Kính gửi quý anh chị bài thơ của anh Trần Văn Lương và bài viết của anh Huy Văn.
Đọc để nhớ lại chuyện đau buồn cá nhân và vận nước Việt Nam Cộng Hòa, hai mươi năm có được sự tự do, dân chủ mà mãi đến bây giờ đất nước này vẫn chưa được lòng tin của dân.
Cám ơn anh Huy Văn và anh Trần Văn Lương.
Kính chúc hai anh và quý anh chị một cuối tuần an vui.
Caroline Thanh Hương
Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Xa nhau đã quá nửa đời,
Xác xơ ngõ nhớ, tả tơi lối về.
Cóc cuối tuần:
Giọt Sầu Rơi
Mon men về chốn cũ,
Ủ rũ bước đường xưa,
Dường nghe lại tiếng mưa,
Buổi dây dưa lần cuối.
x
x x
Anh ngập ngừng bối rối,
Chẳng biết nói một câu.
Mưa khẽ rắc lên đầu
Từng giọt sầu tơi tả.
Tình mình sao ẻo lả,
Tựa lá níu cành cây,
Anh biết chắc rồi đây,
Lá có ngày xa cội.
Lạnh lùng em rẽ lối,
Anh tiếc nuối nhìn theo.
Mưa dai dẳng mè nheo,
Gió trả treo hờn giỗi.
Anh lần men ruộng tối,
Ếch nhái lội qua bùn.
Bầy dế nhỏ sợ run,
Ùn ùn chun gốc rạ.
Lối quen về bỗng lạ,
Mưa rỉ rả lay nhay.
Chợt nhớ quá những ngày,
Cùng kề vai cắp sách.
Em có gì phiền trách,
Hay ấm ách trong lòng,
Mà tách bến xa sông
Không một dòng từ tạ.
Bao năm trời ròng rã,
Anh rốt đã nhận ra
Mình chẳng khác sân ga,
Em dừng qua ít bữa.
Tình dù nung mấy lửa,
Vẫn mỏng tựa son môi.
Những lời nói ỉ ôi
Đã vèo trôi theo gió.
Tim em không cửa ngõ,
Anh biết gõ vào đâu.
Mình cách trở dòng sâu,
Nhịp cầu ngang chẳng có.
x
x x
Đêm về trên lối nhỏ,
Người bỏ ngủ lang thang.
Trăm thương nhớ muộn màng
Khẽ khàng quay trở lại.
Mưa lần theo lải nhải,
Nào có phải mùa Ngâu,
Sao tấu mãi cung sầu,
Trên mái đầu bạc phếch?
Trần Văn Lương
Cali, 6/2022
Chúa Nhựt 11-07-2010.
9H00- Vừa bừng mắt dậy đã biết trễ giờ hành lễ tại Tượng Đài Chiến Binh
Việt Mỹ. Liếc sơ qua cell phone thì thấy có message. Lại Trần Phan Kiệt và Nguyễn
Thành Út thay nhau nhắn tìm và Út thì thay mặt một số bạn khóa 8 CTKD nhắn tôi
ra cà phê Factory. Bạn hẹn gặp lúc 10H00! Giờ chính thức khai mạc Đại Hội kỷ niệm 50 năm
ngày thành lập binh chủng Biệt Động Quân!
Một bên là Đồng Môn thời Đại Học và
Quân Trường, bên kia là Chiến Hữu và Đồng Đội thời trận mạc. Tả hữu bình bình.
Biết làm sao đây!? Vợ thấy chồng khó xử bèn "phán" một câu thoải
mái "Anh còn mấy tiếng để họp hành rồi còn cả buổi tối nữa! Coi
như nguyên ngày dành cho Biệt Động Quân. Vậy chia bớt cho Đà Lạt và Đồng
Đế chừng nửa tiếng thì cũng đâu có sao! Mấy "ông Cọp" sẽ thông cảm
thôi!" Vợ nói thật có tình, có lý!
Nhưng nửa giờ chỉ đủ
để cho Vợ chào hỏi bạn xưa của chồng và để vài người của khóa 8 CTKD đã từng
gặp 6 năm trước là Vũ Mạnh Hải, Ngọc Trọng và Lê Văn Chánh xem coi "con
gái rượu" của chàng Nhí "cận" nhà ta đã lớn tới đâu. Xong thủ
tục là vợ chở con rút trước. Nàng có hẹn với bạn sau hơn "15 năm rồi
không gặp...". Mà cũng không cần ngồi lâu! Có lý do chánh đáng để rút sớm,
vì bà con đang chờ xem trực tiếp trận tranh vô địch túc cầu thế giới giữa Hòa
Lan và Tây Ban Nha, tổ chức tại Nam Phi.
Rốt cuộc Vũ Mạnh Hải phải đưa
tôi qua khu vực của Tượng Đài và sau đó phải mất cả hơn mười phút để tìm
kiếm Hội Trường. Bãi
đậu xe của Wesminster
Convention Center rộng
mênh mông. Xe cộ đậu khá nhiều nhưng vì phòng họp của BĐQ thì nằm trong khu vực
dành cho giới...bô lão, nên phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để ...hỏi
thăm khách vãng lai. Cuối cùng cũng nhận ra cái "băng rôn" chào mừng
quan khách. Nhìn lại đồng hồ thì đã đúng 11 giờ!
Không nhận ra ai quen trong số vài Mũ Nâu đang thả khói trong sân, nên
tôi bước thẳng vào phòng họp. May quá! Hàng ghế sau cùng vẫn còn vài chỗ trống.
Mọi người đang say sưa theo dõi phần báo cáo về chương trình Huynh Đệ Chi Binh
của Niên Trưởng Nguyễn Minh Chánh nên không ai chú ý tới tôi.
Người đầu tiên nhận
ra tôi là "Phóng Viên Tập San Mũ Nâu " Văn Hữu Hà, aka "Bà Ngoại
Nhí". Anh Hà xẹt đầu này, phóng qua đầu nọ, lăng xăng bấm máy lia lịa và
không quên "chộ " cho tôi một tấm. Lâu lắm mới có dịp nhìn thấy màu
nón và màu chinh y quen thuộc tập họp khá đông như vậy. Vẫn còn phong độ như
xưa, mặc dù ai nấy đều mang màu sương tuyết trên mái tóc.
Quét mắt một vòng để tìm những gương mặt đã có ảnh trên các Tập San BĐQ,
nên tôi cũng dễ dàng nhận diện những Niên Trưởng và Huynh Trưởng vốn là cộng tác
viên thường trực. Chỉ có những vị Niên Trưởng đã trọng tuổi thì phải chờ đến
khi anh Trần Tiễn San xướng danh, hay khi các vị đó lên bục diễn thuyết thì mới
rõ họ tên.
Nhưng
không cần ai giới thiệu cũng nhận ra được "Thiên Lôi" Nguyễn Thế Đỉnh
nhờ mái tóc màu...bông gòn của anh. Những Mũ Nâu khác thì phải chờ đến
khi tạm ngưng cuộc họp mới có dịp tay bắt, mặt mừng. Từ những vị mới
quen
cho tới những người đã quen ( nhưng chưa diện kiến ), ai nấy đều nồng
nàn và
thân mật như đã biết nhau từ thuở nào.
Những gương mặt trong nhóm " Nhí
" thì khỏi nói! Cọp Phúc, Cọp "Canađiên" Lê Minh Tuấn, "Bà Ngoại " Văn Hữu Hà, và đặc biệt là "Bombier" 52 Nguyễn Quốc
Khuê ( chữ Bombier do tôi chế ra từ Bombardier ) gặp tôi là choàng vai bá cổ, hỏi
han và kể lể đủ mọi chuyện trên đời. Vui và ...ồn ào như pháo Tết!
Những cái siết tay không muốn rời của anh
Phan Thành Đông, nụ cười phúc
hậu của anh Học, giọng nói rặt miền Nam và rổn rảng của anh Chánh, gương
mặt bô
trai và vóc dáng cao ráo, trắng trẻo của một "Nhí" tên Phương
( Tiểu Đoàn 92 BĐQ ) Bộ ria " Clark Gable " của anh San, đôi mắt ( còn
lá gì nhỏ, dài và sắc gọn hơn lá tre không nhỉ!? A! phải rồi ! )
lá....
rau
răm của anh Đỗ Mạnh Trường, cùng gương mặt còn hằn nét uy dũng của Niên Trưởng
Tử Thần là những hình ảnh thân tình, nồng hậu đủ để gọi là kỷ niệm của một
ngày vui trong tình Huynh Đệ Chi Binh thời...biệt xứ!
Tử Thần! Một trong những Mũ Nâu có nhiều huyền thoại nhứt của Binh Chủng
Biệt Động Quân- người chỉ huy tác chiến đầu tiên mà các Chiến Hữu Khóa 57 Rừng
Núi Sình Lầy và tôi đã trình diện tại Ba Chúc- trước khi nhập trận Núi Dài ( Thất
Sơn, Châu Đốc ) tháng 10/1973!
Tử Thần của gần 40 năm sau đã trở thành một ông lão chậm chạp về nhiều mặt, nhưng nét tinh anh và vẽ kiên nghị vẫn còn đó,
khi vui vẻ ngồi tiếp chuyện với một đàn em lạ hoắc. Khoảng hơn nửa tiếng ăn
trưa tuy không đủ để tâm tình, nhưng những câu chuyện về thời lửa khói cùng những
buồn vui theo hưng phế của thời cuộc mà Niên Trưởng Thiệt đã kể cho nghe, cũng
đủ để đàn em tép riu mê mẩn không rời.
Sau
đó thì toàn bộ đám "Nhí" đã không bỏ
lỡ cơ hội chụp chung với Tử Thần vài tấm ảnh lưu niệm trong những tiếng
cười
giòn giã thật tươi vui. Cám ơn Anh, người đã góp phần mang lại chiến
thắng Núi
Dài và làm rạng danh BĐQ vùng 4 tháng 10/1973, trước khi ra nắm Liên
Đoàn 15 Biệt Động Quân và làm bạn với sơn lam chướng khí của
dãy Trường Sơn ngoài Quân Khu I!
Buổi hội thảo tưởng như lắng đọng sau khi mọi đề tài quan trọng đã được
bàn qua, nhưng lại khởi sắc bất chợt khi anh San kêu gọi đóng góp tài chánh tại
chỗ nhằm chi tiêu vào việc mướn người quay Video cho toàn Đại Hội. Lại một màn
hô hào, mời gọi rất vui nhộn của Thiên Nga Trần Tiễn San cùng những màn
"rút kiếm" thật ngoạn mục của các Mũ Nâu mạnh thường quân ( trong
đó có "Cọp Nhí" Lê Hữu Phúc ) để bỏ vào nón những tờ giấy bạc có kèm theo hai con số...Zéro
tròn trịa!
Sau đó là một màn hào hứng vài phút trước lúc bế mạc phần hội thảo,
khi NT Trần Tiễn San mấy lần nhấn mạnh câu nói "Tổng Hội ưu tiên dành cho
Washington DC, Virginia, Maryland, và vùng phụ cận vinh dự tổ chức Đại Hội BĐQ
năm 2011" Cách nhấn câu, nhả chữ của Thiên Nga Trần Tiễn San có cái gì đó thật mềm mại,
duyên dáng một cách ân cần mà cũng thật cương quyết và nghiêm trọng, đồng thời
cũng nghe như nửa mời mọc, nửa như... ra lệnh! ( Nếu không muốn nói là vừa khuyến
khích lại vừa...đặt để ) Dĩ nhiên Cọp Lê Hữu Phúc hớn hở nhận lời ngay lập tức,
vì từ lâu anh bạn "journeyman" này cũng đã có ý định "gọi đàn" để
thành lập một "thành lũy" của Biệt Động Quân ngay tại Thủ Đô của toàn
nước Mỹ.
Lại một màn niềm nở chào hỏi nhau ngay sau
khi tan họp. Lại những nụ cười sảng khoái, xen kẽ với những câu chuyện về
mọi thứ trên đời và tất nhiên sau câu từ giả, là lời hứa hẹn gặp lại trong dạ tiệc
vài tiếng sau đó. Cứ tưởng mọi người đã ra về từ lâu, nhưng trong bãi đậu vẫn
còn một chiếc xe đã nổ máy và nằm im tại chỗ vì chủ nhân vừa thoáng thấy người
bạn "Nhí" mới quen, đang lững thững tìm nơi đứng chờ "nội tướng" đem xe tới
đón.
Tình vốn đã đẹp ngay khi gặp nhau tận mặt, Nghĩa càng thêm thắm khi người bạn Võ Bị khóa 27 Lê Minh Tuấn tắt máy, ra khỏi xe, kéo chiến hữu của mình tìm một bóng mát gần đó để ngồi hàn huyên tiếp trong khi chờ đợi "chauffeur" của chàng "Cọp cận". Qủa là một tấm chân tình và một kỷ niệm khó quên!
18H15. Đi sớm nên đến đúng giờ, nhưng vì khu vực đậu xe
trước nhà hàng Mon Chéri đã không còn chỗ trống nên “ tài xế “ phải vòng tuốt
qua phía bên kia Plaza mới có chỗ
đậu xe ngon lành. Tội
nghiệp cho bà dì! ( theo vợ chồng cô cháu chỉ để gặp bạn cũ là một Niên
Trưởng Thủy Quân Lục Chiến xuất thân Khóa 5 Thủ Đức ) Tay yếu, chân
rung, cây gậy trên tay bà bỗng nặng nề chưa từng
thấy! Phải chộp đại một chiếc xe đẩy hàng shopping để từng bước thâu
ngắn đoạn
đường gần trăm thước.
Khi chúng tôi vào bên trong nhà hàng, thì phải len lỏi qua các dãy
bàn ghế đặt sát nhau mới tới được bàn số 14. Nơi đó đã có sẵn anh chị “Nato“
Lê Thanh Tùng, Huynh Trưởng “bà con xa lắc xa lơ“ Huỳnh Lập Quốc ( vẫn độc thân…tại
chỗ! ) và một Niên Trưởng Khóa 10 Võ Bị Đà Lạt ( sau này mới biết là Trung Tá
Bút ) cùng gia đình, một chị bạn ( kiêm tài xế) và người thân của ông.
Quan
khách đã ngồi kín chỗ. Vừa chào hỏi những vị ngồi chung bàn xong là Mũ Nâu Phan
Thành Đông đã xẹt tới ngay bên cạnh, vừa bắt tay tôi, vừa nói: “…Bản mặt tui ở đây
ai cũng biết cả rồi, nên phiền ông qua phía bên kia cho họ phỏng vấn một chút.”
Tưởng gì! Chỉ là chuyện nhỏ thôi!
Cuộc phỏng vấn ngắn gọn vừa thực hiện xong thì ban Tổ Chức tuyên bố bắt đầu buổi dạ tiệc. Vẫn là những nghi thức thường thấy ở khắp mọi nơi. Khởi đầu là phần chào Quốc Kỳ Mỹ-Việt và Mặc Niệm Tử Sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến. Nỗi ngậm ngùi chưa kịp lắng, thì ngay sau đó nghi thức Truy Điệu Anh Linh Tử Sĩ của chiến binh Việt- Mỹ do toán cố vấn đến từ Arizona đã làm bầu không khí đang bồi hồi càng thêm phần trang trọng.
Đến lúc này quan khách mới để ý nhìn kỹ dãy bàn phủ khăn
trắng, cùng với cách bày biện lạ mắt nhưng thâm
sâu trong ý nghĩa. Đôi đũa nằm trên chén, đặt cạnh chiếc dĩa với muỗng, nĩa nằm
sát bên, thêm một cánh hoa hồng và chiếc ly không ngay cạnh đó. Sáu bộ chén
đĩa, muỗng...tượng trưng cho các Quân Chủng của hai Quốc Gia. Hai ngọn nến đỏ nằm
ngay ngắn ngay giữa dãy bàn là tượng đài thu gọn, để chiêu niệm những chiến sĩ
quốc gia và đồng minh đã hy sinh.
Phần chiêu niệm được thực hiện thật trịnh
trọng và vô cùng ý nghĩa. Đêm nay anh linh của những người Linh đã từng chiến đấu
cạnh bên nhau để bảo vệ tiền đồn chống cộng thuở xưa, chắc chắn sẽ từ cõi phiêu diêu
trở về đây thượng hưởng. Một sự lắng đọng đến ngậm ngùi khi tiếng chuông chiêu hồn được gõ
lên từng chập, kèm với lời hô đồng loạt
Remember!
( Hãy nhớ! ). Sự trang
trọng được thể hiện đến tuyệt vời trong từng động tác nâng đũa mời ăn, nâng ly mời rượu, nâng
hoa để thiên thu thắm đượm tình chiến hữu, cùng với những động tác chào tay và
xưng danh của toán Cố Vấn quân sự.
Sau cùng, nghi thức thắp nến chiều hồn cũng được thực hiện một cách đơn giản nhưng đầy ý nghĩa bởi người Trưởng Toán Cố Vấn và một Niên Trưởng Biệt Động Quân trong sự tĩnh lặng tuyệt đối. Toàn buổi chiêu niệm nói chung, là hình ảnh đẹp bao gồm rất nhiều biểu tượng dễ thương, để nói lên sự sát cánh chen vai và một khối tình chung giữa hai dân tộc trong việc chống giữ thành lũy tự do trong thế kỷ trước.
Và
Dẫu không cùng ngôn ngữ hay nòi giống
Vẫn gần nhau vì lý tưởng nhân sinh
Chung thiên cổ nối lòng qua vạn dặm
Chiêu hồn nhau trong ngàn nỗi ân tình.
Hai dòng máu nhuộm thắm nguồn chân lý
Trời Tự Do ôm mảnh đất Cộng Hòa
Bàn tay nối đôi bến bờ Việt- Mỹ
Tranh Tiên Rồng vẽ bằng nét Cờ Hoa.
Cảm xúc bất chợt được tôi ghi vội ngay khi lòng còn đang ngầy
ngật vì những hình ảnh thật ấm lòng. Cứ thế mà lâng lâng với
thoáng hạnh phúc khi tay bắt mặt mừng với những đồng đội, chiến hữu và bạn bè
sau gần 40 năm chia cách. Trong thoáng chốc, màu nắng Nha Trang, màu trời Đà Lạt,
khói sương Dục Mỹ cùng lửa đạn của Nông Sơn, Tiên Phước, Mộ Đức, Núi Dài, Điện
Bàn, Phong Thử và cả Pleiku, Bình Định lần lượt lướt qua thật nhanh trong những
câu chuyện hàn huyên vội vã.
Sự hưng phấn len vào trong tiếng nhạc, thẩm thấu vào lời ca để "Áo Lụa Hà Đông" không ươm nắng Sài Gòn hay che nghiêng Thê Húc, mà gọi hồn tôi bâng khuâng trên từng cung bậc trầm bổng. Một hạnh phúc trọn vẹn khi đứng chung sân khấu với người bạn nhạc sĩ có biệt danh "Mười Ngón Tay Vàng ", đúng 35 năm rồi mới gặp lại nhau!
Cám ơn một ngày toàn hảo với những thân tình cũ, mới, rất nồng nàn! Nồng nàn đến mức tiếng chửi thề cũng nghe thật...êm tai làm sao! Cám ơn những xúc động chân thành đã và đang gặm nhấm trong tôi với cường độ đủ để làm tôi bồi hồi đến...mất ngủ. Cám ơn màu hoa rừng trên các chinh y đã làm mọi người sống lại thuở hoa niên mặc dù ai nấy đã điểm sương trên tóc. Còn hạnh phúc nào hơn khi tìm lại chính mình cho dù 50 năm đã thoáng vội trong ngày!
HUY VĂN ( HVC )
( Để nhớ Nam Cali và Chúa Nhựt 11-07-2010 )
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire