caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 20 juillet 2014

Bút Xuân Trần Đình Ngọc thuật tiếp bài "Chôn Sống" để biết "Sống Với Người Chết " có khác nhau không ?

Đọc lại câu chuyện thương tâm lần trước với link bên dưới.
Hãy để tâm hồn mình theo ngoì bút của anh Bút Xuân nhé.
Caroline Thanh Hương

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/07/truyen-ngan-chon-ung-but-xuan-tran-inh.htmlSống Với Người Chết

 

        
   (tiếp theo Chôn Đứng) 

* Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Mùa hè hai năm sau, vào dịp học sinh nghỉ hè, một buổi trưa, ông Tú và hai đứa con  từ Hoa Kỳ về, lại có dịp đến bến xe Bình Tây.

Ngổn ngang là xe, đậu chẳng có thứ tự gì, mạnh ai nấy đậu. Xe đò chạy diesel xả khói mịt trời. Có xe khá đông khách nhưng vẫn chưa đi, lơ xe còn đi bắt thêm mối, tài xế ngồi sau tay lái uống la-de tỉnh bơ. Có cái mới mươi người khách thì lơ xe la bài hải như có cháy nhà:”Gò đen, Bến lức đi ngay đây. Lên xe, lên xe mau. Ông cụ kia, đi không?” Vài câu chửi thề tục tĩu vì hụt khách của mấy lơ xe khác.


Hàng quán bán rong nườm nượp. “Ai mía ghim đây.” Ai nước trà đường” “Phở bò viên đây.” “Bò bía tôm thịt lạp xưởng” thêm tiếng lách cách của cái kéo lớn anh hàng thịt bò khô vang lên mời khách và cái chuông reng reng của anh bán kem cây. Mấy chị hàng bún, hàng cháo huyết, cháo lòng, mì thập cẩm, bánh canh, xôi vò chè đường ...ngồi hếch mắt nhìn người qua kẻ lại luôn miệng mời khách, tay cầm cái que dài có buộc ở đầu một chùm lá tre để đuổi ruồi nhặng bay như ong từ bãi rác to như cái nhà ba tầng gần đó, mùi rác thối sau cơn mưa đêm qua, nắng hong lên tạt vào mũi kẻ qua người lại phải nín thở đi cho mau. Vài con bé gầy gò khoảng 12, 13 quần áo lếch thếch, cái khăn lau vắt vai,  đang rửa tô rửa muỗng cho mẹ chúng bán cháo lòng, bánh canh sau khi người khách ăn xong, cứ một xô nước đó chúng rửa từ sáng đến lúc hết gánh cháo, gánh bún.  

Hàng chục lời rao khác quyện vào nhau cùng với tiếng động cơ xe đò, xe nhỏ, xích lô máy, tiếng cưa máy một nhà máy cưa ở ngay cạnh, khói bụi mịt mù, tiếng còi xe, không có chuyện gì cũng bóp còi, tất cả làm thành một bản nhạc tả pí lù liên tu bất tận nghe mệt tim, điếc tai, mờ mắt. Ông Tú thầm nghĩ sao ô nhiễm quá thế và lắm người nghèo quá thế? Người nghèo nhiều, xã hội khó yên vui. Tệ trạng xã hội phát sinh cũng từ nghèo mà ra: trộm cắp, tham nhũng, hối lộ, đĩ điếm!

Ông Tú trông vẫn như trước nhưng hai đứa con thì lớn hẳn lên, khác xa lần về trước. Cô con gái tên Jennifer nay đã là một thiếu nữ đôi tám xinh xắn, má đỏ, môi hồng. Jen không trang diện nhiều nhưng với nước da trắng bóc, đôi mắt to đen như mắt cô siêu mẫu Cindy Crawford, mái tóc dài đen mượt thả xuống ngực và khuôn mặt thật xinh, cái quần jean xanh và cái sweater mầu hồng nhạt duyên dáng, Jen làm cho bất cứ ai nhìn Jen cũng phải ngắm nghía ghi nhớ hình ảnh. Cậu em trai là John, trắng trẻo, thông minh, cao lớn gần bằng cha tuy bé ngang hơn.

Khi ba cha con đang đứng nghểu nghến bàn tính chuyện nên đi ngay hay nên dùng bữa, ông Tú lấy cell phone ra bấm thì hai anh lơ xe nhào tới, một anh giật cái xách tay John đang cầm, anh kia giật cái xách tay ông Tú cầm:
“Dạ thưa chú, chú đi đâu?”
“Chú lên xe con!”
Ông Tú phải tắt tạm cái cell, tay ông nắm quai cái túi xách vừa bị giật:
“Để cha con tôi suy nghĩ một chút, chưa đi ngay đâu!”
John cũng nắm lấy quai cái túi xách. Hai anh lơ phải buông tay.
“Chú cần đợi ai thì chú lên xe con ngồi cho đỡ mỏi chưn!”
Ông Tú ôn tồn:
“Để chú suy nghĩ chút mà!”

Hai anh lơ tiu nghỉu bỏ ra đứng xa xa nhìn lại. Làm cái nghề này thật khổ, chủ xe giao cho ngày phải chèo kéo được bao nhiêu khách, không đủ số bị trừ lương. Vì vậy hễ thấy khách xách vali, xách cặp tới là ra tranh giành cho bằng được. Có khi vì tranh khách mà đánh nhau làm Cảnh sát bến xe lại phải can thiệp.

Vừa lúc đó có một đứa con gái bán vé số nhào tới. Mặt mày nó dễ coi nhưng quần áo tồi tàn quá. Cái quần đen đã bạc, vài chỗ vá. Cái áo ngắn cũn cỡn không phải của nó mà có lẽ của một đứa nhỏ hơn, nhìn thấy cả lưng. Đôi mắt tinh nhanh và nụ cười tươi làm người đối diện có cảm tình nhưng trông con bé thật bệ rạc, nghèo khổ. Nó chìa xấp vé ra trước mặt ông Tú:
“Thưa bác, mua dùm con mấy tấm vé số, vé sắp xổ!”
Ông Tú nhìn con bé. Ủa nó có cái nét hao hao một đứa bé nào mà ông đã gặp nhưng chẳng nhớ ra? Những đứa trẻ ông gặp thiếu gì! Nào sứt môi, lé mắt, bại xuội, què tay, cụt chân ông đã vào hai, ba Viện mồ côi ở Sàigòn và Huế, nhìn thấy rất nhiều, làm sao nhớ được? 
“Cháu bán vé số ở đây lâu chưa?”
“Dạ, thưa bác cháu bán ở đây khoảng hơn một năm rồi.”
Ủa, lại giọng nói! Nó giống giọng nói một đứa nào ông nghĩ mãi không ra. Con gái ông, Jennifer, nhìn con bé và nói với ông Tú cái gì làm ông chợt nhớ lần về hai năm trước, ba cha con ông cũng đứng ở bến xe này mua vé số cho một thằng bé cũng cỡ tuổi con bé này. Ông đã quên tên nó, hôm đó nó bị xe đụng chẳng biết nay nó khỏi chưa? Ông nghĩ hỏi con bé này may ra nó biết.  
“Cháu có biết một thằng bé cũng khoảng tuổi cháu, cũng bán vé số ở bến xe này , cách đây hai năm bác đã mua vé số cho nó, giọng nói của nó giống cháu lắm...”
Con bé đáp mau:
“Thưa bác, có phải tên là Lớn không?”
Ông Tú nghe nhắc nhớ ngay:
“Phải, phải, đúng tên nó là Lớn. Cháu biết nó hả?”
“Thưa bác, Lớn là anh cháu!”
“Bây giờ nó ở đâu? Nó đi làm nghề khác rồi sao?”
Con bé rầu rầu:
“Anh Lớn của cháu chết rồi bác à!”
Ông Tú giật mình, cả hai người con ông Tú nãy giờ vẫn theo dõi câu chuyện giữa cha với con bé bán vé số nghe Lớn chết đều giật mình. (hai đứa con ông Tú nóí không thạo nhưng nghe tiếng Việt tạm được, dù nhiều chữ chúng không hiểu)
“Ủa, vì sao Lớn chết hả cháu?”
Con bé rụt rè:
“Thưa bác, có phải bác là bác Tú không?”
“Ừ, sao cháu biết tên bác?”
“Anh Lớn trước khi chết nói với ba má cháu là bữa đó bác mua vé số cho ảnh, lại cho ăn phở và uống cà-phê. Anh về nhà được một lát thì bất tỉnh, đưa vào bệnh viện người ta bảo ảnh bị nứt sọ...”
Ông Tú thấy câu chuyện có vẻ dài:
“Vào quán nước kia bác mua nước cho uống rồi kể cho bác nghe!”
Ông Tú đi trước, con bé bán vé số và hai đứa con ông Tú theo sau. Ông kiếm một hàng ăn trông sạch sẽ hơn cả. Giờ này khách cũng thưa. Ông bảo con bé ngồi cùng ba cha con ông vào một cái bàn nhỏ. Cô hầu bàn nhanh nhẹn đưa thực đơn ra.
Cô chỉ khoảng ngoài đôi mươi, trẻ măng như cô nữ sinh mới xong trung học. Quần jean, áo sơ mi trắng hở cả bụng, môi bôi son đỏ lòm. Cô hỏi ông Tú:
“Thưa anh, anh dùng gì?”
Ông Tú thấy cô hầu bàn gọi mình bằng anh thì hơi lạ và ngượng. Chỉ có con Ti là thấy điều đó còn hai đứa con ông Tú không có phản ứng chi. Ông Tú bảo cô hầu bàn:
“Cho 5 phút rồi trở lại nhé!”
Cô hầu bàn qua bàn khác. Ông Tú hỏi con bé bán vé số:
“Tên con là gì?”
“Tên con là Ti, thưa bác.”
“Con ăn gì kêu đi, bác đãi con.”
Ông Tú nói tiếng Anh với hai con. Jennifer và John cũng cầm Menu lựa thức ăn.
Cô hầu bàn bưng ra bốn ly nước đá lạnh. Cô cầm cuốn sổ với cây bút trong tay:
“Anh dùng gì?”
Lần này ông Tú không im lặng nữa. Ông bảo cô hầu bàn:
“Cháu nhìn chú bao nhiêu tuổi mà dám gọi là anh? Biết chú bao nhiêu không?”
Cô hầu bàn hơi ngượng:
“Thưa..., chủ dặn em hễ đàn ông ai cũng phải gọi là anh xưng em cho khách vui lòng, cho “boa” nhiều vì...vì nhiều ông cụ Việt kiều già khú đế bảy tám mươi vẫn còn thích được gọi là anh với em. Em không gọi thế em bị đuổi! Thông cảm cho em!”
Ông Tú hiểu ra:
“Ừ thì chú thông cảm cho cháu. Nhưng với chú thì nói trống không thôi chứ đừng anh anh em em, nghe không?”
“Thưa, thưa vâng. Thưa,...gọi món gì ạ?””
Ông Tú bảo:
“Cho chú chả giò rau sống với bún.”
Cô hầu bàn nhìn Jennifer. Jennifer nói:
“Give me also egg roll and noodle, please!”
Cô hầu bàn không hiểu. Ông Tú phải nói:
“Cho Jennifer chả giò giống như của chú!”Quay qua đứa con trai, “How about you, John?”
“Me too, Dad!”
Con bé Ti thấy đến phiên mình, nó nhìn lên:
“Chị cho em tô bún bò giò heo!”
“Tô lớn, tô nhỏ?”
Con bé Ti chưa kịp nói thì ông Tú bảo nó:
“Tô lớn nhé, ăn không hết để lại.”
“Có huyết hay không có huyết?
“Có, chị.”
Cô hầu bàn đi rồi, ông Tú gợi chuyện:
“Thôi, sắp bữa ăn, bác không cần con kể cho bác nghe về Lớn. Thế gia đình con ở đâu?”
“Ở hơi xa, thưa bác.”
“Lát nữa con đưa bác về thăm gia đình con nhá!”
“Thưa bác vâng.”
Cô hầu bàn bưng thức ăn lên. Ông Tú bảo Ti:
“Ăn đi con, ăn tự nhiên đi.”
Ông cũng bảo Jennifer và John cầm đũa. Ông gọi cho mình một ly cà phê sữa, ba ly sữa đậu nành cho hai đứa con và con Ti. 
Bốn người vừa bắt đầu ăn thì một người đàn ông chỉ khoảng ngoài 40 dắt một đứa con trai độ 10 tuổi đến. Người đàn ông tay chân lành lặn chỉ phải cái quần áo rách nát và quá hôi hám. Anh ta đứng gần ai người đó phải bịt mũi hoặc chạy xa. Đứa nhỏ chân đi khập khiễng cà giật cà giẹo nhưng mắt nó láo liên, rà quét trên các bàn xem còn đồ ăn thừa khách bỏ lại. Một cái bàn cách mấy bước khách mới đứng lên, hầu bàn chưa dọn kịp, thằng nhỏ vuột khỏi tay người đàn ông cà nhắc lết đến. Nó vồ lấy cái đĩa còn chút đồ ăn, dùng tay bốc bỏ vào mồm ăn nhồm nhoàm. Chưa nuốt xong miếng đồ ăn, nó chụp tô nước súp còn lưng tô húp sùm sụp. Người đàn ông đang tả oán xin tiền ông Tú, bỗng thấy thằng nhỏ sút tay đi ăn đồ thừa, anh ta nổi giận lại chịt lấy hai nách thằng nhỏ quăng nó ra giữa nhà rồi cứ thế anh ta đạp đánh nó tàn nhẫn, vừa chửi Đ. M. mày, Đ. M. mày tao đã cho mày ăn đâu mà dám nhào vào ăn hả? Hả? Thằng nhỏ đau quá tru tréo lên: “Con lậy dượng, con lậy dượng, tha cho con, con đói quá, đừng đánh con nữa…Hu hu hu.”
Ông Tú phải buông đũa đứng lên. Ông bảo người đàn ông:
“Thôi, anh đừng đánh nó nữa, nó đã què quặt…”
Người đàn ông tỏ vẻ rất lễ phép, anh ta nhìn là biết ông Tú là Việt kiều:
“Thưa chú, cháu đang xin chú tiền để mua cho cháu và nó mỗi người bát bún bò thì nó làm như chết đói vậy đó…Từ trưa qua tới giờ cháu chưa có gì bỏ bụng còn nó thì đã có một khúc bánh mì.”
Nếu ai đi theo thì biết anh ta nói dối. Chính anh ta có khúc bánh mì thịt còn thằng nhỏ đói meo từ trưa qua tới nay.
Ông Tú bảo:
“Anh và thằng nhỏ lại bàn kia ăn mỗi người tô bún rồi tôi trả tiền.”
Người đàn ông kéo thằng nhỏ đứng lên tính lại cái bàn gần bàn ông Tú nhưng rồi lại đổi ý:
“Chú cho cháu tiền, cháu với nó ra ngoài ăn cơm bụi, đỡ tốn hơn.”
Ông Tú đành phải móc ví lấy tiền Việt trao cho người đàn ông.   

Suốt bữa ăn, ông Tú chỉ nói tiếng Anh với hai con. Ông để Ti ăn cho ngon miệng. Con bé nghĩ là nó đã lên thiên đường như người ta hay nói. Bún bò giò heo nó được ăn đã lâu lắm rồi; nó nhớ và thèm nhưng ở đâu ra 18,000 để nó ăn một tô cho sướng miệng? Tô bún bò năm xưa là do ba nó bữa đó đi khiêng tủ lạnh cho một người Việt mới ở ngoại quốc về. Ba nó đã nhanh trí không thì cái tủ lạnh rớt từ xe ba gác xuống, méo mó hết. Vì thế mà ông Việt kiều thưởng cho ba nó 10 đô-la.  Ba bèn chở cả nhà đi ăn bún bò giò heo một bữa. Vì thế bây giờ nó còn nhớ.

Bữa ăn đã xong, bốn ly nước để trước mặt.  Ông Tú hỏi Ti:
“Con còn bao nhiêu vé số?”
“Thưa bác, con mới bán được 15 vé, còn lại 185 vé.”
“Đưa bác coi.”
Nó dùng cả hai tay trao 4 xấp vé số cho ông Tú. Ông Tú nhìn số tiền 1,000$ trên mỗi tấm vé, ông làm tính nhẩm rồi trao cho Ti 50 đôla:
“Tiền vé của con là 185,000; 50 đô của bác theo thời giá là 800,000. Số còn lại, bác cho con. Cẩn thận kẻo mất nhé.”
Con Ti đỡ lấy tờ 50 đô, tay nó run run bỏ vào túi xong cài kim băng cẩn thận. Cả đời nó chưa trông thấy tờ 50 đô Mỹ bao giờ mà cũng chưa cầm món tiền Việt nào lớn như thế!
Ông Tú lại két thanh toán tiền ăn, ông bỏ tiền “boa” hậu hĩ trên mặt bàn rồi bảo ba đứa trẻ:
“Thôi ta đi!”
Đứng ở hàng hiên cửa tiệm, ông Tú hỏi Ti:
“Bây giờ con có muốn dẫn bác về cho biết nhà con không?”
“Dạ được thưa bác.”
Ông Tú kêu chiếc taxi. Xe ép sát bờ lề.
“Về đâu con?” ông Tú hỏi.
Ti đáp cho cả ông tài xế nghe.
“Thưa bác, nhà con ở ngay nghĩa địa “Đồng Sạn”!

Ông Tú hơi ngạc nhiên nhưng không muốn hỏi, ông để người tài xế lo lái. Khoảng chục km thì xe ngừng, ông Tú móc ví lấy tiền trả taxi và cho “boa”. Con Ti dẫn ba cha con ông Tú đi cái cổng nhỏ vào trong nghĩa địa. Đi vòng hẳn ra phía sau nhà xác, Ti chui qua một lùm cây rậm rạp, qua vài chục cái mả xây rồi luồn vào một ngôi mộ xây hơi lớn hơn những cái khác. Ông Tú và hai đứa con cũng theo chân Ti. Ông Tú không sao nhưng hai đứa con ông thì có vẻ ngại ngùng thấy rõ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ chúng chưa đi luồn vào hang hốc mồ mả như thế này bao giờ.
Mấy năm gần đây người Việt có sự ưa thích là phải xây mộ cho người chết cho thật đẹp. Người ở quê thư từ cho thân nhân ở Mỹ hay Âu châu đề nghị nên xây mồ mả cho ông bà cụ kị bởi “Sống vì mồ vì mả, không sống vì cả bát cơm”. Nếu về được thì tốt bằng không cứ gửi tiền. Tiền càng nhiều, mồ càng cao, mả càng dài, lại tô đá rửa, đá mài, có hình người chết và tên tuổi, ngày tháng sinh và mất. Có Thánh giá hoặc chữ Vạn, có bình bông cắm hoa, có trồng cây xung quanh. Có con cháu ra viếng mộ mỗi lễ tết hoặc ngày kị, có tụng kinh, đọc kinh, dâng lễ và ăn uống để tưởng nhớ người quá cố…Nhiều đại gia tiền dư thóc thừa còn xây cả một ngôi nhà thờ họ vĩ đại như một ngôi chùa có người quản đền quanh năm hương khói. Làm tổ tiên, ông bà, cụ kị những người giầu có, thế lực cũng sướng! Trái lại kẻ nghèo kiếm miếng cơm không xong đâu dám nghĩ đến mồ mả tổ tiên là những thứ quá xa vời với họ.Như nhà con Ti, bố mẹ nó đưa con cái vào đây để đụt nắng che mưa qua ngày.  

Nghĩa trang ở Mỹ không có những ngôi mộ xây. Mộ nào cũng có một khoảng đất trồng cỏ xanh mướt bằng cái chiếu, phía đầu người quá cố dựng một cây thập tự trắng trên ghi tên họ, ngày tháng năm sinh và năm mất là xong. Ngày lễ tưởng niệm mỗi năm, hoặc những lúc muốn thăm viếng, con cháu mang hoa ra phần mộ đọc kinh, thắp hương tưởng nhớ. Giầu hoặc nghèo, quyền chức hoặc dân thường nằm chung với nhau, bề ngoài như nhau không làm ai cảm thấy tủi.

Dăm, bảy đứa trẻ đang nô đùa với nhau trong vòng rào một ngôi mộ khác; chúng thấy Ti, vời Ti vào chơi với chúng nhưng Ti lờ. Rồi Ti luồn vào phía hông hai ngôi mộ trắng kế nhau. Vài tấm bạt ni-lông xanh căng tựa vào thành hai ngôi mộ hai bên, dăm ba cái thùng gỗ và cạc tông chắn bên dưới cho khỏi trống. Cây cọc tre cao vài thước dùng nâng tấm ni-lông lên giống như cái mái nhà, ngộ có mưa thì nước róc đi. Gió nhỏ nên tấm ni lông chỉ hơi di động. Một góc bên trong lều là ba hòn gạch làm đầu rau trên có một cái nồi đen thui, củi tạ ở dưới đang ngún cháy, những mảnh khói ẻo lả bốc lên.
Ti cúi người chui vào gọi cha. Người đàn ông đang nằm trên một cái ghế bố nhà binh Mỹ, nghe con nói có khách thì nhỏm dậy.

Đó chính là chú Cải, ba thằng Lớn. Chú Cải nhìn ba cha con ông Tú đứng dưới cái bạt xanh, vừa mừng vừa ngại ngùng, chẳng có chỗ nào tiếp khách. Ông Tú mau mắn:
“Chào anh, tôi là Tú. Phải anh là ba cháu Ti?”
“Dạ thưa phải, tôi chẳng có chỗ nào để ông ngồi.”
“Tôi còn trẻ như anh. Xin cứ kêu tôi là anh. Tôi gặp cháu Ti ở bến xe Bình Tây mới biết cháu Lớn đã mất. Tôi đến thăm anh chị và các cháu. Thế cháu Lớn vì sao mà mất?”

Chú Cải thuật sơ lại từ lúc Lớn về nhà bữa hôm đó, đem 50 đô la về, nói lại cho tía má nó biết nó đã gặp một ông Việt kiều tên Tú; ông đã cho ăn phở và uống sữa đậu nành. Rồi Lớn bất tỉnh phải đưa đi nhà thương cho đến khi an táng.
“Thế nhà anh đâu mà phải ra ở nghĩa địa này?”
“Thưa anh, tôi không có tiền chuộc cái xe để làm phương tiện nuôi sống gia đình và mỗi tháng phải trả tiền lời 80,000 về số tiền an táng cho cháu. Sau 6 tháng tôi không trả được đồng lời nào nên họ áp lực phải ra khỏi nhà để họ lấy nhà.”
“Ủa, cái nhà ấy nhiều tiền hơn số nợ chứ? Họ phải trả thêm cho anh chứ?”
“Họ nói rằng khi nào họ bán được nhà họ sẽ khấu trừ hết mọi khoản, còn thì họ mới trả cho mình! Giờ này họ cho người nhà họ vào ở, biết bao giờ họ bán được? Giả sử họ bán được thì số tiền lời sinh ra quá cả tiền vốn. Làm gì còn để họ trả lại cho mình, thưa anh?”
“Đúng là những quân ăn cướp!”
“Thưa anh, nhưng họ có...thế lực....”
Thấy trời đã hơi muộn muộn, ông Tú cáo lỗi:
“Tôi đã biết nhà anh ở đây. Vài ngày nữa xong vài công việc, tôi sẽ trở lại thăm anh và gia đình.”


                                       o0o

Ba cha con ông Tú ra khỏi nghĩa địa vừa lúc trời chạng vạng tối. Ông kêu taxi để ba cha con trở về khu Lăng cha cả là nơi có nhà bà dì ruột. Dì ruột ông Tú có hai con trai và ba cô con gái di tản sang Na Uy từ năm 1982 trong đợt  vượt biên chui. Tất cả 5 người này đều đã có vợ chồng con cái.
Hai bữa sau, ba cha con ông Tú lấy taxi trở lại nghĩa trang Đồng Sạn. Con bé Ti đi bán vé số chưa về. Thím Cải đi làm mướn cho một nhà hàng ngày nào cũng tối mịt mới về. Chú Cải thất nghiệp nằm chèo queo ở nhà còn con Tí cho đi ở giữ em cho một người quen ở Bình Dương. Nó đã 10 tuổi, con Ti 13 và nếu Lớn còn sống, nó đã 16, có thể đi làm phụ thợ hồ cũng được ngày hai bữa cơm và dăm chục ngàn, hơn đi bán vé số nhiều.

Ông Tú về kỳ này có vài công việc. Bà mẹ vợ bệnh trầm trọng hai năm  trước (dạo thằng Lớn bị xe đụng) ông về ở cả tháng bà không khỏi, cũng không đi. Khi ông trở lại Mỹ được khoảng 10 ngày thì mấy người em báo tin bà qua đời. Dù muốn về đưa mẹ nhưng ông Tú đã hết vacation, ông đành phải gửi ít tiền về cho mấy người em vợ ông lo đám ma cho bà già. Vợ ông mất tại Mỹ, cách đây đã dăm năm, ông gà trống nuôi con cho đến ngày nay. Về Việt Nam hai chuyến, nhiều người mai mối cho ông những cô gái còn rất trẻ, có nhan sắc và có cô đang học Đại học nhưng ông Tú từ chối. Ông nói không kham nổi. Ông cũng sợ lại có thêm con ra, rồi con anh, con em nó đánh con chúng ta thì rất phiền. Có phụ nữ chỉ cần sang Hoa Kỳ, họ chịu mất tiền cho ông Tú để làm hôn thú giả, sang tới Hoa Kỳ sáu tháng là xé nhưng ông Tú sợ pháp luật và sợ tù. Ông bảo thôi ít tiền thì chịu vậy, tham ăn tiền đâu chẳng thấy rước cái lo vào mình.

Việc thứ hai ông Tú cần làm là dò hỏi để kiếm cho vợ chồng người bạn thân chưa có con một đứa con nuôi. Vợ chồng ông Bào lấy nhau đã lâu, mong một đứa con nhưng bà vợ không sao có bầu. Họ bàn với ông Tú. Ông Tú nói hay là kiếm một đứa con nuôi? Hai vợ chồng ông Bào đồng ý giải pháp này nhưng phân vân không biết nên xin một đứa bế ngửa hay đứa đã lớn?

 (còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc                               


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire