caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 8 avril 2013

Bánh đa kê – quà mùa thu vào phố / Tại sao có cái tên gọi là bánh Đa / Bút Xuân

Bánh đa kê – quà mùa thu vào phố

  Không đâu nhiều món quà vặt ngon như phố phường Hà Nội. Chè, cháo, bún, bánh, phở… món nào cũng chỉ nếm một lần đã không thể quên. Bánh đa kê là một thức quà như vậy.

Bánh đa kê nhiều vùng cũng có, nhưng ở Phú Thượng, một làng nhỏ ở Tây Hồ, Hà Nội bao đời nay sống bằng nghề nấu xôi, làm bánh đa kê, thì món ăn dân dã theo chân các gánh hàng rong khắp các phố phường Hà Nội này làm người ta nhớ nhất.
Người con gái Phú Thượng luôn miệng cười tươi khi kẹp bánh đa kê
cho khách.
Thoáng thấy chiếc xe đạp lỉnh kỉnh thúng mẹt, những cái bánh đa ủ kín trong nilon, biết ngay bán đặc sản Phú Thượng rồi. Quà quê lên phố, mang lại cái mát, thanh cho những buổi trưa phố thị.
Theo lời một chị bán bánh đa kê trên đường Cầu Giấy, chị bán bánh đa kê đã được 7 năm. Chị học cách nấu cháo kê, quạt bánh từ bà, từ mẹ rồi theo nghề của gia đình, chiếc xe đạp cũ, cái thúng, cái mẹt con, túi bánh đa nướng theo chân chị từ đường phố lớn tới các ngõ ngách của Hà Nội.
Bánh đa kê ngon, phải ngon từ cháo kê, từ hạt đậu xanh hấp chín, tới miếng bánh giòn. Kê xát vỏ, nấu khéo cho không khê, hạt chín vàng sóng sánh. Đậu xanh đồ chín, đánh nhuyễn, tơi, cơm dừa nạo sợi, bánh đa nướng giòn.
Bánh đa kê, quà mùa thu vào phố.
Phết một lớp cháo kê lên mặt bánh đa, phủ lên đấy một lớp đường cát trắng, lại một lớp đậu xanh, rắc thêm chút cơm dừa, kẹp phần bánh đa khác lên trên. Thế là món quà dân dã đã sẵn lòng chờ đợi người thưởng thức.
Bánh đa kê kẹp xong là phải ăn ngay kẻo đường, kê chảy ra, làm ỉu miếng bánh đa, mất đi cái bùi, cái giòn đặc trưng.
Hạt kê được biết đến trong dân gian là mát, lành. Bánh đa kê bán chạy nhất mùa thu. Vì mát trời, bánh đa ăn không khô ngán, hạt kê càng thêm dẻo, ngọt…

 +++++

 

Nhiều cô, chú khg ở ngoài Bắc hoặc là vào trong Nam lúc còn quá nhỏ tuổi nên khg được ăn bánh đa kê. Bánh đa thì hầu như ai cũng biết rồi. Nó là bánh đa nướng, Bánh đa khá dày và có mè (vừng) rắc lên trên nên nướng xong ăn nó rất dòn và bùi béo lắm. Có thể ăn kèm với cùi dừa càng ngon. "Chứng chết khg chừa, vẫn cứ cùi dừa bánh đa" để nói một cái tật nào đó mà khg bỏ được.
Còn kê (millet) phát âm míl-lit, hạt tròn, to hơn hạt mè, mầu vàng hơi nâu, cà vỏ (thổi cho vỏ bay đi còn lại hạt) đem nấu cháo  (kê và nước) khi sôi rồi chín (khá mau) thành một thứ cháo sệt sệt rất ngon. Bánh đa nướng, đem kê phết đều lên thành một lớp dầy khoảng 1 đốt ngón tay, lại thêm đậu xanh đã nấu thành bánh (giống như đậu xanh dùng làm xôi vò) và thêm một ít đường hoa mơ (ngày xưa đường trắng tinh rất hiếm) là một món quà ăn bắt ghiền mà lại rẻ tiền, tinh khiết và bổ vì kê và đậu xanh rất bổ và mát.
Tôi chưa nhìn thấy ở Hoa Kỳ có chỗ nào bán kê nhưng Á châu rất nhiều và cả Âu châu, chim di, chim yến thích ăn kê. Gà, ngỗng thì khg dám cho ăn vì đắt, chỉ cho cám hay bột ngô.
Sở dĩ gọi bánh đa vì nó đa dụng: nắng che (che đầu) nóng quạt, đói ăn. Dỗ trẻ con rất được việc. Đang khóc nhè mà có mảnh bánh đa là im ngay. 
Bút Xuân 

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire