Kính
gửi đến qúy anh chị bài viết do chú Huỳnh Chiếu Đẳng tiếp chuyển
rất hay.
Lúc nào người ta cũng tưởng cỏ nơi khác xanh hơn nơi mình đang ở và lúc nào cũng tưởng khi già về Việt Nam ở là thích hạp nhất, nhưng...
Caroline Thanh Hương
LTS: Sau 40 năm sống trên đất Mỹ, có rất nhiều người Việt Nam thành công, nhưng cũng không ít người vẫn gắp khó khăn trong cuộc sống. Và trong số đó, rất nhiều người, cần đến sự trợ giúp của chính phủ Mỹ.
Báo Việt Mỹ xin giới thiệu đến quý độc giả thông tin sau, để quý độc giả tham khảo và hiểu hơn về quyền lợi của mình tại đất Mỹ Sự “ưu đãi” người già, người bệnh tật tại đất nước Hoa Kỳ. Sự ưu đãi không chỉ dành cho người Mỹ bản xứ mà còn áp dụng chung cho tất cả mọi sắc dân khác đang định cư hợp pháp, trong số đó có người Việt chúng ta. Để được gọi là “người già” và người “bệnh tật” Tôi xin trình bày vài nét đại cương: - Người già: Đúng 65 tuổi trở lên. - Người bệnh tật: Người chưa tới 65 tuổi, nhưng bị bệnh nan y và được Bác sĩ chuyên môn hay được Hội đồng y-khoa xác nhận trên giấy tờ (hồ sơ bệnh lý). Người già và người bệnh tại Mỹ, nếu xét thấy không còn đủ sức khỏe đi làm thì cứ việc làm đơn xin hưởng tiền trợ cấp xã hội (SSI). Đơn gởi lên sở xã hội địa phương nơi đang cư trú. Người bệnh gởi kèm theo hồ sơ bệnh lý (nếu không rành thì nhờ một luật sư lo giúp).
Chữ SSI (Supplemental se-curity Income) là cụm từ dành để chỉ chung cho người già và người bệnh, không phải như một số người hiểu lầm người nào hưởng tiền SSI là người bệnh. Người già, người bệnh không đi làm (không đóng thuế) mà hưởng tiền trợ cấp xã hội thì đều gọi là tiền SSI. Tiền này chỉ được hưởng khi còn đang ở Mỹ, khác với người có đi làm (có đóng thuế) đến khi già về hưu thì tùy theo mức lương nhiều hay ít, nếu lương hưu nhiều hơn tiền già thì hưởng theo mức lương hưu, còn ít hơn thì sẽ cộng thêm tiền già vì tiền đó là tiền SSA (Social Se-curity Adminitron) người hưởng tiền này thì dù ở Mỹ hay bất cứ đi đến nước nào cư trú thì số tiền (SSA) này sẽ được chuyển thẳng về cho người thụ hưởng ở nơi đó.
A/ VỀ TRỢ CẤP XÃ HỘI: Tiền SSI dành cho người già, người bệnh đều bằng nhau, luật liên bang dành tiền xã hội cho khắp các tiểu bang đều bằng nhau, nhưng còn tùy theo mỗi tiểu bang, nếu có tiền thăng dư thì sẽ phụ cấp thêm. Riêng tại tiểu bang Cali-fornia cho hưởng trợ cấp xã hội tương đối cao nhất. Hiện nay người già, người bệnh ở Cali được trợ cấp $712 dành cho một người và $632,50 nếu hai vợ chồng cùng hưởng SSI và cùng ở một địa chỉ. Người già hay người bệnh tật còn tùy mức độ già yếu hay độ tàn phế, nếu cần người săn sóc (take care) thì lại làm đơn xin và người take care hằng tháng sẽ được hưởng thêm một số tiền nữa khoảng $300 hay $400.
B/ VỀ NHÀ HOUSING: Đối với người già hay người bệnh, nếu không thích ở chung với gia đình con cháu thì lại xin và được cấp nhà (housing). Đây là hình thức giúp đỡ của chính phủ muốn trợ cấp để phụ trả thêm cho hơn 1/2 số tiền thuê nhà hằng tháng.
C/ VỀ THẺ Y TẾ MIỄN PHÍ. CÓ 2 LOẠI THẺ:
- Người già: Được cấp thẻ Medi-care (gồm 2 bậc A - B) thẻ này có giá trị sử dụng trong khắp các tiểu bang. - Người bệnh: Dù chưa đến 65 tuổi, được cấp thẻ Medical. Thẻ medical chỉ sử dụng trong tiểu bang Cali. Thẻ Y Tế miễn phí Medical hay Medicare về hình thức sử dụng tuy có khác nhau, nói chung 2 loại thẻ này đều có giá trị: - Đi khám Bác Sĩ không tốn tiền - Đi mua thuốc theo toa Bác sĩ không tốn tiền (trừ 1 số thuốc Medical không đài thọ) - Nằm điều trị tại bệnh viện: Không tốn tiền (kể cả ăn uống) Ngoài ra người già, người bệnh ở Mỹ còn được hưởng thêm nhiều quyền lợi phụ khác, như những người lớn tuổi kể từ 60 tuổi trở lên có thể đến cơ quan Commod-ity Supplemental food Program For Seniors của địa phương ghi tên và cứ hằng tháng nhận lãnh phần quà thực phẩm 1, 2 thùng còn nguyên (gồm đồ hộp, nước giải khát, sữa hộp, sữa bột, phomát, noode soup...) Người già, người bệnh còn được hưởng giảm giá mỗi khi đi mua sắm (tùy theo mỗi tiệm và tùy theo đến thời kỳ thuận tiện) người già và người bệnh đi đến đâu cũng được tiếp đón ưu tiên khi xếp hàng, lên xe, ngồi trong xe bus, người bệnh đi xe lăn còn dành cho lối đi riêng và nếu có thẻ Handicap khi đậu xe còn có parking dành riêng cho người có thẻ handicap. Những người già, người bệnh còn được ưu đãi khi đi học. Hằng năm vào dịp ra trường, không thiếu gì những vị cao niên và tàn tật đi xe lăn lên nhận bằng đại học.
Có lần người viết bài này đến đón con học tại trường đại học O.C.C khi tan lớp, đứng nhìn không phân biệt được giáo sư và học sinh vì học trò có khi còn nhiều tuổi hơn thầy giáo. Người già và người bệnh ở cái xứ sở này được ưu đãi đầy đủ như vậy, thế mà còn có người than vãn, kêu ca và cứ đòi về VN ở.
Tiện đây tôi xin trình bày một câu chuyện có thật 100%: Tôi có một người bạn (sĩ quan HO) năm nay 68 tuổi, đã được hưởng đầy đủ quyền lợi dành cho người già từ 3 năm nay. Mỗi lần gặp tôi, người bạn này đều than van, chê trách cuộc sống ở Mỹ khổ quá, chán quá, buồn quá và cứ đòi về VN ở. Cách đây không lâu, người bạn này đến chào và cho tôi biết lần này ông sẽ về VN ở luôn. Thấy vậy tôi chỉ còn biết khuyên nhủ anh bạn này nên cân nhắc kỹ để rồi có quyết định sáng suốt, vì tuổi già sống nốt quãng đời còn lại làm sao để khỏi làm phiền hà, khổ sở con cháu. Tôi cũng giảng giải cho anh bạn biết ở Mỹ người già như anh cũng đã được hưởng đầy đủ quyền lợi giống như người Mỹ bản xứ, nào tiền trợ cấp SSI, nào phiếu Y Tế miễn phí, nào nhà Housing, rồi hằng tháng còn được lãnh 1,2 thùng quà thực phẩm (Free) ăn không hết, thế mà anh cứ đòi về VN ở thì làm gì có được những quyền lợi phúc lợi xã hội như thế, nhất là ở chế độ Cộng Sản bây giờ, chẳng lẽ anh về VN ở rồi lại bắt con cháu đóng góp gửi tiền về nuôi anh mãi, chưa kể những lúc bệnh tật ngặt nghèo hoặc khi nằm xuống lại bắt con cháu mua vé máy bay (cắt cổ) gấp về thăm hay phục tang, đứa về được thì bỏ cả việc tốn kém đứa ở lại thì ân hận, thật là cả một chuỗi phiền toái.
Thế rồi quay đi quẩn lại, mới tháng trước đây tôi lại thấy người bạn “bò” lại sang đây. Gặp lại nhau kỳ này, người bạn tôi hết than vãn và cám ơn tôi vì nhờ tôi giải thích nên khi về ở VN mới có 1 tháng là anh suy nghĩ và nay thì hết còn có ý định về VN ở nữa. Anh bạn tôi còn kể cho tôi biết về chơi thì không ai nói, nhưng mà về ở lại luôn thì bà con họ nhìn mình với cặp mắt khác. Họ nói bao nhiêu người VN còn đang muốn tìm đường đi Mỹ, trong khi đó người đang ở Mỹ thì lại đòi về. Anh bạn tôi còn cho biết thêm mới thử hỏi việc nhập hộ khẩu mà công an cộng sản đã ra giá đòi một số tiền đô la lớn, cứ tình trạng này thì về sau có ở lại tụi nó cũng tìm cách móc túi hết vì biết rõ mình là Việt kiều hồi hương. Cuối bài xin kết luận: Được hưởng như vậy là quý lắm rồi, xin cứ nhìn lại những người già, người bệnh tật còn ở bên VN thì mới thấy được ở Mỹ là một điều may mắn. Xin cám ơn đất nước Hoa Kỳ, đất nước có tự do, dân chủ, đất nước đã dành sự ưu đãi người già, người bệnh cho chúng tôi.
Văn Tiến Bình
Những điều bình thường ở nước Mỹ - Tạp bút của Nguyễn Thị Hậu.
Bạn hỏi: sao đi Mỹ về im lặng thế, không thấy viết gì?
Thật ra từ đầu năm tới giờ hình như tôi chưa viết được gì ưng ý… Quá nhiều điều phải suy nghĩ, phải liên tưởng, phải hiểu, bạc tóc mà vẫn thấy mình ngơ ngác… Tôi đi Mỹ trong một tâm trạng nhạy cảm đến mức gần như căng thẳng. Nhờ vậy, tất cả những gì mắt thấy tai nghe tim cảm nhận đã làm rung lên trong tôi những cung bậc cảm xúc không dễ gì phai nhạt, tuy chỉ là những điều rất đỗi bình thường.
Có lẽ những gì tôi muốn kể về nước Mỹ chính là những điều bình thường!
Nước Mỹ đến với tôi đầu tiên từ những sân bay. Rộng lớn hiện đại an ninh chặt chẽ, nhưng vẫn mang lại cảm giác thân thiện, nghiêm ngắn và sự yên tâm. Chuyến bay quốc tế hay quốc nội thì thủ tục cũng như nhau, nhanh nhẹn và chu đáo, các nhân viên kiên nhẫn giải thích giải đáp những câu hỏi thắc mắc khiếu nại của hành khách với thái độ nhã nhặn và nghiêm túc mà không cần phải có “nụ cười thường trực trên môi” như phong trào văn minh công sở ở nước ta (Người Việt mình thích cười, ngay trong giao tiếp quan hệ làm việc cũng phải cười với nhau… hình như trong giờ làm việc không thể có gương mặt bình thường nghiêm túc nhã nhặn được, khi không cười thì chỉ có sự cáu kỉnh lạnh nhạt khó ưa?). Trong chuyến bay từ DC về SF một vali hành lý của tôi bị kiểm tra mà tôi không hề biết. Hai ngày sau cần đến mới mở ra thì thấy khóa bị cắt, bên trong đồ đạc có dấu xáo trộn nhưng không mất gì cả (trong vali có iPad mini mua cho con gái, đồng hồ mua cho ông xã và một số mỹ phẩm làm quà cho bạn). Ngay trên đồ đạc là một tờ giấy in sẵn Thông báo về việc kiểm tra hành lý, và cuối cùng xin lỗi đã làm phiền hành khách. Thật ra nếu bay nội địa thì chẳng ai khóa vali hành lý gửi cả, nhưng vì tôi bay về Việt Nam qua một chặng chuyển tiếp nên phải lấy của bạn một cái khóa khác để khóa vali.
Ra khỏi sân bay nước Mỹ đến với tôi bằng những con đường cao tốc 8 làn xe chạy vun vút. Quanh những thành phố bao giờ cũng có làn đường dành cho xe chở 2 hoặc 3 người, khuyến khích đi chung xe, đỡ tắc đường giảm ô nhiễm môi trường. Vậy nhưng làn đường này ngay cả giờ cao điểm cũng không nhiều xe chạy. Người Mỹ thích độc lập tự do ngay cả trong việc sử dụng phương tiện giao thông, mặc dù ở nhiều thành phố có hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo.
Đường tốt, xe nào chạy làn đường đó, giờ cao điểm chịu khó nhích từng chút. Có mệt mỏi thì nhìn ra hai bên đường: cây xanh, thảm cỏ, bụi hoa… đều là loại hoang dại nhưng được chăm chút cẩn thận mà trông vẫn tự nhiên. Những con đường bê tông dài hàng trăm ngàn cây số khắp nơi tôi qua gần như đều song hành với màu xanh của cây cỏ. Kể cả trên hoang mạc Nevada cũng dày đặc những bụi xương rồng trổ bông nhiều màu sắc, trên những ngọn đồi bát úp chồng lên nhau suốt vùng California đã phủ lớp cỏ đầu xuân mới nhú. Đất đai rộng lớn, thiên nhiên hiện diện khắp nơi càng cho ta cảm giác mênh mông của trời của đất. Tầm mắt hun hút theo con đường, tầm mắt ngút ngàn hoang mạc, bờ biển, bình nguyên, trung du… Tự do phóng tầm mắt khắp nơi thấy mình to lớn hơn, tự do hơn, và tự chủ hơn.
Các thành phố Mỹ tôi đến mang lại ấn tượng về quy hoạch đô thị thật khoa học, chính vì vậy mà nó đẹp, cái đẹp của sự giản dị và hợp lý. Những con đường trong thành phố đều có bảng tên đường, bảng hướng dẫn làn đường treo ở độ cao phù hợp cho người ngồi trên xe hơi nhìn thấy, đủ lớn để từ xa đã đọc được, đủ khoảng cách để hướng dẫn xe quẹo phải trái hay quay đầu xe, ở các giao lộ đều có làn đường cho xe quẹo phải. Đèn giao thông vẫn còn nhiều cái cổ lỗ, cột điện vẫn bằng gỗ với hàng dây điện đen chăng dọc suốt đường (ngay ở Mỹ cũng đâu đã “ngầm hoá” hết được đường điện). Nhưng tất cả sạch sẽ gọn gàng, dù cũ kỹ nhưng vẫn được chăm nom bảo quản. Lòng đường sạch sẽ, lề đường và những bức tường phủ kín hoa lá, cây xanh, cứ vài con đường lại thấy một công viên nhỏ hay vườn hoa, bãi cỏ, ngày nắng ấm luôn có những bà mẹ đẩy xe đưa con đến chơi, trẻ em ở trường học gần đấy mỗi khi tan học cũng được bố mẹ cho ra đây chạy nhảy vui chơi trước khi về nhà. Bộ mặt đô thị mang lại cảm giác cuộc sống nơi đây quá đỗi bình yên.
Có lẽ tôi thích nhất là những ngôi nhà trong thành phố. Ngoài New York là với vô vàn toà nhà kính nhiều màu cao chọc trời, Las Vegas cả ngày lẫn đêm rực rỡ ánh đèn và sắc màu của những trò chơi đen đỏ… Các thành phố tôi qua dường như có một quy định ngầm: Ở mỗi khu vực kiến trúc nhà cửa thường cùng một kiểu: giống nhau cả hình dáng, chất liệu xây dựng và bố trí mặt tiền. Mới nhìn cảnh quan khu phố có vẻ đơn điệu vì hầu hết các kiểu nhà hình thức và quy mô trông khiêm tốn, một trệt một lầu hoặc có thêm tầng lửng. Nhà nào cũng có vườn trồng hoa, vài cây cao, đặt ghế xích đu hoặc trồng cột chơi bóng rổ cho trẻ em. Không nhà nào bề ngoài trông nổi bật hơn so với xung quanh, dù có thể nội thất sang trọng. Nhìn những ngôi nhà này đã thấy sự bình đẳng trong cộng đồng và tôn trọng con người. Trong những ngôi nhà tôi có dịp đến, khác với cấu trúc nhà ở Việt Nam, nhà Mỹ thường nhỏ so với diện tích đất, trong nhà phòng khách lớn nhất vì còn là nơi sinh hoạt của gia đình, kế đến bếp đồng thời là phòng ăn, các phòng ngủ nhỏ, nhà vệ sinh cũng nhỏ vừa đủ dùng. Tính thực tế của người Mỹ khá rõ, không phô trương ở những nơi không cần thiết. Mỗi ngôi nhà tính theo số phòng ngủ để biết lớn hay nhỏ, có thể định giá trị ngôi nhà. Tất nhiên, những khu nhà của các triệu phú tỷ phú Mỹ thì khác, rất khác. Khác thế nào thì tôi… không thể nói được, vì chưa tận mắt nhìn thấy chưa bước vào, ngoài việc nhìn thấy trên phim ảnh, như nhiều người khác.
Boston là thành phố tôi thích nhất. Cảnh quan như một thành phố Tây Âu thời cận đại, những khối nhà vuông vắn gạch đỏ đằm thắm, những ngôi nhà 1, 2 lầu với bậc tam cấp bên cạnh những khung cửa sổ sơn trắng êm đềm. Hoa mùa xuân nở khắp nơi, sắc hồng thắm trắng tinh khôi giữa xanh ngát lá. Boston còn là một thành phố trẻ bởi hàng trăm ngàn sinh viên của nhiều quốc gia đang học ở đây. Bước chân ra đường là cảm nhận được sức sống mới mỗi ngày từ những bước chân sinh viên nối nhau trên đường, trên xe bus, trong metro… Ngày tôi đến Boston đang chuẩn bị cho dịp Lễ tốt nghiệp của các trường đại học nổi tiếng ở đây. Hàng chục ngàn phụ huynh sẽ đến đây tham dự buổi Lễ long trọng này.
Nằm ở Batumi, Georgia, bức tượng độc đáo bắt đầu dịch chuyển lúc 19h mỗi ngày.
Ở nước Mỹ có thể nhìn thấy người xếp hàng khắp nơi: đi taxi, mua hàng, lên xe bus, làm thủ tục sân bay, đi ăn trưa ăn chiều ăn tối xếp hàng chờ có chỗ trống, mua cà phê và đồ ăn nhanh “to go”, kể cả đi vệ sinh nếu quá “bức xúc” cũng đừng mong chen ngang. Ai bảo chỉ có xã hội chủ nghĩa mới Xếp Hàng Cả Ngày? Qua nước Mỹ bạn phải làm quen và “chịu đựng” việc xếp hàng trật tự thôi, vì chỉ cần bạn chen ngang là lập tức có người nhắc nhở bạn ngay. Nếu bạn không biết đọc tiếng Anh thì đã có ký hiệu chỉ dẫn rõ ràng. Bạn không tuân thủ thì ý thức bạn quá kém, và như vậy bạn không xứng đáng nhận được ánh mắt tôn trọng của mọi người. Ai cũng có công việc cần, quỹ thời gian ai cũng như ai, xếp hàng là tôn trọng mình và tôn trọng người khác, đơn giản là như vậy.
Khi tôi đến nước Mỹ vào xuân. Phía Tây đã có những ngày nắng nóng. Mọi người trút bỏ quần áo mùa đông để khoác lên mình trang phục mùa hè, giản đơn, tiện dụng. Ngoài phố các cô gái khoe chân trần vai trần phơi nắng ấm. Dép kẹp, giày thể thao là hai loại phổ biến. Trang phục đơn giản có vẻ “bụi” và thực dụng. Trong các trường đại học cũng vậy, sinh viên ăn mặc nghiêm túc có, “bụi đời” cũng có luôn. Nhưng phong thái ai cũng tự tin, thoải mái. Giống như Sài Gòn, ít ai để ý đến quần áo của bạn nhưng ngày thường đi trên phố không khéo thì mớ quần áo giày dép đắt tiền sẽ làm cho bạn mất đi sự tự tin vì sự “chỉn chu” của mình.
Các thành phố Mỹ cũng gặp vấn nạn về nơi đậu xe, tuy không quá khó khăn nhưng vào giờ cao điểm hay ở những nơi công cộng, trung tâm mua sắm vào ngày cuối tuần thì tìm được một chỗ đậu xe thật sự là một kỳ công. Nhưng không một người bình thường nào đậu xe vào chỗ dành cho người khuyết tật, dù chỗ đó để trống rất lâu, dù phải đi vòng vèo mấy tầng hầm cũng chưa tìm được chỗ. Những cách hành xử theo quy tắc chung của xã hội, của cộng đồng như vậy được duy trì như là đạo đức, vì được củng cố bằng luật pháp, quy định và xử phạt nghiêm minh. Việc bị cảnh sát phạt cũng… bình thường, không phải bình thường vì vi phạm thường xuyên mà ai cũng hiểu mình đã phạm luật thì bị phạt là đương nhiên, mất tiền, mất thời gian đi nộp phạt… để lần sau nhớ đừng tái phạm. Không thấy ai tức tối hay ấm ức vì bị phạt (ở mình, bị phạt nhiều khi ấm ức tức tối vì sĩ diện, vì mất tiền cho người phạt, chứ không phải vì bị oan). Lại nói, ngoài đường, nơi công cộng hầu như ít thấy bóng dáng cảnh sát, nhưng có việc gì bất thường xảy ra là thấy mấy ảnh xuất hiện liền, giải quyết một cách tự tin, nhanh chóng và chuyên nghiệp. Mỗi người là một cá nhân nhưng cũng là một phần hữu cơ của xã hội. Luật pháp và những quy tắc dành cho tất cả nhưng cũng vì một con người cụ thể. Do đó mọi người đều yên tâm và tin rằng, khi cần mình sẽ nhận được giúp đỡ tận tâm của người có chức trách và sự chia sẻ của cộng đồng.
Hai tháng đã qua từ ngày tôi đặt chân xuống phi trường LAX, nước Mỹ vốn rất xa lạ với tôi trở nên gần gũi hơn chỉ sau ba tuần vội vã lướt qua.Và cái gì còn lại trong tôi nhiều nhất? Không phải là những sôi động hiện đại làm choáng ngợp của một nước Mỹ giàu có mà là cuộc sống bình yên từ tất cả những điều bình thường và giản dị. Nhưng khi đi trên đường phố Boston nơi đã xảy ra vụ đánh bom khủng khiếp một tháng trước, tôi không thể không tự hỏi, tại sao nước Mỹ vẫn xảy ra những vụ xả súng đánh bom điên cuồng vào những người vô tội? Vì sao phim Mỹ hay miêu tả những tội ác khủng khiếp, thảm hoạ khôn lường? Vẫn biết ở các thành phố lớn đằng sau những tòa nhà chọc trời, đằng sau sang trọng xa hoa, đằng sau cuộc sống bình thản đang diễn ra trước mắt… luôn là những khu ổ chuột, xóm “nhà lá”, những đường phố tệ nạn và tội ác diễn ra hàng ngày. Sự phân hoá xã hội như một quy luật bù trừ, khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ nằm ở hai cực cách xa nhau, chúng ta chỉ mới nhìn thấy một phần nhỏ của khoảng giữa. Còn có nhiều “cuộc sống” khác nữa của nước Mỹ mà người chỉ “đi qua” như tôi khó có thể biết hết.
Tôi không biết “khen – chê” nước Mỹ như nhiều người (lần đầu đi Mỹ về) đã viết, bởi vì ở đâu chẳng có điều tốt và cái xấu. Tất cả những gì làm tôi có cái nhìn mới hơn, khác hơn về nước Mỹ là từ những điều bình dị hàng ngày. Như những ngôi nhà có hàng rào thấp sơn trắng mà tôi đã nhìn thấy khắp nơi, như góc phố hiên nhà đầy hoa lá, như con đường chạy giữa hai hàng cây xanh phía trên là bầu trời xanh thắm, giữa ruộng nho bạt ngàn lấp lánh ánh mặt trời buổi bình minh hay giữa hoang mạc trong mặt trời đỏ ối buổi chiều tà… Cuộc sống mà tôi thấy ở nước Mỹ là gương mặt bình yên trong muôn mặt đời thường ở xứ sở mà nhiều người đã ước mơ một lần được đến, được sống, như ước mơ di trú đến chốn Thiên đường sau ngày giã từ cõi tạm.
Nhưng ngay cả Thiên đường cũng luôn có Địa ngục song hành, nếu không, mấy ai biết giá trị của hạnh phúc nơi Thiên đường?
Sài Gòn, hai tháng sau ngày đến nước Mỹ, 7/5 – 7/7/2013
Nguyễn Thị Hậu
Công trình đài phun nước Metalmorphosis tại công viên Whitehall
Đọc thêm bài cùng chủ đề
Caroline Thanh Hương: So sánh hệ thống y tế Canada và Mỹ - Hoàng Thịnh.
Caroline Thanh Hương: Nói để cảm nhận, nói để vui và nói để thấy quặng đau khi không còn hiểu nhau/ Des mots qui nous font mal, qui nous font du bien ou qui nous font rire.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire