caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 30 juillet 2014

TRÊN XỨ LÀO HUYỀN BÍ, Đời Sống Thôn Dã , phần 1 , tác giả Trần Trọng Thiện

 TRÊN XỨ LÀO HUYỀN BÍ


   ĐỜI  SỐNG  THÔN  DÃ

     Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Lào đã sống êm đềm trong những xóm nhỏ nằm ở ven sông Cửu Long ( Me Nạm), hay bên những nhánh sông con chẩy ra sông lớn, hoặc bên những dòng suối đổ từ núi cao rừng rậm, uốn khúc chẩy về.
      Nhà , thuộc loại nhà sàn để tránh ẩm ướt vào những lúc đất bị ngập lụt hay lầy lội do những trận mưa tràn trề đổ xuống. Những căn nhà thường cách nhau 20 đến 25 thước tây và tùy từng số người ở trong nhà hay theo tình trạng sung túc của chủ nhân mà có bề rộng từ 6 đến 12 thước chiều dài. Một
chiếc thang cây không tay vịn đặt nằm nghiêng gối đầu lên sàn dùng để bước lên nhà, đầu tiên là một hàng ba, một hành lang chạy dài phía trước nhà, có nóc che, có mành cuốn lên xuống để che mưa. Hàng ba này dùng làm căn phòng công cộng cho nơi tiếp khách, nhà bếp, nhà ăn. Nghe theo danh từ thì có vẻ hoàn mỹ, đủ tiện nghi, nhưng thật sự, nơi tiếp khách chỉ là một khỏang rộng trên sàn, chùi lau sạch sẽ, nhà bếp là nơi đặt bếp lửa nấu nướng bằng củi ngay trên sàn, chùi lau sạch sẽ, mà chỗ tụ họp ăn uống thì ở sát ngay bên cạnh, không bàn ghế, người ăn chỉ ngồi xếp bằng thành vòng tròn quanh
mâm cơm.
 
      Sau hành lang, có một phần chạy theo chiều dài của căn nhà, được chia thành căn rộng ở mặt tiền, và một doc phòng nhỏ, có cửa mở ra đi vào phòng  măt tiền nơi đặt một bếp lửa để sưởi ấm, và ở ột góc, có chỗ nhang khói thờ cúng thần linh ( họ gọi là Phỉ ) , như bên ta thường thờ Thổ Địa hay Thần Tài. Phòng này là nơi tụ họp của gia đình, không có chỗ thờ Phật như bên ta, vì chùa, mới là nơi tôn kính để an vị tượng Phật và là nơi họ thường tới lui trong nhiều dịp lễ, hội, hoặc ngày thường. Các phòng nhỏ phía sau làm
chỗ ngủ, một phòng cho mỗi người trong gia đình. Những người trai trẻ chưa vợ thường ngủ ở ngoài hàng ba, cũng là chỗ dành cho những người khách từ xa đi qua nhờ ngủ trọ, hay ngủ ở phòng mặt tiền. Trong các phòng nhỏ, trên sàn, có trải nệm. Sàn lót bằng ván gỗ.
    
         Phần tường phía trong và chung quanh các phòng, làm bằng ống nứa
đập ra đan lại dựng lên cao vừa phải, không đụng tới mái nhà để không khí 
dễ dàng lọt vào. Cửa sổ, nếu có, lại nhỏ khiến trong nhà hơi tối tăm và ngột
ngạt.
 
 
           CÁCH  SINH  HOẠT  HẰNG  NGÀY
 
         Trời còn tối mờ mờ, hơi sương đêm còn đang ôm trùm thôn xóm. Một
vài nhà đã thấp thoáng có làn khói trắng mờ đục chậm chap tỏa ra ở góc mái tranh, nơi phía dưới, bếp lửa đã được nhóm lên do bà mẹ thức dậy trước, sửa soạn vỉ gạo nếp ngâm nước từ tối qua, sẽ hấp thành sôi, lo bữa ăn cho cả nhà.
          Tiếng gà trống đã gáy, một tiếng, hai tiếng, rồi ồ ạt từ đầu xóm đến cuối xóm rộn lên những  ò. ó.. oooo.... ò ò ò .... vang dội, trộn lẫn với tiếng giã gạo
phầm phập của mọi nhà do các cô gái đang nhanh nhẹn giã thóc trong cối
( một thân cây to lớn có đục lỗ tròn ở giữa ). Cái chầy gỗ to nặng, không xử
dụng bằng hai bàn tay ôm vào như bên ta, mà lại được đóng nêm chắc vào 
đầu một cây gỗ dài 2 mét 50, được gọt đẽo, gác lên một bệ cây ngang để phía cuối có người đứng lên bước xuống. Đầu cây mang chày được nâng cao, buông nhanh xuống hạ vào lỗ cối tạo ra tiếng dội xầm xập, vang động. Cùng lúc, cả xóm đều thi nhau nhịp iếng chày ồn ào báo hiệu một ngày cần lao đã mở màn .
 
          Thóc lúa thu hoạch từ mùa gặt được mang về chứa trong các lẫm hay bồ , cũng đan bằng tre, đặt trên những cây cọc vững chắc, cao khỏi đầu người, có mái tranh che mưa, nắng, nằm sát cạnh căn nhà. Gạo cần đủ ăn cho ngày nào thì các cô phù sảo mang thóc ra giã cho đủ ngày nấy. Vì số người trong nhà ai cũng có công việc cố định bận bịu suốt ngày, nên người nào việc nấy, đôi khi rảnh rỗi mới giúp việc nhà cho nhau. Cối giã gạo đặt ở dưới nhà  sàn, trên mặt đất, bên cạnh chuồng heo, chuồng gà. Phía xa hơn, một khung cửi đang nằm, đợi bàn tay khéo léo của các cô còn tập dượt và các bà mẹ đầy kinh nghiệm trong nghề dệt thủ công . 
 
         Vài con gà mẹ nhẩy ra khỏi chuồng, theo sau là đàn gà con, chạy lon ton, kêu chíp chíp, nương chân mẹ nhặt những hạt gạo tấm rơi rớt quanh cái cối.
Con gà trống quanh quẩn ở gần, thỉnh thoảng áp sát gà mái xoè cánh rung rẩy, tìm cách ve vãn tỏ tình. Các chú vịt đực bập cánh phần phật, kêu lên pét pết pết pết pết pết ( pết, tiếng Lào : vịt ) , và các chị vịt cái bước đi chậm chạpcùng lên tiếng ạp ạp cho thêm phần náo nhiệt. Đôi khi con chó vện ở đâu chồm lại, đuổi đàn gà vịt tháo chạy tán loạn, trong khi chó sủa vang, thích thú. 
Con lợn trong chuồng bắt đầu rên  i  ỉ  , lúc lại rít lên  in  ít  , khiến cô thiếu nữ
giã gạo vừa xong là phải xoay qua cắt thân cây chuối để sẵn thành từng khoanh mỏng, trộn với cám, dội nước vào, mang đổ vào máng cho lợn ăn. Được no nê rồi, chú mới chạy tung tăng ra ngoài chuồng                         
ve vẩy đuôi, đánh bạn với gà vịt đi nhặt những cái gì ăn được, rơi vãi dưới đất.
   
           Trên nhà sàn, lúc này bà mẹ đã đổ gạo nếp ngâm từ tối bữa trước vào chõ bằng nan tre đan, cho vào nồi hấp, giờ đã chín. Nhấc chõ ra, bà đổ cơm nếp vào một cái mâm gỗ rồi tay trái cầm đũa cả gạt cơm cho rời ra, tay phải xô cơm qua lại cho đều, để cuối cùng hạt cơm nếp nào cũng đã bốc hơi, không còn dính vào nhau. Với hai tay , bà gom gọn cơm thành từng vốc nhỏ, lăn qua lăn lại cho vừa bằng hai bàn tay ôm, rồi đem đặt vào một cái vỉ ( gọi là  " típ khầu " ), hình hộp tròn đan bằng tre mềm, có nắp. Cơm nếp này bỏ vào nhiều hộp đủ cho bữa ăn sang cho cả gia đình, đặc biệt là lúc ăn, họ bốc ra từng nắm r62i nặn thành cục sôi dẻo mà không hề dính tay, không như cơm nếp ta nấu, nếu bóp lại thì dính bệt vào tay là cái chắc, do cách bà mẹ san gạt cơm nếp như vừa kể trên.
 Bỏ sôi vào " típ khầu " xong, còn sót lại một ít, bà mang bỏ vào cái tô sạch, có vải phủ kín, để chốc nữa mang đến chùa dâng cho sư, cùng với các bà mẹ khác, ngày nào cũng thế, thay nhau, người món này, người món nọ, bánh trái hoa quả, đem đến bỏ vào cái ô đồng  sư mang bên người, khất thực ở cửa chùa để sư thụ trai, mỗi ngày chỉ một bữa ăn.
 
       Các nhà sư thuộc môn phái không ăn chay, nên thức ăn nhà nào có gì thì chia sớt món nấy không cần phải cầu kỳ chay hay mặn. Ở quận hay tỉnh có nhiều chùa lớn, số sư và sãi cũng gia tăng, từ 6 đến 10 người, mỗi buổi sáng
từng đoàn vào thành phố khất thực, đi qua những đám phần đông là phụ nữ
ngồi xổm dưới đất, cúi đầu, tay bốc sôi và thực phẩm khác, bỏ vào ô sư ông
mang bên người vừa nghiêng mình vừa mở nắp, không tỏ một lời cám ơn ,
vì người cho như vậy sẽ được phước, càng cho nhiều vị, càng được phước nhiều .
 
 
    (  còn tiếp, xin xem ở  2 kỳ sau )
 
          Trần Trọng Thiện
             
               
 
 
 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire