caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 1 septembre 2016

Anthony Trần viết CÁI HỌC NGÀY NAY ĐÃ HỎNG RỒI – HAY KHỦNG HOẢNG NỀN SỬ VIỆT HIỆN NAY


Trước khi làm người, ai cũng có một gia đì̀nh ở trong một quốc gia.

Có người có nhiều gia đình và có nhiều tổ quốc.

Tổ quốc nào cũng được dựng lên bằng những hy sinh vì cội nguồn của con người.

Vì vậy, công lao lập nước và giữ nước là những chuyện được ghi lại trong lịch sử.

Làm công dân của quốc gia nào, chúng ta cũng học qua lịch sử của đất nước mà mình sinh ra và lớn lên để trân quý công lao của tiền nhân để lại.

Không ai có thể chối bỏ lịch sử, vì công và tội sẽ được ghi chép lại chứ không biạ đặt ra mà thành sử sách được.

Nếu chính quyền nào được dân lập lên thì phải có sử sách ghi chép lại chuyện đời trước để lại cho đời sau. 

Kính mời quý anh chị đọc bài viết của ông Anthony Trần  với chủ đề 

 CÁI HỌC NGÀY NAY ĐÃ HỎNG RỒI – HAY KHỦNG HOẢNG NỀN SỬ VIỆT HIỆN NAY

Caroline Thanh Hương 

  photo 25.png

Cái học ngày nay đã hỏng rồi

Tác giả bài thơ: chưa biết.




Cái học ngày nay đã hỏng rồi
Chín thằng đi học, tám thằng chơi
Một thằng chẳng học làm quan lớn
Sai thằng có học chạy tơi bời

Cái học ngày nay vậy hỏng rồi
Tám thằng đi học, bảy thằng lười
Hai thằng không học thì vinh hiển
Quyền cao chức trọng đã lên đời


Cái học ngày nay thật hỏng rồi
Bảy thằng tới lớp, sáu thằng thôi
Ba chàng thất học thành ông xếp
Vổ ngực rằng tao tiến sĩ rồi

Cái học ngày nay đã nói rồi
Sáu thằng xách cặp, năm muốn thôi
Bốn đứa trèo cao, có chức lớn
Đày người ăn học chạy hụt hơi

Cái học ngày nay hỏng quá rồi
Năm thằng đang học, bốn xin thôi
Năm thằng chẳng học nhờ ơn đảng
Tham quan, tham nhũng hưởng lộc trời

Cái học ngày nay chuyện cũ rồi
Bốn em tới lớp, ba em chơi
Sáu người vô học thành ông chủ
Rủng rỉnh tiền đô hưởng sự đời

Cái học ngày nay hết biết rồi
Chỉ hai ba đứa tới lớp ngồi
Nhưng chỉ một thằng còn chăm chỉ
Nhìn tới nhìn lui lại muốn thôi

Cái học thì ai cũng biết rồi
Không danh không thế, thì ôi thôi
Chẳng quyền chẳng lực, ngồi trơ mỏ
Nằm nhà chỏng cẳng để vợ nuôi.

Thì ra ” Cái học ngày nay đã hỏng rồi…”
  photo dat-van-lang-85d8c 1.jpg
CÁI HỌC NGÀY NAY ĐÃ HỎNG RỒI – HAY KHỦNG HOẢNG NỀN SỬ VIỆT HIỆN NAY

PRC-Museum có Bản đồ nước Lạc Việt xưa .
                       All Vietnameses on the earth: đã có ai biết rồi chưa?
                       100 (hay 50) năm trồng người=> young Vietnameses đã bị biến đổi chất xám 90% hay gần hết!
                       Sự thật đang chôn vùi gần 70% qua một chế độ, the truth: chỉ còn sót lại rất lưa thưa!

                       Một thế hệ bỏ nước đi khắp nơi,
                       Thế hệ thứ hai chất xám Văn Hóa ảnh hưởng 90% xứ người,
                       Sách cũ mang theo, sự thật cũ còn chưa đọc tới nữa!
                       Sách mới tại nhà viết giả dối, dấu sự thật, cố gạt gẫm (H.N Thành Đô, ranh giới mất, biển mất, tỉnh mới), rối tơi bời!

                      
thế giới trẻ Việt Nam phải khóc khi đọc sách xưa biết được SỰ THẬT lịch sử.

Đã từ lâu, tôi có nghe một vài nhà nghiên cứu sống ở nước ngoài than rằng, lĩnh vực sử học nước ta dạo gần đây không mấy tốt.  Ông Liam C. Kelley, vị giáo sư sử học người Mỹ đang dạy môn sử Việt tại đại học Hawaii bên Mỹ thậm chí viết rằng ‘Giới học thuật sử học bằng tiếng Việt bị chết’ trên trang mạng của ông.  Hay cay đắng hơn, vì ông là một người Việt Nam được đào tạo dưới chế độ miền Nam trước đây, sử gia Tạ Chí Đại Trường không ngần ngại phê phán: ‘Sử Việt thời thổ tả’.  Nghe vậy mà cảm thấy ngậm ngùi cho nền sử học nước nhà, như lời các cụ thường nói khi xưa: ‘cái học ngày nay đã hỏng rồi’.

Nhưng tôi vẫn cứ không muốn tin cái sự thật hiển nhiên ấy.  Cho mãi đến gần đây, sau khi tham chiếu một số sách báo chuyên ngành xuất bản trong nước, tôi đành tâm phải thú nhận rằng nó quả đã chết thật rồi các bạn ạ! Vô phương cứu chữa!  Cái gì khiến tôi phải thay đổi định kiến của mình?  Trước khi trả lời câu hỏi đó, hãy cho tôi xin giãi bày một đôi điều về chính bản thân tôi, không phải để khoe khoang bằng cấp, mà cốt để thấu hiểu hơn về cái gọi là lịch sử nước nhà, cũng như để nói lên những tiến triển đang diễn ra ở các nơi trên thế giới một cách chóng mặt.

Tôi là người lớn lên và được đào tạo ở nước ngoài, tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa chuyên ngành phân khoa sử học tại đại học Sydney từ năm 1995, tính đến nay tròm trèm cũng đã ngót 20 năm rồi còn gì.  Nói thế để các bạn thấy là vốn liếng chuyên môn của tôi nay đã bị lỗi thời đến 20 năm cơ đấy.  Và riêng với ngành sử học, nhất là ở các trường đại học phương Tây, đây là khoảng thời gian đủ để đào thải một vị tân khoa Cử nhân như tôi, nói gì đến chuyện lạm bàn sử này sử nọ.  Ở thế giới phương Tây, mảnh bằng con người ta bị đào thải nhanh lắm.  Ra trường trên 2 năm mà không tìm được việc làm, dẫu cho đó là văn bằng Cử nhân phân khoa sử hay bất cứ ngành nghề nào đi nữa, là coi như bị lỗi thời.  Muốn tiến thân để kiếm được việc trong ngành nghề đào tạo thì phải ghi danh học tiếp. 

Tuy ra trường đã lâu và không có cơ hội theo đuổi môn sử nơi các đại học đường từ đó đến nay, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn còn nhớ lõm bõm mớ kiến thức căn bản mà mình đã học được trong quãng thời gian miệt mài trau giồi kinh sử.  Đó là óc suy luận theo một phương pháp hợp lý và ‘khoa học’ kiểu Descartes có sức thuyết phục của người Tây phương nói riêng và thế giới tự do nói chung.

Tôi nhớ nhất khóa học về Chủ nghĩa Quốc gia (Nationalism) và những ảnh hưởng của nó, xấu cũng như tốt, lên các nước đương đại, tác động đến cả ngành sử học của thế giới.  Đây là một chủ đề hết sức thú vị với các sinh viên năm đầu, có nghiên cứu cả đời cũng không hết.  Thế nên ở các trường đại học phương Tây thường lấy chủ đề này làm môn dạy bắt buộc, thậm chí có nơi dành nguyên niên giảng chỉ để đào sâu về chủ đề này mà thôi.  Dài dòng cũng chỉ muốn thanh minh rằng, đối với những ai đã từng kinh qua ngành sử học ở đại học các nước phương Tây, ắt sẽ dễ dàng bắt kịp với những tham luận có liên quan đến chủ đề quá ư là căn bản trên.

Trong khi đó, ở Việt Nam dưới thời Cộng Sản, sự việc hẳn không đơn giản như thế.  Nhất là về mặt ảnh hưởng xấu của Chủ nghĩa Quốc gia thì chẳng mấy ai bận tâm đến.  Ngược lại, có thể nói rằng, Chủ nghĩa Quốc gia quá khích hiện đang bao trùm lên hầu hết mọi ngành nghề nghiên cứu ở nước ta.  Nhiều người vẫn khăng khăng tin rằng, ý tưởng ‘chống ngoại xâm’ luôn là một phần của ý thức ‘dân tộc’, là một vấn đề ‘nhạy cảm’, không được đem ra bàn cãi thảo luận.  Hệ quả là điều đó gây trở ngại không ít cho các nhà nghiên cứu trong nước vì dễ bị diễn giải như là một sự thách thức chính trị.  Do đó mà giới sử gia trong nước không hề biết tới những đổi thay đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở bên ngoài, về những ý tưởng và lý thuyết vốn đã trở thành kiến thức phổ quát ở phương Tây từ cách đây trên nửa thế kỷ.  Và khi ra nước ngoài ‘tiếp cận/trao đổi/giao lưu văn hóa’, họ cảm thấy bị hụt hẫng trước sự chênh lệch quá xa giữa hai bờ vực học thuật quốc nội và quốc ngoại.

Khi mới bắt tay vào việc tìm hiểu về tình hình nghiên cứu sử Việt phát hành trong nước, tôi thật sự ngỡ ngàng, có cảm tưởng rằng dường như ngành sử học nước ta đã dừng lại từ hồi thập niên 1950s, ngay sau khi miền Bắc bị Việt Cộng chiếm đóng năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975.  Đây là một thực tế rất đáng buồn, là bởi vì nền học thuật sử học ở nhiều nơi khác trên thế giới đã tiến triển một cách đáng kể trong suốt 60 năm sau đó, tiến triển một cách đáng kể hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử loài người.  Vậy mà, giới sử gia nước ta đã bị họ bỏ quá xa.  Giờ đây đã là thế kỷ 21, Việt Nam đã ‘đổi mới’, đã ‘mở cửa ra thế giới’ từ năm 1986.  Nhưng các bộ sách sử học mới xuất bản gần đây cho thấy, quý ông hoàn toàn không chạm được đến tri thức học thuật căn bản nhất về các chủ đề đang nghiên cứu.  Không biết bao giờ chúng ta mới bắt theo kịp với đà tiến hóa nhân loại đây nữa.

Mặc dù phía bên quốc nội cứ luôn kêu gào ‘đổi mới’ sử học theo tính cách trào lưu hiện nay, nhưng dù đối với người không biết, hay không cần biết đến tính ‘xét lại’ của lịch sử, thì cũng nên nói rõ rằng, đây là chuyện của muôn đời, của mọi nơi mọi chốn trên thế giới, không phải chỉ riêng của Việt Nam nước ta thôi đâu.  Ai nấy đều biết rằng, Đông cũng như Tây, Ta cũng như Tàu, lịch sử thường được viết bởi những kẻ chiến thắng đương nắm chính quyền.  Cho nên với thời gian, một thế hệ kế tiếp sẽ có những suy nghĩ khác theo với tình thế mới.  Khi quyền lực của thế hệ đầu yếu hoặc mất đi, thì những lớp người dưới quyền có dịp nói lên những suy nghĩ của mình về quá khứ đã bị vùi dập, những suy nghĩ có khi lại gặp được chính sự tán đồng của người nắm quyền cùng thời đại với mình nữa.  Đó là chuyện phục hồi danh vị, hay danh dự cho những nhân vật bị giết qua những cơn biến loạn, hay nhìn về phía khác, là những lời mắng mỏ của phe đảo chính thành công khi nói về những ‘loạn thần tặc tử’ của các chế độ cũ trước kia.  Cho nên mới có vụ ‘xét lại’ các ‘nhân vật có vấn đề’ như cái án giết vua của công thần Nguyễn Trãi được minh oan dưới triều vua Lê Thánh Tông năm xưa chẳng hạn.

Thế mà những điều ngỡ tưởng khá ư bình thường đó lại xảy ra khá kỳ quái ở trong nước hiện nay. Thói quen nhìn theo quan điểm chính trị là chính thống, tránh những vấn đề ‘nhạy cảm’, khiến cho ngày nay muốn bào chữa, người ta không khỏi lúng túng, biết phải nói sao cho thỏa đáng vẹn bề.  Sự căm ghét nhà Nguyễn được biện minh bằng lòng yêu nước, núp bóng dưới cụm từ chủ nghĩa dân tộc, trong suốt thời gian dài đăng đẳng, đến nay vẫn chưa được xét lại.  Vì thế mới cần phải lờ đi kho tri thức học thuật sử học của các nhà nghiên cứu phương Tây đã và đang làm từ hơn mấy chục năm qua.  Ít ra miền Nam thời trước 1975 cũng đã phán xét thật công bằng, như đã từng thẩm định đúng mức cái công của nhà Nguyễn khi biết khôn ngoan đối phó với thực dân Pháp, nhưng mặt khác vẫn nhìn nhận cái tội của các vua quan nhà Nguyễn đã không biết thức thời mà canh tân đất nước theo gương Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện và các tầng lớp sĩ phu trí thức thời bấy giờ.  Nhờ vậy mà nền học thuật mới đi tới và không ngừng phát triển. 

Ngẫm cho cùng, mục đích của học thuật là gì, nếu không phải là giúp cho người đọc mở mang tri thức để ngày càng trở nên hiểu biết hơn, qua đó kết nối với thế giới học thuật bên ngoài nước mình.

Thật vậy, để tham gia vào học thuật sử học, bạn không cần phải có một lý thuyết cụ thể mà bạn chủ ý áp dụng.  Điều đơn giản nhất mà bạn có thể làm, là có được thêm những hiểu biết tinh tế về quá khứ và về xã hội đã phát triển như thế nào, bằng cách đọc và suy luận những điều mà các học giả khác đang viết.  Hơn thế nữa, không chỉ các học giả trong một lĩnh vực học thuật bạn đang nghiên cứu, mà cả từ những lĩnh vực học thuật khác.  Đồng thời, bạn cũng cần đọc thêm những điều người khác viết về những nơi khác của thế giới, khác với nơi cụ thể mà bạn đang nghiên cứu. 

Để rồi, bạn phải tự mình tìm ra lập luận mà tác giả đó đưa ra là gì, và liệu tác giả đó có thành công hay không khi đưa ra lập luận của mình.  Mặc dù tác giả đó có thể đã phạm phải sai lầm ở một vài chi tiết nào đó trong khi đưa ra lập luận của mình, nhưng lập luận đó vẫn đứng vững.  Những lỗi ở các chi tiết ấy chỉ trở thành một vấn đề thực sự khi chúng sói mòn lập luận do tác giả đó đưa ra.  Dĩ nhiên, chúng ta muốn đọc những cuốn sách không mắc lỗi nào hết.  Nhưng điều chúng ta thực sự muốn xem, là những cuốn sách ấy đưa ra một dạng lập luận nào đó, có thúc đẩy một kiểu luận điểm nào đó tiến lên phía trước hay không, nhờ vậy chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết tốt hơn về quá khứ.  Điều đó có thể được thực hiện thành công dù với vài chi tiết lỗi, khi và chỉ khi những lỗi đó không làm suy yếu toàn bộ lập luận.


Đối với Việt Nam, dường như điều đó đã không hề xảy ra.  Ngay như một công trình sử học thuộc tầm cỡ kinh điển, là ‘đỉnh cao sử học nước ta’, bộ Lịch sử Việt Nam tập 1 được nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp phát hành năm 1985 cũng đã phạm phải lỗi lầm quan trọng này.  Đồng tác giả là 4 vị chức sắc chóp bu của làng sử học miền Bắc, như giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam liên tục từ khóa 2 đến khóa 6, 1990-2015), Trần Quốc Vượng (Chủ tịch Hội sử học Hà Nội 1990-1996), Hà Văn Tấn (Nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ), Lương Ninh (Giáo sư Giảng viên trường Đại học quốc gia Hà Nội).   Hết 3 trong 4 vị có tên được xem là ‘tứ trụ’ của nền sử học Việt Nam đương đại: gồm  các ông Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, vì cả 3 vị  ‘Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng’ học cùng khóa 2 trường Đại học Sư phạm Văn khoa năm 1954 ở miền Bắc, riêng ông Hà Văn Tấn theo học sau và tốt nghiệp thủ khoa năm 1957.

Chương đầu của bộ sách điểm sơ các thông tin khảo cổ học, còn chương hai thì bàn về các thông tin về nhà nước Văn Lang ở thời đại Hùng Vương.  Hãy nghe các vị này  lập luận theo kiểu ‘khoa học’ như thế nào về cổ sử nước ta trong chương thứ hai.  Mở đầu là một đoạn văn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, trước khi có sách sử về ‘quốc gia’ hay ‘dân tộc’ được viết ra, thì trong ‘nhân dân ta’ đã lưu hành những ‘huyền thoại’ và ‘truyền thuyết’, như truyện họ Hồng Bàng (bao gồm các vua Hùng và mẹ Âu Cơ, Lạc Long Quân), truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, rồi truyện quả Dưa Hấu của nước Văn Lang.  Để rồi tiến tới lập luận rằng, việc tập hợp các truyện này trong những tác phẩm như Lĩnh Nam chích quái thuộc thế kỷ 15 cách xa với thời đại gần 1,500 năm bỏ trống, có thể được xem như là sự sáng tạo ra một ‘bộ sử dân gian’.

Các vị  sau đó tiếp tục nói về một số thông tin ở dạng ‘sử dân gian’ như vậy.  Đặc biệt chú trọng đến những ghi chép trong các bộ thư tịch cổ trước đây về phạm vi địa lý của vương quốc Văn Lang rõ ràng là không chính xác như thế nào.  Theo các thư tịch cổ của Trung Quốc còn lại đến nay, thì địa bàn của cái gọi là ‘nước Văn Lang’ ấy rất rộng, ‘đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành’.  Từ mớ thư tịch cổ đó, các ông suy diễn nó ra như thế này: ‘Rõ ràng đó không phải là lãnh thổ của nước Văn Lang đời Hùng Vương, mà là cương giới của một khu vực tương ứng với địa bàn cư trú của tộc người Việt nói chung mà thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Bách Việt’.

Để rồi các vị dùng nó làm cơ sở để nói về điều mà các ông cho là đúng.  Đó là ‘căn cứ theo 15 bộ của nước Văn Lang’ được rút ra cũng từ một nguồn thư tịch cổ đã dẫn ở trên, ‘và nhất là căn cứ vào quá trình chuyển hóa lịch sử từ nước Văn Lang đời Hùng Vương đến nước Âu Lạc đời An Dương Vương, rồi đến hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời thuộc Triệu và thuộc Hán, có thể xác định: địa bàn của nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc Bộ, bắc Trung Bộ nước ta ngày nay và một phần phía nam Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc’.


Chuyện ‘phản khoa học’ như vậy, mà các học giả Việt Nam vẫn luôn miệng nói đến chuyện học thuật của họ ‘khoa học’ và ‘có cơ sở dẫn chứng’ đầy đủ.  Những ai đã từng được đào tạo ở các hệ thống giáo dục phương Tây, đều biết rằng ngay từ cấp mẫu giáo trở lên, người Tây phương đã tập làm quen với óc suy luận theo một phương pháp hợp lý và ‘khoa học’.  Là ‘khoa học’ không đơn giản chỉ có nghĩa rằng anh phải cung cấp những bằng chứng để bảo vệ tuyên bố của anh.  Thay vào đó, ‘khoa học’ có nghĩa là anh cũng phải kiểm tra mọi luận điểm và giải thích phản chiều mà anh có thể nghĩ ra được.  Trong trường hợp luận điểm cho rằng một phần địa bàn của nước Văn Lang nằm trong lãnh thổ nước Việt Nam bây giờ, có quá nhiều giải thích phản chiều mà người ta có thể đưa ra.

Địa bàn nước Văn Lang theo quan điểm của giới sử học trong nước

Lẽ ra phải là thế này.

Nó vô lý ngớ ngẩn ở chỗ, luận điểm mà các ông đưa ra vô hình chung xóa nhòa lằn ranh giữa điều chúng ta biết với những điều mà chúng ta không biết.  Họ quên rằng một trong nhưng quy tắc đầu tiên cơ bản nhất của sử học hay bất cứ ngành mgjề nghiên cứu nào đi nữa, là thông tin đã viết thành văn bản bao giờ cũng được đặt ưu tiên hơn các thông tin lưu truyền bằng miệng.  Nó có đáng tin và có sức thuyết phục hay không lại là một chuyện khác nữa, nhưng vẫn không thể nào bỏ qua sử liệu đã thành văn bản được.  Nhất là khi những sử liệu đó có niên đại ra đời rất sớm, bắt buộc người nghiên cứu nó phải ưu tiên chú ý và thừa nhận là sử liệu quan trọng bởi độ giãn cách thời gian với sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến độ phong phú, chuẩn xác của những kênh cung cấp thông tin cho sử liệu.  Nó đóng vai trò quan trọng trong việc định hình niềm tin của người tiếp nhận đối với thông tin mà sử liệu đó cung cấp. 

Thế nhưng, trong công trình lịch sử của mình, các vị đã vội vàng đi đến kết luận rằng: người Việt Nam hẳn đã có những truyền thống lịch sử của riêng mình được họ lưu truyền bằng miệng, và rồi cuối cùng được viết ra ngay khi vùng đất của họ thoát khỏi sự cai trị của Trung Hoa.  Những giả định mà các ông dùng nó để dựa vào là: có một ‘quốc gia’ hay ‘dân tộc’ từ thiên niên kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, rằng có những ‘truyền thuyết’ được lưu truyền trước khi nó được ghi chép lại, và rằng có một ‘nhân dân’ thống nhất chia sẻ những truyền thuyết đó.  Làm như ‘nhân dân ta’ luôn là một khối đồng nhất sống ở đồng bằng sông Hồng từ thời cổ cho đến tận bây giờ không bằng. 

Chưa nói đến chuyện ‘quốc gia, dân tộc’, chỉ bàn về cụm từ ‘nhân dân/dân gian’ mà thôi cũng đã nảy sinh vô số vấn đề rồi.  Ai đích xác là ‘nhân dân/dân gian’ thì lại không thấy các ông bàn tới.  Có phải họ thực sự là những người nông dân không biết chữ, hay họ là những người thuộc giới trí thức có ăn học sáng tác để vui chơi giải trí trong lúc trà dư tửu hậu như quyển Lĩnh Nam chích quái mà các vị đem ra làm dẫn chứng?  Mà thời xưa, số người thất học nhiều vô số kể, kiếm ăn còn bở hơi tai thì lấy đâu ra thì giờ nhàn rỗi để mà ngồi lê đôi mách kể chuyện ‘truyền miệng lịch sử’.  Sao không hướng sự quan tâm đến quá trình truyền miệng, xem nó có bị tam sao thất bản hay không?  Đó là những câu hỏi cơ bản cần được đặt ra nhưng vẫn chưa được chú ý giải quyết một cách nghiêm túc.

Trong khi đó, khái niệm ‘quốc gia, dân tộc’ đã được cả thế giới ngày nay công nhận rằng nó xuất hiện rất muộn màng, chỉ mới từ thế kỷ 19 đổ lại đây thôi.  Đây là một hiện tượng đã xảy ra đầu tiên ở phương Tây, và sau đó được tái tạo ở các nước khác trên thế giới, làm nền tảng cho chế độ thực dân trên khắp hoàn cầu.  Các sử gia phương Tây lúc bấy giờ đã chịu ảnh hưởng của các ý tưởng đến từ thuyết tiến hóa tự nhiên và xã hội, rồi cố gắng trình bày nó về các quốc gia của họ như là sự kế tục về mặt lịch sử trong quá trình tiến hóa của các xã hội trên thế giới.  Đến đầu thế kỷ 20, các nhà nho tân học nước ta đã bắt kịp với các ý tưởng ấy, để tái định nghĩa và viết lại lịch sử về nước Việt mình.  Nói khác đi, các cụ bắt đầu nghĩ về quá khứ bằng những phương cách mới, sau khi tìm hiểu cách suy nghĩ và cách viết sử của người phương Tây.  Để rồi từ đó, chủ nghĩa ‘quốc gia dân tộc’ luôn giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam cho đến tận bây giờ.  Giới sử gia cả nước tập trung hết nỗ lực để cố chứng minh sự tồn tại trong lịch sử của các vua Hùng, rằng từng có một nhà nước Văn Lang, tiền thân của nước Việt Nam hiện tại, ở lưu vực đồng bằng sông Hồng, rằng người Việt hiện giờ là con cháu của vua Hùng, của mẹ Âu Cơ trăm trứng.

Say men chiến thắng trên hàng đống núi tư liệu mới khuân về từ kho ‘sử dân gian’, các vị quên rằng trước thế kỷ 20 vừa qua, các sử gia Việt Nam không hề viết về ‘Việt Nam’ hay ‘người Việt Nam’, mà thay vào đó họ viết về các vị quân vương mà họ thần phục.  ‘Được làm vua, thua làm giặc’, ông bà ta thường hay nói vậy, đủ thấy rằng ‘nhân dân ta’ chỉ trung thành tuyệt đối với vua, với triều đình mà thôi, chứ không là  quốc gia.  Ai làm vua thì sẽ được dân chúng chấp nhận cai trị họ, cho dù vị vua đó có gốc Tàu như Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly khai sinh ra 3 triều đại Lý, Trần, Hồ, hay gốc Mường như Lê Lợi trong Lam Sơn khởi nghĩa đi nữa, thì dân vẫn chấp nhận như thường.  Thời cổ của quốc gia Việt Nam đã được xác nhận bởi những khuynh hướng chính trị như thế, chứ không phải bởi học thuật.

Ngay như ý nghĩa của hai từ ‘Quốc Gia’ cũng đã biến đổi theo với bước chân thực dân Pháp đô hộ Việt Nam.  Hai từ ‘Quốc Gia’ dịch nôm là ‘nước nhà’, trong đó ‘nước’ xưa là cương vực đặt dưới quyền cai trị của một người được tôn xưng là ‘vua’.  Nay, với thời mới việc mới, người ta buộc phải nhấn mạnh thêm ‘đất’ cho ‘nước’.  Nhưng với vua Lê Thánh Tông, khái niệm ‘nước’ là chính vua chứ không phải là ‘đất’ được: ‘Quốc Hoàng’ chứ không phải là ‘Quốc Gia’.  Bởi vậy, vào đầu năm 1468 vua mới kể tội Trần Phong ‘phản quốc’ vì đã chê trách vua trước kia, mới mắng sử gia Ngô Sĩ Liên (người viết sử đầu tiên cho bộ chính sử duy nhất còn lại đến bây giờ, bộ Đại Việt sử ký toàn thư và sau đó được các triều vua liên tục chỉnh sửa), là lũ ‘gian thần bán nước’, chỉ vì ông này đã từng phục vụ vua Lê Nghi Dân vừa bị Thánh Tông lật đổ, nay vội vã quay sang làm quan cho Thánh Tông.  Đó là chuyện của các vua Lê.

Gần đây hơn, các nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế nhờ được người Pháp đưa những ý niệm về dân nước từ phương Tây qua, tách biệt rạch ròi giữa ‘nước’ với ‘vua’, không ngớt lên tiếng mắng chửi nặng nề Hoàng đế Đại Nam Khải Định không xứng đáng là ông ‘vua’, chủ của một ‘nước’.  Thế là có dịp để mọi người mượn ý niệm dân-nước của phương Tây, gợi lại ý của Mạnh Tử đã bị bỏ quên từ lâu, rằng ‘dân’ là chủ của một ‘nước’, chứ không phải ‘vua’ là chủ, rằng ‘tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’, theo đó vốn dĩ phải đi từ thứ tự ‘gia’ rồi mới đến ‘quốc’, nhỏ trước lớn sau, nay bị đảo ngược vị trí thành trên to dưới nhỏ, phải ‘quốc’ rồi mới đến ‘gia’, giữ ‘nước’ là trên hết, bất kể gì đến sinh mạng của dân đen.

Nói về nguồn sử liệu mà các nhà nghiên cứu dùng nó để khai thác thông tin, cho đến nay ở nước ta thường tách rời ra làm hai hệ thống nguồn sử liệu khác nhau, một là nhóm sử liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhóm sử liệu ghi chép trong sử Việt Nam.  Thế mà họ bỏ qua hoặc gạt phắt đi nhóm sử liệu Trung Quốc.  Trên bình diện lý thuyết, phân chia như thế không phải là dễ, và cũng không nên là để định hướng người đọc chăm chú về quan điểm quốc gia chủ nghĩa, mà bỏ qua sự khách quan của bản thân sử liệu được đem ra sử dụng.  Khoa học lịch sử yêu cầu phải nghiên cứu và đánh giá sử liệu từ bản thân nội dung sử liệu và vị thế của người tạo tác ra nó một cách khách quan.  Trong khi chưa thực sự rõ ràng về bản chất của những vương triều đầu tiên xuất hiện trên ‘vùng đất được gọi là Việt Nam ngày nay’, thì chúng ta vẫn chưa thể áp đặt quan niệm về quốc gia hiện đại của chúng ta ngày nay lên hệ thống sử liệu quá khứ được.  Không thể cứ ngang nhiên gạt phắt đi mà không lý giải tại sao, như cách làm của các vị trong bộ sử đó được.

Về mặt giá trị sử liệu mà nói, những sử liệu vốn được cho là có nguồn gốc ‘nước ngoài’, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến dựng và phát triển những sử liệu Việt Nam sau này.  Từ góc nhìn đương đại, có thể thấy người Việt chúng ta có truyền thống chép sử không mấy mạnh, khả năng bảo tồn thư tịch và tư liệu cũng hết sức hạn chế, chủ yếu là do khí hậu, phá hoại chính trị bên trong và bên ngoài mà chiến tranh chỉ là một phần rất nhỏ trong đó.  Bởi vậy, sử liệu có nguồn gốc ‘ngoài nước’ từ lâu nay vẫn đóng vai trò then chốt, đối với nhiều giai đoạn quá khứ mà nói, thì đấy là một vai trò quan trọng tuyệt đối, đủ để trở thành một đối trọng với những sử liệu Việt Nam.  Nhất là khi các nguồn thư tịch Trung Quốc ghi chép khá kỹ lưỡng những gì đã và đang xảy ra ở các vùng ngoại biên của các đế chế Trung Hoa trải qua các thời kỳ khác nhau.  Mà sách vở Trung Quốc thường có niên đại rất sớm, nếu không gần như đương thời thì cũng không cách xa sự kiện xảy ra bao lâu.

Về những sử liệu có nguồn gốc từ Việt Nam, hay còn gọi là bản địa, các sử liệu thuộc loại này còn bảo lưu đến ngày nay có thời điểm xuất hiện tương đối muộn, nếu không nói là đặc biệt khan hiếm và ít ỏi.  Cổ sử nước ta rốt cuộc chỉ còn lại độc mỗi quyển Đại Việt sử ký toàn thư mà thôi, in lần đầu ở thế kỷ 17.  May mắn cho bộ này khỏi bị cô độc, thế kỷ 20 tìm thêm được một bộ sử Việt đời Trần, lạc loài trong bộ sưu tập đời Thanh bên Trung Quốc, bộ Việt sử lược, đến nay chưa biết tác giả là ai.  Họa hoằn ở đâu đó, người ta tìm được một vài tấm bia được cho là sớm nhất, mang niên hiệu nhà Lý hoặc Trần hiếm hoi còn sót lại.  Chấm hết.

Chính bởi vậy, sử liệu có nguồn gốc Trung Quốc là tư liệu tham chiếu chủ yếu mà các sử gia nước ta thời cổ đã không còn cách nào khác, đành phải sử dụng để biên soạn những bộ chính sử đầu tiên của nước nhà.  Thế thì tại sao chúng ta bây giờ lại cứ lờ đi không sử dụng chúng, hoặc nếu phải chọn giữa hai loại sử liệu trong nước hay ngoại lai, thì nhất định sẽ thiên hơn về những sử liệu trong nước.  Lý do đưa ra là sử liệu ngoại lai, đặc biệt là sử liệu Trung Quốc là không đáng tin bằng, bởi vì sử liệu này có thể bị làm nhiễu bởi những vấn đề chính trị, tư tưởng phân biệt Hoa Di, giữa giống người văn minh và bộ lạc mọi rợ, khoảng cách địa lý, rào cản ngôn ngữ, sự hạn chế tư liệu hay thậm chí là sự che dấu có chủ đích và ‘xuyên tạc’ lịch sử của một quốc gia được coi là phên dậu và chậm phát triển.  Họ chỉ tìm kiếm những thông tin có vẻ không chính xác trong một sử liệu nào đó của ngoại quốc, rồi đặt vấn đề nghi ngờ với toàn bộ sử liệu.  Đấy là một giải pháp khá dễ dãi, song là cách nhanh nhất để gạt bỏ một sử liệu không phù hợp với tín điều.

Đấy cũng là cái cách mà các vị đang làm trong bộ Lịch sử Việt Nam tập 1 mà chúng ta đương bàn đến.  Đó là xóa nhòa những lằn ranh giữa điều chúng ta biết và điều chúng ta không hoặc chưa biết, qua việc bác bỏ những ghi chép của cổ thư Trung Quốc về phạm vi địa giới nước Văn Lang mở rộng lên phía bắc tới tận hồ Động Đình bên Trung Quốc.  Đồng thời lại cũng sử dụng chính những thông tin do cổ thư Trung Quốc cung cấp, khi nói về 15 bộ của nhà nước Văn Lang, để giúp khẳng định vị trí và diên cách của nhà nước Văn Lang.  Cả hai mẩu tin này đều được rút ra từ cùng một bộ cổ thư Trung Quốc.  Vậy thì tại sao một cái ‘đúng’, còn cái kia lại ‘sai’?  Bởi lẽ cái ‘đúng’ (về 15 bộ) phù hợp hơn với giả định rằng đã luôn luôn tồn tại một quốc gia và một dân tộc riêng lẻ ở khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Đã đến lúc cần thiết phải cố gắng vạch ra một cách rõ ràng hơn, những lằn ranh giữa thông tin có thể dùng và thông tin không thể dùng trong cùng một tư liệu.  Muốn làm như vậy, dĩ nhiên chúng ta cần phải đặt sang một bên những giả định mà các sử gia đi trước tin cậy.  Hiện tại, những giả định và những lằn ranh mơ hồ, thiếu khoa học kiểu như vậy đang cản bước tiến của những ai đang quan tâm đến lịch sử Việt Nam.

Những sự kiện ấy chứng minh được một điều, là dù được hấp thụ/tiếp thu, chứng kiến những kỹ thuật tân tiến, người ta vẫn không dễ dàng gì dứt bỏ những lề lối suy nghĩ cũ.  Chưa kể khi chúng xuất hiện có vẻ mới qua những cải đổi có màu sắc khoa học, hay được quyền lực vuốt ve bên ngoài, khuất lấp thúc đẩy.  Và điều đó đã khiến cho nền sử học Việt Nam trong hơn 60 năm qua chưa có thể gọi là mang màu sắc khoa học được. Lối thẩm định lịch sử dễ dãi theo thiên kiến quần chúng như trên, vô hình chung đã nuôi dưỡng một cung cách phát sinh các sử gia từ những vị công chức về hưu chỉ lặp lại thần tích, cổ tích, nói chuyện ‘huyền sử’ ở miền Bắc trước đây, sau này lan ra cả nước.  Ở trong Nam thời Cộng Hòa thì đại biểu cho nhóm này là học giả Lương Kim Định, bừa bãi lập thuyết Việt nho, cho rằng Kinh Dịch là của người Việt, do đó Khổng Tử, Lão Tử cũng là người Việt.  Hay với những vị gọi là ‘có thiên hướng về sử’, như Đại tá Phạm Văn Sơn bên quốc gia, đã chịu khó viết bộ Việt sử tân biên dày cộm mấy ngàn trang, bắt nguồn cảm hứng từ biến động của cuộc di cư 1954.

Đó là những lời chia sẻ thô thiển về hiện tình bi đát của giới nghiên cứu sử học nước ta thời hiện đại.  Hiển nhiên kiến thức mà tôi đã thâu lượm được dưới mái trường đại học nay đã trở nên lỗi thời, do ra trường đã quá lâu.  Thế nên không dám đề nghị/đưa ra một giải pháp hay một lối thoát nào cả cho những bế tắc hiện nay.  Chỉ mong rằng giới sử học Việt Nam đừng mải vùi sâu vào những hoang tưởng xoay quanh chủ nghĩa dân tộc nữa, rằng người Việt chúng ta ‘văn minh’ hơn người Hoa.  Chính mối quan hệ lịch sử với mảnh đất phương Bắc kia đã bị chính trị hóa đến nỗi khó ai có thể nói gì khởi sắc một chút về quá khứ.  Kết quả của tất cả điều này là hơn nửa thế kỷ sử học Việt Nam đã thành hình trong sự tạo lập những lằn ranh tri thức đã được quyết định một cách đầy cảm tính và chính trị tính.  Giờ đây khi người Việt mình muốn khớp nối với thế giới bên ngoài, và thế giới muốn khớp nối với Việt Nam, những lằn ranh đầy cảm tính và bị quyết định bởi chính trị ấy, đang gây cản trở cho sự khớp nối đó.

Sáu mươi năm tụt hậu của ngành sử học Việt Nam có thể không là khoảng thời gian đáng kể.  Bất quá có người chủ quan cho rằng chỉ cách nhau có 2 thế hệ thôi mà, nếu cho rằng đời người cách 30 năm là một thế hệ tiếp nối.  Nếu biết cách cải tổ, chúng ta sẽ đuổi kịp mấy hồi.  Thiển ý thì hiện tình không hề đơn giản như lối suy diễn bình thường nông nổi, vì những phát triển nhanh chóng đang diễn ra tại các trường đại học trên thế giới sẽ khó thể nào chúng ta bắt kịp, chứ đừng nói là vượt qua.  Ở các nước phương Tây, cứ 3 năm là một thế hệ sinh viên tốt nghiệp đại học, đem những phát kiến mới mẻ của họ cống hiến cho nền giáo dục chuyên ngành.  Như thế là chúng ta đã bị bỏ xa đến 20 thế hệ sinh viên ưu tú nhất rồi còn gì.

Với địa hạt khoa học kỹ thuật thì có thể dễ dàng bắt kịp nếu biết cách chỉnh đốn hạ tầng cơ sở như kiểu Trung Quốc đang làm hiện nay, hay Nhật Bản đã thực hiện thành công từ trên 150 năm nay.  Chứ riêng với mặt văn hóa, bao gồm luôn cả kiến thức tổng quát lẫn các lãnh vực nghiên cứu ngành nghề chuyên môn thì khó khăn hơn nhiều, nếu muốn nói là không thể.  Nó đòi hỏi công sức bỏ ra của tất cả mọi người trong khoảng thời gian thật dài mới có cơ gắng gượng được, nhanh thì vài thế hệ, chậm thì hàng mấy thế kỷ vẫn chưa ăn thua gì. 

Việc đầu tiên là phải tiến hành công tác dịch thuật các sách vở nghiên cứu mới nhất trên thế giới sang tiếng Việt, dịch càng nhanh và phát hành càng sớm càng tốt.  Đó cũng là chủ trương mà cụ Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong tạp chí đã từng đề xướng cả thế kỷ trước đây, nhờ đó mà nền quốc học đã chấn hưng được một thời gian kéo dài trên suốt chục năm.  Nhìn sang bên cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới, dù cho sống ở Trung Quốc, Đài Loan, hay Hồng Kông ‘bên hông Chợ Lớn’, Singapore, Mã Lai đi nữa, sách vở nào của bất cứ đâu đó mới vừa phát hành ra đều được họ đem dịch và đưa in ngay không chậm trễ, ‘nóng hổi vừa thổi vừa coi’, đến nỗi người Hoa phải kêu rằng: ‘Nhiều quá, đọc không hết nổi.  Phải gạn lọc lại rồi mới đem xuất bản chứ!’  Tôn chỉ của họ là cứ đem in hết tất cả, rồi từ đó để cho dân họ tự chọn lọc lấy cái hay cái dở mà học hỏi, sửa sai.  Trong khi nước ta, bây giờ lại làm ngược lại, quay ra dịch và cấp giấy phép cho phát hành các quyển sách giáo khoa cũ mèm đã lỗi thời của phương Tây từ mấy chục năm trước.

Đó là lý do tại sao mà các nhà sử học Tây phương đã phán một câu chắc nịch rằng: ‘Học thuật sử học bằng tiếng Việt bị chết.  Hãy để nó nghỉ trong yên bình!’ 

Nhưng vì đã trót sinh ra làm công dân nước Nam rồi, chúng ta vẫn có quyền mơ ước và hy vọng cho tương lai đất nước ngày một tươi sáng hơn.  Như lời thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã viết trong thi phẩm Đi chơi chùa Hương thời lãng mạn tiền chiến, tuy có ‘mơ nhiều’, nhưng mình cũng chỉ dám ‘viết thế thôi’, các bạn ạ.  Các cụ ta thường nói: ‘sức người sỏi đá cũng thành cơm’, ngay cả việc ‘tát biển Đông’ người Việt mình cũng còn ‘tát cạn’ được, huống chi mấy chuyện ‘muỗi’ nhỏ nhặt này chứ.  Nếu bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương còn sống đến bây giờ, chắc hẳn bà sẽ cố bào chữa bằng cách lặp lại câu thơ để đời: ‘Thua thì thua, nhưng cố bám lấy con’.  Còn nước thì còn tát, các bạn ơi, hãy cố lên nào!

Anthony Trần
(viết cho riêng mình)

Tài liệu tham khảo
1.     Liam C. Kelley – Vietnamese historical scholarship is dead (Giới học thuật sử học bằng tiếng Việt bị chết), trang mạng cá nhân Lê Minh Khai (tên tiếng Việt của ông Kelley), viết ngày 01-03-2012.
2.     Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh: Lịch sử Việt Nam tập 1, nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1985.
3.     Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt thời thổ tả, bản thảo chưa in, có thể truy cập toàn bộ quyển sách trên một số trang mạng internet.

 NHỮNG DI CĂN CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
Ở CÁC NƯỚC THUỘC ĐỊA CŨ

Ở phương Tây, một trong những khóa học vỡ lòng của phân khoa sử là môn Chủ nghĩa Dân tộc (Nationalism) có khi kéo dài suốt mùa niên giảng.  Các sinh viên năm đầu sẽ phải học phân tích những di căn để lại từ chủ nghĩa này, tốt cũng có, mà xấu cũng có, nhưng thường hay nghiêng về mặt tiêu cực nhiều hơn.  Vì là xứ tự do dân chủ nên trong lớp ai muốn bàn luận sao cũng được, miễn là lập luận của mình phải hợp lý và có sức thuyết phục đến đa số người nghe là ăn điểm thôi.  Dài dòng là để nói lên môn này chính là một trong những môn căn bản nhất của phân khoa sử ở các đại học nước ngoài.  Nó là môn dễ nuốt ‘như ăn cơm sườn’ (vì là môn bắt buộc của năm đầu đại học), nhưng lại rất khó nuốt trôi cho những ai chưa làm quen với không khí tự do ngôn luận cùng với óc suy luận khoa học kiểu Descartes của người Tây phương.  Thế nên sẽ cảm thấy bỡ ngỡ vô cùng, nhiều lúc đuối sức theo không kịp.


Tôi nhớ cuốn sách giáo khoa thú vị nhất chính là quyển Kẻ Thực Dân và Người Thuộc Địa (The Colonizer and The Colonized) xuất bản lần đầu năm 1957 và đã trải qua các kỳ tái bản chỉnh sửa liên tiếp khác nhau sau đó.  Tác giả là Albert Memmi, với lời đề tựa của triết gia danh tiếng người Pháp bấy giờ là Jean-Paul Sartre.  Mấy chục năm sau, tác giả Memmi viết thêm cuốn thứ hai đào sâu vào chủ đề trên, để nói lên những ý tưởng thuộc địa cùng các cuộc đấu tranh thoát ra khỏi nó vẫn đã và đang tiếp diễn như xưa.  Đó là cuốn Công cuộc Giải Thực và Kẻ bị Giải Thực (Decolonization and The Decolonized), xuất bản năm 1981.  Trước tiên, tôi nhớ nó không phải vì cái tiêu đề bắt mắt ít nhiều có liên quan đến nước mình vốn là xứ thuộc địa cũ của Pháp.  Cũng không phải vì tôi nhớ về năm xuất bản của quyển sách hay do nhà xuất bản trứ danh nào đã xuất bản nó.  Ngẫm ra, cuốn này in ra cách nay đã gần 60 năm tròn, hẳn sẽ có nhiều người cho rằng nó đã lỗi thời.  Nhưng điều khiến tôi sẽ nhớ nó mãi, chính là lập luận mà tác giả đưa ra, gây xôn xao một thời trong giới sử học Tây phương, làm thay đổi quan niệm của họ đối với nhiều lãnh vực học thuật trên thế giới.  Cho đến tận bây giờ, đây là một quan niệm có thể đã khá cũ và trở nên phổ thông với người ngoại quốc, nhưng vẫn còn là một ý tưởng quá mới với người Việt chúng ta.  Nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thể chấp nhận được, do đó mà tôi mạo muội thấy cần phải chia sẻ nó ở đây.

Tác giả chỉ lập luận đơn giản thế này thôi.  Rằng không lâu sau khi nhiều xứ thuộc địa cũ đã giành được độc lập vào khoảng giữa thế kỷ 20, khi mà Thế Chiến thứ 2 vừa chấm dứt, một nhóm học giả bắt đầu lưu ý rằng, mặc dù chế độ thực dân đã không còn nữa, nhưng qua nhiều hình thức khác nhau, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ.  Luận điểm quan trọng nhất mà cuốn sách này đưa ra, chính là nó vẫn lẩn quẩn trong đầu óc người ta.  Mặc dù người dân thuộc địa đã được tự do về chính trị, nhưng đầu óc họ vẫn cứ bị ông tây thuộc địa nhồi sọ về mặt tinh thần.  Thật khó hiểu và cũng dễ gây tranh cãi quá nhỉ!

Nếu như mình nghe tác giả tiếp tục phân tích trong những trang sách thì sẽ hiểu phần nào lý do tại sao.  Trong suốt kỷ nguyên thuộc địa, những kẻ thực dân đã nghĩ ra những ý tưởng cụ thể về các giống dân mà họ đang cai trị ở xứ thuộc địa và bắt đầu viết về quá khứ, về lịch sử của các nơi này theo ý của thực dân một cách khá đồng nhất.  Rằng chỉ có dân Tây là ‘văn minh’, còn dân thuộc địa nơi đâu cũng đều là hạng cu li ‘thấp hèn’ hết.  Nhưng sau khi chế độ thực dân đã cáo chung, người dân từ các xứ thuộc địa trước đây bắt đầu ‘phản kháng’ lại, bằng cách ‘viết lại’ những gì mà trước đây những kẻ thực dân đã viết về họ.  Đó mới là trọng tâm của vấn đề!  Vì trong khi ‘viết lại’ để phản đối những ý tưởng mà những kẻ thực dân đã tự tạo ra, người dân xứ thuộc địa cũ đã rơi vào cái bẫy thực dân đã giăng sẵn từ trước mà họ sẽ khó bề tháo gỡ nó.  Bây giờ họ lại đem sử dụng chính những khái niệm mà những kẻ thực dân trước đây đã tạo ra, rồi đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt, còn những kẻ thực dân cũ, hay coi dân các nước khác thì ngu hèn hơn mình.

Đây là hiện tượng mà các học giả gọi là ‘sự thực dân trong tinh thần’.  Bởi vì người dân thuộc địa cũ vẫn dùng những khái niệm xưa cũ đáng chê trách đó mà những kẻ thực dân trước đây đã tạo ra.  Nói khác đi, cho dù họ có di tản sang bất kỳ nơi đâu trên thế giới đi nữa, thì dân từ các xứ thuộc địa cũ vẫn không thể thoát ra khỏi những quan niệm mà thực dân để lại.  Rằng chỉ có Việt kiều là sang, còn dân trong nước thì họ cho là thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, thiếu vệ sinh, thiếu đủ thứ cả, làm như không muốn cho họ được đòi quyền để sống làm con người bình đẳng trên thế giới này vậy.  Rằng ‘ta’ thì phải hơn ‘Tàu’.  Nhìn ra thế giới nào mấy khác chi.  Lâu lâu, giới truyền thông Âu Mỹ cứ muốn khơi lại vấn đề hiềm khích xa xưa giữa Công giáo và Hồi giáo, chụp mũ các chị em phụ nữ Hồi giáo quấn khăn che tóc, che mặt là kém văn minh, là nhà quê không biết thức thời đổi mới, trong khi họ chỉ muốn cố gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của mình mà thôi, tựa như tấm áo dài cổ truyền mà phụ nữ Việt Nam đem ra mặc ở các dịp hội hè vậy thôi.

Tất cả những điều kể trên, đơn giản là họ đã và đang ‘bị thuộc địa về tinh thần’.  Một ý tưởng quan trọng đến thế, và đã được thế giới Tây phương đón nhận như là một bài học nhớ đời cho các thế hệ mai sau muốn để tâm tìm hiểu về hậu quả để lại của chế độ thực dân và dân tộc chủ nghĩa.  Nhưng ở Việt Nam tôi chưa nghe ai nhắc tới, chứ chưa nói gì đến chuyện đi sâu vào vấn đề then chốt này.  Cho nên tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm khi biết rằng ở nước ta, cho tới giờ này vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt nào ra đời.

Bản in lần đầu nguyên gốc tiếng Anh năm 1978.

Lại thêm một quyển sách giáo khoa nữa cũng không thể thiếu vắng khi nghiên cứu về vấn đề hậu thuộc địa và chủ nghĩa dân tộc.  Đó là cuốn Đông phương luận (Orientalism) của tác giả người Palestine, ông Edward Wadie Said, do nhà Vintage Books phát hành lần đầu năm 1978.  Trong sách của mình, ông khảo sát rất kỹ phương cách mà các tác giả phương Tây miêu tả về mặt lịch sử ‘phương Đông’, là danh từ ám chỉ miền Trung Đông bây giờ.  Ông cho rằng người phương Tây đã tạo ra một hình ảnh có chủ đích về phương Đông huyền bí và chưa phát triển, qua đó họ ngầm tạo ra một lý do hợp lý để thuộc địa hóa phương Đông, rằng để khai hóa những dân tộc kém văn minh hơn họ.  Mặc dù tác giả chỉ giới hạn địa hạt nghiên cứu về vùng Trung Đông mà thôi, nhưng những tư tưởng này nếu đem ra áp dụng lên các khu vực khác ở Á Châu dường như vẫn thấy đúng phần nào. 


Tuy rằng thuyết này cũng có một số nhược điểm nhất định, không ai có thể phủ nhận nó đã từng truyền cảm hứng cho các thế hệ nghiên cứu sinh ở các nước phương Tây từ đó đến nay, mà ở Việt Nam người ta lại không hề hay biết gì về nó cả.  Mãi đến 35 năm sau (năm 2013), Việt Nam mới có một bản dịch ra tiếng Việt do các ông Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Rì, Trần Văn Tụy dịch, và Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính, rồi đưa cho nhà xuất bản Tri Thức phát hành.  Tức là một bản dịch mới toanh, trong khi ở phương Tây ý tưởng này đã trở nên sáo cũ và thông dụng ngay cả trong giới sinh viên đại học mới nhập học năm đầu ban sử.

Chúng ta có thể lấy trường hợp của sử gia người Pháp Henri Masperio ra làm ví dụ điển hình cho lối suy nghĩ và lập luận của thời thuộc địa.  Ông là một trong các chuyên gia nổi danh nhất về nghiên cứu cổ sử Việt Nam và các nước Đông Dương, có nhiều công trình khảo cứu được phát hành đầu thế kỷ 20.  Trong các bộ sách của mình, Maspero cho rằng trước khi người Hoa đến, người Việt đã không được thống nhất, và rằng chính người Hoa đã dạy cho người Việt cách thống nhất và xây dựng một nhà nước vững mạnh.  Như vậy là ở trong chừng mực nào đó, ông đã thừa nhận một cách gián tiếp rằng dân Việt mình kém văn minh hơn dân Hoa kiều.  Nếu đem lập luận này vào học thuyết của Edward Wadie Said đưa ra trong Đông phương luận, thì đó là cái cớ để người Pháp có lý do chính đáng sang đô hộ nước ta. 

Đến năm 1980, sử gia Keith Weller Taylor đã phản ứng lại trong bài viết nhan đề ‘Một đánh giá về thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam’ in trong tập san The Journal of Asiatic Studies (Đại học Korea, Seoul) tập 23, số 1 (Tháng Giêng, 1980), tr. 139-164.  Ông Taylor phản bác rằng, Việt Nam đã từng có các vua Hùng dựng nước vào thời điểm trước khi người Hoa đến, do đó mà người Hoa chẳng dạy người Việt cách thống nhất và tạo dựng một nhà nước vững mạnh như Maspero đã từng nói.  Vậy là việc Taylor làm trong bài viết này, là nắm lấy những ý tưởng mà Maspero đề xuất trước đây hơn 100 năm và phản bác lại chúng.  Nhưng khi phản bác lại chúng, Taylor đã vô tình dùng chính những khái niệm mà Maspero đưa ra.  Đó là một hình thức mà các học giả gọi là bị ‘thuộc địa về tinh thần’. 

Theo quan điểm ngày nay, đáng lẽ Taylor phải đặt vấn đề nó như thế này: Rằng luận thuyết của Maspero cách đây trên 1 thế kỷ có còn đúng không?  Liệu có lý không, khi nói về một sự thống nhất chính trị cách đây 2 ngàn năm trước?  Hay phải chăng đó là một khái niệm không thực sự thích hợp với giai đoạn lịch sử đó?  Nếu câu trả lời là không, thì liệu có một quốc gia thống nhất mạnh mẽ ở bất kỳ đâu trên thế giới lúc bấy giờ không?  Câu trả lời có lẽ là không.  Dường như Taylor sau này đã rút ra được điều đó, bởi trong công trình gần đây nhất khi viết về lịch sử Việt Nam, ông thậm chí còn không nói gì về thời đại Hùng vương.  Đó là quyển Lịch sử của người Việt (A History of the Vietnamese) do nhà xuất bản Cambridge mới phát hành hồi tháng 5 năm 2013, hãy còn nóng hổi, vừa thổi vừa coi.  Ông Taylor hiện đang giữ chức vụ Giáo sư thực thụ suốt đời (Professor with Tenure) phân khoa Á Châu học ở trường đại Cornell bên Mỹ từ năm 1999 đến nay.


Vậy thì làm thế nào một học giả uy tín, chuyên nghiên cứu về các vấn đề cổ sử Việt Nam tầm cỡ như Taylor lại có thể đi từ việc dùng các vua Hùng làm chứng cứ để chống lại ý tưởng của một học giả khác cũng uy tín không kém, nhưng là người của thế kỷ trước là Maspero, dẫn đến việc Taylor phải viết một cuốn sách về lịch sử Việt Nam trong đó Taylor không hề đả động gì đến Hùng vương cả?  Giới nghiên cứu cho rằng cái đã xảy ra, là vì Taylor bây giờ đã được giác ngộ và giải độc, tức là đã thoát khỏi cái vòng ‘Kim cô’ của lớp người đi trước, hay đã được ‘giải thực dân’ trong óc mình.  Tuy không nói ra, ông hẳn đã rút ra kết luận rằng những khái niệm mà Maspero dùng để xem xét quá khứ là không chính xác.  Và rằng vì vậy tốt hơn hết là không thèm để ý đến những gì Maspero nói hầu có thể bắt kịp với một cách nhìn mới về quá khứ do chính ông Taylor tạo ra trong bộ sách mới nhất của mình.

Đáng tiếc thay, trong khi bên phía học thuật Tây phương đã gỡ bỏ được các vướng mắc tai hại của thế hệ học giả đi trước, thì điều này vẫn chưa thể xảy ra ở Việt Nam.  Trái lại, chủ nghĩa dân tộc và các đầu óc bị ‘thuộc địa về tinh thần’ đang ngày càng nở rộ trong giới học thuật quốc nội.  Một ví dụ điển hình nhất là vấn đề liên quan đến khái niệm bộ tộc Bách Việt đang được vô số sách báo trong nước đem ra bàn luận.  Trước tiên, Bách Việt chỉ là một khái niệm rất mơ hồ, được ghi chép một cách chung chung trong cổ thư Trung Quốc để chỉ những người sống ở phương Nam của mảnh đất Trung Hoa hơn 2 ngàn năm trước.  Người Trung Hoa lúc bấy giờ xem người Bách Việt như là ‘mọi rợ’.  Đấy là những gì mà chúng ta biết qua sách cổ Trung Quốc còn để lại.  Từ ‘bách’ chỉ tượng trưng cho con số nhiều không thể đếm xuể, chứ không có nghĩa chính xác là con số 100 như người ta hiểu theo nghĩa bây giờ.  Nó tương tự như khi ta nói đến người Tây vậy, nó hàm ý rất rộng, có thể dùng để chỉ người Pháp hay người Âu châu trong chừng mực nào đó, hay bao gồm luôn cả người da trắng nói chung.  Nếu không xem xét các đoạn văn có liên quan đến khung cảnh lịch sử thì rất khó đoán định ‘người Tây’ kia là giống dân nào cụ thể.

Những tưởng vấn đề Bách Việt đã thuộc về quá khứ, nhưng ngày nay lại có những người Việt đang ‘viết lại’ để chống với cái nhìn này, và họ đang lập luận rằng người Bách Việt là ‘văn minh’ hơn ‘người Hoa’ về nhiều mặt.  Đây là một ví dụ điển hình của kiểu xu hướng học thuật đang được tạo ra ở nước ta bởi những người bị ‘thuộc địa về tinh thần’.  Những học giả này làm học thuật để chỉ phản bác lại những tuyên bố mà người Trung Hoa đã đưa ra cách đây hơn 2 ngàn năm.  Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ không biết rằng họ đã dùng chính những khái niệm và phạm trù tinh thần mà người Hoa đã dùng hơn 2 ngàn năm trước.  Có khác chăng là họ đảo ngược tầm quan trọng của những phạm trù đó, và cho người Bách Việt là quan trọng, còn ‘người Hoa’ thì không.  Nhưng họ vẫn không nhận ra là họ đang dùng chính các phạm trù mà ‘người Hoa’ tạo ra kia mà.

Đây là sự thuộc địa về tinh thần.  Chỉ khi nào vượt qua được những khái niệm và phạm trù mà người khác đã tạo ra, lúc đó mình mới có thể trở nên độc lập thực sự.  Đó là điều mà các nhà sử học Việt Nam vẫn chưa bắt tay vào, chứ đừng nói là hoàn thành.  Trong khi đó, ở các vùng thuộc địa cũ khác như ở Ấn Độ và Thái Bình Dương, các lý thuyết hậu thuộc địa đã phát triển rất tốt.  Họ không lảng tránh nó, và nhìn nhận các dân tộc văn minh khác để học hỏi cũng như để rút tỉa kinh nghiệm cho chính nước mình.  Kết quả là ở Việt Nam, những cái đầu thuộc địa tiếp tục sản sinh ra học thuật thuộc địa.  Bằng cách đảo ngược lại những gì thực dân đã nói, họ nghĩ rằng họ đang làm cái mới.  Nhưng bằng việc đi theo chính những khái niệm do những kẻ thực dân tạo ra, họ vẫn bị thuộc địa về tinh thần, và như thế cả nền học thuật của Việt Nam hiện nay vẫn mang tính thuộc địa, do đó thường thiên về cảm tính hơn là lý trí khi bàn luận các vấn đề vụ việc.

Ở nước ta, một trong những vết di hại nhất của thời thuộc địa là chủ nghĩa dân tộc được đề cao và tuyên truyền một cách quá đáng, khiến cho người ta mù quáng tin vào nó để rồi phớt lờ đi những tri thức học thuật của các nhà nghiên cứu Tây phương đã đóng góp từ hơn 60 năm qua.  Người ta lợi dụng lòng yêu nước ‘vô bờ bến’ của ‘dân tộc ta’ để cố chứng minh rằng các dân tộc anh em hiện đang sống trên nước Việt Nam đều có chung một nguồn gốc với dân Việt, và đã được hình thành qua một quá trình lịch sử tiến hóa chung nhất.  Do đó, người Việt chúng ta phải có bổn phận đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, trong cái nghĩa bao gồm tất cả các dân tộc thiểu số hiện đang sống trên dải đất hình chữ S gọi là Việt Nam này.

Bản in lần đầu, ra năm 1996

Bản in mới nhất lần 4, năm 2006

Lối suy nghĩ như thế vẫn còn thấy nhan nhản trong các sách báo phát hành trong nước.  Gần đây, tôi đã đọc cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam dày 680 trang của một tác giả mang học hàm Giáo sư Viện sĩ là Trần Ngọc Thêm bản in gốc đầu tiên năm 1996 và khá thất vọng về tình trạng đi xuống, không bắt kịp với thời đại, của giới nghiên cứu trong nước hiện nay.  Tác giả là dân du học Nga thời trước, có bằng cấp Tiến Sĩ khoa Ngữ văn tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad trước khi khối Liên Bang Nga sụp đổ năm 1989, và từng là Tổng thư ký Hội Ngôn Ngữ Học Việt Nam nhiệm kỳ 1 (1990-1995).  Như thế có thể nói tác giả là một nhà văn hóa có tiếng ở trong nước, đã biên soạn nhiều công trình tham cứu về văn hóa và ngôn ngữ học phổ biến rộng rãi trong giới nghiên cứu cấp đại học.  Riêng bộ sách này được trong nước đánh giá là một trong những công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam quan trọng, và được sử dụng như một trong những sách giáo khoa trong các chương trình giảng dạy thuộc lĩnh vực liên quan tại các trường đại học quốc nội.  Vì thế mà sách được tái bản trước sau 4 lần, gần đây nhất là bản in năm 2006, và còn được dịch ra tiếng Pháp do nhà sách Thế Giới ở Hà Nội ấn hành năm 2001.  Nó được xem như là ‘đỉnh cao trí tuệ’ Việt Nam, và được bằng khen của ông Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo nữa đấy.

Bản dịch ra tiếng Pháp do nhà Thế Giới ấn hành năm 2001

Vậy mà hãy đọc một chương trong quyển sách nói về ba giai đoạn hình thành các dân tộc Việt Nam như sau để xem ngớ ngẩn thế nào nhé:
1.     Vào thời đại đồ đá giữa (khoảng 10 ngàn năm về trước), có một giống người thuộc đại chủng Mongoloid từ vùng Tây Tạng thiên di về phía Đông Nam, tới vùng nay gọi là Đông Dương thì dừng lại.  Tại đây đã diễn ra sự hợp chủng giữa họ với cư dân Melanesians bản địa (thuộc đại chủng Úc), dẫn đến kết quả là sự hình thành chủng Indonesians (còn gọi là cổ Mã Lai) với nước da ngăm đen, tóc quăn gợn sóng, tầm vóc thấp.  Từ đây người Indonesians lan tỏa ra cư trú trên toàn bộ địa bàn Đông Nam Á cổ đại.  Đó là một vùng rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử, phía tây tới bang Assam của Ấn Độ, phía đông tới vùng quần đảo Phillipines và phía Nam tới quần đảo Indonesia (đoạn này Trần Ngọc Thêm dẫn theo Nguyễn Đình Khoa: Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam – dẫn liệu nhân chủng học, nxb KHXH 1976, tr. 160).
2.     Từ cuối thời đại đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng gần 5 ngàn năm về trước), tại khu vực mà hiện nay là Nam Trung Hoa và Bắc Đông Dương (từ phía nam sông Dương Tử bên Trung Hoa đến lưu vực sông Hồng Hà miền Bắc nước ta), trên cơ sở sự chuyển biến từ loại hình chủng Indonesians bản địa dưới tác động của việc tiếp xúc thường xuyên với đại chủng Mongoloid từ phía bắc xuống, đã hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (Austro-Asiatic).
3.     Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia tách thành một loạt các chủng tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ ‘Bách Việt’.  Tuy ‘một trăm’ (bách) nghĩa là một cách nói biểu trưng cho con số nhiều không đếm được của người xưa, nhưng đó thực sự là một cộng đồng cư dân hùng hậu, bao gồm nhiều tộc người Việt như Điền Việt, Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Lạc Việt (Nguyễn Đình Khoa, sách đã dẫn, tr. 171).

Cả ba luận điểm về nhân chủng học của tác giả đưa ra đều có vấn đề trầm trọng, sai lạc đến mức không thể chấp nhận được:
1.     Người Indonesians và người cổ Mã Lai là các bộ phận của nhóm người lớn hơn được gọi là Nam Đảo (Austronesians).  Các học giả vẫn tranh cãi về nguồn gốc của nhóm người này.  Nhiều học giả lâu nay vẫn cho rằng người Nam Đảo có nguồn gốc từ nam Trung Quốc, sau đó di cư đến Đài Loan rồi tiếp tục đi về phương nam xuống đến Phillipines trước khi tản mác khắp vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương.  Những người khác thì lại cho rằng người Nam Đảo xuất hiện đầu tiên tại Đông Nam Á.  Nhưng dù sao thì, KHÔNG AI trong số những học giả tôi được biết, cho rằng ‘người Mongoloid từ Tây Tạng’ có bất cứ mối liên quan nào với người Nam Đảo cả.  Mặc dù tác giả có dẫn một công trình xuất bản năm 1976 của Nguyễn Đình Khoa, hàm ý đây không phải là ý của tác giả, nếu có sai thì các công trình xuất bản trước đó đã phải được chỉnh sửa rồi.  Tác giả nghĩ rằng, việc trích dẫn một công trình đã mấy mươi năm cũ như thế cho thấy các chủ thuyết này đã được học giới công nhận.  Nhưng tác giả không biết rằng, tri thức học thuật về nguồn gốc và ngôn ngữ nhân loại luôn luôn thay đổi, có khi chỉ vài tháng là đã bị đào thải rồi.  Hơn nữa, tri thức học thuật Việt Nam vào thập niên 1970s tuyệt đối không phải là đỉnh cao trí tuệ.  Vậy thì tại sao trên đời này lại còn một học giả vào năm 2004 vẫn dựa vào một công trình của Việt Nam từ năm 1976 để viết về chủ đề này?
2.     Hãy nói riêng về thuật ngữ Nam Á (Austro-Asiatic) thôi, đây là một thuật ngữ thông dụng để chỉ một nhóm các ngôn ngữ hiện nay vẫn đang được sử dụng từ Ấn Độ đến Việt Nam, nhưng KHÔNG PHẢI là ở nam Trung Quốc và các vùng thuộc bắc bán đảo Đông Dương.  Theo tôi được biết, thì không học giả nào lại cho rằng các ngôn ngữ này, và kể cả những người nói các ngôn ngữ ấy, lại xuất hiện ở khu vực nam Trung Quốc và bắc Đông Dương.  Có một số học giả nghiên cứu về di truyền học và cố gắng kết nối những người nói các ngôn ngữ Nam Á với nhau.  Tuy nhiên, các học giả này nói về một khu vực trải từ Ấn Độ đến Việt Nam, chứ KHÔNG PHẢI là nam Trung Quốc và các vùng bắc bán đảo Đông Dương.
3.     Môn-Khmer, Tày-Thái và Mèo-Dao là các thuật ngữ để chỉ các ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ khác nhau.  Các ngôn ngữ Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á, Tày-Thái thuộc ngữ hệ Tai, còn Mèo-Dao thuộc ngữ hệ Hmong-Miến.  Không một nhà ngôn ngữ học phương Tây nào lại cho rằng các ngữ hệ riêng biệt này đã phát triển từ ngữ hệ ‘Nam Á’ (hoặc từ người Nam Á) trong 5 ngàn năm qua cả (hoặc từ bất kỳ một nhóm riêng lẻ nào trong vòng 5 ngàn năm qua).

Điều đó cho thấy rằng, nền học thuật nước ta hãy còn quá lạc hậu, đi chậm với thế giới ít nhất là 60 năm.  Một tác giả du học ở Nga, mang học hàm Giáo sư Tiến Sĩ, kiêm luôn Viện Sĩ tại Việt Nam mà còn như thế, huống chi là các học giả khác.  Việt Nam đã ‘đổi mới’, đã ‘mở cửa ra thế giới’ từ năm 1986, thì không có bất cứ lý do gì để công bố một công trình như thế này.  Tại sao lại có tình cảnh kinh hoàng đó?  Nếu chưa nắm chắc những gì mình đang viết, thì tác giả có thể nhờ ông ‘thánh’ Google gõ tìm giúp trên mạng kia mà.  Này nhé, nếu gõ ‘Nguồn gốc người Nam Đảo’ (Austronesians origins) thì sẽ thấy ngay rằng, người Mongoloid Tây Tạng không liên quan gì đến vấn đề đang được bàn thảo cả.  Không đọc được tiếng Anh ư?  Thế thì tác giả không nên viết sách để nói về vấn đề này.

Theo tôi, rất dễ hiểu tại sao một tác giả cỡ hàng Giáo sư Tiến Sĩ như Trần Ngọc Thêm lại mắc phải lỗi lầm quá ư sơ đẳng và tai hại như vậy.  Chỉ vì chủ nghĩa dân tộc mà tác giả và giới nghiên cứu trong nước đang đeo đuổi đó thôi.  Để chứng minh rằng, các dân tộc Việt Nam đều có chung một nguồn gốc, các ông cần phải lờ đi tri thức học thuật của các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã làm từ hơn nửa thế kỷ qua.

Cuối cùng, mục đích của học thuật là gì, nếu không phải giúp cho người đọc mở mang tri thức để ngày càng trở nên hiểu biết hơn.  Ngược lại, bất kỳ ai đọc và tin vào những điều mà tác giả Trần Ngọc Thêm viết trong công trình trên, khéo chừng sẽ trở nên tối dạ đi thôi.  Đó là thực trạng của nền học thuật nước ta hiện nay, trong đó có quá nhiều điều bị bưng bít, hoặc không đủ khả năng bắt kịp với trào lưu của thời đại.

Anthony Trần
(viết cho riêng mình)


Tài liệu tham khảo
1.     Albert Memmi – Portrait du colonisé, précédé par Portrait du colonisateur (nguyên bản tiếng Pháp), 1957.
2.     Albert Memmi – The Colonizer and the Colonized (bd. Tiếng Anh của Howard Greenfield), Beacon Press (Boston), 1965.
3.     Albert Memmi – Decolonization and the Decolonized (bd. Tiếng Anh của Robert Bononno), University of Minnesota Press (Minneapolis), 1981, 160 tr.
4.     Edward Wadie Said – Orientalism, Vintage Books, 1978.
5.     Edward Wadie Said – Đông Phương luận (bd. Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Rì, Trần Văn Tụy, hiệu đính Trần Tiễn Cao Đăng), nxb Tri Thức, 2013.
6.     Keith Weller Taylor – ‘Một đánh giá về thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam’ (‘An evaluation of the Chinese period in Vietnamese history’), The Journal of Asiatic Studies (Đại học Korea, Seoul) tập 23, số 1 (Tháng Giêng, 1980), tr. 139-164.
7.     Keith Weller Taylor – The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983.
 
Mời đọc thêm
 
8.     Keith Weller Taylor – A History of the Vietnamese, Cambridge University Press, 2013 (696 tr.).
9.     Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, bản in đầu tiên, nxb TP HCM, 1996 (680 tr.).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire