Nhằm phục vụ cho tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần lễ cấp cao APEC 2017, những chiếc máy bay vận tải C-17 Globemaster III vẫn đang miệt mài vận chuyển hàng tấn hàng hóa chuyên dụng, trang thiết bị an ninh như xe bọc thép Cadillac One và cả trực thăng Marine One sẵn sàng cho các hoạt động của ông chủ Nhà Trắng tại Đà Nẵng trong những ngày tới.
Mình đã từng có dịp leo lên, chụp hình, nghịch phá chiếc C-17 Globemaster III này tại triển lãm hàng không Singapore cách đây hơn 3 năm và mời anh em cùng xem chi tiết hơn về siêu máy bay vận tải này.
C-17 là mẫu máy bay vận tải quân sự cỡ lớn được phát triển cho Không lực Hoa Kỳ. Nó được phát triển từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990 bởi McDonnell Douglas. Cái tên C-17 kế thừa từ 2 phiên bản Douglas C-74 Globemaster và Douglas C-124 Globemaster II. Vào đầu thập niên 90, McDonnell Douglas sáp nhập vào Boeing và tiếp tục phát triển và sản xuất C-17 Globemaster III.
C-17 Globemaster III sở hữu 4 động cơ tuabin phản lực cánh quạt, cho phép vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn, bay xuyên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu. Máy bay được phát triển nhằm mục đích cung cấp trang thiết bị chiến đấu và lực lượng trực tiếp đến chiến trường. Máy bay có thể dỡ hàng ở khi hạ cánh hoặc ngay trên không (thả xe cơ giới từ trên không mà anh em hay thấy trong phim?), đồng thời có thể đảm nhận các nhiệm vụ như sơ tán y tế và các sứ mạng đặc biệt. Với chiều rộng khoang hàng 5,5 m, cao tối đa 4,6 m, Globemaster III có thể chứa 1 chiếc xe tank M1 hoặc 3 xe bọc thép IAV Strykers hoặc 6 xe ASV M1117.
C-17 Globemaster III có chiều dài thân 53 m, sải cánh rộng 51,75 m. Cánh của máy bay được thiết kế siêu tới hạn kèm với các đầu cánh winglet giúp giảm lực kéo, tăng hiệu quả nhiên liệu và tầm bay, hệ thống cánh tà sau đặt ngoài, các cánh lưng điều khiển lực nâng trực tiếp và hệ thống càng hạ cánh chịu lực cao giúp máy bay có thể vận hành trên các đường băng tiêu chuẩn hoặc tự tạo. Trên mỗi động cơ của C-17 còn được tích hợp hệ thống đảo chiều lực đẩy hướng tới/luôi nhằm giúp máy bay dừng nhanh hơn khi hạ cánh đồng thời giảm tác động của bụi, mảnh vỡ và tiếng ồn lên các nhân viên hoạt động trên mặt đất.
Cửa khoang hàng hóa, thiết kế bậc tải hàng và hệ thống neo hàng bên trong có thể được vận hành chỉ với 1 chuyên viên bốc dỡ và cho phép trang thiết bị được tháo dỡ ngay lập tức mà không cần đến các thiết bị chuyên dụng.
Buồng lái của C-17 cũng được nâng cấp với các màn hình CRT giúp tăng độ tin cậy và giảm độ phức tạp. Hệ thống chẩn đoán tình trạng Built-In Test (BIT) cũng giúp giảm thời gian soát lỗi và bảo trì.
C-17 Globemaster III được trang bị 4 động cơ Pratt & Whitney F117-PW-100, phiên bản thương mại PW2040 của loại động cơ này hiện đang được sử dụng trên Boeing 757. Mỗi động cơ tạo ra lực đẩy 180 kN tương đương 18,3 tấn lực. Các động cơ được treo tại giá treo phía trước và bên dưới bờ tiến của cánh. Như đã nói ở trên, các động cơ đều có bộ đối chiếu lực đẩy (thrust reverser) tích hợp bên trong vỏ động cơ và có thể được kích hoạt ngay khi đang bay. Khi bộ đối chiếu lực đẩy được kích hoạt, các cánh quạt và họng xả đều được tái định hướng. Lực đẩy được đưa tới trước và sau thông qua các cửa chớp để tăng tối đa lực đẩy đảo chiều. Trên mặt đất, một chiếc C-17 đủ tải có thể chạy lùi lên một mặt dốc 2% nhờ bộ đối chiếu lực đẩy này. Các bộ đối chiếu lực đẩy sẽ dẫn luồng khí từ động cơ ra trước hoặc sau để tránh hút phải bụi hoặc mảnh vụn xung quanh. Kết hợp với nguyên lý nâng đẩy, các bộ đối chiếu lực đẩy cho phép máy bay hạ cánh trên đường băng ngắn.

Hệ thống nâng đẩy của C-17 Globemaster III rất độc đáo, khai thác luồng khí từ động cơ để gia tăng lực nâng. Bằng cách dẫn luồng khí từ động cơ vào các cánh tà lớn nằm ngoài đặt sau cánh để tăng thêm lực nâng, C-17 có thể tiếp cận đường băng dốc ở tốc độ hạ cánh rất chậm. Cụ thể, máy bay có thể hạ cánh với tổng lượng hàng hóa lên đến 72 tấn trên một đường băng chỉ dài 914 m.
C-17 Globemaster III được vận hành với tổ bay gồm 3 người gồm cơ trưởng, cơ phụ và 1 chuyên viên bốc dỡ hàng (loadmaster - cô bên phải trong hình). Các thông số về hiệu năng vận hành của C-17 Globemaster III:
  • Chiều dài thân: 53 m
  • Chiều rộng sải cánh: 51,75 m
  • Diện tích cánh: 353 m2
  • Chiều cao: 16,8 m
  • Động cơ: 4 động cơ tuabin phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F117-PW-100, tạo lực đẩy 180 kN mỗi động cơ;
  • Tầm bay không cần tiếp nhiên liệu: 9630,4 km
  • Tốc độ tối đa: Mach 0.77 (817,8 km/h)
  • Tốc độ hành trình: Mach 0.74 (786 km/h)
  • Trần bay tối đa: 13.716 m
  • Tải trọng: 77.519 kg
  • Tổng trọng tải cất cánh tối đa: 265.350 kg
  • Cự ly cất cánh với trọng tải tối đa: 2316 m
  • Cự ly hạ cánh tối thiểu: 914 m
  • Chiều rộng đường băng tối thiểu: 27 m
C-17 Globemaster III hiện có giá khoảng 218 triệu USD tại Mỹ. Tính đến năm 2012 thì đã có 250 chiếc C-17 Globemaster III xuất xưởng và đang nằm trong biên chế của quân đội nhiều nước như Mỹ, Canada, Ấn Độ, Anh, UAE, Qatar và NATO.
Một số hình ảnh về C-17 Globemaster III:
Chiếc C-17 Globemaster III này có biệt danh là .... Tinh thần của Kamehameha, à mà không phải tuyệt chiêu của Songoku trong 7 viên ngọc rồng đâu, Kamehameha (Kalani Paiʻea Wohi o Kaleikini Kealiʻikui Kamehameha o ʻIolani i Kaiwikapu kauʻi Ka Liholiho Kūnuiākea) là tên của vị vua đầu tiên của Hawaii
.
Buồng lái chi chít nút bấm, cần điều khiển và màn hình.
Với hệ thống điều khiển phức tạp như vậy nhưng C-17 Globemaster III lại không cần đến kỹ sư như tổ bay 3 người trên nhiều mẫu máy bay cỡ lớn khác, chỉ cơ trưởng và cơ phó là đủ.
Bên trong khoang hàng nhìn ra, trần cao đến gần 5 m lận.
Nhìn lên trần khoang hàng với hàng tá dây nhợ và ống thủy lực, nó phục vụ cho hệ thống điều khiển fly-by-wire và bốc xếp hàng hóa.
Hệ thống đai khóa, neo giữ để cố định hàng hóa trong khoang.
Mấy cái nút này để đóng mở cửa khoang hàng.
Đi thẳng là và lên một cái cầu thang là vào buồng lái. 2 bên có 2 hàng ghế dành cho các nhiệm vụ nhảy dù.
Hệ thống càng hạ cánh với mỗi bên 2 càng, mỗi càng 3 bánh.