Nhắc lại chuyện xưa ở Việt Nam và nhất là chuyện ở Sài Gòn thì lòng người xa xứ lúc nào cũng thích thú khi được nghe kể lại.
Không có chuyện xưa thì không có chuyện ngày hôm nay.
Nhưng nhắc lại chuyện xưa để thấy mình có hạnh phúc ngày trước biết bao nhiêu mà mình không biết quý.
Và cũng phải nhớ chuyện hôm nay, với những ai thành công ở xứ người, chúng ta cũng có một thời là người của nước Việt Nam Cộng Hòa.
Nhớ để không quên ơn những ai đã chiến đấu cho một nền hòa bình, tự do, dân chủ thời trước.
Và nhớ để nhắc cháu con mình, những người còn ở lại Việt Nam phải biết họ cần giữ nước để giữ cho thế hệ sau chữ viết Việt Nam, đất nước Việt Nam mà khó khăn lắm cha ông chúng đã lập được.
Chữ viết, con người và đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.
Caroline Thanh Hương
Cầu Nhị Thiên Đường
Là một trong những cây cầu của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 (năm 1925), cầu Nhị Thiên Đường cùng với các cầu Chà Và, Chữ Y, Mống, Khánh Hội, Ba Cẳng… đã tạo nên nét độc đáo, tiêu biểu về hình ảnh của Sài Gòn xưa.
Cầu Nhị Thiên Đường nằm trên đất Q.8, TP.HCM, dài khoảng 200m, được xây dựng vào năm 1925, bắc ngang qua một nhánh của kênh đôi Tàu Hũ. Đây là điểm đầu của Quốc lộ 50, cửa ngõ kết nối vùng Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ai đã từng đi qua cầu Nhị Thiên Đường, nhất là vào những buổi chiều tà, khi một vài vạt nắng dần tắt ở phía chân trời, xa xa theo dòng kênh đôi Tàu Hũ, mới thấy hết vẻ cổ kính, trầm mặc của cây cầu gần trăm năm tuổi.
Đi bộ dọc theo thân cầu, người ta vẫn thấy được nét kiến trúc Pháp còn hiện hữu ở những cột trụ bê tông màu xanh rêu, lan can sắt dần hoen rỉ, hay một vài chiếc đèn sứ trắng còn sót lại. Một cụ cao niên sống gần khu vực này cho biết trước đây khi chưa có đèn điện, người ta vẫn thắp bằng đèn dầu trên các cột trụ ở hai bên thành cầu. Thứ ánh sáng vàng nhạt, mờ mờ ảo ảo, le lói của ngày tháng xưa cũ hẳn là một ký ức khó quên cho những người từng đi qua quãng thời gian ấy. Người dân sống gần khu vực cầu vẫn hay nhắc lại câu chuyện về một cửa hàng thuốc bán dầu gió để giải thích về cái tên Nhị Thiên Đường. Theo như chuyện xưa kể lại, trước đây, vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, khu vực Chợ Lớn nổi tiếng có thương hiệu dầu gió Nhị Thiên Đường.
Thêm nữa, ông chủ của hãng dầu này còn có một kho gạo lớn ở gần chân cầu. Từ đó, để cho dễ nhớ, người dân lấy ngay cái tên ấy đặt cho cây cầu, và cũng là cách để thế hệ đi trước gợi nhắc thế hệ đi sau về một vùng ký ức xưa. Ngày nay, hãng dầu gió mang tên cây cầu không còn nữa, Sài Gòn cũng thay đổi rất nhiều. Từ trên cao nhìn xuống phía dưới chân cầu chỉ thấy những dãy nhà san sát chạy dài dọc theo con kênh Tàu Hũ. Cái tên cầu Nhị Thiên Đường còn gắn với những dấu ấn lịch sử của dân tộc trong thời kỳ Nam Bộ kháng chiến.
Một góc cầu Nhị Thiên Đường nhìn từ đường Phạm Thế Hiển.
|
Chính vì vậy, công trình này được xem như một di tích, một nhân chứng lịch sử của nhân dân Q.8 một thời cần được ghi nhớ và gìn giữ. Theo lịch sử để lại, vào giữa tháng 11.1945, thực dân Pháp mở các đợt tấn công quy mô vào mặt trận phía nam nhằm phá vòng vây của ta, mở rộng chiến tranh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngày 20.11.1945, quân Pháp từ đồn Cây Mai và thành Ô Ma chia làm 3 hướng: hướng Xóm Củi từ Xóm Đình qua bến Nguyễn Duy ra khu vực kho gạo, hướng chính theo trục đường Tùng Thiện Vương tấn công qua cầu Nhị Thiên Đường, hướng từ bót Bình Đông vượt qua sông đánh từ cầu Bà Tàng đánh lên. Lực lượng ta được biết trước đã triển khai sẵn sàng từ cầu Hiệp Ân dọc theo đường Phạm Thế Hiển đến cầu Bà Tàng, đồng thời bố trí lực lượng chủ yếu và tấn công mạnh ở đầu cầu Nhị Thiên Đường và các trận địa ở xung quanh để đón đánh quân Pháp.
Ngay từ sáng 20.11.1945, các mũi tấn công của thực dân Pháp bị chặn lại. Quân ta nổ súng vang trời ở tất cả các hướng, nhưng mặt trận cầu Nhị Thiên Đường chính là nơi diễn ra cuộc chiến đấu dữ dội nhất. Đến 10 giờ trưa, thực dân Pháp vẫn không thể tiến được lên cầu và khoảng hai giờ sau, chúng tập trung toàn bộ lực lượng tiến công thẳng lên cầu hòng đảo ngược tình thế, quyết vượt sang bên này cầu để đóng chốt chiếm luôn. Tuy nhiên, lực lượng ta tập trung hỏa lực và bộ binh đánh trả quyết liệt. Trước sức mạnh phòng thủ kiên cường của quân ta, thực dân Pháp phải rút lui.
Ghé cầu Nhị Thiên Đường vào những ngày này, tìm gặp một vài người dân sinh sống lâu năm tại khu vực đường Phạm Thế Hiển hay Tùng Thiện Vương, mới thấy rõ tình cảm của những con người đã gắn bó gần cả cuộc đời với cây cầu.
Cầu Nhị Thiên Đường gắn với ký ức tuổi thơ nhọc nhằn, khốn khó, gắn với tuổi trẻ xông pha, rồi cho tới khi họ sinh con đẻ cái, con cháu họ lại viết tiếp những trang ký ức còn dang dở… Vậy mà, giờ đây người dân Q.8 đang phải ngậm ngùi, tiếc nuối vì nghe đâu cây cầu 90 năm tuổi này sắp bị đập bỏ để thay bằng một cây cầu mới, chỉ có một số chi tiết nhỏ như lan can, trụ cột đèn cũ được bảo tồn. Dường như, đây là cái cách mà người ta giữ lại “chút gì để nhớ” về một địa danh từng ghi dấu ấn, cũng như chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất Sài Gòn, từ lúc đất nước còn chiến tranh cho tới ngày nay.
Thùy Chi/Duyên dáng Việt Nam
ooooo
"Nhị Thiên Đường" và một thoáng hoài niệm Sài Gòn xưa
(Tin) - Cái tên Nhị Thiên Đường từ lâu đã đi vào tâm trí người Sài Gòn. Nhưng nhiều người không hiểu tường tận cái tên quen thuộc ấy bắt đầu từ đâu.
Những năm 60, Sài Gòn bị choáng ngợp bởi truyện kiếm hiệp Kim Dung. Kiếm hiệp đi sâu vào lòng người, ảnh hưởng đến cả ngôn ngữ của con người tới mức đâu đâu cũng nghe mấy câu đại loại như: "Thằng cha đó bị tẩu hỏa nhập ma", "cà chớn là tao cho một chưởng", "Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái", "Gã đó chơi ma giáo", "Cái bang đại hiệp", "Ông này công phu thượng thừa, đao thương bất nhập" hoặc trong cả những câu của trẻ con "Nhất dương chỉ, Nhị Thiên Đường, Tam Tông Miếu, Tứ đỗ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá...".
Cái nổi tiếng của Nhị Thiên Đường đi vào cả mấy câu kiếm hiệp thì phần nhiều là thứ dầu gió đỏ trị bá bệnh "tứ thời cảm mạo" cho bọn trẻ con tên Nhị Thiên Đường. Mà thời nay chắc chẳng mấy người biết, nhà thuốc Nhị Thiên Đường cũng có công đóng góp cho chữ Quốc ngữ của nước nhà.
Cầu Nhị Thiên Đường (Ảnh: Pháp Luật)
|
Nhà thuốc Nhị Thiên Đường là một hiệu thuốc của người Quảng Đông có trụ sở tại Singapore, Mã Lai và Việt Nam, hay phát kèm truyện tình cảm lãng mạn lâm ly chung với sách quảng cáo thuốc của mình. Ví như năm 1919, trong cuốn Vệ Sanh chỉ nam có truyện "Nghĩa hiệp kỳ duyên" của Nguyễn Chánh Sắt. Đây là một tiểu thuyết phong cách Tây phương kết hợp với tình tiết éo le kiểu Tàu (Trung Hoa) lấy bối cảnh chính là vùng biên giới Việt Miên. Các tác giả thời đó không có chỗ để in sách nên cũng có thể nói nhà thuốc phát kèm tiểu thuyết của họ cũng là một hành động đóng góp cho sự phát triển và quảng bá chữ Quốc ngữ đến với dân chúng.
Nhà văn Tô Hoài cũng xác nhận trong tự truyện của mình là đọc "Gương vỡ lại lành", và vở cải lương "Kiều đi Thanh Minh" in trong sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường, Đại Quang dược phòng. Hay như Thiếu Sơn trong "Phê bình và Cảo luận (1933)" có nói ông lần đầu đọc truyện Hồ Biểu Chánh là trong sách quảng cáo của Nhị Thiên Đường.
Ngày nay, hãng dầu gió Nhị Thiên Đường không còn nữa, chỉ còn lại cây cầu ngót gần 100 tuổi nhẹ nhàng vắt qua bờ Kênh Đôi ở quận 8 khu Chợ Lớn tên Nhị Thiên Đường nơi trước đây là nhà thuốc sản xuất dầu Nhị Thiên Đường. Gần đây chính quyền muốn đập bỏ cây cầu đó vì cầu đã yếu mà lưu lượng xe lại đông. Thiết nghĩ, nơi đây không chỉ là một dấu son còn sót lại của một Sài Gòn duyên dáng mà còn là nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa ta và giặc Pháp trong cuộc Nam tiến của chúng về mặt trận các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào tháng 11 năm 1945. Đây là một điểm nhấn cần được giữ gìn để nhắc lại một thoáng Sài Gòn xưa.
Theo Motthegioi
oooo
Thần dược trị bá bệnh của một thời
26/06/2016 - 10:40 AM
Sau 1975, dầu Nhị Thiên Đường ngừng hoạt động. Dòng họ Vi ra định cư nước ngoài và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường tuy không còn sản xuất ở Việt Nam nhưng vẫn được sản xuất ở nước ngoài.
Thời bao cấp xuất hiện những chai dầu Nhị Thiên Đường giả mạo, sau này người Việt xài dầu Nhị Thiên Đường sản xuất ở Hong Kong nhập về.
Khi còn học cấp I, bọn trẻ con chúng tôi đều biết câu đồng dao: “Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá”,bốn câu sau lúc đó chưa biết là gì, chỉ biết hai câu đầu. Nhất dương chỉ là môn võ tuyệt luân trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày đó kiếm hiệp Kim Dung người miền Nam phần nhiều đều nằm lòng. Dầu Nhị Thiên Đường còn phổ biến hơn vì phụ nữ, nhất là các cô, các bà lớn tuổi ít ai không có trong túi một lọ dầu ve bằng ngón út đựng ít dầu màu nâu đỏ mang nhãn hiệu ông Phật mập này.
Dầu xài mọi lúc, mọi nơi
Tôi hồi nhỏ vẫn được bà thỉnh thoảng nhờ ra tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô sọt rác. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.
Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức… thì đúng là xài dầu đã thành… nghiện.
Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời.
Hướng dẫn sử dụng dầu Nhị Thiên Đường.
Một thời vang bóng
Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông do gia đình họ Vi sáng lập. Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở Việt Nam, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore... Tại Chợ Lớn, nhà thuốc đặt ở 47 Canton, sau này là Triệu Quang Phục. Trong cuốn niên giám Đông Dương 1933-1934 còn ghi lại rõ ràng: Nhị Thiên Đường Pharmacie asiatique 47 rue de Canton, Telephone no 58 Directeur Vi-Khai Chợ Lớn.
Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước và dầu cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường.
Giai đoạn đầu dầu cù là bán được, vì lúc đó người miền Nam ưa dùng dầu cù là, trong đó có hiệu Mac Phsu do người Myanmar (còn gọi là người Cù Là) sinh sống ở Việt Nam bán. Dầu cù là Mac Phsu cũng đi vào câu đồng dao “Bòn bon sicula, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu” cho thấy sản phẩm cũng rất được ưa chuộng nhưng sau này nhiều người thích chuyển qua xài dầu gió dạng nước hơn và đó cũng là lúc dầu Nhị Thiên Đường lên ngôi, bán khắp cả Đông Dương. Thậm chí đã có lúc từ Nhị Thiên Đường được dùng để nói về dầu gió, tương tự như Honda được dùng để nói về xe máy. Mãi sau này Nhị Thiên Đường mới có một đối thủ xứng tầm là dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín.
Cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường
Bên bờ kênh Đôi thuộc quận 8, trên trục lộ giao thông từ Sài Gòn đi Long An có một cây cầu bắc qua được xây từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Cầu có nhiều nét kiến trúc rất đẹp, đặc biệt ở phần ban công thép và các trụ đèn trên cầu có nét đặc trưng không thể lẫn lộn với bất kỳ cây cầu nào khác.
Do cầu từ lúc xây dựng đã mang tên Nhị Thiên Đường và đã có khá nhiều giai thoại về tên gọi này.
Có giai thoại cho rằng trước đây nhà máy sản xuất thuốc và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi. Hằng ngày để đi đến chỗ làm các công nhân đều phải đi đò qua kênh Đôi rất mất thời gian và nguy hiểm. Ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu này để làm việc thiện cho dân chúng thuận tiện đi lại, trong đó có các công nhân của ông. Cũng có giai thoại cho rằng khi xây cầu thì chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền xây cầu để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn.
Giai thoại khác là kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra. Do ở gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường. Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt cho cây cầu.
Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhất nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.
Quảng cáo và quảng bá chữ Quốc ngữ
Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của quảng cáo. Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán gọi là Vệ sinh chỉ nam. Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm. Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện ngôn tình cực kỳ ăn khách về mối tình Việt - Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính). Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi thì được đọc thêm Hậu chàng Lía, hay các mối tình uyên ương ly hận của Hồ Biểu Chánh...
Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản. Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc.
Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc, đây cũng là một kênh tốt để đưa được tác phẩm đến với người đọc.
Trong cuốn Phê bình và cảo luận, nhà phê bình Thiếu Sơn đã kể lại: “Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để hạ 4 cắc mà luôn luôn bán dưới giá đó. Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn Đoàn của Tao Đàn hay Tân Dân. Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm chú có vẻ tán thành nhưng rồi lại bỏ qua cho đến nỗi tới nay muốn đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc”.
Vì sao nhà văn Hồ Biểu Chánh không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán mắc và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông. Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã cực kỳ phong phú và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng.
Ba chữ Nhị Thiên Đường bằng gạch xây vẫn còn sau cả trăm năm biến đổi. Ảnh: Nguyễn Minh Vũ
Căn nhà 47 Triệu Quang Phục đã đổi chủ, hiện nay trên tầng cao nhất vẫn còn đủ ba chữ Nhị Thiên Đường xây bằng gạch xa xưa. Mong rằng căn nhà được bảo tồn và giữ lại một nhãn hiệu rất lâu, rất quen thuộc với người Sài Gòn.
|
ooooo
Tôi cũng đã ở Chí Hòa năm 1971 và tôi biết nhu cầu cần thiết của một người tù khi bị bệnh. Một loại dầu trong xức ngoài thoa, đau đâu xức đó. “Thương người đi em tặng chai dầu/khi mà cảm mạo anh thời xức vô”.
Dầu khuynh diệp BS Tín là một loại dầu màu xanh - sau này một số họa sĩ thường gọi là màu xanh khuynh diệp - đựng trong những chai nhỏ từ 5cc đến 100cc như trong một trích đoạn truyện ngắn: “Trước giờ chuyến xe đò Phi Long chuyển bánh đưa cậu con trai lên Sài Gòn trọ học, một bà má miền Nam, móc túi lấy ra một chai dầu tròn tròn, màu xanh lá cây đậm đang xài còn khoảng 2/3 đưa cho thằng con nói: “Con cất chai dầu khuynh diệp, phòng khi trái gió trở trời...”.
Dầu khuynh diệp BS Tín ra đời khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, sau khi BS Bùi Kiến Tín chuyển nhà thuốc Đông Dược vào Sài Gòn thành lập nhà thuốc BS Tín, bào chế ra loại dầu gió có thương hiệu cùng tên. Ông sinh năm 1912 tại làng Bảo An, Điện Bàn (Quảng Nam) nhờ vậy lúc nhỏ ông biết được người dân quê ông hay dùng dầu tràm nấu từ lá chổi (chuổi). Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Paris (1942), ông về nước và bắt đầu sản xuất loại dầu này và mua bản quyền dầu khuynh diệp của ông Viễn Đệ ở Huế.
Công thức đặc biệt
Loại dầu gió này được BS Tín bào chế có công thức đặc biệt riêng của nó bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu... và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Tinh dầu tràm, bạc hà, hay hương nhu... thì nước ta có thể trồng và chưng cất được, nhưng tinh dầu khuynh diệp với tinh chất Eucalyptol (lấy từ cây hồng tràm, tên khoa học là Eucalyptus) nhập từ Bồ Đào Nha thì chưa có ở VN. Mùi dầu khuynh diệp, đôi lúc, cũng là một đặc điểm của mùi hương... sinh nở như trong một truyện ngắn khác nói về nỗi khổ vượt cạn của phụ nữ, hai cô gái nói với nhau: “Bộ mầy mới thăm con Tú nằm bảo sanh viện hả?”. “Sao mầy biết”. “Người mầy toàn mùi dầu khuynh diệp - dầu của đàn bà đẻ”. Gần như lúc ấy phụ nữ sinh nở thường xức dầu khuynh diệp cho mình và đứa trẻ sơ sinh nữa.
Có lẽ, nhận thấy nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sẽ đẩy giá thành chai dầu gió lên cao nên vào năm 1954 ông đã cho trồng cây khuynh diệp tại Đồi Viễn rộng 30 mẫu (nay là Đài tưởng niệm các vua Hùng, Q.9, TP.HCM). Theo ông Năm Quang (người nhân viên lưu dụng tại Đồi Viễn sau năm 1975) và ông Hai Biền (người quản lý trang trại 181 và 183 trước năm 1975), ngoài Đồi Viễn, BS Bùi Kiến Tín còn có hai trang trại lớn khác cũng ươm trồng khuynh diệp và cũng nằm trên con đường Sài Gòn - Đà Lạt. Hai trang trại này nằm ở cây số 181 và cây số 183, thuộc xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Khu trang trại khuynh diệp ở cây số 183 có diện tích khoảng ba mươi mẫu, cư dân quanh vùng thường gọi là “đồi mimosa”. Lý do vì cây khuynh diệp do BS Tín mang giống từ nước ngoài về trồng khi lớn lên có màu lá xanh nhạt lóng lánh, nhất là khi nắng mới lên mà sương cao nguyên chưa kịp tan, nên cư dân vùng này thường tưởng lầm đó là cây mimosa của vùng Đà Lạt. Còn trang trại nằm tại cây số 181 có diện tích khoảng mười mẫu, có một biệt thự khoảng 200 m2 xây toàn bằng đá tảng granite theo kiểu Pháp, cư dân ở đây gọi đó là “khu nhà đá”. Khi cây khuynh diệp ở 181 chết dần chết mòn thì cây mít lại mọc rất mạnh ở khu trang trại này, do đó sau này người ta còn gọi nó là “vườn mít 181” nữa.
Bác sĩ kiêm nhà kinh tế
BS Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là nhà kinh tế với những dự án lớn khác, vì vậy khi đi vào thương trường, dù sản phẩm rất nổi tiếng nhưng công ty cũng biết áp dụng những chiêu thức quảng cáo như “mua dầu khuynh diệp BS Tín trúng xe Austin” và quảng cáo trên xe điện (sau nầy là đường xe lửa) dọc tuyến đường rầy Sài Gòn - Chợ Lớn. Thời gian này, mỗi năm dầu khuynh diệp BS Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai lớn nhỏ. Ông không theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” mà biết dùng mọi cách để đưa hình ảnh và mùi hương của dầu khuynh diệp đến với người tiêu dùng. Tất nhiên chất lượng và giá cả vẫn là ưu tiên số một trong sự cạnh tranh với các loại dầu lúc đó như Nhị Thiên Đường của một doanh nhân người Hoa, dầu cù là Macphsu của Miến Điện...
Dầu khuynh diệp BS Tín - lúc ấy là một thương hiệu “dầu gió” nổi tiếng đến nỗi nó đã trở thành danh từ chung khi chỉ dầu dùng để xức lúc nhức đầu đau bụng. “Khi nhức răng chỉ cần chấm gòn nhét vào kẽ răng là con sâu răng nó chết” như lời những người bán thuốc kèm ảo thuật lề đường quảng cáo một loại dầu gần như trị bá bệnh (?).
Hiện nay một số xí nghiệp dược phẩm VN đã dùng công thức của ông để tái sản xuất dầu khuynh diệp BS Tín - một chai dầu đã đi theo cùng thế hệ chúng tôi mà biết đâu ít nhiều người trong chúng ta từ lúc lọt lòng đã ngửi được mùi hương...!
Truyền cảm hứng đến đời con cháu
Thêm điều đáng quý nữa, từ nguồn cảm hứng đó, BS Tín còn truyền lại cho con cái mình. Sự thành công của tiến sĩ tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Mỹ và từng nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt”, tâm sự: “Ba tôi cũng là người dẫn dắt tôi trên con đường học vấn và nâng đỡ tinh thần tôi những lúc gian nan trên đường đời. Đó là hạnh phúc mà trời ban tặng”.
Em trai ông Thành cũng nổi tiếng không kém, là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông Quốc về nước tham gia đầu tư các cơ sở du lịch ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam); và nhiều năm liền thực hiện dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái... Có thể nói, tinh thần “mình vì mọi người” có được là do họ thừa hưởng được từ giáo dục, tấm lòng của người cha luôn nặng lòng với quê hương.
|
Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire