Người Việt dính dáng với
văn chương thơ phú của Việt Nam đa số thích thơ chữ
Hán. Ai có tâm hồn nghệ sĩ hơn và đam mê hơn thường
nghêu ngao ngâm nga thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương
Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Liễu Tôn Nguyên,
Bạch Cư Dị… để
tự mình tìm tòi cái hay đẹp của chính nguyên tác. Vẫn
chưa đủ, họ nghiền ngẫm bài dịch của các bài thơ nầy
để mong hiểu thêm nữa mà khi đọc nguyên tác chưa hiểu
hết ý. Có người lại dùng thời giờ và sở học của
mình dịch từng tập dầy thơ chữ Hán ra quốc ngữ để
cho riêng mình thưởng thức. Họ rất sung sướng khi thấy
một vài chữ mà mình dịch thiệt là đắc thể, đúng chỗ,
lột được ý của nguyên tác. Thậm chí có người không
biết chữ Hán hay lỏm bỏm vài ba chữ cũng nhảy vô dịch,
căn cứ trên những bản dịch có sẵn từ trước, thay đổi
một vài chữ hay một vài nhóm từ. Cách dịch dễ nhứt
là căn cứ trên bản dịch của ai đó giúp mình hiểu ý
bài thơ làm căn cứ rồi diễn dịch lại bằng câu thơ
mà vần là
vần của nguyên tác.
Cách nầy phổ thông nhứt khiến cho có cảnh tượng mà
tôi không biết là đáng vui hay buồn: anh dịch, tôi dịch,
nó dịch, chúng ta cùng dịch thơ chữ Hán.
Chuyện ưa thích và đi đến
tình trạng sính thơ chữ Hán đến tuyệt đỉnh như vậy
không có gì đáng chê trách vì thơ Đường nói riêng và
nói chung các thứ thơ của những đời trước hay sau đó
của Trung Quốc vừa là tài sản văn hóa của nước Trung
Hoa vừa là thứ gì đó rất gần gũi với
người Việt. Bao thế kỷ rồi ông bà ta sống với loại
thơ nầy, thưởng thức nó và thậm chí học hỏi từ nó.
Dịch thơ chữ Hán của Trung Hoa cũng là dịp thưởng thức
cái hay của thơ một cách cẩn thận, có dịp khám phá hết
các chi tiết sâu thẩm ẩn tàng trong một bài thơ mà khi
chỉ đọc qua không thể nào nắm bắt được hết. Dầu
thơ chữ Hán là thơ của một nước trong quá khứ từng
làm khổ dân ta và hiện tại nhà nước của thứ thơ đó
còn có mộng nuốt chửng cả nước ta. Thế nhưng Thơ chữ
Hán như một hoàng tử tốt áo. Thiên hạ xúm lại sờ mó,
ca tụng tâng bốc đã nhiều, không chỉ người trong các
nước Đông Á từng chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung
Quốc thôi mà cả người của nhiều nước Tây Phương như
Anh Mỹ Pháp… nữa cũng thích.
Thơ chữ Hán, dầu hay,
đó cũng là thứ gì đó của người nước khác, thuộc
một nền văn hóa không phải là của người Việt
trong khi nước ta cũng có thứ tương đương là thơ chữ
Hán của người Việt Nam. Gia tài của Mẹ Việt Nam nầy
lâu nay chưa được chú ý đúng mức. Trần Trọng Kim, Ngô
Tất Tố, Trần Trọng San, Bùi Khánh Đản, Đinh Văn Chấp…
vừa chỉ giới thiệu và dịch thơ chữ Hán của Trung Quốc,
sang quốc ngữ bằng nguyên thể thường gọi là Đường
luật. Các ông nầy đã bỏ quên loại Đường thi của người
Việt Nam sáng tác trong 4, 5 trăm năm người Việt chịu
ảnh hưởng của Trung Hoa. Công việc làm lúc đó, 7, 9 chục
năm trước có thể là tốt, là chấp nhận được. Nó giúp
chúng ta hiểu hơn văn học và văn hóa của người bạn
láng giềng khổng lồ Trung Quốc ở phía Bắc. Mặt khác
lúc đó, nền văn hóa ảnh hưởng đến người Việt Nam
mạnh nhứt phải nói là văn hóa Trung Hoa, sự giới thiệu
thơ Trung Hoa cho độc giả Việt là chuyện dĩ nhiên và cần
thiết.
Nhưng thời thế đã đổi thay
rồi.
Ta, nếu có sở học, nếu
có thời giờ, nên trở về với cái thật sự là thành
phần gia tài của dân tộc mà dịch thơ chữ Hán của
người Việt Nam.
Thơ chữ Hán của Việt
Nam có nghệ thuật và có dính
dáng đến sinh hoạt văn hóa hay tâm tình thiệt sự
của người Việt không nhiều gì, bởi vì, phải thú thiệt
một điều đau lòng là, một phần lớn loại thơ nầy được
sáng tác để thù tiếp bạn bè hay sáng tác lúc trà dư
tửu hậu, người làm thơ vui chơi với kỷ thuật hơn là
biểu lộ tâm tình ẩn náo trong long mình. Còn lại thiệt
sự là thơ , là văn chương có dính dáng nhiều đến cảm
thức của người thơ có thể kể ra chừng năm bảy chục tập
thôi. Số lượng đó là gia tài văn chương chữ Hán của
người Việt Nam. Mấy trăm năm mà có bấy nhiêu đó thì
thiệt là quá ít, nghĩa là nghèo bàn, khiêm tốn. Thế mà
chúng ta không mấy ai biết đến chúng một cách tường
tận trong khi thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ và các thi nhân đương
thời hay sau đó có cả mấy trăm nhà với cả chục ngàn
bài mà quá nhiều người biết, quá nhiều tập thơ dịch
công phu và tài hoa…
Chuyện của nước người sao
mà nhanh nhẩu, còn chuyện của nước ta sao mà ta thờ ơ
thế. Đã đến lúc nên suy nghĩ lại, có đáng chăng bỏ
phí thời giờ và tâm huyết vô lo cho đứa con của hàng
xóm có cha mẹ đầy đủ trong khi vợ chồng mình thiếu
trước hụt sau lại chẳng lo cho con mình?
Thơ chữ Hán của
các thiền sư đời Lý
(Khánh Hỷ, Bảo Giác, Huyền Quang, Pháp Loa, ..), của các
vị minh quân đời Trần
(Trần Thái Tôn, Trần Thánh Tôn, TRần Nhân Tôn, Trần Minh
Tôn…) và gần đây là của các thi sĩ thứ thiệt
như Nguyễn Du, Nguyễn Trải, Nguyễn Xuân Ôn, Trịnh Hoài
Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định (Gia Định Tam Gia),
Phan Thanh Giản, Kiều Oánh Mậu, Kỳ Đồng, Ngô Thế Vinh,
Ngô Đình Thái, Dương Khuê, Dương Bàng…vẫn chưa
được dịch hết, đó là chưa kể trong số các tác giả
nói trên có người chưa từng được dịch bài nào ra quốc
ngữ, khiến cho cái tên ta nghe mà tưởng chừng họ là người
Trung Quốc..…
Cái khổ Việt Nam ta là
nước nhỏ, văn hóa thì chịu ảnh hưởng của nước lớn,
chữ viết cũng lấy của họ làm của mình một thời gian
dài trong quá khứ. Bây giờ thì con cháu họ dầu xa lạ
với thứ chữ đó nhưng gia sản văn hóa của ông cha không
thể xổ toẹt, coi như không có. Ai có chút Hán học, phải
bỏ công dịch tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam ra
chữ quốc ngữ để chúng ta cùng hgiểu xem xưa kia ông bà
mình nghĩ gì, tình cảm ra sao….
Đó là chuyện phải làm.
Đã đến lúc ta nên quay
trở về góp công sức để giới thiệu nền văn hóa của
dân tộc, ít nhứt là với người Việt Nam ta, nếu sau nầy
có điều kiện, các học giả Việt của thế hệ di dân
2, 3, 4…n,… viết và giới thiệu những bản dịch nầy
bằng ngôn ngữ nơi họ sinh sống thì còn gì đáng vui mừng
bằng. Và quyển sách dịch thơ của Cao Bá Quát của giáo
Sư Thái Trọng Lai cung cấp cho chúng ta những điều ban đầu
cần thiết đó. Ông dịch một tác giả Việt Nam bậc thầy và dịch
bài nào cũng hay cũng lột hết ý của tác giả….
Thơ văn Cao Bá Quát đã được
dịch nhiều lần rồi, không kể thời tiền chiến ở Bắc
mỗi người dịch một ít, thời Việt Nam Cộng Hoà, Sa Minh
Tạ Thúc Khải dịch gần như toàn bộ rồi, và gần đây
Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ở Sàigòn cũng dịch lại
nữa.
Tại sao lại còn có công
trình của Giáo Sư Thái Trọng Lai? Theo tôi có thể là ông
thấy tác giả nầy quả thiệt như đời xưng tụng là thánh thơ, nghĩa là
ý tứ cao thâm, từ ngữ vi diệu mà mỗi người chỉ cảm
nhận được một ít, thiệt chẳng bỏ công dịch lại lần nữa, chú lại lần nữa,
đem ra ánh sáng những gì thánh thơ đó cảm nhận lần
nữa.
Đọc thơ văn chữ Hán hiểu
hết ý tại ngôn ngoại
là điều thích thú nhưng không phải lúc nào cũng đạt
được. Chẳng hạn như bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu của
Nguyễn Du trong Thanh Hiên Thi Tập,
tác giả tả trăng coi đó là
người con gái đẹp chứ không phải như
người con gái đẹp. Tác giả nói: bây giờ đêm rằm tháng
Giêng nàng
đang soi sáng nhà ai, có soi sáng nơi vợ mình ở xa xôi chăng
(nhớ vợ), có thấy cảnh huynh đệ mình ly tán chăng (thương
gia đình mình), có soi được tấm lòng buồn bã của mình
bây giờ đây sau những biến đổi chăng (tự thương thân).
Nguyễn Du dùng chữ thiền quyên 嬋娟, chữ nhữ 汝 (mày, nhà ngươi, em) để chỉ
mặt trăng mà có người dịch lại cho rằng chữ nhữ 汝 chỉ vào chính Nguyễn Du!
Vấn đề theo tôi không nằm trong sự đúng
sai mà là do người dịch đã chọn chữ không thuyết phục
được người xem. Đọc suốt quyển sách Tuyển Dịch Thơ Chữ Hán
Cao Bá Quát của Thái Trọng Lai tôi không có nhiều
sự-bực –mình-vì-không-đồng-ý tương tợ như sự kiện
trên. Đó là ưu điểm lớn, kế bên ưu điểm thơ ông dịch
có nhiều thi vị. (xin không dẫn chứng chi tiết chỗ nầy,
vì vấn đề thời giờ và để sự thích thú khám phá cho
người đọc quyển sách của ông Lai.) Hai ưu điểm trên
nói thì coi như nhỏ
nhưng thực sự muốn đạt được điều nầy người dịch
phải có nội lực chữ Hán
thâm hậu và có khả năng vận dụng vần điệu thiệt tân
kỳ, dễ như lấy chữ trong túi, giúp cho người đọc dễ
lý hội, từ đó hiểu rõ hơn con người phản kháng
Cao Bá Quát mà thơ Nôm của ông chỉ là những vệt nắng
soi qua khóm lá của ánh sáng mặt trời…
Và đây là điều hân
hạnh cho người giới thiệu…
Ghi chú sau buổi nói chuyện:
1. Hôm đó phần GS Lê Văn Khoa nói chuyện về tác giả đã nhấn mạnh
rằng ông Thái Trọng Lai là một người gàn đời nay giới thiệu về thơ của
một người gàn đời xưa. Có sự đồng cảm của người nay thì việc giới thiệu
thơ của người xưa sẽ tinh tế hơn.
2. Luật sư Trần Thanh Hiệp thì cho rằng Cao Bá Quát là người đầu
tiên đứng lên tranh đấu cho tự do, tự do hành động và nhất là tự do
phát biểu. Đi tìm hiểu những phản kháng của Cao Bá Quát là điều đáng làm
trong lúc nầy, lúc mà tổ quốc chúng ta cần có tiếng nói của người phản
kháng, người đòi tự do ngôn luận và tưởng.
3. Diễn giả NVS đề nghị để cho những bản dịch thơ Cao Bá Quát
được lưu truyền rộng rãi hơn thì nên cho lên mạng nào đó để nhiều người
có dịp truy cập, chứ bản in chữ nhỏ quá và lại không có mục lục từng bài
người lớn tuổi khó lòng đọc tường tận….
_________________________________
(Victorville, CA, Sept.15, 2012)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire