caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 26 août 2014

Duyên Anh và Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy phần 2

Đọc tiếp phần 1
Duyên Anh và Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy phần 1

Đó là trách nhiệm của Nhà nước, và Nhà nước chi rất khiêm tốn cho giáo dục, văn hoá. Ngân sách dành cho giáo dục chỉ bằng số tiền ăn cắp hằng năm của một tên đại tham nhũng. Có khi còn ít hơn. Ở Việt Nam, người ta ít chú ý tới trẻ con. Người ta chỉ ồn ào những chuyện vô tích sự. Sữa tăng giá, quyền lợi của trẻ con bị xâm phạm, không ai phản đối. Nhưng giấy báo tăng giá, quyền lợi của một số chủ nhật báo bị xâm phạm, lập tức người ta đấu tranh đến nơi đến chốn. Nào tuyệt thực. Nào cắt tóc. Nào đình bản. Và chính phủ đã nhượng bộ cuộc tranh đấu đó. Chẳng ai tranh đấu cho trẻ con cả. Vì trẻ con chỉ là trẻ con. Để nó lớn lên nó tranh đấu cho quyền lợi của chúng nó. Bởi thế, đừng lạ khi thấy các em nhỏ than vãn đài Vô tuyến truyền hình quỵt tiền “ca sê” của các em. Tới đây, tôi chợt nghĩ một người cả đời chỉ ôm mộng làm phim nhi đồng, tóc bạc phơ, già đi, nghèo đi, phải xoay nghề khác. Vì mộng của anh lơ lững trên mây. Phim của anh do Juspao thực hiện xong xuôi. Tưởng được mãn nguyện bằng một nụ cười. Nhưng người Mỹ bảo buồn quá, tuổi thơ Việt Nam không vui bằng tuổi thơ Mỹ. tại sao chỉ thèm đôi guốc mới trong khi kẹo Honey có chất độc ê hề ở Việt Nam? Phim làm rất công phu. Để bị vất vào kho. Trung Tâm Điện ảnh Việt Nam không thừa máy yểm trợ chăng? Có lẽ, Trung tâm Điện ảnh Việt Nam chỉ khoái yểm trợ những phim đấm đá, hãm hiếp 3. Biết ngày nào Trung tâm Điện ảnh mới dành riêng cho nhi đồng một đạo diễn của nhi đồng? Và biết bao giờ Trung tâm Điện ảnh Việt Nam mới có ý định thực hiện những cuốn phim ngắn cho nhi đồng?

Bộ Giáo Dục đã biết nghĩ rằng hằng triệu học sinh tiểu học thèm khát phim ảnh dành riêng cho các em không? Ôi, chỉ cần một cái rạp chiếu bóng của nhi đồng do người Việt Nam thực hiện. Rạp chiếu bóng nhi đồng hữu ích cho quê hương hơn là trụ sở quốc hội. Phải chi Thượng viện cất tầng lần nữa để dọn lên và rời Hạ viện về làm thành Quốc hội lưỡng viện, một nơi và lấy trụ sở hiện thời của Hạ viện làm nơi sinh hoạt thiếu nhi? Tôi đoan chắc, hai mươi năm sau, quê hương ta sẽ có nhiều khuôn mặt rạng rỡ. Một thế hệ nhi đồng được chăm sóc, giáo dục tốt đẹp, sẽ trở thành những công dân lương thiện. Một số công dân lương thiện sẽ trở thành lãnh đạo quốc gia. Và quốc gia không thể là bóng tối dầy đặc, nơi ẩn trú của những thằng đạo diễn mù đeo kính đen, của những thằng bất tài vô tướng, của sâu mọt, của ăn cắp, của vọng ngoại, của khoa bảng “for rent”, của trí thứ cho cả Cộng sản lẫn Tư bản thuê bản thân, thuê dân tộc mình….

Thứ sinh tố thứ hai mà bò sữa thiếu là âm nhạc. Miền Nam dễ đã có đến 7832 nhạc sĩ ! Con số vĩ đại này, quá ba phần tư chuyên sáng tác nhạc ái tình máy nước, mua vui cho ma ri sến. Những bậc thiên tài nhạc sĩ ngày càng xuất hiện đông đảo. Mỗi giai đoạn lại khởi sắc thêm. Thí dụ: sau Hiệp định Genève, nhạc sĩ nghiêng về cái sự ly hương não nề, nhớ làng xưa, thành phố cũ. Rồi oán hận con sông Bến Hải và đòi “về giải phóng quê hương”, đuổi giặc Cộng đi chỗ khác chơi. Buồn có “chủ đề” chán, đâm ra buồn vẩn vơ, buồn nổi buồn “nửa đêm ngoài phố”. May sao có chính sách chiêu hồi. Thế là buồn tìm về “chủ đề” rất chính nghĩa. Toàn em gái nhớ anh nơi bưng biền phiến loạn, “tủi thân mi khóc long lanh” và mong anh về với … quốc gia ! để “đôi lứa mình lại sống chung đôi, ta có nhau khi hoàng hôn rơi” . Ủy mị đã có “đồn” chiêu hồi ẩn núp. Hùng mạnh thì tố Công, ca ngợi thanh niên Cộng Hòa, cổ võ xây dựng ấp chiến lược. Dần dần yêu lính, hỏa châu soi sáng rực trời. đại bác rền nổ. Cuối cùng mê hoà bình, hận thù binh lửa. Nhưng tình yêu rẻ tiền vẫn lấn át hết. Do đó mà có cái gọi là “thời trang nhạc tuyển”!

Thê thảm thay là không hề thấy một nhạc phẩm nào sáng tác cho tuổi thơ hay về tuổi thơ. Bản “Kỷ niệm” của Phạm Duy thật tuyệt vời. Song nó chỉ là điệu nhạc hoài ấu thơ của nhạc sĩ đã chán chường kiếp người lớn. Nhà Sóng Nhạc - nếu tôi không lầm - mấy năm trước cho xuất bản 2 tập nhạc nhi đồng cùng với một số đĩa hát. Những bản nhạc này không hấp dẫn nhi đồng. Vì toàn vui nhộn kiểu ông Ninh ông Nang … Nhạc sĩ Lê Cao Phan cũng mới gom góp những bản nhạc sáng tác từ lâu và in thành tập. Tập nhạc này không được phổ biến ở các trường tiểu học hay những chương trình nhi đồng trên vô tuyến truyền hình, truyền thanh sâu rộng. Có lẽ, sức hấp dẫn của nó mong manh chăng?

Bởi vậy, rằm tháng tám, nhi đồng chỉ được nghe Chú Cuội của Lê Thương và Tết Trung Thu rước đèn đi chơi… cũ rích . Đôi khi các em nghe Tập tầm vông tay không tay có. Cuối cùng, một vài bản nhạc tươi vui của nhạc sĩ quá cố Hoàng Qúy lại được đem ra làm sống lại.

Điều này chứng tỏ rằng nhạc sĩ của chúng ta không chịu, không thích sáng tác cho nhi đồng. Bởi làm việc cho nhi đồng khó nổi tiếng lừng lẫy hay tâm hồn nghệ sĩ khô cằn? Tôi đã thấy Nhà nước đặt nhiều giải thưởng sáng tác nhạc. Nhưng chưa hề cổ võ một sáng tác nhạc cho nhi đồng. Trên cánh đồng cỏ cháy, những con bò sữa bất hạnh chỉ được nghe những điệu nhạc dễ làm úa héo tâm hồn mình. Học sinh tiểu học thiếu bài hát. Trong một cuốn sách giáo khoa tiểu học do Mỹ quốc viện trợ phương tiện ấn loát, cố vấn soạn thảo với vài nhà giáo của Bộ Giáo dục, tôi đã gặp những bài hát gọi là “hát mà học” như sau:

“Kỳ nhông là ông kỳ đà.
Kỳ đà là cha cắc ké.
Cắc ké là mẹ kỳ nhông”


Rõ ràng người ta dạy trẻ con bố láo. Hát mà học kiểu đó thì học sao nên người ! Năm 1961 tôi cư ngụ ở đường Trương Minh Giảng, cạnh trường tiểu học tư Vườn Xoài, nghe bà giáo dạy học trò bài Ò e Ro be đánh đu mới thê thảm chứ!

Ở nhiều trường tiểu học khác, nhất là những trường tiểu học tư, những bài hát cho học trò con nít cũng chẳng hơn gì. Quanh đi, quẩn lại cũng chỉ một điệu:

“Cái nhà là nhà của ta.
Công khó ông cha lập ra.
háu con hãy gìn giữ lấy.
Muôn năm với nước non nhà.”


Đổi thành lời khác nhau: Cái cờ là cờ của ta.
Trong gió tung bay gần xa.
Đứng nghiêm em chào mỗi sáng.
Trong khi lớp nhất kéo cờ.


Những em bé con nhà khá giả, được gởi học ở các trường mẫu giáo như Caritas Đoàn Thị Điểm, Regina Mundi, Claire Joie, Saint Paul chỉ là thiểu số. Thiểu số này được hát những bài nho nhỏ, hay hay bằng…. tiếng Pháp. Đa số học trường mẫu giáo Việt, may mắn lắm, được các cô yêu thương tuổi thơ, đặt lời Việt vào nhạc nhi đồng Pháp để cho tập hát thì cũng đỡ. Còn lại, bí …bài hát . đành theo điệu Frère Jacques mà sáng tác:

Kìa con bướm vàng.
Vờn đôi cánh.
Trông nó bay lên cao kìa.
Ta ngồi xem


Hay:

Giờ ăn tới rồi.
Mời anh xơi.
Giơ đũa lên anh em nào.
Ta cùng ăn.


Hướng đạo Việt Nam cũng có những bài hát cho sói. Nhưng vẫn chỉ có tính cách phiến diện. Âm nhạc tuổi thơ trở thành sinh tố “xa xỉ phẩm”, thứ gan rồng, mỡ muỗi. Muốn biết nó thiếu sót đến cái độ thê thảm như thế nào cứ tới với các đám đông trẻ nhỏ được tập họp vào những ngày quan trọng. Tôi còn nhớ một cái Tết Trung thu của Nhi đồng Vĩa hè do một nhóm sinh viên thiện chí tổ chức tại vườn Tao đàn vào năm 1965 do nhật báo Sống và tuần báo Búp bê bảo trợ, nhạc sĩ Phạm Duy hỏi mãi mà không em nào biết hát bài gì vui vẻ. Cuối cùng, Phạm Duy đành đặt lời mới cho bài Cái nhà là nhà của ta thành Đánh giày là nghề của ta dạy các em hát ! Do đó, đừng ai trách oắt con mở miệng nghêu ngao: Anh ơi, nếu mộng không thành thì sao hay Anh là lính đa tình hay Càng đi xa anh càng nhớ em… và nay thì Mùa thu đã chết, đã chết rồi em biết chăng … cứ bài hát nào phổ thông, bất kể lợi hại, người lớn thuộc, con nít cũng thuộc. Nghe ông nhô năm tuổi hát theo ca sĩ đang hát ở tivi hoặc radio Đừng bỏ em một mình, tôi chỉ muốn tát ông nhô vài tát. Chưa hề thấy những bài ngắn ngợi ca quê hương, dòng sông, ánh trăng, đôi mắt mẹ hiền, sợi tóc bạc của bố, bàn tay người chị, lòng tốt của bạn bè, vẻ đẹp của lớp học, lời dịu dàng của thầy cô… Kinh niên chỉ lải nhãi:

Bạn em có cho em một con dế.
Trông nó đen như than hầm.
Sáng nó kêu ré ré ré.
Trưa nó kêu re re re.
Tối nó kêu rè rè rè.


Thì người lớn cũng nãn, huống chi con nít ham thích mới, luôn luôn mới. Càng mới càng ham. Cũ rích, nhắc lại hoài, con nít chóng chán. Tôi chẳng biết quy trách nhiệm cho ai đã để trẻ con đói khát bài hát. Trước hết, phải lôi Nhà nước và qúy vị tự nhận mình có trách nhiệm bảo vệ thiếu nhi ra mà hạch hỏi. Hỡi những vị trong các Hội Bảo vệ Nhi đồng, các vị đã làm gì nhỉ?

Tôi chỉ thấy qúy vị trưng những chức vụ Chủ tịch, Tổng thư ký, hội viên trên bích chương tranh cử! Viện Âm nhạc Quốc gia chỉ biết lo dạy đánh đờn, kéo nhị tây, nhị ta, thổi kèn, diễn kịch, hát tuồng để trình diễn mời ông tây, bà đầm và quan lớn đến thưởng thức thôi ư? Viện thuộc Bộ Giáo dục. Bộ Giáo dục, có lẽ vô trách nhiệm với học sinh tiểu học ? Với đám con nít, học trò thò lò mũi xanh, Bộ Giáo dục kể như vất đi rồi. vất luôn cái Bộ Thanh niên đầy sào, tạ (vì chỉ biết sào với tạ, dù thời chiến hay thời bình). Tôi đành ngỏ ý cầu xin các nhạc sĩ. Hãy ích kỷ mà nói trước: Qúy vị hãy thương xót con em mình, đừng để chúng nghêu ngao: Anh là lính đa tình. Tội nghiệp chúng. Qúy vị thương con em mình là qúy vị thương cả một thế hệ nhi đồng. Phần thưởng tinh thần xứng đáng nhất tặng qúy vị là nếu bản nhạc nào hay, bản nhạc ấy sẽ bất tử. Hết thế hệ này đến thế hệ khác cất tiếng hát vang. Và nhớ ơn qúy vị. nhạc cho nhi đồng không phải “thời trang nhạc tuyển” . Rất khó sáng tác nhưng dễ nổi tiếng. Đã nổi tiếng là nổi tiếng muôn đời sau. Chỉ cần như Hoàng Qúy. Một bản Chiều quê, thời đại nào cũng có người yêu chuộng . Lúc nào cất giọng hát cũng bồi hồi, rung động tận đáy lòng:

Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm.
Chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca.
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm.
Chuyện trò vui với nhau đời sống thần tiên.
Sáo diều ru nào khác lời thơ.
Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô …


Sau hết, một trong những sinh bố mà bò sữa đói khát là sách báo 4. Ngót hai chục năm nay phụ huynh liên tiếp báo động món ăn tinh thần nhiễm độc làm đau ốm con em mình. Nhưng vô phương cứu chữa. Người ta đành thở dài hồi tưởng dĩ vãng Cậu Ấm, Cô Chiêu tờ báo nhi đồng … tiền chiến và loại sách Phổ thông Bán nguyệt san với những truyện của Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng … nổi tiếng như Con dế mèn. Dế mèn phiêu lưu ký, Tráng sĩ Bọ ngựa ..vv… hoặc loại Sách Hồng của Tự lực văn đoàn. Hoặc một vài cuốn của Lê Văn Trương, Nguyễn Đức Quỳnh ..vv… Trên cánh đồng cỏ cháy ròng rã mười sáu năm trời - kể từ Nam Bắc phân ranh giới - chỉ thấy lác đác vài đám cỏ non, Rồi không biết cỏ thiếu đất mọc hay bò chê cỏ, số phận của cỏ non thật phù du. Và những con bò sữa lêu bêu hoài trên cánh đồng cỏ cháy. Có thể đếm trên đầu ngón tay những cuốn sách viết cho tuổi thơ. Số sách hiếm hoi này cũng chưa hẳn là sách của tuổi thơ. Tuổi thơ từ mười tuổi trở xuống hầu như không có sách đọc. Học sinh tiểu học trừ một ít em ham đọc, còn đều tỏ vẻ khó chịu khi cầm cuốn sách giải trí nhằng nhịt chữ nghĩa. Ngay học sinh trung học cũng thiếu sách đọc giải trí.

Do đó, một phong trào tái bản truyện nhi đồng … tiền chiến được phát động. Và đó là chứng tích thất bại của giáo dục nhi đồng miền Nam . Song song với sự sống lại của Sách Hồng của Tụ Lực văn đoàn, nhà Khai Trí, nhà Huyền Trân, nữ sĩ Vòng tay học trò Nguyễn Thị Hoàng và một vài nhà văn, nhà giáo đã nghĩ tới món ăn tinh thần của tuổi thơ. Khai Trí cho xuất bản hằng chục cuốn sách nhỏ, bán rẻ rề. Sách do nhiều nhà văn danh tiếng viết. Hình thức không hấp dẫn. Nội dung bổ ích nhưng vẫn đông đặc chữ nhỏ. Vẫn sót nhiều lỗi chính tả. Loại Sách Hồng Khai Trí không có gì mới lạ hơn sách Hồng Tự Lực văn đoàn. Thiếu tranh ảnh màu trang trí nên không hấp dẫn học trò tiểu học, mặc dù, Khai Trí muốn cung ứng sinh tố cho lớp tuổi này. Sách hồng Huyền Trân do nhà văn Nhật Tiến săn sóc. Huyền Trân mới xuất bản chừng năm cuốn. Bút hiệu Nhật Tiến ký trên những cuốn Sách Hồng đủ để phụ huynh học sinh tin cậy. Nhưng Sách Hồng Huyền Trân không đợc phổ biến sâu rộng. Chỉ vì nhà văn kiêm nhà giáo Nhật Tiến thích hoạt động âm thầm và độc lập. Và bởi thích độc lập, sự hoạt động của Huyền Trân có tính cách thủ công nghệ. Xuất bản được cuốn nào hay cuốn đó. Gần đây, một nhóm người thiện chí, dưới sự bảo trợ của nhà Tổng phát hành sách Sống Mới, đã thành lập một tủ sách Mây Hồng. Một năm hoạt động, Mây Hồng đã xuất bản được 42 cuốn sách dành cho học sinh trung học. Tủ sách Mây Hồng tương tự tủ sách Tuổi Hoa do tuần báo Tuổi Hoa chủ trương. Hai tủ sách này thi đua hoạt động. Họ đã gặp trở ngại lớn do bọn lái sách âm mưu. Thấy Tuổi Hoa và Mây Hồng thành công, lái sách tung ra thị trường sách tuổi thơ giống loại trên, bán phá giá, ấn loát cẩu thả để tranh thương bất chính. Công việc của thiện chí cũng bị tranh thương. Lái sách đã ngăn chận sự phát triển có đường hướng của Tuổi Hoa và Mây Hồng.

Nhận xét tổng quát, sách hồng của Khai Trí, sách hồng của Huyền Trân, hay của Tuổi Hoa, Mây Hồng vẫn chỉ là sách hồng của học sinh trung học đệ nhất cấp xuống tới lớp nhì tiểu học là cùng. Học sinh lớp ba, lớp tư hoàn toàn thiếu sách hồng giải trí. Lớp độc giả tí hon, tối cần thiết cho một thế hệ rường cột tương lai, chưa đủ kiên nhẫn để đọc những tranh sách đông đặc chữ nhỏ, chưa đủ hiểu biết để thưởng thức cốt truyện, cách hành văn. Với lớp độc giả này, truyện thật ít, tranh thật nhiều. Chữ in to tướng và hình vẽ nhiều màu sặc sỡ. Một vài nhà giáo thiện chí đã cung ứng loại sách này. Nhưng phương tiện ấn loát thiếu kém, số độc giả ít ỏi, nên, thiện chí đó rồi cũng chìm trong quên lãng. Chúng ta đã thấy vài cuốn Tấm Cám lèm nhèm kỹ thuật, vài cuốn phóng tác từ truyện của Grimm, Perrault in ở Paris gởi về. Cũng có một nhà xuất bản ở Việt Nam dùng tranh vẽ của Phám, dịch những truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Con chồn và con chó sói, Con vịt con xấu xí … nhưng lỗi chính tả đầm đìa, thê thảm, dù in chữ thân 16 to tướng. Và chỉ có thế. Loại sách con nít ưa thích, nếu muốn xuất bản đều đều, ít nhất, phải có số độc giả trung thành là hai mươi ngàn. Mà đau đớn thay, trong mười hai triệu dân, bỏ đi một nửa ở thôn quê, còn chừng năm triệu dân thành phố, chưa hề thấy cuốn truyện tuổi thơ nào, dù thật hấp dẫn, in tới 10 ngàn cuốn một kỳ xuất bản. Truyện con nít cần ấn loát đẹp, nhiều màu, hình ảnh mỹ thuật rất tốn. Nếu bán được ít thì tiền đâu trả tác giả, họa sĩ, nhà in? Vả lại kiếm họa sĩ vẽ tranh con nít cũng là chuyện thiên nan, vạn nan. Chúng ta có hàng chục ngàn họa sĩ vẽ tranh sơn dầu trừu tượng, lập thể…, song chúng ta chưa hề có - tôi nhấn mạnh - chưa hề có - một họa sĩ vẽ truyện tranh con nít ở miền Nam. Truyện tranh con nít của Tây, Mỹ xuất bản và phát hành khắp thế giới. Của ta chỉ phát hành giới hạn ở các thành phố. Nhiều quận lỵ sách không có mà tới. Số sách con nít của Pháp tiêu thụ riêng ở Sài Gòn bằng số sách con nít xuất bản tại Việt Nam. Tôi muốn nói loại sách đứng đắn và đúng nghĩa sách con nít.

Tình trạng giấy in sách tuổi thơ không sáng sủa gì. Nhà nước vẫn giành bông giấy cho loại sách-trá-hình-báo con nít nhưng sách tuổi thơ đứng đắn thì bị mua giá mới gấp 2 lần giá có bông trắng ! Phụ huynh Việt Nam vốn lười - đa số – không chịu làm công việc chọn sách cho con em. Do đó loại sách gọi là Lucky Luke, Batman, Astroboy, Ma quái, Thằn lằn, Rắn mối, Cá hoá tiên, Khỉ hoá người. ….. lũng đoạn thị trường sách con nít. Một dạo hiện tượng Charlot Nguyễn Thọ tung hoành dữ dội. Báo chí lên tiếng công kích và trích dẫn ngôn ngữ của Charlot Nguyễn Thọ – một cậu bé có tài can ke được lái buôn chữ nghĩa khuyến khích làm bậy. Người ta đã giật mình về hiện tượng Charlot Nguyễn Thọ. Con nít thì cười khoái chí. Vì Charlot Nguyễn Thọ đá banh trúng cả vào đầu thằng nhỏ khiến đối thủ ôm thằng nhỏ kêu đau oai oái. Báo chí còn dẫn chứng một tờ sách-trá-hình-báo cho em nhi đồng dòm qua lỗ khoá ngắm bố mẹ mình đang làm công việc “có em”! Hiện tượng Charlot Nguyễn Thọ tàn lụi cho một hiện tượng mới. đó là thời đại của Lucky Luke, Combat, Batman, Wild Wild West, Astroboy….

Thấy sách-trá-hình-báo (nghĩa là người chủ trương kiếm đại một cái tên đặt cho loại sách và xuất bản đúng vào một ngày trong tuần lễ) đắt khách, một số báo tuần cũng chuyển từ những truyện tranh ma quái, rắn rết sang truyện … can ke ở sách, báo Âu Mỹ. Trên sạp báo, khu vực báo nhi đồng, chúng ta sẽ gặp ngay ở trang bìa loè loẹt hình ảnh chú cao bồi Lucky Luke hay chàng hiệp sĩ Batman với đôi súng và tài bắn nhanh hơn cả cái bóng của mình,với bộ quần áo người dơi lẫm liệt. Như đã nói Lucky Luke hay Batman là những nhân vật tốt. Truyện tranh Lucky Luke thì cả con nít và người lớn đều khoái nếu đọc nguyên bản. Không có câu nào mất dạy cả. Nhiều chuyện tác giả còn dẫn chứng những nhân vật tướng cướp có thật như Jesse James được lồng vào truyện tranh Lucky Luke hay tả qua vài nét về một nơi nào đó ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ, chỗ xảy ra truyện, với hình ảnh thật. Phóng tác đối thoại sang tiếng Việt, các họa sĩ can ke của chúng ta, không hiểu vì tiếng Pháp ăn đong hay vì muốn khôi hài hạ cấp, đã dùng nhiều câu không hề thấy trong nguyên bản. Tôi đã đọc một tờ báo nhi đồng Lucky Luke, mà toà soạn ở gần lò heo Chánh Hưng (cam đoan thật 100 phần 100) nghe con ngựa Jolly Jumpe trả lời Lucky: “Đi thì đi chớ bộ giờ tới Queen Bee nghe Jo Marcel hát à!” Hay Chúa mọi da đỏ nói: “ Ô kê coca cola lùa bò dzìa chuồng”. Ở những cuốn truyện tranh khác, nếu chịu khó đọc hết, chúng ta sẽ nhặt ra hàng cuốn tự điển danh từ mất dạy. Có truyện thổi sáo thần thành khúc hát “Anh là lính đa tình” hay “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua lon thuốc chuột uống cho rồi đờI”…

Loại sách truyện nhi đồng này từ sạp báo đến cổng trường tiểu học công, tư, từ hang cùng đến ngõ hẻm dều bày bán. Những ông ba Tàu làm cái bảng lớn treo trên tay lái xe đạp, triển lãm Lucky Luke, Ma quái đi bán lưu động. Ở các cổng trường tiểu học, cạnh chỗ bán ổi, xoài, mận, khô mực, cà rem, trên mặt đất cát dơ bẩn, hằng trăm cuốn truyện tranh khác nhau đã nhuộm mực xanh bán ký, được bày lên, bán rẻ đồng hạng mỗi cuốn vài đồng. Con nít tranh nhau mua đọc. đọc xong, bày trò đánh đáo, đánh bài cào ăn truyện tranh. Phổ thông đến thế là cùng. Con nít nhớ ngày truyện tranh nhảm nhí phát hành hơn ngày làm bài thi. Phụ huynh không kiểm soát. Tôi đã gặp ở cổng trường Lasan Taberd, năm ngoái, hồi chưa có hàng rào dây của trường, nhiều phụ huynh móc tiền một cách hân hoan, mua truyện tranh ma quái cho con. Trên những chiếc xe Peugeot, Datsun, ở phía sau, truyện tranh triển lãm nhan nhản. Thế thì qúy vị ấy chả nên than phiền sách báo tuổi thơ.

Ngay bây giờ, giữa những hồi trống thúc giục khôi phục truyền thống học đường và bảo vệ tâm hồn niên thiếu của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, hãy đến các sạp báo, các cổng trường tiểu học, người ta vẫn có thể nhìn rõ cái thảm trạng sách báo nhi đồng. này là Mầm non, Măng non, Tuổi thơ, Bé thơ, Họa my … Nhưng cái tên “măng sét” báo do Bộ Thông tin cung cấp, in rất nhỏ. Nhưng những tên truyện thì in rất lớn : Loan mắt đen đụng độ băng Cầu Muối, Tề thiên đại thánh bị đánh bỏ nhà, Chú Thoòng giân vợ, Hùng đầu bò thanh toán đảng Honda… vân vân … Ngay cả tên báo đứng đắn hay cả tên của nhân vật hào hiệp cũng bị đem ra hành hạ. Thí dụ: Loan mắt nhung diệt băng Cầu Bông, Thằng Bờm gặp chú Thoòng, Dzũng Đa Kao chiến thắng Đại La Thiên… vân vân … Sở Phối hợp nghệ thuật, đáp tiếng kêu cứu tuổi thơ của cụ Trần Văn Hương, đã tịch thu loại báo này. Chưa đủ. Phải cần một cuộc phần thư. Để cho những tuần báo tuổi thơ sạch sẽ, lành mạnh, hữu ích đóng trọn vai trò của nó.

Phải thú nhận, chúng ta vẫn thiếu những tài năng phục vụ tuổi thơ. Một Cậu ấm, Cô chiêu làm khuông vàng thước ngọc cho những tờ báo tuổi thơ, quả là ít ỏi. Một Tô Hoài với Con dế mèn, Dế mèn phiêu lưu ký, Tráng sĩ bọ ngựa … và một số truyện hồn nhiên khác, đâu đã gọi rằng đủ. Lê Văn Trương chỉ có Anh em thằng Việt, Thằng Việt nghỉ hè. Nguyễn Đức Quỳnh không viêt thêm sau Thằng Kình. Truyện của Lê Văn Trương, Nguyễn Đức Quỳnh, Tô Hoài vẫn chỉ là truyện của học sinh tiểu học ngày xưa. Học sinh tiểu học ngày nay đọc, chắc chắn chưa biết để thích thú. Vậy kết luận: sách báo cho nhi đồng Việt Nam không có. Chưa hề có như hạnh phúc của dân tộc này. Làm sao mà có sách báo cho nhi đồng (học sinh tiểu học) với điều kiện và phương tiện mà tôi đã nêu ra. Tư nhân nào dám đầu tư vào công cuộc đào tạo mầm non tổ quốc. Ngoài Nhà nước không ai dám phiêu lưu tiền bạc. Tôi đã mơ một cái máy in ốp sét của Bộ Văn hoá Giáo dục đặt tại Nha Học Liệu, đường Trần Bình Trọng - Sài Gòn. Với một cái máy in ốp sét, tôi sẽ in thuê nhãn hiệu, hộp thuốc Âu Mỹ, bìa báo bạn, bích chương để nuôi dưỡng một tuần báo nhi đồng. Dĩ nhiên, tuần báo này không thể so sánh với Spirou, Tintin nhưng nó sẽ là tuần báo nhi đồng sạch sẽ, lành mạnh, bổ ích, với truyện tranh nhiều màu, với những bài mở mang kiến thức ích lợi, vui vẻ không làm độc giả tí hon chán ngấy. Nhưng tôi không có cái máy in mơ ước đó, không đủ tiền mua máy in với thuế phân xuất quân bình, kiệm ước, song hành chồng chất. Bộ Văn hoá Giáo dục thì có sẵn máy in, sẵn nhà giáo, nhà văn. Và máy in, chẳng hiểu, dùng vào việc gì. Phải chi dùng vào việc ấn loát một tuần báo nhi đồng, bán giá thật rẻ cho học sinh toàn quốc, vẫn có lãi. Tiếc thay, với những nhà giáo dục của chúng ta, học sinh tiểu học chỉ là bò sữa gặm cỏ cháy Batman, Lucky Luke, Astroboy, Ma qủy, Rắn rết nhảm nhí… phương tiện nhà nước miền Nam ê hề mà không biết làm nỗi một tuần báo nhi đồng. Trong khi, ở miền Bắc, họ khuyến khích báo, sách nhi đồng. Họ đã có mấy tờ, sống lâu như chế độ của họ. Biết bao giờ Bộ Văn hoá Giáo dục mới giới thiệu một tập thơ như Mấy vần tươi sang của Trần Trung Phương. Tôi chợt nhớ một chương trình Đố vui để học … nóng máy của Bộ. Mà ngậm ngùi.

Nhà nước không chủ trương xuất bản sách báo tuổi thơ, Nhà nước không có quyền kết án bọn lái buôn tuổi thơ. Và việc xuất bản sách, báo tuổi thơ, dù chẳng đạt được kết quả như ý muốn, tôi vẫn kính trọng những tư nhân chủ trương. Xin được kính trọng những người chủ trương những tờ báo nhi đồng đã chết. Xin được kính trọng nhưng người đang chủ trương nhưng tờ báo nhi đồng sống èo ọt mà vẫn chống gậy thiện chí lên đường. Riêng tôi, tôi đã hơn 2 lần học đòi làm báo tuổi thơ và hơn hai lần thất bại. Và bất tài, thiếu phương tiện và không đủ kiên nhẫn. Tôi đã thú nhận tôi bất tài. Làm báo nhi đồng Lớn không ra lớn, con nít không ra con nít. Thì phải chết. Tôi chẳng hy vọng được làm báo nhi đồng nữa. Hai lần làm báo tuổi thơ sạch sẽ, tôi chỉ tự hào rằng: tôi có thể nham nhở, mất dạy ở bất cứ tờ báo nào nhưng ở những tờ báo Búp bê, Tuổi Ngọc, tôi dám thách những ai ghét bỏ tôi tìm nổi một chữ mất dạy, nham nhở. Chỉ một chữ. Tôi lại học được kinh nghiệm chua xót. Là đừng bao giờ tin tưởng vào Nhà nước và những cái gọi là Hội Bảo vệ Thiếu nhi.

Ròng rã sáu tháng ôm đồm bao bãi một tuần báo người-lớn- không-ra-người-lớn-con-nít-không- ra-con-nít, xuất bản được đúng 24 số. tôi và anh em chủ trương Tuổi Ngọc nhìn lại, không thấy hổ thẹn công việc làm của mình. Tuần báo Tuổi Ngọc chẳng hay hớm gì nhưng nó không thuộc loại báo “bẩn”. Tôi cứ chờ mong một lá thứ của Bộ Giáo dục hay của một Hội Bảo vệ Thiếu nhi nào đó. Không phải là thư mua báo ủng hộ. Không cần loại thư này. Chỉ cần thư chê Tuổi Ngọc dở hay khích lệ Tuổi Ngọc. Thế thôi. Mà vẫn không hề thấy. Qúy vị có trách nhiệm với thiếu niên đi đâu vậy? Tôi nghĩ qúy vị ấy chẳng nên la lối om sòm, kết tội sách báo đầu độc tuổi thơ. Nhà nước không muốn làm gì cho trẻ thơ. Nhà nước cứ việc nhắm mắt làm ngơ để sách báo nhảm nhí đốt cháy tâm hồn bò sữa. Tôi xin gửi nơi đây lòng biết ơn những ai đã, đang và sắp can đảm làm báo phục vụ nhi đồng. Công việc của qúy vị như muối đổ biển song qúy vị dám làm. Nhà nước đầy đủ phương tiện thì ngoảnh mặt quay đi. Bộ Giáo dục nhìn trên sạp báo, đếm được ba chục tuần báo phụ nữ khích dâm, một chục tuần báo ngợi ca hippy, bới móc đời tư đào kép cải lương, xổ đề, số đuôi; ngót một trăm “tuần báo” ma dơi khỉ đột, “hiệp sĩ vĩa hè” và tìm mãi mới ra chỗ bày khiêm tốn của bán nguyệt san Tuổi Hoa, bán nguyệt san Ngàn Thông, tuần san Thằng Bờm, tuần san Thiếu nhi, chắc chắn Bộ Giáo dục hoan hỉ lắm lắm.

Những đoạn tôi viết về tuổi thơ không được đầy đủ. Thú thật những lần cầm bút viết về Những con bò sữa gặm cỏ cháy từ một tháng nay, tôi đều viết ở gốc cây ngoài bãi tập quân trường Quang Trung sau những phút giải lao hay ở dưới ánh nến thắp trong mùng trên giường chồng của doanh trại. Viết thật vất vả. Thể xác mệt nhoài. Do đó, không thể cố gắng hơn. Chấm dứt bài này, tôi xin tạm kết luận vội vàng: Bò sữa vẫn đang gặm cỏ cháy. Tuổi thơ Việt Nam vẫn bị bỏ bê. Bò gặm cỏ cháy thì không có sữa hoặc có sữa thì sẽ chỉ là sữa độc. Khi quê hương còn những người tuổi trẻ nỗi loạn vô duyên cớ, còn những bàn tay không được xây dựng, ngứa ngáy đi phá hoại; khi đất nước còn thiếu một thế hệ xâm mình ngăn cản giặc xâm lăng thì trách nhiệm của chế độ với thiếu nhi còn được đặt ra.

Và được đặt ra trước lương tâm mỗi người lớn.
Viêt xong tháng 12 - 1970
Sửa lại tháng 2 - 1972
--------------------------------
1Từ đoạn này, theo lời yêu cầu của nhà xuất bản. tác giả đã viết thêm từ trang 37 đến trang 45, để thay thế cho những trang 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 mà nhà xuất bản cho là “hỏng” dù đã in xong. (Viết lại ngày )
2Bài này viết xong vào tháng 11 năm 1970. Cách đây vài tháng (khoảng 10-1971), ông Nguyễn Văn Anh, trong một thư gửi riêng cho tác giả, cho biết cái children fram của ông đã không thể thực hiện nổi với nhiều lý do.
3Như mọi người đã thấy, những phim Việt Nam có đấm đá, hãm hiếp “sexy show”, me Mỹ, gái bán bar đều đã yêu cầu Trung Tâm Điện ảnh yểm trợ và đã được thỏa mãn.
4Những vấn đề của thiếu nhi, cần phải nói thực nhiều. Xin dành cho ai muốn viết một Chính sách Thiếu nhi. Phạm vi cuốn sách này chỉ cho phép tác giả viết về vài ưu tư có tính cách cần thiết. Giải quyết xong vài ưu tư nàycũng là kỳ công rồi.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire