Khu C: Giam tù hình sự miền Bắc.


Khu Mễ: Giam cầm những người bệnh tật, đau yếu. Trong khu Mễ lại có một khu “Kiên giam”. Khu “Kiên giam” dành cho các tù nhân bị kỷ luật với điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt. Đã có rất nhiều tù nhân chết trong khi bị “kiên giam”.


“Chúng tôi bị chuyển từ nhà tù miền Nam tới nhà tù Ba Sao miền Bắc trong chuyến tàu Sông Hương vào tháng 4/1977. Lúc ấy nhóm của tôi có 350 người ra đi từ trại Giaray tỉnh Xuân Lộc. Ở Ba Sao được 9 tháng, tôi bị chuyển lên trại Quyết Tiến còn gọi là “Cổng Trời”thuộc tỉnh Hà Giang, nằm sát ranh giới Trung Quốc. Một năm sau đó tôi về trại Thanh Cẩm , tỉnh Thanh Hoá . Mười năm sau, tức tháng 1/1987, tất cả tù chính trị miền Nam còn sót lại rải rác trong các trại miền Bắc được dồn hết về trại Ba Sao, Nam Hà, trong đó có tôi. Nhưng đội của tôi trước khi tôi rời Ba Sao ra đi nay đã chết quá phân nửa. 


Tết năm đó có một đợt tha tù, được tổ chức rất ồn ào. Đến tháng 5/1987, tất cả số tù nhân từ miền Nam còn sót lại, được chuyển hết về Nam để ở tù tiếp. Chỉ còn “sót lại” 3 người ở miền Bắc, đó là linh mục Nguyễn Bình Tỉnh, anh Nguyễn Đức Khuân và tôi. Hầu hết họ đã chết . Chết vì tuyệt vọng, đói rét, suy kiệt, tiêu chảy, kiết lỵ và nhiều bệnh khác”.

Tác giả Bút ký “Tôi Phải Sống” bùi ngùi kể lại.


Tôi rùng mình tự hỏi, có bao nhiêu tù nhân chính trị đã chết trong suốt thời kỳ từ 1975 trở về sau?


Bao nhiêu ở nhà tù Ba Sao? Bao nhiêu ở Cổng Trời, Thanh Hóa, Phú Yên, Xuân Lộc, Xuyên Mộc, Hàm Tân, Bố Lá...?


Bao nhiêu người đã bị bách hại bởi chính người đồng bào ruột thịt mang tên “cộng sản”, và chết lặng câm ở khắp các nhà tù từ Bắc-Trung-Nam trên dải đất đau thương này?


Không ai biết chính xác, nhưng số người phải bỏ xác ở khắp các nhà tù hẳn không phải là con số ít.

Một ngày nào đó, chế độ cộng sản sẽ phải trả lời những câu hỏi này trước quốc dân đồng bào. Cũng như trả lại sự thật lịch sử cho Dân tộc này.

(Còn tiếp)


Chú thích:


(1): Người trong cuộc: Những người đã giúp đỡ tôi có được thông tin để viết bài viết này. Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 (2) Hai ngày ba đêm: Dựa vào lời kể của nhân chứng và qua hồi ký “Tôi phải sống” của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.


Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở Miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một ngôi Am thờ (3) những người tù này được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu Giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé!”.


 Một người anh, cũng là cựu tù chính trị hiện sinh sống tại Pháp đã nhắn tôi như thế. Tôi chưa bao giờ trải qua cảm xúc đặc biệt và đầy ám ảnh như lần này. Chuyện thật khó tin: Một trùm cai tù dựng một tấm bia và Am thờ những người tù thuộc bên kia chiến tuyến.


Câu dặn dò “em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé” làm tôi xót xa. Hình như tôi sắp làm một công việc rất khó khăn và cũng rất thiêng liêng. Hai chữ “các anh” không còn là cách xưng hô nữa mà là tiếng gọi gần gũi, thân thương của những người chung khát vọng. Chứ theo tuổi tác, họ là bậc cha chú của tôi- đứa nhóc Bắc kỳ sinh sau biến cố 1975.


 photo tambiathotunhanchinhtrichetotraibasao.jpg

Tấm bia thờ tù nhân chính trị chết ở trại Ba Sao do người Giám thị lập, hiện đang được đặt tại một ngôi Chùa ở miền Bắc.


Mãn án tù nhà (4), tôi lên đường.


Địa chỉ ngôi Chùa không chính xác nên tôi phải đi tìm hơn hai ngày mới đến nơi. Đó là một ngôi Chùa nhỏ, nằm khiêm tốn bên một con phố khá đông đúc. Sư trụ trì đi vắng, tôi lang thang cho hết thời gian rồi trở lại vào buổi chiều.


- Thưa thầy, con được người quen giới thiệu đến đây. Nghe nói nhà Chùa có đặt một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà?


Nghe tôi nhắc đến tấm bia, nét mặt thầy tái đi, không giấu được vẻ bối rối.


- Bác Thanh giới thiệu con đến đây.


Nhận ra người quen, sư thầy trở nên cởi mở hẳn.


Sư thầy kể rằng vài năm trước, cô Thu Hương (một Phật tử) đưa viên cựu Giám thị đến gặp sư thầy. Viên Giám thị trao cho sư thầy một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ năm 1975 đến 1988. Vị này ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong nhà Chùa để thờ cúng các hương linh. Đây không phải ngôi Chùa đầu tiên họ gõ cửa. Những ngôi Chùa trước đều từ chối vì sợ. Các vị sư trụ trì không muốn giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thờ người tù ngay trong Chùa.


- Có cách nào liên lạc với hai người ấy không thưa thầy?


- Khó lắm. Người Giám thị sau khi làm xong tấm bia thì không trở lại đây nữa. Chỉ có cô Thu Hương thời gian đầu vẫn hay tới Chùa tụng kinh và thắp hương cho 626 vị ấy. Nhưng kể từ khi đứa con trai 15 tuổi của Thu Hương bị tai nạn giao thông chết hai năm trước, cô ấy không tiếp xúc với ai nữa.


- Thầy có nghe nói đến ngôi Am thờ 626 vị này không?


Tôi hỏi, không giấu nổi vẻ hồi hộp khi chờ câu trả lời.


- Đúng là có cái Am thờ. Nhưng tôi chưa tới thăm bao giờ. Nghe nói nằm trong vùng đất của trại giam thì phải.


- Vậy ai có thể đưa con tới đó?


- Chỉ có người Giám thị và cô Thu Hương thôi. Nhưng Thu Hương thì như tôi vừa nói đấy, cô ấy buồn chán, tuyệt vọng từ ngày mất con nên không còn thiết chuyện gì. Còn người Giám thị thì từ đó không thấy trở lại nữa. Số điện thoại cũng đổi rồi.

Tôi bắt đầu nhìn thấy sự mịt mù phía trước.


Người giữ sổ sách đi vắng. Sư thầy hẹn tôi dịp khác trở lại, sẽ cho tôi xem danh sách 626 người tù. Thầy dẫn tôi xuống nhà linh, nơi đặt tấm bia.


Tôi cảm thấy rợn rợn khi bước chân vào Nhà linh, nơi đặt di ảnh của những người quá cố. Có mấy người đội khăn tang đang ngồi tụng kinh cho người thân mới qua đời.


Tìm mãi không thấy tấm bia đâu. Tôi bắt đầu lo. Sư thầy quả quyết rằng tấm bia đặt ở phòng này nhưng lâu ngày không nhìn lại nên ngài không nhớ chính xác vị trí nào.


- Ôi đây rồi! Sư thầy reo lên.


Tôi sững người lại. Vừa nhìn thấy tấm bia, nước mắt tôi ứa ra.


Tôi không xác định được cảm xúc của mình lúc đó. Vui vì đã “tìm thấy các anh”, như lời người anh đồng tù nhắn nhủ, hay buồn vì tôi lại chứng kiến thêm một nỗi đau đớn của quê hương?


Tôi lập cập lục tìm trong túi xách chiếc máy ảnh. Tôi hay bị lúng túng mỗi khi cảm xúc bị “quá độ”. Sư thầy dặn chỉ chụp tấm bia thôi, đừng để những di ảnh xung quanh lọt vào ống kính. Cảm giác tủi thân và xót xa khiến tôi không nói nổi tiếng “vâng” một cách rõ ràng.


Trước khi về, tôi gửi một ít tiền để sư thầy giúp việc nhang khói cho “các anh”. Tôi cầm theo nải chuối, mấy quả cam thầy vừa cho, chậm rãi cuốc bộ trên con phố. Tôi không khóc, nhưng cổ họng nghèn nghẹn và bước chân nặng nề.


Một tuần sau tôi trở lại Chùa. Sư thầy đi vắng. Vừa nghe tiếng tôi trong điện thoại, sư thầy nhận ra ngay:


- Chị Nghiên hả? Tiếc quá! Thầy đã hỏi người trông coi sổ sách của nhà Chùa rồi. Nhưng chị ấy nói là danh sách đã được hóa (4) đi từ hôm Rằm tháng bảy.


Tôi chết đứng người. Cố gắng lắm tôi mới thốt lên được một câu nghe như không phải giọng của mình.


- Sao lại đốt hả thầy, sao thế được?


- Thì nhà Chùa nghĩ là không cần dùng đến danh sách ấy nữa nên tiện dịp lễ Vu Lan thì hóa luôn cùng với áo mũ, vàng mã chị ạ.


- Thầy ơi! Thầy làm ơn kiểm tra lại giúp con với. Cái danh sách ấy... 626 người tù... thầy ơi, thầy làm ơn!


Tôi cố gắng trấn tĩnh để van lơn.


- Thầy không thể làm gì hơn chị Nghiên ạ. Chúng tôi sẽ hương khói đầy đủ cho các vị ấy.


Nói xong, sư thầy cúp máy.


Một cảm giác còn tệ hơn sự tuyệt vọng. Tôi ôm mặt ngồi thụp xuống giữa đường. Một đứa bé từ đâu chạy lại, trân trân nhìn tôi. Hình như bộ dạng tôi làm đứa bé sợ. Nó co chân chạy, không ngoái lại nhìn.


Bấy giờ tôi nhận thấy, có một thứ cảm xúc rất giống với nỗi buồn, rất giống với niềm tuyệt vọng. Nhưng không hoàn toàn như thế. Thứ cảm xúc thật khó gọi tên.


Tôi về nhà, lầm lỳ đến vài hôm.


Không thể dễ dàng bỏ cuộc được, tôi quyết định đi Nam Hà để tìm đến ngôi Am thờ. Người anh đồng tù buồn rầu bảo:


- Không có cô Thu Hương hay vị Giám thị dẫn đường, em không tìm được đâu.


 Lần này thì tôi thật sự tuyệt vọng. Tấm bia, danh sách và Am thờ, tôi chỉ hoàn thành một phần ba công việc.


Tôi nghĩ đến người Giám thị.


Không biết vì lý do gì viên Giám thị lại làm một việc cấm kỵ và mạo hiểm như thế. Hơn ai hết, người này phải ý thức được mức độ nguy hiểm của việc mình làm, nhất là nếu thông tin bị lộ ra ngoài. Chắc chắn phải có một lý do sâu xa và rất đặc biệt để người này làm thế. Vì lợi nhuận ư? Không ai dại dột vì chút giá trị vật chất mà đánh đổi cuộc sống bình yên của mình. Vả lại, bản thân nghề cai tù đã là một cơ hội để làm giàu một cách rất an toàn.



Người anh đồng tù và bác Thanh lý giải rằng, niềm tin tâm linh đã thúc đẩy người Giám thị và cô Thu Hương làm như thế. Có thể người Giám thị sợ bị vong hồn của những người tù tìm đến hỏi tội chăng? Lý giải này không hẳn là vô lý. Tôi đã từng nghe và được biết những chuyện tương tự như thế khi còn trong nhà tù Thanh Hóa. Đã là cai tù, không ít thì nhiều, không chủ ý thì cũng bắt buộc phải dính vào tội ác. Song dù với lý do gì, thì hy vọng cũng có phần trăm nào đó của sự ăn năn, của chút lương tâm bị hối thúc.


Tôi vốn không mê tín, không tin chuyện dị đoan nhưng tin rằng luôn có một thế giới tâm linh đang nhìn ngó thế giới con người. Ước gì một ngày nào đó, duyên cớ run rủi để chúng ta được biết trọn vẹn câu chuyện về 626 người tù chính trị Ba Sao, Nam Hà. Chúng ta cần được biết về số phận của những người từng bị cộng sản bách hại để hiểu về một giai đoạn lịch sử đã tạo nên thân phận đau thương của dân tộc này.


Phạm Thanh Nghiên



Chú thích:


 (3): Am: Trong tín ngưỡng tôn giáo là nơi thờ Phật, thờ cúng thần linh hoặc vong linh. Am có phạm vi, diện tích nhỏ hơn Miếu.

(4): Mãn hạn tù nhà: Với tôi, án quản chế là một hình thức tù tại nhà. Tôi hết án quản chế vào tháng 9/2015. 

Nghe đọc truyện


Nghe đọc truyện Thép Đen của Đặng Chí Bình.


Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao

Thanh Trúc, phóng viên RFA
Tấm bia thờ 626 tù cải tạo miền Nam chết ở Ba Sao, Hà Nam.
Tấm bia thờ 626 tù cải tạo miền Nam chết ở Ba Sao, Hà Nam.
Photo by Pham Thanh Nghiên

Ba Sao, nhà tù lớn ở Nam Hà, miền Bắc Việt Nam, nơi sau 30 tháng Tư 1975 nhiều sĩ quan và công chức miền Nam, mà chế độ mới gọi là tù cải tạo, đã qua đời trong những ngày tháng kham khổ nhọc nhằn nơi đây.
Một cựu tù chính trị Việt Nam hiện sống tại Pháp, đã nhắn với cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên:
Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một am thờ những người tù này, được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé.
Chính lời nhắn tha thiết “đi tìm các anh ấy nhé” đã thôi thúc cô Phạm Thanh Nghiên lên đường, tìm kiếm, nhìn thấy rồi trở về với cảm xúc thể hiện qua bài Ba Sao Chi Mộ:
Thực ra thì tôi có thông tin này từ mùa hè năm ngoái khi tôi chưa hết án quản chế. Nhưng vì tôi cần tìm hiểu thêm và sau đó hết án tù nhà, đi lại dễ dàng hơn là tôi đi để tìm hiểu sự thực về thông tin mà người anh đồng tù đã cung cấp cho tôi.
Và thực ra bước đường tìm kiếm cũng không quá là vất vả, tôi cũng đi một vài ngày. Đến bây giờ phải cám ơn Chúa cám ơn Phật vì có lẽ tôi là người may mắn để mà tìm đến địa chỉ ngôi chùa không chính xác. Tôi phải xin lỗi là những thông tin cụ thể hơn thì tôi không thể chia sẻ được vì lý do tế nhị cũng như an toàn an ninh cho những người cung cấp tin cho tôi. Điều này tôi cũng đã viết trong phần một của bài Ba Sao Chi Mộ, ngay cả tên của các nhân vật họ cũng yêu cầu tôi phải thay đổi. Họ sợ đến mức độ như thế nhưng trong sự sợ hãi đó thì họ cũng cứ cho mình thông tin, đấy là điều tôi cho rằng rất là đáng quí.
Một điều nữa là ngay như giới tính của viên giám thị cũng như tên chùa và tấm bia thì tôi cũng nói một cách chung chung thôi. Ngay cả điều này cũng để cho thấy mức độ tế nhị, thậm chí là nghiêm trọng, mà một vài người đánh giá rằng đây là chuyện bí mật. Nhưng những thông tin mà tôi đưa ra trong bài Ba Sao Chi Mộ là có thật.
Và cũng thật khó để có thể diễn tả hết tâm trạng, cô Phạm Thanh Nghiên kể tiếp, khi được chỉ cho thấy một tấm bia khiêm nhường tại một góc khuất trong căn  phòng linh của nhà chùa:
Họ sợ đến mức độ như thế nhưng trong sự sợ hãi đó thì họ cũng cứ cho mình thông tin, đấy là điều tôi cho rằng rất là đáng quí.
- Phạm Thanh Nghiên
Khi bước chân vào nhà linh tôi cũng không tránh được cái cảm giác hơi rờn rợn hơi sợ hãi một chút. Ban đầu thì rất khó tìm vì không có hình ảnh. Trong hình dung của tôi chắc tấm bia rất lớn, tôi cứ tìm kiếm tấm bia như trong trí tưởng tượng của mình thôi, nhưng khi vị sư tìm thấy và chỉ cho tôi, khi tôi ngước mắt lên nhìn thì lập tức hai hàng nước mắt của tôi ứa ra. Một tấm bia không có tên, chỉ có giòng chữ 626 người đã tử vong tại Ba Sao giai đoạn 1975-1988. Phải nói một cảm giác như mình vừa tìm thấy một điều gì rất là thiêng liêng. Như tôi nói trong bài viết, đó là những người tôi khẳng định tất cả đều là quân nhân cán chính từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa chứ không dính dáng gì đến những người cộng sản hay những người dân thường cả.
Tôi cảm tưởng như có một mối giao cảm, một mối dây liên hệ nào đó mang tính tâm linh giữa tôi, một con nhóc sinh sau năm ’75, với những người đã bảo vệ một chế độ mình đã từng hiểu lầm rằng đó là một chế độ xấu xa, chế độ gọi là ngụy. Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.
Lòng tốt vẫn còn...
Bằng những ngón tay run rẩy lập cập vì xúc động, cô Phạm Thanh Nghiên đã chụp được hình ảnh tấm bia rồi cất giữ nó như một bảo vật. Với cô, chuyện càng khó tin hơn nữa khi biết một trùm cai tù, tức quản giáo hoặc giám thị trại giam Ba Sao, Nam Hà, đã dựng tấm bia và một am thờ những người của bên kia chiến tuyến.

  photo image.jpg
Những bình tro cốt của 14 tù cải tạo mang từ Ba Sao về một nhà thờ ở Sài Gòn. Hình do VAF cung cấp. Những bình tro cốt của 14 tù cải tạo mang từ Ba Sao về một nhà thờ ở Sài Gòn. Hình do VAF cung cấp.
Theo lời vị trụ trì thuật lại với cô Phạm Thanh Nghiên, cách đây vài năm có một Phật tử đưa một cựu giám thị trại tù Ba Sao đến chùa. Người giám thị này trao cho sư một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ 1975 cho đến 1988, ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong chùa để 626 vong linh này được hương khói tử tế.
Đây không phải ngôi chùa đầu tiên mà họ đến gõ cửa xin đặt bia. Trước đó, các chùa trước đều tìm cách thoái thác vì sợ. Nỗi sợ của những người tu hành là nếu giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thì e chùa sẽ bị lắm phiền phức.
Được hỏi có cách nào liên lạc với người Phật tử và viên cựu giám thị trại giam Ba Sao, vị sư trả lời là rất khó vì sau khi làm xong tấm bia thì người quản giáo không bao giờ trở lại chùa, ngay cả người đưa viên giám thị đến cũng vắng bóng.
Về cái am thờ 626 người đã chết, vị sư cho cô Phạm Thanh Nghiên biết có nghe nói là nằm trong một khu đất thuộc trại giam Ba Sao nhưng chưa bao giờ đến thăm.
Chỉ người giám thị hoặc người Phật tử mới biết chỗ mà đưa tới, khẳng định của sư khiến cô Phạm Thanh Nghiên hiểu ra sự mịt mù của vấn đề. Cô vẫn gắng xin được xem qua danh sách 626 người tù đã chết nhưng sư nói rằng người trông coi sổ sách đi vắng nên hẹn cô hôm khác trở lại:
Lần khác tôi đến chùa thì sư đi vắng, tôi gọi điện thì thầy nhận ra giọng tôi ngay, thầy thông báo rằng rất tiếc vì chùa đã hóa đã đốt đi trong dịp rằm tháng Bảy lễ Vu Lan vì nghĩ rằng để cũng chẳng làm gì cả.
Vị sư báo tin xong thì vội vàng gác máy, để lại một Thanh Nghiên với cảm giác hụt hẫng cùng cực:
Tôi nghĩ rằng dù như thế nào thì vẫn có phần trăm nào đó của sự hướng thiện trong con người của người cai tù này. Mặc dù cái xã hội cái ác được lên ngôi thì cái thiện vẫn cứ nẩy mầm.
- Phạm Thanh Nghiên
Tôi thấy mọi sự trước mắt mình như tối sầm lại bởi vì tôi đã rất là mong chờ đến ngày hẹn để đến lấy danh sách. Chưa bao giờ tôi có cảm giác thất vọng kinh khủng khi đã không hoàn thành cái mục tiêu, cái nhiệm vụ mà mình đặt ra cho chính mình. Đối với họ thì để chẳng làm gì cả nhưng đối với chúng ta thì nó là vô giá. Tôi tin chắc một điều nó sẽ là một bằng chứng lịch sử sau này về những đau thương mà người dân Việt Nam nói chung cũng như những cựu quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng bị bách hại. Nói thật là trong phút chốc đó tôi cảm thấy mọi sự trước mắt mình như sụp đổ.
Khi tôi trấn tĩnh lại thì tôi không tin, tôi không tin rằng cái danh sách ấy đã bị đốt đi. Thời gian tới tôi sẽ vẫn cố gắng để có được cái danh sách đó trong khả năng có thể. Nếu như họ cứ khăng khăng thì tôi không làm cách nào được nhưng tôi vẫn cứ hy vọng.
Con số 626 tù cải tạo miền Nam chết vì bệnh tật, đau khổ và đói khát trong trại tập trung Ba Sao ở Nam Hà trên thực tế có thể cao hơn. Cựu quân nhân miền Nam Nguyễn Đạc Thành, năm 1979 từ trại 9 Yên Bái trên biên giới phía Bắc được chuyển xuống trại tù Nam Hà, gọi là Ba Sao:
Trại Ba Sao chia ra nhiều khu, khu A dành cho cấp tướng, cấp bộ trưởng hay tổng trưởng. Khu B dành cho sĩ quan cấp tá, khu C dành cho tù hình sự.
Trại Ba Sao gọi là khó khăn nhất, hắc ám nhất của công an. Nói tới Ba Sao là người miền Bắc đã rất là sợ. Con số 626 có thể còn hơn nữa chứ không ít hơn đâu bởi vì việc quản lý ăn uống rất khó khăn, không được nấu nướng hay là gì cả cho nên anh em kiệt sức rất nhiều, binh hoạn chết chóc đương nhiên xảy ra. Trại này rất lớn, còn có 3 cái nghĩa địa nữa và con số tù chết có lẽ là hơn số 626 đó rất nhiều.
Họ được chôn ở đâu?
Tuy nhiên, vẫn lời ông Nguyễn Đạc Thành, phần đông tù cải tạo không chết trong trại Nam Hà mà chết tại trại Mễ. Trại Mễ nằm trên một khu vực có tên là Cánh Đồng Mễ, chạy từ Nam Định ra Phủ Lý, nơi những tù bị bịnh từ Ba Sao được chuyển ra mà nếu chết thì được chôn tại đây.
  photo image_1.jpg

Danh sách 126 người chết tại trại tập trung Ba Sao. Hình do VAF cung cấp Danh sách 126 người chết tại trại tập trung Ba Sao. Hình do VAF cung cấp
Năm 2007, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đạc Thành sáng lập VAF Sáng Hội Việt Mỹ, vận động chính giới Hoa Kỳ cũng như giới chức Việt Nam để xin về bốc mộ đồng đội chết trong những trại tập trung như Làng Đá, Ba Sao và những nơi khác.
Tôi đã đến Cánh Đồng Mễ và đã thấy cảnh hoang tàn ở đó rồi. Người ta cắt một phần của cánh đồng nghĩa địa này bán cho một công ty hóa chất.
Năm 2009, con của ông trung tá Cao Kim Chẩn chết tại Nam Hà, em Cao Kim Minh, đã ra ngoài Nam Hà để bốc mộ cha. Số mộ của ba em là 49, em gởi cho tôi cái danh sách 126 tù cải tạo tại Cánh Đồng Mễ này. Sau đó tôi lập tức ra Nam Hà, đi tìm cái nghĩa địa trên Cánh Đồng Mễ này.
Song song đó thì tôi được quen biết với con của đại tá cảnh sát Tôn Thất Dẫn. Chị Trinh con của đại tá Dẫn đã đi ra ngoài trại Nam Hà để xin bốc mộ cha, trại đã chỉ ra cái nghĩa địa ở Cán Đồng Mễ.
Cô ấy ra ngoài nghĩa địa thì mới thấy chính quyền địa phương đã cắt một phần nghĩa địa để bán cho công ty hóa chất. Tại đây cô hỏi thì ban giám đốc công ty hóa chất cho biết họ đã bốc tất cả những ngôi mộ trong phần đất của họ, mỗi một hài cốt bỏ vào trong một cái hũ sành.
Cần biết vì có cả mộ thường dân trong nghĩa địa của Cánh Đồng Mễ nên những cái tiểu sành đựng hài cốt tù cải tạo được đánh dấu riêng và được chôn trong một ngôi mộ chung.
Từ Sài Gòn, chia sẻ với Thanh Trúc về việc liên quan, con gái cố đại tá cảnh sát Tôn Thất Dẫn cho biết trong hai mươi mấy cái tiểu sành chị tìm thấy trên Cánh Đồng Mễ và đưa qua xét nghiệm thì 14 cái được xác nhận là hài cốt tù cải tạo, trong đó một cái là hài cốt thân phụ của chị.
Chị Trinh đã xin phép đưa tất cả 14 hũ hài cốt này về Nam, an vị trong một nhà thờ ở Sài Gòn.
Đó là những chi tiết về quân dân cán chính miền Nam đã nằm xuống tại trại tù Ba Sao ở miền Bắc sau năm 1975. Không ai rõ con số 126 người xấu số ở Ba Sao mà VAF Sáng Hội Việt Mỹ thu thập được có nằm trong danh sách 626 người tù tử vong Ba sao mà cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên mong muốn tìm ra hay không.
Tại sao một giám thị Ba Sao lại tìm đến một ngôi chùa để lập bia thờ 626 vong hồn tù cải tạo chết trong trại, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên nói rằng điểm duy nhất cô có thể lý giải là:
Không có lý do gì để người giám thị làm như vậy cả, chưa kể tính chất nhạy cảm và nguy hiểm nữa. Lý giải bằng tâm linh thì tôi cho rằng có thể có một biến cố nào khiến vị cai tù này làm được cái việc như thế. Tôi nghĩ rằng dù như thế nào thì vẫn có phần trăm nào đó của sự hướng thiện trong con người của người cai tù này. Mặc dù cái xã hội cái ác được lên ngôi thì cái thiện vẫn cứ nẩy mầm.
Trả lời câu hỏi tương tự, cựu tù chính trị Nguyễn Đạc Thành, giám đốc VAF Sáng Hội Việt Mỹ, từng về Việt Nam bốc mộ và cải táng hơn 500 bộ hài cốt tù cải tạo miền Nam từ Nam ra Bắc, nêu thí dụ hiếm hoi về một cán bộ mà ông dấu tên, một người có lòng mà ông và bạn đồng tù không thể quên khi còn ở trại 9 Yên Bái:
Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.
- Phạm Thanh Nghiên
Trong thời gian ở tù thì rất nhiều quản giáo và nhiều vệ binh rất tàn ác nhưng cũng có một vài vị có lương tâm. Tôi nói thí dụ một cán bộ ở trại 9 đã khóc khi thấy chúng tôi bị giam cầm một cách khắc nghiệt như thế này. Ông đã lén cho chúng tôi đào trộm sắn để ăn để có thể hồi sức lại.
Cái thứ hai nữa là khi mà ông chuyển chúng tôi về trại giam Nam Hà thì ông quay mặt vào tường ông khóc. Tôi nói cái này chắc chắn anh em trong trại 9 không ai phản đối hết, ông đã thương và che chở chúng tôi, chúng tôi đã phục hồi lại được ở trại 9 để về Nam Hà ở tù tiếp.
Theo tôi nghĩ người quản giáo đó đã làm một việc rất nguy hiểm, nếu bị phát giác họ sẽ bị mất việc. Đó là tình cảm của riêng họ đối với anh em tù cải tạo mà thôi, tôi nghĩ là có chứ không phải không có.
Đích xác bao nhiêu người tù cải tạo miền Nam đã bỏ mạng trong trại Ba Sao ở Nam Hà nói riêng là bài toán chưa có đáp số. Chỉ biết thầm lặng cảm ơn những tấm lòng nhân ái từ người quản giáo nào đó ở Ba Sao, của vị sư thầy nào đó ở một ngôi chùa nhỏ ngoài Bắc mà có ngày cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên sẽ đưa quí vị cũng như Thanh Trúc đến như đã hứa.
Xin hãy cùng Thanh Trúc cầu xin mọi điều bình an đến cho những người có trái tim nhân hậu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire