CHUNG DÒNG ĐỊNH PHẬN
1- Chung chuyến xe Lam
Hôm đó là ngày thứ Hai 15/11/1971, ngày khai giảng Niên Khóa 1971-1972 của Viện Đại Học Đà Lạt. Bến xe Lam phía sau rạp hát Hòa Bình
tấp nập hơn bình thường. Những chuyến xe chạy về hướng Viện Đại Học chở toàn là trai tân, gái lịch, trẻ trung và rạng rỡ trong những bộ y phục rất hợp thời trang.
Tôi ngồi đối diện với một người có dáng dấp nghệ sĩ nhưng mang gương mặt "rất sữa" trên chuyến xe Lam chạy lên trường.
Anh chàng chào hết
mọi người trên xe bằng những nụ cười thật tươi tắn như muốn khoe cả...chiếc răng khểnh.
Với foulard choàng cổ, par dessus dài ngang
gối; tập sách trên tay trái, dù đen bên tay phải, cộng thêm giọng nói mềm mại,
ấm áp, "chàng" là một trong những gương mặt trẻ rất "à la mode" của ngày hôm đó.
2- Chung một niềm đam mê
Vừa bầu xong Ban Đại Diện thì cuối tháng 12/1971, anh Chủ Tịch của Ban Đại Diện năm Nhập Môn Khóa
8 CTKD, quyết định tổ chức đêm Văn Nghệ gây quỹ, để in quyển Đặc San
Xuân 1972. Đến lúc đó, tôi mới biết anh bạn có gương mặt trông khá
"baby", với nụ cười thật hồn nhiên- đã từng đi chung chuyến Lam trong
ngày đầu nhập học
đó- có một giọng hát truyền cảm hết biết! Qua "Bao Giờ Biết Tương Tư"
và ngay lần đầu "thử giọng" khi họp mặt tại cơ ngơi của Ấn quán Sivida,
là chàng đã chinh phục toàn ban văn nghệ.
Bạn hát rất thoải mái, tự nhiên, như kể lể, như trang trải tâm sự. " Tôi ghé răng cắn vào. Miếng môi ngọt đắng...". Âm thanh của hai chữ "ghé răng" phát
ra rất nhẹ nhàng, từ tốn và lãng mạn, nhưng nghe mãnh liệt như muốn
"nhai" cả trái tim của thính giả. Buổi văn nghệ trong đêm thứ Bảy
31/12/1971 đó, không chỉ có Bao Giờ Biết Tương Tư; mà còn có Qua Cơn Mê
mà anh bạn- bây giờ mới biết tên là Nguyễn Duy Tân- phụ họa với nhóm Nữ,
vốn là những gương mặt khả ái của năm Nhập Môn.
Qua
hôm sau, bạn đã trở thành một gương mặt nổi bật, mang "dấu ấn" của một
tài năng ca nhạc trong lòng những ai có cùng một sở thích văn nghệ.
Không ngờ anh bạn đồng khóa này sẽ đồng hành với tôi và hàng chục ngàn
người khác trong một định phận khắc nghiệt, chỉ cách sau một mùa trọ học với vỏn vẹn có 5 tháng nhộn nhịp trong giảng đường!"
Trường xưa vắng ta mai ta lại về. Cùng theo lũ em học hành như xưa
...". Định phận éo le thật đáng buồn!
3- Chung hoàn cảnh, khác nỗi niềm.
Cuối
tháng 3/1972,
Hà Nội xua quân vào Quảng Trị, mở màn cho một trận chiến khốc liệt tại
nhiều nơi trên
khắp 4 vùng Chiến Thuật của
toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 4/1972,
sau khi Quốc Hội thông qua
Luật Ủy Quyền do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đệ trình, thì tình trạng
khẩn cấp được công bố và lệnh Tổng Động Viên được chính thức ban hành.
Mặc
dù biết tương lai sẽ không một chút "sáng sủa", bạn vẫn tỉnh bơ cùng
với ban Văn Nghệ Toàn Trường tập dượt ráo riết cho phần văn nghệ của
"Ngày Đại Học", cũng là ngày "vui chơi thỏa thích" của toàn Viện Đại Học
Đà Lạt. Đây là một sinh hoạt truyền thống, rập khuôn theo phong cách
giáo dục của các Đại Học Âu- Mỹ. Không kể một tuần tập hát, rồi buổi
tổng dợt tại đại học xá Rạng Đông cho phần văn nghệ; tất cả các Phân
Khoa đều rầm rộ chuẩn bị những đóng góp của riêng mình,
nhằm tổ chức
một ngày Hội Chợ trong phạm vi của toàn Viện Đại Học; với những hàng cà
phê, kiosque bán quà lưu niệm, đặc biệt là các quán Nhạc bỏ túi khắp đó
đây.
Trong không khí sinh hoạt "có một không hai" của định chế giáo dục trên toàn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, bạn trách nhẹ tôi:
- Sao không ghi tên tham gia lần này?
- Không đủ hứng để hát hò! Vã lại tui còn có lý do riêng...
- Tôi nghĩ khác! Vui trước cái đã! Tới đâu thì tới! Que sera sera!
Buổi
văn nghệ tại khoảng sân trống trong khuôn viên của nhà nguyện Năng Tĩnh
kết thúc vội vã, ngay sau khi bạn vừa hát xong bản Mộng Chiều Xuân. Cơn
mưa chiều bất chợt đổ xuống một cách ào ạt. "
...
Lòng tha thiết buông theo tiếng đàn
...Mộng vàng phút tan theo gió chiều... " Lại thêm một dấu hiệu của ngày vui không trọn vẹn, bởi cơn mưa giông đến bất ngờ, đi cũng thật vội vã!
Mọi sinh hoạt vui chơi, giải trí đều đồng loạt chấm dứt. Lúc đó là đúng
17h của ngày thứ Sáu 21/4/1972. Từ ngày giờ này trở đi, bạn và tôi;
cùng những người chung hoàn cảnh, chỉ còn đúng 3 tháng để " vui nguồn sống mơ...", trước khi dấn thân vào cuồng nộ và khói lửa của "...
những ngày phong trần...
!".
4-
Chung thân phận
"Mùa Hè Đỏ Lửa"! Tổ
Quốc Lâm Nguy! Lệnh Đôn Quân của Luật Tổng Động Viên lập tức được thực
thi vào đầu tháng 5/1972. Bạn và tôi cùng những ai học trễ 1 năm, đều
không còn hội đủ điều kiện để được hoãn dịch học vấn. Nha Động Viên ấn
định
chúng tôi phải trình diện nhập ngũ
trong vòng 2 tháng. Thời hạn được cho là 3 ngày, từ 17/7/1972 đến
19/7/1972.
Sáng
sớm ngày thứ Hai 17/7/1972, bạn đến nhà tôi. Cùng đi với bạn là một
đồng môn học bên Văn Khoa, Nguyễn Ngọc Thưởng, cũng là hàng xóm của bạn
trên Đà Lạt. "Xuống Sài Gòn mấy ngày nay rồi! Đi sớm cho khỏe.
Chờ đến ngày sau cùng mới trình diện thì cũng vậy thôi!". Bạn vui vẻ
nói khi chúng tôi "cụng" ly cà phê, trước khi bắt Taxi để qua Quân Vụ
Thị Trấn bên đường Lê Văn Duyệt. Vài tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi có
mặt trong Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ trên Hóc Môn, Gia Định.
Sau
3 lần được cấp phép về nhà chờ khóa học quân sự, giữa tháng 8 năm đó,
chúng tôi có tên trong danh sách Tân Khóa Sinh ra Nha Trang thụ huấn
quân sự tại quân trường Đồng Đế. Trường Bộ Binh Thủ Đức không đủ chỗ để
đào tạo các "quan nhí" cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên Trường Hạ Sĩ
Quan tại Nha Trang phụ gánh trách nhiệm này, như đã làm hồi năm Mậu Thân
1968.
Gian
khổ bắt đầu bằng mưa nắng quân trường và những màn huấn nhục trời ơi
đất hỡi, nhưng bạn và tôi chấp nhận dấn thân. Bạn, trong dáng vóc "công
tử và nụ cười thư sinh", gồng mình "cõng" 2 quả đạn súng cối 60 ly. Còn
tôi, nhờ vào "tinh thần Sắp Sẵn" của Hướng Đạo, đã tình nguyện từ Trung
Đội 1 đổi qua Trung Đội 4 của bạn và của một đồng khóa 8 Chánh Trị Kinh
Doanh gốc Đà Lạt, để "ôm" thùng đạn đại liên M60 mỗi khi ra sân, bãi.
Ai
nấy đều ngạc nhiên khi thấy- ngoài tôi ra- còn có một anh bạn "lì đòn"
khác, Lâm Hoài Nam, cũng tình nguyện từ Trung Đội 3 qua vác đạn chung
với 3 đứa chúng tôi...cho vui! Sau đó, mọi người đều hiểu ra;
chúng tôi
gom chung một chỗ, là vì cùng "gu" văn nghệ và có một mẫu số chung là
thích "thả chân du tử la cà đó đây". Vui là chính, chuyện Lính
tính sau! Thế là nhóm "Du Ca súng nặng" thành hình, gồm hai chàng Hướng
Đạo Sài Gòn kết hợp với hai tâm hồn đồng điệu của Đà Lạt.
5- Chung lòng Khai Phá, hạp tánh phiêu lưu.
Vừa
xong 8 tuần huấn nhục và cấp hiệu Alpha ( trông như hình "con cá" )
vừa được may lên cổ áo, thì cuối tháng 10/1972, chiến dịch giải thích
Hòa Đàm Paris- nhằm ngăn chặn phía Cộng Sản lấn Đất, giành Dân- được Bộ
Tổng Tham Mưu gấp rút ban hành. Toàn thể Sinh Viên Sĩ Quan từ các quân
trường, được gởi đi tăng cường cho tất cả Tiểu Khu trên toàn quốc, để
phụ với đơn vị địa phương thực hiện công tác có tính cách chiến lược
này.
Đại
Đội Khóa Sinh chúng tôi được phân phối về tỉnh Bình Thuận. Tại đây,
chúng tôi phân nhóm rồi được đưa về các Quận, tức Chi Khu, để chung sức
với lực lượng địa phương trong việc thi hành công tác chiến tranh chính
trị, theo chiều hướng và tinh thần đã được Bộ Tổng Tham Mưu ấn định và
giao phó trách nhiệm.
Nhóm
"Du Ca súng nặng" chúng tôi, cùng với 16 đồng đội khác, tình nguyện về
công tác tại quận Hòa Đa, nơi có xã Phan Rí Thành, là vùng đông dân nhứt
của tỉnh Bình Thuận. Nơi này nổi tiếng với xã Phan Rí Cửa, một thời là
thủ phủ tiên khởi của Bình Thuận ở thế kỷ 17, hiện nay là nơi sinh sống
của đa số dân tộc Chàm tại miền duyên hải trung phần. Chọn đến công tác
tại quận Hòa Đa không phải là tình cờ, mà do chúng tôi đã biết đến địa
danh
và hình ảnh, từng được Bộ Thông Tin của hai nền Cộng Hòa giới thiệu rất
tận tình trên các bài viết hay phim thời sự nói về Du Lịch, Kinh Tế, Văn
Hóa từ rất nhiều năm trước.
Hòa
Đa, ngoài tính cách lịch sử gắn liền với Dân Tộc Chàm, còn nổi tiếng
khắp vùng nhờ vườn táo tại xã Lâm Lộc. Ngoài ra còn có vùng biển Thượng
Văn ( tên địa phương gọi là Duồng ), là một thắng cảnh đủ đẹp để thu hút
ngành du lịch trong thời bình. Tên Thượng Văn là do Tổng Thống Ngô Đình
Diệm đặt cho, khi ông đi kinh lý và tìm đất để đồng bào miền bắc vào
định cư. Nằm cách Hòa Đa không xa, Phan Rí Cửa là một trong vài đơn vị
hành chánh, tuy ở cấp Xã, nhưng trù phú nhứt của Việt Nam Cộng Hòa.
Cơ
ngơi và sinh hoạt về mọi mặt tại Phan Rí Cửa có tầm cỡ của một thị
trấn, với rạp hát, sân đá banh, sân Tennis, trường Trung Học Công Lập Đệ
Nhứt Cấp, Bệnh Xá toàn khoa và một hệ thống ngư nghiệp hùng hậu với
ghe, thuyền ngày đêm tấp nập. Còn hàng, quán thì không thua bất cứ nơi
nào tại các tỉnh, thành của miền Nam Việt Nam.
Riêng
các quán cà phê thì từ cảnh trí, âm nhạc và hương vị đều không kém Đa
La trong Chợ Lớn, Thượng Uyển trên đường Trần Quốc Toản, hoặc Hương Xưa
tại Gò Vấp. Cà phê nhạc là nơi "dưỡng quân" thường xuyên, mỗi khi chúng
tôi đến công tác tại Phan Rí Cửa, đặc biệt là tại một quán khá trang nhã
ở Xóm Cồn, nghe nói là của gia đình ông Dân Biểu đối lập họ Trương,
biệt hiệu Trúc Viên.
Sẵn
máu phiêu lưu, cộng với "gu" văn nghệ của cả nhóm công tác, nên chúng
tôi đã có nhiều lần hát hò ngoài lộ thiên, trong hội trường, ngay mé
biển, tại tất cả những nơi chúng tôi đi thuyết trình trong toàn quận, kể
cả trong sân trường Trung Học Phan Rí Cửa. Trong những lần sinh hoạt,
bất kể là vào ban ngày hay buổi tối này, bạn luôn là "ngôi sao" phụ diễn
nổi bật nhứt.
Dường
như Duy Tân sinh ra là để thẩm thấu vào âm nhạc, vào thiên nhiên, vì
bạn rất thường lãng đãng trong cõi mịt mờ nào đó của mộng ảo. Đôi khi
trầm ngâm, xa vắng, lắm lúc
bạn
lại cười đùa, nói và hát hò nhiều hơn ai hết. Bạn như bất cần đời,
"bạo miệng" đấu hót về mọi thứ chuyện, nhưng khi cần trao đổi một cách
nghiêm chỉnh thì rất sâu sắc trong nhận định, chững chạc trong lý luận,
có khi lại khôi hài một cách ...rất "bình dân"! Khó hiểu được bạn.
Nhưng "Công Tử răng khểnh" lại rất dễ gần gũi với anh em, đặc biệt là
khi có cây đàn trên tay và một ly trà, hoặc cà phê ở ngay bên cạnh.
6- Chung "chuyến xe định mệnh"
Chuyến
công tác Chiến Tranh Chính Trị đợt 1 của Sinh Viên Sĩ Quan- điều động
từ các quân trường trên toàn quốc- chấm dứt từ giữa tháng 1/1973. Tại
Phan Thiết, đại đội khóa sinh chúng tôi được gom về Tòa Hành Chánh tỉnh,
để Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Tiểu Khu tổng kết thành quả công tác
và thết tiệc khoản đãi. Hai hôm sau, thứ Sáu 19/1/1973, chúng tôi được
đoàn xe Quân Vận gồm 8 chiếc GMC, mỗi xe chở một toán công tác của một
quận thuộc tỉnh Bình Thuận, đưa về Nha Trang.
Hai
tháng trước đó, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng
cho L19 từ Phan Thiết đón chúng tôi, khi đoàn xe từ Đồng Đế vừa rời phần
đất Ninh Thuận để vào địa phận của Tuy Phong, là quận cực bắc của tỉnh
Bình Thuận. Bận về lần này, Đại Tá Nghĩa cũng cho L-19 lên bao vùng, giữ
an ninh lộ trình và hộ tống chúng tôi qua những đoạn đường thường hay
có Việt cộng lãng vãng.
Đoạn
đường quốc lộ 1 chạy qua ngã ba đi Sông Mao, tức ngay Hương lộ 404, có
một dốc khá cao tại ấp Lương Sơn thuộc xã Chợ Lầu. Đoạn này chạy sát
sông Lũy. Tại đây, cây cối um tùm, địa thế rậm rạp, rất dễ bị phục kích,
nhứt là khi xe cộ rề rề leo dốc. Đến đây thì không còn bao xa nữa sẽ đi
ngang quận Hòa Đa. Vì vậy, chúng tôi đồng loạt đội bê rê màu xanh nước
biển của Đồng Đế và ngồi xoay mặt nhìn ra hai bên đường. Mục đích là
chờ tới khi xe chạy ngang qua Phan Rí Thành, thì mọi người
sẽ vẫy tay từ giã dân chúng tại các quán xá trước cổng quận đường.
"Đầm
Già" lượn sát đọt cây, đảo một vòng quan sát ven đồi bên kia bờ sông
Lũy, rồi bay trở ra quốc lộ. Chiếc L-19 rú ga lấy cao độ, nhưng nghe như
có tiếng "ho", rồi hai cụm khói đen phụt ra từ cánh quạt. GMC rị mọ leo
lên dốc cao. Phi cơ đã chết máy nhưng đà lướt vẫn thật nhanh và cũng
thật êm. Quân xa và máy bay "gặp" nhau trên đỉnh dốc. Cánh phi cơ "vớt
đầu" vài bạn ngọt xớt như tiếng róc mía! Sau đó tiếng động khô khốc của
cánh máy bay chạm vào cabin ngay sau lưng tài xế, làm mọi người giựt
mình, thảng thốt.
L-19 lật ngửa, rớt nằm bên vệ đường. GMC đổ một đoạn dốc ngắn rồi
mới dừng hẳn lại. Vì quay ra hai bên đường, nên lúc nghe tiếng va chạm,
các bạn ngồi phía bên
kia băng ghế đều quay nhìn về phía sau xe. Khi thấy máy bay lật
ngửa là họ la toáng lên, rồi hối nhau lập tức nhảy xuống đường để chạy tới
cấp cứu viên phi công và người quan sát viên. Họ không hề biết đã có 5
thân người bật ngửa, rồi ngã vào lòng xe, nơi ba lô và sac marin của cả toán
ngổn ngang chất chồng. Trên đống lỉnh kỉnh đó, có tôi cùng một anh bạn ngồi dựa lưng vào cabin, quay mặt nhìn về
phía sau xe suốt từ lúc khởi hành.
Định
mệnh trớ trêu, mà Tạo Hóa cũng khéo léo làm sau khi cánh máy bay "vớt
hụt" 2 chiếc bê rê đầu tiên, rồi mới "liếm đầu" của 5 bạn còn lại, trước
khi máy bay va chạm với góc buồng lái! Tai nạn xảy ra như chỉ trong
tích tắc. Khi tôi nhoài người đỡ Ngô Quốc Thắng, nạn nhân đầu tiên cũng
là người bị thương nặng nhứt, thì cũng là lúc bạn Thắng đưa tay bụm trán
theo một hành động phản xạ. Vầng trán rộng của bạn bấy giờ là một mớ
bầy nhầy của lớp da, xương, mỡ dồn cục, kéo từ trái qua hết bên phải.
Vết thương trắng hếu màu thịt mỡ!
Chỉ
khi chậm miếng băng cá nhân lên đầu bạn thì máu mới rỉ ra, thấm đầy.
Vết thương
trên trán Nguyễn Duy Tân tuy ngắn hơn một chút nhưng cũng phải 6, 7 cm
chiều ngang và đã ra máu khi tôi buộc băng cứu thương cho bạn.
Chỉ có một bạn Sinh Viên Sĩ Quan tên
Võ Công Lý, là người duy nhứt đội nón sắt. Không thấy bạn Lý chảy máu,
nhưng vì có một cục u; sưng to cỡ quả trứng bồ câu ở phía sau ót, sờ vào
thì thấy căng cứng, nên chúng tôi để
yên đó.
Hai
nạn nhân còn lại thì được anh bạn có biệt danh là "bánh mì đường" ( do
sáng nào cũng đi lãnh bánh mì và đường cát về phân phát cho cả đại đội
khóa sinh ) và một người khác vừa chạy trở lại, phụ băng bó. Tất cả các
nạn nhân trên xe đều mê man. Để chạy đua với thời gian, thay vì chờ xe
cứu thương của Quân Y từ Sông Mao chạy ra,
chúng tôi nhờ 2 chiếc xe đò lỡ ( loại Renault của Pháp ) chở gấp mọi người về
Phan Rí Cửa, để trực thăng tải thương đưa về Quân Y Viện Nguyễn Huệ tại Nha Trang.
Thứ
Sáu 19/01/1973! Một ngày đẹp trời, nhưng lại là một ngày đẫm máu ngay trên chiếc GMC chở toán Hòa Đa
chúng tôi về quân trường. Đoàn quân xa của Đại Đội 727 là chuyến sau
cùng trở về Đồng Đế. Ba
ngày sau, trong buổi họp tổng kết chiến dịch CTCT với đại diện của Quân
Đoàn II và Quân Khu 2 tại rạp Tân Tân ngoài Nha Trang, chúng tôi được
vị sĩ quan Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn II cho biết
Quân Cảnh Sông Mao kết luận tai nạn hy hữu tại xã Chợ Lầu, quận Hòa Đa, là tai
nạn...giao thông vì đã xảy ra ngay trên Quốc Lộ 1!
Ngày 27/01/1973, Sinh Viên Sĩ Quan của Đồng Đế lại lên đường tham gia công tác CTCT đợt 2. Chúng tôi nhận tin bạn Lý đã qua đời ngay trong đêm
trước khi mọi người rời quân trường. Các
bạn
khác, cùng với phi công và quan sát viên của chiếc L-19, đều trên đà
bình phục. Bạn Lý yểu mạng chỉ vì ...đội nón sắt! Cánh máy bay
-với tốc độ đang đà bay của phi cơ còn khá cao- đã vớt mạnh vào chiếc
nón. Sức va chạm làm bạn Lý dập não, long óc. Khi bị đẩy bật ra phía
sau, bạn lại bị thương thêm một lần nữa ngay tại tiểu
não. Phía sau gáy của bạn Lý không biết đập vào đâu, nhưng lúc bạn được
đưa lên xe đò,
vết thương
đã sưng to bằng ngón chân cái. Võ Công Lý ra đi trong hôn mê. Không một phút giây nào hồi tỉnh!
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire