Kín gửi quý anh chị tài liệu về lịch sử rất hiếm và lời người dịch.
Tác phẩm được lưu lại dưới dạng pdf, quý anh chị có thể đọc trên cell, riêng phần audio, dài hơn mười giờ với nhiều diển biến lịch sử theo từng mốc thời gian.
Môn sử, có lẽ thời "làm học trò không sách cầm tay", ít được lưu ý, nhưng theo thời gian và người ghi lại, Sử Điạ, càng tìm hiểu thấu đáo là cả kho tàng kinh nghiệm giành và giữ nước.
Cám ơn người viết, người post bài, người đọc và chúc quý anh chị thêm một khung trời mới từ chuyện xưa.
Caroline thanh Hương
Anh Em Thù Địch (Huynh đệ tương tàn)
nhấn vào đường link để đọc truyện.
Lời chia sẻ:
Nhân dịp những sự kiện đang sắp sẽ xảy ra, tui xin chia sẻ với mọi
người, những ai quan tâm, một tư liệu đáng quý về lịch sự thế giới mà
trong đó Việt Nam-sau 1975 đã góp phần tham gia: Chiến Tranh Đông Dương
lần 3 (China-Vietnam-Kambodia). Mọi sự kiện đều rất khách quan vì được
tác giả Chanda người Ấn Độ, một nước luôn được coi là bạn của Việt Nam
qua mọi thời kỳ, viết và tường thuật hết sức trung thực về những gì ông
được chứng kiến trong thời gian này ở Việt Nam. Xin lưu ý, nhiều bạn
,chỉ đọc sách báo Cách Mạng nếu đọc, sẽ bị sốc nặng; điều này dễ hiểu,
những gì chân thực khách quan thì cần cái đầu rộng mở và bao dung mới
thấu hiểu, mà với "người CM" thì điều này quả là ngoài khả năng của họ.
***
Trích giới thiệu:
Lịch sử các nước Đông Dương sau khi Sài Gòn sụp đổ
Ngày 30 tháng Tư 1975, khi chiếc trực thăng cuối cùng bốc lên khỏi sân
thượng Tòa Đại Sứ Mỹ là lúc Sài Gòn sụp đổ. Rồi một sự im lặng bao trùm
cả Đông Dương. Quả thật người Tây Phương đã quên lãng xứ nầy. Mãi đến
năm 1979, lúc ấy, quân đội Việt Nam (CS) tiến vào Cam Bốt, Trung Hoa xâm
lăng Việt Nam và mười ngàn người tị nạn Việt Nam và Cam Bốt trốn chạy
khỏi quê hương họ. Cả thế giới bất thần giật mình vì những nỗi kinh
hoàng mới xảy ra ở Đông Dương.
Trong những năm Tây Phương hầu như lãng quên Đông Dương thì Nayan
Chanda, phái viên Đông Dương của tạp chí Kinh Tế Viễn Đông (Fareast
Economic Review) tiếp tục cung cấp những tin tức có giá trị nhất, những
cảm nhận chưa rõ lắm về một cuộc chiến sắp xảy ra và xung đột trong vùng
Cộng Sản kiểm soát ở Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Không có một nhà báo nào
theo dõi những biến chuyển ở vùng này một cách sít sao đến thế. Với
những kiến thức có sẵn, ông tiếp cận ở mức độ cao và sâu để tìm hiểu sự
thực. Giờ đây, trong tác phẩm “Anh Em, Thù Địch” (Brother Enemy),
Chanda, với đầy đủ tư cách, vẽ nên một bức tranh về Đông Dương, kể từ
khi chiến tranh tái phát. Câu chuyện lịch sử này bắt đầu khi quân đội
Bắc Việt tràn vào dinh Độc Lập ở Sài Gòn và qua nhiều thập niên đẫm máu
tiếp sau.
Tác phẩm của Chanda là một sự hiểu biết thực sự. Từ hàng trăm cuộc phỏng
vấn với những nhân vật hàng đầu ở Hà Nội, Bắc Kinh, và Phnom Pênh, cũng
như nhiều nhân vật khác ở Washington, Moscow, Paris, Tokyo, và
Canberra, và từ những quan sát của chính ông qua hơn một thập niên,
Chanda sắp xếp một cách hết sức khéo léo trong việc trình bày những bí
mật, không những giữa các cựu đồng chí mà cả những mưu mô tranh giành
quyền lực tại Washington. Ông ta đưa ra một nhãn quan hấp dẫn đầu tiên
về những mối sợ hãi, tham vọng dẫn dắt Khmer Đỏ đi tới tai họa diệt
chủng, cũng như lần đầu tiên thái tử Norodom Sihanouk bị giữ tại Cam Bốt
và cuộc đào thoát không thành của ông ở Hoa Kỳ. Chanda cho chúng ta
biết những sự kiện bên trong kế hoạch bí mật của Việt Nam (CS) xâm lược
Cam Bốt Ông ta kể lại, lần đầu tiên, hồi mùa Thu 1978, Hoa Kỳ gần như
sắp treo cờ Mỹ lên ở Hà Nội rồi làm thế nào mà Cố Vấn An Ninh Quốc gia
của Tổng Thống Jimmy Carter, Zbigniew Brzezinski cố gắng dùng lá bài
Trung Hoa để Hoa Kỳ trở thành một thành viên bất như ý của Trung Hoa
trong cuộc xung đột cay đắng có tính cách lịch sử với Việt Nam (CS).
Chanda giải thích làm thế nào chính sách này đã mở cửa cho Liên Sô bành
trướng quân sự ở Đông Nam Á.
Đây là một tác phẩm lịch sử sáng chói nhất trong thập niên qua. “Anh Em,
Thù Địch” (Brother Enemy) được xem như là một tác phẩm hay nhất.
***
Giải bày của người dịch
Dù ít nhiều, trước 30 tháng 4 năm 1975, các quí vị phục vụ trong Quân
Đội VNCH, công chức hoặc cán bộ, có dịp nghe phát thanh hay đọc báo chí,
v.v... nên biết ít nhiều tình hình thời sự, chính trị trong cũng như
ngoài nước. Dù chế độ chính trị miền Nam lúc đó có kiểm duyệt báo chí
(được gọi một cách văn hoa bóng bảy là “Sở Phối hợp Nghệ thuật”) nhưng
cũng không đến nỗi quá khắt khe để ai nấy cũng phải mang một cái dàm vào
mắt như con ngựa kéo xe sau năm 1975.
Sau năm 1975 thì vô phương. Ngoài các đài phát thanh và báo chí của nhà
nước Cộng Sản hay làm cái đuôi đập ruồi cho con bò kéo xe như báo Tin
Sáng của ông Ngô Công Đức thì ngoại dã cấm ngặt. Không thiếu gì người
lén nghe đài BBC hay đài VOA nên phải trình diện công an, hoặc chỉ phải
làm kiểm điểm hoặc không ít người lên đường vào trại “tù cải tạo” học
năm bảy năm cho chín bài học cách mạng.
Vào trại tù cải tạo rồi thì cũng vô phương, như ếch ngồi đáy giếng.
Thỉnh thoảng, thân nhân có lên thăm báo cho vài tin tức thì tin đó cũng
tam sao thất bản, thiên hạ xào đi nấu lại, thêm bớt quá nhiều tiêu,
hành, tỏi, ớt thành ra chẳng rõ nguyên thủy nó là món ăn gì.
Mùa hè năm 1981, một hôm, khoảng chạng vạng, tôi đi gánh nước đêm tưới
rau cho trại cải tạo, ngang qua nhà thăm nuôi, chợt nghe thoáng đài BBC
phát ra nho nhỏ - gia đình ai đó lên thăm được ở lại, thân nhân mở đài
cho người cải tạo nghe vì lúc nầy cán bộ vào trại hết cả rồi. Khi tôi
đứng ngoài nghe lén là lúc Phạm Duy đang giới thiệu “Nửa thế kỷ âm nhạc
Việt Nam”. Một nữ ca sĩ, giọng quen lắm nhưng vì âm thanh vặn nhỏ nên
tôi không nhận ra được là ai, đang hát: “Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào
tươi, cười trong nắng...” Trong đời tôi, mê nhạc cũng dữ lắm, đã từng
nhiều lần đi nghe hát ở Queenbee hay Đêm Màu Hồng, v.v... nhưng chưa bao
giờ tôi thấy xúc động đến nỗi muốn chảy nước mắt như hôm đó. Hai cái:
Đài BBC và “nhạc vàng” thấm sâu vào tim máu tôi tư thuở nào tôi không
chắc, nhưng nó là món ăn tinh thần của tôi hằng ngày, cũng như cơm cháo
vậy. Vậy mà từ tháng 5/1975 cho đến giờ tôi không được ăn. Thèm biết
chừng nào!
Tôi nghe đài BBC từ năm 1951. Hồi ấy chưa có máy thu thanh transitor nên
khi thành phố Quảng Trị có điện trở lại thì bà mẹ anh Phan văn Cẩn, bạn
tôi, mua một cái radio hiệu Phillips để gia đình nghe chơi. Thỉnh
thoảng, tôi qua nhà người bạn nghe ké đài BBC.
Từ năm 1954, tôi làm “gia sư” để kiếm cơm ăn học tại nhà một người bà
con ở Huế. Người nầy làm ở Nha Thông Tin Trung Việt nên được cơ quan
giao cho một cái radio để mỗi ngày lấy tin tức. Tôi được nghe và dần dần
lấy tin giùm ông thành ra từ đó cho đến ngày 30 tháng 4/ 1975, nghe đài
VOA mỗi ngày 2 lần, nghe đài BBC mỗi ngày 3 lần là thói quen không
những cần mà còn thiết, cũng giống như ăn cơm vậy, buổi nào không nghe
thì coi như buổi đó thiếu ăn. Món ăn thường ngày do Xuân Kỳ, Hữu Đại,
hai người làm đài BBC chương trình tiếng Việt từ “thời thượng cổ”, sau
nầy có thêm Ngọc Phách, Trần Minh, dọn ra cho tôi. Đỗ Văn, Xuân Hồng,
Vĩnh Phúc, Lê Thảo, Lan Đài là “hậu duệ”. Thỉnh thoảng, nhân dịp tết ta,
giáo sư Honey chúc tết, dọn thêm món ăn nửa Tây nửa ta, giống như mấy
ông cha Tây giảng đạo trong nhà thờ. “Hôm nai la mua chai, cac con phai
an cưc khô”. Judy Stow thỉnh thoảng cũng cho ăn vài món, nhưng vốn dĩ là
đàn bà khéo tay nấu nướng nên món ăn tây mà có thêm mắm ruốc, dễ nuốt
hơn.
Không riêng gì tôi, vô trại cải tạo rồi, dù muốn dù không, ai ai cũng
coi trời bằng vung. Thế mà trong trại cải tạo thì lạm phát nhiều nhà
bình luận chính trị, “trăm hoa đua nở”, chẳng có hoa nào chịu thua hoa
nào. Các nhà bình luận nầy, không bút chiến được nhưng vẫn khẩu chiến
liên miên, có khi trực tiếp, khi gián tiếp, ông nào cũng coi như “30
tháng Tư của Cộng” tới bên lưng rồi, mỗi người sắp lên một “lon” tới nơi
rồi. Người được thăm nuôi có gì gia đình bới xách cho, hứng chí mời các
nhà bình luận đến dự, chẳng mấy chốc trận chiến bát dĩa sạch bách, y
như Cọng Sản rút lui về Bắc, chẳng còn mống nào dám ở lại miền Nam. Có
điều đáng buồn, tất cả ý kiến của các nhà bình luận nầy đưa ra, chẳng
dựa vào nguồn thông tin nào để có cơ sở hết.
Ngày 2 tháng 7/ 1982, tôi được “tha ra khỏi trại cải tạo” như lệnh tha
ghi, nhưng thật ra thì cũng tù trong ra tù ngoài như chính vài công an,
trong “phút nói thật” xác nhận. Về, có nghĩa là tiếp tục một cuộc sống
đọa đày khác, suốt ngày lo gạo, rau, y như cảnh nhà thơ Trần Tế Xương
“chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. “Món ăn vật chất” còn chưa có đủ để đút
vào mồm, nói chi tới “món ăn tinh thần”. Chế độ Cộng Sản là một chế độ
gồm có cây súng của công an cọng với sợi giây thắt bao tử là cái hộ
khẩu, người dân còn ngo ngoe đằng nào được mà nói là chống chế độ.
28 tháng 5/1989, tôi vượt biên và thoát tới Bidong. Tới trại tỵ nạn rồi,
bấy giờ “vui chơi tắm giặt nghe đài” thoải mái. Tôi như con cóc bò lên
được trên miệng giếng. Sao mà trời cao đất rộng thế!
“Giòng lịch sử” đứt đoạn từ 30 tháng Tư nay được tiếp nối một cách phong
phú, tràn đày, vui thú. Món ăn tinh thần bây giờ, tưởng như làm người
ta bội thực.
Nói chung như trên là tình cảnh những người ở lại sau Tháng tư đen.
Còn ai kịp nhanh chân?
Tới Hoa Kỳ năm 1993, gặp một người bạn qua đây từ 1975, hỏi anh ta theo
dõi tình hình như thế nào? Anh ta cười trừ. Mặc dù anh tốt nghiệp Luật
khoa thời chế độ cũ, từng làm hiệu trưởng một trường Trung học, từng
tranh cử dân biểu hạ viện, qua tới Mỹ thì học lại, lấy bằng Master,
nhưng chuyện nhà, chuyện nước, chuyện bốn bể năm châu, chủ yếu là nhờ
cái TV. Anh ta nói đâu còn nghe được những bài bình luận, những ký sự
của những phóng viên lừng danh như Alexender Thompson, Bernard Fall (đã
chết), Nayan Chanda, v.v... Anh bạn thú thiệt: “Về mặt nầy, tôi chẳng
may mắn gì hơn anh bao nhiêu!”
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire