caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 14 juillet 2014

Giả nhơn, giả nghĩa, câu chuyện của Somaly Mam


Thế giới ngày nay thích được nghe, thấy những câu chuyện đẹp, tốt lành nhất.
Khó ai đoán được có những người hay tập đoàn mượn danh nghĩa nhân đạo để moi tiền những ai tin vào họ mà không biết kiểm chứng trước khi gửi tiền đến những người hay cơ quan trá hình này.
Đọc để thấy cả thế giới đều tin vào sự giả dối của Somaly Mam.
Caroline Thanh Hương




Gần cuối năm 2012, khi đi Campuchia, Malaysia để viết về những cô gái Việt Nam bị lừa sang bán dâm ở xứ người, tôi đã được một bác sĩ ở Bệnh viện Rasmey Siem Reap và Thẩm mỹ viện Master, Phnôm Pênh, giới thiệu gặp bà Somaly Mam, người “nữ anh hùng” đã lập ra Quỹ Somaly Mam với mục đích cứu giúp gái mại dâm ra khỏi những nhà chứa, và đã được thế giới phong tặng nhiều giải thưởng danh giá.
Trong lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy rồi nghe qua cuộc đời bà, tôi đã định sẽ quay lại Campuchia để viết về bà, về Quỹ Somaly Mam - nhất là khi biết bà sẽ triển khai quỹ này tại Việt Nam nhưng chưa kịp thực hiện thì đầu tháng 6 vừa rồi, tôi lại nghe thêm một thông tin như sét đánh, rằng Somaly Mam là người đàn bà đã lừa cả thế giới…
1. Nằm nép mình gần bờ sông Mê Kông, giữa những cánh đồng rộng mênh mông, nhà Somaly (Somaly House) thuộc tỉnh Kongpong Cham trông cũng như những ngôi nhà khác của tầng lớp trung lưu ở vùng nông thôn Campuchia với thiết kế tương tự như hình ngọn tháp 3 mái.

Ấy vậy mà nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới lại chú ý đến nó bởi lẽ năm 1998, ngôi nhà này là nơi nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy nghề cho khoảng 60 cô gái mại dâm đã được cứu thoát ra khỏi những nhà chứa bởi một phụ nữ tên là Somaly Mam, người sáng lập và điều hành một tổ chức phi chính phủ mang tên "Agir Pour Les Femmes en Situation Précaire" (AFESIP - tạm dịch "Cứu giúp những phụ nữ đang gặp nguy hiểm" và Quỹ Somaly Mam (Somaly Mam Foundation).
Sau này, vào năm 2010, nó được xây dựng bề thế hơn bằng một tòa nhà 3 tầng, kinh phí do các nhà hảo tâm tài trợ.
Cũng tại nhà Somaly, người ta có thể nhìn thấy các diễn viên điện ảnh lừng danh như Angelina Jolie, Meg Ryan, Susan Sarandon, Shay Mitchell, nhà báo Nicholas Kristof thuộc tờ New York Times, đã từng nhận giải Pulitzer hay Brandee Barker, cựu chuyên gia tổ chức sự kiện của Mark Zuckerberg, người sáng lập trang mạng Facebook (Barker hiện là thành viên Hội đồng quản trị AFESIP), hoặc Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Facebook (hiện là thành viên Ban cố vấn AFESIP). Họ đến để vận động quyên góp tài chính cho AFESIP và Quỹ Somaly Mam.
Chưa kể Nữ hoàng Tây Ban Nha là Sofia đã nhiều năm ủng hộ AFESIP và thậm chí năm ngoái còn vào bệnh viện thăm Somaly Mam khi nghe tin bà này bị bệnh.
Somaly Mam và những thiếu nữ được cho là đã được giải thoát khỏi nhà chứa.
Theo quy định, khách vào thăm nhà Somaly phải nộp một khoản tiền 50USD và không được chụp ảnh nếu chưa được phép. Qua lời phiên dịch của một điều dưỡng viên người Campuchia mà anh bạn bác sĩ cử đi cùng tôi, bà Mam giải thích: "Việc chụp ảnh những nạn nhân bị buôn bán và bóc lột tình dục có thể tác động nghiêm trọng đến cá nhân họ".
Vẫn qua phiên dịch, bà Mam kể tôi nghe về cuộc đời bà: "Tôi sinh ra vào năm 1970 hay 1971 gì đó ở một phum nhỏ thuộc tỉnh Mondunkiri. Lúc 10 tuổi, tôi bị một người thân của tôi hãm hiếp. Năm 14 tuổi, chính người đàn ông này bán tôi cho một nhà chứa. Gần 10 năm, tôi buộc phải "tiếp khách", lắm khi với 5 hoặc 6 người mỗi ngày. Nếu tôi phản đối, họ tra tấn tôi bằng dòng điện của bình ắc quy xe hơi".
Giữa năm 1990, dù vẫn hành nghề mại dâm nhưng chủ nhà chứa cho Mam được tự do đi lại. Bà kể: "Lúc ấy, có nhiều người ngoại quốc thuộc các tổ chức nhân đạo đến Phnôm Pênh và các thành phố khác để giúp Campuchia sau nạn diệt chủng của Khmer Đỏ".
Năm 1991, Somaly Mam gặp Pierre Legros, một nhà sinh học người Pháp: "Trong những lần gặp gỡ này, Legros đã khiến tôi thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống, đồng thời anh ấy cũng thuyết phục tôi nên từ bỏ nghề mại dâm. Vận may đến khi một cô gái cùng ở với tôi chống đối việc đi khách, bị chủ chứa bắn chết. Cảnh sát ập vào và tôi được giải thoát".
2. Cuối năm 1991, Somaly Mam kết hôn với Pierre Legros. Sau đó, Mam theo chồng về Pháp. Bà kể tiếp: "Năm 1994, chúng tôi trở lại Campuchia vì Legros được mời làm việc cho tổ chức "Thầy thuốc không biên giới" (MSF).
Chứng kiến những phụ nữ mại dâm là nạn nhân của bệnh HIV/AIDS, tôi tình nguyện công tác tại một trong những phòng khám của MSF, đồng thời giúp họ thoát khỏi các nhà chứa bằng cách cùng chồng tôi thành lập Tổ chức AFESIP và Quỹ Somaly Mam".
Vẫn theo lời bà Mam, ban đầu AFESIP gặp khó khăn rất lớn về tài chính: "Để cứu một cô gái ra khỏi nhà chứa, tôi phải nộp tiền chuộc cho chủ chứa. Số tiền này lấy ra từ tiền lương và tiền dành dụm của vợ chồng tôi".
Tuy nhiên, những hoạt động của AFESIP đã được giới truyền thông quốc tế nhanh chóng để ý, nhất là năm 1998, sau khi kênh truyền hình Pháp France 2 cho phát sóng một bộ phim tài liệu về AFESIP thì tiền tài trợ của Hãng mỹ phẩm Estee Lauder, của Ngân hàng Goldman Sachs và của hàng chục cá nhân, công ty, doanh nghiệp khác bắt đầu đổ vào.
Bà Mam nói: "Cũng trong năm đó, tôi được Tổ chức Hợp tác quốc tế bình chọn là 1 trong 7 phụ nữ nổi tiếng thế giới, được trao giải thưởng "Hoàng tử Asturias". Trong số những người cùng đoạt giải thưởng với bà Somaly Mam, còn có Emma Bonino, một cựu ủy viên Hội đồng châu Âu về viện trợ nhân đạo, và Olayinka Koso Thomas, bác sĩ người Nigeria trong hàng chục năm, đã vận động nhằm chống lại việc cắt bỏ âm vật của những bé gái ở Nigeria.
Năm 2005, Mam cho xuất bản tại Pháp cuốn hồi ký mang tên “The Road of Lost Innocence”  - (Con đường đánh mất sự ngây thơ). Rất nhanh chóng, cuốn hồi ký trở thành sách bán chạy nhất, được dịch sang các thứ tiếng Anh, Nhật, Thụy Điển và nhiều ngôn ngữ khác.
Mam vừa nổi tiếng, vừa bận rộn vì những cuộc gặp gỡ với ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, bà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, những buổi thuyết trình tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc và tại nhiều trường đại học, với Đức Giáo hoàng và với hàng trăm nhân vật quyền lực khác.
Đưa tôi xem những giải thưởng, danh hiệu mà bà đã nhận được, tôi cũng phải choáng vì đó là "Nữ anh hùng" do Đài CNN trao tặng năm 2006, "Người phụ nữ của năm 2006" của tạp chí Glamour, Pháp, "Anh hùng chống buôn bán phụ nữ" của Bộ Ngoại giao Mỹ, "Giải thưởng cho cuộc đấu tranh nguy hiểm để bảo vệ quyền trẻ em" của Hoàng gia Thụy Điển, "100 người có ảnh hưởng nhất" của tạp chí Times, "Tiến sĩ danh dự" của Đại học Regis, "100 nhà hoạt động xã hội" của tạp chí Guardian…
Bà Mam cho biết: "Năm 2011, Quỹ Somaly Mam đã nhận được 2,1 triệu USD, năm 2012 là 2,67 triệu USD. Chúng tôi đã cứu thoát và ổn định cuộc sống cho 6.296 phụ nữ Camuchia, 1.356 phụ nữ Lào và 6.675 phụ nữ Việt Nam bị ép buộc làm nô lệ tình dục".
3. Thế nhưng vẫn có người nghi ngờ về nhân thân và quá khứ của Somaly Mam. Đó là một nhà báo của tạp chí nổi tiếng thế giới Newsweek.
Sau hơn một năm tìm hiểu, Newsweek đã cho đăng tải một bài điều tra dài: "Theo chứng nhận của những người bạn học cùng thời với Mam, lời kể của ông xã trưởng, của dân làng Thloc Chhroy nơi Mam đã lớn lên và thậm chí là một người anh họ của bà Mam, thì việc Mam bị người thân cưỡng bức rồi bán vào nhà chứa suốt 10 năm là việc hoàn toàn bịa đặt".
Nơi nuôi dưỡng và dạy nghề cho những cô gái mại dâm được AFESIP "cứu thoát" tại Kongpong Cham.
Thực tế thì Somaly Mam cùng gia đình chuyển đến sống tại phum Thloc Chhroy khi Mam lên 10 tuổi. Suốt từ năm 1981 đến 1987, Mam là học sinh. Một giáo viên đã từng dạy Mam nói: "Somaly Mam là con gái của ông Mam Khon. Vì phum Thloc Chhroy nằm trong vùng kiểm soát của Chính phủ Campuchia do ông Hun Sen lãnh đạo nên Mam được đi học".
Sam Nareth, một người bạn thời thơ ấu của Mam cho biết, rằng Mam bắt đầu đến trường vào năm 1981: "Cô ấy đã tốt nghiệp Trường trung học Khchao năm 1987, và đã cùng tôi tham dự kỳ thi giáo viên ở Kompong Cham chứ làm gì có chuyện bị bán vào nhà chứa".
Không chỉ xây dựng kịch bản cho mình, Somaly Mam còn chỉ đạo một số những cô gái khác trong AFESIP, học thuộc lòng quá khứ bi thảm bịa đặt để lừa bịp giới truyền thông và các nhà tài trợ. Năm 2009, nhà báo Nicholas Kristof đã viết trên tờ The New York Times câu chuyện về một thiếu nữ có tên Long Pross.
Trong câu chuyện này, Pross bị bắt cóc rồi bị bán cho một nhà chứa. Tại đây, để ép cô phải "đi khách", chủ nhà chứa đã đánh đập, tra tấn cô. Khi Pross có thai, cô bị buộc phải phá thai, chưa kể một bên mắt của cô bị mù hoàn toàn do một tay ma cô dùng mảnh kim loại, đâm vào. Vẫn theo Nicholas Kristof, sau khi được bà Mam cứu thoát, Pross trở thành một nhân vật dũng cảm trong Tổ chức AFESIP, đấu tranh không mệt mỏi để chống lại nạn buôn người và nô lệ tình dục.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn của "nữ hoàng truyền thông" Oprah trên kênh truyền hình CNN, Mỹ, Pross nói: "Tin hay không tùy bạn nhưng mỗi lần tôi từ nhà chứa về thăm gia đình, cha mẹ tôi không muốn nhìn tôi nữa vì tôi là kẻ xấu xa…".
Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn khác hẳn. Bài báo trên tờ Newsweek đã cho thấy năm 13 tuổi, Pross được cha mẹ đưa đến bệnh viện tỉnh Takeo vì một khối u nằm trong mắt phải, và đã được tiến sĩ Pok Thorn phẫu thuật, múc bỏ con mắt đó, hình ảnh vẫn còn lưu trong hồ sơ bệnh án. Mổ xong, Pross vào AFESIP để học nghề. Tại đây, Somaly Mam đã biến bệnh lý của Pross thành một tội ác của nạn mại dâm.
Theo cha mẹ Pross, họ vô cùng ngạc nhiên khi nghe chuyện Pross bị "bắt cóc", bị buộc làm gái mại dâm, phải phá thai 2 lần và bị ma cô làm mù mắt. Bác sĩ Te Sereybonn, Giám đốc Bệnh viện Takeo xác nhận với phóng viên của tờ Newsweek rằng khi Pross bình phục, ông đã bảo nhân viên của mình liên lạc với AFESIP để xin cho cô theo học một chương trình dạy nghề.
"Ngôi sao" lớn nhất của AFESIP và Quỹ Somaly Mam là Meas Ratha. Năm 1998, Ratha xuất hiện trong một chương trình truyền hình Pháp và đã gây ra sự xúc động lớn với người dân Pháp. Cô kể lại cuộc đời cô đã bị bán vào nhà chứa, bị hành hạ, đánh đập, bị buộc phải "đi khách" như thế nào.
Khi tạp chí Newsweek mở cuộc điều tra, Ratha mới thú nhận rằng câu chuyện của cô đã được Somaly Mam “sáng tác” rồi yêu cầu cô thực tập hàng trăm lần cách diễn xuất trước ống kính: "Trong số hơn 10 cô gái ở AFESIP được bà Mam tuyển lựa để lên sóng truyền hình Pháp, bà ấy chọn tôi vì tôi làm rất khéo những điều này".
Cô nói với tờ Newsweek: "Cha mẹ tôi có 7 người con. Vì nghèo quá nên họ đã gửi tôi đến AFESIP để học nghề. Tôi phải miễn cưỡng trở thành một mại dâm trẻ em vì bà Mam nói rằng nếu tôi muốn giúp đỡ những phụ nữ khác, thì tôi phải trả lời cuộc phỏng vấn sao cho nó y như thật".
Năm 2004, Somaly Mam và Pierre Lergros ly dị vì ông Lergors nhận thấy Mam chỉ dùng AFESIP và Quỹ Somaly Mam để kiếm tiền. Thế nhưng, Mam lại bịa ra câu chuyện của chính con gái mình, 14 tuổi, bị một nhóm buôn người bắt cóc năm 2006 để trả thù cho việc giải thoát nô lệ tình dục của AFESIP.
Tiếp xúc với tờ Newsweek, ông Lergros nói: "Xin hãy để cho con tôi được yên. Nó chưa hề bị bắt cóc. Nó chỉ bỏ nhà đi chơi với bạn nó khi tôi và mẹ nó ly dị. Bà ta dựng lên chuyện này để đánh bóng cho Quỹ Somaly Mam. Tôi chỉ ngạc nhiên vì sao những trò lừa bịp ấy đến nay mới bị phát giác".
Đầu tháng 6 vừa qua, bà Mam từ chức Chủ tịch AFESIP và Quỹ Somaly Mam. Huyền thoại về "nữ anh hùng" chống nạn nô lệ tình dục sụp đổ chỉ bằng một bài báo. Một số nhân viên của AFESIP cho biết nhiều năm qua, họ nghi ngờ về cách điều hành của bà Mam nhưng không ai dám nói ra vì "bà ta có quá nhiều quyền lực".
Khi được hỏi về con số phụ nữ đã được bà Mam "cứu thoát", họ nói hồ sơ số liệu, kể cả tài chính đều do bà Mam và những người thân cận trực tiếp quản lý nên họ không rõ sự thật là như thế nào…
Chiều ngày 7/6, tôi gọi vào số máy mà bà Mam đã cho tôi nhưng chỉ là giọng cô tổng đài viên trả lời bằng tiếng Campuchia, đại ý "số máy này hiện nay đã tạm ngưng hoạt động…"http://antg.cand.com.vn/Images/reddot.gif
  Vũ Cao

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire