caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 21 novembre 2013

CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI THẦY (Châu Bá Tòng - 11/20/2010)


Nhân ngày 20 tháng 11, còn là Ngày Nhà Giáo Việt Nam , tôi xin được gửi đến mọi người thân quí , bài viết sau đây . Khoảng thời gian  20 năm từ 1955 đến 1975 , dòng đời đưa đẩy , ngồi dạy toán, lý ,hóa  bậc trung học ở Sa Đéc và Cần Thơ, đã là những ngày tình nghĩa khó quên. Bây giờ nhớ lại , tuổi già lẩm cẩm , không ngăn được xúc động, vui và biết ơn. Cầu chúc an lành cho tất cả , và riêng cho các em học trò cũ yêu quí của tôi.  PKT 11/20/2013  
CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI THẦY(Châu Bá Tòng - 11/20/2010)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Thị xã Sa Đéc , một thành phố nhỏ nằm cạnh sông Tiền. Từ thuở thiếu niên cho đến khi trưởng thành tôi theo học Trường Nam Tiểu học Sa Đéc, rồi tiếp tục trường Trung học Sa Đéc. Trong khoảng thời gian dài , tôi được học với nhiều thầy cô khác nhau , nhưng có lẽ thầy Phạm Khắc Trí đã để lại trong tôi những ký ức tốt đẹp nhất.
Gia đình tôi có năm anh chị em , trong đó các chị và anh tôi là những lớp học sinh đầu tiên của Sa Đéc được học với thầy Trí. Tôi nhớ lại , trong những bữa cơm gia đình , các anh chị thường xuyên trao đổi về việc học tập , những mẫu chuyện nhỏ về các thầy cô , và tên thầy Trí luôn được các anh chị nhắc đến với một thái độ trân trọng , thích thú , và kính phục.
Riêng tôi , năm 1959 mới thi đỗ vào trường Trung học Sa Đéc , học lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ ), vẫn chưa có dịp học môn Toán với thầy. Vốn không được thông minh , lại không có một phương pháp học tập tốt , mất căn bản kiến thức môn toán , nên tôi rất hoang mang và lo lắng. Kết quả học tập ngày càng sa sút , mặc dù tôi đã cố gắng hết sức. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm tôi học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ ) tôi mới được học môn Toán với thầy Trí.
Buổi học đầu tiên , thầy đến lớp rất đúng giờ , trong chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay , chiếc quần dài đen , chân mang đôi giày săng đan có quai hậu màu nâu sẫm. Thầy có nước da trắng , mái tóc đen chải rẽ thắng hàng , gương mặt nghiêm nghị , dáng đi nhẹ nhàng chững chạc. Hôm đó là giờ học môn hình học. Nghe danh thầy đã lâu , nên cả lớp trông chờ tiết dậy đầu tiên của thầy. Sau cái khoát tay cho phép cả lớp ngồi xuống , thầy bắt đầu giảng bài. Cầm viên phấn gõ nhẹ lên bảng 3 cái nhắc nhở học sinh tập trung , bằng một giọng nói trong và rõ ràng , bằng một động tác nhuần nhuyễn thầy vẽ 2 vòng tròn giao tiếp một cách nhanh gọn ,chính xác và đẹp mắt. Cá lớp ngạc nhiên , thích thú và thán phục. Vừa giảng thầy vừa ghi những ý chính lên bảng , chữ viết nhanh nhưng đẹp , rõ ràng , sạch sẽ...Tiết học rất sinh động , cá lớp tiếp thu bài giảng một cách dễ dàng.
Trên lớp , thầy chưa bao giờ nổi giận , lớn tiếng đối với học sinh. Thỉnh thoảng có những tiết học hơi ồn vì một số học sinh thiếu tập trung , thầy chỉ cần ngưng giảng vài phút , nhìn xuống lớp , dùng phấn gõ nhẹ lên bảng vài cái kèm theo lời nói nhỏ nhẹ :"Thôi ! trật tự lại nào !" , bấy nhiêu đó đủ tạo nên sức mạnh buộc cả lớp im phăng phắc như một lời nhận lỗi với thầy.
Trên lớp thầy nghiêm khắc bao nhiêu thì trong cuộc sống hàng ngày thầy thân thiện dễ gần gũi bấy nhiêu. Thầy sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc toán học của học sinh , khen ngợi những học sinh giỏi , động viên giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần các học sinh nghèo , học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vượt lên chính mình. Ở thầy luôn toát lên một phong cách của người thầy mẫu mực , với kiến thức chuyên môn sâu , một tấm lòng rộng mở , trong sáng vì học sinh thân yêu.
Không biết có phải vì chịu ảnh hưởng của thầy hay không mà các anh chị cúa tôi đều trở thành nhà giáo , dù mức độ thành công có khác nhau. Riêng tôi cũng chọn con đường dạy học , nhưng phong cách dạy học của thầy ảnh hưởng đến tôi rất lớn. Tôi luôn trau dồi , nghiên cưu , học tập theo gương của thầy.
Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 , tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô nói chung , thầy Phạm Khắc Trí nói riêng , người đã khai tâm , khai trí giúp tôi nên người.
(Nguồn : Ấn Phẩm Kỷ Niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2010- Hội Cựu GIáo Chức Thị Xã Sa Đéc)

Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire