caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 18 février 2014

Thử tìm hiểu Vua Quang Trung đã cho chúng ta những bài học nào, bài BX Trần Đình Ngọc


Thử Tìm Hiểu

Vua Quang Trung Đã Cho Chúng Ta

Những Bài Học Nào ?

 
GS Bút Xuân Trần Đình Ngọc
 
 
           
       Ôn lại những trang sử oai hùng vô cùng hãnh diện của dân tộc Việt Nam, không ai trong chúng ta không tự hào với chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung Tết Kỷ Dậu (1789) tức là cách đây (2007) đúng 218 năm.
       Trong bài này, Bút Xuân muốn cùng bạn đọc nhìn lại đôi nét chính về những công việc của vua Quang Trung đã làm để xây dựng đất nước kể từ sau chiến thắng vẻ vang Đống Đa và từ đó, chúng ta có rút ra được bài học nào hay từ Ngài để phụng sự đất nước chúng ta?
            
             BẮT TAY NGAY VÀO VIỆC
      
Sau khi lãnh đạo dân tộc đại phá gần 30 vạn quân Thanh khiến tướng Tàu Sầm nghi Đống phải tự tử ở gò Đống Đa, Tôn sĩ Nghị phải chui vào ống đồng trốn về Tàu, xác quân Tàu chồng chất lên nhau chạy làm nghẹt ứ dòng sông Nhĩ Hà, vua Quang Trung vào thành Thăng Long ngày mồng 3 Tết Kỷ Dậu với áo bào nám đen thuốc súng, sớm 4 ngày so với lời hứa của Ngài trước quân sĩ lúc khởi binh đi đánh, tức Ngài hứa ngày mồng 7 sẽ vào thành Thăng Long. (Mờiđọcthêm:www.vienxumagazine.com trang Lịch sử, cùng tác giả)
       Vua Quang Trung bắt tay ngay vào những công việc phải làm để xây dựng đất nước. Ngài không chủ quan khinh địch, một mặt đề ra một đường lối để cầu hòa với vua Càn Long nhà Thanh như sai sứ sang triều cống xin được sắc phong, sau đó lại cầu hôn với công chúa con vua Càn Long. Những điều này chỉ là để xoa dịu sự tức bực và mất mặt vì thua trận của vua Càn Long:
             Nực cười châu chấu đá xe
             Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!
                                                            (Ca dao)
       Vua Quang Trung định khi nước ta đã đủ mạnh, Ngài sẽ đem binh đi đòi lại hai tỉnh Quảng đông và Quảng tây, vốn là đất ngàn xưa của Việt Nam, cũng như hồ Động đình, bị người Tàu chiếm cứ. Dù không thực hiện được vì mệnh số vắn vỏi nhưng với tinh thần quật khởi ấy, lòng yêu nước nồng nàn ấy đã là tấm gương sáng chói cho chúng ta muôn đời trong việc dựng nước và giữ nước, nhất là với một kẻ thù lân bang luôn rình rập chờ sơ hở và muốn đồng hóa dân ta với chúng.
 
               THÌ GIỜ LÀ VÀNG BẠC
 
       Mãi đến sau này, những người tân học chúng ta mới đọc được câu: “The time is gold” nhưng vua Quang Trung đã biết nó và tận dụng từng phút trong việc kiến thiết nước nhà ngay sau chiến thắng Đống Đa (Ở Âu châu sau đó nổ ra cuộc Cách mạng Pháp 1789).
 Vua Quang Trung bắt tay ngay vào việc vì Ngài có quá nhiều công việc phải làm.
 Trước tiên Ngài hiệu triệu quần chúng bằng bài “Chiếu cầu Hiền” sau đây, nói lên sự khiêm nhu và trọng hiền đãi sĩ của Ngài:
       “Nay cuộc đại định mới ở bước đầu, mọi việc còn đang mới mẻ, giềng mối nhà vua có nhiều thiếu sót, việc biên cương cũng ở chỗ dùng dằng chưa ổn định, đức hóa nhà vua chưa được thấm khắp, Trẫm chăm chăm chú chú ngày này qua ngày khác, hàng vạn công việc phải quan tâm. Trẫm nghĩ rằng một cây không thể chống nổi tòa nhà to, mưu lược một kẻ sĩ không thể làm nên cuộc thái bình...”
 
       Trong đoạn văn này, chúng ta thấy vua Quang Trung:
-       muốn chia sẻ việc nước với nhân dân. Muốn nhân dân cùng cộng tác với nhà vua để lo việc nước.
-       rất khiêm nhu khi Ngài tự nhận rằng một mình Ngài không thể lo xuể, nghĩ xuể. Ngài không phải là một ông vua độc tài toàn trị mà muốn cùng nhân dân cùng lo việc nước. Ngài mời gọi nhân dân, những kẻ có khả năng hăng hái tham dự.
 
       Ngài đã rất lưu ý  đến những đòi hỏi tha thiết của nhân dân muốn cho đất nước mau chóng thay đổi để tiến bộ. Vua Quang Trung đã nhận ra  sự  cấp thiết của việc tái thiết, mỗi ngày trôi qua là một ngày phí phạm. Nhà cầm quyền khôn ngoan cần phải biết tăng tốc mọi công việc cần thiết để đưa đất nước tiến nhanh lên cho kịp với đà tiến hóa của năm châu. Nhà cầm quyền ù lì, ngoan cố, không muốn cho nước tiến bộ, không muốn cho dân giỏi và dân giầu là đắc tội với dân tộc, đất nước.
 Vua Quang Trung chủ trương “dưỡng uy xúc nhuệ”. Nếu muốn  gìn giữ đất nước phải  gầy dựng lại tiềm lực dân tộc để đối phó với âm mưu mới của thù trong giặc ngoài. Ngài đã thốt ra:
       “Đất đai rộng như thế này, yên lặng mà suy nghĩ để thống nhất, Trẫm run sợ như cầm cái roi mục để kìm giữ sáu con ngựa vậy.”
       Là một tướng tài, nói được làm được mà khi nhận lãnh sứ mạng điều khiển đất nước, Ngài đã “run sợ...” cho chúng ta thấy thái độ cẩn trọng của Ngài khi lo việc nước trái với nhiều kẻ coi việc nước như việc nhà, như trò đùa khiến đại sự không thành.
KINH TẾ
 
       Vua  Quang Trung xóa bỏ chính sách “ức thương” và “bế quan tỏa cảng”, những hòn đá chận đà tiến của dân tộc từ nhiều thế kỉ trước. Ngài chủ trương khuyến khích công, thương nghiệp. Ngay từ cuối năm 1788, trên đường ra Bắc đánh quân Thanh, vua Quang Trung đã thảo luận về vấn đề kinh tế với La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ở Nghệ An. Ngài mong ước nước ta có một nền kinh tế độc lập, tự chủ,  quan hệ giao thương thật rộng rãi với các nước ngoài, nhất là những nước văn minh tiến bộ.
       Từ đó, chỉ vài  ba năm sau chiến thắng Đống Đa, các hoạt động về tiểu công nghệ và giao thương trong nước ta đã khởi sắc rõ ràng, nhất là ở kinh đô Thăng Long. Các thủ công nghệ nở rộ ở các phường cũng như sự buôn bán tấp nập ven hồ Tây, Hà Nội.
 
       QUAN HỆ GIAO THƯƠNG VỚI NHÀ THANH
 
       Tuy chiến thắng quân Thanh nhưng suy từ những lời nói và việc hành sử của vua Quang Trung, chúng ta thấy Ngài là một bậc cai trị rất thức thời. Ngài không lo nạn ngoại xâm từ những nước khác mà đặc biệt lưu ý đến nạn xâm lược từ phương Bắc, đã từng xẩy ra trong suốt bốn nghìn năm lịch sử, kể từ thời Hai Vua Trưng (40 sau Tây lịch), tái diễn nhiều lần, chứng tỏ tham vọng xâm lược của Bắc phương vẫn đè nặng trên giải đất hình chữ S. Lúc đó, vua Quang Trung chưa có phi cơ dò thám, radar canh phòng như ngày nay nhưng đứng ở ải Nam Quan, thác Bản Giốc nhìn qua biên giới, Ngài nhận ra được những nguy cơ từ phương Bắc với khối dân đông hơn mười lần Việt Nam, hiếu chiến, hung dữ và có truyền thống lấy thịt đè người. Mối lo phương Bắc có lẽ là mối lo lớn nhất của vua Quang Trung, cách nay đúng 218 năm!
       Vì vậy, ngay sau chiến thắng Đống Đa, vua Quang Trung thiết lập quan hệ giao thương với nhà Thanh, tạo điều kiện cho nhân dân  hai nước vùng biên giới được qua lại buôn bán, trao đổi bình thường. Ngài muốn hai bên cùng “mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa không bị ngưng đọng để làm lợi cho người dân tiêu dùng hai nước.”
       Tuy đã có lệnh cấm, nhà Thanh buộc lòng phải đồng ý cho dân hai nước qua lại buôn bán ở một số cửa ải dọc biên giới theo đề nghị của vua Quang Trung.
       Một năm sau, tức là năm 1790, vua Quang Trung lại đề nghị nhà Thanh cho đặt một cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở Nam Ninh (Quảng Tây). Những đề xuất mạnh bạo và hợp lí của vua Quang Trung đã đánh mạnh vào tâm thức giới sĩ phu nước ta vốn được đào luyện bằng học thuyết Tống Nho, lấy cớ “dĩ nông vi bản” để miệt thị công và thương, coi đó là những “nghề ngọn, nghề mạt”. Ngày nay chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi đọc mấy câu sau đây của Ngô thời Nhiệm trong bài phú nhan đề “Làm hay đi”:
       “...Vậy thì ta nên làm gì?
       Ta sửa bài văn của ta và ngâm bài thơ của ta
       Ta vâng  lời nói của vua và diễn ra thành lời
       Mưa thuận thời, ruộng đồng dào dạt
       Chỉ một cái cày là xong nghìn khoảng ruộng
       Gỗ lạt đã sẵn
       Gọi thợ đến, rìu búa giơ lên, thành xà thành cột.
       Việc nên làm, đó là việc nông công thương, há nhà nho ta không nghĩ đến hay sao?
       Ngô thời Nhiệm cũng như những sĩ phu chân chính đương thời đã chọn đúng hướng đi phù hợp với thời thế và hoài bão của chính họ và cũng là ý hướng chung của dân tộc.
 
                    VĂN TỰ VÀ GIÁO DỤC
 
       Vua Quang Trung tuy là một anh hùng áo vải nhưng lại là một kẻ sĩ học rộng, hiểu nhiều, có óc phóng khoáng và thực dụng khác hẳn nhiều sĩ phu đương thời (phản đối việc dùng chữ Nôm cuả nhà vua...). Hẳn Ngài không thể bỏ qua câu nói thời danh của Quản Trọng (Quản di Ngô) thời Đông Chu Liệt quốc:
       Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc
       Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc
       Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân
       Kế hoạch một năm, không gì bằng trồng lúa; mười năm, trồng cây và trăm năm, trồng người.
       Vua Quang Trung muốn đào tạo một thế hệ mới lấy căn bản là truyền thống văn hóa dân tộc, vượt ra khỏi lối học từ chương, cử nghiệp tầm chương trích cú khi xưa để kẻ sĩ có đủ khả năng bắt tay vào công việc phục sinh đất nước, phục vụ nhân dân đúng nghĩa.
       Về văn tự, vua Quang Trung hạ chiếu dùng chữ Nôm trong văn thư hành chánh dùng trong dân gian.
       Những cải cách giáo dục này đã được các sĩ phu cộng tác với vua Quang Trung thuận ý và yểm trợ hết lòng dù hai thế hệ vua tôi cách xa nhau cả 30-40 năm ( La Sơn Phu Tử lúc đó đã 70 còn vua Quang Trung mới 36 tuổi). Cụ Nguyễn Thiếp đã dâng biểu lên vua như sau:
       “Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày đã mất đi. Người ta chỉ tranh đua với nhau việc học từ chương cầu lợi...Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong, những tệ đều ở đó mà ra...”
       La Sơn Phu tử chủ trương giáo dục là phải học cho kĩ, ngẫm nghĩ cho tường, học rộng rồi ước lược cho gọn lại, theo điều đã biết mà làm thì nhân tài mới có thể nảy nở mà nước nhà nhờ đó mà vững yên.
       Tuy nhiên, lúc đó, ở cuối thế kỉ 18, thời đại của vua Quang Trung (bên Âu châu là cuộc Cách mạng 1789) và các sĩ phu giúp dập Ngài, mọi người chưa thể vượt ra khỏi cái khuôn “Tứ thư” và “Ngũ kinh” của Nho giáo để đào tạo và tuyển lựa nhân tài. Nhưng vua tôi đều đã có ý hướng đào tạo nhân tài bằng đường lối thực dụng, khác hẳn cái học cử nghiệp chi, hồ, giả, dã khi xưa. Đường lối ấy nếu lại được lồng vào một nền Quốc học cơ bản (lúc đó chúng ta chưa có) và truyền thống thì chắc chắn là phải thành công.
       Hành trang của vua Quang Trung và các sĩ phu thời đó không gì khác hơn là những điều tối thiết sau đây:
a-          Tình yêu nước, yêu dân tộc nồng nàn. Tổ quốc và Nhân dân trên hết.
b-          Đồng cảm với sự nghèo khổ thiếu thốn của nhân dân trong một nước nhược tiểu, từ đó Nhà cai trị phải tìm ra con đường đưa nhân dân tới no ấm, hạnh phúc, tự do. Dân có giầu nước mới mạnh. Dân nghèo nàn, nước yếu nhược.
c-           Lo trước cái lo của dân, hưởng sau khi dân đã được sung sướng (Tiên nhi ưu thiên hạ chi ưu, Hậu nhi lạc thiên hạ chi lạc). Phúc lợi của nhân dân là chính phúc lợi của nhà cầm quyền bp73i vì Nhà cầm quyền đã được vinh dự lãnh đạo nhân dân, làm cái đầu tầu đứng đầu dân vậy phải cư xử sao cho xứng với niềm tin của nhân dân, chớ vì quyền chức có sẵn trong tay mà đày đọa, trù dập, hà hiếp dân làm dân bất phục và oán ghét.
d-          Hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng mạnh mẽ của dân tộc.
 
Cứ kể ra, còn nhiều điều phụ khác nhưng bốn điều này là những điều cấp thiết buộc phải có nơi một nhà cai trị.
       Trong cuộc phục sinh đất nước, vua Quang Trung đã tận dụng mọi thành phần xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh khiến ai nấy đều nức lòng đứng sau Ngài để đưa đất nước đi lên, trong đó có những sĩ phu như Nguyễn Thiếp, Ngô thời Nhiệm, Trần văn Kỷ, Phan huy Ích ...những kẻ sĩ học nhiều hiểu rộng, cân nhắc được sự lợi hại và con đường của dân tộc nên đi. Các sĩ phu này sẵn lòng phò tá vua Quang Trung vì họ nhận thấy nhà vua là một minh quân sáng suốt, yêu nước và yêu nhân dân thực lòng, ngoài ra Ngài còn là một vị Nguyên soái bách chiến bách thắng, dũng mãnh, ngoan cường đã đánh đuổi kẻ thù chung của dân tộc. Ngài là một bực anh hùng văn võ toàn tài nhưng khiêm nhu và thực sự lo cho dân và yêu thương dân như con chứ không như một số vua chúa khác chỉ lo bảo vệ cái ngai vàng của mình, còn dân nước sống chết ra sao cũng mặc.
       Lòng yêu nước của vua Quang Trung đã ảnh hưởng đến các sĩ phu, người ta không thấy trong sử nêu lên những nhũng nhiễu dân lành, tham nhũng, hối lộ trong thời kì cai trị của vua Quang Trung. Đó chẳng phải là một điểm son sáng ngời sao?
       Khi vua Gia Long thống nhất được đất nước vì vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà, kẻ sĩ Ngô thời Nhiệm bị nọc ra đánh đòn ở giữa văn miếu, một thứ đòn thù bỉ mặt, nhưng không vì thế mà Ngô thời Nhiệm oán vua Quang Trung. Lại cũng phải nhắc đến lòng trung thành của Nguyễn Thiếp đối với vua Quang Trung trước sau như một.
       Những cách trả thù hèn hạ của vua Gia Long càng làm cho sĩ phu và dân chúng thấy được đức độ của vua Quang Trung đối với nhân dân, sĩ phu (cộng tác cũng như không cộng tác) và kẻ thù. (đối xử với lính Tàu thua trận như trên đã nói. Rất hiếm có một ông vua đối xử nhân đạo với kẻ thù như thế.)
 
VUA QUANG TRUNG SỬA ÐỔI QUAN CHẾ
 
Chính sử không chép rõ nhưng dã sử có ghi những chức quan thời vua Quang Trung như: tam công, tam thiếu, đại chủng tể, đại tư đồ v.v... Về quân sự thì đặt ra tiền quân, trung quân, hậu quân, tả quân, hữu quân v.v...
 
               VIỆC HỌC
 
 
Ðời Tây Sơn dùng chữ nôm trong mọi công văn giấy tờ (khác với trước kia chỉ chữ Nho) vì vua Quang Trung muốn người Việt phải dùng chữ Việt để gây tinh thần tự chủ và văn chương đặc thù, không phải đi vay mượn của Tàu. Ngài rất chú trọng về việc đào tạo nhân tài có tinh thần tự chủ nên trong các kì thi, vua thường bắt các quan ra đề thi bằng chữ nôm, nhưng sĩ tử nhiều người nông cạn và quá nhập nhiễm Nho học nên cho rằng: “nôm na mách qué” mà chỉ trọng Hán văn. Ðiều ấy quá sai lầm nhưng lúc đó làm sao mà giải thích cho những người này hiểu được ý nghĩa sâu xa vua Quang Trung muốn làm cho dân cho nước. Chữ Nho chỉ thực sự xuống giá kể từ khi người Pháp đặt nền đô hộ và du nhập tân học vào Việt Nam. Từ lúc đó, các văn thư hành chánh mới dần dần được đổi sang chữ Quốc ngữ mà chữ Nôm vẫn ít người dùng tới.
 
 CẢI CÁCH ÐINH - ÐIỀN
 
 Nam giới chia làm 3 hạng:
Từ 2 tuổi đến 17 tuổi gọi là “vị cập cách”, chưa đến tuổi để sử dụng.
Từ 18 đến 55 tuổi: tráng hạng, hạng trai tráng dùng được mọi việc binh, lương, sản xuất.
Từ 56 đến 60 tuổi làm lão hạng.
Từ 61 tuổi trở lên là lão nhiêu (không còn thể phục dịch)
Ruộng cũng chia làm 3 hạng:
Nhất đẳng điền, mỗi mẫu phải nộp 150 bát thóc/năm.
Nhị đẳng điền: 80 bát thóc.
Tam đẳng điền: 50 bát thóc.
Lại thu tiền thập vật mỗi mẫu 1 tiền và khoán khố mỗi mẫu 50 đồng.
Ðó là ruộng công điền, còn ruộng tư điền cũng bị đóng thuế tuy nhẹ hơn, theo thứ tự nhất nhị tam: 40, 30, và 20 bát.
 
VIỆC XÂY DỰNG CHÙA CHIỀN
 
 Vua Quang Trung rất tôn trọng tôn giáo của Nhân dân vì biết rằng niềm tin tôn giáo đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nhưng Ngài muốn cải tổ để các tôn giáo (Khổng-Lão-Phật) càng ngày càng xiển dương. Ngài thấy làng nào cũng có chùa mà nhiều người tu hành thì ngu dốt, thiếu tư cách, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa dân đen nên Ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem vât liệu ở mỗi phủ, huyện làm một ngôi chùa thật to, thật đẹp rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng, mượn chốn thiền môn kiếm ăn, trục lợi có khi còn làm những điều gian ác thì đuổi về cày ruộng làm ăn. Ý vua Quang Trung muốn chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm mà những người tu hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được.
Những việc cải cách ấy rất chí lí và khôn ngoan nhưng vì nhà Tây Sơn làm vua không được bao lâu nên kết quả chưa có công hiệu là mấy.
 
VUA QUANG TRUNG MƯU ÐỊNH ÐÁNH TÀU ÐÒI ÐẤT LƯỠNG QUẢNG
 
Ðể chuẩn bị việc đánh Tàu, vua Quang Trung xuống lệnh cho các trấn bắt dân xã làm lại sổ đinh để tuyển quân sĩ. Ai ai cũng phải ghi danh, được cấp phát một cái thẻ gọi là tín bài khắc 4 chữ “Thiên hạ đại tín” có ghi rõ tên họ quê quán và phải điểm chỉ làm tin. Ai không có thẻ là dân lậu, bắt sung vào quân phòng và bắt tội tổng trưởng (người đứng đầu tổng), và xã trưởng. Từ việc đó có những kẻ thông đồng với xã trưởng làm bậy, thường vào làng vây bắt hỏi thẻ làm cho dân gian nhiễu động, nhiều người phải trốn vào rừng mà ở.
Sổ đinh làm xong, cứ 3 tên đinh, kén lấy 1 người lính.  Xong tổ chức thành các đạo, cơ, đội. Quân sĩ phải luyện tập luôn luôn.
Lúc ấy ở bên Tàu có những giặc Tàu ô quấy nhiễu ở miền biển bị quân nhà Thanh đánh đuổi, chạy sang xin với vua Quang Trung, nhà vua thuận cho, đặt tướng Tàu làm tổng binh sai sang quấy nhiễu ở mặt biển nước Tàu. Một số người Tàu thuộc đảng Thiên địa hội làm giặc ở Tứ Xuyên xin được thu phục, vua Quang Trung cũng thu dùng cho người đứng đầu làm tướng.
Công việc tiến hành tốt đẹp, đến năm Nhâm tí (1792) vua Quang Trung sai sứ sang Tàu xin câu hôn và xin trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng Quảng.
.
 
   PHƯỢNG HOÀNG GẪY CÁNH
 
       Không phải vì kém tài hay thua trí bị kẻ địch sát hại mà vì phần số quá vắn vỏi, cái chết đột ngột của vua Quang Trung sau chưa đầy 4 năm ở ngôi, giữa khi Ngài đang ở độ tuổi trung niên đầy hi vọng, quả là một thiệt hại to lớn cho dân tộc ta không có gì bù lấp được.
       Giả sử vua Quang Trung sống thêm được 15-20 năm nữa, chắc chắn đất nước ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn minh ở bên ngoài và có thể nước ta cũng vẫn tự chủ như Xiêm La (Thái Lan), không bị Pháp đô hộ. Không bị Pháp đô hộ có nghĩa chúng ta cũng có thể tránh được nạn Cộng sản đô hộ  và đất nước tan tành như ngày nay! Một người anh hùng đầy đủ đức độ, một cái “đầu tầu” mạnh mẽ tối cần thiết cho một dân tộc mà hàng nghìn năm mới có một người.
       Vua Quang Trung chưa làm cho đất nước ta được nhiều vì yếu tố thời gian nhưng khi “ôn cố tri tân” chúng ta đã học được nhiều bài học về ứng phó với nạn ngoại xâm mới, chính sách trồng người (giáo dục), và mở rộng cửa cho kinh tế và giao thương để làm cho dân giầu nước mạnh.
       Những chính trị gia Việt Nam cần phải học nơi vua Quang Trung nhiều bài học, trong đó cần nhấn mạnh:
-       cái họa xâm lược phương Bắc
-       lòng khiêm nhu. Không kể công với dân tộc về những chiến thắng để trở thành kiêu binh.
-       trọng hiền đãi sĩ, yêu nhân dân, đặt Tổ quốc lên trên hết.
-       Bài trừ nạn bè cánh, phe phái, đảng phái.
-       Chia sẻ việc nước với nhân dân, tin tưởng nhân dân.
-       có đại lượng khi đối xử với lính Tàu thua trận còn kẹt lại trên lãnh thổ của ta chưa chạy về Tàu kịp.
-       có cơ hội để chạy theo người Pháp xin giúp đỡ nhưng vua Quang Trung đã không thèm e đầu lụy ngoại quốc sẽ mất nước vì ngoại quốc (trường hợp vua Gia Long và nhiều kẻ khác).
 
Tết Đinh Hợi, 2007 kỷ niệm 218 năm
    Chiến Thắng Đống Đa
GS Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Tài liệu tham khảo:”Tạp chí Về Nguồn 1980”
và báo chí rải rác.
“Năm trăm năm nhìn lại” Trần đình Ngọc
www.vienxumagazine1.com trang Lịch sử.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire