Một
loại nhạc có thể nói khó sáng tác nhất là nhạc hài hước, loại nhạc nghe
có thể vui đến bật tiếng cười. Nhạc hài hước Việt Nam có lẽ chỉ có độ
chừng vài chục bản, do những nhạc sĩ thật đặc biệt sáng tác. Một trong
những người đó, một ngạc nhiên cho hầu như tất cả mọi người, là tác giả
Trường Ca Hòn Vọng Phu. Chính Lê Thương là người đầu tiên viết nhạc hài
hước Việt Nam với những bản nhạc Hòa Bình 48, Liên Hiệp Quốc, Làng Báo
Sài Gòn...
Nhưng
nói đến chuyện viết nhạc hài hước và rồi tự đơn ca trình diễn lấy, nổi
tiếng cả nước, trong lịch sử âm nhạc Việt Nam chỉ có một người: Trần Văn
Trạch.
Ca
nhạc sĩ Trần Văn Trạch, tên thật là Trần Quang Trạch, sinh năm 1924 ở
Mỹ Tho, sinh trưởng trong một gia đình toàn là những nhân vật có tiếng
về Cổ Nhạc Việt Nam. Tuy trong gia đình có những nhân vật khoa bảng lỗi
lạc về âm nhạc như anh ruột giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê, cháu
ruột tiến sĩ âm nhạc Trần Quang Hải... Trần Văn Trạch phải nói được
nhiều người Việt Nam biết đến hơn cả.
Ông
Trần Văn Trạch có khiếu âm nhạc từ nhỏ, biết nhiều về Cổ Nhạc, thông
thạo đàn kìm và tỳ bà, hát Vọng Cổ rất “mùi”, nhưng lại thích Tân Nhạc
hơn.
Sau
khi học xong trường Trung Học Mỹ Tho, Trần Văn Trạch bắt đầu với nghề
thương mại, lập lò làm chén bán ở Vĩnh Kim nhưng không đuợc khá lắm.
Năm 1945, ông Trần Văn Trạch bỏ nghề buôn bán, lên Sài Gòn “giang hồ” và tìm cách đi hát cho những phòng trà, vũ trường nhỏ.
Đến
khoảng năm 1947, nghệ sĩ Trần Văn Trạch bắt đầu trình diễn những bài
hát hài hước. Những bản nhạc hài hước đầu tiên ông trình bầy là những
bản sáng tác bởi nhạc sĩ Lê Thương đã kể ở trên.
Nhưng về sau, vì nhu cầu trình diễn, ông Trần Văn Trạch đã tự sáng tác ra những bản nhạc hài hước để tự mình trình diễn lấy.
Bản nhạc Anh Phu Xích Lô là sáng tác đầu tiên của ca nhạc sĩ Trần Văn Trạch:
"Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn
Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới
Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới
Ê! Tôi xin mời lại đây..."
Những
bài hát nổi tiếng ngày đó là Cái Đồng Hồ Tay, Cây Bút Máy, Anh Chàng
Thất Nghiệp, Sở Vòi Rồng, Đừng Có Lo, Tôi Đóng Xi-Nê, Ba Chàng Đi Hỏi
Vợ, Chiếc Ô-Tô Cũ... Bài nhạc nào của nhạc sĩ Trần Văn Trạch cũng làm
người nghe cười... bể bụng. Thí dụ bài Tai Nạn Tê-lê-phôn:
"Từ đâu nạn đưa tới
Gắn chi cái tê-lê-phôn
Bởi tôi muốn làm tài khôn
Khiến tôi muốn thành ra ma
Không vào Chợ Quán, cũng ra Biên Hòa..."
Tuy vậy, không phải ông Trần Văn Trạch chỉ sáng tác nhạc hài hước.
Chuyến
Xe Lửa Mùng 5, kể chuyện đi thăm mẹ của một anh chàng. Đây là một bản
nhạc lúc đầu nghe thấy có vẻ là nhạc hài hước, với những tiếng động của
nhà ga, xe lửa... Nhưng đoạn cuối là một khúc thương ca, khi người về
đến nhà mới biết mẹ đã qua đời.
Một bản nhạc có cả hài hước pha lẫn chút triết lý là Khi Người Ta Yêu Nhau:
Khi người ta yêu nhau
Yêu trong lúc hai mươi tuổi đầu
Thì không phải vì tiền đâu
Nhưng mà chẳng được bao lâu...
Những đoạn giữa nói về các tuổi ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi và:
"Khi người ta yêu nhau
Yêu trong lúc bẩy mươi tuổi đầu
Thì không phải vì tiền đâu
Nhưng mà chẳng còn bao lâu"
Hai
câu "Nhưng mà chẳng được bao lâu" và "Nhưng mà chẳng còn bao lâu" nghe
có vẻ giống nhau. Nhưng suy nghĩ cho kỹ thấy hai ý nghĩa khác hẳn nhau
và cho thấy Trần Văn Trạch là người có đầu óc, biết dùng chữ khá thâm
thúy. Cái triết lý giản dị, có thể học được từ bài hát là nếu vì vấn đề
tiền mà yêu nhau, thì đó không phải là tình yêu chân thật.
Một bản
nhạc phải nói hầu như ngày xưa người Việt Nam nào cũng phải biết đến, vì
được ông hát đi hát lại mỗi tuần khi có xổ số tại rạp Thống Nhất, Sài
Gòn và sau này trực tiếp truyền thanh qua đài phát thanh Sài Gòn. Tuần
lễ nào người dân nước Việt ở khắp nơi đều nghe thấy tiếng người nghệ sĩ
trình bầy bài này qua làn sóng điện. Đó là bài hát Xổ Số Kiến Thiết Quốc
Gia, do Trần Văn Trạch viết và hát:
"Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số... gần... đến..."
Một
bản nhạc khác Trần Văn Trạch sáng tác không hài hước một chút nào cả là
bản nhạc hùng mạnh Chiến Xa Việt Nam, bài được hát đi hát lại trong
những dịp đài phát thanh cần chạy nhạc hùng như Ngày Quân Lực, Ngày Quốc
Khánh... hay khi có... đảo chánh.
Ca
sĩ Trần Văn Trạch cũng có hát những nhạc không hài hước và hát thật
hay. Một thí dụ điển hình là bản Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn
Văn Đông đã nổi tiếng sau khi chính do Trần Văn Trạch hát rất điêu
luyện, với phần nhạc đệm từ một băng nhạc thu sẵn, của một ban nhạc bên
Pháp. Lúc đó vào khoảng thập niên 1960, phương pháp trình diễn này coi
như rất mới. Từ đây, đã phát sinh ra những loại hát có nhạc đệm sẵn
(karaoké).
Ngoài
sáng tác nhạc, hát ông còn là trưởng ban nhạc Sầm Giang của đài phát
thanh Pháp Á, vào khoảng thập niên 1950. Ban này gồm những ca sĩ nổi
tiếng đương thời như Linh Sơn, Tâm Vấn, Minh Diệu, Mạnh Phát, Tôn Thất
Niệm...
Trần
Văn Trạch không chỉ hoạt động trong lãnh vực âm nhạc. Cũng trong thập
niên 1950, khi điện ảnh vẫn còn là một môn nghệ thuật phôi thai ở Việt
Nam, Trần Văn Trạch đã đóng cùng với nữ nghệ sĩ Kim Cương trong những
phim như Lòng Nhân Đạo, Giọt Máu Rơi... và về sau còn làm đạo diễn điện
ảnh cho những phim như Thoại Khanh Châu Tuấn (do Kim Cương và Vân Hùng
đóng), Trương Chi Mỵ Nương (do Trang Thiên Kim và La Thoại Tân đóng)...
Nhưng
có lẽ công trình ông đóng góp nhiều nhất cho nghệ thuật là những buổi
Đại Nhạc Hội, với chuyện sáng tác và sự trình diễn những bản nhạc hài
hước đã kể trên của ông.
Danh
từ Đại Nhạc Hội chỉ những buổi trình diễn ca nhạc xen kẽ với kịch, ảo
thuật... tại các rạp hát do chính ông Trần Văn Trạch đặt ra và từ đó
cũng do chính ông đã phát huy chủ trương, bắt đầu từ khoảng năm 1949. Dĩ
nhiên một trong những tiết mục quan trọng nhất của những buổi Đại Nhạc
Hội này là màn hát nhạc hài hước của chính Trần Văn Trạch.
Nghe
Trần Văn Trạch hát thấy vui và lạ. Ông có biệt tài bắt chước được những
âm thanh như tiếng còi tầu xe lửa, tiếng xe hơi chạy, tiếng những cầm
thú... Nhưng nếu chỉ nghe không cũng chưa thấy hết cái hay của ông, mà
phải nhìn ông trình diễn mới thấy hết được cái linh hoạt của bài hát do
ông sáng tác. Giọng hát mộc mạc, đơn giản của người Nam và cách trình
diễn hoạt náo những bản nhạc hài hước của chính mình, đã làm nên tên
tuổi Trần Văn Trạch, người được dân chúng Việt Nam gọi là Quái Kiệt.
Với
những chương trình Đại Nhạc Hội, Trần Văn Trạch đã trình diễn rất nhiều
tại Sài Gòn. Danh tiếng của ông nổi như cồn. Ông đã đi khắp các tỉnh ở
miền Nam và trước khi xẩy ra Hiệp Định Genève 1954 chia cắt đất nước, có
lần ông ra cả miền Bắc trình diễn.
Về
sau có những người khác theo quan niệm như vậy của ông tổ chức Đại Nhạc
Hội cũng rất thành công như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nữ nghệ sĩ Kim
Cương...
Sau
“Giải Phóng 1975”, Trần Văn Trạch bị kẹt lại Việt Nam và ông cũng vẫn
đi lưu diễn thường xuyên cho đến khi qua Pháp năm 1977. Từ đó, ở Paris,
ngoài việc mưu sinh hàng ngày, ông cũng vẫn có những hoạt động âm nhạc
như băng nhạc và video Hài Hước Trần Văn Trạch, trình diễn nhạc ở Pháp
hay ở Úc, Hoa Kỳ... và hoạt động xã hội nhất là trong những buổi hát
giúp quyên tiền cho những con tầu về lại biển Đông vớt người Việt tỵ nạn
vượt biển.
Năm 1994, nghệ sĩ Trần Văn Trạch qua đời tại Paris, vì bệnh ung thư gan.
Nhớ
lại hình ảnh ngày xưa của người nghệ sĩ quá cố, có dáng dấp giang hồ
với mái tóc dài và phong trần, lái chiếc xe mui trần cũ kỹ và bụi bậm,
đang thân thiện hiền hòa vẫy chào mọi người ở đường phố Sài Gòn, phải
công nhận một điều:
Ca
nhạc sĩ Trần Văn Trạch, người có một không hai trong lịch sử âm nhạc
Việt Nam, quả là một Quái Kiệt tài hoa trong tâm tưởng của mọi người dân
Việt mãi mãi...
Phạm Anh Dũng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire