caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 19 juillet 2013

Lữ-Đoàn IV Nhảy Dù Khúc-Quanh Oan-Nghiệt

   

Lịch Sử Quân Sử Việt Nam

Lịch Sử Quân Sử Một Ngàn Năm Thứ Hai

vietnam, việt nam, cờ việt nam

sư đoàn nhảy dù
Lữ-Đoàn IV Nhảy Dù Khúc-Quanh Oan-Nghiệt
Mũ Đỏ Lê-Minh-Ngọc (Đặc-San Mũ Đỏ)
Ngày 29 tháng 4, 10 ngày sau khi những chuyến phi cơ C 130 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, khu vực DAO, chở những đoàn người tỵ nạn, gồm đủ cả phụ nữ, trẻ em, đàn ông, quân nhân mặc thường phục lên đường đi tỵ nạn ở đảo Guam, ngày mà những chiếc xà lan lớn được kéo rời bến Khánh Hội mang đầy ắp đồng bào ta ra đi, ngày mà từng đoàn tàu đánh cá rời Bến Đá Vũng Tàu trong một chuyến đi không mang theo lưới, trực chỉ Đệ Thất Hạm Đội chờ ở ngoài khơi Vũng Tàu từ nhiều ngày, đúng ngày 29 tháng 4 đó, Lữ Đoàn IV Nhảy Dù đánh cư xá Thanh Đa.
Các đơn vị địch trên đường tiến quân, «trực chỉ Dinh Độc Lập», phải băng qua cầu Tân Cảng. Và con đường để tiến tới cầu Tân Cảng, từ phía Bắc đi xuống, xét về mặt quân sự, con đường tốt nhất là băng qua cư xá Thanh Đa. Nhìn trên bản đồ quân sự, anh em Lữ Đoàn IV biết rõ điều đó, tin tức thám báo xác nhận. Chúng tôi chọn lựa chận địch ở vùng cư xá Thanh Đa. Tết Nguyên Đán trôi qua đã ba tháng. Những tiếng nổ  của súng cá nhân, vũ khí cộng đồng, tạc đạn và pháo cùng những lớp khói trắng bay lên từng cụm, sự hoang vắng của khu nhà mà dân chúng đã bỏ đi, mang lại cho khu cư xá ở ven đô màu sắc của một thị trấn miền Trung thu nhỏ của một ngày đầu năm hay một mùa hè của một thị trấn miền Trung bảy năm trước. Địch quân, dù hỏa lực mạnh hơn, mặc dù quân số đông hơn không dưới ba lần, mặc dù anh em chúng tôi bị chi phối không ít bởi tình hình tổng quát của đất nước, đoàn quân viễn chinh từ phương Bắc không tiến lên được một thước. Tôi muốn nói: cánh đồng ruộng ở trước mặt vừa chiếm được giờ trước, sau từng đợt xung phong bị đốn ngã bởi những xạ thủ đại liên Mũ Đỏ, chưa kịp đào hố cá nhân, chưa kịp thiết lập công sự, bộ đội Văn Tiến Đũng đã bị đẩy lùi lại vị trí mà họ chiếm giữ lúc trước, chân lùi chấn động trước những tạc đạn ném ra và những tiếng hô xung phong của anh em chúng tôi. Khu nhà ở phía hữu bị trọng pháo cày nát sau khi đốn ngã cả đại đội địch tiến hàng ngang, hổ trợ bởi một đại đội khác bọc ngang hông, sau nhiều giờ chiến đấu, tại ngôi nhà chỉ còn là đống gạch đỏ, tiếng máy liên lạc của người lính truyền tin Mũ Đỏ bắt tay trên tần số với bộ tư lệnh Dù vẫn đều đặn: «Tôi nghe anh năm trên năm, tôi nghe anh…»
Đúng 12 giờ trưa ngày 29 tháng 4, anh em Dù phụ trách truyền tin báo cáo cho tôi: «Gọi bộ tư lệnh Sư đoàn Dù không thấy trả lời». Chúng tôi giả thuyết, trục trặc kỷ thuật. Người này nói hay là bố truyền tin ở bộ tư lệnh chạy ra kiếm khúc bánh mì, vốn không phải là thói quen của binh sĩ Dù đang làm nhiệm vụ. Người khác giả thuyết đang có vụ giao thượng phiên hạ phiên gì đây.
Nhưng làm gì có vụ bàn giao gián đoạn truyền tin nơi bộ tư lệnh của một quân chủng, nơi mà truyền tin được coi như là, trên nguyên tắc cũng như trên thực tế, phải hoạt động hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Tôi nói với Trung sĩ Truyền Tin thử lại. Tiếng máy sè sè. Tiếng gọi liên hồi «anh nghe tôi không, anh nghe tôi không, xin trả lời…». Không một âm thanh đáp lại. Tôi hoàn toàn không biết bộ tư lệnh Dù bị địch chiếm, cơ phận truyền tin của bộ tư lệnh trúng pháo địch, một cuộc phá hoại nào đã xảy ra, điều tôi biết là ngày 29 tháng 4 năm 1975 chúng tôi mất liên lạc với Đại Bàng. Tôi không biết với mọi người ba tiếng «mất liên lạc» có âm hưởng như thế nào. Với những người chọn cuộc đời đạp chân xuống đất tự trời cao như anh em Dù chúng tôi, ba chữ «mất liên lạc» không phải là ba tiếng xa lạ. Cá nhân binh sĩ chiến đấu mất liên lạc với Tiểu đội, với Trung đội gốc. Phải tự lực cánh sinh, mưu sinh thoát hiễm, tìm về đơn vị trình diện. Hai Đại đội không tìm gặp nhau ở địa điểm hẹn, mất liên lạc, kế hoạch A lập tức được thay bằng kế hoạch B. Một mặt. Mặt khác liên lạc liên lạc với bộ chỉ huy cao hơn. Dù vậy, dù «Mất liên lạc» không phải là một từ xa lạ, sự gián đoạn truyền tin giữa một Lữ đoàn Dù và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn không phải là chuyện xảy ra mỗi ngày. Với tôi đó là lần đầu tiên. Và, cảm tưởng tới với tôi là cảm tưởng khủng khiếp. Như tim ngừng đập. Như thời gian bỗng nhiên dừng lại.
Cái gì đã xẩy ra.
Tôi quay ra gọi Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Sợi dây này còn. Sợi dây nối buộc Lữ Đoàn Dù chiến dấu ven đô trong những ngày cuối cùng gồm có hai sợi lớn. Một là sợi dây nối kết chúng tôi với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Và với bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Biệt Khu Thủ Đô trả lời. Chúng tôi nghe thấy nhịp tim của Biệt Khu Thủ Đô vẫn còn đập. Nghe năm trên năm. Bên Biệt Khu không cho chúng tôi biết được chi tiết gì bên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn.
Không sao. Còn nghe thấy nhịp đập của trái tim Biệt Khu Thủ Đô cùng đời sống vẫn còn. Ba giờ chiều ngày 29 tháng 4, tức là, anh em Dù tiếp tục chiến đấu ven đô, trái tim Biệt Khu Thủ Đô ba giờ đồng hồ sau khi trái tim Bộ Tư lệnh Sư Đoàn đứng lại.
Không cho chúng tôi ấp ủ hy vọng, không dành một mẩu trời  xanh nào cho giả thuyết và ảo tưởng, cũng trong buổi chiều khắc khe đó, ông Vũ Văn Mẫu đương kim Thủ Tướng của chính phủ Dương Văn Minh cất tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn, kêu gọi các đơn vị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa án binh tại chỗ và bỏ súng. Mười sáu năm quân vụ, mười sáu năm tuổi lính, tôi đã nghe được nhiều thứ lệnh, tôi luôn luôn thi hành lệnh, gồm cả những lệnh đi vào chỗ chết, lệnh tiến sang Hạ Lào, lệnh đánh đến khi ngã xuống ở Phá Tam Giang, chưa bao giờ tôi không thi hành lệnh. Nhưng lệnh đứng yên tại chỗ, bỏ súng xuống, dơ hai tay lên, anh em tôi và tôi, chúng tôi chưa bao giờ nghe lệnh này bao giờ. Tôi không đứng yên tại chỗ. Chúng tôi không nằm yên ở cư xá Thanh Đa. Chúng tôi không dơ tay lên cao. Chúng tôi không bỏ súng xuống.
Ý tưởng mơ hồ không thi hành lệnh đưa xuống từ Thủ Tướng Mẫu hiện ra trong trí tuệ tôi. Hội ý với Thiếu tá Phú, anh em thường gọi thân yêu là Phú mập, tiểu đoàn 15, với trung tá Bằng, tức Bùi Đăng, tiểu đoàn 16, và Thiếu tá Tâm, người Huế, anh em gọi thân yêu là Tâm trọ trẹ, tôi quyết định đưa hai tiểu đoàn 14 và 15 về vùng trại Hoàng Hoa Thám, Bà Quẹo, bắt tay với Tiểu đoàn 16 nằm ở Gò Vấp kế bên. Tại sao tôi chọn quyết định sau khi lệnh tan hàng và án binh ban ra, đưa anh em Dù Lữ Đoàn IV về Hoàng Hoa Thám?  Hy vọng mơ hồ về một cơ may khác cho vận nước, không muốn nhận lệnh đầu hàng của TT Mẫu? Bản năng tự vệ của người lính chiến không chịu trao vũ khí và sinh mạng cho kẻ thù mới trực diện qua họng súng hôm qua?  Hay vì, giống như loài chi trời, bởi bản năng tiền định, luôn bay về lượn vòng trên tổ cũ, trước khi khởi đi chuyến viễn trình đến tận hư vô?
Lữ Đoàn IV ra đời vì sự sụp đổ của các lực lượng địa phương. Đứng từ vị trí hiện tại nhìn lại, cuộc chiến tranh nào cũng vậy, trong giai đoạn cuối, thường có những đoàn quân được thành lập vội để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thời điểm lúc đó.
Chính vào những ngày tháng đầu năm 1975 đó, Lữ đoàn IV Dù được thành lập.
Lữ Đoàn IV đã thực sự ra đời, đã thực sự chiến đấu, nhiều chiến hữu của chúng tôi đã ngã xuống đã đổ máu trên lòng đất mẹ, cho đến giờ phút cuối cùng. Hay đúng hơn, có những đại đội chiến đấu của Lữ Đoàn IV Dù còn đứng thẳng, đạn lên nòng, tiến thẳng vào chỗ chết với những tràng cười ngạo nghễ khi mà lệnh bỏ súng quy hàng đã ban ra. Lữ Đoàn IV Dù không có tên trong bản cấp số của Bộ Tổng Tham Mưu. Khi còn theo học trong quân trường, sơ đồ tổ chức của QLVNCH được giảng dạy thường khiếm khuyết một cơ quan là phòng 7 Tổng Tham Mưu. Nhưng thực sự trong bảng cấp số của Bộ Tổng Tham Mưu có phòng 7, dưới một danh hiệu khác. Nhưng Lữ Đoàn IV Dù không có trong bản cấp số nổi cũng chẳng có trong bảng cấp số chìm, chẳng có trong bảng cấp số sở cũng không có trong chỗ đứng nào trong bảng cấp số kín. Thực tế đất nước và chiến trường hẳn là phải giao động tới mức độ to lớn nào làm cho  các cấp chỉ huy tối cao chỉ còn thời giờ để lo gia tăng đoàn quân chiến đấu bù lại phần nào những tan rã, chẳng còn thì giờ để điều chỉnh hành chánh. Cuối tháng 12 năm 1974 đó tôi đang phục vụ tại Lữ Đoàn II Dù. Tôi giữ nhiệm vụ Lữ Đoàn Trưởng. Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, lúc đó là tướng Lê Quang Lưỡng, ra lệnh cho tôi về làm trưởng phòng 3. Chỉ ít tuần sau, đầu tháng 1-1975, Chuẩn tướng Lưỡng bất ngời gọi tọi vào trình diện. Lệnh của tướng tư lệnh rõ ràng, chính xác  và cũng không kém phần bất ngờ «Anh lên đường về Sài Gòn ngay. Thành lập ngay cho bằng được, Lữ Đoàn IV Dù». Tôi bày tỏ nỗi kinh ngạc. Dù có thêm một Lữ Đoàn nữa sao? Tôi là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn kỳ lạ đó sao? Anh em Dù chúng tôi nghe ba chữ Lữ Đoàn IV cũng khác lạ như anh em quân nhân nói chung nhắc đến… «quân đoàn năm». Chuẩn tướng Lưỡng cười nhẹ và đáp: «Đúng vậy, tôi nhờ anh về lo thành lập cho tôi càng sớm càng tốt và báo cáo diễn tiến hoạt động của anh về sự thành lập Lữ Đoàn IV cho tôi rõ. Tôi chào Chuẩn tướng tư lệnh và lên đường đi Sài Gòn ngay để thi hành chỉ thị.
Thành lập một Lữ Đoàn chiến đấu có danh hiệu là Thiên Thần Mũ Đỏ trong những ngày tháng dầu sôi lửa bỏng này gồm có bốn phân vụ căn bản:
Tiếp nhận quân số, trang bị cho đơn vị, thành lập hậu cứ và tổ chức hành quân. Thành lập một đơn vị quân đội, dù thuộc bất cứ binh chủng thì cũng phải có ba điều kiện trên, phải có binh sĩ, hạ sĩ, sĩ quan, phải có vũ khí, phải có hậu cứ. Thành lập xong xuôi mới tính đến việc hành quân. Lữ Đoàn IV phải thực hiện 4 mục tiêu này trong cùng một thời gian. Quân sốLữ Đoàn IV được rút từ các tiểu đoàn Dù khác. Mỗi nơi rút về một đại đội. Sĩ quan lấy từ thăng số. Cán bộ rút từ Bộ Binh. Có cả những anh em thương bệnh binh đủ các cấp nhập vào Lữ Đoàn IV đóng góp phần xương máu cho Tổ Quốc. Trong vòng một tháng tôi thành lập xong hai tiểu đoàn. Không có Lữ Đoàn phó, không cò sĩ quan hành quân. Thành lập bao nhiêu ra mặt trận bấy nhiêu. Có bao nhiêu đánh bấy nhiêu. Với tiểu đoàn đầu tiên, anh em chúng tôi trấn giữ và hành quân vùng tiểu khu Gia Định, lúc đó áp lực nặng ngàn ký. Bộ chỉ huy Lữ Đoàn chỉ có một xe Jeep của tôi. Qua tháng sau thành lập tiểu đoàn thứ ba, dù quân số còn thiếu hụt. Tháng hai 75, với nhiệm vụ bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô. Lữ Đoàn IV tiến thẳng, đáng thẳng vào mật khu An Sơn (Lái Thiêu), như sự thể hiện binh pháp cổ điển «cách phòng thủ tốt nhất là tấn công». Lữ Đoàn IV thực hiện trục cản xuyên từ An Sơn qua Phú Giáo chận đường địch quân từ Hố Bò băng xuống như thác đổ.
Những cuộc chạm súng không phải là hằng tháng hằng tuần, mà là chạm súng hằng đêm. Mỗi đêm mỗi đánh. Mỗi bình minh những Thiên Thần Mũ Đỏ giao cho Biệt Khu Thủ Đô xác định và những chiến lợi phẩm. Trong khi đó, tôi vẫn tiếp tục gom cho đủ số của tiểu đoàn Dù thứ ba của tiểu đoàn 15 do Thiếu tá Phú, tức Phú mập chỉ huy. Gia Định bị đe dọa, Biệt Khu Thủ Đô ra lệnh cho chúng tôi vào An Sơn, Phú Giáo, Đức Hòa suy sụp, chưa kịp nghĩ ngơi lấy một ngày, anh em chúng tôi lại lên đường đi làm sạch rừng Ram Răm, Kinh Ba Tà, mật khu Lý Văn Mạnh…Chỉ một Lữ Đoàn tận lập, binh sĩ và sĩ quan gồm cả thặng số và thương bệnh binh, đúng thời điểm hỏa lực địch mạnh hơn bao giờ hết, chúng tôi làm nhiệm vụ giữ vững vòng đai ven đô. Nói về hỏa lực địch, riêng về SA7, súng phòng không của địch mạnh hơn bao giờ hết. Trong khi đó anh em chúng tôi là một đơn vị hành quân tự túc, nói theo thành ngữ của một nhà thơ, chúng tôi chiến đấu «một mình một ngựa» , đơn vị hành quân tự túc, không có không yểm. Pháo đội cũng rút ra từ ba Lữ Đoàn đàn anh để hình thành một đội pháo tạm. Kinh nghiệm chiến trường, khả năng chiến đấu cao, kỷ thuật đánh tài tình của lính Nhảy Dù thay thế cho những yếu kém về vũ khí và yểm trợ đã cho phép Lữ Đoàn IV mang về đêm thì súng phòng không, đêm thì hỏa tiển SA7. Trong những tài liệu vũ khí mà chúng tôi mang về cho Biệt Khu Thủ Đô có cả những lá cờ đỏ hình tam giác thêu chữ màu vàng: «Mục tiêu Dinh Độc Lập». Tất cả những thứ lỉnh kỉnh đó chúng tôi đều trình lên Đô Đốc Chung Tấn Cang, lúc đó là Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Lần lượt ổn định từng khu vực, mỗi khu vực ổn định xong, chúng tôi giúp các đơn vị Địa phương quân tái tổ chức. Bộ chỉ huy Lữ Đoàn của chúng tôi đóng ở trường Sinh Ngữ Quân Đội cũ. Đầu tháng 4, 1975, tình hình bỗng nhiên nặng gấp bội.
Tôi nhớ rất rõ. Đầu tháng 4 năm 1975, Việt cộng xâm nhập núi Bửu Long, Biên Hòa rồi tiến xuống, chiếm khu Quốc lộ 1 cũ, xâm nhập Quốc lộ 1 mới ở cầu Rạch Chiếc nối liền khu Hải Quân Giòng Ông Tố, do đó cắt đứt Quốc lộ 1 giữa Biên Hòa và Sài Gòn.
Ngày 10 tháng 4, tôi nhận được lệnh cho phân tán mỏng các đơn vị, chỉ để lại tiểu đoàn nằm phía Bắc nghĩa trang Gò Vấp cũ. Tiểu đoàn 15 lãnh nhiệm vụ này. Hai tiểu đoàn còn lại kéo xuống nhà máy nước Thủ Đức, một giữ khu cư xá Thanh Đa, cầu Rạch Chiếc và Giòng Ông Tố. Ngày đánh, Đêm đánh. Mỗi lúc chạm súng mỗi nhiều hơn. Mỗi ngày đánh một đậm hơn. Ngày 27 tháng 4 lục mà trong lòng thủ đô, đồng bào đã chạy xuống đường nhốn nháo tìm lối thoát thân, những trục xâm nhập quốc lộ cũ bị xâm nhập nặng nề, anh em chúng tôi vẫn đứng yên ở vị trí chiến đấu. Đánh ở Thanh Đa, đánh ở Hóc Môn. Đụng tóe lửa trong ruộng đồng Thủ Đức. Bộ chỉ huy nhẹ của Lữ Đoàn cũng di chuyển lên nhà máy nước Thủ Đức luôn. Chúng tôi trong những ngày chót đó vẫn giữ vững quốc lộ 1, giữ được an ninh cho những bộ phận của Bộ tư lệnh Quân đoàn III Trường Chỉ Huy Tham Mưu, Sư Đoàn III Không Quân v.v…di chuyển an toàn về Sài Gòn trên cả hai quốc lộ là Quốc Lộ mới và cũ. Chính từ những hố tác chiến ven đô anh em chúng tôi nhìn lên trời xanh theo dõi từng cột khói bốc lên ở phi trường Tân Sơn Nhất tạo ra chiều 28 tháng 4 do những A37 bay từ Phan Rang vào oanh kích. Chính ở mặt trận Thanh Đa anh em chúng tôi nghe tiếng đạn đại pháo liên hồi rót vào khu vực Đao và khu Bà Quẹo, phi trường đêm 28.
Anh em tạp chí Đời hỏi tôi đoạn văn của nhà văn Pháp Jean Lartéguy về những phút chót của Nhảy Dù, Lartéguy và một số nhà báo ngoại quốc khác mô tả những Thiên Thần Mũ Đỏ Việt Nam. Anh em Dù, giống như những hiệp sĩ Nhật Bản thời xưa, cất tiếng cười to, xác gươm tiến vào chỗ chết khi bị vây khốn, đã đi theo đồ hình tấn công đại đội tiến về phía chiến xa địch, hạ từng chiếc, bắn tới viên đạn cuối cùng, rồi ngã gục, súng trên tay. Nhiều bằng hữu nhắc đến hình ảnh những Hoàng Diệu tuẫn tiết đời xưa. Tôi không biết giá trị của những bình luận đó ra sao. Điều tôi biết chắc là khi những con đại bàng trở về tổ cũ bay lượn vòng chót, sau khi ông Mẫu thay mặt tướng Minh, hạ lệnh bỏ súng quy hàng, đêm hôm 29, nhiều giờ sau khi lệnh án binh và nạp súng ban ra, anh em tiểu đoàn 14 và 15 lặng lẽ cột chặt dây giày. Kiểm soát lại vũ khí. Đóng chặt cơ bẩm, mở khóa an toàn. Những người lính Mũ Đỏ lặng lẽ, không ai nói một lời, trong sự yên lặng lớn của ban đêm. Rồi như xé toang màn đêm dày đặc, những tiếng nổ chấn động vang dội, những tia sáng tóe lên. Mười sáu chiếc xe tăng địch bị đốn gục trên đoạn đường từ Bà Quẹo đến Tham Lương. Sáng 30, chúng tôi đi trong vùng Tân Bình. Nhìn mặt trời mọc trên quê mẹ một lần chót rồi thay áo quần. Tan hàng.
Lần đầu tiên tan hàng không hồi âm «cố gắng» như đã ngàn lần hô to.
Mũ Đỏ Lê-Minh-Ngọc.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire