caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 18 novembre 2015

Đỗ Thành viết NGƯỜI SÈ GOÒNG GIỜ Ở ĐÂU ?

Kính gửi quý anh chị bài tản mạn của Đỗ Thành.

NGƯỜI SÈ GOÒNG GIỜ Ở ĐÂU ?

Đất này còn mang tên nó không ?
Muốn tìm người xưa thì tìm nơi nào?
Tìm ai đây, ở đâu, con đường cũng đã mất theo tên người ra đi.
Kỷ niệm rồi cũng tan theo năm tháng.
Người rồi cũng về với cát bụi, đôi khi nó chưa bao giờ trở lại đất mẹ để thân nó còn về với cội nguồn.
Nhưng thôi, chết là hết..
Có đúng không vậy? hay nó còn sống mãi trong trái tim những người lưu vong.
Caroline Thanh Hương

1Cũng tình trạng giống như Hà Nội, sau 1954, số người xưa cũ Hà Nội lãng phai dần.  Vì lý do này hay lý do khác, thời thế thế thời, nên đã có biết bao thay đổi xảy ra.  Tuy đường phố Hà Nội vẫn như cũ, thậm chí các bảng hiệu đắp xi măng chưa kịp tẩy xóa hết, nhưng chắc chắn những con người đã từng sinh sống và làm ăn ở đó không còn trụ lại nhiều.

Hà Nội vẫn còn làng nhàng những ký ức ngày trước, có thể người ta đôi khi còn nhắc đến cà phê Nhân ở phố Cầu Gỗ, gánh phở Tư Lùn ngoài rào trường Nguyễn Trãi, hay hàng bánh tôm bà Béo ở Bờ Hồ, song đích thực tìm lại được những người đó hẳn là quá khó.

Sè Goòng cũng không tránh được sự nhốn nháo do thời cuộc đẩy đưa.  Những ngày cuối tháng Tư 75, người Sè Goòng thất sắc, ào ào rủ nhau chạy loanh quanh.  Người lên Lăng Cha Cả, kẻ vào Tân Sơn Nhất, anh chạy ra Bạch Đằng, chị vào trong Tân Cảng, đông, rất đông, thi nhau leo rào vào khuôn viên tòa Đại sứ Mỹ ở Thống Nhất.  Lúc ấy chưa hẳn tất cả nắm rõ sự tình đầu đuôi, nhưng ai cũng cố tìm cho mình, cho gia đình một sinh lộ mà không biết vì sao nữa.

Để rồi những phút cuối cùng đám đông ê chề thất vọng vì không sao leo lên được một chiếc trực thăng, một con tàu lớn hay nhỏ, một khoang phi cơ, đành ngơ ngác quay về, coi như chịu trận.  Kết thúc cuộc chiến tranh, đầy đường của cải vứt tràn.  Chẳng ai buồn nhặt, hốt, vì tất cả xem như không còn giá trị đích thực.

Lềnh khênh vứt khắp nơi nào là quần áo trận, giày, vũ khí, va ly Samsonite, xe Honda, Vespa, xe đạp, thậm chí cả ô tô, vì chủ nhân đã bỏ đi đâu đó, hay ê chề chẳng còn muốn vác về lại nhà.  Trải qua nhiều tháng năm tiếp theo, người Sè Goòng tự ên tìm cho mình một phương cách đi khỏi thành phố.

Người trở lại quê, người dấm dúi sắm thuê thuyền vượt biển, hay bị chuyển về sống các vùng kinh tế mới.  Người cũ Sè Goòng thưa thớt dần, có người ra đi biền biệt 40 năm, có người lâu thật lâu không thấy quay về thành phố, để rồi chẳng một ai biết rõ hiện giờ họ ở nơi đâu ?

Thản hoặc đôi khi bất chợt có người từ đâu đến hỏi thăm về một cư dân nào đó đã sống ở phố này, nhà này, thì cũng ít ai biết để cung cấp một vài tin tức cỏn con.  Đại để chỉ kháo với nhau “ hình như nhà ấy dọn đi rồi “, hay tỏ ra không biết gì cả.

Bây giờ, nếu có một người Sè Goòng nào đã lâu không về thăm lại thành phố chắc sẽ ngạc nhiên và lạ lẫm biết bao.  Bởi vì Sè Goòng thật sự thay đổi hoàn toàn khác.  Phố xá rộng ra, nhà cửa cao lên, cầu treo cầu vượt nhằng nhịt, đường cao tốc tràn đầy, thậm chí các tên đường cũng nghe lạ hoắc.

Đối với khách, giờ muốn hỏi thăm hẻm ông Cọp, hay đường này đường kia mang tên ngày trước, có khi sẽ phải đón nhận sự hờ hững, vì những người tuy mang tiếng là cư dân thành phố hiện giờ, nhưng họ không nghe, không biết vì họ hoàn toàn là người mới đến sau 75.

Hiện người ta đã quen với những tên Trần Đình Xu, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Văn Tần để đâu còn nhớ đến có một thời đó là đường Trương Minh Giảng, Trần Quí Cáp, Hiền Vương v.v…  Thậm chí, nếu người ở thành phố cũ giờ có muốn tìm lại những nơi thân quen, xưa đã gửi gấm nhiều kỷ niệm thì cũng khó, hay không còn thấy lại được.  Bến đò Thủ Thiêm, thương xá Tax, hành lang Eden, hiệu sách Xuân Thu, nhà sách Vĩnh Bảo, nhà hàng Brodard, Pagode, chợ Vườn Chuối, chợ Cầu Kho, chợ Thiếc, tất cả đều phế mất, đổi tên, hay quên bẵng, còn nói chi những cái tên nghe thân yêu như Cây Mai, Da bà Bầu, Cây Quéo thì lại càng bặt vô âm tín.

Có người đặt câu hỏi vậy thì người Sè Goòng giờ ở đâu ?  Lớp họ đã ra đi khắp các phương trời, hoặc gửi thân nơi biển cả, sau những lần “ đường đi không đến “, hoặc là họ gặp nạn bị cướp, hiếp và bắt mất tích từ những năm nảo năm nào từ bọn hải tặc, để giờ không còn rõ họ sống chết ra sao.

Một số trải năm tháng cơ cực tuổi đời đã phủi tay từ giã trần gian trở về với cát bụi, yên nghỉ giấc thiên thu, hay vẫn còn nán sống nơi những miền nào đó ngay trên đất nước.  Có người chợt một hôm nào được hỏi “ hồi xưa ở Saigon, anh/chị làm gì, sống ra sao thì cũng nghe người ấy thờ ơ, dường như mình không phải là người Sè Goòng cũ “.

Nước phèn, đồng ruộng, dầm mưa giãi nắng đã làm cho bao sắc nét của Saigon biến đi.  Tóc trở nên cứng còng, da đen nhẻm và tay chân nhiều vết chai cứng.  Đối với họ, chắc Saigon là một dư âm xa tít tắp, dù họ còn đang sống ngay trên quê hương mình mà vẫn thấy lạc lõng làm sao.

Nhiều người cũng quên mất xuất xứ, bởi vì cuộc sống “ ngày bán mặt cho đất, tối bán mặt cho trời “, rồi trải qua bao phũ phàng sóng gió, chính họ cũng đánh rơi cái căn cước sống một thời ở Sè Goòng đi và chỉ còn mang máng thấy hình như mình đã bị gạc ra ngoài sổ sách của nơi cũ.

Thản hoặc có một hôm nào bất chợt được làm một chuyến trở lại chốn trước kia, họ cũng sẽ ngơ ngẩn tự hỏi có phải đây là Sè Goòng cũ chăng !  Tôi thuộc vào hàng ngũ một trong những người như thế.

Theo trí nhớ và hiểu biết của tôi, dân nước tôi đã có đến 3 lần sống chuyển vùng, suốt từ thế kỷ 20 đến giờ.  Đầu tiên là những người được nhà nước Phú Lang Sa gọi mời đi “ tân thế giới “.  Họ được tuyển mộ làm phu cho các đồn điền cao su do người Pháp mới mở khắp miền Đông Nam Bộ.

Có người tham gia một mình, có người đem theo cả vợ con, có ngưởi rủ rê nhau cả làng, cả họ vào sống chung cho có tình đông hương, đồng khói.  Bố tôi là một trong những người được mộ đi khai phá, cạo mủ ở nơi đồn điền mới lập đó.

Dần dần những địa danh Xa Cam, Xa Cát, Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, Bà Rá, Lộc Ninh, Quản Lợi kéo dài thành một chuỗi liên hoàn tài sản và nguồn lợi khổng lồ cho những quan tham gia việc mở đường đi lập nghiệp bày ra.

Những người phu như thế có thể sẽ lưu cữu mãn đời với cái nghề bạc bẽo, bán thân cho sốt rét ngã nước, chết dấm chết dúi và bị lãng quên đi.  Một số lanh tay lẹ chân, có óc tháo vát, thông minh, khéo léo thì nhẫn nhục làm, tích cóp dần đồng ra đồng vào và thoát ra về Sè Goòng đổi đời sống kiểu khác.

Dần dần họ thành những hạt giống, ăn nên làm ra, đầu tư vào một số ngành nghề : guốc mộc, chạm trỗ, đồ gỗ, buôn bán để gây cơ sở và lôi kéo bà con, quen biết, người làng vào sinh sống đông thêm cho có bè có bạn.  Có những khu phố rặc toàn người Bắc, như quanh quanh các con đường gần chợ Bến Thành, họ sống với nghề kim chỉ, rao mời tơ lụa Hà Đông, sản xuất bánh kẹo, bán hàng ăn, chụp ảnh, cũng để lại được ít tiếng tăm và sự tin cậy.

Cũng từ những bước đầu tiên đó, họ lập hội tương tế để cưu mang nhau, hoặc để tựu họp vào các ngày lễ truyền thống của làng, chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn nơi đất mới.  Họ lấy tên làng làm danh xưng của hội, hoặc họ lấy tên miền để gọi cho hội có vẻ bề thế hơn.  Có một dạo người ta  nghe các tên như Giác Quang tương tế, Bắc Việt tương tế, Phù Lưu tương tế, Vũ Bản tương tế (hay cái tên riêng biệt Nhà sách Vĩnh Bảo chẳng hạn).

Đến khi người Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải rút đi, hiệp ước Geneva chấp thuận chia đất nước thành 2 miền, chờ 2 năm sau sẽ có tổng tuyển cử thì lại một phen nhốn nháo di cư.  Người Hà Nội có 300 ngày để chọn lựa nơi sinh sống của mình.

Tiếng là tự do chọn lựa muốn ở đâu thì ở, nhưng khi có bóng dáng chính trị đổ xô vào thì chuyện đi hay ở không dễ dàng như ta tưởng.  Càng gần ngày hết hạn thì con đường 5 càng có những trạm kiểm soát gắt gao.  Người ta dùng tình cảm ràng buộc nhau, hoặc ve vãn, hoặc gây khó khăn để hạn chế bớt số người gánh gồng rủ rê nhau tếch.

Những chuyến tàu há mồm, những chuyến vận tải cơ bay dồn dập, người ta choàng cho sự kiện đó cái tên “ di cư 54 “, hẳn nhiên cũng không khỏi bị kèm theo hay đánh giá mỉa mai, như chỉ có tứ Công mới bỏ quê hương đất nước như thế.  Người ta gói gọn 4 Công để ám chỉ : Công giáo, Công An, Công chức và Công nợ.

Ai nói cứ nói, ai dèm cứ dèm, nhưng một đi là cứ đi.  Có người cũng vì tiếc căn nhà mới tậu hay còn thân nhân đau ốm thì ở lại, cứ tự nhiên.  Lại một lần Sè Goòng giang tay ra đón, thu vén nơi ăn chốn ở, điều tiết việc ổn định gia cư.  Những địa danh mới được đặt ra như Cái Sắn, Hố Nai, Tầm Vu, Gia Kiệm hoặc những cái tên kèm một loạt chữ Tân đứng đầu (Tân Bùi, Tân Hà, Tân Phát v.v…)

Bẵng đi 20 năm trôi theo nhau, chiến tranh vẫn ùng oàng, nhưng vết thương dần dần kín, tuy cái sẹo thì không sao xóa được.  Người Sè Goòng hào hiệp, bao dung, khó giúp nhau lấy thảo.  Những ngày đầu còn rải rác khích bác, cà khịa nhau, chọc trêu nhau kiểu “ Bắc Kỳ dzốn, ăn rau muống… “, thế nhưng chẳng mấy chốc đã hòa tan vào nhau đến đỗi lằn ranh ngăn cách tự dưng bị lu mờ.

Người Sè Goòng chính thống không còn hiềm khich mà thậm chí người mới nhập cư cũng thấy mình bị loãng ra và loáng thoáng hình dáng Sè Goòng đã ngự trị trong người lúc nào chả biết nữa.  Có người cũng đã tập dẻo giọng trêu đùa nhau : cô Hai, chèn ui, cô ngộ chi ngộ ác, giờ mà nghe cô câu dzọng cổ, chắc tui uên mất đường dzìa, cô ui !…

1Có thể từ bản chất dễ dãi, ít câu mâu và sẵn lòng giúp đỡ, nên người Sè Goòng chủ động chóng xóa đi bờ vực ngăn cách giữa người Nam và Bắc Kỳ.  Cuộc di cư hàng triệu người có làm xáo trộn phần nào cuộc sống yên ả của miền Đồng Nai, Bến Nghé, bước đầu cũng có xảy ra dăm ba cuộc xô xát cỏn con, thế nhưng vốn tính mau hòa hợp, lằn ranh trên tự nhiên khép gần lại và xóa bỏ hồi nào không hay.

Thậm chí những gia đinh định cư nơi Tân Mai, Cái Sắn, Dốc Mơ, Tầm Vu lần lần còn được chính bà con sở tại cưu mang, giúp dựng lên những căn nhà, hay chỉ vẽ cho đường đi nước bước trong việc mưu sinh, hoặc phục hồi các nghề truyền thống.

Một dạo, loại chiếu Bát Tràng, gỗ Vụ Bản hay bánh gai Hàng Than cũng đã chen chân vào sinh hoạt ẩm thực và đời sống của miền Nam.  Những cánh đồng cò bay thẳng cánh lần lần xóa đi những lằn ranh chia cách và mặc nhiên trở thành tình nghĩa đồng bào thương yêu và lo lắng cho nhau.

Đất lành chim đậu, cái nắng Sè Goòng làm nhạt phai chuyện nói móc, xỏ xiên nhau, cơn mưa sông Tiền sông Hậu làm phai đi giọng nói cưng cứng miền ngoài.  Sự tiếp xúc tự nhiên làm cho tình làng nghĩa xóm tự ên kết tụ, lòng người miền Nam hào phóng vốn dĩ đã quen.

Người Bắc Kỳ hết còn lạ về nghĩa cử truyền thống miền Nam, nhà nào ở miệt vườn cũng đều đặt sẵn cái khạp chứa nước và cái gáo dừa có cán ở đầu hè để trưa nắng bạn làm đồng ngoài kia từ ruộng bước lên có ngay hớp nước uống vô dễ thấy mát ngọt mà tan đi nỗi mệt nhọc.

Sinh hoạt hằng ngày khiến cho người hai miền càng ngày càng sát lại gần hơn, chẳng mấy chốc sự ghẹo trêu nhau bị mất đi hồi nào cũng chẳng biết.  Rồi tình cảm nảy sinh, gió mát trăng thanh, những bữa nhậu, những câu hò, vọng cổ làm cho ruột gan nhau thấm đậm tình người.

Cuộc di cư hàng triệu người một sớm một chiều bỗng tan đi chớp nhoáng.  Đã có những cuộc tình đẹp thiệt đẹp nảy sinh, trai Bắc chọn gái Nam vì các cô hiền từ, ngoan, biết chiều chồng, giỏi bếp núc, và có giọng hò, thả câu lý, ca vọng cổ mượt mà hết xảy.  Ngược lại anh trai Nam chọn chị Bắc vì cái nết hay lam hay làm, chịu đựng, hi sinh, sẵn sàng gánh vác công lênh nhà chồng như chính nhà mình.

Chả thế mà chiều chiều đã có những chiếu rượu dưới gốc cây ô môi để nghe các cô em Nam Bộ rỉ rả câu tình lang lả lướt, và khối anh Bắc cũng mon men học bằng được món luyến láy của cách nói lối để vào câu vọng cổ dạ lang hay vọng cổ hoài lang rất ngọt ngào.

Ai dám cả quyết lòng mình không rung động khi nghe các nường thỏ thẻ gọi mời : anh Hai ui, có mệt dzô nghỉ chút cho phẻ, gồi đi típ. Và giữa bộn bề của cuộc sống, ai chẳng sẽ chùng lòng khi nghe câu lửng của cô em : nếu có thương nhau, anh dzìa thưa cha thưa mẹ, đừng để em mỏi mòn chờ đợi nhe anh.

Báo sao các ông nhà thơ, nhà văn không thấy mình rạt rào vì đất nước Sè Goòng ?  Ta đã từng ngẩn ngơ vì câu hát nghe như giọng hò văng vẳng : Nhà Bè nước chảy chia hai; ai dzìa Gia Định, Đồng Nai thì dzìa.  Hoặc : nắng Saigon em đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

Cho đến nay, dù vật đổi sao dời thì mỗi lượt có dịp đi ngang Kẻ Sặt, Phương Lâm, Lâm Hà, Bình Phước ta vẫn còn bắt gặp dấu ấn của một thời người Bắc chuyển vùng vào sinh sống trong Nam.  Ở những địa phương đó ít nhiều họ cũng góp phần vào dựng xây kinh tế và nét văn hóa đặc thù của cái nôi sông Hồng nơi mảnh đất đã rộng tay đùm bọc, cưu mang.

Có nhiều người đơn giản nghĩ rằng đề cập đến Sè Goòng là chỉ khoanh vùng vào một địa giới cỏn con cũng đổi thay tên gọi trải qua thời thế.  Chẳng hạn có người đã nhắc tới tên Sài Côn của một vương triều nào đó, có người ám chỉ vùng đất mới được khai phá vòng vòng quanh những khu phố được dựng xây từ những năm cuối thế kỷ 18, sau khi người Pháp chiếm Nam Kỳ.

Riêng với tôi, Sè Goòng không chỉ hẹp như vậy, bởi vì tuy địa danh Saigon được khoanh vùng trong tâm tưởng là như thế, nhưng khi nói về người Sè Goong giờ ở đâu thì ta phải hình dung ra cái nghĩa rộng lớn vô cùng.

Bởi vì nhiều người vì lẽ này hay lý nọ giờ không còn ở lại nơi đất nước mà phiêu bạt khắp các nơi thì trong trí óc họ Sè Goòng là tất cả, là Bến Tre, Cà Mau, Long Khánh, Bạc Liêu, là bến Bạch Đằng, cầu Ba Cẳng, là Phước Tỉnh, Phú Xuân v.v… và v.v… của những đêm hồi hộp nằm ém chờ chạy ồ ra biển, hay ngay cả Tân Sơn Nhất đĩnh đạc lên chuyến bay ra đi.

Trong những cuộc chuyển vùng bất đắc dĩ đó, phải nói cuộc tháo chạy 75 là vô cùng bi thảm.  Dư luận rêu rao lên án về một sự phản bội gì đó, về những sự khiếp sợ không rõ ràng, bởi vì chính thực những người xô đẩy nhau trốn chạy, hay đành ở lại cũng không hiểu nguyên do đã có lúc khiến họ hãi đến vậy.

Bây giờ có người xa Saigon đã 40 năm tròn, có người vẫn đi về năm một vài bận, nhưng Sè Goòng vẫn nằm đâu đó trong suy nghĩ của từng cá nhân.  Con số hằng triệu người phân rải rác ở khắp nơi, chỗ nào mở rộng lòng nhân từ giơ tay cứu vớt họ, tạo cho họ một cơ hội sống, giúp họ lập lại cuộc đời từ bước đầu.

Thấm thoắt giờ đã hình thành thế hệ 2 hoặc 3 của những người ra đi đó.  Nơi đất tạm dung, họ đã có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm, có tư hữu, có đóng góp công lao mọi mặt vào dòng chính.  Một vài nơi họ còn lưu lại nhiều dấu tích về một nền văn hóa của dân tộc vì họ nghĩ rằng các vật thể này nói lên lòng biết ơn của họ với quê hương tạm dung.

Phần lớn họ đã thành công dân của nước sở tại, thụ hưởng mọi quyền lợi như dân dòng chính.  Có thể đời sống họ có khác đi, họ Tây hơn, Mỹ hơn, Úc hơn, song một phần hồn của họ vẫn chưa sao quên đi SAIGON của một thời đã sống.

Đối với họ SAIGON vẫn là một ký ức chưa phai nhạt.  Người ta có thể đùa gọi trệu tên của miền đất hồi nào, hoặc Sè Goòng, hoặc Sài Ghềnh, hoặc Sầu Thành, hay gì gì khác, nhưng nhất định lảng vảng những chiều thứ bảy tay trong tay dạo phố, lần đầu tiên trao nụ hôn tình, hay một lần chờ đón nhau nơi cổng trường thì chắc chắn họ vẫn chưa quên.

Có một điều lạ khiến người viết băn khoăn là bất kỳ cuộc di dân chuyển vùng nào cũng bắt nguồn từ phía Bắc dồn vào Nam mà ít khi thấy ngược lại.  Kể cả từ khi phong trào mộ phu đi tân thế giới, khổ chứ có sướng gì đâu thì việc ra đi vẫn là từ con đường ấy.

Phải chăng vì Sè Goong có một sự vẫy gọi âm thầm nào đó mà không ai có thể dùng lời lẽ để phân tách ra được.  Thôi thì cứ biết thế đi, vì dẫu có sao thì SAIGON vẫn là một phần của giải đất hình chữ S kia mà.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire