caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 31 janvier 2015

Chương trình văn học với bài viết của Nguyễn Tuấn nói gì về Tản Đà và chị em Thúy Kiều/ nghe nhạc Quách Vĩnh Thiện.



Kính gửi quý anh chị bài sưu tầm trên net.

Caroline Thanh Hương


Nguyễn Đăng Mạnh:
Nguyễn Tuân viết phê bình văn học

(Ngày đăng: 7/1/2015 20:12)

     Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến một cái "tôi" đặc biệt tài hoa, nhưng cũng hết sức tài tử. Trong lĩnh vực phê bình văn học lại càng như vậy. Nghĩa là chỉ viết những gì mình thích, mình suy ngẫm. ấn tượng chung về cây bút này là chỉ bình chứ không phê, vừa bình vừa tán, luôn luôn tô đậm cá tính độc đáo của mình trên từng câu chữ... Kể ra những cây bút sáng tác viết phê bình ít nhiều đều như thế cả, nhưng Nguyễn Tuân vẫn thể hiện rõ nhất, đậm nét nhất. Theo tôi, đóng góp có giá trị nhất của Nguyễn Tuân trong hoạt động phê bình là dựng chân dung văn học và phê bình tác phẩm.





 

Năm 1939, nhân cái chết của Tản Đà, Nguyễn Tuân viết một lèo ba bài chân dung của thi sĩ đăng trên một số "Tao đàn". Ấn tượng đậm nhất ông truyền được cho người đọc là cái ngông của nhà thơ: Ngông nên làm toàn những chuyện khác đời, ngược đời. Con người rất mực phóng túng ấy, chỉ biết có rượu với thơ, và chỉ biết sống đến tận cùng cái cá tính độc đáo của mình.

Trong bữa rượu cuối cùng với Tản Đà ở Ngã Tư Sở (Hà Nội), Nguyễn Tuân được thi sĩ nói cho nghe về đặc tính của con cá diếc: "Nội trong loài cá, chỉ có con diếc là sạch nhất và khó câu nhất. Giống nó chỉ hay ở chỗ nước trong và ăn toàn bọt nước. Thả cái gì nó cũng chê cả. Định lấy một cái mồi thơm mà dử nó như là người ta dử con rô hay một con chuối, thực cái anh đi câu đã làm một việc tối vụng về".

Tản Đà chính là con cá diếc ấy. Cho nên mới bị đầy vào cảnh bần cùng cho đến chết. Nguyễn Tuân đã ghi lại những gì gọi là tài sản cuối cùng còn lại bên giường bệnh của nhà thơ lúc tắt nghỉ: "Vẫn bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo! Trời! Và lẻ loi ở góc bàn vẫn là cái hũ rượu cáp giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi, với một đoàn thê tử yếu và đuối" (Chén rượu vĩnh biệt).

Bài viết về Vũ Trọng Phụng - "Một đêm họp đưa ma Phụng" - cũng là một bài thật độc đáo. Để khóc một người chết, một đám bạn bè đã kéo nhau xuống xóm hát để nói, để cười, để đập trống chầu và để hút. Chao ôi, ở trên đời có những cái buồn nó đã kết thành nỗi đau và uất, nhiều khi lại chỉ có thể giải tỏa bằng tiếng cười. Nguyễn Tuân đã diễn tả được cái tiếng cười đầy nước mắt ấy của một bọn cầm bút ngày xưa, trước cái chết của một đồng nghiệp, thấy cần phải quây quần lại cho đỡ lạnh: "Một người nói. Một người hút. Một người không làm gì cả. Hai người áp mặt vào tường, cười và thở dài với cái bóng in trên tường đầy máu rệp và xác muỗi khô. Tôi đánh trống, gãi hai chiếc roi chầu. Cố đánh cho tử tế, mà tôi nhận thấy tiếng trống của tôi chỉ là tiếng trống bản. Và tiếng phách của Tỳ bà đủ là những tiếng sênh chấp hiệu cho một cỗ đòn đám khởi hành xuống huyệt".

Sau 1945, những "bức chân dung" đạt nhất của Nguyễn Tuân có lẽ là những "bức vẽ" về Tú Xương, Nguyên Hồng ("Thời và thơ Tú Xương", "Con người Nguyên Hồng").

* * *

Về phê bình tác phẩm của Nguyễn Tuân (phê bình một tác phẩm hay toàn bộ sự nghiệp của một nhà văn), nói đến những bài hay nhất, phải kể đến các bài viết về Sêkhôp, Đôxtôepxky, Tú Xương, Truyện Kiều. Nguyễn Tuân thường chỉ viết về những gì mình thích, nhưng đã viết thì viết rất công phu và tỏ ra có quan điểm và phương pháp rất khoa học.

Nhưng đối với phê bình văn học, công việc khó khăn nhất vẫn là phân tích, đánh giá chính các văn bản tác phẩm. Đọc Nguyễn Tuân mới biết, ông luôn sử dụng khái niệm "tư tưởng nghệ thuật".

Nhờ quan điểm và phương pháp tiếp cận tác phẩm chính xác, Nguyễn Tuân đã khám phá ra chất trữ tình lãng mạn nó bay nhẹ ở trên những câu thơ đầy chất hiện thực của Tú Xương; đã nhận ra bức chân dung lạc quan của nhân vật chị Dậu hiện lên sừng sững trên cái nền tăm tối đen ngòm của xã hội "Tắt đèn" trong tác phẩm của Ngô Tất Tố; đã phát hiện ra cái chất sống ngồn ngộn đủ mầu sắc trong "Truyện Kiều" - với những gam mầu tươi sáng cứ "óng ánh cả lên như múa bằng hồi quang của hào quang" - nó át đi, thậm chí "phản hẳn lại" cái mầu thiền của đạo Phật, "tức là chiều già sắc sắc không không" mà Nguyễn Du không khỏi bị ảm ảnh, v.v...

* * *

Văn phê bình của Nguyễn Tuân xem ra cũng không khác gì lắm với văn sáng tác của ông. Cũng vẫn là một thứ bút ký, tùy bút vậy thôi. Cái khác là ở đối tượng. Nếu văn sáng tác của ông là đi tìm cái đẹp trong đời sống, thì văn phê bình của ông là sự săn tìm cái đẹp trong văn chương và trong nhân cách ở một số nhà văn.

Nguyễn Tuân gọi viết tùy bút là "chơi lối độc tấu". Ông viết phê bình cũng vẫn là chơi một lối ấy. Vì thế, nếu là dựng chân dung văn học, thì bên cạnh chân dung một Tản Đà, Vũ Trọng Phụng hay một Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng..., thế nào cũng có kèm theo bức chân dung tự họa rất đậm nét của chính Nguyễn Tuân - chân dung một cái tôi tài hoa, phóng túng, hóm hỉnh, trẻ trung, rất có duyên. Sức hấp dẫn của tùy bút Nguyễn Tuân cũng như của văn phê bình Nguyễn Tuân, xét đến cùng là sức hấp dẫn của cái tôi ấy.

Văn phê bình của Nguyễn Tuân rất giàu hình ảnh.

Những định nghĩa của ông nhiều khi cũng lấp lánh hình tượng và đậm đà chất thơ: "... thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng là loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình, nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp".

Này đây, ông tóm tắt cả Truyện Kiều chỉ bằng một hình ảnh rất gọn: "Cả Truyện Kiều, theo tôi chỉ là câu chuyện hai cô gái nhà lành. Truyện hai chị em. Em, phúc hậu, cho nên mặc dù không biết bơi, nhưng động xuống nước thì nổi. Còn chị, bơi giỏi, nhưng nhẹ thịt nặng xương, càng bơi càng chìm; vì đau nghĩ nhiều, quẫy lắm, nặng mãi mình ra" (Tản mạn xung quanh một áng Kiều).

Về nghệ thuật văn chương, Nguyễn Tuân phân biệt ra hai lối viết bằng hai khái niệm ông gọi là "tung" và "hoành". "Hoành" là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. "Tung" là tạo ra tiếng "vang dội ầm lên một thời", là "hành binh bằng một cuộc đại tấn công", là những tìm tòi mạo hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng... (Đôi tri kỷ gượng). Với cái tạng của mình, tất nhiên Nguyễn Tuân chủ trương lối "tung" - "Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say sưa của rượu tối tân hôn (Một lá thư không gửi). Con người này suốt đời săn tìm cái đẹp, nhưng cái đẹp phải như thế: nếu là thiên nhiên thì phải là giông là bão, là đèo cao dốc thẳm, là thác nước dữ dội, và nếu là người thì phải như Thúy Kiều, đẹp đến hoa phải ghen, liễu phải hờn, đẹp đến đổ quán xiêu đình, nghiêng thành nghiêng nước... Đấy là cái đẹp của văn Đôtxtôiepxky, ẠGitđơ, Lỗ Tấn, của thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương... ấy là cái tính cách ngông cuồng đến quái dị của Tản Đà, là cái tài hoa chói lọi mà yểu mệnh của Vũ Trọng Phụng, v.v...

Gặp những cái đẹp như vậy, cảm hứng bốc cao, ông liền ném ra cả cái kho chữ nghĩa phong phú của mình và cái vốn tri thức thuộc đủ mọi ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau, để phân tích giảng giải, để bình, để tán - bình và tán cho đến sơn cùng thủy tận, dường như không muốn cho ai còn có thể bàn thêm tán thêm được gì hơn nữa.

Này đây, hãy nghe ông bình và tán về một chữ "phong" trong câu thơ Kiều: "Cỏ lau mặt đất rêu phong dấu giầy": "Một khoảnh sân đất, mấy vết chân in trũng xuống từ một trận mưa nào... Và trên những vệt đọng của dĩ vãng, ẩm ướt đã sinh nở một thứ rêu lưu cữu. Hoàn toàn là một tấm tranh tĩnh vật; sân mốc và vệt xanh của sự vắng mặt. Sự vật ở ngoại cảnh thì nghèo và lạnh như thế, nhưng tiếng nói đặc sắc của người thơ đã làm cho nó ấm cúng hẳn lên. Mà cũng nên vận dụng thêm đến cái lối nói của điện ảnh ra mà tìm hiểu tỉ mỉ kỹ càng về phẩm chất tạo hình của ngôn ngữ Nguyễn Du nhé. Khởi đầu là những miếng phim toàn cảnh thu cả cái sân rộng, rồi ống máy dí dần vào chi tiết trên diện sân, và cuối cùng dí máy vào một cái khuôn đất in hình một cái đế giày. Trên thành vết hài, ống máy soi thật sát vào những mảnh rêu rờn rờn lên một điều hi vọng nào. Cái hy vọng của chàng dò la tung tích nàng - nàng mà rêu thương rêu nhớ vẫn "phong" lại gót hài. Rêu trong tiếng nói tinh diệu của Nguyễn Du đã thành hẳn một thứ phong bì xanh của bức thư tình bỏ quên lại giữa trời" (Về tiếng ta).

Quan Hoa, 11-11-1999

 


Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Mạnh
                        

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire