Caroline Thanh Hương
Có bao giờ bạn nghĩ đời sống vợ chồng cũng là một nghề không? Chắc
chắn mọi người đều nghĩ vợ chồng là chuyện tình cảm yêu đương, cớ sao
lại gọi là một nghề?...
Vào ngày 7 tháng 1 năm 2008, có một
người Mỹ gốc Việt, 38 tuổi đã ném bốn đứa con nhỏ từ bốn tháng đến ba
tuổi trên một chiếc cầu tại tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Theo tin tức thì
hai vợ chồng anh thường cãi nhau suốt ngày, hầu như không ngày nào mà
hàng xóm không nghe vợ chồng anh to tiếng mắng chửi nhau. Ngoài việc
xung đột, bất đồng ý kiến với vợ, anh còn uống rượu và xài thuốc kích
thích, nên không kiềm chế nổi cơn sân. Vào ngày nói trên, sau khi cãi
nhau với vợ, anh xách bốn đứa con lên xe và đem ra cầu liệng xuống sông,
sau đó cảnh sát đã tìm được xác của bốn đứa trẻ này. Khi ra tòa anh đã
thú tội và nhận án tử hình.
Câu chuyện này đã làm rung động
giới truyền thông Mỹ nói chung và giới cộng đồng Việt Nam nói riêng. Ở
Việt Nam, những chuyện vợ chồng xung đột, cãi vả, mắng chửi hoặc đánh
nhau bể đầu, chảy máu không phải chuyện lạ, nhưng ở một xứ văn minh như
Hoa Kỳ mà xảy ra đưa tới án mạng giết bốn đứa con thơ như vậy quả thật
là khủng khiếp.
Ở đời nam, nữ lớn lên cưới hỏi nhau là lẽ tự
nhiên, không ai thắc mắc tại sao phải như vậy. Thế nhưng đến khi gia
đình vợ chồng tan vỡ, ly dị, chửi nhau, đánh nhau, và có lúc giết nhau
thì người ta lại ngạc nhiên hỏi: "Ủa, tại sao lại có thể xảy ra như
vậy?"
Thông thường, trước khi đi làm kiếm tiền, người ta phải
đi học để có nghề trong tay, sau đó mới đi xin việc làm. Một người muốn
làm bác sĩ, ít nhất phải học xong tú tài, rồi thi tuyển vào đại học y
khoa, và học từ bảy đến mười năm, sau đó mới được phép ra mở phòng mạch.
Một người muốn làm kỹ sư cũng phải qua tú tài, rồi thi tuyển vào các
trường kỹ sư, học tổng cộng ít nhất năm năm, sau đó mới ra hành nghề kỹ
sư. Trong xã hội, tất cả ngành y tế, kỹ thuật, khoa học, v.v... Các nhân
viên đều phải được học nghề và huấn luyện trước khi được mướn. Và nhiều
khi đang hành nghề, hàng năm vẫn phải đi học thêm khóa tu nghiệp để cập
nhật hóa những kiến thức mới.
Trong khi đó đa số người ta lập
gia đình vào lứa tuổi trung bình từ 18 đến 25, mà không có một chút
khái niệm căn bản tối thiểu về đời sống gia đình, tâm lý, sinh lý, tình
cảm. Họ chỉ biết xưa nay thấy ai cũng lập gia đình cho có đôi thì làm
theo, vậy thôi.
Có bao giờ bạn nghĩ đời sống vợ chồng cũng là
một nghề không? Chắc chắn mọi người đều nghĩ vợ chồng là chuyện tình cảm
yêu đương, cớ sao lại gọi là một nghề?
Chữ nghề nghe có vẻ vô
tình quá! Vì nghề là một việc làm kiếm tiền, trong đó không có tình cảm
gì hết. Nếu tôi là bác sĩ giỏi chữa bạn hết bệnh thì bạn phải trả tiền
cho tôi. Nếu tôi là kỹ sư giỏi, thợ giỏi thì chủ phải trả lương cho tôi,
hai bên không có tình cảm gì hết. Nếu bạn mở tiệm làm nhà hàng, nấu ăn
ngon thì sẽ đông khách. Mới nhìn qua các cơ sở y tế, kỹ thuật, thương
mại dường như không có tình cảm, nhưng thật ra đều có tình cảm bên
trong. Nếu bạn là bác sĩ giỏi mà không có tình người, xem bệnh nhân như
cỏ rác thì chắc chắn họ sẽ không tới và bạn sẽ ế khách. Nếu bạn là kỹ sư
giỏi mà phách lối, làm tàng không biết kính nể sếp trên thì họ sẽ đì
bạn, không tăng lương hoặc kiếm cớ đuổi bạn.Nếu bạn nấu ăn ngon mà không
khéo tiếp đãi, ân cần phục vụ khách hàng thì họ sẽ bỏ đi ăn tiệm khác.
Bất cứ một cơ sở, hãng xưởng nào cũng cần những nhân viên giỏi, ngoài
việc rành nghề còn phải biết giao tiếp cư xử với kẻ trên người dưới một
cách hòa thuận và có tình người thì mới thành công, phát triển.
Gia
đình cũng là một cơ sở nhỏ (small business), trong đó cả hai vợ chồng
đều là chủ nhân và đồng thời cũng là người làm. Cả hai cần phải biết hợp
tác với nhau về khả năng lẫn tình cảm để đóng góp xây dựng "cơ sở" mang
tên là "gia đình" được hạnh phúc. Mỗi người cần phải biết bổn phận cũng
như quyền lợi của mình.
Thế nhưng rất tiếc, sau khi trải qua
thời trăng mật của "tình yêu", người ta thường quên đi bổn phận mà chỉ
chú ý tới quyền lợi, đòi hỏi, mong muốn người kia phải làm theo ý mình,
chiều chuộng mình, phục vụ mình.
Nếu bạn đồng ý với quan niệm
"gia đình là một cơ sở nhỏ" thì vợ chồng cũng là một nghề, trong đó
người chồng cần phải học nghề làm chồng, và người vợ cần phải học nghề
làm vợ. Con người ta mới sinh ra không ai tự nhiên biết nói, biết đọc,
biết viết, mà cần phải được dạy nói, dạy đọc, dạy viết. Cái gì cũng phải
học thì mới biết làm. Vợ chồng là một nghề làm suốt cuộc đời, vậy mà
không có trường hay lớp nào dạy.
Cùng lắm, trước khi gả con
gái về nhà chồng thì người mẹ dạy con vài lời về cách làm dâu. Đến ngày
làm lễ cưới ở nhà thờ hay trong chùa thì các cha và quý thầy cũng chỉ
khuyên vợ chồng ăn ở hòa thuận và chung thủy với nhau.
Nghĩ
lại ở đời chưa có cái nghề nào, trong đó người ta không được dạy chút
nào mà phải vô làm ngay như nghề vợ chồng. Có lẽ người ta nghĩ cái nghề
này không cần học, cứ làm đại thì từ từ sẽ biết, tiếng Pháp gọi là
"apprendre sur le tas", tạm dịch là "vừa làm vừa học", hên thì hưởng,
xui thì chịu.
Ngoài ra nghề vợ chồng không phải thích thì làm,
chán thì nghỉ dễ dàng như các nghề khác. Đương nhiên thời nay người ta
có thể lấy nhau vài năm rồi ly dị, nhưng nếu có con thì vấn đề ly dị,
chia gia tài thật là nhiêu khê, phiền toái. Vì thế có những cặp chán
ghét nhau mà vẫn phải sống chung vì con cái, kinh tế, thể diện, hay
truyền thống, v.v...
Tình yêu suông không đủ đem lại hạnh
phúc. Tình yêu chỉ là động cơ thúc đẩy hai người đến với nhau, nhưng
sống chung hạnh phúc là một việc khác. Nó đòi hỏi mỗi người phải biết
cách cư xử với nhau.
Trong các đạo giáo gọi đó là "đạo vợ
chồng". Đạo vợ chồng thường chỉ dạy "bổn phận" (duty, devoir) của vợ
chồng. Biết được "bổn phận" cũng là một điều đáng quý rồi, nhưng vẫn
chưa đủ đem lại hạnh phúc, nó chỉ giúp cho gia đình sống bình yên, không
sóng gió.
Giống như một nhân viên biết bổn phận của mình là
đi làm chăm chỉ, đúng giờ, nhưng chưa chắc anh ta làm việc giỏi, biết
tăng lợi nhuận cho chủ. Do đó ngày nay, các hãng xưởng phải gửi nhân
viên đi học thêm các lớp tu nghiệp để nâng cao năng xuất. Người nhân
viên cũng có quyền lợi như được nghỉ hè một năm hai tuần hay một tháng.
Cũng
thế, ngoài "bổn phận" (hay trách nhiệm), người vợ và chồng cũng nên
biết mình có những "quyền lợi" gì để không bị đàn áp, bóc lột, lường
gạt. Ngoài bổn phận và quyền lợi, vợ chồng cần phải học hỏi thêm những
cách thức xây dựng hạnh phúc, gọi tắt là nghệ thuật sống (art of
living).
Do đó chữ "nghề" vợ chồng bao gồm nhiều nghĩa:
• bổn phận,
• trách nhiệm,
• đạo nghĩa,
• quyền lợi,
• và nghệ thuật.
Nếu
được học một chút "nghề" vợ chồng, ít nhất là "bổn phận" thì đã không
có những người chồng say rượu, vũ phu đánh đập vợ con, hoặc như người
đàn ông ném bốn đứa con xuống sông ở trên, làm tan nát gia đình; không
có những người vợ lẳng lơ, say mê cờ bạc, phá hoại gia cang.
Bên
đạo Chúa, có những lớp dạy về đời sống gia đình cho những cặp vợ chồng
sắp cưới, giúp họ tìm hiểu về tâm sinh lý, tình cảm nam nữ, cách sống
làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ, hiểu biết về những khó khăn thử thách của
đời sống gia đình sau khi cưới, cách giáo dục con cái trở thành người
tốt trong xã hội, v.v... Đây là một điều rất hay cần được bắt chước học
hỏi.
Trong đạo Phật, mặc dù nhấn mạnh về sự giải thoát sanh tử
luân hồi, đức Phật vẫn không quên dạy cho người tại gia cư sĩ những
phương pháp sống hạnh phúc trong cuộc đời như trong các kinh Thiện Sinh,
Bảy Loại Vợ, Người Vợ Mẫu Mực, Người Cư Sĩ, Hiền Nhân, v.v... Song le
những kinh này không được khai triển rộng rãi nên ít người để ý học hỏi
và áp dụng trong cuộc sống.
Có những người suốt ngày ngồi
thiền, niệm Phật, tụng kinh và quên mất bổn phận làm vợ làm chồng, làm
cha mẹ, khiến người hôn phối đâm ra oán ghét đạo Phật và nghĩ rằng các
thầy đã làm mất hạnh phúc gia đình của họ. Từ đó gia đình trở nên xào
xáo, bất hòa, càng tu vợ chồng càng cãi nhau, giận nhau rồi cho là tại
tu nên đổ nghiệp, ma phá.. Họ đâu ngờ tu một cách ích kỷ, chỉ biết phần
mình và bỏ mặc bổn phận nên mới sinh ra phiền não như vậy. Do đó người
Phật tử thông minh, khéo léo là người biết dung hòa đời sống gia đình và
tâm linh. Đôi mắt của Trái Tim...!!! Celine Dion có một bài hát
“BecauseYou Love Me”, lời ca viết rằng:
"Nếu em không nhìn thấy, anh sẽ làm mắt em, nếu em không thể nói, anh sẽ là tiếng em".
Lời
bài hát đã khiến tôi nhớ đến một đôi vợ chồng mù ở trong thôn của bà
ngoại. Đôi vợ chồng mù trong thôn bà ngoại tôi năm nay đã sắp sửa tám
mươi tuổi, đã có một đàn con cháu.Nghe bà ngoại tôi kể lại, khi cưới
nhau, chồng ngồi xe bò đi đón vợ. Tuy cô dâu chú rể đều không nhìn thấy
màu sắc, song chú rể vẫn sai người cuốn đầy lụa điều lên xe bò và đầu
bò. Đón cô dâu về nhà, chú rể dắt tay vợ rà mò từ nhà trên xuống nhà
bếp, rà mò khắp lượt các ngóc ngách trong gia đình. Việc khó hơn cả là
múc nước ở cạnh giếng, lần nào cũng thế, hai người dắt nhau đi, vợ sờ
thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt bàn
tay chồng. Chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc, kéo nước lên.
Trong thôn có người ra giúp, hai người thường từ chối, họ bảo: "Các ông
bà giúp được chúng tôi một giờ, không giúp được chúng tôi một đời".Cứ
như thế, hai vợ chồng luôn luôn tay dắt tay nhau gánh nước cho đến khi
đứa con đầu lòng có thể gánh nổi một gánh nước. Dân làng cảm thấy lạ
lùng, đã có mười mấy trai gái trẻ trong thôn đã từng vì đất trơn, trượt
chân ngã xuống giếng, nhưng hai vợ chồng mù chưa bao giờ bị như vậy.
Càng lạ lùng hơn là chuyện, mặc dù có đông người đang cùng nhau nói
chuyện hỉ hỉ hả hả, hai người mù vẫn có thễ nhờ vào tiếng hít thở dài
dài mà tìm ra nhau.Bởi không nhìn thấy, dù mưa dù gió, người ta thường
trông thấy hình ảnh hai người dắt tay nhau. Dù làm việc gì, họ cũng tay
trong tay. Tay trong tay, hình tượng để nhiều nhà văn viết đi viết lại
ấy, đã xuất hiện suốt nửa thế kỷ ở cái thôn nhỏ bé chẳng ai biết đến
này.Ông chồng là tay thổi kèn trong ban nhạc ở thôn quê, thường đến các
đám cưới của người khác thổi những bài: "trăm con chim phượng hoàng",
"niềm vui đầy nhà"... Mặc dù đi thổi kèn ở đâu, ông cũng chỉ có một yêu
cầu, cho người vợ mù cùng đi. Để vợ ở nhà một mình, ông không yên tâm
thổi kèn. Khi chồng thổi kèn, vợ ngồi bên chồng lặng lẽ nghe, dường như
những điệu nhạc vui nhộn này đều là ông thổi cho bà. Trên khuôn mặt
người vợ mù thường hay đỏ ửng lên, khiến ai nấy cũng cảm thấy người đàn
bà mù đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp biết chừng nào.Về sau này, hai vợ
chồng đều đã già, không bao giờ đi ra ngoài nữa, chỉ quanh quẩn trồng
nhiều hoa trong sân to nhà mình, tất cả đều là những giống hoa tươi rực
rỡ, đến kỳ hoa nở, cả sân đỏ rực.Một lần, ông sơ ý bị ngã què chân.
Trong những ngày ông nằm bệnh viện, ba bốn ngày liền bà không ăn một hột
cơm vào bụng, bà bảo, không sờ thấy bàn tay quen thuộc kia, bà chẳng
còn lòng dạ nào mà ăn nữa.Con cái sáng mắt cũng từng hỏi đùa bố mẹ: -
"Nếu trời giành cho bố mẹ một cơ hội, liệu bố mẹ có định dùng mắt nhìn
nhau không?"Bà mẹ mù trả lời: - “Các con nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn
người bằng trái tim, tim sáng hơn mắt, thật.”Ông bố mù thì bảo: - “Dắt
tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con đều
đã in trong trái tim bố. Bố chưa bao giờ trông thấy một người đẹp nhất,
trong trái tim bố thì mẹ con là người đẹp hơn cả. Cần mắt để làm gì, mắt
là thứ tham lam nhất trên trần đời, nhìn cái gì cũng chia ra tốt hay
xấu, xinh hay không xinh, nhìn cái gì muốn có cái đó, trên mặt người ta
có một cái sẹo cũng có thể để trong tim suốt đời.”Cũng có người nêu ra
ví dụ, nếu vợ mù trông thấy mặt chồng bị phỏng sẽ có cảm tưởng thế nào.
Lại có người đặt già thuyết, nếu chồng nhìn thấy hai tròng mắt vợ lõm
hẳn xuống, liệu có hối hận lời mình nói không? Bởi vì chúng ta có mắt,
cho nên khi chúng ta nhìn người, chỉ dựa vào cảm giác của mắt mà quên
dùng trái tim. Đúng như người vợ mù đã nói, con mắt của trái tim mới là
sáng nhất, thật nhất.
Trí Siêu
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire