Vài kỉ niệm với nhà thơ
Chuyện sau đây có liên quan đến một người
bạn khi xưa cùng dạy học với nhau chứ không có liên quan đến tiền.
Qua chuyện này, tôi chỉ muốn chứng minh
cuộc sống quá phù du. Đó là Thi sĩ
Nguyên Sa Trần bích Lan.
Tôi không nhớ tháng mấy, hình như là cuối năm 1997. Bữa đó tôi cần in một tập sách nhỏ
bèn lái xe đến anh bạn Q.T. có nhà in ở Santa Ana. Khi tôi vào phòng khách nhà
in thì thấy anh Nguyên Sa đang ngồi ở đó, trên tay vài chồng báo mới. Hình như
là tờ Dân chúng do anh chủ trương.
Bắt tay chào hỏi xong, tôi nói:
“Từ bữa tôi gặp anh đến dự buổi ra mắt sách
của anh V.P. tôi chưa gặp lại anh. Sao kỳ
này khoẻ không?
Nguyên Sa giơ cái cổ ra cho tôi coi:
“Anh coi cái cổ của tôi. Bác sĩ đẽo đi gần
hết rồi.”
Nghe anh nói, tôi giật mình. Bây giờ tôi
mới nhìn. Quả cái cổ của anh bị vạt đi một bên, chỉ còn lại khoảng một phần ba.
Tôi hỏi:
“Tại sao vậy?”
“Tôi bị ung thư cổ, Anh thấy tiếng nói của
tôi cũng đổi khác đâu có giống tiếng của tôi ngày xưa!”
“Thế trong người thì sao?”
“Người cũng tạm, không đến nỗi lắm; chỉ
cái cổ!”
Vừa lúc đó, anh Q.T. từ phòng chạy máy
in ra nói:
“Nhân tiện bà xã em làm con vịt đánh tiết
canh. Mời hai đại ca vào làm ly bia nói chuyện cho vui!” Q.T trẻ hơn hai chúng
tôi, vẫn xưng hô như vậy.
Tôi và Nguyên Sa cùng đứng lên theo Q.T. vào phòng trong.
Một cái bàn tròn có bốn ghế, mặt bàn la
liệt thức ăn. Có hai đĩa tiết canh vịt, đĩa rau thơm, đĩa thịt luộc, một cái
bánh đa nướng và một đĩa lạc rang, dăm chai la-de còn đợi mở.
Chúng tôi ngồi vào bàn. Tôi bảo anh Q.T.
kêu chị ấy ngồi ăn cho vui! Nhà em còn đang bận nồi cháo, lại còn đút cháo cho
thằng bé con. Mời hai anh cứ tự nhiên.
Chúng tôi cụng ly. Nguyên Sa nói:
“Nếu tôi không lầm thì anh với tôi cùng
tuổi Thân, Nhâm Thân như có lần anh bảo tôi hôm chúng ta cùng uống rượu ở nhà
anh trên đường Trương minh Giảng. Hôm đó có 3 ông Linh mục là ông Kim Định, ông
Thiên Hổ và ông Lê tôn Nghiêm ở trên sân thượng nhà anh…”
Tôi nói:
“ Trí nhớ anh còn tốt lắm. Kể ra cũng
trên 25 năm rồi.”
Anh Q.T lấy muỗng gạt tiết canh vào cho
tôi và anh Nguyên Sa. Chị Q.T đánh tiết canh rất khéo, đông cứng như bánh đúc.
Một lượt những lát gan xắt mỏng đặt trên, lẫn với gan là những hột đậu phọng
rang vàng. Miếng chanh và chút tiêu đã có sẵn, chúng tôi uống thêm ngụm bia
Heineken rồi bắt đầu ăn tiết canh. Quả thực các cụ ta khôn ăn đáo để. Tiết canh
không biết ăn cũng uổng; có điều phải
làm cẩn thận và dùng nước luộc vịt đun sôi để nguội để pha tiết như vậy không sợ
nước lã sinh đau bụng.
Tôi nói:
“Tôi với anh đều tuổi Thân.Tôi sắp tổ chức
cái hội những người tuổi Thân. Mời anh vào cho vui.”
NS nói:
“Ý kiến rất hay. Tôi hoan hô cái hội
này. Bây giờ trở lại những vụ ngồi mạn đàm ở sân thượng nhà anh.
Anh có nhớ một bữa có cả anh Chu Tử, chủ
nhiệm báo Sống và anh Nguyễn mạnh Côn
cùng nhiều vị nữa đến họp tối ngay tại trường Văn học. Anh đã đả kích bọn tôi
không có hướng đi, anh bảo Mỹ sắp bỏ miền Nam Việt Nam, quân Bắc Việt nhờ được
quốc tế CS yểm trợ tối đa đem hàng chục Sư đoàn vào Nam mà giới làm Văn học Nghệ
thuật miền Nam vẫn bình chân như vại, mặc chính phủ và quân đội miền Nam chống
CS. Thế thì sớm muộn gì cũng mất. Thế mà xẩy ra không sai.”
Tôi nói:
“Có lẽ lúc đó tôi nói vậy, các anh ghét
tôi lắm nhưng tôi nhìn rõ thấy chuyện đó, không nói không được. Chẳng những nói
với các anh mà tôi còn nói trước diễn đàn Hạ Nghị Viện. Vì nói quá nên nhiều tờ
báo như Đại Dân tộc, Điện Tín, Tin Sáng và cả Sống đã vẽ biếm họa và đánh phá
tôi nhưng họ cũng chỉ nói tôi chống Cộng cực đoan chứ không moi ra được chuyện
gì xấu của tôi.” Rồi tôi nói lảng sang chuyện khác:
“Thôi hôm nay ta gặp nhau là rất vui.
Nhân tiện xin chúc anh mau lành bệnh, trở lại sáng tác Thơ cho bà con đọc.”
Chúng tôi ngồi ôn lại mấy kỷ niệm khi chúng
tôi cùng dạy học với nhau ở Văn học, ở Đồng Tiến, ở Thánh Thomas tức Nhà thờ Ba
chuông. Trường Văn học là của Nguyên Sa, tôi làm Giám học và Tổng Giám thị trường
Đồng tiến, còn trường Thánh Thomas do cha Vang làm Hiệu trưởng. Giờ ra chơi,
chúng tôi thường đàm đạo với cha. Cha thích hút thuốc lào như cha Nguyễn quang
Lãm báo Xây Dựng.
Tôi không hiểu Nguyên Sa có vào Thủ Đức
không, riêng tôi năm 1962, lúc đang đi dạy và phụ trách tờ Bán Nguyệt San Tinh
Thần (Nha Tuyên Úy Công Giáo QLVNCH) thì tôi được gọi nhập ngũ khóa 13 Sĩ quan
Trừ Bị Thủ Đức.
Sau hơn 5 năm quân ngũ, tôi được giải
ngũ vì nhu cầu giáo chức của Bộ Giáo dục. Tôi trở lại dạy học và tiếp tục phụ
trách tờ Bán Nguyệt San Tinh Thần cho đến 1-1971, tôi xin nghỉ để ra tranh cử Dân
biểu QH và sau đó, tôi đắc cử vào Hạ Nghị Viện làm cho đến 30-4-1975.
Câu chuyện lan man đi qua vấn đề tôn
giáo. Nguyên Sa nói:
“Nhân tiện có anh và anh Q.T. là người
theo đạo Công giáo. Tôi muốn hỏi các anh, nếu tôi muốn theo đạo thì phải làm
sao?”
Tôi nói:
“Dễ thôi. Anh Q.T. hoặc tôi sẽ giới thiệu
anh đến một vị Linh Mục, vị này là Linh hướng cho anh. Vị Linh mục sẽ giải
thích những lẽ chính trong Đạo và đưa anh một cuốn sách nhỏ dặn anh về đọc và
ghi nhớ. Rồi vị Linh Mục hỏi xem anh có nhập tâm và tin - nhất là tin - những
điều đó không? Sau khi đã qua những chặng chuẩn bị tâm hồn, anh được chịu phép
Rửa tội và được rước Chúa vào tâm hồn. Có 10 điều răn của Chúa (Ten
Commandments) và 6 điều răn của Giáo hội, anh cứ theo thế giữ là thành một tín
hữu tốt.
Ngày Thi sĩ Nguyên Sa chịu phép Rửa tội,
anh có viết thiệp báo tin cho tôi. Không may hôm đó tôi phải đi công tác cho Sở
ở một thành phố xa không về kịp; nhưng khi về tới nhà tôi đã tới thăm anh tại
tư gia. Gặp tôi anh rất mừng, anh kể lại những gì đã diễn ra trong buổi lễ và
niềm hân hoan của gia đình anh ra sao. Tôi trao anh một bài Thơ chúc mừng anh
đã trở thành con Chúa, thực thi giáo lý Yêu thương của Ngài.
Sau đó vì quá bận, tôi không có giờ đến
thăm anh. Tôi không nhớ là bao lâu sau tôi được tin anh qua đời vì căn bệnh hiểm
nghèo. Tôi có mang hoa đến viếng xác anh tại nhà quàn. Cây Thánh giá ngay trên
đầu quan tài của anh là niềm tin vững vàng của anh, sống như Lời Chúa dạy để được
phục sinh như Người!
Tôi biết anh đã ra đi yên ổn vì anh có
tâm sự với tôi lúc còn sống, anh chỉ ước ao được chết lành như một tín hữu Công
giáo! Năm đó là 1998, anh thọ được 66 tuổi!
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire