caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 26 avril 2017

Nghe và đọc truỵên về tướng Lê Văn Hưng qua bài viết của trung tá Văn Nguyên Dưỡng.

Tháng 4 năm nay cũng là tháng 4 buồn, vì từ ngày mất nước đến nay, chúng ta, những người lưu vong từ những năm 1975, đều nhớ về lịch sử của những ngày đau thương nhất.
Với kỷ niệm ngày dần xa, nhưng tin tức, bài vỡ ngày càng nhiều, năm nay, kính mời quý anh chị ôn lại lịch sử đấu tranh hào hùng của những tướng tá Việt Nam Cộng Hoà, lòng yêu nước ngập tràn con tim.
Bao chiến binh miền nam Việt Nam đã chống đỡ, đánh trả quân miền Bắc tràn xuống, với vũ khí ngày càng ít dần đi, với viện trợ thưa thớt của người Mỹ khi muốn chấm dứt cuộc chiến mà họ không thể thắng.
Tướng miền Nam không ít người tài giỏi, sẵn sàng hy sinh vì mệnh nước, vì quân mình, không bỏ anh em, không bỏ bạn bè.
Ngày hôm nay, lịch sử đã chứng minh nước Việt Nam còn hay mất, ai cũng đã mắt thấy, tai nghe và đã hiểu tất cả như một cơn ác mộng.
Mời quý anh chị ôn lại dỹ vãng với lời tường thuật chiến trường của ông Văn Nguyên Dưỡng, người bạn thân và đồng đội với tướng Lê Văn Hưng.
Một trận chiến An Lộc đã đòi hỏi bao hy sinh anh dũng của bao chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa năm 1972 để miền Nam còn tồn tại đến năm 1975.
Cám ơn các bài viết của ông Văn Nguyên Dưỡng đã gửi đến groupe cho chúng tôi và mời quý anh chị nào thích nghe đọc truyện thì cũng có thể không cần kính mà nằm nghe lại những thành tích của quân đội VNCH.
Caroline Thanh Hương

 Dưới đây là những đường dẫn để nghe đọc truyện
1/

6/
7/

HỒI KÝ VỀ TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ TRẬN AN LỘC
 LESSONS FROM THE VIETNAM WAR


Lời Bạt: Kính thưa Độc giả các Diễn Đàn,
Trong ngày 30-04-2012, Tòa soạn TCDV nhận được bài viết

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972

• Tác giả là một Huynh Trưởng của chúng tôi, Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng (xin xem Tiểu sử bên dưới), qua Mỹ Ông đã trở lại trường và tốt nghiệp Cao học Chính trị học về “Ngoại giao & Giao tế Quốc tế”, Hoa Kỳ.

• TT Dưỡng hay Văn Nguyên Dưỡng là người đã “tử thủ” An Lộc cùng với Chuẩn Tướng ANH HÙNG Lê Văn Hưng.

Bổn báo chủ nhiệm đã mất một người bạn đồng khoá 25SQTĐ tại trận chiến này, cố Đại úy Lê Văn Hiếu, TĐ52BĐQ, đã nằm lại nơi đây, năm ngoái, một người bạn cùng binh chủng, nguyên Đại úy Đoàn Trọng Hiếu đã lo việc “cải tang” cho hơn 60 anh em đồng đội đã hy sinh tại Bình Long An Lộc, trong đó có cố Đại úy Lê văn Hiếu.

Bài viết của HT Dưỡng rất chi tiết và tỉ mỉ, ông đã mô tả các trận tấn công của VC như thế nào và quân dân ta đã giữ vững An Lộc ra sao, xin mời qúy vị theo dõi.

Như thường lệ, vì hai bài viết rất dài nên Tòa Soạn cũng chia ra nhiều kỳ để các DĐ đăng được đầy đủ. Qúy vị nào cần ngay cả bài, liên lạc với TCDV, chúng tôi sẽ gởi đến hầu qúy vị.

Germany, ngày 01-05-2012
- Điều Hợp Viên DĐ Ngôn Ngữ Việt,
- Chủ Nhiệm TCDV.


LÝ TRUNG TÍN
(Kỷ niệm ngày GĐ chúng tôi được chiếc tàu CAP ANAMUR vớt ngoài biển đông hồi 10 giờ 47 phút NGÀY 01-05-1980)
VĂN NGUYÊN DƯỠNG
& VĨNH ĐỊNH NVD

BÚT DANH CỦA

NGUYỄN VĂN DƯỠNG
TRUNG TÁ NGÀNH QUÂN BÁO QLVNCH
KHÓA 5 – VÌ DÂN
THỦ ĐỨC


Tác phẩm*War studies:
-The Tragedy of the Vietnam War
(McFarland 2008).
-Lessons of the VietnamWar
(S.A.C.E.I.Forum # 6, 2009).
-The Death of Historian Pham van Son
(S.A.C.E.I. Forum # 7, 2010).
Thi ca:
VÙNG ĐÊM SƯƠNG MÙ.
TUYỂN TẬP THƠ VND.
TRƯỜNG CA TRÊN BÃI CHIẾN.
VĂN NGUYÊN DƯỠNG hay VĨNH ĐỊNH NGUYỄN VĂN DƯỠNG

Sinh tháng 1, năm 1934, Thị xã Cà mau, Tỉnh Bạc liêu, Nam Việt.
Động viên Khóa 5 SQTB tháng 5, năm 1954.
Tốt nghiệp Thiếu úy ngày 1 tháng 2, năm 1955

*BINH NGHIỆP
Trung đội trưởng & Đại đội Trưởng, TĐ1/43, Sư đoàn 15 Khinh Chiến, 1955-1957.
Huấn luyện viên Trường Quân Báo & CTTL/QLVNCH, 1958-1963.
Sĩ Quan Tham Mưu, Phòng II/BTTM/QLVNCH, 1964-1966.
Chỉ huy phó & Q.Chỉ huy trưởng TTQB, 1966-1968.
Trưởng Phòng 2, BTL/SĐ 22BB, 1969-1970.
Trưởng Phòng 2, BTL/SĐ5BB, 1971-1974. Tham dự Trận chiến An Lộc mùa Hè 1972.
Sĩ quan Tham mưu, Phòng II/BTTM/QLVNCH, 1974-30/4/1975.
*HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ
Tốt nghiệp:
• Khóa ANQĐ, Trường Quân Báo QLVNCH, Sài Gòn, 1958.

• Khóa Tình Báo Lãnh thổ, Bộ Tư lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông, Singapore, 1961.

• Khóa An ninh & Phản tình báo, 1962.

• Khóa Tình báo Chiến trường (Field Operations Intelligence),1965, Trường Tình báo Lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Okinawa.

• Khóa Tình báo Cao cấp, Trường Tình báo Lục quân Hoa Kỳ, Maryland, 1968
*TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN
- Cao học Chính trị học về “Ngoại giao & Giao tế Quốc tế”, Hoa Kỳ.
*TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ
Sau ngày 30, tháng 4, 1975, bị tập trung cải tạo -hay đi ở tù CSVN- cùng với hàng trăm ngàn Sĩ quan QLVNCH, CSQG, Công chức Cao cấp, các lãnh tụ tôn giáo và các đảng phái chính trị Quốc Gia, ở các vùng Thượng du, Trung du Bắc Việt và miền Nam. Ra tù năm 1988. Định cư ở Hoa Kỳ tháng 9, năm 1991.

-Tập thơ “VÙNG ĐÊM SƯƠNG Mù” làm từ năm 1965 và được Nhà XB Mai Lĩnh xuất bản năm 1966 ở Sài Gòn.

-Tập thơ “TRƯỜNG CA TRÊN BÃI CHIẾN” và nhiều bài thơ ngắn khác làm trong 13 năm ở các Trại Tù CSVN.

-Sang Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp Cao học, chuyển Luận án thành sách. Nhà XB McFarland North Carolina xuất bản tháng 9, năm 2008, tựa đề “The Tragedy of the Vietnam War”. Cung Trầm Tưởng viết bài góp ý và giới thiệu, được đăng nhiều lần trên báo chí Việt ngữ. Văn Nguyên Dưỡng viết cho vài tạp chí văn học ở Hoa Kỳ và Canada.
TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG
VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC
TRONG MÙA HÈ 1972
**!**
VĂN NGUYÊN DƯỠNG
TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 1
1. QUÂN ĐOÀN III & VÙNG 3 CHIẾN THUẬT VỚI TƯỚNG ĐỖ CAO TRÍ VÀ TƯỚNG NGUYỄN VĂN MINH

Trung tướng Nguyễn văn Minh nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật (QĐIII & V3CT) sau khi vị tướng lãnh lỗi lạc nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) Trung tướng Đỗ Cao Trí, tử nạn trực thăng trên không phận tỉnh lỵ Tây Ninh vào ngày 23 tháng 2, năm 1971.

Trước đó ở cả bốn Vùng Chiến Thuật, QLVNCH đã mở những cuộc hành quân sâu vào căn cứ địa của lực lượng Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào và truy diệt chúng xa hơn vào lãnh thổ Miên và Lào. (Về lý do vì sao QLVNCH tổ chức các cuộc hành quân vượt biên sang Cao Miên và Lào, sẽ trình bày trong một dịp khác, hoặc xin mời đọc “The Tragedy of The Vietnam War” của tác giả, ở tiểu mục “A Controversal Escalation of the War in Indochina”, do McFarland xuất bản tháng 9, 2008, từ trang 135 đến 141).

Lực lượng hành quân QĐIII & V3CT của Tướng Đỗ Cao Trí đạt thành quả lớn lao nhất. Từ tháng 4, 1970, đã đánh bạt Sư đoàn Công trường 7 CSBV (SĐ-7/CSBV) và Sư đoàn Công Trường 9 Cộng Sản của TWC/MN (SĐ-9/CS) ra khỏi các căn cứ địa quan trọng Lưỡi Câu, ở biên giới tây bắc Bình Long và Mỏ Vẹt ở biên giới tây nam Tây Ninh, đồng thời phá tan các căn cứ hậu cần lớn, nhỏ, của Trung Ương Cục Miền Nam (TWC/MN) cơ quan chính trị và quân sự đầu não của CSBV ở Nam Việt Nam; hạ hơn 11,000 quân CSBV, bắt hơn 2,200 tù binh và thu hoặc phá hủy hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị và hậu cần của chúng. Sư đoàn Công trường 5 Cộng Sản của TWC/MN (SĐ-5/CS) lúc đó đã rút sang Cao Miên hoạt động bên ngoài biên giới Kiến Phong và đang là mục tiêu của QĐIV & V4CT.

Ở mặt trận phía bắc, dọc Liên Quốc lộ 7, các Chiến đoàn QĐIII & V3CT vượt qua các đồn điền cao su Mimot, Krek và Chup, đến tận Tonle-Bet đông ngạn Sông Mékong ngang thành phố Kampong-Cham -nơi trú đóng Bộ Tham Mưu Quân Khu I của Tướng Fan Muong thuộc Quân lực Quốc gia Cao Miên (Forces Armées Nationales Khmères -FANK). Ở mặt trận phía nam, trên Liên Quốc lộ 1, các Chiến đoàn khác của Tướng Trí cũng tiến đến bên ngoài thành phố Sway-Riêng yểm trợ cho các đơn vị của Đại tá Dap Duon, Tỉnh trưởng của tỉnh phía đông Cao Miên này, giáp với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam.

Suốt trong gần một năm hiện diện trên lãnh thổ Miên, QLVNCH đã liên lạc với chính quyền quân sự Cao Miên, đưa khoảng trên dưới vài chục nghìn đồng bào Việt Nam ở đó trở về nước. Chính Tướng Đỗ Cao Trí đã làm việc này. Nỗi bận tâm của Trung tướng trong các cuộc Hành quân Toàn Thắng trên lãnh thổ Miên không chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng CSBV và các căn cứ hậu cần quan trọng của chúng ở biên giới Miên, hay chỉ để yểm trợ cho lực lượng quân đội non yếu của Tướng Lon Nol (Ông này là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Miên, vừa làm cuộc đảo chính lật đổ Norodom Sihanouk trong tháng 3, 1970, khi Sihanouk công du nước ngoài) nhưng còn để giải thoát hàng chục nghìn Việt kiều bị chính quyền địa phương của chính phủ Lon Nol nghi ngờ là Việt Cộng, bắt giam giữ. Trung tuần tháng 4, 1970, tôi được Trung tướng Trí cử sang làm Sĩ quan Liên lạc ở Tỉnh Sway-Riêng thay thế Đại tá Lê Đạt Công lúc đó là Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT. Tôi nhận rõ chỉ thị và hiểu rõ mối quan tâm của Trung tướng Trí về vấn đề Việt kiều ở Miên. Vì vậy, khi biết nhu cầu cần được yểm trợ của Đại tá Đap Duon, Tỉnh trưởng Sway-Riêng, và sau khi thoả mãn được vài điều khá quan trọng, việc đầu tiên của tôi là yêu cầu Đại tá Đap Duon đưa đến thăm viếng số đồng bào chừng hai nghìn người bị chính quyền Miên tập trung giam giữ ở Trường Tiểu học tỉnh lỵ. Trước cổng Trường này, tôi hứa với đại diện Việt kiều nạn nhân ở đó là sẽ trình nguyện vọng muốn về nước của đồng bào lên Tướng Trí, Tư lệnh QĐIII & V3CT. Tôi đã làm như đã hứa.

Trong tháng 5, 1970, khi được Tướng Trí uỷ thác sang Kompong-Cham làm Sĩ quan Liên lạc ở Bộ Tư lệnh Quân khu I Cao Miên của Tướng Fan Muong, với một toán trên mười sĩ quan, hạ sĩ quan Phòng 2, Phòng 3, và Truyền tin của QĐIII & V3CT. Ở Komgpong-Cham, tôi cũng yều cầu Trung tá Ly Tai Sun, Tư lệnh phó của Fan Muong, nhất định phải đưa tôi đi xem nơi đồng bào Việt Nam bị họ bắt giam giữ. Hơn vài nghìn Việt kiều, kể cả đàn bà và trẻ con, chen chúc dưới các đường giao thông hào khá sâu và rộng --mà người Pháp gọi là tranchées-- trong khuôn viên chiếc sân rộng lớn của Bộ Tư lệnh Quân Khu trong thành phố. Việc này chỉ diễn ra vào buổi sáng sau khi tôi đã yêu cầu Tướng Trí cho Không Quân Việt Nam (KQVN), đánh giải tỏa Bộ Tư lệnh Quân Khu I, bị Tiểu đoàn J-16 Đặc công và các đơn vị chính qui của CSVN tấn công và bao vây từ đêm trước. Khi chỉ vào nhóm Việt kiều bị giam giữ dưới các giao thông hào đó, Ly Tai Sun nói với tôi bằng tiếng Việt: -“Nếu hôm nay Ông không gọi được KQVN đánh giải cứu chúng tôi, thì số người này sẽ bị bắn hết.” Đó là nguyên văn câu nói của tên Trung tá này. Từ ngày toán Liên lạc của chúng tôi đến Kompong-Cham, tôi tiếp xúc với Thiếu tá John Fernandez Tham Mưu trưởng, Ly Tai Sun Tư lệnh phó và Tướng Tư lệnh Fan Muong bằng tiếng Pháp, vì tôi không biết tiếng Miên, tôi chưa hề nghe các Sĩ quan Miên này nói một câu tiếng Việt nào. Đột nhiên nghe Ly Tai Sun bật lên câu nói ghê tởm đó, tôi nói với hắn, “Thì ra Ông là người Việt Nam, họ Lý. Ông nói vậy có nghĩa là các Ông sẽ giết hết số Việt kiều này và cả toán Liên lạc của chúng tôi, đúng không? Hắn cười. Tôi nói tiếp: -“Chắc là Ông chưa lường được hậu quả lớn lao sau này.” Lý Tài Sun, hay Lý Đại Sơn --tên thật của Sun-- không nói gì thêm. Tức tốc, tôi vào gặp Tướng Fan Muong nói việc Ly Tai Sun và tôi gửi mật điện trình mọi việc với Tướng Trí. Ngay buổi trưa đó, Trung tướng cho trực thăng, kèm theo quân Nhảy Dù, đón toán Liên lạc chúng tôi về Biên Hòa. Có lẽ sau đó Tướng Fan Muong điện xin lỗi Trung tướng Trí. Dĩ nhiên vấn đề chính phải là chuyện giải quyết số phận của hàng chục ngàn Việt kiều bị chính quyền Miên giam giữ từ mấy tháng trước đó khi quân CSBV phối hợp với các đơn vị Cộng sản Miên tấn công các thành phố Miên và tạo vòng đai bao vây Thủ đô Phnom Penh của Chính quyền Lon Nol. Mấy ngày sau, Thiếu tá Nguyễn văn Lý của Phòng 2/BTL/ QĐIII & V3CT và một toán Liên lạc khác được đưa trở lại Kompong-Cham. Không lâu sau đó Đại tá Trần văn Tư thay thế Thiếu tá Lý.

Trong tháng 5 đó, vấn đề nội bộ ở cấp cao giữa Trung tướng Đỗ Cao Trí và Tổng thống Nguyễn văn Thiệu hay Chính phủ VNCH, hay vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Cao Miên diễn ra thế nào tôi không được biết, nhưng các cuộc hành quân thủy, bộ, của QĐIII và QĐIV đã diễn ra, đón đưa nhiều chục nghìn Việt kiều ở Miên về nước trong các tháng 5, 6 và 7, 1970. Lúc đó tôi tiếp tục phục vụ ở Phòng 2 QĐIII & V3CT, dưới quyền Đại tá Lê Đạt Công, khi ở Biên hòa, khi ở Hiếu Thiện, rồi Tây ninh, luân phiên thay thế ông về tình báo chiển trường cho đến ngày Trung Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn.

Từ ngày Trung tướng Nguyễn văn Minh về thay thế nắm quyền Tư lệnh, nhất là sau tang lễ trọng thể của cố Đại tướng Đỗ Cao Trí, tình hình ngoại biên và trong nội địa Quân đoàn III & V3CT có nhiều thay đổi lớn vì hai lý do:

Thứ nhất, CSBV tăng cường đáng kể lực lượng của họ ở các mặt trận Lào và Miên với những cuộc phản công dữ dội ở Tchépone và suốt dọc Đường 9 đến biên giới Khe Sanh, cũng như các cuộc phản công ở Đường 7, từ các đồn điền cao su Chup, Mimot đến biên giới Việt-Miên, vùng Lưỡi Câu và Mỏ Vẹt. Chiến đoàn 8 của Sư đoàn 5 Bộ binh (SĐ5BB) cũng tổn thất nặng và rút khỏi Thị trấn Snoul của Miên trong cuối tháng 5, 1971. Địa điểm duy nhất của Quân đoàn III còn duy trì trên lãnh thổ Miên là căn cứ hỗn hợp Việt-Mỹ ở Thị trấn Krek, giao điểm giữa đường 7 và đường 22 đổ vào nội địa tỉnh Tây Ninh và cách biên giới chừng 12 km.

Thứ hai, Trung tướng Nguyễn văn Minh tánh người ôn nhu, chuộng phòng thủ hơn tấn công. Ông không phải là một hổ tướng như Đại tướng Trí, nhưng là một túc tướng (tôi sẽ trình bày ở phần sau). Hơn nữa, cục diện chiến trường đã thay đổi sau cuộc Hành quân Lam sơn 719 ở Hạ Lào. Tướng Minh lâm vào tình trạng bất cập, khó khăn trong vấn đề chỉ huy. Ông xuất thân Khóa IV Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, trong khi hai vị tư lệnh Sư đoàn dưới quyền đều thuộc khóa đàn anh. Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu, Tư lệnh SĐ5BB và Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, Tư lệnh SĐ18BB, cùng xuất thân Khóa III. Sau trận rút lui khỏi Snoul của Chiến đoàn 8, SĐ5BB, Tướng Hiếu được trao phó trọng trách khác. Đại tá Lê văn Hưng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Cần Thơ, được Tướng Minh đề nghị thay thế Tướng Hiếu làm Tư lệnh SĐ5BB. Ít lâu sau, Tướng Lâm Quang Thơ cũng được Đại tá Lê Minh Đảo thay thế.

Tuần lễ đầu tháng 6, 1971, tôi được lệnh thuyết trình tình hình các đại đơn vị địch trong lãnh thổ và ngoại biên -mà QĐIII & V3CT phải đương đầu- cho Đại tá Lê văn Hưng, tân Tư lệnh SĐ5BB. Nội dung bài thuyết trình không khác gì nhiều so với những gì tôi viết trên đây. Dĩ nhiên là không có phần nói về các vị Tướng Tư lệnh Trí, Minh, Hiếu và Thơ. Tôi nóí về tình hình của các đại đơn vị CSBV và TWC/MN đang hoạt động ở biên giới Việt-Miên sau khi QLVNCH rút ra gần hết khỏi lãnh thổ Miên, chỉ còn duy trì cứ điểm cuối cùng ở Krek. Tôi trình bày rõ về qui luật tác chiến, quân số, trang bị, vùng hoạt động của từng đại đơn vị CSBV & TWC/MN theo trận liệt và tin tức mới nhất mà chúng tôi có được. Sau cùng là phần ước tính về hoạt động của các đại đơn vị này và chủ trương của TWC/MN trong thời gian tới. Tôi cho rằng nên giải tỏa áp lực địch có khuynh hướng tập trung để dứt điểm căn cứ Krek vì lúc đó chúng tôi ghi nhận TWC/MN đang hiện diện trong vùng Snoul, và các căn cứ hậu cần của chúng đang hoạt động trở lại ở vùng biên giới Bình Long và Tây Ninh. Đây là bài thuyết trình thường lệ ở cấp Vùng Chiết Thuật (là cấp Quân Khu cũ) về “tình hình địch”. Hình như Đại tá Hưng nghe rất rõ, không hỏi một câu nào. Ngược lại, khi bài thuyết trình vừa chấm dứt, Đại tá Hưng quay sang Trung tướng Minh, và nói: -“Thưa Trung tướng, Dưỡng là bạn cùng Khóa, cùng Trung đội với tôi.” Sau đó, ông đứng lên và bước thẳng đến bục thuyết trình bắt tay, ôm lấy tôi. Đó là dấu hiệu thân thiện đầu tiên khi gặp lại sau hơn 15 năm kể từ khi tốt nghiệp và rời Quân trường Thủ Đức vào tháng 1, năm 1955. Ngày ra trường, chúng tôi đều mang cấp bậc Thiếu úy. Ở buổi thuyết trình này, tôi chỉ là một Thiếu tá, nhân viên của một Phòng 2 Quân đoàn, còn ông là Đại tá, tân Tư lệnh của một Sư đoàn. Địa vị trong quân đội cách xa nhau nhiều lắm!

2. TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ TÔI

Tổng số Sinh viên Sĩ quan Khóa V, Vì Dân, trên 1,300 người, kể cả hai Đại đội bộ binh gửi thụ huấn ở Liên trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt. Đại đa số SVSQ được gọi nhâp ngũ và đưa đến Trường SQTB Thủ Đức trong tháng 5, năm 1954. Ông Hưng và tôi được xếp vào Trung đội 8 của Thiếu úy Nguyễn Hưng Chiêu, thuộc Đại đội 2 Bộ binh, cùng ở chung phòng hỗn hợp (salle mixe) với Trung đội 7 của Trung úy Lê văn Sỹ. Ở phòng chung này, Trung đội 7 có 12 sinh viên và Trung đội 8 cũng có một số sinh viên như vậy. Còn phòng chính của mỗi Trung đội gồm 24 sinh viên nằm kế cận hai bên phòng mixe này.

Khóa này, tại Thủ Đức có hai Đại đội bộ binh và sáu Đại đội chuyên ngành như Pháo binh, Trọng pháo, Thiết giáp, Công binh, Truyền tin, Hành Chánh Quân Nhu v.v. Đại đội I Bộ binh gồm các Trung đội 1, 2, 3 và 4; Đại đội II Bộ binh gồm các Trung đội 5, 6, 7 và 8. Trung đội 8 của chúng tôi có 36 sinh viên, mà ngày nay tôi còn nhớ tên trên hơn ba mươi bạn. Trung đội 8, Đại đội II Bộ binh của Thiếu úy Nguyễn Hưng Chiêu có thể là Trung đội SVSQ tạo được hai kỳ tích là đã cho ra trường một Thủ khoa và một sĩ quan sau đó trở thành Tướng lãnh duy nhất cho toàn khóa, danh tiếng lẫy lừng. Vị tướng lãnh này là Lê văn Hưng, người Quận Hóc Môn, Tỉnh Gia Định. Ông là một trong 5 vị Tướng tuẫn tiết ngày 30, tháng 4 đen, năm 1975.

SVSQ Lê văn Hưng lúc đó thỉnh thoảng đôi mắt thoáng nháy nhẹ một lần như khi đã làm tướng. Thường ngày, lúc nghỉ ngơi trong phòng, Hưng thường mặc chiếc sa-rong của người Miên, màu đỏ sọc xanh đen, ở trần không mặc áo, cổ đeo một giây chuyền vàng mang một nanh heo rừng nhỏ. Hưng rất ít nói, nhưng dễ mến vì lúc nào gặp ai cũng cười; nụ cười dễ gây thiện cảm và theo tôi nghĩ, dễ làm xiêu lòng các người đẹp. Nước da ngâm, nhưng cao lớn và đẹp trai theo lối một người hùng hơn là một thư sinh. Lúc đó anh đã lập gia đình. Khi gần hết giai đoạn I, nhất là sau khi đã được mang Alpha --biểu trưng của SVSQ-- cứ mỗi hai tuần sinh viên được đi phép 24 giờ về thăm gia đình. Như vậy mỗi Trung đội 36 sinh viên, thì một nửa đi phép, một nửa khác lưu trại. Tôi thuộc toán được đi phép hay lưu trại chung với anh Hưng.

Trong đời, đôi khi ta gặp những hoàn cảnh chạnh lòng. Khi bước chân vào Quân trường Thủ Đức tôi đã mang nỗi buồn riêng, tủi cho thân phận mình. Không biết nói cùng ai. Lúc đó tôi là một cậu học trò, độc thân, gia đình nghèo. Tôi nhập trường vào tháng 5, đến tháng 7, 1954, sau Hiệp định Genève, đất nước chia đôi. Thị trấn Cà mau nhỏ bé thân thương của tôi biến thành nơi tập trung của các lực lượng vũ trang bộ đội và du kích Việt Minh trong nhiều tháng, trước khi họ tập kết ra miền Bắc. Cha và anh tôi là tiểu công chức phải rời Cà mau lên tỉnh lỵ Bạc liêu làm việc; gia đình ăn ở tạm bợ, nghèo khó. Với số lương tháng ít oi của một SVSQ tôi phải gởi bớt về giúp thêm cho cha mẹ, đứa em gái còn đi học, và người chị quả phụ và hai đứa cháu cô nhi. Ngày thường, nhất là khi tập ở ngoài bãi, tôi lấy thêm phần ăn sáng mà các bạn cùng bàn không đến ăn, thường là bánh mì với mấy thỏi chocolate hoặc fromage đầu bò --ở Nhà Ăn Sinh viên-- mang theo để ăn trong buổi giải lao, trong khi các bạn sinh viên khác bao quanh các gánh bán thức ăn hàng rong ở các bãi tập đó. Buổi chiều, khi ăn cơm xong, tôi thường mang về một ga-men (gamelle) cơm trắng để đến tối trong khi các bạn đi ăn uống ở các Câu lạc bộ Sinh viên hay ở những gánh hàng rong đủ loại thức ăn mà vợ con binh sĩ ở trại gia binh mang đến tận hành lang ngoài phòng ngủ của sinh viên, tôi lặng lẽ đem phần cơm đó và một chai xi dầu, ra ngồi ở bậc xi-măng đầu chiếc cống xây trên lạch nước gần dãy trại của Đại đội chảy ra bãi tập thể dục quân sự, ăn dưới ánh trăng, hay trong bóng tối bao quanh. Tôi đã nuốt những hạt cơm nguội lạnh đó trong nhiều đêm cùng với nỗi tủi thân của mình. Rồi một đêm nào đó, tôi không nhớ rõ, Thiếu úy Nguyễn Hưng Chiêu, Trung đội trưởng của tôi, trong buổi trực đêm của ông, bắt gặp tôi đang ngồi ăn cơm đêm trong bóng tối như vậy. Khi ông rọi đèn pile thấy rõ ga-men cơm đang ăn dang dở và chai xì-dầu, trong khi tôi đứng thẳng ở tư thế nghiêm của một sinh viên trước thượng cấp của mình. Ông không nói gì, để tôi đứng đó và đi vào dãy phòng ngủ của Đại đội. Tôi âm thầm trở về phòng với nỗi lo sợ lớn lao trong lòng. Tôi sợ mình đã vi phạm một lỗi lầm quân kỷ nào đó của Trường. Mấy ngày sau tôi chờ đợi nhận phần phạt. Nhưng không, ngược lại, tôi nhận được tờ giấy bạc 100 Đồng, một số tiền khá nhiều lúc đó, xếp giữa hai trang giấy trong tập bài học của tôi sau khi Thầy khám duyệt và hoàn trả các tập vở đó lại cho các sinh viên Trung đội. Thầy đã kín đáo cho tôi tiền như đã hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Đã gần sáu mươi năm rồi, tôi mang ơn Thầy Chiêu đã đào tạo tôi trở thành một sĩ quan QLVNCH và về đức độ và lòng nhân hậu của Thầy. Tôi không mong trả được ơn Thầy trong cuộc đời này vì tôi biết không có gì quí giá xứng với tấm lòng bao dung rộng lớn của Thầy. Ngược lại, rõ ràng người đã đền đáp ơn Thầy nhiều nhất là Tướng Lê văn Hưng vì những chiến công rực rỡ và sự tuẫn tiết cao đẹp của vị Tướng này, người anh hùng mà Thầy một thời đã tạo dựng nên.

Lúc đó tôi rất ít xuất trại nghỉ phép. Họa hoằn có đi phép thì cũng chỉ xuất trại vào sáng ngày Chúa nhật, đi dạo vòng vòng các khu phố lớn Sài Gòn, xem chớp bóng ở các rạp chiếu bóng thường trực để đợi đến chiều ra Đường Hai Bà Trưng, sau Trụ sở Quốc hội, đợi đoàn xe GMC đưa đón SVSQ của Trường rước về. Những tuần không đi phép tôi mặc quân phục chỉnh tề, cùng các bạn trong Trung đội người miền Bắc, cũng “mồ côi” như tôi sau khi Hiệp định Genève-1954 chia đôi đất nước, đi dạo ở khu chung quanh sân cờ lớn của Trường, nơi có những hàng cây tỏa bóng mát, dù ít oi, xuống thảm cỏ dưới gốc, mà các SVSQ lưu trại thường đón tiếp và vui vầy với gia đình hay người yêu đến thăm viếng trong ngày Chúa nhật.

Cảnh đầm ấm, hạnh phúc và sinh động hực hỡ màu sắc này cũng diễn ra trong Câu lạc bộ Sinh viên và trong các lều mát hay quán ăn chung quanh đó. Dĩ nhiên trong số những thân nhân đến thăm viếng sinh viên hàng tuần không thiếu những bóng hồng tươi đẹp, xinh xắn, là chị, là em, là bạn, là người yêu, hay vợ của sinh viên lưu trại. Một trong những người đẹp đó là vợ của anh Hưng. Nhìn từ xa xa cũng biết chị đẹp. Dáng người cao thon thả nhưng cân đối khoẻ mạnh như một thiếu nữ phương Tây. Mặt sáng, nước da trắng. Cách ăn mặc và dáng điệu tạo vẻ thuộc gia đình trung lưu, khá giả. Mỗi lần thăm anh, chị thường dẫn theo đứa con gái nhỏ chừng hơn một tuổi. Họ quây quần bên nhau rất hạnh phúc. Thế nhưng, trong đời người ta không thể ngờ được những bất cập, tan vỡ, chia ly diễn ra mà hậu quả là ưu phiền và oán hận.

Chín năm sau ngày ra trường, mỗi người đi một nơi, không biết tin tức gì của nhau, bỗng nhiên vào giữa tháng 1 năm 1964, tôi được biết tin về anh Lê văn Hưng. Sau ngày đảo chánh 1 tháng 11, 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Đại tá Nguyễn văn Phước Trưởng Phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu (P2/BTTM) bị mấy ông Tướng đảo chính bắt giam giữ ở Cục An ninh Quân đội, Trung tá Hồ văn Lời, Chỉ huy trưởng Trường Quân báo Cây Mai, được đưa lên BTTM thay thế. Tôi cũng được thuyên chuyển theo ông và giữ chức vụ Trưởng ban Hành chánh của P2/BTTM.

Một hôm tôi đọc được trong xấp hồ sơ “Công văn Đến” lệnh thuyên chuyển của Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng ban hành hoàn trả Trung úy Lê văn Hưng về ngành Quân Báo và đặt thuộc quyền sử dụng của P2/BTTM. Trước cuộc đảo chính Trung úy Hưng là Quận trưởng Trà Ôn ở miền Tây. Có lẽ những năm trước nữa ông Hưng có học qua một khóa Quân Báo hay giữ chức vụ nào đó cùng ngành với tôi mà tôi không biết. Sau đó ít lâu, khi hồ sơ cá nhân của Hưng gửi về P2/BTTM mới được biết là sau khi tốt nghiệp ở Thủ Đức nhờ đậu cao nên anh được chọn về Quân Khu I –lúc đó bao gồm cả lãnh địa của Vùng 3 và Vùng 4 Chiến thuật sau này- và thuyên chuyển về Bộ Chỉ Huy Trung đoàn 15 đóng tại Gia Định. Thiếu tá Lê Thọ Trung là Trung đoàn trưởng. Sau này, khi ông Hưng đã lên Tướng và làm Tư lệnh SĐ5BB, ông Trung, chỉ mang cấp bậc Trung tá, là Tham Mưu trưởng cho ông Hưng.

Không đầy một tuần sau khi P2/BTTM nhận được lệnh thuyên chuyển của Trung úy Hưng, cũng trong tháng giêng đó, một người đàn bà đến xin gặp Trung tá Trưởng P2/BTTM. Với tư cách là người phụ trách về hành chánh và quản trị nhân viên, tôi tiếp bà khách. Bà tự xưng là người phối ngẫu chính thức và đã ly dị của ông Hưng. Tôi hình dung được ngay đó là người vợ của SVSQ Hưng của gần mười năm trước. Tuy bà đã bớt vẻ thon thả, khá người hơn, mà vẫn còn đẹp ở độ tuổi trung niên. Bà mang theo một lá đơn xin gửi lương tháng, mà bà nói là do Tòa án phán quyết khi ly dị, ̣đến thẳng địa chỉ của bà ở Gia Định. Tôi chỉ ghi nhận sự kiện, nhận đơn, mà chưa giải quyết được vì Trung úy Hưng chưa trình diện P2/BTTM.

Sau đó không lâu, tôi nhận tiếp một lệnh khác của Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng thuyên chuyển Trung úy Lê văn Hưng về SĐ21BB. Như vậy đến năm đó tôi vẫn chưa gặp lại Hưng cho đến đầu tháng 6, năm 1971. Vì ông Hưng trình diện thẳng SĐ21BB mà không trình diện P2/BTTM. Cuối năm 1967, vào một buổi chiều, tôi vô tình gặp lại người vợ đã ly dị đó của ông Hưng trong Dancing Club Victoria ở Tân Định, gần Bộ Tổng Tham Mưu. Bà là vũ nữ ở đó. Tôi nhận ra bà nhưng bà không nhớ có lần đã gặp tôi ở P2/BTTM gần bốn năm trước. Lúc đó tôi mang cấp bậc Thiếu tá và được biết ông Hưng mang cấp Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 thuộc SĐ21BB và là một trong năm ngũ kiệt nổi tiếng ở miền Tây. Ít lâu sau nghe ông Hưng thăng cấp Đại tá và làm Tỉnh trưởng Cần Thơ. Từ cuối năm 1967, sau buổi khiêu vũ “matinée” ở Victoria, tôi không gặp bà vợ đã ly dị của ông Hưng lần nào nữa. Đến nay đã gần nửa thế kỷ.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 2
Sau buổi thuyết trình đầu tháng 6, năm 1971 đó, Trung tướng Minh mời Đại tá Hưng và tôi ăn cơm trưa trong chiếc “trailer” đặt ở sân trước Tư dinh Tướng Minh ở Biên Hòa. Đáng lẽ tôi không hân hạnh được mời tham dự bữa cơm của hai ông tư lệnh này đâu, nhưng tôi nghĩ Tướng Minh mời tôi là vì Đại tá Lê văn Hưng nói tôi là bạn đồng môn. Lý do thứ hai là vì khi ra trường tôi thuyên chuyển về Tiểu đoàn 61 VN đầu năm 1955, làm Trưởng Ban Quân số (Chef Bureau Effectif), đến khoảng tháng 8 năm 1955, ông Nguyễn văn Minh, lúc đó mang cấp bậc Thiếu tá được bổ nhậm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61 VN, kiêm Quận trưởng Quận Đức Hòa, thuộc tỉnh Chợ Lớn, chỉ định tôi làm Văn phòng trưởng Tiểu đoàn (Chef Bureau Secretariat), đồng thời là Chánh văn phòng Quận Đức Hòa cho ông. Sau cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến và Tổng thống Đệ nhất Cộng Hòa cuối năm 1955, Thiếu tá Minh được đề cử chức Tỉnh trưởng Sa Đéc, thăng cấp Trung tá. Tôi xin thuyên chuyển ra Tiểu đoàn 1/43 Sư đoàn 15 Khinh Chiến, đóng ở Dục Mỹ, Nha Trang.

Trong Đệ Nhị Cộng Hòa ông Minh thăng cấp nhanh chóng, Đại tá Tư lệnh SĐ21BB, rồi Chuẩn tướng, rồi Thiếu tướng, rồi Trung tướng làm Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô, rồi Tư lệnh QĐIII & V3CT. Ông chưa quên tôi đã từng giúp việc cho ông từ 15 năm trước. Còn lý do thứ ba nữa, đến khi ngồi vào bàn cơm tôi mới được biết là Đại tá Hưng xin Tướng Nguyễn văn Minh cho tôi về giúp ông làm Trưởng Phòng 2 SĐ5BB. Điều này làm tôi bất ngờ. Tôi xin để được suy nghĩ lại. Tướng Minh cũng chưa quyết định ngay. Sau buổi cơm Đại tá Hưng lên Lai Khê, tôi được Tướng Minh cho nghỉ phép một tuần về Sài Gòn, nói là để ông sẽ sắp xếp lại nhân sự.

Lúc đó, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT là Đại tá Lê Đạt Công không được Tướng Nguyễn văn Minh tín nhiệm đã cho thuyên chuyển xuống SĐ21BB. Phòng 2 tuy còn mấy sĩ quan cấp tá khác nhưng công việc do tôi quán xuyến mặc dù tôi không giữ một chức vụ nào ở đó. Tôi nghĩ Trung tá Mạch văn Trường, vừa rời chức vụ Quận trưởng Thủ Đức về QĐIII & V3CT, đệ tử thân nhất của Tướng Minh, trước đó là Trưởng Phòng 2 SĐ21BB của Tướng Minh, sẽ được chỉ định làm Trưởng Phòng 2 Quân đoàn. Nhưng không phải, khi hết phép trình diện Tướng Minh, tôi được ông cho biết Đại tá Hưng đã gởi hai công điện chính thức xin tôi về SĐ5BB. Tướng Minh nói với tôi là nên lên Lai Khê giúp ông Hưng và Trung tá Mạch văn Trường cũng đã được đưa lên đó giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8. Trung tá Trần văn Bình, Trưởng Phòng 2 SĐ18BB sẽ được chỉ định làm Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT. Điều này cũng hợp lý, vì Trung tá Bình là một sĩ quan Quân báo nhiều kinh nghiệm đã từng là Trưởng Khối Tình Báo của P2/BTTM.

Tôi rất buồn khi nghe quyết định của Tướng Minh. Không phải tôi muốn thối thoát trách nhiệm làm trưởng phòng tình báo chiến trường cấp Sư đoàn mà tôi cho là quan trọng. Nhưng tôi tủi thân khi phải phục vụ người bạn cùng khóa. Biết đâu việc làm của tôi không tránh khỏi những sơ suất, chết quân mất đồn, lúc đó sẽ khó cho ông mà khó cho tôi biết mấy. Thà làm việc cho vị tư lệnh nào khác, không giữ một chút tình riêng trong lòng, tôi sẽ an tâm hơn. Thưởng phạt sẽ nhận và chịu một cách vô tư, thảnh thơi hơn, nếu mình hữu công hay mình bất lực. Nhưng là một quân nhân, tôi phải chấp hành lệnh của thượng cấp. Tôi điện thoại cho Đại tá Hưng và xin cho tôi thu xếp và trình diện SĐ5BB ngày 16 tháng 6. Quá trưa ngày đó, khoảng 2 giờ, Đại tá Hưng cho trực thăng chỉ huy của ông đón tôi ở Biên Hòa lên Lai Khê. Trong văn phòng Tư lệnh, ông Hưng bắt tay và ôm vai tôi lộ vẻ vui mừng. Sau đó, tôi nhận nhiệm sở mà không có bàn giao vì người tiền nhiệm của tôi là Trung tá Nguyễn Công Ninh đã rời Sư đoàn từ tuần trước. Khi tôi đang họp với các sĩ quan Phòng 2 Bộ Tham mưu và Biệt đội Quân báo Sư đoàn, thì Chánh văn phòng Tư lệnh, Đại úy Nguyễn Đức Phương, gọi điện thoại nói là Đại tá Tư lệnh mời tôi dùng cơm tối tại tư dinh, sau buổi họp 5 giờ chiều hằng ngày ở Trung tâm Hành quân Sư đoàn.

Trên chiếc trailler được che chắn bằng nhiều bao cát xung quanh, đặt ở sân sau tư dinh Tư lệnh, song song với dãy nhà văn phòng của Phòng 2 Sư đoàn, nơi làm việc của tôi từ buổi trưa đó, cách một lớp rào lưới chống đạn B-40, lần đầu tiên tôi gặp người phối ngẫu chính thức của Đại tá Lê văn Hưng, chính do ông giới thiệu, mà sau đó không lâu tôi được biết nhũ danh của bà là Phạm Kim Hoàng. Tôi nghĩ bà là người xứng với ông Hưng. Nước da trắng, gương mặt đẹp sáng, dáng người mảnh mai thanh tú, giọng nói dịu dàng. Bà tỏ ra thân thiện với người đồng môn của chồng. Ông Hưng cũng không hỏi một câu nào về gia đình hay bản thân tôi từ ngày ra trường. Ông và tôi bàn về các vấn đề thời sự ở phạm trù lớn hơn phạm trù QĐIII & V3CT, bình đẳng, không gò bó như thường khi tôi tiếp xúc với bất cứ một thượng cấp nào của tôi trước đó. Sau buổi cơm tối ngày tôi trình diện Sư đoàn, tôi nghĩ rằng tôi có thể yên tâm làm việc với Đại tá Hưng, không còn mặc cảm. Trái lại, tôi nghĩ là phải cố gắng, bỏ tâm cơ nhiều hơn trong việc làm để thực sự giúp người bạn hiểu biết mình và cũng để chứng tỏ mình có đủ kiến thức và khả năng chuyên môn không làm phụ lòng ông.

Đó không phải là buổi duy nhất ông bà Hưng đãi cơm tôi trên chiếc trailer ở tư dinh của tư lệnh trong căn cứ Lai Khê, mà rất nhiều lần trong suốt thời gian tôi phục vụ ở SĐ5BB dưới quyền chỉ huy của ông Hưng. Mỗi khi ông bà tổ chức các buổi ăn gia đình có tính kỷ niệm, người bạn duy nhất được mời là tôi. Thêm nữa, mỗi lần khi mà buổi sáng tôi bị gạch tên trong các lần đề nghị thăng cấp đặc cách, hay trong danh sách đề nghị thưởng huy chương Anh dũng Bội tinh, dù ở cấp Sư đoàn mà ông Hưng, với thẩm quyền tư lệnh, có thể ký ban cho. Trong ngày nào đó, nếu ông từ chối đề nghị của Trung tá Tham mưu trưởng Lê Thọ Trung, thì buổi chiều bà Hưng gọi điện thoại mời tôi ăn cơm tối với ông, bà. Trong buổi cơm, dù tôi tỏ ra bình thường bà Hưng vẫn nói như an ủi tôi “ảnh luôn như vậy đó, anh đừng buồn”, trong khi ông Hưng ngồi đó, nghe và cười. Nụ cười vừa an ủi vừa như bảo với tôi rằng ông không muốn để người khác dị nghị và Anh dũng Bội tinh không thể cấp cho sĩ quan tham mưu. Người hiểu rõ các điều trên đây lúc đó là Trung tá Lê Thọ Trung, vị chỉ huy trưởng cũ của Ông Hưng. Tôi nghĩ rằng Trung tá Trung nhiều lần cũng được gia đình ông Hưng mời ăn những buổi cơm riêng như vậy, vì ông Hưng chắc không quên người đã từng là thượng cấp của ông khi vừa bước ra khỏi cổng Quân trường Thủ Đức. Dĩ nhiên người hiểu rõ nhất những mối liên lạc thân thiện giữa Tướng Hưng và tôi là bà Hưng. Những buổi cơm có tính cách gia đình này không chỉ diễn ra trong thời gian tôi phục vụ ở SĐ5BB mà còn như hằng ngày ở những tháng sau cùng của chiến cuộc Việt Nam, tại tư dinh Tướng Hưng ở Cần Thơ.

3. TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH

Chỉ một thời gian làm việc với Đại tá Lê văn Hưng, tôi hiểu rõ khả năng của ông hơn và thành thực khen ngợi ông là người chí công vô tư. Về khả năng, tôi có thể nói ông quyết đoán chính xác và nhanh chóng. Tôi sẽ đề cập đến sau. Trước tiên, xin nói về bản tính và cách cư xử của ông đối với mọi người. Ông rất thẳng thắn, cương nghị, nhưng là người mang trong lòng thứ tình cảm đậm đà –với hai thí dụ điển hình là sự đối xử của ông với Trung tá Lê Thọ Trung và với tôi.

Nhìn dáng dấp bên ngoài, thuộc cấp có thể nghĩ ông là người khó đến gần hoặc nghiêm khắc, vì tướng người cao, rắn rỏi, nghiêm nghị, nhất là ít nói. Kỳ thực ông rất thương yêu binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cấp úy. Ông chọn rất kỹ hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thiếu úy và trung úy để đặt vào các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng và Đại đội trưởng. Ở cấp Tiểu đoàn trưởng, ông thường chọn những Đại úy hay Thiếu tá trẻ dày dạn trận mạc, can trường, đánh trận hay và nhất là biết suy nghĩ, lo lắng và thương yêu binh sĩ. Ông thường nói với tôi rằng các cấp chỉ huy này biết thương yêu, lo lắng cho binh sĩ thì mình sẽ đỡ lo hơn và an tâm hơn. Vì vậy ông tỏ ra thân mật với cấp chỉ huy ở cấp tiểu, trung, Đại đội, và các Tiểu đoàn. Đôi khi ông nhớ rõ tên một hạ sĩ quan Tiểu đội trưởng hay Trung đội trưởng của một Đại đội hay Tiểu đoàn nào đó mà tôi nghĩ là ít vị tư lệnh Sư đoàn nào để ý đến. Tuy nhiên ở cấp Trung đoàn trưởng, Tư lệnh Sư đoàn không quyết định được, thường là do Tư lệnh Quân đoàn hoặc cấp cao hơn bổ nhậm.

SĐ5BB có 3 Trung đoàn Bộ binh 7, 8, và 9, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, 4 Tiểu đoàn Pháo binh gồm Tiểu đoàn 50 đại bác 155 ly, các Tiểu đoàn 51, 52, và 53 đại bác 105 ly. Ngoài ra còn các Tiểu đoàn chuyên biệt khác như Công binh, Truyền tin, Tiếp vận và Quân y. Tổng cộng quân số trên 11,000 người. Trung đoàn 7 Bộ binh do Trung tá Lý Đức Quân chỉ huy (sau đó thăng Đại tá và tử trận thăng cố Chuẩn tướng). Ông Quân gốc dân tộc Nùng cũng như đại đa số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều thuộc sắc tộc này từ khi được thành lập với danh hiệu là Sư đoàn 4 Dã chiến. Sau chuyển thành SĐ5BB. Dần dà khi QLVNCH phát triển thì số binh sĩ sắc tộc Nùng gần như hoàn toàn tập trung vào Trung đoàn 7. Trung tá Quân là một sĩ quan mẫu mực, đạo đức, khả năng và kinh nghiệm tác chiến cao nên Đại tá Hưng rất hài lòng. Trung đoàn 8 Bộ binh được Tướng Minh giao cho Trung tá Mạch văn Trường chỉ huy (Ông Trường xuất thân Khóa 12 Võ bị Đà Lạt. Khi tốt nghiệp, toàn khóa được đưa sang một Trường Bộ binh Hoa Kỳ để học chỉ huy cấp Đại đội bộ binh. Nhưng chính bản thân ông chưa hề chỉ huy một Đại đội bộ binh trong QLVNCH, mà là một sĩ quan Quân Báo. Làm Trung đoàn trưởng nghĩa là sẽ thăng cấp Đại tá). Biết Trung tá MVT chưa từng cầm quân nên Tướng Hưng đưa Thiếu tá Huỳnh văn Tâm là một sĩ quan rất trẻ nhưng đã từng là Tiểu đoàn trưởng cừ khôi, làm Trung đoàn phó. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 là Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, lớn tuổi, ốm yếu, mà lần đầu gặp lại sau nhiều năm, tôi tự nghĩ là ông nên xin về làm việc ở một nha sở nào ở Trung ương hơn là đi đánh giặc. Tuy nhiên dưới quyền ông có hai sĩ quan lỗi lạc là Thiếu tá Trần Đăng Khoa Trung đoàn phó và Thiếu tá Võ Trung Thứ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/9, xuất thân Thủ khoa Khóa 15 Võ bị Đà Lạt. Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ binh là Trung tá Nguyễn Đức Dương.

Đầu tháng 3, 1972 nhân ngày kỷ niệm thành lập Sư đoàn, Đại tá Lê văn Hưng thăng Chuẩn tướng nhiệm chức và Trung tá Mạch văn Trường, với chức vụ Trung đoàn trưởng, cũng thăng Đại tá nhiệm chức. Người bị Tướng Nguyễn văn Minh bỏ quên, không đề nghị thăng cấp, là Trung tá Lê Thọ Trung, Tham mưu trưởng Sư đoàn, rất thâm niên trong cấp bậc.

Đối với các sĩ quan cấp tá thì Tướng Hưng rất nghiêm minh, nhất là các sĩ quan tham mưu. Đó là lý do tại sao Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh phó Sư đoàn và các sĩ quan cấp tá khác thường bị ông Hưng “nẹt” khá nhiều lần ngay trong các buổi họp ở Trung tâm Hành quân. Và một buổi chiều, sau khi ông V. bị nự, không nhớ lần thứ mấy, hết buổi họp, tôi theo Tướng Hưng vào văn phòng tư lệnh. Lúc ông đang chưa hết cơn giận, thấy tôi bước vào, ông ngạc nhiên nhưng không nói gì thì chính tôi nói: -“Xin... cho tôi được trình bày.” Tướng Hưng chưa kịp nói gì thì tôi đã tiếp. -“Tôi nghĩ là anh xử sự quá đáng với Đại tá V. Ông ta cứ bị “nự” hoài, làm sao chịu nổi. Đại tá V., hay chúng tôi cấp trưởng phòng, đều có trách nhiệm trình bày ý kiến của mình, dù đúng hay sai.... Bị nự hoài ai dám nói nữa... nhất là trước mặt thuộc cấp.” Tướng Hưng nổi cáu, lớn tiếng: -“Không phải việc của mày!” Tôi nói một câu trước khi chào và bước ra: -“Xin lỗi Thiếu tướng, nếu không phải thì... tôi đi.” Đó là lần đầu tiên và cuối cùng Tướng Hưng gọi tôi bằng “mày”, mà tôi nghĩ là xuất phát từ thâm tâm ông coi tôi là một bạn đồng khóa ngày xưa hơn là một thuộc cấp. Từ đó chữ này biến mất. Và chắc chắn ông hiểu rõ chữ “Thiếu tướng” mà tôi dùng trong buổi chiều đó là mang theo sự bất bình của tôi. Thường nhật trước mặt mọi người tôi gọi ông là Thiếu tướng, vào những lúc khác chỉ riêng có hai người, hoặc trước mặt vợ ông, tôi gọi là “anh”, vì ông Hưng lớn hơn tôi. Ông sinh tháng 3, năm 1933. Tôi sinh tháng 1, năm 1934, mặc dù cùng năm Quí Dậu. Ông thường gọi tôi bằng tên: “Dưỡng à”, hoặc “này Dưỡng”, không thêm một chữ nào nữa. Không “toi”, không “cậu”, không “mày”....

Sáng hôm sau, tôi tạt qua văn phòng Tham mưu trưởng, nạp lá đơn xin thuyên chuyển, trước khi ra sân bay trực thăng chờ tháp tùng Tướng Hưng đi thăm các đơn vị. Khi bước xuống xe jeep, trước khi lên trực thăng chỉ huy của mình, Tướng Hưng bắt tay Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3, và tôi. Đến khi bắt tay tôi, ông Hưng cười, không nói gì. Buổi trưa, trở về Lai Khê, khoảng chừng 2 giờ chiều Trung tá Trung, Tham Mưu Trưởng, gọi tôi lên văn phòng cho biết là ông đã gặp Tướng Hưng về việc của tôi và lập lại lời Tướng Hưng nói với ông: “Dưỡng nó làm nư, bỏ lá đơn đi.” Tôi thực tình không làm nư với ông Hưng, mà định xin thuyên chuyển thật. Tôi cũng không ngượng ngùng gì khi gặp ông buổi chiều trước giờ họp. Tuy nhiên mấy ngày sau, Tướng Hưng khi gặp riêng tôi, nói rằng Đại tá Lê Nguyên Vỹ và ông không hợp tính với nhau. Chỉ một tuần sau Tướng Nguyễn văn Minh điều Đại tá V. về làm Phụ tá Hành quân ở Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT. Chức vụ Tư lệnh phó SĐ5BB không có người thay thế. Có một đại tá khác thuyên chuyển về Sư đoàn là Đại tá Bùi Đức Điềm, nguyên Tỉnh trưởng Long Khánh, Tướng Minh không tín nhiệm, bãi chức. Khi về Sư đoàn Đại tá Điềm cũng chỉ giữ chức Tham mưu trưởng Hành quân mà không phải là tư lệnh phó hay phụ tá hành quân cho Tướng Hưng. Ông Điềm là một đại tá kỳ cựu, người có công rất lớn trong cuộc chiến An Lộc diễn ra một tháng sau đó. Ông ta bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già cằn cỗi trong một xó rừng nào đó của Bình Long. Mãi đến gần cuối năm 1972 Sư đoàn mới có vị tư lệnh phó là Đại tá Nguyễn Bá Long, tự Thìn, nguyên Tỉnh trưởng Kontum, và là người có công rất lớn trong việc giữ vững thành phố tỉnh lỵ này; ở đó hình như cũng có... bất công diễn ra liên quan đến vị đại tá này.

Tôi sẽ nói riêng về những sự bất công của cuộc chiến An Lộc đúng như sự thực, khác hơn nhiều người viết thêm bớt, dù tôi biết là những gì tôi đề cập đến sẽ làm nhiều người không hài lòng và sẽ đem đến cho tôi những ̣điều không tốt lành nào đó. Tôi chấp nhận, khi tôi nói sự thực, và chỉ là sự thực, trước đây có rất nhiều người biết mà không thể nói. Tôi cũng muốn quên đi từ hơn mấy chục năm qua. Nhưng không thể quên được. Nhiều lần tôi tự hỏi phải chăng hào quang của những vị anh hùng trong QLVNCH đã bị số ít người lãnh đạo bất xứng với những vầng mây u ám, nhưng quá to lớn của họ, che lấp mất rồi chăng? Tôi đã đắn đo nhiều lắm. Tôi đã câm nín quá lâu khi không nói nỗi oan mà Tướng Hưng hay Đại tá Bùi Đức Điềm, hoặc ai đó nữa, bị trù dập bởi thượng cấp. Đến nay một vài vị còn bị những người ngoại cuộc, không hiểu tường tận, bôi biếm. Nay nghĩ lại, nếu tôi biết mà không nói thì ai sẽ nói.... Tôi là chứng nhân, là người trong cuộc, dù sự hiểu biết của tôi chỉ cho phép tôi nói lên những gì ít nhất và lễ độ nhất. Hôm nay, tôi viết vì những người còn sống nhất là hai cháu Hải và Hà, con của Tướng Hưng, lúc đó mới chỉ là hai đứa trẻ thơ đã mồ côi cha. Nay đã lớn, các cháu cần biết rõ hơn về cuộc đời nhiều sóng gió và khổ tâm của người cha anh hùng của các cháu. Tôi cũng viết gửi về chị Hưng, PKH, hiện cư ngụ ở đâu đó trên đất nước Hoa Kỳ, là tôi hãnh diện có những thời kỳ sống và chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy, với một vị Thần mà lúc đó chúng tôi không hề biết. Thần và người chỉ khác nhau ở mực thước làm người. Những con người tham quyền, cố vị, vinh quang thì muốn hưởng, khi hiểm nguy thì tránh né, vận nước đảo điên thì trốn chạy, buông quân, bỏ cờ, dù là tướng, thì cũng chỉ là những con người tầm thường như mọi người tầm thường khác. Tướng mà coi mạng sống của bản thân và của gia đình mình quá nặng thì làm sao có thể thành anh hùng hay thành Thần được. Còn làm Tướng mang sinh mệnh đền ơn tổ quốc, chết theo thành, thì thiên cổ đã ghi “Sinh vi Tướng, tử vi Thần.” Lịch sử Việt Nam còn đó, gương kim cổ mãi mãi sẽ còn được rọi soi. Năm vị tướng lãnh của miền Nam Việt Nam tuẫn tiết trong ngày cuối “Tháng Tư Đen” sẽ lưu danh thiên cổ.

4. CHIẾN CUỘC Ở BÌNH LONG MÙA HÈ NĂM 1972: TIN TỨC VÀ CÁC ƯỚC TÍNH TÌNH BÁO

Sau khi nhận chức Tư lệnh SĐ5BB thay Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu đầu tháng 6, năm 1971, Tướng Lê văn Hưng củng cố lại các đơn vị trực thuộc và mở những cuộc hành quân cấp Chiến đoàn (thường là một Trung đoàn Bộ binh cộng thêm Thiết kỵ và Pháo binh) vào các mật khu Việt Cộng trong khu vực trách nhiệm của Sư đoàn gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long như các mật khu Tam giác Sắt, Long Nguyên, Bến Than cặp theo sông Sài Gòn và Chiến khu D vùng hữu ngạn Sông Bé, phía nam Đồng Xoài, là những địa danh nổi tiếng với những trận đánh đẫm máu giữa liên quân Hoa Kỳ & QLVNCH và quân xâm nhập CSBV & VC giữa thập niên 1960. Bộ Tư lệnh SĐ5BB đóng tại đồn điền cao su Lai Khê, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Hai Sư đoàn khác của QĐIII & V3CT là SĐ18BB và SĐ25BB. Ngoài ra Quân đoàn còn một Lữ đoàn Thiết kỵ và một Liên đoàn Biệt Động quân là lực lượng trừ bị và xung kích trong các cuộc hành quân ngoại biên trong thời kỳ của Tướng Đỗ Cao Trí, chưa kể đến các đơn vị Pháo binh, Công binh, Biệt Động quân Biên phòng và Địa phương quân, một Sư đoàn Không quân và các đơn vị Hải quân. Riêng các đại đơn vị cấp Sư đoàn bộ binh thì SĐ18BB phụ trách khu vực hành quân chiến thuât gồm 4 tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Thị xã Vũng Tàu. Bộ Tư lệnh đóng ở Thị trấn Xuân Lộc, Tỉnh Long Khánh. SĐ25BB phụ trách khu vực hành quân chiến thuật gồm 3 tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, và Long An. Bộ Tư lệnh đóng ở Củ Chi. Biệt khu Thủ đô –sau đó đổi danh thành Quân khu Thủ đô gồm Đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn, tỉnh Gia Định cũng thuộc lãnh thổ và trách nhiệm bảo vệ của BTL/ĐQIII & V3CT.

Khi Trung tướng Nguyễn văn Minh thay thế Tướng Đỗ Cao Trí --tử nạn trực thăng tháng 2, 1971-- không hiểu vì lý do gì không sử dụng nhân tài mà Tướng Trí đã rất tin tưởng như trường hợp thuyên chuyển Đại tá Lê Đạt Công, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT về SĐ21BB, và không sử dụng Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn 3 Thiết kỵ (the 3rd Armored Cavalry Brigade) vừa mới ở Hoa Kỳ về sau khi học một khóa quân sự cao cấp. Tướng Minh đã giải thể và phân tán Lữ đoàn Thiết kỵ và Lực lượng Xung Kích của Quân Đoàn (III Corps Assault Force –IIICAF) trước đó do Tướng Trí thành lập và Tướng Khôi là tư lệnh. Quan niệm hành quân của Tướng Minh cũng thay đổi theo cục diện chiến trường. Tướng Minh lần lượt rút hết các cánh quân ở Miên về phòng thủ vùng lãnh thổ trách nhiệm. QĐIII & V3CT lâm vào thế bị động. Tuy vậy, trong ba tháng cuối năm 1971, với sự tăng viện của các đơn vị cấp Lữ đoàn Dù và Thủy quân Lục chiến, Tướng Minh đã tổ chức những cuộc hành quân sâu vào lãnh thổ Miên trên trục lộ 7 để giải tỏa áp lực của các Sư đoàn CSBV đang bao vây và có ý định dứt điểm cứ điểm hỗn hợp cuối cùng cấp Chiến đoàn Việt-Mỹ ở Krek trên đất Miên, phía bắc biên giới Tây Ninh, gây thiệt hại nặng cho các đơn vị địch. Đó là lần cuối cùng chiến thắng trên đất Miên. Sau đó, đến cuối năm, ông ra lệnh triệt thoái bỏ luôn căn cứ này rút lực lượng về tăng cường các căn cứ trên trục lộ 22, phía bắc tỉnh lỵ Tây Ninh và tái phối trí lại lực lượng Quân đoàn III trong Vùng Chiết Thuật trách nhiệm.

Khu vực lãnh thổ trách nhiệm hành quân chiến thuật của SĐ5BB gồm ba tỉnh Bình Dương, Tỉnh trưởng là Đại tá Nguyễn văn Của; Bình Long, Tỉnh trưởng Đại tá Trần văn Nhật; Phước Long, Tỉnh trưởng Đại tá Lưu Yểm. Lực lượng của Sư đoàn được tái phối trí như sau: Chiến đoàn 9, do Đại tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy, gồm Trung đoàn 9 Bộ binh với Tiểu đoàn 1/9, 2/9 và 3/9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh gồm 14 khẩu đại bác 105 ly được tăng cường 4 khẩu 155 ly (của Tiểu đoàn 50 Pháo binh), và Thiết đoàn 1 Kỵ binh (-), phụ trách hành quân ở vùng tây bắc biên giới tỉnh Bình Long từ căn cứ Alpha ở biên giới Việt-Miên trên Quốc lộ 13, về hướng đông qua Ngã ba Lộc Tấn, giao điểm của Quốc lộ 13 và Liên tỉnh lộ 14, đến Quận Bố Đức thuộc Tỉnh Phước Long.

Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 đóng tại căn cứ chính của Tiểu đoàn 74 Biệt động quân Biên phòng (TĐ74/BĐQ/BP) nằm cuối sân bay Quận Lộc Ninh, phía tây con đường từ Chợ chạy cặp theo sân bay đến ven rừng cao su phía tây thị xã. TĐ74/BĐQ/BP lúc đó trấn giữ Căn cứ Alpha ở biên giới Việt-Miên, với 4 khẩu đại bác 105 ly cơ hữu, được đặt dưới quyền phối hợp chỉ huy hành quân của Trung tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ binh (TĐ1KB). Bộ Chỉ huy Thiết đoàn đóng ở Ngã ba Lộc Tấn, giao điểm của hai trục lộ 13 và 14, được tăng cường 4 khẩu đại bác 105 ly, với Chi đoàn 3/1 Thiết kỵ và Chi đoàn 1/1 Chiến xa; tính chung 40 chiến xa, trong đó có 14 M-41, 26 Thiết quân vận đủ loại, chưa kể các xe kéo pháo, GMC và Jeep. Hai chi đoàn này hoạt động trên các trục lộ 13 và 14 bắc Lộc Ninh. Toàn bộ Tiểu đoàn 1/9 đóng ở Quận Bố Đức trên lộ 13, tả ngạn Sông Bé thuộc Tỉnh Phước Long, giáp ranh với Tỉnh Bình Long. Tiểu đoàn 2/9 (-) hoạt động trong vùng tây bắc Lộc Tấn, phối hợp và yểm trợ cho TĐ74/BĐQ/BP và TĐ1KB. Tiểu đoàn 3/9 (-) hoạt động lưu động trong vùng từ 3 đến 5 cây số tây nam Thị xã Lộc Ninh. Mỗi Tiểu đoàn để lại một Đại đội bảo vệ Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, trong khi Đại đội Trinh sát 9 hoạt động vùng ranh giới Bình Long–Tây Ninh, phía bắc Căn cứ Tống Lê Chân, do Tiểu đoàn 92 BĐQ/BP trấn đóng trên Sông Sài Gòn vùng phía bắc Bến Than, tây bắc Quận Chơn Thành, Tỉnh Bình Long. Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn 53 Pháo binh của Trung tá Hòang ... Thông ̣̣(chữ lót không nhớ) và các vị trí pháo đóng trong một căn cứ cũng nằm trên con đường chạy cặp theo sân bay, cách Bộ Chỉ huy Chiến đoàn chừng 400 thước và cách Bộ Chỉ huy Quận và Chi Khu Lộc Ninh chừng 200 thước. Thiếu tá Nguyễn văn Thịnh, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng có hai Đại đội Địa Phương quân và hai Trung đội Nghĩa quân để lo an ninh cho Bộ chỉ huy của mình, không kể 4 Đại đội Địa phương quân và các Trung đội Dân vệ khác trong toàn quận và chừng một Trung đội cảnh sát của Chi Cảnh sát Quận đóng ở khu vực Chợ Lộc Ninh.

Xa hơn về phía nam Lộc Ninh, khoảng 15 cây số là Sông Cần Lê nối liền Sông Sài Gòn và Sông Bé, với chiếc cầu Cần Lê béton cốt sắt vững chãi. Tại đây được phối trí một Đại đội của Tiểu đoàn 2/9, một Pháo đội hỗn hợp 155 ly và 105 ly, một Đại đội Công binh Chiến đấu và hai Đại đội Địa Phương quân. Tất cả do Trung tá Nguyễn văn Hòa chỉ huy. Phía bắc cầu Cần Lê, chừng bốn cây số, bên trái Quốc lộ 13 là Tỉnh lộ 17, bắt đầu từ Quốc lộ 13 chạy về hướng tây vào lãnh thổ Tây Ninh. Con đường này dài chừng 20 cây số. Khoảng hơn hai cây số từ lộ 13 đi về hướng Tây Ninh là Căn cứ Hùng Tâm gồm hai căn cứ nhỏ cấp Tiếu đoàn nằm ở hai bên lề bắc và nam của Tỉnh lộ 17. Theo tin tức và theo yêu cầu của Tướng Hưng. Trung tướng Minh tăng phái cho SĐ5BB Chiến đoàn 52 của SĐ18BB trong ngày 28 tháng 3, 1972, đóng ở hai căn cứ Hùng Tâm này. Chiến đoàn này gồm Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 52, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 thuộc SĐ18BB, Đại đội Trinh sát của Sư đoàn với bốn khẩu pháo 105 ly, hai khẩu 155 ly, và một Đại đội Công binh.

Phía nam Cầu Cần Lê chừng 9 cây số là Thị xã An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh và Tiểu khu Bình Long. Đại tá Trần văn Nhật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng, là một cấp chỉ huy giàu kinh nghiệm tác chiến của Thủy quân Lục chiến, từng là Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 43 và 48 của SĐ18BB. Cá nhân ông là một sĩ quan can trường, nhưng khiêm tốn, tế nhị, rất khéo xử thế và được sự mến chuộng của thượng cấp và thuộc cấp. Cố vấn Hoa Kỳ rất khen ngợi ông, có lẽ cũng vì sự khéo léo của ông. Tại An Lộc, Đại tá Nhật có khoảng hai Tiểu đoàn Địa phương quân và nhiều Trung đội Nghĩa quân và Dân vệ. Quân số tổng cộng dưới 2,000 người nhưng chia đóng ở nhiều nơi trong tỉnh. Tại tỉnh lỵ và vùng xã ấp phụ cận, vùng Đồi Gió và Đồi 169 ở đông nam tỉnh lỵ, chỉ có chừng 800 người, với vài chiếc thiết giáp cũ loại V-100 và mấy Pháo đội hỗn hợ̣p đại bác 105 ly và 155 ly.

Tướng Hưng đặt Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của SĐ5BB trong thị xã. Bên ngoài, cách thị xã về hướng tây bắc là căn cứ Charlie, nơi đóng Bộ chỉ huy Trung đoàn 7 của Sư đoàn. Hai Tiểu đoàn 2/7 và 3/7 với Đại đội Trinh sát 7 hoạt động xung quanh thị xã và khu vực tây bắc. Hai Đại đội của Tiểu đoàn 1/7 hoạt động hướng đông bắc và hai Đại đội khác của Tiểu đoàn này đóng ở căn cứ Quản Lợi, cách thị xã An Lộc chừng 7 cây số về hướng đông bắc. Tại đây còn có một Đại đội Địa Phương quân và một đơn vị Lôi Hổ cấp Đại đội. Căn cứ chính của Trung đoàn 7 vẫn còn ở Quận Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương với một số ít binh sĩ bảo vệ. Quận và Chi Khu Chơn Thành của Tỉnh Bình Long, ở phía nam An Lộc, chừng 30 cây số có hai Đại đội Địa phương quân bảo vệ. Nam Chơn Thành chừng 30 cây số là Căn cứ Lai Khê, nơi đặt Bộ Tư lệnh chính của SĐ5BB, trong địa phận Quận Bến Cát của Tỉnh Bình Dương, cách tỉnh lỵ Bình Dương chừng 20 cây số.

Trung đoàn khác của SĐ5BB là Trung đoàn 8, với Bộ Chỉ huy Trung đoàn, một Tiểu đoàn và Đại đội Trinh sát bảo vệ Căn cứ Lai Khê. Một Tiểu đoàn đang thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện của Sư đoàn ở Bình Dương và một Tiểu đoàn thứ ba đang hành quân ở Quận Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương, nằm ở tả ngạn Sông Sài Gòn.

Từ đầu tháng 2, 1972, trong khu vực trách nhiệm của Chiến đoàn 9, các đơn vị của Chiến đoàn nhiều lần chạm súng với cấp Tiểu đội hay Trung đội quân CSBV ở vùng biên giới tây bắc, gần các mật khu của chúng vùng Lưỡi Câu ở vùng biên giới, hoặc dọc theo hành lang Sông Sài Gòn --ranh giới giữa Bình Long và Tây Ninh-- và bên ngoài mật khu Bến Than phía tây Chơn Thành, đã hạ một số cán binh của chúng, phần lớn là thành phần cán binh trinh sát của hầu hết các Sư đoàn chính qui CSBV & TWC/MN 5, 7, 9. Một số tài liệu tịch thu được trên các xác chết là các tài liệu học tập về “tấn công hợp đồng bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố”. Chúng tôi cũng phát hiện được một đơn vị cấp Sư đoàn do Trung Ương Cục Miền Nam –TWC/MN (Bộ Tư lệnh MACV Hoa Kỳ thường gọi tổ chức này là COSVN, Central Office of South Vietnam) mới thành lập cho chiến trường Tây Ninh và Bình Long, đó là Sư đoàn Bình Long hay Sư đoàn C30B gồm Trung đoàn 271 -lấy cán bộ khung của Trung đoàn 271 Sư đoàn 9 chuyển qua- và các Trung đoàn 24, 205 và 207, hầu hết là cán binh từ Tây nguyên và miền Trung đưa vào. Từ các tin tức ở các tài liệu này, tôi trình Tướng Hưng trước tiên nên mở một cuộc hành quân vào Mật khu Bến Than, vùng phía bắc Liên Tỉnh lộ 13, nối Chơn Thành và Tây Ninh, cách Quận lỵ Chơn Thành về hướng tây chừng hơn 15 cây số. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được tăng phái cho SĐ5BB mở cuộc hành quân vào Bến Than trong tuần lễ thứ hai tháng 2, 1972. Kết quả tịch thu và phá hủy hơn 100 tấn g̣ạo và lương thực, tịch thu hơn 1,000 vũ khí cá nhân và phá hủy nhiều tấn đạn dược của CSBV mới được chuyển từ các mật khu biên giới Miên vào tồn trữ ở đó.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 3
Vào trung tuần tháng hai năm 1972, trong một cuộc hành quân thám sát ở vùng đồi thấp cách phía bắc Lộc Ninh chừng 5 cây số và ở hướng tây Quốc lộ 13 chừng hơn 3 cây số, Đại đội Trinh sát của Chiến đoàn 9 chạm súng với một Tiểu đội quân Công sản Bắc Việt, bắn hạ 4 tên và bắt một cán binh mang súng ngắn và hai cán binh khác. Các cán binh này được đưa về Biệt đội Quân báo Sư đoàn thẩm vấn. Chính tôi, lúc đó là Trưởng Phòng 2 Sư đoàn cũng trực tiếp tiếp xúc với các cán binh này. Được biết người cán binh mang súng ngắn là một sĩ quan của Bộ đội Bắc Việt, đã xâm nhập vào miền Nam trong hai năm trước, đầu tiên được bổ sung cho Sư đoàn Công trường 7 Bắc Việt, sau cùng được chuyển sang Tiểu đoàn Trinh Sát của Sư đoàn 69 hay 70 Pháo, trực thuộc TWC/MN.

Người sĩ quan trinh sát pháo binh Cộng sản này, cấp bậc Trung úy, khai rằng anh tháp tùng tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh Sát Sư đoàn 69 Pháo của TWC/MN và hai sĩ quan khác với một Tiểu đội cận vệ hôm đó đến vùng đồi phía tây lộ 13 là để điều nghiên các vị trí đặt pháo tiêu diệt căn cứ của Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 Bộ binh đóng ở cuối sân bay Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chi Khu Quận Lộc Ninh gần đó, và tiêu diệt căn cứ của Thiết đoàn I Kỵ binh thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh và Tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân biên phòng ở Ngã ba Lộc Tấn, và Căn cứ A, hay Alpha, trên Quốc lộ 13, nối liền với Quốc lộ 14A ở phía bắc Lộc Ninh, trong trận Tổng Công Kích sắp diễn ra. Trận Tổng Công Kích này sẽ lớn lao vì đơn vị của anh được học tập là sẽ hợp đồng tác chiến giữa “bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố.”

Người tù binh trinh sát này tỏ ra thành khẩn trong những lần tiếp xúc với tôi và khai báo cặn kẽ về những gì tôi hỏi nhờ ở sự đối đãi nhẹ nhàng, cho ăn ngon, cà phê thuốc lá, và nhất là để ý thăm hỏi gia đình anh ở miền Bắc. Anh cho biết là Sư đoàn 69 Pháo TWC/MN đổi danh thành Sư đoàn 70 Pháo và từ cuối năm 1971 đã tiếp nhận thêm rất nhiều loại đại bác lớn với khối đạn dược lớn lao được chuyển từ Bắc Việt vào. Tuy nhiên, có hai câu hỏi quan trọng mà anh không thể trả lời là ngày khai diễn chiến dịch qui mô của TWC/MN và các đơn vị chiến xa Bắc Việt sẽ tham chiến. Anh nói rằng theo kinh nghiệm thì sau khi đơn vị Trinh sát Pháo điều nghiên xong trận địa, thiết lập xong sa-bàn và nếu sa-bàn phối trí pháo được thông qua thì trận chiến sẽ khai diễn độ một tuần sau đó. Nhưng nay Tiểu đoàn trưởng Trinh sát Pháo của anh vừa chết và anh bị bắt nên không rõ TWC/MN sẽ có thay đổi gì hay không. Còn về các đơn vị chiến xa, thì anh không được biết và không nhìn thấy trong khu vực đóng quân của đơn vị anh hay vùng phụ cận, mà chỉ được biết qua học tập.

Không thể khai thác gì hơn và theo lệnh, tôi cho chuyển anh này về Trung tâm Thẩm vấn Tù binh Vùng III Chiến thuật. Sau đó anh này được đổi sang diện “hồi chánh”. Khi trận chiến An Lộc khai diễn được một tuần, anh Trung úy Trinh sát Pháo này mặc quân phục binh sĩ VNCH, mang súng lục, theo một cố vấn Hoa Kỳ từ Biên Hòa đến gặp thăm tôi ở Bộ Chi huy Hành quân của Sư đoàn tại An Lộc. Tôi kể rõ chuyện trên đây để chứng minh rằng chúng tôi không hề bị bất ngờ về cuộc Tổng Công Kích Mùa Hè của lực lượng CSBV. Sự thực thì sự hiểu biết của người tù binh thành hồi chánh này rất hạn hẹp so với cục diện chiến trường diễn ra ở miền Nam trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, vì tri quyền của một sĩ quan cấp nhỏ như anh không thể biết nhiều hơn.

Với vai trò phụ trách tình báo chiến trường của một đại đơn vị cấp Sư đoàn, chẳng phải riêng tôi mà tất cả các Trưởng Phòng 2 các Sư đoàn Bộ binh của QLVNCH có trách nhiệm rất lớn đối với đơn vị và vị tư lệnh của mình. Riêng trách nhiệm của tôi đối với Tướng Hưng có phần nặng nề hơn, nhưng sự liên hệ gắn bó hơn, vì lý do ông vừa là một thượng cấp đối xử với tôi nghiêm minh nhưng không thiếu thân thiện như một người bạn. Từ sau cuộc hành quân của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vào Bến Than phá hủy các kho hậu cần quan trọng của TUW/MN trong nội địa tỉnh Bình Long, căn cứ vào lời khai của anh Trung úy kể trên và hai tù binh khác của Sư đoàn 69 Pháo, cộng với những tài liệu tịch thu trước đó, trong tuần lễ thứ ba của tháng 3, tôi đã trình Tướng Hưng bản ước tính về chủ trương và khả năng của TUW/MN trong thời gian sắp tới của CSVN nhắm vào lãnh thổ trách nhiệm chiến thuật của SĐ5BB và QĐIII & V3CT. Về chủ trương, có 3 điểm cần được đặc biệt lưu ý:

1. Chắc chắn CSBV sẽ mở chiến dịch rất lớn vào QĐIII & V3CT, không rõ ngày giờ chính xác nhưng ước tính là đầu mùa hè. Đây là yếu tố quan trọng cần nỗ lực tìm hiểu thêm.

2. Cung từ của các tù binh Trinh sát Pháo của SĐ 69 Pháo TWC/MN và tài liệu học tập của các đại đơn vị CSBV thu được trên xác cán binh của chúng, đều nói rõ chiến dịch mới của TWC/MN là sẽ tấn công vào thành phố với lực lượng phối hợp bộ binh, pháo binh và chiến xa. Chúng tôi biết rõ về các đơn vị bộ binh của CSVN, trừ đơn vị mới thành lập là Sư đoàn Bình Long. Sư đoàn 69 Pháo đổi danh thành SĐ70 Pháo, được tăng cường trọng pháo và phòng không, tiếp nhận thêm đạn dược từ miền Bắc chuyển vào theo lộ trình đường thủy từ phía nam Thác Khone trên Sông Mékong thuộc Tỉnh Stung Treng và chuyển vào Sông Chllong thuộc Tỉnh Kratié trên lãnh thổ Miên. Đặc biệt về các đơn vị chiến xa thì chúng tôi hoàn toàn không biết gì. Tù binh bắt được cũng không khai báo một chi tiết nào đáng kể, ngoài việc TWC/MN ra lệnh nghiêm nhặt cho tất cả đơn vị CSBV phải giữ đúng qui luật và giờ giấc tiếp nhận thiết bị, quân dụng và đạn dược được chở bằng các loại phà di chuyển theo sông Mékong trên lãnh thổ Miên đến các bến đổ hàng trên con sông Chllong này. Tất cả đại pháo, đạn dược và quân dụng pháo binh của Sư đoàn 69 Pháo binh TWC/MN đều nhận ở các bến đổ hàng trên bờ Sông Chllong vào giờ giấc được ấn định cho mỗi đêm. Ban ngày tuyệt đối không có bất cứ hoạt động nào ở các bến đổ hàng đó và cũng không lưu lại dấu tích nào của hoạt động trong đêm trước. Với chi tiết này tôi nghĩ có lẽ CSBV đưa chiến xa từ Bắc vào Nam theo Đường mòn Hồ Chí Minh qua Thác Khone rồi mới dùng phà ngụy trang, từng chiếc một, theo Sông Mékong vào cập ở các bến trên Sông Chllong mỗi đêm trong một thời gian ít nhất là hai ba tháng trước “ngày D” của chúng và ém giấu trong các hầm đào dọc theo con sông này. Vì vậy, nên trong suốt thời gian hơn một tháng sau khi thẩm vấn các tù binh SĐ 69 Pháo, tôi đã vận dụng tất cả phương tiện sưu tầm để tìm chiến xa của CSVN, hay ít nhất những chỉ dấu nào đó về sư hiện của chiến xa, như ống dẫn dầu, hay vết xe lăn, trên lãnh thổ Miên gần biên giới, như không thám, không ảnh, hoặc thả các toán viễn thám ngụy trang như cán binh trinh sát địch nhiều lần trên bờ Sông Chllong, kể cả sử dụng nhân viên mật và mật báo viên theo các xe be khai thác các gỗ quí ở các khu rừng trên lãnh thổ Tỉnh Kratié của Miên để sưu tập các loại tin tức đó, nhưng đều vô ích. Không tìm được dấu vết nào. Biên giới Việt-Miên trong vùng rừng núi cuối dãy Trường Sơn phía bắc hai tỉnh Phước Long và Bình Long thông lên Kratié có rất nhiều đường rừng và nhiều chiếc cầu do các chủ xe be kéo gỗ bắc qua ngạch, ngòi, suối nhỏ trong rừng. Xe be kéo gỗ súc qua lại được thì chiến xa loại nặng cũng di chuyển được. Điều này làm tôi rất bận tâm, nhưng tôi không còn cách nào hơn. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào giả thuyết của tôi là chiến xa CSBV được chở bằng phà từng chiếc trong nhiều đêm và đổ vào vùng Sông Chllong trong lãnh thổ Tỉnh Kratié và ém quân cất giấu trong vùng này. Lúc đó, chúng tôi không còn được sử dụng Không quân đánh bom trên lãnh thổ Miên. Tuy nhiên tôi đánh dấu tất cả các cầu xe be bắc qua suối, rạch, ngòi trong rừng từ biên giới đổ lên Kratié để khi cần sẽ đánh bom triệt cầu khi cuộc chiến diễn ra.

3. Tuy không rõ ngày giờ CSVN khai diễn chiến dịch rộng lớn vào lãnh thổ QĐIII & V3CT và không tìm được dấu vết chiến xa, nhưng tôi vẫn tin tưởng một chiến dịch như vậy sẽ cỏ thể bắt đầu vào cuối mùa xuân đầu mùa hè, 1972. Phòng 2 QĐIII cũng ước tính như vậy. Phòng II/BTTM cũng cho biết ở khắp cả bốn Vùng Chiến Thuật đều có những chỉ dấu của một cuộc tấn công toàn diện và cũng không rõ ngày N, giờ G, tức là ngày giờ chính xác của chiến dịch rộng lớn sắp diễn ra. Riêng tại QĐIII & V3CT, tôi trình Tướng Hưng là CSVN sẽ mở chiến dịch qui mô với ý định chiếm một trong hai tỉnh Bình Long hoặc Tây Ninh để ra mắt Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam --CPLT/MN/VN (Provisional Revolutionary Government of South Vietnam -PRG hoặc PRGSV)-- của nhóm Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Huỳnh Tấn Phát v.v...) do Hồ Chí Minh và Đảng CSVN dựng lên ở miền Nam trước đây. Sự ra mắ́t của CPLT/MNVN là cần thiết cho CSVN trong Hội Nghị giải quyết chiến cuộc Việt Nam và cuộc “mật đàm” giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, đang diễn ra ở Paris. Về vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là giữa hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh, tỉnh nào là “điểm” và tỉnh nào là “diện” trong chiến dịch sắp tới của chúng?

Theo ước tính của tôi, căn cứ trên các yếu tố địa lý nhân văn, Bình Long sẽ là mục tiêu chính mà CSVN muốn chiếm để cho ra mắt CPLT/MN/VN. Vì vậy Bình Long sẽ là “điểm” của trận chiến sẽ diễn ra. Tây Ninh sẽ chỉ là “diện”. Lý do chính là thành phần quần chúng, tức cư dân của mỗi tỉnh có sự chênh lệch rõ rệt về văn hóa và tôn giáo. Tỉnh Bình Long là tỉnh mới được thành lập sau này dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tỉnh gồm có 3 quận: Lộc Ninh ở phía bắc, An Lộc ở giữa và Chơn Thành ở phía nam. Tổng số cư dân chừng trên dưới 60,000 người, đa số là dân từ tứ phương đến, trừ một số chừng 4%, hay 5,000 người, thuộc sắc tộc thiểu số Stiêng. Hơn 75% là công nhân làm cho các đồn điền cao su của người Pháp ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, và Xa Trạch. Chừng 10% là dân buôn bán. Số còn lại là quân nhân, công chức chính phủ và gia đình họ. Về địa thế, tỉnh Bình Long nằm trên trục lộ giao thông chính là Quốc lộ 13. Trên lãnh thổ Miên, QL-13 giao điểm với lộ 7 ở Snoul, từ đó trổ về hướng nam qua biên giới, đổ vào thị trấn Lộc Ninh, qua thành phố tỉnh lỵ An Lộc, xuống thị trấn Chơn Thành, kéo dài qua quận lỵ Bến Cát của tỉnh Bình Dương và chấm dứt ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ của tỉnh này. Trong lãnh thổ Việt Nam, QL-13 nằm giữa hai dòng sông khá rộng là Sông Sài Gòn ở hướng tây và Sông Bé ở hướng đông; cách khoảng chừng 15 đến 18 cây số ở mỗi hướng, xuyên suốt từ biên giới đến lãnh thổ Bình Dương. Những đồn điền lớn kể trên nằm giữa hai dòng sông và trên trục lộ giao thông chính này. Phía tây bắc và đông bắc thị trấn Lộc Ninh là vùng rừng có nhiều loại gỗ quí, thân cây gốc khá to và mọc cách khoảng nhau từ 4, 5 thước. Như vậy, chiến xa cũng di chuyển dễ dàng và cũng dễ ẩn nấp tránh được quan sát không thám. Kratié, một tỉnh Miên nằm ở phía bắc hai tỉnh Phước Long và Bình Long là sào huyệt chính của TWC/MN sẽ đặc biệt trực tiếp chỉ huy chiến dịch sắp đến. Nếu CSBV chọn Bình Long làm “điểm” thì sự chỉ huy và yểm trợ hậu cần cho chiến trường của TWC/MN sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ngược lại, Tây Ninh cùng biên giới với tỉnh Sway-Riêng của Miên ở khu Mỏ Vẹt, trước tháng 4, năm 1970, là vùng căn cứ địa quan trọng của CSBV, nơi tồn trữ hậu cần với các kho tàng tiếp liệu vũ khí của CSBV chuyển từ miền Bắc vào trong nhiều năm trước, nhưng sau những cuộc hành quân ngoại biên qui mô thời Trung tướng Đỗ Cao Trí làm Tư lênh QĐIII & V3CT cho đến tháng 2, 1971, những căn cứ địa này đã bị hoàn toàn phá hủy, chúng chưa đủ thời gian tái lập ngoại trừ những căn cứ trên lộ 7, vùng ngoài biên giới trên lãnh thổ Miên, phía bắc xa tỉnh lỵ Tây Ninh. Nếu tấn công lớn với chiến xa thì quân CSBV chỉ tiến từ hướng này đến trên trục lộ 22 vào tỉnh lỵ, còn hướng tây và tây nam vào mùa hè đồng cỏ khô, hoặc đầm lầy, địa thế trống trải khó tránh tổn thất lớn bởi các cuộc không tập của KQVN. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố nhân văn với thành phần quần chúng đông gấp bốn lần so với Bình Long, với hơn 70% cư dân là tín đồ Cao Đài đã từng có một lực lượng võ trang lớn chống Cộng Sản từ những thập niên 1940 và 1950. Quần chúng ở đây, theo truyền thống, vẫn còn chống CS mạnh mẽ. Vả lại, cư dân lập nghiệp và sinh sống ở vùng đất lịch sử này từ nhiều thế hệ trước, khi Tây Ninh còn là vùng đất Trấn Biên từ thời Chúa Nguyễn khai phá đất đai miền Nam và bình phục đất Chùa Tháp. Giả sử CSBV đánh chiếm được Tây Ninh thì cũng không chiếm được lòng người dân. Hơn nữa, nếu đánh nhau lớn sẽ không tránh khỏi sự tàn phá Thánh thất Cao Đài, sẽ gieo niềm oán hận lớn trong đa số quần chúng tín đồ Cao Đài. Vậy, trong chiến dịch lớn tới của CSBV, Tây Ninh chỉ là “diện”. Bình Long sẽ là “điểm”, là mục tiêu chính mà CSVN sẽ tấn chiếm.

Trung tướng Nguyễn văn Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT, tin tưởng và dựa trên ước tính này phối trí lại lực lượng, chú trọng vào việc tăng cường lực lượng cho SĐ5BB của Tướng Lê văn Hưng. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được tăng phái phối trí ở Quận Chơn Thành và mở cuộc hành quân vào mật khu Bến Than. Chiến đoàn 52 của SĐ18BB tăng cường và phối trí ở hai căn cứ Hùng Tâm, tây bắc cầu Cần Lê ở An Lộc, như trình bày ở phần trên.

Một nhầm lẫn mà đến nay còn chưa giải tỏa là khi trận chiến An Lộc diễn ra, tác giả của một số tài liệu báo chí, tập san Việt ngữ ở Hoa Kỳ đều cho rằng Đại tá Lê Nguyên Vỹ là Tư lệnh phó của Tướng Lê văn Hưng. Điều này không đúng. Thực ra Đại tá LNV (sau này lên cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ5BB, tuẫn tiết ngày 30/4/1975) lúc đó là Phụ tá Hành quân của Trung tướng Nguyễn văn Minh. Như tôi đã trình bày, vì không hợp tính với Tướng Hưng nên Đại tá V. đã được Tướng Minh đưa về Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT từ mấy tháng trước. Đến khi chấp nhận ước tính của Trung tá Trần văn Bình, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT và của tôi là CSBV sẽ chọn Bình Long làm “điểm” tấn chiếm trong chiến dịch lớn sắp diễn ra, Trung tướng Nguyễn văn Minh dự định dời Bộ Tư lệnh Hành Quân (hay Bộ Tư lệnh Tiền phương) của Quân Đoàn, lúc đó đang đóng ở tỉnh lỵ Tây Ninh lên An Lộc, nên đưa Đại tá LNV và toán tiền thám –quân đội Pháp thường gọi là “élément précurseur”- và một Trung đội Công binh lên thị xã An Lộc để chuẩn bị cơ sở chỉ huy, tức Bộ Tư lệnh Tiền phương của Tướng Minh sẽ dời từ thị xã Tây Ninh sang thị xã An Lộc, Bình Long.

Nơi mà Đại tá V. cho tu bổ và chỉnh đốn trong thị xã tỉnh lỵ An Lộc là một dãy nhà ngói tường đúc xoay mặt ra đại lộ Nguyễn Huệ, một biệt thự nhỏ nằm phía sau dãy nhà này và một địa đạo ngầm, khá rộng, bên dưới sân sau biệt thự. Kiến trúc nổi và khu hầm ngầm này nằm trong khuôn viên của mảnh đất rộng rào kẽm gai, trong khu vực hành chánh của thị xã, sát cạnh Tòa Hành Chánh của Tỉnh Bình Long. Cơ sở này trước đó là nơi trú đóng bộ chỉ huy của một đơn vị Lưc lượng Đặc biệt.

Khi trận An Lộc diễn ra thì Bộ Tư lệnh Hành Quân của Tướng Minh chưa dời vào An Lộc. Đại tá LNV còn bị kẹt ở lại đó. (Và khi Bộ Tư lệnh Hành Quân nhẹ của SĐ5BB, ở một địa điểm khác trong thị xã, bị pháo kích dồn dập trong ngày khởi đầu của trận chiến, thì chính Đại tá V. và Bộ Tham mưu của Sư đoàn đề nghị với Tướng Hưng dời Bộ Tư lệnh của ông sang địa đạo ngầm nói trên. Và vì vậy, suốt trận chiến, CSBV không biết được Bộ Tham mưu của Tướng Hưng ở đâu trong thị xã. Có lần cả một Tiểu đoàn quân của chúng chỉ cách bộ chỉ huy mới này có một con đường, tấn công dữ dội, nhưng chúng không biết đã tấn công vào đơn vị nào của quân phòng thủ. Hai xe tăng loại T-54 cũng chạy qua Bộ Tư lệnh Hành Quân mới và khi quay trở ra, bị Đại tá Vỹ bắn một chiếc. Pháo thì suốt ba tháng phá nát cơ sở của bộ tư lệnh hành quân cũ, ngang dinh Tỉnh trưởng, và gần như san bằng thành phố nhưng không một quả nào rót đúng hầm ngầm cơ sở chỉ huy mới của Tướng Hưng.)

Cũng trong ước tính trình Tướng Hưng, sau khi biết rõ trận liệt về lực lượng CSBV ở bên ngoài biên giới có thể sử dụng trong chiến dịch sắp đến gồm các đại đơn vị cũ như Sư đoàn 5, 7, và 9, kể cả Trung đoàn 429 Đặc công, cũng như sự cải biến của Sư đoàn 69 Pháo và sự thành lập Sư đoàn Bình Long. Mặc dù không tìm được dấu vết về các đơn vị chiến xa, tôi cho rằng TWC/MN có hai khả năng chiến thuật tấn công tỉnh Bình Long vì tổng số lực lượng của chúng ước lượng từ 40,000 đến 45,000 quân tác chiến, cả bộ lẫn pháo.

Giả thuyết về khả năng thứ nhất là chiến thuật “Tập Tấn”, có nghĩa là tập trung lực lượng lớn đánh chiếm tuần tự các trọng điểm nằm trên trục lộ 13 ở phía bắc tỉnh Bình Long trước, sau đó sẽ tập trung lực lượng dứt điểm chiếm tỉnh lỵ hay thành phố An Lộc. Nếu áp dụng chiến thuật này, CSBV sẽ dùng một Sư đoàn bộ binh tấn công các lực lượng của SĐ5BB trên đoạn phía bắc trục lộ 13 như Tiểu đoàn 74 Biệt động quân Biên phòng và Thiết đoàn 1 Kỵ binh ở căn cứ A, hay Alpha, và Ngã ba Lộc Tấn đồng thời tấn công Tiểu đoàn 1/9 ở Quận lỵ Bố Đức trên trục lộ 14A. Trong lúc đó, dùng một Sư đoàn bộ binh và chiến xa tấn công Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chi huy Chi khu Lộc Ninh đóng dọc treo con đường cặp theo sân bay trong quận lỵ Lộc Ninh. Các đơn vị CSBV này sẽ được Sư đoàn 70 Pháo cải danh yểm trợ dập pháo vào các đơn vị của SĐ5BB nói trên trước khi tấn công như lối đánh sở trường “tiền pháo hậu xung” của chúng. Một Sư đoàn bộ binh thứ ba sẽ phục kích chận viện trên trục lộ 13, đoạn phía bắc Cầu Cần Lê và phía nam thị xã Lộc Ninh, và một Trung đoàn khác phục trên trục lộ 14A giữa Ngã ba Lộc Tấn và quận lỵ Bố Đức, đồng thời kềm chế bằng pháo binh hay tấn công bằng đặc công vào sân bay Quản Lợi để cắt tuyệt đường tiếp viện không vận từ Sài Gòn lên Bình Long. Sư đoàn 70 Pháo cũng sẽ yểm trợ các đơn vị pháo phòng không cho các đại đơn vị bộ binh của chúng và bắn pháo vào An Lộc để kềm chế hoạt động của SĐ5BB. Việc tấn công có phối hợp chiến xa không đủ yếu tố xác định nhưng có thể có vì tất cả tài liệu của chúng bắt được và cung từ tù binh đều nói đến. Sau khi dứt điểm xong quận Lộc Ninh, TWC/MN sẽ dồn hai Sư đoàn bộ binh, đơn vị Đặc Công và Sư đoàn Pháo tấn công chiếm An Lộc trong khi một Sư đoàn khác sẽ phục kích chận viện trên trục lộ 13, phía nam đồn điền cao su Xa Trạch và bắc Chơn Thành. Lai Khê cũng sẽ bị tấn công đặc công và pháo kích.

Giả thuyết về khả năng thứ hai là, TWC/MN có thể áp dụng chiến thuật “Tản Tấn”, hoặc phân tán lực lượng tấn công cùng một lúc ba nơi chính là Lộc Ninh, An Lộc và Lai Khê. Mũi tấn công thứ nhất vào Lộc Ninh gồm một Sư đoàn bộ binh tăng cường pháo binh nặng, phòng không và một Tiểu đoàn đặc công chia làm hai cánh quân, một tấn công Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chi huy Chi Khu và chiếm thị trấn Lộc Ninh. Cánh thứ hai tấn công Thiết đoàn 1 Kỵ binh và Tiểu đoàn 74 Biệt Động quân Biên phòng ở Căn cứ A và Ngã ba Lộc Tấn. Các căn cứ này, kể cả Tiểu đoàn 1/9 ở quận lỵ Bố Đức sẽ bị pháo giập nát trước khi bị tấn công bằng bộ binh. Mũi tấn công thứ hai vào thị xã An Lộc, cũng là tỉnh lỵ Bình Long, lúc đó chỉ có hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 7 của SĐ5BB hành quân bên ngoài thị xã. Lực lượng Tiểu khu chỉ có hai Đại đội Địa phương quân trấn đóng trên Đồi Gió và Đồi 169 ở đông nam thị xã và chừng hai Đại đội khác ở bên trong thị xã, giữ Bộ Chi huy Tiểu khu. Mũi tấn công này của quân CSBV có thể gồm một Sư đoàn bộ binh tăng cường thêm một Trung đoàn của Sư đoàn bộ binh khác, hai Trung đoàn pháo nặng, phòng không và hai Tiểu đoàn đặc công. Một cánh quân nhỏ chừng cấp Tiểu đoàn tấn công hay phục kích các đơn vị VNCH đóng ở sân bay và đồn điền Quản Lợ̣i. Thị xã An Lộc có thể bị pháo giập nát trước khi bị tấn công bằng bộ binh. Mũi tấn công thứ ba nhắm vào căn cứ chính của SĐ5BB ở Lai Khê. CSBV chỉ cần một Tiểu đoàn đặc công đánh phá hủy các kho tàng tiếp liệu và đạn dược đồng thời một đơn vị Pháo tấn kích dữ dội vào căn cứ. Một đơn vị cấp Trung đoàn bộ binh tăng cường pháo phòng không đóng chốt chận viện ở trên trục lộ 13, đoạn phía bắc Chơn Thành. Pháo kích vào Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT ở Biên Hòa và phi trường chiến lược Biên Hòa.

May mắn là khi chiến dịch Nguyễn Huệ của CSBV khai triển vào lãnh thổ QĐIII & V3CT với mục đích đánh chiếm Bình Long chúng đã không dùng chiến thuật “Tản Tấn” trái lại chúng chọn chiến thuật “Tập Tấn” vào Lộc Ninh trước rồi mới tập trung bôn tập xuống tấn công An Lộc, thị xã tỉnh lỵ của Bình Long.

Nếu chúng chọn khả năng thứ hai, hay chiến thuật “đánh tản” phối hợp chiến thuật “dương đông kích tây”(tức là tấn công với cường độ vừa phải vào Tây Ninh và cùng một lúc tấn công dứt điểm vào An Lộc) liên tục trong ba ngày đêm liền, nhất là khi chúng có thêm chiến xa, chắc chắn lực lượng VNCH ở QĐIII & V3CT sẽ rối loạn, không điều quân kịp, đến ngày thứ ba chúng sẽ chiếm được An Lộc như mong muốn. Lúc đó ván đã đóng thuyền, QLVNCH muốn tái chiếm cũng không còn đủ lực lượng, và nếu kéo tất cả đại đơn vị trừ bị Dù, Thủy quân Lục chiến và Biệt Động Quân từ các nơi khác về để bảo vệ Thủ đô Sài Gòn đang rúng động, thì sẽ mất luôn Kontum và Quảng Trị. Nếu QLVNCH đem hai Sư đoàn từ miền đồng bằng Sông Cửu Long lên, miền Tây sẽ rối loạn. Yếu tố “tốc chiến tốc thắng”, lúc đó, các tướng lãnh CSBV đã không nghĩ đến, dù là Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng hay Trần văn Trà kể cả Quân Uỷ Trung ương hay Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đảng Lao Động). Lý do duy nhất để giải thích có lẽ vì các tướng Bắc Việt quá tin tưởng vào khả năng phòng không với các loại hỏa tiễn mang vai SA-7 và các loại súng phòng không tối tân, sự tàn phá kinh khủng của đại pháo hủy diệt tầm xa và di động và sự xung kích dữ dội của chiến xa tối tân như T-54 và PT-76 của Liên xô nên bỏ lối “đánh tản” sở trường mà xoay ra dùng chiến thuật “đánh tập”, như lối đánh thí quân “biển người” của Trung Cộng, nên đã chuốc lấy thất bại ở An Lộc. Từ đó chúng đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch mùa Hè năm 1972. Đáng lẽ các tướng Bắc Việt phải biết hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ rất hùng hậu và QLVNCH đã trưởng thành, rất kiên cường. Dùng chiến thuật đánh “thí thân” là thua....

5. THẤT THỦ LỘC NINH: SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH MẤT THIẾT ĐOÀN 1 KỴ BINH VÀ CHIẾN ĐOÀN 9

Những gì mà chúng tôi ước tính về trận TCK của CSBV vào lãnh thổ QĐ/III & V3/CT trong mùa Hè này, nhất là về mặt trận chính sẽ diễn ra ở đâu, Tây Ninh hay Bình Long, tôi trình Tướng Hưng và cũng được Trung tá Trần văn Bình, Trưởng Phòng 2 QDIII & V3/CT trình lên Trung tướng Nguyễn văn Minh. Dĩ nhiên đã có những buổi thuyết trình riêng của Trung tá Bình và của tôi lên hai vị tư lệnh này. Các vị tướng và Bộ Tham mưu của Quân Đoàn cũng có những cuộc thảo luận, trước khi chiến dịch của CSBV diễn ra. Do đó nên mới có quyết định của Tướng Minh về việc phối trí lực lượng trình bày ở trên. Như vậy có thể nói rằng lực lượng QLVNCH của QĐIII & V3CT đã ở trong tư thế sẵn sàng chống trả chiến dịch TCK mới của CSBV trong mùa Hè năm đó. Chỉ một việc chưa hoàn tất được là Bộ Tư lệnh Tiền phương của Quân Đoàn III chưa kịp lên Thị xã An Lộc mà thôi. Lúc đó, Tướng Minh còn ở Biên Hòa và sau đó đưa Bộ Tư lệnh Tiền phương từ Thị xã Tây Ninh lên Lai Khê –căn cứ chính của SĐ5BB- từ đó điều khiển cuộc chiến thắng lợi trong lãnh thổ trách nhiệm của ông trong mấy tháng sau đó. Nên lưu ý rằng nếu để mất một tỉnh của Vùng 3 Chiến Thuật, Thủ đô Sài Gòn sẽ rúng động và Washington sẽ đảo điên vì sách lược Việt Nam Hóa Chiến Tranh chưa hoàn tất. Chính trị nội bộ Hoa Kỳ sẽ lên cơn sốt khi mà cuộc bầu cử tổng quát ở Hoa Kỳ sắp diễn ra trong những tháng cuối năm 1972 đó. Xét trên khía cạnh này, Tướng Nguyễn văn Minh là một anh hùng đã cứu nguy cho An Lộc, nói riêng, và cho Sài Gòn lẫn Washington. Nixon và Kissinger phải mang ơn Tướng Minh.

Tuy nhiên khi trận Tồng Công Kích [TCK] của Cộng Sản Bắc Việt diễn ra thì có dư luận kể ở Sài Gòn lẫn Washington cho rằng, cũng như trận TCK Tết Mậu Thân, là QLVNCH bị bất ngờ. Sở dĩ có dư luận này có thể vì lý do sau đây. Từ 2 giờ sáng ngày 31 tháng 3, lực lượng CSBV pháo kích và tấn công dữ dội tất cả các căn cứ đóng quân của Chiến đoàn 49, SĐ18BB, suốt trục lộ 22 từ tiền đồn Xa Mát ở biên giới Việt-Miên dẫn vào đến Thiện Ngôn phía bắc tỉnh lỵ Tây Ninh. Quan trọng nhất là... Căn cứ Lạc Long, vì không chịu nổi cường lực tấn công của địch nên toàn bộ đơn vị hơn cấp Tiểu đoàn, gồm bộ binh, pháo và quân xa rút khỏi căn cứ định về thị xã Tây Ninh, lọt vào ổ phục kích cấp Trung đoàn của chúng buổi sáng sớm hôm đó, bị tổn thất rất nặng. Ngay trong buổi sáng đó, Tướng Minh chỉ thị cho Tướng Hưng và tôi bay lên Bộ Tư lệnh Tiền phương QĐIII ở Tây Ninh gặp ông. Khi Tướng Hưng và tôi đến đã thấy Trung tá Bình, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT chờ Trung tướng Minh ở phòng khách trước văn phòng Tư lệnh. Tướng Minh từ Biên Hòa đến, đi thẳng vào phòng không bắt tay ai, kể cả Tướng Hưng. Chúng tôi theo vào. Tướng Minh nhìn thẳng vào Trung tá Bình và tôi, xát muối: “Mấy người làm tình báo như vậy đó. Nó đánh tan Trung đoàn 49 rồi! Tính sao đây? Tình hình sẽ ra sao?” Trung tá Bình (hiện ở Nam California) trước năm 1971 là Trưởng Khối Tình báo Quốc Nội của Phòng II/BTTM, là một sĩ quan Quân Báo lỗi lạc, nắm vững tình hình CSBV trên toàn quốc cả miền Bắc lẫn miền Nam, bình tĩnh trình Trung tướng Minh rằng ông tin chắc chắn CSBV và TWC/MN vẫn nhắm tấn công vào Bình Long và chiếm An Lộc. Trận đánh trong đêm và sáng đó trên trục lộ 22, ở Tây Ninh, chỉ là “hư chiêu”.

May thay, đang khi đó thì một sĩ quan của Phòng 2/BTL Tiền phương Quân đoàn vào trình cho Trung tá Bình một số tài liệu mà một đơn vị của Chiến đoàn 49 ở Căn cứ Thiện Ngôn tìm thấy trong xác chết của một số cán binh CSBV bị hạ khi chúng tấn công căn cứ này trong đêm. Đơn vị này thuộc Sư đoàn C30B của TWC/MN mới thành lập ở Tây Nguyên, sau này gọi là Sư đoàn Bình Long. Không thấy sự hiện diện của các Sư đoàn chủ lực của chúng là 5, 7, và 9 trong trận đánh trên trục lộ 22. Như vậy chúng giữ các đại đơn vị này cho trận đánh quyết định sắp tới. Đọc xong mấy tài liệu đó, Tướng Minh tỏ vẻ tin vào lời trình bày của Trung tá Bình. Tuy nhiên Ông ra lệnh cho Tướng Hưng ngay trong ngày phải trả Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tăng phái cho SĐ5BB, lúc đó đang còn tiếp tục hành quân ở Bến Than, phía tây Quận Chơn Thành. Trực thăng bốc Lữ đoàn này vào buổi trưa, đưa vào hành quân giải tỏa trục lộ 22. Một Chiến đoàn khác của SĐ18BB và một Chiến đoàn Biệt Động Quân cũng được đưa vào vùng này ngay trong buổi sáng đó. Tướng Hưng cũng nhận thêm lệnh sẽ sẵn sàng trả Chiến đoàn 52 ở Căn cứ Hùng Tâm và chuẩn bị Trung đoàn 7 của SĐ5BB đang hành quân bên ngoài An Lộc, nếu cần, sẽ được bốc vào Tây Ninh trong ngày hôm sau tùy theo diễn biến tình hình trên trục lộ 22.

Nhưng tình hình đã diễn ra khá kỳ lạ là, ngay trong buổi sáng ngày đó, sau khi tấn công các căn cứ của Chiến đoàn 49, toàn bộ các đơn vị CSBV cấp tốc rút ra khỏi vùng này không thu chiến lợi phẩm và cũng không kịp mang xác chết của đồng bọn đi. Các đơn vị của Tướng Minh đưa vào vùng hành quân, không chạm súng và cũng không tìm thấy chúng, mà chỉ thu dọn chiến trường nhầy nhụa ở đó. Đến ngày 2 tháng 4, coi như trục lộ 22 ở Tây Ninh hoàn toàn được giải tỏa. Từ ngày đó cho đến hết ngày 3, tháng 4, trong toàn thể lãnh thổ QĐIII & V3CT không có một tiếng súng nổ. Tình trạng im ắng rờn rợn này như báo hiệu một cơn bão lớn sắp kéo đến.

Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Chiến dịch Nguyễn Huệ của CSBV ở QĐIII & V3CT thực sự mở màn. Đêm 4 rạng ngày 5, tháng 4, vào khoảng 3 giờ khuya, tôi bị đánh thức bởi tiếng điện thoại reo vang. Bên kia đầu giây là tiếng của Tướng Hưng. Ông cho biết, Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 9, vừa báo cáo là căn cứ của Bộ Chỉ huy Trung đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chi Khu Lộc Ninh ở cuối và cặp theo sân bay Lộc Ninh đang bị pháo kích dữ dội và chắc chắn sẽ bị tấn công. Tiểu đoàn 3/9 (-) hành quân ở tây nam thị trấn Lộc Ninh, được lệnh rút về căn cứ của Chiến đoàn, đang bị địch bám sát tấn công liên tục. Đơn vị Thiết kỵ 1 của Trung tá Nguyễn Đức Dương và Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP ở Ngã ba Lộc Tấn và Căn cứ A cũng đang bị pháo kích nặng. Ông ra lệnh cho tôi lên ngay Trung tâm Hành quân Sư đoàn (TTHQ/SĐ). Ông cũng nóí thêm là: Tụi nó đánh lớn rồi. Chiến dịch của tụi nó mở màn...”

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 4
Tôi đến TTHQ/SĐ thì Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư đoàn, đã ở đó rồi. Mấy phút sau Tướng Hưng đến. Tại đây tôi được biết, trước đó, khi được lệnh rời vùng hành quân, Tiểu đoàn 3/9 (-) báo cáo nghe tiếng chiến xa di chuyển rầm rộ ở hướng tây trên trục lộ 137, là con đường xuyên rừng nối liền Quốc lộ 13 và Liên quốc lộ 7, ở hướng tây, từ biên giới dẫn vào Lộc Ninh. Trung tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, xác nhận vào giờ đó không có một chiến xa nào của ông nổ máy. Như vậy, rõ ràng chiến xa CSBV đã hiện diện ở chiến trường Lộc Ninh. Sự kiện này làm tôi bàng hoàng và cảm thấy xấu hổ về sự bất lực của mình, trong khi Tướng Hưng đang tiếp tục nghe Trung tá D. báo cáo tiếp nơi đóng quân của Thiết đoàn và Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP đang bị pháo kích khủng khiếp. Nếu tiếp tục đóng tại chỗ sẽ bị tổn thất nặng nề hay bị tiêu diệt. Trung tá Dương nhận được lệnh điều động Tiểu đoàn BĐQ/BP rời bỏ khỏi căn cứ A và Ngã ba Lộc Tấn đồng thời chỉ huy Tiểu đoàn 2/9 (-) tùng thiết cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh, đang hành quân ở vùng đông bắc Ngã ba Lộc Tấn, rút về tăng cường cho Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 ở thị trấn Lộc Ninh. Tuy nhiên, lúc đó Trung tá Dương chưa thể thi hành được vì trời còn chưa sáng và đơn vị Thiết kỵ, TĐ74/BĐQ/BP và TĐ2/9 còn đang bị pháo dữ dội. Tiểu đoàn 1/9 ở Chi khu Bố Đức trên trục lộ 14A, cũng bị pháo kích nặng. Tất cả những chi tiết trên đây được báo cáo ngay cho Trung tâm Hành quân Quân đoàn. Chính Tướng Hưng cũng muốn trực tiếp trình báo cho Tướng Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT, nhưng không thể liên lạc được với Tướng Minh trên mọi hệ thống điện thoại hay vô tuyến suốt từ giờ phút đó cho mãi đến gần 9 giờ sáng hôm sau, ngày 5 tháng 4. Dĩ nhiên, các tướng lãnh khác và các giới chức trách nhiệm khác của QĐIII & V3CT cũng không liên lạc để trình báo tình hình ở Lộc Ninh cho Tướng Minh.

Khi Tướng Hưng tiếp xúc được với Tướng Minh là khi ông Hưng đang ở trên trực thăng chỉ huy bay trên không phận Lộc Ninh. Trên chiếc trực thăng này, lúc đó ngoài Tướng Hưng còn có Đại tá Hoa Kỳ William Miller, Cố vấn trưởng Sư đoàn, Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư đoàn (Khóa 5 Thủ Đức, như Tướng Hưng và tôi, nhưng thuộc Đai đội 2 SVSQ; sau trận An Lộc thăng cấp Đại tá, hiện đang ở Hoa Kỳ), và tôi, Trưởng Phòng 2. Tất cả đều đội mũ sắt trang bị hệ thống dẫn-hợp truyền tin, nên có thể nghe rõ đối thoại giữa Tướng Hưng với các cấp chỉ huy đơn vị của Sư đoàn dưới đất và với Tướng Minh, Tư lệnh Quân đoàn III & V3 CT và các giới chức khác.

Trước đó, khi trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng đang bay trên vùng không phận Lộc Ninh, Tướng Hưng nhận được báo cáo của Trung tá Nguyễn Đức Dương là đơn vị Thiết kỵ của ông đang di chuyển trên QL-13 bị phục kích ở phía nam ấp Lộc Thạnh nên xin hủy bỏ “mấy con gà cồ” --tức 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu 155 ly được tăng phái cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh trước đó-- để được nhẹ nhàng và di chuyển nhanh hơn. Câu trả lời cũng là lệnh của Tướng Hưng cho Trung tá Dương nghe rõ trong máy dẫn hợp, cho phép ông này phá hủy các khẩu pháo đó sau khi hạ thấp bắn trực xạ vào toán quân CS phục kích hai bên đường. Dĩ nhiên khẩu lệnh được mã hóa bằng các ám hiệu truyền tin. Một chập sau nghe Trung tá Dương báo cáo đã thi hành xong, tuy nhiên không thể tiếp tục tiến về thị xã Lộc Ninh vì CS phục kích với đơn vị lớn. Tướng Hưng ra lệnh cho Trung tá Dương đưa thiết kỵ trở lại Ngã ba Lộc Tấn chờ đón Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP, sau đó sẽ tập trung lực lượng, trở lại giải tỏa Lộc Ninh. Đại đội Trinh Sát của Trung đoàn 9, đang hoạt động ở tây bắc -cũng được đặt dưới sự chỉ huy của Trung tá Dương- được lệnh về Ngã ba Lộc Tấn. Các đơn vị thi hành lệnh. Tuy nhiên, lúc đó, chừng hơn 12 giờ trưa, Chi Đoàn 3/1 Thiết kỵ với một Đại đội tùng thiết của Tiểu đoàn 2/9 đã vượt qua được đoạn đường bị phục kích và tiến được đến cua Chùm Bao gần Đồi 177 phía tây QL-13, chỉ cách Căn cứ Lộc Ninh chừng hơn 1 cây số, nhưng không thể di chuyển được nữa vì bị bao vây và tấn công dữ dội. Trung tá Dương chỉ tiếp xúc được với đơn vị này qua hệ thống vô tuyến.

Khi tiếp xúc được với Tướng Minh, trên trực thăng chỉ huy, Tướng Hưng báo cáo việc này cho Tướng Minh. Tức khắc, Hưng bị xát muối lần đầu tiên trong chiến trường An Lộc 1972. Tiếng nói của Tướng Minh, Tư lệnh Quân đoàn, nghe rất rõ: “Đánh đấm gì lạ vậy! Chưa có gì mà đã bỏ của…”. Máy bị cúp. Tướng Hưng ngỡ ngàng. Mọi người trên trực thăng buồn bã và yên lặng chỉ nghe tiếng mấy cánh quạt và tiếng máy nổ phành phạch. Trực thăng phải rời vùng để KQVN vào đánh yểm trợ cho căn cứ chỉ huy của Chiến đoàn 9 đang bị tấn công bộ binh. Sau các oanh tạc cơ của KQVN rời vùng, trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng cũng quay về Lai Khê vì sắp cạn nhiên liệu. Một chập sau nghe tiếng Đại tá Miller hỏi: “What did Gen. Minh say, 45?” Không có tiếng trả lời. “Forty-five, hay 45”, là danh hiệu chỉ huy trong hệ thống truyền tin của Tướng Hưng. Miller hỏi Tướng Minh đã nói gì. Không ai còn đủ sức trả lời cho ông ta. Vả lại có những điều một tư lệnh Việt Nam không thể nói cho cố vấn Hoa Kỳ của mình biết. Và nhiều điều ở chiến trường An Lộc, Tướng Hưng không thể nói cho Đại tá William Miller cố vấn trưởng Sư đoàn biết, nên sinh ra sự hiểu lầm lớn sau đó trong trận chiến quan trọng này.

Sau khi trực thăng chỉ huy đổ đầy xăng, Tướng Hưng và chúng tôi lại bay trở lên vùng trời An Lộc, ở độ cao trên 3,500 bộ, vì phòng không của địch bắn rất rát. Trong suốt buổi chiều chính Tướng Hưng một mặt liên lạc trực tiếp với các cấp chỉ huy quân trên mặt đất để nghe báo cáo và điều động họ đồng thời trực tiếp xin KQVN đánh yểm trợ. Tướng Hưng có biệt tài về sử dụng không yểm dù điều động các chiến đấu cơ xạ kích vào địch quân chỉ cách quân bạn một con đường hay đánh bom với các tọa độ chính xác mà không cần nhìn vào bản đồ khi ngồi trên trực thăng. Sở dĩ được như vậy là vì trên bản đồ mà ông sử dụng hằng ngày ông ghi tọa độ tất cả các ngã ba, ngã tư của các con đường, các ngã ba sông, các thị trấn, thị xã, các cao điểm, và các điểm-nhớ quan trọng. Gần như ông thuộc lòng tọa độ địa hình các nơi đó trong toàn lãnh thổ trách nhiệm. Ngày thường, khi thuyết trình tình hình cho ông nên thận trọng về địa điểm và tọa độ. Cách “đọc bản đồ trong trí nhớ dựa trên các điểm chuẩn” này rất khoa học và cần thiết cho mọi cấp chỉ huy. Đó là ưu điểm để nhanh chóng đánh trả đũa quân địch bằng pháo binh hay không quân, hoặc hướng dẫn điều động quân nhanh chóng và chính xác, nhất là khi chỉ huy trên trực thăng, từ khi ông còn làm Trung đoàn trưởng ở SĐ21BB. Làm việc với ông, tôi đã cố gắng học nghệ thuật tác chiến này.

Thế nhưng, với trận đánh buổi chiều đó của CSBV trên khắp nơi mà chúng bao vây hay bám đánh các cánh quân của Chiến đoàn 9, từ căn cứ của Chiến đoàn, căn cứ của Tiểu đoàn 53 Pháo binh, của Chi khu, cặp theo sân bay Lộc Ninh, hay những cánh quân đang vừa đánh vừa di chuyển về các điểm tập trung như các đơn vị Thiết đoàn 1 Kỵ binh của Trung tá Nguyễn Đức Dương, TĐ74/BĐQ/BP, TĐ2/9, TĐ3/9 và Đại đội 9 Trinh sát, thì Tướng Hưng cũng không thế nào cứu vãn được các “đứa con” của mình thoát khỏi tình trạng nguy ngập. Một phần vì KQVN cho biết là phòng không của CSBV quá mạnh, nên một số chiến đấu cơ không thể đánh yểm trợ cho các đơn vị đang di chuyển, ngoại trừ các căn cứ ở thị xã cặp theo sân bay Lộc Ninh. Phần khác, vì lực lượng địch quân quá đông. Trong suốt ngày đó lực lượng phòng thủ của các căn cứ này đã chống trả hữu hiệu nhiều đợt tấn công bộ binh dữ dội của CSBV và KQVN đã yểm trợ đắc lực cho các căn cứ này. Tuy nhiên các căn cứ cấp Đại đội Địa Phương Quân và Trung đội Nghĩa quân ở các xã chung quanh thị xã đều bị tràn ngập, hay không chịu nổi phải rút bỏ hay tản lạc. Hai Đại đội ĐPQ 293 và 294, rút về bảo vệ Bộ Chỉ huy Chi khu. Chợ Lộc Ninh và Nhà Thờ bị địch chiếm trong ngày. Đêm tối, các căn cứ trên trục lộ sân bay tiếp tục bị pháo dữ dội. Tổn thất càng nhiều hơn. Binh sĩ trú phòng kinh hoàng vì địch pháo kích với cường độ và sức công phá của các đầu đạn đại pháo pháo khủng khiếp. Nhất là các vị trí đặt pháo 155ly và 105ly cố định của TĐ53/PB bị tê liệt không thể phản pháo vì nhiều khẩu pháo bị phá hủy vì pháo binh địch rót vào chính xác. Các mục tiêu pháo của ta lộ diện dễ bị trinh sát pháo của địch điều nghiên từ trước trận đánh.

Một điều tưởng cũng cần nêu lên là các đơn vị chiến thuật CSBV thi hành lệnh cấp trên rất chặt chẽ nhưng cũng rất máy móc. Thí dụ như đơn vị pháo của SĐ70 Pháo/TWC/MN bắn phá căn cứ đóng quân của Thiết đoàn 1 Kỵ binh ở Ngã ba Lộc Tấn dữ dội trong đêm trước cho đến khi đơn vị này bỏ căn cứ di chuyển thì chúng cũng ngưng không bắn nữa, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng quá trưa Trung tá Dương đã liên lạc được với các đơn vị đã rút về được Ngã ba Lộc Tấn và được phân nhiệm tiến về Thị xã Lộc Ninh với hai cánh quân băng rừng cặp theo hai bên QL-13, mà không di chuyển trên trục lộ, tiến về Thị xã Lộc Ninh, tăng viện cho BCH Chiến đoàn 9 và đánh giải tỏa cánh quân Chi đoàn 3/1 và một Đại đội của TĐ2/9 tùng thiết đang bị địch bao vây ở cua Chùm Bao. Sau hai lần nỗ lực, nhưng không tiến lên được, Trung tá D. cho các đơn vị rút trở lại Ngã ba Lộc Tấn đế đóng quân qua đêm. Buổi tối đêm 5 tháng 4, khi các đơn vị Thiết đoàn 1 Kỵ binh, TĐ74/BĐQ/BP, TĐ2/9 (-) và ĐĐ9TS tập trung trở lại khu vực này, dù đơn vị nào cũng bị tổn thất, nhưng không bị “ăn pháo” như đêm trước; chỉ bị trinh sát địch bám sát.

Sáng sớm hôm sau, ngày 6 tháng 4 Trung tá Dương cũng tiến hành kế hoạch hành quân với sự phân nhiệm như buổi chiều hôm trước để rút về Lộc Ninh như lệnh đã nhận được. Nhưng kế hoạch hành quân này có một thay đổi lớn về lộ trình. Cánh quân thứ nhất gồm Thiết đoàn 1 Kỵ binh (-), chừng 60 chiến xa và quân xa các loại trong đó có 14 chiến xa loại M-41 và M-113 của Chi đoàn 1/1 Chiến xa phối hợp với TĐ74/BĐQ/BP với hai khẩu pháo 155ly và bốn khẩu 105 ly. Cánh quân thứ hai gồm TĐ2/9 (-) và Đại đội 9 Trinh sát.

Cánh quân thứ nhất, do chính Trung tá NĐD chỉ huy, không tiến về Lộc Ninh cặp theo phía tây QL-13 như buổi chiều hôm trước, nhưng từ Ngã ba Lộc Tấn băng rừng sâu hơn ở phía đông trục lộ này, với dự định đánh bọc ra quốc lộ và tiến chiếm mục tiêu chính là đồi 150 Bắc, nằm ở phía tây trục lộ, ở phía nam Đồi 177. Hai ngọn đồi này chỉ cách thị xã Lộc Ninh ở hướng tây bắc từ một đến hai cây số. Riêng ngọn đồi 150 Nam nằm ở tây nam thị xã, cách đồi 150 Bắc chừng hai cây số. Ngày hôm trước, 5 tháng 4, trong khi quân CSBV từ Đồi 150 Bắc tràn xuống chiếm Chợ, Nhà Thờ và tấn công Đồn Cảnh sát Quận thì các cánh quân khác của chúng xuất phát từ Đồi 150 Nam nhiều lần mở các đợt tấn công vào các căn cứ Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, TĐ53/PB và Bộ Chỉ huy Chi khu Lộc Ninh đóng dọc theo sân bay. Cánh quân thứ hai gồm TĐ2/9 (-) và Đại đội 9 Trinh sát do Đại úy Nguyễn Quang Nghi, Tiểu đoàn trưởng TĐ2/9 chỉ huy, yểm trợ cho cánh quân thứ nhất ở hướng đông, cũng băng rừng tiến song song với cánh quân này và chiếm mục tiêu cao điểm phía đông thị xã là Đồi 178.

Nếu hai cánh quân trên chiếm được hai ngọn đồi 150 Bắc và 178 kẹp hai bên Thị xã Lộc Ninh thì KQVN có thể hoạt động hữu hiệu hơn khi đánh bom tiêu diệt một đơn vị lớn của CSBV đang chiếm Đồi 150 Nam mà chúng dùng nơi đó làm bàn đạp để tấn công ba căn cứ nằm dọc sân bay Lộc Ninh. Như vậy sẽ giải tỏa bớt áp lực địch để chờ viện binh. Đó là quan niệm hành quân của Tướng Hưng, khi ông ra lệnh cho các cánh quân dưới sự chỉ huy của Trung tá Dương rút từ Lộc Tấn về Lộc Ninh.

Nhưng tình hình diễn tiến trái ngược. Không may mắn cho cánh quân của Trung tá D. băng rừng cặp theo sườn đông trục lộ khi tiến ra QL-13, lúc đó chừng 8 giờ sáng, ngày đó. Đơn vị tiến trước là Chi đoàn 1/1 Chiến xa không biết vì nhầm lẫn hay vì lý do nào đó lại đâm ra cua Chùm Bao, gần đồi 177 --tức là nơi Thiết Đoàn 1 Thiết kỵ bị phục kích hôm qua-- thay vì đoạn quốc lộ gần đồi 150 Nam. Chiến xa tiến lên đồi thì quân địch trên đồi 177, đông như kiến cỏ, tràn xuống tấn công dữ dội, hết đợt này đến đợt khác, và gần như tiêu diệt TĐ1KB và TĐ74/BĐQ/BP. Trên trực thăng chỉ huy Tướng Hưng không còn liên lạc với Trung tá Dương được nữa cả giờ sau đó, khi đang bay trên vùng trời Lộc Ninh. Khi báo cáo sự kiện này lên Trung tướng Minh thì Hưng bị xát muối lần thứ hai. (Sau này được biết trận đánh ở cua Chùm Bao sáng ngày 6 tháng 4 đó gần như nguyên vẹn Sư đoàn Công trường 5 CSBV chủ động cộng thêm Trung đoàn 95B từ chiến trường Tây Nguyên xuống tăng cường cho mặt trận Bình Long; chúng đã bắt được Trung tá Nguyễn Đức Dương và một số sĩ quan khác của Thiết Đoàn và TĐ74/BĐQ/BP).

Cánh quân thứ hai là TĐ2/9 và ĐĐ9TS, cả hai do Đại úy Nguyễn quang Nghi chỉ huy, cũng tiến từ Ngã Ba Lộc Tấn cặp sườn đông QL-13, sâu hơn trong rừng, tiến về thị xã Lộc Ninh và chiếm đồi 178 ở phía đông thị xã. Đại úy Nghi là một sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn nổi tiếng. Nghi chỉ huy đơn vị của mình và ĐĐ9TS của Trung úy Thái Minh Châu suốt buổi sáng đó về gần mục tiêu nhưng không tiến được lên ngọn đồi 178 vì bị địch quân chận đánh dữ dội. Buổi quá trưa khi trực thăng chỉ huy lấy thêm đầy xăng nhớt, Tướng Hưng lên vùng, liên lạc được với Đại úy Nghi và được báo cáo tình trạng, ra lệnh cho Nghi bỏ mục tiêu quay ra QL-13 tìm tông tích của TĐ1KB và TĐ74/BĐQ/BP. Đại úy Nghi đã chỉ huy hai đơn vị thiện chiến này trở ra được trục lộ chính này nhưng không tiến nổi được lên khu vực chiến trường của hai đơn vị của Trung tá Dương. Buổi chiều ngày 6 tháng 4, khi nắng tàn Tướng Hưng quay về An Lộc thì TĐ2/9 và ĐĐ9TS báo cáo đã nằm trong khu Chợ Lộc Ninh dù bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên hình chư chỉ có một bộ phần nhỏ của đơn vị này vào được chợ Lộc Ninh. Phần lớn đang bị địch quân theo sát tấn công trên lộ trình rút về thị xã. Cánh quân này bị quân CSBV bám sát và tấn công liên tục suốt trong đêm đó.

Các căn cứ của Chi Khu Lộc Ninh, của Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 của Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị pháo kích dữ dội nhiều đợt suốt đêm 5 rạng ngày 6 này. Căn cứ Chiến đoàn 9 ở cuối sân bay bị pháo nặng nhất, hầm cứu thương sập, tất cả Trung đội Quân y bị chết gần hết. Trong ngày quân CSBV mở nhiều đợt tấn công vào căn cứ nhưng đều bị đẩy lùi. Sự thực căn cứ này đứng vững được là nhờ vào yểm trợ của KQVN với các khu trục phản lực đánh sát bờ rào đất khá cao chung quanh. Cộng quân tổn thất rất lớn về nhân mạng. Căn cứ Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó của Trung tá Thông cũng bị pháo giập nặng; các ụ pháo và các khẩu pháo của Tiểu đoàn hoàn toàn bị... câm tiếng, không còn một khẩu nào sử dụng được. Thương binh ở hai căn cứ này lên quá cao. Không một trực thăng nào của KQVN hay Hoa Kỳ đáp xuống được để tải thương hay tiếp tế suốt hai ngày đêm liền vì phòng không của địch quá dày và quá mạnh.

Tiều đoàn 3/9 (-) (không nhớ tên Tiểu đoàn trưởng) hành quân ở phía nam thị xã, trong buổi chiều đó tuy bị Cộng quân bám tấn công nhưng bảo cáo là đã về được cuối sân bay, ở bìa rừng cao su hướng đông phi đạo và của căn cứ Chiến đoàn 9. Tướng Hưng trực tiếp liên lạc với Tiểu đoàn trưởng và chỉ thị cho giữ quân tại chỗ để bảo vệ mặt ngoài cho Chiến đoàn chỉ trừ một Đại đội vào căn cứ tăng cường cho Đại tá Vĩnh và một Trung đội khác cho TĐ53/PB của Trung tá Thông. Tất cả các đơn vị của Chiến đoàn nằm chịu trận tại chỗ, suốt đêm 6 rạng ngày 7, kể cả hai đơn vị dã ngoại là TĐ2/9 (-), ĐĐ9TS và TĐ3/9 (-), hứng pháo của địch quân. Đến 4 giờ sáng ngày 7 thì mất liên lạc với Đại úy Nguyễn Quang Nghi, Tiểu đoàn trưởng TĐ2/9 và cả Trung úy Thái Minh Châu, Đại đội trưởng ĐĐ9TS. Coi như cánh quân cuối cùng ở phía bắc Lộc Ninh kéo về thị xã Lộc Ninh bị tan rã. Tướng Hưng mất gần 2 nghìn quân, hơn 80 chiến xa và quân xa, và hơn hai chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Màn đêm sắp phủ trùm lên sự nghiệp làm tướng của Tướng Hưng.

Đêm 6/4/1972 đó ngồi ăn cơm với Tướng Hưng ở căn cứ của Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của SĐ5BB ở An Lộc, (căn cứ trên mặt đất, với các công sự khá chắc chắn, nhìn ngang hông của tư dinh tỉnh trưởng, chưa dời sang hầm ngầm mà Đại tá Lê Nguyên Vỹ đang tu bổ), ông kể lại cho tôi nghe từ ngày ông về phục vụ ở SĐ21BB khi còn là Trung úy, từ đầu năm 1964 cho đến năm 1968, do Tướng Nguyễn văn Minh làm Tư lệnh với bao nhiêu công trận và Tướng Minh đã mến thương, nâng đỡ ông như thế nào cho đến ngày Tướng Minh lên làm Tư lệnh QĐIII & Vùng 3 CT và đưa ông lên Tư lệnh SĐ5BB và thăng cấp tướng, Tướng Minh chưa một lần nào nặng lời với ông. Ông nói với tôi, “Dưỡng à, trận chiến này vô cùng nguy hiểm, sống chết chỉ trong giây phút. Cùng khóa, cùng Trung đội của Thầy Chiêu, ngày nay tôi đã lên tướng mà Dưỡng và các bạn khác, đến nay, chưa một người nào thăng được cấp trung tá. Như vậy là quá mức rồi, chết cũng đáng. Còn Dưỡng, tội tình gì mà ở đây cho thiệt thân, uổng mạng. Ngày mai về Lai Khê đi. Đưa Đại úy Bé lên đây là được rồi.” (Đại úy Trần văn Bé là phụ tá của tôi, cũng là Biệt đội trưởng Biệt đội Quân báo Sư đoàn. Sau năm 1973, thăng Thiếu tá chuyển về Định Tường làm Trưởng phòng 2 Tiểu khu. Năm 1976 khi bị CSVN cầm tù ở Trại Suối Máu Biên Hòa, vượt ngục bị chúng bắt lại, đem xử bắn tại Suối Máu cùng một Đại úy ngành An Ninh Quân Đội. Buổi trưa đó, ngay sau khi hai sĩ quan này bị bắn, trời đang nắng gắt bỗng tối sầm lại, giông gió nổi lên một chập lâu. Tù nhân các trại Suối Máu vẫn còn nhớ chuyện trời đất khóc người bị giết oan này).

Tôi không nói gì và suy nghĩ nhiều về lời tâm sự của Tướng Hưng. Một chập sau tôi dứt khoát trả lời là tôi không về Lai Khê…. Buổi cơm thật buồn, vì chúng tôi mất mát, tổn thất lớn lao, mà chính tôi cũng có trách nhiệm là không hiểu tường tận về khả năng to lớn của CSBV ở biên giới tây bắc, vùng Lưỡi Câu, nơi tập trung quân trước trận đánh và các căn cứ địch trên dòng sông Chllong trong tỉnh Kratié của Kampuchia.

Ngày hôm sau, mới thực sự là ngày quyết định cho Lộc Ninh.

Khởi đầu ở buổi sáng, khoảng 6 giờ, khi binh sĩ ở mặt tiền của căn cứ của Chiến đoàn 9 thấy chiến xa CSBV lù lù tiến vào cổng của căn cứ, hoảng sợ bỏ chạy mà chưa có tấn công bộ binh như mấy ngày trước. Chiến xa của chúng vào trận địa chậm một đôi ngày nhưng gây ngay chấn động. Chừng bốn chiếc T-54 của chúng tiến vào con đường dốc và bắn đại bác vào căn cứ. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh trong hầm chỉ huy được báo cáo tin này. Ông báo cáo lên Bộ Tư lệnh nhẹ của Tướng Hưng là căn cứ bị chiến xa tấn công. Đó là báo cáo cuối cùng của của Đại tá Vĩnh trước khi cùng mấy sĩ quan tham mưu và toán Cố vấn Hoa Kỳ của Chiến đoàn, bỏ căn cứ và có ý định chạy ra với TĐ3/9 đang ở đầu sân bay ngoài căn cứ. Tuy nhiên tất cả đều bị CSVN bắt. Trung tá Thông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó, cũng chạy về hướng Tiểu đoàn 3/9 và cũng bị bắt.

Bên trong căn cứ của Chiến đoàn, Thiếu tá Trần Đăng Khoa, Trung đoàn phó, điều động binh sĩ củng cố lại tuyến phòng thủ. Quân phòng thủ dùng M-72 bắn vào mấy chiến xa, nhưng không hiệu quả và chiến xa T-54 địch bắt đầu nhả đạn và tiến lên căn cứ. Bộ binh địch tràn vào theo chiến xa, Thiếu tá Khoa trở xuống hầm chỉ huy gọi vô tuyến báo cáo với Tướng Hưng là Đại tá Vĩnh đã ra với TĐ3/9 nhưng không liên lạc được nữa. Chiến xa địch còn bên ngoài cổng, nhưng bộ binh địch đã vào trong căn cứ, đang đánh nhau ở phía trên hầm. Tướng Hưng, Trung tá Đăng Trưởng phòng 3, Thiếu úy Tùng tùy viên của Tướng Hưng, và tôi đang ở trên trực thăng chỉ huy, đều nghe rõ đối thoại của Tướng Hưng với Thiếu tá Khoa, trừ Đại tá Miller, Cố vấn trưởng không biết chuyện gì đang xảy ra. Ông ngơ ngác nhìn chúng tôi và hỏi gì đó, nhưng không ai trả lời. Thiếu tá K. yêu cầu “Xin dội bom trên đầu tôi, chúng đã tràn ngập căn cứ và đang bắn vào hầm chỉ huy, xin 45 đừng do dự….” Tướng Hưng nói: “Khoa, đây 45 nghe rõ, tôi sẽ làm đúng lời yêu cầu của anh. Tôi sẽ lo chu đáo cho gia đình anh....” Mấy tiếng sau cùng của Thiếu tá Khoa: “Xin cám ơn và vĩnh biệt 45...” nghe rõ kèm theo một tiếng nổ. Mắt Tướng Hưng hoen đỏ, đầy nước mắt. Chúng tôi đều rơi lệ. Nhìn xuống căn cứ chỉ thấy màn khói mỏng. Thảm kịch kéo đến, tôi nghe Hưng chuyển qua tần số gọi yêu cầu KQVN đánh bom trên căn cứ của Chiến đoàn 9, phá hủy chiếc nôi của con mình để tàn sát địch quân đang tràn vào chiếm lĩnh nó. Khi ông gọi khu trục là lúc ông hiểu rõ hơn ai hết thảm kịch của chính ông. Đến lúc khu trục yêu cầu trực thăng rời vùng và tiếng bom từng đợt dội xuống căn cứ cũng là lúc Tướng Hưng bị Tướng Minh xát muối bầm mình. Đó là lần thứ ba..và rất dữ dội.

6. NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT CỦA TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG ĐÃ CỨU VÃN AN LỘC TRONG NGÀY 7/4/1972.

Buổi sáng trước khi lên trực thăng bay lên Lộc Ninh, Tướng Hưng đã ra lệnh cho Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 52 tăng phái, đóng ở hai căn cứ Hùng Tâm phía bắc cầu Cần Lê đưa hai Tiểu đoàn ra Ngã ba QL-13. Trái với suy đoán hay phỏng đoán của nhiều người viết về đoạn quân sử này là Tướng Hưng ra lệnh cho Chiến đoàn 52 đưa quân lên tiếp viện cho Lộc Ninh tiến theo trục lộ này. Thực ra ông chỉ ra lệnh cho Chiến đoàn đưa quân ra QL-13 để chận hướng tiến của chiến xa địch trên trục lộ chính vào An Lộc như một tuyến phòng thủ phía trước của tuyến cầu Cần Lê. Ở căn cứ cầu Cầ̀n Lê có hai Đại đội của SĐ5BB, một của TĐ2/9, một của TĐ1/7 và hai Đại đội ĐPQ của Tiểu khu Bình Long với 6 khẩu pháo do Trung tá Nguyễn văn Hòa chỉ huy, trấn đóng. Vì buổi sáng sớm Tướng Hưng đã được Đại tá Nguyễn Công Vĩnh báo cáo là căn cứ của CĐ 9 bị chiến xa địch tấn công. Đến lúc đó mới xác nhận là CSBV thực sự có chiến xa. Vì vậy Tướng Hưng muốn lập thêm một tuyến, trước tuyến cầu Cần Lê, nằm trên trục lộ này, chừng 8 dặm (8 miles) ở hướng bắc An Lộc. Tướng Hưng sau khi mất liên lạc với Thiết đoàn I Kỵ binh ngày hôm trước đã không còn hy vọng tiếp viện hay giải tỏa Lộc Ninh nữa.

Nhưng diễn tiến trên trận địa không được như mong muốn vì khi chuyển quân ra chưa đến QL-13 Chiến đoàn 52 đã chạm địch nặng mà đó là Sư đoàn Công trường 5 CS và Trung đoàn 95B tăng phái là hai đơn vị đã phục kích và đánh tan Thiết đoàn 1 Thiết Kỵ trong ngày hôm trước. Trước buổi trưa ngày đó, 7 tháng 4, khi trực thăng của Tướng Hưng từ Lộc Ninh về bay trên vùng Cần Lê sau khi khu trục dội bom xuống căn cứ của Chiến đoàn 9, Tướng Hưng được Chiến đoàn 52 báo cáo đang chạm địch rất nặng trên Tỉnh lộ 17 khi đang tiến ra QL-13, nhưng không thể yếm trợ được bẳng phi pháo đánh cận vì sợ đánh nhầm vào quân bạn. Tướng Hưng ra lệnh cho Chiến đoàn cố gắng rút về An Lộc, không cần tiến ra QL-13 phía bắc cầu Cần Lê nữa. May mắn là trực thăng chỉ huy vòng lên vùng phía bắc cầu Cần Lê trên trục Sông Bé chảy song song với QL-13, trước khi rời vùng, chúng tôi quan sát thấy một vị trí dã ngoại trên một vùng đất trên bờ sông có mấy cần antennes truyền tin vô tuyến mà cấp bộ chỉ huy cấp Sư đoàn CSBV mới có, khi hành quân cấp tốc, Tướng Hưng gọi khu trục của KQVN đánh vào tọa độ đó. Phi vụ rất chính xác. Khi trở lại vùng trời cầu Cần Lê thì được báo cáo là phần lớn các đơn vị của Chiến đoàn 52 đã vượt qua phía nam cầu Cần Lê, dù thiệt hại nặng. Nhưng trên trục lộ thì dù trực thăng bay cao trên bốn nghìn bộ, vẫn quan sát thấy dòng người đang cuốn về cầu Cần Lê chen lẫn với một đoàn chừng hai mươi xe đang di chuyển mà chính Tướng Hưng và Đại tá Miller đều cho là chiến xa. Nửa ngờ rằng chiến xa CSBV, lại nửa ngờ rằng biết đâu đó là đoàn thiết giáp của Trung tá Nguyễn Đức Dương đã mất liên lạc truyền tin từ hôm qua. Tướng Hưng trở lại tần số của Thiết đoàn 1 Kỵ binh. Vô tuyến lặng câm.

Một lần nữa Tướng Hưng đưa ra một quyết định quan trọng khác. Ông sợ rằng bộ binh và chiến xa của địch đang “bôn tập” để tấn công An Lộc. Đây là chiến thuật “thừa thắng xông lên” của quân Bắc Việt, thường gọi là “cấp tập”. Một mặt ông chuyển tần số yêu cầu KQVN đánh bom xuống dòng người đang bôn tập trên QL-13, chừng tám đến mười cây số phía bắc cầu Cần Lê. Ông cũng ra lệnh cho tôi vẽ liền hai boxes B-52 cập theo bờ tây Sông Bé đưa ngay cho Đại tá Miller với yêu cầu đánh bom trong buổi chiều hay đêm đó. Mặt khác ông ra lệnh cho Trung tá Nguyễn văn Hòa, chỉ huy tuyến cầu Cần Lê, tức khắc đặt chất nổ phá sập các nhịp cầu béton cốt sắt của chiếc cầu này. Nếu phá sập cầu hoàn toàn thì tốt nhất. Đổng thời dùng pháo binh bắn chặn tối đa trên trục lộ phía bắc, mỗi khi khu trục của KQVN rời vùng. Nếu địch quân tấn công mạnh, liệu không giữ được pháo, thì phá hủy 2 khẩu 155 ly và 4 khẩu 105 ly pháo binh ở đó. Trả bớt một Đại đội của TĐ1/7 về cho Chiến đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân nội trong buổi trưa. Lệnh phá cầu được Trung tá Hòa thi hành ngay. Tuy không đủ kỹ thuật làm cho cầu sụp đổ hoàn toàn nhưng mấy nhịp cầu bị hư hại nặng, chiến xa không thể di chuyển được.

Về đến căn cứ Bộ Tư lệnh nhẹ ở An Lộc, trong khi trực thăng chỉ huy bay về Lai Khê lấy thêm nhiên liệu, Tướng Hưng vào ngay Trung tâm Hành quân báo cáo mọi việc lên Trung tướng Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT. Lúc đó Đại tá Lê Nguyên Vỹ không có ở đó, còn Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham mưu trưởng Hành quân Sư đoàn, đang chỉ huy việc dọn chuyển các cơ sở của Bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn sang căn cứ mới, vì suốt trong đêm trước và trong buổi sáng đó, pháo của địch đã tập trung nhiều hơn, rơi nhiều quả chung quanh căn cứ Bộ Tư lệnh nhẹ cũ mà chúng tôi suy đoán là thám sát pháo của địch đã điều nghiên kỹ vị trí của căn cứ cũ này. Khi bước vào Trung tâm Hành quân ở căn cứ cũ, chưa dọn kịp, Tướng Hưng nói với tôi “chắc là bị xát muối nữa...”

Đúng và còn hơn thế nữa. Lần này thì chính Tướng Hưng bị Tướng Minh dội pháo, không phải là xát muối nữa. Không một sĩ quan nào dám nghe, họ lẻn ra ngoài. Tôi vì quá thân với Tướng Hưng, nên ở lại. Theo Tướng Minh thì Hưng ra lệnh cho phá cầu Cần Lê là coi như bỏ luôn mấy đứa con ở Lộc Ninh, làm tuyệt đường về của họ, nhất là Thiết kỵ của Trung tá NĐD. Biết đâu đoàn chiến xa mà Tướng Hưng gọi là “bôn tập” vào An Lộc trên QL-13, phía bắc cầu Cần Lê kh̀ông là đoàn chiến xa của Thiết Kỵ 1. Một cánh quân lớn như vậy gồm hơn 60 chiến xa, quân xa, bộ binh, tất cả hàng nghìn quân, mất liên lạc vô tuyến không có nghĩa là dễ dàng bị đánh tan rã hay biến mất vô tông tích. Đánh đấm như là giết con mình. Tướng Minh cho rằng Tướng Hưng có những quyết định vội vã, không cân nhắc, và nhất là không trình báo trước với thượng cấp trước khi quyết định. Tướng Hưng chỉ nín lặng nghe vì thực ra những điều Tướng Minh nêu ra rất hợp lý. Tướng Hưng không có lý do nào chính đáng để thưa trình cùng vị Tướng thượng cấp, cũng là thầy mình, ngoài lý do là sợ quân CSBV bôn tập tấn công An Lộc buổi trưa đó. Nhưng ông không dám trình bày…. Ông đành chấp nhận sự thất bại của mình và tự quyết định số phận của mình.

Bước ra khỏi phòng hành quân, vào phòng ăn, khi đầu bếp dọn thức ăn lên cho ông và tôi, Tướng Hưng chỉ yêu cầu cho nước uống, tôi cũng vậy. Làm sao nuốt nổi cơm trong hoàn cảnh đó. Tổn thất quá lớn lao. Ông lập lại ý định quyết giữ An Lộc bằng sinh mệnh của ông và cho rằng cái nghiệp làm tướng của ông đã không còn gì nữa. Thân làm tư lệnh Sư đoàn mà mới trận đầu tiên đã mất mát quá to lớn, gần một nửa Sư đoàn, mà cái mất lớn nhất là mất niềm tin của người thầy là Tướng Minh đã từng tin tưởng nơi khả năng cầm quân của ông. Một lần nữa Tướng Hưng chỉ thị cho tôi về Lai Khê và đưa người phụ tá của tôi lên thay tôi. Tôi có trình với Tướng Hưng rằng hiện ở An Lộc tôi có Đại đội 5 Trinh Sát, với mấy toán viễn thám vừa thu hồi về. Các đơn vị nhỏ này rất thiện chiến, sẽ bảo vệ Tướng Hưng. Họ biết rõ địa thế, kinh nghiệm hoạt động trong rừng nhiều ngày đêm, di chuyển đêm dễ dàng ở mọi thế đất đồi núi sông ngòi, nhất là được chỉ huy bởi những sĩ quan kiên cường, giỏi trận mạc. Nếu Tướng Hưng quyết tự sát khi mất An Lộc, tôi tin rằng chúng tôi sẽ đem được xác ông và xăng ra rừng đốt và mang than tro hài cốt về được Lai Khê trong vòng hai tuần. Tôi khẳng định với Hưng, như lời hứa của một người bạn, là tôi sẽ giữ mạng sống của mình và mang xác Hưng về. Tôi ở lại với Hưng ở chiến trường này. Chuyện này sau đó tôi cho Đại úy Dương Tấn Triệu, Trung úy Lê văn Chánh, Đại đội trưởng Trinh Sát và Trung Úy Nguyễn Đức Trạch, tức nhà thơ Trạch Gầm, con trai trưởng của Nữ sĩ Tùng Long, là những sĩ quan thân tín phụ trách những công tác mật và gay go trong các mật khu của CSBV trong khu vực chiến thuật của Sư đoàn trước trận chiến. Ba sĩ quan ưu tú này là những người bạn thân cận, dám sống chết với tôi.

Sau buổi cơm toàn uống nước lã, Hưng chỉ thị cho họp tham mưu mời Đại tá Trần văn Nhật, Tỉnh trưởng Bình Long, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Phụ tá Hành quân của Tướng Minh, Trung tá Lý Đức Quân, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 7, các cố vấn Hoa Kỳ Sư đoàn và Tiểu khu, các sĩ quan tham mưu của Bộ̣ Tư lệnh nhẹ Sư đoàn và Trung tá Nguyễn văn Biết, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3 Biệt Động Quân được Trung tướng Minh cho tăng viện vào An Lộc, vừa mới được trực thăng vận vào sân bay Đồng Long ở phía bắc thị xã trong buổi sáng (đơn vị này mất mấy sĩ quan trong ngay buổi đầu tiên đổ quân vào An Lộc vì khi phi cơ chỉ huy của Trung tá Biết vừa đáp xuống đã bị pháo kích, may mà ông không hề hấn gì).

Buổi họp hành quân này tổ chức trong villa duy nhất trên mặt đất ở khu vực của Bộ Tư Lệnh nhẹ mới chuyển sang (Bản đồ #1). Lúc đó vào khoảng 2:30 giờ trưa ngày 7, tháng 4, sau khi hai boxes B-52 xin buổi sáng đã được Không lực Chiến lược Hoa Kỳ thực hiện ở phía bắc cầu Cần Lê cặp theo Sông Bé như đã đề nghị. Lúc đó Tiểu đoàn 1/7 (-) cũng đã rút từ sân bay Quản Long ở phía đông về và các TĐ2/7, TĐ3/7, ĐĐTS7, hành quân dã ngoại cũng đã rút về đóng quân án ngữ ở phía bắc và ven sườn tây bắc thành phố còn Bộ Chi huy Chiến đoàn 7, ở căn cứ Charlie, đã rút hết vào khu vực tòa nhà Hành chánh của Tỉnh lỵ. Chỉ trừ Chiến đoàn 52 và đơn vị hỗn hợp của Trung tá Hòa ở Căn cứ Cần Lê chưa rút về được mà chỉ có những đơn vị nhỏ của Chiến đoàn 52 vượt được qua suối chạy về thị xã. Giờ đó Đại đội 7 Trinh sát, một toán nhân viên của Phòng 2 HQ Sư đoàn và Tiểu khu đang ở ngoài cổng sân bay Đồng Long, phía bắc thị xã, đón nhận các toán quân này và chờ đón những toán khác chạy về.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 5
Sau khi tôi trình chiến trận trong mấy ngày qua và tổn thất của Sư đoàn ở Lộc Ninh và ước tính là trận An Lộc sẽ có thể diễn ra ngay trong đêm đó hay sáng ngày hôm sau, Trung tá Đăng trình sơ đồ bố trí các đơn vị phòng thủ tỉnh lỵ An Lộc theo quan niệm của Tướng Hưng. Sự phối trí này tạm thời áp dụng cho đến khi có tăng viện thêm (Bản đồ # 2). Theo sơ đồ đó thì tạm thời TĐ1/7 và ĐĐ7TS sẽ đóng trấn giữ mặt bắc thành phố với TĐ2/7 ở cánh trái. Khi Chiến đoàn 52 về toàn bộ, sẽ giao khu vực trách nhiệm lại cho Chiến đoàn này và rút sang cánh trái án ngữ mặt tây bắc thanh phố. Nếu đơn vị này bị tổn thất nặng thì đóng ở khu vực nằm phía sau tuyến của TĐ1/7. Tuyến phía tây, từ cổng Phú Lố trở xuống phía nam do TĐ3/7 án ngữ. Chiến đoàn 3 BĐQ án ngữ ở tuyến phía đông. Mặt nam thành phố do Tiểu khu phụ trách với các đơn vị ĐPQ trực thuộc. Tiểu khu duy trì các đơn vị ĐPQ trên hai ngọn Đồi Gió và Đồi 169 ở đông nam thành phố.

Hai điều quan trọng trong buổi họp này là: Thứ nhất, Tướng Hưng yêu cầu Đại tá Trần văn Nhật (sau này thăng cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ2BB) với tư cách là Tình trưởng ra lệnh trưng dụng tất cả các loại xe be kéo gỗ và tất cả các loại xe chuyên chở bốn bánh khác hiện có trong giờ đó tại tỉnh lỵ và Chiến đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân trách nhiệm đem các loại xe kéo gỗ và xe đò làm chướng ngại vật lập tuyến phòng thủ án ngữ trục QL-13 dẫn vào thành phố và các trục lộ cổng Phú Lố ở phía tây và cổng xe lửa trên trục lộ từ sân bay Quản Lợi đổ vào. Thứ hai, Tướng Hưng yêu cầu Đại tá TVN thông tri cho dân chúng thành phố biết nên di tản vì CS sẽ tấn công lớn vào tỉnh lỵ. Chọn giữ lại các nhân viên công chức cần thiết về điều hành điện nước, y tế, chiêu hồi hay nhân viên bán quân sự ở lại, kỳ dư cho di tản khỏi thành phố để tránh tổn thất nhân mạng thường dân vô ích. Đại tá Nhật, giữ sự tế nhị như thường xuyên, trong buổi họp hành quân đó không đưa ra ý kiến về hai việc này, nhưng liền sau đó gặp riêng Tướng Hưng và trình bày là hai chỉ thị trên của Tướng Hưng sẽ ảnh hướng rất lớn về tâm lý của quần chúng và rất quan trọng nên ông sẽ xin trình lại Trung tướng Tư lệnh QĐIII & V3CT kiêm Đại biểu Chính phủ ở Vùng 3 Chiến Thuật. Sau đó Tướng Hưng lên trực thăng không đem các trưởng phòng tham mưu theo. Tôi nghĩ là ông về Lai Khê về chuyện phòng thủ ở đó với Trung tá Lê Thọ Trung, tham mưu trưởng và chuyện riêng gia đình liên quan đến quyết định tử thủ An Lộc của ông.

Buổi chiều trời chưa sụp tối khi Tướng Hưng trở lại An Lộc, thì thành phố đã hứng một số đạn pháo của Cộng sản và còn đang tiếp tục bị pháo tuy không nhiều lắm, nhưng đã có một số khá lớn cư dân --cả vài trăm người-- được đưa đến điều trị ở bệnh viện thành phố chỉ cách Bộ Tư lệnh nhẹ một con đường. Ở phía bắc thành phố, là khu vực phố buôn bán và chợ An Lộc, binh sĩ các đơn vị của Chiến đoàn 9 ở Lộc Ninh bị thất tán cũng chạy về, kể cả dân chúng. Chiến đoàn 52, sau khi chạm súng ở phía tây bắc cầu Cần Lê và mất luôn cả hai căn cứ Hùng Tâm, cũng đã rút về, được đưa vào tuyến phòng thủ của phía bắc thành phố. Tổn thất của đơn vị này khá nặng, chỉ còn hơn bốn trăm quân có thể tác chiến được. Các đơn vị của Chiến đoàn 7 đang kéo các loại xe be và xe chuyển chở dân sự lập chướng ngại vật trên các trục lộ chiến xa địch có thể tiến vào thành phố như lệnh của Tướng Hưng mà hình như không có lệnh trưng dụng của Tòa Tỉnh trưởng.

Đúng vào lúc này, khoảng 8 giờ đêm, trong phòng hành quân dưới hầm ngầm Tướng Hưng bị Trung tướng Minh xát muối lần chót, lần thứ năm, trước khi trận chiến An Lộc thực sự diễn ra, cũng nặng nề, về việc mà Tướng Hưng yêu cầu Đại tá Nhật trong cuộc hop hành quân buổi xế trưa mà Đại tá TVN có nói cho Tướng Hưng biết sau buổi họp là sẽ trình lên Trung tướng Minh quyết định. Mà quyết định của Trung tướng Minh là không quyết định gì hết ngoài việc “xát muối” Tướng Hưng. Nhưng chuyện đã lỡ rồi, Chiến đoàn 7 đang thu xe dân sự lập tuyến án ngữ như lệnh đã nhận được. Ở đây phải ghi nhận quyết tâm và kiến thức quân sự vững chãi của Tướng Hưng. Ông đã nhận định rõ kích thước lớn lao của trận chiến sắp diễn ra, hay đã diễn ra từ hai hôm trước, nên nhanh chóng chọn quyết định phản ứng thích nghi của một vị tướng chỉ huy ngoài mặt trận và can đảm nhận chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình trước thượng cấp. Ở chiến địa, tình hình chuyển biến nhanh chóng từng phút, từng giây, thân làm tướng chỉ huy mà còn hỏi trình thưa gởi về lệnh lạc thì làm sao mà đánh giặc được…. Vì vậy, mặc dù bị Tướng Minh xài xể nặng, khi buông ống nói điện thoại với Tướng Minh, ông chuyển sang tần số gọi Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7, hỏi xem chuyện lập chướng ngại vật trong vòng đai phòng thủ phía bắc tiến triển đến đâu và không hề nghe ông ra lệnh hủy bỏ lệnh trong buổi họp xế trưa hay đình chỉ chuyện thu xe dân sự làm rào cản phòng thủ trên các trục lộ dẫn vào thành phố ở vòng đai mặt bắc.

Khoảng chừng gần 9 giờ đêm đó, Tướng Hưng cùng Đại tá Miller đi xe lên tuyến phía bắc gặp Trung tá Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7. Xe Jeep của tôi theo sau với Đại úy Triệu, nhân viên Phòng 2 Hành quân của tôi và vài tùy tùng. Trong khi Tướng Hưng và Cố vấn Miller đi cùng Trung tá Quân xem bố phòng của Chiến đoàn, tôi ra trạm kiểm soát và tiếp nhận binh sĩ từ mạn bắc chạy về. Hơn một giờ tiếp xúc với một số hạ sĩ quan và binh sĩ của Chiến đoàn 9, TĐ53 Pháo binh, Chi khu Lộc Ninh và những chiến binh thất lạc của Chiến đoàn 52 vượt qua được cầu Cần Lê chạy về thành phố vào chập tối, tôi mới hiểu rõ những nhận thức của Tướng Hưng buổi trưa khi bay trực thăng từ Lộc Ninh, về cầu Cần Lê là chính xác:

Thứ nhất, nhiều người chạy từ Lộc Ninh về trên trục quốc lộ này đã lẩn trốn ở các bụi rập bên đường khi nghe tiếng động cơ chiến xa, nhìn thấy nhiều chiến xa CSBV với bộ đội mặc quân phục xanh lá cây ngồi trên tháp pháo và bộ đội nắm súng AK-47 và vác B-40 chạy bộ --vượt qua nơi ẩn trú của họ-- về hướng cầu Cần Lê. Có những binh sĩ trốn chạy về trễ hơn cho biết đã mục kích phi pháo của KQVN oanh kích vào đoàn chiến xa và bộ đội CSVN ở quãng đường cách Lộc Ninh về phía nam chừng bảy, tám, đến mười cây số. Tổn thất của chúng rất lớn đến đỗi chúng bận rộn thu dọn xác chết và cứu thương đồng bạn không lưu ý đến dân chúng có quân nhân lẫn lộn chạy qua khu vực này.

Thứ hai, nhiều binh sĩ của Chiến đoàn 52 cho rằng đơn vị của họ ở Căn cứ Hùng Tâm bị pháo kích từ trong đêm đến sáng thì bị bộ binh tấn công, nên khi có lệnh rút ra ngã ba QL-13 thì bỏ căn cứ, di chuyển ra chưa đến mục tiêu đã chạm địch từ hướng QL-13 tiến vào. Chiến đoàn đã bắn hạ được những toán quân trước nhưng hình như bộ đội CSBV càng lúc càng đông hơn với nhiều loại súng nổ càng lúc càng dữ dội hơn. Đơn vị tuy chạm súng mạnh trong mấy giờ liền, tổn thất lớn, nhưng sau đó có tiếng bom B-52 nổ ở phía đông bắc khu chạm súng thì trận đánh thư giãn hơn nên nhiều đơn vị của Chiến đoàn lần lượt rút được về An Lộc.

Thứ ba, một số thường dân, người Stiêng, cư ngụ ở một sóc nhỏ gần bên bờ Sông Bé cho biết khi thấy đông đảo bộ đội Công sản suốt đêm trực kéo qua sóc của họ đến khu vực khá rộng và cao gần bờ Sông Bé, đến sáng tinh sương họ mở kéo cần dựng máy liên lạc lên, nên biết sắp đánh lớn, sợ nguy hiểm một số gia đình lẻn trốn về hướng quốc lộ và chạy cặp theo đường về thị xã. Chạy hết một buổi thì nghe máy bay nhỏ bỏ bom, mấy giờ sau khi qua khỏi cầu Cần Lê thì nghe máy bay lớn bỏ bom. Họ tin rằng “bụt” cứu họ thoát chết.

Tổng kết những tin tức này, tôi cho rằng nhận định về diễn tiến thế trận, việc chiến xa và bộ đội bộ binh của CSBV “bôn tập” để tấn công An Lộc, ngày 7/4, khi mục tiêu này chưa kịp tổ chức phòng ngự là vô cùng chính xác rút ra từ kinh nghiệm chiến trường với hàng trăm trận chiến thắng của Tướng Hưng –từ khi là Đại đội trưởng tiến dần lên đến cấp Tiểu đoàn trưởng rồi Trung đoàn trưởng, trước khi là tư lệnh Sư đoàn, người sĩ quan tên Hưng này là một cấp chỉ huy bách chiến bách thắng. Do đó, những quyết định cấp thời vô cùng chính xác của ông buổi trưa khi bay trên trực thăng chỉ huy trên vùng trời Lộc Ninh, QL-13, Sông Bé và cầu Cần Lê đã cứu vãn được An Lộc từ những giờ phút quyết định nhất làm thay đổi cục diện chiến trường An Lộc ngay sau đó và cục diện chiến tranh Việt Nam trong hai năm kế tiếp. Thử nghĩ, nếu An Lộc mất ngay trong ngày đó, 7/4/1972, Sài Gòn sẽ ra sao? Washington sẽ nghĩ gì và làm gì? Sách lược “Việt Nam hóa Chiến tranh” của Nixon-Kissinger ở giai đoạn áp chót đó sẽ đi đến đâu? Mất An Lộc trong ngày đó sẽ tạo ảnh hưởng dây chuyền vô cùng khốc hại là chính phủ Nam Việt Nam và QLVNCH phải lo bảo vệ Thủ đô Sài Gòn là chính... Lấy quân ở đâu ra mà tăng cường tiếp viện cho Kontum và Quảng Trị? Hay Hoa Kỳ sẽ phải đưa Thủy Quân Lục Chiến trở lại Việt Nam? Không thể có chuyện đó. Và như vậy có phải sẽ mất tất cả hay không? Là thua cuộc sớm hơn và Hoa Kỳ còn tiếng tăm gì với thế giới!.. Vậy phải chăng quyết định sáng suốt và nhanh chóng của một tướng lãnh như Tướng Lê văn Hưng ở An Lộc trong thời điểm đó không là những quyết định lớn nhất mang tính cách quyết định trong Chiến Tranh Việt Nam, đã cứu nguy cho cả Sài Gòn lẫn Washington? Ông có xứng danh là một danh tướng của miền Nam hay không? Còn sau đó, khi trận An Lộc đã diễn ra, đến cả những người ở trong cuộc cũng ít người hiểu rõ về những khúc mắc trên đây đã xảy ra trước đó, huống chi những vị cầm bút, dù có tiếng tăm, ở bên ngoài dựa vào lời nói của người này hay người khác mà viết về Cuộc chiến An Lộc năm 1972 thì cũng dễ sai lạc lắm.

Tôi xin nhắc lại những quyết định trên của Tướng Hưng:

1) Quyết định đánh bom và oanh kích vào khu vực của một bộ chỉ huy dã ngoại cấp Sư đoàn CSBV trên bờ tây Sông Bé.

2) Quyết định đưa Chiến đoàn 52 từ hai căn cứ Hùng Tâm ra ngã ba QL-13 lập thêm một tuyến án ngữ ở mặt bắc cầu Cần Lê, tuy chưa thực hiện nhưng đã chạm súng và kềm giữ được cánh quân lớn của CSBV đang bôn tập xuống tấn công cầu Cần Lê.

Vì nếu quân địch không trước tiên đánh cánh quân của Chiến đoàn 52 trên Tỉnh lộ 17, chúng sẽ bị đơn vị này đánh thúc ngang hông trên QL-13 khi bôn tập xuống hướng cầu Cần Lê. Trận đánh này đủ cho tuyến cầu Cần Lê chuẩn bị pháo tập lên khu vực tiến quân trên QL-13 phía đông bắc nơi chạm súng của Chiến đoàn 52 và có thời gian cần thiết phá các nhịp cầu Cần Lê.

3) Quyết định oanh kích và dội bom đoàn quân gồm chiến xa và quân bộ chiến của CSVN đang bôn tập từ Lộc Ninh hướng về cầu Cần Lê.

4) Quyết định cho Trung tá Nguyễn văn Hòa phá sập cầu Cần Lê ngăn cản kịp thời chiến Xa của CSBV tiến vào An Lộc khi thành phố chưa có lực lượng phòng thủ.

Chỉ ngay trong đêm đó Tư lệnh bộ của Sư đoàn Công trường 5 của quân CSBV đã không còn nghe trong hệ thống vô tuyến hành quân của Tư lệnh bộ TWC/MN hoặc COSVN hay Bộ Tư lệnh Hành Quân của Chiến dịch Nguyễn Huệ cho đến một tuần lễ sau theo ghi nhận và báo cáo của Đại đội 5 Kỹ Thuật của SĐ5BB (là đơn vị kỹ thuật Truyền tin trực thuộc Phòng 7/BTTM/QLVNCH, chuyên môn dùng hệ thống vô tuyến tìm đài tối tân xen vào hệ thống truyền tin vô tuyến của CSBV bắt tin và chuyển dịch bản tin mật mã thành bạch văn cho Phòng 2/SĐ5BB nghiên cứu và ước tính. Mỗi Sư đoàn Bộ binh QLVNCH đều có một Đại đội Kỹ Thuật như vậy).Với báo cáo của ĐĐ5KT và những tin tức của binh sĩ và thường dân từ Lộc Ninh chạy về, chúng tôi biết chắc chắn là Bộ Chỉ huy hành quân của SĐ-5/CS đã bị hủy diệt và cánh quân gồm bộ binh và chiến xa do Bộ Chỉ huy của Sư đoàn CS này điều động bôn tập tấn công An Lộc trong ngày 7 tháng 4, đã bị tổn thất nặng bởi cuộc oanh kích của KQVN buổi trưa và hai boxes B-52 trong buổi chiều cùng ngày. Cộng thêm sự truy cản của Chiến đoàn 52 và sự phá cầu Cần Lê, lực lượng của TWC/MN đã không thể tấn công và chiếm An Lộc trong ngày đó.

Cuộc tấn công chính của TWC/MN vào An Lộc chỉ thực sự diễn ra vào ngày 13 tháng 4, 1972, tức là gần một tuần sau đó. Trong thời gian 6 ngày, 5 đêm này Cộng quân chỉ pháo kích bừa bãi vào thanh phố. Sư đoàn Công trường 5 của chúng phải bỏ chiến trường trên trục QL-13 vòng qua Mật khu Bến Than vào lộ trình cặp theo Sông Sài Gòn về vùng Dầu Tiếng để bổ sung quân lấy quân số từ Sư đoàn C30B của TWC/MN chuyển sang để có đủ quân trở lại chiến trường An Lộc. Sư đoàn mới thành lập C30B đã từng lấy cán bộ khung từ Sư đoàn Công trường 9 để làm nòng cốt và từng tấn công Chiến đoàn 49 của SĐ18BB trên trục lộ 22 trong ngày 31/3/1972 rạng ngày 1/4/1972. Sau trận đánh trên, Sư đoàn C30B đã bỏ vùng hoạt động ở Tây Ninh tiến xuống vùng Sông Sài Gòn hoạt động từ vùng Bến Than, ở sườn phía tây quận Bình Long kéo dài xuống sườn phía tây Lai Khê, quận Bến Cát, xuống đến Mật khu Bời Lời và tấn công các đơn vị đóng trong các căn cứ cặp theo hành lang Sông Sài Gòn từ căn cứ Tống Lê Chân của Tỉnh Bình Long phía bắc Mật khu Bến Than, xuống Trị Tâm –Dầu Tíếng, Bến Cát và Bến Súc, tỉnh Bình Dương. Lần này, Sư đoàn C30B đã phải bổ sung một số quân lớn cho Sư đoàn Công trường 5 ở vùng Trị Tâm, bờ tây Sông Sài Gòn trong tuần lễ thứ hai của tháng 4.

Bổ sung quân xong, SĐ-5/CS tức tốc trở lại chiến trường An Lộc sau trận tấn công đợt thứ nhất vào thành phố An Lộc của SĐ-9/CS và các Trung đoàn 202 và 203 Chiến xa ngày 13 tháng 4. Riêng Sư đoàn C30B từ Trị Tâm kéo xuống Bời Lời, được lệnh đánh phá rối đồn bót ngoài ven tỉnh lỵ Bình Dương, như là mũi tấn công phụ cấp Tiểu đoàn và Đại đội, không phải cấp Trung đoàn cộng mà Sư đoàn này đã thực hiện ở trục lộ 22 mấy tuần trước. Bị thất bại ở đó, chúng kéo xuống vừa lấy thêm quân ở dọc hành lang sông Vàm Cỏ Đông trong trung tuần tháng 5, 1972 và hoạt động trong vùng Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ. Ở vùng hoạt động này chúng tấn công Hiếu Thiện và dự định cắt đứt trục lộ 22 và cô lập Tây Ninh nhưng bị SĐ25BB đánh mấy trận dữ dội và thiệt hại nặng nên phải rút ra vùng Mật khu Mỏ Vẹt ngoài biên giới bổ sung lần thứ hai. Trong khi đó thì mặt trận An Lộc và mặt bắc Chơn Thành đang diễn ra ác liệt trong tháng 4 và tháng 5.

Trở lại mặt trận An Lộc. Sau khi Tướng Hưng tự ra lệnh phá hủy cầu Cần Lê (không phải do Đại tá TVN, Tiểu khu trưởng Bình Long, đề nghị, như một số bài báo viết sai lạc) một số nhịp cầu hư hại nặng. Ở vùng cầu Cần Lê, Chiến đoàn 52, được tướng Hưng cho điều động TĐ31BĐQ –vừa mới được tăng viện- tiến lên ấp An Hữu phía nam cầu, tiếp ứng và yểm trợ, về được An Lộc với hơn 400 quân còn tác chiến được. Tình hình đã không còn nguy hiểm như buổi sáng ngày đó. Sau đó, các đơn vị do Trung tá Nguyễn văn Hòa chỉ huy ở Cần Lê gồm một Đại đội của TĐ2/9, hai Đại đội ĐPQ 256 và 257 cũng rời căn cứ Cần Lê rút về trong buổi xế trưa sau khi phả hủy hai khẩu pháo 155 ly và bốn khẩu 105 ly theo lệnh của Tướng Hưng, vì không có xe để kéo pháo về. Buổi chiều khi quân bộ và chiến xa của CSBV tiến đến cầu Cần Lê thì đã không thể vượt được qua cầu, ngược lại chúng còn bị hứng thêm những trận oanh kích nặng của KQVN.

Dĩ nhiên cuộc tấn công qui mô vào An Lộc ngày 7 tháng 4 của TWC/MN phải đình hoãn. Thứ nhất, vì đơn vị bôn tập vào An Lộc là Sư đoàn Công trường 5 của chúng bị thiệt hại lớn lao. Thứ hai, chiến xa của các Trung đoàn 202 và 203 Chiến xa CSBV cũng bị thiệt hại, tuy không nặng lắm --khi phối hợp bôn tập với quân bộ chiến của SĐCT5/CS của TWC/MN-- nhưng đã không thể qua được cầu Cần Lê đã được phá hủy kịp lúc. Nhờ vậy, Tướng Minh Tư lệnh QĐIII & V3CT chẳng những không mất An Lộc trong ngày, mà còn có thì giờ đổ quân vào đó tăng viện cho Tướng Hưng và giải tỏa được An Lộc. Từ đó, ông được đánh giá như một tướng tài đã đánh bại được CSBV trong mùa Hè 1972 trong lãnh thổ trách nhiệm của ông.

Tướng Minh có một nhãn quang rất sáng giúp ông chọn đúng một người đủ tài để giữ đất giữ thành trong cơn giặc tràn bờ như dầu sôi lửa bỏng. Dù ông có chê trách hay nổi giận với người tướng này trong một chiến dịch, trong cuộc điều quân nhiều thất lợi lúc ban đầu đó, cũng không là điều đáng nêu lên. Tuy nhiên hình như hào quang có lúc bị che khuất nên ông trông một sĩ quan khác như con gà hóa thành con quốc --con cuốc-- quá cưng chiều nó. Mà nếu chỉ coi con gà đó là con quốc cũng được, không ai muốn nói đến. Vì con quốc và con gà có hơn kém bao nhiêu đâu!.. Con quốc được tiếng kêu buồn thảm thiết. Con gà trống thì được tiếng gáy. Mà con “gà này” thì tiếng gáy thật hay. Nên Tướng Minh bị mê hoặc, nên tưởng nó là con phụng. Sự thực là sự thực. Trung tướng Nguyễn văn Minh là một cấp chỉ huy thực tốt, tôi luôn quí trọng, nhưng tôi nghĩ lòng tốt và sự tin tưởng của Trung tướng đối với thuộc cấp đã bị “con gà” kia khai thác và lợi dụng.

Sáng ngày 7 tháng 4, Chiến đoàn 3 BĐQ của Trung tá Nguyễn văn Biết, được trực thăng vận tăng viện vào An Lộc gồm các đơn vị chính là TĐ31, TĐ36 và TĐ52, chừng hơn 1,500 người. Trung tá Biết, các Tiểu đoàn trưởng, các Đại đội trưởng CĐ33BĐQ đều là những sĩ quan lỗi lạc, dày dạn chiến trường. Ngày hôm sau, Tướng Minh cho tăng cường vào An Lộc Trung đoàn 8 --là đơn vị cơ hữu của SĐ5BB-- gồm hai TĐ1/8, 2/8 và ĐĐ8TS chừng hơn 850 người do Đại tá Mạch văn Trường chỉ huy (TĐ3/8 được giữ lại Lai Khê để bảo vệ BTL Tiền Phương của Quân Đoàn III của Tướng Minh). Tuy nhiên suốt trận đánh của Trung đoàn 8 ở An Lộc sau đó đều do Thiếu tá Huỳnh văn Tâm, Trung đoàn phó chỉ huy. Lý do là: ngay trong buổi trưa ngày đầu tiên, 8 tháng 4, khi Trung đoàn 8 (-) đổ quân vào khu phố phía bắc thành phố gần sân bay Đồng Long, Đại tá MVT, đứng ở cạnh đường trước bộ chỉ huy nhẹ của mình, quan sát các đơn vị trực thuộc vào vị trí, một viên đạn M-72 bị một Dodge 4/4 cán phải, nổ khá xa, một mảnh nhỏ văng trúng phần vai trước (tôi không nhớ rõ vai phải hay vai trái vì thương tích không đáng để ý) không chạm gân và xương, theo như lời Bác sĩ Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Quân Y của Sư đoàn, trình với Tướng Hưng. Nhưng khi Đại tá MVT xin ở lại Bộ TL/HQ Sư đoàn để điều trị, Tướng Hưng cười và cho Đại tá MVT ở trong căn phòng nhỏ --dành riêng cho Tư lệnh-- ở cuối đường hầm ngầm. Tướng Hưng còn chỉ thị mỗi ngày Bác sĩ H. đến chăm sóc vết thương nhỏ này. Nơi dành cho tư lệnh là nơi an toàn nhất trong hầm ngầm, Tướng Hưng đã không dùng đến, nhường cho Đại tá MVT ở để trị vết thương. Tướng Hưng và Đại tá Cố vấn Miller phải bắc ghế bố ngay cửa hầm từ mặt đất xuống và đặt một chiếc bàn thấp, nhỏ, giữa hai chiếc ghế bố làm chiếc bàn hành quân cho hai người. Phần hầm chỗ này trở thành Trung tâm Hành Quân. Cạnh đó là một chiếc bàn dài kê sát tường đặt hệ thống truyền tin vô tuyến và điện thoại. Còn chúng tôi, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Đại tá Bùi Đức Điềm, Trung tá Trịnh Đình Đăng Trưởng phòng 3, Bác sĩ Hùng, tôi và mấy sĩ quan tham mưu cần thiết khác --chừng ba bốn người nữa-- đều bắc ghế bố nằm ở phía đầu trong của chiếc bàn truyền tin.

7. HOA KỲ VÀ CHIẾN CUỘC MÙA HÈ 1972 Ở MIỀN NAM VIỆT NAM.
TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG TUYÊN BỐ “TỬ THỦ AN LỘC”

Thiết nghĩ, nếu muốn nói rõ vai trò quan trọng của các tướng lãnh trên chiến trường thuộc lãnh thỗ QĐIII & V3CT, nhất thiết phải nêu lên toàn cảnh chiến dịch Xuân-Hè 1972 của CSBV ở miền Nam Việt Nam. Hơn nữa, cần nhận định rõ vị thế và vai trò của Washington trong trận chiến đặc biệt quan trọng này trong toàn bộ chiến tranh Việt Nam.

Sau các trận đánh lớn giữa các lượng QLVNCH và Quân CSBV trên lãnh thổ Lào và Miên trong năm 1971, nhận định của giới quan sát quốc tế am tường về tình hình thế giới và Chiến Tranh Việt Nam đều cho rằng sắp bước vào giai đoạn mà Nixon và Kissinger sẽ kết thúc cuộc chiến ở đó với bất cứ giá nào chớ không phải với “hòa bình trong danh dự” --peace with honor-- như các nhà lãnh đạo chính trị này rêu rao. Lúc đó cặp bài trùng này chỉ coi Việt Nam là một sideshow --một màn phụ diễn-- của những vấn đề trọng đại hơn mà Chính phủ Nixon của Đảng Cộng Hòa cần giải quyết, nếu không muốn để cho Đảng Dân Chủ thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra trong các tháng cuối năm 1972. Giới này cho rằng Kissinger đã gần đánh bại QLVNCH với âm mưu “thí quân” của ông ta ở hai mặt trận này sau khi đã thi hành gần trọn vẹn sách lược “Việt Nam hóa Chiến tranh”; từ đó chiến tranh sẽ chấm dứt vì Nam Việt Nam sẽ như cua gãy càng. Kissinger nghĩ rằng miền Bắc cũng lâm vào tình trạng như vậy.

Mà quả thật, từ tháng 7 cho cuối năm 1971, quân lực cả Miền Bắc lẫn Miền Nam đã bị những tổn thất rất nặng nề, không đủ sức đánh nhau trong sáu, bảy, tháng liền cho đến đầu năm 1972. Thời gian đó hội đàm Paris về Việt Nam trì trệ…. Cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ cũng không đi đến đâu. Và tên phù thủy chính trị Kissinger, dù coi Việt Nam là một sideshow, đã biểu diễn màn ảo thuật quốc tế lớn lao chẳng những làm cho cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam đều ngơ ngác sợ mà cả Liên Xô cũng thực sự lo lắng, nên sau đó cũng đã tiếp Nixon (May 22nd, 1972) và hòa hoãn hơn trong việc ký hiệp ước hạn chế Vũ khí Nguyên tử Chiến lược SALT --Strategic Arms Limitation Talks-- sau đó. Từ mấy tháng trước, Kissinger đã dàn xếp xong màn diễn với việc TT Nixon bay sang Bắc Kinh gặp gỡ Chu Ân Lai, Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Cộng sản, ngày 21 tháng 2, 1972. Ai cũng biết một cuộc “dàn xếp tối mật” trật tự thế giới đang diễn ra. Nhưng diễn ra như thế nào là phần ước đoán riêng của mỗi người. Liên Xô đã nhìn thấy hiểm họa cho chính họ. Bắc Việt nằm trong tay những đầu xỏ như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng với thay đổi lớn lao là chính họ đã cho phép phê phán “Chủ nghĩa Xét Lại” của Nikita Khrushchev đề ra trước đó, trong Hội Nghị Trung Ương Đảng CSVN lần thứ IX và bí mật chủ trương theo Trung Cộng, mặc dù bên ngoài không để lộ ra, nhưng bên trong Lê Đức Thọ --người thực sự lãnh đạo miền Bắc Việt Nam-- với các em ruột ông này đang nắm ngành an ninh trong đảng, trong nước, và nắm toàn bộ tài sản ngoại viện của khối CSQT cho “Quân Đội Nhân Dân”... đã bắt đầu thủ thiêu những phần tử trong Bộ Chính Trí và Trung Ương Đảng, hay tướng lãnh Quân Đội Nhân Dân kể cả tước quyền Tổng tư lệnh của Võ Nguyên Giáp.

Lúc đó, Chính phủ Nguyễn văn Thiệu càng lo sợ hơn về sách lược của Kissinger nhưng đành bó tay, chỉ còn biết trông cậy vào người đồng minh đỡ đầu của mình.

Trên đây là nguyên nhân chính, nhưng xa, âm thầm diễn ra bên trong. Trên mặt nổi, hai sự kiện dưới đây là nguyên nhân gần bắt buộc Bắc Việt phải hành động trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, nếu trễ hơn hậu quả đến với họ sẽ vô cùng trầm trọng.

Một là, ngày 26 tháng 3, 1972 Thứ trưởng Quốc Phòng Liên Xô, Thống chế Pedorovich, đến Hà Nội với một phái đoàn quân sự đông đảo duyệt xét lại toàn bộ kế hoạch tấn công miền Nam của Quân uỷ Trung Ương Đảng CSVN. Trước đó, Liên Xô cũng đã nhìn rõ ý đồ của Nhà Trắng về Việt Nam nên đã cho Phó Thủ tướng Chính phủ Podgorny trong tháng 12, năm 1971, bàn định về một kế hoạch tấn công miền Nam với lời hứa viện trợ bất bồi hoàn các loại chiến xa tối tân hạng nặng T-54, T-55 và PT-76 cùng các loại hỏa lực chiến lược như trọng pháo 130 ly, 150 ly, các chiến đấu cơ MIG-19 và MIG-21, các đại bác phòng không 23 ly và 57 ly, và các hỏa tiễn chống tank AT-3 Sagger và hỏa tiễn địa không SA-7 Strela chống các loại phi cơ quân sự, nhất là trực thăng võ trang và chuyển quân. Tất cả các vũ khí này được chuyển vận vào cảng Hải Phòng với khối lượng khổng lồ trong mấy tháng liền nhưng việc phong tỏa cảng Hải Phòng chỉ thực hiện mấy tháng sau khi CSBV đã kết thúc chiến dịch tổng tấn công miền Nam.... Tuy nhiên, cuộc tổng tấn công này chỉ được thực hiện với sự chấp thuận của Bắc Kinh, mà trong thâm sâu Đặng Tiểu Bình cũng muốn triệt bớt tiềm năng nhân lực của Quân đội Nhân Dân miền Bắc để dễ bề thao túng sau này.

Hai là, tháng 11, năm 1972 sẽ là tháng bầu cử tổng thống và TNS, và DB lưỡng viện liên bang Hoa Kỳ và cấp bộ lãnh đạo hành pháp và lập pháp các tiểu bang. Đây là cuộc tổng tuyển cử vô cùng quan trọng sẽ ảnh hướng lớn lao đến tình hình thế giới khi Hoa Kỳ còn trong thời kỳ chiến tranh. Nếu Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ cầm quyền, chắc chắn là họ sẽ bỏ cuộc ở Việt Nam nhanh chóng hơn. Theo luận lý này CSBV cần phải đánh bại Nam Việt Nam trước, mới đánh bại được Nixon. Và cuộc chiến đó phải dứt điểm thành công vài tháng trước khi cuộc tổng bầu cử ở Hoa Kỳ bắt đầu. Điều này các cơ quan tình báo cấp cao miền Nam, dân sự lẫn quân sự, đều biết nhưng đã không ước lượng được sự lớn lao của cuộc chiến sắp diễn ra và thời điểm chính xác vì chỉ có Hoa Kỳ mới hiểu rõ mức độ vận chuyển các loại vũ khí chiến lược của khối Cộng Sản quốc tế vào cảng Hải Phòng và mức độ xâm nhập của CSBV vào Nam Việt Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh. Chắc chắn là Tòa Bạch Ốc biết, Ngũ Giác Đài biết và MACV ở Sài Gòn cũng biết, nhưng chúng ta --các cơ quan tình báo miền Nam-- không biết... rõ, vì khả năng sưu tầm kỹ thuật của các cơ quan tình báo của chúng ta bị người bạn đồng minh của mình hạn chế trong cuộc chiến tranh chung này. Người bạn đồng minh này cũng độc quyền nắm sinh mạng quốc gia của chúng ta trong tay. Nhưng trên bình diện chính trị, khi cuộc chiến bắt đầu khai diễn, Washington đã có những phản ứng quyết liệt như TT Nixon tuyên bố: -“The bastards have never been bombed like they’re going to be this time.” Lũ khốn kiếp này chưa từng nhận những trận đánh bom nào như những trận bom sắp tới trong lần này. Và ông ta đã ra lệnh cho KLHK yểm trợ hỏa lực không kích yểm trợ tối đa cho QLVNCH, kể cả sử dụng vũ khí B-52 lợi hại của Không Quân Chiến lược Hoa Kỳ mà chúng ta đã ghi nhận qua suốt trận chiến mùa Hè năm 1972 đó.

Quân CSBV đã động viên toàn lực, kể cả việc động viên thiếu niên ở tuổi 16, đưa vào tấn công miền Nam ở ba mặt trận chính: Quảng Trị ở Vùng 1 Chiến Thuật, Kontum ở Vùng 2 Chiến Thuật và Bình Long ở Vùng 3 Chiến Thuật. Trong chiến dịch lớn lao, sống còn, này CSBV đã tung vào chiến trường tất cả trên dưới 200,000 quân tác chiến, không kể nhân lực phục dịch hậu cần và vận chuyển, thường bằng hoặc gấp hai lần nhân số tác chiến. Nếu tính thành đơn vị thì chúng đã sử dụng 14 Sư đoàn bộ binh, 4 Sư đoàn pháo binh và phòng không cơ giới, từ 4 đến 6 Trung đoàn chiến xa, 26 đơn vị chuyên môn cấp Trung đoàn. Tính chung chừng 22 Sư đoàn với các loại vũ khi tân tiến nhất của Liên Xô và Trung Quốc, chia thành ba mũi dùi tấn công vào Quảng Trị và Thừa Thiên ở V1CT vào Kontum và Bình Định ở V3CT và vào Tây Ninh và Bình Long ở V3CT. Mặt trận nào cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu QLVNCH để mất một tỉnh nào ở Vùng 1 hoặc Vùng 2 thì tình trạng chung vẫn chưa thể gọi là nguy ngập. Một ước tính rộng lớn hơn cho rằng nếu CSBV thắng cả ở hai mặt trận ở các Vùng Chiến Thuật này miền Nam vẫn còn tồn tại từ Nha Trang trở vào. Như vậy, vẫn là chưa mất hẳn. Nhưng nếu mất Bình Long hay Tây Ninh ở Vùng 3, sát cạnh Sài Gòn thì tình trạng vô cùng nguy ngập, vì Sài Gòn có thể bị mất ngay sau đó. Vì vậy, chiến trường Bình Long vô cùng quan trọng cho sự sống còn của miền Nam trong năm 1972.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 6
Trận TCK của CSBV trong mùa Hè 1972 này vào miền Nam VN, chúng chia vùng trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy như sau: Mặt trận Trị-Thiên do chính Bộ Tư lệnh miền Bắc chỉ đạo. Miền Trung VN chia làm hai vùng: Vùng Cao Nguyên do Bộ Tư lệnh Mặt trận B-3 Tây Nguyên chỉ huy; miền Duyên hải do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ huy. Miền Nam: Vùng 3 và Vùng 4/CT do Trung Ương Cục Miền Nam chỉ đạo với chiến dịch Nguyễn Huệ.

Trở lại mặt trận Vùng 3 Chiến Thuật, TWC/MN, sau khi đã dứt điểm xong Lộc Ninh và thất bại trong việc bôn tập tấn công An Lộc trong ngày 7 tháng 4, đã phải đình hoãn trận tấn công này lại như đã đề cập ở trên cho đến ngày 13 tháng 4. Trong sáu ngày này mặt trận đã có những thay đổi lớn, nhất là về việc tăng quân của QLVNCH cho tỉnh Bình Long. Trong hai ngày 7 và 8, tháng 4, sau khi tăng cường cho Tướng Hưng trong thị xã An Lộc Chiến đoàn 3 BĐQ và Trung đoàn 8 (-), Trung tướng Minh được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tăng cường Lữ đoàn 1 Nhảy Dù từ trước trận đánh, nay Sư đoàn 21 Bộ Binh được đưa từ miền Tây lên để tăng viện cho Tướng Minh giải tỏa chốt chặn của CSBV vùng suối Tàu-Ô trên QL-13, phía bắc Quận Chơn Thành. Chốt chặn này không phải là thứ chốt chặn cấp Đại đội hay Tiểu đoàn như đã biết trên những chiến trường khác trước đó, mà là một tuyến án ngữ dài và rộng trên trục lộ và hai bên trục QL-13, với những hầm hố được đào đắp sâu và kiến cố, nhất là ở hai ngọn đồi hai bên trục lộ chế ngự toàn khu vực này mà trước năm 1968 là căn cứ đóng quân kiên cố cấp Tiểu đoàn của lực lượng Hoa Kỳ. Chốt chặn trong khu vực này do nguyên cả Sư đoàn 7 của CSBV, một đại đơn vị thiện chiến và trang bị các loại vũ khí, các loại súng phòng không tân tiến, kể cả hoả tiễn phòng không loại nhẹ, nhưng kiến hiệu, mới được phát hiện SA-7. SĐ-7/CSBV này đã bọc xuống phía nam thị xã An Lộc khi SĐ-5/CS thuộc TWC/MN đang bôn tập để tấn công cầu Cần Lê và An Lộc ngày 7 tháng 4. Trong khi SĐ-5/CS thất bại và bị thiệt hại nặng phải rút xuống vùng Trị Tâm và Bời Lời trên Sông Sài Gòn gần tỉnh lỵ Bình Dương để thay quân và bổ sung, thì SĐ-7/CSBV thành công trong việc thiết lập được hệ thống chốt chặn kiên cố Tàu-Ô. Với việc cắt đứt giao thông trên trục lộ huyết mạch này, An Lộc hoàn toàn bị bao vây và cô lập kể từ ngày 10 tháng 4, 1972.

Trong buổi sáng ngày 9 tháng 4, một phái đoàn phóng viên của Nhật báo Sóng Thần gồm Dương Phục, Thu Thủy và Nguyễn Tiến bay trực thăng lên An Lộc định phỏng vấn Tướng Lê văn Hưng về chiến trường sắp diễn ra. Lúc đó Tướng Hưng đang bận nên ủy thác cho tôi tiếp phái đoàn. Tướng Hưng nói với tôi là xin cáo lỗi phái đoàn vì ông bận việc hành quân không tiếp được, Chỉ cho phép tôi nói là “ÔNG NHẤT QUYẾT TỬ THỦ AN LỘC VÀ SẼ NHẤT ĐỊNH CHẾT Ở ĐÓ NẾU THÀNH PHỐ NÀY BỊ CÔNG SẢN CHIẾM”. Ông cũng cho phép tôi nói những gì trong sự hiểu biết của tôi về các lực lượng CSBV. Trong mấy vị phóng viên này Dương Phục và Thu Thủy là những người bạn quen thân với tôi từ các cuộc hành quân Toàn Thắng năm 1970-1971 trên lãnh thổ Miên thời Tướng Đỗ Cao Trí. Tôi lập lại nguyên văn câu tuyên bố “TỬ THỦ AN LỘC” của Tướng Hưng. Trong ngày hôm sau, cả thủ đô Sài Gòn và các thành phố miền Nam đều biết Tướng Hưng tuyên bố tử thủ An Lộc sau khi số báo Sóng Thần ra mắt độc giả. Hiện nay, tôi được biết các phóng viên này, nhất là Dương Phục và Thu Thủy, đang sống ở Texas, Hoa Kỳ, có thể xác nhận những điêu trên đây.

Ở Mật trận toàn Vùng 3 Chiến Thuật này tướng Cộng Sản đối đầu với Trung Tướng Nguyễn văn Minh là Thượng tướng Trần văn Trà. Tướng Trà sinh tại Quảng Ngãi năm 1920, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938, kháng chiến chống Pháp trong Quân Đội Nhân Dân --the People’s Army-- của Đảng CSVN mà Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh, từ năm 1946 đến năm 1954. Được phong cấp Thiếu tướng năm 1961 và là Tư lệnh Mặt Trận B-2 của chúng, tức là phụ trách quân sự và chỉ huy toàn thể lực lượng cộng sản trong toàn lãnh thổ phía nam của miền Nam Việt Nam (bao gồm một phần lãnh thổ của Vùng 2 Chiến Thuật và toàn thể Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật). Cũng trong năm đó, CSBV đưa Tướng Trần Lương --hay Trần Nam Trung-- và Trần Độ vào miền Nam thành lập Trung ương Cục miền Nam, hay TWC/MN, mà phía Hoa Kỳ và MACV gọi là COSVN (Central Office of South Vietnam, xem lại ở phần trên), là cơ quan chỉ đạo cả về chính trị và quân sự của Bộ Chính Trị Đảng LĐVN (để kiện toàn hệ thống chỉ đạo của Đảng ở B-2). Nguyễn văn Linh là nhân vật lãnh đạo chính trị cao cấp nhất và Tướng Trần văn Trà là tư lệnh các lực lượng vũ trang. Từ năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được đưa vào Nam vừa là Chính ủy và Tư lệnh TWC/MN thì hai nhân vật chính trị và quân sự kể trên được điều ra miền Bắc.

Năm 1967, Nguyễn Chí Thanh chết đột ngột (có thể bị thanh toán bằng độc dược). Phạm Hùng, nhân vật thứ tư của Bộ Chính Trị Đảng Lao Động VN được đưa vào Nam thay thế chỉ đạo toàn thể mọi tổ chức và hệ thống “kháng chiến” của Đảng ở miền Nam. Tư lệnh lực lượng quân sự ở miền Nam giao trở lại cho Tướng Trần văn Trà. Lúc đó, Mặt Trận Giải Phóng miền Nam Việt Nam của Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát cũng đã được Hồ Chí Minh cho thành lập và sau đó cải danh thành Chính Phủ Lâm Thời miền Nam Việt Nam, khi hội nghị hòa đàm ở Paris bắt đầu. Tướng Nguyễn Cao Kỳ Chủ tịch ủy Ban HPTU và Chính phủ miền Nam chỉ coi MTGPMN như một thực tế chớ không phải là một thực thể (The Southern Liberation Front is a reality but not an entity). Và vì vậy nên CSVN nâng cấp MTGPMN từ một “tổ chức” thành một “chính phủ”. Tướng Trần Nam Trung là Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ LTMNVN. Tướng Trần văn Trà vừa là Tư lệnh phó các lực lượng vũ trang TWC/MN cũng là Tư lệnh phó lực lượng vũ trang MTGP/MNVN.

Phía Hoa Kỳ, MACV cho rằng NVA –(North Vietnam Army) là lực lượng miền Bắc xâm nhập còn VC hay Việt Cộng là các đơn vị vũ trang của MTGP/MNVN hay của CPLT/MNVN. Đây là thứ hỏa mù. Trên thực tế tất cả những lực lượng võ trang trong chiến tranh của CS ở miền Nam đều do Đảng CSVN xây dựng và chỉ đạo. Những kế hoạch tấn công lớn của CSVN ở miền Nam Việt Nam (trong lãnh thổ Mặt Trận B-2 cũ mà Trà là tư lệnh) đều do Trần văn Trà thiết kế và chỉ đạo như trận Tết Mậu Thân, Trận Mùa Hè 1972 này, trận tấn công thăm dò đánh chiếm Phước Long đầu năm 1974, hay chiến dịch Nguyễn Huệ sau này bao vây và tấn chiếm Sài Gòn, năm 1975, v.v.) Tóm lại, Trần văn Trà là danh tướng của CSBV, đã chỉ huy hàng trăm trận đánh chống Pháp và các lực lượng Hoa Kỳ ở B-2, trước khi diễn ra trận TCK Tết Mậu Thân và Trận TCK mùa Hè 1972 này. Riêng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ mùa Hè này, Trần văn Trà, Tư lệnh Măt Trận B-2 cũ, là tư lệnh lực lượng của CSBV lẫn của TWC/MN tấn công vào QĐIII & V3CT. Có hiểu được “tài” của Tướng Trần văn Trà, mới hiểu được “trí” của Tướng Nguyễn văn Minh.

Điểm ghi nhận lớn nhất có thể nhìn thấy là kế hoạch tấn công của các lực lượng CSBV do các Tướng CSBV hay Tướng Trần văn Trà thiết lập quá dè dặt nên không chiếm lĩnh được mục tiêu là tỉnh lỵ Bình Long, tức thành phố An Lộc. TWC/MN đã nướng quân khá nhiều khi tập trung tấn công Lộc Ninh với kế hoạch “Tập Tấn” mà không dám nghĩ đến chiến thuật “Tản Tấn” nên mất thời cơ không chiếm được An Lộc ngay trong tuần lễ đầu, hay nói rõ hơn là bốn ngày đầu, của chiến dịch qui mô này. Chiến thuật tập tấn và tản tấn tôi đã đề cập sơ lược ở phần trên. Các tướng CSBV và TWC/MN thiếu quyết đoán và thiếu tự tin. Nếu họ có các đức tính này, thì chiến tranh đã có thể chấm dứt ngay trước mùa bầu cử Hoa Kỳ năm 1972.

Thử nhìn lại trận chiến ở tuẩn lễ đầu này –từ 3 đến 7 tháng 4, 1972. TWC/MN có bốn Sư đoàn bộ binh, một Sư đoàn pháo nặng được tăng cường hai Trung đoàn phòng không, hai Trung đoàn chiến xa và một Trung đoàn đặc công, và còn thêm Trung đoàn 95B thiện chiến từ Tây Nguyên đưa vào, không kể một số Trung đoàn và Tiểu đoàn địa phương khác. Thực tế trận chiến diễn ra trong tuần lễ đầu của Chiến dịch Nguyễn Huệ tấn công vào lãnh thổ QĐIII & V3CT được ghi nhận là: Tướng Trà sử dụng Sư đoàn Bình Long mới thành lập đánh dứ --nhưng có kết quả-- ở Tây Ninh trong ngày 31/3/1972, coi như “diện” (chiến thuật “dương đông kích tây” mà mục tiêu đánh nhử là “diện” và mục tiêu chính là “điểm”). Ba ngày sau, giữa khuya đêm 4 rạng 5, tháng 4, Tướng Trà đã tung vào chiến trường “điểm” Lộc Ninh gần hết lực lượng lớn của mình để tấn công tiêu diệt Trung đoàn 9 Bộ binh và Thiết đoàn 1 Kỵ binh của SĐ5BB và chiếm Lộc Ninh trước trong khi sử dụng chỉ một đơn vị đặc công và một đơn vị pháo nhỏ tấn công căn cứ và sân bay Quản Lợi, khoảng 5 km đông An Lộc. Không có pháo kích và tấn công Bộ Tư lệnh SĐ5BB ở Lai Khê hay vào An Lộc trong đêm 4 rạng ngày 5, tháng 4 như một số bài viết tưởng tượng.

Sau khi dứt điểm Lộc Ninh mới dùng SĐ-5/CS và các đơn vị chiến xa (Trung đoàn 202 và 203 Chiến xa) bôn tập theo trục QL-13 định vượt cầu Cần Lê tấn công An Lộc trong ngày 7 tháng 4. Đêm trước, 6/4 hay có thể trước đó chừng nửa ngày, Tướng Trần văn Trà đã điều động SĐ-7/CSBV vòng qua thị xã An Lộc và thiết lập hệ thống “chốt chặn” ở khu vực Suối Tàu-Ô trên trục lộ QL-13 phía nam An Lộc chừng 15 km, và phía bắc của quận lỵ Chơn Thành cũng chừng khoảng cách đó. Mục đích là chận viện của lực lượng bộ binh VNCH từ phía nam tiến lên tiếp viện An Lộc đồng thời chặn đường rút lui của các lực lượng phòng thủ An Lộc. Kế hoạch như vậy, Tướng Hưng và chúng tôi gọi là “Tập Tấn”, tức là lối tấn công tập trung dứt điểm từng cụm chiến trường, tiêu diệt từng phần lực lượng đối phương. “Quân đội Nhân dân” Bắc Việt rập khuôn chiến thuật tập tấn biển người của Hồng quân Trung Cộng. Chiến thuật này rõ ràng là để lộ quá nhiều sơ hở, đánh mất thời cơ, và đương nhiên hứng chịu nhiều tổn thất bởi phi pháo của đối phương. Kết quả của tuần lễ đầu đó, Tướng Lê văn Hưng, Tư lệnh SĐ5BB dưới sự tập trung tấn công của gần như hai Sư đoàn bộ binh và một Sư đoàn pháo và chiến xa tất nhiên không giữ nổi Lộc Ninh nhưng, mặc dù bị mất hai đơn vị với hai nghìn quân, Tướng Hưng đã gây tổn thất nặng cho lực lượng của TWC/MN ngay ở trận Lộc Ninh, và khi bộ binh và chiến xa của CSBV bôn tập trên QL-13 trong ngày 7/4, đồng thời Tướng Hưng có đủ thời gian đem quân về phòng thủ An Lộc, củng cố hệ thống phòng thủ, xin thêm viện binh “tử thủ” An Lộc. Đó là cú đấm trả đầu tiên của Tướng Hưng. Cú đấm thứ hai là do Tướng Nguyễn văn Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT đánh ra với sự khôn ngoan tinh tế và kinh nghiệm chiến trường của ông.

Như ở phần trên tôi có đề cập Tướng Nguyễn văn Minh không phải là dũng tướng như cố Đại tướng Đỗ Cao Trí, nhưng là một tướng lãnh rất thận trọng và “túc trí”, hay là một “túc tướng”. Ông suy nghĩ rất chặt chẽ trước khi đưa ra những quyết định hay những đề nghị hợp lý trong chiến thuật hành quân và dụng binh. Điều này tôi không nói ngoa mà cũng không tâng bốc Tướng Minh. Dưới đây là thí dụ điển hình về sự túc trí của Tướng Minh. Khi được trình về tin tức SĐ-5/CS và Sư đoàn C30B –hay Sư đoàn Bình Long mới thành lập- của TWC/MN đồng thời cùng tập trung về vùng Trị Tâm và Mật khu Bời Lời gần tỉnh lỵ Bình Dương, trên thực tế là để bổ sung quân cho SĐ-5/CS sau khi bôn tập từ Lộc Ninh xuống tấn công An Lộc và bị tổn thất nặng trong ngày 7 tháng 4, như nói ở phần trên, nhưng lúc đó Tướng Minh tuyên bố với các phóng viên chiến trường, tôi nhớ đại khái là: “Sau khi đánh xong Lộc Ninh, đại bộ phận Sư đoàn Công trường 5 bôn tập xuống Trị Tâm hoạt động phối hợp với Sư đoàn C30B. Các đại đơn vị Cộng sản nằm sát các thị trấn gần thủ đô, rất nguy hiểm khi thọc sâu xuống phía nam. Phải chú ý theo dõi Sư đoàn Công trường 5 với những mặt trận mới có thể mở ra.” Khi tuyên bố như vậy chẳng những Tướng Minh ám chỉ là có thể SĐ-5/CS phối hợp với Sư đoàn C30B tấn công tỉnh lỵ Bình Dương và Biên Hòa, kể cả Gia Định đồng thời TWC/MN cũng sẽ mở những mặt trận mới với các lực lượng địa phương nhắm vào Long Khánh và Phước Tuy. Những gì Ông tuyên bố đều là “khả năng có thể có của các lực lượng TWC/MN”.

Thực ra, như đã trình bày, mục đích của TWC/MN điều SĐ-5/CS và Sư đoàn C30B về Trị Tâm trên vùng Sông Sài Gòn không phải để tấn công mà để cho SĐ-5/CS lấy thêm quân từ Sư đoàn C30B rồi sau đó trở lên mặt trận An Lộc, như đã nói ở trên, chớ không phải xuống đó để chuẩn bị tấn công Bình Dương. Tuy nhiên vì sự điều động hai đại đơn vị này của Tướng Trần văn Trà gần bên nách Sài Gòn nên Tướng Minh có lý do chính trình lên BTTM/QLVNCH và Tổng thống để giữ nguyên SĐ18BB (trừ Chiến đoàn 52 đã tăng viện cho SĐ5BB trước trận Lộc Ninh) đang trấn đóng các tỉnh phía đông Sài Gòn trên trục QL-1, và SĐ25BB đang trấn đóng tại Củ Chi lên Tây Ninh trên trục QL-1 phía tây thủ đô, và các đơn vị chiến xa và BĐQ thuộc Lữ đoàn Xung kích của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi trước đây, làm lực lượng trừ bị ở Biên Hòa. Đó là những đại đơn vị cơ hữu của QĐIII, Tướng Minh có đủ lực lượng chuẩn bị phá “những mặt trận mới của TWU/MN” trong lãnh thổ QĐIII & V3CT, trong khi đó thì Tổng Tham mưu trưởng BTTM/QLVNCH, Đại tướng Cao văn Viên nhất định phải trình TT Nguyễn văn Thiệu tăng viện lớn lao cho Vùng 3 CT. Cũng dĩ nhiên Tổng thống sẽ chấp thuận.

BTTM/QLVNCH đã điều động SĐ21BB, sau đó ít lâu còn điều động thêm Trung đoàn 15 của SĐ9BB tăng viện ở mặt trận Bình Long. Và cũng vì sợ nguy ngập cho Sài Gòn, nên TT Thiệu còn điều động hai Lữ đoàn 3 Dù từ Vùng 2CT về tăng viện tướng Minh, đưa Lữ đoàn 1 Dù và Liên đoàn 81 Biệt Cánh Nhảy Dù vào An Lộc cho Tướng Hưng. Như vậy, với viễn kiến của mình, Tướng Minh đã nhìn thấy rõ mặt trận rộng lớn hơn trong toàn lãnh thổ mà ông chịu trách nhiệm, không phải chỉ hạn hẹp trong mặt trận An Lộc. Nghĩa là ông đã đoán được và hiểu biết trọn vẹn quan niệm hành quân của Tướng TWC/MN Trần văn Trà trong chiến dịch mùa Hè năm 1972, là muốn đánh chiếm An Lộc cần thiết phải “mở nhiều diện khác” trong lãnh thổ B-2, nhất là các tỉnh bao quanh thủ đô. Về phía các tư lệnh Hoa Kỳ từ Tướng Abram Creighton Tư lệnh MACV, đến Tướng hai sao Hollingsworth James F. Tư lệnh TRAC (Third Regional Assistance Command –Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân Khu 3) tất nhiên cũng đặc biệt chú trọng đến tình hình chiến cuộc ở QĐIII & V3CT, nên chắc chắn yểm trợ ưu tiên cho Tướng Nguyễn văn Minh. Nếu nhìn thấy rõ những điều này mới hiểu rõ tài điều binh và sự túc trí của Tướng Nguyễn văn Minh, ngược hơn những phán đoán từ trước đến nay về vị tướng lãnh cẩn trọng này của QLVNCH.

Với lực lượng như vậy, Tướng Minh đã phối trí các đơn vị hợp lý là tăng viện thêm cho An Lộc, nỗ lực giải tỏa chốt chặn của Sư đoàn 7 CSBV ở phía bắc Chơn Thành bằng các lực lượng tăng viện, trong khi đó giữ vững các đại đơn vị cơ hữu ở các vùng hiểm yếu trong lãnh thổ của mình để chờ những mặt trận mới của TWC/MN.

8. TỬ THỦ AN LỘC LÀ QUYẾT TÂM SẮT ĐÁ CỦA TƯỚNG TƯ LỆNH MẶT TRẬN LÊ VĂN HƯNG CŨNG LÀ TƯ LỆNH SĐ5BB, NHƯNG KẾ HOẠCH TỐI ƯU GIÚP TƯỚNG HƯNG GIỮ VỮNG AN LỘC LÀ CỦA ĐẠI TÁ LÊ QUANG LƯỠNG LỮ ĐOÀN TRƯỞNG LỮ ĐOÀN 1 NHẢY DÙ.

Tại thị xã tỉnh lỵ An Lộc, ngoài các Trung đoàn 7 và 8 (-) của SĐ5BB, một Tiểu đoàn Pháo binh và Đại đội 5 Trinh sát -bảo vệ BTL/HQ Sư đoàn (tất cả dưới 2,500 quân), chừng hai Tiểu đoàn ĐPQ của Tiểu Khu Bình Long (tất cả dưới 800 quân), Chiến đoàn 33 BĐQ (hơn 1,500 quân), Chiến đoàn 52/SĐ18BB (400 quân, kể cả thương binh), ngày 14 tháng 4 Tướng Minh cho tăng viện vào thị xã Lữ đoàn 1 Nhảy Dù (chừng 2,200 quân), và ngày 17 tháng 4, Chiến đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (chừng 450 quân). Tổng cộng, lực lượng phòng thủ tại An Lộc của Tướng Lê văn Hưng chừng trên 7,500. Tại Bộ Tư lệnh HQ nhẹ của Tướng Hưng, Phòng 3 Hành Quân của Trung tá Trịnh Đình Đăng ở khu nhà mặt tiền xoay ra đường Nguyễn Huệ bị một hỏa tiển 122 ly rơi trúng, 6 sĩ quan tham mưu của ông tử thương. Phòng 2 Hành Quân của tôi trong cùng một dãy nhà đó cũng có một sĩ quan tử thương. Các sĩ quan tham mưu của Trung tá TĐĐ không còn người nào để làm việc, nên ông cùng tôi và hai sĩ quan cấp Đại úy của tôi là Dương Tấn Triệu và Nguyễn Chí Cường phải đảm đương việc thu nhặt tin tức hành quân của tất cả các đơn vị để lập quyển nhật ký hành quân cho Sư đoàn về trận An Lộc. Sau này quyển nhật ký hành quân này do tôi giữ nên tai họa đổ lây sang cho tôi sau khi tướng Hưng bị thất sủng.... Theo ghi nhận của chúng tôi sau khi liên lạc với toàn bộ các cánh quân phòng thủ thì trong trận tấn công của CSBV vào An Lộc ngày 13 tháng 4, tổn thất của bạn là 28 tử thương, 53 bị thương, mất 3 súng cộng đồng và 42 súng cá nhân; địch 169 chết ở các tuyến phòng thủ bạn, 2 bị bắt. Ta tịch thu được 3 súng cộng đồng, 50 súng cá nhân, 2 máy truyền tin, bắn hạ từ 14 đến 16 chiến xa T-54 va PT-76 của địch.

Nên lưu ý là khi TWC/MN tung quân tấn công đợt thứ nhất vào thành phố ngày 13 tháng 4, 1972 thì Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Chiến đoàn 81 BKND chưa được tăng viện, quân số phòng thủ chỉ chừng dưới 5,500 người nếu tính cả nhân dân tự vệ võ trang. Trong ngày này, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng đang giải tỏa chốt chặn của Sư đoàn 7 CSBV ở Tàu-Ô, vì trận CSBV tấn công An Lộc nói trên nên Tướng Minh lệnh cho rút ra để chuẩn bị vào An Lộc tăng cường cho SĐ5BB. SĐ21BB từ miền Tây được đưa vào thay thế.

Ở đây, có một điểm cần nêu lên là, trong ngày 13 tháng 4, bởi sự tấn công dữ dội của Sư đoàn Công trường 9 CS của TWU/MN cộng với các đơn vị chiến xa 202 và 203 từ miền Bắc vào và ba Trung đoàn pháo của Sư đoàn 69, hay 70 Pháo, được tăng cường Trung đoàn Pháo Phòng không từ miền Bắc và Trung đoàn Đặc công 429, các tuyến phòng thủ của Trung đoàn 8 (-), Trung đoàn 52 (-) và Chiến đoàn 3 BĐQ ở mặt bắc và đông bắc đã phải lui về tuyến phòng thủ thứ hai trong thành phố. Một phần thành phố trong khu vực thương mãi phía bắc đường Nguyễn Trung Trực và sân bay Đồng Long tạm thời bị địch chiếm giữ, mặc dù có một số chiến xa của chúng bị hạ trong khu vực trách nhiệm của mỗi đơn vị.

Xin tưởng tượng, một thành phố với chiều ngang 1 km và chiều dài 2 km chỉ trong đêm 12 rạng 13 tháng 4, phải chịu từ bốn đến năm nghìn quả đạn đại pháo của CSBV thì có nơi nào không bị pháo dội phải? Binh sĩ phòng thủ và cư dân trong thành phố bị thương rất cao. Bệnh viện tỉnh nằm trước mặt Bộ Tư lệnh Hành quân SĐ, cách một con đường, bị pháo nhiều đợt. Người bị thương đưa vào đó trong những ngày trước chết nằm la liệt khắp nơi. Có những xác chết rồi bị banh xác thêm một đôi lần nữa. Trước tình cảnh đó, Đại tá Bùi Đức Điềm,Tham mưu trương Hành quân Sư đoàn, khi dứt tấn công chiến xa, tìm đâu đó được một chiếc xe ủi đất, tự mình lái xe đào những đường rãnh lớn và binh sĩ Đại đội Trinh sát Sư đoàn phụ thu dọn xác chết và các mảnh vụn thi thể cư dân, đem chôn tập thể dưới các đường rãnh này. Binh sĩ đơn vị chết thì chôn tại chỗ bố phòng của đơn vị. Các việc này lập lại nhiều lần suốt trận chiến dài một trăm ngày ở An Lộc. Đại tá Điềm luôn luôn ở trên chiến trường, trong các hố cá nhân với binh sĩ ở đâu đó khi pháo rộ và đi giám sát đôn đốc binh sĩ mọi nơi trong tuyến phòng thủ của Bộ Tư lệnh HQ và các đơn vị của Sư đoàn. Ông là một sĩ quan can trường, cẩn trọng và nhiệt tình. Tôi chưa từng thấy một cấp chỉ huy nào như ông. Chỉ vào đêm tối ông mới xuống nằm cạnh bên tôi trong hầm khi đã hiểu biết vững vàng mọi việc trong ngày trên mặt đất và làm hết sức mình trong ngày.

Sau trận tấn công này, các đơn vị phòng thủ của Tướng Hưng không thể tản thương, thay quân và tiếp tế đạn dược hay thực phẩm được nữa vì đã mất sân bay Đồng Long, một phần thành phố phía bắc thị xã trong khu thương mãi, và hai ngọn đồi quan trọng ở đông nam thị xã là Đồi Gió và Đồi 169. Hệ thống tiếp tế bằng C-47 Chinooks ở sân bay Đồng Long hoàn toàn đình chỉ. Cư dân vẫn sống trong các dãy phố chung với binh sĩ các đơn vị ở những khu vực của tuyến phòng thủ mới và một số lớn chạy về sống tạm bợ cạnh dòng suối cặp đường rầy xe lửa ở khu đông nam thị xã. Trong khu vực hành chánh phía nam Đại lộ Hoàng Hôn, ở khu vực suối nói trên và ở các khu vực phòng thủ binh sĩ chia xẻ gạo, cơm xấy và thực phẩm với dân. Cũng ghi nhận là trước đó, trong ngày 8 tháng 4, cư dân trong thành phố chừng hơn ba ngàn người tị nạn chia làm hai đoàn do một linh mục Công giáo và một đại đức Phật giáo hướng dẫn di chuyển theo QL-13 về Chơn Thành, nhưng vừa qua khỏi đồn điền Xa Trạch bị Sư đoàn Công trường 7 pháo kích, hàng trăm người chết, bị thương. Xác chết nhầy nhụa trên mặt đường và khu vực chung quanh. Một số chạy ngược về An Lộc, kỳ dư đều bị chúng bắt không còn biết tung tích gì nữa sau đó.

Từ ngày 14 tháng 4 trở đi An Lộc chỉ được tiếp tế bằng thả dù không vận của KQVN và Không lực Hoa Kỳ. KQVN, trong hai ngày đầu, sau mấy đợt thả đạn dược và thực phẩm khô cho các đơn vị phòng thủ bằng các loại vận tải cơ Faichild C-123 và C-119 bị phòng không CSBV bố trí dày đặc bao quanh thành phố xạ kích dữ dội làm thiệt hại 2 chiếc C-123 và mấy chiếc khác bị hư hại, vả lại vì bay cao nên các dù đạn và thực phẩm phần lớn rơi vào khu vực địch kiểm soát. Vì vậy, KQVN đã phải đình chỉ các hoạt động thả dù tiếp tế cho An Lộc sau 27 phi vụ. Cứu tinh của binh sĩ phòng thủ và số lớn cư dân là nguồn thả dù tiếp tế của đơn vị 347 Tactical Airlift Wing (U.S. 347th TAW). Do hệ thống phòng không của CSBV rất mạnh với tầm tác xạ kiến hiệu cao nên các vận tải cơ C-130 H.K. phải bay trên 10,000 bộ khi thả dù tiế́p tế. May mắn là đơn vị này đã tìm được nguyên tắc cho dù mở chậm sau khi thả ra khỏi phi cơ và dù chỉ mở ra cách mặt đất từ 10m đến 20m. Nhờ cách thả dù tiếp liệu này nên các lực lượng của Tướng Hưng từ ngày 16 tháng 4 trở đi nhận hơn 95% thực phẩm và đạn dược trừ đạn đại pháo 155 ly và 105 ly, vì cả Tiểu đoàn pháo của Sư đoàn trong thị trấn hoàn toàn bị pháo địch phá hủy trong ngày tấn công đầu tiên của chúng; không còn một khẩu nào sử dụng được, nên không tiếp tế đạn pháo.

Tuy nhiên lối thả dù tiếp liệu này cũng rất nguy hiểm cho binh sĩ trú phòng. Sức nặng của mỗi bọc dù thực phẩm hay đạn dược cũng phải từ hai đến ba, bốn, tấn. Dù vừa thả ra khỏi máy bay, chỉ là một chấm nhỏ, chừng chưa đầy ba mươi giây đã xuống đến mặt đất. Mỗt lần thả dù như vậy ít́ nhất cũng phải có đôi ba cộng sự phòng thủ bị dù rớt xập hay mấy chiếc hầm cá nhân bị dù chôn luôn xuống đất lẫn người chiến sĩ trong hầm vì có những chiếc dù chưa kịp mở đã đâm thẳng xuống mặt đất. Và ở tất cả những bãi thả dù này luôn có sự hiện diện của Đại Tá Bùi Đức Điềm. Chính ông là người phân phối thực phẩm, đạn dược theo nhu cầu của các đơn vị. Cấp bậc Đại tá của ông dĩ nhiên đầy đủ uy quyền đối với các toán tiếp tế của các đơn vị đến bãi nhận phần súng đạn và thực phẩm khô cho đơn vị. Không hề có vấn đề giành giựt thực phẩm bắn nhau ở bãi thả dù, bất cứ khu nào trong thành phố.

Đứng chỉ huy thu nhặt và phân phối thực phẩm ở bãi thả dù nghĩa là phải vừa đội pháo CSBV vừa có thể bị đè bẹp, chết tức khắc, bởi những chiếc dù nặng rơi nhanh không thể tưởng. Người ta tâng bốc nhau về công trạng của vị chí huy này hay vị chỉ huy nọ. Cũng có người tự tâng bốc chính mình, nhưng tôi hiện diện ở chính chiến trường đó, chỉ thấy những người câm nín làm việc như vị đại tá này hay một hạ sĩ Truyền tin của Sư đoàn, tên Lê văn Sáu, dù ngày hay đêm, pháo vừa dứt đã thấy anh hết trèo lên trụ điện này đến trụ điện nọ nối lại những mạch điện thoại bị đứt vì pháo kích hay vì bất cứ lý do nào đó, suốt cả một trăm ngày của trận chiến. Tiếc rằng không có một thẩm quyền nào đó cầm chiếc “Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương” dúi vào tay Tổng Thống để gắn cho Đại tá BĐĐ hay một Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu gắn cho Hạ sĩ Sáu....

Sau trận tấn công đầu tiên của các đơn vị TWC/MN vào An Lộc, một phần của phía bắc thị xã bị chúng chiếm (Bản đồ # 4). Nhất là mất Sân bay Đồng Long, không thể tải thương, thay quân và tiếp tế, nên kế hoạch của Tướng Minh là thả Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, gồm các Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù và Đại đội Trinh Sát, do Đại tá Lê Quang Lưỡng (sau này thăng cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ Nhảy Dù cuối cùng của QLVNCH) chỉ huy, ở hai bãi ruộng trống cặp QL-13 mà đầu mùa Hè chưa có mưa và ruộng khô trơ gốc rạ, nằm ở quãng giữa cầu Cần Lê và sân bay Đồng Long, để từ đó quân Dù sẽ tiến xuống hướng nam, tấn công vào đơn vị địch chiếm giữ sân bay và phía bắc thành phố. Trong khi đó thì ở phía nam thành phố Tướng Hưng sẽ đưa một cánh quân BĐQ của Trung tá Nguyễn văn Biết kết hợp với Trung đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân tấn công lên phía bắc chiếm lại khu phố bị mất ngày hôm trước. Dĩ nhiên KQVN và KLHK sẽ thả bom dọn bãi đáp và yểm trợ cho Dù đổ quân và cho BĐQ và bộ binh khi tấn công.

Kế hoạch này khi đưa về SĐ5 thì được Đại tá Cố vấn William Miller yểm trợ hết mình, nhưng Tướng Hưng do dự vì muốn gặp Đại tá Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù trước cuộc đổ quân vào giải tỏa An Lộc ngày hôm sau 14 tháng 4. Ngày đó, vào sáng tinh sương, một trực thăng bay sát ngọn cây đưa Đại tá Lê Quang Lưỡng vào Bộ Chi huy Tiểu khu của Đại tá Trần văn Nhật. Tôi được lệnh đến đó đón Đại tá LQL về Bộ Tư lệnh Sư đoàn.

Khi vào hầm chỉ huy của Tiểu khu, tôi hiểu vì sao sau này các cố vấn Hoa Kỳ “mê” và hết lời khen ngợi Đại tá TVN, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long. Hầm ngầm của Bộ Chỉ huy Tiểu khu, gọi là B-15, trước đó của Lực lượng Đặc Biệt QLVNCH, được Hoa Kỳ xây dựng, sâu, kiên cố và rộng rãi gấp ba lần chiếc hầm u tối, chật hẹp, của Bộ Tư lệnh HQ/ Sư đoàn. Trong hầm, đèn sáng choang, các sĩ quan Việt-Mỹ ngồi ở các bàn hành quân, đề huề, đâu ra đó; bản đồ thành phố, bản đồ hành quân đầy đủ. Cũng không thiếu thuốc lá, café, trà ngon và thực phẩm khác. Như đã nói ở trên, Đại tá TVN là một sĩ quan can trường lại vô cùng tế nhị. Hầu hết các cố vấn Hoa Kỳ đều về tập trung tại đây, trừ Đại tá William Miller và hai sĩ quan dưới quyền ông, trong toán Cố vấn của SĐ5BB. Số cố vấn Hoa Kỳ của Tiểu khu và các đơn vị khác về đó trong suốt trận chiến có lẽ trên mươi người, hoặc nhiều hơn, từ cấp trung tá trở lại, chắc chắn đã được Đại tá TVN bồi tiếp chu đáo. Đó là do bản tính nồng nhiệt và sự tế nhị của ông mà tôi đề cập trên. Ngược lại, chính sự tận tâm giúp đỡ của số cố vấn ít oi này mà các chiến sĩ phòng thủ đã giữ vững được An Lộc nhờ vào sự yểm trợ tối đa của không trợ và không yểm của Không Quân Chiến Lược và Chiến Thuật Hoa Kỳ. Các cố vấn Hoa Kỳ ở Bộ Chỉ huy Tiểu khu Bình Long sau này về nước đều khen ngợi Đại tá TVN về sự liên lạc mật thiết giữa ông và họ, kể cả sự can đảm và tài thao lược của ông. Chuyện đó dĩ nhiên thôi.

Sự thực thì Đại tá TVN có ít quân, chỉ còn dưới một Tiểu đoàn Đia Phương quân, kể cả Nghĩa quân và Dân vệ, chừng hơn 600 binh sĩ –được những kẻ tâng bốc tăng thành cấp Trung đoàn với 1,000 người. Đại tá TVN không có quyền quyết định về mọi việc ở chiến trường An Lộc, mà là Tướng Tư lệnh Mặt trận Lê văn Hưng. Một trong những sĩ quan cố vấn của Chiến đoàn 52 là Trung úy James H. Willbanks, vào An Lộc trễ, và bị thương bởi đạn pháo kích, khi về Hoa Kỳ leo dần lên cấp Trung tá và theo học chương trình hậu đại học đã dựa phần lớn vào tài liệu của Đại tá William Miller, viết luận án Cao học và Tiến sĩ về Trận Chiến An Lộc, bốc thơm Đại tá TVN nức nở, nhưng đã xúc phạm lớn lao đến uy tín Tướng Lê văn Hưng. Có lẽ chính Willbanks cũng không hiểu rõ sự bất đồng ý kiến lớn lao giữa Đại tá Cố vấn Hoa Kỳ William Miller và Tướng Tư lệnh SĐ5BB Lê văn Hưng từ trước và trong trận chiến An Lộc diễn ra.

Nguyên do chính là vì từ trước khi diễn ra trận An Lộc, Tướng Hưng coi Đại tá William Miller chỉ một sĩ quan xuất thân từ hàng binh sĩ, là “un sorti-du-rang” theo cách nói không mấy nể trọng của người Pháp và coi Đại tá Miller như một người không hiểu biết nhiều về địch thủ trong cuộc chiến Việt Nam. Hơn nữa, Tướng Hưng coi cấp bậc là cấp bậc, tướng là tướng, tá là tá. Việt, Mỹ, có khác gì nhau…. Ngược lại, Đại tá Miller coi tướng Hưng là một sĩ quan trẻ tuổi --a young general-- hàm ý là thiếu kinh nghiệm và coi Hưng là một trong các tướng “Đồng bằng Cửu Long”(one of the Delta-Clan generals) cũng với ý biếm nhẽ, kém tôn trọng. Họ khi dể lẫn nhau và ngấm ngầm trở thành những kẻ thù. Nhưng thái độ của mỗi người một khác. Đại tá Miller nhiều lần cãi vã với Tướng Hưng ngay trong hầm ngầm hành quân ở An Lộc. Mọi chuyện Tướng Hưng đều bỏ qua. Ngược lại, Đại tá Miller mang mối thù này về tận Hoa Kỳ và mở những cuộc thuyết trình, hội thảo, về trận chiến An Lộc và nhân các cơ hội này miệt thị Tướng Lê văn Hưng…. Tôi sẽ nói rõ hơn ở phần dưới.

Khi Tướng Nguyễn văn Minh đưa ra kế hoạch tăng viện Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bằng chiến thuật hai mũi giáp công để chiếm lại phần phía bắc thị xã An Lộc bị mất từ hôm trước thì Đại tá Miller rất tán thành. Tuy nhiên, sau khi tôi đón Đại tá LQL, Lữ đoàn trưởng LĐ1ND, về căn hầm BTL/HQ Sư đoàn gặp Tướng Hưng xong thì mọi việc đã đổi khác. Đại tá Lưỡng trình bày chiến thuật hơn thiệt rất hợp lý và chứng tỏ ông là một nhà chiến thuật lỗi lạc và nhiều kinh nghiệm trong những trận đánh lớn.

Ông cho rằng, nếu đổ hơn hai nghìn hai trăm quân Dù ở vùng ruộng trống trơ gốc rạ nằm giữa cầu Cần Lê và sân bay Đồng Long, thì vì bất ngờ, líp (lift) thả đầu tiên bằng C-47 của KLHK hay KQVN, đơn vị Dù nhảy xuống đầu tiên đó có thể sẽ an toàn. Nhưng từ líp đổ quân thứ hai trở đi các đơn vị Dù sẽ là mồi ngon cho pháo binh CSBV tập trung. Tổn thất sẽ rất cao, có thể lên đến 50%, hay cao hơn nữa. Người ta sẽ không thể mở một cuộc tấn công vào sân bay Đồng Long với một số tử thương và thương binh cao -dù bị bỏ họ lại ở bãi chiến hay dìu họ theo. Hơn nữa, nếu thả các đơn vị Dù ở LZ (Landing Zone) theo kế hoạch, thì cũng chỉ thả được các đơn vị Dù tác chiến bộ binh mà không thể thả Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù với các loại trọng pháo, đại pháo dã chiến, để đánh nhau liền. Cho rằng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vào được mục tiêu chỉ định, thì với lực lượng còn lại cũng sẽ không ̣đủ sức tấn công lực lượng địch đã chiếm giữ sân bay và mặt bắc thành phố từ ngày hôm trước mà chúng ta không hiểu rõ chúng có bao nhiêu quân và ở cấp bộ nào? Yếu tố thành công không có, mà sự thất bại đã thấy rõ trước mắt. Cho dù Lữ đoàn Dù chiếm được mục tiêu thì lực lượng còn lại chỉ trên dưới một Tiểu đoàn, sẽ không chịu đựng nổi những trận tấn công kế tiếp của quân CSBV. Một cánh quân mạnh tinh nhuệ cũng sẽ trở thành một đơn vị què quặt thì sự tăng viện họ vào An Lộc là... vô ích. Với các lý luận này, Đại tá LQL đề nghị một kế hoạch khác.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 7
Quan niệm hành quân của Đại tá LQL là tăng viện Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vào An Lộc không chỉ là tăng quân để phòng thủ vị trí chiến lược then chốt này, mà còn để đáp ứng nhu cầu giúp cho vị tư lệnh mặt trận tạo niềm tin trong binh sĩ phòng thủ là An Lộc được tiếp viện, chẳng những đủ sức phòng thù chống mọi cuộc tấn công của địch quân, mà còn có thể phản công khi tình hình cho phép, chớ không thể sử dụng đơn vị này như lực lượng xung kích đánh ngay vào vị trí địch đang chiếm đóng trong thành phố trong trận tấn công trước mà chúng ta chưa biết được thực lực của chúng lớn mạnh ở qui mô nào. Cấp liên Trung đoàn hay Sư đoàn? Thực tế chỉ biết phòng không và trọng pháo dã chiến của chúng rất mạnh. Nếu tấn công địch quân ngay khi đổ quân ở vùng ruộng trống phía nam cầu Cần Lê thì sẽ rơi vào trường hợp nêu ở trên. Nếu chiếm lại được sân bay Đồng Long ở phía bắc thành phố cũng sẽ không dùng được nữa vì nơi đó đã... và sẽ trở thành mục tiêu tập trung pháo đã được điều chỉnh từ trước. Các loại phi cơ vận tải hay trực thăng đáp xuống chỉ để bị banh xác mà thôi.

Kế hoạch khả thi là nên đổ quân Dù bằng trực thăng của KQVN hay KLHK ở một bãi đáp bí mật (a secret landing zone -or LZ) ở phía đông nam thị xã. Toàn bộ quân Dù sẽ an toàn khi đổ quân vì tạo được yếu tố bất ngờ, pháo binh địch sẽ không đủ thì giờ chỉnh tác xạ vào LZ mật đó. Từ bãi đáp an toàn này, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đơn vị đổ quân đầu tiên sẽ tức tốc di chuyển tấn công chiếm lại Đồi Gió và Đồi 169 chừng 3 hay 4 km phía đông nam thị xã bị địch chiếm trong trận đánh ngày hôm trước, là hai cao điểm chế ngự toàn thành phố. Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù sẽ đổ quân sau và vào vị trí khi Tiểu đoàn 6 Dù chiếm xong hai ngọn đồi nói trên. Hai Tiểu đoàn này sẽ do Trung tá Lê văn Ngọc, Lữ đoàn phó, chỉ huy. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, Đại đội Trinh sát, Tiều đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 sẽ đổ quân tiếp theo trong ngày kế tiếp.

Tiểu đoàn 5 sẽ yểm trợ cho Tiểu đoàn 8 tiến vào đầu xa lộ (hay QL-13) xuất phát từ phía nam thị xã, chạy về hướng đồn điền cao su Xa Cam cách thị xã chừng 3, 4 km, về hướng nam. Khúc xa lộ này mặt đường rộng trên dưới 20m, hai bên đường trước đó các đơn vị Hoa Kỳ đã phát hoang sâu vào bìa rừng, mỗi bên rộng chừng 800m đến 1,000 nên rất trống trải có thể mở làm “một sân bay trực thăng tạm” rộng rãi, các loại trực thăng lớn nhỏ của KQVN và KLHK đều có thể đáp xuống được. Sau đó, Tiểu đoàn 8 Dù của Trung tá Văn Bá Ninh sẽ trấn đóng ở khu vực này phụ trách giữ an ninh và điều hành sân bay trực thăng tạm để các đơn vị phòng thù có thể tản thương các thương bệnh binh và tiếp nhận quân bổ sung thay thế.

Tiểu đoàn 5 Dù của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu sẽ tiến về khu vực gần vòng đai tây nam tỉnh lỵ và trấn đóng ở đó làm lực lượng trừ bị cho Lữ đoàn và cho Tướng Hưng. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn được Đại đội Trinh sát bảo vệ, sẽ đóng chung với Bộ Chỉ huy Tiểu khu, nằm gần hai Tiểu đoàn nói trên. Đại tá LQL cho rằng, “nếu Lữ đoàn Dù mở được sân bay trực thăng tạm và bung rộng ra giữ được an ninh ở khu vực đầu xa lộ nói trên, thì lực lượng phòng thủ có thể tản thương và thay quân, hay tiếp tế được, các đơn vị sẽ có quân mới, khoẻ. Lực lượng sẽ mạnh dần. Sau khi đánh không quân cắt đứt đường tiếp vận của quân CSBV vào thành phố và “cô lập” được cánh quân này của chúng với các đơn vị hậu cần TWC/MN ở bên ngoài thì lực lượng địch sẽ mòn dần. Lực lượng phòng thủ An Lộc của Tướng Hưng chờ khi bắt tay được với các cánh quân của SĐ21BB từ Chơn Thành tiến lên sau khi giải tỏa được các chốt chặn của địch quân ở khu vực suối Tàu-Ô, lúc đó sẽ mở các cuộc hành quân chiếm lại các khu phố ở phía bắc thành phố và sân bay Đồng Long. Đó là kế sách an toàn cho An Lộc chống giữ lâu dài và quân CSBV sẽ mòn mỏi dần khi họ bị tấn công dồn dập bởi KQVN và KLHK –nhất là không lực chiến lược với loại bom sát thương rộng lớn và dữ dội B-52. Đó cũng là ưu sách để chiến thắng. Vì chúng ta giữ được thành và đánh được địch.”

Dựa trên tình hình chiến sự diễn ra lúc đó thì quan niệm và kế hoạnh hành quân của Đại tá LQL là tối ưu. Sau hơn một giờ bàn luận với Tướng Lê văn Hưng và được vị tư lệnh chiến trường này hết lòng yểm trợ, Đại tá LQL lên trực thăng về Lai Khê trình bày lại với Tướng Nguyễn văn Minh. Kế hoạch tức khắc được chấp thuận cho áp dụng. Từ chiều ngày 14 đến ngày 15 tháng 4, mọi cuộc đổ quân bằng trực thăng vận của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã gây bất ngờ cho Bộ Tư lệnh TWC/MN của Tướng Trần văn Trà. Toàn bộ các đơn vị Dù trực thuộc vào An Lộc trong ngày 17, với tổn thất tương đối nhẹ (chỉ dưới 4%) khi cánh quân lớn này vào trận địa đang nóng bỏng lúc đó. Yếu tố bất ngờ và sự chọn bãi đổ quân (landing zone –LZ) thận trọng nên không bị tổn thất khi đổ quân. LZ là khu vực hương lộ 245 con đường nhựa chạy ngang sóc Srok Ton Cui, hướng tây nam và gần hai ngọn đồi Gió và 169 (xem bản đồ đổ quân vào An Lộc của LĐ1ND). Mọi chi tiết của kế hoạch do Đại tá LQL cũng được thực hiện chu đáo.

-Tiểu đoàn 6 Dù của Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, từ khu vực đổ quân đã tiến vào mục tiêu và tấn công vào các đơn vị quân CSBV trên hai ngọn đồi ở khu vực đông nam thành phố này. Ngay trong buổi chiều 14, chừng hơn một giờ sau khi đổ quân, Tiểu đoàn đã chiếm xong hai mục tiêu, Đồi Gió và Đồi 169.

-Toàn bộ đại bộ phận của Lữ đoàn 1 Dù gồm Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Dù đã đổ quân hoàn tất vào khoảng 3giờ chiều ngày 15 tháng 4 ở bãi đáp gần đồi Gió. Cũng trong ngày này, từ sáng sớm Bộ Tư lệnh Tiền phương TWC/MN đã mở một cuộc tấn công chiến xa và bộ binh vào các tuyến phòng thủ của Tướng Hưng sau khi đã giập hơn năm ngàn quả đại pháo vào thành phố. Cuộc tấn công này diễn ra có vẻ vội vã ở mặt tây và tây bắc vì chiến xa từ hướng này tiến vào thành phố không có bộ binh tháp tùng. Ở mặt đông bắc thì áp lực tấn công của lực lượng địch rất nặng. Riêng ở mặt đông nam thì địch không thể tấn công vì quân Dù đã chiếm trọn khu vực hai ngọn đồi nói trên và ng̣ọn đồi thấp hơn ở sóc Srok Ton Cui. Đặc biệt ghi nhận là thiết giáp địch vào thành phố chạy lạc lõng, lơ ngơ, không biết đường lối hay mục tiêu tấn công, để bị bắn hạ... dễ dàng. Có không ít đôi ba lý do để giải thích. Nhưng nguyên nhân chính là ngày hôm trước, tức ngày 14 tháng 4, nhằm mục đích làm giảm áp lực địch và sự tăng viện quân của chúng vào thành phố sau khi chúng tấn công mạnh ở hướng tây bắc ngày hôm trước và cũng để đánh lạc chú tâm của địch, yểm trợ cho Dù đổ quân, sau khi họp xong với Đại tá LQL, Tướng Hưng chỉ thị cho tôi vẽ mười boxes B-52 (mỗi boxe dài chừng hơn 2km và rộng 1km) chuyển cho Đại tá Miller, yêu cầu Không Quân Chiến lược Hoa Kỳ thực hiện; trong đó có hai boxes đánh xuống Ấp Phú Lố cách thị xã chừng hơn ba dặm, và Ấp Phú Bình chỉ các vòng đai phòng thủ của quân bạn ở hướng tây chừng 800m. Xin thực hiện ngay trong ngày hôm đó.

Buổi trưa trước khi Tiểu đoàn 6 Dù đổ quân vào LZ ở đông nam thị xã thì KQ Chiến lược Hoa Kỳ đã đánh xong hai boxes B-52 vào các ấp Phú Lố và Phú Bình ở tây thị xã. Tám boxes khác đánh xa hơn trên trục chuyển quân của chúng. Cư dân ở hai ấp này đã hoàn toàn di tản vào thành phố ngay trong những ngày 7 và 8 tháng 4. Ở các nơi đó chỉ còn vườn không nhà trống tuy nhiên vẫn còn là nơi thích nghi cho các đơn vị CSBV với các nước giếng ngọt, rau cải và cây trái, nhà cửa. Chúng có thể tạm dừng trên lộ trình tiến quân, lo cơm nước, để chuẩn bị tấn công vào thị xã. Sau này chúng tôi được biết chính hai boxes B-52 ngày 14 tháng 4 này ở hai ấp nói trên đã tiêu diệt trọn Bộ chỉ huy Trung đoàn 271, hai Tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn này và các đơn vị phòng-không tháp tùng, là cánh quân lớn của Sư đoàn Công trường 9 TWC/MN, và là mũi tấn công chính vào mặt tây và tây bắc An Lộc. Nhưng ngày 15/4, mũi nhọn chủ lực này đã... không bao giờ vào thành phố mà đã phơi thây ở hai ấp Phú Lố và Thanh Bình rồi. Các chiến xa vào thành phố trong ngày này không có bộ binh tháp tùng đã chạy lang bang trên các con đường phố, không biết bạn ở đâu, ví trị của quân phỏng thủ ở đâu, thì chỉ là những con mồi ngon cho loại súng chống chiến xa M-72 mà thôi. Trong ngày đó, 10 chiếc T-54 và PT-76 cùa CSBV bị hạ trong thành phố).

Cũng trong ngày 15 tháng 4 này, vì giữ được LZ nên Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, các Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 8 Dù cũng đã đổ quân an toàn ở bãi đổ quân vùng sóc Srok Ton Cui. Tuy nhiên vì thành phố đang bị tấn công nên Tướng Hưng liên lạc chỉ thị cho Đại tá LQL tạm giữ lực lượng Dù ở khu vực vùng ba ngọn đồi đông nam đó, chưa vào thành phố trong ngày hôm đó. Ngày hôm sau Đại tá LQL chia quân Dù làm hai cánh vào thành phố.

Cánh thứ nhất, gồm có Tiểu đoàn Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, các Đại đội Trinh sát và Công binh cùng với Tiểu đoàn 5 của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu tiến vào vòng đai phòng thủ của Tiểu khu theo ngã ấp Sóc Gòn. Cánh quân thứ hai do Trung tá Văn Bá Ninh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Dù chỉ huy, tiến vào mục tiêu chỉ định là đầu xa lộ phía nam tỉnh lỵ, gần Bộ Chỉ huy Tiểu khu theo ngã ấp Phú Hòa chỉ cách vòng đai phòng thủ thị xã chừng 1 km về hướng đông. Ấp Sóc Gòn cách ấp Phú Hòa hơn một km về hướng đông bắc. Cả hai cánh quân này đều chạm địch. Tuy cánh quân do Trung tá VBN chỉ huy là TĐ8ND vào ấp Phú hòa trước, chỉ chạm nhẹ, nhưng đã đóng quân đêm 16/4 tại ấp này để yểm trợ cho cánh quân của Tiểu đoàn 5 và các Đại đội Trinh sát và Công binh Dù do chính Đại tá LQL chỉ huy, chạm súng nặng với một Trung đoàn của SĐ-5/CS trong suốt ngày và đêm 16 đó ở ấp Sóc Gòn. Địch quân tấn công vị trí dã chiến của Dù ở Sóc Gòn nhiều đợt, rất mạnh. Chúng xung phong biển người với cả bộ binh và chiến xa, nhưng đều bị Dù đẩy lui. Kết quả cuộc chạm súng này các đơn vị của Đại tá LQL đã bắn hạ 4 T-54, tịch thu 7 súng cộng đồng, 20 súng AK-47, và địch quân bỏ lại tại trận 85 xác chết. Lực lượng Dù có 3 tử thương và 13 bị thương.

Điều đáng nêu lên là cả trong ngày và đêm 16/4 đã có hơn 20 phi tuần yểm trợ của KQVN cho đơn vị Dù của Đại tá LQL. Đặc biệt là trong các đêm này lần đầu tiên ghi nhận Không Quân Chiến Thuật Hoa kỳ đã đưa một loại vũ khí mới diệt chiến xa địch ban đêm vô cùng hữu hiệu gọi là “Spectre” -tức là loại máy bay C-130 cải biến thành chiến đấu cơ, trang bị hồng ngoại tuyến, với các loại sensors dò tiếng động của động cơ và tự động điều khiển dàn súng đại bác 105 ly không dật, cộng thêm 18 khẩu đại liên 50 ly, đặt ở ba vị trí khác nhau mỗi nơi 6 khẩu, và hai dàn hỏa tiễn gồm 12 ống, tùy theo loại mục tiêu di động hay gây tiếng nổ trên mặt đất nhiều ít hay nặng nhẹ đến mức độ nào các loại vũ khí đó sẽ tác xạ thẳng tiêu diệt mục tiêu, chính xác trăm lần như một, không trật. Đây là loại vũ khí vô cùng lợi hại, bao vùng và diệt chiến xa và các loại xe chuyên chở pháo, hay các khẩu pháo di động của CSBV nhiều nhất trong trận chiến An Lộc -nhất là bên ngoài thành phố. Nên ghi nhận rằng tại An Lộc và vùng bao quanh, từ khi chiến trận diễn ra, toàn bộ chiến xa và các loại xe của các đơn vị phòng thủ hoàn toàn không còn nữa, chỉ còn một ít xe jeep không hề được sử dụng di chuyển trong đêm, do đó khi tiếng động cơ nổ ban đêm thì chỉ là chiến xa và các loại xe chở pháo và chở quân hay tiếp liệu của quân CSBV. Hai động cơ nổ là hai máy điện của BTL/SĐ5BB và của BCH/Tiểu khu Bình Long, cố định và có tọa điểm chính xác, nên các chiến đấu cơ Spectres, thường gọi là Hoả Long --xuất phát từ căn cứ Không quân Hoa Kỳ Utapao ở Thái Lan-- không thể bắn nhầm vào vị trị của các đơn vị phòng thủ. Hàng nhiều chục chiến xa và các loại quân xa của CSBV bị Hỏa Long bắn hạ trên các trục giao thông ngoài An Lộc ở những ngày đêm sau đó, đã triệt mất đường tiếp vận của chúng.

Sáng ngày 17 tháng 4, các đơn vị Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã hoàn toàn vào các vị trí đã dự trù đúng theo kế hoạch của Đại tá Lê Quang Lưỡng. Tức là ngoài Tiểu đoàn 6 Dù và mấy pháo đội của Tiểu đoàn 3 Dù trấn đóng trên hai ngọn đồi 169 và đồi Gió và Srok Ton Cui, do Trung tá Lê văn Ngọc, Lữ đoàn phó chỉ huy, toàn bộ thành phần lớn hơn của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù do chính Đại tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy, đã vào các vị trí trong thành phố như đã dự trù. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn và Đại đội Trinh sát đóng chung với Bộ Chỉ huy Tiểu khu, Tiểu đoàn 5 Dù làm trừ bị đóng gần đó. Quan trọng nhất là Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, do Trung tá Văn Bá Ninh chỉ huy, chiếm trọn khu vực rộng lớn đầu xa lộ phía nam thành phố xuống đến gần đồn điền Xa Cam trong buổi sáng ngày 18/4. Tại khu vực này Tiểu đoàn đã chạm nặng với một đơn vị của SĐ Công trường 7 của CSBV, địch bỏ lại hơn 40 xác chết, nhiều súng cộng đồng và cá nhân. Sau đó TĐ8NH và Đại đội Công binh Dù đã tu bổ dọn trống thêm quãng xa lộ sát liền với phía nam BCH Tiểu khu, làm thành bãi đáp tạm cho các loại trực thăng và chinooks của KLHK và KQVN. Tiểu đoàn này đã giữ sân bay trực thăng tạm này an toàn suốt những trận tấn công sau đó của lực lượng CSBV vào thành phố. Trực thăng của KQVN và HK đã bay lên đáp xuống khá an toàn, dù không tránh khỏi bị pháo kích, đã đưa được hàng trăm thương bệnh binh các đơn vị trú phòng ra khỏi trận địa và mang vào quân bổ sung, thực phẩm và trang bị nhẹ vào cho các cánh quân đó, mặc dù tiếp tế thực phẩm khô và đạn dược hay trang bị nặng khác vẫn do KLHK tiếp tục thả dù như trước đó.

Trước đó, trong ngày 16 tháng 4, Liên đoàn 81 Biệt Cánh Nhảy Dù, chừng dưới năm trăm quân do Trung tá Phan văn Huấn chỉ huy, cũng được BTTM tăng viện cho Tướng Minh và được đưa vào An Lộc bằng trực thăng vận và đáp ở bãi đáp bên suối Rô, gần bãi đổ quân Sóc Srok Ton Cui của Lữ đoàn 1 Dù. Cuộc đổ quân an toàn và hoàn tất vào khoảng hơn 5 giờ chiều. Trung tá PVH bắt tay được với Trung tá LVN, Lữ đoàn phó Dù. Sau đó tiếp xúc âm thoại được với Tướng Hưng và nhận chỉ thị tiến lên hướng bắc thành phố theo lộ trình cặp theo đường rầy xe lửa. Tuy nhiên vì trời tối nên phải đóng quân dã ngoại đêm đó; chỉ chạm súng nhẹ. Sáng ngày, trên lộ trình này Trung tá PVH đã liên lạc được với hai Đại đội của Liên đoàn 3 BĐQ đã tách rời đơn vị mẹ trong cuộc tấn công ngày 13/4. Buổi chiều 17/4 cả Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhày Dù vào thành phố. Ngay tối đêm đó, từng toán quân nhỏ thiện chiến của Liên đoàn tấn công và chiếm lại một vài khu vực quân CSBV chiếm mấy ngày trước gần khu Chợ An Lộc. Đến hết ngày 18/4 chiến sĩ Liên đoàn đã hoàn toàn kiểm soát khu vực được chỉ định và bung ra hơn trăm thước về hướng bắc. LĐ81BCND sở trường tấn công vị trí địch quân bằng những toán quân nhỏ cấp Tiểu đội hay bán Tiểu đội như vậy.

Từ ngày đó LĐ81BCND trấn giữ vị trí quan trọng này ở mặt bắc thành phố đã gặt hái những thành quả tốt đẹp mặc dù bị tổn thất không ít vì pháo kích, và lập được kỳ công ghi vào quân sử với cái nghĩa trang nhỏ chôn chiến sĩ hy sinh tại chỗ trong khu vực đó, có hai câu đối khắc ghi trong tâm tưởng của mọi người --mặc dù sau chiến tranh nghĩa trang đó không còn nữa-- nhưng bất cứ một quân nhân QLVNCH nào cũng còn nhớ: “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân”. Trên vách tường xây gạch quét vôi của nghĩa trang người ta còn đọc được hai câu thơ của Vương Hãn được ghi lại bằng chữ lớn: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Ảnh # 3) Nét văn hóa trên đây là chứng tích mã thượng không riêng của người quân nhân BKD nhưng là nét hào hùng phóng khoáng chung của mọi chiến sĩ trong QLVNCH. Họ chiến đấu anh dũng với chính nghĩa cao cả là bảo vệ quần chúng với tư tưởng bao dung, lòng vị tha, không thù hằn khát máu như những cán binh Bộ đội Nhân Dân CSBV, mà chúng thường tự cho là “Bộ đội Cụ Hồ”. Những người cầm súng “sinh bắc tử nam” đó đã từng giết người tập thể dã man ở Huế Tết Mậu Thân, ở khắp mọi chiến trường mà họ mở những cuộc tấn công với chủ trương tiêu diệt tất cả mọi người dù là chiến sĩ hay thường dân, người già cả, đàn bà và trẻ con trên mục tiêu mà họ tấn công. Nghĩa là không chừa một ai trước họng súng của chúng. Và đó là chủ trương của Đảng Lao Động Việt Nam. An Lộc mùa Hè này cũng là một điển hình về sự giết chóc vô tội vạ của “Bộ đội cụ Hồ”.

An Lộc là một thành phố của một tỉnh, không có hệ thống phòng thủ kiên cố như Điện Biên Phủ, như Khe Sanh. Trong thành phố đó nếu tính theo tỷ lệ nhân số thì chỉ có một quân nhân trong năm hoặc sáu cư dân. Vậy nếu An Lộc được bảo vệ bằng bốn, năm, hay sáu nghìn chiến sĩ thì có từ hai mươi nghìn thường dân hay nhiều hơn. Khi trận chiến khởi diễn, mấy nghìn cư dân, từng đoàn, chạy theo xa lộ về Chơn Thành, hay Bình Dương, bị “Bộ đội cụ Hồ” bắn thẳng bằng súng trường AK-47 hay pháo kích pháo, thây chết đầy đoạn đường dài mấy cây số quãng từ đồn điền cao su Xa Cam trở về hướng nam. Ngày đầu tiên, khi tấn công An Lộc từ hướng đông, chúng đã lùa hàng trăm thường dân ở Quản Lợi làm mộc che phía trước bộ đội của chúng tiến theo ở phía sau. Hèn nhát và vô nhân. Chúng tôi thà chịu đựng cuộc tấn công đó một cách khó khăn và tránh làm thiệt hại cho thường dân, tránh không sử dụng hỏa lực tập thể của pháo binh hay không quân. Ngược lại cũng trong ngày này, chúng pháo kích vào nhà thương tỉnh lỵ, và nhiều lần khác trong các ngày sau, quần chúng bị thương hàng mấy trăm người đến đó, bị chết gần hết. Rồi thây người chết bị chúng dập thêm pháo, tan xác, mất đầu, cụt tay chân. Rồi đợt pháo khác nữa... thây người biến thành những đống thịt nhầy nhụa hay văng vãi tứ tung khắp trong ngoài bệnh viện. Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham mưu trưởng hành quân của Tướng Hưng phải tự mình lái xe xúc đất buldozer đào các đường rãnh sâu dài nhiều chục thước và rộng trên ba thước rồi chiến sĩ Đại đội 5 Trinh sát phụ chôn xác tập thể dưới các đường rãnh đó, như nói trên. Những ngày tiếp theo chúng pháo kích liên tục và vô cùng dữ dội, mỗi ngày hàng nghìn quả đạn. Chiến sĩ chết đã đành, nhưng hàng nghìn thường dân chết theo với một thành phố sụp đổ gần như toàn diện. Không một ngôi nhà nào đứng vững, không một bức tường nào, con đường nào, hay thân cây nào không mang dấu vết mảnh đạn lớn nhỏ của các loại trọng pháo, đại pháo, lớn nhỏ của bộ đội cụ Hồ. Xin nhớ... An Lộc chỉ là một thành phố nhỏ, không phải là một hệ thống chiến lũy, chiến hào. Đó là nơi cư trú của thường dân không phải là nơi để chúng dập thành bình địa như những công sự chiến đấu của binh sĩ.

Sự hiện diện của hai đơn vị Dù thiện chiến này vào An Lộc làm cho tinh thần binh sĩ trú phòng của SĐ5BB, LĐ3BĐQ và quân dân thuộc Tiểu Khu Bình Long lên tinh thần thấy rõ. Lực lượng phòng thủ đã lên đến hơn bảy nghìn chiến sĩ. Các đơn vị phòng thủ lo củng cố thêm vị trí của mình, thực ra là binh sĩ trú phòng chỉ đào sâu thêm và rộng hơn hố chiến đấu cá nhân để dễ bề xoay trở trường hợp bị pháo kích mà không hề có công sự chắc chắn nào che chở khi bị tấn công. Chính kỹ thuật chiến đấu cá nhân, sự trông cậy vào loại M-72, vũ khí chống chiến xa rất hữu hiệu mới được Hoa Kỳ đưa vào chiến trường miền Nam làm cho binh sĩ tin tưởng cũng như niềm tin tưởng vào sự quyết tâm của các cấp chỉ huy, nhất là lệnh tử thủ chiến của tướng tư lệnh mặt trận Lê văn Hưng, nên họ quyết tâm và dũng cảm chiến đấu. Trong trận tấn công ngày 13/4 vừa qua họ đã thành công bắn hạ được nhiều chiến xa của CSBV, giữ vững được An Lộc. Cuộc tấn công đó kéo dài đến hết ngày 17/4.

Ngày 18/4, TWC/MN mở cuộc tấn công thứ hai vào An Lộc. Chính trong ngày này các đơn vị CSBV tấn công thành phố bị thiệt hại nhiều nhất. Sự tăng cường của những đơn vị tinh nhuệ nhất của QLVNCH, làm cho niềm tin cùa quân trú phòng càng được củng cố mạnh mẽ hơn trong thời gian sau đó. Phải công nhận là kế hoạch đổ quân tiếp viện Dù ở một bãi đổ quân an toàn và thiết lập một phi trường trực thăng tạm ở khu xa lộ phía nam thành phố An Lộc của Đại tá LQL là ưu việt. Tải được thương binh về các bệnh viện ở hậu cứ, nhận được thêm quân, dù ít dù nhiều, đã làm thay đổi cả bộ mặt chiến trường. Các đơn vị mạnh hơn, nhẹ nhàng hơn và cơ động hơn trong chiến đấu.

Suốt thời gian hơn 3 tuần lễ, từ ngày 18/4 cho đến ngày 11/5 --là ngày CSBV mở đợt tấn công thứ ba vào An Lộc-- diễn ra hai sự kiện quan trọng làm ảnh hưởng đến uy tín và con đường binh nghiệp của Tướng Lê văn Hưng. Hai việc này đã nói sơ ở phần trên. Xin ghi rõ hơn:

Sự kiện thứ nhất: Vì bãi trực thăng tạm do TĐ8ND do Trung tá Văn Bá Ninh chỉ huy thiết lập và bảo vệ hữu hiệu, các đơn vị phòng thủ tản thương được, nhận thêm quân, và tiếp tế được các nhu yếu phẩm cần thiết, tuy với số lượng ít. Niềm tin mới lớn dần. Vậy mà, trong khi chiến sĩ của từng đơn vị phòng thủ lên tinh thần và sẵn sàng chờ một cuộc tấn công sắp tới của CSBV, thì một ngày vào khoảng cuối tháng 4, 1972, một cấp chỉ huy mang cấp bậc đại tá băng bó vết thương rất nhẹ, đã được điều trị lành rồi, và một thiếu tá pháo binh, cùng ra sân bay trực thăng tạm và định leo lên một trực thăng tản thương để mong thoát ra khỏi An Lộc. Binh sĩ Dù của Trung tá VNB giữ bãi trực thăng thấy ông thương binh này mang cấp bậc đại tá trên cổ áo, không dám cản, nhưng báo cáo cho Trung tá Văn Bá Ninh. Ông Ninh báo cáo ngay cho Đại tá Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn trưởng. Đại tá L. ra tận nơi, nhìn dải băng trên vai ông đại tá nọ và hỏi ông ta ở đơn vị nào và bị thương ra sao? Ông đại tá xưng tên là Mạch văn Trường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8, SĐ5BB. Đại tá LQL chỉ nói một câu nhẹ nhàng: -“Thương tích nhẹ như vậy mà muốn được tản thương hay sao?” Ông tức khắc gọi cho Tướng Hưng trình sự việc. Tôi lại được Tướng Hưng ra lệnh đem xe Jeep ra gặp Đại tá LQL đế “nhận lại” ông đại tá và ông thiếu tá “thương binh” trở về Bộ TLHQ/SĐ. Lẽ dĩ nhiên ông đại tá và ông thiếu tá này bị Tướng Hưng xát muối. Thì ra Đại tá MVT trước đó một hôm bị Tướng Hưng ra lệnh cho về chỉ huy lại đơn vị của mình sau khi nằm hơn tuần lễ trong căn hầm của tư lệnh chỉ với vết thương nhẹ trên vai. Ai ngờ bị “lạnh cẳng” vì những trận pháo dồn dập của quân CSBV khi trở lại đơn vị, ông ta ra sân trực thăng định “chuồn” về hậu cứ.... Và vì “việc phải làm” này, Tướng Hưng đã chạm vào con gà cưng của tướng Tư lệnh Quân Đoàn. Đó là lần thứ nhất. Việc “giả thương binh định chuồn về hậu cứ” này chẳng những tôi biết mà còn rất nhiều người biết. Nhưng người biết rõ nhất có lẽ là Đại tá VBN, Tiểu đoàn trưởng TĐ8ND lúc đó; hiên nay ông đang sống tại Hoa Kỳ. Sau này, còn một chuyện quan trọng hơn cũng liên quan tới “con gà đó” nên Tướng Hưng bị Tướng Nguyễn văn Minh dáng cho những đòn nặng chí tử ảnh hưởng lâu dài đến binh nghiệp của Ông.

Sự kiện thứ hai: Như tôi trình bày ở phần trên, chỉ xin ghi thêm cho rõ hơn. Từ ngày 7/4 sau khi BTL Hành Quân của SĐ chuyển sang hầm ngầm ở khu đất trống cạnh building Tòa Hành Chánh Tỉnh, Tướng Hưng chưa hề ở trong căn hầm ngầm dành riêng cho tư lệnh cho đến tuần lễ cuối cùng của tháng 4/1972. Nơi đó có một chiếc giường sắt, một tủ lạnh, một chiếc bàn nhỏ và một ghế ngồi, vì suốt buổi chiều và đêm 7/4, Ông cùng Đại tá Miller bận họp bàn kế hoạch hành quân ở chiếc bàn thấp nhỏ đặt giữa hai chiếc ghế bố của hai vị này mà, bên cạnh ghế bố của Đại tá Miller là hai chiếc ghế bố của hai sĩ quan cố vấn cấp tá, mộ̣t của Trung tá Ed Benedit, phụ tá cho Miller, một của Thiếu tá Alan Borsdorf, phụ trách hành quân của toán cố vấn. Nếu từ trên mặt đất bước xuống mươi bậc, nhìn vào vách hầm đối diện là thấy ngay, nghĩa là ở khu chính của hầm. Từ cửa hầm bước chừng năm sáu bước sang phía trái là chiếc bàn dài đặt hệ thống máy truyền tin. Vì vậy có thể gọi khu này là Trung tâm Hành Quân của BCH/HQ/SĐ. Từ cửa hầm, nếu theo địa đạo đi về phía phải, chừng hai mươi bước, là căn hầm của tư lệnh. Từ ngày 8/4, khi Đại tá MVT, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 bị vết thương ở vai, Tướng Hưng đã nhường căn hầm riêng này cho ông này nằm điều trị và dưỡng thương trước trận tấn công thứ nhất của quân CSBV (trước ngày 13/4) cho đến tuần lễ cuối của tháng 4 đó. Tại chiếc bàn nhỏ giữa hai chiếc ghế bố của hai giới chức quan trọng nhất ở An Lộc là Tướng Tư lệnh Chiến trường Lê văn Hưng và Đại tá Cố vấn trưởng William Miller đã xảy ra nhiều trận cãi vã to tiếng giữa hai mgười, như đã nói.

Lý do chính là vì Đại tá Miller thấy An Lộc được tăng cường Lữ đoàn 1 ND và Liên đoàn 81 BCKD, nên đưa ra kế hoạch tái chiếm lại phần thành phố trong khu vực thương mãi phía bắc An Lộc và Sân bay Đồng Long –đã bị các đơn vị của CSBV chiếm trong đợt tấn công đầu tiên của chúng từ ngày 13 đến ngày 18 tháng 4. Nếu có một cuộc phản công như vậy ông (Đại tá Miller) sẽ yêu cầu Không Quân Chiến Lược và Không Quân Chiến Thuật lập kế hoạch không yểm tối đa cho Tướng Hưng. Ông ta yêu cầu nên sử dụng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và Liên đoàn 3 BĐQ làm nỗ lực tấn công chính, những đơn vị còn lại sẵn sàng ứng chiến tại chỗ. Ông ta ước tính là lực lượng phòng thủ của Tướng Hưng có thể điều động được chừng 3,000 quân cho kế hoạch phản công tái chiếm phần thành phố bị mất đó, mà ông cho sân bay Đồng Long là quan trọng cho việc tiếp tế và tải thương hơn là hàng ngày phải tiếp tế bằng thả dù của Không lực Hoa Kỳ. Ông cũng cho rằng các loại trực thăng KQVN hay Hoa Kỳ đáp vào bãi đáp tạm do TĐ8ND ở đầu xa lộ là rất nguy hiểm. Đề nghị này của Đại tá Cố vấn Miller có vẻ hợp lý nhưng chưa đúng lúc.

Theo lời khai của tù binh, là một sĩ quan CSBV bị TĐ3/7 bắt được trong trận tấn công vào An Lộc lần thứ nhất ngày 17/4 và lời khai của một sĩ quan CSBV hồi chánh khác, cho biết là Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS gần như hoàn toàn bị B-52 tiêu diệt ở ấp Phú Lố và ấp Phú Bình mấy ngày trước nên nỗ lực chính của Sư đoàn này coi như thất bại ở hướng tây bắc, mặc dù hướng đông bắc Trung đoàn 272 của chúng chiếm được sân bay Đồng Long và mấy khu phố phía bắc An Lộc. Tuy nhiên cuộc tấn công lần thứ nhất này của CSBV vào An Lộc được TWC/MN ghi nhận là thất bại. Các tù binh này cho rằng TWC/MN đã chuẩn bị một trận tấn công lớn khác vào An Lộc và lần này nỗ lực chính sẽ do SĐ-5/CS đảm trách ở hướng đông bắc. Hướng tây và tây nam do SĐ-9/CS đảm nhận, nhưng chỉ là nổ lực phụ. Các đơn vị chiến xa, pháo binh, phòng không và đặc công cấp Trung đoàn sẽ tăng cường cho hai đơn vị lớn nói trên. Hồi chánh viên này cũng cho rằng SĐ-7/CSBV sẽ tăng cường từ phía nam lên cho SĐ-5/CS một Trung đoàn nguyên vẹn để tấn công ở mặt đông nam An Lộc vì nơi này đã có sư hiện diện của quân Nhảy Dù. Trước những tin tức và tình huống trận chiến có thể diễn ra lớn lao được ước tính là nguy hiểm như vậy, Tướng Hưng tất nhiên phải rất dè dặt và vì vậy nên sinh ra cuộc cãi vã dữ dội về quan niệm chiến thuật giữa ông và Đại tá Cố vấn Miller, kéo dài cả nhiều ngày liền, ngay cả khi trận tấn công lần hai của CSBV (18-21/4) vừa chấm dứt.

Thấy tình trạng khá gay cấn nên có một đêm tôi vào căn hầm riêng và hỏi chuyện Tướng Hưng. Ông Hưng nói với tôi rằng ông coi Miller như một chiến sĩ ưu tú nhưng không đủ hiểu biết về chiến tranh Việt Nam. Ông chỉ cần Miller vì cần sự trợ chiến về không yểm và tiếp tế của Lực lượng Không Quân Chiến lược và Chiến Thuật Hoa Kỳ mà không cần đến quan điểm chiến thuật của ông Miller. Tướng Hưng nói với Miller rằng, nếu trận tấn công khác diễn ra thì lực lượng CSBV mà TWC/MN sử dụng sẽ lên đến hơn 20,000 quân, hay hơn nữa, các loại bộ, pháo, các đơn vị đặc biệt khác, và chiến xa... tổng cộng lực lượng đó sẽ lên đến hơn ba Sư đoàn…. Giả thử nếu ngay lúc đó mà đề nghị phản công để chiếm lại mặt bắc thành phố và sân bay Đồng Long của Đại tá Miller được thực hiện thì tổn thất của các cánh quân phản công sẽ rất lớn. Và, nếu chiếm lại được các khu vực bị mất trước đó thì lực lượng bạn sẽ phải phân tán để giữ các vị trí vừa tái chiếm, hệ thống phòng thủ sẽ mỏng hơn vì không đủ quân. Hiện tại trong thành phố An Lộc quân phòng thủ chỉ chừng 7,000 người có thể tác chiến được. Một kế hoạch phản công tái chiếm các khu bị mất có thể thành công tạm bợ nhưng An Lộc sẽ bị tiêu diệt trong trận tấn công dữ dội hơn của CSBV. Vì ngay trong tuần lễ khi An Lộc được tăng cường hai đơn vị Dù thì tình hình ở khu vực phía đông nam An Lộc trở nên vô cùng sôi động.

Trong trận tấn công An Lộc lần thứ hai, bắt đầu từ ngày 18/4, CSBV đã dội trọng pháo mỗi ngày hơn một nghìn quả pháo vào các đơn vị phòng thủ An Lộc và đạn nổ tập trung nhiều nhất là các khu đóng quân của các đơn vị thuộc TĐ6ND, nhất là hai ngọn Đồi Gió, Đồi 169 và ấp Srok Ton Cui. TĐ5ND đóng ở đông nam, cách BCH/Tiểu khu một cây số, cũng bị pháo kích và tấn công dữ dội. SĐ-7/CSBV, mặc dù vẫn “đóng chốt” chặt chẽ ở khu vực Suối Tàu-Ô, nhưng vẫn nhận được lệnh của TWC/MN đưa bớt Trung đoàn 141 về vùng đông nam An Lộc để gây áp lực mạnh cho cánh quân Dù của Đại tá LQL ở khu vực cao điềm này. Điều làm cho Tướng Hưng quan tâm hơn là tin tức của Đại đội Kỹ Thuật/SĐ ghi nhận hai Trung đoàn F-6 và 275 của SĐ-5/CS sau khi bổ sung quân ở vùng Trị Tâm đã quay lại chiến trường An Lộc và hiện diện trong khu trọng yếu đó, chưa kể Trung đoàn Đặc công 469 và hai Trung đoàn 208 Trọng pháo và 271 Phòng không của SĐ70 Pháo/TWC/MN cũng từ vùng đồn điền Quản Lợi kéo xuống các ấp Sóc Trào, Hương Thanh hướng đông bắc Đồi Gió chừng 6 đến 8 cây số. SĐ-5/CS vẫn giữ Trung đoàn 174, tức đơn vị cấp Trung đoàn thứ ba của chúng ở vùng đồn điền và sân bay Quản Lợi, hình như để làm lực lượng phòng ngừa một cuộc đổ quân bất ngờ của QLVNCH tái chiếm sân bay quan trọng nhất này của Bình Long, chỉ cách An Lộc chừng 5 hay 6 cây số ở phía đông. Trước tin tức về cuộc tập trung quân CSBV lớn ở đông và đông nam An Lộc, cộng thêm những yếu tố khác nói ở trên, dĩ nhiên Tướng Hưng không thể chấp thuận kế hoạch tái chiếm các khu phố phía bắc tỉnh lỵ và sân bay Đồng Long của Đại tá William Miller. CSBV tập trung lực lượng lớn ở khu vực này rõ ràng là chúng có ý định tấn công và tiêu diệt đơn vị Nhảy Dù thiện chiến này của QLVNCH trước, hoặc trong trận đánh quyết định. Cuộc cãi nhau “về chiến thuật” này đã tăng thêm sự rạn vỡ giữa hai cấp chỉ huy cao cấp này ở mặt trận An Lộc. Dĩ nhiên, Tướng Hưng đã báo cáo đầy đủ lên Tướng Minh. Về phần Đại tá Miller có lẽ cũng vậy. Sự ghét bỏ Tướng Hưng của Đại tá Miller dù muốn che đậy qua vẻ lịch sự thường nhật của người phương Tây, nhưng ông đã không tự kềm chế được lúc đó --và sau này nữa-- khi về lại Hoa Kỳ, Miller đã tạo nên một luồng dư luận lớn tấn công vào uy tín của Tướng Hưng và Bộ Tham mưu Hành Quân của SĐ5BB là bất lực, thụ động, không làm được việc gì, “kể cả công việc tham mưu hành quân hoàn toàn do toán cố vấn Hoa Kỳ của ông ta đảm trách suốt trận đánh An Lộc.” Ông ta còn cung cấp tài liệu thiếu chính xác mà nhiều bịa đặt nói trên cho Trung úy James H. Willbanks, trong toán cố vấn của Chiến đoàn 52 của SĐ18BB tăng phái, mà, sau này về Mỹ đi học lại, đã dựa vào để viết, trình, luận án Tiến sĩ (sau đó in thành sách với tựa đề “The Battle of AnLoc”, Indiana University Press, 2005), như nói phần trên. Tài liệu này của Wilbanks và các cuộc hội thảo khác về Trận An Lộc của Đại tá William Miller đã biếm nhẽ và hạ thấp uy tín của Tướng Lê văn Hưng đến mức cao nhất trong Quân lực Hoa Kỳ. Trở lại thời điểm đó, nhìn rõ cục diện chiến trường mới thấy rằng sự hiểu biết của William Miller là nông cạn, đúng như Tướng Hưng nhận xét.

Ngày 19/4, ngày thứ nhì TWC/MN tấn công An Lộc lần hai, CSBV pháo kích dữ dội vào thành phố, vào vị trí đóng quân của các đơn vị Dù, nhất là vị trí của TĐ6 và TĐ3 Pháo binh Dù ở Đồi 169, Đồi Gíó và Srok Ton Cui. Ngay trong đêm đó, 6 khẩu đại bác 105ly của TĐ3 Pháo Dù bị pháo CSBV dập nát không sử dụng được nữa và kho đạn trọng pháo trên Đồi Gió, hơn 1,000 quả đạn, cũng bị nổ tung. Sáng ngày 20/4, toàn khu vực đông nam này bị uy hiếp trầm trọng bởi hai Trung đoàn CSBV, Trung đoàn 275 của SĐ-5/CS và Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV phối hợp với chiến xa. Đồi Gió bị tấn công ác liệt nhất trong đêm đó sau nhiều đợt pháo gần như san bằng ngọn đồi cao 150m này, tiếp theo là những đợt tấn công biển người với bộ binh và chiến xa. Mặc dù chiến sĩ TĐ6ND trên đồi đã chống trả mãnh liệt, hạ 2 trong 4 chiến xa, và đẩy lui nhiều đợt xung kích, nhưng đến gần sáng thì bị tràn ngập. Thiếu tá Phạm Kim Bằng, Tiếu đoàn phó và số quân Dù còn lại đã tập trung về được với Bộ Chỉ huy nhẹ của Trung tá Lê văn Ngọc Lữ đoàn phó, trên Đồi 169. Một cánh quân khác của TĐ6ND, gồm hơn hai Đại đội do Trung tá Nguyễn văn Đỉnh chỉ huy ở Srok Ton Cui cũng bị tấn công dữ dội, phải đánh mở đường máu rút về hướng đông nam trên hữu ngạn Sông Bé. Sau nhiều lần bị phục kích và tấn công trên lộ trình rút lui, nhiều toán binh sĩ của cánh quân này thất lạc, tuy nhiên Trung tá NVĐ vẫn giữ được liên lạc với Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, nên buổi chiều ngày 21/4 được trực thăng bốc về Lai Khê. Chỉ còn hơn một trăm chiến sĩ phần lớn đều bị thương tích. Các ngày kế tiếp một số chiến sĩ của Tiểu đoàn thất lạc cũng tìm về được với các đơn vị bạn thuộc SĐ21BB vùng phía bắc Chơn Thành. Tổn thất của TĐ6ND rất nặng. Bị mất hơn một nửa quân số tham chiến, trên hai trăm người chết và mất tích, với hàng trăm thương binh. TĐ3 Pháo binh Dù mất toàn bộ các khẩu pháo binh dã chiến, tổn thất lớn về quân số. Cũng trong đêm 20 rạng sáng 21/4, dưới áp lực quá nặng nề của hơn hai Trung đoàn quân CSBV, cánh quân của Trung tá LVN trên Đồi 169, chỉ còn chừng 150 người, kể cả chiến sĩ của TĐ6ND, cũng được lệnh bỏ ngọn đồi này rút vào An Lộc theo lộ trình của TĐ8ND mấy ngày trước, và tập trung lại với Bộ Chỉ huy Lữ đoàn phòng thủ mặt đông nam thành phố.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 8
Như vậy, cả khu vực cao điểm đông nam An Lộc lại hoàn toàn bị quân CSBV kiểm soát. Tuy nhiên chúng cũng không đủ mạnh để có thể đánh bật được toàn bộ Lữ đoàn Dù ra khỏi khu xa lộ phía nam Tiểu khu. Dưới sự chỉ huy sáng suốt và nhiều kinh nghiệm trận mạc của Đại tá LQL và cấp chỉ huy tài giỏi như các Trung tá LVN, VBN và NCH, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vẫn bảo vệ được sân trực thăng xa lộ và các loại trực thăng và Chinook Hoa Kỳ và KQVN tiếp tế và tải thương cho các đơn vị phòng thù cho đến ngày trận chiến An Lộc chấm dứt. Thế nhưng nếu rút quân Nhảy Dù đi khỏi khu vực đó hợp lực với một số đơn vị khác mà mở cuộc phản công chiếm lại phía bắc thành phố và sân bay Đồng Long như chủ trương của Đại tá Cố vấn William Miller là thứ chiến thuật không tưởng, hạng bét. Vậy mà không hiểu tại sao Đại tá Miller không hiểu rõ tình thế lúc đó vẫn tiếp tục thôi thúc và cãi với Tướng Hưng về việc này cho mãi đến cuối tháng 4/1972. Về câu chuyện thôi thúc phản công chiếm lại phía bắc thành phố Wilbanks ghi lại ở trang 112 trong quyển sách nói trên của ông như sau “Colonel Miller had once again frustrated with General Hung. After the jubilation of blunting the attack on 19-20 April had failed, Miller urged Hung to put his troops on the offensive te retake the northern part of the city. However, no amount of pleading was able to force Hung to give such an order”.

Không biết khi viết luận án Tiến sĩ Wilbanks có biết trong ngày 19-20 April quân CSBV tấn công dữ dội TĐ6 Nhảy Dù ở Đồi Gió và Srok Ton Cui và ngày 20 April hai nơi này bị tràn ngập đưa đến việc làm cho Tiểu đoàn này và mấy Đại đội pháo binh Dù tan rã... sau khi đánh mở đưởng máu rút về căn cứ Tiểu khu và trên bờ Sông Bé rồi cả vùng cao điểm đông nam An Lộc đã bị địch quân tái chiếm hay không mà viết những câu vô lý như ghi trên. Ông ta có biết chăng Tướng Hưng đang chịu sức ép rất lớn của địch quân lúc đó ở mặt đông nam này và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã mất gần 1/3 lực lượng trong hai ngày đó hay không? Nếu biết tại sao ông không nêu lên? Hay vì ông ta muốn bênh vực cho quan điểm chiến thuậ̣t của Đại tá Miller mà quên, hay bỏ qua, sự kiện vô cùng quan trọng nói trên. Hoặc giả ông ta biết và mặc dù khi trở vể Hoa Kỳ thăng đến cấp tá và có bằng cấp cao nhưng vẫn chưa lột hết cái dốt về chiến thuật của một Trung úy, cấp Trung đội trưởng, còn quá ngu ngơ về trận mạc nên đã tâng bốc quan điểm hạ đẳng của một sĩ quan cấp tá “sorti-du-rang” như Miller, không biết gì về chiến tranh Việt Nam? Luận điểm sau này có lẽ đúng hơn.

Trở lại thời điểm đó, một đêm vào cuối tháng 4/1972, vào khoảng gần giữa khuya, khi tôi đang ngồi ở chiếc bàn trực hành quân vuông --thay thế chiếc bàn thấp cũ-- thì Đại tá Miller đến gặp tôi và nói với tôi là ông cần gặp Tướng Hưng –lúc đó đã vào ở trong căn hầm riêng của tư lệnh, sau khi Đại tá MVT bị đưa về đơn vi. Ông nói với tôi là ông sẽ gởi điện xin TRAC (Third Regional Assistance Command – Bộ Tư lệnh Yểm Trợ Vùng 3 Chiến Thuật) “rescue” toán cố vấn Sư đoàn --division combat assistance team-- ra khỏi An Lộc. Ông ta trao cho tôi xem bút tự của ông viết trên mẫu giấy công điện hành quân màu vàng. Tôi đọc xong bản văn ngắn đó --mà ngày nay tôi không còn nhớ rõ chi tiết từng chữ-- và chỉ hỏi ông một câu rất ngắn: -“Đại tá có chút cảm tình nào với các chiến sĩ của Sư đoàn này hay không? Ông ta trả lời rằng: –“Có, lúc nào tôi cũng có và tôi quí trọng họ, nhưng tôi phải ra đi...” Tôi yêu cầu Đại tá Miller ngồi chờ và đi vào hầm tư lệnh với bản điện văn của ông ta. Tướng Hưng cười nhưng không dấu được nỗi tức giận: –“Cứ để cho hắn đi.” Tôi nói: –“Không được, anh phải ra gặp hắn.” Tôi đến tủ lạnh, cắt mấy khoanh chả lụa để vào một cái dĩa và mang mấy chai bia ra hầm hành quân đặt trên bàn trực hành quân. Tôi nói với Đại tá Miller là Tướng Hưng sẽ ra ngay, rồi bỏ về chỗ nằm của tôi (nếu ngày nay Đại tá Miller có đọc được những gì tôi viết trên đây, hẳn sẽ nhớ rõ việc này và sẽ nhớ lại tôi là ai). Chỉ mấy phút sau Tướng Hưng từ hầm riêng bước ra, quân phục tác chiến chỉnh tề, với ngôi sao tướng màu đen thêu trên bâu áo. Ông cười bắt tay Đại tá Miller và hai người ngồi vào bàn, nói chuyện thản nhiên như không có chuyện quan trọng xảy ra. Họ nói với nhau những gì không ai dám đến gần nghe, nhưng rõ ràng là không cãi nhau như những ngày trước....

Sau đêm đó, từ sáng ngày hôm sau, Phòng 3 và Phòng 2 của Bộ Tư lệnh Hành quân không nhận được một chỉ thị nào của Tướng Hưng để thiết lập kế hoạch hành quân giải tỏa các phu phố mặt bắc thành phố vào sân bay Đồng Long. Chỉ biết là trong khu vực tránh nhiệm của Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, các đơn vị của Trung tá Phan văn Huấn, với lối đánh trong đêm tối đặc biệt đã tiệm tiến chiếm lại được từng căn phố, từng dãy phố, tiêu diệt từng nhóm nhỏ của địch, nên khu vực phòng thủ đã nới rộng lần lên phía bắc thành phố. Hàng đêm, Hỏa Long của Không lực Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bao vùng trên toàn thành phố và các khu vực ngoại vi, bắn thêm nhiều chiến xa và quân xa của CSBV. Ngược lại, hằng ngày và hằng đêm, tiếng đạn đại pháo địch vẫn tiếp tục rít lên nổ ầm ầm không dứt trên mọi tuyến phòng thủ, gây tổn thất không ít cho các đơn vị và cư dân. Lượng đạn chúng “dập” vào thành phố không dưới 1,000 quả mỗi ngày đêm. Mọi người đều biết rằng mình đang mong đợi những cánh quân bạn từ phía nam lên, biết rằng một trận tấn công lớn khác sắp diễn ra, và cũng biết rằng tính mạng của mình treo trên những sợi chỉ mành vì bất cứ một mảnh đạn pháo vô tình nào, một viên đạn bắn thẳng nào, hay... kể cả những cánh dù tiếp tế, không bung kịp, từ trên trời rơi xuống vùi lấp cả chiếc hầm cá nhân lẫn những con người... trong đó. Họ biết thân phận mình như những chàng... Kinh Kha... đang chờ Cao Tiệm Ly trên bờ Dịch Thủy. Vậy mà họ vẫn giữ trong lòng niềm tin mãnh liệt là họ sẵn sàng chết để tử thủ An Lộc như lời tuyên bố của vị tư lệnh chiến trường. Chỉ cần vị tư lệnh chịu chết theo thành thì họ cũng sẽ chịu chết để giữ thành. Người ngoại quốc làm sao hiểu được thứ tâm lý của binh sĩ ở chiến trường Việt Nam!.. Ngược lại họ đã viết nhiều điều sai sự thực. Vì vậy, nên sau này có nhiều người có lương tâm đã xin lỗi về những gì mình viết hay nói về Việt Nam trước đó. Những vị này là những người có lương tri….

Một ngày đầu tháng 5/1972, tôi không nhớ rõ, một chiếc dù tiếp tế không kịp mở, đã rơi đúng vào căn nhà ngói, trần dầy, tường béton-armé, nền gạch cao... của Phòng 2/ Hành quân, nơi làm việc tôi và gần hai mươi sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ, làm cho nóc nhà sập, và chiếc dù với khối tiếp tế khổng lồ khoét một hố sâu trên 4m dưới nền nhà, nhưng nhà không sập, tường không đổ, chỉ mất nóc và trần nhà...(Ảnh # 5) và cũng không ai bị đè chết vì lúc đó tôi đang ở dưới hầm hành quân với hai Đại úy của tôi phụ tránh “nhật ký hành quân”, còn các sĩ quan và nhân viên khác đều nằm ở hố cá nhân ngoài tuyến. Chiếc hầm bất đắc dĩ này mà sau đó vẫn hữu dụng –thành nơi sinh hoạt an toàn của chúng tôi. Chừng hơn một tuần hay mươi ngày sau, khi tôi vừa ăn xong bữa trưa gạo xấy và mấy hộp thịt ration với anh em ở trong cái hầm đó định bước lên để trở lại hầm hành quân thì thấy một Đại tá Hoa Kỳ đứng cạnh Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham mưu trưởng Hành quân của Tướng Hưng bên ngoài cửa... nhìn vào chiếc hầm. Tôi bước lên hầm chào. Ông bắt tay tôi và cho biết là ông mới đến thay thế Đại tá Miller và muốn gặp tôi để biết thêm về địch tình và cung từ của người tù binh mới bị bắt mấy ngày trước. Tôi tiếp ông ở trong hầm hành quân chừng mươi phút. Đó là một ngày mà chúng tôi đang chuẩn bị đón đợi một đợt tấn công mới của quân CSBV vào An Lộc tháng 5/1972. Ông cố vấn trưởng Hoa Kỳ mới của Tướng Lê văn Hưng là Đại tá Walter F. Ulmer. Ông ngoài bốn mươi, không phải dạng cao lớn nhưng tầm thước, khỏe mạnh, đẹp người. Trông ông có vẻ trầm tĩnh đặc biệt, rất ít nói và rất hiểu biết. Như vậy là Đại tá Miller đã âm thầm rời Bộ Tư lệnh Hành quân của SĐ5BB ở An Lộc trong đêm trước đó. Các sĩ quan phụ tá của ông vẫn còn ở lại làm việc với Đại tá Ulmer.

Ông cố vấn mới và ông tư lệnh cũ của Sư đoàn hoạt động với nhau hình như thích hợp. Sự yểm trợ hành quân của Không lực Hoa Kỳ nhanh chóng và hữu hiệu trong trận đánh nhau dữ dội hơn sau đó. Còn Đại tá Miller, tôi không biết thuyên chuyển đi đâu. Giả thử lúc đó ông có gửi bản văn của công điện xin “rescue” toán cố vấn Hoa Kỳ ra khỏi An Lộc --mà ông cho tôi và Tướng Hưng xem-- thì thượng cấp của ông cũng làm đến mức là chỉ “bốc” riêng ông đi khỏi chiến trường này mà thôi. Làm sao mà Washington bỏ An Lộc được trong thời điểm đó? Ông tướng Hoa Kỳ nào ở Việt Nam lúc đó dám làm cái việc dại dột mà Miller đã xin làm: “bốc toán cố vấn Sư đoàn ra khỏi chiến trường An Lộc”? Dĩ nhiên chỉ có chính Miller bị thiệt thòi mà thôi. Trước trận An Lộc, chúng tôi được biết là ông sẽ được bổ nhậm làm tư lệnh một lữ đoàn, tức là có khả năng thăng cấp tướng. Nhưng từ khi về HK cho đến sau này giải ngũ ông vẫn mang cấp đại tá, mặc dù nghe đâu đã được nhận chức vụ chỉ huy dự trù. Có lẽ vì vậy nên nỗi hận Tướng Lê văn Hưng của Đại tá Miller dâng cao ngùn ngụt.... Tuy nhiên có điều đáng mừng cho ông là đã có một người con tốt nghiệp ở một trường võ bị danh tiếng Hoa Kỳ, sau này đánh nhau nổi tiếng ở chiến trường Irac và thăng đến cấp tướng ba sao (lieutenant general). Đó là niềm an ủi lớn nhất của ông. Trong khi đó người bị thiệt thòi nhiều nhất là Tướng Lê văn Hưng bởi cả hai sự việc vừa kể trên.

9. CÁC CHỐT CHẶN CỦA SĐCT-7/CSBV TRÊN QL-13, PHÍA BẮC LAI KHÊ VÀ PHÍA NAM AN LỘC. CUỘC ĐẤU TRÍ GAY GO GIỮA HAI TƯỚNG NGUYỄN VĂN MINH VÀ TRẦN VĂN TRÀ.

Trong suốt thời gian gần ba tuần lễ sau trận tấn công lần thứ nhất ngày 13/4/1972 cho đến đầu tháng 5/1972 khi Đại tá Walter Ulmer thay thế Đại tá William Miller ở An Lộc thì mặt trận ở phía nam, SĐ21BB của Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được điều độ̣ng từ miền tây lên tăng viện với ba Trung đoàn 31, 32, 33 và Thiết đoàn 9 Kỵ binh, thay thế Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng --đã vào An Lộc-- đang lo giải tỏa chốt chặn của Sư đoàn SĐ-7/CSBV trên trục QL-13, từ phía bắc quận lỵ Chơn Thành lên An Lộc. “Chốt chặn” gồm nhiều “chốt nhỏ” của các đơn vị trực thuộc đại đơn vị này. Mỗi chốt nhỏ gồm có hệ thống hầm hố liên hoàn yểm trợ nhau --thường được binh sĩ gọi là “kiềng” như loại kiềng ba chân-- tức một hệ phòng thủ chặn trục lộ với ba hệ thống hầm hố, địa đạo... bảo vệ cho nhau, kéo dài hàng chục cây số trên trục lộ gồm cả khu vực rộng lớn hai bên đường. Trên lý thuyết một “cứ điểm” của QLVNCH hay một “chốt chặn” của CSBV --nếu được phòng thủ với hệ thống kiên cố-- lực lượng tấn công chiếm điểm hay bứng chốt cần một quân số gấp ba lần, là ít nhất, để có thể thành công. Tướng Minh đã điều ngược lại với dụng ý... như một đại kỳ thù trong bàn cờ ở (trận) QL-13 và An Lộc này năm đó.

Nên lưu ý theo trục QL-13 thì từ Lai Khê lên Chơn Thành là 30km. Từ Chơn Thành, một quận của tỉnh Bình Long, lên An Lộc thủ phủ của Bình Long, cũng 30km.

Toàn bộ SĐ21BB di chuyển vào lãnh thổ V3CT từ ngày 10/4/1972 và hoàn tất vào ngày 12/4/1972. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đóng Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ SĐ21BB ở căn cứ Lai Khê chung với Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của QĐIII & V3CT. Ông cho điều động Trung đoàn 31 lên vùng Suối Tre, chừng 6km tây bắc Lai Khê và giữ Trung đoàn 33 làm trừ bị tại Lai Khê. Trước tiên ông đưa Trung đoàn 32 bằng đường bộ lên Chơn Thành ngày 11/4. Quốc lộ 13 từ Lai Khê lên Quận Chơn Thành từ ngày các đơn vị của Tướng Nghi vào vùng hành quân lưu thông tốt sau khi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù bứng các chốt của hai Trung đoàn 141, 209 của SĐ-7/CSBV tăng cường Trung đoàn biệt lập 101 và các đơn vị chống chiến xa và phòng không của CSBV ở vùng Bàu Bàng (chốt chặn lần thứ nhất) từ ngày 9 đến 11/4. Sau đó Ông nhận được lệnh kiện toàn hệ thống phòng thủ vùng từ tỉnh lỵ Bình Dương lên quận Bến Cát và căn cứ Lai Khê lên đến căn cứ Vân Đồn, ở hướng bắc Lai Khê chừng 6km... trong vòng mười ngày (từ 14/4 đến 24/4/1972…) nhưng bỏ trống quãng đường dài chừng 20km từ căn cứ này đến phía nam quận lỵ Chơn Thành. Tướng Minh cho rằng trong vòng mười ngày TWC/MN sẽ cho đóng chốt lần nữa trên đoạn đường này.

Đúng vậy, đến ngày 24/4 quả thực đoạn đường này bị đứt đoạn khi một xe đò bị một đơn vị của SĐ-7/CSBV bắn cháy bằng B-40 làm cho nhiều người chết và bị thương và đóng chốt lần thứ hai ở khu vực Bàu Bàng, phía bắc Lai Khê chừng mươi cây số, tức là cách căn cứ Vân Đồn, nơi đóng quân của một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 33, chừng 6km, làm tắt nghẽn vận chuyển tiếp tế cho các đơn vị khác ở Chơn Thành. Chốt chặn lần này rất mạnh gồm Trung đoàn 101 bộ binh biệt lập của VC, được tăng cường các đơn vị phòng không, chống chiến xa, và đặc công... kể cả lực lượng tăng cường gồm hai Tiểu đoàn của các Trung đoàn 209 và 165 thuộc SĐ-7/CSBV như Tướng Minh đã tiên liệu.... Ông cũng biết rằng dù “bứng” chốt chặn ở khu vực Bàu Bàng này xong SĐ21BB, với ba Trung đoàn bộ binh cơ hữu và một thiết đoàn kỵ binh sẽ khó giải tỏa QL-13 đoạn đường dài nối tiếp 30km từ phía bắc Chơn Thành lên An Lộc. Ông là vị tướng dùng quân rất thận trọng, như đã nói, nên đã xin BTTM/QLVNCH tăng cường thêm lực lượng. BTTM tăng cường cho QĐIII & V3CT Lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Một kế hoạch mới được thiết lập để bứng các chốt chặn trên vùng bắc Chơn Thành cho đơn vị Dù mới tăng viện. (Nếu tính về quân số thì lực lượng Dù tung vào giải chốt vùng bắc Chơn Thành chỉ bằng 1/3 quân số của đơn vị đóng chốt là SĐ-7/CSBV. Đó là điều “nghịch lý” mà tôi nêu ở phần trên, nhưng lại nằm trong kế hoạch có dụng ý của Tướng Nguyễn văn Minh. Sau này, mới hiểu dụng ý của Tướng Minh trong kế hoạch này là dùng ít quân thiện chiến để kềm đại quân của địch nằm tại chỗ tiêu diệt bằng phi pháo, đồng thời đánh nhử để biết rõ thực lực của địch ở các chốt chặn đó, và kéo thêm những đơn vị lớn của chúng vào vùng chốt chặn mà nới áp lực ở mặt trận chính An Lộc...)

Kế hoạch hành quân mới gọi là “Toàn Thắng 72-D”, được tiến hành từ ngày 24/4 với ba Tiểu đoàn 1, 2 và 3 của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù do Trung tá Trương Vĩnh Phước chỉ huy (Ông thăng cấp Đại tá không lâu sau đó), có sự phối hợp của Trung đoàn 31 Bộ binh, Đại đội Trinh sát của SĐ21BB. Và Thiết đoàn 5 Kỵ binh. Đây là cuộc hành quân giải tỏa lần thứ hai vào Suối Tàu-Ô của lực lượng Dù, nhưng là lần thứ nhất vào ấp Tân Khai. Thực ra, cả hai lần: lần trước sử dụng Lữ đoàn 1 Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng và lần này Lữ đoàn 3 Dù của Đại tá Trương Vĩnh Phước đánh vào Suối Tàu-Ô không phải là để thực sự “bứng” chốt mà chỉ “kềm” địch tại chỗ…. Hay nói rõ ràng hơn chỉ là một cuộc “hành quân cường thám” vào hang hùm, cấp lữ đoàn mà thôi. Một cuộc hành quân cường thám với lực lượng khá lớn như vậy nếu bứng được chốt thì bứng, không bứng được thì rút, dù có tổn thất cũng biết rõ được thực lực của địch trong “hang hùm” của chúng lên đến mức nào... (Cũng nên lưu ý rằng Tướng Minh xuất thân là một sĩ quan Nhảy Dù từ khi ra trường Đà Lạt cho đến khi mang cấp bậc đại úy mới ra khỏi Lữ đoàn Nhảy Dù và làm Trưởng phòng 3 Bộ Tham mưu Phân Khu Sài Gòn – Chợ Lớn của Đại tá Dương văn Minh (người mà sau này thăng đến Đại tướng, hai lần làm sụp đổ hai nền Cộng Hòa của miền Nam) cũng là Bộ Tham mưu Hành quân của ông này trong chiến dịch Chợ Lớn và Rừng Sát bình phục loạn quân Bình Xuyên của Bảy Viễn (1954-1955). Đối với các cấp chỉ huy Nhảy Dù như các Đại tá Lê Quang Lưỡng và Trương Vĩnh Phước thì Tướng Minh là bậc huynh trưởng, nên dù cho các ông có xả thân cho huynh trưởng trong chiến trận cũng không tiếc. Đó là truyền thống cao quí của các sĩ quan Nhảy Dù).

Với hai lữ đoàn hành quân trong mặt trận, Sư đoàn Nhảy Dù phải lập BTL/HQ nhẹ do Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu chỉ huy --đóng chung với Bộ Chỉ huy của Trung đoàn 32 tại Chơn Thành-- để theo dõi và yểm trợ cho hai lữ đoàn trực thuộc (Lữ đoàn 1 ở An Lộc và Lữ đoàn 3 đang hành quân trên QL-13). Trên nguyên tắc, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là Tư lệnh các lực lượng giải tỏa QL-13. Tuy nhiên trong cuộc hành quân đặc biệt Toàn Thắng 72-D này, Bộ Tư lệnh nhẹ của Sư đoàn Nhảy Dù trực tiếp chỉ huy Lữ đoàn 3 Dù và Thiết đoàn 5 Kỵ binh. Đơn vị trưởng của đơn vị thiết kỵ này là Đại tá Trương Hữu Đức, hy sinh trong lần giải tỏa trước khi phối hợp với Lữ đoàn 1 Nhày Dù (ngày 13/4, thăng cố Chuẩn tướng).

Trong ngày 24/4 Trung đoàn 31 Bộ binh được trực thăng vận từ vùng Suối Tre lên phía đông nam Suối Tàu-Ô chừng 3km, bên sườn QL-13, để hỗ trợ cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù trực thăng vận vào vùng hành quân. Lữ đoàn này vừa rút từ mặt trận Tây nguyên về và được đưa ngay vào trận địa QL-13. Ngày hôm sau, 25/4 Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù được trực thăng vận xuống bãi đáp đã dự trù phía đông QL-13, quãng giữa Suối Tàu-Ô và xã Tân Khai ở phía bắc để tấn công vào hai mục tiêu đó. Ngay khi trực thăng vừa đổ quân, Tiểu đoàn này --do Trung tá Lê văn Mạnh chỉ huy-- đã bị pháo kích súng cối và bắn phòng không, nhưng vẫn tiến đánh các mục tiêu đã ấn định. Ngày 26/4, Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù của Thiếu tá Lê Hồng được đổ tiếp vào trận địa nhưng vượt sang phía tây quốc lộ tiến về hướng tây bắc lên đến xã Đức Vinh, chiếm mục tiêu này, chừng năm cây số phía bắc Tân Khai và khoảng 8 km nam An Lộc. Lúc đó quân CSBV sợ và nghĩ là lực lượng của Tướng Nghi sẽ từ phía nam tiến lên giải tỏa Suối Tàu-Ô hơn là đánh ở quãng trên, tức vùng ấp Đức Vinh, phía bắc Tân Khai. Vì vậy việc đóng chốt của chúng ở vùng suối Tàu-Ô và ấp Tân Khai rất vững, kiên cố, với hai Trung đoàn 209 và 165 tăng cường các đơn vị phòng không và chống chiến xa. Còn ở ấp Đức Vinh chúng bỏ trống. Do đó Tiểu đoàn 2 Dù của Trung tá Lê văn Mạnh chạm địch rất mạnh ở cả hai khu vực Suối Tàu-Ô và Tân Khai. Còn Tiểu đoàn 1 Dù của Thiếc tá Lê Hồng chỉ chạm nhẹ ở Đức Vinh. Tiểu đoàn 2 Dù phải đóng một căn cứ tạm trong khu vực hành quân, với một số khẩu 105 pháo binh dã chiến mang theo yểm trợ.

Trong nhiều ngày liền Tiểu đoàn Dù này đã mở nhiều đợt tấn công vào các chốt của địch nhưng không thể chiếm được các mục tiêu này của SĐ-7/CSBV, mặc dù được sự yểm trợ của KQVN và KLHK kịp thời và dữ dội, với hỏa lực của các phi xuất dội bom khủng khiếp vào khu vực đóng chốt của chúng, kể cả các phi vụ B-52. Hơn một tuần, từ ngày đổ quân cho đến ngày 2/5, sau nhiều đợt tấn công, rồi liên tục bị phản công hay bị dập pháo vào căn cứ dã chiến, và mặc dù tổn thất của CSBV rất nặng, cánh quân của Tiều đoàn 2 Dù không thể “bứng” được các chốt trên QL-13 ở hai vùng chốt chặn nói trên. Ở khu vực ấp Đức Vinh ở phía bắc Tân Khai, TĐ1ND khi mới đổ quân vào chỉ chạm súng nhẹ. Nhưng cho đến ngày 2/5/1972, thì căn cứ dã chiến của Tiểu đoàn ở ấp Đức Vinh bắt đầu bị tấn công mạnh “tiền pháo hậu xung”. Tin tức tình báo kỹ thuật ghi nhận là từ đầu tháng 5, Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS được tái bổ sung sau trận tấn công An Lộc lần đầu 13/4 và bị tổn thất lớn, đã được TWC/MN đưa xuống vùng tây bắc ấp Đức Vinh, đồng thời Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV, sau khi kết hợp với hai Trung đoàn F6 và 275 của SĐ-5/CS tấn công Tiểu đoàn 6 Dù tái chiếm vùng Đồi Gíó, Đồi 169 và Srok Ton Cui ở đông nam An Lộc từ 18 đến 21/4, cũng được trả lại cho SĐ-7/CSBV và rút về vùng ấp Đức Vinh để kết hợp với Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS nhằm ngăn chận và tiêu diệt TĐ1ND không cho tiến lên An Lộc... Những gì Tướng Minh dự trù đều diễn ra đúng như vậy. Đánh nhử phía nam để địch quân giãn bớt quân ở An Lộc phía bắc.

Tuy đã tính trước là kéo các đơn vị lớn của TWC/MN về vùng chốt chặn, nhưng với tình hình nguy hiểm đó, trong ngày 2/5, Tướng Minh ra lệnh cho Tướng Nghi và Bộ Tư lệnh nhẹ của Sư đoàn Dù đưa Trung đoàn 31 ở phía đông QL-13, đông bắc Chơn Thành, lên Đức Vinh và cũng cho trực thăng vận Đại đội Trinh sát của SĐ21BB từ Lai Khê vào ấp Đức Vinh để tăng cường cho Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù. Ông cũng ra lệnh cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù trực thăng vận Tiểu đoàn 3 Dù vào vùng hành quân Suối Tàu-Ô và Tân Khai tăng cường cho Tiểu đoàn 2 Dù.

Phải thành thực ghi nhận rằng SĐ-7/CSBV là đơn vị thiện chiến. Chẳng những các đơn vị thuộc Sư đoàn này đã lợi dụng sự kiên cố của hệ thống phòng thủ do quân lực Hoa Kỳ thiết lập ngày trước ở hai bên trục lộ ở khu vực Suối Tàu-Ô, củng cố các vị trí đó thêm, để đủ sức chịu đựng phi pháo vô cùng dữ dội của Không Lực Hoa Kỳ, kể cả sự tàn phá ghê gớm của hàng mấy mươi phi xuất B-52, và hàng trăm phi vụ đánh bom và không kích khác của Không quân Chiến thuật Hoa Kỳ và KQVN suốt chiều dài của chiến dịch Nguyễn Huệ mùa Hè năm đó, Sư đoàn này còn có khả năng tổ chức hệ thống phòng thủ di động, có nghĩa là, ngoài các đơn vị giữ chốt với hệ thống hầm hố và giao thông hào, sâu, nối liền dày đặc trong khu vực đóng chốt --và thường xuyên thay quân-- chúng còn tổ chức những đơn vị đánh phản công, từ cấp Đại đội hay cấp Tiểu đoàn tăng cường phòng không, với các đội trinh sát bám thật sát theo các đơn vị hành quân của ta trong vùng để chỉ điểm đánh pháo, hoặc đánh phục kích và tấn công. Do đó, các đơn vị Dù, từ ngày được đưa vào vùng hành quân giải tỏa QL-13 từ Suối Tàu-Ô lên phía bắc Tân Khai và Đức Vinh theo Kế Hoạnh Toàn Thắng 72-D, đã khó tiến gần đến khu vực chốt phòng ngự thực sự của CSBV, ngược lại luôn luôn bị chúng dập pháo hoặc phục kích trên các trục lộ xuất phát từ căn cứ dã chiến trong khu vực. Những sự kiện này giúp cho Tướng Minh ước tính được lực lượng của TWC/MN ở các chốt chặn phía bắc Chơn Thành nhiều ít, mạnh yếu, như thế nào dù ông biết rằng các đơn vị tăng viện sẽ gặp khó khăn và tổn thất vì ít quân, nhưng ông tin tưởng vào sự thiện chiến của các đơn vị Dù và nhất là sự đánh phủ đầu bằng các trận bom dội xuống mục tiêu…. Tuy nhiên chỉ với cấp một Tiểu đoàn cho mỗi khu vực mục tiêu thì quá ít và nguy hiểm.... Thí dụ như khu vực Suối Tàu-Ô do nguyên Trung đoàn 209 của SĐ-7/CSBV cộng thêm các đơn vị phòng không với đại bác 37 ly Liên xô di động và hỏa tiễn hồng ngoại tuyến mới nhất SA-7 cá nhân chống chiến đấu cơ, nhất là các loại trực thăng (của một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 271 Phòng không, SĐ-70 Pháo/TWC.MN) và loại hoả tiễn AT-3 Sagger chống chiến xa (Tiểu đoàn 41 Chống Chiến xa) và đơn vị trọng pháo (một Tiểu đoàn của Trung đoàn 208 Pháo dã chiến với các loại súng cối 82 ly, 120 ly của Liên Xô, hỏa tiễn 122 ly) trong khi lực lượng tấn công “bứng” hay “kềm” chốt chỉ là một cánh quân chừng hai Đại đội của TĐ2ND tăng cường một pháo đội Dù với 4 khẩu 105 ly. Còn ở vùng Tân Khai, SĐ-7/CSBV có Trung đoàn 165, trong khi lực lượng của ta chỉ có một cánh quân khác chừng hai Đại đội cũng của Tiểu đoàn 2 Dù. Như khi ta đưa Tiểu đoàn 1 Dù vào ấp Đức Vinh, phía bắc Tân Khai, tức khắc TWC/MN điều ngay Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV về đó lại còn tăng cường thêm Trung đoàn 271 của SĐ9/VC. Ở đâu quân địch cũng nhiều gấp 3 hay 4 lần hơn quân bạn.

Trong chiến tranh, đôi khi người ta nhìn thấy những điều tưởng chừng như phi lý hay sai nguyên tắc thí dụ như chuyện dùng quân của Tướng Nguyễn văn Minh kể trên... nhưng sau này nghĩ lại mới nhận ra rằng lúc đó đã có cuộc đấu trí lớn lao giữa ông và Tướng Trần văn Trà ở tuyến đường 60km từ Lai Khê lên An Lộc mà quận lỵ Chơn Thành là tâm điểm trọng yếu nhất.

Ai cũng biết muốn tiêu diệt SĐ5BB của QĐIII phòng thủ tỉnh lỵ An Lộc tất nhiên phải cắt con đường bộ tiếp viện và tiếp vận của Sư đoàn này, tức là Quốc lộ 13. Đoạn đường lý tưởng nhất cho việc đóng chốt khóa trục lộ đó hẳn nhiên phải là vùng Suối Tàu-Ô lên đến ấp Tân Khai, từ 15km đến 20km phía bắc quận lỵ Chơn Thành. Tân Khai ở phía nam tỉnh lỵ An Lộc chừng 10km. Tư lệnh bộ TWC/MN đã điều động nguyên vẹn SĐ-7/CSBV tăng cường các đơn vị phòng không, chống chiến xa, đóng chốt khu vực rộng lớn này và tổ chức lại địa thế thành một trận địa với hầm hố và địa đạo ẩn náu tránh được phi pháo dữ dội nhất và chống trả được các cuộc tấn kích chiến xa và bộ binh, như nói trên. Trong khi đó Tướng Trà sử dụng lực lượng tổng hợp khác, hơn 3 Sư đoàn --2 bộ binh, 1 pháo binh, và 3 Trung đoàn biệt lập chiến xa và đặc công-- để tiêu diệt lực lượng VNCH phòng thủ An Lộc. Kế hoạch trên được thi hành từ ngày 7/4/1972 sau khi TWC/MN đã chiếm xong Lộc Ninh. Ngày 8/4/1972 An Lộc đã bị bao vây, phía nam bị SĐ-7/CSBV cắt mất đường tiếp vận. Có lẽ Tướng Trần văn Trà của TWC/MN không nghĩ rằng đã gặp một địch thủ túc trí và dè dặt như Tướng Nguyễn văn Minh. Tôi đã trình bày phần trên Tướng Minh đã sử dụng tin tức để xin tăng cường quân cho Vùng 3 CT và An Lộc như thế nào. Xin nói tiếp thêm rằng, có lẽ Tướng Trà cũng nghĩ là Tướng Minh có thể xin tăng viện được một Sư đoàn từ miền Tây điều động lên ngoài các đơn vị Dù và Biệt Động Quân. Xin ghi nhớ, SĐ21BB từ miền Tây lên thì Trung đoàn 32 Bộ binh đến căn cứ Lai Khê ngày 10/4/1972 và được đưa lên Quận Chơn Thành ngày hôm sau 11/4 bằng xe vận chuyển đường bộ. Hai Trung đoàn 31, 33 Bộ binh và Thiết đoàn 9 Kỵ binh đến Lai Khê ngày 12/4.

Quận lỵ Chơn Thành trấn giữ trục giao thông ở giao điểm Ngã Tư QL-13 lên An Lộc và QL-14 dẫn qua tỉnh Phước Long lên Quảng Đức... được coi là trọng điểm chiến thuật phía nam An Lộc.

Cả Tướng Minh lẫn Tướng Trà đều biết rõ địa điểm này là quan trọng cho sự mất còn của An Lộc. Tướng Minh luôn luôn cho trấn đóng tại đây một Trung đoàn, vừa để bảo vệ điểm “xuất phát” giải tỏa trục lộ từ đó lên An Lộc, vừa là điểm “nhử” cho quân CSBV đến để diệt bằng phi pháo. Địch đến càng nhiều càng tốt. Tướng Trà chắc chắn sẽ không thí quân đánh chiếm Chơn Thành, vì bốn ngã đều “thọ địch”, chưa kể phi pháo. Tướng Minh biết như vậy nên ông “bỏ ngõ” quãng đường giữa từ Lai Khê lên Chơn Thành từ chiều ngày 11/4/1972 sau khi Trung đoàn 32 của SĐ21BB đã lên Chơn Thành chuẩn bị thay thế cho Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rút quân tăng cường cho An Lộc. Ông chỉ cho một Tiểu đoàn của Trung đoàn 33 đóng quân ở Căn cứ Vân Đồn, 6km phía bắc Lai Khê, và án binh bất động chờ địch đến, sau khi rút Lữ đoàn 1 Nhảy Dù ngày 14/4/1972 đưa lên An Lộc. Như vậy đoạn đường còn lại từ phía bắc căn cứ Vân Đồn lên Chơn Thành là trên 20 km, bỏ trống thực sự từ ngày đó. Đương nhiên Tướng Trà phải hành động. Nếu để đoạn đường từ Lai Khê lên Chơn Thành cho SĐ21BB sử dụng thong thả thì chốt chặn từ Suối Tàu Ô của TWC/MN lâm nguy bị “bứng” và như vậy là không dứt điểm được An Lộc khi đại đơn vị này của Tướng Minh tiến lên tiếp viện. Do đó, một mặt TWC/MN tổ chức vội vã tấn công An Lộc lần thứ nhất từ ngày 13/4 đến ngày 17/4/1972, thiếu chuẩn bị, thiếu phối hợp, và nhất là thiếu quân. Rồi lần thứ nhì từ 18/4 đến 21/4/1972, cũng vội vã như vậy…. Mặt khác, TWC/MN đưa Trung đoàn 101 biệt lập, cộng thêm hai Tiểu đoàn của các Trung đoàn 209 và 165 của SĐ-7/CSBV, phối hợp với các đơn vị phòng không và chống chiến xa xâm nhập trở lại và lập chốt chặn lần nữa ở khu vực Bầu Bàng.

Mặc dù sau hai đợt tấn công của quân CSBV do TWC/MN chỉ đạo thất bại, Đài Phát thanh Hà Nội tuyên bố với thế giới là chúng đã chiếm được An Lộc ngày 18/4. Quyết tâm của Quân ủy Trung Ương đã rõ ràng, An lộc là điểm chiến lược của cuộc Tổng Tấn Công của CSBV mà không là Quảng Trị, không là Kontum, TWC/MN không thể coi thường).

TWC/MN lâm vào thế phải hạ quyết tâm chiếm cho được An Lộc trong những trận đánh kế tiếp với những nỗ lực dù phải tận dụng đến đơn vị cuối cùng. Do đó, ngoài việc củng cố lại lực lượng và chu toàn kế hoạch để tấn công và chận viện từ Chơn Thành trở lên An Lộc, TWC/MN cũng điều các đơn vị đặc công và pháo phá rối căn cứ Lai Khê, căn cứ của SĐ5BB nhưng lúc đó là nơi Bộ Tư lệnh Hành quân của Tướng Minh và là trung tâm yểm trợ cho các đơn vị QĐIII hành quân trên QL-13, và đưa một Trung đoàn khác tấn công dữ dội để mong dứt điểm các căn cứ Tống Lê Chân và Minh Thạnh nằm trên Sông Sài Gòn, do các đơn vị BĐQ/BP và BĐQ trấn đóng --cách An Lộc về phía tây nam từ 18km đến 25km, theo đường chim bay-- để khai thông đường chuyển quân và tiếp vận của chúng giữa các mật khu Dương Minh Châu ở Tây Ninh và Chiến khu D ở liên ranh Biên Hòa và Bình Dương cho những trận tiến công mới. Nếu trong tiểu tiết TWC/MN có thu nhặt được một vài kết quả nhỏ thì trên tổng thể TWC/MN rối rắm và mất thế chủ động ở suốt cả mặt trận Bình Long, từ An Lộc xuống phía nam quận lỵ Chơn Thành không thể thực hiện được sách lược của Bộ Chính trị đảng CSVN vì cách điều quân đầy mưu lược theo một thời biểu có tính toán và rắc rối của Tướng Minh làm cho Tư lệnh bộ của Tướng Trà không đoán được Tướng Minh đánh phản công giải tỏa An Lộc như thế nào... Khi bỏ trống đoạn đường từ căn cứ Vân Đồn lên phía bắc gần quận lỵ Chơn Thành, Tướng Minh đã buộc TWC/MN quyết định và họ đã quyết định sai lầm. Hai lần TWC/MN đưa những cánh quân lớn vào đóng chốt đoạn đường phía nam Chơn Thành, hai lần đầu bị “bứng” với tổn thất nặng. Lần đầu từ ngày 8/4 chắc chắn nằm trong nhu cầu chiến thuật theo kế hoạch của TWC/MN khi tung quân bôn tập tấn công An Lộc, cần thiết phải chặn đường chuyển quân tiếp viện lên phía bắc của QĐIII & V3CT. Lần thứ nhất đó chốt chặn bị Lữ đoàn 1 Nhảy Dù “bứng” trong ba ngày kịch chiến từ 9/4 đến 11/4 với hai mũi gíáp công từ Lai Khê đánh lên và từ Chơn Thành đánh ép xuống làm cho SĐ-7/CSBV, Trung đoàn biệt lập 101, và các đơn vị yểm trợ khác thiệt hại hơn 200 cán binh, rút quân bỏ chốt. Trái lại, khi đóng chốt lần thứ hai ở Bàu Bàng từ ngày 22/4 rõ ràng TWC/MN bị Tướng Minh ép vào thế chẳng đặng đừng. Lần sau này, chốt chặn của các đơn vị thuộc SĐ-7/CSBV tăng cường cũng bị SĐ21BB bứng với chiến thuật hai mũi giáp công mà Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã áp dụng hai tuần trước đó. Trung đoàn 33 và Thiết đoàn 9 Kỵ binh (-) từ Lai Khê đánh lên và Trung đoàn 32 và một chi đoàn của Thiết kỵ 9 từ Chơn Thành đánh ép xuống với sự yểm trợ tối đa của KQVN và KLHK. Tuy phải mất 5 ngày để thanh toán chốt chặn đó, từ 24/4 đến 28/4, nhưng đã làm cho các đơn vị CS đóng chốt bị thiệt hại nặng và từ đó về sau TWC/MN không còn đủ lực lượng tái đóng chốt trên đoạn đường này nữa.

Điều đáng ghi nhận khác là việc điều động sử dụng quân tăng viện của Tướng Minh theo vòng quay kim đồng hồ làm cho TWC/MN rối rắm, bỡ ngỡ, mất cả sự chủ động cần thiết của lực lượng tấn công. Ngược lại Tư lệnh bộ của Tướng Trà phải chạy theo từng giờ từng ngày bởi sự chuyển quân nhanh chóng và không theo quy luật chiến tranh của lực lượng bị tấn công. Sư kiện điển hình thứ nhất là khi SĐ21BB đã hoàn tất cuộc chuyển quân từ miền Tây lên Lai Khê và Chơn Thành từ ngày 12/4 thì Tướng Minh không dùng Sư đoàn này tấn công bứng chốt Tàu-Ô ở phía bắc Chơn Thành mà lại sử dụng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù lúc đó vừa bứng xong chốt Bàu Bàng (9-11/4) và đóng ở Chơn Thành (11/4) rồi tiến lên “ủi” chốt Tàu-Ô ngày 12/4. Khi SĐ-7/CSBV ở đó đang chống đỡ, bỗng nhiên Dù ngưng tấn công và rút ra khỏi trận địa ngày 13/3 và ngày 14-15/4 đổ quân vào tăng viện An Lộc cùng với Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (xin xem lại phần trên). Sự chuyển quân bất ngờ này làm cho TWC/MN phải điều quân thêm bằng cách đưa bớt Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV từ vùng chốt chặn Tân Khai lên phối hợp với SĐ-5/CS và SĐ-9/CS vội vã tấn công vào An Lộc đợt 2 từ ngày 18/4/1972, như nói trên. Sự kiện điển hình thứ hai là sau khi TWC/MN không thể chiếm được An Lộc trong đợt hai tấn công này, dù chiếm lại được vùng Đồi Gió và Đồi 169, Tướng Minh vẫn sợ An Lộc bị nguy khốn nên tung Lữ đoàn 3 Nhảy Dù vào suối Tàu-Ô và Tân Khai, nhưng quan trọng hơn là vùng ấp Đức Vinh, phía nam gần An Lộc làm cho TWC/MN phải điều động Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS và Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV rời bỏ vòng vây An Lộc rút xuống Đức Vinh mà chận không cho quân Nhảy Dù tiến lên hướng An Lộc. Sức ép của của quân CSBV đối với thành phố nhỏ này nhẹ hơn sau đợt tấn công thứ hai của chúng, mặc dù An Lộc vẫn bị dập pháo mỗi ngày hơn một nghìn qủa đại pháo các loại....

Hai sự kiện trên đây cho thấy rõ mưu lược và tài dùng quân của Tướng Nguyễn văn Minh. Trên bàn cờ An Lộc và QL-13, rõ ràng rằng Tướng Trần văn Trà lép hơn Tướng Nguyễn văn Minh túc trí. Cuộc chiến ở giai đoạn này dằng dai ba tuần lễ từ 22/4/1972 đến 11/5/1972 mà Tướng Minh vẫn chưa thực sự tung lực lượng trừ bị vào trận địa. Câu hỏi được đặt ra là:-Tại sao? Trả lời: Thứ nhất, Tướng Minh tin vào quyết tâm gan lì và khả năng cầm quân giữ An Lộc của Tướng Lê văn Hưng và của Đại tá Lê Quang Lưỡng với sự yểm trợ hùng hậu của hoả lực Không quân HK và KQVN. Thứ hai: Khi tung Lữ đoàn 3 Nhày Dù cường thám vào “hang hùm” suối Tàu-Ô lên đến ấp Tân Khai xong, hiểu rõ thực lực của định quân ở đó, ông sẽ dùng SĐ21BB vào trận đánh quyết định giải tỏa An Lộc…. Và hình như ông còn phải chờ thêm những đơn vị tăng viện thiện chiến khác thích ứng cho kế hoạch mới của ông và tăng trợ cho Sư đoàn này.

Đến đây thì mọi người đều thấy rõ cục diện chiến trường Bình Long giữa QĐIII & V3CT và TWC/MN Cộng Sản. Tướng Trần văn Trà lúc đó hình như cũng đã hiểu nhiều hơn về Tướng Nguyễn văn Minh, đối thủ chính của mình, nên tính toán kỹ hơn, chưa chủ động đánh lớn vội vã như hai trận tấn công trước trong suốt ba tuần lễ đó, trừ việc SĐ-7/CSBV còn chận đánh Lữ đoàn 3 Nhảy Dù từ Suối Tàu-Ô lên Tân Khai, đến Đức Vinh. Trong thành phố An Lộc chỉ có những vụ chạm súng nhỏ vì các đơn vị phòng thủ, tuy bị hứng pháo mỗi ngày, nhưng vẫn bung dần ra từng căn phố, diệt mòn các đơn vị Công sản đã chiếm khu vực phía bắc và đông bắc từ các trận tấn công trước, không rút ra được, đang cố bám sát các đơn vị phòng thủ để tránh bị oanh kích. Các chiến xa của địch chưa bị hạ trong các trận trước hình như cũng áp dụng kỹ thuật lẩn trốn này trong các khu vực chúng đã chiếm trong thị xã, nằm im hơi lặng tiếng dưới những mái nhà sập hay trong những căn phố long lở, trong khu vực chúng chiếm được, nhưng... ngụy trang thật kỹ. Chúng cũng đã rút được ít nhiều kinh nghiệm về sự lợi hại của “Hoả Long”, vì có những chiếc tăng nhúc nhích di chuyển đâu đó đã bị loại “spectre” này hạ trong nhiều đêm trước...

Rõ ràng lần này TWC/MN đang củng cố lực lượng, bổ sung quân, vận chuyển đạn dược và... lập kế hoạch mới quyết tâm dứt điểm An Lộc.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 9
10. QUÂN CSBV TẤN CÔNG AN LỘC ĐỢT 3.

Trong An Lộc, Tướng Hưng và Đại tá Ulmer cũng nhận định như vậy nên đã đề nghị KLHK đánh những boxes B-52 vào các mật khu và các trạm trung chuyển trên các tuyến hành lang chuyển vận từng được biết trước đây của CSBV trong vùng biên giới. Đề nghị đánh bom các chiếc cầu mà các xe be chuyển gỗ đã lập trước đây trong vùng rừng giữa bắc Bình Long và Kratié. Hằng đêm vẫn xin “Hỏa Long” bao vùng và hằng ngày xin KQVN các phi vụ không thám liên tục. Đồng thời sân bay trực thăng tạm ở đầu xa lộ phía nam vẫn được TĐ8ND bảo vệ hữu hiệu với sự yểm trợ của TĐ5ND. Các loại trực thăng KQVN và KLHK vẫn tiếp tục di tản thương binh --hầu hết vì trúng mảnh đạn pháo-- tiếp tế nhu phẩm cần thiết, với số lượng thay quân hạn chế. Thiệt hại của KQVN và KLHK tuy không đáng kể, nhưng vẫn có, mỗi khi bay vào ra An Lộc…. Vậy mà tiếp tế vẫn đến hằng ngày, tản thương vẫn đều hằng ngày. Dĩ nhiên, chẳng những phải ngợi khen Đại tá LQL và chiến sĩ Dù, còn phải khen và đề cao công trạng của các phi công trực thăng KQVN và KLHK đã... quên mình, coi thường sinh mạng, vào ra tử địa như ăn cơm bữa…. Họ thật anh dũng, thật anh hùng. Còn các chiến sĩ phòng thủ... chính qui, đặc biệt, địa phương quân, nghĩa quân, dân quân thì sao? Mọi người vẫn chờ những cánh quân tới từ hướng nam, cũng như vẫn biết và sẵn sàng... chịu một trận tấn công mới không biết sẽ diễn ra trong lúc nào.... Cái hố cá nhân đào sâu hơn, đắp thêm các bao đựng đầy đất từ hố vừa móc lên, một bidon nước, mấy bịch gạo xấy hay có được mấy bịnh lương khô “rations” HK thì nhất --vì sẽ có bốn điếu thuốc lá xịn trong mỗi bịch-- mà chỉ cần một điếu, hít một hơi, là phồng cả buồng phổi, sáng cả mắt và tỉnh hơn để ghìm khẩu súng cá nhân đầy đạn chờ “tụi nó” xung phong mà quạt cho đã. Vẫn chưa đủ, muốn cho “đã hơn”, thì phải chạy tìm kiếm xin thêm ít nhất là một ống M-72, lúc đó được tiếp tế vào An Lộc rất nhiều... để, như bị thúc đẩy bởi một thần lực vô hình, hễ thấy chiến xa địch xuất hiện, là chạy vụt ngay ra khỏi hầm trú ẩn, xông lên án ngữ hay rượt theo bắn cho bằng được một phát... trúng trật mặc kệ, chết sống mặc kệ. Bắn tank cho đã, chết cũng sướng.... Đó, tinh thần chiến đấu của chiến sĩ phòng thủ An Lộc như vậy đó.

Loại hoả tiễn cầm tay chống tanks M-72 đã trở thành huyền thoại hay một sự thật hãn hữu trong lịch sử chiến tranh chống chiển xa của quân dân An Lộc. Tôi nói quân dân, vì Tiểu khu --theo lệnh của Đại tá Trần văn Nhật-- ngay trong thời gian này đã lập một phòng tuyển mộ nghĩa quân và địa phương quân. Cư dân trong tuổi thanh niên xin đầu quân đông đảo. Thiếu niên cũng muốn xin cầm súng đánh Cộng sản. Đây là điểm son của Đại tá Nhật. Và “huyền thoại” M-72 sở dĩ có là vì chẳng những chiến sĩ phòng thủ trong các đơn vị đã dùng loại hoả tiễn cầm tay này diệt tank mà cả nghĩa quân và có cả thường dân trong thành phố hưởng ứng, cũng có.... M-72, chạy theo binh sĩ bắn chiến xa CSBV.... Đến cả tôi cũng lây bịnh ghiền M-72. Ngay trong ngày 18/4, ở đợt tấn công thứ hai, một chiến xa CSBV chạy ngang cổng trước BTL/HQ Sư đoàn theo hướng bắc-nam, khi lóng ngóng chạy ngược trở lại bị Đại tá Lê Nguyên Vỹ bắn một phát M-72, trúng, nhưng chưa chết, chạy thêm một quãng bị chiến sĩ Biệt Đông quân bắn bồi thêm, cháy.... Tôi chạy phía sau, lỡ dịp, nên lượm cái nòng M-72 của Đại tá Vỹ vừa bắn --bằng loại métal gì...đó không biết, màu trắng-- mang về rồi cũng bắt chước anh em binh sĩ, lúc rảnh núp pháo, rảnh việc... lên chỗ hầm trú nơi làm việc của nhân viên Phòng 2/HQ, cưa chiếc nòng ra, mài, dũa và dùng đầu kẽm gai chặt nhọn mà khắc chữ, thành những chiếc vòng đeo tay xinh xắn, làm kỷ niệm. Hàng trăm binh sĩ của các đơn vị phòng thủ làm vòng đeo tay bằng nòng M-72 để sau đem về tặng...các em làm nữ trang... của chiến trường. Riêng tôi, tôi giữ các chiếc vòng của tôi, làm kỷ niệm, không tặng cho ai. Hiện nay tôi còn giữ các chiếc vòng này (xin xem ảnh chụp, các chiếc vòng đeo M-72 làm ở An Lộc). Những chiếc vòng tôi đang có hiện nay là vô giá, hay nói nôm na là không có giá, vì là chiếc vòng cắt ra từ nòng métal trắng của quả M-72 mà Đại tá Lê Nguyên Vỹ bắn chiếc tank nói trên, chính tay tôi tạo nên và giữ bên mình gần bốn thập niên qua, dù đã trải bao tang điển thương hải. Tôi sẽ xin gởi tặng hai chiếc vòng An Lộc cho hai nữ độc giả nào mà tôi nhận được e-mail sớm nhất, để làm nữ trang... lạ mắt, sau khi tài liệu này đăng tải. Tôi sẽ giữ hai chiếc uyên ương còn lại mà chôn theo tôi...)

Những gì tôi viết trên đây là để nêu rõ tinh thần chiến đấu bất khuất của tất cả các chiến sĩ ở tất cả các đơn vị quân đội, cảnh sát và quân dân địa phương quyết tâm chống CSBV giữ vững An Lộc. Tinh thần đó lên đến độ cao nhất vì nhiều lý do mà hai lý do quan trọng nhất là lời tuyên bố “tử thủ” của vị chủ soái là Tướng Hưng và sự hiệu nghiệm của loại hỏa tiễn cầm tay chống chiến xa M-72 của Quân Lực Hoa Kỳ mới phát minh và lần đầu tiên được đưa vào An Lộc cho binh sĩ VNCH sử dụng. Họ nhất quyết không bỏ trận địa mà chỉ xông lên phía trước vì ông tướng quyết đem thân giữ thành thì chiến sĩ thi đua nhau bắn chiến xa của CSBV tưng bừng cũng đã quên bản thân mình. Nên lưu ý một điều là dù vũ khí tối tân đến mấy mà vào tay những tướng, tá, sĩ quan và binh sĩ tinh thần bạc nhược, hèn nhát... dễ khiếp sợ, bỏ chiến trường mà chạy, thì cũng thành vật vô dụng mà thôi... Không biết các giới chức quân sự và giới báo chí Hoa Kỳ có biết rõ các điều này hay không? Trên thực tế thì tâm lý của chiến sĩ Nam Việt Nam và vũ khí, bom đạn Hoa Kỳ, đã tạo nên chiến thắng An Lộc --một thành phố nhỏ, không có hệ thống phòng thủ chặt chẽ mà chiến sĩ phòng thủ dưới tám nghìn người đã chiến thắng đạo quân thiện chiến với lực lượng xung kích lớn hơn gấp bốn năm lần-- làm bất ngờ cả mọi người... và các chiến lược gia lỗi lạc nhất như Sir Thomas Thompson của Anh và Tướng Moshi Dayan của Do Thái-- vậy sá gì sự dốt nát của một đại tá “sorti du rang” Miller và một Trung úy non choẹt Willbanks. Và lẽ dĩ nhiên, lúc đó, danh Tướng Trần văn Trà cũng không ước lượng nổi là cuộc tấn công lần thứ ba vào An Lộc của quân CSBV --mà ông là tác giả chính của kế hoạch hành quân và là tướng chỉ đạo chiến trường-- bị thất bại hoàn toàn.

Trận tấn công quyết định đó diễn ra vô cùng khốc liệt mà chưa có một thành phố nào trong bất cứ nơi nào trên thế giới từ Thế Chiến Thứ Nhất hay Thế chiến Thứ Hai mà quân phòng thủ phải hứng chịu như các chiến sĩ chính qui, đặc biệt, diện địa, hay dân quân, kể thường dân của thị xã tỉnh lỵ An Lộc phải chịu đựng trong trận tổng tấn công lần thứ ba khởi đầu ngày 11/5/1972 của quân CSBV, kể cả thành phố Guernica của Tây Ban Nha với trận tấn công không tập của Không quân Quốc xã Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến đã trở thành chủ đề của tác phẩm hội họa bất hủ của Picasso trong thế kỷ trước... ngoại trừ Hiroshima và Nagasaki, dĩ nhiên.

Trước đó, bắt đầu từ ngày 9/5 chỉ mấy ngày sau khi Lữ đoàn 3 Nhảy Dù rút ra khỏi mặt trận Đức Vinh, Tân Khai và Tàu-Ô, mặc dù TWC/M vẫn giữ nguyên SĐ-7/CSBV ở các chốt chặn này, nhưng đã tăng cường tối đa các đơn vị pháo và phòng không cho mặt trận An Lộc. Trong ngày 9/5/1972 này, một trực thăng Chinook chở quân tăng cường của Tiểu đoàn 2/8 cho An Lộc bị bắn hạ khi định đáp xuống sân bay tạm ở đầu xa lộ, nên việc châm thêm quân tăng viện không thực hiện được. Suốt ngày, sân bay này bị pháo kích dữ dằn, không một trực thăng nào đáp xuống được. Tình trạng khẩn trương tăng dần vì lượng đạn đại pháo dội vào thị xã cũng nhiều gấp bội các ngày trước.

Ngày 10/5, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH bay lên Lai Khê --căn cứ chính của SĐ5BB, lúc đó là nơi trú đóng của BTL/HQ/ QĐIII & V3CT-- họp với Tướng Nguyễn văn Minh và cố vấn Hoa Kỳ của Vùng 3 Chiến Thuật là Tướng hai sao James F. Hollingsworth Tư lệnh Bộ Tư lệnh Viện Trợ 3 của Hoa Kỳ, (Third Regional Assistance Command hay TRAC). Sở dĩ có cuộc họp này vì tình hình nói trên và cũng vì một tin tức khai thác tù binh quan trọng là một sĩ quan trinh sát Tiểu đoàn Trinh Sát của SĐ-5/CS bị Liên đoàn 3 BĐQ của Trung tá Nguyễn văn Biết bắt được ngày 6/5 ở Cổng Quản Lợi, phía đông An Lộc. Tù binh này khai rằng trong các ngày 20 và 21 tháng 4, TWC/MN có mấy buổi họp phê phán các đơn vị Cộng Sản trong các trận tổng công kích trước vào An Lộc hội thảo về kế hoạnh mới tấn công An Lộc. Trong các lần tổng công kích trước vì SĐ-9/CS đánh quá kém và thiếu sự phối hợp với các Trung đoàn Chiến xa 202 và 203, nên coi như TWC/MN đã thất bại ở các lần đó. Do đó, TWC/MN sẽ chủ động một trận tổng công kích mới vào An Lộc với quyết tâm và nỗ lực tuyệt đối đánh chiếm cho được mục tiêu này và tiêu diệt SĐ5BB của Tướng Hưng bằng mọi giá. Về ngày giờ tấn công đương sự không biết rõ ngoài sự phối trí lại lực lượng dưới sự chỉ đạo của TWC/MN. Chủ công mũi dùi của trận tổng công kích này là SĐ-5/CS, phối hợp với các đơn vị chiến xa, Trung đoàn Đặc công 469 và các đơn vị pháo, phòng không, của SĐ-70 Pháo, tấn công vào mặt bắc và đông bắc thành phố. SĐ-9/CS giữ vai trò thứ yếu, cũng sẽ có một số chiến xa phối hợp và phòng không yểm trợ, tấn công vào mặt tây và tây nam. Lực lượng tấn kích An Lộc đợt này sẽ được phối trí như sau:

*Thứ nhất, đơn vị chủ công:

-Trung đoàn 174/SĐ-5/CS phối hợp với một đơn vị chiến xa và một đơn vị của Trung đoàn Đặc công 429 tấn công mặt bắc.

-Trung đoàn E-6/SĐ-5/CS phối hợp với một đơn vị chiến xa và một đơn vị của Trung đoàn Đặc công 429 tấn công mặt đông bắc.

-Trung đoàn 275/SĐ-5/CS làm trừ bị cho Sư đoàn này.

*Thứ hai, đơn vị tấn công phụ:

-Trung đoàn 271/SĐ-9/CS phối hợp với một đơn vị chiến xa tấn công mặt nam, Cổng Xa Cam.

-Trung đoàn 272/SĐ-9/CS phối hợp với một đơn vị chiến xa tấn công mặt tây, Cổng Phú Lố.

-Trung đoàn 95C/SĐ-9/CS làm trừ bị cho Sư đoàn này.

Như vậy, theo kế hoạch này thì SĐ-5/CS sẽ tấn công An Lộc từ mặt bắc và đông bắc xuống hướng nam và tây nam. Ngược lại SĐ-9/CS sẽ tấn công từ hướng nam lên và hướng tây vào. Tù binh này không biết ngày giờ của cuộc tổng công kích.

Trong buổi họp ngày 10/5 nói trên giữa Đại tướng Cao văn Viên với Trung tướng Nguyễn văn Minh và Tướng Hollingsworth, mặc dù không biết rõ ngày N, giờ G của CSBV nhưng các vị tướng này biết rằng phải chạy đua với thời gian để tăng thêm quân vào An Lộc và đem quân vào đó bằng cách nào.... Một kế hoạch không yểm hữu hiệu và chi tiết của KQVN và KLHK cho An Lộc được dự trù. Nhiều boxes B-52 đánh sát vòng đai phòng thủ được dự liệu cho... ngày khi thành phố này bị tấn công. Nhiều boxes khác... đánh vào các mật khu và trên hành lang vận chuyển của quân chúng từ các vùng ngoại vi vào vòng đai phòng thủ thị xã. Trung đoàn 15 thiện chiến --của SĐ9BB-- do một trong ngũ kiệt lừng danh ở miền tây hay đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta) là Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy, với một chi đoàn chiến xa và một pháo đội 105ly, được lệnh đưa ngay vào An Lộc trong ngày hôm sau 11/5/1972 để tăng thêm quân cho An Lộc.

Ngày 11/5/1972 này phải được ghi nhận là giao điểm chính của cuộc chạy đua theo thời gian của TWC/MN và QĐIII & V3CT cho sự mất còn của An Lộc. Nhưng quyết định số mệnh của thị xã tỉnh lỵ Bình Long này lại nằm trong tay của Tướng Lê văn Hưng và Đại tá Lê Quang Lưỡng. Sở dĩ nói như thế là vì việc đưa Trung đoàn thiện chiến của Trung tá Cẩn, chiến xa và pháo, vào tăng cường An Lộc, và các biện pháp khác nhằm giải tỏa An Lộc của Tướng Minh đã trễ mất hai ngày cũng như quyết tâm của Tướng Trần văn Trà chiếm cho được An Lộc bằng mọi giá và tiêu diệt SĐ5BB tàn lụi chỉ hai ngày sau khi những cánh quân CSBV tấn kích thành phố nhỏ nhoi này khốc liệt như chưa từng thấy ở một trận chiến nào trước đây trong Chiến tranh Việt Nam, dù là Điện Biên Phủ 1954, dù là Khe Sanh 1968. Ở Điện Biên Phủ, quân của Tướng Võ Nguyên Giáp phải lần lượt đánh chiếm từng vị trí của quân Pháp trú đóng và đào giao thông hào để tiến từ ngày này qua ngày nọ mới tấn công vào căn cứ chỉ huy trung ương của De Castrie ở đồi A-1 (trên đó sau này CSVN dựng một bảo tàng viện ghi chiến tích chia hai đất nước của “Bộ Đội cụ Hồ”. Phạm Tiến Duật có làm một bài thơ khá đẹp về bảo tàng viện đó trên ngọn đồi. Bài thơ có thể coi là “phản động” mà CSVN không để ý, hoặc bỏ lơ, không nói đến. Xin xem một đoạn ở cuối trang *). Còn Pháo binh của Giáp bố trí trên các triền đồi chung quanh nã đại pháo vào trận địa của quân phòng thủ, nhưng pháo tập vẫn hạn chế và sức công phá của các loại đạn đại pháo còn chưa khủng khiếp lắm. Vậy mà quân phòng thủ Pháp của Tướng De Castrie đã nhận được lệnh đầu hàng.

Còn Khe Sanh, một cứ điểm vô cùng kiên cố của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng ở biên giới Việt-Lào, phía tây Cam Lộ tỉnh Quảng Trị, trên QL-9 dẫn lên thị trấn chiến lược Schépone --một tỉnh lỵ quan trọng ở Nam Lào mà quân CSBV đã chiếm làm căn cứ tiếp vận trung chuyển quan trọng của chúng từ Bắc vào Nam Việ̣t Nam, cũng là mục tiêu của cuộc hành quân Lam-Sơn 719 đầu năm 1971 của QLVNCH. Cứ điểm này lúc đó có 5,500 quân TQLC/HK và được tăng cường 1,100 quân BĐQ/QLVNCH --do Đại tá TQLC/HK Davis Lounds dạn dày trận mạc chỉ huy-- tuy bị cắt mất đường vận chuyển tiếp tế trên trục giao thông này từ căn cứ pháo binh Calu của TQLC/HK ở phía đông, cách Cam Lộ chừng 35 cây số, và bị bao vây bởi các đại đơn vị Mặt Trận Đường ̣9 của CSBV (Route 9 Front’s units, cấp quân đoàn cộng, gồm ba Sư đoàn bộ binh, hơn một Sư đoàn pháo binh và những đơn vị đặc biệt khác) nhưng được bảo vệ bằng một hệ thống hàng rào điện tử tối tân bao quanh hệ thống phòng thủ chính kiến cố, vững chãi. Ngoài ra, Đại tướng William Westmoreland, Tư lệnh MACV còn chuẩn bị một kế hoạch đánh bom B-52 dày đặc yểm trợ cứ điểm, chờ tiêu diệt quân CSBV tấn công. Bom B-52, nhiều người biết hay nghe nói đến. Nhưng hàng rào điện tử tân tiến, rất ít người biết. Đó là một loại hàng rào vô hình, không nhìn thấy... dày cả cây số và dài bao quanh bên ngoài cách khá xa hệ thống phòng thủ chính... gồm các máy điện tử mới phát minh có chức năng “phát hiện” một toán, một đoàn người, hoặc một hay nhiều chiến xa xâm nhâp (có thể dịch ra Anh ngữ một câu giản dị “an infiltration barrier of new technologic anti-personnel and anti-tank sensors). Loại máy điện tử mới này nhỏ thì bằng quả lựu đạn, hay lớn hơn thì bẳng quả mìn chống chiến xa, loại khác hình ống dài cả thước –tất cả đều được phóng từ trực thăng xuống cắm sâu hay nằm trên mặt đất lẫn lộn với đất đá, cỏ, cây, bụi rậm. Ngay khi phát hiện... quân hoặc chiến xa xâm nhập các loại điện tử này liền “báo tín hiệu” về máy “kiểm tín” trung ương đặt ở trung tâm hành quân cứ điểm. Người chỉ huy sử dụng pháo tập trung hay không yểm để tiêu diệt (xin xem thêm rõ ràng hơn ở Chương 8, The Tragedy of the Vietnam War, 2008-VND).

Theo nhiều nguồn tin lúc bấy giờ thì Tướng Westmoreland coi việc thiết lập một cứ điểm lớn và kiên cố trấn đóng ở Khe Sanh với hàng rào điện tử và kế hoạch gọi là “Niagara”dự trù dội bom B-52 chặt chẽ, như một chiếc bẫy sập lớn dụ cho quân CSBV đến càng nhiều càng tốt để tiêu diệt hàng loạt. Nhưng một bẫy sập như vậy làm cho các chiến lược gia Hoa Kỳ nghi ngờ sẽ gây nên hậu quả... như Điện Biên Phủ của Đội quân Viễn chinh Pháp trước đó. Nghĩa là: thua một cuộc chiến. Vì vậy, mặt trận Khe Sanh trở thành chuyện đầu môi của giới chính trị, quân sự và nhất là giới báo chí Hoa Kỳ làm cho mọi gia đình và học đường Mỹ rúng động.... Lúc đó, đạo quân Mặt trận Đường 9/CSBV bao vây căn cứ này mấy tháng liền và hàng ngày dội vào căn cứ hàng trăm quả đại pháo. Nhưng, thực ra pháo chúng bắn từ xa... và suốt thời gian khá dài đó các lực lượng của quân đoàn này chỉ có một lần duy nhất tấn công xung kích vào tuyến phòng thủ hướng nam cứ điểm do BĐQ/QLVNCH trấn giữ... và chúng bị đẩy lui. Còn ở các tuyến khác của TQLC hướng tây bắc, hướng bắc và hướng đông bố trí dày đặc sensors nên quân CSBV mỗi lần bén mảng tới, vừa đột nhập hàng rào điện tử đã bị... banh xác bởi đại pháo 175ly của căn cứ hỏa lực Calu hay những boxes B-52. Ngoài ra Không quân Chiến lược Hoa Kỳ hằng ngày còn đánh B-52 vào các vùng nghi ngờ ẩn trú hay tập trung của các đơn vị Mặt Trận Đường 9, làm tan xác hàng nghìn cán binh CSBV chưa thực sự tấn công. Tổn thất của chúng lớn đến mức độ nào thì chỉ các tướng của họ biết... mà các ông tướng này cũng chỉ là những người câm như các loại cây cỏ của những cánh rừng già vô tri của vùng biên giới đó thôi... nếu không nói là những robots biết nghe và biết sợ.... Có ai dám tiết lộ? Tuy nhiên, trên bình diện “chính trị” cú đấm Khe Sanh của đại đơn vị CSBV cũng làm cho giới lãnh đạo chính trị và quân sự HK lo sợ và giới truyền thông báo chí la hoảng mà quên mất tội ác khủng khiếp của chúng ở Huế... trong Tết Mậu Thân.

So với An Lộc, cả hai chiến trường trên, quân phòng thủ chưa từng đội đến hàng ngàn quả đại pháo mỗi ngày, hay hơn 10,000 quả trong chỉ một-nửa đêm, chưa từng bị xung kích bằng chiến xa.... Nếu ở mỗi giai đoạn của Chiến tranh Việt Nam, Điện Biên Phủ và Khe Sanh đều mang tầm quan trọng chiến lược về chính trị để giải quyết chiến cuộc... thì trong mùa Hè năm 1972 An Lộc cũng mang “thứ đặc tính chính trị” như các nơi đó, và còn quan trọng hơn. Nếu mất An Lộc thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại, sẽ lớn gấp đôi Điên Biên Phủ và gấp ba... Khe Sanh. Pháp thua ở ĐBP đã mất một nửa Việt Nam cho CSVN. Trận Khe Sanh cộng với Tết Mậu Thân, chỉ làm nản chí một tổng thống Hoa Kỳ thuộc Đảng Dân Chủ; ông này không dám nhận... trách nhiệm tái ứng cử Tổng thống HK nhiệm kỳ hai.... Còn mất An Lộc sẽ kéo theo tai họa có thể đưa đến mất nốt miền Nam cho CSVN sớm hơn, có thể sẽ làm cho một tổng thống “sáng giá” Đảng Cộng Hòa....vuột mất Tòa Bạch Ốc trong lần ứng cử nhiệm kỳ hai cuối năm đó, và nguy hại nhất là có thể làm vỡ mất cái uy tín lớn lao của Quân Lực Hoa Kỳ luôn luôn chiến thắng.

Dĩ nhiên Washington, Ngũ Giác Đài, MACV, TRAC, và trước tiên là Chính phủ và QLVNCH đều có trách nhiệm lớn và lo lắng lớn cho sự mất còn của An Lộc. Nhưng lo thì cũng chỉ có thể... đổ thêm quân tăng viện, yểm trợ hỏa lực không yểm, mạnh nhất là B-52… mà đánh nhau dưới mặt đất vẫn là các chiến sĩ phòng thủ tại đó. Mất hay còn An Lộc là do chính họ... giỏi hay dở, không có nghĩa chỉ riêng là súng đạn tối tân họ có trong tay mà còn là tinh thần quả cảm họ có trong tim óc trước khi họ nhận được sự yểm trợ hùng hậu nào đó của Washington hay Sài Gòn. Làm cách nào để nói hết sự “cô đơn” của chiến sĩ ở chiến trường, nhất là khi họ nằm chờ địch trên tuyến phòng thủ. Lúc... chờ đợi sự nguy hiểm nhất sẽ đến là lúc họ cảm thấy cô đơn nhất. Chỉ có... quyết tâm và khẩu súng khi địch tràn vào. Phải ở tại tuyến mà... bắn hay phải đợi những cánh chim sắt mang hoả lực thần thánh từ Guam hay Utapao đến giải cứu họ. Một thoáng cô đơn thôi... nhưng đã quyết định sự thắng thua. Chờ và Bắn. Chết và Sống. Riêng họ, họ hiểu nỗi cô đơn của họ. Mấy ai hiểu thấu cho!.. Nếu hèn nhát, bỏ chạy... thì lúc đó “trời cứu... nị”, vậy ai cứu Washington và Sài Gòn cho? Mấy ai hiểu rõ nỗi cô đơn của người chiến sĩ bộ chiến An Lộc.... Nixon hay Kissinger, Đại tá Miller đòi chạy hay Tiến sĩ Willbanks quờ quạng? Ai cứu các ông?!. Chúng tôi, những chiến sĩ bộ chiến phòng thủ An Lộc. Có biết không?.. Tôi nói thay cho các bạn tôi từng đánh nhau ở An Lộc và hãnh diện để nói. Dĩ nhiên chúng tôi không hề quên ơn những chiến sĩ vô danh của Không lực Hoa Kỳ đã coi thường sinh mạng yểm trợ hoả lực tiếp cận vô cùng hiểm nguy hay tiếp tế nguồn sống thực phẩm và đạn dược cho chúng tôi... chiến đấu và cám ơn tất cả các Cố vấn Hoa Kỳ ở các đơn vị tại mặt trận đã sát cánh với chúng tôi cùng bảo vệ An Lộc. Nhưng tự ái dân tộc ở quốc gia nào mà không có. Vâng, xin giúp chúng tôi phương tiện, tiếp tay chúng tôi đánh giặc, mà đừng chỉ huy hay... dạy chúng tôi phải đánh thế nào khi lâm trận. Ở An Lộc không ít cố vấn cho rằng chúng tôi mất tinh thần. Tôi thì nói và đã nói ngược lại. Kết quả là những biện minh vững vàng nhất. Có phải vậy không!

Đêm 10 rạng ngày 11/5, đã khuya lắm, tuy không phải phiên trực hành quân của tôi, nhưng không hiểu vì sao tôi không ngủ được, cứ trằn trọc mãi một phần vì cảm thấy nỗi cô đơn của mình trong đêm vắng lặng, phần khác vì sự vắng lạnh rùng rợn của đêm đó làm cho tôi lo sợ và nghĩ ngợi thao thức mãi. Quả thật từ đầu hôm đến giờ đó tôi không nghe một tiếng đạn đại pháo nào rơi ở đâu đó trong vòng đai phòng thủ thị trấn như những đêm trước. Bỗng... tôi bật dậy vì đã chợt nghĩ ra.... Vội vã đến ngay bàn làm việc của toán Truyền tin Hành quân của Sư đoàn, yêu cầu nhân viên trực máy –vô tuyến và điện thoại-- cho tôi g̣ọi ngay hotline về tư gia của Đại tá Hoàng Ngọc Lung ở Sài Gòn, vị Trưởng Phòng II/BTTM đương nhiệm --cũng là Chỉ huy phó Trường Quân Báo Cây Mai mà tôi là Huấn luyện viên thời Thiếu tá Phạm văn Sơn và Thiếu tá Hồ văn Lời là Chỉ huy trưởng (từ 1958 đến 1963; ông hiện nay đang ở Virginia, HK). Đánh thức ông dậy vào giờ hơn nửa khuya phải là việc tối quan trọng. Khi nghe tiếng của ông ở đầu giây, tôi báo ngay: -“Thưa Đại tá, đêm nay là đêm quyết định của An Lộc” và trình bày tiếp nhanh, rõ, về các sự kiện mới nhất, tin tức do tù binh cung cấp, và về nhận định của tôi khi cảm nhận được sự yên lặng ghê rợn của An Lộc từ đầu hôm đến giờ đó, đúng 2 giờ 35 phút. Đại tá Lung ghi nhận báo cáo, đồng ý với tôi, và nói: -“Tôi sẽ trình ngay Đại tướng TTMT tin tức của Dưỡng. Yên tâm, mọi sự sẽ tốt đẹp. Chúc may mắn.” Tôi yên tâm hơn, Sài Gòn đã được thông báo...

Tôi lên miệng hầm, một chiến sĩ Đại đội 5 Trinh sát của Trung úy Chánh, trong hai Tiểu đội tùy tùng bảo vệ tư lệnh, đang lặng lẽ đứng gác ở đó, các binh sĩ khác nằm trên nền gạch trong cái villa lẻ loi bên trên hầm hành quân với ponchos của họ và những khẩu súng bên cạnh, gối đầu, hay ôm trong lòng. Trời quang, trăng loang loáng, với những vì sao thưa thớt. Mặt đất mờ mờ tĩnh lặng chập chờn đôi ánh lửa xa xa như một vùng hoang dã, ma quái... Một cảm giác rờn rợn chạy dài trong xương sống. Tôi trở lại miệng hầm gặp người binh sĩ gác, tôi hỏi: “Có gì lạ không em?” Anh trả lời: “Thưa không, nhưng nghi... tụi nó đánh lớn đó, ông Thầy!” Tôi nói: “Phải. Chắc vậy! Cố gắng nhen...” Tôi vừa dứt tiếng, thì nghe những tiếng “départ” của đạn đại pháo rời miệng súng, nổ ran xa xa ở các hướng, nhiều nhất là hướng bắc và tây bắc. Liền sau đó là tiếng đùng đùng như sấm động nổ khắp nơi trong thành phố, vô cùng kinh khủng. Tôi xuống hầm hành quân, vào đến chỗ nằm, thì nhận thấy tất cả mọi người trong hầm đều bị đánh thức bởi tiếng pháo thực kinh khiếp hơn trăm lần những đợt pháo dữ dội nhất của những ngày trước. Có người ngồi trên ghế bố, ngồi dưới đất, và nhiều người đã và nằm rạp xuống đất... tôi ngồi bẹp xuống nền đất, tựa vào thành cây của chiếc ghế bố dã chiến... tự động theo cơn sợ của bản năng, vì... muôn nghìn tiếng nổ liên tục long trời lở đất tưởng chừng như đã đến ngày tận thế....

Cứ tưởng tượng là tiếng đạn pháo nổ rung chuyển trời đất đó là tiếng trống của năm bảy chục chiếc trống lớn do những lực điền cùng đánh... một lúc và liên tục suốt gần ba tiếng đồng hồ từ 2 giờ 45 phút cho đến gần sáng, ước lượng từ 10,000 đến 11,000 quả. Chiếc hầm hành quân tưởng sập mất mà không sập.... Như có phép lạ, hàng trăm quả đạn nổ chung quanh hầm của chúng tôi, nhưng không một quả nào rơi trên nắp hầm, không dầy lắm... Chỉ cần một quả xuyên phá thôi, rớt trên hầm, xuyên xuống, và nổ... là Bộ Tham mưu Hành quân, kể cả Tướng Hưng và Đại tá Ulmer, đã bị chôn sống trong lòng đất. Mặt trận An Lộc có thể sẽ tan vỡ. Chỉ chừng năm phút đầu tiên, không dứt tiếng pháo, tôi đã thấy hai ông này cầm ống nói liên lạc với các đơn vị. Tôi chưa biết phải làm gì. Chung quanh, mấy ông sĩ quan khác cũng... không khác gì. Hình như không ai suy nghĩ gì hơn là chờ...một cái gì đó. Chắc cũng có người đọc kinh hay niệm Phật.

Tiếng pháo vẫn liên tục dữ dội. Bỗng tôi thấy Đại tá Vỹ, đang ngồi trên ghế bố, đứng lên, đi ra bàn đặt hệ thống Truyền tin và Đại tá Điềm đội nón sắt lên đầu ra khỏi hầm, lên tuyến trên mặt đất. Trung tá Đăng, Trưởng phòng 3 và tôi liền ra bàn Truyển tin có nhiều ống nghe vô tuyến và điện thoại. Lạ lùng thay, khi bắt đầu đặt một ống nghe vô tuyến có vành cao su bịt tai, nhận báo cáo của các đơn vị thì... ghi chép, quên tất cả mọi thứ khác... Tôi đã hoàn hồn nhưng tự thẹn vì đã sợ hãi như chưa từng sợ hãi như vậy. Lẽ dĩ nhiên thầm thẹn với… Hưng, ông tướng, bạn cùng Trung đội sinh viên sĩ quan ngày xưa, khi pháo liên tục kinh khiếp như vậy mà ông cứ thản nhiên... gọi, hỏi, theo dõi tình hình từng đơn vị, và chỉ thị.... Nghĩ lại, biết mình thua xa ông ta là phải. Ông có hơn năm chục Anh Dũng Bội Tinh, trong đó có 26 chiếc với nhành dương liễu, mà tôi đếm được trên ngực áo trận của ông sau một buổi lễ... nghĩa là ông được tuyên dương chiến công trước Quân đội 26 lần. Còn tôi, xòe bày tay ra đếm cũng không được hai... ngón. Còn cái “quê” nào hơn cái quê này của một sĩ quan cấp tá.

Tiếng pháo vừa dứt, trời chưa sáng, chừng khoảng 5 giờ 30 phút, các tuyến phòng thủ báo cáo tới tấp chiến xa và bộ binh địch xung kích dữ dội, nhất là hướng tây và đông bắc. Những báo cáo đầu tiên ghi nhận ở các hướng, các cánh quân phòng thủ đều bắn hạ chiến xa địch. Như vậy là chiến sĩ phòng thủ đã lâm trận lớn, chịu đánh và bắn chiến xa tưng bừng như những lần trước. Tuy nhiên... khi nghe Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 báo cáo đã mất liên lạc vô tuyến với Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/7, chỉ còn liên lạc được với hai Đại đội trưởng của Tiểu đoàn này và tuyến phòng thủ hướng tây, cổng Phụ Lố, của Tiểu đoàn đã bị vỡ.... Địch đã chiếm Trại giam Tỉnh và Ty Công Chánh, từ đó làm bàn đạp xung kích Đại đội 5 Trinh Sát của Trung úy Lê văn Chánh, phòng thủ Bộ Tư lệnh HQ/SĐ ở hướng tây bắc và chính tây... chỉ cách một con đường.

Tuyến đông bắc thị xã, Tiểu đoàn 52/BĐQ bị tấn công mạnh, bị thủng tuyến ở quãng giữa, phải dạt sang hai bên thành hai cánh quân rời nhau. Địch chiếm Ty Chiêu Hồi và Trường Trung học Tỉnh, đang tấn công vào Đại đội 5 Trinh Sát, cũng... chỉ cách một con đường. Như vậy BTL/HQ đang bị tấn công ở phía tây bắc cách hầm chỉ huy của Tướng Hưng chừng 150m và hướng đông bắc chừng hơn 100m. Tướng Hưng tức tốc ra khỏi hầm hành quân với toán Truyền tin vô tuyến và Thiếu úy Tùng, Sĩ quan Tùy viên, theo sau là Đại tá Ulmer. Toán binh sĩ tùy tùng tư lệnh nằm trong villa và canh gác đêm qua liền bố trí bao quanh Tướng Hưng và Đại tá Ulmer đứng trên sân gần cột cờ, đang liên lạc với các đơn vị trưởng.

Lúc đó, Đại tá Vỹ và chúng tôi, tất cả sĩ quan và nhân viên hành quân khác trong hầm hành quân đều lên tuyến phòng thủ bộ tư lệnh, mặt tiền, xoay ra đại lộ Nguyễn Huệ. Tuyến này là của hai Tiểu đội Trinh sát tùy tùng bảo vệ tướng tư lệnh và của nhân viên Phòng 1, 2, 3 và 4 của BTL/HQ, lúc đó đã có tất cả gần bốn mươi tay súng, kể cả hai Đại tá Lê Nguyên Vỹ và Bùi Đức Điềm. Trong hầm chỉ còn lại hai Đại úy Cường và Triệu của Phòng 2/HQ và các sĩ quan và chuyên viên của Toán Truyển tin/HQ Sư đoàn tiếp tục thu nhận tin tức báo cáo của các đơn vị phòng thủ. Dĩ nhiên lúc đó tất cả đơn vị trưởng đều lên máy trực tiếp với Tướng Hưng. Tuy vậy, ban tham mưu của các vị này vẫn báo cáo đều về Trung tâm Hành quân Sư đoàn (TOC- Tactical Operations Center) mà hai ông Đại úy đó và các sĩ quan Truyền tin trên ghi chép.

Ở phần trên tôi có nói về biệt tài ghi nhớ tọa độ địa hình (khoa Địa hình học, Topography), việc điều động các phi cơ oanh kích và đánh bom yểm trợ quân của ông, khi cần thiết chỉ cách một con đường, và nhất là việc ông nhớ tên và ám số truyền tin, đến cấp Đại đội trưởng, của tất cả các đơn vị cơ hữu và tăng phái. Các biệt tài này rất cần thiết cho việc cầm quân đánh giặc, không phải vị tướng hay tá nào... có được đâu. Đó không phải là “trí nhớ” dai nhưng là phương pháp tự nghĩ ra “cách nhớ” rất khoa học. Tôi nằm ở một nơi bên trong bờ rào đất đắp dọc theo con đường trước dãy nhà làm việc. Tiếng súng nổ dòn dã ở khắp các tuyến khác. Một chập sau, tôi tự thấy mình vô lý quá. Nhiệm vụ của mình đâu phải là nằm đây để bắn... ai đó mà phải ở gần tướng tư lệnh Sư đoàn giúp đỡ ông ta khi cần biết đến những gì liên quan đến địch quân. Nhìn quanh không thấy Trung tá Đăng, Trưởng phòng 3 ở đâu, chắc là ông đã trở xuống Trung tâm Hành Quân, tôi trở lại sân cờ nơi Tướng Hưng đứng và đến gần Thiếu úy Tùng, sĩ quan tùy viên của ông. Lúc đó tôi mới biết là Tướng Hưng vừa cầm ống vô tuyến vừa liên lạc với Trung úy Chánh, Trung tá Quân Trung đoàn trưởng Tr.Đ 7 và Trung tá Biết, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3/BĐQ, vừa liên lạc điều động phản lực oanh kích KQVN yểm trợ cho tuyến của mấy ông này. Chốc chốc đọc tọa độ cho Thiếu úy Tùng chuyển cho Đại tá Ulmer, đứng cách đó hơn chục bước, cũng đang điều động hay gọi các phản lực cơ và trực thăng võ trang Cobra của Không Lực Hoa Kỳ đánh yểm trợ, đánh vào các tọa độ mà Tướng Hưng yêu cầu. Một chập sau tôi biết ngay là tuyến phía nam và đông nam việc yêu cầu và điều động hướng dẫn đánh bom và oanh kích của KQVN và KLHK ông để toàn quyền cho Đại tá Lê Quang Lưỡng và Đại tá Trần văn Nhật quyết định cùng với và các cố vấn của Lữ đoàn Dù và Tiểu khu. Tuyến phía đông do Trung tá Nguyễn văn Biết Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3/BĐQ và tuyến phía bắc do Trung tá Phan văn Huấn, Liên đoàn trướng LĐ81/BCND quyết định và điều động. Chính Tướng Hưng cũng điều động không yểm tuyến của Trung đoàn 8 ở mặt tây bắc.

Các tuyến mặt bắc và tây bắc của LĐ81/BCND và Trung đoàn 8 tuy bắn hạ mấy chiến xa của quân CSBV nhưng cũng núng thế vì một phần tuyến của hai đơn vị này bị chọc thủng, phải lùi lại phía sau một ít. Một điều... dễ hiểu là mỗi lần liên lạc với Trung đoàn 8 bộ binh trực thuộc, chỉ nghe Tướng Hưng lên máy với Thiếu tá Huỳnh văn Tâm, Trung đoàn phó, hay gọi thẳng chỉ thị cho các Tiểu đoàn trưởng chớ không phải với ông đại tá Trung đoàn trưởng.

Từ sáng tinh sương đến giờ đó, khoảng 9 giờ 30 phút sáng, đã có trên 180 phi xuất khu trục phản lực của KQVN và KLHK yểm trợ cho tất cả các tuyến phòng thủ và hơn 10 boxes B-52 đã dội trên các khu vực tiếp cận ngoài vòng đai phòng thủ, nhưng tình hình mỗi phút mỗi thêm nguy ngập. Đại đội 5 Trinh sát, ngoài hai Tiểu đội bảo vệ tướng tư lệnh, một đang ở cạnh ông và một trên tuyến phía đông dọc theo đại lộ Nguyễn Huệ, còn đại bộ phận gần 90 chiến sĩ, đến giờ phút đó đã hy sinh hay bị trọng thương tại tuyến hơn phân nửa, chỉ còn lại 42 chiền sĩ chiến đấu được, trong số cũng có nhiều người bị thương nhẹ hơn.

Đó là giờ phút nguy hiểm, khó khăn, nhất cho Tướng Hưng. Cuối cùng vì thấy tuyến phía nam và đông nam các đơn vị Dù đã hoàn toàn làm chủ trận địa, Tướng Hưng hỏi ý kiế̉n Đại tá Lưỡng, cùng đồng ý quyết định tăng cường Đại đội 63 của TĐ6ND (đã rút từ ấp Srok Ton Cui về tuyến phòng thủ đông nam thị xã trong trận tấn công của Trung đoàn 141 SĐ-7/CSBV, ngày 21/4, chiếm Đồi 169 và Đồi Gió) cho Tiểu đoàn 8 Dù của Trung tá Văn Bá Ninh, án ngữ mặt nam từ đầu xa lộ khu trực thăng tạm, xuống đến cổng Xa Cam, nơi đó Tiểu đoàn này đã hạ 6 chiến xa của quân CSBV từ sáng sớm... Quyết định quan trọng nhất là rút TĐ5BĐQ của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu từ ngoại vi đông nam An Lộc lên phía bắc, vào thành phố, để phản công chiếm lại các nơi đã bị địch chiếm, đồng thời đưa Đại đội Trinh Sát của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù từ tuyến phòng thủ gần BCH Tiểu khu lên bảo vệ cho BTL/HQ của SĐ5BB mà Đại đội 5 Trinh sát đã quyết tử giữ vững hơn bốn giờ trước đó. Quyết định này vô cùng quan trọng là tuy nới lỏng hệ thống phòng thủ tuyến nam và đông nam An Lộc, nhưng bảo đảm được sự tồn tại của An Lộc vì đã bảo vệ được Bộ Tư lệnh Hành Quân Sư đoàn cũng là BTL/HQ của chiến trường An Lộc. Tướng Hưng và Đại tá Lưỡng đã quyết định vận mệnh của An Lộc... trên hết mọi quyết định khác của BTL/QĐIII & V3CT hay của BTL/TRAC, của BTTM/QLVNCH hay của BTL/MACV, của Sài Gòn hay Washington. Thực là rõ ràng.

Từ 10 giờ sáng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù chia làm hai cánh tiến vào thành phố. Cánh thứ nhất đánh phản công chiếm lại Trường Trung học Tỉnh lỵ và Ty Chiêu Hồi, nối lại hai cánh quân của TĐ52/BĐQ. Chiến đoàn 3 BĐQ lập lại tuyến phòng thủ ở đông bắc BTL/HQ nhanh chóng. Cánh thứ hai đánh phản công chiếm lại Ty Công Chánh ở phía tây BTL/HQ trong khi ĐĐTS Dù cũng đã đến vòng đai phòng thủ của BTL/HQ. Đến khoảng 2 giờ chiều cục diện của trận chiến ngày hôm đó đã ngã ngũ. Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù, Đại đội Trinh Sát Lữ đoàn 1 Nhảy Dù là cứu tinh của BTL/SĐ5BB, và Đại đội 5 Trinh Sát trước tiên là đơn vị bộ binh ưu tú nhất đã bảo vệ được vị chủ soái của mình. Chỉ với hơn bốn chục chiến sĩ còn lại mà đơn vị này đã đẩy lui được nhiều đợt của hai mũi tấn công của quân CSBV trong bốn tiếng từ 6 đến 10 giờ sáng trước khi quân Dù đến cứu nguy cho BTL/HQ của Tướng Hưng (sau trận An Lộc, chỉ trong vòng một năm Trung úy Chánh, Đại đội trưởng ĐĐTS thăng đến cấp Thiếu tá và được bổ nhậm là Quận trưởng Quận Định Quán, tỉnh Tuyên Đức).

Nhờ các đơn vị Dù cứu tinh nói trên ở trung tâm thành phố, và nhờ các trực thăng Cobra HK đánh rất rát vào vị trí quân CSBV, mặc dù loại hỏa tiển SA-7 Strela và các loại súng phòng không 23mm, 37mm và 57mm của chúng bắn lên dữ dằn, làm cho các phi công HK phải hết sức thận trọng và bị khó khăn, mà vẫn không tránh được thiệt hại, dù rất ít... nên ở tuyến phía bắc, Trung đoàn 8 phản công nhích lên tuyến phòng thủ trước trận đánh và LĐ81BCND cũng phản công tái chiếm lại trụ sở của Cảnh sát Dã chiến và khu Chợ Mới đã mất trong buổi sáng và trở lại tuyến phòng thủ đêm hôm trước. Suốt từ trưa đến chiều, Không Quân Chiến Lược HK --do yêu cầu của hai ông Tướng Minh và Tướng Hollingsworth, Tư lệnh TRAC-- cũng đã thực hiện thêm hơn 10 boxes B-52 chung quanh An Lộc nhất là ngoài tuyến phòng thủ mặt bắc, đông và tây, yểm trợ cho LĐ81BCND, cho CĐ3/BĐQ và cho TĐ7BB phản công chiếm lại tuyến phòng thủ; có mấy boxes đánh sát các đơn vị này chừng 800m. Mọi tuyển phòng thủ thành phố trở lại tình trạng ổn định hơn, trước khi nắng tàn, mặc dù ở tuyến của Tiểu đoàn 52/BĐQ còn khuyết một lõm ở quãng giữa mà quân CSBV cố bám vị trí rất sát với chiến sĩ BĐQ để tránh bị tiêu diệt bởi hỏa lực của KQVN và HK. Ở Tuyến hướng chính tây chúng vẫn còn chiếm giữ Trại giam (Bản đồ # 6).

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 10
Các đơn vị CSBV tấn công, bị tổn thất rất nặng, kể cả số chiến xa bị bắn cháy hay chết rụi nằm trong các tuyến. Số quân còn lại của các đơn vị này vẫn bám trụ bên ngoài của mỗi tuyến phòng thủ vì bom và oanh kích của KQVN và KLHK oanh kích và dội bom dữ dội vào tuyến tấn công của chúng. Cả ngày hôm đó không yểm chiến thuật lên đến hơn 300 phi xuất và Không quân Chiến lược HK đánh gần 30 boxes B-52 trong các mật khu và trên các tuyến đường vận chuyển của chúng, trong số đó có chừng 20 boxes đánh rất gần ngoại vi thị xã. Chính vì sự còn “bám sát” trận địa của các đơn vị bộ chiến nên đêm tối 11/4, pháo của chúng dội vào thành phố không nhiều lắm, chỉ chừng trên dưới một nghìn quả. Thêm nữa, các “Hỏa Long” của KLHK từ căn cứ Không quân Utapao Thái Lan đến bao vùng từ chập tối, suốt cả đêm, cũng đã triệt hạ từng cụm pháo hay từng chiến xa địch ở ngoại vi An Lộc.

Buổi tối, khi Tướng Hưng gọi tôi vào hầm riêng của ông để kiểm điểm lại trận chiến, thì mới biết rõ lời khai của người tù binh thuộc Tiểu đoàn Trinh sát SĐ-5/CS bắt được trong ngày 6/5/1972 có sự khác nhau khá lớn vì: SĐ-5/CS --chủ lực trong trận tấn công đợt 3 này-- chỉ sử dụng Trung đoàn 174 tấn công vào tuyến của Trung đoàn 8 và LĐ81/BCND ở mặt bắc và Trung đoàn E-6 tấn công tuyến của CĐ3/BĐQ ở hướng đông bắc và chính đông. Trung đoàn còn lại là Trung đoàn 275 ghi nhận chiếm vùng Đồi Gió và Đồi 169. Cũng được biết là Tư lệnh bộ của Sư đoàn này ở Srok Ton Cui gần đó như tin tức ghi nhận vô tuyến của Đại đội Kỹ Thuật của BTL/HQ/ SĐ5BB. Trong khi đó thì Trung đoàn 95C của SĐ-9/CS tấn công tuyến tây bắc và Trung đoàn 272 tấn công tuyến chính tây của Trung đoàn 7/SĐ5BB. Còn tuyến phía nam là do Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS chia làm hai cánh tấn công vào tuyến phỏng thủ của một đơn vị ĐPQ Tiểu khu tiến vào đường Huỳnh Thúc Kháng đâm ngang hông phía tây của BCH Tiểu khu và cánh thứ hai tấn công vào cổng Xa Cam, do TĐ1/48 thuộc Chiến đoàn 52 --lúc đó đang đặt dưới hệ thống chỉ huy của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù-- trấn đóng, chừng hơn hai cây số cách TĐ8ND ở bãi trực thăng tạm về phía nam. Từ sáng sớm Đại tá Lê Quang Lưỡng đã ra lệnh cho TĐ8ND của Trung tá Văn Bá Ninh phản công, hạ 6 chiến xa CSBV và chiếm lại địa điểm này. Như vậy là có đến 5 mũi tấn công chính của quân CSBV vào các tuyến phòng thủ chớ không phải 4. Ở mỗi tuyến tấn công các mũi nhọn cấp Trung đoàn của quân CSBV đều có sự phối hợp từ 8 đến 10 chiến xa của Trung đoàn 203 Chiến xa và của Đơn vị 202 Chiến xa CSBV. Sự phối hợp này rất lỏng lẻo. Chiến xa chạy vào các tuyến trước, quờ quạng như những con cua biển bò trên đất, nên bị chiến sĩ phòng thủ hạ không khó lắm. Còn quân bộ xung kích thì chỉ diễn ra sau khi chiến xa đã bị hạ gần hết.

Điều ngạc nhiên là tuyến đông nam của BCH Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, với ĐĐTS và TĐ5ND của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu đóng gần đó làm trừ bị không hề bị tấn công... khi mà SĐ-5/CS và Trung đoàn 209 trực thuộc, với các đơn vị chuyên môn yểm trợ khác, nằm ở các vùng cao điểm đông nam chỉ cách tuyến của BCH Lữ Đoàn Nhảu Dù chừng ba, bốn, cây số.... Tại sao vậy? Ước đoán là TWC/MN tránh không muốn tấn công mặt này vì sơ chạm phải các đơn vị Nhảy Dù thiện chiến, tránh thiệt hại quân vô ích, ngoại trừ tấn công đơn vị trấn giữ sân trực thăng ở đầu nam xa lộ chạy đến gần cổng Xa Cam. Nếu tấn công, xung kích, mà dứt điểm được Trung đoàn 7 và 8 của SĐ5BB và chiếm được BTL Sư đoàn này, mặt trận sẽ tan rã, thì các đơn vị Nhảy Dù ở tuyến phía nam và đông nam cũng bị cô lập và sẽ bị tiêu diệt sau. Kế hoạch tổng công kích An Lộc đợt ba này của TWC/MN do đó đã thất bại hoàn toàn vì sơ hở trọng đại này. Chính không dám tấn công mặt đông nam nên Tướng Hưng và Đại tá Lưỡng mới dám rút TĐ5ND và ĐĐTS/ND phản công đánh bật các mũi dùi phía tây và đông bắc BTL/HQ của SĐ5BB, từ đó bắt đà cho các cánh quân phòng thủ ở mọi tuyến khác phản công chiếm lại các vị trí đã mất.

Sau này, tôi thấy có tài liệu viết rằng, không phải Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS tấn công cổng Xa Cam --tuyến của TĐ1/48 Chiến đoàn 52 của ĐPQ-- mà là Trung đoàn 275 của SĐ-5/CS (Tài liệu của Ban Quân Sử BTTM/QLVNCH ghi là “Trung đoàn 275 của SĐ9.” Đó là sự nhầm lẫn hoặc in nhầm, vì Trung đoàn 275 là đơn vị trực thuộc của SĐ-5/CS). Vì vậy nên SĐ-5/CS đã sử dụng hết lực lượng rồi đâu còn đơn vị nào nữa mà tấn công tuyến đông nam của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù. Nhận định này cũng đúng. Nhưng, dù đúng như vậy, thì đó vẫn là sơ hở trong kế hoạch tổng công kích đợt 3 của TWC/MN vào An Lộc. Còn tài liệu của TS Willbanks không ghi rõ phối trí lực lượng tấn công của CSBV trong đợt này. Ông này hình như cũng nói theo tài liệu của Ban QS/BTTM/QLVNCH cho rằng Trung đoàn 274 của SĐ5 tấn công vào tuyến của LĐ81/BCND ở tuyến bắc. Trung đoàn này, không tham dự đợt tấn công này vào An Lộc vì không trực thuộc hai Sư đoàn CS nói trên. Cũng xin nhắc lại: SĐ-5/CS chỉ có 3 Trung đoàn 174, E-6 và 275. Còn SĐ-9/CS chỉ có các Trung đoàn 271, 272 và 95C. Trong một trận đánh mà CSBV né tránh, không muốn đề cập đến, lại không dựa vào các tài liệu thu được ở chiến trường hay căn cứ vào khai báo của tù binh bắt được... thì có lắm chuyện “Ông nói gà Bà nói vịt” xảy ra. Chỉ có các tay tổ của TWC/MN biết rõ hơn ai hết mà họ không chịu nói thì ai nói cho trúng đây....

Trở lại tối 11/4, khi tôi gặp Tướng Hưng trong hầm riêng của ông, ông hỏi tôi đạn pháo ở đâu ra mà CSBV có nhiều đến vậy. Tôi trả lời rằng đâu phải chúng chỉ sử dụng riêng các loại đại bác mà SĐ69 Pháo/TWC/MN đã có, mặc dù trước trận đánh Sư đoàn này nhận được rất nhiều đại pháo mới và rất nhiều đạn ở bãi trên Sông Chhlong ở Kratié, như lời khai của người sĩ quan thuộc Tiểu đoàn Trinh sát của Sư đoàn này tôi đã nói ở phần trên, mà chúng còn sử dụng các loại đại bác 105 ly, 155 ly, và cả các loại súng cối 60 ly và 81 ly mà chúng ta bỏ lại ở căn cứ A của TĐ74/BĐQ/BP, ở ngã ba Lộc Tấn của các khẩu pháo tăng phái cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh, ở Lộc Ninh của Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Chi khu Lộc Ninh, ở căn cứ Hùng Tâm của Chiến đoàn 52 và ở cầu Cần Lê trong các trận trước. Số súng mà chúng lấy được trên dưới bốn mươi khẩu còn sử dụng được và trên 8,000 quả đạn hay nhiều hơn…. Chúng đã đem các khẩu đại bác này và đạn bắn vào An Lộc cùng với các loại đại bác, hỏa tiễn và súng cối của chúng. Tóm lại, các đơn vị của SĐ69 hay70 Pháo/TWC/MN đã dội xối xả vào An Lộc gồm đủ loại trong pháo và đại pháo từ nhỏ chí lớn, súng cối 60ly, 61 ly, 81 ly, 82 ly, bích kích pháo 120 ly, 160 ly của Liên xô, hỏa tiễn 122 ly, đại bác 105 ly, 155 ly, loại đại pháo liên hợp 6 hay 8 khẩ̉u 75 ly, không giật, đặt trên xe di chuyển, thay đổi vị trí ngay sau mỗi đợt bắn, là loại tối tân nhất của Liên xô, và cuối cùng là đại bác 130 ly với đầu đạn nổ chậm –là loại đầu đạn xuyên phá sâu vào mặt đất trước khi nổ, rất nguy hiểm. Nhiều tài liệu không chấp nhận CSBV đã dùng loại đại bác này. Loại đại pháo này được chúng sử dụng với các đặc điểm như sau: một tiếng nổ nhỏ phát ra khi đạn rời khỏi nòng súng, tiếng nổ khi đạn chạm mặt đất và xuyên xuống, tiếng nổ cuối cùng khi đạn phát nổ dưới đất với một bựng khói bốc lên cao chừng tám đến mười thước. Một hầm rộng chỉ cần “lãnh” một quả là sụp đổ tan tành.... Nghe ba tiếng… tách, phụp, bùm và thấy cụm khói đỏ xám bốc lên khỏi mặt đất thì... biết đó là đại bác 130 ly của Hồng Quân Liên xô cung cấp cho Quân đội Bắc Việt và chúng đưa vào tận chiến trường An Lộc. Hình như chỉ có một hai khẩu.... Rõ ràng là CSBV đã áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” ở mức độ cao nhất ở chiến trường này để quyết tâm tiêu diệt lực lượng phòng thủ An Lộc và dù có biến thành phố này thành “bình địa” chúng cũng phải chiếm cho được. Số đạn chúng dội vào thành phố nhỏ này tính trung binh mỗi chiến sĩ hay mỗi cư dân đã chịu hứng 5 hay 6 quả. Ai chết ai sống, nào ai biết! Vậy từ 9,000 quả, 10,000 quả, hay 11,000 quả ai nói thì cũng phải... vì có ai biết rõ đâu, kể cả những người đã sử dụng pháo định tiêu diệt tất cả mọi người trong thành phố đó... Nhưng chúng đã thất bại.

Trong ngày kế tiếp, 12/5/1972, hình như để chấn chỉnh lại đội ngũ xung kích nên từ sáng sớm đến chiều chúng chỉ pháo kích chừng hai nghìn quả vào các tuyến phòng thủ. Khi trời vừa sụp tối chúng bắt đầu tấn công phối hợp bộ binh chiến xa... đánh ban đêm. Ở hướng tây Trung đoàn 272 SĐ-9/CS tăng cường chiến xa xung kích tuyến của Trung đoàn 7. Ở hướng đông bắc, Trung đoàn 174 của SĐ-5/CS tấn công xung kích vào tuyến của TĐ52/BĐQ và Trung đoàn E-6 của SĐ-5/CS được tăng cường chiến xa tấn công vào TĐ36/BĐQ ở hướng chính đông. Nhưng ở các tuyến chiến xa của chúng bị hạ thêm và các đợt xung kích bộ binh dù dữ dội cũng bị đẩy lui với tổn thất lớn. Ngay trong thành phố, đếm được 28 chiến xa các loại của CSBV bị hạ và ở cổng Xa Cam 6 chiếc nữa do TĐ8ND hạ; tổng cộng là 34 chiếc gồm các loại T-54, PT-76, BTR-50 và ZSU (Bản đồ # 9). Đến sáng ngày 13/5 quân CSBV không còn vụ xung kích nào nữa.... Từ ngày đó chỉ còn các cuộc chạm súng nhỏ diễn ra ở các khu vực mà quân CSBV còn giữ được trong thành phố ở phía tây, bắc và đông bắc. Hằng ngày địch vẫn còn pháo bừa bãi vào thành phố và các tuyến phòng thủ. Tuy nhiên TWC/MN đã không còn đủ lực lượng để tấn công một trận lớn nào nữa vào An lộc sau ngày 13/5/1972 này cho đến khi lực lượng của Tướng Hưng phản công trong tháng 6/1972.

Hình như bị thiệt hại lớn lao hay vì lâm vào thế phải thay đổi cả chiến lược, Tướng Trần văn Trà đã ra lệnh cho SĐ-5/CS rút hẳn ra khỏi chiến trường này trong tuần lễ kế tiếp, sau hai ngày thất bại ở đợt 3 tổng công kích An Lộc... để mở các mặt trận mới trong lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật, mà Tướng Nguyễn văn Minh đã nhìn thấy trước và đã giữ lưc lượng trừ bị đối phó. Chỉ còn SĐ-9/CS ở lại bám sát các tuyến phòng thủ và “bao vây thành phố.” Các đơn vị pháo của SĐ69 Pháo của TWC/MN vẫn tiếp tục bắn phá các tuyến phòng thủ và các đơn vị phòng không của chúng vẫn còn bắn các phản lực oanh kích và dội bom hay trực thăng của KQVN và KLHK trong nhiều tuần nữa. Nhưng số đạn chúng pháo vào thành phố giảm từng ngày, từ một hai nghìn xuống vài ba trăm, rồi vài chục quả mỗi ngày. An Lộc coi như đã thoát hiểm, các đơn vị phòng thủ coi như đã chiến thắng cuộc chiến long trời lở đất đó. Tuy vậy với vị tướng thận trọng và dè dặt như Tướng Nguyễn văn Minh, chưa thể gọi là chiến thắng khi bộ binh tiếp viện của ông chưa vào được thị trấn tỉnh lỵ Bình Long này. Ông đã có kế hoạch mới cho An Lộc trong khi Tướng Trần văn Trà đang có kế hoạch mới cho Mặt trận B-2 mà trước đó ông ta là Tư lệnh (lãnh thổ bao gồm Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật của VNCH ở Nam Việt Nam). Hãy xem lại kế hoạch của Tướng Nguyễn văn Minh cứu nguy và đưa quân vào An Lộc.

11. GIẢI TỎA AN LỘC, PHẢN CÔNG

Có lẽ ngay trong giữa khuya 10/5 rạng ngày 11/5 khi được Tướng Hưng báo cáo là địch đang pháo kích với cường độ vô cùng lớn lao và An Lộc sẽ bị tấn kích trong buổi sáng sớm hôm sau khi dứt tiếng pháo... nên Tướng Minh và Bộ Tham mưu Hành quân của ông đã họp khẩn cấp lúc đó để hoạch định sử dụng các đơn vị chưa lâm chiến thi hành ngay kế hoạch cứu nguy cho An Lộc trong ngày hôm sau. Theo nhận định riêng của tôi thì kế hoạch này có hai phần, diễn ra chỉ cách nhau mấy ngày.

Thứ nhất: Tấn công mạnh để “bứng chốt” ở suối Tàu-Ô nhưng thực ra là để kềm SĐ-7/CSBV không cho tăng cường quân lên mặt bắc tập trung truy diệt Lữ đoàn 3 Nhảy Dù hiện đang còn hành quân trong các vùng ấp Đức Vinh và ấp Tân Khai từ 6km đến 10km phía nam An Lộc hay hợp công với các đơn vị chủ lực khác dứt điểm An Lộc.

Thứ hai: Khi quân CSBV tấn công vào An Lộc đợt 3 này thì ở vùng hai ấp nói trên có hai Trung đoàn 165 và 141 của SĐ-7/CSBV cộng thêm Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS. Tất nhiên chúng phải rút bớt đơn vị sau trả về Sư đoàn gốc để tấn công An Lộc, chỉ còn lại ở chiến trường phía nam này hai Trung đoàn của SĐ-7/CSBV đã đang còn đánh nhau dữ dội với LĐ3ND và tất nhiên là đã thấm mệt vì tổn thất bởi các trận chạm súng và bởi hỏa lực không yểm quân Dù của KQVN và KLHK, nhất định là đã yếu đi. Nay Tướng Minh đổ thêm một cánh quân mạnh vào Tân Khai, tức nhiên lấy mạnh đánh yếu, vừa giải tỏa áp lực cho LĐ3ND, vừa có thể đánh thốc lên tiến thằng vào An Lộc bắt tay với các cánh quân phòng thủ An Lộc của Tướng Hưng mà gần nhất ở mặt nam là cánh quân của LĐ1ND của Đại tá Lê Quang Lưỡng. TWC/MN đã hết quân, không thể truy cản được cánh quân mới nhập trận này.

Phần thứ nhất của Kế hoạch được thưc hiện vào sáng tinh sương ngày 11/5/1972.

Trung đoàn 32 của SĐ21BB được tăng cường hai Chi đoàn chiến xa 1/5 và 1/18, cộng thêm Chi đoàn 1/2 Thiết kỵ, chia làm hai mũi, xuất phát từ Chơn Thành cặp theo hai bên trục QL-13 tấn công mạnh vào chốt chặn ở đoạn đường dài hơn 3 cây số khu vực suối Tàu-Ô. (Quận lỵ Chơn Thành được giao cho Trung đoàn 9/SĐ5BB (-) --mới được tái lập với hai Tiểu đoàn, tạm thời đặt trực thuộc hệ chỉ huy hành quân của SĐ21BB, bảo vệ trục QL-13 từ Lai Khê lên Chơn Thành). Ở mặt trận Suối Tàu-Ô, cuộc chạm súng đã diễn ra vô cùng dữ dội. Cần nói là trước khi quân của Trung đoàn 32 tiến đánh các mục tiêu, các chốt chặn liên hợp của Trung đoàn 209/SĐ-7/CSBV tăng cường Trung đoàn 101 Địa phương, một Đại đội trinh sát của SĐ-7/CSVB, Đại đội C41 Chống Chiến xa, một Đại đội phòng không, tất cả ước chừng hơn 1,200 cán binh --đóng chốt trong hai căn cứ với hầm hố kiên cố ở hai bên đường do các đơn vị HK để lại, kết hợp với các địa đạo sâu chi chít và hệ thống các “kiềng” dày đặc-- đã bị dội hàng chục phi xuất B-52, và mỗi lần bị tấn kích chúng đã phải hứng hàng vài chục phi xuất không kích với bom, đạn, kinh hồn... của KQVN và KLHK mà chắc chắn rằng tổn thất không nhỏ. Có lẽ chúng chỉ thêm quân từng toán nhỏ và tiếp tế vào đêm... nhưng các chốt đó vẫn tồn tại. Cũng dĩ nhiên là chúng cũng không thể nhích chân để chuyển lên phía bắc để tiếp tay với các đơn vị khác. Và như vậy, Tướng Minh cũng thực hiện được một phần kế hoạch của ông, mặc dù sau đó đã phải tăng viện thêm cho Trung đoàn 32 ba Tiểu đoàn 65,73 và 84 BĐQ....

Phần thứ hai của Kế hoạch được thực hiện vào ngày 14/5/1972.

Trong ngày 11/5 khi Trung đoàn 15 của SĐ9BB đến Lai Khê, Trung tướng Minh định đưa vào tăng cường cho Tướng Hưng, bằng trực thăng vận vào thẳng An Lộc, nhưng trong đêm 10 rạng 11/5 CSBV pháo kích khủng khiếp vào An Lộc và biết rằng sáng sớm chúng sẽ tấn công vào các tuyến phòng thủ thành phố bằng bộ binh và chiến xa nên Trung tướng Minh đã thay đổi chiến thuật: vẫn đưa Trung đoàn này và một Trung đoàn khác vào An Lộc nhưng bằng cách khác. Sau mấy ngày chuẩn bị, mặc dù sau hai ngày 11 và 12/5 các mũi tấn công của CSBV và các tuyến phòng thủ đã bị chặn đứng và mức độ tấn kích của chúng cũng giảm đi, nhưng kế hoạch vẫn được tiến hành. Hai cánh quân được chuẩn bị để đưa vào chiến trường:

Cánh quân thứ nhất là Chiến đoàn 15 với các Tiều đoàn 1, 2, 3 và Đại đội 15 Trinh Sát trực thuộc, tăng cường Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Pháo đội 93 Pháo binh, do Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy, chia làm ba đợt, trước tiên vào Tân Khai. Sau đó sẽ dùng nơi này làm “bàn đạp” tiến lên An Lộc. Đợt thứ nhất xuất phát gồm Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Tiểu đoàn 1/15 tùng thiết kéo theo Pháo đội 93, xuất phát từ Chơn Thành, hành quân bộ tiến lên hướng bắc, đến Ngã ba Ngọc Lầu, 2km bắc Chơn Thành bọc vòng ra phía đông QL-13, nội trong ngày 15/5 đã vào ấp Tân Khai và thiết lập căn cứ hỏa lực Long Phi. Đợt thứ hai, Tiểu đoàn 2/15 được trực thăng vận xuống bãi đáp phía tây cách Tân Khai chừng 1km, tiến vào ấp trong ngày 16/5. Sau đó Bộ Chỉ huy Chiến đoàn đổ xuống căn cứ hỏa lực trong ấp. Đợt thứ ba, Tiểu đoàn 3/15 và ĐĐ15TS cũng được trực thăng vận đổ xuống phía đông, rồi tiến vảo Tân Khai. Các cuộc đổ quân an toàn.

Cánh quân thứ hai là Trung đoàn 33/SĐ21BB với các Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội trinh sát trực thuộc, do Trung tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy, cũng sẽ vào Tân Khai. Từ đó sẽ tiến lên An Lộc song song với cánh quân thứ nhất. Ngày 17/5 một Tiểu đoàn của Trung đoàn này được trực thăng vận vào căn cứ Long Phi để bảo vệ đơn vị pháo binh và thay cho Tiểu đoàn 2/15 rút ra khỏi căn cứ và di chuyển quân bên ngoài tiếp nối với Tiểu đoàn 3/15. Ngày 18/5 Trung đoàn 33 (-) xuất phát từ một căn cứ hỏa lực cách Ngã ba Ngọc Lầu 1km và cách Chơn Thành 3km về phía bắc, cũng bọc ra hướng đông trục lộ, theo đường tiến quân của Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Tiểu đoàn 1/15 trong mấy ngày trước, vào Tân Khai trong ngày đó. Như vậy, đến ngày 18/5 này coi như cả hai cánh quân giải tỏa An Lộc đã đến được địa điểm tập trung và xuất phát mới chỉ cách An Lộc về phía nam chừng 10km.

Nhưng 10 cây số này là đoạn đường sống chết vô cùng nguy hiểm cho cả hai cánh quân nói trên nếu không có một cánh quân bạn --tái nhập cuộc-- làm đảo lộn cục diện ở đoạn đường này và cục diện chiến trường An Lộc, vì đã đánh một trận để đời làm cho... quân CSBV thực sự kiệt lực.

Xin nhắc lại diễn tiến:

Ngày 18/5, khi Trung đoàn 33 (-) của SĐ21BB đến Tân Khai thì Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn bắt đầu xuất phát tiến lên An Lộc, với toàn bộ 3 Tiểu đoàn, Đại đội trinh sát và nguyên vẹn Thiết đoàn 9 Kỵ binh; chỉ để lại Trung đoàn phó Trung đoàn 15 chỉ huy căn cứ pháo yểm Long Phi với 4 khẩu đại bác 105 ly và 2 khẩu 155 ly và một Tiểu đoàn của Trung đoàn 33/SĐ21BB, đến yểm trợ và bảo vệ căn cứ từ hôm trước. Như vậy, khi xuất phát từ Tân Khai tiến lên An Lộc, Trung đoàn 33 (-) của Trung tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy có hai Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội trinh sát trực thuộc, không có đơn vị chiến xa cùng theo. Ở đây có một chi tiết quan trọng cần nêu lên là hai cánh quân này cùng tiến lên giải tỏa hay bắt tay với các đơn vị phòng thủ An Lộc không có một cấp chỉ huy thống nhất, cấp bậc cao hơn --tức là cấp đại tá-- để chỉ đạo hai ông trung tá chỉ huy hai cánh quân khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ. Dĩ nhiên, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh SĐ21BB chỉ huy toàn thể các cánh quân đó, nhưng ông ở Lai Khê lại còn phải điều động các cánh quân khác nữa, nên cần... phải chỉ định một vị chỉ huy và ban tham mưu của vị này để trực tiếp chỉ huy Chiến đoàn 15 và Trung đoàn 33. Cũng cần nên nói là sao chỉ tổ chức “một Chiến đoàn” quá nhiều quân và “một Trung đoàn” trừ bớt một Tiểu đoàn trong khi hai cánh quân này cùng song song tiến theo trục lộ: Chiến đoàn 15 ở hướng tây và Trung đoàn 33 (-) ở hướng đông? Do đó, trước tiên là thiếu sự chỉ huy phối hợp, thiếu đồng nhất --cánh mạnh, cánh yếu. Thứ đến, kế hoạch hành quân không được phối hợp chặt chẽ, thiếu yểm trợ hữu hiệu, và có thể thiếu cả sự tương trợ khi cần đến nhau. Tóm lại những quyết định tại chỗ của một cấp chỉ huy thống nhất rất cần thiết cho một cuộc hành quân phối hợp có nhiều đơn vị khác nhau.... Dựa vào “logic” mà nói thì nhận định trên không sai, nhưng hình ở trận lần thứ hai đổ quân vào Tân Khai này tình thế trận địa có vẻ phù hợp với tổ chức các cánh hành quân như Tướng Minh hay Tướng Nghi đã làm. Vì cánh quân sườn tây trục lộ tiến lên An Lộc của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chạm địch dữ dội, mạnh nhiều lần hơn so với cánh quân của Trung tá Nguyễn Viết Cần ở sườn đông trục lộ.

Đêm 18/5 địch bắt đầu pháo kích vào căn cứ Long Phi. Rốt cục, Trung tá Hồ Ngọc Cẩn quyết định để thêm Tiểu đoàn 1/15 ở lại phối hợp với Tiểu đoàn có sẵn của Trung đoàn 33, thay nhau bung ra để hạn chế bớt việc địch pháo bắn súng cối vào căn cứ hỏa lực quan trọng này.

Cánh quân của Chiến đoàn 15 từ lúc xuất phát đã bị địch đánh nhiều trận lớn, nhất là bị địch bám sát bắn súng cối liên tục trong các ngày 19, 20 và 21/5, như trước đây chúng đã dùng để đối phó với quân Nhảy Dù trong vùng này. Trận chạm súng mạnh nhất diễn ra ở ấp Đức Vinh. Đây là vùng trận địa của Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV. Mặc dù vậy, đến sáng ngày 22/5 cánh quân này đã tiến đến một địa điểm khoảng 1km hướng nam xã Thanh Bình. Xã này nằm bên ngoải vòng đai phòng thủ hướng tây nam chỉ cách thị xã tỉnh ly An Lộc chừng 2km. Như vậy là rất gần An Lộc, nhưng bị Trung đoàn 141 chận đánh dữ không tiến lên được. Các Tiểu đoàn 2/15, 3/15, Đại đội 15 Trinh Sát và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn bị pháo dữ dội, bị xung kích bằng bộ binh có chiến xa phối hợp, nhưng đã đẩy lui mọi cuộc tấn kích đó. Tuy vậy, tiến không được, thối cũng không xong. Chiến đoàn đã bị bao vây kể từ ngày 23/5. Chiến sĩ chết phải chôn tại chỗ, chiến sĩ bị thương không tản thương được. Trong mấy ngày liền phải được tiếp tế thực phẩm và đạn dược bằng thả dù. Trực thăng cũng không đáp được. Hàng ngày chỉ có vài chục phi xuất không yểm, oanh kích và thả bom là có kết quả. Thiết đoàn 9 tiến trên trục QL-13, từ Tân Khai lên Đức Vinh, theo sau Chiến đoàn, không bị tấn công. Chiều ngày 23/5 Trung tá Cẩn quyết định mở đường máu bằng Thiết quân vận của Thiết đoàn này tản thương cả trăm thương binh về Tân Khai. Thành công. Nhưng ngày hôm sau, 24/5 khi trở lên nơi đóng quân của Chiến đoàn, qua khỏi ấp Đức Vinh, Thiết đoàn bị một đơn vị cấp Tiểu đoàn và một đơn vị chống tăng của TRĐ141 phục kích, tổn thất nặng, hàng chục chiến sĩ hy sinh hàng chục mất tích, gần 80 bị thương, 22 Thiết quân vận M-113 bị B-40, B-41 và hoả tiễn AT-3 Sagger bắn hạ. Chiến đoàn 15 phải đưa một đơn vị bộ yểm trợ và phối hợp với Thiết đoàn 9 Kỵ binh mở đường trở về căn cứ Long Phi, ở Tân Khai. Sau đó, đại bộ phận chiến sĩ bộ binh của Chiến đoàn trụ lại địa điểm đóng quân bên ngoài xã Thanh Bình, tổ chức lại đơn vị. Toàn bộ chỉ còn gần 350 chiến sĩ chiến đấu được. Ngày 25/5 Chiến đoàn này lại đánh thốc lên An Lộc, nhưng không tiến lên nổi. Không yểm VNCH và KLHK đã trở nên tối cần hơn bao giờ.... Đã có hàng trăm phi xuất ngày đó và mấy ngày tiếp theo.

Cánh quân thứ hai, Trung đoàn 33 (-) của Trung tá Nguyễn Viết Cần lúc đó bắt tay với Trung đoàn 31/SĐ21BB (không nhớ tên Trung đoàn trưởng) --trước đã được đưa vào tăng cường cho Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù trong vùng ấp Đức Vinh-- khi quân Dù rút quân, vẫn bám trụ trong vùng này. Ngày hôm sau, Trung đoàn 33 tiến lên hướng bắc, Trung đoàn 31 vẫn tiếp tục được lệnh hoạt động trong địa bàn cũ vùng phía đông Đức Vinh. Trung đoàn 33 vừa qua khỏi đông bắc ấp Đức Vinh bị Trung đoàn 165/SĐ-7/CSBV chận đánh. Nỗ lực đánh thốc lên phía bắc của cánh quân này ngày 31/5/1972, cũng không thành công. Tổn thất của địch lớn bởi hỏa lực không yểm của KQVN và KLHK nhất là là trực thăng võ trang Cobra HK rất nhanh với các dàn đại liên bắn chính xác. Cánh quân này của Trung tá Nguyễn Viết Cần tránh không khỏi tổn thất, nhất là bị pháo kích, nhiều nhất vẫn là các loại súng cối 61 ly, 82 ly và loại hỏa tiễn 122 ly. Chiến sĩ bị thương đã lên đến hơn 200. Không ghi nhận rõ bao nhiêu chiến sĩ hy sinh và mất tích.

Trong bốn năm ngày kế tiếp cả hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần còn tiếp tục chịu nhiều trận tấn công xung kích bộ và chiến xa của hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV. Số binh sĩ thương vong của hai cánh quân bạn càng nhiều hơn, nhưng vẫn không thể tản thương được vì trực thăng không thể đáp xuống các vị trí đóng quân dã ngoại của các cánh quân này. Màn lưới phòng không của chúng dày đặc, nguy hiểm nhất là loại hoả tiễn SA-7. Trực thăng không thể đáp được. Chỉ có thể nhờ vào không yểm mà thôi, kể cả những boxes B-52….

Vào những giờ phút khó khăn, gay cấn nhất của hai cánh quân “Giải tỏa An Lộc” nói trên thì đơn vị cứu tinh tái xuất hiện ở chiến trường nam An Lộc này. Đó là Tiểu đoàn 6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, do Trung tá Nguyễn văn Đỉnh chỉ huy.

Nhớ lại, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh trong tháng 4/1972, đã chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đổ quân vào tăng cường An Lộc, chiếm hai cao điểm đông nam An Lộc, Đồi Gió và Đồi 169. Khi đang đóng quân tại Srok Ton Cui gần đó thì đêm 20/4 rạng ngày 21/4 cả ba địa điểm này bị hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV và Trung đoàn 209 của SĐ-5/CS tràn ngập, ông phải chỉ huy hai Đại đội đánh mở đường máu rút xuống ven Sông Bé và được trực thăng đón về Lai Khê với hơn một trăm chiến sĩ Dù. Ngày đó địch đã tấn công đơn vị của ông với lực lượng 6/1 (2,400/400). Phải đánh mở đường máu mà thôi. Sau hơn một tháng, Tiểu đoàn của ông được bổ sung với quân số thặng dư của Sư đoàn Nhảy Dù gồm các chiến sĩ Dù của tất cả các đơn vị Dù khác bị thương trong nhiều trận đánh, hồi phục sau thời gian trị bịnh --trong đó có nhiều sĩ quan các cấp dày dạn chiến trường-- và một số tân binh tình nguyện, thường là những thanh niên can đảm, nên khi tái thành lập, Tiểu đoàn đã có khả năng tác chiến như các đơn vị Dù khác. Trở lại chiến trường An Lộc để tái sát nhập với Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng. Tướng Minh giao trách nhiệm cho Trung tá Đỉnh đánh giải vây cho hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần, trước khi Tiểu đoàn Dù này vào An Lộc. Nên khi vào trận địa, Trung tá Đỉnh còn dẫn theo đơn vị của mình 300 quân bộ binh bổ sung cho Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn.

Ngày 4 tháng 6, 1972 TĐ6ND được trực thăng vận đổ quân ở một bãi đáp cách căn cứ pháo yểm Long Phi ở Tân Khai chừng 2km, hướng đông bắc. Tiểu đoàn cặp theo hướng đông QL-13 tiến lên hướng bắc, qua khỏi ấp Đức Vinh, bất thình lình đánh thúc vào ngang hông của Trung đoàn 165/SĐ-7/CSBV lúc đó đang đối đầu với Trung đoàn 33 của Trung tá Nguyễn Viết Cần. Đơn vị địch tổn thất nặng phải bỏ trận địa rút lên hướng bắc vùng Đồi Gió và Đồi 169. Áp lực địch không còn, các đơn vị của Trung tá Cần có thể dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương hơn hai trăm thương binh ra khỏi trận địa và đơn vị tiếp tục vượt qua Đồn điền cao su Xa Trạch vào ấp Đồng Phất 1, chừng 4km nam An Lộc. Ngày 6/6, đơn vị Dù của Trung tá Đỉnh tiếp tục tiến qua hướng tây trục lộ, một lần nữa đánh ngang hông Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV, giải vây, bắt tay với Chiến đoàn 15 và giao 300 quân bổ sung cho Trung tá Cẩn. Đơn vị của ông Cẩn cũng ngay sau đó cũng dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương gần 150 thương binh (Bản đồ # 8). TĐ6ND là cứu tinh của hai cánh quân miền Tây này ở mặt trận nam An Lộc. Đơn vị của Trung tá Cẩn đã khoẻ hơn…. Người anh hùng, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND, đã lập kỳ tích lớn lao đánh những trận quyết định làm cho hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV bị thiệt hại thật nặng --gần như tan rã-- báo được mối hận tháng trước bị hai đơn vị cộng sản này đánh xé đôi đơn vị của mình ở vùng Srok Ton Cui và Đồi Gió.

Ngày 8/6, hai đơn vị của hai ông Trung tá Dù và bộ binh này thành hai mũi nhọn song song cùng tiến lên An Lộc. Trong buổi sáng đó, khi TĐ6ND tiến đến phía đông xã Thanh Bình, lại lần nữa chạm súng dữ dội với một đơn vị của Trung đoàn 141, địch tháo chạy, bỏ lại trận địa trên 70 xác chết và hơn 30 súng cộng đồng và cá nhân. TĐ6ND tổn thất 11 chiến sĩ hy sinh và hơn 50 bị thương. Sau đó Tiểu đoàn này của Trung tá Đỉnh tiế́p tục tiến qua đồn điền Xa Cam và bắt tay với TĐ8ND của Trung tá Văn Bá Ninh. Trung đoàn 15 tiến theo sau và đóng quân bên ngoài An Lộc với thiệt hại trên 150 chiến sĩ hy sinh, gần 600 bị thương và trên 30 mất tích, nhưng cũng đã hạ tại trận trên 300 cán binh, thu hơn hàng trăm vũ khí cộng đồng và cá nhân, và bắn cháy 2 chiến xa của quân CSBV từ khi đổ quân vào Tân Khai và tiến lên An Lộc.

Trung đoàn 33 cũng đã tiến qua khỏi ấp Đồng Phất 1 và chạm khá nặng với một đơn vị địch quãng giữa đường khi tiến lên ấp Đồng Phất 2. Tiếc thay, khi đã đẩy lui được mọi cuộc tấn công của địch quân và vào đóng quân tại ấp này, đến ngày 29/6/72 Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Viết Cần hy sinh trong một đợt pháo kích của địch quân. Ông được truy thăng Đại tá. Nếu ở miền Đông gia đình “Đỗ Cao...” có hai người con hy sinh cho QLVNCH là Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh QĐIII & V3CT và em ruột là Thiếu tá Đỗ Cao Luận thì ở miền Tây gia đình “Nguyễn Viết...” cũng có hai sĩ quan một cấp Tướng và một cấp Tá hy sinh trên chiến trường làm rạng rỡ dòng tộc là Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh QĐIV& V4CT và em ruột là Đại tá Nguyễn Viết Cần. Còn bao nhiêu gia đình nữa có hai hoặc ba người con hy sinh ở chiến địa cho miền Nam tự do?.. Thương cảm biết bao!

Từ ngày 8/6 khi sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ hai cánh quân TĐ6ND và Trung đoàn 15 tay bắt mặt mừng với các chiến sĩ phòng thủ An Lộc thì cục diện chiến trường này đã hoàn toàn thay đổi. Trong thành phố An Lộc, Tướng Lê văn Hưng ra lệnh cho các cánh quân phòng thủ phản công đánh chiếm lại các khu vực ở các tuyến đã bị quân CSBV chiếm trong các trận đánh trước.

Tuyến hướng Tây, Trung đoàn 7/SĐ5BB chiếm lại khu vực trại giam tỉnh ra cổng Phú Lố và trọn con đường dài Hoàng Hoa Thám bọc quanh phía tây thị xã. Tuyến phía bắc Liên đoàn 81/BCND tái chiếm lại toàn bộ khu vực thương mại bắc thành phố và Sân bay Đồng Long, Tuyến phía đông Chiến đoàn 3/BĐQ chiếm trọn lại tuyến cũ trên Đại Lộ Nguyễn Du, bung ra xa khỏi đường rầy xe lửa đến cổng Quản Lợi. Đến quá trưa ngày 12/6 tàn quân của các đơn vị địch không kịp rút chạy hay bỏ trốn đều bị hạ. Tuyến phía nam thị xã, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vẫn giữ chặt chẽ từ lâu, sân bay trực thăng tạm ở đầu xa lộ bắt đầu hoạt đông lại từ đầu tháng 6, khi các cánh quân từ Tân Khai tiến lên đang đánh nhau với các đơn vị địch (Bản đồ # 7). Từ khi hai cánh quân của TĐ6ND và Trung đoàn 15/SĐ9BB vào đến vòng đai An Lộc và bắt tay với TĐ8ND, thì đã có rất nhiều loại trực thăng chở quân đến, tải thương đi, khá đều đặn, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn còn những quả pháo từ xa rót vào. Điều đáng nêu lên là trong ngày 13/6 Trung tướng Nguyễn văn Minh ra lệnh cho SĐ18BB đưa trước Trung đoàn 48 trực thuộc vào An Lộc và đánh chiếm lại hai cao điểm đông nam thị xã là Đồi Gió và Đồi 169 và trấn đóng trong khu vực này.

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 11
Đến hết ngày này coi như thành phố An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long hoàn toàn được giải tỏa, Sài Gòn và Washington không còn bận tâm lo lắng nhiều nữa. Hà Nội đã vuột mất thành phố này, không như chúng từng tuyên bố. Kế hoạch về quân sự và chính trị của CSVN đã hoàn toàn thất bại.

Ngày kế tiếp, 14/6/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, gởi công điện khen ngợi các Tướng Tư lệnh QĐIII & V3CT, Tướng Tư lệnh SĐ5BB, Tướng Tư lệnh SĐ21BB và toàn thể các đơn vị trưởng và chiến sĩ các cấp của tất cả các đơn vị phòng thủ và khai thông QL-13.

Trên thực tế, con đường bộ từ Chơn Thành lên đến Tân Khai đã không thể nối liền được. Trung đoàn 32/SĐ21BB bị thiệt hại nặng ở khu vực chốt chặn suối Tàu-Ô, phải đưa về SĐ25BB để bổ sung và Sư đoàn này đưa Trung đoàn 46 trực thuộc vào thay thế để tiếp tục “bứng” chốt ở đó. Ở đoạn trên, các Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV sau mấy trận đánh với Chiến đoàn 15, Trung đoàn 33 và TĐ6ND trong tuần lễ trước, tuy bị tổn thất nặng nề về vũ khí và nhân mạng, nhưng ngày 17/6 đã tập trung trong vùng ngoại vi Tân Khai, tổ chức thành cả hàng chục địa điểm phòng không và pháo với ý định dứt điểm căn cứ hóa lực Phi Long của Chiến đoàn 15 ở Tân Khai. Tướng Nghi, Tư lệnh SĐ21BB phải điều động Trung đoàn 31 từ ngoại vi ấp Đức Vinh quay về, phối hợp với hai Tiểu đoàn bộ binh và Thiết đoàn 9 Kỵ binh (-) trong căn cứ để bảo vệ căn cứ hỏa lực này. Ngày 18/6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng được lệnh xuất phát ra khỏi SĐ5BB rời chiến trường An Lộc, di chuyển hành quân xuống Tân Khai và lập thêm thành tích đánh một trận lớn nữa, hạ gần 600 quân của hai Trung đoàn nói trên của SĐ-7/CSBV --bỏ xác tại trận-- và tịch thu trên 70 súng đủ loại, trong đó cả nhiều loại đại liên phòng không. Đó là trận đánh lớn cuối cùng của mặt trận Binh Long mà Lữ đoàn cứu tinh này đã thực hiện. Sau đó tất cả các đơn vị Dù của Đại tá LQL được trực thăng vận về Chơn Thành và trở về Sài Gòn bổ sung rồi tăng viện cho QĐI & V1CT. Tàn quân của các Trung đoàn CSBV rút về tăng cường chốt chặn Tàu-Ô. Coi như SĐ-7/CSBV đã mất ba phần tư nhân lực và phân nửa vũ khí ở chiến trường nam An Lộc và trên QL-13 mặc dù chúng vẫn giữ chặt được chốt chặn Tàu-Ô này trong khi các tướng chỉ huy của chúng ở TWC/MN đã để thua một cuộc chiến lớn nhất trong thời điểm đó.

Chiến thắng ở Bình Long là điều khẳng định của các tướng lãnh, các cấp chỉ huy đơn vị và chiến sĩ phòng thủ và tiếp ứng An Lộc. Nhưng trên hết vẫn do tinh thần “quyết tử” của những người giữ thành từ ông tướng đến một chiến sĩ vô danh như một nghĩa quân, một địa phương quân, một cảnh sát, hay ngay cả một cư dân, một cậu bé nhỏ tên Đoàn văn Bình từng xin Đại tá Trần văn Nhật súng để “bắn xe tăng” địch, hoặc giả như một cô thơ ký hành chánh tỉnh chạy giặc ẩn trú trong khu vực của LĐ81/BCND đã viết hai câu đối ca ngợi chiến sĩ của đơn vị thiện chiến này “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.” Như vậy cô thư ký này cũng đã tham dự vào chiến công giữ vững An Lộc. Các tỉnh thành miền Đông, miền Tây, ngay cả Sài Gòn bừng bừng tin chiến thắng, đến chị em bán hàng trong Chợ Bến Thành và các chợ búa khác ở Sài Gòn cũng biết “Tướng Hưng tử thủ và chiến thắng An Lộc”. Hình như ít ai biết “giữ được An Lộc, đánh được Tướng Trần văn Trà là công lớn của vị Tướng cầm quân hữu tài, túc trí, Nguyễn văn Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT”. Và chính vì tiếng vọng xa của Hưng đã làm... hại ông cộng thêm một sự kiện khác diễn ra vào những ngày chót chiến thắng đã làm cho binh nghiệp của ông không còn hanh thông như trước nữa. Tôi sẽ nói... nhưng nên nói sao cho phải lẽ trước, sau.

Trước tiên là mấy ông tướng cầm quân TWC/MN tức ấm ức, nhất là Tướng Trần văn Trà nổi danh, vì biết sẽ thua ở An Lộc, nhưng vì Chiến dịch mùa Hè năm 1972 đó của Bộ Chính Trị Đảng và Quân Ủy Trung Ương quyết nghị và chỉ đạo chưa ngã ngũ ở Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật, nên, cũng giống như các võ sĩ thượng đài có tiếng, chẳng lẽ... mới bị đấm một vài “cú” vào mặt ngã ngửa mà không cọ quạy tay chân thì người ta tưởng là chết gục rồi, nên mấy ảnh đành gượng dậy --từ cuối tháng 5/1972 và tiếp theo từ trung tuần tháng 6/1972-- đánh qua Phước Long, đấm qua Xuyên Mộc, Đất Đỏ tỉnh Phước Tuy, đấm xuống Đức Huê, tỉnh Hậu Nghĩa và còn đánh càn xuống Cái Bè, Cai Lậy tỉnh Định Tường, Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường của Vùng 4 CT. Ở mấy nơi thuộc lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật thì Tướng Minh biết rồi và đã có lực lượng trừ bị đánh trả. Còn sở dĩ Tướng Trà cho đánh lan xuống Vùng 4 là vì, tuy trong chiến dịch này ông ta là Tư lệnh Tiền phương của BTL/TWC/MN, nhưng trước đó là Tư lệnh Mặt Trận B-2, mà theo tổ chức của CSBV, gồm cả lãnh thổ V3CT và V4CT của QLVNCH, nên lập kế hoạch đánh khắp... nơi cho mặt trận nó rộng lớn. Đánh thì đánh nhưng ở đâu thì mùa Hè năm đó ông Trần văn Trà cũng thua thôi. Lý do là vì TWC/MN chỉ có mấy đơn vị bộ chiến chủ lực, Sư đoàn 5, 7, 9 và Sư đoàn mới thành lập C30B, còn một số đơn vị địa phương cấp Trung đoàn hay Tiểu đoàn. Các đơn vị địa phương CS không ai coi ra gì, chủ lực thì, nói riêng trong mùa Hè đó, chỉ có SĐ-7/CSBV và Sư đoàn 69 Pháo là các lò nướng rụt rịt qua lại khá lâu tại chiến trường Binh Long-An Lộc chịu... đốt, còn các đại đơn vị khác thì như những chiếc lò nướng lớn, di chuyển loanh quanh đông tây nam bắc, mà bao nhiêu lớp người “sinh Bắc, tử Nam” đưa từ ngoài ấy vào đều chung vào các lò... đó để nướng, hết lớp này đến lớp khác.... Chết thì châm... thêm. Càng châm thì càng chết. Vậy mới đúng nghĩa với câu “dĩ ngôn” rất ư là... thản nhiên của các “lãnh tụ” Đảng CSVN khuyến dụ nhân dân miền Bắc... ái quốc, “chống Mỹ cứu nước” và “giải phóng nhân dân miền Nam” v.v. và v.v.

Kế tiếp là phải nói đến chiến thắng của quân dân ở An Lộc chẳng những tạo niềm tin lớn lao trong mọi tầng lớp trong quần chúng các tỉnh miền Nam mà còn vang xa đến tận nhiều nơi trên thế giới, những chiến lược gia lỗi lạc như Tướng Moshi Dayan của Do Thái, đã đến Nam Việt Nam --như nói ở trên-- để tìm hiểu bằng cách nào mà quân phòng thủ miền Nam trong một thành nhỏ này lại có thể chiến thắng được đạo quân thiện chiến của Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ… nhất là Sir Robert Thompson, nhà chiến lược nổi tiếng của Anh Quốc --lúc đó đang là cố vấn đặc biệt cho TT Nixon-- cũng được Tướng Hollingsworth hướng dẫn vào thị xã An Lộc trong ngày 15/6/1972 và được Tướng Hưng đưa đi quan sát sự đổ nát gẩn như hoàn toàn của thành phố và một số xác của các chiến xa CSBV ở khắp các tuyến phòng thủ... đã vô cùng ngạc nhiên về sức chiến đấu, lòng can đảm và sự chịu đựng của chiến sĩ phòng thủ An Lộc. Ông cho rằng chiến công của chiến sĩ An Lộc trong trận chiến này lớn lao hơn ĐBP rất nhiều và tỏ ra khâm phục các tướng, tá, các cấp chỉ huy và chiến sĩ phòng thủ. Hình như chưa cỏ một nơi nào mà sĩ quan và binh sĩ ôm vũ khi rượt bắn xe tăng và hạ hầu hết bất cứ chiến xa nào đã vào thành phố.... Tiếng vang chiến thắng An Lộc cũng đến thủ đô các nước Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân. Nên BTTM/QLVNCH định thành lập một phái đoàn gồm các chiến sĩ anh hùng ở mặt trận này thăm viếng và thuyết trình “Trận An Lộc” ở Đài Bắc và Hán Thành. Đây là việc làm tốt để biểu dương thành tích của QLVNCH.

Ngày hôm sau, 16/6 Trung tướng Nguyễn văn Minh mới vào thị sát và ủy lạo chiến sĩ phòng thủ An Lộc. Ông được hoan nghinh lắm và rất... lắm lắm bởi chiến sĩ Trung đoàn 8, nhất là của Đại tá Trung đoàn trưởng Mạch văn Trường. Đêm đó ai nghe Đài Phát thanh QĐ sẽ được nghe ông MVT nói là hằng ngày vị Tướng Tư lệnh này đều bay trên nền trời An Lộc để trực tiếp chỉ huy, khích lệ và khen ngợi, nâng cao tinh thần chiến đấu... của chiến sĩ và còn cho thả dù... thịt heo quay và bánh hỏi cho chiến sĩ phòng thủ....

Ngày 18/6/1972, Trung tướng Nguyễn văn Minh tuyên bố An Lộc đã được hoàn toàn giải tỏa.

Nhưng cũng ngay đêm đó, Tướng Hưng lại mang thêm mối họa khác, và lần này lớn hơn mọi lần khác: Trung tướng Minh gởi công điện lệnh cho Tướng Hưng đưa ngay Đại tá Mạch văn Trường về trình diện BTL/HQ/QĐIII & V3CT để chuẩn bị... mọi thứ --nhất là các tài liệu cho các buối thuyết trình lớn-- về trận chiến An Lộc. Đại tá MVT được QĐIII & V3CT chỉ định và đề nghị lên BTTM/QLVNCH làm Trưởng phái đoàn “nhữnh anh hùng An Lộc”, sẽ mang chuông sang đấm xứ người. Hình như không cần suy nghĩ Tướng Hưng... từ chối. Ngày hôm sau chính đích thân Trung tướng Minh gọi điện thoại cho Tướng Hưng. Ông này xin Tướng Minh nên đề cử người khác vì Đại tá MVT... không xứng đáng. Đây là lần đầu tiên Tướng Hưng cãi lệnh Tướng Minh. Trong mấy ngày liền cả Thiếu tướng Đào Duy Ân, Tư lệnh phó và Đại tá Phan Huy Lương, Tham mưu trưởng HQ/QĐIII & V3CT đều gọi điến thoại cho Tướng Hưng yêu cầu nên nghe lời Trung tướng... nhưng Tướng Hưng đều từ chối. Đêm sau, Tướng Ân cũng gọi điện thoại cho tôi, vì ông mến tôi khi tôi làm việc ở Phòng 2/BTL/QĐIII & V3CT và biết tôi thân với ông Hưng, bảo tôi nên khuyên ông Hưng nên tuân theo lệnh của Trung tướng... Tư lệnh đi. Tôi vào gặp Hưng lập lại lời của Tướng Đào Duy Ân. Ông Hưng chỉ cười nói: -“Không, không được! Tại sao Trung tướng không chỉ định Đại tá Vỹ, Đại tá Lưỡng, hay Đại tá Nhật. Chỉ định Đại tá Nhật là phải nhất, địa phương này của ông ta....” Chỉ một câu này thôi, ông Hưng quay sang hỏi tôi chuyện khác... “Dưỡng, nghĩ xem tụi nó còn quân không?’’ Tôi nói –“Không, tụi nó chỉ còn pháo!”

Mà quả thật, sau khi các đơn vị phòng thủ phản công tái chiếm lại hoàn toàn các khu vực bị chúng chiếm và Liên đoàn 81/BCND cắm ngọn quốc kỳ lên ngọn đồi thấp ở sân bay Đồng Long trưa ngày 12/6 đã không còn trận chạm súng nào nữa, các đơn vị bộ chiến của TWC/MN đã rút ra khỏi mặt trận An Lộc sau khi bị thiệt hại rất nặng... gấp hai hoặc ba lần so với các đơn vị phòng thủ. Theo ước tính của riêng tôi, số quân tổn thất chúng ở các vòng đai phòng thủ An Lộc nhất là vùng ngoại vi tiếp cận thành phố có thể lên đến 8,000 người đa số chết bởi KQVH và KLHK trong hàng nghìn phi vụ không yểm: oanh kích, thả bom, kể cả B-52 của KQ Chiến lược HK. Đó là chưa kể số thương binh có thể lên đến gấp đôi hay gấp ba lần số quân chết tại trận. Tổn thất của tất cả các cánh quân của chúng trong chiến dịch mùa Hè năm đó có thể lên đến hơn 20,000, hằng trăm chiến xa, hàng trăm đại pháo và hàng vài nghìn vũ khí cộng đồng và cá nhân khác trong chiến trận Tỉnh Bình Long.

Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rời An Lộc trong hai ngày 16/6 và 17/6 xuống Tân Khai đánh thắng trận cuối cùng ở đó, rồi về Sài Gòn. Ngày 24/6 Liên đoàn 81/BCND cũng trả về cho BTTM/QLVNCH. Các tuyến phòng thủ giao lại cho SĐ5BB và các đơn vị ĐPQ của Tiểu Khu, đã mỏng ra. Nhưng địch đâu còn quân mà đánh nhau nữa. Các đại đơn vị của chúng, bị thiệt hại nặng, rút sang đất Miên bổ sung, rồi mở các mặt trận khác như nói ở trên. Nhưng... pháo vẫn còn bắn vào thành phố nhiều ngày nữa. Đó là các loại pháo kéo trên các xe, thường xuyên di chuyển sau mỗi đợt bắn, nên khó diệt. Mỗi ngày ít ra thì cũng còn vài chục quả, muốn rớt vào đâu cũng mặc, cũng có người chết. Ai mà... chết vào những giờ phút trận chiến đã chỉ còn là nhúm lửa âm ỉ sắp tàn lụi này thì... thật là tận số. Nên ông nào... đã lạnh cẳng sẵn rồi, lúc này lại còn... ớn lạnh hơn lúc trước nữa. Ra sớm khỏi An Lộc mà... làm anh hùng sớm, hạng bậc nhất “đình huỳnh”, thì ai mà chẳng muốn ra.... Người giỏi tính như ông MVT sau khi được ăn “thịt quay bánh hỏi” dỏm xong thì tính chuyện rút ra sớm thiệt thì quả thật là... giỏi. Còn người chân chính như Tướng Hưng, không chịu nổi chuyện dỏm chuyện thật mập mờ bất phân, không biết đáp ứng... chỉ thị của thượng cấp là... bất tuân thượng lệnh. Mà chuyện cãi lệnh này có nhiều người biết nên ông Tư lệnh càng giận hơn, giận dữ.... Thôi thì không thưởng được lúc này thì thưởng lúc khác. Thôi thì chưa làm gì được nhau lần đó thì để lần khác hạ vậy. Chưa vội. Rồi cũng đến mà. Lật bật mấy tuần qua mau.

Ngày 7/7/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, một vài Bộ trưởng, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH và Trung tướng Nguyễn văn Minh Tư lệnh QĐIII & V3CT vào An Lộc ủy lạo và thăng thưởng chiến sĩ phòng thủ. Tướng Hưng đã… ra lệnh cho các đơn vị quanh vòng đai phòng thủ bung ra xa hơn vì sợ bích kích pháo địch bắn gần hơn là đại pháo bắn từ xa. Tổng thống và phái đoàn đến bằng trực thăng và đáp ở bãi tạm nam xa lộ, được Tướng Lê văn Hưng và Đại tá Trần văn Nhật đón rước và mời vào cái villa phía trên hầm BTL/HQ/SĐ5BB --cái villa và chiếc hầm chưa hề trúng một quả đạn đại pháo nào trong hơn 70,000 quả đạn đại pháo CSBV dội vào thành phố từ đúng ba tháng vừa qua.

Bên trong villa đã chuẩn bị sẵn các bản đồ chờ TT hỏi để trình nhưng TT đến không hỏi mà để tuyên dương công trạng cho chiến sĩ “Bình Long Anh Dũng”, tuyên bố chiến thắng An Lộc là chiến thắng vang dội thế giới: “Bình Long là một tiêu biểu của quốc gia và là một tiêu biểu quốc tế”, đại khái Tonton nói như vậy và tuyên bố thêm là sẽ thăng cho mỗi chiến [sĩ] An Lộc một cấp bậc cao hơn.... Lúc đó các vị sĩ quan chỉ huy Nhảy Dù, BCND và BĐQ tăng phái đã rời An Lộc rồi nên các vị đó và sĩ quan chiến sĩ thuộc cấp sau đó đều được thăng cấp (Đại tá Lê Quang Lưỡng thăng Chuẩn tướng và được bổ nhậm làm Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù). Vậy nên Tonton Thiệu gắn lon mới tượng trưng cho một số sĩ quan của SĐ5BB và Tiểu Khu Bình Long. Chỉ thưởng một ít huy chương cho mấy vị thôi.

Tướng Hưng đứng đầu hàng được TT đọc lệnh thăng cấp Chuẩn tướng thực thụ và được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Đại tá Trần văn Nhật thăng Đại tá thực thụ và được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm ADBT với Nhành Dương Liễu. Đại tá Mạch văn Trường thăng cấp Đại tá thực thụ, vừa đọc quyết định xong... TT Thiệu định bước sang gắn cấp bậc mới cho Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 đứng kế tiếp... bỗng thấy Trung tướng Minh bước tới… vừa thưa trình vừa dúi vào tay TT một cái huy chương vàng nhạt lẫn màu xanh đọt chuối, có vòng vải quốc kỳ (để đeo vào cổ) tức là Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và một cuống huy chương khác là Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu... “Xin TT gắn cho Đại tá Trường Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và...” TT Thiệu ngắt lời: -“Ông Trường có Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương chưa?” Trả lời: -“Dạ có... Tôi đã đề nghị rồi... Sắp được!” TT Thiệu ngần ngừ… nhưng bước tới tròng chiếc huy chương cao quí đó vào cổ cho MVT, rồi gắn thêm cái ADBT với Nhành Dương Liễu lên ngực ông này. Đẹp quá! Đẹp hết chỗ nào chê.… Sau đó TT gắn lon Đại tá cho Trung tá Lý Đức Quân và Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng phòng 3 Sư đoàn. Kế tiếp gắn cấp bậc Trung tá cho tôi và Thiếu tá Huỳnh văn Tâm, Trung đoàn phó Trung đoàn 8 -người thực sự chỉ huy Trung đoàn này suốt trận An Lộc. Thêm vài SQ, HSQ và BS nữa được mang cấp bậc mới.

Sau buổi lễ, TT và đoàn tùy tùng được Tướng Hưng và các ông Đại tá hướng dẫn đi thăm viếng các nơi khác trong thành phố An Lộc. TT Thiệu và phái đoàn viếng An Lộc chừng hơn 2 tiếng đồng hồ mới ra về. Không nghe tiếng pháo nào nổ quanh đâu đó như mọi ngày trước. Âu là Tonton có chân mạng... đế vương đó thôi. Sướng cũng nhiều mà khổ cũng lắm. Nên sau này sang lưu vong ở Hoa Kỳ không nói hay viết hồi ký về bất cứ điều gì. Im lặng là vàng.

Trong lần thăng thưởng đó đã... thấy rõ sự bất công: Đại tá hiện dịch thực thụ Lê Nguyên Vỹ không thấy hiện diện trong lễ tưởng thưởng này, không thấy thăng chuẩn tướng, không biết sau đó có được tặng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc huân Chương hay không? Mãi đến gần hai năm sau khi Trung tướng Phạm Quốc Thuần về làm Tư lệnh QĐIII & V3CT, Đại tá LNV mới được đề bạt làm Tư lệnh SĐ5BB thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch. Một vị nữa, người có công trạng nhiều nhất ở An Lộc là Đại tá thực thụ Bùi Đức Điềm, như tôi đã nói, bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già ở đâu đó trong các khu rừng Bình Long: không thăng cấp tướng, không một chiếc huy chương... mãi cho đến khi mất miền Nam.

Một sự kiện buồn đáng nêu lên là chỉ mấy ngày sau khi TT Thiệu rời An Lộc, ngày 9/7/1972, Tướng Richard J. Tallman, Tư lệnh phó TRAC (Third Region Assistance Command –Bộ Tư lệnh Viện Trợ Vùng 3, Hoa Kỳ) cùng mấy sĩ quan tham mưu và tùy viên của ông, bay trực thăng vào thăm An Lộc, đáp xuống sân bay trực thăng Tiểu khu, bị pháo, trái thứ nhất thoát, nhưng trái thứ hai trúng vào giữa toán của ông đang chạy vào BCH/TK, ba sĩ quan của TRAC chết liền tại chỗ, Tướng Tallman được tản thương về Bệnh viện 3 Dã Chiến HK --3rd Field Hospital Sài Gòn-- mổ vết thương. Thương tích quá nặng ca mổ không thành công, ông từ trần ngay khi mổ, ngày đó. Trong chiến cuộc Bình Long, từ Lộc Ninh, đến An Lộc và vùng chốt chặn Tàu Ô-Tân Khai, có nhiều sĩ quan cố vấn HK của các đơn vị hy sinh hay mất tích. Tôi không biết rõ là bao nhiêu vị. Chúng tôi, những chiến sĩ của An Lộc-Bình Long xin tri ân và chia buồn cùng gia đình của các vị. Xin cám ơn tất cả các chiến sĩ KLHK [Không Lực Hoa Kỳ] và các đơn vị khác đã cứu giúp chúng tôi trong cuộc chiến này.

Ngày 11/7/1972, SĐ18BB do Đại tá Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn chỉ huy, đổ quân bằng trực thăng vào An Lộc thay thế SĐ5BB rút toàn bộ về căn cứ chính Lai Khê. SĐ25BB được lệnh đến Chơn Thành thay thế cho SĐ21BB ngày 15/7/1972 để tiếp tục giải tỏa QL-13, bứng các chốt chặn từ suối Tàu-Ô lên Tân Khai. Tính ra thì sự tổn thất của SĐ21BB của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi còn nặng hơn của SĐ5BB nhưng công trạng rất lớn vì suốt ba tháng đã kềm chế được SĐ-7/CSBV không để cho Sư đoàn này tiến lên An Lộc hợp lực với các đại đơn vị CSBV dứt điểm thành phố đó. Chúng chắc chắn bị thiệt hại nặng hơn, số cán binh của chúng bị hạ không dưới 7,000 người. Sau khi về miền Tây, Tướng Nghi thăng thêm một sao và được bổ nhậm Tư lệnh QĐIV & V4CT.

Tôi về Lai Khê với nỗi buồn ray rức. Tôi thăng cấp trung tá nhiệm chức đặc cách mặt trận ngày 7/7/1972 sau hơn 5 năm mang cấp bậc thiếu tá từ 19/6/1967 --ba năm nhiệm chức, hai năm thực thụ-- đó là phần thưởng cuối cùng trong binh nghiệp của tôi. Một năm sau mới được điểu chỉnh trung tá thực thụ. Nỗi buồn không rõ nguồn cơn. Có thể vì tôi đã nhìn thấy lửa bỏng chiến trường lần này mới thực sự là chiến tranh, chết chóc, máu thịt đầm đìa bừa bãi ở trận địa và những nấm mồ tập thể của người dân thường vô tội. Tôi đã nhìn thấy sự chịu đựng của chiến sĩ với những hình ảnh hy sinh cao cả và cả... những hình ảnh bẩn thỉu nhất trong quân ngũ.

Vâng, QLVNCH bất khuất, tôi thương yêu quân đội này như yêu chính bản thân tôi, hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Và vì tình yêu đó, sau này khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi bỏ tất cả mọi thứ, vào trường đi học hỏi lại, và mong mỏi làm cho được cái công việc mà tôi gọi là “lật đất”, thực ra là tìm tòi tài liệu để tìm hiểu sự thực, để binh vực cho màu cờ sắc áo của chúng tôi; tôi đã thực hiện sở nguyện viết lại cuộc chiến đó bằng Anh ngữ --một quyển sách chỉ vài trăm trang nhưng tạm gọi là đầy đủ-- để trả lời những người đã bôi biếm chúng tôi (xin xem mạng Google để đọc một vài Chương của quyển sách “The Tragedy of the Vietnam War”, McFarland, 2008 Van Nguyen Duong và bài thơ “Lật Đất” đính kèm). Nhưng, những “sự thực” thì một người muốn “lật đất”, không thể giấu giếm mãi, đến ngày nay tôi phải nói ra để mong đem lại sự phán đoán công bằng cho cố nhân.

Hình như Tướng Hưng cũng mang vẻ trầm tư hơn trong nét mặt của ông sau khi từ chiến trường An Lộc trở về. Có lẽ ông đã thấm thía hơn và suy nghĩ nhiều về câu nói “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Ông có muốn như thế đâu. Phận làm tướng, là cấp chỉ huy chiến sĩ đánh nhau ở chiến trường, cái lẽ sống chết, thành bại, cũng là... đương nhiên thôi. Đâu có cấp chỉ huy nào muốn cho binh sĩ dưới quyền mình bị hy sinh quá nhiều đâu! Tôi biết trường hợp mất quân... quá lớn ở Lộc Ninh làm cho ông suy nghĩ nhiều nhất. Có lẽ ông cũng mang thứ mặc cảm “đã phụ lòng thầy”. Quả thực ông có phụ lòng Tướng Minh đâu! Tướng Minh đã nâng đỡ ông từ cấp Trung úy lên cấp Tướng, như ông từng nói với tôi. Ông rất muốn lấy sự “sống chết” ở chiến trường để tạ ơn người thầy đã đỡ đầu cho ông. Nhưng tôi cũng biết ông Hưng đã từng tạo chiến công hãn mã... đem đến sự thăng tiến binh nghiệp của chính ông và cả... cho Tướng Minh nữa trong bao nhiêu năm trời. Còn quyết định của ông ở chiến trường An Lộc, dù không hợp với Tướng Minh, nhưng cũng cứu nguy được An Lộc trong những giờ phút nguy ngập nhất. Tướng Minh cũng đã đem hết tài năng của mình điều binh khiển tướng mà cứu Tướng Hưng. Có lần, sau Trận An Lộc, ông và tôi ăn cơm với nhau... trên một nhà hàng khá thanh tịnh ở Sài Gòn, ông hỏi tôi: -“Dưỡng có thích đọc sách triết hay không? Có theo một tôn giáo nào hay hành xử theo một đạo lý nào không?” Tôi trả lời: -“Không, tôi ghét triết học, tôi không thích được thuyết giảng, tôi không thích ai nói cho tôi nghe về “morale”. Tôi dốt.” Hưng nói: -“Tôi cũng vậy. Nhưng có lắm điều làm cho mình suy nghĩ về đạo lý ở đời... và về sự sống chết...”

Tôi suy nghĩ và hiểu rằng ông Hưng không hẳn chỉ là một tướng lãnh chỉ biết đánh nhau. Ông ta có suy tư hơn là những kẻ có uy quyền chỉ biết hưởng thụ, coi thường sinh mạng chiến sĩ thuộc cấp. Ông hành xử theo lẽ phải, tôn trọng lẽ phải.... Ông có một khối óc mẫn đạt, sáng suốt với những ý nghĩ chính chắn trong sạch và một trái tim đỏ thắm tình yêu chiến sĩ, yêu mầu cờ sắc áo, và yêu nước cao cả. Chính những người như ông mới dám cầm súng mà bắn vào óc hay vào tim mình để tự hủy diệt những gì tốt đẹp ở trong các thứ quí báu của con người đó trước khi những kẻ khác muốn hủy diệt nó. Tôi biết rõ ở An Lộc ông đã từng câm nín... để nhận chịu sự bất công của bậc mà ông vẫn tôn kính là thầy mà ông từng muốn đem sinh mạng để đền đáp nghĩa ân. Sao người ta nỡ hủy diệt hay tạo ảnh hưởng hủy diệt uy tín của một người cao thượng và trung chính như vậy... hở? Mãi đến ngày nay ông đã tuẫn tiết hơn ba mươi năm rồi mà chiến dịch ngầm phá hoại uy tín ông vẫn còn ảnh hưởng ở một số người, hiện sống ở hải ngoại, kể cả những chiến hữu ngày xưa của ông. Trời ơi, tôi hiểu ông và thương ông lắm! Tôi không tin rằng có một người nào hiểu Hưng hơn tôi, kể cả những người ông yêu thương nhất. Tôi thành thực xin lỗi khi viết những dòng chữ này.

Tôi suy nghĩ... hay chỉ vì một quyết định vô cùng ngay thẳng, theo lẽ phải, từ chối không cho Đại tá MVT về Lai Khê làm trưởng phái đoàn “Bình Long Anh Dũng” mà Tướng Minh cho Hưng bị người ta cho là người “phản thầy” hay sao? Hay đó chỉ là giọt nước làm tràn miệng bát vì uy danh “tử thủ” của Tướng Hưng trong trận An Lộc đã lan xa trong nước? Tiếng “phản bội” cũng do chính Tướng Minh nói với tôi trước mặt Đại tá MVT. Hiện nay ông MVT đang sống ở California. Hai vị tướng đã thành người thiên cổ. Tôi xin lập lại sự thực vì người sống vẫn còn đó, như trách nhiệm của một người muốn “lật đất”....

Chỉ chừng một tuần, sau khi từ An Lộc về Lai Khê, được Tướng Minh cho người điện thoại bảo tôi về Biên Hòa dùng cơm trưa với ông. Tôi ngạc nhiên nhưng tuân lời, tôi không nhớ rõ ngày, chỉ nhớ buổi trưa đó tôi đến tư dinh Tướng Minh ở bờ sông Biên Hòa và được hướng dẫn lên chiếc trailer của tư lệnh. Vào trailer thì thấy Trung tướng đã có ở đó, bên cạnh chỉ có Đại tá MVT. Tôi chào Trung tướng và được ngồi vào bàn cơm. Suốt buổi cơm Tướng Minh nói cười vui vẻ với ông MVT và tôi. Nhưng khi ông tướng ăn cơm xong, uống cà phê, hút thuốc và nghiêm nghị hỏi tôi có biết vì sao gọi tôi về ăn cơm trưa buổi đó: -“Dưỡng từng làm việc với tôi, chắc biết tánh tôi. Tôi rất ghét những người phản bội. Về nói với Hưng, đừng phản thầy. Tôi đã từng cứu Hưng không chỉ lần này ở An Lộc mà rất nhiều lần trước ở SĐ21BB. Tôi đã từng tin tưởng Hưng và nâng Hưng từ một Đại úy lên cấp tướng. Sao lại trở mặt với tôi!” Tôi nghe xong, chết điếng trong lòng. Chỉ ngồi im lặng. Ông MVT cũng không thốt một lời nào.... Buổi cơm tàn, tôi lên trưc thăng trở về Lai Khê. Suy nghĩ mãi, mấy ngày sau, tôi gặp Tướng Hưng ở văn phòng của ông. Tôi lập lại từng lời của Trung tướng cho ông Hưng nghe. Tướng Hưng chỉ cười nhẹ. Một nụ cười gượng, buồn bã, nhưng không nói gì. Từ đó về sau, trong ánh mắt, Tướng Hưng nhìn tôi như nói lên sự thương mến tôi nhiều hơn thời gian trước. Ông đã rõ lòng dạ tôi từ ngày ở An Lộc, tôi từ chối không về Lai Khê, mà ở lại cùng ông giúp ông đánh nhau với quân CSBV. Ông có cho tôi một đặc ân nào đâu. Chỉ có tấm lòng... chân thật với nhau. Không lâu sau đó, Tướng Hưng được lệnh bàn giao SĐ5BB cho Đại tá Nhảy Dù Trần Quốc Lịch, về Biên Hòa làm Phụ tá Hành quân cho Tướng Minh. Và cũng... không lâu sau đó, tôi nghe nhiều người châm biếm về đôi mắt “hay nheo” của Tướng Hưng và bình luận rằng vì ở An Lộc ông Hưng không hề rời hầm hành quân, ở mãi trong bóng tối nên sợ ánh sáng mà... nheo mắt. Tôi đã nói Hưng hay nheo mắt từ khi còn là SVSQ mà…. Hơn thế nữa, người ta đem những điều đó mà ngầm trình báo lên các giới chức lãnh đạo cao cấp.... Cao cấp nhất của Chính phủ và QLVNCH. Chê ông Hưng thiếu khả năng nên thua lớn ở Lộc Ninh.... Khi ông về Quân đoàn III & V3CT, tôi biết ông Hưng sẽ dừng lại ở ngôi sao của ông....

Trước khi Đại tá Trần Quốc Lịch về thay thế Tướng Lê văn Hưng, Đại tá MVT được bổ nhậm chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tỉnh Long Khánh. Tôi vẫn ở lại làm việc với Đại tá TQL, ở chức vụ cũ. Còn các Đại tá Lê Nguyên Vỹ và Bùi Đức Điềm thuyên chuyển về đâu, tôi không nhớ. Phụ tá Hành quân QĐIII & V3CT là chức vụ của Đại tá LNV khi ông... bắn xe tank ở An Lộc và mỗi đêm nằm ngủ trên chiếc ghế bố dã chiến trong hầm BTL/HQ cạnh anh Trịnh Đình Đăng và tôi trong hơn ba tháng....

Một ngày khác, sau buổi cơm ở trailer Biên Hòa với Trung tướng Minh và Đại tá MVT, tôi tiếp một sĩ quan báo chí quân đội tại Lai khê. Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh, Trưởng Phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH, lên Lai Khê vào Phòng 3 BTL/SĐ5BB hỏi Đại tá Trịnh Đình Đăng xin bản sao Nhật ký Hành quân của Sư đoàn ở An Lộc để viết Hồi ký... cho Tướng Minh. Ông Đăng chỉ cho Trung tá NĐT sang gặp tôi, vì Phòng 3/HQ của ông có 6 sĩ quan bị một hoả tiễn 122 ly rơi trúng khi đang ăn cơm, tất cả đều… hy sinh, nên không ai ghi Nhật ký Hành quân của Sư đoàn và giữ các tài liệu này, mà chỉ có ông Đăng, tôi và hai ông Đại úy Dương Tấn Triệu và Nguyễn Chí Cường của Phòng 2/BTL/HQ của tôi ghi chép khá chi tiết (sau trận An Lộc, đều thăng cấp Thiếu tá, vẫn làm việc với tôi) nên toàn bộ tài liệu đó tôi đã cho đánh máy lại và do tôi cất giữ lúc đó. Sơ sót của tài liệu là không ghi phối trí của các đơn vị bạn ở An Lộc và chi tiết về các phi xuất yểm trợ của KQVN và KLHK vì hai ông này chỉ là nhân viên tình báo tác chiến. Khi ông NĐT nói rõ mục đích xin bản sao tài liệu nói trên, tôi từ chối và nóí vớí Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh một câu mà đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ ràng: -“Nếu anh Thịnh xin các tài liệu này cho Phòng Báo Chí, Cục TLC, tôi xin đưa ngay, nhưng nếu để viết Hổi ký... riêng cho Trung tướng Tư lệnh... xin miễn chấp, tôi từ chối.” Trung tá NĐT ra về không nói gì. Tôi biết làm như vậy đường hoạn lộ của tôi sẽ bị tắt nghẽn, không thăng tiến được nữa.

Sau đó vài ngày tôi mang một bản sao tài liệu Nhật ký Hành quân này về Khối Quân sử /BTTM định trao cho Đại tá Phạm văn Sơn làm tài liệu nhưng hình như Đại tá PVS đã không còn giữ chức vụ Trưởng Khối Quân sử nữa hoặc đi đâu vắng. Tôi trao tài liệu cho một sĩ quan cấp tá ở đó. Sau này tôi được biết phần sử viết về trận chiến Bình Long–An Lộc là do Trung tá Lê văn Dương, tân Trưởng Khối Quân Sử/P5/BTTM chủ biên với các vị phụ tá, Thiếu tá Lê văn Bân và Đại úy Tạ Chí Đại Trường. Thỉnh thoảng có trích một đoạn trong bản Nhật ký Hành quân của SĐ5BB do các Đại úy Triệu và Cường của Phòng 2/HQ ghi trong thời gian đang hành quân ở An Lộc.

Thời gian thấm thoát qua mau. Sau này, Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh và tôi cùng định cư ở thành phố Honolulu, thỉnh thoảng gặp nhau chỉ cười chào hỏi nhau, ít nói năng thù tạc. Hiện nay, tôi được biết ông ở Texas, làm báo. Không biết ông NĐT có nhớ chuyện cũ không? Không nhớ thì tốt hơn.

PHẦN KẾT: VỀ MIỀN TÂY, VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tháng 8 hay 9, năm 1974, tôi không nhớ rõ, Đại tá Lê Nguyên Vỹ được bổ nhậm vào chức vụ Tư lệnh SĐ5BB thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch thuyên chuyển về làm Chánh Thanh tra Quân đoàn IV & V4CT. Đại tá LNV có cơ hội này là vì Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã thay thế Trung tướng Nguyễn văn Minh ở chức vụ Tư lệnh QĐIII & V3CT. Tướng PQT trước là Tư lệnh SĐ5BB, khi đó ông LNV là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8. Tôi biết đã đến lúc nên xin trở lại Phòng 2/BTTM, vì từ đó tôi thuyển chuyển ra SĐ22BB đầu năm 1969, rồi về Phòng 2 BTL/QĐIII &V3CT và SĐ5BB. Đã hơn 5 năm rồi. Gian truân cũng lắm, hứng đạn pháo cũng nhiều. Tôi xin trở về Phòng 2/BTTM và được chấp thuận.

Đến cuối năm 1974, Phòng 2/BTTM nhận thấy tình hình bất ổn càng ngày càng trầm trọng từ sau ngày “Hiệp ước Đình Chiến Paris tháng Giêng-1973”, được thi hành mà hầu hết các điều khoản đều cho thấy rõ rệt thực chất của một bản hiệp... đầu hàng này của Nixon và Kissinger trước CSBV mà hầu hết các nhà chính trị hiểu biết thế giới đều gọi như vậy... nên QLVNCH đã đánh giặc một mình theo lối nhà nghèo như TT Nguyễn văn Thiệu nói. Tình trạng càng ngày càng nguy cấp thêm và người chiến sĩ miền Nam đã xả thân đánh giặc với vũ khí, chiến cụ, trang bị cũ kỹ và số đạn dược quá ít oi còn lại... ở tất cả các binh chủng Hải, Lục, Không quân trong các Vùng Chiến Thuật. Đại lược, với hiệp ước đầu hàng này, HK không phải “rút ra khỏi Nam VN trong danh dự” mà mà ngược lại vì... khi ký hiệp ước trên Kissinger biết mình đã chịu thua Lê Đức Thọ của BV rồi. Theo đó thì Hoa Kỳ phải rút toàn bộ quân tác chiến ra khỏi Nam Việt Nam trong những ngày giờ ấn định, kể cả toàn bộ cố vấn trong mọi cơ quan và đơn vị của QLVNCH, chỉ để lại một số chuyên viên kỹ thuật và nhân viên tòa Đại sứ và các Lãnh sự quán. Bộ Tư lệnh Viên trợ MACV to lớn giải thể, gom lại thành một tổ chức nhỏ gọi là D.A.O., hay DAO (Defense Attaché Office hay là Phòng Tùy Biên Quốc Phòng, do một tướng hai sao HK chỉ huy phụ trách liên lạc và yểm trợ BTTM/QLVNCH).

Ở các Vùng Chiến Thuật các tổ chức viện trợ và yểm trợ quân sự lớn trong hệ thống của MACV như FRAC, SRAC, TRAC và DRAC (First Regional Assistance Commmand, Second Regional Assistance Command, Third Regional Assistance Command & Delta Regional Assistance Command; HK gọi Vùng 4 CT là Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long) cũng giải thể. Mọi hoạt động yểm trợ cũng gom về tòa Lãnh sự ở thủ phủ của các Vùng Chiến Thuật.

Toàn thể đạo quân rất lớn của CS Bắc Việt từ trước đánh phá trong lãnh thổ miền Nam vẫn được Nixon–Kissinger chịu để cho trú đóng các vùng chúng chiếm được ở miền Nam; dĩ nhiên kể cả lãnh thổ Lào và Kampuchia…. Chính thức, HK ước tính –cố ý hạn chế đến mức thấp vừa phải để ép buộc TT Nguyễn văn Thiệu của Nam VN chấp nhận ký hiệp ước-- là chừng 150,000 quân tác chiến CSBV ở lại miền Nam. Nhưng trên thực tế phải trên 250,000 người vì những đơn vị tác chiến, hậu cần và công binh ở Lào, Miên đang hoạt động ráo riết trên đường mòn Hồ Chí Minh, lúc đó đã trở thành Đại Lộ Sullivan (xin xem “The Tragedy of the Vietnam War” để biết rõ chi tiết về các việc đề cập trên và chi tiết về Chiến Tranh VN trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội trước, trong và sau khi chiến tranh kết thúc). Với hiệp ước đó, KLHK đã chấm dứt mọi hoạt động trên hệ thống tiếp vận khổng lồ này, kể cả không thám, không kích bằng các loại bom CBU hay B-52. Do đó, chẳng những CSBV tu bổ rộng lớn Đường Trường Sơn Tây bên kia đãy dãy Trường Sơn trong lãnh thổ Lào và Miên, mà chúng còn mở thêm con đường mới bằng cách mở rộng QL-14 từ phía tây Cam Lộ, Quảng Trị vào tận Đôn Luân, Tỉnh Phước Long... sau khi chúng đã đánh chiếm xong tỉnh này trong tháng 1/1974. Chúng gọi con đường mới kiến thiết này là Đường Trường Sơn Đông. Trong khi chúng sử dụng hàng nghìn chuyến xe Molotova đêm ngày vận chuyển tự do trên Đường Trường Sơn Tây đưa hàng nghìn tấn vũ khí, quân dụng và đạn dược vào miền Nam để chuẩn bị một chiến dịch lớn nhất “giải phóng” toàn bộ miền Nam thì Đường Trường Sơn Đông sau này dẫn đến trận chiến Ban Mê Thuột, từ đó... TT Thiệu quyết định bỏ Cao Nguyên miền Trung mà gây thảm họa cho miền Nam sớm hơn là Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản VN dự phóng. Nhưng thảm họa sẽ không thể có nếu HK không thực sự muốn bỏ rơi Nam Việt Nam mà với các điều khoản khác trong Hiệp ước Paris tháng Giêng, 1973 cũng nói rõ ràng. Đó là các điều khoản HK phải thu vét lại hệ thống mìn phong tỏa Cảng Hải Phòng mà Hải Quân Hoa Kỳ đã thiết lập phong tỏa Cảng này trong cuối năm 1972, theo lệnh TT Nixon... cùng một lúc với lệnh không tập dữ dội… Bắc Việt, bất kể Hà Nội, Hải Phòng và các tuyến đường xe lửa vận chuyển vũ khí, thiết bị chiến tranh nặng, của Trung Cộng tiếp tế cho quân CSBV từ biên giới Trung Quốc vào Yên Bái và Việt Trì... để trả đũa chiến dịch mùa Hè năm 1972 của CSBV tấn công miển Nam.

Điều khoản giải tỏa Vịnh Bắc Việt và Cảng Hải Phòng có nghĩa là chấp thuận để cho CSBV tái tiếp nhận hàng trăm tấn trang thiết bị chiến tranh... tank, đại bác, các loại vũ khí tối tân nhất và đạn dược Liên xô, do hai hạm đội gồm 150 chiếc tàu vận tải loại lớn từ hai quân cảng Odessy và Vladivostok thay phiên nhau cập bến cảng Hải Phòng hàng ngày... cũng như điều khoản “không được tái tấn công quân sự vào Bắc Việt, Lào và Kampuchia bằng bộ binh, không quân hay hải quân”... nên hai tuyến xe lửa từ Trung Quốc sang Hà Nội càng hoạt động liên tục hơn, không còn hạn chế tiếp vận thiết bị chiến tranh của Cộng Sản Trung Quốc cho Bắc Việt. CSBV tái tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí đạn dược tiếp viện từ kẻ thù phương Bắc. Cùng với việc tổng động viên thanh niên từ 16 tuổi trở lên và với khối thiết bị chiến tranh khổng lồ nhận được liên tục, Quân đội Nhân Dân CSBV trở thành một quân đội mạnh vào hàng thứ tư thế giới, chỉ sau hai nước Công Sản quan-thầy nói trên và Hoa Kỳ. Trong khi đó thì QLVNCH chỉ… được một điều khoản khác của Hiệp ước đó cho phép thay thế “một đổi một”, nghĩa là HK sẽ thay thế một một chiến xa, một khẩu đại bác hay các loại súng khác hư không xài được... bằng một chiếc hay một khẩu khác. Cho nên tại chiến trường chiến sĩ QLVNCH đã chịu đựng trăm bề... bất lợi, thua thiệt. Đạn đại bác lúc trước bắn không hạn chế, sau Hiệp ước Paris-1973, một khẩu đại bác 155 ly hay 105 ly chỉ được phép bắn 3 quả đạn mỗi ngày và sau cùng chỉ 1 quả mỗi ngày…. Còn quân CSBV thì sao? Chúng xài thả ga... vì các quan thầy của chúng cho phép mà. Thêm nữa, và quan trọng hơn là Viện trợ Quân sự cho QLVNCH đã bị HK cắt giảm quá mức so với các năm trước. Chiến tranh sau hiệp ước đầu hàng của Hoa Kỳ này càng gia tăng dữ dội hơn ở Nam VN. Chúng sử dụng vũ khí tối tân hơn, đại dược nhiều hơn và chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh nhiều hơn... nhất là ở vùng hỏa tuyến và dọc theo biên giới VN với Lào, Miên.

Trước hoàn cành đó, nhất là sau khi quân CSBV chiếm được Tỉnh Phước Long trong tháng 1/1/1974, vi phạm trầm trọng Hiệp ước Paris-1/1973 và Hoa Kỳ làm ngơ, mặc dù Chính phủ Ford đề nghị Quốc Hội HK cấp cho QLVNCH ngân khoản viện trợ đặc biệt 300 triệu Mỹ Kim cũng bị... từ chối sau cả năm bàn cãi. Các tháng cuối của năm 1974 CSBV định cắt đôi Nam VN ở phía nam Đà Nẵng với việc đánh chiếm các Quận Nông Sơn, Đức Dục và Thường Đức, Tỉnh Quảng Nam, và định tiến ra đánh chiếm Hội An thì bị chận đứng ở phía tây Quận Đại Lộc. Sư đoàn Nhảy Dù của Tướng Lê Quang Lưỡng được Tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh QĐI & V1CT rút từ Quảng Trị vào đã đánh nhau dữ dội với các Sư đoàn 304 và 308 CSBV ở vùng núi phía bắc Thường Đức, nhất là ở vùng đồi 1062, từ tháng 8 đến tháng 12, năm 1974, mà Washington tiếp tục làm ngơ. TT Nguyễn văn Thiệu và Chính phủ của ông biết rõ hơn HK đã bỏ rơi miền Nam. Phòng 2/BTTM/QLVNCH cũng đã nhiều lần báo cáo những âm mưu chiến lược của CSBV là sẽ có trận Tổng Công Kích của quân CSVN trong mùa Xuân năm 1975.... Hai sĩ quan cấp bậc đại tá được Đại tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng Phòng 2/ BTTM đưa đến QĐI & V1CT và QĐII & V2CT đặt cạnh Phòng 2 BTL của các vùng chiến thuật này, để làm sĩ quan liên lạc. Riêng tôi, lúc ấy đang biệt phái cho một đoàn tình báo thuộc Đơn vị 101, được đưa làm sĩ quan liên lạc của Phòng 2 BTTM cạnh Phòng 2 BTL/QĐIV & V4CT. Nhiệm vụ của các sĩ quan liên lạc Phòng 2/BTTM là giúp theo dõi và chuyển tin tức chiến sự, địch tình, từ vùng này sang vùng khác, từ địa phương về trung ương và ngược lại.

Lúc đó, Tướng Lê văn Hưng đã được Tướng Nguyễn Khoa Nam đưa về làm Tư lệnh phó QĐIV & V4CT. Trước đó, Tướng Hưng khi đang làm Phụ tá Hành quân cho Tướng Nguyễn văn Minh ở QĐIII & V3CT khoảng tháng 7 hay 8/1972, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được bổ nhậm làm Tư lệnh QĐIV & V4CT (thay thế Trung tướng Ngô Quang Trưởng ra Đà Nẵng nắm quyền Tư lệnh QĐI & V1CT thế Trung tướng Hoàng Xuân Lãm để mở cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị sau trận Mùa Hè năm đó) đã đề nghị đưa ông về làm Tư lệnh SĐ21BB. Khi Tướng Nguyễn Khoa Nam về thế Tướng Nghi, đưa Tướng Hưng lên Cần Thơ làm Tư lệnh phó, trở thành nhân vật quân sự thứ nhì ở miền Tây, tức là cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong âm thầm tôi biết rằng Tướng Hưng được hai Tướng Nghi và Nam hiểu tài, quí trọng, nhưng chiến dịch bôi biếm ông ta trước đó, đã được đưa trình đến những cấp lãnh đạo cao hơn cấp tư lệnh quân đoàn và vùng chiến thuật từ lâu rồi....

Khi đến Cần Thơ sau khi gặp Trưởng Phòng 2 BTL/QĐIV & V4CT tôi đến văn phòng Tư lệnh phó, trình diện Tướng Hưng. Ông bắt tay mừng rỡ và hỏi tôi xuống Cần Thơ làm gì…. Tôi nói nhiệm vụ mới của tôi. Ông hỏi tôi... ở đâu? Tôi trả lời: -“Xin nhờ anh lo cho...” Ông nói: -“Đến ở nhà tôi.” Tôi chỉ có cái rương sắt màu xanh từ thuở học trò, đựng mấy bộ quân phục, thường phục và mấy quyển sách, thêm một cặp vợt tennis. Từ cuối năm 1974, tôi ở trong tư dinh của Tướng Hưng, Chị Hoàng phu nhân của Hưng lại... đãi cơm cho tôi hằng ngày. Trên bàn cơm chỉ có hai vợ chồng ông và tôi. Việc làm không có gì, sáng chiều vào Phòng 2 gọi hotline về Phòng 2/BTTM/QLVNCH hỏi tin tức quan trọng ở các vùng chiến thuật khác trình Tướng Hưng. Chiến sự có gia tăng ở khắp nơi, nhưng nhiệm vụ của tôi chỉ có vậy. Khi nào cần thiết lắm và nếu Tướng Hưng muốn biết những tin tức quan trọng ban đêm, tôi dùng hotline trong phòng hành quân ở tư dinh Tướng Hưng hỏi Sài Gòn. Miền Tây tình hình yên ả hơn, nên tôi vẫn có thì giờ đánh tennis đôi ba buổi chiều trong tuần. Ngày Chúa Nhật thường xoa mạt chược ở nhà ông chánh án Đỗ Nam Kỳ, mà tôi quen biết được ở sân Tennis Ngọc Lợi. Ông chánh án Cần Thơ người Bắc nhưng tên... Nam. Những ngày như vậy, không ăn cơm, thì nhờ Trung úy Tùng hoặc Trung úy Anh, các sĩ quan tùy viên của Tướng Hưng, thưa lại với chị Hoàng. Ông bà Hưng có hai con, một trai chừng 6 tuổi và một gái 2 tuổi, bà ngoại các bé lo chăm sóc, phụ với Chị Hoàng.

Ông Hưng để tôi hoàn toàn tự do. Ăn, ở, hay đi chơi đâu đó mặc ý, không bao giờ hỏi. Khi nào buổi chiều ăn cơm ở... nhà, trời sập tối sau khi cơm nước xong, ông và tôi thường ra trước nhà, ngồi nhìn qua bên kia đường là một công viên trống trơn hình tam giác khá dài, mũi nhọn hướng về “bến bắc” Cần Thơ. Những buổi đó thường nói chuyện chiến sự... lẫn tình người. Những câu hỏi và câu trả lời đều ngắn gọn như lối đối thoại giữa ông và tôi. Nhưng mỗi câu đều có ý nghĩa nào đó, mang nhiều suy tư vì thường không có những giải đáp rõ ràng. Thí dụ như, hỏi: -“Sao tụi nó đánh Thường Đức, Đại Lộc? Định cắt đôi miền Nam, cô lập Đà Nẵng hả?” Trả lời: -“Không! Không hẳn! Nếu nó chiếm Hội An, mình sẽ mất Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị. Nếu Mỹ nín... tụi nó đánh bứt luôn QL-19.” Hỏi: -“Rồi sao?..” Trả lời: -“Đánh hết phía bắc Nha Trang, đưa CPLTMNVN vào lãnh thổ chiếm được, lập... nước... trái độn trung lập.” Tiếp: -“Nhưng Tướng Lưỡng đánh tụi nó lui rồi...” Trả lời: -“Thì thôi. Mai mốt đánh nữa! Nhưng không có ông Trưởng, ông Lưỡng đánh giỏi, mình mất miền Trung thì... đỡ cho miền Nam hơn!” Câu hỏi cuối: -“Sao vậy?... Không có câu trả lời... Than: -“Mình không thiếu người tài, anh hùng!..”

Tướng Hưng nói câu này tất nhiên là ông thừa nhận tài dùng binh của Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI & V1CT và Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, đã cứu nguy cho ông và giúp ông giữ An Lộc. Nhưng ông có biết ông cũng là một trong những người tài, anh hùng đó không?

Cũng tại tư dinh Tướng Hưng, một buổi tối tôi gặp lại Đại tá Mạch văn Trường. Tướng Hưng mời ông MVT ăn cơm tối, mừng ông này vừa được bổ nhậm chức vụ Tư lệnh SĐ21BB. Từ khi xuống Cần Thơ, tôi được biết nhiều hơn về ông này vì... “tiếng tốt đồn xa... tiếng xấu... đồn xa.” Người ta nói rằng Đại tá MVT, khi làm Tỉnh trưởng Long Khánh, bị Giám Sát Viện điều tra về tội tham nhũng và hối mại quyền thế, với đề nghị ngưng chức, phạt trọng cấm, cấm chỉ huy trong 5 năm và giáng cấp. Trong khi chờ đợi ra Tòa án Quân sự ông thuyên chuyển về làm Trưởng phòng Thanh tra SĐ21BB. Bỗng nhiên, cả tướng tá vùng Đồng bằng Sông Cửu Long kinh ngạc vì... lệnh từ Sài Gòn xuống phong cho ông MVT làm Tư lệnh SĐ21BB, qua mặt hàng chục đại tá kỳ cựu, kể cả Đại tá Nguyễn văn Kiểm đang là quyền Tư lệnh Sư đoàn này và Đại tá Lâm Chánh Ngôn, Tham mưu trưởng, từng là cấp chỉ huy trực tiếp của MVT. Người ta cũng nói là ông MVT đã có... vấn đề với quan thầy cũ, Tướng Nguyễn văn Minh, lúc đó đã về làm Tư lệnh Quân Khu Thủ Đô thế cho Phó Đô đốc Chung Tấn Cang trở lại làm Tư lệnh Hải Quân. Ông MVT đang có các quan thầy mới nắm quyền hạn và vận mệnh quốc gia và quân đội... nên đề nghị của Giám Sát Viện đã bị vất vào sọt rác.

Đêm đó, ở tư dinh Tướng Hưng, sau buổi cơm Ông Hưng đi nghỉ, ông MVT ở lại cùng tôi chuyện trò ở cái băng ngồi trước dinh ngó ra công viên mũi tàu, tôi chưa hỏi thì ông MVT đã nói: -“Tôi biết khi ở trường học anh là học trò giỏi nhưng vào quân đội anh trung thực quá nên không tiến xa được. Phải có ông thầy, bà cô.” Và ông tự động nói vì sao ông... chinh phục được Tướng Minh lúc trước và các ông... tướng cầm quyền lúc đó. Ông nói trong tử vi, thân và mệnh của ông “không có sao chính, nhưng ba vì sao mang chữ “không” đều đắc địa, sách nói là “thân mệnh đồng cung vô chính diện” nhưng được cách “đắc tam không” và vì vậy nên ông sẽ lên tướng không bao lâu nữa. Quả thực chỉ mấy tuần sau ông được phong tướng. Tôi khen ngợi ông là người có chí lớn và thực hiện được mộng làm tướng mà lúc trước, khi còn ở SĐ5BB, lúc nào ông cũng cầm quyển sách “Học Làm Tướng” --không rõ tác giả-- trong tay mỗi khi tôi gặp ông. Tôi tin tưởng rằng nếu chế độ Cộng Hòa miền Nam còn tồn tại, chỉ vài năm sau ông MVT sẽ thăng đến cấp tướng hai ba sao hay giữ chức vụ cao trong chính phủ và quân đội --tổng trưởng hay tư lệnh quân đoàn, vùng chiến thuật. Còn Tướng Hưng và cả Tướng Lưỡng đã bị các sao lớn Tử Vi, Tham Lang và Phá Quân án mất bóng rồi. Các ông đã bị “triệt” rồi... Tướng Hưng không biết có biết hay không... nhưng Tướng Lưỡng đã biết. Sau này định cư ở HK, khi ông còn sinh tiền, tôi hân hạnh được điện đàm nhiều lần với ông, một lần ông nói rõ vì sao lúc đó ông bị bạc đãi và nghi ngờ... tuy vẫn được sử dụng vì chưa... có người thay thế. Các tướng trẻ lúc đó đang được tín cẩn là các ông Lân, Đảo, Nhật, Vỹ và Trường.

Thời điểm đó là sau khi quân CSBV vừa đánh chiếm Ban Mê Thuột, Tướng Hưng và tôi mấy đêm liền bàn về việc tại sao chúng tấn công Ban Mê Thuột và nghĩ rằng CSBV thực hiện chủ trương mà tôi đã trình bày cùng ông lần trước là chúng tấn công suốt dọc QL-19 từ Ban Mê Thuột xuống tận Ninh Hòa ra bờ duyên hải và lập CPLTMNVN thành một quốc gia trái độn từ phía bắc Nha Trang trở ra đến Bến Hải. Nhưng… hông phải. Có thể là chúng làm chưa xong con đường Trường Sơn Đông vì bị nghẽn ở Quận Đức Lập, Tỉnh Quảng Đức, làm trở ngại cho việc việc chuyển quân từ Khe Sanh vào Phước Long và Lộc Ninh là vùng tập trung gần nhất để đánh thẳng vào Sài Gòn… vì vậy chúng tấn công Ban Mê Thuột, chiếm Tỉnh Quảng Đức như đã chiếm Tỉnh Phước Long đầu năm 1974 --theo như ước tính của Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 BTL/QĐII & V2CT. Tình hình tiến triển quá nhanh làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên và bỡ ngỡ, vì những quyết định của TT Nguyễn văn Thiệu, kể cả CSBV... vì chúng dự trù sẽ giải phóng... được miền Nam ít nhất là đến năm 1977, kể cả Hoa Kỳ... vì hình như chưa đủ thời điểm... Kissinger dự trù mất miền Nam mà Hoa Kỳ không mang tiếng phản bội bỏ rơi miền Nam mà sau này một sĩ quan CIA từng làm việc ở Sài Gòn, Frank Snepp, gọi là “decent interval”, khoảng cách thích nghi. Gom lại là chuyện TT Thiệu ra lệnh bỏ Vùng 2 Chiến Thuật và Vùng 1 Chiến Thuật. Thôi thì về các quyết định này và hậu quả ra sao ai cũng biết rồi, tưởng không nên nhắc lại ở đây.

Từ ngày 20 tháng 4, 1975, Tướng Hưng muốn cho tôi về Sài Gòn tìm hiểu thực rõ ràng tình hình chính trị và quân sự sau khi Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh BTL/HQ QĐIII & V3CT và Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 KQVN bị... mất tích ở Sân bay Ninh Thuận và Tướng Lê Minh Đảo đang đánh nhau dữ dội và chận đứng quân CSBV ở Long Khánh. Nhưng đường bộ bị cả mấy Sư đoàn của CSBV thuộc cánh quân 232 của Lê Đức Anh mới thành lập cắt đứt ở vùng Tân Trụ, Tỉnh Long An, từ mấy tuần trước, nên không về được. SĐ7BB không thể giải tỏa được. Chờ cả tuần liền. Cuối cùng, đêm 27/4/1975, sau buổi cơm tối, Tướng Hưng cùng tôi ngồi trước nhà nói chuyện…. Sài Gòn đã thay chủ, từ tay TT Thiệu sang Phó TT Trần văn Hương và nghe đâu sẽ chuyển sang tay Đại tướng Dương văn Minh... Ông nói ngày hôm sau, sau khi đi thăm mấy đơn vị trở về, ông sẽ cho trực thăng chỉ huy của ông đưa tôi về Sài Gòn. Ngay lúc đó ông chỉ thị Trung úy Tùng, Sĩ quan Tùy viên, mang ra hai khẩu tiểu liên Tiệp khắc do một đơn vị trưởng biếu ông ở chiến trường An Lộc. Loại súng này khi xếp lại nhỏ như khẩu súng lục, băng đạn 79 viên, bắn từng loạt hay từng phát cũng được. Ông chỉ vào một trong hai cây tiểu liên đó và nói: “Tặng Dưỡng một cây, nếu tụi VC hôm nào xuất hiện ở công viên trước nhà, tràn vào, nhớ bắn cho đến viên đạn cuối cùng. Còn tôi, tôi sẽ chừa lại... bốn viên...” Tôi hiểu ngay và cướp lời ông: -“Không! Anh chỉ... có quyền chừa lại... một viên thôi...” Im lặng. Không biết ông Trung úy Tùng có nghe hay không....

Hôm sau, 28/4/1975 trực thăng của ông chở tôi về Sài Gòn, đáp xuống sân cờ BTTM. Khi đó hình như Đại tướng Dương văn Minh đang được bàn giao vai trò lãnh đạo... lịch sử về sự sụp đổ miền Nam.

Chỉ mấy ngày sau ngày 30/4/1975, tôi nghe tin Tướng Lê văn Hưng đã tuẫn tiết. Hình như không phải bằng cây tiểu liên Tiệp khắc…. Nhưng bằng súng gì hay bằng cách nào thì cũng đã thành Thần.


VĂN NGUYÊN DƯỠNG
Hạ Uy Di, ngày 20/4/2012

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
KỲ 12BẢN ĐỒ & HÌNH ẢNH
BẢN ĐỒ & ẢNH:

1. Bản đồ # 1: Sơ đồ tổng quát Thị xã An Lộc.

2. Bản đồ # 2: Sơ đồ phối trí lực lượng phòng thủ.

3. Ảnh # 3: Nghĩa trang Liên đoàn 81 BKD.

4. Bản đồ 4: An Lộc sau khi CSBV tấn công đợt 1.

5. Ảnh # 5: Phòng 2 BTL/HQ/SĐ5BB bị một chiếc dù tiếp liệu rớt sập nóc.

6. Bản đồ # 6: Sau khi CSBV tấn công đợt 3.

7. Sơ đồ # 7: Các hướng phản công của lực lượng phòng thủ ngày 8/6/1972.

8. Sơ đồ # 8: Toàn diện mặt trận Bình Long.

9. Sơ đồ # 9: Vị trí chiến xa CSBV bị hạ trong An Lộc.

10. Ảnh số 10: TT Nguyễn văn Thiệu viếng An Lộc ngày 7/7/1972.

11. Hai ảnh các chiếc vòng An Lộc.

GHI CHÚ: Bản đồ và ảnh tìm trong mấy tài lệu cũ lâu rồi. Chụp sao lại đưa vào bài viết. Mong các nơi nhận in ấn dựa vào tài liệu này vẽ lại các bản đồ. Về ảnh, xin sưu tầm ở các nguồn tài liệu khác.


*Bài thơ này dài, không nhớ tựa, chỉ nhớ đoạn thơ dưới đây:

Ngọn đồi A-1 ấy
Nhìn vào ai chẳng thấ́y
Dáng anh em tôi nằm...
Nền của viện bảo tàng
Móng xây vào máu lửa,
Trong đoàn người tham quan
Bao nhiêu bà dóa bụa?


Nguồn: Internet E-mail by Đoàn Hữu Định chuyển
PHỤ LỤC

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | Lesson... | Phụ Lục | Đầu trang
BẾN PHÀ TÂY ĐÔ
VĂN NGUYÊN DƯỠNG hay VĨNH ĐỊNH NVD

Ngơ ngác nhìn mây trôi lãng đãng
Xuôi dòng hay ngược sóng trường giang...
Lục bình từng mảng xanh xanh quá,
Trắng mắt ta nhìn xa bến xa.
Ngày về hỏi lại, không ai biết
Bến cũ người xưa nay ở đâu?

Chuyến phà qua lại đôi ba chiếc
Năm bảy dòng xe đợi bến qua,
Những buổi ta về mang áo trận
Chờ phà,
Ăn ở quán ven sông.
Cô hàng mắt đẹp, nhìn như nói,
Má phớt mồ hôi, vén tóc mai,
Mởn mơ thân áo bà ba lụa
Bao nếp cong là bấy nét duyên.
Ta đi nhớ mãi màu xanh ổi,
Màu mận hường,
Hay trái em thơm...

Thoáng qua những tháng năm dài ấy
Thành cố nhân rồi em biết không.
Biến thiên cũng đủ thành dâu biển,
Nay bến phà xưa đã vắng tanh.
Chiếc cầu cao ngạo đôi bờ nối
Không lạ mà sao chẳng thấy quen!
Có người thương phế ôm đàn hát
Trên bến phà xưa như nhớ ai...

“Đồng cỗ miên viễn vọng. Chiến lũy bất nan tầm. Trượng phu hà tất lụy. Danh tướng tuẫn vong thành. Thiên thu giai hữu định. Quố́c sử lưu kỳ danh. Nam, Hưng, thiên cổ sự. Minh, Minh, xú xú vinh!..”

Tiếng hát như từ tim trổi đi,
Nhìn anh để thấy anh lần cuối
Thấy rõ trong anh nỗi đoạn trường.
Ôi Tây đô!
Ôi Cửu Long ơi!
Những người năm cũ không còn nữa
Còn một tấm lòng chung thủy xưa.*

Để nhớ ngày tủi hận 30/4/1975
VĂN NGUYÊN DƯỠNG hay VĨNH ĐỊNH NVD

LẬT ĐẤT

**** LẬT ĐẤT LÊN TÌM SÔNG NÚI XƯA
HỠI HỒN ĐẤT NƯỚC CHẾT HAY CHƯA
MÀ SAO UẤT HẬN CHÔN TA SỐNG
MÁU BẬT LÊN BẦM MẤY TÚI THƠ

VĂN NGUYÊN DƯỠNG hay VĨNH ĐỊNH NVD

1.

Bỗng chợt khóc chợt cười như người điên vỡ mộng
Vì hình như trong máu có cơn đau,
Nên Thượng đế quay đi không muốn gọi,
Và Nát bàn không có chỗ để nương thân
Nên thẩn thơ lỡ bước lạc vào trần
Như bào ảnh
dễ quên
hay vẫn nhớ....
Vả bạc bẽo vẫn từ muôn thuở
Của thần tiên,
và của cả nhân gian.
Nên,
Em có đến, có đi, và có bận
cuộc tình nào
xin hãy cứ dong chơi...
Anh cũng khóc, cũng cười,
Cũng vật vã như mặt trời ngủ muộn,
Cũng lửng lơ như vầng trăng mất bóng...
Sẽ cưỡi cao trên vô lường ngọn sóng,
Sẽ hát cuồng trong vô tận ảo mê.

Từ những tháng năm đi, về, lạc lõng
Linh hồn anh không chỗ đứng
Tựa vào anh cho thể xác anh đau,
Như nghìn xưa con biển lớn không đầu
Tựa vào đất cho bãi chao thành sóng...

Anh thương con dã tràng
Bỏ công mình cho ngày tháng vô biên...

Vả,
Cuộc đời đầy trắc diện,
Xin chỉ dừng chân
nghe anh kể
về những chuyện không quên...

2.

Khi mùa xuân đi vào vạn vật,
Khi các loài chim bắt đầu ca hót,
Ai không muốn nghe con người kể chuyện
Tình yêu
Hơn những điều không có thực
Ở những cõi thiên đường,
Hay nơi ở của thần tiên.
Những nơi
không có chỗ để làm tình
dù cho họ khoả thân...
Ở đó
Chỉ có mùa xuân và hồn nhiên
Thiếu những mùa thương khó khác..

Hay, anh xin chỉ kể cho em nghe về
VỀ ĐẤT NƯỚC TA
VÀ TỰ TÌNH TỔ QUỐC
Nơi có nước đổ theo trăm sông
trên những cánh đồng lúa mạ.
Nơi có núi cao, biển cả,
Có phù sa đất chìm với nội cỏ thảo nguyên,
Có ngày, có đêm,
với những mùa mưa, nắng...
Khi rừng già còn kín tiếng
Trên những cánh đồng câu hò đối ngẫu đã vang vang;
Trẻ mục đồng kéo cờ lau đánh giặc,
Đàn trâu đen lặng lẽ nhìn bầy cò trắng bay xa…
Con gái cắt lá trầu xẻ cau cho mẹ,
Con trai dành dăm đồng mua xị rượu cho cha.
Giấc mơ không cao hơn mái lá
Mà lòng người thì dậy cả núi sông
Qua những mùa kháng chiến...
Từ nghìn xưa đến tận những nghìn sau.

Người ta theo cuộc chiến
Người ta vẫn yêu nhau.

Em hiểu không em,
Nên hiểu
tự ban đầu
Cái vẻ đẹp của đất nước ta là thế đó,
Cái vẻ đẹp của thế nhân là thế đó...
Sao con người còn gạt nhau
Về những chuyện đâu đâu!.....

3.

Người ta nói với anh rằng
“Không có gì mới lạ
dưới ánh sáng mặt trời.”
Nhưng anh biết có nhiều thay đổi
Trong mùa Thu... máu rơi...*
Buổi sáng khi con ong không còn hút nhụy
trên cành hoa tím
và nhả mật vàng vào tổ trên cây,
Con bướm không còn vẩn vơ
trong ánh nắng thảnh thơi.
Khi lịch sử đứng lên
theo tiếng gọi mị dân
của những người giả danh tổ quốc.
Khi da thịt con người
là mồi ngon
của loài cá tôm dưới nước,
Máu xương con người
là phân mục
cho loài sâu bọ rỉa, bu...

Nên
Nước xanh cũng thay màu
Đồng xanh cũng thay sắc.
Bóng đêm là cõi chết,
Ánh sáng mặt trời mang sợ sệt nơi nơi...
Anh hàng xóm hiền lương trở nên dữ tợn
Mang gậy gộc vào đập chết chị nông dân,
Thằng bé ngu ngơ cũng hát khúc quân hành,
Đến đồng không mông quạnh,
Trường học vắng tanh
Hoa điệp rụi tàn trong sân lạnh.
Cỏ mọc tràn đồng,
Phố thị tiêu sơ...
Dân lành lo sợ
Nồi cơm trên lò cũng biết nói chuyện đói no,
Manh vạt mùng co thành manh áo thay tạm bợ.

Hay con người đã quay về thái cổ
Không biết đến tương lai.
Hay giấc mộng dữ đêm đêm từ đó thực dài
Cũng trường kỳ như chiến tranh thuở ấy.
Và những gì đổi mới
Là cuộc sống thanh bình biến mất trong tầm tay...

MÙA THU NĂM 1945

4.

Từ nhỏ anh đã nghe
Dòng sông nhớm mình trong bóng tối;
Cuộc sống nổi lên ở đó.
Lượng nước mặn của biển Đông với rừng tràm lá đổ
Rừng U-Minh vẫn có lối đi, về,
Mà dân đen không thoát kiếp
“mang gọng cày ví, thá, với con trâu”.
Nên sóng trăm năm vẫn âm thầm cuộn chảy,
Rừng trăm năm vẫn đơm đặc những gai hoang...

Đất nước ấy tự bao giờ đã hỏi:
Ai khơi quá khứ,
Ai mở tương lai?...
Nếu em biết được,
Thôi thì cứ nói
Từ Lạng Sơn núi rừng đến Cà Mau đất mũi
Dù cuộc sống đắm chìm
với nghìn năm xa xôi
với trăm năm u tối,
Khí thiêng vẫn nhuần gội
đất, nước, núi, sông,
khi mưa thuần, khi nắng cháy...

Nếu em biết
Đến thai nhi chín tháng
Tự bẩm sinh từ trời đất sơ khai
Máu, huyết, tạo nên thân thể đủ hình hài
Ngộp hơi thở
vì không gian dồn nén...
Sẽ bung ra từ vòm bụng kín bưng,
Dù Mẹ có đau
với nỗi đau vô lường...
Một dân tộc bị ép mình nhiều năm tháng
Tự thể xác ẩm ê,
Tự linh hồn u uất,
Sẽ vùng lên bức phá không gian

TÌM TỰ DO VÀ HƠI THỞ.

Và an lành hay đau khổ
Ở trong tay thầy hay, cô đỡ giỏi,
Nào phải đâu lệ thuộc giống dân HỒ!..

5.

Có lắm kẻ ngu ngơ bên bờ sông nước xoáy,
Có những người cắm thuyền ngoài bãi,
Mặc những đợt sóng cồn cuốn mãi ra khơi,
Nên lòng người khoắc khoải
Cho vận nước nổi trôi...
dập dồn cơn bão lớn.

Có những người muốn chờ phép lạ,
Có những người muốn dấn thân
Lo việc lớn...

Rồi, có một kẻ xảo ngôn
Muốn làm bậc thánh,
Nhân mùa ly tán đó
dạy dỗ môn đồ
kỹ xảo
đấu tranh...
Gây thành
Máu đổ.
Hắn dấn mãi con người vào cõi vô luân.
KARL MARX hay LENIN?
Không!
HỒ CHÍ MINH...
Phải! HỒ CHÍ MINH, chính hắn
Tên tội đồ dân tộc.
Hắn bảo: “chống xâm lăng và giai cấp...”
Không!
Hắn
Chống núi chống sông,
Chống đồng chống ruộng,
Chống cây cỏ bên đường,
Chống cầm thú muôn xa...
Chống lá chống hoa,
Chống rừng già biển cả;
Chố́ng cha mẹ trong nhà,
Chống mồ mả ngoài hoang...
Ai không là nạn nhân?!.......
Xin em đừng hỏi.

SỰ THỰC HÔM NÀY CÒN LƯU MÃI VỀ SAU...

Buổi đất nước trở mình
Lũ giặc HỒ ngỡ rằng đã làm lịch sử...
Lịch sử chúng bày
HAY LỊCH SỬ CỦA CUỘC CHIẾN NÀY
ĐẦY XẢO TRÁ, DỐI, GIAN.

6.

Mùa Thu máu ấy
Thây tràn trên biển sóng
Họ gióng trống đồng kể chuyện núi sông -chống xâm lăng-
Của Phù Đổng Thiên Vương,
Của Hai Bà Trưng,
Bà Triệu,
Của Ngô
Đinh
Lê,
Lý
Trần,
(với tiếng reo hò của các bô lão
trong Hội nghị Diên Hồng...)
Với Hưng Đạo,
Với Quang Trung.

Anh cũng lớn lên
Thấy dân đen máu đỏ
Xương trắng trên đồng xanh,
Lúa chen cùng cỏ dại.
Người ta giết người bên này
hay bên kia bờ sông cái...
Có cha, mẹ, của em không,
Hay chị, em, của anh,
Hay những người vô tội...
Bỏ cuộc sống phì nhiêu cho mạch đất hoang sơ.
Người ta tìm đồng đội hay chỉ mặt kẻ nội thù...
Xa xa chốn biên khu,
Gần đây trong thành phố,
Họ mang mặt nạ vào chửi đổng kẻ xa xăm
Mồ cha thằng Tư bản,
Mồm đĩ lũ Mác-Lê
Nói cho nhau nghe, nói hết sự tình
Cho những thế hệ cúi đầu suy gẫm...
LÀM SAO CÓ CHIẾN TRANH?

Ảo ảnh trôi qua như bóng nắng qua thềm
Và sư thực cũng không dừng trong chốc lát,
Người ta kể cho nhau nghe, quá nhiều,
về những truyền kỳ trong chiến cuộc,
Nhưng quá ít về những thương đau mất mát.

VÌ NGƯỜI TA MUỐN GIỮ CHO MÌNH DÒNG BÍ MẬT
MÀ LỊCH SỬ SẼ QUÊN ĐI.
Như em muốn giữ cho em tấm trinh nguyên buổi ấy
mà suốt đời anh nhớ không quên...

ANH SẼ LẬT ĐẤT LÊN
TÌM SỰ THỰC
Để nghìn năm không thể dễ quên đi...

7.

Hay cứ mặc
Mặc tình,
Mặc tội,
Mặc cho con người tráo trở, thẳng ngay...

Đọc Thánh kinh xin em đừng đọc vội,
Hát bản tình ca nào đừng nghĩ có chia ly,
Vì thời gian mang ý nghĩa diệu kỳ
Sẽ trả sự thực cho những gì không thật đúng.

Nếu có người bảo cuộc đời nầy là giấc mộng,
Coi những điều thực kinh khủng
Như lửa cháy thành Sodom,
Hay cơn Hồng Thủy
và con thuyền No-ê chập chùng trên biển sóng
Với thái độ lạnh lùng,
Coi thường cõi sống...
Họ là những kẻ vô ân.
Cũng lắm kẻ đã nhân danh những giấc mộng
Gây bão táp bạo hành
giết con người
bằng bạo lực đấu tranh
Mà cho là giải phóng...
Họ là lũ vô nhân.

Nếu người ta tạo cho mình sức mạnh
Để thành kẻ phi nhân...
Thì anh xin em một chút tình
Để sưởi ấm tim anh
mà ấp ủ thương đau,
Khi họ mang bom đạn trùng trùng và ngọn lửa đỏ au au
Vào
Phá tan từng thành phố,
Đốt cháy những cánh đồng
Thiêu xác người già, thui sống trẻ thơ...
Khi từng gốc cây rừng còn hơi thở
Thì từng góc chiến trường rồi sẽ rõ thực hư.
Vì tất cả là sự thực
Diễn ra từng ngày
trên mọi nẻo quê hương
suốt chiều dài cuộc chiến.

Em sẽ nói gì hay em nín lặng
KHI EM LÀ CHỨNG NHÂN,
KHI EM LÀ NẠN NHÂN
CỦA HIỆN HỮU MẤT CÒN,
KHÔNG MỘNG MỊ CHIÊM BAO...

8.

Anh xin kể cho em nghe
Chuyện con người tạo nên tội ác
Bằng hai chữ NHÂN DANH.

Người ta đã nhân danh văn minh để dựng nên những đế quốc,
Nhân danh con trời lập những bậc đế vương,
Nhân danh thánh thần nói những chuyện hoang đường,
Nhân danh giống nòi gây ra thế chiến.
Hitler đã nổ tung trời Âu,
Thiên hoàng ̣đã xé tan biển Á,
Đến vật đổi sao dời, trời sầu, đất thảm...
Giặc Pháp nhân danh sự thịnh vượng
để trở lại Việt Nam.
Những tên cộng sản đã nhân danh
Độc lập
Tự do
Hạnh phúc...
Hay nhân danh lòng yêu nước của giống nòi,
Để đánh đổ nhân luân,
bóp nát cang thường,
xóa tan phong hóa;
Khích động,
Tuyên truyền,
Thủ tiêu,
Tước đoạt...
Một chiến trường dài cày tung mặt đất,
Một chiến trường sâu xoáy mất tâm linh
của hàng triệu triệu dân lành.
Chúng giết người dã man:
sống có tên, chết không còn xác...
Đến núi cao cũng rùng mình vì sợ,
Đến biển rộng cũng rúng mặt vì kinh.
Giấc ngủ đêm đêm từ đó bỗng giật mình,
Tiếng súng ở đâu mà dòn dã đêm, đêm...
Chị em anh run rẩy,
Cha mẹ anh lặng thinh,
Những giọt nước mắt rơi thầm trong gọng kính,
Những nỗi đau lớn dần,
Những linh hồn sụp đổ.

ANH XIN MỘT CHÚT TÌNH,
ANH XIN MỘT CHÚT TÌNH...
XIN ĐỪNG NHÂN DANH.
XIN ĐỪNG NHÂN DANH!

9.

Người ta nói với anh rằng,
“Nước của sông Hoàng Hà đổ đến từ không trung”
Còn có gì để tin.
Nhưng cuộc chiến này bắt đầu bằng những điều phi lý
Bỡi những kẻ lưu manh
với chủ nghĩa phỉnh phờ,
tự cho là “cách mạng”,
Lường gạt người trí thức,
Dối lừa cả dân tộc...
Trang bị cho dân đen
những cây gậy tầm vong
và lòng hận thù giai cấp;
Áp dụng những kỹ xảo đấu tranh bạo lực:
Hợp tác,
Phản bội,
Giết chóc.
Khi hiểu ra rồi chiến cuộc đã lan nhanh...
Vòng lịch sử bắt đầu quay bánh
Với sức mạnh bạo tàn
Hơn tiếng súng khai phóng của cuộc đổ bộ Normandie,
Hơn sự tàn phá của trái bom hình nấm
ở Trường Kỳ, Quảng Đảo,
Hơn những gì không tưởng của những lãnh tụ ngoại bang.
Cả dân tộc Việt Nam bắt đầu đau đớn
Khi một triệu người vượt vĩ tuyến vào Nam!..

Xin đừng hỏi anh những điều gì về lý tưởng
Trong cuộc chiến thảm thương,
Khi Cộng Sản Việt Nam
Giết người không thương tiếc
ở Huế Tết Mậu Thân; ở Đại lộ Kinh hoàng,
ở An Lộc Bình Long trong “mùa hè đỏ lửa”;
ở Đường 7 Kontum trong “mùa xuân đại thắng”;
Cho đến ngày miền tự do sụp đổ,
Chúng đày đọa con người vào muôn cõi trầm luân...
Khi những triệu con người đi tìm tự do và lẽ sống,
vượt rừng ngàn, biển lớn,
Khi những tên đồ tể
ngạo nghễ đùa
trên tính mạng của nhân dân!..
Làm sao anh có thể kể hết cho em nghe
nỗi đau của đất nước trong chế độ côn đồ...
dưới ánh sáng nhập nhằngvà bóng tối nhiêu khê?!.

Thôi,
Anh xin chỉ kể cho em nghe về
Sự chiết trung của nhân thế
Vì một lần... đã lỡ đến nơi đây!..

10.

Nếu người ta bảo nơi nầy là
thiên đường, địa ngục, hay trần gian.
Xin em cứ hỏi...
Khi kể xong rồi em có thể bảo anh điên.
Anh thấy nơi nầy
HỘI ĐỦ CẢ TRĂM MIỀN,
TRONG VÔ TẬN NGƯỜI TA CHƯA TÌM THẤY
NƠI NÀO NHƯ Ở ĐÂY...
Có: cực lạc và bi thương
khổ đau và hạnh phúc
Vì: nơi nầy là vô thường
trong muôn cõi vô chung.

Nếu chưa rõ xin em cứ hỏi,
Có phải con người làm tình tạo nên xã hội,
Vũ trụ làm tình nên nổi gió nổi mưa,
Có phải em đến làm tình với anh nên anh mê dại...

HAY CHÍNH CUỘC TƯƠNG TÀN NẦY
ĐÃ GIẾT CHẾT LINH HỒN ANH...
Nên anh nào biết thiên đường, địa ngục, ở đâu!

Nếu thuở ban đầu
Thể xác chưa gặp linh hồn,
Khi đất nước chưa dựng nên,
Chiến tranh chưa tàn phá,
Khác nào
Khi đôi chân Eva chưa kịp mở giữa địa đàng
Và Adam còn ngủ mê bên trái cấm...
Thì cuộc sống này có ý nghĩa gì đâu!

Em đến cho anh những gì vô giá
Đôi mắt,
Bờ vai
Đôi vú mọng
căng tròn sức sống
Nên tình yêu anh lớn...

Cám ơn MẸ đã cho amh hơi thở.
Cám ơn EM đã cho anh nụ hôn.

Thi nhân sẽ còn làm thơ
Kể chuyện
Chiến tranh và Ái ân
Không là dung tục.
Vì cuộc đời vốn dĩ là TÌNH YÊU.
DÙ CÓ Ở ĐÂU XIN EM GIỮ LẤY.

VĂN NGUYÊN DƯỠNG hay VĨNH ĐỊNH NVD
Xuân, năm 2010

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire