caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 22 février 2014

Chuyện gián điệp và cuộc chiến 1975, Tram Nguyen

Tram Nguyen

Partagé en mode public  -  16 janv. 2014
 

Chuyện gián điệp và cuộc chiến 1975

Tin tức của tình báo, gián điệp đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến tranh không kém gì tiếp liệu, vũ khí… Binh pháp người xưa đã nói biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Có khi tin tức tình báo gián điệp thay đổi cả một khúc quành trong cuộc chiến như vai trò của Tiến sĩ Sorge trong cuộc chiến tranh Nga Ðức 1941-1945. Richrad Sorge (1895-1944) sinh tại Ðức, cha người Ðức mẹ người Nga, đậu tiến sĩ Chính trị học 1919, sinh sống tại Ðức, gia nhập đảng Cộng Sản Ðức, làm gián điệp cho Hồng quân Nga. Bề ngoài Sorge là đảng viên Quốc Xã Ðức để che mắt chính quyền, ông hành nghề báo chí.

Năm 1933, với tư cách một nhà báo Ðức, Sorge sang Nhật làm báo nhưng thực ra để thiết lập màng lưới gián điệp cho Cộng Sản Nga. Trong năm 1933-34 ông ta đã thu thập được nhiều tin tức ngoại giao quan trọng của Nhật. Năm 1941 Sorge đã cho Nga tin tức chính xác về chiến dịch Barbarossa của Hitler nhằm tấn công Sô Viết ngày 22-6-1941 nhưng Staline lại thờ ơ không tin mấy. Ðúng vào ngày 22-6-1941 Hitler đưa một lực lượng vĩ đại 180 Sư đoàn bộ binh và cơ giới (70% lực lượng của Ðức) tiến đánh miền Tây nước Nga. Mặc dù Nga đã biết trước qua một số tin tức nhưng quân Ðức vẫn đạt yếu tố bất ngờ, vả lại quân Nga trang bị vũ khí lỗi thời nên đã bị Ðức đè bẹp ngay khi chiến dịch tiến hành. Từ ngày khởi đầu chiến dịch cho tới những ngày gần chót khi quân Ðức đã tiến sát Mạc Tư Khoa trong gần nửa năm, họ đã bắt được khoảng 3 triệu tù binh Nga.

Ðầu tháng 12 quân Ðức chỉ còn cách Mạc Tư Khoa 18 dặm Anh (30km), cả thành phố hốt hoảng tưởng như quân Ðức sắp vào tới nơi, Hitler đắc thắng cho rằng đã chinh phục được nước Nga, chắc ăn như bắp rồi, hươu hươu tự đắc tuyên bố “ Cộng Sản Nga đang dẫy chết”. Thế giới nín thở, người ta cho rằng nước Nga đã thua trận, khoảng hơn 200 Sư đoàn chủ lực đã bị đánh tan. Staline đang cố gắng huy động 80 Sư đoàn để cứu nguy Thủ đô nhưng thực ra lúc này chỉ còn 25 Sư đoàn trang bị đầy đủ. Vào lúc ấy mùa đông khắc nghiệt mấy chục độ dưới số không khiến quân Ðức phải tạm ngưng cuộc tấn công. Trong lúc tình hình vô cùng nguy khốn thì được tin tình báo của Tiến Sĩ Sorge cho biết quân Nhật (Lộ quân Quan Ðông) sẽ không mở mặt trận tấn công phía Ðông nước Nga như họ đã dự trù. Từ mấy năm trước Staline đã dàn 40 sư đoàn (có tài liệu nói 50 Sư đoàn) tại biên giới Mãn Châu để phòng ngừa quân Nhật tấn công chiếm các tỉnh phía Ðông. Nhờ tin tức của tiến sĩ Sorge nêu trên Staline đã cho rút 40 Sư đoàn về tăng cường cho tuyến phòng thủ Mạc Tư Khoa rồi chuyển bại thành thắng, đẩy lui được quân Ðức ra xa hằng 100km.

Một phần vì đường xá của nước Nga quá tồi tệ lạc hậu đã cản trở sự tiến quân của người Ðức, phần vì thời tiết khắc nghiệt và nhất là nhờ tin tình báo của Tiến Sĩ Sorge đã khiến cho Moscow thoát hiểm. Nếu Thủ đô Nga rơi vào tay quân Ðức, quân Nhật sẽ thừa cơ nước đục thả câu chiếm một số tỉnh miền Ðông khi ấy Sô Viết sẽ có nguy cơ sụp đổ phải ký hoà ước theo kiểu Pétain. Ðây là một thành quả gián điệp lớn lao nhất trong cuộc Thế chiến Thứ hai, nó đã cứu Sô Viết thoát chết trong gang tấc và thay đổi cả một khúc quành trong cuộc chiến tranh Nga Ðức hay nói khác đi cái nôi của Cộng Sản Quốc Tế đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc y như một phép lạ! Phải chăng ông Trời đã cứu nước Nga? Tiến sĩ Sorge bị an ninh Nhật bắt năm 1941, bị treo cổ năm 1944.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như bất cứ cuộc chiến nào, hai bên đều có hệ thống tình báo để lấy tin tức bí mật về chiến thuật chiến lược hòng thủ lợi. Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng dễ cài tình báo gián điệp hơn Việt Nam Cộng Hoà vì miền Nam theo chế độ dân chủ tự do. Họ rất dễ trà trộn lợi dụng sự dễ dàng của cơ cấu xã hội chẳng thế mà sau 30-4-1975, cháy nhà lòi ra mặt chuột, người ta thấy tại các nhà thương, trường học, nhà thờ, chùa chiền và ngay cả trong quân đội, cảnh sát… chỗ nào cũng có cán bộ nằm vùng. Những người đã nhận nhiệm vụ làm gián điệp, tình báo cho Cộng Sản không bao giờ dám bỏ trốn vì sợ bị thủ tiêu, thanh toán. Ngược lại phía Việt Nam Cộng Hoà và Ðồng Minh khó đưa tình báo gián điệp ra miền Bắc vì CS kiểm soát người dân rất kỹ theo chế độ hộ khẩu nhưng không phải là không có tình báo của phe ta ngoài ấy.

Vào khoảng năm 1983 chúng tôi có dịp tiếp xúc với một trung uý kỹ sư công binh của CSBV tại miền Nam, hỏi về vụ Người Mỹ xử dụng biệt kích để giải thoát tù binh tại Sơn Tây bằng trực thăng bị thất bại anh ta cho biết nội dung đại khái như sau:

Bộ đội BV cũng vẫn thườøng dùng trực thăng tập trận tại trại Sơn Tây nên khi Mỹ đưa trực thăng chở biệt kích tới, ăn mặc giả làm bộ đội đổ quân xuống nhưng thất bại vì tù binh Mỹ tại đây đã được chuyển đi nới khác từ mấy ngày trước. Anh ta cho biết đó là sự chuyển trại bình thường, trong khi trực thăng đổ biệt kích xuống thì tay trong của họ (Mỹ ngụy) cắt hết dây điện thoại nên trại không liên lạc được với bên ngoài và do đó không được tiếp cứu.

Chúng tôi bèn hỏi “Ngoài Bắc cũng có tay trong của Mỹ nguỵ à? Thì anh ta cho biết “Mỹ Ngụy” có để nhiều tình báo gián điệp tại miền Bắc, thí dụ như khi Ðại Tướng Nguyễn Chí Thanh vừa về làng quê thăm họ hàng gia đình thì phi cơ phản lực Mỹ bay vút tới ném bom vào khu vực nhà ông ấy, Nguyễn Chí Thanh vội chui xuống hầm ngay và thoát chết, anh ta nói gián điệp địch đã báo cho Mỹ biết. Anh trung uý này cũng cho biết tại Hà Nội các giàn súng phòng không của BV phải di chuyển đổi vị trí luôn, nếu ở lâu một nơi sẽ bị điệp viên của địch báo cho máy bay Mỹ tới ném bom.

Nói về cuộc chiến 1975, có một chuyện tình báo gián điệp khá lớn đã được sách báo ngoại quốc đề cập, hồi ký của Văn Tiến Dũng cũng có nói tới nội dung bản tin do tình báo CS thu lượm được tại dinh Ðộc Lập.
Trong cuốn Decent Intreval, Frank Snepp, một chuyên viên cao cấp về phân tích tình báo chiến lược Hoa Kỳ thuộc văn phòng CIA ở Sài Gòn đã cho biết như sau:

“Một điệp viên trong bộ tham mưu thân cận của Tổng Thống Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Sài Gòn cho Bắc Việt. Theo báo cáo của tên gián điệp này thì vào hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, có một phiên họp cao cấp về quân sự tại Sài Gòn nhằm vào việc thẩm định những dự tính của Hà Nội trong năm tới.Trong phiên họp này, các tướng lãnh cùng đồng ý với quan điểm của Tổng Thống Thiệu là trong những tháng sắp tới, Cộng Sản sẽ “chiến đấu trên một bình diện đại qui mô”hơn trong năm 1974 tuy nhiên sẽ không tổng tấn công như hồi năm Mậu Thân 1968. Tên điệp viên nói thêm rằng Tổng Thống Thiệu đã kết luận rằng các lực lượng Bắc Việt sẽ không đủ khả năng để tấn công chiếm giữ và bảo vệ các thành phố lớn, Tổng Thiệu đã tiên đoán rằng Cộng Sản sẽ nhắm mũi tấn công vào tỉnh Tây Ninh thuộc Vùng III Chiến Thuật và Cộng Sản sẽ tấn công mạnh cho đến hết mùa khô vào tháng 6 (năm 1975) rồi sẽ ngưng các cuộc tấn công để dưỡng quân, tái tổ chức và trang bị. Tên gián điệp này cũng báo cáo thêm rằng căn cứ trên những ước tính này, Tổng Thống Thiệu đã quyết định sẽ không tăng viện cho Vùng II và sẽ tập trung các lực lượng trừ bị trong vùng phía Nam mà thôi.

(Trần Ðông Phong trích dịch –Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng)

Cuốn Decent Interval của Frank Snepp này đã được CSVN cho dịch ra tiếng Việt vào năm 1978, lấy tên Khoảng Cách Vừa Ðủ, và đã cho đăng trên các báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Nhân Dân, CS cho là có lợi cho họ. Dưới đây là nhận định của Frank Snepp về hậu quả do báo cáo của tên gián điệp CS như sau:

“Cũng chẳng có gì khó khăn để tưởng tượng ra được các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã hồ hởi, khoái chí như thế nào khi họ nhận được bản báo cáo này. Ðó là một bản báo cáo vô giá. Trong quyết nghị về kế hoạch quân sự tại miền Nam năm 1975, giới lãnh đạo Bắc Việt còn chưa có quyết định tối hậu vì chưa có đủ yếu tố. Giờ đây, nhờ vào bản báo cáo này mà Hà Nội đã nắm đủ yếu tố, đã biết rõ ông Thiệu dự tính họ sẽ tấn công như thế nào và tương kế tựu kế, họ sẽ sửa đổi lại kế hoạch tấn công để qua mặt ông Thiệu.

Nếu như ông Thiệu tiên đoán rằng Cộng Sản sẽ tấn công vào Tây Ninh thì trước hết họ sẽ tấn công vào tỉnh Phước Long: nếu ông Thiệu nghĩ rằng Cộng Sản sẽ không tấn công vào vùng II thì họ sẽ tấn công vào vùng Cao nguyên và đó cũng là nơi họ sẽ tập trung các lực lượng chính yếu để thôn tính toàn bộ vùng này; nếu ông Thiệu nghĩ rằng Cộng Sản không có đủ khả năng tấn công và chiếm giữ các thành phố lớn thì họ sẽ làm y như vậy: tấn công Phước Long và kế đến Ban Mê Thuột rồi thay vì phải rút lui họ sẽ chiếm giữ luôn những thành phố đó

Trong số những người đã đóng góp công trạng cho sự chiến thắng của Bắc Việt, tên gián điệp nằm vùng này trong bộ tham mưu của ông Thiệu phải là người có công lao lớn nhất. Cho đến giờ này thì tên tuổi của tên gián điệp này vẫn còn bí mật, chỉ có Hà Nội là biết rõ, nhưng vào thời gian y cung cấp tài liệu có giá trị vô giá này cho Bắc Việt vào cuối năm 1974 thì văn phòng CIA ở Sài Gòn có một bản danh sách gồm có 4 người trong bộ tham mưu thân tín của ông Thiệu bị tình nghi là có thể làm gián điệp nội tuyến cho Bắc Việt. Một trong 4 người đó là một sĩ quan đang giữ chức trưởng ban phản gián của Cục An Ninh Quân Ðội, người này là bà con rất gần với một nhân viên cao cấp trong bộ tham mưu của Tổng Thống Thiệu.

Dù rằng có đủ bằng chứng nhưng CIA vẫn không có thể làm gì được đối với họ vì cả bốn người đều là người tâm phúc thân cận với Tổng Thống Thiệu và trong đó có hai người, kể cả người phụ trách về phản tình báo của An Ninh Quân Ðội, trớ trêu thay lại là cộng sự viên lâu đời của CIA . Nếu CIA mà làm tới và kết tội họ thì việc đó sẽ làm cho chính CIA bị bỉ mặt, do đó mà CIA đành phải làm ngơ”

(Trần Ðông Phong trích dịch – VNCH, 10 Ngày Cuối Cùng)

Chuyện gián điệp tại dinh Ðộc Lập nêu trên chắc hẳn là có thật vì trong tài liệu phía Cộng Sản cũng có nói tới gần giống như vậy. Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Cộng Sản Bắc Việt, người chỉ huy trận chiến xâm lăng miền Nam 1975 đã ghi nhận trong hồi ký của y (Ðại Thắng Mùa Xuân) như sau"

“Theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, trong “dinh Ðộc Lập”, Thiệu họp với bọn tư lệnh các quân đoàn, quân khu ngụy để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định.

Trong năm 1975, ta có thể đánh với qui mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972.Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa. .. . . . . .

Do nhân định như vậy, chúng không thay đổi thế bố trí chiến lược mạnh hai đầu (quân khu 1 và quân khu 3) và chúng cũng chưa có sự thăng cường lực lượng gì lớn ở quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên”.
(Trang 40, 41)

Cũng nói về vụ tình báo gián điệp tại dinh Ðộc Lập nhưng phía Cộng Sản không cho là quan trọng lắm, họ có chú ý tới cái nhìn khinh địch của ông Thiệu nhưng không thấy đề cao thành tích của tay điệp viên này. Trái lại phía Mỹ, Frank Snepp thì quá quan trọng hoá vai trò của tên gián điệp, làm như y là một tiến sĩ Sorge thứ hai vậy!!

Frank Snepp đã tán phét, thổi phồng vấn đề và nhận định, phán xét vụ gián điệp này một cách quá đơn giản, chủ quan. Ông ta nói rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt hồ hởi, khoái trá khi nhận được bản báo cáo vô giá này nhưng trên thực tế họ không có biểu lộ gì hồ hởi như ông nghĩ. Ông ta nói rằng trong nghị quyết về kế hoạch quân sự tại miền Nam, Hà Nội chưa có quyết định tối hậu vì chưa có đủ yếu tố, giờ đây nhận được báo cáo của tên gián điệp, họ biết rõ dự tính của ông Thiệu để tương kế tựu kế qua mặt ông Thiệu. Frank Snepp nhận định hoàn toàn chủ quan và sai lầm, ông không hiểu về người Cộng Sản cho lắm và suy diễn sự kiện theo chủ quan riêng tư của mình bởi vì trước khi nhận được tin tức tình báo của tên gián điệp khoảng hai tháng họ đã hoạch dịnh xong kế hoạch quân sự để tấn công Việt Nam Cộng Hòa.

Ông cho rằng sở dĩ Cộng Sản tấn công Phước Long vì ông Thiệu tiên đoán họ tấn công Tây Ninh, nhận định này rất mơ hồ vì CS tấn công Phước Long chỉ là để thăm dò phản ứng của Mỹ, họ chọn một tỉnh nhỏ xa xôi, phòng thủ yếu để tấn công, đơn giản như vậy thôi.

Frank Snepp nói vì ông Thiệu cho rằng Cộng Sản sẽ không tấn công Vùng 2 (Quân Khu 2) nên họ tấn công Vùng 2, đây cũng lại là một nhận định hoàn toàn sai lầm, Cộng Sản Bắc Việt đâu có khù khờ như ông nghĩ. Kế hoạch tấn công Cao Nguyên (QK-2) của Hà Nội đã được hoạch định từ tháng 10, nghĩa là trước phiên họp (9-12-1974) tại dinh Ðộc Lập kể trên khoảng 2 tháng, có nghĩa là Bắc Việt đã lên kế hoạch tấn công Tây Nguyên từ 2 tháng trước khi có tin tình báo của tên gián điệp này. Văn Tiến Dũng có ghi trong hồi ký của y trang 22 như sau:

“Tháng 10 năm 1974, trời cuối thu bắt đầu lạnh, gợi cho các cán bộ quân sự chúng tôi nhớ đến mùa chiến dịch sắp đến. Bộ Chính Trị và Quân Uỷ Trung Ương họp nghe Bộ Tổng tham mưu trình bầy kế hoạch tác chiến chiến lược”

Hội nghị quân sự cao cấp của Bắc Việt trong dịp này bàn về chiến trường và họ chọn Tây Nguyên làm chủ yếu trong cuộc tổng tiến công 1975, nguyên do Cộng Sản Bắc Việt chọn Tây nguyên là vì họ nhận xét về cách bố trí của ông Thiệu mạnh ở hai đầu, Quân khu 1 để 5 sư đoàn, Quân khu 3 để 3 sư đoàn, Quân khu 2 ở giữa chỉ có hai Sư đoàn chủ lực lại phải rải ra giữ các tỉnh Tây nguyên và bảo vệ các tỉnh duyên hải như Qui Nhơn, Bình Ðịnh, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết….Ở đây (QK-2) là chỗ yếu nhất nên BV nhắm vào đó để tấn công. BV cho rằng Tây Nguyên là là một chiến trường hết sức cơ động, nó giữ một vị trí yết hầu then chốt vì có thể theo đường Quốc Lộ 14 tiến về phía Nam như Quảng Ðức, Phước Long và theo các đường Quốc Lộ 19, 7, 21 tiến xuống miền duyên hải như Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… Tây nguyên có độ chênh không đáng kể tiện cho việc làm đường, họ nói “về mặt chiến lược đây là một địa bàn hết sức quan trọng”.

Bắc Việt đã đánh giá vị trí chiến lược của Tây Nguyên rất cao “Ai làm chủ Tây Nguyện thì làm chủ chiến trường” Ðại Tá Phạm Bá Hoa (VNCH), trong bài Cuộc Rút Quân Trên Ðường Số 7 đã viết:

“Năm 1960 trong thời gian tôi học tại trường Ðại Học Quân Sự (hậu thân của Viện Nghiên Cứu Quân Sự của Quân Ðội Viễn Chinh Pháp), tôi đọc được một tập tài liệu có nhận định rằng “ Trong chiến tranh Việt Nam, ai chiếm giữ được Cao Nguyên miền Trung thì người đó sẽ nắm phần chiến thắng”. Chắc chắn rằng, những vị Tướng của chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo quân đội đều biết tài liệu đó, nhưng có thể các vị bị chính trị đẩy Cao nguyên ra khỏi tầm tay chăng?

Cả hai phía Quốc Gia và Cộng Sản đều nhìn nhận vị trí chiến lược quan trọng của Cao nguyên nhưng sở dĩ ông Thiệu không chú tâm vào việc phòng thủ Cao Nguyên bằng Quân khu 3, Quân Khu 4 vì theo ông nghĩ các vùng đồng bằng mầu mỡ quan trọng hơn các vùng rừng núi khô cằn. Quân khu 2 là một giải đất rộng mênh mông hơn một nửa diện tích Việt Nam Cộng Hoà gồm 12 tỉnh mà chỉ có 2 Sư đoàn bộ binh (22, 23) và 7 Liên đoàn Biệt động quân trấn đóng (gồm 5 Liên đoàn cơ hữu và 2 Liên đoàn tăng cường, mỗi Liên đoàn có hơn 1000 người), đó là nơi phòng ngự yếu nhất so với các Quân khu khác nên Bắc Việt chủ trương tấn công trước.

Năm 1974, trong một tài liệu học tập cho Công chức quân nhân tại Vùng 2, chính phủ cũng đã cho biết Cộng Sản sẽ tấn công chiếm QK-2 để cắt đôi VNCH và cô lập QK-1.

Sở dĩ Bắc Việt chọn cao nguyên làm chiến trường chủ yếu để tấn công trước vì vị trí chiến lược quan trọng của nó chứ không phải vì tại ông Thiệu không tăng viện cho Vùng Hai và không tin cộng sản sẽ tấn công nơi đây như Frank Snepp nói. Sự thực ông Thiệu nói ông sẽ không tăng cường lực lượng phòng thủ cho Quân khu II chỉ là nói cho có chuyện vậy thôi chứ trên thực tế cũng không còn quân trừ bị để tăng cường: hai Sư đoàn Tổng trừ bị (Nhẩy Dù và TQLC) đã đưa ra Quân khu Một từ 1972; 17 Liên đoàn Biệt động quân đã phân chia cho ba quân khu (QKMột 4 liên đoàn, QK Hai 7 liên đoàn, QK Ba 6 liên đoàn) thì còn lấy đâu ra quân trừ bị để tăng viện?

Frank Snepp nói Bắc Việt tấn công chiếm Ban Mê Thuột vì ông Thiệu cho rằng Cộng Sản không đủ khả năng đánh vào các thành phố lớn. Nhận định của Frank Snepp có thể nói vô căn cứ, lý do Bắc Việt chọn mục tiêu Ban Mê Thuột vì những yếu tố chiến thuật chứ không phải vì tin tình báo. Vào ngày 9-1-75, Quân Uỷ Trung Ương (Cơ quan đại diện của Ðảng trong Quân đội) họp nghe báo cáo của Bộ Tổng tham mưu về chiến dịch Tây Nguyên. Trong hồi ký của Dũng có ghi Lê Ðức Thọ đến tham gia buổi họp và nói:

“Phải đặt vấn đề dứt khoát là giải phóng Buôn Ma Thuột. Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Buôn Ma Thuột là thế nào?” (trang 31).

Theo tài liệu Ðại Tá Cộng Sản Dương Ðình Lập: lực lượng CS tham gia chiến dịch Tây Nguyên gồm 5 Sư đoàn (10, 320A, 316, 968, 3) và 4 Trung đoàn độc lập (25, 271, 95A, 95B) , Trung đoàn đặc công 198, toàn bộ lực lượng tương đương 6 Sư đoàn.

Sở dĩ Bắc Việt chọn Ban Mê Thuột làm địa điểm tiến công trước tại QK-2 vì tại đây phòng thủ yếu, toàn bộ chủ lực chỉ có hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23 BB) còn lại là Ðịa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát. Nguyễn Ðịnh một nhân chứng tại Ban Mê Thuột trong bài “Ban Mê Thuột, Ngày Ðầu Cuộc Chiến” cho biết BMT giống như một thành phố bỏ hoang, toàn bộ lực lượng kể cả Ðịa Phương Quân, cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn… không quá 2000 người, trong khi ấy Pleiku được phòng thủ mạnh hơn nhiều vì đây là Ðại bản doanh của Quân đoàn 2. Theo Nguyễn Ðức Phương (Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập) Ban Mê Thuột không thuận lợi cho việc phòng thủ, địa hình Ban Mê thuột không có chướng ngại thiên nhiên như Kontum, Pleiku để trì hoãn sự tấn công của Cộng Sản, diện tích rộng hơn Kontum, Pleiku nhiều. BMT trên thực tế không có vòng đai phòng thủ liên tục, quá nhiều đồn điền san sát nhau khiến CSBV có thể lợi dụng để ngụy trang. Như thế địch chọn đánh Ban Mê Thuột vì yếu tố địa hình và vì sự phòng thủ tại nơi đây yếu chứ không phải vì tin tình báo như Frank Snepp đã nói.

Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa Bắc Việt không khai thác gì ở bản báo cáo này là mấy. Họ đã khai thác triệt để cái nhìn chủ quan khinh địch của ông Thiệu, khai thác triệt để sai lầm trầm trọng này để đạt được yếu tố bất ngờ khiến ông Thiêu hốt hoảng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Ông Thiệu cho rằng Bắc Việt vẫn chưa phục hồi sau trận Mùa hè đỏ lửa năm 1972 nhưng thực ra năm 1975 họ mạnh hơn hồi 1972 rất nhiều. Năm 1972 Hà Nội đưa vào chiến dịch tổng tấn công 10 Sư đoàn (5 Sư đoàn tại Quảng Trị, 2 Sư đoàn tại Kontum, 3 Sư đoàn tại An Lộc), năm 1975 họ đưa vào Nam toàn bộ lực lượng chính qui của bốn Quân đoàn (1, 2, 3, 4) và đoàn 232 (tương đương một Quân đoàn), mỗi Quân đoàn có 3 Sư đoàn tổng cộng 15 Sư đoàn, cộng thêm một Sư đoàn đặc công và trên 10 trung đoàn độc lập, toàn bộ chủ lực quân Cộng Sản Bắc Việt vào khoảng 20 Sư đoàn bộ binh .

Năm 1972 VNCH đầy đủ nhiên liệu và đạn dược mà còn phải dựa vào yểm trợ của máy bay chiến lược B-52 của Hoa Kỳ. Năm 1975 VNCH thiếu thốn về tiếp liệu, hoả lực giảm 60% vì quân viện bị cắt giảm, trong khi lực lượng CSBV gấp hai lần năm 1972, vũ khí đạn dược cũng gấp hai lần 1972 (do báo Nhân Dân năm 1976 tiết lộ). Chúng ta thấy tình hình bi đát như thế nào mà cuối năm 1974 ông Thiệu vẫn bình chân như vại vì ông vẫn chủ quan tin tưởng Bắc Việt chưa phục hồi được sau trận mùa hè đỏ lửa, họ chưa có khả năng đánh vào các thành phố lớn….
Tướng Trần Văn Nhựt, cựu Tư lệnh Sư đoàn 2 cho rằng ông Thiệu không có tầm nhìn xa.

“Việc ông sửa đổi Hiến Pháp để làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa chứng tỏ ông đã không nhìn thấy việc Hoa Kỳ sắp bỏ rơi Việt Nam và đã làm xáo trộn thêm tình hình chính trị trong nước. Như tướng Khiêm phải ra mặt chống đối Tổng Thống Thiệu vì ông Thiệu không giữ lời hứa là sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống thì tới phiên ông Khiêm.
(Cuộc Chiến Dang Dở trang 273)

Thật vậy người ta đã có chính sách bỏ Ðông Dương từ mấy năm trước, ngày 9-7-1971 Kissinger đã bí mật găp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh… thế mà ông không hay biết gì cả! Ông vẫn thoải mái trong tư dinh, cho sửa Hiến Pháp chuẩn bị ra ứng cử làm Tổng Thống thêm năm năm nữa ! Về điểm này trong một cuộc phỏng vấn của Phạm Huấn, cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc đã chê ông Ðại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ không làm tròn nhiệm vụ, ông Ðại Sứ không phải chỉ đi ăn tiệc, tiếp tân mà phải làm một Spy, điệp viên lấy tin tức về cho chính phủ của mình tại Sài Gòn để biết chính sách của Ðồng Minh mà liệu bề đối phó. Hậu quả của sự thiếu trách nhiệm này là Tổng Thống không có tin tức tình báo về chính sách của Ðồng minh.

Ngày 11-3-1975 Cộng quân chiếm được Ban Mê Thuột, 12-3-1975, Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt quân viện bổ túc cho VNCH, hai ngày sau 14-3-1975 ông Thiệu ra lệnh Quân đoàn 2 rút bỏ Cao nguyên. Cho tới lúc này mà ông vẫn chưa biết người ta bỏ Ðông Dương còn chơi trò tháu cáy giả vờ thua chạy để lôi kéo Mỹ trở lại, rốt cuộc ông đã làm sụp đổ cả một Quân khu và khiến cho bao nhiêu người chết oan. Ông không có tầm nhìn xa, thiếu tin tình báo ông không biết chính sách Ðồng Minh đã thay đổi và lại khinh địch vì không biết rõ lực lượng địch nên khi Ðồng Minh bỏ rơi và kẻ địch tấn công vũ bão thì ông hốt hoảng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Người ta thường đề cao khả năng của tình báo Cộng Sản, nhiều người cho rằng họ đã cài được đảng viên làm phụ tá Tổng Thư Ký Phủ Tổng thống (Huỳnh Văn Trọng) thì chuyện gì của VNCH họ cũng biết hết, sự thực không phải như vậy. Năm ngoái, trả lời phỏng vấn của Trần Phong Vũ, ông Nguyễn Văn Ngân nguyên phụ tá Tổng Thống Thiệu cho biết:

Trần Phong Vũ: Ông nhận định thế nào về tầm mức quan trọng của cán bộ tình báo chiến lược Cộng sản nằm vùng trong hàng ngũ quốc gia trước 1975?

Nguyễn Văn Ngân: Các cán bộ tình báo chiến lược dù chui sâu vào chính quyền miền nam cũng rất khó tìm hiểu các bí mật quốc gia có tầm mức chiến lược vì đây là lãnh vực chuyên độc của người lãnh đạo quốc gia mà số giới chức tiếp cận rất hạn chế. Dưới thời Tổng Thống Diệm cũng như thời Tổng Thống Thiệu, ngay Hội đồng Tổng trưởng là cơ quan cao nhất của chính phủ cũng rất ít khi thảo luận các vấn đề chính trị có tính cách chiến lược vì đây là lãnh vực cấm kỵ, liên quan đến mặt trái của chính sách Mỹ.

Phần lớn các cán bộ tình báo chiến lược của Cộng Sản nằm vùng trong hàng ngũ quốc gia đều là cộng sự viên của các cơ quan tình báo ngoại quốc, như Huỳnh Văn Trọng nguyên là nhân viên phòng nhì Pháp và sau này là nhân viên Toà đại sứ Mỹ, Phạm Ngọc Thảo làm việc cho cơ quan tình báo Anh và CIA Mỹ, Phạm Xuân Ẩn liên hệ với CIA từ thời Lansdale..v..v.. qua các môi trường tình báo ngoại quốc, họ khai thác được các tin tức có tầm mức chiến lược. Cơ quan tình báo Mỹ biết họ là điệp viên Cộng Sản nhưng đã cố tình xử dụng vì các mục tiêu dài hạn. Sau 30/4/75, những cán bộ tình báo này đã được Cộng sản thăng cầp, mang nhiều huy chương, danh hiệu anh hùng… nhưng không bao giờ còn được tin dùng nữa.

Sau ngày 30-4-1975, cháy nhà lòi ra mặt chuột, các cán bộ nằm vùng Việt Cộng lộ diện nguyên hình tại khắp nơi như nhà thờ, chùa chiền, trường học, đồn lính, bóp cảnh sát và đủ thành phần như dân biểu , tỉnh trưởng , sĩ quan.. Ấy thế mà một tin tức rất quan trọng nằm sờ sờ trước mặt mà họ không hay biết gì, Việt Nam Cộng Hoà đã lâm vào tình trạng gần hết đạn, từ giữa năm 1974 cho tới đầu năm 1975 hoả lực giảm 60%, đạn chỉ đủ đánh trận cho tới tháng 5-1975, sau đó sẽ không còn một viên, thế mà họ không hề hay biết.

Năm 1965 Mỹ đổ quân vào cứu miền Nam đang có nguy cơ sụp đổ, tính trung bình một tuần ta mất một tiểu đoàn và một quận.
Năm 1966 Quân phí: 6 tỷ MK
Năm 1967 tăng lên 20 tỷ
Năm 1968 tăng 26 tỷ
Năm 1969 tăng 29 tỷ
Hai năm 1970, 71 xuống còn 12 tỉ vì Mỹ đang rút quân.
Năm 1972 Mỹ chỉ còn 24,200 người, miền Nam một mình gánh vác chiến trường với quân viện ngày một bị cắt giảm.
Năm 1973 quân viện là 2 tỷ 1,
Năm 1974 xuống còn 1 tỷ 4
Năm 1975 chỉ còn 700 triệu
kể cả tiền trả lương cho nhân viên cơ quan DAO

Hậu quả của cắt quân viện là:

- Không quân phải cho trên 200 máy bay ngưng bay, giảm giờ bay, huấn luyện 50%, số giờ bay thám thính 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%.

- Hải quân cũng bị cắt giảm hoạt động 50%, khoảng 600 tầu, thuyền các loại nằm u.

- Hỏa lực giảm 60%, đạn trong kho chỉ đủ dùng đến khoảng tháng 5-1975. Sau này ông Cao Văn Viên cho biết tháng 4-1975 đạn tồn kho ở bốn kho chỉ còn đủ đánh 2 hoặc 3 tuần…
Năm 1972 một số lớn săng dầu và đạn dược đã được dốc và trận chiến Mùa hè đỏ lửa nên VNCH đã lâm vào tình trạng thiếu hụt tiếp liệu mặc dù 1973 có quân viện 2 tỷ 1.

Trong khi ấy viện trợ của Cộng Sản Quốc Tế cho BV năm 1973, 1974… không thay đổi, họ mang vào Nam nhiều súng đạn hơn vì đã mở mang đường vận chuyển, chúng tôi sẽ nói chi tiết sau. Trong cuộc Hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh VN vào ngày 14 và 15-4-2006 tại Sài Gòn (theo BBCVietnamese.com), Viện Lịch sử quân sự VN đã cho biết:

- Trong giai đoạn 1969-1972 Tổng số hàng viện trợ của CS quốc tế là 1.000.769 tấn, gồm 316.130 tấn hàng hậu cần, 684.666 tấn vũ khí, trong đó Liên xô 143.739 tấn (chiếm 14%), Trung Quốc 761.001 tấn (75%), các nước Xã hội chủ nghĩa khác 96.002 tấn (10%).

- Trong giai đoạn 1973-1975 Tổng số viện trợ là 724.512 tấn gồm 75.267 tấn hàng hậu cần, 649.264 tấn vũ khí, trong đó Liên Xô 65.601 tấn (9%),Trung Quốc 620.354 tấn (85%), các nước XHCN khác 38.557 tấn (5%)

Như vậy số lượng hàng viện trợ hậu cần trong giai đoạn 1973-75 có sút giảm so với giai đoạn 1969-72 nhưng hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật trong hai giai đoạn coi như tương đương (684.666 tấn giai đoạn 69-72 và 649.264 tấn giai đoạn 73-75). Trong giai đoạn 1969-72 việc vận chuyển vũ khí đạn dược vào Nam bị máy bay chiến lược Hoa Kỳ ném bom đánh phá dữ dội nên nói chung việc vận chuyển khó khăn, vũ khí mang vào bị hạn chế.

Giai đoạn 1973-75 thì trái lại, từ sau ngày ký Hiệp định ba Lê, Hoa Kỳ rút quân về nước, họ không còn quan tâm tới VN nên dù CSBV đem vũ khí đạn dược vào Nam bao nhiêu đối với họ không thành vấn đề. Các tuyến đường xâm nhập coi như bỏ ngỏ, không bị đánh phá như thời kỳ còn Ðồng Minh. Chúng tôi được nghe một vị Trung tá Không quân nói đường xâm nhập của CS hiện rõ trên bản đồ nhưng mình không đủ lực lượng để ngăn chặn.

Sau khi ký Hiệp định Ba Lê, cộng sản  bắc Việt cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Ðông trường Sơn hay hành lang 613, song song với đường mòn Hồ chí Minh nhưng nằm trong địa phận VNCH từ Ðồng Hới cho tới Lộc Ninh tới đầu 1975 thì hoàn thành dài 1,200 km. Dọc theo Ðông trường sơn là hệ thống dẫn dầu từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh. BV huy động hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công …ngày đêm phá núi san đèo, xây cống, lắp đường, dựng cầu.. đường rộng 8 m, xe vận tải cỡ lớn chạy hai chiều được, ngày đêm chở hàng trăm nghìn tấn đạn dược quân nhu cho chiến trường, họ đã xử dụng 16 nghìn xe vận tải chuyên chở binh khí kỹ thuật, đạn dược, lương thực trong hai năm 1973 và 74 để chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Chiều dài toàn bộ hệ thống chiến lược Trường Sơn là 16 ngàn km, gồm năm hệ thống đường trục dài 5,500 km, 21 đường trục ngang 1,020 km , một đường hệ thống dẫn dầu 5000km.

Như chúng tôi đã trình bầy ở trên, số lượng hàng viện trợ về vũ khí, trang bị kỹ thuật hai giai đoạn 1969-72 và 1973-75 coi như tương nhau nhưng giai đoạn sau vì không bị máy bay chiến lược Hoa kỳ oanh tạc vả lại Bác Việt đã xây được tuyến đường chuyên chở rất qui mô vĩ đại nên trong giai đoạn sau (1973-75) họ mang được nhiều vũ khí đạn dược hơn giai đoạn trước rất nhiều. Năm 1976, CSVN tiết lộ trên báo Sài Gòn Giải Phóng vũ khí đạn dược trong trận chiến 1975 gấp ba lần năm 1972, có thể họ đã nói phóng đại lên, nhưng chắc cũng phải gấp hai lần.

Năm 1973 tại tỉnh Quảng Ðức phía Nam Ban Mê Thuột có trận đánh lớn giữa QK-2 VNCH và CSBV, họ khó chịu tỉnh QÐ vì nó nằm trên tuyến xa lộ Ðông Trường Sơn. Trận đánh cấp Sư đoàn kéo dài từ tháng 8 cho tới cuối năm 1973. BV chiếm quận Kiến Ðức, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn đã cho tăng cường các Trung đoàn BB 44, 53, Liên đoàn 21 BÐQ tái chiếm Kiến Ðức và nhổ các chốt Cộng quân đến cuối năm 1973 thì BV phải rút sau khi bị thiệt hại nặng.

Chúng tôi có tiếp xúc với vị Ðại Úy coi về Tiếp liệu (thuộc Trung Tâm Yểm trợ tiếp vận Quảng Ðức), ông này cho biết Trung tâm được cung cấp dự trữ đạn cho ba tháng mùa mưa và 30 ngày tiếp liệu, coi như đạn đủ xài trong bốn tháng. Trung Tâm có nhiệm vụ yểm trợ cho vùng ba biên giới Miên, Nam Kỳ, Trung Kỳ (nay là Quảng Ðức). Trong suốt trận chiến , QK-2 đã xử dụng gần 100 ngàn quả đạn đại bác và súng cối của Trung Tâm, nhờ yểm trợ tối đa của pháo binh nên Cộng quân bị đẩy lui. Ðại Úy tiếp liệu này cho biết về sau Bộ Tổng tham mưu cử người lên điều tra, họ hỏi tại sao xử dụng nhiều quá vậy? Ông Ðại úy bèn đưa lệnh hành quân của đơn vị trưởng ra, mặc dù có giấy tờ chứng minh nhưng Trung tâm cũng bị Bộ Tổng Tham Mưu khiển trách. Sau đó TTM cắt giảm, không cho bổ sung, từ nay không cho bắn quay phá địch, cấp số bổ sung chỉ còn một nửa.

Câu truyện trên đây cho ta thấy ngay từ đầu 1974 VNCH đã bắt đầu có sự thiếu hụt về tiếp liệu nhất là đạn dược.
Như chúng tôi đã nói ở trên theo ông Cao Văn Viên từ tháng 7-1974 cho tới tháng 1975 hoả lực của VNCH giảm đi 60%.
Theo sử gia Bill Laurie, so với năm 1972, trong năm 1975 tỉ lệ giảm cấp số đạn trong một ngày:

Ðạn 105 ly 180 viên giảm còn 10 viên (giảm 94%).
Ðạn 155ly 150 viên giảm còn 5 viên (giảm 97%).
Ðạn 175 ly 30 viên giảm còn 3 viên (giảm 90%).
Mọi thứ đã bị cắt giảm tới xương tủy.

Như vậy từ cuối năm 1973 và đầu năm 1974 VNCH đã gặp khó khăn về tiếp liệu, thiếu thốn đạn dược và nhất là từ tháng 7-1974 trở đi, theo ông Cao Văn Viên trước 73 mỗi tháng trung bình xử dụng 60 hoặc 70 ngàn tấn, từ giữa năm 1974 chỉ còn xử dụng 19 ngàn tấn một tháng. Một điều ta không thể ngờ là Bắc Việt hoàn toàn không hay biết gì về tình trạng nguy khốn của Việt Nam Cộng Hoà đã gần hết đạn.
Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng đã nêu trên (trang 28, 29), Hội nghị Bộ Chính Trị Bắc Việt từ 18-12-1974 tới 8-1-1975 để lên kế hoạch chiến lược xâm chiếm miền Nam, Bộ Chính trị nêu quyết tâm.

“Ðộng viên nỗ lực lớn nhất của toàn Ðảng, toàn quân , toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện . . . tạo điêu kiện chín mùi tiến hành tổng công kích, Tổng khởi nghĩa….

Nguyên văn kế hoạch của Hà Nội đã được ghi nhận như sau:

Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính Trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Như đã nói trên VNCH chỉ còn đủ đạn dược cho quân đội xử dụng tới tháng tháng 4 hoặc 5- 1975, sau đó các kho đạn sẽ hết sạch không còn đến một viên, ấy thế mà Hà Nội đã thảo kế hoạch xâm lăng miền Nam trong hai năm 1975, 1976 nghĩa là họ phải bỏ hai năm mới chiếm được VNCH thì ta đủ thấy tình báo chiến lược của Bắc Việt “gà mờ” tới cỡ nào? Trong Việt Nam Thiên Sử truyền hình (Vietnam History by Television) Văn Tiến Dũng trả lời phỏng vấn ngoại quốc cũng nói y như thế, hắn nói Bộ Chính Trị đã dự trù kế hoạch 2 năm để xâm chiếm miền Nam. Việt Cộng cho người rình rập nghe ngóng nhân dân, đưa nằm vùng vào lãnh thổ quốc gia làm gián điệp thì rất giỏi nhưng họ chỉ lấy được những tin vặt về chiến thuật chứ không có khả năng thu lượm những tin tức có tầm vóc chiến lược bằng cứ là quân đội VNCH đã gần “hết đạn” mà họ không hề hay biết.

Cho tới cuối 1974, họ mới biết một cách phong phanh quân đội miền Nam suy yếu .
Tham Mưu phó quân đội CSBV viết về hậu quả trận Thượng Ðức:
. . . . . . . .

Trận Thượng Ðức chúng tỏ một cách rõ ràng quân đội Sài Gòn đã yếu nhiều, chưa bao giờ không lực cũng như khả năng di động của bộ binh địch xuống thấp như vậy. Một thiếu tá bộ binh thuộc quân đội Sài Gòn bị bắt trong trận đánh này đã khai rằng họ không có đủ phi cơ để chuyển vận binh sĩ và gặp nhiều khó khăn trong khi chuyển quân. Nói tóm lại trận Nông Sơn và Thượng Ðức khiến chúng tôi tin tưởng một cách nhất định rằng quân đội ta mạnh hơn địch. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến những suy nghĩ chiến lược của chúng tôi.

Nguyễn Ðức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 695.

Trận Thượng Ðức diễn ra cuối 1974, chỉ còn vài tháng nữa là quân đội miền Nam sẽ hết đạn, khi ấy dẫu có vét kho cũng không còn đến một viên !!! thế mà Bắc Việt chỉ mới biết phong phanh rằng quân đội Sài Gòn đã yếu nhiều. Nếu tình báo chiến lược Cộng Sản đã biết được rằng VNCH đã gặp nhiều khó khăn về đạn dược nhất là đạn đại bác từ đầu năm 1974 thì Hà Nội đã mở cuộc tấn công miền Nam từ hồi ấy, nghĩa là trước cuộc tấn công Ban Mê Thuột một năm. Hoặc ít nhất họ đã mở cuộc tấn công qui mô VNCH từ giữa năm 1974, nghĩa là trước trận đánh Ban Mê Thuột 8 tháng, khi mà hoả lực của Quân đội miền Nam bị sút giảm tới 60%.

Hà Nội chỉ thực sự biết miền Nam hết đạn khoảng thượng tuần tháng 3-1975, sau khi chiếm Ban Mê Thuột xong ngày 11-3, hôm sau 12-3 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho VNCH, báo chí đài phát thanh loan báo khắp nơi và nhất là khi miền Trung di tản náo loạn cả lên thì họ mới biết miền Nam đã tới lúc kiệt quệ về tiếp liệu. Nhất là sau khi hai Quân khu 1 và 2 của miền Nam sụp đổ, Hà Nội vội vã hối hả đưa nốt 3 Sư đoàn tổng trừ bị (thuộc Quân đoàn 1) ở ngoài Bắc vào Nam để đánh chiếm Sài Gòn trước mùa mưa, toàn bộ lực lượng Bắc Việt trong chiến dịch Hồ Chí Minh vào khoảng gần 20 Sư đoàn.

Trong phần nói về Hội Nghị Bộ Chính Trị lên kế hoạch hai năm xâm chiếm miền Nam như đã nói ở trên Văn Tiến Dũng có ghi thêm trong hồi ký.
“Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm, trong kế hoạch năm 1975, Bộ Chính Trị còn dự kiến một phương án khác và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là : Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”
(Trang 29)

Sự thực thì Văn Tiến Dũng viết thêm đoạn này vào cho nó đỡ “quê”, ra cái điều Ðảng ta đã đoán biết trước tất cả!! Thật là vô lý khi một kế hoạch chiến lược hai năm (1975, 1976) đã được Ðại Hội Bộ Chính Trị long trọng đề ra lại có thêm một câu thòng : Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Sự thật thời cơ đã đến với cộng sản bắc Việt từ đầu hoặc giữa năm 1974 khi VNCH thiếu thốn về tiếp liệu do cắt giảm quân viện nhưng sở tình báo chiến lược CSBV đã quá “gà chết” khiến Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng phải bị mất mặt, chẳng thế mà họ không bao giờ nói đến tình trạng hết đạn của VNCH.

Hai anh “gà mờ” gặp nhau trong trận đọ sức cuối cùng, anh này tưởng anh kia yếu, anh kia lại tưởng anh này mạnh, thế rồi cũng có kẻ thắng người thua, kẻ thắng nhờ yếu tố “Hên”, yếu tố “Trời cho”, chẳng khác nào “bất chiến tự nhiên thành”.

Trọng Ðạt

Tài Liệu Tham Khảo.
- Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
- Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam, 2000.
- Trận Ðông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng, Nam Việt 2006.
- Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
- Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
- Trần Văn Nhựt: Cuộc Chiến Dang Dở, nhà xuất bản An Lộc 2003.
- Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh xuất bản, 2005.
- Văn Tiến Dũng: Ðại Thắng Mùa Xuân, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2005.
- Ðinh Văn Thiên: Một Số Trận Ðánh Trước Cửa Ngõ Sài Gòn, nhà xuất bản Quân Ðôïi Nhân Dân, Hà Nội 2005.
- Dương Ðình Lập, Trần Minh Cao: Cuộc Tổng Tiến Công và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, nhà xuất bản tổng hợp TPHCM 2005.
- Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
- Lâm Quang Thi: Autopsy The Death Of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.
- The World Almanac Of The VietNam War: John S.Bowman, General editor, A Bison book.
- Stanley Karnov: Vietnam - A History, Penguin books 1991.
- Marilyn B Young, John J. Fitzgerald, A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History In Documents, Oxford University press 2002.
- Melvin R Laird Nói Gì Về Cuộc Chiền Tranh Ở Việt Nam, điện báo Talawas tháng 3-2006. - Bill Laurie: Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Giai Ðoạn 1968-1975, Nguyễn Tiến Việt dịch, Người Việt Dallas 10-10-2007. - Phạm Bá Hoa: Cuộc Rút Quân Trên Ðường Số 7, Người Việt Dallas, 19-3-2004. - Phỏng Vấn Phụ Tá Ðặc Biệt Của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Ông Nguyễn Văn Ngân Phụ Tá Ðặc Biệt TT Nguyễn Văn Thiệu Lên Tiếng Trong Cuộc Phỏng Vấn Dành Riêng Cho Trần Phong Vũ. Người Việt Dallas 18-10-2006 - Việt Nguyên: 32 Năm Lật Trang Sử Cũ, Người Việt Dallas 25-4-2007. - Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam, Người Việt Dallas 21-6-2006. - Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006. - Nguyễn Ðịnh: Ban Mê Thụôt Ngày Ðầu Cuộc Chiến, bút ký, trang web.
Moins  ·  Traduire

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire