caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 8 avril 2018

Đọc báo người Việt để thấy Dân Cần Thơ tháo chạy vì lỡ đất.

tt
 Thiên nhiên rất sống động.
Khi con người biết quý những gì trời đất tạo cho mình thì sẽ được hưởng lại lợi ích từ nó.
Ngược lại, khi chúng ta khinh thường và thi nhau ép bức nó thì hậu quả thật khó lường.
Một dòng sông không bao giờ lại chảy êm đềm nếu người ta không lợi dụng nó để gây lợi cho mình và gây hủy hoại cho nơi khác.
Mời các anh chị đọc những tin của báo Người Việt để biết những thay đổi mà từ đó con người phải gánh chịu.
Caroline Thanh Hương




Dân Cần Thơ tháo chạy vì sạt lở



Hiện trường có nhiều vết nứt, nguy cơ tiếp tục sạt lở. (Hình: VNExpress)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Đoạn bờ kè sông Ô Môn đang được thi công thì bất ngờ sạt lở, khiến gần chục nhà dân nháo nhào tháo chạy.
Theo báo VNExpress, sáng sớm 6 Tháng Tư, nhiều nhà dân sống ven sông Ô Môn ở phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, đang ngủ bỗng nghe tiếng động “ầm ầm,” mặt đất rung chuyển. Chạy ra khỏi nhà, hàng chục người thấy bờ sông sạt lở, đoạn đường giao thông, trụ điện bị cuốn xuống sông.
“Mọi người xúm nhau hô hoán, di tản trẻ nhỏ, người già và đưa đồ đạc ra khỏi nhà,” bà Nguyễn Thị Lệ (75 tuổi), nói với báo VNExpress.
Chị Nguyễn Thị Hương cho biết mới chiều hôm trước đơn vị thi công vẫn đóng cọc bờ kè bình thường, không có dấu hiệu sạt lở. Tuy nhiên, đến sáng sớm hôm nay thì nền đất bị nứt.
“Nhà tôi mới được di dời từ phía bờ sông vào đây, gia đình vừa bỏ ra hơn 500 triệu đồng (hơn $21,927) xây mới được vài tháng đến giờ tiếp tục bị sạt lở, gây nứt nền,” chị Hương cho biết.
Đoạn sạt lở dài 54 mét, ăn vào trong 12 mét, sâu 12 mét. Ba căn nhà và một nhà gửi xe bị nứt tường, sụp lún. Hàm ếch tiếp tục ăn sâu vào trong, gây ảnh hưởng trực tiếp đến gần 20 nhà lân cận.
“Các nhà dân mới xảy ra sạt lở, nứt đất là những nhà vừa di dời vào bên trong do trước đó bị nứt đất. Tuy nhiên, đến sáng nay lại tiếp tục bị sạt lở, nứt nền nhà do hàm ếch khoét sâu. Trước mắt, quận sẽ khống chế, phong tỏa toàn bộ khu vực không cho người dân, đặc biệt là trẻ em di chuyển qua lại, di tản dân ra khỏi vùng nguy hiểm,” ông Trần Văn Tín, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân quận Ô Môn, cho biết.
Theo Chi Cục Thủy Lợi Cần Thơ, khu vực này nằm trong giai đoạn ba của dự án bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn, được khởi công khoảng Tháng Tám, 2017, hiện đã hoàn thành 50% khối lượng công trình. Riêng đoạn bị sạt lở mới được đóng cọc.
“Ngành chức năng đang thống kê thiệt hại, kiểm tra, khảo sát tại đoạn sạt lở để tìm nguyên nhân, có biện pháp khắc phục,” đại diện Chi Cục Thủy Lợi nói. (Tr.N)
Bài liên quan


Thủy điện Trung Quốc gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long



Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất 300 hécta đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. (Hình: Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Diễn biến xói, sạt lở bờ biển, bờ sông khiến khu vực đồng bằng các tỉnh phía Nam mỗi năm mất 300 hécta đất có nguyên nhân từ hoạt động của các thủy điện Trung Quốc.
Theo báo Thanh Niên, tại cuộc họp “Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018” diễn ra ngày 29 Tháng Ba tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai, cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực các tỉnh phía Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển.
Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là những khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế, xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh, báo Thanh Niên cho hay.
Báo này dẫn chứng, qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực đồng bằng các tỉnh phía Nam giảm khoảng 300 hécta/năm, trong đó phần lớn là khu vực bờ biển thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.
Về nguyên nhân sạt lở, theo Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, trước khi các đập thủy điện Trung Quốc đi vào vận hành, tổng lượng phù sa, bùn cát hằng năm từ Trung Quốc về tới tỉnh An Giang khoảng 73 triệu tấn. Nhưng từ năm 2012 đến nay, kể từ khi các hồ chứa phía Trung Quốc đi vào vận hành, tổng lượng phù sa, bùn cát về đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đáng kể, đây là nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này.
Về hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, cơ quan này cho biết thêm, Việt Nam hiện có 2,055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2,710 cây số, trong đó có 91 điểm sạt lở “đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng,” với tổng chiều dài 218 cây số và 735 điểm sạt lở “nguy hiểm” với tổng chiều dài 911 cây số.
Ông Nguyễn Trường Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai, cho rằng sạt lở, xói lở gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có nguyên nhân từ khai thác nước ngầm, khai thác cát quá mức. Trong 25 năm qua, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5 mét, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1.1 cm/năm, có những nơi sụt lún 2.5 cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Ngoài ra, cát trên sông Tiền và sông Hậu đang bị khai thác quá mức. Tính đến năm 2016, có 65 giấy phép khai thác cát được cấp tại các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng khai thác 15 triệu m3/năm. Đó là chưa kể đến khối lượng khai thác cát của các dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy.
“Dự báo trong những năm tới, nạn ngập lụt tại đây sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng và xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, nên việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn,” ông Sơn khuyến cáo. (Tr.N)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire