Lần này xin được nhắc đến Bến Tre, cũng có khá nhiều câu ca dao thật quen thuộc và thật hay.
Caroline Thanh Hương
Trên đường trở lại Mỹ Tho, dọc
bờ sông im lìm, nhìn hàng dừa uốn mình vươn ra dòng nước, chàng chợt nhớ Bến
Tre:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày
Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày
Lòng chàng đau thắt, nhớ lại
một mối tình mà chàng đã từng thề thốt:
Nước sông Cửu Long sóng dồn
cuồn cuộn
Cửa Hàm Luông mây cuốn
cánh buồm trôi
Bậu với qua hai mặt một lời
Trên có trời, dưới có đất
Ngãi trăm năm vương vất sợi tơ
mành
Tử sanh, sanh tử chung tình
Dẫu ai ngăn đón, tôi với mình
cứ thương
Chừng nào cho vạc xa cồn,
Cù lao xa biển anh mới đành xa em
Cù lao xa biển anh mới đành xa em
Chừng nào cầu đá rã tan
Sông Hàm Luông lấp cạn mới quên lời thề
Nhưng vì đi làm ăn buôn bán
ngược xuôi, chàng chưa về lại Bên Tre, chàng bị người yêu trách móc:
Đồng Bến Tre nhiều
bưng, nhiều lác
Đường về Ba Vát nặng
trĩu sầu riêng
Anh ra đi đã bốn năm liền
Sao không trở lại kết bạn hiền
với em
Và ngay cả thư từ cũng không
có:
Ghe lên ghe xuống dầm dề
Sao anh không gởi thơ về thăm em?
Sao anh không gởi thơ về thăm em?
Từ giả đất Định Tường, chàng
quyết định vượt sông để qua thăm Bến Tre. Ngày nay có Cầu Rạch Miểu mới xây
xong (2008), nối Tiền Giang với Bến Tre. Ngày xưa chỉ với ghe thuyền mới đến
được Bến Tre, vì đó là 3 cù lao lớn, Cù lao Bảo, Cù Lao Minh và Cù Lao An Hóa
của sông Tiền.
Ai từng sang Bảo, về Minh
Ghé qua Bình Khánh em xin đãi chè
Ghé qua Bình Khánh em xin đãi chè
Quê em hai dải cù lao
Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu
Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu
Quê anh có cửa biển sâu
Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm
Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm
Trên bước giang hồ, khi nghe
đến hai chữ cù lao Bến Tre, chàng bỗng sực chợt nhớ cha mẹ già:
Bến Tre hai chữ cù lao,
Chữ nào tình mẹ, chữ nào nghĩa
cha
.
.
Có người cho rằng tên Bến Tre
xuất phát từ chữ Srock Tréy của người Miên. “Tréy” có nghĩa là cá (tréy tuksat
= cá nước ngọt hay cá sông, và tréy sramot = cá biển). Có lẻ trên sông
rạch có nhiều bến chợ cá, người Việt biến Sóc Tréy thành Bến Tréy rồi Bến Tre
cho thuận miệng. Cũng có người cho là ngày xưa nơi này có nhiều bến bán tre, vì
nơi đây là giồng cát duyên hải cao có tre mọc như rừng, vì vậy mới có câu ca
dao “Chẻ tre bện sáo cho dày, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”. Cũng
vì nguyên do đó, Bến Tre có một thời mang tên thơ mộng Trúc Giang (Sông tre).
Còn tại sao cũng ở Bến Tre có huyện mang tên chất phát Mỏ Cày? Thật ra là “Mỏm
Cày”, nơi giáp 3 ngã sông rạch (sông Thom, rạch Cầu Ông Bồng, và rạch Mỏ Cày)
tạo nên một doi đất hình mỏm (lưởi) cày, lâu ngày nói trại là Mỏ Cày.
Bến Tre là thành phố nằm trên
đất giồng cát duyên hải cổ, không bị ngập lụt, nên đường thành phố:
Sông Bến Tre nhiều hang cá
ngát
Đường kho bạc lắm cát dễ đi
Và xóm làng tiêu biểu với cây
da, cây thị, cây dừa của miền Nam:
Đầu làng có một cây da
Cuối làng cây thị ngã ba cây
dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà
em
Thật vậy, Bến Tre là xứ của
dừa, của cây trái, có nhiều sông rạch nên mát mẻ quanh năm:
Hò ơi ! Bến Tre
dừa xanh bát ngát,
Đường đi Ba Vát gió mát
tận xương
Em về Chợ Giữa, Giồng
Trôm,
Đừng quên Chợ Lách, Cái
Mơn đợi chờ
Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa
cá tôm.
Hòa Quý với tổng Hòa Thinh
Dừa khô thổ sản nổi danh Nam Kỳ.
Dừa khô thổ sản nổi danh Nam Kỳ.
Là vùng cù lao ven biển, chằn
chịt sông rạch nên có rất nhiều cầu:
Cầu nào cao bằng cầu Cái
Cối (Cầu Cái Cối bắc ngang sông xã
Thạnh Mỹ An).
Gái nào giỏi bằng gái Bến Tre
Gái nào giỏi bằng gái Bến Tre
hay:
Cầu nào cao bằng cầu Cái
Cối
Gái nào giỏi bằng gái Giồng Trôm…
Gái nào giỏi bằng gái Giồng Trôm…
Dòng sông Tiền uốn khúc quanh
co, mang nhiều phù sa màu mở:
Sông Ba Lai bên bồi, bên hẳm
Đất Ba Lai đỏ thẫm phù sa
Đất Ba Lai đỏ thẫm phù sa
Ra đến biển các cửa sông là rừng
ngập mặn với cây mắm, cây bần, giúp bồi tụ phù sa và là nơi tôm cá sinh sống:
Mắm, bần ven đất phù sa
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
Sinh thái rừng ngập mặn Bến
Tre cũng được mô tả:
Mắm trước, đước sau, tràm theo
sát
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai.
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai.
Vì vậy, Bến Tre rất phong phú
và đa dạng tài nguyên từ ruộng lúa, mía, thuốc lá, dừa, trái cây đủ loại, thủy
sản nước ngọt, hải sản và muối:
Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn
Bình Đại biển cá, sông tôm
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.
Xẻo Sâu cau tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Xoài chua, cam ngọt Ba Lai,
Bắp thì Chợ Giữa, giồng
khoai Mỹ Hòa,
Quýt đường, vú sữa, ngổn
ngang,
Dừa xanh Số Sãi, tơ
vàng Ba Tri
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc
ngon Mỏ Cày
Mắm bày ven bãi Giồng Khoai,
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá
tôm.
Bánh giá chợ Giồng
(Giồng Trôm)
Mắm còng Phú Thạnh
Mắm còng Phú Thạnh
Muối khô ở Gảnh
mặn nồng
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.
Bến Tre biển cá sông tôm,
Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm
lúa vàng
Bến Tre biển rộng sông dài
Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu
Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu
Tôm càng xanh nước quơ râu
Rừng vàng biển bạc còn đâu phải tìm.
Rừng vàng biển bạc còn đâu phải tìm.
Ba phen quạ nói với diều,
Ngã ba Bến Rớ có nhiều
cá tôm.
Ngoài ra, Mỏ Cày còn nỗi tiếng
về kẹo:
Kẹo Mỏ Cày năm đồng một
ký,
Đường Giồng Trôm một ký
năm đồng.
Em đi buôn mong kiếm tấm
chồng,
Để đêm năm canh, con gà gáy
sáng,
Chốn cô phòng đỡ lẻ loi.
Kẹo Mỏ Cày vừa thanh,
vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo,
vừa ngoan...
Bến Tre dừa ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan
Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?
Còn bánh tráng, bánh phồng thì
phải đến chợ Mỹ Lồng:
Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng
Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo
Em tráng bánh tráng, anh quết
bánh phồng,
Cảm thông đôi má ửng hồng.
Hẹn em chợ Mỹ Lồng ăn
cháo về đêm.
Còn muốn ăn bánh giá thì phải
đến chợ Giồng Trôm:
Từ khi em gái lấy chồng,
Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ai?
Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ai?
Đất Bến Tre nổi tiếng với Cụ
Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) (1822-1888), Sương Nguyệt Ánh (1864-1921) của vùng
đất Ba Tri, và anh hùng chống Pháp lảnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1822-1888) của
Giồng Trôm. Nói đến Ba Tri, không ai không biết thành ngữ “Ông Già Ba Tri”, vốn
ca ngợi tinh thần cương trực, tôn trọng sự thật, dám đấu tranh cho lẽ
phải. Ông tên Thái Hữu Kiểm hay Cả Kiểm, sống vào đầu thời
Minh Mạng. Ông nổi tiếng với chuyện cùng hai ông già khác, đi bộ hơn hai
ngàn cây số đi và về, từ Ba Tri đến Huế để nộp đơn “khiếu kiện” lên vua Minh
Mạng, đòi lại công bằng cho người dân ở Ba Tri vốn bị cường hào và quan lại địa
phương cấu kết. Ông thắng kiện, dành quyền lợi lại cho dân Ba Tri.
Đất Bến Tre nổi tiếng với gái
đẹp làm lòng chàng xao xuyến:
Con gái Bến Tre
tóc mây da trắng,
Mắt nhung đen má phấn môi son,
Dáng đi yểu điệu ru hồn,
Em đi khuất dạng mà anh còn
trồng cây si
Bến Tre gái đẹp thật thà,
Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có
duyên.
Trai nào gan cho bằng trai Cao
lãnh
Gái nào bảnh cho bằng gái Bến
Tre
Giồng Trôm có gái nhu mì
Qua thương nhớ Bậu, sá gì
đường xa
Bến Tre gái đẹp thật thà,
Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có
duyên.
Bến Tre trai lịch, gái thanh
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa
Gái Bến Tre vừa đẹp vừa đảm
đang:
Sông Cửa Đại hai chiều nước chảy,
Gái Bình Đại chẳng ngại gian nan
Quý thay những tấm lòng vàng
Làm ăn chất phác, đảm đang mọi điều.
Gái Bình Đại chẳng ngại gian nan
Quý thay những tấm lòng vàng
Làm ăn chất phác, đảm đang mọi điều.
Ai về Chợ Giữa, Xóm Dưa,
Ruộng nương giúp mẹ, nắng mưa
chẳng màng.
Ai về Thạnh Phú, Tân Hương
,
Để mong để nhớ, để thương
trong lòng.
Trai thiếu gái thừa cũng là
vấn đề của Bến Tre:
Bến Tre nhiều gái chưa chồng,
Không tin xuống chợ Mỹ Lồng
mà coi.
Và chàng đã tán tỉnh nàng với
hứa hẹn:
Chợ Ba Tri thiếu chi cá
biển
Anh thương nàng anh nguyện về đây!
Cây trên rừng hoá kiểng
Cá dưới biển hoá long
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Ðến đây trời khiến đem lòng thương em
Con cá lòng tong ăn móng,
Anh thương nàng anh nguyện về đây!
Cây trên rừng hoá kiểng
Cá dưới biển hoá long
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Ðến đây trời khiến đem lòng thương em
Con cá lòng tong ăn móng,
Con cá bóng cát ăn rong
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Về đây Cầu Móng đem
lòng thương em
Trước lời đường mật của chàng,
nàng không nhẹ dạ và đề cao cảnh giác:
Sông Bến Tre có nhiều
hang cá ngác
Đường lên Ba Vát gió
mát tận xương
Anh có thương em thì nối sợi
chỉ hường
Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa
đường . . .em đi.
Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh hai gáo còn nong tay vào
Em xót thương anh phất ngọn cờ đào
Còn thò tay bẻ mận em dạ nào dám ưng
Trước thái độ khôn ngoan, đứng đắng của nàng, chàng kính trọng nàng. Phải có thời gian cho nàng tìm hiểu. Chàng từ giả Bến Tre, ghe chàng ngược dòng sông Tiền, hướng về miền Đồng Tháp.
Một chĩnh hai gáo còn nong tay vào
Em xót thương anh phất ngọn cờ đào
Còn thò tay bẻ mận em dạ nào dám ưng
Trước thái độ khôn ngoan, đứng đắng của nàng, chàng kính trọng nàng. Phải có thời gian cho nàng tìm hiểu. Chàng từ giả Bến Tre, ghe chàng ngược dòng sông Tiền, hướng về miền Đồng Tháp.
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười
Anh quốc, 5/2009
Nguyễn Thị Kim Thu
Bến Tre là một tỉnh châu thổ nằm sát biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 2.315km2,
phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía tây
giáp tỉnh Vĩnh Long và phía đông giáp biển có chiều dài 65km. Bến Tre
được hợp thành bởi ba cù lao lớn là: cù lao Minh, cù lao An Hóa và cù
lao Bảo do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long là sông Tiền, sông Hàm
Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên bồi tụ nên qua nhiều thế kỷ. Hệ
thống kênh rạch nơi đây chằng chịt liên thông với nhau, nối liền các
dòng sông lớn như Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên nên không chỉ
thuận lợi cho việc giao thông bằng đường thủy mà còn thuận lợi trong sản
xuất nông nghiệp.
Trước
đây, Bến Tre là khu vực sinh tụ của người Khmer. Cho đến những năm
đầu của thế kỷ XVII, nơi đây cũng chỉ là vùng đất còn hoang hóa, cỏ cây
rậm rạp, việc khai khẩn ruộng vườn của cư bản địa người Khmer tập trung
chủ yếu trên các giồng đất cao ở cù lao Bảo, cù lao Minh... Đến cuối
thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, người Việt mới đến đây cư ngụ. Họ vốn là
những lưu dân từ miền Thuận Quảng, do chiến tranh, thiên tai, đói
nghèo... đã rời bỏ quê hương ra đi tìm đất sống. Trên bước đường thiên
di, họ chọn Bến Tre làm nơi lưu trúcủa mình. Họ khai phá những giồng
đất còn hoang vu lầy lội dọc theo các con sông lớn biến nơi đây thành
những khu vực quần tụ đông đảo dân cư. Jules Sien nhận xét rằng: "Trước
khi Nam kỳ trở thành một bộ phận của Việt Nam, người Việt đã lập ở đó
những tổ chức. Những nhóm người di cư đã xây dựng làng xóm, hay tới ở
chung với người Cao Miên"(l). Sau đó, những nhóm người Hoa do nhiều
nguyên nhân đã rời đại lục sang Việt Nam, họ được chúa Nguyễn cho phép
vào định cư và khai phá vùng đất ở phía Nam, một phần trong số họ đã đến
Bến Tre và cư trú dọc theo các giồng đất ven sông.
Là
những người lìa bỏ quê hương ra đi tìm cuộc sống mới, nên những nhóm
lưu dân người Việt lẫn người Hoa khi đến đây đều khẩn trương khai
hoang, chặt phá cây cối, xây dựng nhà cửa, mở mang vườn tược, ruộng đồng
để ổn định cuộc sống của mình. Người Việt chủ yếu tập trung vào khai
vỡ đất hoang để sản xuất nông nghiệp. Còn người Hoa vốn là một dân tộc
có truyền thống về buôn bán trên biển nên trong số họ có một số sống
bằng nông nghiệp, số còn lại mở cửa hàng buôn bán và sản xuất các mặt
hàng thủ công. Họ biết dựa vào lợi thế của các con sông mà phát triển
việc buôn bán của mình. Thuyền buôn của họ rong ruổi khắp nơi, không chỉ
trong khu vực Bến Tre mà lan rộng ra khắp các cảng thị khác trong nước,
có khi sang tận Xiêm La, Cao Miên, Trung Quốc...
Lúc
này, nhiều ngôi chợ ở Bến Tre được hình thành trên những giồng đất
cao, khô ráo ven sông ở các huyện Duy Minh, Bảo Hựu, Bảo An, . .. Điều
này được Nguyễn Liên Phong viết trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca
như sau: "Bến-tre thành phố trang nghiêm, Bên phan bên niết lớp lang tư
bề/ Tàu đò thường bữa đi về, Ghe-đò các chợ chực kề rước đưa/ Ghe
buôn lớp nhặt lớp thưa, Đậu theo bực thạch vừa vừa chen nhau” (2). Trong
đó, chợ Ba Vát (còn gọi là Ba Việt) ở huyện Tân Minh là một trong những
ngôi chợ sầm uất, đồng thời là cảng thị nổi tiếng của tỉnh Bến Tre
thời bấy giờ. Trong thời kỳ thịnh vượng, Ba Vát được chính quyền phong
kiến chọn làm lỵ sở của huyện Tân Minh. Sách Đại nam nhất thống chí
của triều Nguyễn ghi nhận: “Huyện-trị Tân-minh chu-vi 64 trượng, rào
tre. Nguyên trước đặt làm huyện-trị Tân-An tại địa-phận thôn Phước-hạnh
xứ Ba-việt, năm Minh-Mạng thứ 4 (1823) cải làm phủ-trị Hoằng-an, năm
Tự-Đức thứ 4 (1851) dẹp phủ Hoằng-an đổi làm huyện Tân-minh"(3). Địa
danh Ba Vát thuộc Tân Minh, nằm trên cù lao Minh cũng được Nguyễn Liên
Phong nhắc đến trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca: "Phía Minh là phía Mỏ-cày, Trên thì Ba-vát dưới rày Băng-cung” (4).
Ngoài
chức năng là một lỵ sở của huyện Tân Minh thì Ba Vát cũng là một trong
những cảng thị sầm uất của tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ. Nơi đây phố xá
trù mật, dân cư đông đúc sông rạch chằng chịt nên cư dân dựa vào các
dòng sông để làm đường giao chông chính, vì vậy nhà cửa của họ thường
quay mặt ra sông để tiện lợi cho việc sinh hoạt cũng như buôn bán, trao
đổi hàng hóa. Tại Ba Vát còn có một ngôi chợ lớn nằm ở ven sông nên
thuyền buôn ra vào tấp nập. Vị thế của Ba Vát được sách Đại Nam nhất thống chí
ghi : "Ngôi An-vĩnh ở phía tây huyện Tân-minh 15 dặm, bờ phía tây sông
Hàm-long, rộng 12 trượng rưỡi, sâu 7 trượng. Chi Phía tây chảy 10 dặm
đến đà Lan-sái rồi chảy qua nam chuyển quanh 22 dặm đến ngã ba đà
Gia-khánh; lại chảy xuống nam ra cửa Cổ-chiến. Chi phía nam chảy 1 dặm
đến chợ Ba-việt lại chuyển qua nam 16 dặm đến đà Thanh-trung vào sông
Long-hồ rồi chuyển xuống đông 22 dặm đến Lê-đầu tiểu-giang; lại chuyển
qua nam đến đà Thanh-thủy thông ra cửa Bàn-côn"(5).
Chính
vị thế thuận lợi của Ba Vát như vậy nên việc thông thương giữa Ba Vát
với các địa phương khác trong tỉnh hoặc vượt ra ngoài ranh giới của địa
phương là điều hết sức dễ dàng. Hàng hóa từ các nơi đổ về Ba Vát và từ
Ba Vát xuất đi các khu vực khác ghe thuyền đêm ngày tụ họp đông đảo ở Ba
Vát Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức miêu
tả: "Nơi đây phố xá liền lạc, ghe thuyền đậu tiếp tục đến huyện lỵ Tân
An. Cách đó 15 dặm rưỡi sông Mỏ Cày cũng có phố xá trù mật” (6). Còn
trong Đại Nam nhất thống chí có ghi : "Chợ Ba-việt ở thôn
Phước-hạnh ngay nơi huyện trị Tân-minh. Phố xá liên-lạc, ghe thuyền tới
lui tiếp tục"(7). Đến cuối thế kỷ XVIII, Ba Vát là nơi diễn ra trận
chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, do đó khu vực này bị tàn
phá nặng nề, dân chúng phiêu tán nhiều nơi, phải mất đến vài thập kỷ sau
thì Ba Vát mới được khôi phục lại phần nào.
Ngày
nay, Ba Vát mất đi vai trò là một cảng thị, nhưng những dấu tích và di
vật còn sót lại là những minh chứng về một thuở huy hoàng của mình.
Trong những năm qua, tại khu vực Ba Vát, các nhà nghiên cứu và người dân
đã tìm thấy rất nhiều di vật có liên quan đến thời kỳ thịnh vượng của
cảng thị Ba Vát trong lịch sử. Điển hình là cuối năm 2003, đầu năm 2004,
Bảo tàng Bến Tre và Sở Văn hóa thông tin Bến Tre phối hợp cùng Viện
Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật tại khu vực cảng thị Ba Vát
trước đây.
Tại hố khai quật thứ nhất có diện tích 30m2
nằm tại vườn sau nhà ông Võ Văn Hòa, cách bờ đông của sông Ba Vát
khoảng 61,6m. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều mảnh gốm men xanh
trắng, trắng đục, men nâu. Đa số hiện vật phát hiện tại hố khai quật có
niên đại kéo dài từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Trong đó có 14
hiện vật gốm được tráng men có thể nhận diện được loại hình như bát,
đĩa, bình vôi... trang trí các đề tài hoa lá cách điệu, đường sóng gấp
khúc, song hỉ, rồng, hoa cúc, cây chuối… có nguồn gốc Việt Nam. Bên cạnh
đó, các nhà khảo cổ cũng phát hiện rất nhiều mảnh gốm và 86 chiếc chén,
đĩa, bát, muỗng được tráng men xanh trắng vẽ lam và men đơn sắc, men
trắng có xuất xứ từ Trung Quốc với các đồ án trang trí như: chữ Thọ,
chữ Phúc tròn, song hỉ, rồng chầu mặt trăng, trúc lâm thất hiền, kỳ lân
tứ quý phong cảnh sơn thủy, hình hoa cúc. Bên cạnh đó, trong hố khai
quật còn thu được nhiều mảnh sành tráng men màu nâu đen, đen và da lươn
hoặc không tráng men và một số loại hiện vật khác như sắt, đá mài, thủy
tinh, xương, răng, tiền đồng, gáo dừa, cọc gỗ, san hô ...
Sau đó, các nhà khảo cổ mở tiếp hố khai quật thứ hai, hố này có diện tích 10m2
cách hố thứ nhất về hướng đông bắc khoảng 43,3m, cách bờ Đông sông Ba
Vát 70m nằm tại vườn trước nhà ông Nguyễn Văn Thôi. Tại đây, các nhà
khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ gốm men Việt Nam có niên đại thế kỷ XIX -
XX gồm: muỗng, chén, đĩa và một số mảnh vỡ. Trong hố này cũng phát
hiện khá nhiều đồ gốm men Trung Quốc có niên đại cuối thế kỷ XVIII đến
đầu thế kỷ XX. Ngoài ra còn các hiện vật khác như đá mài, cọc gỗ, tiền
đồng...
Dựa
vào kết quả khai quật tại Ba Vát đoàn khảo có nhận định: “Việc phát
hiện rất nhiều đồ gốm Trung Quốc chất lượng cao ở đây cho thấy cư dân
thời đó đã sử dụng và buôn bán những mặt hàng có giá trị lớn... qua đó
cho thấy cư dân Ba Vát trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
chủ yếu sinh sống ở phía gần sông. Bước sang cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ
XX thì mới lan rộng ra các nơi xa sông hơn”.
Tại
khu vực cảng thị Ba Vát, năm 2003, trong quá trình đào ao nuôi cá, ông
Nguyễn Văn Tư ở ấp Phước Lý, xã Phước Mi Trung đã phát hiện một hũ tiền
kim loại nặng 69kg. Năm 2006, cũng tại nơi đây ông Phát hiện thêm một
hũ tiền khác nặng 40kg. Hai hũ tiền này có nhiều loại tiền thuộc các
triều đại khác nhau, từ tiền Khai Nguyên thông bảo (nhà Đường), Càn Long
thông bảo (nhà Thanh) của Trung quốc, đến các loại tiền Thiên Thánh
nguyên bảo (nhà Lý), Thiệu Phong bình bảo (nhà Trần), Thánh Nguyên
thông bảo (nhà Hồ), Chiêu Thống thông bảo và Thái Hòa thông bảo (nhà
Lê), An Phát thông bảo (nhà Mạc), Quang Trung thông bảo và Cảnh Thịnh
thông bảo (nhà Tây Sơn), Gia Long thông bảo (nhà Nguyễn)... của Việt
Nam. Như vậy, tiền trong hai hũ này có niên đại từ thế kỷ IX, X đến
giữa thế kỷ XIX, trong đó phần lớn là tiền thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ
XIX và một số lượng lớn chỉ biết “hiệu tiền” nhưng chưa xác định được
niên đại như: Trị Bình thiên bảo, Trị Bình nguyên bảo; Tư Bình thánh
bảo; Minh Nguyên thông bảo; Nguyên Phong thông bảo; Hồng Hóa thông bảo;
Tương Phù thông bảo; Chí Nguyên thông bảo... Năm 2007, trong lúc đào
móng nhà tại khu chợ nằm kề với bờ nam sông Ba Vát, cách khu vực khai
quật năm 2004 khoảng 300m về phía tây, người dân đã tình cờ phát hiện
một thùng gỗ đã bị mục nát nằm sâu dưới lòng đất hơn 1m, bên trong có
đựng nhiều đồ gốm, theo các nhà khoa học thì đây là đồ gốm dân gian
Trung Quốc được bán sang thị trường Đàng Trong. Những đồ gốm này
trùng hợp với những mảnh gốm đã được phát hiện trong các hố thám sát và
khai quật tại địa điểm Ba Vát trước đây. Ngoài những đồ gốm dưới đáy có
đề niên hiệu triều đại, ở đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm ghi tên lò
sản xuất còn đọc được như: Vĩnh Lợi, Ngoạn Ngọc, Hợp Ngọc, Hợp Thuận.
Khá nhiều mảnh gốm bị vỡ chỉ còn đọc được một chữ như nội (Phủ?), Kim,
Thuận, Thiên, Sang, Cận, Cổ, Triều, Xuân, Đức.
Qua
những tư liệu lịch sử và những di vật được tìm thấy tại Ba Vát đặc biệt
là những đồng tiền cổ có ghi "hiệu tiền" thuộc nhiều thời đại khác
nhau, những hiện vật gốm với nhiều loại hình, dòng men và đồ án trang
trí... xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc đã chứng minh rằng, Ba Vát
từng là một cảng thị phồn thịnh, là nơi tập trung buôn bán đồ gốm của
các lò gốm Việt Nam và Trung Quốc trong các thế kỷ XVII đến XIX.
Chú thích:
(l) Dẫn theo Ngọc Dương, Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1960, tr.45.
(2) Nguyễn Liên Phong, Nam kì phong tục nhơn vật diễn ca, Nhà in Phát Toán, Sài Gòn, 1909, tr.15.
(3)
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam
Việt, tập Hạ (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Nha văn hóa, Bộ Quốc gia
Giáo dục xuất bản, Tập 3, 1959, tr.9.
(4) Nguyễn Liên Phong, Nam kì phong tục nhơn vật diễn ca, tr.15.
(5) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tr.17.
(6) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, 1998.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tr.23.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire