caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 24 août 2013

"Chuyện Nàng Như Ngọc" - 1 truyện ngắn Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Chuyện Nàng  Như Ngọc - 1

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

 

 

Năm học lớp đệ Nhất (12), tôi đã 21 tuổi vì vào Nam, tôi chưa chịu đi học ngay mà ham đi làm kiếm chút tiền phụ cho mẹ. Bố tôi qua đời từ 5 năm trước ở ngoài Bắc nên vào Nam, chỉ có mẹ, tôi là con trai lớn nhất, sau đó là hai cô em gái, Mai Uyển và Mai Trân. Để cho có đầu đuôi, tôi cần phải trở lại từ khi rời Hà Nội.

 Tôi vốn có khiếu về Toán, Lý, Hóa từ hồi học Tiểu học. Tôi mê Toán như mê gái đến nỗi nhiều đêm mê mẩn với Toán không chịu ngủ, mẹ phải sang phòng tôi tắt đèn bắt ngủ.

Tháng 12 năm 1954, mẹ con tôi đã ở miền Nam. Được cái gia đình tôi đang ở Hà Nội, nơi có quốc tế giám sát cuộc di cư nên cũng đỡ vất vả. Chú dì Quản (dì là em mẹ tôi) và 6 người con từ Hà Nam-Phủ Lý, quê nội của tôi, cũng lên được Hà Nội và xuống Hải Phòng nhưng quá cực, lại mất hết hành lý ở dọc đường.

 

Nơi đầu tiên chúng tôi định cư là Ba Bèo, Mỹ Tho. Chính phủ Ngô đình Diệm làm những căn nhà nhỏ, hai gian với hai chái, hai bên là bếp và nhà vệ sinh kiêm nhà tắm để cấp phát cho dân di cư, gần 100% là bỏ lại hết nhà cửa, tài sản, ruộng nương, mồ mả ông bà ở ngoài Bắc để vào Nam tìm tự do.

Nhà nọ cách nhà kia một khoảng đất trống dùng làm vườn trồng rau, trồng cà, dưa leo, bầu bí để bớt tiền chợ. Mẹ con tôi được phát một ngôi nhà mới, không phải trả tiền nhưng phải mưu sinh tại chỗ, nếu di dời đi một lần nữa thì phải trả lại nhà cho chính phủ tức Tổng Ủy Di cư để phát cho gia đình khác. Chỉ sau ba tháng, mảnh vườn nhỏ của mẹ tôi xanh um các thứ rau thơm: cải ngọt, cải cúc, bầu, bí, mướp, cà chua đang sắp trổ hoa, ngó mát mắt bởi mẹ ở đâu cũng thích làm vườn.

 

Tạm thời mẹ con tôi chẳng biết ở đâu thì hãy cứ ở đây.

Tuy là vùng quê nhưng đã có điện. Chúng tôi không phải trả tiền điện mỗi tháng nhưng mỗi nhà chỉ có một bóng đèn 60watt ở phòng khách, cứ vàng vàng mặt trời ngọn đèn tự động sáng, qua đêm, sáng hôm sau khoảng sáng rõ thì tự động tắt từ Văn phòng Di cư Ba Bèo. Khi không cần, chúng tôi có thể tắt, thí dụ lúc đi ngủ, khi nào cần, bật công-tắc lại có điện.

 

Bữa đó có xe bus của Tổng Ủy Di cư chở bà con lên Sàigòn chơi cho biết. Bốn mẹ con tôi cũng lên xe. Sàigòn dạo ấy tuy còn thưa người nhưng so với Hà Nội vẫn đông và vui hơn nhiều. Anh Giáo, người chỉ huy xe bus bảo chúng tôi, muốn đi chơi đâu trong thành phố tùy ý nhưng lúc 5 giờ phải có mặt tại nơi xe bus đậu để lên xe về lại Ba Bèo. Anh dọa rằng, người nào không đúng giờ, bị bỏ lại, đi bộ về ráng chịu.

Bốn mẹ con tôi từ đó tung tăng như những con chim tự do tản bộ vào chợ Bến Thành, đi coi khắp chợ, thấy người ta buôn bán sầm uất lắm. Mẹ tôi có tay buôn bán, bà bảo với ba anh em tôi:

“Mẹ chưa có vốn, nếu có chút vốn, mẹ về đây buôn bán kiếm ăn được.”

Tôi hỏi mẹ:

“Mẹ định buôn bán hàng gì?”

“Chưa có vốn, chưa định được con à! Có nhiều buôn nhiều, có ít buôn ít, phải tùy cơ ứng biến, không thể nói trước được nhất là trong tay chưa sẵn đồng tiền.”

Tôi nghĩ mẹ nói vậy nhưng mẹ đã nhìn hàng quà ở đây và chắc là mẹ có định kiến. Mẹ lại hỏi:

“Các con đói chưa? Muốn ăn gì?”

Uyển nói:

“Từ ngày xa Hà Nội, đã mấy tháng không ăn phở, nhớ phở quá. Kiếm bát phở ăn đi mẹ!”

Tôi đồng ý với Uyển:”Phải đấy, mẹ.” Rồi mẹ con tôi đi vòng vòng ngó xem có tiệm phở nào thì vào ăn. Đi cả ra đường Lê Lai và Phạm hồng Thái, Ngô tùng Châu chẳng thấy tiệm phở nào. Lại trở lại cửa Tây, nơi hàng quà, hàng bánh nhộn nhịp đông người ăn uống. Uyển vào hỏi một chị bán xôi Dị (vì nó dị lại với nhau, khác xôi vò, rời ra) ở đây có hàng phở không chị? Chị hỏi lại: “Phở là cái gì?”Uyển biết là không có, nhiều người chưa nghe cái tên, làm sao có được?

Mẹ con tôi ngồi xuống đầu ghế, mẹ gọi cho mỗi đứa một đĩa bánh cuốn chả lụa. Bánh cuốn Sàigòn không giống bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội. Bánh cuốn Thanh Trì khi xưa chúng tôi ăn có nhân tôm, thịt bên trong bánh cuốn tráng rất mỏng, nước chấm có pha cà cuống làm tăng mùi vị rất nhiều đến nỗi bố tôi, khi không có cà cuống, ông không ăn bánh cuốn. Tuy đã có nhân thịt nhưng bánh cuốn Thanh Trì vẫn ăn kèm với chả quế hoặc đậu phụ rán còn nóng. Ngon hết ý!

Bánh cuốn chợ Bến Thành là một đĩa bánh cuốn tráng vừa chứ không mỏng như Thanh Trì, có bánh Cống dòn dòn ăn phụ, có chả lụa xắt lát và giá trụng, rau thơm rắc lên trên, nước mắm tỏi ớt chua ngọt chan bỏng. Đang đói, cũng kể là ngon!

 

Người Sàigòn lúc đó chưa có tiền cắc, khi mẹ trao cho chị bán những quả roi (mận Mỹ Tho) một đồng để trả chục mận 14 trái 50 xu thì chị xé đôi tờ giấy bạc giữ một nửa, trao lại cho mẹ một nửa. Người miền Nam đa số (không phải tất cả) xuề xòa như chục mận 12, 14 có khi 16. Người Bắc thì một chục là chin trái cộng thêm một trái nữa chứ không phải 12 đâu.

 

Đường Lê Lợi, đường Tự Do, chúng tôi cứ lội bộ đi khắp, ra cả bến Bạch đằng bằng con đường còn cái bảng tên Tây: Charner. Tự do cũng có chỗ còn sót cái bảng Catinat, đi thẳng đến Nhà thờ Đức Bà, cao lớn, đồ sộ và rất đẹp. Khuôn viên phía trước nhà thờ để là Công trường Nhà thờ Đức Bà, sau này đổi là John F. Kennedy, ông Tổng Thống Hoa Kỳ đã có một quyết định quá sai về Việt Nam, ảnh hưởng đến toàn dân Việt.

Mẹ con tôi đi qua rạp xi-nê Lê Lợi nhưng làm gì có tiền mà vào coi; hơn nữa, giờ đâu mà coi, chưa đến 4giờ30 mẹ đã hối phải trở lại chỗ xe bus đậu. Trân thích nước đá nhận si-rô nên xin mẹ vài xu mua một ly lên xe bus ngồi nhấm nháp.

Bà con đã trở lại đầy đủ. Anh Giáo và bác tài trở lại lúc 5 giờ thiếu 15. Anh Giáo cầm danh sách đọc tên từng người. Sáu mươi hai người đầy đủ. Bác tài đề máy, chiếc xe lại nhẹ nhàng trở về Ba Bèo. Cuộc đi thăm Sàigòn thật hữu ích!

Ở Ba Bèo được 4 tháng, mẹ cho chúng tôi hay mẹ muốn về Sàigòn kiếm đường làm ăn vì cách nào cũng phải bung ra sống, quỹ viện trợ của Hoa Kỳ cho người di cư rồi cũng đến lúc hết. Ở Ba Bèo chỉ có nghề làm nông, mẹ không hề cấy gặt; còn tôi lúc đó mới 16 tuổi, Uyển 13, Trân 11, sức lực đâu mà làm nghề nông?

Chỉ có một mình tôi là đàn ông trong nhà, muốn làm việc gì, mẹ bàn với tôi rất kĩ. Rồi buổi sáng đó, tôi và mẹ ra Văn phòng Khu Di cư Ba Bèo xin trả lại nhà để về Sàigòn. Bà Sơ phụ trách hỏi mẹ có điều gì phiền muộn không mà bỏ đi? Mẹ nói, nhà cửa, điện, nước tốt, nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, đường, sữa bột, tiền mua rau, cá vẫn có, Tổng Ủy Di cư đã giúp đỡ tận tình, vô cùng cám ơn nhưng phải về Sàigòn kiếm đường buôn bán kẻo sau một năm hết viện trợ sẽ bối rối.

Sơ hỏi thế về Sàigòn ở địa chỉ nào? Câu hỏi này làm mẹ tôi lúng túng. Nhớ ra được hôm rồi tại chợ Bến Thành, mẹ tôi gặp một người quen khi xưa, ông bà Khiết, cùng ở Hà Nội vẫn thường đi lễ nhà thờ chánh tòa với nhau, nay ông bà ta ở trại Bùi Phát, đường Trương minh Giảng Sàigòn, mẹ nói đại sẽ về trại Bùi Phát. Sơ giở sổ ra coi rồi nói:

“Trại Bùi Phát Sàigòn cũng sẽ là một thí điểm định cư cho dân Bắc di cư. Những gia đình nào còn cần đến nhu yếu phẩm viện trợ của Hoa Kỳ sẽ vẫn được lãnh ở đó nhưng phải đi khai với Văn phòng Trại tại đó.”

Mẹ tôi cám ơn. Hai mẹ con ra về sắp dọn đồ đạc.  Chỉ có mỗi người một túi xách trong đựng vài bộ quần áo, tôi có thêm vài quyển sách Toán và tiếng Pháp dùng đi kèm trẻ kiếm ăn qua ngày. Nồi xoong, bát đĩa, giường chõng trại phát thì để lại cho những người đến sau.

Sáng hôm sau, Văn phòng cho một chiếc xe nhỏ chở mẹ con tôi lên đến cổng trại Bùi Phát, thả xuống đó. Chúng tôi vào trong cổng trại, đang đi lớ ngớ để tìm nhà ông bà Khiết xin trú ngụ mấy bữa thì gặp một ông cụ. Trông cụ đã lớn tuổi nhưng còn khoẻ mạnh. Cụ nhìn thấy chúng tôi trước:

“Mấy mẹ con bà này đi đâu đây?”

Mẹ trả lời:

“Thưa bác, mẹ con tôi vừa từ Ba Bèo lên đây, tính đi kiếm nhà ông bà Khiết xưa quen biết ở Hà Nội để trú chân mấy bữa vì chúng tôi chưa biết phải làm sao giữa thành phố xa lạ này.”

Cụ nói:

“Nhìn thím và mấy cháu là tôi biết người Bắc di cư. Không cần phải kiếm nhà ai làm chi. Nhà tôi rộng, vào tôi cho ở nhờ ít bữa rồi kiếm nhà sau.”

Mẹ con tôi quá mừng liền theo ông cụ. Chỉ đi một chút đã tới nhà. Ông cụ nói cho bà vợ hay, bà cũng vui vẻ đón tiếp chúng tôi, chỉ cho mẹ một căn phòng dùng làm chỗ ngủ cho bốn mẹ con tôi. Sau đó, bà nấu cơm, nấu canh, kho cá mời mẹ con tôi ăn. Bước lưu lạc gặp người hảo tâm thật ấm lòng. Vì vậy cả đời bố mẹ tôi, lúc nào ông bà cũng ca tụng người có nhân đức và khuyên con cháu nên ăn ở tốt với mọi người, giúp đỡ kẻ cơ nhỡ, nghèo khó rồi có ngày mình cũng được sự giúp đỡ.

 

Mẹ con tôi ở nhà bác Bền, ông cụ bắt gọi vậy giống như ông bà là anh chị của bố mẹ tôi, được hơn một tháng thì mẹ tôi sang lại được một căn đất trên đống rác Trương minh Giảng trước giờ bỏ không chỉ để đổ rác.

Hồi đó ai đến trước khu này, chịu khó cắm lều chăng giây ở trên mảnh đất đó thì sau này sẽ được chính quyền đô thành Sàigòn cấp cho vì xưa kia đất rộng người thưa, suốt từ chợ Trương minh Giảng xuống đến Lăng Cha Cả, hai bên toàn là đống rác, rác từ trung tâm Sàigòn đổ xuống, chẳng ai muốn ở gần.

 

Khu đất mẹ tôi sang phải trả một cây vàng. Mẹ có hai cây mẹ giấu rất kỹ đến tôi không biết nay mẹ nói dùng nó mua mảnh đất này mới biết. Còn một cây, mẹ nói sẽ dùng nó làm vốn buôn bán. Người bán cũng là dân di cư, gia đình này đến đây trước chúng tôi khoảng sáu tháng, họ đã có công cắm được mảnh đất nhưng nay vì việc làm nông, họ phải xuống Cái Sắn để được cấp phát ruộng nương sinh sống và vì thế mẹ tôi mới có dịp may mua được mảnh đất.

 

Trên mảnh đất đã có một căn nhà lá rất sơ sài, hai gian, hai chái, nhỏ hơn căn nhà chúng tôi được cấp phát ở Ba Bèo nhưng cũng có điện đã kéo giây, còn nước thì thuê gánh tháng do chị Mười cung cấp ngày hai đôi từ vòi nước phông tên ngoài phố.

Qua năm 1955, tôi đã 17 tuổi nhưng vẫn chưa đủ tuổi đi làm, chính phủ ấn định là 18 tức phải thêm một năm nữa. Tôi bèn viết mấy tờ Quảng cáo dán ở bức tường cuối nhà thờ Bùi Phát: “Thanh niên có trình độ Toán dạy Tiểu học. Bảo đảm đi thi là đậu. Địa chỉ liên lạc:….”

Chỉ hôm sau đã có hai ông bà đến gặp tôi xin kèm cho con họ. Ngặt cái bốn đứa, hai lớp; tôi phải qui vào hai đứa một lớp, một giờ 15 phút mỗi ngày cho mỗi lớp. Tiền lương họ trả rất hậu hĩ. Thế là mỗi tháng tôi đưa về cho mẹ được cả chục. Mẹ phát lại cho tôi chút ít để ăn quà hoặc mua sách vở.

Cuối năm 1956, tôi đi ghi tên học tối chương trình Thất, Lục, Ngũ, Tứ. Ngôi trường tôi đã quên tên ở Ngô tùng Châu không nhận đơn. Họ nói em phải đợi lúc khai giảng lớp mới vì lớp em xin vào đã học được gần 4 tháng rồi, bây giờ em vào nghe như vịt nghe sấm, uổng tiền học phí mà đi thi không đậu đâu vì mất nhiều bài căn bản. Tôi nói xin cứ cho tôi vào, đi thi không đậu cũng được, nhưng họ bảo nhiều học trò rớt làm giảm giá danh tiếng của trường đi. Tôi phải nói rằng vậy thì tôi học trước mấy tháng, khi có lớp mới tôi sẽ xin qua lớp ấy đi từ đầu. Mãi rồi họ mới bằng lòng.

Tính ra tôi chỉ được học 5 tháng trong khi cả lớp được học hơn 9 tháng trước khi đi thi. Chương trình Toán, Lý,Hóa đi đã hơi xa. Sau bài đầu, hôm sau tôi ra nhà sách Khai Trí rất lớn, sách vở bạt ngàn, ở đường Lê Lợi mua sách đem về gạo miết những bài cả lớp đã học. Đoạn này tôi phải tự học nên hơi cực nhưng đọc sách, tôi vẫn hiểu được tất cả lý thuyết về Toán Hình học. Còn Đại số, Lý và Hóa 4 lớp này dễ hiểu, chỉ cần đọc kĩ và nhớ công thức là làm được bài tập. Có những điều khó hiểu từ những bài tôi chưa được nghe giảng, tôi giơ tay xin thầy nói lại. Vì cả lớp nhiều học sinh cũng còn lờ mờ, lời yêu cầu của tôi được hoan nghênh. Thế là chỉ sau hai tuần tôi bắt kịp cả lớp những anh chị giỏi nhất, sau hai tháng tôi vượt họ đến nỗi ông thầy Toán bảo thế nào đi thi tôi cũng đậu.

Tôi có vốn Pháp văn Tiểu học Pháp khi xưa học ở Hà nội, rồi chiến tranh làm gián đoạn nhưng những gì học được tôi vẫn còn dư sức để đi thi Trung học đệ nhất cấp, lúc đó phải thi cả hai sinh ngữ Anh và Pháp (có thể đổi một ra Hán văn). Từ hồi đến Ba Bèo, tôi mua sách Anh ngữ về tự học lấy. Hai cuốn L’Anglais Vivant sixième bleu và cinquièm beige tôi quần nát. Phát âm không có thầy chỉ thì tôi dùng tự điển của Oxford hay Webster Dictionary, cố đọc theo đúng cách phiên âm quốc tế của họ. Tôi tự học lấy ngữ vựng và Văn phạm trong hai cuốn sách căn bản trên. Tôi đã có thể viết thư, viết những đoạn văn ngắn, kể một câu chuyện bằng Anh ngữ mà không thấy quá khó. Tôi nghĩ nếu có người Mỹ hay người Anh để thực hành với họ thì việc học sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Tháng 5-1957, tôi lều chõng đi thi Trung học đệ nhất cấp (cũng gọi là Trung học phổ thông). Mỗi năm có hai khóa, khóa 1 và khóa 2 cách nhau khoảng hai tháng rưỡi. Nếu tôi nhớ không lầm, khóa 2 chỉ dành cho những người trượt vấn đáp khóa 1 (chỉ phải vào vấn đáp)và những thí sinh rớt thi viết nhưng có số điểm 75% trở lên chứ kém quá không được thi lại.

 

Tôi đậu ngay khóa đầu với hạng Bình (Mention Bien) mặc dù mấy ngày thi, tôi bị cúm hành, ho sốt kinh khủng. Mấy thầy Giám thị coi thi mấy buổi này thấy tôi ho, mặt đỏ rần, bảo:

“Trò về nhà nghỉ, sang năm thi, ốm đau quá làm bài sao được?”

“Thưa thầy, tôi đủ sức làm bài; nếu ngồi phía trên này làm phiền các bạn khác thì thầy cho tôi ngồi xuống cuối lớp.”

Viên Giám thị đành phải cho tôi ngồi bàn cuối cùng để những tiếng ho khỏi làm chia trí các thí sinh khác.Bữa thi môn Toán, thầy Giám thị lại có sáng kiến dẫn tôi sang phòng bên cạnh, chỉ có mình tôi. Tôi khoan khoái vô cùng.

 

Cái mốt học tối dạo đó là sau khi đậu Trung học, học ngay Tam-Nhị (lớp 10 và 11). Trường Phan sào Nam ở đường Trần quý Cáp với một dàn Giáo sư nổi tiếng lúc đó. Tôi đến ghi tên học ban B tức ban Toán. Trường khai giảng sớm vì phải thanh toán hai chương trình Tam và Nhị một năm, mà lại là lớp tối, ít giờ hơn lớp ban ngày của học sinh “chuyên nghiệp”, mỗi tối chỉ dạy tối đa 3 giờ, từ 7-10giờ. Giáo sư đi nhiều Chương (chapter) chỉ giảng phớt hoặc đi rất lẹ cho kịp chương trình vào cuối năm. Bài tập cho rất nhiều, không biết ban ngày lấy giờ đâu mà giải. Mấy năm đó tôi chẳng biết rạp xi-nê ở đâu, tờ báo có khi không đọc hoặc chỉ coi chút tin tức quan trọng, lo học bài mờ người. Thứ bảy và chủ nhật, ngoại trừ phải đi đâu cần thiết với mẹ và đi lễ nhà thờ Bùi Phát, tôi chỉ ngồi nhà “gạo” bài không biết trời trăng gì nữa.

 

Tôi nhớ suốt năm không hề bỏ một buổi học, các giờ rảnh ở nhà, tôi chỉ giải Toán, Lý, Hóa và học sinh ngữ. Những giờ kia, tôi vẫn phải kèm trẻ kiếm tiền. Một gia đình cho tôi mượn một phòng bỏ trống làm chỗ dạy, họ lấy gỗ thông ván thùng từ PX Mỹ, đóng tạm bàn ghế. Đám trẻ bây giờ tăng lên hơn chục em vì phụ huynh bảo nhau, tôi kèm cho con họ thi Tiểu học là phải đậu.

 

Tôi chọn sinh ngữ chính là Anh, sinh ngữ phụ là Pháp. Tôi muốn giỏi Anh ngữ nên chọn cách này vì nếu tôi không lao vào Anh ngữ thì suốt đời tôi dở Anh ngữ. Tôi có duyên với Việt ngữ chẳng bỏ giờ nào. Năm 1958, tôi đi thi Tú Tài I, đậu Bình Thứ ngay khóa đầu. Trường Phan sào Nam dạo đó thí sinh đậu Tú Tài I chỉ có dưới 10%, con số khá ít ỏi. Có người bạn của bạn tôi trong Bùi Phát, thi Tú Tài I trọn 11 năm tức 22 khóa thi, có lần vào được vấn đáp nhưng cũng bị đánh hỏng. Sau đó anh ta bỏ không theo đuổi nữa.

 

Đậu xong, tôi không nghỉ ngơi, ra Khai Trí kiếm mua sách Toán Đệ Nhất (lớp 12) về nghiền ngẫm. Sách gồm cả sách Pháp và sách Việt. Thực ra chương trình Toán và Khoa học các lớp Trung học và Tú Tài Việt Nam bắt nguồn từ các sách giáo khoa chương trình Pháp, các giáo sư giảng dạy lúc đó đã chuyển ngữ từ Pháp sang Việt. Chương trình Toán lớp đệ Nhất lúc đó rất nặng với hệ số 6, (nguyên Toán đã 6 môn: Hình học, Cơ học, Lượng giác, Đại số, Thiên văn, Số học), Lý (Quang và Điện) hệ số 4 - Hóa hệ số 4 nên thí sinh phải “gạo” dữ lắm. Có nhiều thí sinh thi 4 hay 5 lần hoặc hơn nữa mà không đậu. Người bạn học chung với tôi, anh Nguyễn bảo N. thi 2 năm 4 lần vẫn trượt trong khi anh dạy Toán đệ Nhị ở trường trung học Lê bảo Tịnh, có nghĩa anh đã giỏi Toán lắm.

Tôi học lớp tối bên Đakao vì kiếm một lớp Đệ Nhất Toán buổi tối mà học không dễ gì. Học sinh ít nên lớp mở ít, học phí cao. Lớp đệ Nhị tối thì rất đông (không cần có bằng Trung học cũng được thi Tú Tài I) mà đệ Nhất (phải có Tú Tài I) hầu như cả Sài gòn chỉ có một hoặc hai lớp tối. Dĩ nhiên lớp ban ngày có nhiều hơn vì học sinh (chuyên nghiệp) là đa số chứ không như lớp tối, thường là công chức hoặc người lớn tuổi, đi học để bổ túc văn hóa hoặc thăng tiến nghể nghiệp.

Tôi và anh Nguyễn bảo N. khóa đầu thi ở trường Nữ trung học Gia Long. Tôi làm bài được nhưng bữa xướng danh không nghe tên, thế là hỏng, đến anh N. cũng không nghe tên. Anh đang ngồi với tôi đột nhiên khóc rưng rức. Tôi biết anh buồn vì hỏng thi, tôi an ủi:

“Chúng ta còn khóa 2 anh N. ạ. Đừng quá buồn mà mang bệnh!”

Anh rút mùi soa lau nước mắt bảo tôi:

“Anh mới bị một khóa chứ tôi khóa này là 5. Tôi đã hết sức mà vẫn không đậu thế thì bao giờ đậu được?”

“Đừng nản chí. Thất bại là mẹ thành công. Mai đi lên Nha Khảo thí xem điểm thi ra sao.”

Hôm sau tôi với anh lên hỏi điểm. Cô thư ký coi thẻ học sinh, số báo danh, trường thi xong lấy hồ sơ thi ra. Tôi chỉ thiếu vỏn vẹn 1 điểm, nếu Hội đồng thi vớt là đậu. Còn anh N. thiếu hơi nhiều.

Sau khi nghỉ vài ngày cho lại sức, tôi và anh N. gặp nhau các buổi tối, khi ở nhà tôi, khi ở nhà anh (khá gần với nhà tôi) chúng tôi giở Toán-Lý-Hóa ra ôn lại, làm hết những bài tập trong các sách giáo khoa. Khi muốn giải trí thì quay qua Anh, Pháp ngữ hoặc chương trình Triết học. Ban Toán chỉ học Luận lý học và Đạo đức học. Tâm lý học dành cho ban C (Sinh ngữ).

Với khoảng hai tháng, chúng tôi chuẩn bị chu đáo cho khóa 2. Trường thi là Nữ Trung học Trưng vương, cạnh Thảo cầm viên. Tôi khá tự tin từ ngày đầu đến trường thi, nghĩ mình học kỹ thế này phải đậu, nếu mình không đậu, ai đậu? Nhưng anh N. vẫn cứ bi quan dù tôi khuyên anh phải tự tin và vui lên. Bài Triết về Luận Lý (ít khi cho Đạo đức) là bài đầu, tôi làm suông sẻ, có vẻ dễ là khác.

Buổi chiều là Toán, bài ra về Lượng giác và Hình học. Tôi giải được 80%. Ngày đầu coi như xuôi lọt. Tôi hơi mừng trong bụng. Qua ngày thứ hai, tôi thấy bàn bỏ trống khá nhiếu có lẽ vì bài Toán hôm qua họ không làm được. Bàn tôi có hai thí sinh, tôi một đầu và cô Nguyễn như Ngọc ngồi đầu kia. Tôi không có thì giờ nhìn Như Ngọc nhưng trông thoáng cô xinh gái, chỉ khoảng 19 đôi mươi là cùng. Cô mặc áo dài trắng, trên bâu áo có tên trường nhưng tôi không để ý. Mà để ý làm chi khi tôi sắp phải làm một bài Lý-Hóa biết chắc là gay go, không giải được là out.

Như Ngọc ở đầu bàn (lối đi giữa) dù không nhìn nàng nhưng tôi cũng thấy một đôi lần nàng kín đáo liếc nhìn người con trai cùng một bàn với nàng.

 

Chúng tôi đang chờ cái chuông điện reng lên và ông Giám thị đi từng bàn phát mỗi thí sinh một đầu đề in bằng ronéo, tất cả do ông Chánh chủ khảo mở khằn bóc bao thư ra trước sự chứng kiến của Tổng Giám thị và các Giám thị coi thi, sau đó mới phát đúng số lượng Giám thị mỗi phòng báo cáo để đưa về phát cho thí sinh làm bài.

 

Chúng tôi đón nhận đầu đề một cách lo lắng, không biết dễ khó ra sao đây? À, một bài Lý dài thòong, nguyên đọc cũng mất cả phút. Sau đó đọc lại, rồi đọc lại kĩ càng. Tôi đã có ý niệm để giải bài Tóan, dù đã giải rất nhiều nhưng chưa gặp bao giờ. Đề ra rất ác, bắt thí sinh phải hiểu và biết cặn kẽ từ những nguyên lý cơ bản của Cơ học. Tôi viết những công thức dùng để giải bài Toán về con lắc đồng dạng này xuống mảnh giấy nháp e luống cuống sẽ quên chăng. Rồi tôi bắt đầu giải câu 1, sang câu 2, câu 3. Bài mở ra được đúng như ước đoán của tôi làm tôi hứng thú. Tôi liếc mắt sang Như Ngọc; tôi thấy cô với vẻ mặt nhăn nhó rất bối rối. Khi ông Giám thị từ dưới lớp đi lên trên, qua khỏi bàn chúng tôi, Như Ngọc quay qua nhìn tôi với cái nhìn cầu khẩn. Cô bí không giải được bài Toán Cơ học khá hóc búa. Cũng có thể cô quên công thức nào đó mà không có nó không giải được. Tôi rất muốn giúp cô nhưng tôi sợ ông Giám thị chỉ cách bàn tôi có hai mét đứng kia. Chưa chắc tôi cho cô mấy công thức, định lý mà cô đã giải ra. Còn trao cả bài cho cô thì giờ đâu mà làm? Đưa tờ giấy nháp cho cô thì tôi còn đang cần nó. Vả lại, một điều quan trọng nhất, lỡ có thêm một ông Giám thị đứng núp ngoài cửa sổ chủ yếu bắt thí sinh gian lận, gà bài cho nhau, ông bên trong giả vờ quay lưng đi cho thí sinh tưởng bở và ông bên ngoài rình chộp thì hết cựa. Tôi tội nghiệp cô, muốn giúp cô thiệt nhưng lỡ bị bắt, bị cấm thi vài năm thì đời tôi tàn trong ngõ hẹp.

Cô vẫn nhìn tôi cầu khẩn, tôi nhớ đôi mắt đẹp của cô như muốn tuôn đôi dòng lệ, tôi quá ái ngại nhưng biết không thể làm gì.

Tôi tĩnh trí trở lại, tự nhủ, không giúp nổi cô đâu và chú tâm làm gần hết bài Lý quá khó. Như Ngọc không chịu nộp bài (giấy trắng) ra ngay nhưng cô chờ cho đến khi chuông reo hết giờ lên nộp. Tôi cũng nộp, ký vào danh sách nộp bài, thủng thẳng ra về. Cô theo tôi sát nút, quay lại thấy cô, tôi hỏi:

“Cô làm bài ra sao?”

“Như anh thấy đó, tôi có làm được đâu. Nhưng tôi chờ anh để hỏi xem bài Toán giải ra sao? Khó quá hả anh? Tôi biết là tôi rớt rồi.”      

Chúng tôi vừa ra tới sân. Có một đám thí sinh bu quanh một ông thầy Lý-Hóa, tôi không biết ông dạy trường nào, chưa gặp bao giờ. Một nam thí sinh, ý chừng học ông, đưa ông mảnh đầu đề. Ông đọc xong ngẫm nghĩ rồi giải thích sơ qua chứ không đi vào chi tiết, phải dùng những công thức nào để giải bài Toán. Tôi và Như Ngọc cũng đứng nghe. Sau đó ông hỏi, có bạn nào giải như kiểu tôi vừa nói không? Tôi thấy đúng là cách tôi đã giải, tôi giơ tay. Ông giáo sư hỏi: thế đáp số ra sao? Tôi đưa ông coi bản giấy nháp, ông ngó sơ rồi nói: anh giải đúng, nếu Toán hôm qua anh khá thì anh đậu.

Như Ngọc mừng cho tôi: chắc thế nào anh cũng đậu rồi. Tôi nói, còn phải vào vấn đáp nữa. Vấn đáp cũng hắc búa lắm. Nhiều người rớt vấn đáp đấy. Anh, Pháp, Sử, Địa, Triết, Công dân vấn đáp hết. Như Ngọc vẫn nói, Ngọc nghĩ thế nào anh cũng đậu vì cái gì anh cũng giỏi. Tôi cười:

“Sao cô biết cái gì tôi cũng giỏi?”

Ngọc cũng cười:

“Nhìn anh biết cái gì anh cũng giỏi!”

“Không được như cô nói đâu.”

“Xe anh đâu?”

Tôi trỏ tay:

“Khu đàng kia.”

“Đi, ta lại cùng lấy xe. Ngọc cũng để xe ở đấy.”

Khi hai chiếc xe đứng song song ở dưới đường, Ngọc nói:

“Nhà Ngọc ở gần đây. Mời anh lại chơi rồi giải cho Ngọc bài Toán để sang năm Ngọc đậu.”

Nhìn cô bé thật xinh, tôi muốn đi nhưng nghĩ mai là ngày chót, phải về ôn lại mấy bài ngày mai; vả lại đi về trễ mẹ không biết đi đâu. Tôi thoái thác:

“Thôi để lúc khác. Mai còn thi, tôi phải về ôn bài. Tuy hệ số nhỏ nhưng cũng phải làm cho đàng hoàng!”

Ngọc bảo:

“Anh siêng thiệt. Thảo nào anh giỏi. Lẽ ra mai Ngọc không thi nữa nhưng thi để biết trình độ cho sang năm. Năm nay Ngọc rớt cả hai khóa. Vậy anh về. Mai gặp lại anh.”

Hai bài hôm sau, Ngọc làm trung bình nhưng vì bài Lý bỏ trống nên vẫn rớt. Chiều hôm sau lúc ra lấy xe, Ngọc lại mời tôi đến nhà chơi, lần này coi như đã khá thân tình:

“Anh lại cho biết nhà. Anh chỉ tốn 15 phút là về thôi.”

Cô bé này coi bộ lẻo miệng. Nhanh và thông minh nhưng có lẽ học chưa đủ kỹ, vả lại Tú Tài II Toán lúc đó khá khó và thường là con trai, con gái học Ban A (Vạn vật) nhiều, rất ít B và C. Tôi cũng muốn làm quen với cô bé nên bằng lòng. Hai chiếc xe đạp đi song song trên đại lộ Thống Nhất, vòng ra Tự Do, vào khu chúng cư của gia đình Sĩ quan. Ngọc trỏ cho tôi chỗ dựng xe rồi cùng vào nhà. Ngọc bảo:

“Cư xá này của Quân đội. Bố em làm việc ở ngoài Trung, thỉnh thoảng mới về phép.”

Ngọc mời tôi ngồi ở sa lông rồi đi kiếm mẹ. Bà đang ở phía sau, nghe con gọi đi lên. Tôi đứng chào bà:

“Thưa bác.”

Ngọc nói ngay:

“Anh trùng tên với con nên ngồi cùng bàn thi qua nay. Hôm nay ngày chót, con mời anh đến chơi cho biết nhà rồi hôm nào anh giải cho con bài Lý hôm qua con bí ấy mẹ. Con rớt vì bài Lý hóc búa ác ôn đó. Ông thầy nào mà ra quá ác vậy?”

Mẹ Ngọc nói:

“Cháu ngồi chơi!”

Ngọc bưng ba ly nước cam đặt lên bàn:

“Mời anh dùng nước.”

Rồi Ngọc ngồi đối diện với tôi:

“Nhà Ngọc chỉ có hai mẹ con vì Ngọc là con độc nhất. Nếu là con trai thì Ngọc được miễn dịch đấy anh!”

Tôi thích cái kiểu tếu tếu vui vui của Ngọc. Ngọc cởi áo dài mặc bộ bà ba mầu hồng trông lại bắt mắt hơn. Mẹ Ngọc hỏi tôi:

“Nhà cháu ở đâu?”

“Thưa bác, nhà cháu ở gần trại Bùi Phát, đường Trương minh Giảng.”

(còn tiếp)

Bút Xuân Trần Đình Ngọc    

               

 

1 commentaire:

  1. Câu chuyện diển biến rất hay,những mẩu chuyện thời cuộc lúc di cư thời 54 cũng làm bao nhiêu gia đình mất mát và câu chuyện cậu học trò chăm học thật đáng quý.

    Những khu phố cũ Mỹ tho , Saigon , những con đường Trương Minh Giảng , những bước đầu lập lại cuộc đời xa quê cha ...



    Anh BX gửi tiếp câu chuyện nhé, cám ơn anh.

    RépondreSupprimer