Câu chuyện kể có những giai đọan gắn liền với lịch sử thời Việt Nam Cộng Hòa.
Có lẽ sẽ có một số binh lính ngày xưa sẽ thấy lại sự thật về một lúc nào đó của bản thân mình thời chinh chiến.
Cám ơn tác giả đã post bài và thu âm.
Caroline Thanh Hương
tt
tt
Mời quý anh chị đọc chút tiểu sử về tác giả Nguyên Vũ, trích từ báo Người Việt.
Ðôi điều ít biết về nhà văn Nguyên Vũ
Du Tử Lê
Từ trái qua: Nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nguyên Vũ. (Hình: NHP)
Nhưng không phải nhà văn quân đội nào cũng được người đọc đón nhận, như một tác giả nổi tiếng. Có số lượng sách tiêu thụ lớn.
Số nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm Văn Bình, hay Linh Phương… Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện Tình Buồn,” và “Mười Hai Tháng Anh Ði”; Linh Phương với “Kỷ Vật Cho Em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Ðào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú… Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
Theo nhà báo Ngọc Hoài Phương, hiện cư ngụ tại miền Nam California thì, những bài viết đầu tiên của Nguyên Vũ xuất hiện trên báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện, năm 1965.
Thời gian đó, nhà báo Ngọc Hoài Phương, tuy còn rất trẻ nhưng được chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện chọn vào vai trò phụ tá tổng thư ký tòa soạn, kiêm nhiệm trang văn nghệ; sau khi các nhà báo đàn anh như Sao Biển, Tâm Chung từ chối nhận lãnh trách nhiệm này.
Theo lời kể của nhà báo Ngọc Hoài Phương thì, thời gian đó, Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu là sĩ quan pháo binh, trú đóng ở miền Tây.
Thoạt đầu, Ngọc Hoài Phương khuyến khích họ Vũ viết về đời pháo thủ của mình, để Ngọc Hoài Phương lấy tiền nhuận bút, cho bạn tiêu vặt trong những lần về phép Sài Gòn.
Không ngờ, loạt bài của Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt.
“Ðược cái Nguyên Vũ viết rất nhanh,” Ngọc Hoài Phương kể.
“Buổi tối anh em đi chơi, ăn nhậu với nhau tới khuya mới giải tán. Về nhà, họ Vũ có thể viết tới sáng. Vì thế, sau mỗi tuần về phép Saigon, trước khi trở lại đơn vị, bao giờ Nguyên Vũ cũng gửi lại tòa soạn Thời Luận số bài đủ để ‘đi’ cả một tháng. Nhờ thế mà tòa soạn rất yên tâm về loạt bài của Nguyên Vũ. Nghĩa là người phụ trách là tôi, không phải lâu lâu lại nhắn tin ‘…Hết bài rồi. Gửi bài gấp…’ như từng xẩy ra với nhiều nhà văn viết feuilleton khác.” Nhà báo Ngọc Hoài Phương nhấn mạnh.
Vẫn theo lời kể của Ngọc Hoài Phương thì ông không nhớ nhà văn Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu cộng tác với báo Thời Luận bao lâu? Ông chỉ biết sau một thời gian ngắn, tên tuổi họ Vũ nổi tiếng khắp nơi, nên Nguyên Vũ được nhiều báo Sài Gòn thời đó, mời viết feuilleton cho họ. Và, cũng vì thế mà Nguyên Vũ không còn thì giờ viết cho Thời Luận nữa.
Trong loạt bài chủ đề “Văn Học Miền Nam,” nhà văn Nhị Linh đã viết về Nguyên Vũ, một đoạn ngắn, với các chi tiết, như sau:
“Trước 1975, Nguyên Vũ là tác giả của nhiều tác phẩm về cuộc đời lính.
“Sinh năm 1942 ở Hải Dương, Nguyên Vũ (tên thật Vũ Ngự Chiêu) học khóa 16 Thủ Ðức, sau khi tốt nghiệp trở thành lính pháo binh.
“Sau 1975, Vũ Ngự Chiêu học tiếp ở Mỹ, lấy bằng tiến sĩ sử học, viết nhiều công trình sử học bằng tên thật và bút danh Chính Ðạo.”
Về một số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyên Vũ, được Nhị Linh liệt kê gồm có:
“Ðời Pháo Thủ (ký sự chiến trường) do Chọn Lọc in năm 1967 là một tác phẩm thuộc giai đoạn sớm của nhà văn Nguyên Vũ.
“Thềm Ðịa Ngục do Ðại Ngã in năm 1969, cũng có nhiều chi tiết liên quan đến pháo binh, mặc dù nhân vật chính thuộc biệt động quân đang chịu án do tội ‘đào binh’ phải đi làm ‘lao công’…”
Phần tư liệu trong bài viết của mình, nhà văn Nhị Linh cũng chụp lại bìa một số tiểu thuyết của Nguyên Vũ, như “Uyên Buồn, Nguyệt Thực, Bóng Tối Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang, Sau Cơn Mộng Dữ, Lửa Mù, Ðêm Hưu Chiến, Mồ Hôi Mũ Ðỏ, Vòng Tay Lửa (tập một)”… (2)
Mặt khác, vì trên mạng có quá ít tư liệu về nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, nên một độc giả đã gửi câu hỏi đại ý “Nguyên Vũ là ai” cho trang mạng Wikipedia-Mở. Và trang mạng này chọn một câu trả lời tương đối đầy đủ nhất của độc giả Tường Vi Trắng, cách đây 7 năm, nguyên văn như sau:
“Câu trả lời hay nhất: Chính Ðạo là một trong hai bút danh của Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975. Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QLVNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp tiến sĩ Sử tại Ðại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại Ðại Học Houston năm 1999.
“Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có “Ðời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Ðịa Ngục (truyện), Ðêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Ðêm Da Vàng (trường thiên), v.v… Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Ðổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Ðỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.
“Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Ðạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945) gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Ðạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.
“Ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (1945-1975) tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963); Từ Ðiện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Ðại; Mùa Phật Ðản đẫm máu (1963); và ‘Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long.
“Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của một số người. Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Ðó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó.” Nguồn: http://www.geocities.com/docsu17/noichuy…
(Còn tiếp một kỳ)
Chú thích:
(1) Ðược biết, cũng như bài “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” của Vũ Hữu Ðịnh, bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của Linh Phương do thi sĩ Trần Dạ Từ đưa cho cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, sau khi hai bài thơ vừa kể, đã được đăng trên một tờ báo do ông phụ trách.
(2) Nguồn Wikipedia-Mở
Những góc
khuất của người lính trong văn xuôi Nguyên Vũ
Nguồn:nguoiviet.com – Friday, September 11, 2015
Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com – Friday, September 11, 2015
Du Tử Lê
(Tiếp theo
và hết)
Sau một thời
gian, thấy công trình tim, óc của mình bị các nhà xuất bản “bóc lột” một cách
quá tay, nhà văn Nguyên Vũ (một trong vài nhà văn thuộc 20 năm VHNT miền Nam,
có số lượng sách tiêu thụ lớn nhất – tính chung cho cả nhà văn gốc quân đội và
dân sự); họ Vũ đã thành lập nhà xuất bản Ðại Ngã để tự in sách của mình, cũng
như của bằng hữu (3).
Ðiều đáng
nói là ấn phẩm của họ Vũ mang tên nhà Ðại Ngã, bao giờ cũng cao hơn những ấn phẩm
cùng loại, cùng số trang (độ dày) của các nhà XB khác, từ 10 tới 15%.
Lại nữa, phần
trăm mà nhà Ðại Ngã để cho các nhà phát hành cũng ít hơn thông lệ…
Thế nhưng hầu
như nhà phát hành hoặc nhà sách nào, cũng phải “order” ấn phẩm của Nguyên Vũ,
vì nhu cầu của độc giả toàn quốc khá lớn.
Có thể có
nhiều lý giải khác nhau về sự kiện họ Vũ là một trong vài nhà văn có số lượng
sách tiêu thụ cao nhất miền Nam, giai đoạn 1954-1975.
Riêng tôi,
tôi nghĩ, tuy thời điểm đó, chúng ta có khá nhiều nhà văn viết về đời sống,
sinh hoạt của người lính… Nhưng tuyệt nhiên, người đọc không thể tìm thấy hình ảnh
người lính trong tiểu thuyết, bút ký Nguyên Vũ là những hình ảnh cường điệu, kiểu
“lính hào hoa,” “lính đa tình” hoặc, hình ảnh người lính như những “hoàng tử”
trong tâm tư các em gái hậu phương. Những cường điệu, những phấn son tô hồng
đó, hoàn toàn trái ngược với đời thực của người lính, trong bối cảnh chiến
tranh tàn khốc mà, cam khổ vốn là thuộc từ người lính phải kinh qua…
Tôi muốn
nói, người lính trong văn xuôi họ Vũ, dù cấp bậc nào, cũng là một người bình
thường, với những bi phẫn của đời lính chiến. Bút lực hay ý thức vai trò nhà
văn của họ Vũ, đã soi rọi vào những góc khuất buồn, vui, nhục nhằn của đời lính
– – Tựa đó là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng dẫn đường hoặc, trách nhiệm, tâm
thái văn trước nhiễu nhương, tang tóc của tổ quốc.
Nếu không kể
Phụ Bản là 3 bài thơ của họ Vũ, có tên chung: “Những bài ca buồn đời lưu dân,”
(thì,) ngay chương thứ nhất, tiểu tựa “Ói Máu,” ghi Quy Nhơn ngày 31 tháng
3,1975, tác giả đã tâm sự:
“…Tôi cũng
hiểu mình chỉ là, và chỉ muốn là, một nhà văn. Tôi không hề có tham vọng chính
trị. Nhưng nhà văn, theo tôi, không thể tự cô lập trong thế giới chữ nghĩa
riêng mình. Con dân một nước chậm tiến, nơi những con triều văn minh kỹ nghệ
Tây Phương mới chỉ phá vỡ thế giá cũ nhưng chưa đủ sức tạo dựng những khuôn thước
mới, nơi những kẻ cai trị thường nhìn những người cầm bút như bầy chó dại, như
loài chuột mang vi trùng dịch hạch, một nhà văn dường phải đảm nhiệm vai trò
người giác đấu, một Promotheus đánh cắp lửa trời, mang ánh sáng xuống trần
gian. Mỗi chữ, mỗi câu là nỗi vinh quang và hổ nhục của những phấn đấu không ngừng
nghỉ trong sứ nhiệm phục hồi quyền chức con người mà đã nhiều thế kỷ, dân tộc
Việt bị tước đoạt…” (Xuân Buồn Thảm, tr. 23) (4)
Những dòng
chữ trên, được họ Vũ viết trong “Những ngày cuối cùng của Nam Việt Nam,” đầy hỗn
loạn, xáo trộn với những thủ đoạn, bắt bớ, thanh toán, trừ khử với nhiều lý do
từ nhiều phía trong cơn hấp hối, giữa tâm bão thời thế cực kỳ hiểm nguy này. Dù
được cảnh báo, can ngăn từ bằng hữu (và cả từ cha, anh), nhưng tư cách, lương
tri nhà văn đã không cho phép họ Vũ đi tìm cho cá nhân mình, một nơi chốn ẩn
núp an toàn!
Trong phần
“bạt” cuối sách, những con chữ tươm, đẫm ưu tư của họ Vũ về một giai đoạn lịch
sử, đất nước, con người, cũng được ông ghi lại, như những hồi chuông, hoặc những
nén nhang tâm tưởng, thắp lên, một lần nữa, cho đồng bào (hay đất nước của
mình?).
Tác giả viết:
“… Mười năm…
Mùa Ðông thứ mười giữa lòng Paris, đọc và nhuận sắc những điều đã viết mười năm
xưa trước khi trao cho nhà xuất bản tập bút ký Xuân Buồn Thảm này. Những cảnh,
những người, những tâm động của một khoảng thời không vỡ tim, nát óc còn kích
xúc lên hệ não những bồng bềnh, chếnh choáng của cơn mộng dữ. Và rồi, như trong
cơn địa chấn, như phiên chợ ma, như ngày đại hội của những vong hồn uổng tử –
trong tôi – nghiêng đảo tiếng pháo bom cầy nát ruộng đồng, làng mạc; ngạo nghễ
nhẩy mứa những ngọn lửa hồng, những cuộn khói xám chì mờ phủ mục tiêu, những
thây ma vỡ nát, phình trương, chết đủ cách, đủ kiểu. Trong tôi, gợn lạnh tiếng
thét rú thê lương của những kẻ bất đắc kỳ tử giữa trận tuyến, hay được khéo léo
ngụy trang, che lấp bằng bản nhạc quân hành, những bản cải lương mùi mẫn từ những
chiếc loa phóng thanh của một trại cải tạo hay một trại giam cứu. Trong tôi, chập
chờn nghiêng đảo những khuôn mặt phính tròn, dư thừa da thịt và lạc thú, nhói
buốt những tiếng cười khả ố của bầy quạ ưng chiến tranh nơi trà đình, tửu quán,
công viên hay dinh thự. Trong tôi, khảm khắc xuống thật sâu những nếp nhăn khắc
nghiệt của thời gian và cơ khổ trên khuôn mặt của ông lão 70 đang oằn run dưới
gánh củi độ nhật trưa nắng cháy thung lũng Quế Sơn; khô cằn rễ khoai, rễ sắn cứng
như đay gai giữa hàm răng sữa của đứa cháu Nông Sơn vừa dứt vú mẹ. Trong tôi,
hình ảnh những con tàu địa ngục vượt Thái Bình Dương mùa Xuân năm nào, những
hình ảnh rũ mỏi, tả tơi trên những con lộ máu dẫn từ cao nguyên về hướng biển,
từ Quảng Trị, Thừa Thiên đổ vào hay Quảng Tín kéo ra Ðà Nẵng, những kinh hoàng
thô bạo của bầy thú điên trên những tầu, thuyền ‘tìm tự do.’ Trong tôi, như lửa
bốc, như gió cuồng, như mật đắng…” (Xuân Buồn Thảm, tr. 195, 196).
Ở chương
chót của “Xuân Buồn Thảm,” chương thứ 11, tiểu tựa “Ra Khơi,” ghi Côn Sơn ngày
28 tháng 4, 1975, họ Vũ viết:
“H. vụng về
đưa tay chấm nước mắt. Một khoảng im lặng não nề nhẹ giăng xuống, đong đưa những
giọt sương giá lạnh đã tám năm qua vây phủ bóng dáng H. trong tâm tưởng tôi.
“- Chắc là
khó gặp lại H. – Tôi đứng lên, đốt thuốc. Những ngón tay run nhẹ: –
Mong vui vẻ bên đó.
Mong vui vẻ bên đó.
“- Ngồi thêm
chút nữa đã.
“H. nói, mặt
nhìn về căn nhà mát của Thiệu, đã được tạm sử dụng làm nơi ngủ đỗ cho hơn trăm
gia đình Sư Ðoàn 5 Không Quân. Tôi thở dài, định nói ngồi thêm bao lâu cũng chẳng
thay đổi được gì.Tôi phải trở về đó, nơi gia đình tôi và bằng hữu đang chờ đợi.
Nhưng cũng không thể giấu mặt chính mình những quyến luyến, bịn rịn không rời.
Vì chỉ đôi, ba phút nữa, khi tôi rời bỏ góc vườn tối tăm, ngổn ngang những thân
gỗ ẩm lạnh hơi sương này, tất cả chỉ còn là sương khói, là hư ảnh – – những kỷ
niệm, những tháng năm mòn mỏi khắc khoải, trong một cuộc chơi thường được gọi
là tình yêu giữa thời đại loạn…” (Mùa Xuân Buồn Thảm, tr. 176, 177) (5)
Tác giả chia
tay với cuộc tình có tới 8 năm gắn bó với H., theo tôi, cũng có thể hiểu, đấy
cũng chính là sự chia tay của một tấm lòng, một trái tim của một nhà văn, với một
đất nước!
Ðó là đất nước
hay, tổ quốc của nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, qua những trang viết gần như
nhật ký, những ngày cuối cùng của miền Nam vậy.
Chú thích:
(3) Một số
tác phẩm đầu tiên của nhà văn Phan Nhật Nam, do nhà Ðại Ngã XB, trước tháng 4,
1975.
(4) Ðoạn văn in chữ nghiêng theo nguyên bản.
(5) “Xuân Buồn Thảm” tái bản lần thứ nhất, bởi nhà xuất bản Văn Hóa, Houston, TX, 1992.
(4) Ðoạn văn in chữ nghiêng theo nguyên bản.
(5) “Xuân Buồn Thảm” tái bản lần thứ nhất, bởi nhà xuất bản Văn Hóa, Houston, TX, 1992.
……………………………………………………………………….
Điểm, Sơ
Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt (1975- 12015) quyển 2
Nguồn: vietbao.com -12/09/2015
Nguồn: vietbao.com -12/09/2015
Đặng Phú
Phong
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire