caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 5 janvier 2016

Petrus Ký và quán cà phê dĩ vãng, Cheo Leo, còn nhớ hay quên?

 Khi đọc bài viết mới từ sau những năm 1975, chúng ta bắt buộc phải hiểu thế hệ trẻ lớn lên trong nước, không thể nào nhớ hay biết những sự kiện lịch sử nếu chúng không được biết hay được nghe kể lại.

Vì vậy, những người đã ra đi từ trước năm 1975 có đọc thì hãy thông cảm với những từ trong nước vì lý do giản dị là họ không có điều kiện chọn lựa như những người đã ra đi và khi sách báo chỉ có một chiều.

Còn nếu quý anh chị cảm thấy bài viết được đưa vào Blog không thích hạp với tình cảm của quý anh chị, thì xin ngừng đọc nơi đây, vì tôi không thể sửa lời đăng thành văn chương của mình.

Tôi vô tình tìm thấy bài này trên net, nhưng chuyện gắn bó giữa quán cà phê với cựu học sinh Petrus Ky thì xin được hỏi những ai trong 75 năm trước đây có quen biết quán này hay không nhé. Tôi thì chưa nghe nói tới bao giờ, vì mấy anh bạn học khi xưa ít người có tiền ngồi quán hay họ đi với nhau mà tôi không được biết.

Caroline Thanh Hương

Quán cafe tuổi đời 75 năm gắn bó với các thế hệ học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong

Đối với cựu học sinh trường Petrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong), Cheo Leo gắn liền với tuổi thơ của họ như một nhân chứng của thời gian. Ra đời năm 1938, tới nay, quán cafe này hầu như không hề thay đổi, và những người học trò năm nào nay râu tóc đã bạc phơ nhưng vẫn đều đặn đến quán mỗi ngày để ôn lại hồi ức.

Ở Sài Gòn ngày nay rất dễ tìm được một quán cafe yêu thích cho chính mình. Ở đầu các ngõ hẻm là những quán cafe "cóc", dọc đường nhỏ đường lớn là các quán từ cafe gỗ, cafe sân vườn cho đến các loại hình cafe ngoại nhập đang thịnh hành trong giới trẻ.

Cũng vì lẽ đó mà người Sài Gòn hiện tại chỉ biết đến cafe phin, giới trẻ Sài Gòn thì thích cafe xay kiểu Ý... Nhưng các bậc trung niên thì chỉ muốn tìm đến cafe vợt - một loại cafe rất riêng tồn tại từ lâu đời, với hương cafe hòa cùng mùi khói bếp củi, khi nhâm nhi cafe, người ta cảm nhận được ký ức của một Sài Gòn xưa. Tiếc thay, chỉ còn vài quán níu giữ được nguồn hương cafe một thời gắn bó với người dân đô thị cũ. Trong số các quán cafe vợt còn tồn tại đến hôm nay, có lẽ những người sống trong năm tháng cũ không ai lại không biết đến Cheo Leo.


Vào những năm gần Giải phóng, Cheo Leo là một trong những quán cafe nổi tiếng của Sài Gòn, là địa điểm quen thuộc của các thanh niên trường Petrus Ký, Chu Văn An ngày đó. Từ năm 1938 đến nay đã hơn 75 năm, Cheo Leo đã tồn tại cùng gia đình ông Vĩnh Ngô (người gốc Huế, chủ quán) đến thế hệ thứ 3. Khách ruột của quán giờ là những cựu học sinh đã qua tuổi ngũ tuần.

Ông Vĩnh Ngô đặt tên quán cafe của mình là Cheo Leo, vì ngày xưa, quán đứng trơ trọi giữa đồng không mông quạnh với chút ánh sáng leo lét chỉ đường cho các vị khách quen đến quán. Khi ông Ngô mất, những người con của ông thay nhau tiếp quản Cheo Leo. Từ bà Lê Thị Tuyết (65 tuổi) là con gái đầu của ông cho đến thời điểm hiện tại là bà Nguyễn Thị Sương, con gái thứ ba, cả hai đều giữ nguyên cách thức pha chế cafe do bố mình để lại.

Cheo Leo nằm nép mình trong con hẻm nhỏ số 109 đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3.

Khách ruột của quán giờ là những cựu học sinh đã qua tuổi ngũ tuần.

Tôi đến Cheo Leo vào một buổi chiều trước giờ tan tầm, khác với tất cả những quán cafe tôi từng ghé qua, Cheo Leo không có những chiếc ghế sofa, không có ghế gỗ, ghế nhựa thấp, mà chỉ có những chiếc ghế cao và bàn inox mà các quán ăn thường sử dụng. Tôi có thể nhìn rõ bề dày lịch sử của Cheo Leo nằm trên tường vôi loang lỗ nứt nẻ và trần nhà ám đen màu than thoảng mùi cafe từ góc bếp.

Bà Sương nói về màu ký ức trong ngôi nhà của gia đình mình: "Có khách đến uống cafe và bảo tôi sửa sang lại quán cho đẹp mắt hơn. Tôi cân nhắc mãi, rồi đi hỏi những người khách cũ của ba tôi, họ nói cứ để mọi thứ như trong ký ức năm xưa, vì họ tìm đến quán chỉ vì nơi đây còn lưu giữ tất cả những năm tháng tuổi trẻ mà họ đã gắn bó, nếu đột nhiên thay đổi, mọi người sẽ thấy lạ lẫm lắm. Quả thật, tôi cũng không muốn sửa chữa gì cả, gia đình tôi đã gắn liền với những mảng ký ức này từ khi ba mẹ còn sống, cứ để mọi thứ tự nhiên như vậy thôi".

Nói rồi, bà Sương chỉ cho tôi một kệ gỗ được đóng giữa tường, nơi ngày trước là góc bếp của quán. Bà nói: "Bây giờ bếp dời vào trong, cái kệ gỗ này nhiều khi cũng gây vướng víu cho khách nhưng tôi không muốn gỡ xuống, chiếc kệ đó do ba đóng, tự tay ba đóng vào tường, ba muốn đặt một bình hoa lên đó nên tôi muốn giữ nguyên như vậy...".

Kệ gỗ do chính tay ông Vĩnh Ngô đóng vào tường, những người con của ông vẫn để nguyên vị trí đó hàng chục năm nay.

Dù mái che, bàn ghế hoặc các ly tách vì những lý do khách quan phải thay đổi, nhưng góc nhỏ trong bếp vẫn tồn tại bền vững 75 năm nay, đó là chiếc lò gạch cũ, nơi ủ nóng và giữ độ ẩm xuyên suốt cho những mẻ cafe nguyên chất của Cheo Leo.

Chiếc bếp nấu cafe bị bám đen không phải do khói mà do cafe trào từ siêu ra. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều thứ thay đổi nhưng chủ quán vẫn giữ chiếc bếp như một dấu ấn thời gian.
Cafe được tuyển chọn từ nhà vườn về, tự tay gia đình rang xay và pha bằng vợt.

Khi xây dựng quán, ông Vĩnh Ngô đã tự làm một lò nung từ thùng phi, bồi thêm gạch pha đường cát vàng. Ông và gia đình sử dụng để đun nước sôi. Khi nước sôi già, được đổ vào một cái siêu đất sét đã để sẵn một tấm lược bằng vải có bột cafe xay nhuyễn.

Bà Sương cho biết, thành phần quan trọng và cần chuẩn bị kĩ lưỡng nhất để chế biến một ly cafe vợt thật ngon không phải chỉ là cafe mà là nước. Nước thủy cục (nước máy) có mùi, rất dễ làm thay đổi hương vị của ly cafe. Chính vì vậy, nước dùng để pha cafe phải để từ một đến hai ngày cho lắng cặn và bớt mùi rồi mới sử dụng. Khi nấu, phải đảm bảo nước luôn luôn sôi già.

Khi nước sôi già sẽ được múc ra rồi đổ vào một cái siêu đất sét đã để sẵn một tấm lược bằng vải có bột cafe xay nhuyễn.

Chiếc siêu này rất quen thuộc vì đó là siêu mà người xưa hay dùng để đun thuốc Bắc. Sau một thời gian được ủ kín trong siêu, thành quả được chắt qua một siêu đất khác và tiếp tục được giữ nóng trong cùng một lò gạch hoặc trực tiếp chế vào ly để phục vụ. Lý do phải có một lò ủ nóng như vậy là vì cafe làm ra được sử dụng ngay cho khách vừa yêu cầu. Nó hoàn toàn khác với cách pha và dự trữ cafe trong ngày của các quán cafe ngày nay.

Theo bà Sương thì cafe pha vợt với nước sôi già luôn cho thứ cafe thơm ngát, đậm đà. Cafe đựng trong siêu không hề bị thoát mùi...

Một ly cafe đen nguyên chất có giá chỉ 8.000 đồng. Ly đắt nhất là cafe sữa đá với giá 15.000 đồng.

Những ly cafe nguyên chất pha bằng vợt đã giữ được hương thơm hoài niệm lắng đọng trong cuộc sống hối hả ở Sài Gòn.

"Ngày xưa ba tôi không có treo bảng hiệu Cheo Leo, chỉ nghĩ ra cái tên Cheo Leo để đặt cho quán, rồi các khách truyền miệng nhau "Đến quán của ông Cheo Leo, bà Cheo Leo uống cafe!". Sau này, theo mong muốn của khách, gia đình viết một tấm bảng hiệu treo lên. Những ngày đầu, một ly cafe có vài đồng bạc lẻ thôi, quán chỉ còn 2-3 chiếc ghế. Ngay góc cầu thang thì ba tôi để hai chiếc bàn thấp cho các học sinh khi tan học kéo đến đây ngồi quây quần bên nhau và uống nước. Lúc đó vui lắm, tiếng cười nói rộn rả khắp quán. Theo thời gian, có những học sinh năm đó giờ đã không còn nữa, có người thì đi biệt xứ xa quê, thỉnh thoảng có vài vị khách đầu bạc đến quán, hỏi thăm thì tôi mới biết họ đến để ôn lại kỷ niệm tuổi học trò thời đi học ở Peturs Ký", bà Sương kể lại.
Ở Cheo Leo, người ta rất dễ bắt gặp những cụ ông mái tóc bạc phơ, ngồi trầm ngâm nhớ về thời tuổi trẻ của mình, về những năm tháng cùng bạn bè trong chiếc áo đồng phục ngồi hàn huyên tại góc cafe quen thuộc.

Khách hàng được ngồi nhâm nhi ly cafe trong khung cảnh quen thuộc của một Sài Gòn cách đây vài chục năm.

Bà Sương kể cho tôi nghe rất nhiều những kỉ niệm mà bà và các anh chị em gắn bó với bố của mình những ngày ông còn sống. Bà còn nhớ như in những ngày ông Ngô bắt bà lấy muỗng đánh cafe thật mạnh tay để nổi bọt, khi cafe nhiều bọt thì mới đặc và ngon, bà kể chuyện ngày xưa mình nhấc ghế để rửa từng ly cafe sau khi khách uống xong, bà kể chuyện lén ăn đậu phộng trong nhà... Tôi cảm nhận được tất cả những ký ức đó vẫn vẹn nguyên trong trái tim bà, trong khung cảnh Cheo Leo những năm Giải phóng Sài Gòn.

Bà tự hào khoe: "Hồi đó, quán của gia đình tôi nổi tiếng như Starbucks bây giờ vậy. Lúc đó ít người kinh doanh cafe lắm, vì vừa cực, vừa chẳng lời lãi được bao nhiêu. Nhưng ba tôi yêu thích công việc này, ngày nào các học sinh cũng đến uống rất đông, có cả dân trí thức, trung niên, họ bảo vị cafe gây "nghiện" quá nên không... bỏ được. Chúng tôi đã lớn lên cùng Cheo Leo, tình yêu và niềm tự hào đó cũng đi theo đến tận bây giờ".

Quán mở cửa từ rất sớm vì theo bà Sương, đó là thời điểm người Sài Gòn cần một ly cafe nhất, để bắt đầu một ngày làm việc mới.


Khó có quán cafe nào tồn tại suốt hơn 75 năm, với những hương vị cafe không đổi, cảnh vật còn nguyên màu thời gian. Cũng vì thế mà bà Sương và bà Tuyết đều rất buồn khi nghĩ đến thời gian sau này, ai sẽ là người tiếp tục duy trì Cheo Leo, khi cả hai bà đều không có gia đình và con cái. "Hai chị em cứ cố gắng vậy, vì đây cũng là tâm niệm của ba chúng tôi, thu nhập từ quán cafe chỉ đủ sống qua ngày nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Khi nào còn những vị khách cũ quay lại, Cheo Leo sẽ còn mở cửa để đón tiếp họ", bà Sương chia sẻ.
Theo Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire