caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 28 juillet 2014

Tìm hiểu tại sao "Kinh tế Hoa Kỳ bên bờ vực "( (America's Coming Bankruptcy: The Real Crash))


Đừng nghỉ giaù là không mang nợ, đừng tưởng cho mượn là cho luôn và đừng tham tiêu thụ , vì càng có nhiều ham muốn thì càng vất vả cho sự ham muốn giả tạo chứ không do nhu cầu.
Caroline Thanh Hương

(America's Coming Bankruptcy: The Real Crash)

- Peter Schiff


Hoa Kỳ khánh tận: Đến lúc phải thú nhận điều đó


Mọi người đều biết nợ công của chúng ta quá lớn. Nợ lớn đến độ khó đo lường được kích thước của nó.

Cả hai đảng đều nói rằng họ muốn cắt giảm nợ, nhưng không đảng nào muốn làm thế. Khi Đảng Dân Chủ nói về cắt giảm thâm thũng, điều đó có nghĩa là họ muốn tăng thuế. Khi Đảng Cộng Hòa nói về cắt giảm thâm thũng, điều đó có nghĩa là họ muốn tấn công chính sách chi tiêu của Đảng Dân Chủ. Nhưng thực tế mà nói, không đảng nào, trong hình thức hiện nay, có thể giải quyết nợ công (national debt), vì vấn đề quá lớn và những bước cần thiết để giải quyết nó lại quá cực đoan.


Năm tới, chúng ta sẽ trả khoảng $450 tỉ tiền lời. Chúng ta sẽ dùng tiền vay để trả số tiền đó. Nhưng trong tương lai không xa, lãi suất sẽ tăng lên, khiến chúng ta thậm chí còn khó lòng trả dứt nợ. Căn cứ trên nợ công hiện nay của chúng ta, và theo xu thế đang đi, nếu lãi suất tăng lên theo ước tính của tôi, chúng ta sẽ đối diện với một hoàn cảnh trong đó nợ và lãi nợ sẽ bằng tiền thu thuế hiện nay.

Tóm lại, chúng ta sẽ phá sản. Chúng ta không thể trả nỗi nợ. Hoa Kỳ đang khánh tận. Đến lúc phải thú nhận điều đó.


Núi nợ


Nợ quốc gia hiện nay là $15 trillion. Chúng ta thử đem nó ra đối chiếu. Tất cả tiền thuế thu vào năm 2011 là $2.2 trillion - không đến một phần sáu tổng số nợ công. Số $15 trillion nợ tính ra bằng $133,000 cho mỗi đầu người thọ thuế. Người giàu nhất nước Mỹ, Bill Gates, có cả thảy $59 tỉ. Nếu ông đem hết số tiền đó cho Bộ Tài Chánh để tra nợ công thì ông không thể trả được thậm chí chỉ nửa phần trăm món nợ đó. Nói cách khác, ông có thể trả được hai tháng lãi nợ. Nếu Obama tịch thu tất cả tài sản - chỉ tài sản, không kể lợi tức - của 50 người giàu nhất nước Mỹ thì ông có thể dùng $700 tỉ đó để trả khoảng 5% nợ công.

Trong tài khóa 2011, những người thọ thuế đã trả $454 tỉ lãi nợ. Đó là 20% thu nhập liên bang, tương đương với hơn hai lần thuế lợi tức xí nghiệp mà Washington thu được.

Nhưng ngay cả những con số nầy của nợ công cũng không nói hết những nợ nần của Chú Sam. Con số $15 trillion thực ra chỉ tượng trưng cho cái đỉnh của một băng sơn rất lớn. Nếu tính hết những nợ bất thường và ngoài ngân sách  (off-budget and contingent liabilities) thì tổng số nợ liên bang vượt quá $100 trillion. Không ai biết được những món nợ sắp đến do những chương trình cấp dưỡng. Dự chi ngân sách cho Medicare thường được ước tính rất thấp. Chi phí Medicare tăng theo chi phí bảo hiểm y tế, và đó không phải là điều mà chúng ta có thể dự kiến được. Hơn nữa, ObamaCare đã tạo nên những món nợ bảo hiểm y tế liên bang mới chỉ để gia tăng tốc độ nợ nần.

Chúng ta nghĩ sao về những nợ học của sinh viên được chính phủ bảo kê hiện vượt quá một ngàn tỉ? Vì những giới hạn mới của Obama đối với việc bắt buộc trả nợ học nên một phần rất lớn của tổng số nợ nầy hiện đang đè nặng trên người thọ thuế. Và vì chính chương trình tự nó giúp cho các đại học dễ dàng tăng học phí hơn nên kích thước của món nợ nầy hiện cũng gia tăng nhanh hơn.

Chúng ta cũng thấy rõ ràng là nhiều vụ cứu nguy tài chánh nữa sẽ xảy ra. Mỗi vài tháng một lần Fannie Mae lại xin cứu nguy đến hàng tỉ dollars. Chẳng bao lâu Tổng Cục Gia Cư (FHA) vượt quá giới hạn của cứu nguy tài chánh. Một số ngân hàng cũng có khả năng thất bại. Vì Công ty Bảo Hiểm Ký Thác Liên Bang (FDIC) sẽ thiếu tài nguyên để bao quản những khoản ký thác được bảo chứng, đó sẽ là một vụ cứu nguy khác đang chờ xảy ra. FDIC không phải là cơ quan duy nhất do liên bang hậu thuẫn sẽ cần được cứu nguy. Công Ty Bảo Vệ Đầu Tư Chứng Khoán (SIPC) bảo hiểm những trương mục môi giới lên đến $500,000. Chương Trình Bảo Hiểm Trợ Cấp (PBGP) đặt những bảo hiểm liên bang phía sau hàng tỉ dollars cho các chương trình đã được xác định. Trong chiều hướng đi xuống nghiêm trọng như tôi dự kiến, cả hai cơ quan nầy cũng sẽ đòi hỏi cứu nguy. Và biết đâu rồi đây sẽ xảy ra một đợt cứu nguy theo kiểu cưu nguy Detroit, hay rồi đây sẽ xảy ra đại họa quốc gia?

Còn Bưu Điện Hoa Kỳ thì sao? Khả năng tăng giá tem thư được hạn chế theo chỉ số lạm phát chính thức. Tuy nhiên, những chỉ số đó thậm chí không phản ảnh đúng những gia tăng trong bưu phí. Kết quả, Bưu Điện đang đề nghị đóng cửa và ngưng phát thư ngày thứ bảy. Cước phí cao hơn và dịch vụ giảm xuống là một truyền thống của bưu điện. (Xin nhớ trước đây có hai lần phát thư mỗi ngày, sáng và chiều.)

Trước mắt, Bưu Điện đang cố giải quyết khó khăn bằng cách bán loại tem "Forever Stamps." Loại tem nầy bán bằng giá với tem thường nhưng có thể xử dụng khi giá tem tăng lên. vấn để là lợi tức do việc bán tem nầy lại được dùng để trang trải phí tổn cho công tác phát thư hiện nay. Khi giá tem cuối cùng tăng lên, thay vì mua tem giá cao hơn, khách hàng vẫn chỉ dùng tem Forever đã mua. Do đó Bưu Điện sẽ phải giao thư nhưng không thu thêm được đồng nào khi làm thế. Người thọ thuế chắc chắn phải cứu nguy.

Amtrak có lẽ cũng sẽ kêu cứu, cùng với những chính phủ tiểu bang, kể cả những trợ cấp công cộng của họ (public pensions). Obama đã đề nghị một ngân hàng hạ tầng liên bang (federal infrastructure bank). Những đồng minh của ông cũng đã kêu gọi một "Ngân Hàng Xanh (Green Bank)." Đây là những ý tưởng nhằm nới rộng sự dính dáng của liên bang đến nợ tư trong các thị trương rủi ro. Obama cũng đã gia tăng những cơ quan tín dụng chính phủ hiện hữu như Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng (Export-Import Bank). Vấn đề là chính phủ Hoa Kỳ đứng phía sau quá nhiều món nợ đột xuất (contingent liabilities) đang chờ bùng nổ nên không có cách gì nói được món nợ nào sẽ bùng nổ kế tiếp. Chấn động toàn hệ có thể kích ngòi nhiều món nợ đột xuất cùng một lúc. Thực vậy, trong một cuộc khủng hoảng như vậy chúng có thể ngả xuống như những con cờ dominos.

Điểm then chốt là nợ công của chúng ta phản ảnh quá thiếu sót những món nợ liên bang. Nếu chính phủ Hoa Kỳ là một công ty tư bị thanh tra bằng những thủ tục tiêu chuẩn thì nó sẽ bị xem là nguy kịch hơn nhiều so với những số liệu chính thức. Thực vậy, nó sẽ đóng cửa và kẻ điều hành đứng đầu sẽ bị truy tố về tội gian lận. Hơn nữa, Chú Sam có thể vay nợ với lãi suất gần như không chấm. Điều nầy khiến chúng ta hầu như đủ sức chi trả những gì chúng ta thiếu. Tin buồn là lãi suất đó sẽ tăng lên. Khi nợ công của chúng ta nhiều gấp bảy lần tiền thu thuế và lãi suất bắt đầu tăng gấp đôi và gấp ba, mọi việc sẽ tồi tệ đi. Ban đầu người ta có thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra nhưng rồi chúng ta phải thú nhận đã vỡ nợ.


Cấp dưỡng (Pensions)


Chúng tôi đã đè cập đến hầu hết những cặm bẫy về nợ như Social Security, Medicare, và chi tiêu quá đà trong những chương trước. Tôi xin phép nói qua ở đây về một quả bom định giờ sắp nổ: cấp dưỡng công nhân viên (public employee pensions).

Theo một lượng định năm 2011 của một cựu giám đốc cấp dưỡng của New Jersey, các chính phủ tiểu bang và địa phương sẽ thiếu khoảng $2.5 trillion đẻ trả tiền cấp dưỡng cho công nhân viên chính phủ. Trong một quan hệ loạn luân giữa các nghiệp đoàn công nhân và các chính trị gia mà họ giúp thắng cử, những phúc lợi rộng rãi đã được hứa hẹn với các công nhân viên chính phủ. Tuy nhiên, để tránh sự công phẫn của những cử trị trong khu vực tư, những phúc lợi như thế đã không được tài trợ đúng qui cách. Tiền nợ chỉ được đặt trên lưng người thọ thuế. Như thế, tương lai là đây và người thọ thuế không thể đài thọ để trả biên lai.

Một bản nghiên cứu của Trung Tâm Pew Center năm 2010 về các tiểu bang đã cho thấy rằng chỉ có 10 tiểu bang có tiền cấp dưỡng của họ có tài khoản 91.6% hay nhiều hơn. Chỉ có ba tiểu bang có tài khoản đầy đủ. Illinois không có cách gì trả nỗi 46% của $119 tỉ nợ cấp dưỡng công nhân viên. Theo Trung tâm nói trên, California hụt $59.5 tỉ, New Jersey $34.4 tỉ. Những số liệu nầy phản ảnh một cái nhìn khái quát trong năm 2009. Nhưng sự việc đang thoái hóa nhanh chóng. Ở Michigan, chẳng hạn, nợ cấp dưỡng không tài khoản đã nhảy vọt từ $3.1 tỉ năm 2009 lên $4,0 tỉ năm 2010.

Các tiểu bang đã cứu nguy những kế hoạch cấp dưỡng địa phương. Pittsburgh chính thức yêu cầu Pennsylvania cứu nguy kế hoạch cấp dưỡng của họ. Câu hỏi tiếp theo lá liệu chính phủ liên bang sẽ cứu nguy những kế hoạch cấp dưỡng của các tiểu bang hay không. Đạo luật kích cầu của Obama năm 2009 dành ra những khoản tiền khổng lồ để lấp đầy những thâm thũng của tiểu bang và địa phương. Năm 2010, Quốc Hội đã thông qua một kế hoạch cứu nguy đặc biệt chỉ dành cho công nhân viên tiểu bang và địa phương.

Như thể liệu Washington sẽ nhảy vào cứu nguy những kế hoạch cấp dưỡng công nhân viên tiểu bang bị thất bại không? Đảng Cộng Hòa ở cả hai viện đã đề nghị những dự luật nhằm cấm cứu nguy những kế hoạch cấp dưỡng tiểu bang. Nhưng nếu phải tin những gì Đảng Cộng Hòa nói thì chớ vội tin chuyện cấm cứu nguy của họ.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy một tổng thống Cộng Hòa thúc đẩy liên bang cứu nguy những chương trình cấp dưỡng của tiểu bang và địa phương, xử dụng những lời lẽ bảo thủ cường điệu về quyền của tiểu bang và địa phương - và dưới áp lực của những xí nghiệp đầu tư lệ thuộc vào những tài khoản cấp dưỡng của tiểu bang dành cho kinh doanh.

Trường hợp nào đi nữa, cấp dưỡng công cộng là một nguyên nhân khác khiến nợ thực sự của chúng ta  - được đo lường bằng những nợ không tài trợ - lớn hơn nhiều so với lời thú nhận của bất cứ ai.


Cạn vốn


Đây là chi tiết mà không ai muốn thú nhận, vì thú nhận như thế sẽ làm sập sòng bài của chúng ta: Không có giải pháp nào cho nền kinh tế hiện nay của chúng ta mà không dính dáng đến lãi suất cao hơn nhiều. Vấn đề lớn nhất bên dưới nền kinh tế Hoa Kỳ là lãi suất thấp giả tạo. Đó là nguyên nhân chính của tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô (macro economic imbalances) đang làm cho chúng ta què quặt. Một nền kinh tế không thể thực sự phục hồi cho đến khi lãi suất được cho phép tăng lên để phản ảnh đúng giá thị trường.

Người Mỹ không tiết kiệm. Vào tháng 9/2011, chính phủ báo cáo rằng người Mỹ đã tiết kiệm 3.6% lợi tức của họ, khoản tiết kiệm thấp nhất kể từ năm 2007. Nhưng khoản tiết kiện đó đã là thấp và  thường sút giảm nhiều thập niên. Đầu thập niên 1980, tỉ lệ tiết kiệm cá nhân lên trên 11%. Trong giai đoạn bong bóng Internet của Greenspan, tỉ lệ nầy xuống dưới 4%. Tại đỉnh cao của thị trường địa ốc, tỉ lệ rơi xuống dưới 1%. Sau một đợt phục hồi yếu ớt tiếp theo cơn hỗn loạn tín dụng cuối năm 2008, người ta một lần nữa lại bỏ rơi tiết kiệm năm 2011. Mối ác cảm nầy đối với tiết kiệm không chỉ là một nét tự hủy của người Mỹ. Đó là một đáp ứng bán lý trí đối với những điều kiện thị trường - những điều kiện thị trường vốn đã bị giàn dựng bởi Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED). Lãi suất thấp làm cho người ta nản chí tiết kiệm. Vào lúc viết chương nầy, tôi đang vất vã tìm một ngân hàng có thể trả cho tôi thậm chí chỉ 1% lời. Trong khi đó, lạm phát năm nầy qua năm khác đã là 3.86% - và đó là dựa theo đo lường CPI, vốn phản ảnh rất sai tỉ lệ lạm phát thực sự. Nếu tôi bỏ tiền vào một trương mục tiết kiệm thì lạm phát cướp đi của tôi hơn 2.5% giá trị mỗi năm. Do đó người ta không tiết kiệm là đúng.

Đương nhiên, trong một nền kinh tế mà thị trường định đoạt lãi suất thì những lãi suất thấp như thế chỉ xảy ra nếu có quá nhiều tiết kiệm so với nhu cầu vay vốn. Thử suy nghĩ về điều đó - lãi suất là cái giá mà các nhà cho vay tính để đem tiền tiết kiệm ra cho vay. Giá rẻ trong bất kỳ thứ gì đều có nghĩa là cung cao hơn cầu. Nhưng chúng ta không có tiết kiệm nhiều để cung ứng cho vay thì tại sao chúng ta lại có lãi suất thấp?

Câu trả lời là do sự thao túng của FED.

FED định đoạt lãi suất bằng cách định đoạt lãi suất giảm (discount rate) - để các ngân hàng vay của FED - và bằng cách qui định lãi suất hoán đổi (federal-funds rate) giữa các ngân hàng với nhau. FED qui định lãi suất hoán đổi bằng cách mua hay bán những công khố phiếu (U.S. treasuries) và những chứng khoán khác. Nhờ mua vào những chứng khoán mà FED bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Greenspan và Bernanke đã giữ lãi suất hoán đổi dưới 4% trong phần lớn 20 năm qua. Kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng, lãi suất đã rơi xuống gần không chấm. Như thế FED đã thành công trong việc bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng và do đó đã hạ lãi suất xuống. Đa số những kinh tế gia chính nguồn - và đương nhiên cả Bernanke - đều có vẻ nghĩ đây là phương hướng hồi phục. Nhưng không phải vậy. lãi suất thấp giả tạo là một trong những chướng ngại lớn nhất của phục hồi.

"Thấp giả tạo" nghĩa là gì? Đó có nghĩa là chúng ta có tiền dư trông thấy mà không có ai tiết kiệm cả. Nếu không có sự thao túng của FED thì những khối lượng tiền sẽ tượng trưng cho tiết kiệm, nghĩa là, tiềm năng của tiêu dùng tương lai. Nhưng khi những khối lượng tiền mặt đó bắt nguồn từ những đợt bơm tiền của FED thay vì từ tiền tiết kiệm cá nhân, chúng không tượng trưng cho tiêu dùng được dự phòng. Chúng chỉ tượng trưng cho đồng tiền phá giá. Tiền nầy sẽ không thực sự  được đầu tư vào nền kinh tế. Các ngân hàng có thể xử dụng số tiền tự do nầy của FED để mua công khố phiếu (nghĩa là tài trợ nợ công), và lấy về một ít tiền lời. Đó là tiền tự do không có hoặc có ít rủi ro, nhưng nó cũng chẳng cung ứng chút giá trị kinh tế nào cho Hoa Kỳ.


Lãi suất sẽ tăng


Như thế những lãi suất thấp giả tạo nầy không tài trợ cho cái gì hữu ích, và chúng thực sự loại trừ tiết kiệm, do đó ngăn cản người Mỹ đạt được khả năng đài thọ việc tiêu dùng của họ. Với lãi suất thấp, các ngân hàng không hứng thú trong việc cho vay các xí nghiệp nhỏ và trung bình. Ngược lại tiền vay được dành cho Wall Street để họ tài trợ những đầu cơ phi sản xuất, dành cho những người mua nhà hay cho những sinh viên nhận được bảo đảm của chính phủ. Những công ty lớn vốn có thể truy cập được thị trường chứng khoán có thể tái tài trợ với lãi suất thấp hơn, xử dụng tiết kiệm để mua lại chứng khoán. Tuy nhiên, mua lại chứng khoán không làm kinh tế tăng trưởng. Trước mắt, những xí nghiệp nhỏ và trung bình nào không thể bán chứng khoán và không có bảo đảm của chính phủ sẽ ra khỏi thị trường tín dụng. Lãi suất thấp nầy có ích gì nếu họ không vay được tiền?

Các ngân hàng không có quỹ thực sự để cho vay, vì bất kỳ ai muốn có lãi vay đều cảm thấy lôi cuốn bởi thì trường chứng khoán, hy vọng sẽ có chút may mắn. Như thế sự thao túng lãi suất của FED khuyến khích đầu cơ (speculation) và can ngăn đầu tư (investment) hay tiết kiệm. Khi lạm phát vượt quá lãi suất, ít có lý do gì lại không tiêu xài - vì khó lòng làm cho đồng tiền có lời.

Nhiều tiền hơn trong nền kinh tế khiến đồng dollar mất giá. Điều nầy có nghĩa là người Mỹ đang mất mãi lực (purchasing power). Nói cách khác, hành động của FED khiến cho dân nghèo hơn.

Người nghèo thường dùng tiền để tiêu xài, ít biết tiết kiệm hay đầu tư nhưng thích đầu cơ hơn. Đó có phải là nền tảng của phục hồi không?

Khi chính phủ thao túng giá cả, của cải bị phân bố sai lệch. Với lãi suất cũng vậy, vì đó là giá vay vốn. Kinh tế được định nghĩa là lành mạnh khi nào những tài nguyên được lưu thông đến nơi chúng được khai thác tốt nhất. Cách phục hồi duy nhất là chấm dứt sai lầm mà FED đã phạm phải trong 20 năm trong việc phân phối tài nguyên.

Điều đó đòi hỏi phải nâng lãi suất.

Nếu FED ngưng thao túng lãi suất và bơm tiền vào ngạch thì lãi suất sẽ tăng lên. Nếu các ngân hàng không được nhận tiền tự do của FED thì họ cần phải quay sang những người ký thác để vay tiền. Như cầu ký thác sẽ đưa lãi suất tiết kiện lên. Với lãi suất cao hơn, nhiều người tiết kiệm hơn và việc cho vay vốn sẽ nhiều hơn.  Nếu lãi suất cao hơn thì các ngân hàng sẽ hứng thú hơn trong việc đầu tư vào tiểu thương đang phát triển. Điều nầy sẽ giúp tăng việc làm. Lãi suất cao hơn cũng sẽ làm giảm những hoạt động đầu cơ, chuyển hướng trở lại sang đầu tư kinh doanh hợp pháp. Tín dụng trước đây vốn chỉ được dùng để tài trợ đầu cơ nay ngược lại sẽ được giải tỏa để tài trợ đầu tư vốn hợp pháp. Trong khi đầu cơ làm giàu một số người trên xương máu của người khác, đầu tư hợp pháp làm lợi cho mọi người bằng cách gia tăng sản xuất, tạo việc làm, hạ thấp giá cả, và nâng cao mức sống.

Cho dù bạn không đồng ý với tôi rằng chúng ta cần lãi suất cao hơn để chấm dứt đầu cơ đi nữa thì bạn cũng nên hiểu rằng lãi suất cao hơn cũng vẫn đang xảy đến. Nếu chúng ta tiếp tục chi tiêu và tiếp tục vay nợ, và nếu chúng ta trả dứt món nợ đó bằng cách vay thêm nợ thì sớm muộn gì những chủ nợ cũng sẽ bắt đầu lo ngại hơn và khả năng trả nợ của chúng ta. Họ sẽ bắt đầu đòi lãi suất cao hơn để bù cho rủi ro.

Như thế, nếu lãi suất cao là con đường phục hồi của người Mỹ thì tại sao FED lại cản đường? Vì những gì tốt cho sức khỏe dài tầm của kinh tế Hoa Kỳ đều tai hại cho chính sách kinh tế giả tạo mà FED đang cố duy trì, và tuyệt đối khủng khiếp cho Chú Sam. Chúng ta thử làm toán. Trong tài khóa 2011, tiền lãi nợ lên đến khoảng 3% nợ công. Với ước tính công bình, nợ công vào năm 2020 sẽ vào khoảng $24 trillion. Nếu lãi suất là 7% (có thể hãy còn thấp), lãi nợ sẽ bằng $1.68 trillion mỗi năm, tương đương với tất cả mọi chuẩn chi của năm đó, dựa theo ngân sách tài khóa 2011. Con số nầy vượt xa mọi dự chi cho An Sinh Xã Hội và Medicare.

Trong bối cảnh đó, muốn nợ khỏi tăng trong năm 2020, chúng ta sẽ phải loại bỏ tất cả những chi tiêu thoải mái và cắt giảm 15% những cấp dưỡng. Thử tưởng tượng: toàn bộ mục tiêu của chính phủ liên bang của chúng ta là đánh thuế người dân rồi sau đó chi trả cho những người già và những chủ nợ, phần lớn là nước ngoài. Thay vì giải pháp trên, chúng ta có thể tăng thuế khoảng 50% - trên mọi người chứ không chỉ những người giàu.

Có lẽ chúng ta không chấp nhận bất kỳ giải pháp riêng rẻ nào như trên hay phối hợp chúng một cách đầy đủ. Do đó, nợ công của chúng ta sẽ tiếp tục tăng lên, đẩy chúng ta xuống hố sâu hơn. Tất cả các chính trị gia đều nói đến giảm nợ công, nhưng không có lý do gì tin rằng ai đó có thể thực sự làm giảm nợ được - hay thậm chí chỉ làm cho nó chậm tăng. Tóm lại, chúng ta mắc phải những món nợ mà chúng ta không thể trả được.


Phá sản


Hoa Kỳ dứt khoát không còn có thể trả nợ được nữa. Chính phủ của chúng ta đã hứa quá nhiều điều với quá nhiều người. Phần lớn ngân sách của chúng ta ngày nay đều dành cho cấp dưỡng (entitlements), điều mà chính phủ nói là bổn phận của họ. Bạn nhận được những tài liệu về an sinh xã hội khẳng định rằng bạn sẽ có một số tiền nào đó khi bạn 65 tuổi. Bất kỳ khi nào có một ai đó đề nghị cải tổ Medicare thì những người mị dân sẽ cáo buộc người cải tổ toan cướp "Medicare của bạn."

Chúng ta có thể giảm bớt những hoang phí và tăng thuế người giàu tùy thích, nhưng chẳng bao lâu chúng ta sẽ phải thú nhận phải hy sinh một cái gì đó. Chúng ta dứt khoát không thể trả nợ được. Một người nào đó sẽ bị thối thiếu tiền.

Đây là câu hỏi của tôi: Tại sao chúng ta phải xem trọng những chủ nợ Trung Quốc hơn những người già của chúng ta? Lý ra chúng ta đã không vay tiền của Trung Quốc hay tạo ra An sinh xã hội, nhưng bây giờ khi mà chúng ta bị mắc kẹt, tôi không tin rằng những người già Mỹ - vốn đã đóng thuế cả đời - lại phải chịu hậu quả của chính sách tài chánh sai lầm của Washington trong khi những chủ nợ Trung Quốc lại không hề hấn gì cả.

Khi tôi viết chương nầy, thanh niên Hy Lạp đang biểu tình chống những kế hoạch khắc khổ nhằm tăng thuế và cắt giảm phúc lợi. Họ có phải là những thanh niên hư hỏng, đang hưởng trợ cấp? Chắc chắn là thế. Nhưng họ cũng có điểm đúng. Họ biết rằng họ đang bị hy sinh để những chủ nợ của Hy Lạp - phần lớn là những ngân hàng Đức và Thụy Sỹ - không bị thiệt hại nhiều.

Rồi đây Hoa Kỳ cũng sẽ ở trong tình trạng tương tự, và tôi không mong đợi người Mỹ sẽ dùng những biện pháp khắc khổ (nhằm làm lợi cho Trung Quốc) theo lối người Hy Lạp.

Khi một người không thể trả nợ thì người đó khai phá sản. Sau đó người nầy đưa ra một kế hoạch gia hạn trả nợ càng xa càng tốt, nhưng số nợ phải được giảm xuống.

Đến lúc Hoa Kỳ tuyên bố phá sản.


Tri giác và thực tại


Những con số không nói dối - và chúng cho thấy rằng chúng ta đã phá sản. Nhưng bây giờ tri giác về khả năng thanh toán vẫn còn. Vấn đề là tri giác nầy rồi đây sẽ thay đổi. Có lúc người ta đã xem những người vay nợ khó đòi với lãi suất thật thấp là những người có tín chỉ tốt. Có lúc tri giác đó là có thực đối với chính phủ Hy Lạp.

Tri giác có thể thay đổi nhanh chóng, và thường là thế. Xin nhớ rằng khả năng trả nợ của Hoa Kỳ được dựa trên nền tảng lung lay của lãi suất ngắn hạn thấp. Cách duy nhất chúng ta có thể giả vờ trả nợ là vay tiền để làm thế với lãi suất không chấm. Tôi nói là giả vờ vì nếu bạn phải vay tiền để trả nợ thì bạn không trả nợ gì cả. Tuy nhiên, sự giả vờ chỉ có thể kéo dài bao lâu lãi suất còn thấp và những chủ nợ của chúng ta chịu hợp tác.

Như đã đề cập trên đây, tôi tin rằng Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ đang chơi trò chơi Ponzi. Nợ công luôn luôn tăng lên. Ngay cả trong những năm của Clinton khi mà ngân sách được giả định là thặng dư, nợ công đã tăng lên mỗi năm. Khi công khố phiếu đáo hạn, chính phủ bán công khố phiếu khác để trả nó. Khi phải trả lãi nợ chính phủ vay tiền để trả. Đó chính là cách mà Bernie Madoff tiến hành công tác đầu tư của ông ta. Nó "thành công" một giai đoạn, cho đến khi quá nhiều người đòi tiền trở lại.

Điều gì sẽ xảy ra khi những chủ nợ của Hoa Kỳ đòi tiền lại? Hiện nay, Hoa Kỳ có thể giải quyết những thâm thũng của mình phần lớn bằng cách bán các loại công khố phiếu ngắn hạn (T-bills). Đó là vì lãi suất của T-bills thấp hơn nhiều so với công khố phiếu dài hạn (T-bonds). Điều nầy giúp làm cho những thâm thũng hiện nay của chúng ta nhỏ hơn. Rủi ro là ở chỗ, khi lãi suất cuối cùng lên cao, những thâm thũng tương lai sẽ lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, những chính trị gia đang làm những gì tiện lợi về mật chính trị thay vì hữu hiệu về mặt tài chánh. Đây cũng chính là sai lầm mà những chủ nhà đã phạm phải với tiền vay theo lãi suất điều chỉnh. Họ đã đổi những chi trả ban đầu để lấy những chi trả tương lai cao hơn. Vấn đề là, một khi những chi trả cao hơn kia xảy ra, nhiều người vay tiền không thể trả nỗi. Hậu quả trước mắt là bỏ cuộc.

Khi đồng dollar xuống giá, ngay cả lạm phát tính theo tỉ lệ CPI cuối cùng cũng sẽ tăng lên đến mức không thể chấp nhận được. Kế đó những chủ nợ của chúng ta sẽ không còn muốn cho chúng ta vay tiền với lãi suất thấp như thế. Khi chuyện đó xảy ra, không những tiền lời đáo hạn mà cả tiền vốn cũng thế luôn.

Ví dụ những món nợ với hạn kỳ ngắn, rất có thể trong bất kỳ năm nào đó, hơn $5 trillion nợ sẽ đáo hạn. Vì số tiên đó lớn gấp hai lần số tiền thuế thu được cả năm, lấy đâu ra tiền để trả? Câu trả lời thông thường là chúng ta sẽ không phải trả nợ, vì chúng ta chỉ việc vay thôi. Nhưng nếu chúng ta không thể vay? Điều gì sẽ xảy ra nếu những chủ nợ của chúng ta không muốn triển hạn nợ lãi thấp trong một môi trường lạm phát cao? Cuốn cách nầy mang tựa đề The Real Crash vì một lý do. Đây chính là lý do.

Quả vô lý khi quan niệm cho rằng Hoa Kỳ có thể vay nợ mãi mãi mà không phải trả nợ nào cả. Hàm ngụ trong giả định đó là: phần còn lại trên thế giới sẵn sàng cho vay mà không lấy lại tiền. Điều nầy không xem xét đến phương diện quan trọng nhất của tiến trình cho vay, cái phần liên quan đến việc bạn lấy tiền lại. Nếu bạn không lấy tiền lại thì đó không phải là cho vay; đó là biếu không. Khi những chủ nợ của chúng ta khám phá ra rằng họ thực sự là những ân nhân thì tiền biếu không sẽ ngưng ngay.

Tại một thời điểm nào đó, FED sẽ đối diện với sự thực mà họ đã tìm mọi cách để lần lửa khỏi đối diện ngay. Khả năng của FED muốn giữ lãi suất thấp được tiên liệu qua quyết tâm kèm chế lạm phát. Vì quyết tâm đó không khác nào một màn khói, uy tín của nó dựa trên một sự nói dối. Tuy nhiên, nhiều người không nhận thấy sự nói dối đó. Đó là điều sẽ thay đổi. FED chỉ có thể giữ cho lãi suất thấp bao lâu những chủ nợ của chúng ta còn tin tưởng vào quyết tâm và khả năng kèm chế lạm phát. Nhưng, bất chấp những rêu rao chống lạm phát, FED vẫn không hành động. Thực vậy, lý do chính khiến FED giả vờ không có lạm phát là họ tự biết mình không sẵn sàng chống lạm phát. Họ giả vờ không có lạm phát để không phải đối phó với nó. Nhưng họ phải duy trì ảo tưởng là họ sẽ chống lạm phát, do đó họ nói dối và hy vọng mọi chuyện đều tốt đẹp.

Tại một thời điểm nào đó khoản chênh lệch của CPI sẽ rất cao nên FED sẽ bị bắt buộc phải nâng lãi suất đột ngột hay mất tất cả uy tín còn lại trên vấn đề khống chế lạm phát. Nếu mức chênh lệch CPI là 5% và FED bị buộc phải nâng lãi suất để khống chế nó thì nâng nó từ 0 lên 0.25 sẽ không cắt giảm nó được. FED sẽ phải hành động quyết liệt hơn nhiều. Ngay cả nâng lãi suất lên 3% đi nữa cũng không đủ, vì lãi suất vẫn còn âm. Lãi suất âm sẽ chỉ kích thích lạm phát chứ không khống chế được nó. Muốn đối phó với lạm phát có thể phải cần một lãi suất 7% cho các khoản vay hoán đổi (fed-funds). Tuy nhiên, với 7%, chúng ta không còn có thể trả lãi nợ, chẳng khác gì tình cảnh mất khả năng trả nợ của Hy Lạp.

Chúng ta còn nhớ rằng nhiều năm trước cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, người dân xứ nầy đã từng hưởng được lãi suất thấp kỷ lục. Nhờ vậy họ có thể giả vờ đủ khả năng trả nợ cũng giống hệt như bây giờ người Mỹ đang làm. Trả dứt nợ không phải là vấn đề bao lâu lãi suất còn rất thấp. Nhưng lãi suất rất thấp lại dựa trên tiền đề giả tạo rằng hệ thống tài chánh Hy Lạp thực sự đang hoạt động tốt. Lãi suất thấp ở Hoa Kỳ cũng dựa trên tiền đề tương tự. Một khi tiền đề nầy bị thách thức, sòng bài Hy Lạp bị sụp đổ. Hy Lạp không thể  triển hạn nợ với những lãi suất như cũ, và họ thiếu tiền để trả lãi suất cao hơn. Khi điều nầy trở nên hiển nhiên, tiến trình đi vào thế kẹt và nhanh chóng xảy ra khủng hoảng.

Sự khác biết chính giữa Hy Lạp và Hoa KỲ là Hy Lạp không thể in đồng Euro. Tuy nhiên, sự kiện FED có thể in đồng dollar không thể làm an lòng những chủ nợ của chúng ta. Nó có thể cung ứng một mức độ trấn an nào đó bây giờ, nhưng điều đó sẽ thay đổi một khi đồng dollar mất giá.

Khi những chủ nợ của Hoa Kỳ cuối cùng nói chấm dứt, trò chơi kết liễu. Nhạc sẽ ngưng và nhạc sỹ thổi kèn sẽ đòi tiền. Khi tôi đề cập điểm hiển nhiên nầy với những học giả tài chánh đồng nghiệp của tôi, nói chung, họ bác bỏ điều đó với lý thuyết cho rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra, vì FED sẽ mãi mãi giữ cho lãi suất thấp. Lãi suất không còn thấp mãi cũng như giá nhà đã không có thể tăng mãi được. Điều hấp dẫn là chính những gã đã tin giá nhà lên mãi nay lại cho rằng lãi suất sẽ thấp mãi.

Điều không may là cách duy nhất mà FED có thể giữ lãi suất thấp giả tạo trong khi lạm phát tăng lên là tạo ra thêm lạm phát. Những chủ nợ của chúng ta muốn cho chúng ta vay với lãi suất thấp chỉ vì họ tin rằng lạm phát không phải là một vấn đề, và họ tin rằng, nếu có vấn đề, thì FED sẽ nhanh chóng dập tắt nó. Một khi họ nhận ra không phải thế thì những chủ nợ của chúng ta sẽ từ chối cho vay. Như thế muốn giữ lãi suất thấp FED sẽ phải mua bất kỳ công khố phiếu nào mà những chủ nợ của chúng ta từ chối gia hạn. Vấn đề là càng in tiền ra để trả dứt nợ đáo hạn càng phải tạo ra thêm lạm phát để mua chúng. Tiến trình nầy chính là con rắn cắn cái đuôi. Chẳng bao lâu FED không những chỉ phải mua có công khố phiếu mà mua tất cả những món nợ tính bằng dollar (dollar-denominated debt). Không ai sẽ chịu mua công khố phiếu với lãi suất rẻ hơn tỉ lệ lạm phát chính thức. Đó là khi bản kết toán của FED thực sự vỡ tung. Chẳng bao lâu hỏa hoạn lạm phát sẽ đe dọa đốt cháy đồng dollar và toàn bộ nền kinh tế của chúng ta thành tro. Đến lúc đó, chỉ có một lựa chọn: hoặc siêu lạm phát hoặc quỵt nợ. Đây chính là tảng đá và vách tường mà FED cuối cùng sẽ bị kẹp ở giữa. Dù quyết định thế nào đi nữa thì sự sụp đổ thực sự sẽ bắt đầu. Nếu FED làm đúng và tăng lãi suất đáng kể thì họ sẽ chọc thủng nền kinh tế bong bóng. Những ngân hàng nào được TARP cứu nguy sẽ thất bại một lần nữa, nhưng lần nầy không một ngân hàng nào sẽ được cứu nguy nữa. FED không thể nới lỏng hay siết chặt cùng một lúc. Nếu họ tăng lãi suất và giảm lưu lượng tiền tệ thì không có tiền để tài trợ một đợt cứu nguy khác. Trong bối cảnh đó, giá nhà thực sự sẽ sụt xuống một lần nữa, thất nghiệp sẽ gia tăng, và chính  phủ liên bang và nhiều chính phủ tiểu bang sẽ vỡ nợ. Suy thoái kinh tế tiếp theo sẽ gắt gao hơn nhiều so với năm 2008. Điều đáng buồn là: đây mới thực sự là viễn cảnh màu hồng. Hậu quả thê thảm hơn nhiều bắt nguồn từ việc FED từ chối cho phép viễn cảnh nầy xảy ra. Nếu FED tiếp tục tạo ra lạm phát để trì hoãn tiến trình thì kết quả sẽ là siêu lạm phát và sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế và đời sống.


Tái cấu trúc nợ công


Như thế chúng ta phải thú nhận điều tất yếu. Dứt khóa không cách gì những người thọ thuế Hoa Kỳ có thể trả món nợ mà chính phủ liên bang đã vay. Điều đó có nghĩa là những chủ nợ của chúng ta sẽ thua lỗ lớn. Thực sự chỉ có hai câu hỏi chưa được trả lời.

Thứ nhất, những thua lỗ đó sẽ xảy ra dưới hình thức nào? Hoặc những chủ nợ của chúng ta sẽ không lấy lại đủ số tiền đã cho vay, hoặc mãi lực của số tiền lấy lại sẽ kém đi rất nhiều. Như thế hoặc là chúng ta quịt nợ (default) hoặc chúng ta cho phép lạm phát, nhưng trả nợ đàng hoàng là không thể được. Nếu phải lựa chọn thì  quịt nợ là tốt nhất, thậm chí tốt cho cả những chủ nợ. Câu hỏi thứ nhì là thời gian. Chúng ta sẽ quịt nợ để tránh một cuộc khủng hoảng hay để phản ứng với một cuộc khủng khoảng? Chúng ta quịt nợ theo những điều kiện của chính chúng ta hay theo những điều kiện mà các chủ nợ áp đặt lên chúng ta? Tôi cho rằng chúng ta quịt nợ càng sơm càng tốt, và những điều kiện sẽ thuận lợi hơn khi chính chúng ta là những người đưa ra những điều kiện đó.

Khi dùng chữ default, tôi không nói là quịt hết mọi món nợ. Nhưng tôi nói đến một tái cấu trúc, qua đó những chủ nợ được trả ít hơn số nợ thực sự. Nếu chính phủ của chúng tôi thiếu nợ bạn thì bạn sẽ không lấy lại đủ 100 cents cho một dollar. Bạn có thể nhận 30 cents cho một dollar. Tùy theo bạn là ai và bản chất của món nợ Mỹ đối với bạn là gì, bạn có thể nhận nhiều hay ít.

Chúng ta nên bàn cãi phải quyết định trả cho ai và trả bao nhiêu. Trong khi, thông thường, một thẩm phán về phá sản quyết định việc nầy, chúng ta là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và không một thẩm phán nào đứng trên chúng ta được. Chúng ta phải quyết định những gì công bằng nhất.

Nếu chúng giải quyết những cấp dưỡng an sinh xã hội theo trắc nghiệm phương tiện (means-test), điều mà chúng ta nên làm, thì có thể chúng ta phải giải quyết những món nợ khác cũng bằng trắc nghiệm phương tiện? Những ngân làng phát đạt có thể nhận ít hơn những bà cụ đang nắm giữ công khó phiếu. Điều đó có thể là công bằng nhất, hay chúng ta cho người Mỹ ưu tiên hơn người ngoại quốc.

Có lẽ chúng ta nên đối xử mọi người một cách bình đẳng tối đa, nhưng sự thể sẽ trở nên phức tạp hơn khi chúng ta nhìn nhận rằng công khố phiếu ngắn hạn (T-bills) và công khố phiếu dài hạn (T-bonds) không phải là những món nợ duy nhất mà chúng ta có mà một số chi tiêu của chúng ta cũng là một loại nợ. Không có câu trả lời nào dễ dàng cả. Đó là lý do chúng ta cần bắt đầu tuyên bố phá sản.


Quịt nợ là xấu, nhưng không có lựa chọn nào khác.


Tôi biết chính xác những học giả kinh tế sẽ phản ứng ra sao khi nghe đến lời khuyên của tôi.

Peter Schiff nói rằng chúng ta nên quịt nợ! Quả thật là vô trách nhiệm! Sao ông ta dám thốt ra những lời như thế!

Chúng ta đã thấy những phản ứng hốt hoảng tương tự trong buổi thảo luận về nợ trần (debt-ceiling) năm 2011. Điều duy nhất mà tất cả các lãnh tụ của cả hai đảng đều đồng ý là: quịt nợ là không thể chấp nhận được. Thực vậy, cả hai bên đề tấn công nhau bằng cách nói rằng bên kia chỉ "muốn quịt nợ thay vì cắt giảm chi tiêu," hay "muốn quịt nợ thay vì chấm dứt giảm thuế cho người giàu."

Quịt nợ là điều cấm kỵ duy nhất. Nhưng chúng ta làm gì khi điều cấm kỵ của chúng ta là khó tránh khỏi? Thực vậy, nếu thử đặt lựa chọn quịt nợ lên bàn thì chúng ta để những chủ nợ của chúng ta biết họ bị xếp hạng thấp thế nào trong những ưu tiên trả nợ. Theo quan điểm của họ, điều nầy lý ra đã là một thú nhận chính thức rằng chúng ta đã chơi trò chơi Ponzi lớn nhất thế giới. Chúng ta lưu ý những chủ nợ của chúng ta rằng chuyện quịt nợ là khó tránh khỏi. Những nhà lãnh đạo của chúng ta lý ra có thể đã dẹp chuyện quịt nợ ra ngoài bằng cách nói rằng chúng ta sẽ ưu tiên trả nợ của chúng ta trước mọi chi tiêu khác của chính phủ. Họ đã không làm thế. Xin nhớ rằng nợ trần tự nhiên được đặt ra. Không nâng nợ lên chỉ có nghĩa là từ chối vay nợ. Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi chúng ta đụng phải "trần cho vay (lending ceiling)"? Đó là một giới hạn mà chúng ta không thể vi phạm, vì chúng ta không có khả năng dở hỏng nó lên được. Những chủ nợ của chúng ta đã biết câu trả lời vì chúng ta đã nói với họ. Nếu họ từ chối cho chúng ta vay thêm nợ thì chúng ta sẽ từ chối trả lại cho họ số tiền mà chúng ta đã vay!

Một lần nữa, nếu chúng ta cố trả dứt nợ thì căn bản chúng ta sẽ phải dẹp bỏ mọi thứ mà chính phủ làm, nhưng vẫn giữ thuế cao. Những chức năng duy nhất của chính phủ sẽ là thu thuế và sau đó chi trả cho các chủ nợ. Chúng ta sẽ là một thuộc địa của Trung Quốc và Wall Street. Bạn nghĩ hoàn cảnh đó sẽ kéo dài đến bao giờ?

Và tăng thuế 50% chỉ để duy trì nợ ở mức độ hiện nay? Làm thế cũng sẽ không hiệu quả.  Bạn sẽ đi đến hoàn cảnh như trong tiểu thuyết Atlas Shrugged  của Ayn Rand, khi tất cả những người làm ra của cải chạy ra nước ngoài hay lao vào chợ đen.

Cách khả thể duy nhất để trả nợ là bằng lạm phát thật nhiều. Nhưng lạm phát thật nhiều cũng chẳng khác nào  quịt nợ. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ trả những công phố phiếu cho bạn, nhưng giá trị chỉ bằng phân nửa hay ít hơn thế. Dĩ nhiên bạn vẫn nhận được cấp dưỡng Social Security, nhưng chúng tôi sẽ làm cho những điều chỉnh đắt đỏ không thực sự tương ứng với vật giá gia tăng mà chúng tôi đã tạo ra bằng cách in tiền.

Cho dù thăm dò hết mọi khả năng đi nữa thì chúng ta vẫn không thể trả dứt nợ. Chúng ta thú nhận điều đó càng sớm càng tốt. Nếu ngày nay chúng ta tuyên bố phá sản - trong lúc nợ chính thức của chúng ta "chỉ mới" $15 trillion hay $16 trillion - những chủ nợ của chúng ta sẽ khá hơn là nếu chúng ta chờ đến khi nợ lên để $20 trillion hay $21 trillion. Vấn đề không phải quịt nợ là xấu hay tốt. Vấn đề là quịt nợ co khá hơn là không quịt nợ. Sự thực cho thấy rằng lạm phát còn tệ hại hơn cả tái cấu trúc nợ. Vạ lây cho nền kinh tế của chúng ta và những mất mát thực sự cho những chủ nợ của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều nếu chúng ta cho lạm phát. Ngay bây giờ, chúng ta không cố chỉnh hướng con tàu. Mỗi năm, chúng ta gia tăng thâm thũng và tăng tóc độ nợ. Không những chúng ta giảm bớt nợ mà thậm chí chúng ta cũng không làm cho nó tăng chậm lại.

Cường điệu của hai đảng về vấn đề kiểm soát thâm thũng luôn luôn chấm dứt với một trò hề khó hiểu nào đó, giống như một ủy ban (commission), một siêu ủy ban (super-committee), hay một thỏa thuận nào đó nhằm khống chế bớt những gia tăng trong chi tiêu bừa bãi. Tuy nhiên, bất ký đề nghị cắt giảm nào cũng đều bị bác bỏ, và những lựa chọn khó khăn đều bị trì hoãn thêm một lần nữa. Cho dù chúng ta không đạt được một thỏa thuận nào đi nữa, những con số được đưa ra chẳng quan trọng gì cả. Các chính trị gia có làm cho những con số nghe lớn lao bằng cách đề nghị những cắt giảm theo những thời biểu dài hơn mười năm, như trường hợp kế hoạch cắt giảm tự động $1.2 trillion thỏa thuận năm 2011 như một phần trong dự thảo gia tăng nợ trần. Hơn 200 tỉ của cái mệnh danh là "cắt giảm" chỉ tượng trưng cho lãi nợ được giảm xuống trên những thâm thũng nhỏ hơn, với cả ngàn tỉ trải dài trên mười năm. Không một cắt giảm nào tượng trưng cho cắt giảm thực sự trong chi tiêu chính phủ, mà chỉ là những cắt giảm tốc độ chi tiêu đó. Cắt giảm duy nhất đáng kể là những cắt giảm năm đầu tiên. Do đó Quốc Hội có thể kể công đã cắt giảm chi tiêu mà không hề cắt giảm một cái gì cả. Thực dễ dàng bỏ phiếu cho những cắt giảm chỉ xảy ra nhiều năm trong tương lai vì biết rằng những cắt giảm đó khó có thể có hiệu lực. Quốc Hội ngày nay không thể buộc một Quốc Hội tương lai tôn trọng những đề nghị ngân sách, do đó tất cả những gì họ thực sự đạt được đều là đề nghị cả. Luôn luôn có cớ để trì hoãn những cắt giảm.

Như thế mọi người đều chỉ giả vờ là họ có thể giải quyết vấn đề nợ. Đảng Cộng Hòa nói về một tu chính ngân sách cân bằng. Nhưng họ biết đây là một cách vô hại để thắng điểm. Cần phải có 67 phiếu ở Thượng Viện và 290 phiếu ở Hạ Viện để đề nghị một tu chính hiến pháp. Sau đó, 38 tiểu bang cần phải phê chuẩn tu chính đó.

Với những thủ tục phức tạp như vậy, các nhà lập pháp Cộng Hòa được tự do huênh hoang mà không sợ bị ràng buộc bởi một ngân sách cân bằng.

Trò chơi giả vờ của Đảng Dân Chủ tạp trung trên việc đánh thuế người giàu. Họ nói giống như nợ của chúng ta sẽ chấm dứt nêu chúng ta chỉ việt để cho kế hoạch giảm thuế của Bush đáo hạn, đưa thuế suất lên cao một vài điểm. Nhưng nếu bạn muốn cân bằng ngân sách của chúng ta bằng cách bóp vắt người giàu thì bạn sẽ cần đánh thuế hầu hết lợi tức của họ, lúc đó bạn sẽ thấy lợi tức thọ thuế của họ sẽ giảm xuống. Nếu bạn đã tăng thuế mọi người một cách đáng kể thì bạn có thể cân bằng ngân sách, nhưng bạn sẽ phải tiếp tục làm thế sau nầy.

Những tranh cãi nầy - Cộng Hòa gọi là một tu chính ngân sách cân bầng, và Dân Chủ gọi là tăng thuê vì đấu tranh giai cấp -  chính là cách những chính trị gia giả vờ rằng vấn đề nợ của chúng ta có thể giải quyết được. Mọi người đều muốn giả vờ rằng chúng ta thực sự có thể trả được nợ. Chúng ta không thể tra nợ.

Trên quan điểm đạo đức, chúng ta cũng đừng nên quan tâm. Điều vô đạo đức chính là đưa ra những lời hứa mà Quốc Hội đã hứa - đặt để những thế hệ tương lai trên núi nợ do những chương trình bất khả kham. Và tôi không cảm thấy khó chịu mấy nếu những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chúng ta phải chịu mất một phần tiền. Họ đã truy cập vào ngân sách của chúng ta. Họ có thể đọc những cuốn sách của tôi. Họ biết rằng ho đã cho một quốc gia què quặt về tài chánh vay nợ.

Và hậu quả ra sao đối với tín chỉ của chúng ta và khả năng vay nợ nữa trong tương lai? Đương nhiên, quịt nợ sẽ gây khó khăn cho chúng ta khi muốn vay nợ rẻ. Cũng như gã chạy nợ có chiến thuật, chúng ta sẽ chạy nợ dù biết rằng lãi suất tương lai sẽ gia tăng, nhưng tính ra đó hãy còn là một động thái tốt. Bất kỳ điều gì ngăn cản chính phủ Mỹ vay tiền đều tốt cả. Thứ nhất, tiền vay được xử dụng để bành trướng chính phủ trên thiệt hại của nền kinh tế. Thứ nhì, tiền vay phải được trả lại có lời. Tôi không muốn chính phủ Mỹ buộc tôi phải trả nợ cho những chỉ tiêu chính phủ mà trước tiên tôi không thích có. Nếu chính phủ của chúng ta hoạt đông thích hợp thì chúng ta sẽ không thường xuyên vay nợ. Chú Sam sẽ vay nợ ngắn hạn để giải quyết những trường hợp khẩn cấp. Và sau khi chúng ta đã tái lập một chính phủ được hạn chế về phạm vi và có kỷ luật chi tiêu, thì những chủ nợ sẽ xem chúng ta như một tay chơi an toàn hơn  bây giờ.


Thanh toán


Bây giờ thử tưởng tượng một Hoa Kỳ phá sản. thay vì choi trò giả vờ và xuyên tạc hệ thông chính phủ và tài chánh hiện có, chúng ta có thể tái dựng lại từ đầu. Muốn trả nợ cho những người chúng ta thiếu, chính phủ Ha Kỳ sẽ phải bán hết những tài sản và đốn toàn bộ các phủ bộ. Nghị trình mà tôi đề cập trong chương vừa qua không khả thi mà còn tất yêu trong trường hợp phá sản.

Tất cả những chi tiêu không cần thiết sẽ được chấm dứt, giao cho các tiểu bang và khu vực tư. Đất đai và công thự liên bang sẽ mang ra đấu giá. Những chương trình trợ cấp liên bang sẽ bãi bỏ. Trong một tiến trình nhanh chóng nhưng trật tự, chính phủ sẽ thanh toán mọi thứ có thể được. Sau khi bán hết những gì có thể bán và trả nợ được chừng nào hay chừng đó, chúng ta sẽ hủy hết nợ của chúng ta. Cổ xe sẽ sạch sẽ. Tương tự như một công ty kinh doanh đã xóa hết những đầu tư xấu, chính phủ Hoa Kỳ sẽ được giải phóng khỏi những hoạch định chính sách cẩu thả trong thế kỷ vừa qua của Washington. Đây là cơ hội chỉnh hướng con tàu.

Những chương trình như Social Security và trợ cấp nông nghiệp sống sót đến ngày nay không phải vì người ta nghĩ chúng là một ý tưởng tốt mà vì có những quyền lợi ích kỷ muốn bênh vực chúng, và những nhà cải cách bị bác bỏ vì bị xem là cực đoan. Nếu phá sản buộc chúng ta hủy bỏ những chương trình nầy, bạn có thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ thiết lập chúng trở lại sau nầy không, nhất là khi biết rõ những gì chúng ta biết bây giờ? 

Khi chính phủ Hoa Kỳ chịu đựng vài năm phá sản, những chính phủ tiểu bang sẽ đứng ra cung ứng những dịch vụ quan trọng mà Washington đã cung ứng. Các cơ quan bất vụ lợi và những tổ chức tôn giáo sẽ đứng ra lấp vào những chỗ trống để lại do những chương trình như Medicare bị dẹp bỏ. Và những cơ sở thương mại và gia đình nào đã từng lệ thuộc và chính phủ sẽ trở nên tự lập hơn.

Những kỹ nghệ nào đã từng được chính phủ dựng lên, như năng lượng tái chế và ngay cả phần lớn khu vực tài chánh, sẽ thu nhỏ lại, tái phối trí hay thậm chí biến đi. Tài sản sẽ từng bước bắt đầu tự bố trí theo giá trị kinh tế thay vì theo sở thích chính trị.

Chúng ta sẽ không tự thấy mình trong tình cảnh hỗn loạn như trong bộ phim Mad Max của Úc hay một thế giới hậu tận thế. Sẽ không có cảnh ăn thịt người, và những công sở của chúng ta sẽ không bắt đầu sụp đổ. Sẽ có một số "khắc kỷ" trong giai đoạn nầy, nhưng đó chỉ là cơn sốt nhằm giải độc nền kinh tế.

Tôi xin hỏi bạn: Giải pháp thay thế là gì? Giả vờ và giả vờ rằng chúng ta có thể trả được những món nợ của chúng ta cho đến một ngày, đùng một cái như Hy Lạp, những chủ nợ của chúng ta ùn ùn đến rút tiền? Hay chúng ta sẽ cố cho lạm phát để thoát nợ, liều cho siêu lạm phát, và sụp đổ hoàn toàn?

Nền kinh tế của chúng ta và chính phủ của chúng ta đang nằm trong một chiếc xe lạc tay lái, đang tăng tốc xuống sườn đồi đóng băng. Tôi nói rằng chúng ta cần phải đưa nó vào hố bên đường trước khi sự thể trở nên thậm chí tệ hại hơn. Chúng ta không né tránh sự sụp đổ nầy. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là cố tự mình kiểm soát nó và cài dây an toàn chờ xe lật bên đường.




Xin tìm đọc

HOA KỲ TRƯỚC HIỂM HỌA PHÁ SẢN  - Đông Yên Lương Tấn Lực

Phỏng theo "America' Coming Bankruptcy: The Real Crash" - Peter Schiff

Có bán tại Nhà Sách TỰ LỰC, TÚ QUỲNH và các nhà sách Việt Nam tại Mỹ

Hoặc đặt mua trực tiếp tại

Đỉnh Sóng P.O. BOX  5201, Santa Ana CA 92704-9998

(714) 473-3691 * Email: dinhsong.net@gmail.com

1 commentaire:

  1. Thưa Caroline Thanh Hương,

    Tôi xin phép tự giới thiệu là tác giả của cuốn “Hoa Kỳ trước hiểm họa phá sản” chuyển ngữ từ cuốn “America's Coming Bankruptcy: The Real Crash” – Peter D. Schiff

    Thật là một tình cờ lý thú khi mở link

    http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/07/kinh-te-hoa-ky-ben-bo-vuc-americas.html

    Bài viết trên trang blog nầy quá ư hàm súc và minh bạch, hàm súc hơn cả phần giới thiệu ngắn của tác giả ở địa chỉ:

    http://www.dinhsong.net/DS/GioiThieuTacPham.aspx?ind=13

    Xin chân thành cám ơn Caroline Thanh Hương đã giúp một tay quảng bá tác phẩm nầy của Peter D. Schiff và hỗ trợ công trình của dịch giả.

    Trân trọng

    Đông Yên Lương Tấn Lực


    RépondreSupprimer