caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 30 décembre 2021

Nguyễn Hữu Khiêm kể chuyện mùa dịch vật và con đường trở lại tên Pasteur của thời Sài Gòn xưa.

tt

 Kính mời quý anh chị đọc bài viết  rất buồn cười của tác giả Nguyễn Hữu Khiêm.

Con đường mang tên rất quen thời Sài Gòn cho đến một ngày nó bị mất tên và cái tên mới lại bị đi vòng một trăm tám chục độ để về chốn cũ...

Phải biết cái gì thuộc về ai thì cũng phải trả lại cho người đó đừng hòng mà thấy tiện rồi lấy luôn.

Caroline Thanh Huong



Kể chuyện mùa dịch vật.
 
Phần hai: Mỗi ngày chỉ năm nghìn!
Một ông chúa đảo tuyên bố trên báo đài rằng; mỗi ngày chỉ tiêu hết cở là một đồng Mỹ kim, dạ kính thưa ông một đồng Mỹ kim quy ra tiền có in hình cụ Hồ xứ Việt ta là hơn hai hai nghìn, không hề hút sách, rượu bia, gái gú… dân ta một người mỗi ngày tiêu bao nhiêu đó liệu được có mấy người?!
Nhớ đâu năm một chín chín mốt, nhà nước phục hồi tên đường Pasteur, Pasteur có lẽ là cái tên đã quá quen thuộc với người dân Sài Gòn. Con đường được đặt theo tên của Louis Pasteur (1822 - 1895), một bác sĩ vĩ đại người Pháp. Ông là cha đẻ của ngành nghiên cứu vi sinh vật học, là người đã sáng chế ra thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới. Viện Pasteur cũng được thành lập dựa trên ý tưởng của ông. Với những đóng góp to lớn, chẳng ngạc nhiên khi có khá nhiều con đường, địa danh của Việt Nam mang tên ông, như đường Pasteur ở Đà Lạt, vườn hoa Pasteur ở Hà Nội...
Đường Pasteur cũng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, được thành lập từ năm 1865. Thời kỳ đó, bến Chương Dương còn là một con rạch, với 2 con đường Olivier và Pellerin. Khi con kênh bị vùi, đường Olivier mất theo. Đến năm 1955, con đường được đổi tên thành đường Pasteur, vì trên con đường này có Viện Pasteur Sài Gòn được thành lập từ năm 1891. Năm 1976, không biết mấy ông ngứa ngứa sao đó mà lại đem bà Nguyễn Thị Minh Khai đè lên mặt ông Pasteur, Viện Pasteur đổi tên thành Viện Dịch tễ học. Đến năm 1991 nghe đâu ở cái xứ sở thực dân cũ không chấp nhận tiếp tục tài trợ cho cái Viện dịch tễ dịch vật chi đó, để phục hồi tên con đường và Viện Pasteur mấy ông văn hoá văn xã phải mần cái tờ trình xin ý kiến Hội đồng nhân dân thành phố. Nhớ đâu báo Sài Gòn giải phóng lúc đó có bài viết như vầy: Tờ trình đề nghị khiêng bà Nguyễn Thị Minh Khai ra nửa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chỗ Lê Văn Tám chuẩn bị tẩm xăng làm đuốc sống, tức là chỗ cầu Thị Nghè cho có chị có em, đặt lại tên đường tên viện là Bác Tơ. Trình tới trình lui, mấy ông mấy bà Hội đồng thay nhau hạch hỏi Bác Tơ này có công lao chi mà đặt tên đường, bí quá mấy cha văn hoá nói đại theo kiểu miền nam là Bác Ba Tơ vốn mần nghề bác sỹ, trong công cuộc trường kỳ kháng chiến đã nhiều lần lén lấy thuốc kháng sinh từ Viện dịch vật, vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm chữa thương và trị bệnh sốt rét cho bộ đội ta nhiều lắm... Nói đại nói dóc nhưng mà cám ơn thiệt, Sài Gòn còn cái đường tên thiệt là Bác ba sờ tơ!
Lại nói, hồi xưa sáng đến trường mấy thằng hay đi bộ từ Ký túc xá 129A Nguyễn Huệ đến 196 Pasteur, đi từ hướng Nhà thờ Đức bà đến Hồ con rùa, theo con đường Duy Tân cây dài bóng mát (lại nói trật: đường Phạm Ngọc Thạch) quẹo trái, chỗ cái tháp nước có Bà bán xôi bên hè đường, xôi bày ra dĩa có dăm ba hột nếp cùng mấy ít hạt gọi là Xôi đậu phộng, mỗi thằng hai dĩa mới được nửa bụng muốn no phải là bốn, mà thường là ăn thiếu...
Còn nhớ cái hồi ở Xưởng thiết kế Xây lắp Nội thương sáu ba Võ Văn Tần, mấy thằng tre trẻ không nhà không cửa như mấy thằng tôi, đi làm rồi ở lại xưởng thì không nói gì, lại có ông Thầy Quyện có nhà có cửa có vợ có con chiều về tối lại sáu ba Võ Văn Tần ngồi ngủ gật, hỏi sao thế này? Thầy Quyện thật thà bảo rằng mỗi ngày có mỗi năm nghìn nên mà tối ngủ ở nhà lỡ "ti toe tí" chắc hư cả ngày hôm sau, chỉ có là ngủ gật!?
Vậy là đi theo ông thầy Quyện mấy ngày, mỗi ngày là năm nghìn, gần cuối cái đường Bác Tơ quẹo phải là đường Trần Quốc Toản phía bên trái có cái bờ tường, sau bờ tường có cái căn tin, cơm trắng ăn no đủ, thức ăn bao gồm giống thời KTX Nguyễn Huệ, một nghìn rưởi một người, có hôm tôi mời ông Thầy Quyện một ly trà đá năm trăm đồng, ông Thầy lại bảo là phí phạm quá...
Ngồi cộng hết lại: buổi sáng một ổ bánh mì chan nước tương ngọt (không giải thích) một nghìn, cơm trưa một nghìn năm trăm đồng, cơm chiều một nghìn rưởi cộng lại là bốn nghìn, không uống trà đá hai lần là còn dư một nghìn: Thầy là Thầy lừa đảo một ngày chỉ có bốn nghìn vậy một nghìn để đâu, ông Thầy nheo nheo mắt, kính xệ xệ bảo rằng, lâu lâu cũng phải đi bơm bánh xe, hôm rồi gặp thằng đểu bơm hai bánh nó tính hai nghìn!
Bó tay ông thầy Tiến sỹ...

Chương trình đọc và nghe đọc truyện hay với truyện ký Người Của Giang Hồ, thời Sài Gòn xưa đến nay, không nên bỏ qua.

tt

 Có những người làm nên lịch sử, không phải vì họ lương thiện hay anh hùng hơn ai hết mà vì thế cuộc đưa đẩy và những nhân vật như truyện ký dưới đây, có thể quý anh chị đã có lần gặp mặt hay nghe nói đến ở những năm trước một chín bảy lăm, nhưng chúng ta thường bỏ qua tai...

Chỉ có giới làm ăn người Hoa hay những người bần cùng hoặc những người trong thành phần bài trừ du đãng Sài Gòn có biết tiếng, nhưng nay, người còn, người mất và bài ký này viết lại cho chúng ta  biết thêm chuyện một thời đã qua.

Cuối năm, nghe chuyện cũ mới thấy rằng không phải ai cũng may mắn trong một kiếp con người và dù người giàu nứt vách hay kẻ bần cùng cũng cùng bước qua chuyện đổi đời mà không ai ngờ trước được.

Tôi không biết thực hư trong bài ký được post tai đây, nếu có sự đụng chạm nào hay có nhân chứng khác thì xin vui lòng cho biết thêm sự thật nếu có.

Cám ơn tác giả, người post bài, người đọc truỵên.

Kính chúc quý anh chị một mùa lễ vui vẻ, mạnh khỏe và vạn sự như ý.

Caroline Thanh Hương


Đề từ về một thế giới của tội ác và sự hỗn loạn

Bạn đọc thân mến!

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có bạn đọc nào đó đón nhận cuốn sách này - không như mong muốn của tác giả - với một thái độ thờ ơ, thậm chí là xa lánh. Cũng phải thôi, đa phần độc giả đều là những người lương thiện - như tôi, như bạn - khó có thể bắt họ phải cảm thấy “say mê” khi mà suốt hàng trăm trang sách, những khuôn mặt hiện ra đều là biểu tượng của cái ác, sự điên rồ, liều lĩnh, những hành động được mô tả đều là tội lỗi, gắn liền với những chết chóc, thù hằn và được thể hiện bằng những cuộc tranh giành, đâm chém, thanh trừng lẫn nhau một cách tàn bạo. Tuy nhiên, đó là điều không thể tránh khỏi chứ hoàn toàn không phải là mục đích của tác giả khi đặt bút viết cuốn sách này.

Loài người, trong đó có xã hội mà chúng ta đang sống, tiến dần về phía tương lai văn minh và phát triển với niềm tin “nhân chi sơ tính bản thiện” thì đồng thời loài người cũng phải oằn lưng gánh trĩu và luôn phập phù, cảnh giác với dục vọng “nhân chi sơ tính bản ác”, cố nhiên, cũng nảy sinh trong một bộ phận khác của đời sống xã hội. Cho dù chúng ta ghê sợ, xa lánh và luôn tìm cách chống lại thì cũng phải thừa nhận: cái ác luôn tồn tại, loại trừ hay chối bỏ nó hoàn toàn chỉ là một ước mơ đẹp đẽ nhưng hết sức ngây thơ. Để phấn đấu cho điều đó, không còn cách nào khác, việc đầu tiên là phải nhận diện được cái ác, hiểu về nó một cách tường tận và không ảo tưởng.

Thoạt kỳ thủy, hai tiếng “giang hồ” được dùng để định danh một lớp người phiêu bạt, lấy việc hành hiệp trượng nghĩa, giúp kẻ yếu người cô giành lại sự công bằng làm mục đích; lấy phô diễn tài năng, hơn thua cao thấp - chủ yếu về sức mạnh võ nghệ - làm niềm vui... Với ý nghĩa đó, “giang hồ” được nhìn nhận như một lối sống, một loại tính cách, đẹp và mã thượng. Tuy nhiên, cái đẹp ấy chỉ còn tồn tại trong sách kiếm hiệp đa phần là hư cấu. Theo thời gian, hai tiếng “giang hồ” đã biến chất, tha hóa hẳn. Đến nay, nó chỉ còn lại như một khái niệm về tội lỗi và cái ác, “giang hồ” được hiểu như từ định danh về một thế giới gồm toàn những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, kết bè kết đảng và thủ lợi bằng con đường phạm pháp.

Nhưng, việc phân tích các khái niệm không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là công việc của các nhà xã hội học. Với cuốn sách này, chúng tôi chỉ muốn khắc họa lại một cách chính xác những khuôn mặt cộm cán nhất của giang hồ miền Nam trong thế kỷ XX. Để bạn đọc tiện theo dõi và nhận diện rõ nét quá trình tha hóa của thế giới giang hồ, những khuôn mặt trong sách được sắp đặt theo đúng trình tự thời gian mà họ sống. Bắt đầu từ Sơn Vương Trương Văn Thoại từ những năm 1930, “người của giang hồ” dù sao vẫn còn giữ được những nét mã thượng, mục đích giang hồ còn đôi chút hướng thượng và trọng nghĩa, ít nhiều vẫn phảng phất đôi nét Từ Hải, Robin Hood - người của tự do. Trượt dài đến “thời hai tay ba đao” của những năm 60-70, “giang hồ” đã hoàn toàn biến chất, trở thành một thế giới ngự trị đầy rẫy những cái ác, ác từ suy nghĩ đến hành động, với những Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm Chín ngón, Điền Khắc Kim, Năm Vĩnh v.v... Từ xuất phát điểm là bạn của dân nghèo, giang hồ đã trở thành tai họa, nỗi ám ảnh đầy đe dọa của lương dân. Yếu tố vụ lợi đã làm tha hóa toàn bộ bản chất của một lớp người. Đến những Năm Cam, Hải “bánh”... cuối thế kỷ XX thì giang hồ đích thị chỉ còn lại những bộ mặt quỷ dữ. Đó là tập hợp những tên tội phạm, những kẻ đâm thuê chém mướn. Dù vậy, giới giang hồ vẫn có những đặc trưng riêng, luật lệ riêng. Khi nói đến giang hồ là nói đến những tên tội phạm - điều đó đúng, nhưng một tên cướp giật, một tên tội phạm móc túi, trộm vặt mà gọi là giang hồ thì chắc chắn là sai.

Cho dù qua mỗi thời kỳ, giới giang hồ mang một đặc điểm hoàn toàn khác nhau thì thế giới ấy vẫn chưa bao giờ biến mất hay đứt đoạn. Sơn Đảo của thời hỗn loạn thập niên 60-70 từng gặp gỡ, bái phục và là một bản sao không hoàn chỉnh của Sơn Vương - rất ngạo thế khinh đời thập niên 1930; Năm Cam, Hải “bánh” hung thần cuối thế kỷ chỉ là một  thứ “âm binh mất ma” học nghề từ những dân chơi trước giải phóng như Đại Cathay, Sơn Đảo và từng cạnh tranh với những đàn em của tên hung thần lề phố này như Huỳnh Tỳ, Lâm Chín ngón... Theo nghĩa đó, cái ác là một khối u ác tính di căn trong đời sống xã hội.

Nhấn vào đường link của tưạ bài viết để đọc hết truỵên.

mercredi 22 décembre 2021

Đọc bài viết Anh Hùng Liệt Sĩ của anh Nguyễn Hữu Khiêm và nghe Tám Tình Tang đọc truyện Địa Đạo Củ Chi.

tt

 Kính gửi quý anh chị một trong những bài viết với lối viết văn miền Nam của chúng ta.

Tôi không thể nín cười được trước cách diển rả câu chuyện xưa của tác giả và hy vọng sẽ còn đọc được thêm những bài kể chuyện của anh.

Cám ơn bài viết của anh Nguyễn Hữu Khiêmvà hình đã lưu lại trong trang FB.

Cám ơn tác giả và người đọc bài Điạ Đạo Củ Chi.

Caroline Thanh Hương

 

 


Anh Hùng Liệt Sĩ.
 
Nói chuyện hay là nhiều chuyện?!
Đâu năm 79, 80 của cái Thế kỷ trước, 12PC5, THTA, giờ Văn cô Gấm đang giảng chuyện Anh hùng liệt nữ của cụ Phan Bội Châu, Thằng Hải rù rì kể cho thằng Phúc nghe chuyện ANH HÙNG LIỆT SĨ, vì thằng Hải ngồi ngay sau lưng tui nên tui bị nghe ké!
Ngày xưa... Trong cuộc chiến chinh thần thánh của quân và dân ta chống đế quốc Mỹ và bọn Nguỵ quyền, đã lòi ra không biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sanh vì cái Sự nghiệp Giải phóng Miền Nam.
Chuyện kể rằng, ở cái xứ Bình Tâm có một ông du kích, ban ngày phải trầm mình dưới đám ô rô cóc kèn hay mấy cái vịnh dừa nước, đêm về mới ngoi lên đánh bót diệt đồn tiêu diệt đám Mỹ - Nguỵ lập nhiều chiến công vô cùng oai linh hiển hách.
Rồi có một đêm trời không trăng không sao, ông du kích và các đồng chí của mình ngoi lên từ bờ sông Vàm Cỏ Tây, lò mò theo vàm Bình Tâm chuẩn bị đi đánh bót diệt đồn. Xui xẻo thế nào mà lại rơi vào cái ổ phục kích đám lính Biệt kích do ông Lân và ông Út Xéo chỉ huy.
Kết quả anh em trong đoàn quân du kích, mười chỉ còn một, tuy còn một mình nhưng ông du kích đã rất anh dũng chống trả quyết liệt, bắn hạ gần nửa đại đội biệt kích, ông vừa chạy men theo mấy con mương ven mấy bờ dừa vừa bắn chống trả địch, trận chiến hết sức quyết liệt cho đến khi súng hết đạn ông lấy ra trái lựu đạn cuối cùng, rút chốt ném tiêu diệt thêm được 3 tên địch, lợi dụng lúc địch đang hỗn loạn ông vùng lên bỏ chạy. Địch đuổi theo tới một bờ mương, ông du kích phi thân cái vèo qua bờ bên kia, núp vào một gốc dừa, bốn tên địch lội qua mương súng lên nòng ngắm thẳng vào gốc dừa, ông du kích nhanh trí lụm một cục đất chọi xuống mương, bốn tên địch tưởng lựu đạn hoảng hốt nằm lăn xuống bùn, đạn bay xối xả…
Thinh không im lặng, bốn tên địch bị mắc mưu, sau khi tỉnh táo lại lóp ngóp bò lên bờ mương, bỏ về không truy kích nữa, chắc nghĩ rằng ông du kích đã chạy thoát?!
Sáng tinh mơ hôm sau người dân đi ruộng phát hiện ra thi thể ông du kích, dưới gốc dừa chi chít vết đạn AR15 của địch, vô cùng thương tiếc đem về mai táng, trước khi tẫn liệm họ đem thi thể ông du kích xuống sông Vàm Cỏ Tây tắm rửa cho sạch sẽ, lạ một điều cả người ông đều lành lặng không một vết thương dù nhỏ xíu, xem kỹ lại từ móng chân lên đến đỉnh đầu chỉ thấy duy nhất một cục sưng tổ bố giữa đỉnh đầu mà thôi. Sáng ra có người hiếu kỳ, quay lại gốc dừa nơi ông hy sanh, vô số trái dừa bị trúng đạn địch rụng rơi tá lả... trong đó có một trái bị vỡ làm đôi!
Sau này ông du kích nọ được truy phong liệt sỹ và được Đảng và Nhà nước phong luôn danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến đây thằng Hải bảo: Hết chuyện!
Thằng Chiến ngồi kế thằng Hải nghe chuyện trong lòng vô cùng tự hào và sung sướng, vì Chiến là người Bình Tâm và ba nó... là liệt sĩ!
Gần hai mươi năm sau, từ Mỹ thằng Hải về Việt Nam, mời đám giỗ nhà nó, đang vui chén rượu tui chợt nhớ chuyện xưa nên kể lại, thằng Hải đứng sau lưng thằng Chiến đố tui và mọi người là tại sao ba thằng Chiến chết... Cuối cùng thằng Hải giảng nghĩa ra rằng, lúc bốn tên lính biệt kích bị ba thằng Chiến chọi cục đất, hoảng quá lăn đùng ra bắn tá lả từ gốc dừa lên đến tận đọt dừa nên dừa mới rụng, trong đó có một trái rơi trúng đầu ba thằng Chiến nên bị vỡ làm đôi và ba thằng Chiến do đó mà ngủm củ tỏi!
Đúng là hết chuyện!
Note: Hình của thằng Hải cung cấp, bà con có thấy thằng Chiến đang phân bua với thằng Nghiệp và thằng Trực, là ba nó không phải chết vì dừa rụng trúng đầu... tui đang cố nín cười đó!

Chương trình đọc và nghe đọc truyện hay Ngược Về Minh Triều.

Kính gửi quý anh chị bộ truyện đọc hay nghe đọc truyện hay xuyên không, vô cùng hồi họp và khó tin.

Đọc truyện giải trí có cái lý thú khi nghe truyện khó tin mà cứ thử đọc hay nghe đọc, nhất là truyện viết dựa theo lịch sử Trung Quốc và nội bộ thối nát bên trong của các vua chúa thời bấy giờ.

Cám ơn mc Khánh Duy rất kiên cường đọc trọn bộ truyện dài nhiều tập mặc dù có những khó khăn về dịch thuật. Âm thanh đọc thật thật rõ và bài đọc được diển tả khá thích hạp với nhân vật trong truyện.

Rất mong được nghe thêm những truyện đọc khác của anh.

Caroline Thanh Hương

  tt

 

Ngược Về Thời Minh

Ngược Về Thời Minh

Tác giả:

Nguồn:

Tàng Thư Viện, Mê Tryện

Trạng thái:

Full
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Đánh giá: 7.7/10 từ 244 lượt
Dịch từ nguyên tác  回到明朝当王爷 (Hồi đáo Minh triều đương vương gia)
Dịch: TheJoker, Ba_Van, Losedow, VoVong, workman, 6300, lamsonquaikhach, nhóm dịch Đọc Truyện Đêm Khuya, nhóm dịch Nghĩa Hiệp

Người ta ngược thời gian về thời cổ đại không giỏi văn thì cũng siêu võ. Kẻ thì có dị năng siêu phàm, kẻ thì luyện được ngự nữ tâm kinh.

Trịnh Thiếu Bằng, một tên văn dốt võ dát chả biết làm gì đáng ra chết từ lâu nhưng nhờ lỡ tay cứu người mà được Diêm Vương cho sống thêm ba năm. Nhờ khéo làm mình làm mẩy mà bắt chẹt được Ngưu Đầu Mã Diện cho đầu thai về một thư sinh nghèo thời Minh mạt.

Một kẻ văn chả thông, võ lại dốt, gì cũng không biết làm, lịch sử thì chỉ nhớ mang máng lại đầu thai vào một thư sinh nghèo. Hắn làm sao để mà sống sót đây, làm sao để đừng bị đạp ra ngoài đường?

Hắn, một kẻ chỉ còn sống được hai năm chưa biết lúc nào sẽ chết, một kẻ không biết có sống sót nổi trong cảnh nghèo hèn hay không, lại có mạng làm vương gia. Rốt cuộc, hắn sẽ làm sao để hoàn thành số mạng đã định? Hắn sẽ trở thành cái loại vương gia thế nào đây?

Hết khó khăn lại đến gian khổ, hết bị tai nạn đến bị người hại. Bỏ cuộc? Tiếp tục?

Mời các bạn theo dõi từng bước chân của Trịnh Thiếu Bằng (Dương Lăng) trên con đường đầy chông gai trắc trở này.

Danh sách chương

 

dimanche 12 décembre 2021

Chương trình thơ, nhạc trong trang Blog Caroline Thanh Hương với những bài thơ của anh Trần Văn Lương, Đỗ Quý Bái và bạn thơ của anh.

tt

Kính gửi quý anh chị những bài thơ của groupe chúng tôi. 

Cám ơn các thi sĩ đã góp bài cho Blog và chúc quý anh chị một trang thơ vui vẻ và tràn đầy cảm hứng. 

Caroline Thanh Hương

Mùa lễ Tạ Ơn đã qua, nhưng thơ đã lưu lại nơi đây cùng với lời tự trào của anh trần Văn Lương, cám ơn anh đã có bài thơ ngộ nghĩnh cho dịp lễ này.

 

Xin kính chúc quý anh chị một ngày Lễ Tạ Ơn an vui như ý.

 

Cảm Thán Nhân Lễ Tạ Ơn 2021

 

        Tự Trào

 

Gà Tây càng núng nính,

Mình lại thêm tròn trĩnh.

Muốn rủng rỉnh an nhàn,

Đâm lang bang xính vính.

Đã tâm tính nhố nhăng,

Còn khả năng xoàng xĩnh.

Chớm tấp tểnh ăn chơi,

Vợ con cười phá bĩnh!

       Trần Văn Lương

    Cali, Lễ Tạ Ơn 2021

 

Nói đến thơ thì phải nói đến tài làm thơ xuất sắc của anh Đỗ Quý bái và những bạn thơ của anh không thể thiếu được.

Có những bài thơ chỉ chở thơ và niêm luật không thể bỏ qua, nhưng thơ vừa chở tình vừa sắc bén và dòng thơ liên hoàn đầy sáng tạo như anh Đỗ Quý Bái thì ít có người theo kịp.

Dưới đây là chùm thơ mà anh đã gửi cho bạn thơ của anh cùng đóng góp, tôi xin lưu lại thêm lần nữa để quý anh chị cùng đọc cho vui.

Cám ơn tất cả các thi sĩ đã đóng góp cho trang Blog của chúng tôi.

Caroline Thanh hương

 

Chùm Thơ Cuối Năm

Tác giả:   Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái, Cung Diễm,  Từ Phong,

1. Chùm Thơ Cuối Năm
1
Những lúc này đây lạnh chớm Ðông
Tiếc không được đốt đám than nồng ......
Ngày đêm phai lạt đôi môi thắm
Năm tháng phôi pha mảnh má hồng
Ðà Lạt thừa chăng ngàn nỗi nhớ
Ca Li thiếu cả một rừng thông
Ai về cho gửi câu tâm sự
Tất cả rồi ra cũng viển vông
2
Cũng viển vông thôi những cuộc tình
Thăng trầm rút lại nhục và vinh
Tuổi trời thêm mãi còn chưa đủ
Tấm cỏ xanh rì vẫn nín thinh
Ta dẫu đi qua đều hữu ảnh
Lòng tuy để lại cũng vô hình
Văn chương tự cổ là duyên nghiệp
Thương bạn càng thêm chạnh nỗi mình
3
Chạnh nỗi mình thêm xót nỗi ai
Gió bay qua cửa gió than dài
Con chim hữu ý tìm nơi đậu
Hòn đá vô tri lắm kẻ mài
Cựu tích vẫn còn nơi hải giác
Ðào nguyên đâu nữa lối thiên nhai
Chữ tình, chữ nghĩa trăm năm lụy
Lại lụy thêm nhau một chữ tài .
4
Một chữ tài di lụy cổ kim
Ngàn sau người cũ biết đâu tìm
Trăng Tây Sương võ vàng người đẹp
Bút đoạn trường se sắt nhịp tim
Ðường Tống chưa nguôi muôn giọt lệ
Bắc Hà còn mãi gái Cầu Lim
Kinh Thi tồn tại trong dân chúng
Trang giấy xem chừng có chịu im ?
5
Có nằm im hoặc lại xôn xao
Chẳng khác lòng ta một thuở nào
Mặt ngọc tìm đâu người bạn cũ
Vườn xưa còn đó đóa hoa đào
Câu thơ Thôi Hiệu càng lưu luyến
Ngòi bút Thanh Hiên vẫn ngọt ngào
Những kẻ hậu sinh buồn đứt ruột
Vần thơ vẳng mãi giọng tiêu tao
6
Tiêu tao thơ ấy đãi riêng ta
Chén rượu canh suông một tiếng khà
Vẩy bút chửa lên câu thúy phượng
Cầm tay sợ đã giục canh gà
Thêm buồn những lúc đêm đông lạnh
Lại nhớ từng cơn bóng nguyệt tà
Hoa cỏ xứ người đua chúc Tết
Cho nên bút mực chẳng buông tha
7
Vẫn chẳng tha mình lúc cuối năm
Bỗng dưng giọt lệ lại đằm đằm
Sách xem cứ tưởng vương tơ nhện
Thơ viết càng thêm rối ruột tằm
Vút cánh chim bay không thấy bóng
Chìm con cá lội chẳng còn tăm
Ai về Ðà Lạt quê hương cũ
Cho gửi thơ này gọi viếng thăm
8
Viếng thăm Ðà Lạt những ngày xưa
Ðường dốc đi về quản nắng mưa *
Mực tím bạn thương rồi bạn nhớ
Tóc thề ai đón lại ai đưa
Ngàn câu thắm thiết còn như thiếu
Một chữ bâng quơ nghĩ vẫn thừa
Thơ nhỏ một chùm xin gửi bạn
Tưởng về quy ẩn hóa ra chưa
9
Hóa ra chưa thể dứt thi ca
Ðâu nỡ vô tình phụ bạn ta
Ðã nghiệp thì mang cho hết kiếp
Còn thương thôi cứ biết vui nhà
Bốn phương phương ấy càng phong vị
Năm nẻo nẻo nào cũng thiết tha
Xin lại tiếp thơ cùng bạn hữu
Ðêm ngày thả cửa cứ ngâm nga
10
Ngâm nga cho hết kiếp lưu đày !
Tâm sự tha hồ gửi gió mây
Dù nhớ bao nhiêu tia nắng gắt
Vẫn thương thêm nữa đóa hoa gầy
Ðã từng sớm tối vui chim cá
Vốn dĩ đêm ngày thích cỏ cây
Ta vẫn là ta không đổi được
Thì về quy ẩn với ai đây ?
11
Với ai đây tỏ lộ nguồn cơn
Chợt tỉnh mùa đông lại tủi hờn
Bút nọ vui hoài cùng đất nước
Lòng kia còn mãi với giang sơn
Vài làn gió thoảng tầng mây đục
Một tiếng trên không bóng nhạn vờn
Nghĩ lại cõi ta là cõi tạm
Con người mãi mãi vẫn cô đơn
12
Vì sợ cô đơn thích bạn bè
Nhớ mây đầu núi nắng sau hè
Hồ Than Thở , tiếc làn sương lạnh
Mưa Trại Hầm, thương chiếc nón che
Mực tím nhìn vào chưa hả dạ
Chuyện xưa viết lại bút sao tè !
Năm mười hai tháng năm cùng tận
Có đủ mười hai vận cặp kè

* quản : quản ngại, e ngại

San Jose, Tháng 12 năm 2004
Huệ Thu

CUNG DIỄM Tùng họa :

Bấy lâu vắng tiếng khách tường Ðông
Nhung nhớ đêm khôn dỗ giấc nồng
Dòng biếc đưa về đâu lá thắm
Chim xanh không gửi lại tin hồng
Nhấp nhô sóng lượn trăng đùa nước
Vi vút tơ hòa gió cợt thông
Tâm sự chỉ riêng mình với bóng
Lòng ai còn thắm sắc hoa vông ? *

Sắc hoa vông thắm đượm ân tình
Giữa cõi nhân hoàn nhục lẫn vinh
Ngọn lửa U Vương dù hữu ý
Tiếng lòng Bao Tự vẫn vô thinh
Dao Trì dễ có hai vầng nguyệt
Cổ kính còn đâu một bóng hình
Cái nợ văn chương mang lấy nghiệp
Thương ai mà cũng khổ cho mình !

Khổ cho mình cũng tội cho ai
Tâm sự tơ vương sợi vắn dài
“Thành khí” ** ngày đêm châu cố giũa
Nên kim năm tháng sắt năng mài
Khóm hoa danh lợi tay buồn ngắt
Cái bã phù du miệng biếng nhai
Nghiên bút duyên kia thân đã vướng
Thi phong đáng mặt khách đa tài

Khách đa tài đáng giá thiên kim
Bới cát tìm châu há dễ tìm
Rực khóm hoa Ðường thơm trước cửa
Ngát mùi rượu Lý thoảng trong tim
Dốc xưa vẫn nhớ sương Ðà Lạt
Quê cũ còn mơ trống Hội Lim
Mờ nhạt sông chiều dâng khói sóng
Mơ màng cành liễu bóng trăng im

Bóng trăng im mặc gió lao xao
Nhớ thuở quen nhau mới độ nào
Hoa chúm chìm cười môi thủy ngọc
Trái hây hây chín má xuân đào
Hiên Tây men rượu gây xao xuyến
Ðình Bắc hoa thơ tỏa ngạt ngào
Vần điệu dệt nên chương mỹ cảm
Tấc lòng nặng với khách thanh tao 


Thanh khí lẽ hằng, bọn chúng ta
Ðêm sương chén rượu nhắp môi - khà
Bút vung thơ chửa đầy trang giấy
Ðêm nhạt sương gieo vọng tiếng gà
Ðịa vị, chao ôi ! cơn gió thoảng
Công danh, ơi hỡi ! bóng trăng tà
Thương mình lại cũng thương cho bạn
Món nợ cầm thư vẫn chửa tha !

Chửa tha đành lận đận bao năm
Tà áo Giang Châu giọt lệ đằm
Gọi bạn luống thương thân chiếc nhạn
Nhả tơ nghĩ tội kiếp con tằm
Trời Ðông muôn dặm trăng chênh bóng
Biển Bắc ngàn khơi cá biệt tăm
Núi biếc, sông xanh, làng xóm cũ
Có ai còn viếng, có ai thăm

Ai thăm đừng nhắc thuở xa xưa
Dĩ vãng buồn như chuyện gió mưa
Thương nhớ, sáng mong rồi tối đợi
Mặn nồng nắng đón lại mưa đưa
Muôn lời tương kính còn chưa đủ
Ngàn chữ tâm giao vẫn chẳng thừa
Xin trải tình thơ trên giấy mực
Lòng này ai đã rõ cho chưa ?

Chưa cho đoạn tuyệt với thơ ca
“Thành khí tương đồng”, bọn chúng ta **
Thi phú điểm tô non nước Việt
Văn chương dìu dặt cháu con nhà
Nhỏ nhen, dẹp bỏ lòng tư kỷ
Bác ái, đề cao chữ vị tha
Ðẹp đẽ làm sao Chân, Thiện , Mỹ
Muôn thu vằng vặc mảnh gương nga

Quên đi ba chữ “kiếp lưu đày”
Hãy gửi lòng theo với nước mây
Vẫn nhớ Thu xưa hương cúc thoảng
Còn thương Xuân trước dáng mai gầy
Buồn xem mây trắng bay đầu núi
Vui ngắm trăng vàng lẫn bóng cây
Ðời có là chi mà bận mắt
Hỏi : “Về hay ở, tính sao đây ?”

Sao đây mưa gió đã đòi cơn
Xin chớ cưu mang nỗi giận hờn
Ngọn bút mơ màng trăng Bến Ngự
Lòng thơ lai láng gió Trường Sơn
Líu lo vườn sớm con chim hót
Bàng bạc hiên khuya ánh nguyệt vờn
Cái thú yên hà vui sống mãi
Trường sinh hà tất phải tiên đơn ?

Vui với thi ca, với bạn bè
“Lục hà trì” mát những trưa hè
Lả lơi con bướm cành sen đậu
Bẽn lẽn kìa ai nón lá che
Kể lại, lời oanh đâu há ngại
Viết đi, bút thép dễ chi tè
Năm mười hai tháng, năm hầu hết
Chuốc rượu mừng nhau, rượu “tắc kè”

(*) “Hoa Vông Vang” tác phẩm của Ðỗ Tốn
(**) Ngọc bất trác bất thành khí

San Jose, 30 12 2004
Cung Diễm 



TỪ PHONG Kính Họa

Xua tan cái lạnh buổi tàn Ðông
Mở “hít” độ cao, nóng nực nồng
Nào có cần lò nhen lửa đỏ
Cũng đâu phải bếp nhóm than hồng
Trông về quê cũ thầm thương bạn
Tưởng đến rừng xưa lại nhớ thông
Ðà Lạt luyến lưu nhiều kỷ niệm
Chợt buồn, suy nghĩ viễn cùng vông.

Viển vông suy nghĩ cũng thường tình
Ðời trải qua nhiều lúc nhục vinh
Những chuyện nghe vui còn muốn kể
Bao điều thấy thảm phải làm thinh
Tương lai lưu niệm nhiều phim ảnh
Quá khứ ghi tâm một bóng hình
Cái nghiệp văn chương còn quyến luyến
Người xưa đâu vắng để riêng mình.
Riêng mình canh vắng nhớ nhung ai
Thức dậy làm thơ nối vận dài
Hàn luật giao lưu siêng sáng tác
Ðường thi xướng họa thích dùi mài
Vẫn hay niêm, vận là gay nuốt
Dẫu biết trắc bằng vốn khó nhai
Thích thể thơ này, nên cố gắng
Mong sao nối gót bậc anh tài.

Anh tài tự cổ đến đương kim
Ngưỡng mộ thơ hay vẫn kiếm tìm
Ðâu chỉ khen xuông ngoài cửa miệng
Mà còn khâm phục tự trong tim
Văn chương thanh nhã trong như ngọc
Niêm luật vững vàng, chắc tựa lim
Khoái cảm ngâm nga càng thú vị
Ðương hồi cao hứng khó mà im.

Khó mà im được, dẫu lao xao
Ðâu có làm ai bực bội nào
Thơ lúc ngợi ca người khí tiết
Thơ khi biếm nhẽ kẻ bôn đào
Thơ mang chất lửa lời đanh thép
Thơ chứa tình thương giọng ngọt ngào
Tả cảnh, đấu tranh, tùy thể loại
Càng ngâm, càng thấy thú thanh tao.

Thanh tao vui với bạn bè ta
Ðối ẩm bình thơ nhắp chén khà
Tống cựu Giáp Thân đưa chú khỉ
Nghinh tân Ât Dậu đón anh gà
Lời thơ trào lộng nghe còn sắc
Ngọn bút đấu tranh thấy chửa tà
Ngưỡng mộ những ai lòng thẳng thắn
Nằm vùng, nội tuyến quyết không tha.

Vẫn quyết không tha, dẫu cuối năm
Kinh tài Việt cộng, tội thêm đằm
Muốn gom cả tổ loài yêu nhện
Phải có cao tay bủa lưới tằm
Vét sạch không còn phơ phất bóng
Xóa tan chẳng để dật dờ tăm
Cầu mong Nhà Báo phen này thắng
Mượn bút thay lời, gửi kính thăm.

Gửi kính thăm người, nhớ chuyện xưa
Ðã thành công chuyện hạn cầu mưa
Ðấu tranh thắng lợi cho người nhận
Ðòi hỏi công bằng buộc kẻ đưa
Tương tế khi thu không thể thiếu
Lợi quyền lúc trả chẳng mong thừa
Bất bằng thấy chuyện là lên tiếng
Mấy chú nằm vùng, thấy rõ chưa ?

Thấy chưa mà đã vội kêu ca
Chắc hẳn đồng hương tị nạn ta
Chẳng những chỉ riêng vài chục hộ
Mà còn rộng khắp mấy muôn nhà
Hỏi rằng : thuần túy lòng nhân đạo ?
Hay có lập lờ chuyện thối tha ?
Hãy tự hỏi mình là rõ nhất
Chuyện đời, ngứa miệng tớ ngâm nga.

Ngâm nga tự tớ, chẳng ai đày
Muốn thả hồn thơ vút tận mây
Nhớ bạn tu mi, tâm cứng rắn
Tưởng người thục nữ vóc mai gầy
Thăng trầm có lúc như thân cá
Hưng phế nhiều khi tựa khúc cây
Nhưng vẫn kiên cường, không khuất phục
Lưu vong, giờ lại gặp nơi đây.

Nơi đây bão bút nổi nhiều cơn
Nhưng vẫn chưa nguôi, chửa hết hờn
Tay ngắn khó xoay vòng địa trục
Tài hèn khôn chuyển ngọn Yên Sơn
Người đi, lũ quỉ còn đeo ám
Kẻ ở, thây ma vẫn bám vờn
Muốn độ cô hồn theo nẻo chính
Hiềm non tay ấn, thiếu linh đơn.
Linh đơn, cứu quỉ kết liên bè
Xuất hiện đầu Thu thuở cuối hè
Pắc-Pó hang sâu nhờ đá phủ
Thái Nguyên, đường hiểm mượn cây che
Ðã đưa vận Nước thêm điêu đứng
Còn khiến đời dân sống thấp tè
Chữa bệnh trầm kha Lê Mác dổm
Cạy răng đổ thuốc, phải người kè.

Oakland, Dec 26,2004
Từ Phong


TRƯỜNG GIANG Họa

Ngậm ngùi nhớ nước lúc đêm Ðông,
Tình cảm quê hương quá mặn nồng.
Ta dựng cơ đồ bằng máu đỏ,
Họ thiêu dân tộc bởi cờ hồng.
Ðiều hành cả nước sao không đạt ?
Lãnh đạo toàn dân lại chẳng thông !
Quốc phá, gia vong thời mạt vận,
Bạn thù lòng xốp tự thân vông...
Thân vông chôn lấp chữ ân tình,
Ðổi trắng thay đen để hiển vinh.
Mắt ngắm đau thương lòng chẳng động,
Tai nghe rên xiết dạ làm thinh.
Phường buôn dân tộc cần treo cổ,
Lũ bán quê hương phải tử hình.
Ðất nước rơi vào tay giặc cướp,
Nỗi đau nào phải chỉ riêng mình...

Riêng mình đau nhói tỏ cùng ai,
Ðêm hận, ngày thương, nuốt lệ dài...
Cạnh bến, đò xưa chưa dứt đón,
Dưới trăng, gươm cũ vẫn còn mài.
Nhà tan, uất nghẹn cần vô úy,
Cửa nát, căm thù há bất nhai (1)
Gương cũ Lý Trần mờ vũ trụ,
Giang sơn chi thiếu bậc anh tài.

Anh tài đâu phải truyện mò kim,
Chính đại quang minh ắt dễ tìm.
Trai gái không chung hai ý thức,
Trẻ già cùng nhịp một con tim
Diệt thù, dạ tựa đòn tre cộc,
Chống giặc, lòng như khúc gỗ lim
Phong hóa suy vi, dân thống khổ,
Ai người xót nước chịu ngồi im ??

Im không tìm đến chốn lao xao,
Dưỡng tính, tu thân được chút nào...
Ðã chẳng ham gì mươi khóm cúc,
Thì không chuộng đến một vườn đào.
Xa nơi tham nhũng, rời cay đắng,
Gần chốn thanh liêm, nhận ngọt ngào.
Danh dự dễ chi vàng đổi được,
Nhủ lòng giữ khí tiết thanh tao...

Tao nhân, mặc khách ở quê ta,
Nghèo xác mồng tơi vẫn cứ khà.
Bất nghĩa, người trông dơi hóa chuột,
Vô luân, kẻ ngắm cáo ra gà.
Thi Văn sáng tác khi trăng lạnh,
Phú Lục ngâm nga lúc bóng tà.
Tết đến toàn dân còn đẫm lệ,
Ðộc tài, chuyên chính chửa buông tha.

Tha hương biệt xứ đã bao năm,
Cắp mắt ngày đêm vẫn ướt đằm.
Vì nợ thi thư, duyên cái nhện,
Bởi tình hàn mặc, kiếp con tằm.
Thân thương lắm kẻ không còn bóng,
Tri kỷ nhiều người đã mất tăm.
Tuổi thọ vó câu qua cửa sổ,
Thân già biếng nhác khó đi thăm.

Thăm bạn tri âm tự thuở xưa,
Hỏi rằng bên ấy nắng hay mưa ?
Có còn nhớ rõ khi chào đón ?
Hay đã quên rồi lúc tiễn đưa ?
Một gánh cương thường như vẫn thiếu,
Hai bồ chuyên chính hóa ra thừa.
Năm châu, Bốn Bể vang lời réo,
Nước mất nhà tan, đã tỉnh chưa ??

Chưa quên hùng dũng khúc quân ca,
Kích thích lòng trung giới trẻ ta.
Chống lũ bất nhân, xây dựng nước,
Ðánh phường vô đạo, chấn hưng nhà.
Buôn non xã tắc, dân nguyền rủa,
Bán đứng giang sơn, nước chẳng tha.
Khâm liệm độc tài, chôn ác đảng,
Câu hò tiếng hát lại ngân nga...

Ngân nga cho thỏa nỗi vơi đầy,
Tâm sự canh trường dưới bóng mây.
Nước Mẹ khốn cùng, già áo mỏng,
Quê Cha khổ ải, trẻ thân gầy.
Nhân quyền : đâm cổ như xiên cá,
Tôn giáo : chặt đầu tựa đốn cây.
Ðất nước nguyện cầu ơn Quốc Tổ,
Phù trì thịnh vượng kể từ đây.
Từ đây sóng gió lặng từng cơn,
Chấm dứt oan khiên, dứt oán hờn.
Cả nước hành hương hang Phật Tích,
Toàn dân thăm viếng động Hương Sơn.
Ðiện Sòng Thánh Ðức nhang mờ tỏa, *
Ðền Kiếp Thần Uy khói đượm vờn. **
Dân mạnh, nước giàu càng phát triển,
Khác nào Trời phát thuốc linh đơn.

Linh đơn chữa khỏi bệnh hai bè,
Ðoàn kết đừng quên những tháng Hè.
Chia ngọt xẻ bùi manh chiếu đắp,
Quạt nồng ấp lạnh, tấm mền che.
Phải nên tôn trọng màu son nhạt,
Ðừng có khinh khi ngọn bút rè.
Gà sắp lên ngôi thay Khỉ đột,
Chớ ham mang túi bạc kè kè...

* Ðiện Sòng Sơn
** Ðền Kiếp Bạc

7/1/2005
Trường Giang

ÐỖ QUÝ BÁI Họa

Chùm Thơ Xướng Họa cuối mùa Ðông
Chẳng lửa chẳng than ý vẫn nồng :
Cung Diễm buồn đời đầu sớm bạc
Huệ Thu tiếc bạn má phai hồng
Tahoe (1) gợi nhớ bên hàng liễu
Ðà Lạt gây mơ dưới dặng thông
Tâm sự trùng trùng khôn giải tỏa
Phải đâu chỉ những viễn cùng vông ?

Những viễn cùng vông các cuộc tình
Thiếu thời chẳng ngại nhục hay vinh
Tội cô trò nhỏ yêu bồng bột
Khổ vị thầy hiền phải lặng thinh
Cá nước không tròn duyên đối bóng
Chim trời chẳng vẹn nợ chung hình
Chia tay Âu Á bao năm tháng
Nào biết người ta có nhớ mình ?

Có nhớ mình chăng ? biết hỏi ai
Mối sầu đằng đẵng mấy năm dài
Tô Lang đất Mỹ chờ mòn mỏi
Tô Thị trời Nam đợi miệt mài
Ðắng miệng nỗi đau chừng khó nuốt
Ghê răng niềm oán chắc khôn nhai
Tĩnh tâm tự hỏi sao thui thủi
Mới biết đơn côi bởi cậy tài

Cậy tài cứ tưởng giá thiên kim
Quán thế tri âm có thể tìm
Ðốt đuốc cả ngày mong nẫu ruột
Chong đèn suốt sáng đợi teo tim
Ðâu người chữ nghĩa ngời châu ngọc
Nào bực văn chương bóng trắc lim
Ước nguyện trời thương cho hội ngộ
Hẳn là nhộn nhịp khó ngồi im

Có ngồi im nữa vẫn lao xao
Gặp gỡ thầm mơ những độ nào
Của ngõ Văn Khoa bừng sắc thắm
Ðầu đường Nguyễn Huệ ánh bông đào
Chương Ðài dáng liễu mềm tha thướt
Giếng Ngọc hương thơm thoảng ngạt ngào
Kỳ Ngộ Bích Câu ! Ôi ! tuyệt diệu
Mặt mừng tay bắt thực thanh tao

Thanh tao rước bạn lại phòng ta
Ðối ẩm giao bôi thú khật khà
Xướng họa rộn ràng như trĩ phụng
Ngâm nga lảnh lót tựa công gà
Tội chi vò võ khi canh vắng
Chẳng dại băn khoăn lúc ác tà
Hết vịnh Giáng Sinh rồi lại Tết
Bạn bồ kêu họa chắc gì tha ?

Chắc gì tha họa buổi đầu năm ?
Cố tránh sầu đong khỏi lệ đầm
Nhưng đọc thơ này vương ngó ý
Lại xem vần nọ rối tơ tằm
Chia uyên chạnh nhớ người theo bóng
Rẽ thúy ngùi thương kẻ bặt tăm
Hoàng Thị xa xôi ai ngóng nhỉ ?
Bao giờ mới lại được về thăm ?

Về thăm Than Thở cảnh hồ xưa
Tưởng niệm hồn ai tắm gió mưa
Thờ thẫn ven bờ không bậu đón
Chìm sâu đáy nước chẳng bồ đưa (2)
Mươi lần nghe kể còn chưa đã
Trăm bận nhắc thêm cũng chẳng thừa (2)
Khóc mướn thương vay là nghiệp dĩ
Bây chừ nước mắt chắc khô chưa ?

Khô chưa lệ đẫm bản cầm ca
Khúc nhạc Tầm Dương bạn đãi ta
Cất bước toan đi thêm nhớ bến
Dừng chân tính ở mãi lo nhà
Thương người lỡ bước. lòng lân mẫn
Sót kẻ cô phòng dạ vi tha
Ðồng bệnh tương liên thông cảm dễ
Tao Ðàn còn vẳng tiếng ngân nga

Ngân nga dứt bỏ đọa cùng đày
Hồn phách lâng lâng giống dải mây
Muốn sưởi ấm giùm vầng nguyệt lạnh
Mong nâng đỡ giúp gốc mai gầy
Xuất thần bay bổng cùng đâu xuất
Nhập xác đua rờn với bóng cây
Vương vấn nàng thơ chừ khó thoát
Ly Tao khó trốn trở về đây

Về đây rằn vặt luống đòi cơn
Nhớ nước thương dân vạn mối hờn
Tiếc bực tài hoa chìm khổ hải
Uổng thân đức hạnh táng thâm sơn
Vật vờ đáy vực kình ngư quậy
U uất bờ rêu dạ điểu vờn
Những muốn lập đàn chay cúng quải
Oan hồn .uổng tử bớt hàn đơn

Hàn đơn khuyến dụ kết nên bè
Phật tự thần từ núp góc hè
Kiếm chốn đạo cao xin tạm trú
Tìm nơi đức cả để cầu che
Nghe kinh được độ lên cao tít
Thuộc kệ khỏi lo xuống thấp tè
Củ mật tháng kề năm sắp hết
Thôi đừng ân oán giữ kè kè

(1) Lake Tahoe ở Caly làm liên tưởng tới Ðà Lạt
(2) truyện chị Thảo chờ người yêu chết chìm dưới hồ Than Thở


NGUYỄN THỊ BẠCH TÂM Họa
Tình Thơ Lưu Luyến

Ðất khách đêm buồn lạnh gió Ðông !
Tình thơ lưu luyến chút hương nồng ...
Hoa tàn, nhụy héo: thương thân bướm !
Phấn nhạt hương phai; tủi phận hồng...
Ðà Lạt hẹn hò trên đỉnh ái,
Cam Ly kỷ niệm dưới đồi thông
Rượu ngon rót bởi tay người đẹp,
Nem nướng thơm mùi có lá vông...

Cái lá vông: vương vấn nợ tình !
Chợ đời nhịn nhục để cầu vinh
Ngâm nga mấy tiếng không từ chối,
Xướng họa đôi bài mãi lặng thinh .
Lỗi nhịp cung đàn đành lẻ bóng !
Say duyên nữ sĩ vẫn mơ hình,
Tơ tằm rối rắm trăm ngàn mối...
Lắm mối nằm không chỉ một mình !

Chỉ một mình than thở với ai ?
Chờ mong thao thức suốt canh dài,
Còng lưng, mỏi mắt luôn đeo đuổi,
Lỏng gối chồn chân vẫn miệt mài...
Ðất khách bôn ba lo tìm việc,
Quê người tất bật kế sinh nhai,
Job cày năm tháng không ngưng nghỉ.
Ðêm vẫn lai rai, cũng biệt tài...

Dẫu biệt tài từ cổ đến kim.
Bóng chim tăm cá biết đâu tìm ?
Cung đàn Tư Bá buông lơi phiếm,
Giấc bướm Trang Chu, nghẽn mạch tim.
Ve gái, o mèo, nhờ cái miệng
Trèo tre lấy lá, nhớ “cu lim” *
Trồng khoai tốt củ nhờ phân bón,
Gẫm lại phận mình mãi lặng im !

Lặng im nghe tiếng nói xôn xao...
Tuổi mới ba lăm chẳng lẽ nào ?
Lối cũ ra đi thuyền tách bến
Ðường xưa trở lại mận xa đào !
Mùa Xuân, hương huệ còn thơm ngát.
Ngọn bút dòng thơ mãi nghẹn ngào.
Hình bóng trong tim đêm trở giấc,
Cung đàn rơi lệ khúc ly tao...

Ly tao phòng quạnh chỉ mình ta !
Se thắt bờ môi cạn chén khà...
Hơi rượu say mê đôi mắt phượng,
Tình duyên lận đận tuổi con gà !
Bèo tan, bèo họp ai chờ đợi ?
Trăng khuất, trăng lu bóng xế tà .
Tết đến xứ người sao tẻ nhạt ?
Tơ lòng vương vấn mãi không tha .

Không tha tâm sự chuyện đầu năm .
Buồn nhớ quê hương mắt lệ đằm ...
Bủa lưới săn mồi đau ruột nhện .
Buông tơ dệt áo khổ thân tằm !
Bờ khe cá lội, còn in bóng .
Mỏm đá chim gù bỗng bặt tăm ?
Nhớ xứ Hoa Ðào bao kỷ niệm ...
Em về Ðà Lạt gởi lời thăm ...

Về thăm Ðà Lạt bóng hình xưa ...
Nhớ buổi tan trường lất phất mưa ?
Vành nón nghiêng che em đứng đợi .
Tóc thề buông thả thoảng hương đưa ...
Ngàn lời mật ngọt còn như thiếu
Một nụ môi hôn cảm thấy thừa .
Tất cả cuộc đời dâng hiến trọn .
Những gì thụ hưởng... những gì chưa ?

Gì chưa hưởng thụ chẳng kêu ca .
Thịt mở miệng mèo khoái quá ta .
Lỡ dịp tiếc thầm buồn số kiếp !
Nên duyên an phận ấm êm nhà ...
Vần thơ xướng họa không khe khắt
Ngọn bút giao hòa hãy vị tha .
Tình bạn bao la mây gió hẹn .
Mơ làm Thi Sĩ ngắm Hằng Nga

Hằng Nga, Cung Quảng, ngỡ tù đày ?
Che khuất khuôn vàng bởi bóng mây ?
Chú Cuội gục đầu thương tiếc khóc .
Cành đa rụng lá xác xơ gầy !
Vườn hồng hoa thắm ong say mật
Lối mộng tình nồng trái chín cây ..
Lạc bước Thiên Thai Tiên Nữ tặng ...
“Ðào thơm hai trái” vẫn còn đây **

Còn đây: gió lạnh thổi từng cơn ...
Nước mắt khôn vơi giận dỗi hờn !
Ðất nước, quê hương tình gắn bó
Anh em, bạn hữu, nghĩa keo sơn,
Mừng Xuân hương ngát bầy ong lượn ...
Ðón Tết hoa xinh cánh bướm vờn .
Trang trải tiếng lòng thơ xướng họa .
Lệ tuôn dòng, gối chiếc phòng đơn !

Cô đơn thuyền tách bến Nhà Bè ..
Bịn rịn chia tay dưới nắng hè,
Lưu luyến bài thơ tình ôm ấp .
Thương thầm chiếc nón lá nghiêng che .
Nghe con cá quậy, sóng tình dậy ...
Vọng tiếng chim cu, nghiên bút tè !
Than Thở, Hồ Xuân buồn liễu rủ .
Thương nhau không nệ bắc Cầu Kè ***

San Jose Xuân 2005
Nguyễn Thị Bạch Tâm

* Cu lim giống lưỡi liềm tra vào cây sào dài, Miền Trung đến mùa trồng khoai chui vào bụi tre trèo lên cây tre dùng cu lìm lấy nhánh lá đến ngọn dộn vào vồng khoai làm phân bón đất xốp củ to, khi đào khoai nhánh tre làm củi nấu. (Có câu: nhất đốn tre, nhì ve gái).
** Lưu Nguyễn lạc chốn Ðào Nguyên
***Cầu Kè, cây kè ở miền núi, Tý, Sé, Dùi Chiêng Quế Sơn Quảng Nam. Thân giống ccạy cau, cây dừa, cây cọ (hoa Kỳ) thân to cao khoảng 30 mét, lá lợp nhà, làm vách, cây làm máng xối, bắc cầu qua khe, mương, rạch ...

2008-12-31 21:17:08





nguyenchihiep đăng ngày 02/02/09 - 8:37 PM
Bài sửa

Giấc sầu đông
(thập nhị thủ liên hoàn cước)

1
Chén ngọc đã mờ khi dứt Ðông
Đêm nay xuân đến rãi hương nồng ......
Ngàn mai ướm mặt màu tươi thắm
Vạn cúc chen nhau cảnh rực hồng
Đứng ngắm cõi lòng thương cố hữu
Tìm đi tâm trí tiếc rừng thông
Phải chăng chữ luyến trong tâm tưởng
Gói chặt đời người giữa lá vông
2
Giữa lá vông khô nhặt ái tình
Nhọc nhằn mơ đến sự phồn vinh
Đong hoài nỗi nhớ còn chưa đủ
Gióng mãi cõi sầu vẫn lặng thinh
Một bến sông Gianh đêm cách nguyệt
Đôi bờ Bến Hải mộng chung hình
Hồn mơ tiếng nhạc buồn duyên kiếp
Nàng hỡi , lòng tôi lại xót mình
3
Lại xót , mình tôi nỗi oán ai
Đứng bên dòng nước chảy dông dài
Cúi đầu mong nhớ con thuyền đậu
Quay bước vấn vương dấu nguyệt mài
Liễu úa vừa giăng manh chiếu ngọc
Mây hờ che khuất cảnh thiên nhai
Nhọc thêm ánh mắt người bi lụy
Lỡ một đường duyên bởi chữ tài
4
Bởi chữ tài nên tiếc ánh kim
Huy hoàng một thuở biết sao tìm
Cố neo chữ nhớ về non nước
Đành gửi tiếng sầu lặng trái tim
Bất khuất cuộc đời trong cõi nhục
Nhọc nhằn thân xác giữa xà lim
Nhưng lời nói thật không hề dứt
Tranh đấu cho đời chẳng thể im
5
Chẳng thể im mình đợi gió xao
Nào anh nào chị đứng lên nào
Người về chung đón vui ngày tết
Ta lại ngồi bên uống rượu đào
Chốn cũ chờ mong tim chợt thắt
Chuyện xưa kể đến dạ như ngào
Bao năm có phải đà tan hết
Một mối hận lòng xưa rất đau

6
Rất đau chữ ấy để riêng ta
Giọt đắng đêm sương bước khập khà
Mỏi mệt chôn mình trong gió tuyết
Âu lo ngấn lệ giữa canh gà
Ngày tan ánh nhật trời mờ nhạt
Đêm rạng liễu trăng bóng khuyết tà
Vây chặt gót chân người trở lại
Quê hương tiếng vọng nỗi buồn tha

7
Nỗi buồn tha thứ đến trăm năm
Giấc mộng nàng ơi , có thắm đằm
Rối trí tâm tư treo váng nhện
Dật dừ hồn phách lạc nong tằm
Ngày qua gửi nhớ nơi vãng khuất
Đêm tới neo sầu chốn biệt tăm
Dòng suối lệ nào ru nước mắt
Chảy giữa cõi đời kẻ đến thăm
8
Kẻ đến thăm nàng đợi giấc xưa
Chiều nay trời ướt đẫm cơn mưa
Bạn tình đã mất trong đêm tiễn
Giọt lệ nào vương dưới mắt đưa
Thả dáng vầng mây che ánh khuyết
Rọi đời khuôn ngọc lấp cung thừa
Gửi người năm ấy vào hư tưởng
Hỏi mộng tình yên trở lại chưa

9
Trở lại chưa em để hát ca
Nụ hôn tràn ngập chỉ riêng ta
Mộ buồn tôi viếng em đời kiếp
Đồi nhớ vườn mơ tưởng mái nhà
Khói lạnh chìm mây hồn oán thán
Sương mờ khuất nẻo giọt sầu tha
Ngày qua tháng hạ dài đi mãi
Có biết tôi vừa gửi bước xa

10
Gửi bước xa xôi chốn đọa đày
Nặng lòng tâm sự với ngàn mây
Lối xưa có lẽ trăng vừa lặn
Đường cũ phải chăng bóng đã gầy
Màn nắng thu tàn trơ cánh phượng
Dấu mờ sương tạnh ủ tàn cây
Lấp đầy tiếng vọng từ vô tận
Ơi hỡi , tình ơi tôi vẫn đây

11
Vẫn đây mưa đến dội từng cơn
Lạnh buốt tim nghe tiếng dỗi hờn
Lụy ướt bờ mi chìm đôi mắt
Tâm chìm cõi mộng ẩn thiên sơn
Lại nghe giọt ứa miền tâm tưởng
Bỗng tiếc đêm khuya ánh nguyệt vờn
Có lẽ cõi đời là chốn tạm
Tháng ngày tôi vẫn kiếp chăn đơn

12
Chăn đơn đêm lạnh nhớ sương bè
Tàn cuộc xuân qua thấy cảnh hè
Trời bỗng rũ mành mưa xối xả
Mây vừa đen ngọn bóng nghiêng che
Ướt lòng cứ tưởng đời đã dứt
Khép mắt thì nghe mộng trở về
Mấy chục năm trôi xa bất tận
Nàng ơi , nỗi nhớ vẫn còn mê

01.02.2009