Bài đọc thêm

Đêm Giữa Ban Ngày Của Vũ Thư Hiên

Nhân đọc lại
ĐÊM GIỮA BAN NGÀY của VŨ THƯ HIÊN
Tủ sách Tiếng Quê Hương tái bản năm 2008
NHẬT TIẾN

Dem Giua Ban Ngay
Xin nói ngay, đây không phải là một bài điểm sách.
Công  việc  này  là  thừa  vì  đã  có  nhiều người làm việc đó kể từ khi cuốn Đêm Giữa Ban Ngày ra mắt lần đầu do nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam Cali  in từ tháng 4 năm 1997.
Ở đây, tôi chỉ ghi lại những kỷ niệm riêng tư về cuốn sách, hay vài cảm nghĩ chợt đến khi tôi ngồi đọc lại lần thứ nhì, nhân dịp Tủ Sách Tiếng Quê Hương tái bản tác phẩm này.
Bản in cuốn sách lần này quả thật là đồ sộ. Bìa cứng, lót giấy láng do họa sĩ Từ Phong trình bầy, với phần ruột dầy trên 800 trang khổ lớn. Về mặt hình thức, trên cả hai lãnh vực kỹ thuật lẫn mỹ thuật, đây là một công trình ấn loát xứng đáng đối với một tác phẩm lớn, hay nói đúng hơn, đối với một tác phẩm để đời.
Từ những năm sau năm 2000, tôi có dịp nhiều lần về thăm quê hương. Lần nào khi trở ra, tôi cũng được bạn bè, thân hữu nhắn nhe : “Lần sau về nhớ mang cuốn Đêm Giữa Ban Ngày !!”.
May là ấn bản của Đêm Giữa Ban Ngày hồi đó, tuy vẫn dầy vẫn nặng nhưng không đồ sộ như bây giờ, việc nhồi nhét nó vào đáy va-li hay cuộn giữa đống quần áo lót bùi nhùi coi ra có vẻ yên tâm hơn, mặc dù chỉ là sự yên tâm tự đánh lừa mình, chứ nếu hải quan tận tình khám xét thì đến cây kim trong bọc cũng phải lòi ra.
Dĩ nhiên không phải lần nào trở về tôi cũng thực hiện được lời nhắn ấy, nhưng rồi tôi cũng đã trao được cho nhiều người, tác phẩm hiếm  hoi  của  Vũ  Thư  Hiên.  Tôi  nhớ  một  lần về Sài Gòn mà không tính đi đâu xa, trong khi người muốn có sách lại ở mãi ngoài Hà Nội.
Loay hoay tính tới tính lui, tôi quyết định gửi sách qua đường bưu điện,  và nghĩ rằng  sách gửi ngay trong nước thì hẳn là chuyện thông thường. Thế  là  tôi  gói  ghém  kỹ  lưỡng  cuốn sách lại và  tìm đến một chi nhánh Bưu Điện khá xa trung tâm thành phố. Nhìn bọc sách của tôi, cô nhân viên hất hàm:
–  Cái gì thế này ?
–  Dạ…Sách…
–  Sách gì ?……Mở ra coi !
–  Có gì đâu…Tự điển ấy mà.
–  Tự điển cũng phải mở….Gì thì cũng phải kiểm tra trước cái đã.
Thế là tôi ôm bọc sách cuốn gói chuồn mất. Chỉ hãi cô ta kêu bảo vệ rượt theo thì họa xẩy đến không biết đâu mà lường.
Năm sau tôi kể lại chuyện gửi sách cho anh bạn ở Hà Nội nghe:
– Sao mà ở đây bây giờ vẫn còn khó thế. Cái  gì  gửi  đi  trong  nước  cũng  phải  mở  tanh banh ra thì còn gì là Thế Kỷ 21 nữa !
Anh bạn cười ngất :
–  Tại ông hết cả đấy chứ tại ai ?
Tôi ngạc nhiên:
–  Sao lại tại tôi ?
–  Tại một là ông gói ghém kỹ quá nên nó nghi. Rồi hai là vì nom ông ra dáng Việt kiều nên mới hoạnh họe kiếm chút tiền lẻ. Chớ mà gặp tôi, đòi mở gói của tôi thì dứt khoát là có vấn đề với tôi rồi.
Thì ra là thế !!!
Anh bạn còn cho biết, trong thời gian chờ sách của tôi mang về, anh cũng đã mượn đọc theo danh sách “xếp hàng” của một người có sách.
Nói tới chuyện “xếp hàng”, tôi chợt nhớ tới cuốn “Chuyện Kể Năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Tôi đã mua lậu được 2 bộ “Chuyện Kể Năm 2000” (gồm cả thẩy 4 cuốn) tại một quán cà phê vỉa hè ở một ngách thông ra đường Tràng Tiền. Tôi vô cùng hí hửng vì vồ được cuốn sách vừa mới có lệnh tịch thu. Nhưng rồi một mối lo chợt ùa đến. Trên tay vẫn còn mang sách mà Công An Văn Hóa ập đến thì tôi có cãi đàng trời. Mấy cuốn sách đột nhiên trở thành những cục than hồng trên tay. Tôi nhớn nhác nhìn quanh và cứ thấy ai tới gần thì cũng  tưởng  ngay  họ  là….Công  An  Văn Hóa !
Chả biết  ăn cắp thực sự thì có cảm giác  thế  nào,  nhưng  một  thằng  nhà  văn  đi mua sách của một thằng nhà văn ở ngay giữa thủ đô Hà Nội mà lại cứ phải lén lén lút lút thì thực sự tôi thấy mình hành xử đúng như một thằng ăn cắp !!
Khi trở về, tôi tặng một bộ đã mua cho một  người  quen  ở  Hà  Nội.  Sau  này, người bạn cho biết anh phải lập một danh sách “xếp hàng” vì có nhiều người muốn mược đọc.
Thì ra “Chuyện Kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn và “ Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên đối với giới thưởng ngoạn, cả hai đều cũng có chung một hoàn cảnh.
***
Tôi sẽ không có ấn bản mới của “ Đêm Giữa  Ban  Ngày”  nếu  anh  Trần  Phong  Vũ không cất công thân hành đem đến tận nhà cho tôi, bởi vì trong tủ sách, tôi đã có cuốn này rồi.
Đến  lúc  ngắm  nhìn  công  trình  của người viết : anh Vũ Thư Hiên và công trình của người thực hiện : anh Uyên Thao, tôi mới thấy  dù  ai  đã  có  bản  cũ  mà  thiếu  ấn  bản  của Tủ Sách Tiếng Quê Hương thì thật là một điều đáng tiếc. Bởi vì, ngoài giá trị sưu tập về một tác phẩm quý trong tủ sách của mỗi gia đình, ấn bản mới còn có cách trình bầy mỹ thuật hơn, in trên loại giấy quý hơn, lỗi ấn loát được sửa chữa kỹ lưỡng hơn, ngoài ra còn thêm nhiều chỗ được bổ sung khiến tác phẩm tăng thêm phần phong phú. Nhất là phần “ghi chú”, tuy ở ấn bản đầu cũng đã có khá đầy đủ, nhưng nay được tác giả bổ sung thêm nhiều chi tiết mới, sắp xếp lại rất công phu kể cả phần INDEX ở cuối sách có ghi đầy đủ danh sách các nhân vật chính đã được nhắc tới theo thứ tự A,B, C …bên cạnh lại có ghi số trang nơi những danh  xưng  này  xuất  hiện. Điều này giúp cho độc giả  được dễ dàng khi cần tham khảo.
Xin nêu vài ví dụ cụ thể:
– Khi ghi chú về Lê Duẩn, ấn bản cũ ghi: “Lê  Duẩn  (1908-1986),  ng ười  Quảng  Trị,  đảng viên  cộng  sản  từ  những  năm  30,  bị  tù  hai  lần (1931-1936, 1940-1945), từng làm bí thư  Trung ư ơng cục miền Nam, trong kháng chiến chống Pháp, từ 1956 làm bí thư  Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất (1960-1976), rồi tổng bí thư  Đảng (1976-1986).”
Trong ấn bản mới, có bổ sung  thêm: “Lê Duẩn (1908-1986) người Quảng Trị, năm 1928 tham gia Thanh Niện Cách Mạng Đồng Chí Hội, đảng viên đảng cộng sản năm 1930, bị tù hai lần (1931 – 1936, 1940- 1945 ), từng làm bí thư Trung ương Cục miền Nam, trong kháng chiến chống Pháp, từ 1956 làm bí thư Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất (1960 – 1976), sau khi Hồ Chí Minh chết năm 1969, trở thành nhân vật số 1 của đảng cộng sản VN. Thời gian 1976 – 1986 theo danh xưng được sửa lại là tổng bí thư  (tổng bí th ư hay bí thư  thứ nhất cũng là một). “
– Hay phần ghi chú về nhà văn Lan Khai, ấn bản cũ chỉ ghi : “Nhà văn nổi tiếng  với những chuyện đường rừng trước Cách mạng.” , trong khi ấn bản mới có bổ sung : “Lan Khai (1906- 1945), nhà văn có tiếng trên văn đàn thời kỳ trước Cách Mạng Tháng Tám. Ông viết Lầm Than, Cô Dung, Chế Bồng Nga, Cái Hột Mận, Chiếc Ngai Vàng. . . được giới phê bình coi là nhà văn của “truyện đường rừng”. Nhà phê bình văn học Hải Triều đánh giá cao Lầm Than, coi đó là một tác phẩm hiện thực xã hội hiếm hoi vào thời kỳ ấy.
Chỉ với hai thí dụ nêu trên, người đọc thấy tác giả hết sức coi trọng phần ghi chú của mình, và trong điều kiện có thể được, ông đã bỏ nhiều công sức cho phần này trong suốt gần 800 trang sách với tổng cộng 198 điều ghi chú.
– Thêm vào đó, rải rác người đọc còn thấy tác giả đã  bổ sung  ngay  chính  những trang viết của mình, thí dụ như ở ấn bản cũ, tác  giả  viết:  “ Bài  báo  cuối  cùng  của  tôi  về cuộc đánh bom  của Mỹ  vào khu vực dân cư phố Hàng Thao Nam Định chắc đã lên khuôn. Hai hôm trước tôi đã ký bông lần ba. Liệu bài  báo  có  bị  bỏ  đi không, khi tôi bị bắt ? Còn cuốn Năm Người Im  Lặng  ở  nhà  xuất bản  Văn  Hóa  nữa ? Cho dù là sách dịch, chưa  chắc  người  ta  đã cho nó ra. Vợ con tôi  thế    là  mất đứt khoản  nhuận  bút, (trang 72,73).
Vu Thu Hien
Qua ấn bản  mới,  tác  giả  bổ sung thêm :
“Bài báo cuối  cùng  của  tôi  về cuộc đánh bom  của Mỹ vào khu vực dân cư  phố  Hàng  Thao Nam  Định  chắc  đã  lên  khuôn.  Hai  hôm  trước tôi đã ký “bông”  lần ba. Liệu bài báo có bị bỏ đi không, khi tôi bị bắt ? Còn cuốn Năm Người Im Lặng ở nhà xuất bản Văn Hóa nữa ? Cho dù là sách dịch từ tiếng Nga của Miguel Otero Silva, một tác giả thiên tả người Venezuela, chưa chắc người ta đã cho nó ra vì kẻ dịch sách lại là một tên chống Đảng. Vợ con tôi thế là mất đứt khoản nhuận bút mà vợ tôi đã hy vọng  bao nhiêu vào cuốn sách ấy.  (trang 85,86).
Trên đây chỉ là một vài so sánh rất sơ lược  để  cho  thấy  tác  giả  đã  dụng  công  rất nhiều khi ông cho tái bản tác phẩm này. Và nó xứng đáng được dụng công như thế bởi vì khi đọc lại lần thứ nhì Đêm Giữa Ban Ngày, tôi bị cuốn hút trong miên man nhiều cảm giác.
Trang nào đối với tôi cũng hấp dẫn như chỉ mới đọc lần đầu. Tôi say mê với tài diễn tả rất chừng mực của ông (ngay cả lúc ông diễn tả chính mình khi đang ở những giây phút khốn cùng). Tôi ngậm ngùi, thao thức với những nhận  xét  sâu  sắc chan chứa tình người, và nhất là những kinh nghiệm sống, những hiểu biết phong phú của ông về nhiều nhân vật lịch sử, nhiều khuôn mặt văn nghệ sĩ với những sinh hoạt đời thường của họ, và nhiều hoàn cảnh éo le thăng trầm khác trong bối cảnh chính trị, xã hội của miền Bắc, vốn là nơi chốn mà tôi không hề có đôi chút kinh nghiệm.
Nói một cách chân thật, tôi đã được hiểu biết  thêm rất nhiều điều qua tác phẩm này của ông.
****
Như đã nói ở trên, đây không  phải  là  một  bài  điểm sách,  vì  thế  không  có  phần nhắc lại toàn bộ nội dung của tác phẩm. Tuy nhiên trong bối cảnh  chính  trị  hiện  nay (2009), vào thời  điểm  mà  Trung Quốc ngày càng lộ  rõ  tham  vọng bành  trướng  qua  những  vụ lấn đất, lấn biển, xây dựng căn cứ  quân  sự  kể cả tầu ngầm trên  biển  Đông,  nhà  văn  Vũ Thư Hiên cũng đã đề cập tới vấn đề này trong Đêm Giữa Ban Ngày khi ông thuật lại những sự kiện đã từng xẩy ra cách đây cả nửa thế kỷ. Nhiều trang trong tác phẩm này đã hé lộ cho thấy những mầm mống sẽ mang lại nhiều tai ương, thảm họa cho đất nước đặc biệt là tinh thần quỵ lụy Thiên triều của đám lãnh đạo miền Bắc.
Sau đây là một đoạn tác giả nhắc về thân phụ của mình (Cụ Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại Giao) nhân đề cập đến sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại VN :
“….. Chính Lê Duẩn là người chủ trương mời quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam để trấn giữ hộ miền Bắc trong khi toàn bộ quân đội miền Bắc được đưa vào chiến trường miền Nam. Chuyện này người ta cố ý lờ đi mỗi  khi  nói  tới  Lê Duẩn. Nhưng nếu không phải Lê Duẩn thì ai có thể quyết định một việc trọng đại như thế. Cha tôi cho rằng việc ban lãnh đạo Đảng mời Giải Phóng Quân Trung Quốc vào Việt Nam là sai lầm vô cùng nguy hại. Sai lầm đó đã cho thấy hậu quả của nó trong vụ Trung Quốc xua quân vào sâu trong lãnh thổ Việt  Nam  năm  1979  để  “cho  Việt  Nam một bài học”, như Đặng Tiểu Bình tuyên bố.
Nếu lúc đó không có mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô để Trung Quốc phải tự chế trong cuộc tấn công xâm lược thì không biết quân Trung Quốc còn đi tới đâu trên đất nước ta. Trong công tác phóng viên tôi đến Khu tự trị Việt  Bắc  và  khu mỏ Hồng Quảng nhiều lần. Trở về tôi kể lại cho cha tôi những gì tôi thấy. Nghe chuyện dân vùng núi Việt Bắc không được phép kiếm củi ngay trong những khu rừng  quê huơng họ nay đã trở thành khu vực đóng quân của Trung Quốc, chuyện những  thợ mỏ muốn đi tắt đến nơi làm việc qua  phần đất đã đ ược giao cho Trung Quốc cũng không được, họ bị bộ đội Trung Quốc xua đuổi, ông rơm rớm  nước mắt. Ông lo lắng trước tình hình nước nhà bị lệ thuộc.
Ông tự  đi  thuyết  phục  các nhà lãnh đạo, họ đều là các đồng  chí  cũ  của  ông  trong thời  kỳ  bí  mật,  kêu  gọi  họ cảnh giác tr ước chủ nghĩa bành trướng và bá quyền của nước láng giềng từng đô hộ Việt Nam cả ngàn năm. Họ nghe ông với nụ cười mơ hồ, trịch th ượng. Việc nước đã có họ lo, không cần đến ông.
Ông rất bất bình việc Nguyễn  Chí Thanh,  người  nắm  thực  quyền  trong  quân đội hồi ấy,  đã  đặt  Cục  Đồ  Bản của  Trung Quốc in bản đồ   1/1000, là thứ bản đồ dùng cho pháo binh. “Đó là bí mật quốc gia, không một nước nào tự nguyện trao cho nước khác. Sao nó ngu thế!  Sao nó bậy thế !”, ông bực bội kêu lên.
 (Đêm Giữa Ban Ngày, trang 253, 254)
Sự ngu muội, đớn hèn, ngay cả thái độ sẵn sàng chấp nhận qui phục trước Thiên triều của đám lãnh đạo miền Bắc cũng được tác giả nhắc tới trong một đoạn như sau :
“ Biết ông viện trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu đang điên tiết vì bức ảnh đăng trên Nhân Dân nhật báo Bắc Kinh với dòng chú thích: “Đồng chí Trần  Huy  Liệu, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã  được  hân  hạnh  Mao  chủ tịch cho bắt tay” nhân một forum Bắc Kinh bàn về hình thái xã hội chủ nghĩa  năm 1965, ông Hồ Chí Minh an ủi ông Liệu: “Thôi, người ta bao giờ chả rứa, thiên triều mà ! “ Chuyện này tôi được nghe ông Liệu kể lại.
Một  hôm, tôi  đến thăm ông Liệu, thấy bức ảnh Mao Trạch Đông vẫn treo trong nhà không còn ở chỗ cũ, tôi hỏi thì ông Liệu kể cho nghe chuyện xảy ra với ông ở Bắc Kinh, chuyện ông Hồ an ủi ông. Ông nói:
“Tao mà như Bác Hồ, tao ỉa vào thiên triều, tao là thằng dân  tộc  chủ  nghĩa”.
Chính thái độ lừng khừng trong giai đoạn này của Hồ Chí Minh làm cho lớp  đàn em đang hăng máu chống Liên Xô coi thường ông.
Mặt ngoài, họ làm ra vẻ kiên trì đường lối đứng giữa, trên thực tế  họ đã sà vào chiếu bạc rồi, đã xỉa tiền vào cửa Trung Quốc rồi. Không còn cửa nào tốt hơn cho quyền lực chuyên chế của Đảng. Trung Quốc tiền hô, Việt Nam hậu ủng.
Đến nỗi khi Trung Quốc tuyên bố một lãnh hải mở  rộng  trùm  lên  cả  hai  quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì ông thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng vội vã ra tuyên bố ủng hộ, tức là dâng ngay cho Trung Quốc.”
(Đêm Giữa Ban Ngày, trang 127)
****
Nói chung, về quan điểm chính trị, qua nội dung thể hiện trong tác phẩm  Đêm Giữa Ban Ngày, tôi hoàn  toàn chia xẻ với tác  giả  Vũ  Thư  Hiên.  Và  điều  này  hẳn  lại cũng được nhà văn Uyên Thao tán đồng khi ông viết lời mở đầu cho cuốn sách tái bản Đêm Giữa Ban Ngày vì giá trị văn chương cũng như giá trị cáo giác của nó về những mảng đen tối chiếm đoạt nhân  phẩm, chà đạp nhân quyền hiện vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam bây giờ :
“ Giữa lúc cả thế giới coi chế độ cộng sản như một cỗi nguồn tội ác thì tại Việt Nam vẫn vang vọng lời tung hô cỗi nguồn tội ác đó, vẫn kéo dài tình trạng buộc con người từ  bỏ cuộc sống để “hoàn thành sự nghiệp cách mạng” chỉ là quyền uy tối thư ợng của những quỷ vương, bạo chúa. Mọi con dân Việt Nam, vì thế, đều trở thành nạn nhân bi thảm vì bị tước đoạt mọi quyền sống, bao gồm trong đó không ít nạn nhân đã và còn đang đóng vai thủ phạm gieo rắc tội ác không chỉ cho đồng loại mà cho ngay cả bản thân.
Tôi nghĩ chính cái thân phận nạn nhân chất ngất oan khiên này đã là động lực ràng buộc mọi người trong đó có chúng tôi. Chúng tôi dễ dàng gần gũi tin cậy lẫn nhau bởi đã thấy dù ở hướng đi nào, tất cả đều bị xô vào ngõ cụt do một tình trạng mê lầm khốc hại. Điều đáng tiếc là tình trạng mê lầm kéo dài từ đầu thế kỷ trước vẫn chưa chấm dứt vì những lý do hoàn toàn vô nghĩa. Cho nên, tác phẩm này  được  tái  bản với mong mỏi góp một phần nhỏ vào việc gióng lại tiếng nói từ thực tế nhắc  nhở  tầm cần thiết của sự nhìn lại mọi lý do vô nghĩa đang có nơi mỗi cá nhân để kịp thời định một thái độ thích nghi cho yêu cầu tự cứu của hết thẩy và tránh cho con cháu chúng ta cảnh dãy dụa trong cõi chết.” (Uyên Thao, Về Tác Giả, Tác Phẩm, trang 11, Đêm Giữa Ban Ngày).
* * *
Trong mấy năm vừa qua, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã cho in nhiều tác phẩm giá trị. Đây là nỗ lực của một nhóm anh chị em văn nghệ sĩ hải ngoại mà người đại diện là nhà văn Uyên Thao ở Virginia. Sau những năm tù “cải  tạo”, sức khỏe  của Uyên Thao đã sút giảm rất nhiều. Mặc dù vậy, khi qua định cư ở Hoa Kỳ, anh vẫn tiếp tục lao vào sinh hoạt văn chương, đã thế bệnh ung thư bộc phát khiến anh phải cắt đi một phần dạ dầy. Ý chí phấn đấu chống lại hoàn cảnh ngặt nghèo của anh thật mãnh liệt và đáng khâm phục. Nó đã làm anh đứng vững và giúp anh bền bỉ theo đuổi những mục tiêu mà anh vạch ra. Ngoài công việc sáng tác, anh còn là một trong  những thành viên sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương mà ấn phẩm nào của Tủ Sách cũng đều được ấn loát công phu, cẩn trọng với nội dung phù hợp với tôn chỉ của nhóm chủ trương là “Tủ sách hy vọng mang lại đều đặn cho bạn đọc các tác phẩm giá trị, đáp ứng đúng yêu cầu tìm hiểu mọi mặt đời sống đất nước, đồng thời mong mỏi sẽ trở thành nhịp cầu nối kết mọi người Việt tha thiết với tiếng nói quê hương  và vận mạng chung của dân tộc.” .
Duy trì một cơ sở xuất bản giá trị trong hoàn cảnh khó khăn của sinh hoạt sách báo ở hải ngoại bây giờ, nhóm chủ trương quả đã có những cố gắng rất lớn, đôi khi cả những hy sinh về tài chính lẫn tâm sức. Trong sinh hoạt văn  hóa  ở  hải  ngoại  điều này là  bình thường, nhưng nó là sự bình thường rất quý báu, bởi vì có ai bó buộc ai phải làm công việc cực nhọc ấy, ngoại trừ sự thôi thúc của thiện chí muốn duy trì và phát triển văn hóa dân tộc.
Ước mong thiện chí này được mọi người nhận biết và ra sức tiếp tay để những nỗ lực của  nhóm chủ  trương sẽ không  bị mang số phận phải đứt gánh giữa đường.
NHẬT TIẾN
California tháng 3-2009