Caroline Thanh Hương
vài nét về tác giả và tác phẩm
Chân dung Nguyễn Xuân Hoàng qua nét bút của Phạm Công Thiện |
Thời đại của Nguyễn Xuân Hoàng là một thời thế đặc biệt. Ở đó, đầy
những biến cố từ thuở kháng chiến chống Pháp, đến thời đệ nhất, đệ
nhị Cộng Hòa, từ những cuộc di cư đến ngày di tản, từ cuộc vượt
tuyến di cư vào Nam đến vượt biển tị nạn xứ người. Những biến cố ấy
tạo cho cả một thời đại những nét chung mang nhưng lại là những điều
riêng biệt trong ký ức mỗi người.
Ðọc sách viết về thời kỳ ấy hay viết để kể lại, cái nét chung ấy
nhiều khi chuyển thành riêng biệt. Trong văn chương, lấy cái chung
làm cái riêng của mình chẳng phải là dễ dàng. Nguyễn Xuân Hoàng là
một tác giả mà trong tác phẩm của mình đã mang độc giả đi qua những
cảm giác tiền chế của cái chung để đi vào cái riêng của mình một
cách rất nghệ thuật. Chính cái nét sống động, của những mảnh đời
thật, của biến cố thực, của cảm giác thực đã làm độc giả đi vào một
thế giới với sự tò mò qua nhiều câu hỏi. Nguyễn Xuân Hoàng? Trần Lâm
Thăng của Người Ði Trên Mây và Bụi và Rác? Là tôi trong Tự Truyện
Một người Vô Tích Sự, trong Ngôi Nhà Ngói Ðỏ?
Hay là tôi của Mang Mang với thi sĩ Hoang Vu hoặc trong câu thơ “Nha
Trang Hang Ðộng Tuổi Thơ”? Nhà văn? Nhà giáo? Nhà thơ ? Nhà báo? Don
Juan hết thời? Người đi trên mây?…
Là một phần hay tất cả trong văn chương và đời thường? Những câu hỏi
như thế cứ quanh quẩn trong tâm cảm người đọc. Dù có thắc mắc, nhưng
tác giả đã khẳng định ở bìa sau Người Ði Trên Mây: “Cái tôi trong
truyện đương nhiên không phải là cái tôi ngoài đời. Tôi là một người
khác.” Tác giả nói như thế.
Vậy, tôi là ai, ai là tôi? Một câu hỏi khó cho một thi sĩ đã viết:
“Người Ði Trên Mây
Tôi. Hay chính ai?
Sa Mạc dặm dài
Ai. Hay riêng tôi? Ý Nghĩ Trên Cỏ
Tôi? Nguyễn Xuân Hoàng
Ngôi Nhà Ngói Ðỏ Nguyễn Xuân Hoàng.
Tôi?
Trong Bụi Và Rác
Sinh Nhật. Mù Sương
Bắt đầu trôi dạt
Câu thơ. Mang Mang
Một Kẻ Tà Ðạo
Người khác hay tôi?
Trong thời dông bão
Nỗi hoặc bời bời.
Người Vô Tích Sự
Tự Truyện một đời
Chân dung lịch sử
Vài giọt nắng soi
Tôi hay kẻ khác
Tôi hỏi tôi hoài
Gọi tôi lạ mặt
Ấn dấu mốt mai
Ngày nào xa khuất
Gió lộng hiên ngoài..”
Những tác phẩm của một đời và cũng của một thời. Cái nợ văn chương
dường như chẳng bao giờ làm vui người gánh nghiệp. Những nhan đề
sách như cùng chuyên chở một nỗi băn khoăn của thời đại như những
viên gạch nối tiếp nhau của ngã đường đến một phương trời nào mà đêm
và ngày không còn phân biệt và thiên thần và quỉ dữ chẳng khác gì
nhau. Sống trong chiến tranh, chịu những cuồng nộ của chiến tranh và
mong đợi hòa bình. Nhưng, chỉ là cơn mộng. Cho nên vẫn đi trên mây
như cả một thế hệ cũng đi trên mây. Mây không phải chỉ là mây hồng
tươi đẹp hay mây vàng hôn phối mà còn là mây của bụi và rác, của
những trận cuồng phong, của những cõi người thất tán. Nguyễn Xuân
Hoàng viết khác với những người đi trước, không giống những người đi
sau và nhiều khác biệt với người cùng thời. Ông chẳng thích đóng vai
nhân chứng mà cũng chẳng muốn làm người kể chuyện. Mỗi cuốn tiểu
thuyết, mỗi một bài thơ, mỗi trang tùy bút, cũng chỉ là một giai
đoạn trong hành trình tìm cái đẹp. Vượt qua. Những định kiến thế nào
là văn chương cổ điển hay hiện thực, hiện đại hay hậu hiện đại. Ghé
qua tân tiểu thuyết rồi để trở lại với mình, với một Nguyễn Xuân
Hoàng luôn luôn vật vã với ước vọng làm mới văn chương. Triết học
Tây phương hình như cũng có chút ảnh hưởng trong suy nghĩ nhưng làm
văn chương ông thoát ra khỏi cái niền kim cô của luận lý muôn đời có
sẵn.
Có những người yêu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng. Hay mến chuộng
những trang tùy bút. Và yêu những bài thơ viết rất hiếm hoi. Và tiếc
sao Nguyễn Xuân Hoàng không là thi sĩ. Bài thơ đầu tiên ký tên Hoang
Vu, một bút hiệu lạ đăng trên tạp chí Hiện Ðại của nhà thơ Nguyên Sa
với lời giới thiệu: “Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người
trẻ tuổi ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ”, bài thơ Mang
Mang của âm điệu một thời, ngữ ngôn một thuở của những năm đầu thập
niên 60 thế kỷ 20. Một bài thơ lục bát đã có lúc thành dòng thi ca
thời thượng:
Từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mờ sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thầm sâu lòng đất nhà ga luân hồi.”
Bài thơ có một cái gì của khởi đầu, của những điều không có lúc chấm
dứt, của mở ra rồi bỏ trống. Không gian có lúc không còn của đồi
thông, của phố chợ mà là những hình ảnh khác, của thế giới khác, sâu
lắng hơn và cũng… hoang vu hơn. Có một điều tôi nghiệm ra, thơ từ
cội nguồn như thế nên những cuốn tiểu thuyết, những bài tùy bút
Nguyễn Xuân Hoàng đều có “mang mang” một dòng thơ ở trong dù ở trong
phong thái lạnh lùng, của cảm giác bị nén xuống để thành ám ảnh
thành kỷ niệm. Thơ có phải là nguồn của dòng chữ viết văn xuôi?
Ðọc truyện dài Nguyễn Xuân Hoàng, người đọc như đi vào một thế giới
mà ở đó, những cảm giác vỡ tràn trong những nhận thức man mác của
một cuộc sống nửa mê nửa tỉnh. Kỷ niệm, như bóng tối làm nền cho
những dương bản chói rọi, và những đối nghịch của thực và mộng là
căn bản cho những phận đời tuy trong tiểu thuyết nhưng bàng bạc
trong thực tế…
Ðọc Khu Rừng Hực Lửa, Sa Mạc, Người Ði Trên Mây, Bụi Và Rác,…thấy
thân phận của người trí thức trong một cuộc sống thật nhiều biến cố.
Những thay đổi đến tận gốc rễ của một thế hệ mà con đường trường
hành là nẻo song song của cõi binh lửa, của những cái chết ở ngoài
xa tiền tuyến mà lại tác dụng đến những cuộc đời của những người
thành phố. Những nhân vật dường là hình tượng tổng hợp của nhiều
người, gần cận bên ta mà cũng xa lạ với chúng ta. Có những suy tư,
có những dằn vặt, và hình như ở bất cứ cảnh ngộ nào, cũng là những
ngõ cụt, của những nỗi niềm tràn ứ mà không lối thoát…Cái tâm cảm
bất lực ấy dường như đã quen thuộc với thế hệ chúng tôi. Những cảnh
ngộ , mà, mọi toan tính cố gắng đều vô dụng. Con người, cuốn trôi
theo cơn lũ thời thế…
Nhiều người gán cho Nguyễn Xuân Hoàng cái tên của chính tác phẩm ông
– “Người đi trên mây”. Hình như nhà thơ Nguyên Sa có nói ai mà chẳng
có lúc đi trên mây. Nhưng có nhiều thứ mây, có loại êm đềm thơ mộng
nhưng cũng có loại gây ra cuồng phong bão tố. Ông nhắc đến đám mây
của Trần Lâm Thăng, nhân vật chính của Người Ði Trên Mây, của Bụi Và
Rác:
Ðám mây mầu đỏ hất thầy giáo Trần Lâm Thăng ra khỏi trường học, nơi
anh dạy Triết, khi mà triết học dưới màu mây đó chỉ là “một môn học
bá láp”. Mây đỏ đẩy “người đi trên mây” vào nhà giam ở vùng phan
Thiết, ném anh xuống đáy xà lim ở Kiên Giang.
Trần Lâm Thăng bị những đám mây màu đỏ đổ xô đẩy đi từ phi lý này
đến phi lý khác, sự phi lý nghẹn họng của các thầy cô trước những
giáo án, giáo trình, những lớp học bị dòm ngó, phi lý cuộc đời của
Tư Long, phi lý khi trở về nhà sau những năm tháng giam cầm vợ con
đã biến đi mất, phi lý bị tống vào xà lim chỉ vì cao hơn những người
tù khác một cái đầu.
Nhưng thật kỳ lạ, đứng trên những đám mây của quê hương tự do, thầy
giáo Triết Trần Lâm Thăng quả thực đi trên mây, nhưng hôm nay, đi
trên những đám mây màu đỏ hình tượng “búa liềm” “người đi trên mây”
Trần Lâm Thăng lại di chuyển bằng những bước thật vững vàng. Trần
Lâm Thăng từ chối không dạy học cho một trường trung học đã bị biến
thành một nhà giam, từ chối và thúc đẩy bà chị dâu không cho bọn
công an cướp sống ngôi nhà, từ chối dứng về phía Mười Tân, một khuôn
mặt rất Trần Bạch Ðằng của Việt Nam sau bảy mươi lăm…”
Ðọc “Ngôi Nhà Ngói Ðỏ”, những truyện ngắn như những nhát cọ của lưỡi
dao sắc, bén, và phác họa được cảnh sống của những người luôn lầm
lũi trong sương mù. Cái bàng bạc của triết học dường như làm nền
tảng cho những cảm giác thăng hoa trong cõi ngôn ngữ mở rộng trong
nhiều cánh cửa. Những cuộc đời trôi theo những lượn sóng, để cảm
giác lênh đênh của những hàng chữ mãi bềnh bồng. Mô tả bằng vài phác
họa, trong cái chắt lọc cô đọng những xúc cảm. Và, có một lúc, xúc
cảm vỡ òa trên trang giấy.
Ðọc “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự”, để những câu hỏi đặt ra mà
nhiều khi thấy thừa thãi câu trả lời. Có những điều nói hoài mà
chẳng đủ nhưng có những việc, chỉ trong một sát na ngắn ngủi cũng đủ
hiểu thấu. Vẽ chân dung từng người trong gia đình, để vẽ lại chân
dung chính mình, nhân vật xưng Tôi trong truyện dường như có tham
vọng vẽ lại cả một không gian, thời gian mà trong đó, những chuyện
tử sinh, những bên này, bên kia quốc gia, cộng sản là những chất
liệu của một thời thế hỗn mang của lịch sử. Có nhân vật chỉ là cái
bóng, nhưng lại là những ám ảnh khôn nguôi. Xuất hiện trong chuyện
kể, từ người cha, người mẹ, người anh cả, người anh thứ, người chị
tên Thảo, tất cả bị cuốn vào một cơn lốc, mà, ở đó, nỗi chết là một
phương cách giải quyết hợp lý cho từng nút thắt của truyện.
“… Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không quân đã chết trong
trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên nhà
gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên
đạn bắn vào đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người
anh lính Không quân bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn
cái chết của chính mình như một cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm
sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước càng ngày càng tan nát, đời
sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột thịt bỏ
đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ
đã là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Ðôi khi tôi nghĩ
cái lẽ sống mới quan trọng hơn là sự sống. Có phải vì thế mà ông anh
cả tôi hành động kiểu đó chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi
không dám chắc lắm đâu…”
Chuyện ấy, người bên này, kẻ bên kia trong một gia đình, có lẽ quen
thuộc. Nhưng cái kết cuộc khốc liệt ấy, thì hiếm hoi hơn. Người
chiến thắng, kẻ chiến bại trong một cuộc chiến “vô tích sự”. Và ,
những hy sinh xương máu, những đổ vỡ chia ly là những hệ quả tất yếu
của một tấn thảm kịch của dân tộc kéo dài nhiều thập niên. Lấy gia
đình mình làm đề tài, người kể chuyện xưng tôi hình như vượt qua vai
trò của ngôi thứ nhất số ít. Nỗi đau, của một thế hệ có lẽ sâu lắng
ngậm ngùi hơn từ những chủ quan của những cuộc sống mù mịt hướng đi,
của những ngã rẽ mà khi quyết định là những trò chơi dỡn đùa với may
và rủi.
Ðọc “Ngôi nhà ngói đỏ”, đọc “Barbara”, đọc “Giáng sinh, hãy chờ”,…
để thấy được một tâm cảm lãng mạn. Những quá khứ như những kỷ niệm
không thể quên và tách rời khỏi đời sống, mãi mãi về sau, lần khuất
bên cạnh. Chúng ta, ai mà chẳng có nỗi niềm riêng, nhưng phong thái
biểu lộ thì có người trầm lắng có người sôi động.
Ở tác giả “Ngôi nhà ngói đỏ”, là một trường hợp đu dây giữa thực và
mộng. Thấp thoáng là sương mù Ðà Lạt, là mưa giọt phố Sài Gòn, là
bãi cát hoang vu Nha Trang thời thơ ấu. Có phải đó là hành trang để
đi vào một cõi văn chương mà tình yêu đã trở thành bông hoa trang
sức. Trái tim vẫn có nhịp đập của nó, dù ở bất cứ trạng huống nào và
sự ngưỡng vọng, đôi khi là niềm tin để bước đến và đi cùng tận cuộc
sống.
Nhân vật của ông, có khi xưng tôi, có khi là ngôi thứ ba nhưng,
không phải là biểu hiện của một người. Mà, là tổng hợp của nhiều
khuôn mặt. Có thể, một người mà đa diện phong phú đến như thế chăng?
Ðể, nhiều người, đọc và nhìn vào đó, soi gương để thấy bàng bạc nhân
dáng, cảnh ngộ mình. Nhưng, cái tâm cảm chung thì rõ nét. Tâm cảm
của những người hình như không bao giờ vừa lòng với cái mình hiện
có. Họ nhìn về quá khứ, ngơ ngác với tương lai và ngập ngừng trong
hiện tại. Nguyễn Xuân Hoàng có phương cách diễn tả của ngôn ngữ, gọn
và sắc, bén như những nhát gươm nhưng cũng lạnh lẽo như kỹ thuật
tiểu thuyết không tiểu thuyết, truyện không truyện. Chất mơ hồ làm
đặc quánh lại những không gian thời gian để những tác động với con
người thành những gián tiếp cho cảm xúc. Trong mô tả, là tâm tình
dồn nén vào trong suy tư của mình. Giữa hư cấu và hiện thực, có biên
giới khá mơ hồ. Ông hay viết về những cơn mơ, của ước muốn luôn luôn
ấp ủ về những hình bóng lúc xa lúc gần nhưng hiện diện hàng ngày
trong cuộc sống.
Nhà văn Nhật Tiến thấy truyện “Barbara” làm ông xúc động. Nhà văn
Hoàng Khởi Phong tâm đắc với “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự”. Riêng
tôi, tôi đọc “Ðoản Văn Viết ở Cali” nhiều lần và mỗi lần đọc, tôi
lại thấy mình phiêu du vào những thế giới cảm quan khác nhau. Tôi
đọc, thấy lại những ngày tháng qua. Gần hai mươi năm rồi có phải?
Tác giả “Người Ði Trên Mây” có lúc như đã cho tôi chia sẻ để “share”
những trang nhật ký. Có lãng mạn, có thơ mộng, có bồng bềnh. Có
những cơn mưa, ở nơi này nhớ nơi kia. Có Pasternak và có Ðỗ Phủ, có
mùa hạ bãi trường và mùa thu tựu trường, có Paris và Virgina,… nghĩa
là tràn ứ những dữ kiện, những cảm giác. Với tôi, đó là những đoản
văn tuyệt vời tuy có người đã cho rằng đó chỉ là những ghi chép vụn
vặt. Tôi yêu cái lãng mạn nhưng gần gũi với cuộc sống. Ai trong
chúng ta mà không có lúc thấy xao động cùng trời cùng đất? Ai trong
chúng ta mà không có lúc lái xe một mình mà đãng trí nghĩ về ngày
tháng xưa, kỷ niệm cũ. Nhất là, với văn phong bay bướm của một nhà
văn đi tìm cái mới lạ trong cái cổ điển như Nguyễn Xuân Hoàng.
Tôi đọc. ”Mưa Cali nhớ Phạm Ngũ Lão”:
“Cali mưa cơn mưa nhỏ chợt đến chiều nay trên đường Westminster như
một người khách lạ không hẹn mà tới, Những hạt mưa lớn, thưa, gõ từ
tốn trên mặt kính chắn gió nghe như tiếng mưa thuở nào rơi trên mái
tôn trước hiên nhà.
Bầu trời ẩm đục, thấp và nóng. Cali đang mùa hè. Cơn mưa tuy không
đủ sức làm dịu những cục than hồng, nhưng có thừa cái sắc bén của
con dao cau rạch trong tôi những vết thương hoài niệm.
Mưa gõ đi từ góc ngã tư đường Harbor-Westminster là những mũi kim
xoi đằm trí nhớ. Mưa dẫn tôi đi trở về trên những con đường quen,
khu phố cũ, những bạn bè xa xưa…”
Tôi lấy làm lạ tại sao Nguyễn Xuân Hoàng ít làm thơ. Bởi vì tôi thấy
cõi thơ bát ngát trong những đoản văn vừa đọc. Cảnh làm gợi nhớ
người, thơ làm cho cảm giác chơi vơi hơn trong cái trơ trọi của thực
tại.
Cái trí nhớ ấy có lẽ đầy chật những ý thơ, những câu của ca dao ngàn
xưa nhưng còn sống mãi. Sau này, khi ông phụ trách tạp chí Văn, viết
những trang sổ tay, tôi vẫn thích những dòng chữ ghi lại từ những
ngày tháng thực, dù vội vàng nhưng có nét đáng yêu của những vần thơ
tiềm ẩn bên trong…
Ngôi Nhà Ngói Ðỏ in năm 1989. Tôi đã đọc một trong những cuốn đầu
tiên mang từ nhà in về. Ðến nay, đã mấy chục năm. Bây giờ, thỉnh
thoảng giở ra đọc, vẫn tìm được những nét xao động của tâm tư một
thời. Chủ quan tôi, đây là một tập truyện ngắn xuất sắc. Xin nhấn
mạnh, đối với tôi, một độc giả. Những truyện viết đều tay, có cảm
xúc chân thực làm người đọc dễ chia sẻ. Văn phong bay bướm của từ
ngữ nhiều hiển lộng như những viên đá tảng lót đường cho những bước
chân đi tìm cái đẹp. Thời gian qua, nghĩ đến Sai Gòn, Ðà Lạt , Nha
Trang,.. tưởng về người cũ, tôi lại giở những trang sách và như một
lúc trở về chốn xưa. Có như thế. tưởng tượng như mình trẻ lại, của
mới thuở nào. Và, để nhớ lại cái nỗi tức bực của tác giả Người Ði
Trên Mây khi trang đầu là “Ngôi Nhà Ngói Ðỏ” khi ngoài bìa là “Căn
Nhà Ngói Ðỏ” của ấn bản đầu tiên. Phải, dường như mới ngày nào, gần
lắm, như hôm qua , hôm kia của cuộc đời… Những câu chuyện vẫn còn
sức sống, có phải?…
Nguyễn
Mạnh Trinh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire