Ông trùm
của đường dây khai nhận từ các thiết bị máy móc mua bán công khai trên thị
trường và công nghệ làm giấy tờ giả học được trên mạng Internet, đã sản xuất
ra hàng trăm con dấu giả các loại và hàng vạn phôi văn bằng giả, sẵn sàng đáp
ứng "nhu cầu" của người sử dụng. Đây là điều hết sức nguy hiểm, báo
động những lỗ hổng trong công tác quản lý đang bị tội phạm làm giấy tờ giả
lợi dụng hoạt động gây ra hậu họa khó lường…
Trí thức
sản xuất bằng cấp giả
Cầm đầu
đường dây sản xuất các loại bằng cấp, chứng chỉ giả vừa bị Công an quận Cầu
Giấy triệt phá là Lê Văn Bộ (SN 1987), quê ở Kinh Môn, Hải Dương. Bộ khai
nhận tốt nghiệp Trường đại học Mỏ, chuyên ngành cơ khí từ năm 2005. Sau khi
tốt nghiệp, Bộ làm công nhân tại một số mỏ than ở Quảng Ninh. Đồng lương thấp,
công việc vất vả, anh ta quay trở lại Hà Nội xin việc.
Với tấm
bằng cử nhân, Bộ đã đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không được công việc đúng
với chuyên môn và khả năng nên đầu năm 2012, Bộ mở quán bán cà phê đồng thời
mở Công ty CP Tư vấn và phát triển giáo dục Start do Bộ làm giám đốc ở đường
Võ Quý Huân, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy có chức năng tuyển sinh vào các
trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
Việc thành
lập Công ty Start đã giúp Bộ thu thập các thông báo tuyển sinh của
nhiều trường. Trong thông báo này có dấu, chữ ký của lãnh đạo các trường
trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc; đồng thời thu nhận hồ sơ của
nhiều học sinh. Trong các bộ hồ sơ này cũng có đủ các loại giấy tờ có
con dấu, chữ ký "mẫu" mà anh ta cần đến như bằng tốt nghiệp, bảng
điểm, học bạ cùng con dấu chữ ký của lãnh đạo các trường THPT, con dấu của Sở
Giáo dục - Đào tạo các tỉnh cùng chữ ký, tên, chức danh lãnh đạo Sở.
Cuối năm
2013, do kinh doanh quán cà phê thua lỗ dẫn đến nợ nần, Bộ nảy sinh ý đồ sản
xuất các loại chứng chỉ, bằng tốt nghiệp giả bán kiếm lời. Bộ trực tiếp lên
mạng Internet, vào các trang diễn đàn tìm hiểu rất kỹ cách dạy làm giấy tờ
giả. Sau đó, với 50 triệu đồng, anh ta mua sắm đủ các thiết bị cần
thiết như máy vi tính, máy in màu, máy scan, máy khắc dấu, máy ép plastic…
Sau 1 tuần học cách sử dụng phầm mềm vẽ trên máy vi tính, Bộ đã vẽ được hình
dấu tròn theo mẫu đúng bằng kích cỡ hình dấu cần làm giả. Máy tính được kết
nối với máy khắc dấu lazer sẽ cho ra con dấu được khắc bằng cao su.
Các phôi
văn bằng giả cũng được làm bằng phương pháp tương tự. Bộ scan các mẫu văn
bằng, chứng chỉ rồi dùng phần mềm vi tính xử lý các chi tiết, hoa văn, nội
dung trên văn bằng cho sắc nét, đặt lệnh trên máy tính kết nối với máy in màu
tự động để in ra phôi bằng, chứng chỉ giả trên bìa cứng. Để hoàn thành việc
làm bằng giả, Bộ tiếp tục đánh máy thông tin cá nhân của khách hàng, dùng con
dấu chữ ký giả, dấu tròn giả đóng trực tiếp lên văn bằng giả. Với màu mực
tươi, những con dấu giả bằng cao su đã giúp cho Bộ sản xuất ra các tấm bằng
cấp giả giống y chang như bằng cấp thật. Việc sản xuất phôi bằng tự động trên
máy vừa nhanh gọn, đơn giản nên Bộ cho "ra lò" hàng chục nghìn bản
phôi các loại theo mẫu thu thập được.
Ban đầu,
Bộ thuê nhà tại làng An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức để thành lập
"công xưởng". Sau mấy tháng mày mò nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm
thấy đã thành công, Bộ tính đến việc làm ăn lớn. Anh ta rủ cháu ruột là
Nguyễn Văn Vương (SN 1994), đang là sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội
và cháu họ Lê Văn Cảnh (SN 1985) cùng tham gia sản xuất bằng giả, trả lương
10 triệu đồng/người/tháng.
Để tránh
sự phát hiện của cơ quan chức năng, Bộ yêu cầu Vương và Cảnh thuê nhà trọ tại
xóm 6 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm rồi chuyển toàn bộ máy
móc, thiết bị, con dấu giả, phôi bằng về địa chỉ trên. Bản thân Bộ là
"ông trùm" nên anh ta không bao giờ ra mặt, giao cho Vương và Cảnh
đi giao dịch với khách hàng, giao "hàng", thu tiền với giá
trung bình 3 triệu đồng/ bằng đại học giả, 2 triệu đồng/ bằng trung cấp, cao
đẳng giả, 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ bằng tốt nghiệp THPT giả, 150 - 200
nghìn đồng/ chứng chỉ giả. Bộ lấy tên là "Đại" để che giấu tung
tích.
|
Lê Văn Bộ khai nhận hành vi phạm tội.
|
Nôn nóng
với việc làm giàu từ sản xuất, bán bằng cấp giả nên Lê Văn Bộ rất cần những
chân rết làm nhiệm vụ môi giới khách hàng cho anh ta. Bộ đã rủ thêm 2 người
bạn là Nguyễn Đình Thường (SN 1986) quê Hải Dương, là bạn học trước đây
tại Đại học Mỏ và Bùi Mạnh Hùng (SN 1984) ở Yên Bái, cử nhân kinh tế Đại học
Quốc gia cùng làm ăn. Hùng và Thường có nhiệm vụ đi tìm khách.
Việc ra
giá làm bằng giả với khách bao nhiêu là do Hùng và Thường quyết định, miễn là
trả cho Bộ theo giá gốc anh ta đưa ra. Hùng và Thường có trách nhiệm chuyển
cho Bộ đầy đủ thông tin của khách để Bộ hoàn chỉnh nội dung văn bằng giả, sau
đó giao "thành phẩm" cho hai người bạn. Sau một thời gian làm ăn,
Thường học mót được phương pháp làm bằng giả của Bộ nên có lúc anh ta chỉ mua
của Bộ phôi bằng có đóng dấu, chữ ký giả về tự soạn thảo nội dung, in thông
tin lên bằng.
Bước đầu,
các đối tượng khai nhận từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ cùng các đối tượng đã
“sản xuất” và tiêu thụ trót lọt 30 bằng tốt nghiệp giả các loại, 100 chứng
chỉ giả các loại, thu lợi bất chính trên 40 triệu đồng.
Sau một
thời gian dày công theo dõi, thu thập các thông tin về hoạt động của đường
dây sản xuất, tiêu thụ bằng cấp giả nêu trên, ngày 10-6, dưới sự chỉ đạo của
Công an quận Cầu Giấy, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận đã đồng loạt phá án,
bắt giữ các đối tượng trong đường dây khi đang giao nhận bằng giả với các
khách hàng.
Khám xét
nơi Cảnh và Vương thuê trọ, Cơ quan Công an thu giữ số lượng lớn tang vật gồm
14 máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc sản xuất con dấu giả và in ấn
bằng cấp giả, gần 100 con dấu tròn của các trường THPT, trung học chuyên
nghiệp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc, hàng trăm loại dấu tên và chức danh
các hiệu trưởng, hiệu phó, giám đốc, phó giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh…, hơn
8.000 phôi văn bằng, chứng chỉ, học bạ giả và trên 400 tem chống giả được Bộ
mua trên thị trường để dán lên bằng giả.
|
Bằng cấp giả các loại, mẫu dấu giả bị thu giữ.
|
Hiện Cơ
quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 5
đối tượng Lê Văn Bộ, Nguyễn Văn Vương, Lê Văn Cảnh, Nguyễn Đình Thường, Bùi
Mạnh Hùng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều
267 Bộ luật Hình sự; đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Cơ quan
điều tra cũng xác minh, làm rõ những cá nhân đã mua và sử dụng bằng giả,
chứng chỉ giả của các đối tượng trong đường dây để xử lý nghiêm theo pháp
luật
Cảnh báo
những lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước
Trung tá
Nguyễn Quang Huy - Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự
(PC54) Công an Hà Nội đánh giá, qua công tác giám định cho thấy phương thức,
thủ đoạn sản xuất giấy tờ giả trong đường dây tội phạm mà Công an quận Cầu
Giấy vừa triệt phá hết sức tinh vi. Các đối tượng làm giả rất chuyên nghiệp,
có kiến thức và hiểu biết sâu về tin học, công nghệ khắc dấu, in ấn, các ứng
dụng mới của công nghệ kỹ thuật số…
Trước đây,
các hình dấu được tội phạm làm giấy tờ giả sản xuất bằng phương thức
coppy scan từ hình dấu thật rồi in màu kỹ thuật số. Chữ ký giả cũng được tạo
bằng phương pháp in màu kỹ thuật số hoặc tập ký chữ ký giả. Việc làm giả trên
dễ bị phát hiện bằng mắt thường do không tạo được vết hằn chữ ký trên bản in
và mực không đồng màu như đóng dấu. Thế nhưng trong vụ án này, các công đoạn
làm giả được hoàn chỉnh "từ A đến Z", toàn bộ hình dấu và chữ ký
được tạo ra từ hình dấu giả qua phương pháp khắc dấu lazer.
Các hình
dấu làm bằng phương pháp này khi sử dụng đóng dấu trực tiếp trên văn bản rất
sắc nét, khó phân biệt bằng mắt thường do mực in đều, đồng màu. Phông chữ và
kích cỡ trên con dấu được chỉnh sửa bằng phần mềm vẽ kỹ thuật số trên máy vi
tính cho độ chính xác cao, giống với con dấu thật khiến cho việc phát hiện
ngày càng khó khăn hơn. Với công nghệ làm giả này, tội phạm có thể làm giả
bất cứ tài liệu nào chúng muốn.
Theo khai
nhận của đối tượng Lê Văn Bộ, toàn bộ thiết bị, máy móc in ấn đều được Bộ mua
công khai trên thị trường. Có thiết bị mua tại cửa hàng, có thiết bị được rao
bán trên mạng… Ngoài các loại máy in màu có thể mua ở bất cứ cửa hàng thiết
bị văn phòng nào thì riêng đối với máy khắc, anh ta lên mạng giao dịch, sau
đó đến mua tại một cửa hàng ở khu vực phố Trường Chinh, quận Đống Đa.
Theo Lê
Văn Bộ thì với một người sử dụng thành thạo phần mềm Corel chỉnh sửa, vẽ ảnh
trên máy tính như anh ta thì có thể khắc được bất cứ loại hình dấu nào theo
mẫu thu thập được.
Với
"dây chuyền" công nghệ hiện đại này, Bộ khai khoảng 30 phút thì
khắc xong 1 dấu tròn, 10 phút khắc xong 1 dấu tên, dấu chữ ký hoặc dấu chức
danh. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, với số lượng mẫu mã văn bằng, con
dấu đã thu thập được, Bộ sản xuất một lèo gần 100 dấu tên và chức danh hiệu
trưởng, hiệu phó các trường, lãnh đạo các Sở, dấu tên của các giáo sư, tiến
sĩ… cùng gần 100 mẫu dấu tròn của các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung
học chuyên nghiệp trên toàn quốc. Bộ khai chỉ không dám làm giả con dấu, chữ
ký của các trường công an, quân đội bởi dễ bị lộ, còn lại thì không trường
nào mà anh ta không dám làm giả.
Trung tá
Nguyễn Quang Huy cảnh báo, trong thời gian gần đây, tình trạng làm giả giấy
tờ, tài liệu có xu hướng gia tăng. Bất cứ loại giấy tờ nào cũng bị làm giả,
trong đó nhiều nhất là giấy khám sức khỏe giả phục vụ yêu cầu học tập, xin
việc; đăng ký ôtô, xe máy giả phục vụ việc thiêu thụ tài sản do phạm tội mà
có; giấy tờ có giá giả để lừa đảo cầm cố như sổ tiết kiệm giả, sổ đỏ giả…
Ngoài ra
còn xuất hiện việc làm giả dấu, chữ ký của công chứng viên trên các bản sao
chứng thực, gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan chức năng trong xác định
thật - giả khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch kinh tế… Trong số
359 hình dấu trên tài liệu được các đơn vị gửi trưng cầu giám định trong 6
tháng đầu năm 2014, Phòng PC54 đã phát hiện 319 tài liệu có hình dấu giả, 185
đăng ký xe giả, 2 sổ đỏ giả.
Điển hình
như vụ Vũ Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Quan hệ khách hàng cá nhân Ngân hàng
HDBank Chi nhánh Hoàn Kiếm làm giả phôi thẻ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi để
chiếm đoạt gần 10 tỉ đồng; thu giữ 72 phôi thẻ giả được làm bằng phương pháp
in màu kỹ thuật số. Hay vụ giám định phát hiện 80 giấy chứng nhận kết quả thi
đại học giả tại một trường đại học tư thục trên địa bàn Hà Nội… Đây là đường
dây sản xuất bằng giả lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn
Hà Nội.
Trở lại
với vụ triệt phá đường dây sản xuất bằng cấp giả do Lê Văn Bộ cầm đầu, từ lời
khai của đối tượng cho thấy có sự buông lỏng của các cơ quan quản lý, từ khâu
nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường đối với các loại máy móc, thiết
bị đặc biệt liên quan đến in ấn, dẫn đến việc tội phạm lợi dụng hoạt động.
Bằng cấp
giả đang là một trong những vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó
để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm sản xuất, mua bán
văn bằng giả, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý
bởi hậu họa từ giấy tờ giả là khôn lường
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire