caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 18 octobre 2014

Đời xưa có Nguyễn Công Trứ, văn quan mà võ tướng ... đời nay ta có ai ? còn tiếp


Đọc những bài thơ này của Nguyễn Công trứ, chợt nhớ phe ta cũng lắm người tài... Thơ thâm thúy, nghĩa bóng , nghĩa đen đều có đủ, dùng bút pháp thơ văn để diển tả tâm tư , thói đời.

Caroline Thanh Hương
 
Từ ca dao, tục ngữ...
 
Móng tay nhọn, vỏ quýt dầy
Ai lòn, ai cúi một bầy dạ vâng.
Còn tiền, còn bạc thì thân
Hết tiền, hết bạc, nghĩa nhân qua đò.
Trông người, gương sáng thì lo
Làm sao văn võ giúp cho nước nhà.
Làm con học chữ hiếu Cha
Gia đình thuận thảo, đó là trả ơn.

 
Thanh Hương
 
Bài thơ viết trên máy, lấy ý từ ca dao, tục ngữ nước ta.
 
Trò Đời Một lưng một vốc kém chi mô
Cho biết chanh chua khế cũng chua
Dã chắc bữa trưa chừa bữa tối
Mà tham con giếc tiếc con rô
Trăm điều đổ tội cho nhà oản
Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa
Khó bó cái khôn còn nói khéo
Dầu ai có quấy vấy nên hồ.

Nguyễn Công Trứ
 

 

Đánh Tụ Tam


Thú chơi bài tổ tôm dường như được Nguyễn  Công Trứ đặt ngang cái thú chơi cờ của người xưa. Ông mô tả cái thú đó trong bài:

Thú Tổ Tôm Nhân sinh qúi thích chí
Cuộc ăn chơi chi hơn thú tụ tam
Tài kinh luân xoay dọc xoay ngang
Cơ điều đạc quân ăn quân đánh
Gọi một tiếng người đều khởi kính
Dậy ba quân ai dám chẳng nhường
Cất nếp lên bốn mặt khôn đương
Hạ bài xuống tam khôi chiếm cả
Nay gặp hội quốc gia nhàn hạ
Nghĩ ăn chơi thú nọ cũng hay
Gồm hai văn võ trong tay.


Bài hát nói này dưòng như một bài học mở lòng cho người muốn học chơi tổ tôm. Tác giả trong mỗi câu dùng một chữ thông dụng trong cách chơi bài lá này. Riêng câu keo, cho hay vì sao Nguyễn Công Trứ thích chơi tổ tôm:

Gồm hai văn võ trong tay.

Ông vốn là một văn quan, nhưng sự nghiệp của ông là sự nghiệp của một võ tướng. Điều đó khiến ông trả được món nợ tang bồng món nợ làm trai phải xông pha nơi cung kiếm như theo Kinh Lễ, cha mẹ hằng mong muốn, khi sinh con trai đã treo cây cung gỗ dâu và mũi tên cỏ bồng ngoài cửa để báo tin mừng.

Cái khéo của bài thơ là trong mỗi câu mô tả cách chơi tổ tôm lại là một câu mô tả công việc cầm quân của một võ tướng, khiến người đọc có cảm tưởng như ông muốn diễu cợt chính ông người đã từng cầm cờ đại tướng đi dẹp giặc.

Nguyễn Công Trứ còn có một bài thơ yết hậu mô tả thú chơi tổ tôm:


Đánh Tổ Tôm Tổ tôm tên chữ gọi hà sào
Đánh thì không thấp cũng không cao
Được thì vơ cả thua thì chạy
Nào!


Hà sào là chữ nho dịch nguyên văn hai chữ tổ tôm: hà là tôm, sào là tổ. Chữ đánh ở đây là chữ đánh trong nhóm chữ đánh bạc, có nghĩa là chơi. Câu thứ ba là thái độ chơi xấu của một số con bạc, chữ chạyS là chữ tắt của từ ngữ chạy làng, tức khi thua bạc không chịu trang trải. Bài thơ yết hậu này, dường như nhiều bài thơ yết hậu khác, chỉ là một bài thơ làm ra để đùa rỡn, nhưng đồng thời không ít thì nhiều mô tả thói đời quanh chiếu bạc hay trên chợ đời.

Một điểm đáng lưu ý khác là những bài Nguyễn Công Trứ viết để trách đời, hay chửi đời đều viết dưới thể đường luật mà không dùng thể hát nói. Người đọc thơ dường như cảm thấy rằng những điều tác giả viết trong dòng thơ này là những điều tác giả muốn ghi lại cho riêng mình, không phải là những điều ông thường muốn nói với mọi người, có thể vì vậy mà nhưng bài thơ này không có vẻ như những bài dậy dỗ người đời, trái lại thường thường như một nhận xét vô tư về đời sống con người trong xã hội. Tỷ dụ như bài:


Ích Kỷ Hại Nhân Cho hay trống thủng có làng bưng
Đã dễ rồi còn muốn rễ dưng
Mặc sức đâm thùng rồi tháo đáy
Tha hồ tráo đấu lại lừa thưng
Khéo đem muối nọ gieo lòng biển
Nghĩ rút dây kia sợ động rừng
Xấu máu xin đừng ăn của độc
Rượu làng thì uống rượu mua đừng.


Trong cả tám câu bài thơ trên đây, mỗi câu đều có môt câu hoặc tục ngữ hoặc ca dao. Câu thứ nhất thu gọn câu tục ngữ:

Trống thủng có làng bưng, trời mưa có đất chịu

Câu thứ hai gợi lên câu phương ngôn:

Đã dễ lại muốn dễ dưng
Đã xin tiền cưới thì đừng tiền cheo.

Câu thứ ba dùng thành ngữ đâm thùng tháo đáy thường dùng mô tả kẻ chuyên phá hoại.Câu thú tư dùng bốn chữ tráo đấu lừa thưng, thu gọn câu ca dao:

Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Lừa thưng tráo đấu chẳng qua dong đầy.

Câu thứ năm gồm thành ngữ đem muối bỏ biển chỉ việc làm vô ích. Bốn chữ rút dây động rừng trong câu thứ sáu cũng là một thành ngữ quen thuộc. Câu thứ bẩy đổi chữ khem trong câu tục ngữ xấu máu khem của độc thành xấu máu xin đừng ăn của độc. Câu chót là trọn vẹn một tục ngữ chỉ hành động ích kỷ của con người, cái gì là của chung thì phá cho bằng hết, cái gì của mình thì giữ bo bo.

Nguyễn Công Trú còn dùng bút pháp này trong bài:


Trò Đời Một lưng một vốc kém chi mô
Cho biết chanh chua khế cũng chua
Dã chắc bữa trưa chừa bữa tối
Mà tham con giếc tiếc con rô
Trăm điều đổ tội cho nhà oản
Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa
Khó bó cái khôn còn nói khéo
Dầu ai có quấy vấy nên hồ.


Điểm khéo của tác giả là nguyên cả tám câu là tám câu tục ngữ.

Suy ngẫm về sự đời Nguyễn CôngTrứ ghi lại kinh nghiêm sống của riêng ông:


Vịnh Sự Đời Những nghĩ xa gần khéo gớm thay
Sự đời tráo trở giống bàn tay
Hãy xem gương trước to tầy liếp
Mà biết lòng người mỏng quá mây
Những tiếng bấc chì nghe đã chán
Mấy điều cạnh khóe nói thêm gay
Ở ăn cũng tưởng về sau với
Trời hãy còn cao đất hãy dày.


Nguyễn Công Trứ nhìn thấy sự đời như vậy và ông tự nhủ là mọi sự âu cũng tại tròi và ông rắp tâm:

Cách Ở Đời Ăn ở làm sao cho trải sự đời
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi
Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười.
Bởi số tránh đâu cho khỏi số
Lụy người nên nỗi phải chiều người
Mặc ai chớ đdể điều ân oán
Chung cục thời chi cũng tại trời.
 


Nhưng mọi truyện ở đời đều không giản dị, cây muốn lặng gió chẳng đừng, nên có lúc Nguyễn Công Trứ cũng nổi nóng vì nỗi:

Thế Tình Bạc Bẽo Đ ... mẹ nhân tình đã biết rồi
Lạt như nước ốc bạc như vôi
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chẩy xuôi
Chân có chẹt rồi thời há miệng
Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi
Dám xin các bác phen này nữa
Nấu xáo xin đừng nấu xáo voi.


Cơn nóng giận qua đi, Nguyễn Công Trứ gớm cho nhân tình thế thái nhưng không đến nỗi coi kẻ khác là cái địa ngục cho mình. Ông gửi gắm trong bài hát nói những kinh nghiệm sống của ông về cái nợ đời:

Nhân Tình Thế Thái Gớm chết nhân tình thế thái
Nhạt nồng coi chiếc túi đây vơi
Trông tốt mầu lựa ý theo hơi
Giọng thù phụng ngọt ngào đủ mực
Khi giở quẻ sa mày nặng mặt
Thói đảo điên khủng khỉnh không dời
Nghe ra thời cũng buồn cười
Nghĩ lại từ đây phải chạy
Buộc chỉ cổ tay chừa trước ấy
Chống rèm con mắt ngắm sau này
Việc trăm năm ngày tháng hãy dài
Đường kim cổ hẳn nhiều lúc gặp
Thôi cũng chớ can chi mà gấp
Bỗng bồn chồn hấp tấp khéo xinh
Gớm cho thế thái nhân tình.


Nhân tình thế thái đều vì đồng tiền, nhưng Nguyễn Công Trứ coi:

Đồng Tiền Không Quý Phàm kim chi nhân duy tiền nhi dĩ
Hết tiền tiêu tráng sĩ cũng nằm co
Chẳng khôn ngoan cũng chẳng thân sơ
Có hoi kẽm tha hồ ngang ngửa
Toán lai thế sự kim năng ngữ
Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh
Do dáng thay những mặt tài tình
Co quắp lắm cũng ra hình thủ lỗ
Nghìn vàng hết hết rồi lại có
Chữ bất nhân tạc đó không mòn
Ai ơi giữ lấy lòng son.


Tác giả trích bài Tiền Thần Luận viềt thành câu chữ nho mở bài, ý nói người đời nay chỉ biết có tiền mà thôi. Hết tiền chẳng còn tráng sĩ chẳng còn khôn ngoan, thân cũng thành sơ. Có hơi kẽm tha hồ ngang ngửa, tính việc đời vàng biết nói, bàn tới nhân tình kiếm muốn than. Bo bo giữ tiền thì mặt tài tình cũng thành do dáng, cũng hóa ra kẻ cuóp giữ tiền mà thôi. Nghìn vàng tiêu hết rồi lại có món khác, mang tiếng bất nhân thì mãi mãi không mòn.

Nguyễn Công Trứ còn viết một bài khác dài hơn bài trên về:


Đồng Tiền Hôi tanh chẳng thù vị
Thế mà ai cũng kẻ vì người yêu
Tạo vật bất thị vô để sự
Bòn chài ra một thứ quầy chơi
Đủ vuông tròn tượng đất tượng trời
Khẳm họa phúc nguy yên tử hoạt
Chốn kim môn nơi tử thát
Mặc luông tuồng không kẻ phòng nhàn
Đương om sòm chớp giật sấm ran
Nghe xóc xách lại gió đàn mưa ngọt
Kẻ tài bộ đã vào phường vận đạt
Không ngươi cũng ải với cỏ cây
Người yêm yêm đành một phận trầm mai
Có gã lại trổ ra sừng gạc
Dốc đáy túi mặt Nguyễn Lang ngơ ngác
Trống đầu giường gan tráng sĩ quặn đau
Đề đoàn ấm á càu nhàu
Khiến lũ tài danh bất rất
Khả quái tầm thường a đố vật
Khước giao đáo đề đại thần linh
Đương đồ ai chẳng chuộng gia huynh
Thủ thế kể lấy làm đệ nhất
Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất
Thần cũng thông huống nữa là ai
Long dồ nghĩ cũng nực cười.


Giảng hai câu mưỡu, có người cho rằng tiền làm bàng đồng nên có mùi tanh đồng; có ngưòi thông Hán Sử kể lại truyện Thôi Liệt bỏ ra năm vạn quan tiền mua được chức Tư Đồ. Thôi Liệt hỏi Tử Quân: ‘Ta ở chức Tam Công, bên ngoài bàn tán ra sao’ Tả Quân thưa: ‘Đai nhân không có anh danh, bỏ tiền ra mua được chức quan lớn. Công luận đều nói là hơi đồng tanh lắm’.

Câu chữ nho mở bài hát có nghĩa là: Tạo vật quả là không có việc gì để làm, nên bầy ra một truyện để quấy chơi. Đồng tiền tròn trong có lỗ vuông, tượng trưng cho trời và đất, gây ra đủ họa phúc sống chết. Dầu là chốn lầu vàng gác tía thâm nghiêm [đồng tiền] cũng vào lọt. Đương om sòm tranh cãi, nghe thấy tiền là lại vui vẻ cả. Kẻ tài hoa dầu đang lúc vận đạt, không có tiền cũng phải bó tay. Người dẫu yếu đuói không đáng kể đến có tiền cũng hoá ra tay sừng gạc. Dẫn truyện Nguyễn Phu, trong bài Tiền Thần Luận, xấu hổ vì trong túi chỉ có một tiền. và dẫn cổ thi câu:


Sàng đầu kim tận tráng sĩ vô nhan.
Nghĩa là:
Đầu giường hết tiên tráng sĩ mất mặt
Không tiền trong tay, bọn câm ngọng cũng càu nhàu với mình được.
Rồi tới hai câu chữ nho có nghĩa là:
Quái lạ cho vật tầm thường ấy
Mà thành ông thần thiêng đáo để.


Lại trích bài Tiền Thần Luận, Nguyễn Công Trứ viết tiếp: những người đang làm quan lớn nhỏ đều gọi tiền là anh. Thù ứng với đời, tiền là kế mạnh nhất. Để dẫn chúng, trong hai câu kế tiếp, ông kể truyện Trương Diên Thường, đòi Đường xử án. Kẻ bị buộc tôihối lộ ông ba vạn quan tiền, ông không nhận, cho thuộc hạ tiếp thục tra án. Kẻ bị buộc tội xin hối lộ mười vạn quan, ông cho lệnh bãi nại. Có người hỏi ông trả lời: “Tiền mười vạn, thần cũng phải thông”. Câu keo là truyện Bao Công đời Tống, xử án công minh chính trực nghe đến tiền cũng phải cười.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire