caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 5 juin 2013

Huy Lực Bùi Tiên Khôi; NGÀY XUÂN BÀN CHUYỆN THƠ: Người Thưởng Thức Thơ, Kẻ Góp Phần Sáng Tạo Với Thi Sĩ…


 






Trong lịch sử văn học Hoa Kỳ, có một bài thơ tuyệt tác, hiện nay được các sinh viên Văn Khoa nghiên cứu học hỏi tại các đại học, nhưng bước đầu gặp phải nhiều truân chuyên, lao đao, vất vả...Đó là thi phẩm “The Raven” của Edgar Allen Poe.

Bài thơ “Con Quạ” gồm 18 đoản khúc mô tả sự cô đơn hãi hùng của thi nhân, một mình trong canh khuya tưởng nhớ đến giai nhân đã qua đời, và con quạ xuất hiện…Cuối mỗi đoản khúc là những tiếng “more, nothing more, never more…”. Âm thanh more vang vọng như tiếng Quạ kêu trầm buồn, tha thiết “Không còn nữa, không bao giờ nữa..”


          Bài thơ “The Raven” được gửi đến một vài tạp chí văn chương thời bấy giờ vào Thế Kỷ thứ XIX, nhưng không được một tờ báo nào đăng tải. Mãi đến khi một người đọc được, lột hết tinh thần bài thơ qua tiếng quạ kêu “nothing more…never more”, ở cuối mỗi đoản khúc, làm cho toàn bài thơ dấy lên chất ngất nỗi sầu, gây xúc động sâu xa nơi chủ bút các tạp chí thì họ mới tranh nhau tán thưởng thi phẩm và thi nhân.

          Edgar Poe qua đời đã lâu, ngày 07 tháng 10, 1849, Ông chết lúc 40 tuổi. Rất nhiều người yêu thích văn thơ của ông, và ròng rã trong hơn 50 năm nay, cứ đúng vào sinh nhật của ông, ngày 19 tháng 01, 1809, một độc giả yêu thơ ông lại mang một bó hoa gồm ba đoá hồng trắng và chai rượu cognac đến viếng mộ ông tại thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland. USA, vào khoảng 02, 03 giờ sáng, liên tục đều đặn trong hơn 50 năm, dầu có những đêm đông gió mưa băng tuyết lạnh lùng…

          Tại sao chỉ có ba đoá hồng trắng? Đố ai biết được? Có phải ba hoa hồng trắng tượng trưng cho tác giả, tác phẩm và độc giả chăng?

            Bài thơ "The Raven” hiện được thành phố Baltimore, đặt tên cho đội banh chuyên nghiệp, đội bóng bầu dục “THE RAVEN” danh tiếng ở miền này.

Thượng tuần tháng Tư năm 1975, trong bữa tiệc cuối cùng giữa những người làm thơ với Vũ Hoàng Chương, khi chúng tôi nâng ly rượu chát hồng sóng sánh, tôi thấy rõ sự chia tay buồn thảm. Rồi đây thời thế đảo điên, bằng hữu nổi trôi, phân ly tứ tán, tôi xúc động ngậm ngùi ngâm hai câu thơ trong bài “Nhớ Cố Nhân” của Vũ Hoàng Chương:

Nghe vang sóng rượu niềm ly tán
Chạnh nhớ nòi thơ buổi nhiễu nhương

          Chưa có câu thơ nào bằng hai câu của Vũ quân nói lên đúng cảnh ngộ của chúng tôi trong bữa tiệc nầy, muốn mượn rượu giải sầu, quên hết những lo âu thời thế. Nhưng càng uống, lòng càng dấy lên những niềm bất trắc tang thương, sóng lòng, sóng rượu xôn xao niềm ly tán.

Vũ Hoàng Chương, với thi phẩm "Nhớ Cố Nhân", 10 bài Đường thi liên hoàn đã đưa ông lên đỉnh cao nhất của Đường thi viết về tình hận.

Hôn nhoè cặp má hoa bên cửa
Ghì hẫng đôi tay nguyệt trước giường…

……

Tình bẽ bàng duyên, vò nát mộng
Nằm điên cuồng nhớ, đập tan gương

Hình ảnh thật cuồng nhiệt táo bạo như ngôn ngữ của thơ mới, nhưng thật sự đây là câu luận, câu trạng của thơ Đường, từng lời, từng ý đối nhau, tân kỳ, lóng lánh, trác tuyệt.

Vào Thế Kỷ XIII, có một bài thơ ngắn của một nhà thơ đời Tống bên Tàu, bài “Viên Du Bất Trị” của Thi Sĩ Diệp Thiệu Ông:

Ưng liên kịch si ấn thương đài
Thập khấu sài môn cửu bất khai
Xuân sắc mãn viên quan bất trụ
Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai

          Tạm dịch:

Thảm rêu xanh sợ in dấu guốc
Mười lần đập cửa chín lần yên
Đầy vườn xuân sắc ai ngăn được
Một cành hạnh thắm vượt tường xuyên

Người đọc thưởng thức bài thơ, như nhìn thấy tác giả đến thăm vườn, nhưng tần ngần không vào được, dầu đã gõ cửa rồi chờ, rồi lại đến gõ đến chín mười lần. Sự chờ đợi và nhẫn nại của thi nhân làm người đọc liên tưởng đến một khu vườn cỏ hoa tuyệt đẹp, thấp thoáng bóng giai nhân trong khung cảnh mùa Xuân sắc hương rực rỡ tuyệt vời.

Nhưng cửa mùa Xuân, cửa tình, cửa đời vẫn đóng chặt im lìm, khoảnh khắc chán nản thất vọng đó, người đọc bỗng thấy nét mặt thi nhân rạng rỡ sáng ngời.

Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai

Một cành hạnh đỏ vượt tường như chìa bàn tay đẹp ra ngoài để chào mừng khách, chào mừng thi nhân. Thật là một phát hiện yêu kiều, một cử chỉ thanh tao tuyệt thú và người đọc trong chiều hướng thưởng thức như thế, bỗng thấy bài thơ trở nên nồng nàn lôi cuốn.

Tôi có sáng tác một bài thơ ngắn, bốn câu:

Thời Gian

Tích tắc thời gian nhịp bước chân
Mười lăm năm trước, gái thanh tân
Làm sao lội ngược thời gian nhỉ
Tìm dấu trinh nguyên giữa bụi trần

Một buổi chiều êm ả, ngồi một mình trong phòng, bốn bề sách vở vây quanh. Cảnh vật vắng vẻ yên tĩnh đến nổi tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường như tiếng bước chân thời gian đều đều nhẹ nhàng gõ nhịp. Cùng lúc ấy, hình ảnh những người thiếu nữ thanh tân trong chiếc áo dài Việt Nam, tà áo phất phơ bay của Sài Gòn mười lăm năm về trước hiện ra mơ hồ vẫy gọi.

Tích tắc thời gian nhịp bước chân
Mười lăm năm trước, gái thanh tân

Bây giờ Sài Gòn đã quá xa, trùng dương cách trở, thời gian ngăn cách làm sao lội ngược thời gian để tìm bắt lại cái đẹp trinh nguyên ngày cũ, tìm lại cái tuyệt vời của quê xưa yêu dấu:

Làm sao lội ngược thời gian nhỉ
Tìm dấu trinh nguyên giữa bụi trần…

Chữ trần cuối bài thơ như một tiếng trống chầu đánh ầm xuống, làm giật mình người thưởng ngoạn, đánh thức giấc mơ thi nhân, kéo thi nhân và người đọc trở về thực tại với cuộc đời phải chịu đắng cay mất mát, với bụi trần. Đó là cái thần của thi ca, mong được rực rỡ, lung linh trong tâm hồn người đọc. 

Huy Lực Bùi Tiên Khôi(Sugar Land, Texas. U.S.A.)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire