caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 24 août 2016

Bí mật được bật mí với dụng ý gì đây?

Có những câu chuyện kể có tính cách lịch sử. Nhưng lịch sử này, dường như không được phổ biến ra quần chúng như tin tức giả mạo hay tung hứng.

Lại có những câu chuyện riêng mà chỉ có người ngoại quốc biết hết nhưng không muốn nói.

Và bỗng dưng một ngày thuận lợi, vô tình hay cố ý lại được ai đó tung ra sự thật.

Vì lý do là những nơi post những câu chuyện này, có khi bị biến mất vì lý do này hay lý do khác. tôi xin được lưu lại nơi này làm tài liệu cho những người muốn tìm đọc.

Cám ơn tác giả bài dịch và lời bổ túc ở phần cuối.

Caroline Thanh Hương



Kỳ 1. BÍ MẬT CUỘC HÔN NHÂN SÓNG GIÓ CỦA LÊ VŨ ANH- CON GÁI CỐ TBT LÊ DUẨN ĐƯỢC TIẾT LỘ QUA HỒI KÝ CỦA NGƯỜI CHỒNG- VIỆN SĨ MASLOV
Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Viktor Maslop và cô sinh viên Lê Vũ Anh trong ngày cưới
Lời dẫn: Chuyện yêu đương giữa các sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là với công dân nước ngoài, một thời gian dài bị coi là vi phạm pháp luật, nếu có thai sẽ bị kỷ luật buộc thôi học và đuổi về nước ngay lập tức. Ấy vậy mà cô Lê Vũ Anh- con gái Cố TBT Lê Duẩn- cô sinh viên khoa Toán Lý,Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomolosov (MGU), công khai chống lại tất cả, chống lại cả ý kiến của cha mình, yêu rồi bí mật đăng ký kết hôn với người thầy giáo của mình- Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Viktor Maslop, người khi đó dù chưa hề kết hôn nhưng đã trên dưới 50 tuổi, hơn cô đến 30 tuổi! Để bảo vệ tình yêu, có giai đoạn căng thẳng, Lê Vũ Anh đã phải chấp nhận trốn tránh cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, trốn tránh cả bè bạn, người thân, thậm chí trốn tránh cả mật vụ KGB Liên Xô để cố thủ trong một “lô cốt” bê tông bí mật ở ngoại ô Moskva. Với vũ khí trong tay, Lê Vũ Anh sẵn sàng chống lại nếu có ai đó dùng bạo lực đến bắt cô.

Trong những năm tháng dài đằng đẵng “chiến tranh lạnh” với cô con gái cứng đầu, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cấm không cho ai được nói chuyện về nàng, thậm chí chỉ là nhắc đến tên Lê Vũ Anh. Nhưng tất cả quà tặng thủa bé của cô con gái cứng đầu này đều được ông sắp xếp, giữ gìn cẩn thận trên bàn làm việc của mình. Khi một trong số những món quà đó bị ai đó lấy đi mất, Lê Duẩn đã làm ầm ỹ cả nhà, tạo nên một scandal nho nhỏ. Điều này có nghĩa là trong sâu thẳm lòng mình, ông vẫn rất yêu quý nàng, thương nàng như xưa mà không hề chối bỏ nàng ... Nỗi đau trong lòng ông Lê Duẩn càng tăng thêm khi hay tin dữ: Cô con gái cứng đầu Lê Vũ Anh đã đi xa vào năm 1981 ngay sau khi sinh nở lần thứ 3 do bị băng huyết.

Cuối những năm 70 thế kỷ trước, giai thoại về câu chuyện tình yêu của Lê Vũ Anh- cô con gái lớn của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và bà vợ hai- Bà Nguyễn Thụy Nga (tên thường gọi Nguyễn Thị Vân hoặc Bảy Vân) được thì thầm chuyền khẩu giữa các sinh viên Việt Nam tại Liên Xô. Không một tờ nào dám đăng tin.
Mãi gần đây, có một vài bài viết ngắn ở Nga và ở Việt Nam nhắc đến vài nét chấm phá mối tình như tiểu thuyết tình yêu Romeo và Juliet phiên bản Nga-Việt này. Toàn bộ pho “Tiểu thuyết tình yêu Romeo và Juliet phiên bản Nga-Việt” này được đưa ra công khai khi chính người trong cuộc- người chồng của Lê Vũ Anh- Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Nga Viktor Maslop xuất bản cuốn Hồi ký 19 chương vào năm 2015 với tên gọi «Чтобы отвоевать детей, я былготов на все, даже на международный скандал», dịch “ĐỂ GIỮ ĐƯỢC BỌN TRẺ, TÔI ĐÃ SẴN SÀNG LÀM TẤT CẢ, THÂM CHÍ TẠO RA SCAN-ĐAN QUỐC TẾ“. Và bây giờ, lần đầu tiên trọn bộ cuốn Hồi ký này được một người bạn của chúng tôi, anh Phan Doc Lập dịch sang tiếng Việt. Được sự cho phép của dịch giả Phan Doc Lap, Google.tienlang cảm ơn anh Phan Doc Lap và xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Trọn bộ pho “Tiểu thuyết tình yêu Romeo và Juliet phiên bản Nga-Việt” này…
-------
Chú thích của Google.tienlang: 
Ở kỳ I chúng tôi đã có chút nhầm lẫn về độ tuổi của chị Lê Vũ Anh và Viện sĩ Maslov. Sau khi đăng Kỳ I lên trang fb của chúng tôi tại địa chỉ https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=185353168550156&id=100012264212885, 
dịch giả Phan Độc Lập cùng bè bạn đã giúp chúng tôi tìm được thông tin chính xác hơn như sau:
Trang wiki tiếng Nga cho thấy Viện sĩ sinh ngày 15/6/1930.
Đầu những năm 1970 ông quen biết với cô sinh viên Việt Nam Lê Vũ Anh, học tại khoa Lý MGU, con gái ông Lê Duẩn.
Họ cưới nhau năm 1975.
Họ sinh được 3 người con.
Ngay trong lúc sinh nở lần thứ ba (1981) thì Lê Vũ Anh qua đời.
Theo một bài báo ở VN : Năm 1964 bà Bẩy Vân chia tay chồng con vào Nam thì Lê Vũ Anh đã 14 tuổi. Tức cô sinh năm 1950.
Ông Lê Duẩn và bà Bẩy Vân cũng kết hôn năm 1950. Có lẽ kết hôn đầu năm và cuối năm thì sinh Lê Vũ Anh.
Năm 1975 Lê Vũ Anh kết hôn với ông Viện sĩ. Tức thời điểm này Lê Vũ Anh đã 25 tuổi. Ông Viện sĩ sinh năm 1930. Vậy khi kết hôn năm 1975 ông đã 45 tuổi, hơn LVA đúng 20 tuổi.

*************************

Kì I

(Hồi ký của Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Nga Viktor Maslov)

Có lẽ, mọi chuyện đã không trở nên quá phức tạp, nếu như tôi biết được ngay từ đầu Lê Vũ Anh là con gái của ai. Khi sự thật được làm sáng tỏ thì đã muộn quá rồi. Tôi đã yêu, yêu đến phát điên đến nỗi không còn biết mình là ai nữa và không thể từ chối được mối tình đó nữa rồi.

Chúng tôi gặp nhau ở khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscova mang tên Lomolosov (MGU), nơi Lê Vũ Anh đang theo học.
Viện sĩ Maslov (trái) và cô sinh viên Lê Vũ Anh
Tại thời điểm làm quen với nhau tôi đã là giáo sư tiến sỹ toán-lý và là tác giả của một lý thuyết, mà ở nước ngoài người ta gọi là lý thuyết chỉ số nhóm Maslop (Maslov-type index theory). Lý thuyết này được sử dụng rộng rãi trong toán học trừu tượng, cũng như trong cơ học lượng tử, hóa học lượng tử và quang học. Chỗ làm việc chính của tôi là ở Trường đại học chế tạo máy điện tử Moscova (МИЭМ), nhưng khoa Vật lý của MGU lại từng là ngôi nhà thân yêu, nơi tôi đã từng học tập và giảng dạy ở đó.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, cả một cuộc đời. Rất nhiểu sự kiện và ấn tượng đã mờ dần trong trí nhớ, nhưng hình ảnh cố công chúa xinh đẹp, chói sáng vào một ngày đang đứng nơi cuối hành lang cho đến tận bây giờ vẫn luôn hiện về trước mắt tôi. Cô gái không quen biết đang di chuyển bằng các động tác với vẻ duyên dáng và kiều diễm không thể tả, tôi bước theo nàng như một kẻ si mê. Đến gần cửa phòng thí nghiệm nàng dừng lại và quay mặt lại. Nàng thoáng nhìn tôi một giây từ đôi mắt đen huyền, mỉm cười và ẩn mình vào trong phòng thí nghiệm. Cô gái ngoại quốc, tôi chợt nhận ra và nghĩ rằng, nàng đến từ Ấn Độ.
Cô sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva Lê Vũ Anh

Thành thật mà nói, tôi thường thích phụ nữ phương đông. Một trong những nhà vật lý học bạn tôi nói đùa” Maslop của chúng ta là nhà đông phương học lớn”. Trong MGU có rất nhiều sinh viên từ các nước châu Á theo học, trong đó có sinh viên từ Việt Nam, đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Tất cả họ đều luôn nhận được thiện cảm và sự cảm thông từ mọi người. Ở khoa Vật lý cũng có nhiều sinh viên Việt Nam, tôi nhanh chóng kết bạn với họ, đặc biệt là với hai cô gái Phúc và Tình. Phúc là con gái của nhà quân sự-chính trị nổi tiếng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn Tình là con gái của Chủ tịch thành phố Hà Nội. Cả hai cô gái đều dấu diếm bố mình là ai, cũng như các sinh viên Việt Nam khác xuất thân từ giới quý tộc Việt Nam, họ đề phòng lộ diện để tránh các mưu đồ và hành động khiêu khích chính trị từ chính quyền Xô viết. Thực tế là như thế này, quan hệ giữa hai nước chúng ta, bất chấp việc đảm bảo tình hữu nghị mãi mãi bền vững, nhưng vẫn có thể xảy ra bất đồng, xuất phát từ phía này hoặc phía kia. Liên Xô vốn quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á, trong hoàn cảnh đang gia tăng bất đồng với Trung Quốc, buộc phải hào phóng viện trợ giúp đỡ “người em” Việt Nam. Việt Nam hài lòng làm bạn với người anh lớn nhưng không sẵn sàng hy sinh những lợi ích chính đáng của mình mà trở thành nước lệ thuộc. Các nhà lãnh đạo tận dụng cơ hội để con cái của họ có được sự giáo dục có chất lượng ở Liên Xô nhưng họ sợ con cái họ có thể bị bắt cóc để tống tiền hoặc tạo áp lực chính trị lên bố, mẹ chúng nên yêu cầu giữ bí mật. Có lẽ, đây là những nguyên nhân chính, nhưng theo cảm nhận của tôi thì các nhà lãnh đạo Việt Nam đã quá lo xa một cách vô ích. Thật ra thì KGB, với khả năng của mình, họ thừa biết được hết con cái của những lãnh đạo nào.

Tôi thích Phúc, tôi giúp đỡ cô ấy học tốt môn Toán, tôi không chỉ một lần mời cô ấy đến nhà chơi, lúc thì một mình, lúc thì với các bạn, nhưng giữa chúng tôi không có chuyện gì cả, dù chỉ là một chút lãng mạn. Cô gái Việt Nam dễ thương tránh tôi chỗ đông người như tránh lửa vậy.

Có một lần tôi dẫn Phúc đến gặp và làm quen với nhân viên đánh máy để giúp cô nhân bản báo cáo khoa học, sau đó cả hai cùng nhau ra về. Đi cùng tôi trên đường phố Moscova nhộn nhịp, cô thể hiện mình như một nữ du kích trong hậu phương của địch: tỏ vẻ sợ sệt và suốt thời gian luôn cảnh giác quan sát tứ phía. Đặc biệt giao thông công cộng làm cô mất bình tĩnh. Chẳng hạn tại bến đỗ, xe buýt hoặc xe buýt điện vừa đến, cô đã nhanh chóng ẩn mình vào trong xe ngay.

- Chuyện gì xảy ra vây- tôi hỏi –em sợ gì chứ?

- Anh nhìn xem , đằng kia hình như có người Việt Nam.

- Có gì đáng sợ ở đây?

- Nếu họ nhìn thấy em đi với người Nga, em sẽ gặp rắc rối lớn.
Tôi bèn bắt đầu đặt câu hỏi với Phúc. Thì ra là người Việt Nam bị cấm giao tiếp với người châu Âu, hay nói chung là với “ Tây mũi lõ” như trong dân gian vẫn gọi. Từ thời xa xưa, mối quan hệ với họ sẽ bị lên án và được xem là sự phản bội. Một cô gái đi trên phố cùng với một ông “Tây mũi lõ” sẽ bị kỳ thị hoặc thậm chí bị ném đá. Những người cộng sản, sau khi dành được chính quyền và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thật không may, vẫn giữ lại truyền thống phong kiến đó. Vi phạm điều cấm giao tiếp với người nước ngoài có thể bị lên án, đấu tố trong các cuộc họp đảng, đoàn thể hoặc có thể bị đưa vào trại cải tạo. Ở nước ngoài, các công dân Việt Nam cũng phải tuân thủ các chuẩn mực đã được chấp nhận trong nước. Thậm chí múa bale cổ điển cũng bị xem là hình thức khiêu dâm. Sau này có một lần Anh nói với tôi, các nhà ngoại giao Việt Nam khi xem kịch múa bale trong nhà hát lớn ở Moscova đã phải nhắm mắt vì sợ bị “khiêu dâm” bởi các vũ công mặc đồ bó sát người như không mặc gì.

Các bạn Việt Nam đã giúp tôi gặp lại và làm quen với cô gái xinh đẹp nhất đã làm rung động trái tim tôi, nàng là đồng hương của họ. Lê Vũ Anh quan tâm đến toán học và muốn được nghiên cứu sâu thêm về môn học này. Tất nhiên, tôi đồng ý giúp đỡ nàng. Nàng đã cuốn hút tôi ngay lập tức từ cái nhìn đầu tiên, nàng thực sự trẻ trung và hấp dẫn, không giống như những người phụ nữ Việt Nam điển hình khác: nàng đủ cao, da trắng, với đôi mắt luôn nhìn thẳng. Nàng giữ mình như một phụ nữ hoàng gia - đơn giản, nhưng với những phẩm giá không bình thường. Ở Viết Nam, tôi nghĩ nàng phải được xem như là một trong những người con gái đầu tiên đẹp nhất. Ở trường tôi, những người trẻ tuổi luôn để ý quan tâm đến nàng.
Sau này tôi được biết, dòng máu đang chảy trong cơ thể nàng không chỉ có dòng máu Việt Nam, mà một phần trong đó có dòng máu Trung Hoa. Mẹ nàng, bà Bảy Vân mang trong người một phần tư dòng máu Trung Hoa.Ở Việt Nam, không ai biết về điều này, gia đình đã dấu kín “mối quan hệ huyết thống” với người Trung Hoa của mẹ nàng. Sự thật là nàng khi còn nhỏ đã sống nhiều năm ở Trung quốc. Bạn thân của nàng là con gái của Đặng Tiểu Bình, người đã từng là bạn của bố nàng và là người số 2 dưới bầu trời Trung Quốc sau Mao. Với người cầm lái vĩ đại, nàng cũng quá quen thuộc. Nàng đã cho tôi xem một bức ảnh nàng đang ngồi trên đùi của Mao Trạch Đông.
Thời tuổi trẻ của mình, mẹ nàng, bà Bảy Vân cũng khá đẹp. Lê Duẩn vì bà mà ly hôn với người vợ đầu tiên, người vợ mà bố, mẹ ông đã cưới hỏi cho ông khi còn nhỏ. Người vợ thứ hai của ông xuất thân từ một gia đình có học, nhưng, như tôi đã đề cập,ông không thể tự hào về một nguồn gốc "tinh khiết". Vũ Anh là con gái đầu tiên của họ. Ngoài nàng ra, Lê Duẩn còn có hai con gái từ cuộc hôn nhân đầu tiên của mình và hai con trai cùng với bà Bảy Vân. Hai người con của ông, con trai tên Thành và con gái đầu tên Muội, tại thời điểm đó, sống và học tập ở Moscova. Muội lớn tuổi hơn nàng nhiều và chịu trách nhiệm chăm sóc em gái của mình. Chị tốt nghiệp trường đại học ở Liên Xô và là một nhà sinh vật học. Chị đã sống một số năm tại Moscova cùng với chồng và con gái. Nhưng tất cả điều này mãi sau tôi mới được biết ...

Vì nàng, tôi đã nhận tiến hành các buổi dạy thêm không bắt buộc về toán học tại khoa Vật lý. Ban đầu nhiều sinh viên đến nghe tôi giảng. Được một thời gian, sinh viên bỏ học dần dần, cuối cùng chỉ còn mỗi một mình nàng. Nàng đã rất cố gằng, nàng có năng lực và chăm chỉ học tập. Cuối cùng chúng tôi không cưỡng lại được tình cảm của mình. Chúng tôi bắt đầu hò hẹn, lúc thì ở căn hộ riêng, lúc thì ở nhà nghỉ ngoại ô của tôi. Chúng tôi nghiên cứu, cùng nghe nhạc và nói chuyện với nhau về các chủ đề khác nhau. Nàng giữ cho mình được tự do hơn hẳn các bạn gái của mình và không còn sợ bất cứ điều gì nữa.
Dịch giả Phan Độc Lập 
---------
Mời xem bài liên quan


Hình Ảnh Đường Mòn Hồ Chí Minh Legend of the Ho Chi Minh Trail

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire