caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 25 janvier 2013

Tìm hiểu thêm về Lý Hạ : Quỷ tài, quỷ thi

Cho các anh chị naò muốn biết thêm về Lý Hạ


Lý Hạ : con người và tác phẩm (1)
Huỳnh Ngọc Chiến



http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_H%E1%BA%A1

Bước tới: menu, tìm kiếm

Lý Hạ
Lý Hạ (tự là Trường Cát; chữ Hán: 李贺; 790816[1]) là một nhà thơ từ Xương Cốc, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cùng với Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Lý Hạ được mệnh danh là Thi Quỷ mà thiên cơ khéo sắp đặt cho bốn thiên tài Phật Tiên Thánh Quỷ cùng hội tụ trong một thời đại cực thịnh của thi ca Trung Hoa - Đường thi.

Mục lục

Cuộc đời và tác phẩm

Lý Hạ thuộc dòng dõi tôn thất dưới thời nhà Đường, thuở nhỏ cực kỳ thông minh đĩnh ngộ nhưng vì huý kỵ tên cha là Tấn Túc nên không đi thi. Cả đời ông chỉ làm một chức quan nhỏ là Phụng lễ lang (trông coi về nghi lễ), lên bảy tuổi đã biết làm thơ, từng đem thi ca chấn động cả kinh sư. Danh sĩ nổi tiếng đương thời là Hàn Dũ vì mến tài ông mà viết bài biện huý nhưng rốt cuộc Lý Hạ chưa kịp ứng thí thì đã yểu mệnh.
Trong lịch sử Đường thi, cùng với huyền thoại Thi Tiên Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi kình ngư bay lên trời, thì cái chết của Lý Hạ được đời sau truyền lại cũng nhuốm màu huyền thoại: khi ông bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con rồng màu đỏ bay đến bên cửa, tay cầm một cuốn sách trao cho Lý Hạ và nói: Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập chiêu quân vi kí). Lát sau thì Hạ mất (theo Tiểu truyện Lý Hạ-Lý Thương Ẩn).
Khi bàn về cái chết kỳ dị của Hạ, người đời cho rằng được Thượng đế mời lên thì Hạ là tiên, còn những kẻ ngàn năm sợ hãi ngưu thần xà quỷ thì gán cho ông là quỷ. Do gia cảnh cơ hàn, lại sống trong thời đại môn phiệt đang thịnh nên dù có tài, ông cũng vẫn phải chịu mọi sự rẻ rúng và đả kích. Nỗi niềm phẫn uất của kẻ tài cao phận thấp, sinh bất phùng thời nếu bị câu nệ vào chữ nghĩa mà chỉ thấy hư ảo và quái đản thì hậu thế chỉ có thể biết một Lý Hạ-quỷ tài mà không thấy được một Lý Hạ-quỷ thi.
Sinh thời, Trường Cát không có ý định ghi danh thiên cổ nên thơ ca ít được lưu giữ và tổn thất phần nhiều. Tác phẩm của ông, có lần bị người anh họ vì ghen ghét, đố kỵ nên đã đem bản thảo ném vào nhà xí. Về sau, người đời gom góp lại được mấy trăm bài và đặt tên ban đầu là Lý Hạ tập (theo thiên Văn nghệ chí cuốn Đường sử, Tống sử và Trình thị thông chí), sau đổi tên là Xương Cốc tập. Hiện nay tập thơ ông có tên là Lý Trường Cát ca do lấy từ bài tựa của Đỗ Mục theo bản sưu tập của Ngô Tây Quyền.

Thi trung hữu quỷ

Với cùng quan niệm "Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu" (lời mà không kinh động được lòng người thì có chết cũng không nguôi), thơ Lý Hạ hướng đến một thế giới cực kỳ quỷ dị. Âm hồn lãng đãng, ngưu quỷ xà thần, vật vờ trong chốn u minh nên cảnh tượng và ngôn từ trong thơ vô cùng khó hiểu. So Ly Tao với thơ Hạ, Đỗ Mục viết: "đối với thơ ca Lý Hạ thì vẻ rực rỡ của mùa xuân không đủ để nói lên sự hài hoà, sự thanh khiết của mùa thu không đủ để nói lên phong cách; quan tài bằng ngói, đỉnh khắc chữ triện không đủ để nói lên vẻ cổ kính; vườn hoang điện phế, cỏ cây đồi lũng không đủ nói lên nỗi niềm tình oán bi sầu; ma trâu, thần rắn không đủ để nói lên vẻ hoang lương quái đản mà kỳ ảo. Cho nên là hàng miêu duệ của Ly Tao, dù về nghĩa lý tuy không bằng nhưng ngôn từ có chỗ hơn cả Ly Tao."
Viết theo thể nhạc phủ, thơ Hạ có những lời đọc lên chứa bao nhiêu là cung bậc, nghe qua thì rộn rã âm thanh nhưng không giấu nỗi chỗ bi sầu:
Chung ẩm Bắc hải
Kỳ cứ Nam san
Ca dâm dâm
Quản tích tích...
Rượu uống ở biển Bắc
Cờ đánh ở núi Nam
Lời ca mê đắm
Tiếng sáo ngậm ngùi...
Hạ tự ví mình "Ngã đương nhị thập bất đắc ý. Nhất tâm sầu tạ như khô lan" (hai mươi tuổi mà chưa được đắc ý, tấm lòng sầu úa như nhánh lan khô) cũng là chân dung của người tài hoa yểu mệnh. Bi phẫn thời cuộc nhưng ông vẫn giữ được khí phách ngang tàng của một bậc quân tử, xem thường kẻ xu thời phụ thế. Khi Nguyên Chẩn, một người nổi tiếng thi đàn lúc bấy giờ đến gặp, Lý Hạ không thèm tiếp mà sai nô bộc ra nói rằng: Kẻ thi đậu khoa Minh kinh có việc gì mà phải đến tìm Hạ? Hiểu được tính cách và tài hoa của Lý Hạ thì đọc thơ ông mới hiểu được vinh danh mà người đời gán cho ông "thi trung hữu quỷ" biết bao là trân trọng.
Thơ Hạ khuyến tửu (khuyên uống rượu) để khai sầu (giải sầu), khuyến mạc chủng thụ (đừng trồng cây) vì thấy cổ du du hành (thiên cổ mênh mang) sầu bất tận bởi nỗi ngày ngắn, mùa thu ảm đạm, quỷ khốc, trăng lạnh, lá tàn... Nguyễn Tôn Nhan nhận định rằng tuy văn học sử Trung Quốc xếp Hạ vào trường phái duy mỹ (?) cuối đời nhà Đường nhưng thơ Hạ hẳn phải là "quái mỹ". Cái đẹp kỳ dị trong thơ Hạ khiến cho ngôn từ nhuốm màu huyền bí, u mặc:
Thu phần quỷ xướng Bảo gia thi
Hận huyết thiên niên thổ trung bích...
Trên nấm mộ mùa thu, tiếng quỷ ngâm nga thơ Bảo gia
Máu hận ngàn năm ngấm vào đất và biến thành ngọc đá...
Mối hận sầu uất, nghe quỷ đọc thơ... hẳn chỉ có người tương cảm với thiên địa được như Hạ mới có thể nghe thấu, hiểu thấu? Quỷ, tiên suy cho cùng cũng là linh khí của trời đất, người đời cớ sao lại xưng tụng tiên, thánh mà coi quỷ thần là thứ phải tránh xa? Nếu quả thật quỷ tài Lý Hạ chỉ sinh ra để làm kinh sợ lòng người thì Thiên đế vì sao biết mến mộ mà cung kính mời lên bàn chuyện văn chương?
Thi trung hữu quỷ, nhưng ắt trong thơ Hạ còn cận nhân tình, cận nhân gian, thiên địa ở riêng một cõi xưa nay hiếm.

Bàn về Lý Hạ

  • Lý Bạch là tiên tài, Lý Hạ là quỷ tài. Nhưng thơ của tiên của quỷ đều không nên xem nhiều. Xem nhiều thì tiên không còn làm người ta kinh mà quỷ cũng không còn làm người ta sợ. (Nghiêm Thương Lãng bình Lý Bạch thi)
  • Nguyên Hoà đời Đường là giai đoạn hưng thịnh của thi ca. Hàn Dũ, Lý Hạ văn thể không đồng nhất nhưng đều có khí cốt. Thoái Chi (tức Hàn Dũ) được các bậc tiền hiền khen ngợi, điều đó đã rõ, riêng Trường Cát, trời để lại cho tài năng kỳ diệu tung hoành làm kinh động cả người đương thời, xa lìa con đường bút mực. Than ôi, nếu để ông sống thêm vài năm mà thêm lý vào văn thì sự nghiệp há chỉ có chừng đó thôi đâu! (Đường thi phẩm loại).
  • Người xưa nói thơ có thể làm khốn cùng con người, cũng có người nói thơ đâu chỉ làm khốn cùng con người mà thôi đâu, đôi khi còn giết chết người nữa. Cho nên đẽo gọt gan ruột để làm thơ là đã sai với thuật dưỡng sinh, còn trào lộng vạn tượng đâu phải là điều làm vui lòng tạo hoá? Cho nên người đất hình của bản triều Lý Hạ không thể sống lâu được là vì thế. (Chu Ích Công- Bình Viên tục cảo)
  • Thời Đại Lịch về sau, giải được cái khuôn phép còn sót lại của nhạc phủ, chỉ có một mình Lý Hạ. Ông đã xây dựng được sắc thái đậm đà kỳ diệu mà ngôn từ phần nhiều lại ngụ ý ngoài lời. Ngôn ngữ chọn lựa thì khắt khe, dụng ý thì hồn hậu. Sau thời Thịnh Đường, muốn đứng riêng một cõi thì không thể không có phái của Mạnh Đông Dã và Lý Trường Cát vậy. (Mao trì hoàng thi biện để)

Chú thích

^ Theo Thơ Đường tập I (Nam Trân tuyển chọn) thì Lý Hạ sinh năm 789 mất năm 816. Theo Từ điển Văn học cổ điển Trung Quốc của Nguyễn Tôn Nhan thì Lý Hạ sinh năm 790, mất năm 816. Bài này dựa vào lời Lý Thế Năng tựa cho tập thơ Xương Cốc của ông.

 Đọc thêm ở Hoa Sơn Trang

http://www.hoasontrang.us/phorum/showthread.php/1361-L%C3%BD-H%E1%BA%A1-Qu%E1%BB%B7-t%C3%A0i-qu%E1%BB%B7-thi

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire