Với câu hỏi: "Học tiếng Việt có khó không?", người nước ngoài học tiếng Việt thường được các sách học Tiếng Việt thực hành "mớm" cho câu trả lời: "Học tiếng Việt không khó cũng không dễ". Quả là như vậy! Chúng tôi muốn phân tích các đặc trưng ngôn ngữ Việt để lần lượt lý giải tại sao "Học tiếng Việt không khó" và "Học tiếng Việt cũng không dễ".

1. Những đặc trưng ngôn ngữ Việt khiến việc học tiếng Việt không khó
1.1. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập không biến đổi hình thái.
Các ngôn ngữ trên thế giới được chia ra làm 4 kiểu loại hình: loại hình ngôn ngữ hòa kết (khuất chiết), loại hình chắp dính (niêm kết), loại hình hỗn nhập (đa tổng hợp) và loại hình ngôn ngữ đơn lập. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đặc điểm loại hình này thể hiện ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
1.1.1. Về ngữ âm:
1.1.1.1. Trong tiếng Việt, có một loại đơn vị xưa nay ta thường quen gọi là “tiếng”, “tiếng một” hay là “chữ”, ví dụ: đi, học, ăn, nói, và, nhưng, đã, đang, thiên, sơn, bất... Gọi loại đơn vị này là “tiếng” tức là căn cứ vào ngữ âm (mặt nghe được), gọi là “chữ” tức là căn cứ vào văn tự (mặt thấy được). Cái thấy được là ký hiệu để ghi lại cái nghe được.