Kính mời quý anh chị đọc bài văn sưu tầm trên net về:
Vai trò của những khoảng lặng trong nghệ thuật và trong cuộc sống
Đề
bài: Trong tác phẩm Tì bà hành (Ngữ văn 10, tập một), ngoài những lời
thơ miêu tả âm thanh sống động, thần tình vang lên từ ngón đàn của người
ca nữ, Bạch Cư Dị còn nấm bắt được cả khoảnh khấc ngưng lặng kì diệu
của tiếng đàn “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh ” (Tiếng tơ lặng ngắt
bây giờ càng hay – Phan Huy Vịnh dịch).
Câu thơ gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về vai trò của những khoảng lặng trong nghệ thuật và trong cuộc sống?
BÀI LÀM 1
Trong tác phẩm Tì bà hành, ngoài những lời miêu tả âm thanh sống động thần tình vang lên từ ngón đàn của người ca nữ, Bạch Cư Dị còn nắm bắt được cả khoảnh khắc ngưng lặng kì diệu của tiếng đàn:
Có ai đó cũng đã từng nói rằng: “Khoảng lặng không phải là một đại dương yên tĩnh mà chính là những đợt sóng ngầm”. Đó là chân lí của nghệ thuật và cũng là chân lí của cuộc sống. Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi con người ta dường như bị cuốn vào nhịp sống gấp gáp của thời đại mà quên đi những nốt lặng hiếm hoi của cuộc sống thường nhật thì chân lí ấy lại càng khiến ta phải suy ngẫm.
Đối với nghệ thuật, khoảng lặng có thể là phút dừng lại của bản đàn hay “một nốt trầm” xao xuyến khiêm nhường trong bản hoà ca của hàng triệu thanh âm, là dấu ba chấm trong một thi phẩm hay khoảng trống – khoảng tối trong bức tranh của người hoạ sĩ.
Trong cuộc sống, đã bao giờ bạn tìm thấy khoảng lặng cho riêng mình? Khoảng lặng – đó là khi ta đặt gánh nặng trên đôi vai mình xuống và dừng lại nghỉ ngơi trên cuộc hành trình đến với tương lai. Đó là nỗi buồn, sự thất bại, là những giọt nước mắt nuối tiếc, ngậm ngùi bên cạnh niềm vui chiến thắng. Khoảng lặng còn là giây phút con người ta đủ tỉnh táo bứt mình ra khỏi dòng chảy của cuộc đời đầy bon chen, toan tính để lòng mình lắng lại và nghĩ suy về những chuyện đã qua. Hay đó chỉ đơn giản là mỗi lần ta mở rộng tâm hồn, để gió luồn qua mái tóc và cảm nhận cuộc đời bằng cả trái tim.
Đọc câu thơ của Bạch Cư Dị, ta có cảm giác như tất cả không gian bến Tầm Dương sông nước lạnh lẽo, mênh mông trong thời khấc canh khuya vắng vẻ, tĩnh mịch, đã ngưng đọng vào tiếng đàn của người ca nữ:
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay
Không có tiếng đàn nhưng còn hay hơn là có tiếng đàn. Cái khoảnh khắc im lặng ấy như có ý để người nghe hoà mình vào bản đàn, cảm nhận rõ hơn về cái hay của nghệ thuật. Cung đàn đang vút cao, trong trẻo bỗng dung chìm xuống, nín lặng, xót xa như lời than uất nghẹn không thể nói nên lời. Nghe bản nhạc đâu chỉ là nghe tiếng đàn có tiết tấu âm thanh mà tác giả còn cảm nhận được khúc tâm tình ẩn chứa bên trong “khoảng lặng” của bản đàn ấy. Thấu hiểu nỗi lòng của người ca nữ, thi sĩ đã rơi lệ. Đó là giọt nước mắt tri âm và cũng là giọt nước mắt xót thương cho những kiếp người bạc mệnh nói chung:
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh
(Tì bà hành)
Nếu khoảng lặng trong bản đàn của người ca nữ làm tăng giá trị biểu đạt cho tác phẩm Tì bà hành thì sức ám ảnh của đoạn trích “Nỗi thương mình ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du) lại nằm ở khoảng lặng của câu thơ:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Câu thơ gợi nhắc đến thời khắc đêm khuya, khoảnh khắc hiếm hoi mà Kiều được đối diện với chính mình, được sống với con người thực của mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ “mình” được lặp đi lặp lại ba lần trong một câu thơ, nhưng mỗi lần có một sắc thái nghĩa khác nhau. Từ “mình” thứ nhất diễn tả tâm trạng thảng thốt, hãi hùng của Kiều. Động thái “giật mình” như một tấm gương soi để nhân vật bàng hoàng nhận ra sự đổi khác của mình. Từ “mình” thứ hai và thứ ba là đại từ phản thân chỉ chính Thuý Kiều, gợi nỗi niềm xót xa cho thân phận. “Khoảng lặng” trong câu thơ đã vẽ nên hình ảnh một Thuý Kiều cô độc với những giằng xé trong tâm tưởng. Cái “giật mình” của Kiều chính là sự bừng ngộ của tâm hồn nàng giữa chốn lầu xanh. Nó thật đáng trân trọng và đáng quý biết bao!
Trong cuộc sống, khoảng lặng là lúc con người ta nhìn lại chính mình, nhìn lại chặng đường đã qua và ngẫm nghĩ cho tương lai phía trước. Khoảng lặng cũng là lúc con người sống thật, nghĩ thật, có những cảm xúc chân thành và sâu lắng nhất…
Ai sinh ra trên cuộc đời này cũng đều có một người mẹ. Mẹ! Tiếng gọi ấy giản dị đơn sơ mà thiêng liêng biết mấy… Mẹ yêu thương quan tâm săn sóc tôi từ bữa ăn tới giấc ngủ. Mẹ tần tảo sớm hôm vãt vả nhọc nhằn chỉ mong sau này tôi học hành chăm chỉ, khôn lớn nên người. Hạnh phúc của tôi được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi của mẹ, bằng những đêm mẹ vì tôi mà thức trắng. Mỗi khi đêm đến nhìn ra ngoài của sổ phòng trọ, nơi cách nhà mấy chục cây số, tôi lại thấy thương mẹ vô cùng. Những kỉ niệm ngày thơ bé bỗng chốc ùa về trong tâm trí tôi ngọt ngào như dòng sữa mẹ. Tôi lại thèm được nghe giọng nói dịu hiền của mẹ, thèm được sà vào lòng mẹ, được ăn món canh khoai mà mẹ nấu. Yêu mẹ, biết ơn mẹ bao nhiêu thì tôi lại cảm thấy ân hận bấy nhiêu vì những lần nỡ cư xử không phải với mẹ, vì những lần tôi đã làm mẹ khóc…
Những “khoảng lặng” như thế thật ý nghĩa biết bao!
Khoảng lặng còn giúp tâm hồn con người yên tĩnh lại để cảm nhận được những vẻ đẹp bình dị, đời thường, thấy được những điều nhỏ bé, giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa mà vô tình hay cố ý con người hiện đại đã lãng quên. Như một chiếc lá rơi, một tiếng chim hót cũng có khi khiến mặt nước tâm hồn mỗi người xao động…
Khi chiếc lá lìa cành để trở về với đất mẹ, đói mặt với cuộc hành trình cuối cùng của cuộc đời mình, có chiếc lá còn rụt rè, e sợ, có chiếc lá lại rơi rất chậm, thoả sức bay lượn trong không trung như để tận hưởng những giây phút được nô đùa với chị Gió hiền hoà và ông Mặt trời ấm áp, lại có những chiếc lá khác vội vã lao nhanh xuống mặt đất hay mải miết kiếm tìm những chân trời xa lắc cho riêng mình và quên đi gốc cây mẹ, quên mất quê hương, nguồn cội. Con người cũng giống như những chiếc lá. Đứng trước dòng chảy của cuộc đời, bạn chọn cách để dòng nước cuốn phăng đi tất cả, hối hả chạy theo cái gọi là “nhịp sống hiện đại”, hay sống chậm lại, tận hưởng dòng nước trong trẻo, mát lành để cảm nhận đưọc những gì tinh té của cuộc sống? Điều đó tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người, bởi “khoảng lặng” không phải là sự câm lặng vô hồn mà chính là lúc ta suy nghĩ về những trải nghiệm trong cuộc sống của mình để có thể vững bước hơn trên chặng đường đến với tương lai. “Khoảng lặng” không phải là sự thất bại mà chính là sự khởi đầu cho một thành công mới.
“Khoảng lặng” không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân, chỗ mạnh, chỗ yếu của mình mà còn góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên ý nghĩa. Cuộc sống luôn cần có những “khoảng lặng”, nhưng điều đó không có nghĩa là khuyến khích con người ta bằng lòng, an phận với những gì mình có. Đó không phải là khoảng lặng mà chính là “khoảng trống”. Bởi khi đó ta sẽ trở thành kẻ hèn nhát trước cuộc đời, không dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Nếu cứ kéo dài như vậy thì “khoảng trống” ấy trong mỗi chúng ta sẽ ngày càng lớn lên. Đến một lúc nào đó, thì có nhiều “khoảng lặng” đi chăng nữa, cũng không thể lấp đầy được.
Khoảng lặng trong nghệ thuật và cuộc sống tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng tựu chung lại đó đều là nhũng phút tĩnh lặng đáng quý, đángtrân trọng. Khoảng lặng ấy không nhũng đem đến thành công cho một tác phẩm nghệ thuật đích thực mà còn làm nên nhân cách của một con người chân chinh.
Nguyễn Thị Lan Anh
Lớp 10 Văn – THPT chuyên Thái Nguyên – Thái Nguyên
BÀI LÀM 2
Trong tác phẩm Tì bà hành, Bạch Cư Dị đã có những câu thơ thần tình miêu tả tiếng đàn của người ca nữ tài hoa. Nàng chơi những khúc nhạc lừng danh trong thiên hạ ở mức độ tuyệt kĩ: “Trước Nghê thường sau thoắt Lục yêu”. Ngón đàn của nàng đã tạo nên những âm thanh kì diệu, bốn sợi dây dưới tay nàng không chỉ là những sợi dây tơ mà chứa đựng cả vũ trụ. Và lạ kì thay, cả khi cây đàn của nàng im tiếng thì trạng thái vô thanh ấy còn có sức diễn tả hơn nữa: “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh ” (Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay). Bản đàn đã dứt, “cung đàn trọn khúc thanh tao” nhưng thanh âm của nó vẫn chưa dứt, vẫn còn lắng đọng mãi trong lòng người. Đây chính là lúc ngừng lặng tuyệt vời giữa khúc Tì bà hành, mọi âm thanh đã dứt nhưng con người cùng trời đất, vạn vật vẫn chưa hết xúc động, vẫn ngây ngất bởi tiếng đàn. Bạch Cư Dị đã thật tài tình khi tạo ra khoảng lặng nghệ thuật ấy, để lại bao dư vị ngọt ngào của tiếng đàn bên bến Tầm Dương. Khoảng lặng ấy của bản đàn chính là nơi lắng đọng, chất chứa bao suy tư, cảm xúc của người đàn và người nghe đàn, là lúc để người đọc cũng dừng lại và chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ, nghĩ về những khoảng lặng trong thơ, trong nghệ thuật và nghĩ về những khoảng lặng trong đời.
Mỗi ngày chỉ có 24 giờ. Chúng ta dành 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng để học tập, làm việc và 8 tiếng kia để vui chơi, giải trí bên gia đình, bạn bè. Cả cuộc đời 365 ngày như vậy hẳn sẽ rất vô vị và tẻ nhạt nếu như không có những khoảng lặng. Trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống hay ở bất kì góc cạnh nào của tâm hồn cũng vậy, đều không thể thiếu những khoảng lặng. Những khoảng lặng ấy chính là những khoảnh khắc ngưng lặng diệu kì của cuộc sống, làm cho cuộc sống thêm phần thi vị và ý nghĩa.
Trong từng lĩnh vực, từ từng góc độ nhìn nhận, đánh giá, ta lại có một định nghĩa khác nhau về khoảng lặng. Trong âm nhạc, khoảng lặng của một bản đàn có thể là một nốt trầm xao xuyến trong bản hoà ca. Trong văn chương, thơ phú, khoảng lặng chính là lúc ngưng lắng thần tình của câu thơ, đoạn văn trong một dấu chấm câu, một dấu chấm lửng hay là một dấu hỏi đặt giữa trang văn. Còn trong hội hoạ, khoảng lặng là một khoảng trống hay một khoảng tối sẫm màu của bức tranh… Đó là những khoảng lặng hiện hữu, có thể định nghĩa được. Tuy nhiên, xét trong cuộc sống, trong góc độ tâm hồn, tình cảm của con người, khoảng lặng là một khái niệm rộng lớn và trừu tượng, khó mà định nghĩa đầy đủ và trọn vẹn được. Bởi với mỗi người, mỗi ngày trôi qua đều có thể có những khoảng lặng của riêng mình. Đó có thể là khi gặp phải một thất bại trong cuộc sống khiến ta buộc phải dừng lại để chiêm nghiệm, nghĩ suy. Đó có thể là lúc ta tự tách mình khỏi nhịp sống ồn ã, gấp gáp của cuộc đời, bứt mình khỏi dòng chảy bộn bề của cuộc sống để tìm lấy sự thanh thản trong tâm hồn và nghe lòng mình lắng đọng. Trong bất cứ con người nào, đều có những khoảng lặng như thế, chỉ có điều ta có nhìn nhận ra không và đánh giá nó như thế nào.
Hai tiếng “khoảng lặng” dễ gây cho người ta ấn tượng về khoảng thời gian không làm gì, những khoảng trống, những phút ngừng đọng vô nghĩa. Nhưng kì thực những khoảng lặng ấy là cực kì quý báu. Chính những khoảng lặng ấy là phần quan trọng, âm thầm làm nên giá trị đặc biệt của cuộc sống. Một bản nhạc nếu thiếu đi chỉ một nhịp ngân vang, hay một nốt trầm xao xuyến thì tất sẽ đều đều, nhàm chán và vô vị. Một bức tranh nếu không có một khoảng tối sẫm màu hay một khoảng trống đúng cách thì hẳn sẽ không thể tôn lên một nét vẽ thần tình hay một nét chấm phá độc đáo. Một bài thơ, trang văn nếu thiếu đi những khoảng lặng, những điểm dừng cần thiết thì cũng sẽ trôi tuột hết, không đọng lại gì trong lòng người đọc khi lời văn, câu thơ vừa dứt. Trong nghệ thuật nói chung, khoảng lặng chính là nơi chất chứa, dồn nén nhiều ám ảnh, tôn lên giá trị của tác phẩm. Và đặc biệt trong đời sống, con người càng không thể thiếu đi những khoảng lặng. Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với bao tiếp thu bao nhiêu điều mới lạ. Vì thế mà những khoảng lặng là rất cần thiết để mỗi người sống cuộc sống của riêng mình, đối diện với chính mình. Đó là thời gian mà mỗi người tự chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, về cuộc đời, về những người xung quanh… Nhờ đó mà con người ta lớn lên rất nhiều, giàu có hơn rất nhiều về trí tuệ, tình cảm. Và hãy thử tưởng tượng, nếu như không có những khoảng lặng ấy, cuộc đời này sẽ biến đổi như thế nào? Con người ta sẽ sớm mệt mỏi với bộn bề công việc phải làm, bài vở phải học. Nếu không có những khoảng lặng là điểm dừng trên con dốc cuộc đời, con người sẽ sớm trượt dốc không phanh, sống và hành động một cách mù quáng mà không kịp nghĩ xem mình đúng hay sai, những người xung quanh nghĩ thế nào về mình? Nếu như không có những lúc buồn bã, đau khổ, ta không thế biết được chính xác và đầy đủ giá trị, ý nghĩa của những phút giây hạnh phúc. Hay nếu như không có một thất bại, một vấp ngã nho nhỏ trên đường đời, ta không thế học cách đứng dậy sau vấp ngã cũng như không cảm nhận sâu sắc niềm vui của thành công. Một khi đã không biết cách đứng dậy thì con người ta lại càng dễ ngã, mà ngã rồi sẽ lại càng thêm đau. Và những lúc ấy, không gì tốt hơn một khoảng lặng. Khoảng lặng sẽ giúp ta xoa dịu mọi nỗi buồn đau, làm cho tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thản. Những khoảng lặng vì thế luôn là bến đậu bình yên của tâm hồn sau bao biến cố bất thường trong cuộc sống. Và nhiều khi chính nhờ những khoảng lặng đó mà con người có những suy nghĩ, ý tưởng mới lạ làm giàu đẹp thêm cho cuộc sống. Như nhà vật lí học Ac-si-met nhờ những phút thư giãn nhẹ nhàng trong bồn tắm mà đã phát hiện ra lực đẩy Ac-si-met. Hay Niu-tơn cũng nhờ một lúc tình cờ ngồi một mình dưới gốc cây, bị quả táo rơi vào đầu mà phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn. Những khoảng lặng ấy không hề thầm lặng mà trái lại, có ý nghĩa to lớn biết bao.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng biết quý trọng những khoảng lặng. Có người làm việc đầu tắt mặt tối mà không có chút khoảng lặng. Có người thì lại phung phí thời gian vào những cuộc nhậu nhẹt triền miên, những cơn say bí tỉ, những ván bài đen đỏ… Càng sống vội vã, càng bận rộn thì họ lại càng nghèo đi, có thể không nghèo về vật chất nhưng tinh thần chắc chắn sẽ không đầy đủ, bởi họ đã đánh mất những khoảng lặng, vẫn biết sống là hướng về tương lai nhưng những khoảng lặng vẫn là vô cùng cần thiết trước khi hướng về tương lai, vì đó chính là nền móng bền vững cho một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng ta cần những khoảng lặng không có nghĩa là chúng ta thu mình lại vào một cái vỏ kín hay sống bằng lòng, an phận với những gì số phận đã an bài. Chúng ta cần biết đấu tranh, lên tiếng trước những bất công, xấu xa trong cuộc đời để những khoảng lặng thực sự mang lại thanh thản, bình yên trong tâm hồn. Chúng ta cũng cần mở rộng lòng mình, sống sôi nổi, hết mình với cuộc đời còn nhiều niềm vui và điều tốt đẹp. Dù cho những ngày ta đang sống có trải đầy hoa hồng và thảm đỏ thì chắc hẳn cũng có những phút giây nếm trải những khó khăn, muộn phiền, thậm chí là bất hạnh. Nhưng ta không được bi quan mà phải dùng cảm đón nhận tất cả để vượt lên mọi thử thách, giông tố cuộc đời. Và đừng bao giờ quên tìm cho mình một khoảng lặng, những giây phút của riêng mình, để ta có thể chiêm nghiệm về những gì đã qua và chuẩn bị đón nhận những gì sắp tới, đón nhận những niềm vui, nỗi buồn và cả nỗi bất hạnh một lúc nào đó nó chợt gõ cửa…
Mỗi ngày chỉ có 24 giờ. Vậy thì hãy sống trọn vẹn từng ngày với những khoảng lặng đúng nghĩa của riêng mình để mỗi ngày trôi qua không khiến ta phải nuối tiếc hay đau khổ. Cuộc đời này chính là một khúc ca, ta tự viết lời và ta tự hát. Và trong bài hát ấy, dù viết những gì, dù hát những gì, chúng ta cũng đừng bao giờ quên những khoảng lặng.
Nguyễn Thị Hải Lý
Lớp 1A11 – THPT Đan Phượng – Đan Phượng – Hà Nội
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire