caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 6 décembre 2016

Như một phản diện: Donald Trump, tác giả Trần Hữu Thục.

Có những bài thơ phá cách trở thành xuất sắc.

Có những con người ngoại lệ có thể làm nên lịch sử.

Thế kỷ 21 có những quốc gia vô cùng hỗn độn mà lời nói bóng bẩy chẳng còn mấy ai quan tâm và gìn giữ bằng lối nói chuyện thực tế, thô lỗ.

Trong những lối đặt nhạc, người ta cũng thấy xuất hiện lối nhạc rap thật khó nghe, nhưng phản ánh sự thật của đường phố và gia đình.

Có những tiệm quần áo bình dân mà được mở ra ở những con đường sang trọng nhất.

Tại sao có những biến chuyển kỳ quặc như thế mà người ta vẫn thích thú nghe, nhìn và quan tâm hơn những chuyện y như trong sách vỡ, nhàm đến chưa đi đã biết, chưa nhìn đã tỏ, chưa nói đã cần im.

Theo tôi, có lẽ ngôn ngữ nhà giàu từ cái khó do chính mình tạo ra không làm cho mình sợ bất cứ chuyện gì có thể xảy đến cho mình.

Một người, chỉ từ hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp và trở nên giàu có thì, cuộc đời cũng chưa chắc được trôi thong dong như một dòng sông không ghềnh thác.

Những con người phải đấu tranh để có tất cả và mất tất cả và còn chịu khó tiếp tục đứng lên thì thật hiếm. Họ sẽ không bao giờ phá hủy tất cả những công khó của họ lập ra và nếu họ bỏ công sức ra giúp người thì quả đây là sự ngoài sức tưởng tượng.
 
Kính mời quý anh chị đọc bài phân tích dưới đây của ông Trần Hữu Thục để biết thêm về ứng cử viên tổng thống mỹ tới đây.

Caroline Thanh Hương

Như một phản diện: Donald Trump


donald-trump-
I’m really rich
I am what I am
I have a lot of money, but I want to be me. (Donald Trump)
Julian Zellzer của CNN gọi Trump là “ông vua gây ra tranh cãi” (king of controversy). Tôi gọi Trump là một phản diện. Độc đáo, khác thường, Trump xuất hiện đột ngột, làm xáo trộn cái không khí tranh cử vốn thường nghiêm túc và lịch sự trên chính trường Mỹ.
Là một người của công chúng, Trump vi phạm hầu như tất cả những chuẩn mực thông thường của bất cứ một cá nhân nào khi giao tiếp với đám đông. Đối với một chính trị gia, hơn nữa, một chính trị gia đang muốn làm tổng thống của cường quốc số một trên thế giới, vi phạm đó lại càng trầm trọng. Đã thế, vi phạm ở đây không do lỡ lời, bất cẩn hay ngu dốt, mà hoàn toàn được chuẩn bị. Nói một cách khác, Trump vi phạm một cách hoàn toàn có chủ ý. Chủ ý ngay từ đầu. Khi loan báo ra tranh cử tổng thống, ông đã đưa ra một lời lên án thẳng thừng về chuyện di dân nhập cảnh bất hợp pháp từ Mexico: đó là những người đã mang vào Hoa Kỳ ma túy, tội phạm và hiếp dâm.
Một lời tuyên bố vô cùng phi-chính trị! Chẳng thế mà có báo gọi ngay Trump là một gã hề. Tờ “The Economist” (Anh) cho Donald Trump là một loại ứng cử viên bất bình thường, thô lỗ, một loại người “không thể được bầu” (unelectable). Một tờ báo khác, Huffington Post, đã đưa các bản tin liên quan đến Donald Trump vào mục giải trí thay vì tin thời sự. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, khi điểm thăm dò dư luận của ông lên cao một cách bất ngờ, thậm chí khó hiểu, Trump bỗng trở thành một con người khác. Hay nói cho đúng, người ta nhìn Trump một cách hoàn toàn khác. Ông ta trở thành một ứng cử viên “rất có thể được bầu” (very electable), nghĩa là nước Mỹ rất có thể có một tổng thống tên là Donald Trump vào tháng 11/2016! Từ chỗ là một hiện tượng bất thường, Trump trở thành một sự kiện hấp dẫn. Từ chỗ là một nhân vật phi chính trị, hài hước, dở hơi, ông trở thành một ứng cử viên sáng giá và chỉ trong một sớm một chiều, đẩy các chính trị gia sừng sỏ khác của đảng Cộng Hòa vào bóng mờ. Ông được sự ủng hộ khá cuồng nhiệt của một số đông đảo quần chúng, đến nỗi nhà báo Melanie Tannenbaum gọi là chứng “nghiện Trump” (Trump-mania).[1] Đó là một hiện tượng gắn liền với thứ tâm lý thù ghét cái được gọi là “political correctness” cần được giải mã, theo bà.
Xin lưu ý nhóm từ “political correctness”. Có thể nói, về một mặt nào đó, hiểu nhóm từ này sẽ một phần nào hiểu được tính cách phản diện của Trump. “Political correctness” (danh từ) và “politically correct” (tính từ), viết tắt là PC hay pc (đừng lẫn lộn với PC = personal computer) – có một lai lịch khá phức tạp[2] và được sử dụng một cách khá phổ biến ở Hoa Kỳ vào khoảng thập niên cuối thế kỷ thứ 20 -, là cách dùng ẩn dụ để chỉ một hình thức phát ngôn được chọn lựa cẩn thận. PC, nói chung, mô tả lối phát ngôn thận trọng của bất cứ một ai khi truyền đạt đến công chúng, cố tránh dùng ngôn ngữ hay cử chỉ có thể bị xem là xúc phạm, kỳ thị hay có vẻ chỉ trích một nhóm người đặc thù nào đó trong xã hội, nhất là khi liên quan đến chủng tộc hoặc giới tính. Stephen Morris, đại học Yale, hiểu PC một cách tổng quát hơn.[3] Theo ông, vì một số phát ngôn nào đó khiến người nghe có những suy diễn bất lợi về xu hướng hay lập trường của diễn giả, cho nên, đối với những vấn đề nhạy cảm, diễn giả tìm cách thay đổi cách nói để tránh những suy diễn này. Đó là PC. Tại sao? Vì những suy diễn bất lợi thường có xu hướng gia tăng và biến thành một vụ tai tiếng.
Sự thận trọng trong ngôn ngữ hay hành vi đối với những người giao tiếp với công chúng mọi loại, thực ra, không chỉ giới hạn trong một vài nhóm, vài giới, mà với hầu như tất cả mọi người: giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc, truyền thông…Tóm lại, phải thận trọng tối đa trong giao tiếp, không những trong cách hiểu trực tiếp mà còn ngay cả trong sự suy diễn do cách sử dụng từ ngữ gây ra.
Nội hàm của nhóm từ này khá đặc biệt, nên khó có thể tìm ra một từ tương đương ngắn gọn trong tiếng Việt. Tra thử một từ điển Anh-Hán trên mạng,[4] ta thấy “political correctness” được dịch theo chữ một: 政治上的正确性 (chính trị thượng đích chính xác tính), tức là “chính trị chính xác,” ý muốn nói đến sự chính xác trong chính trị. Rõ ràng là cách dịch này hoàn toàn không dính dáng gì đến ý nghĩa thực sự của nó trong cách người Mỹ sử dụng. Một ai đó trên mạng đề nghị dịch là 交际婉语 (giao tế uyển ngữ) dùng cho danh từ "political correctness", và 交际用语委婉 (giao tế dụng ngữ ủy uyển) dùng cho tính từ "politically correct". Nghe khá sát và hợp nghĩa. Nhưng trông có vẻ “Hán ngữ” quá, nên tôi tạm dịch là “phát ngôn thận trọng” hay “phát ngôn phải đạo” nghe có vẻ Việt ngữ hơn. Cho tiện, xin được gọi gọn là “phải đạo”. Hai chữ “phải đạo” mượn từ một bài viết của Hoàng Ngọc Hiến khi nhà phê bình văn học này đề cập đến các tác phẩm văn học Cộng Sản trước thời kỳ đổi mới, mà ông gọi là “văn học phải đạo”.[5] Văn học phải đạo là thứ văn học tuân theo chính sách của đảng Cộng Sản cho phải phép, phải việc, tránh khỏi những điều rắc rối.
Đối với một chính trị gia ở Hoa Kỳ, thì cách ăn nói phải đạo là thận trọng, tránh đưa ra những nhận xét có thể được giải thích hay được suy diễn như là phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chống tuổi già, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo, chống các nhóm quyền lực; tóm lại, thận trọng trong những vấn đề nhạy cảm. Có thể nói, phát ngôn cho phải đạo là cá tính thứ hai của các lãnh tụ chính trị chuyên nghiệp. Họ là những kẻ thường được nuôi dưỡng trong một môi trường với một bản danh sách những cạm bẫy về mặt ngôn ngữ và/hoặc cử chỉ nên tránh khi giao tiếp với quần chúng. Khi phát ngôn trong bất cứ trường hợp nào, họ phải ăn nói và hành xử với một sự tự chế cao độ, tránh tất cả mọi sơ hở có thể khiến cho đối thủ hay báo chí khai thác.
Donald Trump hoàn toàn khác. Trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên với các ứng cử viên khác thuộc đảng Cộng Hòa, Trump đã đưa ra một lời tuyên bố có tính cách nguyên tắc khi trả lời cho một câu hỏi khúc mắt của bà điều hợp viên Megyn Kelly: “Tôi cho rằng vấn nạn lớn của xứ sở này là lối phát ngôn phải đạo. Tôi đã bị quá nhiều người phản đối, và nói trắng ra, tôi chẳng dư thì giờ cho thứ phát ngôn phải đạo toàn diện đó. Và nói thực với cô, xứ sở này cũng chẳng dư thì giờ.”[6] Sau đó, trong một dịp khác, Trump nhắc lại: “Tôi quá chán ngán với loại chuyện tầm phào phải đạo này”[7] Báo chí gọi Trump là một anti-PC (anti-politically correct), người “chống-phát-ngôn-phải-đạo”. Chính thái độ này đã tạo nên tính cách phản diện của Trump. Nếu phát ngôn phải đạo là không (hay làm ra vẻ không) phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi già, tôn giáo, nghề nghiệp…thì Trump, ngược lại, không thận trọng mảy may khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. Các phát ngôn của ông đều không ít thì nhiều nhuốm tính cách phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chống truyền thông, và chống ngay cả giới chức quyền lực của đảng Cộng Hòa, đảng mà ông đang vận động để được đề cử làm ứng cử viên. Một ứng cử viên chống-phải đạo toàn diện.
– Trước hết, ông không ngại đụng chạm đến vấn đề chủng tộc.Vừa tuyên bố ra tranh cử tổng thống, Trump đề cập ngay đến vấn đề di dân bất hợp pháp mà Hoa Kỳ đang phải đối phó. Thay vì nói quanh co cho phải phép, ông gọi những di dân bất hợp pháp từ Mexico chỉ “mang vào xứ sở này ma túy, tội phạm, hiếp dâm.” Không những tấn công di dân Tây Ban Nha, ông còn tấn công cộng đồng Á châu bằng cách bêu riếu cách nói tiếng Anh của người Trung quốc và Nhật. Trong khi đi vận động ở tiểu bang Iowa vào ngày 25/8, nói về chuyện thương thuyết với người Nhật, với người Tàu, ông chê họ chỉ là những người chỉ biết đi tìm kiếm lợi nhuận qua các hợp đồng chứ chẳng có chút lịch sự tối thiểu nào.
– Trump chống phụ nữ. Ông tấn công không thương tiếc, thậm chí sỉ nhục người điều phối viên của đài Fox News, Megyn Kelly, khi bà này đưa ra một câu hỏi khó với Trump. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Trump chẳng hề ngượng miệng khi nói: “Anh có thể nhìn thấy máu me chảy ra từ mắt bà ấy, máu me chảy ra từ bất cứ cái gì ở bà ta.” Trong một lần phỏng vấn khác với Rolling Stone, Trump lại sỉ nhục một phụ nữ khác, ứng cử viên cùng đảng (Cộng Hòa), bà Carly Fiorina, khi cho rằng cái “bản mặt” của bà này chẳng có ai bầu và chẳng có thể là tổng thống của nước Mỹ.
– Trump chống thành phần ưu tú và có thế lực. Ông chế giễu và bác bỏ ý kiến phổ biến cho rằng Mc Cain là anh hùng chiến tranh. “Ông ta là anh hùng chiến tranh bởi vì ông ta đã bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt.” trong một lần khác, Trump cho rằng McCain chẳng làm được gì nhiều cho các cựu chiến binh. “Tôi hết sức thất vọng về John McCain,” Trump nói. Ông còn chế giễu một ứng cử viên Cộng Hòa khác gốc Ấn độ là Bobby Jindal khi cho rằng ông ta không đáng được Trump nói chuyện vì chỉ chiếm chưa tới 1% trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông phê phán cả Karl Rove, một nhân vật có thế lực của đảng Cộng Hòa và là người đã từng đưa George Bush (Bush con) lên làm tổng thống hai nhiệm kỳ.
– Trump chống truyền thông. Các ứng cử viên thường rất o bế truyền thông vì sợ các ký giả đưa tin và hình ảnh thiên lệch về mình. Như đã đề cập ở trên, thay vì trả lời, Trump bắt bẻ lại người điều phối viên của đài Fox News Megyn Kelly khi bà này đưa ra một câu hỏi hóc búa nhằm làm khó làm dễ mình. Cũng cùng ngày, 25/8, trong một cuộc họp báo, ông ta thẳng thừng đuổi ký giả Jorge Ramos của đài truyền hình Univision ra khỏi phòng vì ông này cắt đứt buổi nói chuyện của ông bằng cách phê phán chính sách di dân của mình. “Ngồi xuống. Chẳng ai gọi ông cả. Cút về cái đài Univision của ông đi,” Trump bảo. Một lần khác, tại cuộc tập hợp đông đảo quần chúng ủng hộ ở Dallas, Trump gọi bình luận gia tờ Washington Post, George Will, là một “tai họa”, gọi chung những bình luận gia bảo thủ, kể cả Karl Rove – chiến lược gia của tổng thống Bush-con- là một “đám thua cuộc” (group of losers).
Tóm lại, Trump xuất hiện như một nhân vật chống lại các định chế và thói quen có sẵn.
Không chỉ có thế. Tính cách phản diện của Trump còn tìm thấy ở một số điểm khác. Theo một số nhà chuyên môn, sự nổi danh và hấp dẫn quần chúng của Trump còn toát ra từ cách nói, cách dùng chữ và cách diễn tả. Các chính trị gia thường xuất hiện nghiêm túc, nói những câu, chữ y như đã sắp đặt sẵn, nghĩa là, nói những điều mà hầu như ai cũng có thể đoán trước hay mong đợi được nghe. Trump thì khác. Mỗi một lần xuất hiện, Trump ăn nói thẳng thừng, không quanh co, sẵn sàng bêu riếu đối thủ và những người chỉ trích và có khi đốp chát với người phỏng vấn mình. Nhiều phát biểu ứng khẩu của ông nghe bất ngờ, mới mẻ, gây sửng sốt – và thích thú (!) – cho người nghe. Có lúc chúng như những phát súng bắn thẳng vào khán giả hay đối thủ. Nói như Kelly, điều hợp viên cuộc tranh luận của các ứng cử viên Cộng Hòa, Trump là người luôn luôn “nói thẳng ý mình và không sử dụng bộ lọc của một chính trị gia.”[8] Trump không ngần ngại lột trần sự thật về những đề tài vốn được các chính trị gia khôn ngoan tìm cách tránh trút. Nói cách khác, ông ta nói những điều vốn không được trông đợi ở một chính trị gia chuyên nghiệp. Đối với một số người, cách phát biểu như thế chẳng đáng yêu thích gì, nhưng thà vậy còn hơn là nói láo hay nay nói thế này mai lại nói thế khác (flip-flopper).
Mặt khác, trong lúc các chính trị gia thường thích dùng những danh từ nghe “kêu” nhưng chẳng mang thêm điều gì mới mẻ thì Trump, ngược lại, sử dụng loại từ ngữ trực tiếp, cụ thể, ngắn gọn. Để thấy rõ sự khác biệt này, giáo sư ngữ học Mark Yoffe Liberman,[9] đại học Pennsylvania, so sánh cách dùng chữ của Trump với một ứng cử viên điển hình khác là Jeb Bush. Bush hay dùng những từ như “chiến lược”, “chính phủ”, “tổng thống”, “Hoa Kỳ” hay “tăng trưởng”, “nhà nước”; còn Trump thích dùng chữ “tôi” và chữ “Trump”. Khoảng 8 trong 13 chữ mà Trump hay dùng chỉ có một vần và những chữ hai vần thường rất giản dị như “very”, “China” và “money”. Cách phát âm của Trump cũng khá đặc thù. Ông thích nhấn mạnh và kéo dài ở nguyên âm đầu, chẳng hạn như l-ooo-ser (loser), m-ooo-ron (moron), Ch-iii-na (China), vân vân.
image
Cũng khác với nhiều ứng cử viên khác, Trump thường hay dùng tay để diễn tả bản thân và ý tưởng của mình. Trump dùng cả hai tay mở rộng, chuyển động lên xuống theo lời nói. Nhìn cách nói chuyện, người ta có cảm tưởng ông là một người có đầy cá tính, như bao trùm hết cả khoảng không gian chung quanh. Những ngón tay cũng thế, bao trùm quanh chỗ đứng. Với cung cách đó, “Ông ta tự làm cho mình trở nên rộng hơn về mặt thể xác” và điều đó góp phần làm nổi rõ tính cách của ông ta. “Bàn tay lớn tạo nên nhân vật lớn.”[10]
Phân tích sự thành công bất thường của Trump, trong một bài báo có tựa đề “Donald Trump Wins in Battle Against Political Correctness”,[11] Jeff Crouere cho rằng dân Hoa Kỳ hiện nay quá chán với vấn nạn di dân bất hợp pháp và hàng rào biên giới chống nhập cảnh lậu. Chẳng có nước nào mà di dân lậu được hưởng nhiều quyền lợi như ở Hoa Kỳ. Theo Trump, trong cái xã hội thích sử dụng lối nói uyển ngữ, sợ mích lòng người này người nọ, giới này giới nọ, không ai dám nói lên sự thật đó. Tại sao? Rõ ràng là vì lợi nhuận. Phe Dân Chủ thì được hưởng lợi nhờ con số những phiếu bầu giá rẻ (cheap votes); còn những nhà tư bản kiểm soát giới chức quyền uy trong đảng Cộng Hòa thì được hưởng lợi nhờ trả công lao động giá rẻ (cheap labor). Chỉ thiệt hại là thiệt hại cho người dân Hoa Kỳ bị mất việc làm hay trở thành nạn nhân của các hoạt động tội phạm do di dân bất hợp pháp gây ra. Thành ra, lối phát ngôn phải đạo chỉ là một cách tránh trút sự thật, là một thứ phát ngôn không chỉ “ba-phải” mà là đa-phải làm cho phía nào nghe cũng không cảm thấy mích lòng. Và rồi đâu lại hoàn đó, không hề giải quyết. “Đó là một thứ tai ách hết sức trầm trọng đã gây ra nhiều thiệt hại cho xứ sở chúng ta. Rốt cuộc, nó sẽ phá hủy nước Mỹ nếu không được nhổ đi tận gốc và xóa hẳn dấu vết,” theo Crouere.
Mặt khác, nhiều người Hoa Kỳ than phiền về ảnh hưởng càng ngày càng lớn đối với tâm lý quần chúng của các ngành truyền thông. Truyền thông trở thành một thứ quyền lực nằm đàng sau thế lực chế ngự xứ sở này. Những người ủng hộ Trump cho rằng truyền thông thiên vị và có xu hướng chống Trump, theo một cuộc thăm dò do “Public Policy Polling” thực hiện. Điều khôi hài là, chính truyền thông mọi loại, nhất là các đài truyền hình đã góp phần rất lớn và rất hiệu quả tạo nên hiện tượng Trump. Khai thác tối đa sự tò mò, hiếu kỳ của quần chúng, nhiều đài truyền hình liên tục đưa tin và hình ảnh về Trump: Trump cười, Trump nói, Trump đi, đứng, Trump vung tay múa ngón, ôm vai người này, bá cổ người kia đủ kiểu, đủ dạng, đủ loại. Tiếp sức cho TV là các cuộc thăm dò dư luận. Tôi thực sự không biết các hãng đã thăm dò theo phương pháp nào, nhưng chính các kết quả đưa ra liên tục đã ảnh hưởng tối đa, nếu không muốn nói là có tính cách quyết định, đối với sự chọn lựa của cử tri. Dẫu không tin nhưng dường như mọi người đều vẫn lệ thuộc vào các kết quả thăm dò này. Tất cả biến một nhân vật đáng ghét trở thành quen thuộc và nếu không hay chưa đáng yêu thì cũng đáng… xem. So với những Bush, Rubio, Clinton hay Sanders đứng trước micro như những diễn viên nghiêm túc, nói năng, cử động theo một cung cách được tập dượt trước, thì Trump xuất hiện lúc nào cũng sôi động, mới mẻ, bất ngờ. Thú thật, lúc đầu, mỗi lần thấy Trump xuất hiện là tôi không muốn nhìn hoặc chuyển TV qua đài khác. Nhưng không biết từ lúc nào, khuôn mặt ấy quen dần, khiến tôi đâm ra cũng muốn…nhìn cho biết, nhất là khi con số thăm dò dư luận của Trump lên cao và cuối cùng, dẫn đầu! Tiếp tục dẫn đầu.
Lưới truyền thông lồng lộng, bao la như biển như trời, quả không biết trốn đi đâu cho thoát!
Rõ là, truyền thông đã biến một nhân vật phản diện thành chính diện! Hay nói cách khác, Trump vừa là nạn nhân mà cũng vừa là sản phẩm của truyền thông. Phải chăng, chống truyền thông cũng là một cách truyền thông – và truyền thông có hiệu quả?
Trong một cuộc thăm dò dư luận khác (lại thăm dò!) do đại học Suffolk University thực hiện cho tờ “USA Today” (30/9/15),[12] (cũng lại truyền thông!) người ta được hỏi diễn tả Trump bằng một từ duy nhất. Kết quả là Trump được “tặng” cho những từ như idiot (xuẩn ngốc), jerk (xuẩn ngốc), arrogant (kiêu ngạo), nut (gàn dở), clown (hề), selfish (ích kỷ), pompous (đại ngôn), big mouth (to mồm), racist (kỳ thị), rude (thô lỗ)…. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (chừng 10%) là có tính cách tích cực hay khen như: thông minh, đáng tin cậy, thẳng thắn…Có lẽ chẳng ai, kể cả Trump, ngạc nhiên về hình ảnh xấu xa của Trump được vẻ ra qua cuộc thăm dò này. Và có lẽ Trump cũng chẳng mấy quan tâm. Vì sau đó thì qua các cuộc thăm dò dư luận khác, điểm của Trump vẫn cao và ông vẫn dẫn đầu, tiếp tục dẫn đầu. Ít ra cũng cho đến thời điểm này.[13]
Hóa ra, bất chấp những lời tuyên bố gây tranh cãi và cung cách tranh cử phi-truyền thống của mình, Trump vẫn chiếm được sự ủng hộ của nhiều nhóm bảo thủ nòng cốt của đảng Cộng Hòa. Hơn 80% những người ủng hộ Trump vẫn ở với ông ta bất chấp những gì được tiết lộ về ông. Lý do đơn giản là: họ ủng hộ Trump vì cung cách (style) của ông ta hơn là thực chất (substance), theo giáo sư McLennan trích dẫn qua một bài viết của Husna Haq.[14] Cuộc bầu cử 2016 có vẻ như là về tính cách lãnh tụ hơn là về các vấn đề chính sách. Husna quả quyết: “Trump không chỉ thách thức các quy luật về sự nghiêm túc chính trị mà còn viết lại chúng.”
Đừng tưởng cung cách đó chỉ là cảm hứng bất thường của Trump mà có thể xuất phát từ một ý niệm mang tính “triết lý” trong kinh doanh. Trong cuốn sách bán rất chạy bàn về kinh doanh, “The Art of the Deal", xuất bản vào cuối thập niên 1980, Trump viết: “Tôi chơi với trí tưởng tượng của con người. Tôi gọi đó là thứ ngoa dụ đáng tin. Đó là một hình thức cường điệu hồn nhiên và là một hình thức thúc đẩy rất hiệu quả.”[15]
Phải chăng Trump đã sử dụng hình thức “cường điệu hồn nhiên” này như một nghệ thuật tranh cử!
Và phản diện, rốt cuộc, là một nghệ thuật biến thành chính diện!
Hiện tượng Trump khiến tôi đâm ra ngờ vực cách hiểu nước Mỹ của mình lâu nay. Một nước Mỹ, tuy mở ra toang hoác, trần trụi với tất cả cái tốt đẹp lẫn xấu xa của nó, nhưng vẫn chứa đựng một cái gì bí ẩn.
Thực tình, tôi vẫn chưa hiểu hết những bí ẩn này, kể cả Donald Trump.
Trần Hữu Thục
10/2015
****************
Tài liệu tham khảo:
– Melanie Tannenbaum, Decoding Trump-Mania: The Psychological Allure of Hating Political Correctness, Scientific American(August 15/2015).
– Leonid Bershidsky, Trump’s Risky Bet Against Political Correctness, Bloombergview 7/8/2015. http://www.bloombergview.com/articles/2015-08-07/donald-trump-s-risky-bet-against-political-correctness
– Hoàng Ngọc Hiến, Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, tạp chí Văn Nghệ, Hà Nội 9/6/1079.
– Emily Atkin, What Language Experts Find So Strange About Donald Trump, Sep 15, 2015, Thinkprogress,
Sophia Tesfaye , “Jerk,” “idiot,” “buffoon”: Voters choose brutal words to describe Donald Trump, Salon 30/9/15
http://www.salon.com/2015/09/30/jerk_idiot_buffoon_voters_choose_brutal_words_to_describe_donald_trump/
– Jeff Crouere, Donald Trump Wins in Battle Against Political Correctness
– Husna Haq, Poll finds Trump ‘most electable Republican for 2016.’ Really?, The Chritian Science Monitor, 15/10/2015
Julian Zelizer, The Republican click-bait primary, CNN October 18, 2015.
http://www.cnn.com/2015/10/18/opinions/zelizer-republican-click-bait-primary/index.html
– Các bản tin thời sự của CNN, Yahoo….

[1] Melanie Tannenbaum, Decoding Trump-Mania: The Psychological Allure of Hating Political Correctness, Scientific American (August 15/2015).
http://blogs.scientificamerican.com/psysociety/decoding-trump-mania-the-psychological-allure-of-hating-political-correctness-part-2/
[2] Về định nghĩa của nhóm từ này, có thể tìm thấy trên nhiều trang mạng. Về lai lịch của nó, xem ở Wikipedia:
https://en.wikipedia.org/wiki/Political_correctness
[3] Leonid Bershidsky, Trump’s Risky Bet Against Political Correctness, Bloomberg View, August 7/2015. http://www.bloombergview.com/articles/2015-08-07/donald-trump-s-risky-bet-against-political-correctness
[4] http://www.mdbg.net/chindict/chindict.php
[5]“Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ nói năng ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn nảy sinh chủ nghĩa hiện thực phải đạo.” (Hoàng Ngọc Hiến, Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, tạp chí Văn Nghệ, Hà Nội 9/6/1079)
[6] I think the big problem this country has is being politically correct. I’ve been challenged by so many people and I don’t, frankly, have time for total political correctness. And to be honest with you, this country doesn’t have time, either.
[7] I am so tired of this politically correct crap
[8] One of the things people love about you is you speak your mind and don’t use a politician’s filter.
[9] Xem Emily Atkin, What Language Experts Find So Strange About Donald Trump, Sep 15, 2015
http://thinkprogress.org/politics/2015/09/15/3701215/donald-trump-talks-funny-2/
[10] Big hands make a big man. Xem Emily Atkin, chú thích trước.
[11] Jeff Crouere, Donald Trump Wins in Battle Against Political Correctness
http://www.christianpost.com/news/donald-trump-wins-in-battle-against-political-correctness-141154/
[12] Xem Salon.com, “Jerk,” “idiot,” “buffoon”: Voters choose brutal words to describe Donald Trump.
http://www.salon.com/2015/09/30/jerk_idiot_buffoon_voters_choose_brutal_words_to_describe_donald_trump/
[13] Thăm dò mới nhất của CNN/ORC ngày 14/10/15, Trump dẫn đầu trong các cử tri Cộng Hòa với 38% ở Nevada và 36% ở South Carolina.
[14] Husna Haq, Poll finds Trump ‘most electable Republican for 2016.’ Really?, The Chritian Science Monitor, 15/10/2015
http://news.yahoo.com/poll-finds-trump-most-electable-republican-2016-really-172815797.html
[15] I play to people’s fantasies. I call it truthful hyperbole. It’s an innocent form of exaggeration and a very effective form of promotion.
Xem Husna Haq.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire