caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 23 juillet 2013

HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA

 
Di bút Thỉnh Nguyện Thư của Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
trước chuyến Công du cuối tháng 4.1975 cùng Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.
* * * *
           Thưa Quý Vị ,
 
Tạp Chí Dân Văn đã được Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa cho phép đăng cuốn Hồi Ký này và toà soạn sẽ chia ra làm nhiều kỳ để các Diễn Đàn đăng được tron vẹn và đầy đủ. Cuốn Hồi ký ghi lại rất nhiều sự kiện lịch sử cận đại, đặc biệt về việc cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung đã tự tay giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu như thế nào? Ai đã ra lệnh cho Thiếu Tá Nhung thi hành? Sau cuộc chỉnh lý, Thiếu Tá Nhung tự tử hay bị ai giết tại trại Hoàng Hoa Thám?
Đây là một cuốn Hồi Ký có giá trị để các nhà viết sử nghiên cứu, tham khảo…
 
TCDV xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả.
Qúy vị nào cần trọn cuốn, xin liên lạc với TCDV, chúng tôi sẽ gởi đến hầu quý vị.
 
Germany, ngày 19.07.2013
Chủ Nhiệm TCDV.
LÝ TRUNG TÍN
 
 


HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA

1      2      3      4      5      6      7      8      9      10
Kính thưa quí vị,

Trước khi bắt đầu tôi rất đắn đo, vì muốn ghi lại sự kiện trung thực ít nhất cũng là trung thực với tôi về những gì mà tôi biết và những gì mà tôi làm, tất nhiên là khó tránh khỏi những đụng chạm đến quí vị, đặc biệt là với cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, và cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh.

Riêng với cựu Đại Tướng Khiêm và cựu Đại Tướng Viên, là hai vị mà tôi luôn ghi nhớ nghĩa ân. Tôi không có một thân nhân hay một bạn bè nào quen biết khi vào quân ngũ tháng 05/1954. Tháng 11/1961, đang trong trách nhiệm Trưởng Ban hành quân/Phòng 3 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tôi được Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang, cử giữ chức Chánh Văn Phòng. Tháng 10 năm 1965, tôi được Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cử giữ chức Chánh Văn Phòng. Nhờ vậy mà tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều vị Tướng Lãnh, nhiều giới chức trong các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, học hỏi được những căn bản trong tổ chức và quản trị.
Tôi biết có những vị gần như mai danh ẩn tích từ khi đến Hoa Kỳ sau ngày đất nước vào tay cộng sản 30/04/1975, nhưng tôi xin phép được nhắc đến quí vị trong tập sách, và tôi chỉ nói đến quí vị ở khía cạnh quí vị là những vị lãnh đạo Quốc Gia, lãnh đạo Quân Lực, chớ tôi không nói đến những riêng tư của quí vị. Tôi xin tôn trọng phần riêng tư đó. Về những gì tôi viết vào đây, có thể có sự kiện nào đó mà quí vị cho là không chính xác, nhưng theo tôi, tôi thấy đã đủ thận trọng trong cách nhìn của tôi khi viết những trang sách nhỏ này. Biết đâu, có những điều mà tôi nói lên được sự thật liên quan đến quí vị mà nhiều chục năm qua chính quí vị cũng chưa biết đến, và cũng có thể tôi làm sáng tỏ được điều gì đó đối với dư luận dù rằng quí vị cho là có hay không có cũng chẳng sao.
Thế hệ chúng ta đã học nhiều bài học quí báu từ trong lịch sử, và vận dụng vào bổn phận công dân trong trách nhiệm bảo vệ quốc gia. Rồi đây, những thế hệ sau chúng ta, cũng cần đến lịch sử mà thế hệ chúng ta sẽ là một phần quan trọng trong đó, và quí vị là thành phần quan trọng hơn hết trong giai đoạn lịch sử 1954 - 1975.
Lịch sử một dân tộc không thể tự nhiên mà có. Muốn có được lịch sử, tôi nghĩ, sau chặng đường phục vụ quốc gia dân tộc, mỗi người trong bất cứ lãnh vực nào của xã hội, cần viết lại trên giấy trắng mực đen về những hiểu biết xác thực của mình trong từng phạm vi trách nhiệm lúc đương thời, và viết với một trạng thái tâm hồn thật bình thản. Từ đó, những nhà viết sử gom góp lại, chọn lọc, phân tách, đánh giá, và tạo nên những dòng sử qua từng giai đoạn thăng trầm của đất nước. "Tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian", không phải người này tạo cho người kia, hay ngược lại, mà mỗi người trong xã hội -nhất là những vị giữ chức vụ lãnh đạo- tự tạo cho chính mình qua những nghĩ suy, những phương tiện diễn đạt, và trong những môi trường hành động.
Tôi không dám nghĩ đây là một sử liệu, nhưng tôi cố gắng ghi chép đúng theo trí nhớ của tôi, để các sử gia may ra tham khảo được đôi điều trong khoảng thời gian nghiêng ngả của đất nước, mà thuở đó, quyền lực nằm trong tay quí vị lãnh đạo . So với ấn bản lần 1, lần 2, và lần 3, ấn bản lần 4 này có vài sắp xếp lại về cách trình bày và bổ túc thêm một số chi tiết, vì 1.600 trang giấy học trò mà tôi lén lút viết lại trong thời gian bị giam ở trại tập trung Nam Hà trên đất Bắc, lén lút gởi về gia đình cất giữ, và khi đoàn tụ với gia đình tôi vẫn tiếp tục viết, đến nay tôi đã nhận đầy đủ từ Việt Nam gởi sang. Cùng với những sự kiện mà cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng từ năm 1970 đến năm 1975, và cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 đến năm 1975, hai vị cho tôi biết thêm nhân khi vợ chồng tôi đến Virginia hồi đầu tháng 9 năm 2003 và những năm sau đó, thăm hai vị và gia đình.

Xin quí vị vui lòng, và trân trọng kính chào quí vị.

Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Viết xong ngày 15 tháng 8 năm 1994.

Bổ túc lần 1, mùa Thu 1995.
Bổ túc lần 2, mùa Thu 1998.
Bổ túc lần 3, mùa Đông 2001-2002.
Bổ túc lần 4, mùa Đông 2003-2004.
Bổ túc lần 5, mùa Đông 2005-2006.
Bổ túc lần 6, mùa Xuân 2007.
Bổ túc lần 7, mùa Hè 2009.
Duyệt lại, mùa Đông 2010.

Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa
*****
Lời nói đầu
*****
Trong bối cảnh quốc tế sau thế chiến thứ hai 1939-1945, do ảnh hưởng lớn lao của hai siêu cường Hoa Kỳ với Liên Xô, đã tạo thành khối các quốc gia Tự Do và khối các quốc gia Cộng Sản. Bên cạnh đó là những quốc gia nhỏ về thế lẫn lực, cố ngồi lại với nhau và hình thành khối thứ ba thường gọi là khối Trung Lập.
Trong khung cảnh gia đình, mức thu nhập hằng tháng hằng năm không đủ chi tiêu dù là tối thiểu, phải nhờ đến sự giúp đỡ của thân nhân thân quyến hay bạn bè bằng hữu. Mà khi nhờ vả thì ít hay nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng của người ấy về mặt này mặt khác. Với hình ảnh đó ở cấp bậc quốc gia cũng vậy, còn cộng thêm những phức tạp về chính trị quốc gia quốc tế nữa. Xin nhớ rằng, trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm mà chỉ có vấn đề quyền lợi quốc gia là trên hết. Vì vậy, khi đã vay mượn hay xin xỏ của nước nào, phải chịu ảnh hưởng về những sinh hoạt của nước đó đối với quốc gia mình, thậm chí có những chính sách của họ không liên hệ đến mình mà mình vẫn phải ủng hộ, và khi đã chịu ảnh hưởng thì ý nghĩa của Trung Lập không còn nữa.
Khi nhìn nhận như vậy, rõ ràng là các quốc gia trong khối thứ ba nói trên không có khả năng Trung Lập. Do đó mà sự hình thành của khối thứ ba này chẳng qua là gượng ép, nếu không nói là do sức ép từ thế lực bên ngoài để tăng thêm thế chính trị cho họ. Tôi muốn nói đến một thế đứng chính trị: “hoặc khối Tự Do hoặc khối Cộng Sản”. Còn tuyên bố Trung Lập mà quốc gia chỉ trông vào viện trợ hay trợ giúp nhân đạo để tồn tại, đó là tính chất dối trá trong lãnh đạo đối với đồng bào, và khi lãnh đạo dối trá thì không xứng đáng lãnh đạo đồng bào của họ nữa. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam là một trong những nhóm lãnh đạo đó.
Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đứng hẳn vào khối Tự Do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đó không phải là cách chọn lựa lý tưởng, nhưng khi phải chọn lựa giữa hai điều xấu, ta phải chọn điều xấu ít. Nhưng chịu ảnh hưởng những chính sách của Hoa Kỳ là một việc, mà bản lãnh chính trị của những vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa trong việc tận dụng tối đa những chính sách đó vào mục đích tăng thêm hay ít ra cũng phải bảo vệ quyền lực và lợi ích quốc gia, lại là việc khác. Đó là cốt lõi của lãnh đạo.
Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chúng ta kể từ giữa năm 1954, đã lần lượt trong tay các vị: Ông Ngô Đình Diệm, Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Khánh, Kỹ sư Phan Khắc Sửu, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Giáo sư Trần Văn Hương, và Đại Tướng Dương Văn Minh (lần hai). Nhiệt tình của những vị lãnh đạo trên đây đối với quốc gia dân tộc dù nhiệm kỳ của hai vị sau cùng cộng lại chỉ hơn một tuần lễ, đều đáng được ca ngợi, nhưng vị nào đã để lại tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian, xin tùy quí vị quí bạn. Xa hơn nữa là phán xét của lịch sử.
Với quyển sách này, tôi xin ghi lại những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ, qua những lệnh và những việc làm đó trong các biến cố chính trị từ năm 1963 đến cuối năm 1966. Rồi năm cuối cùng của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà lãnh đạo nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm trọn Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, ký ức và tài liệu mà tôi ghi chép lúc đương nhiệm, còn lưu giữ được đôi điều. Vì giới hạn trong phạm vi trách nhiệm nên không có được tính cách tròn vẹn của mỗi biến cố, nhưng hy vọng là nội dung này có khả năng giùp quí vị quí bạn nhận ra những nét trung thực khi lần theo mỗi sự kiện trong từng biến cố.
Cũng xin nói thêm rằng, tôi chưa từng viết văn, cũng không biết viết văn, nên văn chương ở đây rất luộm thuộm. Kính mong quí vị quí bạn vui lòng xem nội dung quyển sách này như là một chuyện kể, nhớ đâu kể đó.
Và bây giờ kính mời quí vị quí bạn vào chuyện kể . . .

KỲ 2
Đến đây xin mở dấu ngoặc để nói thêm về cựu Đại Tướng Cao Văn Viên. Cũng nhân dịp dự tiệc cưới ngày 06/09/2003 nêu trên, tôi có đến nhà thăm cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, sau đó dùng cơm tối với cựu Đại Tướng Cao Văn Viên tại nhà người bạn. Cựu Đại Tướng Viên nói rằng:
“Những điều Anh (tức tôi) nói về cuộc đảo chánh 01/11/1963 trong quyển sách của Anh về tôi là đúng, nhưng có những điều khác mà Anh chưa biết”.
“Rất đúng, thưa Đại Tướng. Tôi chỉ viết lại những gì mà tôi biết thôi, cho nên câu chuyện không tròn trịa được”. Tôi trả lời, và cựu Đại Tướng Viên nói tiếp:
“Trước khi Anh mời tôi lên ngồi văn phòng Anh, có người xuống gọi tôi lên văn phòng gặp ông Minh (tức Trung Tướng Dương Văn Minh, cấp bậc lúc bấy giờ), để nghe ổng nói là ổng đảo chánh Tổng Thống Diệm, rồi ổng hỏi tôi nghĩ sao? Tôi trả lời là chuyện lớn như vậy mà bây giờ Trung Tướng mới nói với tôi thì tôi đâu có quyết định được. Lúc ấy sĩ quan cận vệ của ông Minh lăm le khẩu súng về phía tôi như sn sàng bắn tôi. Tôi cũng nhắc lại với Anh là trước đó, tôi với một ông Đại Tá mà tôi giấu tên (theo tôi biết, đó là Đại Tá Lê Quang Tung, Chỉ Huy Trưởng Sở Khai Thác Địa Hình, tên gọi ngụy trang của cơ quan mật vụ) cùng gọi lên gặp Trung Tướng Minh, nhưng vừa ra khỏi phòng họp thì ổng bị còng tay dẫn đi và đã bị giết sau đó. Còn tôi cũng bị còng nhưng mới còng một tay thì Thiếu Tướng Đính (Tôn Thất) chợt thấy, ổng bảo tháo còng ra, và sĩ quan đó dẫn tôi lên gặp ông Minh như tôi vừa nói. Tiếp đến mới nối vào chuyện của Anh mời tôi lên ngồi ở văn phòng Anh”.
Đến đây là hết lời kể của cựu Đại Tướng Cao Văn Viên. Tôi xin tiếp lời của một nhân chứng khác cũng liên quan đến sự kiện này. Tối 18/05/2005, tại Houston, tôi dùng cơm với anh Trịnh Bá Lộc từ Arkansas đến thăm thành phố này. Trong bữa ăn đó còn có cựu Đại Tá Lê Thuần Trí, và cựu Trung Tá Hoa Hải Đường. Qua những câu chuyện trao đổi, trong đó có nói đến cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963. Lúc ấy, anh Lộc là Đại Úy, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh. Và đây là lời trao đổi giữa tôi với anh Trịnh Bá Lộc.
Khi tôi thuật lại lời kể của cựu Đại Tướng Viên lúc ông bị còng tay, anh Lộc nói:
“Đại Tướng Cao Văn Viên bị còng tay ngay trước mặt Trung Tướng Minh, và tôi đứng bên cạnh. Lúc ấy đang đứng bên ngoài cửa văn phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng, tức là trên tầng lầu 2 chớ không phải ở tầng trệt. Đúng như Đại Tướng Viên nói là ông bị Quân Cảnh mới còng một tay(trên tầng 2), và chính Trung Tướng Minh ra lệnh tháo còng ra”.
“Vậy anh có biết ai ra lệnh còng tay không?” Tôi hỏi.
Anh Lộc đáp:
“Chính tôi cũng thắc mắc điều này, vì tôi hoàn toàn không biết ai ra lệnh”.
 Với lời của anh Lộc, sự kiện nho nhỏ này trở thành cái “gút”. Vì cựu Đại Tướng Viên nói là ông bị còng tay sau khi ra khỏi “phòng tạm giữ” ở tầng trệt của tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, và Thiếu Tướng Đính ra lệnh mở còng, trong khi anh Lộc nói Đại Tướng Viên bị còng tay ở tầng lầu 2 và Trung Tướng Minh ra lệnh mở còng. Sự kiện tuy nhỏ, nhưng không rõ là vị nào nhớ đúng, vì một vị là “nạn nhân” còn vị kia là “nhân chứng”. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thêm về sự kiện này.   
Anh Lộc còn kể lại mu chuyện ngắn vào những ngày cuối của tháng 04/1975, theo đó thì lá đơn của Đại Tướng Viên gởi Tổng Thống Trần Văn Hương xin giải ngũ mà tôi bổ túc vào “Lời nói cuối”.Xin đóng ngoặc.
Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, điện thoại reo:
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.  
“Thưa Đại Úy, có Thiếu Tá Trần Cửu Thiên vô phòng Tổng Quản Trị lãnh huy chương, và bây giờ xin ra cổng”.
Đó là lời của trưởng toán Quân Cảnh ở cổng số 1. “Anh chờ tôi đầu máy”.
Tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm nhưng Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tôi một cách lạnh lùng:
“Anh đem vô nhốt luôn cho tôi”.
“Vâng”.
Xin nói thêm. Tất cả các vị trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đều có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, nên mỗi khi tôi trình điều gì với Thiếu Tướng Khiêm, các vị khác đều nghe. Do vậy mà Trung Tướng Minh ra lệnh giữ Thiếu Tá Thiên trong khi Thiếu Tướng Khiêm chưa có phản ứng.
Một lúc sau, tôi gặp Thiếu Tá Thiên trong phòng vệ sinh có Quân Cảnh đi kèm, ông Thiên trừng mắt với tôi và không nói một lời cho dù tôi chào ông đến hai lần. Thiếu Tá Thiên rất được sự tín nhiệm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu sau khi Thiếu Tá Thiên được đánh giá là xây dựng thành công "khu trù mật" Vị Thanh-Hỏa Lựu thuộc tỉnh Phong Dinh (lúc bấy giờ chưa thành lập tỉnh Chương Thiện). Thiếu Tá Thiên là đảng viên đảng Cần Lao Nhân Vị mà ông Cố Vấn Nhu là lãnh tụ. Vì vậy mà Thiếu Tá Thiên -trong một chừng mực nào đó- đã xem thường ngay cả với Đại Tá Khiêm khi Đại Tá Khiêm đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh/kiêm Khu 33 Chiến Thuật, chỉ vì Đại Tá Khiêm không phải là đảng viên, cũng không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Lúc 3 giờ chiều, điện thoại tôi reo: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Tôi là Hiền đây anh Hoa. Anh trình Thiếu Tướng xem bây giờ tôi đến còn kịp họp không?”
“Xin lỗi, Đại Tá đang ở đâu đó?”
“Tôi đang ở Bộ Tư Lệnh Không Quân”.
Đấy là Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân.
“Xin Đại Tá vui lòng chờ đầu máy, tôi vào trình ngay”.
Tương tự như khi tôi trình với Thiếu Tướng Khiêm về trường hợp Thiếu Tá Thiên, trình xong, Thiếu Tướng Khiêm chưa có phản ứng thì  Trung Tướng Minh ra lệnh:
“Kêu qua nhốt luôn”
“Vâng”.
Tôi báo cho Quân Cảnh phụ trách cổng số 1, mở cổng, và hướng dẫn Đại Tá Hiền vào phòng họp, gọi cho đúng là "phòng tạm giữ".
Đến lúc này thì điện thoại tôi reo liên hồi, hết ông Tỉnh Trưởng này đến vị Tỉnh Trưởng khác, hỏi thăm tình hình tại thủ đô ra sao? Nhóm đảo chánh có những vị nào? Có địa phương nào gọi về ủng hộ chưa? Các vị Tư Lệnh Quân Đoàn Sư Đoàn có ủng hộ không? ..v..v.. Tất cả những câu hỏi, tôi nghĩ, chắc là các ông ấy có mục đích tìm hiểu thêm tình hình, để các vị ấy quyết định ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Thế thôi. Do vậy mới có thêm nhu cầu chuyển ngay các bản văn của địa phương ủng hộ Hội Đồng sang đài phát thanh Sài Gòn để loan tin kịp thời. Thế là tôi có thêm đường giây điện thoại trực tiếp với đài phát thanh và hầu như tất cả những bản văn ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của nhiều vị Tỉnh Trưởng, đều do tôi gợi ý. Và khi vị ấy đồng ý là tôi chuyển đến đài phát thanh qua điện thoại luôn. Nghĩa là từ lúc ông Tỉnh Trưởng đồng ý ủng hộ đến khi loan tin trên làn sóng, chỉ trong vòng 3 đến 5 phút.   
Bất cứ biến cố nào cũng có người ủng hộ, người thì không, đó là lẽ đương nhiên. Trường hợp đảo chánh đang diễn tiến cũng vậy. Theo lệnh Thiếu Tướng Khiêm, tôi chuyển đến Truyền Tin:
“Hệ thống kiểm thính sẽ "chận bắt" trên làn sóng vô tuyến, các công điện gởi về Phủ Tổng Thống và trình lên văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân ngay. Còn trên hệ thống điện thoại viễn liên ngang qua tổng đài điện thoại Cộng Hòa trong khuôn viên bộ Tổng Tham Mưu, phải thu băng các cuộc đàm thoại, ghi chép lại và trình lên vào mỗi đầu giờ”.
Bây giờ xin mời quí vị quí bạn cùng tôi rời bộ Tổng Tham Mưu để lên Biên Hòa, theo chân Sư Đoàn 5 Bộ Binh, lúc ấy Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu là Tư Lệnh. Những tin tức về hoạt động của Sư Đoàn này liên quan đến ngày đảo chánh 01/11/1963, do Đại Tá Lộ công Danh –lúc ấy là Thiếu Tá, trưởng phòng 3 Sư Đoàn 5 Bộ Binh-  kể lại cho chúng tôi nghe vào năm 1981, khi bị giam chung ở trại tập trung tù chính trị Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh, miền bắc Việt Nam. Chuyện kể như thế này:
"Khoảng trung tuần tháng 10 năm 1963, Đại Tá Thiệu đã làm cho bộ tham mưu Sư Đoàn, nhất là các sĩ quan Phòng 2 Phòng 3 rất ngạc nhiên. Lệnh hành quân ban hành trong thời gian thật ngắn, bộ tham mưu phải vất vả lắm mới thi hành xong những công tác tham mưu trong việc điều động 1 Trung Đoàn Bộ Binh cùng với Pháo Binh, Thiết Giáp, và Công Binh Chiến Đấu. Khi tất cả sn sàng để sáng mai hành quân, thì Đại Tá Thiệu ra lệnh ngưng cuộc hành quân này và lập tức điều động lực lượng sang vùng khác.
Tuần lễ sau đó, lại chuẩn bị một cuộc hành quân khẩn cấp để rồi đến giờ chót lại thay đổi vùng hành quân, cũng là khẩn cấp! Chính Phòng 2 -phụ trách tình báo- cũng không hiểu vì sao lại chuyển vùng hành quân mà Phòng 2 chưa ghi nhận sự hiện diện một lực lượng nào của quân cộng sản ở đó cả.
Ngày 30 và 31/10/1963, lại chuẩn bị hành quân vào căn cứ Bời Lời. Đây là một căn cứ quan trọng của quân cộng sản, cho nên lực lượng tham dự gần 2 Trung Đoàn Bộ Binh, 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh, lực lượng Thiết Giáp và Công Binh. Đêm 31 tháng 10 rạng ngày 01/11/1963, lệnh của Đại Tá Tư Lệnh cho chuyển toàn bộ các đơn vị xuống hành quân vùng Phước Tuy (trên đường Sài Gòn-Vũng Tàu). Bộ tham mưu muốn điên đầu vì những thay đổi mà chính các sĩ quan trách nhiệm điều động và yểm trợ hành quân, cũng không sao hiểu nổi. 
Sáng 01/11/1963, các đơn vị, thay vì di chuyển về hướng Vũng Tàu như lệnh hành quân đã định, lại được lệnh dừng quân ở ngã ba xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn-Vũng Tàu, chờ lệnh mới.
Đến 1 giờ trưa, lệnh mới được ban hành: Theo đó, các đơn vị chuyển hướng về  Sài Gòn. Ngoài lực lượng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, còn có một lực lượng Thiết Giáp xuất phát từ Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp (đồn trú ở Bà Rịa) cùng tiến quân. Vào buổi chiều thì bản doanh Sư Đoàn và 1 bộ chỉ huy Trung Đoàn đặt tại trường đại học sư phạm, đại lộ Cộng Hòa, trong khi lực lượng của Sư Đoàn đã chiếm giữ các vị trí ấn định trong phạm vi thủ đô Sài Gòn.
Lại mời quí vị, chúng ta dành thêm chút thì giờ xuống Quân Đoàn IV tại Cần Thơ, nhưng trước khi xuống Cần Thơ, đến ngã ba Trung Lương mời quí vị tạt vào Mỹ Tho quan sát  Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại đây. Tư Lệnh Sư Đoàn là Đại Tá Bùi Đình Đạm. Sư Đoàn phụ trách Khu 41 Chiến Thuật gồm 6 tỉnh bờ bắc Sông Tiền là Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, và Long An, gồm cả Đồng Tháp Mười. Vì Đại Tá Đạm được xem là thành phần tín cẩn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa Đại Tá Nguyễn Hữu Có từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, khống chế Đại Tá Đạm với mục đích cầm chân Sư Đoàn tại chỗ.
Xong, chúng ta cùng xuống Cần Thơ, bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Trung Tá Huỳnh Văn Tồn đã xuống bộ tư lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật, với nhiệm vụ thuyết phục Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng nhưng không thành công, ông áp dụng biện pháp dự liệu trước là uy hiếp Thiếu Tướng Cao án binh bất động.
Năm 1962, Đại Tá Huỳnh Văn Cao là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại Mỹ Tho, được thăng  cấp Thiếu Tướng ngày 05/12/1962, trước Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm một ngày dù rằng hai Sắc Lệnh thăng cấp cùng một ngày ký. Điều đó có nghĩa là Thiếu Tướng Cao thâm niên hơn Thiếu Tướng Khiêm một ngày, và trong quân đội vấn đề thâm niên là rất quan trọng về mặt chỉ huy. Không có gì khó hiểu khi biết rằng Thiếu Tướng Cao là đảng viên đảng Cần Lao trong khi Thiếu Tướng Khiêm vừa là khác tôn giáo vừa là người ngoài đảng.
Quân Đoàn IV được thành lập ngày 01/01/1963, và Tổng Thống Diệm cử Thiếu Tướng Cao giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn này từ ngày ấy.
Xin mời sang Sa Đéc quan sát hoạt động của Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Đại Tá Bùi Dzinh, Tư Lệnh Sư Đoàn và Tư Lệnh Phó là Trung Tá Đoàn Văn Quảng. Trung Tá Quảng trách nhiệm khống chế Đại Tá Dzinh và giữ chân Sư Đoàn tại chỗ. Năm 1961 và 1962, Trung Tá Quảng là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ Binh trong khi Đại Tá Trần Thiện Khiêm là Tư Lệnh. Do vậy mà lệnh của Thiếu Tướng Khiêm được Trung Tá Quảng thi hành một cách tích cực. Nhưng theo cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, thì trách nhiệm khống chế Đại Tá Bùi Dzinh án binh bất động Sư Đoàn 9 Bộ Binh là do cựu Đại Tá Nhan Minh Trang -lúc đó là Thiếu Tá- theo lệnh Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng từ Sài Gòn xuống Sa Đéc thi hành.  
Đại Tá Bùi Dzinh và Đại Tá Trần Thiện Khiêm cùng học lớp "chỉ huy tham mưu" tại Hoa Kỳ năm 1959, cùng trở về Việt Nam và cùng nhận chức tại Sư Đoàn 21 Bộ Binh vào đầu tháng 02/1960, khi Trung Tá Trần Thanh Chiêu bị cách chức. Đại Tá Khiêm Tư Lệnh, Đại Tá Bùi Dzinh Tư lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn. Đại Tá Bùi Dzinh, rất được Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu tín nhiệm. Sư Đoàn 9 Bộ Binh thành lập tại Qui Nhơn, và Tổng Thống Diệm cử ông vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn này. Sau đó, Sư Đoàn 9 Bộ Binh được lệnh chuyển toàn bộ vào hoạt động vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bây giờ mời quí vị trở về Bộ Tổng Tham Mưu.
Trước 5 giờ chiều một chút, tôi trình nhắc Thiếu Tướng Khiêm về trường hợp Đại Tá Quyền -Tư Lệnh Hải Quân- Thiếu Tướng Khiêm cho biết là Đại Tá Quyền đã bị sĩ quan tùy viên của ổng bắn chết trên Thủ Đức rồi.
Lúc 5 giờ chiều: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Chào anh Hoa. Tôi là Đại Úy Bằng đây. Anh mời Thiếu Tướng Khiêm tiếp chuyện với Tổng Thống”. 
Đại Úy Bằng là sĩ quan tùy viên của Tổng Thống Diệm, thường trực ở văn phòng Phủ Tổng Thống.
“Vâng. Anh chờ tôi đầu máy”.
Tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm và nhấc ống nói trao cho ông:
“Mời Thiếu Tướng tiếp chuyện với Tổng Thống”.

Thiếu Tướng Khiêm chưa kịp nhận ống nói thì Trung Tướng Minh chụp lấy ngay. Tôi không nghe Tổng Thống Diệm nói gì mà chỉ nghe Trung Tướng Minh:
“Chúng tôi chỉ chấp nhận cho ông đi ngoại quốc như một người bình thường”.
“........................”
“Không”.
Tiếp đó, Trung Tướng Minh nói với các vị có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm sau khi ông dằn ống nói xuống vị trí:
“Ổng đòi đi như một Tổng Thống, tôi không đồng ý”.
Lúc đó trong phòng im phăng phắc, chừng như cách giải quyết của Trung Tướng Minh đem lại niềm suy nghĩ cho các vị ấy thì phải. Tôi nhìn vào thái độ của các vị mà suy đoán như vậy.
Điện thoại lại reo và đầu giây bên kia vẫn là Đại Úy Bằng mời Thiếu Tướng Khiêm tiếp chuyện với Tổng Thống. Tôi lại vào:
“Trình Thiếu Tướng, Tổng Thống muốn nói chuyện với Thiếu Tướng”.
Cũng như lúc nãy, Trung Tướng Minh chụp ống nói lên, rồi đặt xuống máy: “Không cần nói chuyện với ổng”
Tôi trở ra phòng và trả lời Đại Úy Bằng:
“Rất tiếc là Trung Tướng Minh cắt đường giây rồi. Chào anh”.
Khoảng 6 giờ chiều. Một buổi họp ngay trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, cũng là bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Ngoài các vị có mặt ở đây từ lúc trưa, tôi thấy có thêm Trung Tá Mai của Không Quân (dường như là Đỗ Khắc Mai) mà mấy phút trước đây Quân Cảnh cổng số 1 điện thoại cho tôi biết. Buổi họp ngắn gọn này quyết định:
"Không Quân phải chuẩn bị càng nhiều phi tuần khu trục càng tốt, nếu đến 7 giờ sáng mai (2/11/1963) mà ổng (Tổng Thống Diệm) chưa đầu hàng thì đánh bom xuống dinh Gia Long trong khi Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp sn sàng xung phong ngay sau khi Không Quân chấm dứt đánh bom".
Phải nói rằng, lúc bấy giờ trên nét mặt các vị biểu hiện ít nhiều lo âu, bởi bên đảo chánh với dấu hiệu thành công chưa nhiều, trong khi bên bị đảo chánh cũng chưa có dấu hiệu gì nhiều về sự thất bại, tuy chưa có vị Tư Lệnh đại đơn vị nào lên tiếng ủng hộ Tổng Thống. 
Thiếu Tướng Đỗ cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Vùng I Chiến Thuật  ở Đà Nẳng, đã có công điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ngay từ đầu. Thiếu Tướng Nguyễn Khánh, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật ở Plei Ku, có thể là lúc đầu còn chần chừ nhưng sau đó thì có công điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Thật sự nếu ông có chần chừ cũng đúng thôi, vì dù sao thì ông cũng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tín nhiệm khi đưa ông từ Tư Lệnh Quân Khu 5 về giữ chức Tham Mưu Trưởng/Tổng Tham Mưu, và trong cuộc đảo chánh của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi ngày 11/11/1960, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh hoàn toàn ủng hộ Tổng Thống. Đến Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật là Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, đang trong thành phần Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng rồi. Còn Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao đang bị khống chế tại bộ tư lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật. Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân, và Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Nhẩy Dù, đang bị giữ tại tòa nhà chánh. Đại Tá Hồ Tấn Quyền đã bị giết lúc trưa.
Xem chừng Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, lần này không có nhiều cơ may như lần bị Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đảo chánh cách đây 2 năm, nhưng dù sao thì Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng chưa đủ yếu tố để lạc quan về sự thành công của mình. Có lẽ cũng vì vậy mà Thiếu Tướng Khiêm bảo tôi đích thân lái xe về nhà đón vợ và 2 con ông, đưa đến nhà riêng của Thiếu Tướng Lê Văn Kim trên đường Võ Di Nguy, gần khu nghĩa trang giáp ranh với cổng số 3 của bộ Tổng Tham Mưu, tạm vắng mặt tại nhà. Khu này tương đối vắng vẻ. Khi xe trên đường đến nhà Thiếu Tướng Kim, bà Khiêm hỏi tôi:
“Chú Hoa, chú biết ai làm đảo chánh không?”
“Dạ biết. Nhiều vị lắm, có Trung Tướng Minh, Trung Tướng Đôn, Thiếu Tướng Đính, Thiếu Tướng Kim, Thiếu Tướng Xuân, .... đông lắm”. 
“Nếu có ai hỏi thì chú đừng nói có "nhà tôi" nghe chú”.
“Vâng”.
Thật ra thì Thiếu Tướng Khiêm không cho gia đình biết những gì mà ông và các vị khác cùng làm, cho nên bà Khiêm tỏ ra âu lo dự phòng của người đàn bà bình thường vậy thôi.
Trở lại tình hình tại văn phòng, và lúc này vào khoảng giữa đêm.
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Trung Tá Minh đây em”
Đó là Trung Tá Nguyễn Văn Minh mà các bạn ông thường gọi là "Minh đờn", Tỉnh Trưởng tỉnh An Giang. Là một vị Tỉnh Trưởng rất được lòng Tổng Thống và ông Cố Vấn. Tôi quen biết với Trung Tá Minh nhiều là trong thời gian tôi giữ chức chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Cần Thơ. Trung Tá Minh có tiếng là sĩ quan xử sự rất khéo với cấp trên và "chơi ngọt" với cấp dưới, nếu như cấp dưới đó là thân cận với cấp trên của ông. Dạo đó, cứ mỗi khi ông xuống Cần Thơ là y như rằng, ông ghé cho tôi tí tiền còm kèm theo câu "em cầm lấy uống cà phê chơi" mà tôi có bao giờ uống cà phê đâu.
“Thưa Trung Tá, dường như Trung Tá chưa có công điện ủng hộ Hội Đồng phải không?”
“Tình hình đến giờ ra sao rồi em?”
“Trung Tá theo dõi đài phát thanh thì rõ vì tất cả những tin tức đó là chính xác. Bây giờ tôi thử đọc bản văn ủng hộ Trung Tá nghe, nếu Trung Tá đồng ý thì tôi chuyển sang đài phát thanh ngay, chỉ vài phút sau đó là Trung Tá nghe công điện ủng hộ của Trung Tá và tỉnh An Giang phát đi trên làn sóng đài Sài Gòn”.
Thế là tôi đọc bản văn luôn, và Trung Tá Minh đồng ý ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng.
Đến khoảng 3 giờ sáng (2/11/1963), Truyền Tin mang vào công điện của ông Tỉnh Trưởng Lâm Đồng (nay là ấn bản lần thứ 4 mà tôi vẫn không nhớ tên ông). Công điện này gởi Phủ Tổng Thống với nội dung:
"... Quân Dân Cán Chánh tỉnh Lâm Đồng nguyện ủng hộ Tổng Thống và gia đình, chống lại cuộc đảo chánh của bọn phản loạn.."
Tôi mang vào trình Thiếu Tướng Khiêm. Xem xong, ông trao cho Trung Tướng Minh, lướt qua nội dung, ông lại đưa cho Thiếu Tướng Đính và kèm theo khẩu lệnh:
“Toa" kiếm người thay thằng này đi”.
Sở dĩ Trung Tướng Minh trao cho Thiếu Tướng Đính vì tỉnh Lâm Đồng thuộc Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật mà Thiếu Tướng Đính đang là Tư Lệnh.
Vài ngày sau đó, ông Tỉnh Trưởng Lâm Đồng, người gởi công điện nói trên, sau khi từ văn phòng Trung Tướng Khiêm (Thiếu Tướng Khiêm thăng cấp Trung Tướng chiều 02/11/1963) trở ra, ông hỏi tôi với vẻ khó chịu:
“Tôi có gởi công điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng mà tại sao tôi bị cách chức. Anh có biết lý do không?”  
“Dạ không thưa Thiếu Tá. Nhưng tôi biết là quí vị trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng có xem công điện Thiếu Tá gởi về Phủ Tổng Thống, do hệ thống Truyền Tin/Tổng Tham Mưu "chận bắt" tất cả những làn sóng như vậy”.
Ông quày quả ra khỏi phòng mà chẳng buồn chào trả lại.  Thật ra thì đến gần sáng ngày 02/11/1963, ông có công điện ủng hộ Hội Đồng, nhưng điều đó đã quá trễ. Trong cuộc sống, biết nhận đúng thời cơ là tốt nhất, vì hành động sớm quá hay muộn quá, thường là không mang lại kết quả tốt, đôi khi chuốc lấy nguy hại là khác. 

Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 02/11/1963, điện thoại reo trong khi tôi đang bận cuộc đàm thoại khác nên Thiếu Tướng Khiêm nhấc ống nói sau mấy lượt chuông reo, và qua cuộc nói chuyện ngắn của Thiếu Tướng Khiêm với các vị có mặt, tôi biết đầu giây bên kia là người thân cận của Tổng Thống, nhưng chưa nghe nội dung. Ngay tức thì, các vị gọi nhau vào họp thật nhanh, tiếc là tôi ngồi phòng ngoài nên chỉ nghe lõm bõm mà thôi dù rằng cửa ngăn giữa phòng tôi với phòng Thiếu Tướng Khiêm mở thường xuyên từ lúc 1 giờ trưa hôm qua.
Do công việc đòi hỏi tôi ra vào văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân một cách nhanh chóng nên tôi phải sang ngồi ở phòng sĩ quan tùy viên, vì phòng này khi mở cửa thì nhìn thẳng vào bàn viết của Thiếu Tướng Khiêm, nơi đang là bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân cách Mạng. Nghe Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh, tôi mới biết là một phái đoàn do Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân dẫn đầu sẽ vào nhà thờ Cha Tam trong vùng Chợ Lớn đón Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc ấy tôi trông thấy vài vị sĩ quan cấp tá đi vô đi ra phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, nhưng không rõ những vị này có được cử trong phái đoàn hay không.
Một lúc sau, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm gọi tôi:
“Chú theo dõi khi đoàn xe đón Tổng Thống và ông Cố Vấn về đến thì hướng dẫn xe đậu ở sân vận động cạnh tòa nhà chánh, cho Quân Cảnh gác chung quanh và không cho bất cứ ai đến gần. Xong, chú lên trình tôi”.
“Vâng”
Trong thời gian chờ đợi, các vị bàn thảo với nhau chung quanh vấn đề cách giải quyết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu sao cho ổn vì sợ phật lòng khối Thiên Chúa Giáo lẫn Phật Giáo. Ngay lúc đó, ngoài cửa phòng tôi có một người xin gặp tôi và nói là ông được lệnh mang quần áo đến đây để Tổng Thống và ông Cố Vấn đi ngoại quốc. Tôi ngờ rằng lệnh đó xuất phát từ Trung Tướng Đôn, vì ông là người hậu thuẫn mạnh mẽ ý kiến đưa Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu xuất ngoại, được hiểu là "lưu vong". Tôi vào trình với Thiếu Tướng Khiêm về chuyện có người đem quần áo đến cho Tổng Thống và ông Cố Vấn. Trình xong tôi không theo dõi được nữa, vì phải xuống lầu đón đoàn xe sắp vào cổng Bộ Tổng Tham Mưu.
Theo hướng dẫn của tôi, chiếc Thiết Vận Xa M113 vào vị trí, và một tiểu đội Quân Cảnh bao quanh. Tôi trở lên văn phòng:
“Trình Thiếu Tướng, Thiết Vận Xa chở Tổng Thống và ông Cố Vấn đã vào sân vận động và có Quân Cảnh bảo vệ”.
“Mình xuống đi”.
Đó là lời Trung Tướng Dương Văn Minh. Nói xong, ông đứng lên trong khi Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm nét mặt không vui:
“Các "toi" xuống đi, thấy ổng dù sao "moi" cũng bùi ngùi!”
Tuy nói vậy, nhưng khi các vị rời khỏi phòng thì Thiếu Tướng Khiêm cũng từng bước theo sau, và tôi là người tháp tùng sau cùng. Khi xuống đến bậc thang chót ở tầng trệt thì Thiếu Tướng Khiêm đứng lại, vì các vị đã dừng chân hành lang bên ngoài, lúc ấy có Thiếu Tướng Xuân và một sĩ quan nữa mà tôi không thấy rõ là vị nào, đang trình bày gì đó với các vị. Bỗng các vị cùng quay vào, Thiếu Tướng Khiêm ngạc nhiên:
“Việc gì vậy?”
“Hai ổng chết rồi”.
Trung Tướng Minh trả lời ngắn ngủn. Tất cả trở lên lầu.
Lúc bấy giờ, người Mỹ, từ phòng nhỏ ngay phía sau tấm vách ngăn với bàn làm việc của Thiếu Tướng Khiêm bước ra, Trung Tướng Minh cho ông ta biết là ông Diệm và ông Nhu đã chết rồi. Rõ ràng là người Mỹ này tỏ ra bực tức, và một lúc sau ông ta ra về.
Người Mỹ mà tôi vừa nói, tôi không biết tên. Ông ta có vóc dáng trung bình, mặc thường phục, có mặt tại phòng Thiếu Tướng Khiêm từ trưa hôm qua (01/11/1963), nhưng ông ta chỉ ở trong phòng nhỏ đó mà không bước ra phòng các vị Tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng làm việc dù chỉ cách vài bước đi. Ông ta có xách cái cặp bình thường như những cái cặp mà các vị Tướng Lãnh thường xách theo khi đi làm. Về sau tôi nghe nói đó là Trung Tá Conein, cũng có người nói là ông Lansdale. Tôi vẫn không xác định được là ai, nhưng rõ ràng là cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm được một số vị Tướng Lãnh Việt Nam thực hiện dưới bàn tay đạo diễn của Hoa Kỳ hay ít ra cũng được Hoa Kỳ đồng ý. Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng nhận ra được sự kiện ông Ngô Đình Diệm "lên ngôi" là do Hoa Kỳ từ đằng sau, và cũng bởi Hoa Kỳ mà ông Diệm bị "hạ bệ". Nhưng liệu có phải Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy ra lệnh cho vị Tướng Lãnh nào đó của đất nước Việt Nam khốn khổ này giết chết Tổng Thống của họ không? Hay cái chết của Tổng Thống Diệm không có trong dự định của Hoa Kỳ khi họ buộc phải thay người lãnh đạo Việt Nam cho phù hợp với chiến lược Domino đang thực hiện? Ôi, chính trị! 
Tôi xin mở ngoặc để viết vào đoạn này những lời mà cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cho tôi biết vào tối 21/10/2003, liên quan đến cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963. Ông nói:
“Về việc chú thắc mắc không biết người Mỹ tham dự đảo chánh là ông Conein hay Lansdale, Anh cho chú biết đó là Trung Tá Conein, ổng cũng cùng nhóm với ông Lansdale. Anh nói thêm với chú, ông Conein là trưởng toán sĩ quan Hoa Kỳ đã từng nhẩy dù xuống miền Bắc hồi năm 1945 để giúp ông Hồ đánh Nhật. Lúc đó ai là kẻ thù của Nhật là bạn của Hoa Kỳ. Về phía Hoa Kỳ, ông ta là người biết nhiều về ông Hồ và Việt Minh cộng sản thời đó. Bây giờ Anh nói về cuộc đảo chánh (01/11/1963). Trước ngày đảo chánh, Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm) nói như một điều kiện liên quan đến Tổng Thống Diệm rằng: “phải để Tổng Thống bình yên và xuất ngoại”. Lúc đó Trung Tướng Dương Văn Minh đồng ý, Thiếu Tướng Lê Văn Kim cũng đồng ý. Sở dĩ Anh nói với Trung Tướng Minh và Thiếu Tướng Kim, vì hai ông này là hai nhóm riêng chớ không phải là một nhóm đâu nghe chú. Khi biết ông Diệm bị giết cùng với ông Nhu, Đại Tá Quyền (Hồ Tấn Quyền) bị giết, Đại Tá Tung (Lê Quang Tung) cũng bị giết, đến em của ông Tung là Lê Quang Triệu cũng bị lừa rồi giết chết. Ông Viên (Cao Văn Viên) thì bị còng tay. Họ hành động lén nên Anh với chú ngồi trên lầu có hay biết gì đâu. Mấy ổng ngồi bên phòng của Đại Tướng Tỵ rồi quyết định với nhau.” (Lúc ấy Đại Tướng Lê Văn Tỵ dưỡng bệnh ngoài Vũng Tàu, Trung Tướng Trần Văn Đôn Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng)
Ngưng một chút, ông tiếp:  
  “Chú thấy chưa? Nhóm ông Minh với nhóm ông Kim độc ác quá! Ông Diệm gọi điện thoại bảo cho xe đến đón, tức là ổng đầu hàng rồi, tại sao lại giết người đầu hàng? Trước đó,  ông Minh ông Kim đồng ý với Anh là để ông Diệm bình yên và lưu vong, tại sao lại giết? Cho nên từ đó Anh bất mãn với ông Minh ông Kim”.    
Xin mở ngoặc nhỏ. Tôi nghĩ: “Có lẽ vì sự chia phe chia nhóm này mà khi cử Trung Tướng Trần Thiện Khiêm đi Seoul, Đại Hàn, dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Pak Chung Hi (Phác Chánh Hi), để rồi ra quyết định cử Trung Tướng Khiêm giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3 khi Trung Tướng Khiêm còn ở Tokyo chăng?”  Lại thêm chút ánh sáng về sự kiện này. Nhân khi cựu Đại Tướng Khiêm từ Houston (Ông chuyển từ Virginia xuống cư trú ở Houston từ giữa năm 2005) lên Virginia hồi tháng 07/2005 thăm cựu Đại Tướng Viên vì sức khỏe của ông có phần suy yếu. Khi nhắc lại sự kiện Trung Tướng Khiêm bị cử sang Quân Đoàn 3, cựu Đại Tướng Viên nói:
“Cũng vì việc anh giúp tôi trở lại Lữ Đoàn Nhẩy Dù mà anh bị mấy ảnh (có lẽ ám chỉ Trung Tướng Minh, Trung Tướng Đôn, …) đẩy qua Quân Đoàn 3 đó”.
Cựu Đại Tướng Khiêm nói tiếp với tôi:
“Có điều là Anh không rõ tại sao Hoa Kỳ loại Tổng Thống Diệm?” 
“Thưa Anh, có lúc Em nghĩ: phải chăng Tổng Thống Diệm không đồng ý cho quân bộ chiến Hoa Kỳ lập căn cứ trên đất Việt Nam trong chiến lược Domino làm bức tường quân sự ngăn chận cộng sản tràn xuống Đông Nam Á mà Tổng Thống Diệm bị loại chăng?” 
“Điều này Anh có nghĩ đến, nhưng không biết có còn gì nữa không? Còn việc chú nêu nghi vấn Trung Tướng Minh có phải là người ra lệnh giết ông Diệm ông Nhu không, chú nghĩ coi nếu hổng phải ổng thì ai dám ra lệnh đó”. 
“Tất nhiên là em nghĩ như vậy, nhưng đây là vấn đề lịch sử, khi em chưa nắm được bằng chứng xác thực về điều em đã nghĩ, thì em không dám khẳng định mà chỉ nêu nghi vấn sau khi phân tách một số sự kiện liên quan thôi. Chính Trung Tướng Trần Văn Đôn trong quyển Việt Nam Nhân Chứng, cũng nêu nghi vấn như vậy Anh Tư”. (bà Khiêm thứ tư nên những cộng sự viên chung quanh thường gọi như vậy).
Những điều mà cựu Đại Tướng Khiêm nói không phải chỉ có thế, và tôi sẽ bổ túc vào những bài những đoạn liên quan trong cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964, cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” ngày 13/09/1964 dẫn đến sự kiện ông và gia đình lưu vong, đến cuộc “Đảo Chánh” ngày 19/02/1965 dẫn đến sự kiện Đại Tướng Nguyễn Khánh lưu vong sang Hoa Kỳ tá túc nhà Đại Tướng Khiêm.
Vẫn trong dấu ngoặc này, tôi thuật thêm một đoạn ngắn trong lúc nói chuyện với cựu Đại Tướng Khiêm sau khi ông và gia đình du lịch Pháp quốc về lại Houston hồi đầu năm 2007. Nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi:
“Thưa anh Tư. Hồi đảo chánh 01/11/1963, bắt đầu từ phía Hoa Kỳ hay từ phía Việt Nam mình anh Tư?”
“Từ phía Hoa Kỳ”.
“Vậy ai là người nối vào Việt Nam mình anh Tư?”
“Ông  S.”.
“Ông ấy nối vào ai vậy anh Tư?”
“Nối vào anh, nhưng anh thấy việc lớn quá nên giới thiệu với Trung Tướng Minh (Dương Văn)”.

Thưa quí vị, cựu Đại Tướng Khiêm có nói tên đầy đủ của người Mỹ này, nhưng ông không muốn tôi nêu tên ông ta dù ông S. đã chết rồi. Do vậy tôi chỉ có thể viết tên ông ta vào đây với mẫu tự đầu mà thôi. Trong năm 1963, tôi có dịp nói chuyện với ông S. này trong những lúc ngồi chờ vào gặp Thiếu Tướng Khiêm. Ông ta trong ngành tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và nói tiếng Pháp sành sỏi. Xin đóng ngoặc.
Với câu chuyện ngắn trên đây giúp tôi nghĩ, có lẽ từ vị trí quan trọng của cựu Đại Tướng Khiêm lúc ấy nên ông đưa điều kiện với Trung Tướng Dương Văn Minh và Thiếu Tướng Lê văn Kim, theo đó ông tham gia đảo chánh nhưng phải để Tổng Thống Ngô Đình Diệm lưu vong. Tôi nói “vị trí quan trọng” vì lẽ lúc ấy cựu Đại Tướng Khiêm đang giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và là người mà tình báo Hoa Kỳ móc nối đầu tiên vào cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm.
Liệu nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chánh này là do kế hoạch của chánh phủ Hoa Kỳ, hay bắt nguồn từ cuộc đàn áp Phật Giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm? Tôi nghĩ, nếu không có sự kiện đàn áp Phật Giáo thì Hoa Kỳ cũng bằng cách nào đó để thực hiện cuộc lật đổ, vì nếu không thì mục tiêu thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không thực hiện được, và như vậy có nghĩa là một "mắt xích" trong chiến lược Domino của họ không hoàn thành.
Phải chăng sự mâu thuẫn giữa chánh phủ với Phật giáo ngày càng tệ hại, lại là cơ hội thuận lợi cho Hoa Kỳ nhập cuộc theo cách của họ? Và cho dù thế nào đi nữa, rõ ràng là họ đã thành công.
Giả thuyết rằng, nếu cuộc đảo chánh không phải bắt nguồn từ Hoa Kỳ, thì liệu quí vị Tướng Lãnh Việt Nam có tự mình quyết định đảo chánh để đem lại sự bình đẳng giữa hai tôn giáo lớn nói riêng, và ổn định tình hình nội bộ nói chung không? Tôi nghĩ, chắc là không. Vì thực hiện một cuộc đảo chánh, đã khó, nhưng được hay không được Hoa Kỳ ủng hộ là điều khó hơn, vì cho dù  có thành công mà không được Hoa Kỳ ủng hộ thì sớm muộn gì cũng bị đồng đội lật đổ. Còn nữa, nếu lật đổ thành công rồi, mà chưa chuẩn bị một sách lược lãnh đạo vừa chống cộng sản vừa xây dựng quốc gia, thì quí vị cầm quyền sẽ bị bối rối với những kế hoạch vá víu trong khi tình hình đòi hỏi mục tiêu và đường lối thực hiện phải rõ rệt, dứt khoát, và thực hiện ngay.
Vậy, vị Tướng nào đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và ai là người xuống tay giết hai ông? Hoặc giả là so dự nhầm lẫn nào đó giữa người ra lệnh với người nhận lệnh? Theo bác sĩ Huỳnh Văn Hưởn, Y Sĩ trưởng bệnh xá Tổng Tham Mưu lúc ấy (về sau có lúc là Tổng Trưởng Y Tế), người phụ trách khám nghiệm và lau vết thương cho hai ông, thì cả hai ông vừa bị bắn vừa bị đâm bằng lưỡi lê. Hai trong số ít người liên quan trực tiếp đến cái chết của ông Diệm và ông Nhu là Trung Tướng Mai Hữu Xuân và Thiếu Tá (đã thăng cấp) Nguyễn Văn Nhung, cả hai đã chết rồi. Chỉ còn lại cựu Đại Tướng Dương Văn Minh và cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, là hai vị có tiếng nói chính xác hơn hết. Chữ "trực tiếp" mà tôi dùng ở đây có nghĩa là người ra lệnh giết, người giết, hoặc người nghe thấy người ra lệnh hay trông thấy người giết. Và liệu cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp có thể là nhân chứng chính xác nữa trong vụ này không?
Xin mở ngoặc. Tôi bổ túc đoạn trên vào tháng 10/2003, thì  cựu Đại Tướng Dương Văn Minh đã từ trần trước đó mấy tháng. Vậy, nhân chứng còn lại là cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa. Nhưng năm 2006, cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa đã xuống tóc vào chùa tu học. Xin đóng ngoặc.  
Nếu như Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh giết thì tại sao khi tôi trình đoàn xe đón Tổng Thống và Cố Vấn về đến, ông lại gọi các vị có mặt cùng xuống gặp hai vị ấy, vì chính ông phải biết việc gì xảy ra rồi chớ? Hoặc cũng có thể là Trung Tướng Minh đã ra lệnh giết nhưng  vẫn ra vẻ như không hay biết gì về cái chết của hai ông ấy? Chính trị mà! Trong số các vị có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, tôi không trông thấy nét mặt, cử chỉ, hay thái độ của vị nào biểu lộ một chút gì khác thường giữa các vị với nhau trước khi lần lượt bước xuống thang lầu để gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Hoặc là không ai ra lệnh giết, hoặc là vị nào đó quá kín đáo chăng?
Khi đoàn xe rời nhà thờ Cha Tam trở về Bộ Tổng Tham Mưu trên chiếc M113 chở ông Diệm và ông Nhu chỉ có Đại Úy Nguyễn Văn Nhung và vài quân nhân trách nhiệm trên chiếc Thiết Vận Xa này. Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa ngồi xe Jeep cùng với Đại Úy Phan Hòa Hiệp (cấp bậc trong lúc đảo chánh). Đại Úy Hiệp cho biết như vậy. Sở dĩ tôi nói đến Thiếu Tá Nghĩa là vì có dư luận cho rằng Thiếu Tá Nghĩa cùng ngồi trên chiếc Thiết Vận Xa M113 với Đại Úy Nhung.
Nếu thật sự Thiếu Tá Nghĩa cùng ngồi trên chiếc Jeep với Đại Úy Hiệp, điều đó cũng chưa đủ yếu tố để loại trừ giả thuyết Thiếu Tá Nghĩa không phải là sát thủ, vì có lúc đoàn xe phải dừng trước cổng xe lửa chắn ngang đường khi xe lửa chạy qua. Đó là khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho một sát thủ ra tay. Nhưng cũng không thể căn cứ vào đây mà cho rằng Thiếu Tá Nghĩa là một trong hai sĩ quan đã giết Tổng Thống  Diệm và ông Cố Vấn Nhu, vì Thiếu Tá Nghĩa là một sĩ quan bộc trực, thẳng tính, rất nhiệt tâm với nhiệm vụ trong binh chủng Thiết Giáp, và chưa hề có tai tiếng gì trước biến cố chính trị này. Đồng ý rằng, Thiếu Tá Nghĩa là một sĩ quan rất can đảm, và khi lâm trận thì vị chỉ huy này không nương tay với kẻ thù, nhưng giết một người không phải là kẻ thù mà người đó lại là một Tổng Thống hay Cố Vấn của Tổng Thống, thì điều đó không phải là điều mà Thiếu Tá Nghĩa hành động như một sát thủ. Nhưng những lý lẽ trên đây cũng chưa đủ để loại trừ giả thuyết "Thiếu Tá Nghĩa là một trong hai sĩ quan thi hành lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu". Và đối với tôi, Thiếu Tá Nghĩa vẫn là một nghi vấn nhưng mức độ thấp hơn nghi vấn đối với Đại Úy Nhung. Tôi có lý lẽ khi tôi đặt nghi vấn như vậy.   
Với Đại Úy Nhung. Chính xác là Đại Úy Nhung ngồi trên chiếc thiết vận xa M113 chở Tổng Thống và Cố Vấn. Đại Úy Nhung, ít ra là hai lần trước biến cố chính trị này, khi đến văn phòng tôi anh khoe rằng, mỗi lần anh giết một người thì anh khắc lên báng súng của anh một vạch. Anh đưa báng súng cho tôi xem, lúc ấy có năm vạch khắc theo chiều thẳng đứng ở bên trái báng súng. Căn cứ vào lời nói và dấu tích trên báng súng, tôi cho rằng Đại Úy Nhung là một sĩ quan đã từng giết người nếu không nói là thông thạo thì cũng là quen tay. Xin nói thêm, hành động giết người và hành động bắn chết địch quân ở chiến trường là hai hành động khác nhau. Nhưng như  vậy cũng chưa thể kết luận Đại Úy Nhung là sát thủ trong trường hợp này, vì không trông thấy tận mắt và cũng không nghe chính Đại Úy Nhung tự nói về sự kiện đó.
Nhưng nhìn vào khía cạnh khác, tôi có nghi vấn cao nhất về Đại Úy Nguyễn Văn Nhung với cái chết của Tổng Thống Diệm và Cố Vấn Nhu. Đại Úy Nhung là sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh, mà tùy viên thì luôn luôn có mặt bên cạnh vị Tướng của mình. Trong trường hợp này, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân cùng đoàn tùy tùng có nhiệm vụ đến nhà thờ Cha Tam (trong Chợ Lớn) đón Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu, Đại Úy Nhung không có lý do gì để có mặt trong thành phần này cả. Nếu cho rằng, Đại Úy Nhung tự ý tháp tùng để sau này khoe với bạn bè là anh đã góp mặt trên đoàn xe lịch sử đó đi nữa thì tại sao Đại Úy Nhung -và chỉ một mình Đại Úy Nhung- được ngồi trên chiếc Thiết Vận Xa M113 chở Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu? Sự kiện này phải được Thiếu Tướng Xuân chỉ định hay ít ra cũng là đồng ý. Và liệu có phải Thiếu Tướng Xuân tự mình ra lệnh cho Đại Úy Nhung hay là thi hành theo lệnh của Trung Tướng Minh? Tôi nói như vậy vì chỉ có Trung tướng Minh -người đứng đầu nhóm lãnh đạo đảo chánh- mới có thẩm quyền ra lệnh cho Thiếu Tướng Xuân mà thôi. Với lại Đại Úy Nhung là sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Minh thì không vị Tướng nào dám sử dụng Đại Úy Nhung trong nhiệm vụ giết Tổng Thống và Cố Vấn được. Vậy, Đại Úy Nhung có mặt trong đoàn xe "lịch sử" này và một mình ngồi trong xe chở Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, phần chắc là do lệnh của Trung Tướng Dương Văn Minh.
Nếu chính xác là Trung Tướng Minh ra lệnh cho sĩ quan tùy viên của mình là một thành viên trong đoàn xe lịch sử này thì lệnh đó có mục đích gì, chẳng lẽ cho Đại Úy Nhung đi theo chơi? Suy đoán như vậy nghe không ổn chút nào. Nhưng đến đây cũng chưa thể quả quyết rằng Đại Úy Nhung là người hạ sát Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bằng súng và lưỡi lê, vì đây là vấn đề lịch sử nên không thể kết luận thủ phạm khi chưa đủ chứng cớ chính xác, mà đương sự đã chết rồi. Thôi thì để anh yên nghỉ!
Đến đây, tôi có câu chuyện ngắn. Hai mươi tám năm sau, vào giữa tháng 11/1991, tôi và một số bạn có dịp dùng cơm tại nhà cựu Đại Tá Nguyễn Linh Chiêu (Orange County, nam California) mà tôi thường gọi ông là "đại ca", vì ông lớn tuổi hơn tôi và thâm niên hơn tôi nhiều. Hôm ấy "đại ca" tôi thuật lại câu chuyện  có liên quan đến câu tự hỏi của tôi nêu trên. Chuyện như thế này:
Đầu năm 1991, nhân chuyến ông sang Paris dự lễ cưới của vị Tướng đã một thời là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ quân đội Liên Hiệp Pháp, "đại ca" tôi tổ chức bữa ăn thân mật sau khi được cựu Đại Tướng Dương Văn Minh và cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận lời. Mục đích của bữa ăn là anh Chiêu -bạn thân của hai vị cựu Tướng Lãnh thực khách- muốn giúp hai vị làm hòa nhau mà tình bạn giữa hai ông đã rạn nứt từ sau cuộc đảo chánh 01/11/1963. Theo anh Chiêu thì mục đích đã đạt được, và trong không khí vui vẻ đó, anh có nêu câu hỏi với cựu Đại Tướng Minh:
“Anh có thể cho biết câu "mission accomplie" mà anh Xuân (tức  Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân) trình với anh hôm 02/11/1963 có nghĩa như thế nào không?”
“Nhiệm vụ hoàn thành thì báo cáo hoàn thành. Có vậy thôi”
Anh Chiêu chưa chịu thua và hỏi lại, thì cựu Đại Tướng Minh nói:
“Anh hiểu sao thì hiểu”
Câu trả lời đúng là hiểu sao thì hiểu. Hết câu chuyện.
Cũng vào cuối năm 1991, người bạn mới quen của tôi ở San Jose, tiến sĩ sử học Hoàng Ngọc Thành, lúc ấy đang viết cuốn "Những Ngày Cuối Cùng Của Tổng Thống Ngô Đình Diệm", tôi có cung cấp cho ông một số dữ kiện cần thiết theo yêu cầu của ông. Ông nói rằng, ông được đọc một tài liệu mà cựu Đại Tướng Minh viết theo lệnh của nhà cầm quyền cộng sản (sau tháng 4/1975), theo đó, cựu Đại Tướng Minh nhận là ông đã ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Nghe thì nghe vậy nhưng thật ra tôi cũng không hiểu là bằng cách nào mà ông bạn tôi xem được tài liệu đó nữa. Với tôi, những gì mà người chiến sĩ chống cộng sản cho dù người đó là một Tổng Thống hay một sĩ quan bình thường, phải viết theo lệnh của cộng sản trong trại tập trung hay tại cơ quan của chúng, và viết dưới sự hướng dẫn của những tên gọi là cán bộ Công An cho đến khi chúng chấp nhận mà chúng gọi là "đạt yêu cầu", thì không thể xem đó là chính xác được. Vì vậy mà theo tôi, không nên căn cứ vào đó để kết luận cựu Đại Tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, cho dù ông có khai thật với cộng sản cũng vậy. Nhưng dù thế nào đi nữa, với tôi, cựu Đại Tướng Minh vẫn là vị duy nhất mà tôi đặt nghi vấn cao nhất về người đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.
Cuối năm 1993, nhân đến nhà người bạn cùng khóa với tôi để thăm một vị Tướng trước kia phục vụ tại Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu, và nhân lúc câu chuyện xoay quanh cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, bạn tôi nói rằng: "Tôi có người bạn thân, trước kia thường chơi quần vợt với Đại Tướng Minh, một hôm Đại Tướng Minh có nói là trước khi chết, ông để lại tập hồi ký cho các con ông. Nếu đúng như vậy thì câu trả lời chính xác chỉ có được khi cựu Đại Tướng Minh an giấc ngàn thu chăng?  Năm 2003, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh từ trần, nhưng tôi không rõ là ông có để lại cuốn nhật ký như lời bạn tôi đã nói hay không”.
Đến cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, năm 1998 định cư tại tiểu bang Washington. Theo tôi, anh Nghĩa là một trong những nhân chứng của cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963 nói chung, và có thể là nhân chứng duy nhất trong vụ giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu nói riêng. Tôi với anh là bạn thân từ năm 1961 khi anh đang là Quận Trưởng quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Khi vào tù, chúng tôi bị giam chung “lán trại” giữa rừng già Yên Bái, ăn chung mâm, ngủ sát cạnh nhau trên vạt giường làm bằng cây chổm trong nhiều năm liền. Có những lúc nhắc đến ngày 01/11/1963, tôi cố gắng tìm hiểu những nghi vấn về cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, nhưng không bao giờ anh hé môi nửa lời về  điều đó.
Tôi biết anh Nghĩa có nói với Trung Úy Đồng, Phòng 3 Tiểu khu Vĩnh Long khi anh là Tỉnh Trưởng tỉnh này, theo đó, "anh biết người giết ông Diệm và ông Nhu, nhưng chưa thể nói được". Tôi tin lời anh Nghĩa, nhưng không biết là lúc nào anh mới nói được. Bởi vì chưa thể nói được, có nghĩa là sẽ nói chớ không phải không nói.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire