http://www.mediafire.com/view/?3dih1r1xo7wxd9c
Thử Tìm Hiểu Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay
Bút Xuân Trần
Ðình Ngọc
1. Thử Tìm Hiểu Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay
Người ta đã bàn luận nhiều về đề tài:”Thế nào là một bài Thơ
hay?”. Người thích bài này, kẻ ưa bài kia, thật khó mà định nghĩa thế nào là một
bài Thơ hay, nhưng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý Thơ là tuyệt đỉnh của
Văn chương, Thơ ít chữ nhưng nói nhiều hơn văn xuôi và vì vậy không phải ai
cũng làm được một bài thơ hay, dù có nhiều kẻ suốt đời nặng lòng với Thơ.
Người viết bài này hoan nghênh tất cả các bài
Thơ do nhiều tác giả khổ công sáng tác, chỉ không hoan nghênh những bài Thơ
dùng từ rất kêu nhưng xét giá trị từng câu, toàn bài thấy vô nghĩa.
Vâng, nó vô nghĩa! Có nghĩa là người đọc không
hiểu tác giả bài Thơ muốn nói lên cái gì, ám chỉ cái gì, hoặc gởi gấm cái gì
trong những hàng chữ kia. Có thể những ông, bà tác giả đó nguỵ biện rằng người
đọc không đủ trình độ hiểu Thơ của họ. Nói như thế với một em bé trình độ tiểu
học thì có thể chứ với những người đã có trình độ Ðại học VN hoặc đã có làm Thơ
thì đúng là nguỵ biện và quá cao ngạo, kiêu căng.
Ðể tôi kể bạn nghe một giai thoại về Thơ. Có
một ông nhà thơ ở miền Nam trước 1975, sau đó sang hải ngoại, làm được một số
bài thơ và được bè bạn cũng có, tự ông ta cũng có, dùng ống đu đủ thổi lên như
hàng Thi vương, Thi bá, độc nhất vô nhị. Có một người quen ông ta, một bữa lấy
4 câu thơ của ông ta ở mấy chỗ khác nhau, cho một cái tựa và đặt liền vào nhau
như một bài thơ. Người này , nhân lúc trà dư tửu hậu đem ra , nói là thơ mới
làm, nhờ ông ta nhuận sắc dùm. Ông ta đọc xong bài thơ, hét toáng lên rằng:”Thơ
gì vô nghĩa thế này ? Tao không biết mày định nói cái gì ? Vứt thùng rác cho
rồi !” Người bạn lúc đó mới ôn tồn nói:”Thưa thi hào, chính là thơ của đại gia
đấy !”Nhà thơ vẫn không tin và người bạn phải lấy cuốn Thơ của ông ta xuất bản
ra chỉ vào những câu ông đã trích. “Ðại thi hào” ngồi ngẩn tò te ra, mắc cở .
Vậy mà lâu nay có ai nói cho ông ta biết đâu hoặc có nói, ông ta cũng không
chịu nhìn nhận một sự thực.
Về định nghĩa thế nào là một bài thơ hay. Nếu
trả lời cho đầy đủ kèm theo những dẫn chứng thì có thể phải cả cuốn sách mới
đủ. Nhưng tôi chỉ sơ lược mấy điểm chính để các bạn chưa từng làm Thơ hoặc có ý
định sẽ vào làng Thơ, nắm được thế nào là một bài thơ hoặc câu thơ hay.
LỜI HAY, Ý ÐẸP, TRUYỀN CẢM
Lời thơ trong sáng, tự nhiên, không cố ý gọt
dũa, hoặc có gọt dũa, nhưng người đọc không thấy, ta gọi tắt là lời hay.
Ý thơ hàm súc, dồi dào, gọi tắt là ý đẹp.
Ðọc lên thấy xúc động, nao nao, xao xuyến
trong tâm hồn, tức là thơ có sức truyền cảm.
Ðó là thơ tả tình. Thí dụ: (trích truyện Kiều)
Một mình nàng, ngọn
đèn khuya
Áo dầm giọt lệ, tóc se
mái sầu
Hoặc:
Cũng liều nhắm mắt đưa
chân
Thử xem con tạo xoay
vần đến dâu!
Ðến như thơ tả cảnh thì đọc câu thơ lên thấy
như vẽ trước mắt ta phong cảnh tác giả muốn phô diễn. Thí dụ:
Chim hôm thoi thót về
rừng
Ðoá trà mi đã ngậm
trăng nửa vành
Hoặc:
Cỏ non xanh tận chân
trời
Cành lê trắng điểm một
vài bông hoa
Chỉ có một ngọn đèn khuya , chiếc áo nàng đang
mặc đẫm nước mắt và mái tóc bù rối của nàng mà người đọc tưởng tượng ra được
một thiếu phụ đang trải qua những đau thương , cay đắng của cuộc đời. Chỉ có 14
chữ mà nói lên được cái tâm sự dằng dặc cả mấy trang nếu phải viết bằng văn
xuôi.
Hai câu sau tả cảnh cũng thế. Một buổi chiều
hiu hắt, u buồn, chim lặng lẽ về tổ, đoá trà mi cô đơn dưới ánh trăng thượng
tuần. Vẫn có hoa và trăng nhưng hoa và trăng nhuốm vẻ tiêu điều như lòng người.
Cái buồn của nhân vật như lây sang ta, đó chính là truyền cảm.
Hai câu chót là bức tranh của Claude Monet
hoặc của Vincent van Gogh đưa tầm mắt ta ra xa đến tận chân trời, toàn mầu xanh
tươi, chỉ điểm vài cánh lê trắng muốt.
Thật tài tình. Và thật thơ.
Không chỉ trong những đọan tả cảnh, tả tình mà
còn là những đoạn Mượn Cảnh Tả Tình, có nghĩa người đọc chỉ cần chú ý vào không
gian, thời gian, sự vật xung quanh nhân vật mà thấy rõ được tâm sự nhân vật,
cái rất khó tả cho đúng. Chúng ta hãy đọc lại đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” sau
đây sẽ nhận ra điều đó:
Trước lầu Ngưng Bích
khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng
gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa
trông
Cát vàng cồn nọ, bụi
hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm, đèn
khuya
Nửa tình nửa cảnh như
chia tấm lòng!
Tưởng người dưới
nguyệt chén đồng
Tin sương luống những
rày mong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao
giờ cho phai?
Nhớ người tựa cửa hôm
mai
Quạt nồng ấp lạnh
những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng
mưa
Có khi gốc tử đã vừa
người ôm
Buồn trông cửa bể
chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng
cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước
mới sa
Hoa trôi man mác biết
là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ rầu
rầu
Chân mây mặt nước một
mầu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn
mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu
quanh ghế ngồi.
Bình giải sơ lược: Sáu câu đầu tác giả tả nàng
Kiều trong hoàn cảnh tồi tệ nhất là ở “thanh lâu” (thanh lâu hai lượt, thanh y
hai lần), Kiều bẽ bàng cho thân phận ngay cả khi ngắm áng mây buổi sớm, nhìn
ngọn đèn leo lét ban tối. Cảnh ấy, tình này làm cho lòng nàng đòi đoạn, đứt
ruột (như chia tấm lòng).
Bốn câu kế, Kiều nhớ đến Kim Trọng, người yêu
đầu đời và trọn đời. Nhớ đến đêm trăng sáng năm xưa cùng chàng thề thốt, nay
biệt vô âm tín mà tấm thân nhơ nhuốc này biết bao giờ gột rửa để trở nên trong
sạch, xứng đáng với chàng?
Bốn câu kế:”Nhớ người tựa cửa...” Kiều nhớ cha
mẹ. Không biết giờ này lấy ai thay mình phụng dưỡng song thân? Như ông Lão Lai
ngày xưa, thấy cha mẹ buồn liền ra sân múa hát, làm trò hề cho cha mẹ vui cười
lên mà khuây khoả tuổi già. Quay đi quay lại, ấy vậy mà cha mẹ trăm tuổi lúc
nào không hay (có khi gốc tử đã vừa người ôm).
Tám câu sau cùng tả cảnh nhưng là cảnh có tâm
hồn người hàm chứa trong đó: cửa bể, con thuyền, ngọn nước, hoa trôi, bèo
dạt... trong khi tạo vật vẫn vô tình với nỗi buồn của con người:” Ầm ầm tiếng
sóng kêu quanh ghế ngồi”
Hoặc như trong “Cung
Oán Ngâm khúc”:
Cầu
Thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán
Thu phong đứng rũ tà huy
Phong
trần đến cả sơn khê
Tang
thương đến cả hoa kia, cỏ này!
Tuồng
huyễn hoá đã bày ra đấy
Kiếp
phù sinh trông thấy mà đau
Trăm
năm còn có gì đâu
Chẳng
qua một nấm cỏ khâu xanh rì!
Nơi bến đò xưa, cây
cầu bắc trên dòng nước chảy không ngừng vẫn “trơ mặt với phong sương”, cũng như
cạnh đó, quán trống, trong nắng chiều yếu ớt, gió thu lạnh lẽo hun hút thổi làm
cảnh trí càng thêm tiêu sơ. Nàng cung nữ, vì nhớ đến thân phận hẩm hiu của
mình, nhìn hoa cỏ, núi sông đều thấy một mầu tang thương. Tất cả do “Tạo hóa
đành hanh quá ngán” bày ra và rốt cuộc kiếp người trôi nổi chỉ còn lại một nấm
cỏ khâu xanh rì!
ÂM ĐIỆU, TIẾT TẤU
Nhiều nhà ngôn ngữ học
quốc tế sau khi nghiên cứu về tiếng Việt đã cho rằng tiếng Việt khi nói có âm
điệu như hát (singing language).
Sở dĩ có được kết luận
đó vì tiếng Việt có các thanh bằng, trắc khác nhau nên khi nói, các từ ngữ lên
xuống theo các thanh cho âm điệu và tiết tấu.
Thi sĩ tiếng Việt khi
làm thơ lại càng cần phải để ý đến các thanh bằng trắc này để cho bài thơ có âm
điệu tiết tấu hay, dễ đọc và quyến rũ. Chính bởi thế thơ có niêm luật, niêm là
dính, luật là những chữ phải bằng hay phải trắc hay phải hợp vận.Thí dụ hai câu
lục bát:
Bằng
bằng trắc trắc bằng bằng (vần)
Bằng
bằng trắc trắc bằng bằng (vần) trắc bằng
Thành
Tây có cảnh Bích câu
Cỏ
hoa họp lại một bầu xinh sao
Đua
chen thu cúc, xuân đào
Lựu
phun lửa hạ, mai chào gió đông!
Những chữ 1,3,5 (nhất,
tam, ngũ) bất luận, luật là bằng nhưng có thể trắc, và ngược lại.(Vì bài này
không chủ trương dạy cách làm thơ, quí bạn đọc muốn nghiên cứu tường tận hơn về
niêm, luật bằng trắc, vận có thể đọc trong sách Việt Nam Văn học sử yếu của GS
Dương quảng Hàm hoặc các sách Văn học sử khác.).
Người làm thơ cần đặc
biệt chú ý đến vần vì nếu thơ không có vần (hợp vận), sẽ không được gọi là thơ,
sẽ chỉ như văn xuôi được cắt ra những đoạn 6 hoặc 7, 8 chữ v.v.... Có người đã
ví một cách ngộ nghĩnh là thơ không vần như mặc quần không áo, nó thiếu phần
quan trọng để thành những câu thơ như tác giả của nó mong muốn. Hơn nữa, vần
dùng tài tình cho người đọc thơ thấy tài của tác giả mà không phải ai cũng có
thể làm được. Những bài thơ nổi tiếng thường là những bài thơ vần được sử dụng
chặt chẽ, khít khao và tài tình.
Thí dụ: Bản dịch “Lầu Hòang Hạc” của Tản Đà
tiên sinh từ nguyên tác Hòang Hạc lâu của Thôi Hiệu:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay Hòang Hạc riêng
lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây
giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh,
cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày
cỏ non
Quê hương khuất bóng
hòang hôn
Trên sông khói sóng
cho buồn lòng ai!
Thơ tự do không bắt buộc phải có vần nhưng
cũng cần vần khi có thể để cho câu thơ nổi nang hơn, có chất thơ hơn. Còn thơ
mới, vần chữ cuối câu hay cước vận, bắt buộc phải có vận, hợp vận
Thí dụ:
Nào còn đâu những đêm
vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống
ánh trăng tan
Đâu những chiều mưa
chuyển động bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm cảnh
giang sơn ta đổi mới.
Đâu những bình minh
cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ
ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh
láng máu sau rừng...
(Hổ
nhớ rừng - Thế Lữ)
Hoặc một đọan đầu trong bài “Nắng Quê Hương”
của tác giả bài này:
Em sang đây mang giùm
anh chút nắng
Nắng Sàigòn - Hànội -
Nắng Quê Hương
Nắng ngày xưa em nhặt
ở sân trường
Đem hong gió Thu vàng
hay ép sách.
TÓM TẮT
Một bài Thơ hay phải hội đủ ba yếu tố: Lời
hay, Ý đẹp, và Truyền cảm. Có cả ba yếu tố thiết yếu này, người ta gọi tắt là
một bài thơ hay, một bài thơ có hồn. Khi thi sĩ cảm hứng, tứ thơ tuôn tràn, hồn
thơ lai láng. Chính kẻ viết bài này, có nhiều lần bút không kịp ghi tứ thơ trên
giấy, phải dùng những chữ viết tắt mà chính tác giả mới đọc được, ghi vội ra vì
nếu để giây phút đó qua đi, sẽ không thể hoặc khó có thể làm được bài đã định.
Sau giây phút “xuất thần” đó, bây giờ mới thong thả coi lại bài thơ từ đầu tới
cuối và chỉnh những từ không vừa ý. Thường chỉ chỉnh sơ sài, dăm ba từ bị thay
thế cho thích hợp, nhưng cái cốt lõi đầu tiên, cái khung, cái hồn của bài thơ
thì không bao giờ thay đổi, bởi nó đã hay hoặc vừa ý (với chính nhà thơ.)
Thi sĩ phải có hứng sáng tác, thơ mới hay.
Hứng là cái sáo diều hoặc sợi dây đàn treo trong không gian, một làn gió nhẹ thổi
qua đủ làm nó phát ra thanh âm. Tâm hồn thi sĩ cũng ví như cái sáo hoặc sợi dây
đàn đó, một ý tưởng mới, một cảm nghĩ mới, một sự việc mới xảy ra trước mắt
khiến nhà thơ muốn dùng bút ghi lại sự việc hoặc những cảm nghỉ của mình trong
khi người không có tâm hồn thi sĩ, không để ý tới sự việc xảy ra, cũng không có
những cảm nghĩ mà nhà thơ có. Ðó chính là “Cái sáo hoặc sợi dây đàn” của thi
sĩ. Nó vô cùng bén nhạy nên thi sĩ mới có hứng thơ. Với nhà văn, hứng viết văn
cũng tương tự thế. Do đó, chúng ta phân biệt hai loại, nếu ghi thường: văn
xuôi; nếu ghi có vần điệu tiết tấu: Thơ. Cả hai đều là văn chương, tuy co những
nét đặc thù khác hẳn nhau.
Ðể làm rõ nét cái hứng của thi nhân, chúng tôi
xin đưa ra trường hợp Thi sĩ Ôn như hầu Nguyễn gia Thiều.
Tất cả chúng ta nhìn các cung nữ thời xưa, lúc
son trẻ được nhà vua vời vào cung làm cung phi đều là chuyện bình thường bởi
vua có quyền sinh sát toàn dân. Vua muốn là Trời muốn vì vua là Thiên tử, con
Trời. Riêng tác giả “Cung oán ngâm khúc” lại có cái nhìn khác. Thi nhân nghĩ
chỉ vì phải phục vụ cho những sắc dục tham lam, bất chính của nhà vua mà các
cung nữ này bị giam trong cung cấm, uổng phí cả một đời thanh xuân khi nhà vua
chỉ dùng các nàng cho một đêm vui rồi không bao giờ đoái hoài tới nữa làm nhiều
cung phi chết già trong cung cấm. Nhà vua, sau khi thoả mãn, ân ái một đêm, lại
đi tìm những bông hoa hương sắc khác để tủi hổ, bẽ bàng, đau khổ cho hàng trăm,
hàng ngàn cung phi mà họ không biết kêu cứu vào đâu được.(Ngán thay cái én ba
nghìn). Từ đó thi nhân viết cuốn “Cung oán ngâm khúc” để thay cho các cung phi
nói lên nỗi lòng đòi đoạn nơi cung cấm, may ra tiếng nói có thấu đến cửu trùng,
các nàng được giải thoát khỏi cuộc sống tối tăm, chết dần, chết mòn, được trở
về nơi thôn dã sống với gia đình và biết đâu lại có được một tấm chồng để nương
tựa suốt cuộc đời còn lại.
Vì đặt mình vào hoàn cảnh các cung phi bị thất
sủng, thi nhân đã cực tả được những đau xót của các cung phi:
Trải vách quế gió vàng
hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt
như đồng
Oán chi những khách
tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm
trong má đào...
Trở lại ý hướng mượn cảnh tả tình của thi
nhân, chúng ta hãy đọc lại hai bài thơ (Đường luật) sau đây, của Bà huyện Thanh
Quan và Cụ Nguyễn Khuyến:
CHIỀU
HÔM NHỚ NHÀ
Trời chiều bảng lảng bóng
hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn
trống dồn
Gác mái ngư ông về
viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô
thôn
Ngàn mai gió cuốn chim
bay mỏi
Dặm liễu sương sa
khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài,
người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn
ôn !
THU ÐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước
trong veo
Một chiếc thuyền câu
bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi
gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ
đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời
xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co
khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu
chẳng được
Cá đâu đớp động dưới
chân bèo.
Hai bài thơ này cùng làm theo thể Ðường luật,
thơ bảy chữ tám câu, rất phổ thông từ đầu thế kỷ thứ XIX. Nữ sĩ Hồ xuân Hương
cũng là một trong những nhà thơ sử dụng thể thơ này nhiều nhất.
Bài “Chiều hôm nhớ nhà” có dăm tiếng Hán -Việt
như: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, chương đài, lữ thứ nhưng không phải
là những chữ quá khó. Sáu câu đầu tả cảnh để làm nền cho hai câu cuối tả tình.
Bạn để ý cặp câu:”Gác mái... và Gõ sừng...”; cặp “Ngàn mai... và Dặm liễu...”,
(động tự đối với động tự, danh tự đối với danh tự) làm theo thể biền ngẫu nghĩa
là mỗi chữ đối nhau, nét đặc thù của thơ Ðường luật. Ðọc xong bài thơ ta thấy
tâm hồn ta cũng chìm lắng vào nỗi buồn của “kẻ chốn chương đài, người lữ thứ”
một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía của hai tâm hồn xa nhau.
Như bài Thu Ðiếu, hay Mùa Thu câu cá, cặp câu
“thực” và “luận”: “Sóng biếc...” đối với “Lá vàng...” và “Từng mây...” đối với
“Ngõ trúc...”.Toàn bài không có một chữ Hán, một điển cố, vẽ ra bức tranh thu
êm đềm, tịch mịch trong đó chỉ có một động vật duy nhất là nhà thơ đang thả hồn
vào thiên nhiên với lá vàng rơi rụng, với từng mây xanh ngắt, với ngõ trúc
quanh co. Tất cả đã toát ra mùi vị Thiền và bức tranh:” Vạn vật đồng nhất thể”
vô cùng sâu sắc.
Hai bài thơ trên, cùng một số bài thơ khác của
hai tác giả này và nhiều tác giả khác như Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát, Hồ xuân
Hương v.v…đã được đa số chúng ta học thuộc lòng từ hồi còn ngồi lớp 8, lớp 9
trong phần Cổ văn.
Tuy nhiên, vì thơ Đường luật phải tuân theo
niêm, luật, vần và biền ngẫu như thế nên từ thế hệ 1932, các nhà thơ đã than là
thể thơ này quá khó so với những thể thơ lục bát, song thất lục bát, nhất là
thơ mới và thơ tự do ra đời trong khỏang thời gian đó. Các cụ nói:” Khó cho
thiên hạ đến bao giờ...” để nói về thể thơ Đường luật này. Hơn nữa, khi phải
diễn tả một tình cảm phức tạp, dài dòng thơ Đường không đáp ứng nổi như song
thất lục bát và lục bát.Và cũng kể từ đó, các thể thơ tự do, thơ mới 8, 9 chữ
hay thơ 7 chữ, mỗi đọan bốn câu, gồm nhiều đọan, vần cuối ở các câu 1, 2, và 4
rất được thịnh hành. Thể thơ Đường chỉ còn thấy thưa thớt nơi các cụ đồ nặng
lòng với thơ cổ khi xưa và những tác giả không thích thơ mới. Cũng nên lưu ý,
thơ mới có âm điệu, tiết tấu và cách diễn tả hùng mạnh mà thơ Đường không thể.
Thơ tự do cho người làm thơ diễn đạt ý tưởng không giới hạn nhưng cũng không
phải dễ để sáng tác một bài thơ tự do hay.
Để có một cái nhìn xuyên suốt về Thơ, nguyên
tắc chung cho hầu hết các môn khoa học là: hợp lý = dễ hiểu = dễ nhớ, dù là
toán học hay nhân văn. Từ những bài thơ cổ này, chúng ta cũng suy ra, để hiểu
thơ cũng như để sáng tác thơ, chúng ta cần một ít chữ Hán-Việt, hiểu nghĩa và
cách sử dụng chúng mới dễ quay trở khi làm thơ.
A-THƠ HAY RẤT DỄ THUỘC DỄ NHỚ
Từ đó ta thấy, thơ hay là thơ có thể học thuộc
lòng một cách dễ dàng. Một học sinh có trí nhớ trung bình chỉ cần ngâm nga hai
bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến và bà huyện Thanh Quan nói ở trên vài lần là thuộc
lòng. Thơ đọc trúc trắc, khó hiểu, vô nghĩa, không dễ dàng học thuộc, chắc chắn
không phải thơ hay. Cũng nên lưu ý, thơ đọc trúc trắc chính vì tác giả của nó
không am tường luật bằng trắc hoặc không sử dụng đúng qui luật bằng, trắc và
vần.
Ðể kiểm chứng điều này, quí bạn đọc thử nhớ
tên một nhà thơ, ông A, bà B v.v…cố nhớ lấy một bài thơ hay vài câu thơ của họ
mà quí vị đã đọc, xem có thuộc được bài nào không, câu nào không. Không có, ấy
là thơ ra sao quí vị đã biết. Nhưng có nhiều tác giả thời nay lại nghĩ cứ làm
thơ khó hiểu, tối nghĩa hay vô nghĩa, cao kỳ, dùng những từ cho kêu là được
quần chúng ái mộ. Sự thực không phải thế. Thơ kêu nhưng rỗng thì không khác một
cái thùng phuy, càng rỗng càng kêu to.
Trước đây, rất nhiều người, ngay cả ở nông
thôn Việt nam, đã học thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Nhị
Ðộ Mai, Cung oán ngâm khúc, Tì bà hành, Trinh thử, Trê cóc, Ngư tiều vấn đáp,
Lục súc tranh công, Bích câu kỳ ngô v.v…lúc rảnh rang, đọc vanh vách cho nhau
nghe dù có nhiều người không có sách hoặc không biết chữ, chỉ học lóm bạn bè.
Sở dĩ họ thích, họ say mê vì lời Thơ gần gũi với họ, tả cái tâm lý chung của họ
hay người xung quanh họ như Jacques Prévert, một Thi sĩ Pháp có viết:” Ðọc Thơ
lại thấy có mình ở trong” cũng là ý nghĩa đó. Người nông dân học thuộc lòng dễ
dàng như vậy vì những câu Thơ này giản dị, dễ hiểu, hợp lý, vần vò. Chính bởi
thế, nguời ta còn gọi Thơ là văn vần để phân biệt với văn xuôi.
Trước 4-1975, ở miền Nam Việt Nam, có một số
tác giả làm Thơ đăng trên các báo, tạp chí, nguyệt san, cả những nguyệt san
được coi là thời thượng, nổi tiếng lúc đó mà nguời viết không tiện hài tên, bạn
bè những tác giả này cũng ca tụng họ hết mình như hàng thi bá (một nhược điểm
của giới làm Văn học Nghệ thuật cận và hiện đại, hay dở gì khen bừa); nhưng bây
giờ hỏi còn ai nhớ được một bài Thơ của họ hoặc ít nhất là tinh thần những bài
thơ đó không ? Chúng nói lên cái gì? Chúng ca tụng hay đả phá cái gì? Ðủ biết
Thơ phải gần gũi với dân gian mới có thể tồn tại với thời gian. Thơ xa rời thực
tế là chỉ để trang điểm nhất thời, dù Thơ bác học (Hán văn), cao xa đi nữa.
B-PHẢI GÂY ÐƯỢC SỰ XÚC ÐỘNG
Thơ là văn xuôi đã gạn lọc, cô đọng lấy phần
tinh tuý sâu sắc của văn chương nên Thơ phải súc tích và truyền cảm nghĩa là
gây được sự xúc động, xao xuyến từ tác giả sang người đọc.
Người đọc phải có được sự rung động của tác
giả , dù cường độ kém hơn, mới được gọi là thơ hay. Thơ đọc lên trơ trơ trích
trích, không chuyển động được một “thớ thịt đường gân” nào của người đọc, đó là
Thơ kém giá trị. Ngưòi ta đọc Chinh phụ ngâm mà tưởng rằng mình là người chinh
phụ, có chồng sắp ra ngoài quan ải đánh giặc, giữ nước. Người ta đọc Cung Oán
mà cứ ngỡ mình là người cung phi bị thất sủng, nhà vua không đoái hoài tới.
Ðó là sự thành công của tác giả.
C-THƠ PHẢI NÓI LÊN MỌI KHÍA CẠNH CỦA ÐỜI SỐNG
Ðành rằng Thơ tình ái là loại Thơ nhiều người
làm, nhiều người đọc nhất và cũng dễ làm hơn nhiều loại khác, nhưng một tác giả
cả đời chỉ viết được những bài thơ tình ái hoặc ca tụng đàn bà như nhà thơ Ðinh
Hùng là một (Ðường vào Tình sử, chính ông thú nhận), thì chưa thể gọi được là
đã quán xuyến về Thơ.
Hầu hết những bài Thơ hay của những tác giả
như Nguyễn bỉnh Khiêm, Nguyễn công Trứ, Trần tế Xương, Cao bá Quát, Bà huyện
Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Tản Ðà, Nguyễn Trãi v.v…đều là Thơ về
Thiền, Thơ yếm thế, luận bàn thế sự, nhân tình thế thái, Thơ đạo lý, triết lý
cuộc đời, thơ nhàn v.v… mà rất ít hoặc không có Thơ tình.
Nguyễn Du tả Kiều trong thanh lâu, Kiều tiếp
khách, Kiều tắm… vì Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du phỏng theo
cốt truyện của một tác giả Trung hoa (Thanh Tâm tài nhân) trước tác ra và đặt
tên là Ðoạn trường Tân Thanh. Là tiểu thuyết, vả lại trung thành với nguyên
tác, Ðoạn trường Tân Thanh cần phải có đủ tình tiết, hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố,
dục, người đọc mới thấy hết được những khiá cạnh của nhân vật chính trong
truyện. Chứ không phải ông có ý tả chân để khiêu dâm như một số người đã gán
cho ông (Huỳnh thúc Kháng, Ngô đức Kế: ai, dâm, sầu oán, đạo, dục, tăng, bi)
hay như Nguyễn công Trứ: “Bán mình trong mấy mươi năm, Ðố đem chữ hiếu mà lầm
được ai.”)
Quan niệm coi Kim Vân Kiều là một cuốn tiểu
thuyết dâm ô đã quá lỗi thời. Trái lại người ta có thể tìm trong đó những vần
thơ bất hủ được lưu truyền mãi mãi. Chúng ta chỉ nên coi Kiều là một tác phẩm
văn chương mà thôi. Càng không nên đưa Kiều ra làm mẫu mực về đạo đức, luân lý
(như có tác giả đã làm) mặc dù nhân vật Kiều rất nhân bản, chứa đựng đầy đủ tâm
lý của con người bình thường.
Theo thiển ý, chỉ có một điều tiếc: Nguyễn Du
không sáng tác mà nhờ vào một cốt truyện Tàu, dĩ nhiên thuộc thời đại vua Tàu,
nhân vật Tàu, phong tục, văn hóa Tàu..., tuy cũng tương cận với chúng ta nhưng
không thể bằng tất cả đều là Việt Nam.
D-CUỘC ÐỜI: ÐỀ TÀI VÔ TẬN CHO THI NHÂN
Cõi nhân sinh này còn rất nhiều điều cần đến
nhà thơ, nhà văn ghé mắt đến. Nào là tôn giáo, gia đình, xã hội, đất nước, quê
hương, dân tộc, tự do, dân chủ, bình đẳng, nào là công bằng, bác ái, vị tha, hi
sinh cứu giúp kẻ khốn cùng… Ngay như thiên nhiên, cây cỏ, thú vật, chim muông,
gia cầm, gia súc cũng là những đề tài vô tận.
Học giả Phạm Quỳnh trong báo Nam Phong xuất
bản năm 1921 có viết:”...Làm một bộ tiểu thuyết, cốt là đặt cho hay, viết cho
khéo, cho người đọc có hứng thú, ...có lẽ ở những nước văn minh có thể nghĩ như
thế được; nhưng ở những dân còn bán khai như dân ta thời văn chương rất là quan
hệ cho đời lắm, nhà làm văn có cái trách nhiệm duy trì cho xã hội, dìu dắt cho
quốc dân, nếu làm sai trách nhiệm ấy thời dẫu văn chương hay đến đâu cũng có
tội với quốc gia, với danh giáo vậy. Các nhà tiểu thuyết ta há không nên cẩn
thận lắm ru?” (Hết trích)
Tác giả Tô Hoài thời tiền chiến chỉ tả mấy con
dế mèn phiêu lưu mà cũng được học sinh đua nhau đọc, nổi tiếng một thời. Vậy
không phải chỉ Thơ tình ái mới ăn khách. Yêu đương, nhớ nhung, dang dở, chia
phôi …chỉ bấy nhiêu, không phải lúc nào độc giả cũng “tiêu hoá “được. Viết lắm
sẽ nhàm. Cứ một loại Thơ đó chỉ chứng tỏ tác giả không thể viết và nghĩ đa dạng
mà thôi. Có nghĩa là tác giả không đủ tài. Mà cuộc đời hiện đại lại quá đa
dạng, đa phương. Sự biến hoá của cuộc đời làm ta chóng mặt. Một vị Tổng Thống
Mỹ, ông Franklin Roosevelt bảo với mọi người, trước khi ông đọc diễn văn trước
quốc dân:” Vỗ tay nhiều không có nghĩa là diễn văn hay” Ta cũng có thể lấy câu
đó áp dụng cho một số tác giả trước đây ở miền Nam và ngày nay ở hải ngoại,
thơ, văn rất nghèo nàn nhưng bè bạn, theo cái mốt, dùng ống đu đủ thổi phồng và
vỗ tay quá lố. Và đó cũng là lý do làm mất niềm tin của đa số độc giả có trình
độ.
Đ-LÀM THƠ PHẢI TUÂN THEO NIÊM LUẬT, BẰNG TRẮC
Ngoại trừ Thơ tự do, không cần vần, không niêm
luật bằng trắc, không giới hạn số câu, số chữ trong câu (Xin đọc bài Thương
tiếc Columbia của người viết bài này), còn các thể thơ khác như lục bát, song
thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn (Ðường luật), Thơ Mới … đều phải theo luật
Thơ (vần, bằng trắc) Thơ mới hay. Vần dùng gượng ép, mất hay một phần. Chữ đúng
ra phải vần mà không vần, không hay.
Ngoài ra, cũng để nhắc lại, cách dùng chữ,
gieo vần thật quan trọng. Có nhiều từ kép, cụm từ có thể dùng xuôi ngược sao
cũng cùng nghĩa. TD: đớn đau hay đau đớn, trôi nổi hay nổi trôi, phiền muộn hay
muộn phiền, nghĩa đều như nhau. Nhưng không thể viết xa xót thay vì xót xa,
loài lạc thay vì lạc loài, nhiên tự thay vì tự nhiên v.v... Những chữ bị đảo
ngược như vậy hoặc có nghĩa khác hoặc vô nghĩa. Cần nhất là tránh làm Thơ vô
nghĩa hoặc tối nghĩa dù đọc lên đầy hán tự có vẻ bác học.
E-Ý QUAN TRỌNG HƠN LỜI
Ðiều chót, dù còn nhiều điều chưa nói do giới
hạn của bài này. Nếu ta không thể thoả mãn được cả hai phương diện hiệp vận
(vần) và ý thì nên dùng chữ nào cho rõ ý còn hơn là dùng chữ hiệp được vần mà ý
sai lạc hoặc vô nghĩa. TD: Bốn câu của cụ Yên Ðổ.
Cũng có lúc chơi nơi
dặm khách
Tiếng suối nghe róc
rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo
leo
Thú vui con hát lựa
chiều cầm xoang
Tất cả đều hiệp vận ngoại trừ “leo” và
“chiều”. Tuy nhiên, “chiều” mới đúng nghĩa. Nếu dùng “chèo” thì hiệp vận nhưng
sai nghĩa.
Thí dụ khác: Bốn câu Thơ dịch của người viết
bài này:
Xuân sang ngoạn cảnh
xem hoa
Hè về hóng mát tà tà
ao sen
Vào Thu rượu cúc êm êm
Ðông coi tuyết phủ,
nối vần Nàng Thơ(TÐN)
Tất cả đều hiệp vận, ngoại trừ “êm” và “vần” ,
nhưng đúng ý nghĩa. Giả sử thay hai chữ “nối vần” bằng hai chữ “êm đềm” cho vần
với câu trên thì trước nhất bị điệp ngữ êm, thứ hai “êm đềm Nàng Thơ” lại có
nghĩa khác, không nói được cái thú ngâm Thơ, sáng tác Thơ của tác giả. (Ðông
ngâm bạch tuyết thi). Bài thơ trên dịch từ bài thơ chữ Hán:
Xuân du phương thảo
địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Ðông ngâm bạch tuyết
thi
Ý nghĩa của một câu Thơ, một bài Thơ là quan
trọng như vậy.
Một bài Thơ hay, một câu Thơ hay rất dễ nhìn
ra y như một bông hoa đẹp. Ðâu cần phải phân tích cánh hoa làm sao, đài hoa,
sắc hoa thế nào, ta mới biết là bông hoa đẹp.
Tiền nhân xưa sáng tác Thơ, vào hội Thơ, ngâm
Thơ như một cái thú của đời người, nhất là khi về già. Không gì bằng có bạn
Thơ, có giấy bút, có rượu, dù chỉ thanh đạm, cùng làm Thơ, cùng bàn luận về văn
chương, về những hào khí của người xưa. Tổ tiên ta dùng Thơ để nói về mình, về người,
dạy đời, mỉa mai những thói rởm của đời, tôn vinh những thú vui thanh quí, cao
nhã “an bần lạc đạo” mà Thơ chính là một dụng cụ sắc bén và đắc dụng nhất cho
các mục tiêu đó. Ta thử đọc lại một bài thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm:
THƠ
NHÀN
Một mai, một cuốc, một
cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú
nào
Ta dại, ta tìm nơi
vắng vẻ
Người khôn, người đến
chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông
ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ
tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta
sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa
chiêm bao!
Bài sau đây của thi hào Tản Ðà Nguyễn khắc
Hiếu, làm cho vở chèo Thiên thai. Ðây là cảnh hai tiên nữ tiễn Lưu Thần, Nguyễn
Triệu về trần:
TỐNG
BIỆT
Lá đào rơi rằc lối
Thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa
những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có
thế thôi!
Ðá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút
tận trời
Trời đất từ đây xa
cách mãi
Cửa động,
Ðầu non,
Ðường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng
trăng chơi!
Dù là một huyền thoại, người đọc Thơ không
khỏi bùi ngùi cho cuộc chia tay giữa người tiên, kẻ tục sau một thời gian ngắn
chung sống. Chữ dùng rất thanh thoát thích hợp với cảnh tiên: lá đào, Thiên
thai, đá mòn, rêu nhạt... cái hạc, cửa động, đầu non ... và kết thúc bằng ánh
trăng mơ hồ huyền ảo muôn đời soi bóng. Một bài Thơ tuyệt đẹp. Từ đó chúng ta
suy ra Thơ là thơ thẩn, là mơ hồ, đôi khi xa rời thực tế. Như nhà thơ Xuân Diệu
đã viết:
Là thi sĩ nghĩa là ru
với gió
Mơ theo trăng và vơ
vẩn cùng mây...
Thơ là kết tụ của tình yêu, tình yêu nam nữ,
vợ chồng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người. Thơ là tự do, phóng khoáng,
là sắc sắc không không của nhà Phật, là Vô vi, Thiền quán như Lão tử thực hành
và đôi khi cũng cần phải yếm thế, chán cái đời sống đầy tục lụy này như Cao bá
Quát, hay châm biếm những thói rởm, tật xấu của người đời như Trần tế Xương...
Thơ thực quá, thô sơ quá, thơ không hay, không thoát. Nhiều bài không thể gọi
được là Thơ mà chỉ là những bài vè dân quê truyền tụng ở nông thôn. Thơ lục bát
tuy vậy rất khó làm, dễ trở thành bài vè ít giá trị. Làm được Thơ lục bát như
truyện Kiều là một tuyệt tác.
Có nhiều bạn đọc viết thư cho người viết hỏi
họ có thể sáng tác Thơ, có thể thành nhà thơ được không? Tiện đây, xin trả lời
chung như thế này:
Ai cũng có thể sáng tác và trở thành thi sĩ,
nếu:
Yêu thơ, đọc nhiều thơ, học thuộc thơ kiểu
mẫu, thơ hay, chất Thơ ngấm vào trí óc giống như chất bổ ngấm vào thân thể,
chúng giúp cho nhà thơ rất nhiều. Tuy vậy xưa kia đã có những người thuộc lòng
cả cuốn truyện Kiều, cả cuốn Nhị độ Mai hay Bích câu kỳ ngộ nhưng vẫn không thể
sáng tác Thơ.
Có thiên khiếu về Thơ. Có sự rung cảm, xúc
động sâu xa như sợi dây đàn hoặc cái sáo trong không gian như đã nói ở trên.
Có vốn liếng nhiều về từ ngữ để sử dụng khi
cần diễn dịch một ý tưởng thành lời nói, chữ viết, nhất là thành Thơ. Thơ tiếng
Việt rất cần danh từ Hán - Việt.
Nắm vững các niêm, luật (bằng, trắc, vần) và
các thể Thơ. Dùng chúng như những cái chìa khóa dẫn đường vào việc sáng tác
Thơ.
Tuân theo các niêm, luật đó ngoại trừ Thơ tự
do. Tuy nhiên, dù là Thơ tự do, nó vẫn không phải văn xuôi, vẫn cần một sự sắp
xếp ý, lời và vẫn cần vần khi có thể cho câu thơ nhịp nhàng, cân đối.
Ðể bạn đọc hiểu thêm, xin nói như thế này. Có
những nhà văn viết văn khá hay, nổi tiếng nhưng chính những nhà văn đó nói họ
không thể sáng tác Thơ mặc dù chữ nghĩa đầy đầu.
Ngược lại, có những thi sĩ không thể viết
truyện, viết bình luận, nghĩa là văn xuôi.
Bởi như đã nói, tuy cùng là văn chương nhưng
chúng hoàn toàn khác biệt về phương diện sáng tác. Lại cũng khác biệt về phương
diện thưởng thức. Cũng cần nói thêm, khi đã không có trình độ thưởng thức thì
bài nào cũng như bài nào, vàng thau lẫn lộn, bị đánh giá như nhau. Trình độ
thưởng thức chính là những kiến thức thu thập được trong lãnh vực Thơ, nó chính
là những bước căn bản đầu tiên đưa đến sự sáng tác Thơ nếu có hứng sáng tác.
Luận bàn về Thơ, chục pho sách cũng không đủ
nói hết. Ðể kết thúc bài mạn đàm thiếu sót về Thơ này, xin mời quí bạn đọc một
bài Thơ lục bát của tác giả bài này, bài “Chiều Ba Mươi”, thơ vui Tết và bài
“Nói với Bút” cả hai đã đăng trên nhiều báo từ năm 1978 và 1992. Bài sau tác
giả mượn cây bút để nói lên nỗi lòng của mình.
CHIỀU
BA MƯƠI
Vòng tay nhật nguyệt
luân hồi
Đem Xuân trở lại nét
môi diễm kiều
Lược gương từ giã cô
liêu
Nâng niu mái tóc đây
chiều ba mươi
Trẻ thơ tươi tắn nụ
cười
Ðầu xanh, đầu bạc
người người vui lây
Gió ngoài song, lạnh
hiên tây
Chiều Xuân thi hứng
lúc đầy, lúc vơi
Trong bình đào thắm,
mai tươi
Nhìn em muốn hỏi Xuân
cười lúc nao?
Giang tay bồng nhẹ
Xuân vào
Môi son má phấn: Mai,
Ðào hay em?
NÓI
VỚI BÚT
Bút ơi ! Yêu bút thiết
tha
Bút theo ta chạy ta bà
khắp nơi
Mùa Xuân rừng núi rong
chơi
Miền quê, thành thị
khắp nơi ra vào
Hạ về bút lắm xôn xao
Biển giông bão nổi ào
ào chớm Thu
Mùa Ðông bút có sương
mù
Có đôi chim gáy gật gù
sớm mai
Ðường đời lắm nẻo
chông gai
Bút cùng ta luận một
vài điều hay
Cường
quyền bút chẳng run tay
Bút
mong Dân tộc những ngày sáng tươi
Chán
đời vẫn hé môi cười
Ta
cùng với bút một đời bên nhau
Vì
ta bút trải tình sâu
Vì
ta nên bút giãi dầu nắng mưa
Lòng
ta bút hiểu hay chưa ?
Thơ là tuyệt đỉnh,
tuyệt đích của văn chương. Sáng tác Thơ khó khăn hơn chơi Lan, chơi Bonsai,
đánh cờ tướng, uống trà v.v... vì nghề Thơ cũng lắm công phu, không phải chỉ
thích Thơ rồi nhảy vào làm Thơ mà Thơ hay được. Tuy nhiên, nếu đã có hồn Thơ
tức dễ xúc động trước những biến đổi, nghịch cảnh của cuộc đời, rồi trau dồi kĩ
năng về Thơ, làm nhiều bài Thơ, nghe ý kiến trung thực của bạn đọc và thân hữu,
nhất là những người sành Thơ thì việc sáng tác Thơ cũng tiến bộ vậy.
Trích từ
http://vantuyen.net/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire