caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 3 décembre 2015

Văn Nguyên Dưỡng viết truyện dài CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU.

Nếu quý anh chị thích đọc văn chương miền nam thì đây là quyển sách mới nhất của tác giả Văn Nguyên Dưỡng mới gửi đến tôi.

Cám ơn tác giả đã cho vinh dự đọc quyển sách này trước khi ra sách.

Tôi sẽ post vào  đây từng chương và từng phần nối tiếp nhau.

Caroline Thanh Hương

Afficher l'image d'origine
          TRUYỆN DÀI TÌNH YÊU TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM


                    CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU

                                                         Văn Nguyên Dưỡng


                                                                    ****  

                                               

 Một giai nhân trí thức công giáo, vừa trên ba mươi tuổi, giáo sư Trung học, tha thiết yêu một học sinh tỉnh lẻ mười tám, chất phác. Một cuộc tình lãng mạn, đậm đà, say đắm. Hai kẻ yêu nhau biết sẽ không ai trong xã hội đương thời chấp nhận tình yêu và hôn phối giữa những người tình chênh lệch tuổi tác nầy, nên quyết định âm thầm kết hôn trước Thiên Chúa trong Nhà Thờ Đức Bà ở Sài-Gòn. Người vợ đóng cửa... dạy chồng thành người trí thức. Nhưng chiến tranh đẩy người thanh niên nầy vào cuộc chiến đầy phẩn nộ. Tình yêu của người khuê phụ thục nữ nầy là tình yêu chung thuỷ, biến cô thành một Pénélope của Việt Nam, hay như người thiếu phụ Nam Xương. Hằng ngày, cô giáo buồn bã nhìn những bóng nắng  tan dần, hằng đêm thao thức chờ ánh sáng bình minh, chỉ mong đợi một người, trong năm mươi năm liền. Tấm tình chung thuỷ nầy hợp với đức tin tôn giáo, hợp với đạo lý của dân tộc. Nhưng đẫm lệ...

            Tác giả chống chiến tranh, ca ngợi tình yêu và lòng dạ kiên trinh, vợ hiền của các chiến sĩ Miền Nam Việt Nam trong cuộc biển dâu thế kỷ vừa qua.



                                                    -----------oooOooo----------



CHƯƠNG I:  CÔ GIÁO SƯ THÁI HÂN


Mùa thu năm đó, không phải mùa Thu năm 1945, mà là mùa Thu năm 1948, Pháp đã trở lại Việt Nam. Ở Sài-Gòn có Dinh Norodom là Phủ Toàn Quyền Pháp, còn có Phủ Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Ở Miền Bắc, Việt Minh và Chính phủ Kháng chiến của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ Hà-Nội rút lên Mạn Ngược Việt Bắc trường kỳ kháng chiến từ cuối năm 1946. Việt Minh ở miền Nam và miền Trung cũng rút vào bưng biền đánh du kích từ mùa Thu năm trước. Nhiễu nhương đã bắt đầu từ nhiều năm qua, nay càng thê lương hơn. Nhưng người ta vẫn sống, và tôi vẫn phải lên Sài-Gòn tiếp tục đi học... vì vừa đậu xong bằng Tiểu học. Tôi đã bắt đầu đọc truyện Tàu, truyện trinh thám, đọc thơ, đọc văn... Cậu mục đồng ở một làng quê nhỏ bé đã biết đôi chút mùi vị chữ nghĩa.


Không biết từ lúc nào tôi đọc và nhớ mấy câu thơ... “Từ độ vào Thu đến nay, sương Thu lạnh, trăng Thu bạch, khói Thu xây thành, gió Thu đưa lá lìa cành, sông Thu mang lá rời ngành biệt ly...”

Tôi biết, không phải như vậy đâu. Miền Nam không có mùa Thu đẹp như Thi sĩ Tản Đà tả cảnh miền Bắc khi vào Thu. Thật ra, là một cậu bé sinh ra ở vùng đất mũi Cà-Mau, từ nhỏ tôi không hề biết mùa Thu là mùa nào trong năm, nếu không có mùa... Thu, năm 1945. Năm đó, học trò lớp nhì, lớp nhất đều vào đội ngũ Thiếu Niên Tiền Phong, học hát các bài ca kháng chiến như “muà Thu nầy ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.” Rồi giặc giã nổi lên. Rồi bỏ học, tản cư. Rồi hồi cư, đi học lại. Từ đó tôi mang nhiều kỷ niệm về mùa Thu.


Thật ra Miền Nam chỉ có hai mùa mưa, nắng.

Mùa thu của miền Nam, đâu có sương thu lạnh trăng thu bạch, nhất là ở các tỉnh đồng bằng Sông Cữu Long, mà là mùa mưa liên miên, tầm tã, lầy lội, ngập lụt ngày này qua ngày khác.

Cư dân ở các tỉnh có sông ngòi nước ngọt không thích mưa cho lắm, nhưng ở xứ Cà-Mau nước sông mặn chát, thì cư dân dường như thích trời mưa hơn là trời nắng. Nhà nào khá giả mua lu, mua khạp, mái vú, xếp từng hàng quanh nhà, trong vườn, trên sân, hay xây hồ xi-măn để hứng nước mưa, chứa cho gia đình uống cả năm bảy tháng mùa nắng năm tới. Nhà nào nghèo hơn, phải “đổi” nước ngọt ở các ghe lường chứa nước đi “đổi”, thay vì nói đi “bán”. Đổi được một vài đôi thùng hai-mươi-lít nước ngọt để uống và nấu ăn cũng được vài ba ngày.


Mùa nắng, nước sông mặn đến đổi đêm tối trời, đám trẻ con ra bờ sông chơi, lấy miểng sành ném cho chạy trợt trên mặt sông sẽ thấy một làn lửa nổi lên chạy dài theo. Hoặc đứng cả đám trên cầu tàu... tè xuống nước cho nổi các tia lửa giống như cả bầy đom đóm bay tung toé trên mặt nước, hay giống như đốt pháo bông, rồi cười la vui vẻ. Những đêm tối trời như vậy, mấy chị, mấy cô xuống mấy cái cầu tiêu công cộng trên ven sông để đi vệ sinh, cũng không lạ với các đốm lửa tóe dưới mặt nước, như pháo bông nổ. Thành ra ban đêm, khi rủ nhau đi... cầu, họ thường nói với nhau là “mình đi đốt pháo bông đi”.


Tôi có cô bạn học cạnh nhà, những đêm tối như vậy, đôi khi nhờ tôi... hộ tống cho cô xuống cầu bờ sông đốt pháo bông vì cô sợ... ma. Đứng đàng xa cũng đủ thấy cả bầy đom đóm bay túa trên mặt nước. Người tỉnh khác đến buôn bán thương hồ trên các sông rạch quê tôi rồi cũng biết điều nầy. Vậy nên có tiếng đồn rằng ở Cà-Mau con gái đái... ra lửa. Đây không hẳn là lười khen chê. Mà nói theo nghĩa bóng thôi. Vì thật ra, mấy chị ở thị trấn quê tôi, nhất là ở xã Thới Binh, nước da trắng ngọt, mặt sáng, răng trắng nên nụ cười có duyên, có lẽ nhờ nước sông ngòi mặn nên phần đông răng chắc, đẹp, lại ăn nói mền mỏng, dáng điệu gọn gàng, nên trai xứ lạ đến, nhất là lính tráng, nếu gặp một trong các cô thương yêu thì, sau đó dù có vác súng đi nơi nào khác, nhưng vẫn... bỏ quên trái tim ở lại. Chết vẫn nhớ... em.


Mùa thu năm đó tôi cũng rời xa quê nhà, nhưng may quá còn giữ được trái tim mình đỏ tươi chưa bầm giập với cô nào, dù là cô hàng xóm bạn học thân nhất. Tôi lên Sài-Gòn học, sẽ khá lâu mới về gặp lại cô. Chỉ thấy hơi buồn buồn thôi.

Cô bạn học nầy cũng trạc tuổi tôi, mười bốn hay mười lăm gì đó, học giỏi nhất lớp và hình như có cảm tình với tôi nên thường cho tôi mượn bài vỡ cô làm xong, nhất là các bài giải toán, để... tôi cóp, rồi nộp cho thầy. Tôi rất dốt toán, vật lý và hoá học. Vậy mà tôi cũng thi đậu mùa hè năm đó. Cô học trò xinh xinh, có duyên, má lúm đồng tiền, tóc chảy xuống vai, trao cho tôi một tập vỡ để viết bài lưu niệm. Vì tôi đi học xa. Còn cô sẽ ở lại, học lớp Tiếp Liên, là lớp của những cô cậu đã đậu bằng Tiểu học, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép học tiếp Trung học, hoặc không thi đậu có học bổ̉ng vào các Trường Trung học công lập Cần-Thơ, Mỹ-Tho hay Pétrus-Ký ở Sài-Gòn.


Ba tôi thì muốn cho tôi học Trường Dòng La-San Taberd ở Sài-Gòn. Trước ngày lên đường, tôi bí quá, không biết viết cái gì, bèn phết luôn mấy câu thơ trên của cụ Tản Đà mà tôi nhớ lõm bõm vào quyển lưu niệm của cô bạn học. Bề nào cũng là... biệt ly mà. Thơ lại đẹp, buồn, gợi cảm. Tôi còn nhớ loáng thoáng thêm mấy câu nữa, “nhạn về, én lại bay đi, đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm, cánh sen tàn tạ trong đầm, nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa...” Tôi đọc đi đọc lại, cố sửa sao cho đúng, nhưng vẫn còn phân vân, không biết đúng hay sai, thôi cứ chép thêm mấy câu nầy vào quyển lưu niệm, rồi... ký tên. Cũng may, vừa xong thì, nàng tới. Nàng là bàng lân, nhà ở chỉ cách một khu vườn cây nhỏ, quen biết thân mật với các chị tôi, qua lại nói năng cười giỡn là chuyện thường.


-Anh Út, sáng sớm ngày mai Anh đi, phải không? Ráng lên Sài-Gòn học cho giỏi nghen! Mai mốt về em thưởng...

-Thôi đi, ngộ học dốt, nị biết quá mà, làm sao học giỏi được. Còn chọc quê người ta nữa!

Tôi vẫn xưng hô với Mỹ bằng các đại danh từ Chệt, ngộ, nị, vì không biết xưng hô bằng tiếng Việt như thế nào cho phải. Gọi bạn, xưng tôi thì cũng được, nhưng có vẽ không thân. Còn anh, em thì hổng được rồi. Đâu biết ai lớn hơn ai. Cô đứng ngang đầu với tôi, lại vừa trổ mã con gái dậy thì, trông đẹp và lớn xộn, lại học giỏi, nên tôi hơi... nể kể từ hai năm học chung lớp. Hay đúng ra kể từ khi gia đình tôi hồi cư về thị trấn Cà-Mau, ở gần nhà Mỹ cho đến hôm đó.

-Không phải mà, em nói thật đó!

-Hổng tin, chắc nị cho ngộ ăn trái cây vườn nhà nị gảy răng luôn phải hông?

-Hổng phải, thưởng cái khác mà...

-Cái gì vậy?

-Không nói, bí mật. Hỏi Chị Hai đi... Nói xong Mỹ dường như bẽn lẽn, dợm thối lui.

-Khoan đã, lấy quyển lưu niệm rồi hãy đi.

-Vậy hả, em quên!

Mỹ cầm quyển lưu niệm lật ngay trang tôi vừa viết mấy câu thơ, đọc rồi la nho nhỏ:

-Anh Út, sao chép lại bài thơ “Cảm Thu, Tiễn Thu” của cụ Tản Đà cho em chi vậy? Bài nầy lúc trước em thấy hay quá nên chép lại trong một tập san rồi tặng cho anh xem mà, anh quên rồi sao? Anh chép trả lại cho em trong quyển lưu niệm nầy làm chi, em thuộc lòng nguyên bài rồi mà, còn dài hơn nữa!

Tôi nghe xong, như bị mắc nghẹn, hai tai nóng bừng. Nhưng cũng nói bừa...

-Ờ, thì... nhớ rồi. Chớ hổng phải vì hay quá nên ngộ học thuộc lòng mấy đoạn đó sao? Thì mai ngộ đi xa rồi. Thì... sông thu đưa lá rời ngành... biệt ly mà. Hổng phải sao, người đi để kẻ ở lại mà, không phải biệt ly sao? Vậy mà nị còn trách ngộ. Thì thôi, đưa lại đây, để mua quyển lưu niệm khác mắc đền cho. Tôi thấy mắt Mỹ đỏ, sắp chảy nước mắt, nhưng nghe câu chót, Mỹ hoảng hốt nói:

-Hổng phải, em có trách anh đâu, em không biết hết ý của anh mà, em xin lỗi. Cho em giữ quyển lưu niệm nầy nghen, nghen anh...

Nói xong, Mỹ dông tuốt ra cổng rào. Tôi nhìn theo, còn thấy Mỹ ôm chặt quyển lưu niệm trước ngực chạy về nhà, vừa lau nước mắt, vừa cười mĩm.


Vậy đó. Ôi cảnh chưa... biệt ly sao mà... lạ thế! Mỹ đầy chân tình. Còn tôi? Đúng là tôi làm bộ làm mặt lạ với Mỹ. Sau này, nghĩ lại, tôi thấy hối hận về chuyện này. Rõ ràng là Mỹ yêu tôi, với tình yêu con gái tuổi học trò. Vậy mà tôi thờ ơ với Mỹ.

Tôi thường nghe người lớn nói con gái ở tuổi mười bốn, mười lăm dậy thì, thường lớn khôn hơn con trai ở lứa tuổi đó. Mỹ là cô gái thông minh, giỏi giang, chẳng những giỏi trong lớp học mà còn giỏi việc nhà. Ngày thứ bảy, chúa nhật thường ra phố giúp mẹ buôn bán. Mỹ có người anh cả ra bưng biền kháng chiến, một em gái học cùng lớp với cô, và một em trai nhỏ. Ba cô bệnh, yếu, vì trước bị mật thám Tây bắt, tra tấn thành tàn phế, nên cô phải giúp mẹ cáng đáng chuyện gia đình kể cả chuyện buôn bán ở tiệm vàng gia đình khá lớn trong thị trấn. Đó là lý do mà Mỹ không thể theo học tiếp cao hơn.

                                                      

Sáng sớm hôm sau, trời mưa to, nặng hột. Con đường từ nhà tôi ra bến xe lầy lội. Giữa lòng đường, nước mưa cuốn mất bùn bẩn trôi đi tự lúc nào, chỉ thấy mưa rơi trắng, nước trong veo tràn mặt đường chảy xuôi. Ngược lại, trên lề đường không tráng nhựa, đất vàng nhầy nhụa. Chị em tôi vẫn phải lội mưa ra bến xe để lên Sài-Gòn. Hai chị em chỉ đội chung một áo mưa. Chị Hai tôi mang guốc sơn, quần lãnh đen, áo bà ba lãnh đen, cái xách da đen có quai đeo trên vai, một tay túm hai ống quần, một tay bận che áo mưa cho tôi. Còn tôi, mặc quần tây dài màu trắng, săn ống quần cao tới gối, áo se-mi trắng tay ngắn, bỏ vạt vào lưng quần, thắc dây lưng da. Hai tay đều bận. Tay phải xách chiếc va-li nhỏ đựng mấy bộ quần áo mới và đôi giày ba-ta mới. Tay trái ôm cái nón cối màu trắng của học trò, mới được Chị Hai mua cho mấy hôm trước. Lại còn phải cầm thêm đôi dép da có quay, cũng mới toanh. Chị Hai nói:

-Chị em mình đi trên mặt lộ đi, nếu đi trên lề lấm lem hết.

Vậy là chị em tôi bước xuống đi giữa đường. Vừa qua trước nhà của Mỹ, đã thấy Mỹ chân trần vừa chạy ra, tay cầm cây dù đàn ông, lớn, giương lên, vừa nói:

 -Chị Hai, để em che cho Anh Út, chị đội áo mưa đi, không thôi ướt hết bây giờ.

Và, không đợi trả lời, Mỹ chen vào giữa, che dù cho tôi. Chị Hai đội lại áo mưa, vừa nói vừa cười, có vẻ hài lòng:

-Cái con nhỏ nầy, làm tài khôn không hà!

Đáp lại là một nụ cười trong mưa ướt át của Mỹ.

Vậy là Mỹ cùng tôi... sánh vai lội nước. Chị Hai đi một mình. Tôi  sượng trân, nín khe, chịu cảnh... “đường trường xa, muôn vó câu bay chập chùng...” Làm bộ ngó lơ, mà lòng vẫn vơ nghĩ về Mỹ. Phía bờ sông, nước sông chảy cuồn cuộn, mưa bay trắng xóa mờ ảo không nhìn thấy bờ sông bên kia. Tôi bỗng chợt nghĩ ra một câu hát nháy, và để phá tan sự im lặng không biết do đâu mà có, tôi hát lớn...“trời mưa to, nên nước mưa bay chập chờn...”

Chị Hai và Mỹ bật cười to.  Chị Hai nói bông đùa:

-Tức cảnh sinh tình rồi há. Hát nữa đi Út, cho em Mỹ nghe... mà nhớ, nha. Mỹ chen vào:

-Thôi chị Hai ơi, ảnh hát một hồi chữ nghĩa của người ta lộn tùng phèo hết. Ảnh hổng hát, em... cũng nhớ mà!


Chị em tôi quên cơn mưa, vì nó cũng vừa dứt hột, và đã đến bến xe đò. Bến xe cũng đã đông người. Mua vé xong, hai chị em lên xe ngồi. Mỹ đứng lẻ loi. Chị Hai ngồi băng ghế ngoài, ngó xuống, nói với Mỹ:

 -Chị cám ơn Em, thôi về đi kẻo trời mưa lớn nữa bây giờ.

Tôi cũng nhìn xuống gặp đôi mắt ướt sũng của Mỹ, không biết vì nước mưa hay vì nước mắt... Rồi mưa lại đổ hột lớn nữa. Xe bắt đầu rời bến. Hai chị em vẫy chào Mỹ. Mỹ chỉ ngó theo với dáng buồn bã. Lúc đó tôi mới nhìn thấy cô mặc bộ bà ba đen, làm nổi làn da mặt trắng nõn. Rồi bóng Mỹ đẹp, buồn, cũng khuất dần dưới cơn mưa trắng xóa mịt mờ...


                                                   **


 Afficher l'image d'origine

Xe Thiên Tân là hảng xe mới nhất có xe máy nổ dầu, còn nhiều hảng khác chở hành khách cũng chạy đường Cà-Mau lên Sài-Gòn, có hảng còn có xe chạy máy nổ bằng than đá, như hảng Đại Trung.

 Xe mới, xe cũ, chạy trước, chạy sau từ bến xe Cà-Mau đều phải dừng lại nối đuôi nhau ở Cua Trưởng Toà, cách Cà-Mau trên một cây số. Họ chờ lính bạt-ti-dăn và xe thiết giáp nhẹ, bánh cao-su, của quân đội trấn đóng Pháp mở đường xong mới được tiếp tục chạy lên Quận Giá-Rai rồi lên tỉnh lỵ Bạc-Liêu. Có ngày lính mở đường suôn sẻ v Quốc Lộ 4, trên đoạn giữa Cà-Mau lên Bạc-Liêu này, không bị du kích đào đường, đấp mô gày mìn, hay phục kích bắn sẻ. May mắn là buổi hành trình đầu tiên của tôi lên Sài-Gòn hôm đó không bị trở ngại hay nguy hiểm, vì đoàn xe đã bắt đầu chạy, như Chị Hai nói:

-“May quá Út ơi, lính mở đường xong rồi, yên nên họ mới cho xe đò chạy. Lúc trước, có lần chị đi Bạc-Liêu, phải chờ đến trưa vì du kích giật mìn, phục kích ở gần Hộ-Phòng, lính mở đường bị chết mấy người. Xong rồi phải phá mô, lấp đường lại, xe mới qua được. Giặc giã, khổ lắm. Mỗi lần đi xa là mỗi lần sợ...”


Chiếc xe Thiên Tân mà chị em tôi đi, mới tinh nên máy nổ rất êm. Tuy vậy, cũng không chạy nhanh hơn các xe khác. Vì đoạn đường tráng nhựa từ Quận Cà-Mau lên Bạc-Liêu từ mùa Thu năm 1945 trở đi, gần như bị bỏ hoang, không ai tu bổ. Mặt đường loang lổ, chỗ còn nhựa đường, chỗ không, sỏi đá lòi lên lởm chởm, nứt nẻ. Thêm nạn bị du kích Việt Minh đào nhiều đoạn dài cả năm bảy thước. Lính Tây bắt dân sống ở thôn xóm dọc đường đấp lại, đất đá lẫn lộn. Có chỗ xe phải thận trọng lắm mới qua được. Nhưng hành khách phải xuống xe lội bộ, để xe nhẹ bớt sức nặng.

Mỗi lần hai chị em theo hành khách khác lội bộ như vậy chị Hai lại lầm bầm, lạy Chúa tôi... qua được rồi!”


Chị mới gần ba mươi, từ trước chiến tranh cũng đã học Trường Nhà Trắng Sài-Gòn, lúc ba còn làm việc trong quân đội Pháp. Năm bảy năm trước khi Nhật đảo chánh, ba nghỉ việc về Thới Bình, chị ở lại Sai-Gòn tiếp tục học, thi đậu tú tài toàn phần Pháp, rồi đi dạy học mấy năm. Nhưng từ khi Nhật đảo chính Pháp, ba má tôi dời lên thị trấn Cà-Mau ở, chị từ Sài-Gòn cũng về đó. Vì sợ quân Đồng Minh đánh nhau với quân Nhật ở Biển Đông. Họ có thể dội bom thành phố Sài-Gòn.


Không bao lâu Việt Minh cướp chính quyền. Rồi tuyên bố độc lập, lập chính phủ ở Hà-Nội. Việt Minh ở Cà-Mau lập Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Huyện. Pháp mang quân trở lại Việt Nam, đánh gần xuống Sóc-Trăng. Ba đi Tây Ninh, quê của má, mua gỗ, còn kẹt chưa về kịp. Má và Chị Hai đưa gia đình tản cư trở về xã Thới Bình. Rồi hồi cư, má bệnh, Chị ở nhà thay má trông nom các em và quán xuyến chuyện gia đình. Nên chưa chồng mà như đã trở thành một bà mẹ non, lúc nào cũng lạy Chúa tôi, mỗi khi có chuyện làm Chị lo sợ. Nhất là lo sợ không bảo vệ hay lo lắng được cho các em. Sợ các em ăn không no. Sợ các em dầm mưa giải nắng, nhức đầu, xổ mũi. Sợ đủ thứ.


Chị Hai là chị cả, hai người anh thứ Ba và thứ Tư của tôi chết khi còn nhỏ, tôi không biết mặt. Anh Năm đã bỏ vợ, làm việc ở Quận Giá-Rai. Anh Sáu theo kháng chiến từ năm 1945, còn ở trong bưng biền, không có tin tức gì. Chị Bảy, mười tám hay mười chín, vừa đậu bằng Thành Chung ở Cần-Thơ về cả năm nay chưa làm việc gì. Ba bảo chị xin dạy Tiểu học, nhưng cả năm qua má trở bệnh nặng hơn, nên chị Bảy vẫn còn ở nhà, giúp chị Hai. Từ dạo hồi cư về, ba mở trại cưa, thường đi Tây Ninh, quê của mẹ tôi để chọn đặt mua gỗ súc cho trại cưa. Thời gian từ cuối năm 1946, dân chúng bắt đầu hồi cư, nhà cửa trong thị trấn bị du kích huyện đốt gần hết để tiêu thổ kháng chiến, nên khi trở về, nhiều gia đình phải cất lại nhà cửa. Cây, ván, cột gỗ, lá dừa nước, đinh ốc, xi-măn, gạch, ngói còn khan hiếm lắm.


Tôi mãi nhớ chuyện cũ nên xe đã lên đến thị xã Bạc-Liêu mới hay là trời đã trưa. Mưa hình như cũng chạy dài theo xe từ Cà-Mau lên Bạc-Liêu, nên hành khách người nào người nấy lấm lem vì mấy lần lội bộ ở mấy chỗ đường bị đấp mô, lại đói bụng. Tài xế hình như biết rất rành điều này nên cho biết sẽ ngừng lại bến xe tỉnh lỵ trong một giờ để bà-con rửa mặt, rửa chân tay, cơm nước, cho khoẻ rồi sẽ đi tiếp.

Khi vào một tiệm ăn, rửa mặt, tay chân xong, ngồi vào bàn ăn ở một góc, Chị Hai coi tấm thực đơn để gọi thức ăn. Tôi nhìn chị. Và lần đầu tiên tôi mới nhận thấy chị vừa đẹp lại vừa có vẻ học thức với đôi mắt trong sáng lướt nhanh trên thực đơn. Tóc bới hơi cao, búi tóc đẹp vắt một cây trâm đồi-mồi, như kiểu của cô Thiều, sinh viên ở Hà-Nội về, vợ của Bác sĩ Nguyễn Tú Vinh. Tôi buột miệng hỏi:

-Chị Hai à! Chị đẹp như Cô Thiều. Sao đẹp vậy mà chị... không có chồng?

-Chúa ơi! Em hỏi chuyện gì lạ vậy cà! Không có là không có, làm sao ai biết mà hỏi. Có ai thương đâu mà có chồng... Chị Thiều nhờ đi ra Hà-Nội học cô-mụ chung trường Y khoa với Bác sĩ Vinh, nên họ... thương nhau trước rồi khi ra trường, về quê, mới làm đám cưới. Còn cứ ở nhà tối ngày như chị, có biết ai đâu?  Ba má lại khó nữa. Bây giờ... già rồi.

-Thiệt hả chị, đẹp vậy mà không có ai thương sao! Mà hồi chị còn trẻ, dạy ở Sài-Gòn, cũng vậy sao?

-Thì hồi đó cũng có quen biết ai đâu. Khi ra trường đi dạy thì ba má đã về Cà-Mau. Ở trọ nhà của Thái Hân, bạn học cùng lớp, dạy chung cùng trường. Cũng đâu có đi đâu mà quen biết ai. Mỗi sáng anh Hai của Thái Hân, làm kỹ sư ở Sở Trường Tiền, chở hai chị em đến trường bằng xe Traction nhà của ảnh. Bỏ Hân và chị ở đó. Trưa dạy xong, ở lại trường, ăn trưa, nghỉ trưa rồi dạy nữa. Chiều, ảnh đi làm về ghé rước hai chị về nhà. Nhiều lắm thứ bảy, chúa nhật hai chị em đi ciné, mua sách, dạo phố mua sắm chút ít gì đó. Rồi về nhà. Hết chuyện. Nếu có gặp ai ở ngoài phố để ý, thì họ cũng nhìn Thái Hân, vì nó đẹp, đâu có nhìn chị. Thôi bỏ chuyện đó đi, ăn cho xong còn đi nữa, chị gọi bánh tầm xíu mại Bạc-Liêu cho chị em mình. Ngon lắm. Ăn đi, cho kịp với người ta.  

-Thái Hân là ai vậy chị? Phải cô giáo Ba không? Em lên nhà chỉ ở, đi học hả chị?

-Phải rồi. Cô gíáo Ba đó. Em lên ở đó đi học. Lên gặp thì gọi bằng chị Ba nghen.

-Dạ... Ờ, mà còn ba má và anh hai cô giáo còn khoẻ không chị?

-Tội nghiệp, hai bác và anh hai mất trước tản cư. Anh Hai cũng lái chiếc xe Traction đó, chở hai bác đi Đà-Lạt có chuyện gì không biết. Bận về, trời mưa, đường trơn trợt, qua cua thắng không ăn, xe tông xuống đèo, chết hết... Lạy Chúa tôi. Chị khóc hết nước mắt. Thôi, ăn đi, đừng hỏi nữa.

Tôi bỗng thấy chị rơm rớm nước mắt. Tôi hiểu được một phần nào về Chị Hai tôi.


Chị em tôi lại cùng hành khách lên xe. Xe rời bến, lại ra Quốc Lộ 4. Đoạn đường từ Bạc-Liêu lên Sóc-Trăng, lên thị xã Cần Thơ, còn khá tốt, xe chạy nhanh hơn. Đến bến bắc Cần-Thơ, mọi người phải xuống xe đi bộ qua phà. Xe đậu xếp hàng dài, chờ hàng giờ, mới đến phiên xuống được phà để chở qua sông, thường gọi là Sông Bassac hay là Sông Hậu. Hành khách mua trái cây, xoài, ổi, vú sữa, mận, đủ thứ, trước các dãy nhà lá lụp xụp ở hai bên lề đường trước khi xuống bến bắc. Mỗi căn của dãy nhà là một quán ăn, cũng bán đủ thứ thức ăn bình dân miền Tây. Ai thấy đói ghé vào ăn uống. Ai muốn mua trái cây, mặc sức mà chọn. Chị em tôi xuống bắc qua sông trước, chiếc xe Thiên Tân còn xếp hàng đợi ở bên nầy sông. Mưa vẫn rơi nặng hột. Đợi cho đến bao giờ mới dứt cơn mưa. Thôi qua phà trước cho xong.


Trên phà, đầy xe, đầy người. Tôi nhìn dòng sông rộng lớn, nước đục ngầu chảy cuồn cuộn. Bèo, lục bình trôi nhấp nhô dưới cơn mưa lớn phủ mờ trên sóng. Bỗng tôi nhớ lại buổi sáng sớm khi ra bến xe, nhìn mưa rơi trắng xóa trên sông Cà-Mau. Tôi nhớ Mỹ và nhớ lại câu nói của cô... “bí mật, hỏi Chị Hai đi”! Chị Hai tôi đang đứng sát bên, tay cầm chiếc áo mưa che cho cả hai chị em. Tôi hỏi:

-Chị Hai, Mỹ và chị có gì bí mật về em phải không?

-Bí mật gì cà, ai nói với em vậy?

-Mỹ chớ ai. Hôm qua cổ nói, em đi học giỏi về cổ thưởng. Em hỏi thưởng gì, Mỹ nói... bí mật, hỏi chị Hai đi!  Bí mật gì hả chị Hai?

 Chị Hai tôi bật cười:

-Bí mật gì đâu... Nó thương em rồi đó. Ba, má có bàn với chị là con nhỏ đó đẹp nết, đẹp người, giỏi giang và để lòng thương em, nên khi em học xong hết tú tài phần hai, gia đình sẽ đi hỏi cưới nó về cho em trước. Rồi em muốn bay nhảy làm gì đó thì làm. Nó phải làm dâu nhà mình. Có gì đâu mà bí mật. Cả thị xã đều biết hết mà.

Chúa ơi, nghe chị nói, tôi sửng sốt. Tôi có biết ất, giáp gì đâu.

-Thiệt hông chị?

-Sao hổng thiệt! Chịu Bội Mỹ không, nói đi?

-Sao em không biết? Tôi nói giọng chững chạc. Làm chị ngạc nhiên.

-Cả nhà ai cũng tưởng tụi em... thân thiện với nhau mà. Trao đổi sách vỡ, đi học cặp kè với nhau. Ăn nói thì... nị, ngộ... còn hơn thân thiện nữa. Thân mật lắm mà. Sao vậy? Bộ em không thương Mỹ à?

-Dạ, thì cũng có... chút chút.

-Vậy, còn hỏi gì nữa. Đầu tiên thì chút chút, rồi sau đó thì... nhiều nhiều. Phải không cậu Út?

-Không phải mà, không phải mà... Chị Hai!

-Phải, không phải gì. Còn chối nữa hả? Thôi đi lên, phà cặp bến rồi kia.

                                                   **

Afficher l'image d'origine

Trời đã xế về chiều khi xe đến Bắc Mỹ-Thuận, trên sông Tiền. Bến bắc Mỹ-Thuận có cùng một lối kiến trúc nghèo nàn như bến bắc Cần-Thơ trên sông Hậu. Xe lại chờ ở bến bắc. Trời vẫn chưa hết mưa. Chị em Thuỷ, Út Dân, lại qua phà trước.


Đứng trên phà với đứa em út, một cậu học trò sắp bước chân vào Trung học, Thủy ngán ngẫm nghĩ đến bước tương lai lâu dài của em. Là chị cả trong gia đình, với người cha thường bôn ba chật vật để lo cho cuộc sống chung, và người mẹ bệnh hoạn, Thuỷ đã phải dìu dắt các em vừa trải qua một cuộc chiến tranh mà chính Thuỷ không phân định được sẽ đưa đất nước đi đến đâu.

Thuỷ đã từng khóc khi thấy hai cơ ngơi đẹp đẽ của gia đình bị thiêu đốt trong ngọn lửa chiến tranh. Một bị tiêu huỷ bởi lệnh tiêu thổ kháng chiến khi du kích Việt Minh rút khỏi thị xã Cà-Mau để chống Pháp. Cơ ngơi khác ở làng quê Thới Bình, công trình gầy dựng lâu dài của Ông Một, ba Thuỷ, bị du kích chiếm làm trụ sở, sau đó lính người Miên, gọi là lính Thổ, của Pháp hành quân vào, đốt sạch ngày Tết Nguyên đán, đầu năm 1946.


Cư dân Xã Thới Bình và thị trấn Cà-Mau vẫn gọi ba Thuỷ là Ông Một. Vì lúc còn trẻ, ông tham gia Đệ I Thế Chiến ở Âu-Châu, lập được chiến công gì đó trong quân đội Pháp nên được phong cấp Thiếu úy. Ông hồi hương, cưới vợ, ở Sài-Gòn làm việc nhiều năm. Sau đó hai vợ chồng về xã Thới Bình lập nghiệp. Trở thành điền chủ. Trước chiến tranh ông bà lên thị xã Cà-Mau ở. Xây nhà mới. Ba có vựa cây, xưởng cưa. Má ở nhà dạy làm bánh khéo và nấu ăn cho các cô gái trong thị xã. Nay... đã trắng tay.

  

Bây giờ gia đình Thuỷ đang bắt đầu một hành trình mới, một công cuộc xây dựng mới. Thật là gian nan, khốn khổ vô cùng. Tội nghiệp nhất vẫn là ba Thuỷ. Một đời ông đả trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến. Chết sống trong gang tất, mà rồi ông vẫn còn mãi bền tâm, bền chí, vượt bao nhiêu gian khổ, lo tìm lối thoát cảnh khó khăn cho gia đình. Không biết có bao giờ ông tìm được hạnh phúc, cỗi nguồn của cuộc sống và chơn lý của cuộc đời hay không? Hay hạnh phúc và chơn lý phải chăng là tình yêu mãnh liệt của ông đối với gia đình? Thuỷ nghĩ như vậy. Còn tổ quốc nữa... Ba đôi khi cũng kể cho Thuỷ nghe về tâm tình của ba. Ông bảo ông luôn luôn đi tìm cỗi nguồn của cuộc sống.


Thuỷ cũng tự hỏi mình, phải chăng hành trình của con người đi tìm cỗi nguồn của cuộc sống là hành trình đi vào chiến tranh và tình yêu?

Cậu bé nông dân của thị trấn nhỏ nhoi mới lớn lên sau cơn binh lửa tàn phá vừa qua, biết đâu rồi sẽ phải dấn vào những cơn binh lửa rộng lớn hơn sẽ diễn ra, như ba vậy? Út Dân lên Sai-Gòn học hay Út đang bước vào cuộc phiêu lưu vô định nào đó trong tương lai?


Cơn mưa lớn còn mờ mịt trên dòng sông Cữu Long, làm mặt nước sôi trào cuốn băng đi hàng trăm mảng bèo, lục bình và những xác cây khô, cành đổ, ra vùng cửa biển mênh mông. Con người trong cơn binh lửa phải chăng cũng như những thứ vật chất hữu hình mà vô nghĩa kia, bị định mệnh kéo băng đi, vô định. Thuỷ nghĩ rằng chiến tranh sẽ còn đến, chẳng khác nào những cơn sấm sét nổ lớn với những tia lửa chớp sáng mang theo tiếng rền vang động, chợt tắt ngấm rồi chợt nổi lên nữa. Chiến tranh cũng vậy, chợt đi rồi chợt đến. Đâu biết được!


Nếu người ta muốn tìm lại sự thật của chiến tranh chẳng khác nào như đi tìm những làn chớp ngoằn ngoèo của sấm sét đã lặn mất trong những áng mây đen kịt kia. Người ta phải vạch trời hay vạch đất để tìm ra cho được ngọn tầm-sét có bóng mà vô hình đây? Không hề tìm được sự thật đâu... Thuỷ tự nhủ.

Hoạ hoằn lắm mới có những người đã nhìn được sấm chớp, những người đã đi qua cuộc chiến, mới nói lên được một đôi nét kịch cỡm của những tia lửa chớp chợt hiện rồi chợt biến, như những chiếc tàu bay của Pháp trên sông Trẹm năm 1945. Hay như bóng dáng ghê rợn của những tên du kích, theo bóng đêm bắt dân đào đường đấp mô, gày mìn, trên quan lộ. Hoặc bắt cóc buộc đá thầy thông, chú lính và bất cứ ai bị nghi là Việt gian, cho đi mò tôm trên sông Cà-Mau. Chúng quăng cả người còn sống, buộc chặt đá lớn,  xuống sông. Rồi bóng đêm phủ kín mọi dấu vết.


Những chuyện như vậy đâu dễ gì nói ra cho rõ, vì nó chỉ diễn ra trong bóng tối. Nguyên nhân nào tạo nên cuộc chiến cũng bí ẩn như vậy?

Đôi khi người ta nói lên đôi mảnh của sự thật. Phần lớn là những câu chuyện ngụy tạo. Đôi khi chỉ là những chuyện vẽ vời thêm bớt, hay hoang đường. Và rồi người ta vẫn phải tiếp nhận thứ định mệnh vô hình, riêng hay chung, trong những cuộc chiến tranh mờ ám đó.


Vậy mà, ai đó cũng cứ hỏi, tại làm sao có chiến tranh? Người ta cứ lặp đi lặp lại mãi câu hỏi nầy! Những kẻ tạo ra nó dấu kín nguyên nhân hay nguỵ tạo những nguyên nhân nào đó để giấu kín sự thật, chẳng khác nào những cô gái phải lòng trai, như chính Thuỷ, mang tình yêu giấu kín trong lòng, trong tim... Và rồi người ta vẫn muốn sống và sống với tình yêu trong chiến tranh  kéo dài.


Còn tình yêu? Làm sao định nghĩa cho rõ ràng được! Thương... chút chút hay thương... nhiều nhiều. Nói cách khác, yêu sơ sơ hay yêu đậm đà. Yêu thương thì cũng như nhau. Hành trình này sẽ đưa Dân vào cuộc tình nào đây? Thuỷ tự hỏi. Chị Hai của Út, cũng như Út thôi. Đầu tiên chị yêu Anh... chút chút, nhưng rồi dần dần chị yêu Anh đậm đà. Nhưng cuộc đời không chìu lòng người. Đời đã phũ phàng với chị. Chị đã giấu nhẹm tình yêu ấy, Út ơi! Chị cũng giấu luôn cả ba má và các em.

Chị ước mong rằng có một ngày Út sẽ yêu Bội Mỹ nhiều thêm và có hạnh phúc. Không đau khổ như chị. Đau lòng mà câm nín ôm chịu là sự tàn phá tinh thần trầm trọng. Người ta sầu não, điên loạn vì nỗi đau gậm nhấm trong lòng. Nhưng không đâu Út, trách nhiệm đối với gia đình của chị rất nặng nề. Chị dằn cơn đau cho đến cuối đời mà trả công ơn sanh thành của ba má, và làm tròn bổn phận với các em. Trời còn mưa to mà chị em vẫn phải đi, phải không em? Đó là hành trình của con người dù mưa hay nắng, cơ cực hay sung sướng. Thuỷ nói thầm.


Hai chị em cùng che áo mưa lên bến bắc. Mưa bay phơi phới. Vô tình Thuỷ bật miệng ca: “đường trường xa, muôn vó câu bay chập chùng... trời mưa to, nên nước mưa bay chập chờn...”

Út bật cười:

-Đó thấy không? Chị bị lây bịnh của em rồi đó! Ủa, mà sao chị nhớ giỏi quá vậy?

-Dễ ợt. Cô tú, giáo sư, mà lị! Thôi đi lẹ, chị còn mua ít trái cây cho Thái Hân nữa. Để lên bến bắc rồi mua.


Hành trình nào rồi cũng kết thúc. Mưa cũng không theo chị em Thuỷ nữa. Thuỷ đã mua xong mấy trái ổi xá-lị và hai trái xoài tượng to, xanh óng, thiệt tươi. Xe Thiên Tân đã chạy qua Cai Lậy rồi lên thẳng Sai-Gòn không rẻ vào tỉnh lỵ Mỹ-Tho. Qua Tân-An, qua Cầu Bến-Lức, qua Bình Chánh rồi vào Chợ-Lớn. Trời đã đổ về đêm. Đèn xanh đỏ chớp nhoáng. Út Dân hào hứng ngó ra ngoài, nhìn ngang nhìn dọc, qua khung cửa nhỏ của xe đò, nói:

 -Sài-Gòn đẹp quá hả Chị Hai. Đèn nhiều ghê, người ta đi cũng đông nữa!

 -Mới tới Chợ-Lớn thôi. Ban đêm Chợ-Lớn đông vui hơn. Nhưng Sài-Gòn đẹp hơn, đèn cũng nhiều hơn. Người ta nói, “đèn Sài-Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ-Tho ngọn tỏ ngọn lu, anh về học lấy chữ nhu, chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.” Còn em, em lên Sài-Gòn lần nầy là đi học. Học lấy chữ chữ nhu mà thêm chữ thức nữa để không uổng công Bội Mỹ đợi chờ nghen.

-Em biết rồi... Nhưng thức là cái gì chị Hai?

-Vậy mà cũng nói biết rồi. Thức là trí thức, tri thức, kiến thức và ý thức. Có bằng cấp cao, có hiểu biết rộng và thấu lẽ hành xữ phải trái, có lương tâm, không coi thường đạo lý. Ý thức là quí nhất. Người trí thức mà thiếu tri thức, nhất là thiếu ý thức là nguy hại vô cùng.

-Thì, làm gì cũng phải suy nghĩ chớ chị Hai.

-Ờ, vậy mà không dễ đâu em... Thôi tới bến xe Sai-Gòn rồi. Mình xuống. Cái nón đâu? Em nhớ lấy va-li. Còn chị xách giỏ trái cây này. Cái giỏ quần áo của chị đây, nhưng còn cái áo mưa đâu rồi?

-Đây nè, em xếp lại rồi nè.

-Ờ, thôi xuống xe đi.


Lấy hành lý xong, Thuỷ và Út đi bộ đến nhà Cô Ba ở đường Frère Louis, cách bến xe ở Ngã Bảy Sài-Gòn không xa. Đi chừng vài trăm thước, thì đến nhà Cô Giáo, gần nhà Thờ Huyện Sĩ. Ngôi nhà một tầng lầu, với sân thượng, lẻ loi một mình, nằm trong một khu vườn nhỏ. Phía trước là một sân tráng xi-măn khá rộng, có mấy chậu kiểng nắn hình rồng phượng, bên trong hàng rào sắt. Hàng rào cao chừng quá đầu, cặp theo lề đường. Phía trên cửa vào ở hàng rào có nút chuông bấm để gọi vào trong nhà. Chị Hai bấm vào nút chuông. Cửa sắt trong nhà hé mở, ánh đèn từ trong hắt ra sân. Một người đàn bà chừng năm mươi, vừa bước ra, vừa hỏi:

-Phải Cô Hai Cà-Mau không?

-Dạ phải, phải Dì Năm, con Đây, có thằng Út nữa.

Đọc tiếp phần còn lại nơi đây

Văn Nguyên Dưỡng viết truyện dài CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU.

http://www.mediafire.com/view/5cnkgjjzxofgj5x/CHI%E1%BA%BEN_TRANH_V%C3%80_T%C3%8CNH_Y%C3%8AU._TRUY%E1%BB%86N_D%C3%80I._CH%C6%AF%C6%A0NG__I.doc --

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire