caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 5 mai 2014

Tự Do ơi Tự Do! BK Bùi Đức Tính


 

BK Bùi Đức Tính

 

 

Tháng Tư gợi nhắc lắm đau thương.

Có phải, mỗi một ngày lưu vong là một ngày Đen, tháng ngày Quốc Hận!



Mấy ngày nay biển động. Dân đánh lưới cá tôm không ra khơi được. Tàu chở hàng phải cột dây, nằm ở bến, để chờ trạm “thu mua” của nhà cầm quyền gom đủ số lượng hải sản cho một chuyến.

 

Bước sang tháng tư, thời tiết trở nên bất thường. Các chuyến vượt biển bằng ghe tàu nhỏ mất dần cơ hội để ra khơi. Hôm nay bổng dưng có gió mạnh, có lúc chắc phải hơn bốn mươi cây số một giờ, làm biển động mạnh. Không thuyền ghe ra biển, không tàu bè trở về. Mưa cứ nối nhau, cơn từng cơn, từng cơn rào rạt trút nước lên vạn vật. Bãi biển cạn. Vùng đất bùn. Sóng cuộn nhào, màu phù sa nâu đỏ đục ngầu. Trời âm u buồn. Trùng dương xám mù mịt, lòng người chùng xuống ưu tư. Biết đâu, giờ này có con thuyền đi tìm tự do của người Việt Nam đang chao đảo trong cơn sóng gió ngàn khơi. Biển động, tàu thuyền vượt sóng khó khăn, nhưng dễ vượt trốn hơn. Không vướng bận thân quyến đồng hành, chiếc 3392 này chắc cũng liều chạy ra khơi đó từ đêm khuya hôm qua.

 

Ra đến trạm thu mua, tức là đã qua khỏi các trạm kiểm soát của công an biên phòng và căn cứ hải quân rồi. Nhìn đại dương rộng mở, nôn nao mong ước được thoát ra ngoài vùng biển nước của tự do khơi lắm. Người ta liều lĩnh vượt sóng bằng ghe tàu mỏng manh hay trong mùa biển động để bọn công an và tai mắt không để tâm theo dõi, lùng kiếm. Thuyền nhân chọn hiểm nguy trong sóng to gió lớn để trốn thoát chế độ ngục tù của loài cộng sản, chấp nhận đánh đổi tính mạng chính mình vì hai chữ Tự Do.

 

Tàu đánh cá quanh đây hầu hết thấp hẹp, nên tốc độ tàu lướt sóng nhanh gọn, để thích ứng với nghề đánh lưới vây, lưới kéo, bắt tôm, cá thu, cá ngân,… Nhưng biển động ghe tàu nhỏ đành nằm bến chờ thời tiết và tàu chở hải sản cũng phải neo tàu chờ chuyến. Có chuyến chở hàng, có tiền cơm gạo, có cơ hội dò đường chọn cửa biển, được mua dầu để tích trử cho ngày ra khơi.



Thời tiết thế này chán ngán lắm!

 

Bên ngoài mưa gió ướt át, ba người gom lại bên trong mui tàu thật là tù túng. Chưa đến bốn giờ, trời tối như đã về đêm. Ghe, nhà lấp lánh ánh đèn. Vũ và Vinh phụ anh Bảy nấu cơm, rồi cùng nhau ăn cho xong buổi cơm chiều. Độ nhậu hồi sáng với nhân viên khuân vác trên trạm còn lưu giữ men rượu trong huyết quản, ai cũng còn ngầy ngật, bụng dạ lỡ đói lỡ no. Ở đây, quanh mình chỉ có trời và biển mênh mông, để ngắn lại thời gian trống vắng người ta thường rủ rê, gom lại khề khà chuyền nhau chén rượu. Chén chú, chén anh, chuyện trò mày tao… phút chốc đã nhuộm hồng những buồn chán của cuộc đời. Vùng biển, làng đánh cá, tôm cá ngon thì phải bán cho nhà cầm quyền để được cấp phiếu mua dầu chạy máy và kiếm chút tiền cho rau gạo, nhưng đồ biển các loại lụn vụn phế bỏ để làm một vài món gọi là đưa cay với men nồng thì không thiếu. Ai cũng biết rượu đế bây giờ không còn là “nước mắt mắt quê hương” nồng nàn nghĩa tình như ngày trước. Từ ngày phải sống dưới chế độ công sản, thứ gạo sâu nát, loàng xoàng, dân còn không đủ để nấu cơm ăn, tính chi chuyện đem gạo đi nấu rượu để uống. Bây giờ, lắm người nấu rượu học đòi theo chủ nghĩa duy vật của đảng, tán tận lương tâm, khinh thường liêm sỉ. Háo lợi, ham tiền, họ bất chấp các thủ thuật có hại cho sức khoẻ, như dùng phân đạm để ủ cho men dậy nhanh hơn, hay pha thêm thuốc diệt sâu bọ cho là làm rượu trong hơn và tăng thêm nồng độ rượu… Chừng như cứ phải quay quần trong năm tháng dài vô vọng, không thấy được ánh sáng của tương lai, người uống rượu cũng bất cần, bất chấp ngày mai sẽ ra sao, cứ uống!


Húp miếng canh, ăn uống qua loa cho xong rồi ba anh em theo nhau rời tàu, thả lòng vòng lên trạm thu mua tán dóc với công nhân trên trạm. Câu chuyện thăm hỏi những người trên trạm đôi phút cho có tình tự làng nước xong, Vũ và Vinh kéo hai cái thùng chứa hải sản ra ngoài cửa, chia nhau ngồi nhìn màn mưa mù mịt.

 

- Ê, Vinh!

 

Thấy Vinh quay lại, Vũ vỗ nhẹ nhẹ mấy cái lên thành thùng rồi nháy mắt. Anh gật đầu, cười đồng tình với Vũ. Lâu nay, mấy anh em để mắt đến loại thùng này. Thùng hình khối vuông, sáu miếng nhựa cứng ráp dính với nhau. Giữa lớp nhựa cứng là chất liệu cách nhiệt, giúp giữ tôm cá ướp nước đá chậm bị tan dưới sức nóng của mặt trời. Thùng nhẹ, nhưng cứng chắc và tháo ráp nhanh lẹ. Tháo ra, sáu miếng chồng lên nhau chỉ cao hơn gang tay, cất giữ gọn gàng. Mỗi miếng, đủ sức làm phao cho một người lớn. Ráp vào, lót túi ny long lớn cho nước đừng chảy thoát thì thành thùng chứa nước, rất hữu ích cho người trên tàu. Tàu cần và phải tìm cách cất giữ một số thùng này khi ra khơi.

 

Hai đứa ngồi vấn thuốc hút nhìn trời biển, nhìn mưa gió, nhìn người. Làng đánh cá nghèo. Dân nghèo bị cướp mất quyền tự do đi biển và buôn bán, hải sản phải bán cho cám trạm của nhà cầm quyền cộng sản, gọi là trạm “thu mua”. Cuộc sống của gia đình họ càng khốn đốn hơn với loại tiền hồ cáo. Cứ vài năm lại bắt dân đổi tiền, mỗi lần đổi tiền lại mất giá trị hơn. Và tiền dành dụm trong ngân hàng ngoài số ấn định bị nhà cầm quyền chiếm đoạt. Quanh đây, muối biển nồng nàn, không bông hồng kiêu sa, nhưng cánh hoa mộc mạc mặn mà, cũng dễ làm những cánh bướm đa tình ươm ấp mộng mơ, lạc lối quên đường.


Từ ngoài khơi nhìn vào, bên trái là văn phòng, kho chứa nước đá và hải sản, bên phải là các gian nhà lợp lá, làm nơi cư ngụ cho công nhân viên của trạm. Phần nhà sàn trống lớn chính giữa dành chỗ cho các công việc lên hàng, xuống hàng. Mỗi khi tàu mang nước đá cây đến hay lấy hải sản chở về thành phố, không gian nơi đây bừng tỉnh dậy. Đèn sáng choang, tiếng máy át tiếng người. Công nhân viên gọi nhau gom tụ lại nơi đây. Người làm hùng hục, các xếp đi đi lại lại chỉ chỏ, nhóm người không có chuyện chi làm thì tà tà đứng xem chơi cho vui. Căn nhà trống trải bổng chốc trở thành chật chội, người và hàng hoá chen lấn nhau. Sàn nhà ướt lênh láng nước tôm, nước cá cùng nước đá và thân người làm công thì đẩm ướt mồ hôi. Tiếng người khuân vác gọi nhau, chuyện trò ồn ào. Máy phát điện, máy xay nước đá đua nhau chạy rì rầm. Bất kể đang là ban ngày hay giữa lúc đêm khuya, trạm như cái chợ đang nhóm. Người ta hối hả làm cho xong, để nghỉ ngơi hay trở lại nhậu tiếp. Người trên tàu chở hàng thì chờ nước đá lên hết để dọn dẹp khoang tàu. Hôm nào còn thời gian, không phải quay về ngay thì đi kiếm hàng quán lai rai ly cà phê cho thư thả chốc lát. Có lúc vì thủy triều, hay cần thuận giòng nước, chờ hàng xuống xong là hối hả tháo dây rời bến ngay.

 

Xong công việc, trống vắng lại trở về.

 

Không có hàng lên, hàng xuống, lúc nào có độ ăn uống nhậu nhẹt trạm mới có phần sống động lại. Mặt xoay ra cầu tàu của khu tiếp nhận hàng để trống thoáng, lúc gió đùa mưa bay vào ướt chút ít phía ngoài, bên trong cũng khô ráo dễ chịu.
Nhưng lắm lúc, gian nhà hiền hoà, trông có vẻ vô tội vạ này, không chỉ đơn thuần là nơi phục vụ cho việc mua bán hải sản, nó bất chợt bị biến thành trại tạm giam và khu tra tấn của bọn cộng sản bất nhân.

 

Tàu vượt biên không may bị chận bắt được, bọn công an kéo về đây để tra tấn người và vơ vét cướp đoạt tiền của, trước khi giải giao thuyền nhân đến các cơ quan khác. Dân làng lấp ló bên ngoài các khung cửa, lấm lét nhìn tình cảnh đồng bào mình bị cột trói, xô đẩy, ngồi chen chúc nhau trên sàn trạm. Cửa tàu đã bị lịnh đóng kín và che bít bùng, không ai biết được bao nhiêu người còn đang dở sống dở chết, vất vưởng bên trong chiếc tàu bất hạnh. Trạm đầy ấp người, người xem, người bị bắt, kẻ hầm hầm khua súng đạn. Bọn công an, đám lính võ trang ở địa phương xoay quần người bị bắt. Thuyền nhân, người sơ mi tay dài, tay ngắn, có áo trắng, áo màu, có áo đen bạc mốc… Dân tỉnh thành hay người trốn đi từ thôn xóm, áo quần cùng giống nhau cái xốc xếch, bê bết dầu máy hay bùn đất. Người bị trói, ngồi co ro, mất thần sắc nhìn những khẩu súng đang ghìm chỉa hăm doạ. Mặt kẻ chiến thắng vênh váo khoái trá; thêm một dịp vừa chia chát tiền vàng cướp được, vừa lập công với đảng, dâng thành tích cướp của bắt những “thằng phạm”, “con phạm” vượt biên.

 

Chữ nghĩa của cộng sản như thế đấy!

 

Thế đấy, đồng bào của Vinh đã “phạm” cái tội mà cái đảng thổ tả và “nhà nước” cộng sản rất là căm thù cấm kỵ, đấy là “tội” tìm Tự Do!


Xoay người, ngước nhìn lên cây đà ngang trên trần nhà, Vinh như còn thấy thân thể con người còn bị trói treo trên ấy để chúng nó tra khảo. Anh ngẩm nghỉ, biết đâu, có ngày xác mình cũng bị tụi cộng sản kéo về, treo lên trên đấy, để chúng nó hăm doạ những người còn toan tính vượt biên tìm tự do. Vinh còn thấy đó, trong góc phòng, mặt bàn đầy ấp những ổ bánh mì , các mảng thịt heo quay, thịt vịt, thịt gà thơm béo. Tai anh còn nghe vang dậy tiếng khóc thét kinh hoàng của mấy đứa trẻ con trên tàu bị lũ công an hung bạo bợp tay té nhào, vì quá ngây thơ dám mó tay vào bánh vào thịt của tàu đã bị chúng nó cưỡng đoạt.

 

Có phải chăng, chủ nghĩa cộng sản đã hủy diệt linh hồn con người, biến những kẻ cầm súng theo chúng nó trở thành động vật mất nhân tính, mất hết tình người?!

 

Có phải, cái loài cộng sản là những con thú dại, loài quỉ quái. Cái giống sinh vật được tạo ra để chỉ biết cúi đầu và gục mặt để tôn thờ loài hồ cáo cộng sản bạo tàn ?!


Ngước mắt ngó lên trên bến trạm,

Nhìn những thuyền nhân bị bắt về.

Tay trói, gục đầu, lời đã cạn.

Tiếng khóc trẻ thơ, dạ tái tê.


Nhìn người, chợt thấy mình thân thuộc

Tôi khóc hay sao, nước mắt nào?

Tự Do ơi hỡi, tim xót buốt!

Dân tôi bất hạnh lắm thương đau!


- Ê, có tin vui!

 

Nghe tiếng anh Bảy phía sau, Vũ và Vinh cùng quay lại, thấy anh Bảy đang đi tới với nụ cười thật tươi. Anh hớn hở báo tin:

- Chiều nay mình về! Anh mới lên văn phòng thăm nhắc việc cho tàu mình về. Họ nói, công nhân trên trạm ăn cơm xong, khoảng sáu giờ sẽ xuống hàng. Có bao nhiêu thì tàu mình chở bấy nhiêu. Lát nữa mình chạy về.

- Bắt mình neo tàu chờ ba hôm nay, cũng ép lắm rồi.

 

Vũ càu nhàu, nhưng hài lòng. Anh Bảy vui vẻ bảo chúng tôi:

- Anh coi tàu cho, hai anh em lên quán kiếm gì uống đi

 

Vũ đứng dậy, vỗ vai tôi:

- Đi mày, tụi mình lội đi kiếm cà-phê uống chơi! Cà phê sữa hả anh Ba?

- Ừ,… gì cũng được mà. Hai đứa cứ đi, anh nằm nghỉ một chút!

 

Anh Bảy cười dễ dãi với hai thằng em.


Đi ngang qua bàn nước gần văn phòng, Vũ dừng lại, mượn cái ly để đựng cà phê đem về cho anh Ba.


Đúng là lội, lội bùn. Đường lên quán cà phê rất hẹp, vừa đủ cho hai người tránh nhau. Mặt đường trồi sụp, uốn ngoằn nghoèo sát theo hai bên nhà vách lá cũ kỹ. Bùn trơn trợt và uớt nhão giữa các kẽ ngón chân. Có chỗ, người đi phải lom khom bước lên trên thềm nhà, mái lá thấp là sà trút nước mưa ngay lên người đi bên dưới. Dân làng nghèo, sống khắc khổ. Đánh lưới được tôm cá chỉ đủ để mua gạo, mua dầu. Quán sống hầu như nhờ vào khách hàng chính là công nhân viên, người làm ăn phương xa đến đây cần miếng ăn thức uống.

 

Quán là căn nhà lá nhỏ, như những căn nhà trong xóm. Ánh đèn dầu vàng, đủ soi sáng bốn cái bàn gỗ thấp. Chiều nay, hai bàn đã có khách ngồi. Bên các thức uống như cà phê, nước ngọt, dỉ nhiên phải có rượu. Rượu trắng, rượu thuốc và đồ nhậu như khô mực, tôm khô, cá khô bầy đầy trên quầy. Vũ uống rượu vững lắm, nhưng anh em trên tàu không ai ghiền rượu, chỉ uống cho công việc chạy chọt được trơn dễ mà thôi.

 

Có chuyến chạy, có tiền vô, hai đứa tự khao mình ly cà phê trước. Như các quán bình dân trong thôn xóm, quán chỉ có loại cà phê “kho”, cà phê pha sẵn và ngâm nấu trong bình để giữ nóng. Vị cà phê đậm đắng, có mùi khét hơn là thơm cà phê.

 

Chẳng biết trong thời buổi hàng hoá cũng bị cộng sản cai trị, mọi thứ nhu yếu phẩm đều phải sắp hàng chờ mua ở hợp tác xã, người ta cùng túng đã rang nướng những thứ chi để pha trộn thành bột cà phê?!

 

Nghĩ đến, hết muốn uống cái ly có màu mâu đen trong các quán xá thời này. Nhưng rồi, đành phải tránh nghỉ đến chuyện chất liệu pha chế, để hàng quán họ chế “cà phê” mà uống. Lâu ngày cũng quen dần hương vị, nhưng có đường hay thêm chút sữa béo ngọt vào thì có phần dễ uống, ngon miệng hơn. Quán vùng dân nghèo, được uống ly cà phê sữa như thế này là sang lắm rồi. Hết rồi, Vũ và Vinh không dám ước mơ được thưởng thức lại hương vị độc đáo của từng giọt Café du Monte ngày nào. Dưới tàu có hộp cà phê đã xây, ít mùi khét hơn, chịu khó nấu nước một chút, châm pha, cũng có cà phê nhâm nhi vậy. Nhưng dầm mưa, lội trong bùn sình ra quán để ngồi uống, có cái thú vị “ngồi quán” uống cà phê. Hơn nữa, anh em trên tàu cần phải biết qua tình hình địa thế trên đất liền. Có dịp la cà quanh xóm, để công an, đám quân võ trang, cùng dân làng quen mặt vẫn có lợi hơn sau này.


Tối nay chạy về , nhằm lúc chạy ngược giòng nước, ít nhất cũng phải sáu tiếng đồng hồ mới về tới bến. Vũ coi máy, anh Bảy với Vinh thay nhau cầm lái. Quán không đông người, còn một bàn trống, hai đứa thư thả ngồi nhâm nhi cà phê, để yên cho anh Bảy nằm nghỉ ngơi trước. Cũng như anh Bảy, Vũ rất khéo ăn nói, lại từng trãi về làm ăn buôn bán, nên Vũ đối đáp và bắt chuyện với mọi người chung quanh rất dễ dàng. Tuyệt nhất là những bài vọng cổ của anh Bảy, có anh ngồi chung mâm rượu, thế nào cũng có người yêu cầu anh làm vài bản; không mồi ngon người ta cũng thấy buổi nhậu hứng khởi, thật đậm đà. Nhờ có anh Bảy và Vũ, chúng tôi hoà nhập vào đoàn tàu và dân cư xung quanh dễ dàng hơn.

 

Chuyến về chiều nay, không có bao nhiêu thùng hàng. Tất cả các thùng hải sản đã được ướp nước đá giữ lạnh, từ mấy hôm trước rồi. Bây giờ, công nhân chỉ mở nấp ra, kiềm lại và đổ thêm nước đá xây vào để tôm cá có đủ độ lạnh. Chừng ba mươi phút, các thùng hải sản được công nhân chuyền xuống, chất gọn trong khoang tàu.

 

Vũ cho máy chạy. Mấy ngày nay, mới được nghe lại tiếng máy tàu mình. Tiếng máy tàu nhắc nhở , thôi thúc, ước mơ, và mang lại niềm hy vọng: rồi có một ngày, tàu sẽ đưa mọi người ra khơi. Từ đây, chỉ cần may mắn phóng tàu ra ngoài biển, chạy hết tốc độ chừng ba mươi phút là coi như thoát được gông cùm cộng sản.

 

Khởi từ điểm này, thoát đi không khó lắm. Cái khó là làm sao rước đón được gia đình thân hữu lên tàu, lọt qua tai mắt của công an cùng các tàu tuần và trạm kiểm soát biên phòng, trước khi ra đến trạm thu mua này. Đứng ngoài mũi chờ tháo dây, nhìn đại dương rộng mở đợi chờ, lòng bồi hồi mong ước. Đến đây bao nhiêu lần rồi, nhưng tàu lại lấy hàng rồi lại phải quay trở về.


- Tụi tui đi nghen!

 

Tiếng anh Bảy gọi lớn từ giã người trên trạm, nhắc tôi trở về thực tại. Chú Mộc, trưởng toán công nhân, sốt sắng bước xuống tháo dùm đầu dây cột vào trụ cầu. Tay cuộn đoạn dây thừng, chú ân cần mời hẹn:

- Ít bửa ra đây nhậu tiếp!

 

Rượu vào lời ra, thường làm mất tình cảm, nhưng cũng qua chén rượu, người ta dễ kết tìm thân hữu. Chờ Vinh đón chụp khoanh dây xong, chú Mộc xô mũi tàu ra ngoài cười thân mật:

- Rồi, chạy đi!

 

Vinh cám ơn chú, chống sào đẩy mũi tàu cho xoay thêm ra ngoài. Anh Bảy kéo cần lái qua phải và tăng thêm tốc độ, đem mũi tàu quay ra khỏi bờ, rồi chạy vòng vào lòng sông dẫn về thành phố.

 

Tàu rời bến, người trên trạm cũng tản mác, về nghỉ ngơi. Trạm tắt bớt đèn, chỉ còn vài bóng ánh vàng mờ mờ trong gian nhà công nhân. Đêm tối, trời mưa, tàu thuyền vắng, Vinh luyến tiếc ngoái nhìn biển cả đang xa mờ dần phía sau. Kéo đầu cây sào trong nước thêm một lúc, để rửa cho sạnh bớt bùn sình của đáy sông đã bám vào, anh gát cây sào tre nằm tựa vào trong lòng khoang, rồi đi lên mui ngồi vấn thuốc hút, chuyện trò với anh Bảy và Vũ.

 

Tàu chở ít, nhẹ, nhưng gặp lúc giòng nước trong sông đang đổ ra biển, phải chạy nước ngược về. Ngoại trừ tiếng máy dầu cặn và đèn từ tàu chúng tôi, sông nước tối vắng. Chạy suốt hơn một giờ, không thấy bóng dáng chiếc tàu nào. Thời gian này, không ai đi đánh cá về, và cũng không thấy tàu ra biển. Tàu ra biển thì chỉ có tàu công an đi tuần hay tàu vượt biên. Chiếc tàu của dân chúng trở về thì chỉ vì đi vượt biên lạc hướng hay bị biển động phải quay vào.

 

Anh Bảy gọi tôi:

- Hồi chiều ăn sớm quá, chắc ai cũng sót ruột, Vinh coi lái để anh xuống nấu miếng cháo anh em mình ăn thêm.

 

Anh Bảy siêng và chịu nấu ăn lắm. Anh làm thức ăn ngon, chế biến đồ nhậu rất tài tình, nhất là món canh chua, anh nêm nếm mười lần như một, hương vị ngon tuyệt như nhau.

Vào trong sông có bớt gió, nhưng mưa cũng còn khá nặng hạt. Về khuya, đoạn sông thưa vắng nhà dân, lâu lắm mới thấy ánh đèn trên bờ. Ít nhà, ít có lưới đáy giăng, thỉnh thoảng Vinh mới mở đèn pha xem chừng sông nước và cột đáy. Dưỡng máy để chờ thời cơ, tàu bình thản chạy về bến nhà. Đêm vắng, buồn mênh mang, nhớ gia đình, nhìn tương lai mờ mịt như bầu trời đêm nay.


Bổng Vinh nghe như có tiếng súng. Loạt đạn ngắn, nghe xa phía trước. Vinh gọi xuống mui:

- Ê Vũ , mày có nghe gì không, hình như có tiếng súng bắn phía đâu đằng trước tàu mình.

 

Anh Bảy bận xem chừng nồi cháo. Vũ đứng dậy:

- Chắc ở dưới này máy chạy ầm ầm, tao với anh Bảy có nghe gì đâu.

- Ừ, tiếng súng ở xa, chắc trên này mới nghe.

 

Vũ nhóng người lên trên nóc mui, cùng Vũ lắng nghe một lúc cũng không nghe tiếng súng nào cả. Vinh nghỉ, cũng có thể tự mình nghỉ ngợi lắm chuyện đã qua, trí óc lầm lạc.


Vũ vấn và đốt cho Vinh điều thuốc. Hai đứa hút thuốc, lặng yên cùng lắm mối ưu tư nhắc nhở riêng mình, chẳng ai còn muốn nói với nhau tiếng nào. Đêm khuya, có tiếng súng khu trạm công an biên phòng, thường vì có tàu của vượt biên bị đuổi bắt. Lại phải chứng kiến cảnh bà con mình bị hành hạ hay xác dân lành trôi dạt trên sông nước. Trách nhiệm và an toàn cho thuyền nhân trên tàu trong ngày vượt biển, lắm điều nằm ngoài khả năng của Vũ và Vinh. Tính toán thành hay bại, sống hay chết bị tuỳ thuộc vào Ơn Trên, số mạng may rủi. Vinh mở thêm đèn trên mui tàu, và dùng đèn pha thường hơn để tụi tàu biên phòng không bắn lầm.

 

Anh Bảy đưa tách nước trà lên cho Vũ cầm giùm cho rảnh tay chống để rút người leo lên nóc mui :

- Cháo chín, anh ăn xong rồi. Để anh coi lái cho, hai đứa xuống ăn đi.

- Cám ơn anh Bảy.

 

Giao cần lái cho anh Bảy, Vinh cùng bạn tuột xuống bên dưới mui kiếm cháo ăn. Trong góc, nồi cháo của anh Bảy còn bốc hơi nóng, hai trứng vịt muối được anh chu đáo chẻ sẵn làm hai. Mặc dù không còn gạo ngon thơm như thời trước khi bọn cộng sản cướp nước, cháo trắng của anh Ba nấu vẫn hấp dẫn lắm. Anh tỉ mỉ từ việc canh lửa, canh nước, quậy cháo… Hạt gạo bong nhừ, mỗi muổng cháo nóng, không cần muối, đường… chi cả, cứ ăn cháo không mà thôi cũng đã ngon lắm rồi, có thêm chút vị mặn béo của trứng vịt muối thì đê mê tuyệt vời.


Trong trại tù cộng sản, cơm nấu từ gạo mốc và sâu quệnh thành từng cục to muốn bằng nắm tay, lại trộn thêm các thứ khoai hư khoai sùng, các thứ mà người ta chỉ dùng cho heo ăn. Thế nhưng, hôm nào được bè bạn có cơ hội phụ nấu bếp, được mang về phòng giam cái lon “guigoz” nước cơm. Cả chục người tù chia nhau, mỗi người một vài hớp nhỏ. Giữ tứng chút nước cơm còn nóng ấm trong miệng, nuốt chầm chậm cho lâu hết, như để vị giác được đền bù thèm nhớ. Trong tù đày, thiếu ăn triền miên, cơn đói thèm dễ sui khiến người ta suy nhược tinh thần đấu tranh lắm. Nước cơm dù từ gạo hẫm và khoai mốc vẫn ngon và quý vô cùng, nhất là cho những đồng đội đang bị phù thũng.


Tối nay, tàu có gạo để nấu cháo, Vinh thấy mình thật là may mắn!


Thời này, lắm gia đình chỉ còn biết trông mơ sao được thấy trẻ con nhà mình có bát cơm, nấu bằng hạt gạo như ngày xưa, ngày cộng sản chưa chiếm đoạt miền Nam. Những ước mơ thật tầm thường, nhưng ngày qua ngày, điều mơ ước đêm qua, vẫn còn là mộng mơ, chuyện không tưởng.


Thế đấy, cái đảng cộng sản lại gọi là “giải phóng”!

Ăn uống xong, Vũ theo Vinh leo lên mui ngồi hút thuốc và chuyện trò với anh Bảy, cho có anh em. Tiếng súng lúc nãy như còn vang văng vẳng trong đầu, câu chuyện của mấy anh em lừng khừng, rời rạc. Ngồi hút điếu thuốc chưa xong, bổng có loạt đạn, bắn đến hướng tàu mình. Chưa ai nhận hiểu ra được chuyện gì xảy ra thì thêm mấy loạt đạn ngắn, nghe thật gần, tiếng vang chát chúa, đạn bay tới tấp ngang trên đầu.


Phực! Phực!


Không gian chợt bừng lên, sáng trắng. Năm bảy cái đèn pha từ đâu đó cùng nhau xé toạt màn đêm phóng các luồng sáng nóng rực thẳng vào tàu. Rồi đèn pin cầm tay nhấp nhoá hè nhau cùng quét rọi lùng kiếm từ thân người xuống sóng nước quanh tàu.

- Dừng lại!

- Đừng lại ngay!

- Công an nhân dân… !

- Biên phòng đây!

 

Thời này, người ta thấy chừng như kẻ cầm quyền thích tô son trét màu, thêm thắt hai chữ “nhân dân”. Quân đội “nhân dân”, công an cũng gọi là công an “nhân dân”. Thế nhưng, hiến pháp lại sắt thép quy định: lực lượng vũ trang hay quân đội “nhân dân” phải “tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”. Trên các bảng sơn đỏ choét ăn mừng ngày thành lập công an, hôm 3 tháng 2 có khắc ghi lệnh truyền rằng “Công an nhân dân - chỉ biết còn đảng còn mình”. Thực rõ ràng, quân độì, và nhất là công an, chính là các công cụ để bảo vệ quyền lực của đảng. và để khống chế các quyền làm người của người dân. Thời này, nhân dân bị đảng xem như những sinh vật vô nghĩa. “Nhân dân” chỉ còn là cái thứ chữ nghĩa để người ta tuyên truyền mà thôi!

 

Cùng lúc với tiếng loa gọi tới tấp, có tiếng máy tàu rú lên và cái bóng dáng đen ngòm của chiếc tàu đánh cá cao dềnh dàng dựng mũi rẽ nước, phóng ào ào tới.


Máy tàu gầm rú.


Sóng nước đì đùng.


Mũi tàu phóng vụt tới, trông như chỉ giây phút sẽ chẻ đôi con tàu bạc mệnh phía trước. và nhận nó chìm xuống đáy sông.


Tiếng máy lại gầm rú lên như con thủy quái chực nuốt trọn con mồi. Nó khựng lại, mũi cất cao lên.


Soạt!


Động cơ gầm rú. Sóng cuộn dậy. Đèn chói sáng, nghe nóng trên da người.


Rầm!


Chớp nhoáng, toàn thân con thủy quái này đã sàng quặt ngang, nhập sát vào con mồi. Sức ép của nó đè dẹp mấy cái vỏ bánh xe treo bên hong chiếc tàu chở hàng.


Anh Bảy vội vã hạ thấp tốc độ, gạt cần lái đưa tàu né bớt sức va chạm. Vũ thả người rớt tọt xuống dưới mui, nhanh chân đạp clucht, kéo cần sang số gài trả về số lui để thắng tàu lại. May là nhờ đang chạy ngược nước, tàu dừng lại thật nhanh.
Phập!


Cây móc từ tàu công an cấm lên mũi tàu, kéo ghịt chiếc tàu chở hàng vào.


Vinh phóng người chạy ra mũi, thả thêm hai vòng vỏ xe xuống, để chêm thêm giữa mũi tàu đang bị sóng nhồi, va đập mạnh vào thân gỗ cứng cáp của loại tàu đánh cá.


Chụp cuộn dây từ tàu công an biên phòng thảy qua, Vinh quấn cột cho hai tàu cặp kè nhau.


- Đ.M. tàu vận chuyển của thằng Bảy hả?

 

Anh Bảy lớn tuổi, thủ vai chủ tàu. Ba Thơ, trưởng phòng vận chuyển, thường hách dịch gọi tàu chúng tôi là tàu của thằng Bảy. Hằn đứng ngay ngoài mũi tàu, lên tiếng hỏi và nhảy sang trước. Một tên công an ôm AK phóng nối theo. Nhiệm vụ của Ba Thơ chỉ lòng vòng trên văn phòng xuống bến tàu, nhưng hắn khoái đeo súng đi theo công an bắt ghe tàu vượt biên lắm. Cứ như hắn thì lợi lắm thứ, vừa tạo thành tích nhiệt tình, lập công dâng đảng, vừa có phần chia chát số tiền vàng cướp được từ thuyền nhân.


Nghe tiếng Ba Thơ, Vinh yên tâm đôi chút. Hắn nạt hỏi như thế, cho ra vẻ có uy quyền chưởi la dân chúng, chớ hắn quá quen thuộc hình dạng từng chiếc tàu chở hàng cho công ty. Nghe hắn lớn tiếng hỏi thế, tức là hắn đã biết tàu quen, tàu làm cho công ty, thì chắc là cái đám công an sẽ không xét hạch giấy tờ tuỳ thân cá nhân. Dùng giấy tờ của em trai, Vinh ráng sao tránh né bị tra hỏi giấy tờ tuỳ thân.

 

Nhìn đống thùng hải sản nằm trong mấy tấm nhựa che mưa gió, Ba Thơ hất hất khẩu súng ngắn K54 trên tay, gằn giọng ra lệnh cho Vinh:

- Chở bao nhiêu đứa vượt biên hả? hả?... dở tấm bạt lên cho tao coi!

 

Nghe Ba Thơ hỏi xét, thêm hai tên công an xách AK phóng sang.

 

Đứng gần mấy thằng công an mặt vênh váo, máu hận sôi sục. Nhìn cái lối tay cầm cây K54 lúc lắc, miệng chỉ lo láp váp, Vinh ngứa tay muốn đánh giật lấy cây súng của Ba Thơ. Kề súng vô đầu Ba Thơ là ba thằng nhóc công an đứng kế Vinh phải quăng hết súng đạn xuống sàn tàu. Cái đám bên tàu chúng nó mà bắn sang, thì Ba Thơ và ba cái thằng đồng chí đồng rận với chúng nó phải chết trước.

 

Chưa đến lúc để đổi mạng với Ba Thơ và cái đám biên phòng cắc ké này, Vinh ráng nhịn nhục. Anh chẳng thèm trả lời, nhảy xuống khoang, kéo các tấm bạt cho bày các thùng hàng ra, để Ba Thơ và đám “bò vàng” muốn kiếm chi thì kiếm. Bốn tên lăng xăng xúm xít, lật ván lót trên khoang tàu, rọi đèn xem xét khắp nơi dưới hầm máy.

 

Cũng may, nồi cháo với mấy trứng hột vịt muối còn đó. Ba Thơ mà bắt được tang chứng lấy tôm trong thùng hàng nấu cháo ăn là khốn khổ, phải tốn tiền tốn rượu với hắn.


Không thấy đồng bào vượt biên trên tàu, Ba Thơ xoay qua chận đầu, hạch hỏi:

- Đ.M. tụi mày mấy hôm nay chạy tới đâu rồi?.... biết lắm mà!... biển động quá mà… tụi mày mới chịu quay lại phải hong?..

 

Ba thơ hất hàm ra lịnh:

- Thằng nào đứng gần, mở thử một thùng coi có phải tụi nó chở tôm thiệt hong?

 

Một tên công an mở nầp, thò tay xới xốc nước đá và tôm lên:

- Báo cáo chú Ba, thùng này đựng tôm.

- Tao thấy!... Được rồi! Bây xốc vừa vừa thôi chớ, nát mẹ thùng tôm xuất khẩu!... Đậy nấp lại đi kẻo tan đá hết!

 

Ba Thơ cau có rầy rà tới tấp. Hắn chỉ một thùng hàng nằm xéo bên trong:

- Thằng Cung, mày mở thêm cái thùng trong đó, coi có tôm hong?

 

Cung học khôn từ thằng đồng chí, nó cào cào sơ qua lớp đá ướp trên mặt, thấy tôm:

- Dạ báo cáo có tôm chú Ba

 

Ba Thơ quay sang Vinh:

- Đ.M… rời trạm hồi nào hả? giấy tờ chở hàng của tụi bây đâu đưa tao coi?

Ngứa tay, lại thêm chói tai với cái thói ăn nói hách dịch của Ba Thơ, Vinh tìm cách để tránh đứng gần mấy thằng công an, anh quay người bước đi lên mui, vắn tắt:

- Để tui lên giữ cần lái cho anh Bảy xuống lấy giấy tờ.


Anh Bảy xuống mui, lấy sổ hàng đưa cho Ba Thơ xem và nhẫn nhục cười hề hà cầu thân:

- Có chuyện chi vậy chú Ba!... tụi tui nằm húp cháo ngoài ngoãi mấy bữa nay, chiều này trạm mới cho xuống hàng để chạy dìa đây mà chú?

 

Một đứa đeo súng lộc xộc xách đèn pin xáp lại, rọi đèn cho Ba Thơ xem giấy tờ của trạm thu mua. Không còn gì tra hỏi về việc chở hàng, trả sổ sách của tàu lại cho anh Bảy, Ba Thơ hằn học ra lịnh:

- Đ.M… tụi bây!... Chở tao với mấy đồng chí biên phòng đây đi kiếm chiếc tàu vượt biên coi… Đ.M… mới thấy đó, nó lủi trốn đâu mất. Tao mà tìm thấy, tao nẹt bể đầu tụi nó hết!


Anh Bảy tìm cách tránh né:

- Chú Ba à… chú biết mà, cái máy của tụi tui nó rề rề lắm!... tàu chạy ì ạch thì mần sao mà đuổi với lại bắt được ai… chú ơi!

 

Ba thơ nạt ngang:

- Đ.M… cần gì phải chạy cho lẹ mậy!... Có tàu tụi bây dí chận nó, tao kêu tụi biên phòng tới bắn chết mẹ nó hết.

 

Ba Thơ vốn quen thói của kẻ cầm súng, ỷ thế, ỷ quyền nói càn, nói đại, bất kể đúng hay sai, tranh cải với hắn chỉ sinh thêm điều bất lợi. Nhưng lòng dạ nào mà góp phần giúp sức cho tàu công an lùng bắn đồng bào mình, anh Bảy ráng tìm cách khác gỡ rối, anh chỉ dải thùng tôm chồng chất đang nằm bày ra giữa khoang tàu, không che đậy, tươm ướt hơi nước lạnh:

- Chú Ba coi nè… mấy chục thùng này là tôm đã bị nằm kho gần cả tuần nay rồi đó chú Ba. Bữa nay, ngoài trạm sợ tôm bị hư mới kêu tụi tui chở dìa ngay trong đêm nay. Bây giờ chú biểu tàu tui tui chạy vòng vo, chậm lục quá nước đá tan hết, tui sợ tôm nó bị thiếu đá, nó phát thúi hết ráo trọi thì nguy lắm đó chú Ba à.

 

Hải sản và vận chuyển là trách nhiệm của Ba Thơ, chớ không phải việc đi đuổi bắt tàu vượt biên. Ba Thơ biết sợ nguyên chuyến hàng chở tôm “xuất khẩu” tối nay bị hư thối, bị các xếp công ty khiển trách, nhưng hắn còn ráng thị oai nạt bừa:

- Lải nhải, lải nhải, dài dòng… mần cái con mẹ gì, tụi bây muốn chạy dìa thì tao cho chạy đó... Đ.M… tao đi với tụi biên phòng!

 

Quay sang ba tên công an đang đứng tần ngần gần đấy, Ba Thơ ra lịnh:

- Đi! đi dìa tàu với tao!


Nghe Ba Thơ nói thế, mọi người như vừa trút được gánh nặng ngàn cân, thấy nhẹ nhõm trên người. May là đã bị nằm bến nhiều ngày ngoài ấy và có cớ tôm bị tồn kho đã lâu, nên Ba Thơ không dám giữ tàu đi theo hắn. Còn xót đau nào hơn, khi phải chở cái loài dã thú này đi lùng bắt đống bào mình. Anh Bảy đi theo sau Ba Thơ và cái đám công an ra ngoài mũi, chờ tụi nó lên hết để tháo đầu dây ngoài đang cột tàu mình dính với tàu công an.

 

Ba Thơ leo về tàu xong, quay lại chỉ mặt anh Bảy hù doạ:

- Tụi bây khôn hồn à nghen… có thấy tàu tụi nó trốn đâu, báo cáo cho tao biết ngay, thì còn được nhà nước thuởng công cho, còn bây mà ngu dại a tòng che dấu bọn vượt biên thì chết với tao đó!

 

Tháo đầu dây cột vào mũi tàu của mình, thảy đoạn dây thừng lên trả lại cho thằng công an đang đứng chờ. Anh Bảy chống tay vào thành tàu biên phòng xô cho tàu mình dạt ra, miệng nói xuôi theo cho Ba Thơ vừa lòng mà đi cho khuất mắt, cho yên chuyện:

- Dà... thì thấy gì là tụi tui “báo cáo” cho chú Ba hay ngay mà!


Chiếc tàu của công an biên phòng tách ra, quay đầu, rú máy phóng vọt ào ào ra hướng cửa biển. Phút chốc đã thấy nó đang rọi đèn xa phía sau rồi chun lòn vào nhánh sông mất dạng. Chiếc tàu ấy là tàu đánh cá của đồng bào mình, không may bị chúng nó bắt. Tàu được biến chế thêm để vượt biển, để vượt sóng to ngoài khơi. Tụi biên phòng gian manh lấy tàu này làm tàu đi tuần, đi bắt tàu vượt biên. Thấy cách nó chạy là biết máy của nó lớn mạnh lắm, chạy nhanh lắm, chớ không như cái John Deer già nua trên tàu. Không quen biết với tình hình địa phương, bà con mình dễ lầm tàu công an biên phòng với tàu đánh cá, không biết chính nó là tàu của công an. Tụi nó thâm độc lắm!

 

- Mình dọt được rồi!

 

Vũ nói với Vinh và gài số cho tàu chạy tới.


Bị tàu biên phòng kè nãy giờ, hai chiếc thả trôi nằm xoay ngang. Nước ngược, đẩy tàu ngược ra hướng cửa biển một đoạn khá xa mà không hay. Vinh lấy lại hướng, cho tàu chạy về bến công ty.

 

Anh Bảy lên mui, đến ngồi cùng băng ghế với Vinh, Vũ vẫn đứng trên hầm máy, chồm người qua khung cửa trổ lên mui, hai tay khoanh gát trên nấp mui. Ba anh em ngó mông lung trong màn đêm, thẫn thờ cầu nguyện cho đồng bào mình còn sống sót, lẫn trốn đâu đó gặp được nhiều may mắn, thoát khỏi móng vuốt loài quỉ đỏ cộng sản đang săn lùng.


Tự Do ơi Tự Do!

 

Ngày nào còn cộng sản, quê huơng mình còn lắm ly tan, lắm đoạ đày!

 

BK Bùi Đức Tính

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire