Với câu hỏi: "Học tiếng Việt có khó không?", người nước ngoài học tiếng Việt thường được các sách học Tiếng Việt thực hành "mớm" cho câu trả lời: "Học tiếng Việt không khó cũng không dễ". Quả là như vậy! Chúng tôi muốn phân tích các đặc trưng ngôn ngữ Việt để lần lượt lý giải tại sao "Học tiếng Việt không khó" và "Học tiếng Việt cũng không dễ".

1. Những đặc trưng ngôn ngữ Việt khiến việc học tiếng Việt không khó
1.1. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập không biến đổi hình thái.
Các ngôn ngữ trên thế giới được chia ra làm 4 kiểu loại hình: loại hình ngôn ngữ hòa kết (khuất chiết), loại hình chắp dính (niêm kết), loại hình hỗn nhập (đa tổng hợp) và loại hình ngôn ngữ đơn lập. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đặc điểm loại hình này thể hiện ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
1.1.1. Về ngữ âm:
1.1.1.1. Trong tiếng Việt, có một loại đơn vị xưa nay ta thường quen gọi là “tiếng”, “tiếng một” hay là “chữ”, ví dụ: đi, học, ăn, nói, và, nhưng, đã, đang, thiên, sơn, bất... Gọi loại đơn vị này là “tiếng” tức là căn cứ vào ngữ âm (mặt nghe được), gọi là “chữ” tức là căn cứ vào văn tự (mặt thấy được). Cái thấy được là ký hiệu để ghi lại cái nghe được.
a) Về phương diện phát âm của tiếng, mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra bằng một hơi, tương ứng với một đợt căng cơ thịt bộ máy phát âm, tương ứng với một lần tăng - giảm độ vang, và mang một thanh điệu nhất định - “tiếng” tức là âm tiết.
b) Về mặt chữ viết, từ chữ Nôm trước kia cho đến chữ Quốc ngữ hiện nay, mỗi tiếng bao giờ cũng viết rời ra thành từng chữ một. Đối với người học tiếng Việt, khi đứng trước một câu văn hay câu thơ, muốn xác định có bao nhiêu tiếng là điều không khó. Sự tương ứng giữa tiếng và chữ khiến cho việc học tiếng Việt dễ dàng hơn.
c) Về phương diện âm vị học của tiếng, h ệ thống âm vị tiếng Việt phong phú và có tính cân đối, tạo ra tiềm năng to lớn của ngữ âm tiếng Việt trong việc thể hiện các đơn vị có nghĩa. Tiếng Việt có 5 hệ thống âm vị (chứ không phải là 2 như ngôn ngữ Ấn - Âu), tương ứng với 5 thành tố trong âm tiết tiếng Việt: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu. Số lượng âm vị nhiều hơn không làm cho cấu trúc âm tiết tiếng Việt phức tạp hơn mà ngược lại, do vị trí và chức năng của các thành tố trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt mang tính ổn định cao, nên cấu trúc nội bộ của âm tiết tiếng Việt rất rõ ràng. Cấu trúc ổn định, rõ ràng này khiến cho việc dạy cho người học tiếng Việt tập đánh vần, ghép vần, nhận diện một âm tiết (tiếng) rất dễ dàng.
1.1.1.2. Đặc điểm cấu tạo ngữ âm của âm tiết tiếng Việt (tiếng) cũng là cơ sở để tạo nên nhạc điệu cho câu thơ, câu văn xuôi tiếng Việt. Khi tạo câu, tạo lời, người Việt rất chú ý đến sự hài hòa về ngữ âm, tạo nên một sự trầm bổng, nhịp nhàng. Sự phối hợp của âm đầu, vần và đặc biệt là thanh điệu của các âm tiết trong câu làm cho câu văn êm ái là một tác dụng quan trọng về hình thức của các thành tố trong âm tiết. Quan trọng hơn nữa là sự phối hợp ngữ âm (mà cụ thể là vầnnhịp) còn tạo nên một tác dụng nhất định về nghĩa trong một hoàn cảnh nhất định. Những nét đặc sắc về ngữ âm của tiếng Việt đã được người Việt không ngừng khai thác trong quá trình sử dụng. Nếu khai thác được mặt này, người học tiếng Việt có thể không chỉ nói đúng mà còn nói hay nữa.
1.1.2. Về từ vựng và ngữ pháp:
1.1.2.1. Đơn vị cơ sở để cấu tạo từ là hình vị. Trong các ngôn ngữ biến hình, hình vị có thể chia thành căn tố và phụ tố. Từ của tiếng Việt, trong cấu tạo, không có căn tố và phụ tố. Tài liệu vật chất trực tiếp hay là đơn vị cơ sở của cấu tạo từ Việt là tiếng, tức là những âm tiết được sử dụng trong thực tiễn ngôn ngữ Việt. Đối với người Việt, tiếng là đơn vị dễ nhận biết nhất.
- Tiếng là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất: âm tiết.
- Tiếng là đơn vị nhỏ nhất mang nghĩa: hình vị.
Tiếng là đơn vị hiển nhiên trong khi nói và viết (khi viết, người ta viết rời từng tiếng - chữ). So với từ, tiếng là đơn vị cơ bản hơn, tồn tại một cách thực hơn trong đầu óc người Việt. Về ngữ pháp, “tiếng” cũng được xem là đơn vị cơ sở của ngữ pháp học. “Tiếng” là điểm mốc đầu tiên từ đấy bắt đầu quá trình tổng hợp và là cái điểm mốc cuối cùng đến đấy chấm dứt quá trình phân tích của ngữ pháp học. Trong ngôn ngữ Việt, “tiếng” trùng với âm tiết, trùng với hình vị nên còn được gọi là hình tiết hay từ tố. So sánh với ngôn ngữ Ấn - Âu, đơn vị cơ sở của ngữ pháp học là: từ. Nó là cái đơn vị tự nhiên mà người bản ngữ dễ nhận thức được. Hình vị ở các ngôn ngữ đó, trái lại, là một loại đơn vị ẩn, chỉ những người có kiến thức ngữ văn nhất định mới có khả năng phát hiện ra bằng phương pháp phân tích từ về mặt ngữ pháp học.
1.1.2.2. Trong hoạt động ngôn ngữ tiếng Việt, từ không biến đổi hình thái, tức là chúng không đòi hỏi ở nhau sự hợp dạng như trong các ngôn ngữ hòa kết. So sánh: “Tôi yêu anh ấy” và“Anh ấy yêu tôi”.Các từ tôi, anh ấy làm chủ ngữ hay bổ ngữ đều không biến đổi hình thái; động từ cũng không biến đổi theo ngôi, số của chủ ngữ. Trong khi đó ở tiếng Anh thì phải có sự biến đổi: “I love him”. và “He loves me”.
1.1.2.3. Trong tiếng Việt, việc sắp xếp các từ theo một trật tự nhất định là cách chủ yếu để biểu thị các quan hệ cú pháp. Nhờ trật tự từ mà bản chất ngữ pháp của “tốt bụng” khác với “bụng tốt”, “chăm học” khác với “học chăm” ...; tổ hợp “Nam đang cười” khác với “đang cười Nam”. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã thành công khi sử dụng cách thay đổi trật tự từ như là một thủ pháp nghệ thuật:
“Người tôi yêu đã đi xa
Người yêu tôi lại ở nhà... chán không!”
Ở phạm vị câu, trật tự thuận: chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau là trật tự phổ biến của kết cấu chủ vị trong câu tiếng Việt.
1.1.2.4. Do đặc điểm của loại hình ngôn ngữ đơn lập, khác với ngôn ngữ biến hình, khi xét từ tiếng Việt về mặt cấu tạo, cần thiết vạch ra sự đối lập giữa từ đơn tiết và từ đa tiết - căn cứ vào số lượng tiếng.
Trong khi phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong ngôn ngữ Ấn Âu là phương thức phụ gia: phương thức gắn một phụ tố vào một căn tố hoặc một thân từ để tạo nên từ mới. Ví dụ: teach + er Þ teacher ; im + polite Þ impolite thì phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong tiếng Việt là phương thức ghép và phương thức láy. Đây là những phương pháp rất dễ nhận diện. Có thể ghép tiếng với tiếng để tạo từ mới. Ví dụ: xe + đạp Þ xe đạp; nhà + cửa Þ nhà cửa ... Hay láy lại một bộ phận của tiếng để tạo từ mới. Ví dụ: sạch Þ sạch sẽ, nhỏ Þ nho nhỏ, mờ Þ lờ mờ ...
1.2. Chữ viết của tiếng Việt là thứ chữ ghi âm vị - loại hình chữ viết tiên tiến nhất trên thế giới.
Chữ viết là kí hiệu ghi lại ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hai mặt: ngữ âm và ý nghĩa. Vì vậy, cũng có hai loại chữ viết khác nhau là chữ ghi ý và chữ ghi âm.
Chữ ghi ý là chữ viết cổ nhất của loài người. Chữ ghi ý là loại chữ viết mà mỗi một chữ biểu thị nội dung ý nghĩa của một từ. Trong loại chữ này, từ được biểu thị bằng một kí hiệu duy nhất không có liên quan gì đến những âm thanh cấu tạo nên từ. Nhược điểm cơ bản của chữ ghi ý là mỗi chữ biểu thị một từ trọn vẹn, cho nên số chữ sẽ phải rất nhiều.
Chữ ghi âm là loại chữ không biểu thị ý nghĩa của từ mà tái hiện chuỗi âm thanh nối tiếp ở trong từ. Chữ ghi âm cũng trải qua từng bước phát triển khác nhau. Thứ nhất là chữ ghi âm tiết - kiểu chữ mà mỗi kí hiệu biểu thị một âm tiết ở trong từ, ví dụ chữ Triều Tiên, chữ Nhật Bản hiện nay là chữ ghi âm tiết. So với chữ ghi ý, số lượng chữ ghi âm tiết ít hơn nhiều, nó tương ứng với số lượng âm tiết trong ngôn ngữ. Thứ hai là chữ ghi âm vị - thứ chữ gồm các con chữ ghi từng đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, nghĩa là mỗi kí hiệu biểu thị một âm vị.
Chữ Việt Nam hiện nay - chữ Quốc ngữ - là hệ thống chữ viết ghi âm vị, xây dựng dựa trên cơ sở chữ cái Latinh. Giả sử không có thứ chữ ghi âm vị này thì việc học tiếng Việt, chữ Việt sẽ khó khăn gấp bội. Vẫn biết chữ Nôm đã có tác dụng tích cực đối với việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt, nó bảo vệ ngôn ngữ riêng của dân tộc ta, nó góp phần quyết định hình thành ngôn ngữ văn học, nó biểu hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc... nhưng chữ Nôm có hạn chế như: cấu tạo rườm rà, rắc rối, cách viết không có qui định thống nhất.
Từ thế kỉ XX, chữ Quốc ngữ đã trở thành công cụ giao tiếp thuận lợi trong xã hội Việt Nam. Chữ Quốc ngữ đã góp phần làm cho tiếng Việt trở thành công cụ sắc bén trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, trong công cuộc xây dựng một xã hội văn minh. [7, tr.148]
Chữ Quốc ngữ tuân thủ các nguyên tắc ngữ âm học. Nó dùng một số kí hiệu nhất định mượn ở hệ thống chữ cái Latinh, có bổ sung một số dấu phụ để ghi các âm vị và thanh điệu tiếng Việt. So với chữ Nôm, một loại chữ ghi ý thì chữ Quốc ngữ đơn giản và tiện lợi hơn nhiều, đồng thời cũng là loại chữ tiến bộ nhất. Nó dễ học, dễ viết và có thể giúp người Việt dễ dàng tiếp thu các ngoại ngữ quan trọng cùng một hệ chữ Latinh.