caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 6 juillet 2014

Tài liệu câu chuyện gán điệp giữa Mỹ và Tàu, tác giả Trúc Giang MN Minnesota




 
Mỹ phát lệnh truy nã 5 tin tặc Trung cộng
Trúc Giang MN



1* Mở bài


Ngày 19-5-2014 Bộ Tư pháp Mỹ công bố tin tặc Trung Cộng đã xâm nhập đánh cắp tài liệu mật về kinh tế và thương mại, đồng thời phát lịnh truy nã 5 sĩ quan Trung Cộng về việc ăn cắp đó.
Trung Cộng phản công. Tố cáo Mỹ đã xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát trên một triệu máy tính của các lãnh đạo và người dân nước họ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trả đủa, cho rằng có hai loại tình báo mạng khác nhau: một là tìm hiểu thông tin về quân sự, chính trị để bảo vệ an ninh quốc gia, hai là ăn cắp bí mật và công nghệ kinh tế, thương mại. “Nước Mỹ không bao giờ ăn cắp kỹ thuật về kinh tế và thương mại của bất cứ ai cả. Thành công trên thị trường hoàn toàn là do năng lực sáng tạo chớ không phải do rình mò để ăn cắp”, Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder tuyên bố như thế.


Thật ra thế giới đã biết rõ tài năng tuyệt đỉnh về chôm chỉa của nước Cộng Sản nầy.

Một số nhà quan sát cho rằng trong những thập niên gần đây, Trung Cộng đã có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế và quốc phòng, bằng cách thu thập khoa học kỹ thuật của các quốc gia Tây phương.

Trung Cộng thu thập bí mật kinh tế và quốc phòng dưới nhiều hình thức, từ tin tặc đột nhập bằng đường internet đến gián điệp, trong đó có những nữ điệp viên và đặc biệt nhất là điệp viên hai mang dùng mỹ nhân kế để đánh cắp tài liệu, đó là Katrina Leung, được cho là một Mata Hari Trung Quốc thời hiện đại. Mata Hari là một vũ nữ xinh đẹp làm gián điệp đôi cho Pháp và Đức trong thế chiến I. Bị Pháp xử tử ngày 15-10-1917.

2* Lệnh truy nã năm tin tặc Trung Cộng vì lý do ăn cắp bí mật kinh tế

Ngày 19-5-2014, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã công bố một cáo trạng và phát hành lịnh tầm nã đối với 5 quân nhân của quân đội Trung Cộng về tội đột nhập đánh cắp những bí mật thương mại của sáu công ty Mỹ bao gồm: Westinghouse Electric, US Steel, Alcoa Inc., Allegheny Technologies, Solar World và Liên Đoàn ngành thép Hoa Kỳ. Những cuộc đánh cắp diễn ra từ năm 2006 đến 2014.

Ông John P. Carlin, Phó Tổng chưởng lý văn phòng Điều tra liên bang tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phơi bày bộ mặt và danh tánh của những kẻ phía sau bàn phím ở Thượng Hải đã ăn cắp thông tin bí mật của các doanh nghiệp Hoa Kỳ”.

Hành động của Bộ Tư Pháp Mỹ được cho chỉ là một biểu tượng vì không có ai bắt giữ và giao nạp các bị cáo cho chính phủ Hoa Kỳ cả.

Có ý kiến cho rằng sở dĩ Mỹ đưa vấn đề cũ rích nầy ra là để bào chữa việc Edward Snowden tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ đã xâm nhập dọ thám Trung Cộng. Thật ra thì quốc gia nào cũng có tổ chức tình báo và hành động gián điệp cả.

Tình báo là hoạt động điều tra, thu thập, nghiên cứu, tổng hợp, xử lý những tin tức, tài liệu bí mật về quân sự, chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, công nghệ của đối phương.

Gián điệp là những người thực hiện hoạt động tình báo một cách bí mật.

2.1. Danh tánh năm sĩ quan thuộc đơn vị 61398 của quân đội Trung Cộng

Danh tánh năm sĩ quan được công bố trong bản truy nã của FBI gồm có: Vương Đông (Wang Dong), Tôn Khải Lượng (Sun Kai Liang), Cố Xuân Huy (Gu Chun Hui), Văn Tân Vũ (Wen Xin Yu) và Hoàng Chấn Vũ (Huang Zhen Yu).

FBI và các cơn quan tình báo Mỹ đã theo dõi hoạt động của những tin tặc nầy và xác định họ đang ở bên trong một tòa nhà 12 tầng, đó là tổng hành dinh của đơn vị 61398.

2.2. Tin tặc đột nhập vào mạng lưới của công ty Westinghouse Electric

Tin tặc Trung Cộng đã xâm nhập vào mạng lưới của các công ty Mỹ, sao chép có hệ thống các email, và trong một số trường hợp họ còn cài cả phần mềm độc hại (Malware=Malicious software) vào hệ thống máy tính của các công ty đó.

Tin tặc đột nhập vào hệ thống máy tính của công ty Westinghouse Electric, ăn cắp được 700,000 email, bao gồm một số điện thư của ban lãnh đạo Westinghouse và chiến lược đàm phán giữa công ty Mỹ nầy với đối tượng cạnh tranh của công ty quốc doanh Trung Cộng.

Theo cáo buộc của Bộ Tư Pháp Mỹ, đơn vị 61398 đã dùng email phishing ăn cắp mật mã, truy cập vào máy tính của các nhân viên thuộc công ty, các tập đoàn rồi lấy cắp các “tài liệu nhạy cảm”.

Washington cho biết, Trung Cộng đã xây dựng một “cơ sở dữ liệu bí mật để lưu trữ thông tin đã đánh cắp được của các doanh nghiệp Tây phương, nhất là Mỹ”.

2.3. Tin tặc Trung Cộng lại tiếp tục ăn cắp thông tin

Ngày 10-6-2014 tin tặc Trung Cộng lại tiếp tục hoạt động. Công ty an ninh mạng nổi tiếng Mandiant cho biết, đơn vị 61398 mới đây lại tiếp tục xâm nhập máy tính của các công ty Mỹ, ông Richard Brejtlich, giám đốc Mandiant cho đài VOA biết như thế.

Một công ty an ninh mạng khác của Mỹ cho biết họ có đầy đủ bằng chứng cho thấy một đơn vị tin tặc khác của Trung Cộng cũng tham gia xâm nhập và tấn công các cơ quan chính phủ và các nhà thầu quốc phòng Tây phương từ năm 2007, để đánh cắp tài liệu về lãnh vực không gian, hàng không vũ trụ và truyền thông của hơn 100 công ty Hoa Kỳ.

2.4. Trung Cộng phản công

Ngày 20-5-2014, một ngày sau khi Mỹ phát lịnh truy nã, tờ China Daily phản công, tố cáo những vụ tấn công mạng của Mỹ mà Trung Cộng là nạn nhân. Từ ngày 19-3 đến 18-5-2014 đã có tổng cộng 2,077 sâu máy tính của Mỹ chiếm quyền kiểm soát trên 1.18 triệu máy tính của Trung Cộng. Tờ báo cho biết mới đây, Mỹ cho chạy 563 trang web phishing nhắm vào các trang mạng của họ.

Phishing là một dạng trang web làm nhiệm vụ dẫn người xử dụng internet tới những trang web do băng nhóm lừa đảo kiểm soát. Những trang mạng nầy rất tinh vi, trông không khác gì những trang web hợp pháp mà chúng đang giả dạng.

“Các vụ tấn công điện tử của Mỹ nhằm vào lãnh đạo Trung Quốc, thường dân và ngay cả bất cứ ai có điện thoại di động, trong khi đó, Mỹ vẫn liên tục cáo buộc Trung Quốc dọ thám và tấn cộng mạng của Mỹ. Mỹ là đạo đức giả”, tờ báo China Daily đưa tin như thế.

Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Mỹ nhằm phản đối vụ 5 chuyên viên thuộc quân Đội của họ bị tầm nã.

2.5. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ phản đòn
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, ông Eric H. Holder.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, ông Eric H. Holder nêu rõ, có hai loại hoạt động tình báo mạng khác nhau. Một bên là hoạt động tình báo do nhà nước tài trợ với mục đích thu thập thông tin về quân sự, chính trị để bảo vệ an ninh quốc gia. Bên kia có mục đích đơn thuần là ăn cắp. Ăn cắp bí mật kinh tế, thương mại. Ông Holder khẳng định: “Nước Mỹ không bao giờ ăn cắp kỹ thuật về kinh tế và thương mại của bất cứ một ai cả. Thành công trên thị trường hoàn toàn do năng lực sáng tạo chớ không phải do rình mò theo dõi để ăn cắp”.

3* Chân dung đơn vị tin tặc 61398 của quân đội Trung Cộng

Ngày 21-5-2014 hãng tin Reuters nêu nhận xét về đơn vị nầy như sau, các cuộc tấn công mạng đã khiến cho đơn vị bí mật nầy, một lần nữa, đã trở thành điểm chú ý kể từ sau khi đơn vị nầy đã lộ diện hồi năm 2013.

3.1. Tổng hành dinh của đơn vị 61398

Tòa nhà nơi đơn vị 61398 được cho là trụ sở thực hiện hoạt động gián điệp mạng.
Tổng hành dinh của đơn vị nầy là một tòa nhà 12 tầng, trông rất bình thường nằm trên Datong Road thuộc khu Pudong ngoại ô tỉnh Thượng Hải. Đó là nơi làm việc của vài ngàn nhân viên.

Năm 2013, công ty an ninh mạng tư nhân Mandiant công bố một báo cáo 70 trang đã khẳng định toà nhà nói trên là nơi đã triển khai một số lượng khổng lồ các chiến dịch do thám điện tử của Trung Cộng.

“Đơn vị 61398 là một trong những đơn vị hoạt động tích cực nhất, cực kỳ năng động và hiếu chiến” đó là nhận xét của ông Pierluigi Paganini, một chuyên gia an ninh mạng, đã sáng lập ra công ty Security Affairs (Ý).

Theo báo cáo của Mandiant thì đơn vị 61398 được trang bị hệ thống internet bằng dây cáp quang (Optical fiber) có đường dẫn tín hiệu lớn và nhanh hơn so với dây cáp ruột bằng đồng thông thường.

Nhân viên được huấn luyện những chương trình đặc biệt về tiếng Anh, cách thức liên lạc bí mật, chiến thuật an ninh mạng, tấn công điện tử…nói chung là kỹ thuật gián điệp của tin tặc. Những tin tặc nổi tiếng mang những bí danh như “Ugly Gorilla”, DOTA”, “Super Hard”.

3.2. Đơn vị 61398 chỉ là bề nổi của một tảng băng

Bà Jen Weedon, chuyên viên phân tích của Mandiant cho biết, đơn vị 61398 chỉ là bề nổi của một tảng băng, thực ra Trung Cộng đã có hàng tá đơn vị nổi bật hơn đơn vị nầy. Năm 2013, sau khi bị công ty Mandiant tung ra báo cáo về đơn vị nầy thì nó hoạt động bình thường mà không quan tâm đến che giấu dấu vết nữa. Nó được giao nhiệm vụ ăn cắp thông tin về kinh tế nước ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ.

3.3. Mối đe dọa dai dẳng nâng cao (Advanced Persistent Threat-APT)

Ngày 18-2-2013, trong bản báo cáo, công ty Mandiant đã xếp cho đơn vị nầy thuộc về mối đe dọa dai dẳng nâng cao (APT). Đó là ba tiến trình được xem như phương châm hoạt động của những đơn vị tin tặc Trung Cộng.

1). Tiến trình tiên tiến (Advanced process)
Là xử dụng kỹ thuật tân tiến, hiện đại nhất bao gồm phần mềm độc hại (malware) lợi dụng những lỗ hỏng của các chương trình để xâm nhập, đánh cắp thông tin.

2). Tiến trình dai dẳng (Persistent process).
Là xử dụng quyền kiểm soát bên ngoài để bám sát một cách liên tục, dai dẳng xem như “trường kỳ mai phục” nhắm vào các mục tiêu cụ thể để thực hiện ý đồ ăn cắp.
Bộ phận an ninh của công ty DELL cho biết, trong suốt 5 năm, từ 2007 đến 2011, đã có hơn 141 tổ chức và quốc gia nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, Canada, Anh Quốc và cả LHQ đã bị xâm nhập thu thập và đánh cắp thông tin.

3). Tiến trình đe dọa (Threat)
Mối đe dọa thường xuyên là những cuộc tấn công bí mật mà khó nhận diện ra kẻ cắp. Những công ty cung cấp vũ khí cho Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã bị tin tặc xâm nhập tạo ra một mối đe dọa thường xuyên về việc bảo mật và bảo vệ an ninh của Mỹ.

4* Những chiến dịch Trung Cộng xâm nhập đánh cắp thông tin

4.1. Chiến dịch “Shady Rat” lớn nhất lịch sử, năm 2011

Ngày 4-8-2011 hãng bảo mật McAfee công bố tài liệu về cuộc tấn công mạng được xem là lớn nhất lịch sử mà nạn nhân là 72 tổ chức chính phủ và các tập đoàn trên thế giới. Chiến dịch đó mang tên Shady Rat (Chiến dịch chuột ẩn náu).

Theo McAfee thì chiến dịch đó bắt đầu từ năm 2006 và bị phát hiện vào năm 2011, đã tấn công vào các quốc gia Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu của LHQ, ASEAN, Ủy ban Olympic Quốc Tế và nhiều doanh nghiệp có công nghiệp cao, thiết bị quân sự…đã bị tin tặc xâm nhập.

Theo McAfee thì một quốc gia đã thực hiện chiến dịch nầy, nhưng không nói tên quốc gia đó. Ông Dmitri Alperovitch, Phó chủ tịch McAfee, đưa ra một báo cáo dài 14 trang đã tỏ ra thái độ bất ngờ về sự đa dạng trong các lãnh vực bị đánh cắp thông tin và sự táo bạo của thủ phạm.

McAfee đã tìm thấy chứng cớ từ năm 2006, nhưng rất có thể chúng được thực hiện trước đó. Một số cuộc tấn công xảy ra trong thòi gian một tháng, một số khác lâu hơn.

Bọn tin tặc gởi đi những email có cài virus độc hại, còn gọi là email mồi, đến những cá nhân trong một tổ chức. Những người nầy khi nhận thơ đã mất cảnh giác, nhấp chuột vào những đường Link, đã vô tình mang virus về hoành hành trên hệ thống của tổ chức.

Ông Jim Lewis, một chuyên viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu tiết lộ rằng có nhiều bằng chứng hướng về Trung Quốc bởi vì một số lớn thông tin bị trộm rất có lợi cho Bắc Kinh.

4.2. Chiến dịch Aurora nhắm vào Google

1). Chiến dịch Aurora

Chiến dịch tấn công mạng do nhóm Elderwood Group thuộc quân đội Trung Cộng thực hiện. Ngày 12-1-2010, lần đầu tiên công ty Google công khai cho biết, cuộc tấn công bắt đầu vào giữa năm 2009, kéo dài đến tháng 12 năm nầy.

Mục tiêu của cuộc tấn công nhắm vào hàng chục cơ quan, tổ chức bao gồm: Adobe Systems, Juniper Networks và Rackspace, những tổ chức nầy công khai lên tiếng là họ bị tấn công. Ngoài ra, theo báo chí tường thuật thì còn có Yahoo, Symentec, Northrop Grumman…Nhiều công ty không tiết lộ bị tấn công vì sợ làm cho khách hàng của họ hoang mang.

2). Tin tặc tấn công vào Google

Bắt đầu bằng một tin nhắn tán gẫu chứa một liên kết (link) vô hại đến một trang web chia xẻ hình ảnh. Mã độc nằm trong trang web hình ảnh nầy sẽ theo một lỗ hỏng đến nối kết với một máy tính bị nhiễm virus, chui sâu hơn vào bên trong trang mạng Google để đánh cắp thông tin của những người xử dụng Google, bao gồm những viên chức chính phủ và những công ty cần phải đánh cắp thông tin, và cả những người bất đồng chính kiến.

4.3. Chiến dịch GhostNet năm 2009

1). Tin tặc GhostNet

GhostNet là cái tên do những chuyên viên an ninh mạng Infowar Monitor (IWM) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Munk của trường Đại học Toronto, Canada đặt cho nhóm tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính (Computer) trên toàn thế giới.

Nhóm tin tặc nầy có liên hệ với nhóm mối đe dọa dai dẳng nâng cao APT (Advanced Persistent Threat) của quân đội Trung Cộng.

GhostNet đã xâm nhập vào ít nhất là 1,295 máy tính của 103 quốc gia.

2). Khám phá

Cuộc điều tra bắt đầu từ khi văn phòng đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma ở Geneva (Thụy Sĩ) nhờ nhóm Infowar Monitor xem xét coi máy tính của họ có bị tin tặc xâm nhập hay không.

Cuộc điểu tra kéo dài 10 tháng, kết quả cho biết, đã có 1,295 máy computer đã bị tin tặc xâm nhập trong suốt thời gian hai năm.

Một số máy của Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Ấn Độ, ở Brussels (Bỉ), London (Anh) và New York đã bị xâm nhập.

30% máy tính bị xâm nhập được coi là có giá trị cao, đó là máy tính của các bộ ngoại giao, các tòa đại sứ, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các tổ chức phi chính phủ.

Máy tính của các toà đại sứ bị tin tặc xâm nhập gồm có: tòa đại sứ Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Romania, Cyprus, Malta, Thái Lan, Đài Loan, Bồ Đào Nha, Đức, Pakistan, và văn phòng thủ tướng Lào.

Máy tính của các bộ ngoại giao bị xâm nhập gồm có: Bộ ngoại giao Iran, Bangladesh, Latvia, Indonesia, Philippines, Brunei, Bhutan. Không có dấu hiệu nào cho thấy bộ ngoại giao Anh và Hoa Kỳ bị xâm nhập.

Nhóm Infowar Monitor cảnh báo: “Sự kiện khiến nhiều máy tính đặt tại các nơi quan trọng bị xâm nhập cho thấy việc dọ thám internet khá dễ dàng”.

3). Liên quan đến Trung Cộng

Các nhà nghiên cứu không tìm ra bằng chứng nào cho thấy Trung Cộng đứng sau chiến dịch GhostNet, cho nên không thể xác định họ là thủ phạm. Nhưng đa số nghĩ rằng thủ phạm chính là hắn.

5*Nước Mỹ chấn động vì hàng loạt gián điệp Trung Cộng bị phát giác
5.1. Vụ án Benjamin P. Bishop

Benjamin Pierce Bishop và bạn gái.
1) Tiết lộ bí mật quân sự của Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương

Ngày càng có nhiều vụ gián điệp Trung Cộng bị phát giác có liên hệ đến nhiều lãnh vực làm cho chính quyền Mỹ đau đầu không ít.

Hai năm phiêu lưu tình ái ngọt ngào làm cho gia đình tan nát và cuối cùng phải đối diện với bản án 20 năm nằm nhà đá gỡ lịch, đó là trường hợp của Benjamin Pierce Bishop.

Bishop, 60 tuổi, trung tá trong lực lượng trừ bị của quân đội Mỹ, là nhân viên dân chính thuộc nhà thầu quốc phòng Referentia Systems Incorporated, có hợp đồng làm việc cho Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương (USPACOM) từ tháng 5 năm 2010 đến ngày bị bắt 15-3-2013 tại văn phòng thuộc trại HM Smith, Hawaii, ra tòa ngày 19-5-2013.

Bishop bị cáo buộc tiết lộ bí mật quốc phòng cho một phụ nữ 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, hiện đang ở Mỹ, theo học chương trình cao học với Visa nhập cảnh của du sinh J-1, dành cho người làm việc và học hành trong chương trình trao đổi giữa hai nước.

Đó là cô gái mà Bishop đã gặp tại một hội nghị về các vấn đề phòng thủ quân sự trên thế giới, được tổ chức tại Hawaii năm 2011. Họ bắt đầu quan hệ tình cảm với nhau từ đó. Năm 2012, Bishop đã li dị vợ, bà nầy đang sống với con gái ở bang Utah.

2). Báo cáo của cơ quan điều tra FBI

Theo tài liệu tại tòa, Thiếu tướng Anthony Crutchfield, Tham mưu trưởng Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương, xác nhận Bishop làm việc tại bộ phận an ninh mạng (Cyber-security) cho nên biết được quá nhiều thông tin mật về quân sự của Bộ Tư Lịnh.

Trường hợp của Bishop cũng tương tự như của Edward Snowden trước kia, cũng làm nhân viên hợp đồng về an ninh và cũng ở Hawaii.

Hồ sơ FBI cho biết, từ tháng 5 năm 2011 đến tháng 12 năm 2012, qua những email, Bishop đã cung cấp cho người tình quốc tịch Trung Quốc những thông tin mật liên quan đến kế hoạch phòng thủ, vũ khí hạt nhân, năng lực phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic missile) tầm ngắn và tầm trung, hệ thống radar cảnh báo sớm tại vành đai Thái Bình Dương của Bộ Tư Lịnh nầy.

Có lần người phụ nữ nầy hỏi ông ta: “Người Mỹ biết bao nhiêu về hoạt động bí mật của hải quân Trung Quốc?”. Tuy vấn đề không thuộc phần hành của ông, nhưng ông ta ra sức tìm tài liệu mà cô gái yêu cầu.

Hồ sơ tòa án cũng cho biết, hồi tháng 11 năm 2013 nhân viên điều tra liên bang khám xét nhà ông ta ở Kapolei, Hawaii, đã phát hiện 12 tài liệu có đóng dấu mật mà ông ta không có quyền lưu giữ tại nhà. Bishop cũng đã không khai báo với giới chức có thẩm quyền về việc liên hệ với người ngoại quốc mà chức vụ của ông buộc phải làm, vì ông có quyền tiếp cận với hồ sơ mật.

Benjamin Bishop bị cáo buộc hai tội: Tiết lộ bí mật quân sự và lưu giữ bất hợp pháp những tài liệu mật về quân sự tại nhà.

FBI đã theo dõi email của Bishop suốt thời gian gần hai năm, đương nhiên là đã biết rõ lý lịch của người phụ nữ quốc tịch Trung Quốc nầy, nhưng không tiết lộ tên tuổi và địa chỉ của cô vì nhiều lý do: một là nội vụ đang ở trong vòng điều tra, hai là vụ việc thuộc vấn đề nhạy cảm của ngành tình báo. Có thể cần giữ bí mật, khi cần thì dễ dàng trao đổi “điệp viên” với nhau, như ngành tình báo thường làm.

FBI ở Hawaii không chú trọng nhiều đến việc ngăn chặn khủng bố hoặc buôn bán ma túy, mà nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ kho tài liệu bí mật quân sự to lớn của Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương ở tại đảo nầy, nơi mà mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Trung Cộng.

Nhà cầm quyền cho biết những tài liệu bí mật đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Nếu bị kết tội gián điệp thì Benjamin Bishop phải ngồi tù 20 năm.

Hai năm phiêu lưu tình ái ngọt ngào phải đối diện với bản án 20 năm nằm gỡ lịch trong nhà đá. Là thế.

5.2. Vụ án Bo Jiang

Dân biểu Frank Wolf cáo buộc Bo Jiang chuyển tài liệu về Trung Quốc với vé một chiều.
Bo Jiang là nhà khoa học Trung Quốc, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu của NASA ở Langley, bị bắt vì nghi ngờ có thể mang về nước những tài liệu quân sự tối mật và công nghệ sản xuất hỏa tiễn từ phòng thí nghiệm của NASA (National Aeronautics and Space Administration=Cơ quan quản trị hàng không và không gian quốc gia)

Ngày 15-3-2013 đặc vụ liên bang Mỹ biết được Bo Jiang sẽ rời Mỹ với vé chuyến bay một chiều về Bắc Kinh.

Ngày 16-3-2013, một ngày sau khi Benjamin Bishop bị bắt, Bo Jiang bị bắt tại sân bay Dulles khi chuẩn bị lên đường về nước. Anh nầy bị bắt vì mang thiết bị lưu trữ dữ liệu bao gồm một ổ cứng (Hard drive), máy tính chứa thông tin nhạy cảm, và bí mật của NASA mà không khai báo.

Dân biểu Frank Wolf, Chủ tịch Ủy ban đặc trách chi tiêu của Hạ Viện Hoa Kỳ, cho hay: “Người Trung Quốc có hẳn một chương trình dọ thám toàn diện từ trước đến nay, những gì họ làm hoàn toàn là mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ. Trước đây Bo Jiang đã có ý đồ chuyển những tài liệu vốn không được tiết lộ của NASA về Trung Quốc”

5.3. Vụ án “Mata Hari thời hiện đại”

5.3.1. Mata Hari
Mata Hari là nghệ danh của vũ nữ Hòa Lan tên Margaretha Geertruida (7-8-1876 – 15-10-1917), làm gián điệp nhị trùng cho Pháp và Đức trong Thế Chiến I. Bà là một vũ nữ tuyệt sắc giai nhân, trình diễn những màn vũ phương Đông, kết hợp với thoát y vũ nên rất được nhiều người ngưỡng mộ. Bà biết tiếng Anh, Pháp, Đức và Hòa Lan.

Mata Hari bị Pháp xử bắn ngày 15-10-1917. Cái chết của người đẹp làm gián điệp hai mang tạo ra nhiều huyền thoại.

Giới truyền thông thường gán cho những nữ điệp viên tài sắc vẹn toàn làm gián điệp đôi là những Mata Hari. Vì thế, những nữ điệp viên Trung Cộng như Katrina Leung, Yaming Nina Qi Hanso, Yu Xin Kiang, Hanjuan Jin đã bị Mỹ bắt bỏ tù thì được gọi là những Mata Hari thời hiện đại.

5.3.2. Vụ án Katrina Leung
Katrina Leung.
Ngày 9-4-2003 một vụ án gián điệp làm chấn động giới tình báo Mỹ và cả thế giới, khi người nữ gián điệp hai mang nầy dùng mỹ nhân kế làm tình nhân của hai nhân viên đặc biệt thuộc FBI. Một là cấp chỉ huy của cô và một là nhân viên điều tra về hoạt động của cô.

Cuộc điều tra sơ khởi đưa ra ánh sáng nhiều tình tiết khiến cho các nhà bình luận cho đó là một “Mata Hari Trung Quốc thời hiện đại”

1). Vài nét về Katrina Leung
Katrina Leung sinh ngày 1-5-1954 tại Quảng Châu, là một thiếu nữ thông minh, xinh đẹp và có sức quyến rủ đặc biệt, được Bộ An ninh Trung Cộng tuyển dụng và đưa sang Mỹ du học với thông hành Đài Loan.

Leung tốt nghiệp trung học tại trường Washington Irvin, New York vào tháng 6 năm 1972. Trở thành thường trú nhân ngày 7-8-1972. Năm 1976, Leung nhận bằng của Đại học Cornell University và sau đó lấy bằng cao học Quản trị Kinh doanh của Đại học Chicago.

Sau khi tốt nghiệp, được nhận vào làm nhân viên của một công ty điện tử ở Los Angeles.

Năm 1980, Leung dọn về cư trú trong một chung cư mà nhiều người Hoa trong đó đang bị FBI theo dõi vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Cộng. Cô giao thiệp rộng rãi, kết thân với họ trong khi cô làm tổng giám đốc một công ty xuất nhập cảng, cho nên cũng bị theo dõi luôn.

Ngày 10-2-1981 FBI chính thức mở hồ sơ điều tra về Katrina Leung. Biết như thế, nên cô từ bỏ chức vụ để không còn bị theo dõi nữa. Nằm yên, bất động.

Năm 1982, với uy tín của một nhà vận động chính trị sáng giá, cô từng gây quỹ cho đảng Cộng Hòa. Nhân viên phản gián đặc biệt FBI là James J. Smith mở lại hồ sơ theo dõi của cô, với hy vọng moi thêm những tin tức cần thiết.

James Smith móc nối với Leung (28 tuổi) trong việc cung cấp tin tức của cộng đồng người Hoa thân cộng ở khu vực của cô. Thông tin do cô cung cấp rất có giá trị và cô được tuyển dụng vào làm điệp viên của FBI với mật danh là”Parlor Maid”.

James Smith lúc đó 60 tuổi và có thâm niên phục vụ cho FBI trên 30 năm.

Tận dụng sắc đẹp và cái vỏ bọc là nhân viên FBI, Katrina Leung thu thập tin tức mật về quốc phòng, an ninh và kinh tế Mỹ để chuyển về Trung Cộng.
2). Gián điệp 2 mang

FBI lên kế hoạch cài cắm Katrina vào làm gián điệp của Trung Cộng. Ngày 16-3-1984, nhờ sự giúp đỡ của Smith, Katrina Leung được nhập quốc tịch Hoa Kỳ.

Tháng 6 năm 1984 Bộ An ninh Trung Cộng thu nhận Leung làm nhân viên mật của họ hoạt động ở Hoa Kỳ. Thế là Katrina trở thành gián điệp đôi của Mỹ và Trung Cộng.

Tài liệu về Trung Cộng do Katrina cung cấp cho Mỹ rất có giá trị, những người đào tỵ xác nhận là đúng. Từ đó, những báo cáo của Katrina đều được CIA tích cực khai thác.

Để kiểm tra, Katrina phải qua hai trắc nghiệm bằng máy phát hiện nói dối (Lie detector hay Polygraph) và cô đã vượt qua cả hai, một vào tháng 9 năm 1984 và một vào tháng 10 năm 1986.

Với cái vỏ là nhân viên FBI và gián điệp hai mang, cô giao thiệp rộng rãi, tổ chức những buổi tiệc linh đình để khoản đải những những viên chức ngoại giao củaTrung Cộng sang viếng Hoa Kỳ.

Văn phòng FBI ở Los Angeles đã cung cấp số tiền 1.7 triệu USD cho cô để trang trải những chi phí đi đi về về giữa Washington và Bắc Kinh. Ở Bắc Kinh, cô có dịp được chủ tịch Trung Cộng là Giang Trạch Dân tiếp đón.

Ảnh hưởng của cô đối với FBI cũng gia tăng. Cô được cử sang Trung Cộng ngay sau vụ thảm sát Thiên An Môn để đánh giá tình hình chính trị của Bắc Kinh sau vụ việc đó.
3). Quan hệ tình dục suốt 20 năm
James J. Smith James J. Smith và Katrina Leung.
James Smith và Katrina Leung có cuộc quan hệ tình dục suốt 20 năm. Trong thời gian nầy, Leung đã moi được nhiều tài liệu bí mật về quân sự, vũ khí hạt nhân và chính trị của Hoa Kỳ.

Tháng 4 năm 1991, FBI thu được một cuồn băng trong đó có tiếng nói phụ nữ bí danh là “Luo” với một gián điệp Trung Cộng bí danh là “Mao”.

FBI nghi ngờ và ra lịnh cho Smith điều tra về Katrina. Đồng thời, một nhân viên phản gián của FBI tên là William Cleveland Jr. được chỉ thị mở cuộc điều tra về Leung.

Ngày 31-5-1991, trong chỗ riêng tư Smith chất vấn Katrina, cô thú thật là bị gián điệp Trung Cộng phát hiện ra cô là gián điệp đôi, cho nên bắt chẹt buộc cô phải cung cấp những tài liệu mà hắn muốn.

4). Hai gã si tình

Katrina làm gián điệp đôi được 9 năm. Bị phát hiện là không còn trung thành với Mỹ nên bị điều tra.

Cuộc điều tra của Cleveland luôn luôn bị cản trở và bao che của James Smith.

Tuy nhiên, Cleveland vẫn tiếp tục điều tra để lật tẩy sự phản bội của cô nhưng với mục đích riêng tư, là anh ta cũng yêu người đẹp nầy. Anh báo cáo: “Cô ấy là một điệp viên chuyên nghiệp. Tôi đang theo dõi toàn bộ về cô ấy”.

Cleveland không tố cáo cô vì anh ta cũng yêu cô. Hai nhân viên điều tra liên bang biết rằng cô đã phản bội nhưng họ không trừ khử cô, vì cả hai đều si tình và yêu cô ấy.

5). Kết quả vụ án gián điệp hai mang

Ngày 8-5-2003, cựu nhân viên FBI James J. Smith bị truy tố 6 tội: cẩu thả nghiêm trọng, gian lận, che giấu mối quan hệ bất chính. Smith được tại ngoại hầu tra với 250,000USD tiền bảo lãnh (bail).

Katrina Leung được tại ngoại với số tiền bảo lãnh là 2 triệu USD. Bị giám sát bằng cách đeo chiếc vòng điện tử phát tín hiệu để kiểm soát vị trí khi di chuyển.

Ngày 6-1-2005 quan tòa Florence Marie Cooper tuyên bố hủy bỏ vụ án đối với bị cáo Katrina Leung, lý do là phía công tố đã vi phạm thủ tục tố tụng là không cho nhân chứng cần thiết mà bị cáo yêu cầu.

Phía công tố kháng án. Ngày 16-2-2005 tòa phúc thẩm tuyên phạt Katrina Leung 3 năm quản chế về tội sao chép bất hợp pháp tài liệu mật. Thi hành 100 giờ lao động công ích và đóng tiền phạt 10,000USD về tội trốn thuế. Vì không có đủ bằng chứng Katrina chuyển tài liệu ra nước ngoài nên miễn tố về tội danh làm gián điệp cho Trung Cộng.

Án lịnh nầy gây bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Một tội gián điệp nghiêm trọng đến thế mà vô tội thì gây ra không ít giả thuyết.

Thứ nhất. Katrina là gián điệp đôi do Mỹ cài cắm, vậy thì ngành tình báo Hoa Kỳ không dại gì cung cấp tài liệu thật để cô chuyển về Bắc Kinh. Katrina sao chép những tài liệu trong cặp da của Smith là tài liệu giả.

Thứ hai. Có thể tình báo Mỹ nghi ngờ và biết Katrina là gián điệp ngay từ khi cô đến Hoa Kỳ nên dàn dựng ra màn gián điệp nhị trùng để thấu cấy Trung Cộng.

Nhưng bí mật trong ngành tình báo khó đoán được. Bí mật vẫn là bí mật nếu không bị bật mí.

Tác giả David Wise viết trong cuốn The Tiger Trap cho rằng vụ án là một điều đáng hổ thẹn của cơ quan điều tra liên bang bởi vì hai chiến sĩ gạo cội của ngành được xếp vào hạng Special Agent mà bị mỹ nhân kế và tình dục đốn ngã một cách vô cùng thê thảm. Vụ việc được tác giả cho rằng đó là một sự phản bội đối với nước Mỹ. Hình bìa cuốn sách cho thấy con rồng Trung Cộng hạ gục con ó Hoa Kỳ.

5.4. Vụ án Larry Wu-Tai Chin
Larry Wu-Tai Chin (17-8-1922 – 21-2-1986) làm việc cho cộng đồng tình báo Mỹ trên 30 năm.
Năm 1965, Chin nhập quốc tịch Mỹ và được chuyển qua văn phòng CIA ở Arlington, Virginia. Ở đó anh ta có quyền truy cập những nguồn tin nhạy cảm, bao gồm những báo cáo của nhân viên CIA từ các nước ngoài gởi về, và những tài liệu mà nhân viên CIA mua được ở Trung Cộng.

Những bí mật về kế hoạch bình thường hóa của Tổng thống Nixon đã bị Bắc Kinh biết thời gian 2 năm trước khi Nixon đến thăm Bắc Kinh vào ngày 21-2-1972. Tai Chin thu được hơn một triệu đôla trong việc bán tin tức mật cho Trung Cộng.

Năm 1985 Chin bị kết 17 tội danh gồm tội gián điệp và rửa tiền. Tử tử trong tù ngày 21-2-1986.

5.5. Việc bắt giữ Hanjuan Jin
Hanjian Jin, Computer Engineer Rời tòa án liên bang sau khi ngồi tù 4 năm.
Ngày 17-4-2009, bộ phận phản gián của FBI đã bắt giữ một phụ nữ tên Hanjuan Jin kỹ sư điện toán về tội sở hữu hàng ngàn dữ liệu liên quan đến an ninh mạng của một công ty phần mềm (Software) Motorola tại thành phố Chicago. Nếu vụ việc không được ngăn chặn kịp thời thì những tài liệu vô cùng quan trọng đó được Jin chuyển về Trung Cộng. Bị bản án 4 năm tù.

5.6. Việc bắt giữ Yaming Nina Qi Hanson

Ngày 9-3-2009, một phụ nữ Trung Hoa khác tên Yaming Nina Qi Hanson bị FBI bắt giữ ở bang Maryland về tội sở hữu bất hợp pháp các tài liệu điện tử của hệ thống máy bay không người lái của một công ty hàng không ở thành phố Columbia.

6* Trung Cộng ăn cắp bí mật quân sự của Mỹ như thế nào?

6.1. Trung Cộng thừa nước đục thả câu

Trong khi Hoa Kỳ dồn nổ lực chống khủng bố Al-Qaeda và chống gián điệp Nga thì Trung Cộng đã lấy được nhiều tài liệu bí mật về vũ khí của Hoa Kỳ, tiêu biểu nhất là bản thiết kế đầu đạn hạt nhân hiện đại W88 trang bị cho hỏa tiễn Trident. Tác giả David Wise viết trên báo New York Times như thế.

Năm 1995, một nhân viên người Hoa làm việc cho CIA, bước vào văn phòng CIA ở Đông Nam Á với một bao vải chứa đầy hồ sơ mật, trong đó có bản thiết kế tối mật của đầu đạn W88 là đầu nổ của hỏa tiễn Trident chống tàu ngầm.

Chính phủ Mỹ đau đầu không ít. Không biết vì sao mà tài liệu tuyệt mật nầy lại lọt vào tay Trung Cộng? Hệ thống bảo mật và cơ quan phản gián Mỹ bị thử thách về khả năng làm việc có hiệu quả trong nhiệm vụ.

Một cuộc điều tra do FBI chỉ đạo, gồm 300 thanh tra từ 11 cơ quan điều tra liên bang bao gồm Bộ Quốc Phòng, CIA, NSA và Tình báo Quốc phòng.

Cuối cùng, sau 4 năm tích cực làm việc mà không tìm ra manh mối nào, vì sao bản thiết kế W88 lại lọt vào tay Trung Cộng?.

Một điệp viên Trung Cộng cho biết họ thu nhận W88 từ phòng thí nghiệm Los Alamos. Thế là nhà khoa học về nguyên tử gốc Đài Loan tên Wen Ho Lee là mục tiêu của cuộc điều tra.

6.2. Vụ án Wen Ho Lee

Wen Ho Lee Engineer, Scientist.
Wen Ho Lee (Lý Văn Hòa) sinh ngày 21-12-1939 là một khoa học gia nguyên tử người Mỹ gốc Đài Loan, làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Los Alamos National Laboratory in New Mexico).

Ngày 10-12-1999 bị bắt giữ với 59 tội danh. Không cho đóng tiền bảo lãnh (Bail) để được tại ngoại hầu tra, và bị biệt giam 278 ngày cho đến ngày 13-12-2000.

Đã có trên 60 nhân viên điều tra của FBI nổ lực tìm chứng cớ để buộc tôi ông nhưng không có một bằng chứng nào cả.

Sau khi thương lượng, ông chấp nhận một tội danh là sơ sót trong việc bảo quản hồ sơ mật. 58 tội danh kia được hủy bỏ.

Tháng 6 năm 2006, thẩm phán liên bang James A. Parker lên tiếng công khai xin lỗi ông vì đã không cho ông đóng tiền bail và đã biệt giam ông hơn 9 tháng.

Tổng thống Bill Clinton đưa ra lời xin lỗi ông một cách công khai. Để bồi thường thiệt hại, chính phủ liên bang đưa ra số tiền 895,000USD cộng thêm số tiền bồi thường của 5 cơ quan truyền thông, tổng số tiền là 1.6 triệu USD. Đó là tờ Washington Post, Los Angeles Times, New York Times, Associated Press và đài truyền hình ABC News.

Ông Lee cho biết, ông là nạn nhân của kỳ thị chủng tộc, vì ông là người gốc Hoa.

6.3. Hai biện pháp thu thập tài liệu mật của Trung Cộng

Để hiện đại hóa nước Trung Hoa, Trung Cộng đưa ra chính sách thu thập bí mật của các nước Tây phương bằng hai biện pháp.

1. Biện pháp thứ nhất.

Mở cửa, kêu gọi các quốc gia Tây phương vào đầu tư, xây dựng nhà máy, công xưởng để các nhà quản lý, kỹ sư, công nhân người Hoa thu thập khoa học kỹ thuật của Tây phương.

2. Biện pháp thứ hai.

Cho hàng ngàn sinh viên, chuyên viên, đến học, tu nghiệp, nghiên cứu tại các quốc gia Tây phương, nhất là Hoa Kỳ.

Theo nghiên cứu của tạp chí Global Security tại London (Anh) thì hiện nay có khoảng 10,000 điệp viên Trung Cộng đội lốt sinh viên, nhà nghiên cứu, chuyên viên công nghệ, đang hoạt động tại các quốc gia Tây phương, trong đó 2/3 là phụ nữ.

Hầu hết những điệp viên đó được tuyển dụng, huấn luyện nhằm mục đích triển khai kế hoạch bí mật có tên gọi là 863.

6.4. Kế hoạch 863

Kế hoạch 863 có hai phần.

1). Phần 1

Tuyển dụng điệp viên trong giới trí thức tại Trung Cộng, huấn luyện nghiệp vụ tình báo trước khi gởi họ ra nước ngoài.

2). Phần 2

Phần 2 là xử dụng các nhà ngoại giao, các đại diện thương mại người Hoa đang làm việc ở các nước ngoài làm điệp viên, làm nội gián trong các cộng đồng người Hoa bằng cách khơi dậy lòng yêu nước và dùng thật nhiều tiền để mua chuộc.

7* Tình báo Mỹ đột nhập vào máy chủ của tập đoàn Huawei Trung Cộng

Ngày 22-3-2014 tạp chí Der Spiegel (Đức) và tờ New York Times đưa tin về việc cơ quan An Ninh Quốc Gia (NSA) Mỹ đã tấn công vào tập đoàn Huawei (Hoa Vi) như sau.

Từ năm 2009 NSA đã thực hiện kế hoạch “Shotgiant” xâm nhập vào mạng lưới trụ sở chính của tập đoàn Huawei tại Thẩm Quyến. Kế hoạch được sự phối hợp giữa NSA, CIA, FBI và cả những quan chức Tòa Bạch Ốc nữa.

Thông tin trên được trích dẫn trong tài liệu mật mà Edward Snowden tiết lộ. NSA đã thành công trong việc đột nhập vào kho lưu trữ email của Huawei, sao chép được danh sách của 1,400 khách hàng, cũng như tài liệu chi tiết về nội bộ của Huawei.

Các mục tiêu mà NSA nhắm vào, bao gồm cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và lãnh đạo của bộ Thương Mại, của các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông. NSA còn tiếp cận được những mã nguồn bí mật của khách hàng Huawei.

Trong năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ Viện Mỹ đề nghị cấm tập đoàn Huawei hoạt động tại Mỹ.

Cuối năm 2013, do những cáo buộc làm gián điệp cho Trung Cộng và gian lận trong việc ký hợp đồng nên Huawei đã chính thức rút lui ra khỏi thị trường Mỹ.

8* Kết luận

Trung Cộng đã nổi tiếng về việc đánh cắp khoa học kỹ thuật của các quốc gia Tây phương. Chủ trương kiên trì đạo tặc đó thật sự là mối đe dọa của các công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ, vì không có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn những tên trộm vô hình phía sau bàn phiếm đó cả. Các quốc gia Tây phương đã bỏ ra hàng tỷ đô la trong những chương trình nghiên cứu, nhưng không phải bất cứ project research nào cũng đem lại kết quả đâu.

Trung Cộng là khách hàng số một mua vũ khí của Nga, nhưng Nga cũng chạy mặt khách hàng nầy. Đó là Trung Cộng muốn mua 24 chiến đấu cơ thế hệ 5, Sukhoi T-50. Nga đưa ra hai điều kiện: đó là phải làm tờ cam kết không sao chép, không làm hàng nhái và phải mua với số lượng lớn. Trung Cộng im lặng. Cuộc mua bán chưa thành.

Nhà nước đánh cắp sở hữu trí tuệ không phải là vinh dự của một quốc gia. Một cường quốc tương lai của thế giới, ít ra cũng phải có một chút văn hóa, văn minh tối thiểu để dân tộc lấy đó làm niềm hảnh diện. Trung Cộng không những thứ đó, cho nên không có gì để hảnh diện cả.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 2-7-2014

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire