caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 20 juin 2021

Nhớ Để Rồi Còn Nhớ Hay Quên Saì gòn Xưa: Nhớ Về Đường Xưa, tùy bút, youtube Caroline thanh Hương

 Nhớ Về Đường Xưa, 

 tùy bút caroline Thanh Hương

Sài Gòn là cái tên mà ai một lần đến thăm hay đã từng sống  tại nơi này đềy tự hào.Vì sao họ tự hào về một thành phố mà ai cũng nghỉ là nó đã mất tên, nhưng không, tên của nó vẫn luôn sống mãi trong lòng người Việt Nam trong nước hay ở hải ngoại.

Các quận của Sài Gòn, như quận hai, có lúc cũng bị xoá sổ, rồi được hồi phục lại mãi đến ngày hôm nay.

Những người đã sống tại quận này thì vẫn luôn biết nó có những kỷ niệm khó phai và dù có con đường nào cũng bị đổi tên hay những chung cư đã bị biến dạng, nhưng khu Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, nơi có cái bồn binh, có những hàng quán ngon tuyệt vẫn không thể nào xoá trong tâm trí của người xưa.

Nào tiệm bánh Bảo Hương Rồng Vàng, nào tiệm hủ tiếu mì của người Hoa lâu đời tại Việt nam hay tiệm Vịt quay, tiệm bà Xẩm Xà Lỏn hay tiệm của chị Ngánh,những người Hoa đã trở thành người Việt và hoà đồng sống với người việt như những bà con lâu đời.

Bên kia bồn binh, hướng đi chợ Thái Bình, có tiệm sang nhạc chọn lọc vào cassette, bến xe đò, những hàng cơm dĩa vào buổi trưa bày nhiều thức ăn ngon, giá rẻ mà ai cũng có thể tấp vào mua ăn tại chỗ hay xách gà mên đến mua về nhà ăn mà khỏi mất công nấu.

Tôi còn nhớ những ngày Vú của tôi về quê thăm nhà, là dịp tôi được ăn hàng chợ, uống ly trà đá thật mát giữa trưa nắng gắt với những đá cục chiếm đầy ly hơn cả nước trà.

Chẳng có ai cằn nhằn vì cơm hạt trắng, dẻo, đồ ăn thì ngon tự nhiêm từ món chả cua hấp đến nồi thịt kho trứng, cà ri gà...Ai chán ăn cơm có thể qua tiệm vịt quay để mua xôi gà chan nước vịt quay, hay cho chặt chút thịt quay, thịt xá xiú và sang nhất là mua con vịt quay ướp gia vị thật đậm đà.

 

 Thật khó quên hàng quán ở đây, và cơ hội xem cải lương hay đại nhạc hội cũng không thiếu, khi mình ở gần những rạp hát.

Cải lương hay cải lương hồ quảng với những tuồng tích và những nghệ sĩ thời đó cũng có những khán thính giả riêng của mình và rạp lúc nào cũng bán hết vé.

Lúc đó, tuy tôi còn bé, được dì tôi dẫn đi xem đại nhạc hội thì hình như màn nhảy sexy là được huýt gió và la ó như vỡ chợ, đâu như bây giờ không cần coi cũng bị nhìn thoải mái trên quảng cáo TV.

Vì gần rạp hát cải lương và đại nhạc hội, hướng đi từ đường Nguyễn Cư Trinh ra đường Trần Hưng Đạo để ra quận nhất, nên quận hai ở đây, đã nổi tiếng thành khu phố Tây Ba Lô, thế hệ mới it´ ai là không nghe tên

.

Quận Hai tuy nhỏ nhưng cũng có hai ngôi trường, trường Hưng Đạo và trường Cầu Kho.Đường Cống Quỳnh, trước khi bị đổi têncó một trạm xăng nhỏ nằm cạnh đó có đường Cao Bá Nhạ, có một quán phở bên lề, ngon và luôn đắt khách, không xa nơi đó, ngày xưa có nghệ sĩ Thanh Nga và người em trai...


Chung cư Đại Đồng, có vài căn phố cho thuê trên dưới hai tầng, bên cạnh có một tiệm hớt tóc, khách rất đông vì người thợ là đàn ông trẻ, thích nhạc ngoại quốc. 

Góc đường này có một tiệm may áo dài thời trang, khéo tay nên nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hay mướn may cho phái đoàn ca nhạc của ông và cô Thuý Nga, những y phục làm show đi biểu diển tại nhà hàng Maxim's hay ra ngoại quốc. 

 

Bên cạnh tiếm uốn tóc, có tiệm in và một tiệm sơn, nguyên tiệm sơn này là của việt Cộng nằm vùng mà không ai hay biết và mãi đến sau năm bảy lăm thì họ về thanh toán chuyện ân oán với chủ tiệm phở.

Theo thời gian, những căn nhà này đã bị xoá sổ và thay vào đó một hộp đêm...

Ngày xưa, nơi này có "Hầm Gió", thời choai choai, nhạc ngoại quốc thịnh hành, thời "Salut Les Copains", Charden et Stone, Christophe, Sheila, Ringo.

Những ca sĩ pháp nổi tiếng đã dần bị thay thế với những nhạc mỹ theo nhu cầu cuộc chiến, tuy không có lợi cho miền Nam việt Nam, nhưng không đó là số mệnh và vận nước.

Tôi có nhiều hình ảnh sưu tầm, nhưng vì máy computer chưa sửa xong, nên có dịp sẽ làm slides gửi lại sau cho quý anh chị xem.

Kính chúc quý anh chị ngày vào hè thật vui mạnh.

Caroline Thanh Hương

20 tháng 6 năm 2021


 

 

SÀI GÒN XƯA...
CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ... 

Sài Gòn xưa trong tôi...luôn là sự trân trọng thân thương đầy hoài niệm... Dù người xưa, cảnh cũ  đã thay đổi nhiều theo thời gian, bao cuộc biến thiên sông núi... 

Giữa lòng Sài Gòn... 
Tôi vẫn thích lội bộ trên những con đường vắng... nhiều bóng mát cây cao, ngắm những vuông tường dây hoa leo kéo dài..
Thích ngắm... những trái dầu như cánh chong chóng rơi lả tả rải xuống mặt đất tạo nên một thảm nhung màu đất...sau cơn mưa giao mùa !
Thích nghe một chút "nhạc vàng" từ tiếng đàn piano réo rắt nhà ai đó vọng ra...
Thích dựa lưng ghế đá công viên đâu đó ngẩn ngơ lắng nghe trong không gian chuông nhà thờ Đức Bà giục giã giờ lễ chiều ! Tiếng Đại Hồng Chung chùa Xá Lợi ngân nga sâu lắng trong không gian sương lạnh sớm mai!
Thích mùi thơm tỏa ra từ"thùng nước lèo" trong xe hủ tíu mì bên lề đường xưa...
Thích nghe tiếng rao..."dze chai lông dzịt"...tiếng gõ " mì thất nghiệp" khua ...cóc cóc...có nhịp có điệu...trong con hẻm sâu hun hút.
Thích thoang thoảng cái mùi sình lầy ngai ngái ... trong dòng kênh rạch ...chằng chịt nội Đô !
Thích nghe lại một bài hát bolero buồn rã rượi ...ẩn chứa hình bóng kẻ chinh phu chia ly người cô phụ ...lên đường vì chinh chiến quê hương ! 
Thích văng vẳng tiếng xình xịch và tiếng còi xe lửa rúc vang chuyển bánh qua cổng xe lửa số 6 Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) ...chuyến tàu hoàng hôn! 

Sài Gòn xưa, trong tôi...
vẫn mãi là những gì hào sảng phóng khoáng...thoáng đãng như cái không gian tôi đang hít thở...
Người Sài Gòn có cái máu lưu dân Nam Bộ thấm vào từng "chân tơ kẽ tóc'! 
Nên không có cái tính khách sáo mời lơi...không thắc mắc ganh tị, không kỳ thị ngược đãi... "Người ta hổng dám... coi thường Sài Gòn, còn Sài Gòn biết ai... đâu mà khinh thường! "
Người Sài Gòn dễ bắt chuyện làm quen từ ánh nhìn, cởi mở chân tình bình dị ...
- Mèng ơi ! ...ta...nói...
- ngộ dzậy... héng !
-...biết sao hôn ?
- ...qua đây nói nghe...nè!
-... mần dzậy coi được hôn!
- ...x...í...hổng chịu đâu !
-...Chèng ơi !...con nhà ai...nhìn thấy ghét ...gì đâu á !
- tui...lại phái 'tàn tàn"dzậy ...à nha ! 

Không văn hoa khách sáo ...mà ngược lại mộc mạc xuề xòa... 
Sài Gòn xưa trong tôi...
luôn là thỏi nam châm thu hút...tai nghe...mắt thấy...mũi hửi...lưỡi nếm...cái bắt tay, choàng vai...thiệt bụng hà!
Sài Gòn xưa... vẫn mãi mãi còn chút gì để nhớ...để thương! 

1. QUẬN BA.
Mỗi lần có dịp về lại Sài Gòn...
Tôi thích lang thang giữa những con đường vắng ở quận Ba ( quận Ba trở thành một phần trung tâm của Đô thành xưa) những vuông tường gạch vôi kéo dài...hai bên đường những cây sao, cây xà cừ, cây dầu cổ thụ to hơn vòng tay ôm, bóng rợp mát phủ một quảng đường...cụm biệt thự cổ xưa nằm trên đường Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng).
Dinh Phó Tổng Thống cuối đường Lê Quý Đôn (nay là Nhà Thiếu nhi TP)
Vì nhiều biệt thự san sát kéo dài nên hàng quán mua bán ăn uống cũng không xen lấn vào được, nên giảm được xe cộ, thưa thớt được tiếng ồn ...
Ở quận Ba trong các con hẻm lớn cũng rất nhiều biệt thự yên tĩnh...
Đường Duy Tân (nay là Phạm ngọc Thạch) với những con hẻm cụt lớn là nơi cư ngụ của gia đình nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng một thời được giới mộ điệu, sinh viên học sinh ngưỡng mộ, yêu mến...thần tượng ! 

Sài Gòn hai mùa mưa nắng... mùa nắng là lúc hoa giấy nở bung và hoa tigôn từng chùm nở rộ trên các vuông tường gạch vôi, rào sắt...đường phố đẹp, duyên dáng hẳn lên!
Trong các... sân nhà những gốc sứ Nhật bông trắng to nở rộ...lan tỏa mùi hương dễ chịu (nên có nhạc sĩ đã viết nhạc... Hoa Sứ nhà nàng).
Quận ba xưa...luôn tĩnh lặng, tịch mịch, sâu lắng... 
Chính không gian lãng mạn đầy chất thi ca đó...đã quy tụ các thi nhân tiền bối hội ngộ tên tuổi trên các con đường xưa...Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngô Cát, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Yên Đỗ, Kỳ Đồng, Nguyễn Gia Thiều...
Đây là khu vực nội ô Sài Gòn trầm lắng nhất với không gian sống yêu thương đáng được  tận hưởng và hoài niệm !... 

Nên người Sài Gòn xưa hay nói...NẰM QUẬN BA... là dzậy...ngộ héng  ! 

2. QUẬN NĂM. 
Từ thời các Chúa Nguyễn khai tiến Đàng trong, người Hoa (nhà Minh) không chịu thần phục nhà Mãn Thanh đã giong buồm ra khơi bôn tẩu về đất phương Nam ta.
Năm 1679, chúa Nguyễn đã cho phép một người Hoa là Thầy thuốc Trần Thượng Xuyên đi thuyền vào đất Đồng Nai (Cần Giờ - Biên Hòa) và dựng nên Cù Lao Phố. 
Ông là người có công đưa người Hoa định cư ở Miền Nam.
( Xưa nay Ông được người Hoa thờ tại đền Phú Nghĩa Hội quán, đường Phú Định- quận 5-Chợ Lớn). 
Họ đã dừng chân lại vùng "đất lành chim đậu"... vỡ đất khai hoang, xây nhà dựng phố, trên bến dưới thuyền...mua bán các nơi ghe thuyền tấp nập ...giàu có phồn vinh !
Về sau sinh sôi phát triển...phần đông là người Quảng Đông (Việt) tính tình rộng rãi, giỏi kinh doanh. Phúc Kiến (Mân) tính tình bảo thủ, gia trưởng, coi trọng việc thi cử đỗ đạt. Khách gia (Hẹ) tính phóng khoáng nấu ăn ngon, nhứt là món Tây.
Họ di chuyển về trú ngụ ở vùng Chợ Lớn-Sài Gòn lập nên làng Minh Hương (năm 1777) 
Đến khi chúa Nguyễn Ánh thu phục thành Gia Định, hoạt động buôn bán trở nên 
phát triển phồn vinh thu hút người Hoa tới ở vùng Chợ Lớn và lập ra các bang hội.
Đến năm 1919, một Dưỡng đường Thí, khám bệnh miễn phí được lập ra và đặt tên là Bịnh viện Quảng Đông (nay là BV Nguyễn Tri Phương )...
Cùng thời điểm bôn tẩu phương Nam (*). Một số người Triều Châu (Tiều) tiếp tục giong buồm về lục tỉnh Nam kỳ...về đất phương Nam Rạch Giá-Hà Tiên ( nay là tỉnh Kiên Giang)...sống kham khổ, tiết kiệm, siêng năng... sinh sôi lập nghiệp đến nay đã nhiều đời ! 

Họ dừng chân trên đất Sài Gòn- sinh sống lập nghiệp...
Người Hoa Chợ Lớn dùng tiếng Quảng Đông là chính, họ gọi nhau là Thoòng Dành (Đường nhân- ý nhắc nhớ quê hương Đường Sơn-Quảng Đông).
Gọi Sài Gòn là Xẩy Cung (Tây Cống)
Gọi Chợ Lớn là Thày Ngòn (Đề Ngạn).
Họ muốn được gọi là người Héng Coỏng (Hương Cảng) hơn là đánh đồng với Tài Lục Dành ( người Đại Lục)(2*)
Họ không quên mang theo nền ẩm thực Quảng Đông rất phong phú đa dạng ...
Người Hoa họ có câu cửa miệng :
" Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô châu, Tử tại Liễu Châu".
- Cơm ngon ăn tại Quảng Châu (thức ăn ngon-chất-bổ, được mệnh danh là " kinh đô mỹ vị " thủ phủ của tỉnh Quảng Đông ).
- Áo đẹp may vải Hàng Châu( lụa tốt-bền- đẹp)
- Vợ xinh đẹp cưới ở Tô Châu ( con gái đẹp-ngoan-hiền)
- Hòm chết chôn không hề mục ở Liễu Châu ( gỗ đóng áo quan tốt-chắc- bền). 

Mỗi khi nhắc tới Quận Năm-Chợ lớn là nhắc tới thiên đường...ẩm thực ! ...từ món sàng sàng vặt vãnh bình dân lề đường, cho đến của ngon vật lạ..."sơn hào hải vị "trong các nhà hàng nổi tiếng !
Từ Quận Năm nhiều món ngon hàng rong lan dần sang các quận khác...được người mình yêu thích đón nhận !
Thời tụi tôi không quên được... 
Nào là...bột chiên chảo phẳng, xôi bát bửu, xôi xá bấu hay xa xíu...phá lấu hoặc ăn kèm thêm bánh mì, ngầu dìn hay ngưu dục viễn mà mình hay gọi là bò viên xiên thành xâu...chấm tương đen tương đỏ ...ăn xong tính tiền rồi vẫn còn cay xít xoa thèm thuồng khi ra về !
Bữa nào túi rủng rỉnh chút tiền thì há cảo, sủi cảo, bánh bao( tài páo), xíu mại... muốn ngon miệng no bụng thì làm tô hủ tíu bò viên (là của người Triều Châu) còn gọi là diến phảnh.
Hủ tíu(3*) (là của người Quảng Đông) nổi tiếng nhứt của người Hoa là hủ tíu xào...
Mì xào giòn cũng khỏi chê ! ăn nóng giòn rụm tan trong miệng... nghĩ phát thèm! 
Mì vịt tiềm hầm thuốc Bắc thì dzách lầu !...nổi tiếng khắp Sài Gòn -Chợ Lớn ...nhứt là Mì gia Hải Ký đường (Léon) Lacaze (khu La Cai- đường Nguyễn Tri Phương sau này) !
Mì xá xíu, hoành thánh, dầu cháo quảy (4*) thùng nước lèo bốc khói trên các xe đẩy đặt trên lề đường trước các tiệm mì gia xông lên mũi mùi thơm dễ chịu kích thích vị giác...thèm chảy nước...miếng !
- xực mý dệ ?(ăn cái gì ?)
- dách cô phảnh... tố tố sủi ( một tô hủ tíu nhiều nước lèo), để chấm dầu cháo quảy.
- hầy lá !.....(được rồi) 

Trong khi chờ đợi ngồi trên chiếc ghế gỗ xếp khung sắt, nhìn lên những ô kính sáng trưng đầy màu sắc gắn trên thành xe hủ tíu ...là những bức tranh vẽ các điển tích xưa bên Tàu...Nào là Tam đào viên kết nghĩa, Lã Bố chiến tam anh, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Quang Công phò nhị tẩu, Đương Dương trường bản, Giang Tả cầu hôn, Khổng Minh tọa lầu, quá ngũ quan trảm lục tướng...
- hẩu lờ hia ?(ngon hông?)
- hẩu, hẩu...a ! ( ngon, ngon) 

Món ăn Quảng Đông phong phú là vậy...lại thêm các vùng ẩm thực khác cũng góp mặt không ít bổ sung thêm cho "thiên đường ẩm thực" quận Năm....
Như ...vịt quay Bắc Kinh, cơm chiên Dương Châu (5*)0. Gà ác tiềm thuốc bắc, đậu hủ... sò huyết Tứ Xuyên, vịt rút xương Triều Châu, cơm gà Hải Nam quán Siu Siu là nổi tiếng...một thời!  

Sau nhiều thế hệ sinh sống lập nghiệp trên đất Chợ Lớn, họ không còn tập trung ở quận Năm mà dần phân tán ra các quận liền kề...quận Nhứt, quận Nhì, quận Sáu, quận Mười, quận Ba...mang theo màu sắc ẩm thực... phù hợp với tập quán khẩu vị ăn uống của người Việt mình.
Quận Năm , nổi tiếng với các nhà hàng một thời như : Đồng Khánh, Soái kình Lâm, Arc En Ciel, Ngọc Lan Đình, Á Đông, Bát Đạt, Ái Huê...Các tiệc cưới khá giả cũng được người Sài Gòn hào sảng đặt tiệc thết đãi quý khách sành ăn tại các nhà hàng nầy ! 

Nên người Sài Gòn xưa...hay nói ĂN QUẬN NĂM ... là dzậy ...ngộ dzữ  héng! 

3. QUẬN NHỨT. 
"Đất Sài Gòn nam thanh nữ tú
Cột cờ thủ ngữ cao thiệt là cao..." 

Câu ca dao nói về Sài Gòn nhưng chính 
là nói về Quận Nhứt vì đây là trung tâm của Thủ Đô Sài Gòn với các dinh thự, công sở, đại lộ, trung tâm mua sắm, cơ sở giải trí ...
- Dinh Norodom ( Dinh Độc Lập) 
- Dinh Thống đốc ( Dinh Gia Long)
- Dinh Xã Tây ( Tòa Đô Chính) .Sau này là UBND TP.
- Tòa Án Sài Gòn ( Pháp đình Sài Gòn). 
- Trụ sở Hạ Nghị Viện (nay là nhà hát TP)
- Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam ( nay là NH nhà nước) 
Đặc trưng là nhiều đại lộ chính : đại lộ Trần Hưng Đạo, đại lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ -Hàm Nghi- Hai Bà Trưng... và nhiều công trình phục vụ mua bán mọc kín xung quanh. 
Sát trung tâm phồn hoa đô hội ...chợ Cầu Muối hoạt động cả ngày, trung tâm là chợ Bến Thành (thuộc địa giới hành chánh quận Nhì ) biểu tượng sầm uất phồn vinh của Thủ đô Sài Gòn. 
Ngược về đại lộ Hàm Nghi là chợ Cũ. 
Gọi chợ Cũ vì có từ rất lâu đời, rồi sau đó bị cháy nên chính quyền Pháp cho xây chợ mới là chợ Bến Thành hiện nay (chợ Bến Thành có tên từ năm 1957 đến nay).(6*)
Người Sài Gòn...phần đông bà con quen miệng gọi chợ Bến Thành là chợ Sài Gòn vl dân Sài Gòn gọi chợ bị cháy là chợ Cũ (Hàm Nghi) để phân biệt là như dzậy !
Cuối năm 1967, dân Sài Gòn hoan hỉ khai trương siêu thị đầu tiên của Sài Gòn là siêu thị Nguyễn Du mở cửa... ( gần giao lộ Nguyễn Du- Chu Mạnh Trinh). Siêu thị này là của Chính phủ chứ không phải của tư nhân.
Thời điểm này tại Vọng Các (Bangkok-thủ đô Thái Lan) cũng chưa có siêu thị. 
Sài Gòn lúc đó là Thủ đô trong đất nước chiến tranh mà đã có siêu thị nên gọi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn đông ( la perle de l'extrême Orient) cũng đúng thôi !
Thương xá TAX có cầu thang cuốn đầu tiên...khởi công xây dựng năm 1880, tái thiết kế xây dựng lại năm 1924, lúc này có tên là cửa hàng CHARNER (Grands Magasins CHARNER-GMC) tồn tại (đến 2014) được 136 năm thì đóng cửa vĩnh viễn . 

Quận Nhứt là trung tâm giải trí... phim ciné, ca nhạc phòng trà, sân khấu cải lương. 
Tập trung nhiều nhứt có tới 41 rạp chiếu phim. 
- Rạp hát Cầu Muối (Cô Giang) chuyên hát bội.
- Rạp Lê Lai nơi diễn chính của đoàn Kim Chung (từ Bắc di cư vào Nam) còn có tên là Chuông Vàng Thủ Đô.
- Rạp Long Phụng chuyên phim Ấn Độ.
- Rạp Đồn Đất chuyên phim Pháp không phụ đề Việt ngữ.
Các phòng trà Khánh Ly, Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim's, Đêm Màu Hồng...vì các ban nhạc tên tuổi và các giọng ca ngôi sao trứ danh...
Nhà hàng...Continental, Givral, Bronard, La Pagode, Pôle nord, kem Mai Hương...và còn nữa đều tập trung tại quận Nhứt. 

Tụi tôi lúc đó...
Cứ tối tối là kéo nhau về ...café Nguyễn Du từ ngã tư Hai Bà Trưng quẹo vào một đoạn đến ngã ba Cường Để (một làng cà phê nhạc)! 
Một dãy dài vài chục quán cà phê nối tiếp nhau.
Tụi tôi hay chun vào đóng đô quán quen...
-quán Luyến với dòng nhạc Pháp nhẹ nhàng, với giọng ca : Adamo, Sheila, Christophe, Dalida, Michelle Ponareff, Silvie Vartan, Art Sullivan... 
- quán Phượng với dòng nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương ... với các giọng ca Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Lan Ngọc, Thanh Lan, Ngọc Minh, Ngọc lan...Sĩ Phú, Duy Trác, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Elvis Phương ...
- quán Tím, quán Thúy Linh, quán Loan và... dành riêng cho từng sắc lính... Nhảy Dù,  Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, Hải Quân...(vì Bộ Tư Lịnh và trại lính các quân binh chủng này đóng gần đó) .
Các quán này ...thường rỉ rả dòng nhạc boléro...Những ngày xưa thân ái, Biển mặn, Tám điệp khúc, Đa tạ, Rừng lá thấp, Trăng tàn trên hè phố, Đường xưa lối cũ... với các giọng ca : Thanh Thúy, Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Phương Hồng Quế, Thiên Trang, Trúc Ly, Giáng Thu... nam ca sĩ thì...Hùng Cường, Trung Chỉnh, Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh, Thái Châu, Giang Tử, Thanh Phong, Duy Mỹ, Phương Đại (ban Tam ca Sao Băng)...
Với những bản nhạc buồn da diết, ray rức, chia ly...ẩn chứa hình bóng kẻ chinh phu, dáng dấp người lính phong trần, hình bóng kẻ thư sinh xếp bút nghiêng lên đường bảo vệ non sông đất nước !...và hình bóng người cô phụ lặng lẽ đợi mong, bóng dáng mẹ hiền mòn mỏi  trông ngóng tin con nơi quê nhà!
Rồi quán Lệ, quán Thu Sầu dành cho...Hải quân-Lục quân Công xưởng ...với các bài hát bolero rẻ tiền... tâm trạng thầm thương trộm nhớ, hờn duyên tủi phận, than thân hận tình...rên rỉ, sầu não, bi lụy ...về sau dân Sài Gòn gọi nhóm nhạc loại này là nhạc "sến", "cải lương "... là dzậy ! 

Mọi người già-trẻ-bé-lớn từ các quận...cứ chiều tối là rủ nhau:
- đi Sài Gòn chơi !(tức là về quận Nhứt !)
SÀI GÒN ĐẸP LẮM! SÀI GÒN ƠI, SÀI GÒN ƠI! 

Nên người Sài Gòn xưa...hay nói LA CÀ (xa hoa) QUẬN NHỨT !...là dzậy...dzui tới bến luôn ...ngộ héng! 

4. QUẬN TƯ. 
Quận Tư...chỉ cách quận Nhứt đúng một con rạch Bến Nghé xưa...qua cầu Calmette và cầu Ông Lãnh là đặt chân lên đất quận Tư ! 

Chỉ cách đúng một con kinh mà sao như "hai khung trời cách biệt"... hoàn toàn !
Một bên là...giàu có, sang trọng! bên kia là nghèo nàn, bần hèn...
Một bên lung linh đèn hoa đô hội! bên kia là mờ mịt, u tối, tồi tàn...  

Tội sực nhớ về câu truyện Thủy Hử của nhà văn Thi Nại Am ( một trong sáu danh tác của Trung Hoa "Lục tài tử thư" (7*)...
Thủy Hử truyện... kể về 108 người dân và quan lại cùng khổ bất mãn sự tàn ác bóc lột của bọn cường hào ác bá, thối nát dã tâm của bọn sai nha, quan lại triều đình. 
Lui về đậu (bạc) bên bến nước(thủy hử) thôn Lương Sơn để cùng nhau hiệp lực "Thế Thiên hành đạo" quyết sống chết cứu lê dân trăm họ chống lại đám tham quan ô lại-sâu dân mọt nước của triều đình nhà Tống lúc bấy giờ! 

Sau hiệp định Genève 20/7/1954 chia đôi đất nước. Miền Nam từ vĩ tuyến 17 sông Bến Hải trở vào, quy định 300 ngày ra đi cho cuộc di cư của bà con người Bắc vào Nam tìm tự do, thành phần thù địch len lỏi gài vào Miền Nam tiếp tục phá hoại công cuộc xây dựng Miền Nam thanh bình thịnh vượng .
Nên chiến tranh bắt đầu lan rộng khắp nơi ... 
Nhiều nông dân, thanh niên từ các vùng quê miền Trung, lục tỉnh...mất ruộng vườn vì bom đạn, lo sợ chiến tranh, và cũng vì tương lai học hành đã ùn ùn kéo về Sài Gòn trú ngụ kiếm sống! 
Họ chỉ còn biết dạt về quận Tư vì địa thế kinh rạch chằng chịt nên dân tứ xứ đổ về trú ngụ, đây là nơi dung thân lý tưởng cho kiếp người bần cùng, dân du thủ du thực, thanh niên bất mãn trốn quân dịch, về sau thêm lính đào ngũ ...ly khai với xã hội phồn hoa văn minh quận Nhứt ... bên kia con kinh nước đen đục ngầu đầy... xú uế !
Những cái chòi lụp xụp, ổ chuột mọc lên như nấm và nổi tiếp nhau, chen chúc dày đặc trên con kinh với các vật liệu gom nhặt...ván ép, carton, tôle rỉ, bạt nhựa...che đậy...thành cái nhà !
Hàng ngày họ bươn chải vất vả kiếm sống bằng đủ nghề lao lực chân tay, chui rúc phập phồng lo sợ bị bắt lính (hễ có bị bố ráp thì chui, lủi xuống kinh mà trốn thoát).
Sống trong chốn nghèo khổ ...một quy luật tự nhiên để sinh tồn..."cá ăn kiến-kiến ăn cá ! "...tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, đĩ điếm, hút chích...rồi cướp giật, đâm chém nhau tranh giành địa bàn cát cứ làm ăn...đây là sào huyệt lý tưởng  của nhiều băng nhóm bè đảng mặc sức tung hoành ! 
Gây hoang mang lo sợ cho bà con lương thiện sinh nhai kiếm sống ! 

Người Sài Gòn nghe nhắc đến quận Tư là hãi hùng sợ sệt ...
-Thấy mà ghê! 
Khi có chuyện phải qua vùng đất dữ ...mấp mé quận Nhứt như Tôn Đản, Đỗ Thành Nhân-Khánh Hội chớ chưa nói vào sâu trong vùng đất dữ này !
Các hổn danh đất dữ ...kho 5, khu 20 thước, hẻm 148 Tôn Đản, xóm Ô sân gạch, hẻm chùa Giác Nguyên, Ô cầu Dừa, hãng Phân, xóm Dừa, hẻm gò bà Mụ, hãng Hiệp Thành, viện Bài lao...là những địa danh tai tiếng một thời... thoáng nghe đã nổi da gà ! 

"Nghèo là số phận ! Không phải là cái tội "!
Họ là những người dân cần lao ít chữ nghĩa, không tiền của, "tha hương cầu thực" nghèo khổ,  chân chất, lương thiện mưu sinh vất vả ! nhưng tình người vẫn luôn ấm áp, dung dị, chân thật, hiền lành.
Họ bị tai tiếng lây...vì sống chung trong khu vực toàn dân anh chị máu lạnh, giang hồ tứ chiếng! 

(Ngày nay, quận tư đã thay da đổi thịt, chỉnh trang kiến thiết, xây dựng giao thông, phát triển kinh tế, quan hệ giao lưu...Nâng cao bộ mặt Đô thị quận Tư ngày càng giàu đẹp-văn minh-hiện đại và đầy nghĩa tình...). 

Nên người Sài Gòn xưa... hay nói CƯỚP GIỰT QUẬN TƯ! ...là dzậy ...cũng phải... ngộ héng! 

5. PHÚ NHUẬN.
Bà con dân Phú Nhuận xưa, hãnh diện vì câu vè..."PHÚ NHUẬN ỐC - ĐỨC NHUẬN THÂN" ! Nghĩa là : "giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân! "
Từ năm 1949 đến 1975 .Phú Nhuận là lỵ sở (xã) thuộc quận Tân Bình, Tỉnh Gia Định...nằm sát các quận của Đô Thành Sài Gòn. 
- Đông giáp quận Bình Thạnh
- Tây giáp quận Tân Bình
- Nam giáp quận Nhứt-quận Ba
- Bắc giáp quận Gò Vấp. 
Phú Nhuận xưa là vùng" bán thị, bán nông".
Từ những năm đầu mới khai hoang lập ấp, dân cư chỉ sống quanh khu vực cầu Kiệu cho đến chợ Xã Tài (ngày nay là chợ Phú Nhuận ).Ông Lê Tự Tài người bắc vào đất Gia Định rất sớm ông kêu gọi dân khẩn hoang lập ấp quanh khu cầu Kiệu .
Khi Phú Nhuận là thôn thì ông là thôn trưởng, khi Phú Nhuận thành xã thì ông là xã trưởng, nên khi lập chợ thì người dân lấy tên ông mà đặt là chợ Xã Tài... 

Xưa chợ Phú Nhuận tấp nập buôn bán trù phú ...
Trong bài "Phú cổ Gia Định" có câu :
"Trước... phường phố bày hàng, bày hóa
Sau...nhà quê trồng bắp, trồng khoai". 

Về sau đất lành chim đậu , thiên thời-địa lợi- nhơn hòa...một số người từ lục tỉnh đổ lên rồi người Hoa đến khai khẩn làm rẫy, trồng hoa màu...phát triển đời sống phồn vinh!
Chợ Phú Nhuận bám theo kinh rạch trên bến dưới ghe mua bán đổi chác, đây như một cái bến nhỏ...nhà toàn tre, lá, cừ, ván gỗ...  đơn sơ! 
Nơi đây còn là chành, là vựa... đón nhận hàng hóa mua bán từ Gò Vấp để trung chuyển lên chợ đầu mối Sài Gòn.
Đến nay, Phú Nhuận đã thay đổi hoàn toàn  và phát triển mạnh mẽ ...từ vùng đất cằn cỗi đồng gò hoang vu với vài gia đình đến khai khẩn, nay Phú Nhuận đã là Đô thị chen vai vươn lên với những quận Trung tâm Sài Gòn. 

Phú Nhuận là vùng đất lành ...là nơi Nhà Thờ, Thiền tự tâm linh thờ phụng tọa lạc được chia đều trên mỗi phường, có những ngôi chùa lớn được người cư dân xây dựng từ thời Nhà Nguyễn... 
- như Chùa Phú Long do ông Lê Tự Tài kiến tạo năm 1804.
- như Chùa Kim Sơn do bà Nguyễn Thị Chau kiến tạo năm 1908.
- Chùa Quán Thế Âm kiến tạo năm 1920 do một số sĩ quan  Pháp-Việt xây dựng.
- Chùa Phú Thạnh do ban quản tự hội đình Phú Thạnh kiến tạo năm 1920.
- Chùa Pháp Hoa do Hòa Thượng Thích Đạo Thành kiến tạo năm 1928
- Chùa Kỳ Viên do Thượng Tọa Thích Từ Phong kiến tạo năm 1930.
- Chùa Giác Ngạn do tín đồ Phật tử xây dựng năm 1930.
Và rất nhiều Thiền tự được tiếp tục kiến tạo như Chùa Từ Vân 1932, chùa Diệu Giác và chùa Phổ Quang 1938...Chùa Kỳ Quang 1949, Chùa Hưng Thạnh 1952, Chùa Linh Quang 1958...
Người Công giáo xây dựng...
- Nhà thờ Phú Nhuận (còn gọi là nhà thờ Nam) xây dựng năm 1945 tọa lạc trên đường Võ Tánh-góc Trương Tấn Bửu (nay là Hoàng Văn Thụ).
- Nhà thờ Đa Minh (Ba Chuông) xây dựng năm 1962 nằm trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sĩ).
Và năm 1975 phát triển thêm nhà thờ giáo xứ Phú Hạnh đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) , giáo xứ Phú Lộc đường Duy Tân hình thành năm 1988. 

Phú nhuận còn là vùng đất có nhiều lăng mộ của các công thần danh tướng nhà Nguyễn phò vua Gia Long mở cỏi dựng nước, đã được mộ táng ở vùng đất này...
Di tích lăng mộ ở Phú Nhuận tạo nên giá trị lịch sử cho địa phương. 
- Ngôi mộ và đền thờ cụ Hoài Quốc Công-Võ Tánh (trong chu vi tường rào Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH-nay là QK 7).
- khu mộ Long Vân Hầu-Trương Tấn Bửu nằm trên đường Tự Đức (nay là Nguyễn Thị Huỳnh).
- khu mộ Bình Giang Quận Công-Võ Di Nguy (đường Cô Giang, P 12, quận Phú Nhuận). 
Trải qua bao cuộc đổi thay, vẫn là :
"PHÚ NHUẬN ỐC- ĐỨC NHUẬN THÂN!" 

Nên người Sài Gòn xưa... hay nói AN CƯ PHÚ NHUẬN ! ...là dzậy...đúng... dzữ héng ! 

6.
Sau ngày 30/4/1975.
Cả Sài Gòn ( toàn Miền Nam) thay da đổi thịt...người Sài Gòn nhìn nhau ngơ ngác lạ lẫm ...làm gì còn câu  cửa miệng ví von thời thanh bình thịnh vượng :
" ĂN CƠM TÀU, Ở NHÀ TÂY, LẤY VỢ NHỰT"
Tên những con đường xưa cũng đổi thay ...
... Nam Kỳ Khởi Nghĩa... tiêu Công lý 
    Đồng Khởi... vùng lên mất Tự Do !..(8*) 

Những kỷ niệm xưa đẹp về Sài Gòn nhắc lại cũng chỉ ..."nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi! "
Huống hồ câu :
" ĂN QUẬN NĂM, NẰM QUẬN BA, LA CÀ QUẬN NHỨT, CƯỚP GIỰT QUẬN TƯ, AN CƯ PHÚ NHUẬN"...nghe như chuyện cổ tích xa xưa một thời ! 

Một nỗi buồn xa xăm cho người Sài Gòn xưa.
Sau bao nhiêu đổi thay, Sài Gòn vẫn tồn tại!
Hai chữ Sài Gòn là niềm kiêu hãnh yêu thương và trở thành bất tử trong lòng những người con Miền Nam. 
Chúng tôi vẫn âm thầm giữ lòng mình, tính cách... luôn là người Sài Gòn xưa !
"Một chút hào hoa phóng khoáng , một chút ngang tàng nghĩa hiệp , một chút bao dung độ lượng, một chút khí phách trượng phu...một chút hào sảng Nam Bộ".
" Dang tay, gỡ rối sợi sầu
Tóc lo đã trổ trên đầu hùng anh."
(thơ cổ cụ Đào Tấn) 

Cám ơn SÀI GÒN XƯA ...như người mẹ hiền tảo tần phúc hậu, như người cha cần cù yêu thương và người thầy nghiêm khắc tận tụy... đã hun đúc tinh thần bao thế hệ chúng tôi nên người "sống có trách nhiệm" ... SÀI GÒN XƯA một thời yêu dấu : 

"Con về lạy mẹ bóng cây
Lạy cha bờ cỏ, lạy thầy dòng sông.
Thân cò bay dọc cánh đồng... 
Con về cúi lạy một vòng quê hương!"
(thơ Tôn Phong) 

SÀI GÒN XƯA...CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG. 

TRƯƠNG HÙNG 
9/2018

Chú thích 
(*)
Năm 1680, Mạc Cửu không thần phục nhà Thanh sau khi nhà Minh bị diệt vong. Ông cùng gia quyến đồng liêu giong buồm sang Phương Nam và xuôi thuyền về đất Hà Tiên.
Khi đó Hà Tiên còn là đất cũ của Chân Lạp tục gọi Mường Khảm. Ông giao chiến với Xiêm La và chiếm đất Chân Lạp lúc đó rất suy yếu.
Năm 1708, Mạc Cửu người Quảng Đông sau khi chiếm đất Chân Lạp, tự nhận mình là con dân đất Việt, xin thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu.
Chúa NP Chu phong cho Mạc Cửu là Tổng trấn Hà Tiên, giao cho quyền tự chủ, duy trì cha truyền con nối qua 7 đời.
Ông có công mở mang đất Hà Tiên thành một thương cảng sầm uất trong khu vực thời bấy giờ.
(2*) Trung Hoa trở thành tên gọi quốc gia.
-Sau cách mạng Song Thập 10/10/1911.
Lật đổ nhà Đại Thanh lập nên nước Trung Hoa Dân Quốc.
Từ 1950 đến 1960 cộng đồng quốc tế gọi Đài Loan là Trung Hoa Quốc gia... Đài Loan luôn xưng tên Trung Hoa (không đồng ý danh xưng Trung Quốc). 
-Còn Trung Quốc sau khi lập thể chế Cộng sản 1/10/1949, tên đầy đủ là "Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc", hiện nay tên chính thức là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay cộng đồng quốc tế còn gọi là Trung Hoa Đại Lục, tuy nhiên Bắc Kinh ưng xưng danh là Trung Quốc nghĩa là nước ở giữa ( trung tâm).
Vì thuở xưa bên Tàu có 18 nước chư hầu. 
Chỗ kinh thành Hoàng đế ở lại nằm giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung quốc.
Người Trung Hoa xưa có được 4 phát minh tiến bộ là sản xuất ra La bàn, thuốc súng, giấy viết, kỹ thuật in ấn (đầu tiên là bản khắc gỗ).
Người An Nam ta gọi là Tàu, ba Tàu, người Tàu là vì khách đi bằng tàu thuyền chở hàng hóa qua đây buôn bán. 

(3*) Hủ tíu :
Hình thức ngữ âm ban đầu của "hủ tíu" là "củ tíu". Củ tíu là hình thức phiên âm từ hai tiếng mà người Triều Châu dùng để chỉ món ăn này, họ gọi "hủ tíu" là "quể tiéo" ghi bằng hai từ âm Hán-Việt nghĩa là "quả điều".
Tác giả An Chi cũng hoàn toàn tán thành cách viết "hủ tíu" vì người Nam Bộ luôn luôn phát âm vần -IÊU thành-IU.
(4*) Tên của món bánh Dầu cháo quẩy là Du Gia Quỷ tức là "con quỷ bị chan (gia) dầu (du) lên người", còn gọi là Du Thiêu Quỷ (dầu thiêu quỷ)...đều có nghĩa là con quỷ bị chiên trong vạc dầu.
Món này du nhập vào Việt Nam và Du gia quỷ được đọc thành "Dầu cháo quẩy", gọi tắt là cháo quẩy hay quẩy.
Hiện nay ta hay ăn kèm với cháo huyết, hủ tíu, mì hay phở.
Do sự tích Tể tướng Tần Cối nhà Tống bên Trung Hoa và vợ là Vương thị âm mưu "mãi quốc cầu vinh" hãm hại trung thần là Nhạc Phi (1103-1142) và con là Nhạc Vân cùng tùy tướng  bị xử tử hàm oan.
Người bán bánh chiên dầu vì căm hận vợ chồng Tần Cối đã nặn ra hai cục bột như hai hình người (ám chỉ vợ chồng Tần Cối) dính vào nhau rồi quăng vào chảo dầu đang sôi sùng sục để tỏ lòng căm giận vợ chồng kẻ gian trá. Bánh ngon giòn rụm bỏ vào miệng nhai rồm rộp như đang nhai xương vợ chồng kẻ gian thần.
Từ đó, người đời thấy bánh Dầu cháo quẩy dễ làm lại ăn ngon nên được lan truyền khắp Trung Hoa về sau người Hoa di dân mang sang đất nước ta..
(5*) Cơm chiên Dương Châu khởi thủy là thức ăn thừa bữa tiệc hôm trước được gom vô chiên lại...Cơm là cơm nguội thêm lạp xưởng, trứng chiên, đậu Hòa Lan, hành lá... còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên. 
(6*) Bến Thành có nghĩa là BẾN này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào THÀNH vì vậy mới gọi là Bến Thành. 
Từ đó, khu chợ cũng có tên là chợ 
Bến Thành. 
Chợ mới xây có tên là chợ Bến Thành ( hiện nay) do hãng thầu Brossard et Maupin xây dựng từ 1912 đến tháng 3/1914 thì làm lễ Khai Thị, báo chí thời đó gọi là Tân Vương Hội.
Người dân Sài Gòn gọi là "chợ Bến Thành mới"hay "chợ Mới" để phân biệt chợ "Bến Thành Cũ" ở Hàm Nghi. Nên có câu ca dao :
"Chợ Bến Thành dời đổi 
Người sao khỏi hợp tan
Xa gần giữ nghĩa tào khang 
Chớ ham quờn quới (quyền quý) 
Mà phụ phàng bạn xưa !"
( Chợ Bến Thành Cũ nằm trong tứ giác: 
-Nguyễn Huệ (Charner)- Phủ Kiệt (rue Amiral Roze- sau là Hải Triều)- Võ Di Nguy ( rue D' Adran- giờ là Hồ Tùng Mậu)- và Ngô Đức Kế ( rue Vannier). 
Còn người Tàu Chợ Lớn thì gọi "chợ Bến Thành mới" là "Tân Nhai thị" hay gọn lỏn hai từ "Cái Xị"!
Trước 1975 tên gọi chợ Bến Thành thường hiện diện trong sách vở. Còn người dân quen gọi chợ Bến Thành là chợ Sài Gòn (tên chợ Mới ít nghe gọi).
Khu vực xây dựng chợ Bến Thành là ao Bồ Rệt (Marais Boresse tên người cho phép lấp ao).
Khuôn viên chợ giáp mặt bốn con đường và từ năm 1952 được gắn trang trí 12 bức phù điêu lên bốn cửa chính do Điêu khắc gia Lê Văn Mậu sáng tác . 
Chợ có 4 cửa chính và 12 cửa phụ chia đều làm 4 hướng. Cửa chính là cửa Nam có tháp đồng hồ bốn mặt, đối diện là công trường Quách Thị Trang. 
- Cửa Nam số1 : mặt tiền là Place Eugène Cuniac tên ông thị trưởng Sài Gòn ( người đề ra việc lấp ao).Có ba bức phù điêu con bò và con cá ở giữa, bên trái là Cá Đuối và cá trê, bên phải là bò và heo.
-Cửa Bắc số 9: là rue D'Espagne (sau này là đường Lê Thánh Tôn).Có ba phù điêu Con vịt xiêm với nải chuối ở giữa, bên trái là con vịt, bên phải là nải chuối. 
- Cửa Đông số 13: là rue Viénot (sau này là đường Phan Bội Châu).Có ba phù điêu Bò và vịt ở giữa, bên trái bò và heo, bên phải là vịt.
- Cửa Tây số 5: là rue Schroeder (sau này là đường Phan Chu Trinh). Có ba Phù điêu Cá đuối với nải chuối ở giữa, bên trái là nải chuối, bên phải cá đuối và cá trê.
Các phù điêu này tượng trưng cho sản vật đồng bằng sông Cửu Long. 
Người Sài Gòn xưa ( trước 1975) thì quen gọi "bùng binh chợ Bến Thành" cho dù tên chính thức đã thay đổi là " Công trường Cộng Hòa, rồi công trường Diên Hồng, rồi công trường Quách Thị Trang sau cùng"...
Sau 1975 tên chợ Bến Thành được người miền ngoài vào gọi phổ biến .
Ngày 01/7 đến 15/8/1985 chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn (... được Chính quyền chính thức gắn bản tên chợ Bến Thành !!!) nên có nhiều người hiểu lầm là tên gọi Bến Thành có từ sau 1975.
Ngày 26/4/2014 UBND Q1 đã tổ chức kỷ niệm chợ Bến Thành là di tích 100 năm tuổi của Thành phố.
(Điều này dẫn đến sự ngộ nhận tên chợ Bến Thành có sau năm 1975, nhứt là người miền ngoài vào...vì tư liệu lịch sử nên cần phải thận trọng sưu tra). 

(7*) Lục Tài Tử Thư:
Sáu danh tác Trung Hoa do nhà phê bình Kim Thánh Thán đã chọn:
1- Nam Hoa Kinh- Trang Tử
2- Sử Ký -Tư Mã Thiên
3- Thơ Đỗ Phủ
4- Ly Tao- Khuất Nguyên
5-Thủy Hử- Thi Nại Am
6- Tây Sương Ký- Vương Thực Phủ.
(8*) Vũ Hoàng Chương viết trong khám Chí Hòa sau 1975.
Ngày 13/4/1976 ông bị bắt giam tại Chí Hòa, bịnh nặng được đưa về nhà, ngày 6/9/1976 thì mất tại tư gia Sài Gòn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire